Kí Ức Đông Dương - Chương 01
CẢ ĐẤT NƯỚC MÚA LĂM VÔNG
Các chiến sĩ quân đội nhân dân Lào - hình tượng tiêu biểu những con người của xã hội mới trên đất nước Lào đang đổi mới hôm nay.
Đi đến các đơn vị quân đội nhân dân Lào, qua các làng mạc, các thành phố, trên những dọc đường sông nước đò giang khắp nước, đâu tôi cũng thấy rực rỡ những hình ảnh ấy.
Ở lịch sử chiến đấu của một quân đội cách mạng, ở tinh thần mỗi chiến sĩ và tinh thần cách mạng mỗi chiến sĩ đương bồng bột trong tuổi trẻ cả nước. Ở mọi người mà tôi tiếp xúc, chan chứa tình cảm và tấm lòng nhân dân đối với chiến sĩ, một tình thương mến, một tấm gương tỏa sáng từ đơn vị Lát Sa Vông đầu tiên của quân đội cách mạng Lào.
Tinh thần mới ấy thực sự được bắt nguồn từ truyền thống độc lập quật cường của dân tộc được cách mạng hun đúc, đương đi sâu và phát triển trong mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp nhân dân. Nước Cộng hòa Nhân dân Lào đương sôi nổi đứng lên xây dựng và bảo vệ đất nước, mà lực lượng trụ cột là tuổi trẻ cách mạng.
Kể chuyện đất nước, kể chuyện tuổi trẻ đất nước là kể chuyện các chiến sĩ. Tôi đã đến với các chiến sĩ đáng yêu đấy.
Mỗi ngày ở Lào, tôi càng thấy hòa lẫn sâu sắc trong tâm hồn con người sôi nổi cuộc sống cách mạng, bao giờ cũng đượm bóng dáng truyền thống lịch sử của dân tộc, của quê hương. Chỉ có con người thuần phác ấy trong vẻ hiền hòa của cánh đồng, của chùa tháp tĩnh mịch và của cây vườn cây rừng Lào xanh một màu xanh bồng bột lạ lùng.
Trung đoàn X, một trong những đơn vị đương làm nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô - các chiến sĩ của Thủ đô Viêng Chăn.
Doanh trại bộ đội thấp thoáng trong vườn xoài như một làng ven nội. Một con suối đục nước mưa mới chảy quanh xóm. Các chị trong xóm ra xúm xít kéo vó. Hoa sen nở đỏ thẫm trên mặt ao thả cá mới đào năm ngoái.
Chúng tôi ngồi trong phòng ban chỉ huy trông ra Viêng Chăn, nghe kể chuyện lịch sử trung đoàn. Cả hai mươi năm phát triển của trung đoàn anh dũng này là hai mươi năm chiến đấu tiến vào Viêng Chăn, cho tới khi thực sự tiến vào giải phóng Viêng Chăn.
Trung đoàn trưởng Sai-nha Súc Cham-pa quê trên Luông Pha-bang, người đã có mặt ở trung đoàn từ những ngày đầu tiên. Khi đó, anh là một thanh niên vừa rời làng quê trên phía Bắc đất nước tìm ra vùng giải phóng gia nhập quân đội cách mạng.
- Vâng, rồi các đồng chí sẽ đến với từng đơn vị của anh em chúng tôi. Nhưng tôi cũng phải phác qua vài nét để các đồng chí hình dung trước được. Trong tình hình hiện nay, quân đội nhân dân Lào chúng tôi trên cả nước đương trong hòa bình, lại cũng đương trong tư thế chuẩn bị chiến đấu. Nhiệm vụ thật phức tạp và nặng nề. Bởi vậy, phải kể đến hai mặt công tác và sự phát triển của quân đội cách mạng trong tình hình mới. Chúng tôi luôn luôn sẵn sàng chiến đấu và chúng tôi cũng ra sức công tác chính trị, xây dựng lực lượng dự bị và tăng gia sản xuất tự túc. Thành tích sáu tháng đầu năm nay của chúng tôi đã đạt được những việc đáng kể. Trước nhất, chúng tôi hoàn thành kế hoạch diễn tập chiến đấu. Chúng tôi giúp các làng, các phố trong vùng đóng quân xây dựng tổ chức thanh niên, phụ nữ, chúng tôi lập cho xã và khu phố nhiều đại hội dân quân tự vệ. Đợt tuyển quân đầu năm, thanh niên thành phố xung phong nhập ngũ rất đông, hơn cả chỉ tiêu cần lấy. Chúng tôi vỡ đất cày ngay trong vùng này thôi, mùa vừa rồi, thu lúa nương, lúa ruộng được năm mươi hai tấn. Đại hội nào cũng đào ao thả cá, nuôi trâu bò và lợn gà vượt kế hoạch dự định.
Những con số, những công việc mang ý nghĩa của một quân đội cách mạng, vừa tiêu biểu tinh thần mới, vừa trở thành sức hút mạnh mẽ đối với xung quanh.
- Mỗi đơn vị trung đoàn chúng tôi đều là hình ảnh sự họp mặt của các dân tộc cả nước. Đơn vị nào cũng có thành tích, được nhiều huân chương đơn vị và cá nhân. Xin mời các đồng chí đến tiểu đoàn 1. Đến đây, có thể thấy rõ hơn lịch sử chiến đấu của trung đoàn chúng tôi. Trong hai mươi năm, tiểu đoàn này đã đánh trên ba trăm trận. Tiểu đoàn 1 đã vào Viêng Chăn hoạt động từ năm 1973 - trước giải phóng hai năm - và bây giờ làm nhiệm vụ bảo vệ Viêng Chăn. Nó chính là tinh thần Viêng Chăn mới, Viêng Chăn cách mạng.
Doanh trại tiểu đoàn 1 trong một vườn cau chen lẫn những bụi trúc. Chúng tôi qua các cánh rừng thưa. Có lẽ ở đây gỗ nhiều hơn tre trúc. Cứ trông nhà cửa thì có thể đoán biết. Các nhà trong làng và doanh trại nhà nào cũng sàn gỗ vách gỗ tốt đen bóng.
Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn I là Thong Sa-vát và chính trị viên Luông Chay, cả hai đều rất trẻ, nước da đen cháy. Câu chuyện được kể trong nét mặt tươi tắn; đôi lúc chợt đăm đăm, mỗi khi các đồng chí nói đến những bước gian khổ phải vượt qua, những đồng đội đã ngã xuống trong chiến đấu.
- Tiểu đoàn chúng tôi được thành lập ở Sầm Nưa năm 1957. Hồi ấy, cũng vào giữa mùa mưa như thế này. Có lẽ không đâu trên thế giới có quân đội cách mạng trải những hoàn cảnh khác thường đặc biệt như quân đội cách mạng Lào. Chúng tôi đã liên tiếp, lúc cầm súng, lúc ngồi bàn hội nghị, rồi lại cầm súng rồi lại hội nghị quân sự phối hợp… Hai mươi năm nay trải nhiều cuộc đấu tranh chính trị, tham dự nhiều chiến dịch lớn, nhưng một điều đặc biệt mà chúng tôi luôn luôn phấn đấu là lúc nào tiểu đoàn chúng tôi cũng giữ được đủ quân số và trong tiểu đoàn bao giờ cũng bao gồm thành phần ba dân tộc Lào Lùm, Lào Thênh, Lào Sủng. Chúng tôi thường nói: tiểu đoàn 1 là nước Lào đoàn kết và chiến đấu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Ồ, nói thế thì có vẻ lộ bí mật quân sự, nhưng mà đúng như thế.
Những nụ cười nở trên khuôn mặt đen sạm của những ngày gian khổ đã qua.
Đúng là câu chuyện trải dài trên hai mươi năm xây dựng và chiến đấu, lịch sử tiểu đoàn 1 cũng như lịch sử quân đội Lào, khúc khuỷu quanh co trên con đường sự nghiệp của đất nước tiến tới vinh quang ngày nay của dân tộc.
- Thử thách đầu tiên của chúng tôi thật là lạ lùng. Tiểu đoàn của chúng tôi vừa thành lập xong, được lệnh vào đóng trong thành phố Luông Pha-bang năm ấy, theo hiệp định chính trị ký kết với đối phương. Thế là trận đánh thứ nhất không phải trận đánh bằng súng, mà đó là cuộc vật lộn giằng giựt người bằng tư tưởng và chính trị. Bấy giờ, trên mặt trận chính trị, cách mạng đã đấu tranh tiến tới thắng lợi trong một số hiệp định ràng buộc đối phương. Theo hiệp định, đơn vị chúng tôi được vào đóng trong vùng của đối phương. Thế là khởi đầu trận đánh không có tiếng súng, nhưng trận đánh đã diễn hết sức quyết liệt, gay gắt, lay động đến tư tưởng hành động mỗi chiến sĩ và mỗi chiến sĩ bắt buộc phải đối phó. Không phải chúng tôi chỉ bị quân đội đối phương vây bọc bốn phía, mà lúc đầu, ở khu giải phóng vào thành phố, hoàn cảnh đổi khác, nhiều cái hấp dẫn vô cùng đã lôi cuốn người ta. Chúng tôi luôn luôn bị bao trong những âm mưu, thủ đoạn mua chuộc, những dụ dỗ, những dọa dẫm, những ép buộc, đủ thứ. Đối phương ngày ngày dùng mọi cách làm tan rã tinh thần đơn vị chúng tôi. Chúng tôi sống trong cảnh nghẹt thở oái ăm như thế, vừa nửa năm trời. Giữa lúc ấy, tình hình chính trị lại căng thẳng. Chúng tôi được lệnh tức khắc rời ra vùng giải phóng. Chúng tôi bí mật rút quân. Ôi, biết bao nhiêu khó khăn. Không có tiếng súng mà vô cùng vất vả, mà lúc nào cũng lo mất người.
Những lời nói mộc mạc ở những con người mộc mạc - mỗi lời các đồng chí kể càng làm tôi hiểu biết vô vàn nỗi khó khăn, dằn vặt và thấy được các chiến sĩ phải hết sức quyết tâm đi đến dứt khoát, mỗi con người mới có thể giữ được tinh thần chiến sĩ. Tinh thần đó thể hiện bằng một cái lắc đầu, một thái độ khinh bỉ trước những lời đường mật rủ rê, “ở đây có cơm xôi ngon, có nước dừa uống, có cô gái xinh, lấy vợ rồi ở nhà, tội gì mà đi đâu…”, “ở đây có chức tước, làm quan to quan bé, có tiền bạc… Hãy ở lại đây, tội gì mà đi đâu chịu gian khổ, nước Lào độc lập hay không độc lập thì có khác gì đâu, cũng chẳng sao mà.”
“Các chiến sĩ đã quay mặt đi. Có thể sắp chóng mặt đến nơi. Nhưng không thể nghe thêm một lời tỉ tê giết người như thế nữa!
“Đến bây giờ, mỗi lần nhớ lại, còn giật mình. Chúng tôi đã biết thế nào là cái nguy hiểm của lời đường mật.
“Rồi tình hình đổi khác. Chúng tôi phân tán từng bộ phận, bí mật về Sầm Nưa. Có chiến sĩ đi lạc, chỉ còn một người chạy trong rừng, nhưng cũng nhất quyết không trở lại thành phố. Đến cuối năm ấy, tập hợp lại được đủ các đại đội. Chúng tôi kiểm điểm, tự hào, thấy thế là đã thắng một trận lớn. Các chiến sĩ trên đường rút quân, cả các chiến sĩ rút lẻ loi, không ai quay lại, tất cả đều tìm được về nơi tập kết ở Sầm Nưa.
“Từ đấy, chúng tôi thực sự bước vào cuộc sống chiến đấu và từ đấy tới nay, mười tám năm liền, tiểu đoàn 1 đã có mặt trong hầu hết các chiến dịch lớn, các chiến dịch giải Hua Mường, Mường Hiềm, Nà Khăng…
“Các đồng chí hỏi những kỉ niệm chiến đấu sâu sắc nhất của đơn vị? Trước nhất, chúng tôi phải kể đến chiến dịch Phu Cút 1964. Đối với cả tiểu đoàn, đối với mỗi chiến sĩ, chiến dịch Phu Cút, một thử thách to lớn, cả chiến dịch là một tấm gương chiến đấu vô cùng dũng cảm. Bảy ngày đêm liền, chúng tôi và địch giằng giựt nhau từng sườn núi. Cuối cùng, đến khi chúng tôi chiếm được núi, thì từ trên đỉnh núi trở xuống đã bị bom lở tan hoang và cả rừng cây bao quanh bị cháy rụi hết. Địch tỏa ra, phản công liên tiếp. Chúng tôi bị lộ giữa một vùng trơ trụi, tình thế vô cùng bi đát. Nhưng tinh thần hy sinh cực kỳ dũng cảm của trung đội trưởng Khăm Sinh đã thúc đẩy chúng tôi. Đồng chí Khăm Sinh lúc ấy đã bị thương gãy bả vai. Nhưng Khăm Sinh nhất định vẫn đứng chỉ huy quân đội. Khăm Sinh hô trung đội tiến lên, trong khi ấy anh xông thẳng vào họng đại liên địch. Địch hoàn toàn tan rã, rút chạy thẳng.
“Năm 1961, chúng tôi đánh chiếm Sa-la Phu-khum rồi chuyển quân đi nơi khác.
“Mười năm sau, năm 1971, chúng tôi trở lại chiếm Sa-la Phu-khum lần nữa. Lần ấy, đóng hẳn lại. Rồi từ Sa-la Phu-khum chúng tôi tấn công sang chiếm Ca Xỉ, Văng Viêng, mở rộng địa bàn, hướng mũi tiến vào Viêng Chăn - tỏ rõ sức mạnh hơn hẳn đối với đối phương.
“Trong khi ấy, một cuộc hiệp thương chính trị mới lại bắt đầu.
“Khí thế quân đội cách mạng bấy giờ rất bồng bột. Đi đến đâu cũng được nhân dân hết sức giúp đỡ. Nghe tin bộ đội đã về, ai cũng tin tưởng chiến thắng tới nơi. Các làng xóm mấy năm nay chạy tản cư vào rừng sâu, bây giờ trở về làng cũ, đón quân đội.
“Nhưng không phải chỉ có dễ dàng chờ đợi chiến thắng đâu. Nhân dân đã biết rõ ràng như thế, vì trong khi đó, địch vẫn phản công mạnh mẽ. Nhiều trận đánh quyết liệt xảy ra. Nhưng ai nấy đều không lùi bước. Tinh thần ủng hộ quân đội cách mạng, đi dân công, đi tải thương, cung cấp cái ăn, cho con em nhập ngũ, những việc làm vì tinh thần yêu nước cao cả ấy của mọi người càng đem cho chúng tôi niềm tin toàn thắng đến nơi rồi, và chúng tôi càng hăng hái chiến đấu.
“Đối phương định phá thế chủ động của ta trong đàm phán. Nhưng tình thế ngày ấy đã không còn cho phép họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Chúng tôi được nhân dân hết lòng ủng hộ, càng hoạt động ráo riết. Nhiều đơn vị khác đã tiến sâu vào vùng tạm chiếm với chúng tôi và chỉ một thời gian ngắn, chúng tôi đã có đầy đủ cơ sở nhân dân, cơ sở du kích võ trang ở cả sáu huyện xung quanh Viêng Chăn. Chúng tôi đã ở thế bao vây được Viêng Chăn”.
- Có lẽ các đồng chí vào đến ngoại ô Viêng Chăn từ khi hiệp định chính trị 1973 được ký kết?
- Đúng như thế. Chúng tôi có mặt ở ngoại ô Viêng Chăn lúc ấy, đầy đủ các ban chỉ huy đại đội. Rồi đầu năm 1973, chúng tôi được lệnh tiến vào Thủ đô Viêng Chăn làm nhiệm vụ bảo vệ các đồng chí lãnh tụ và cán bộ vào thành phố thi hành hiệp định.
- Các đồng chí lại vào thành phố?
- Chúng tôi lại vào thành phố như đã vào Luông Pha-bang hơn mười năm trước.
- Nhưng bây giờ các đồng chí đã có kinh nghiệm đấu tranh chính trị rồi.
- Vâng, chúng tôi có kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm chiến đấu. Máu các chiến sĩ tiểu đoàn 1 đổ mười năm qua trên các chiến trường đã dạy chúng tôi thế nào là người yêu nước chân chính. Chúng tôi vào Viêng Chăn với tinh thần nhân dân đưa đà cách mạng tiến công vào Viêng Chăn. Ở giữa thành phố chung đụng với đối phương, chúng tôi đấu tranh ngoan cường như ở ngoài chiến trường. Chúng tôi giữ vững vị trí, bảo vệ có thành tích mọi công tác của cách mạng trong đấu tranh chính trị. Chúng tôi đã thắng.
Thế là tiểu đoàn 1 đã ở ngay Viêng Chăn từ đấy cho tới khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân.
- Từ trong Viêng Chăn, chúng tôi đón các đơn vị bạn vào giải phóng Thủ đô, đón Đảng và Chính phủ về Thủ đô, thành lập nước Cộng hòa Nhân dân. Chúng tôi là một trong những đơn vị đầu tiên của quân đội nhân dân Lào được vinh dự sống trong những ngày đầu Thủ đô giải phóng. Trong những ngày Viêng Chăn cực kỳ phấn khởi ấy, chúng tôi đi giữa cả vạn nhân dân thành phố xuống đường hoan nghênh Đảng và Chính phủ. Chúng tôi lại nghĩ lại mười năm trước ở Luông Pha-bang. Chúng tôi thấy vô cùng tự hào. Lòng tự hào của nhân dân về đất nước độc lập, tự do, và lòng tự hào của mỗi chiến sĩ đã trưởng thành trong chiến đấu.
*
* *
Tôi đến một đơn vị khác cũng đương bảo vệ Thủ đô - tiểu đoàn 5.
Tiểu đoàn 1 cũng như tiểu đoàn 5 đã giúp chúng tôi hiểu thêm một sự thật. Các chiến sĩ quân đội cách mạng đã làm nên lịch sử. Ngày nay, lại những con người làm nên lịch sử ấy đương tham dự mọi công cuộc đổi mới của xã hội bằng tinh thần chiến sĩ.
Tiểu đoàn 5 khác hẳn tiểu đoàn 1 - một vẻ đặc sắc khác của quân đội Lào.
Nếu từ ngày thành lập rồi trải qua chiến đấu, lúc nào tiểu đoàn 1 cũng nung nấu tinh thần tiến vào giải phóng Viêng Chăn, thì tiểu đoàn 5 là một tiểu đoàn quen thuộc riêng của chiến trường rừng núi Bắc Lào.
Chính trị viên tiểu đoàn Bun Lợt tiếp chúng tôi. Tiếng nói anh nhỏ nhẹ và nét mặt dịu hiền xa xôi như lúc nào cũng thấy lại thoáng bóng núi rừng.
Thật vậy, cả một chuỗi thời gian mười năm dài dặc từ 1962 tới 1972, nhiều đơn vị tác chiến khác đã tham dự các trận đánh vang dội khắp nước Lào, từ Xiêng Khoảng xuống A-tô-pơ miền Nam, trong khi ấy, tiểu đoàn 5, một trong những đơn vị chủ lực của căn cứ địa cách mạng, phụ trách bảo vệ và chiến đấu trong phạm vi các tỉnh Bắc Lào. Nhiệm vụ chính của đơn vị là phòng phỉ, tiễu phỉ, vận động quần chúng xây dựng cơ sở, năm này qua năm khác, từ các vùng dân tộc Dao, dân tộc H’mông, suốt từ Hua Phần sang Phong Sa Lỳ.
Đến giữa năm 1972, cách mạng Lào có chuyển biến lớn, cả nước tiến quân xốc tới. Lần đầu tiên, tiểu đoàn 5 được lệnh rời Sầm Nưa, vượt Xiêng Khoảng, ra Sa-la Phu-khum đánh chiếm Văng Viêng rồi chốt ngay địa bàn ấy, sửa soạn bàn đạp cho các đơn vị chuẩn bị vào bao vây Viêng Chăn.
Tháng 5 năm 1975, cùng các đơn vị bạn, tiểu đoàn 5 tiến vào Viêng Chăn, giải phóng thành phố Thủ đô.
Tình hình những ngày đầu giải phóng còn hết sức phức tạp. Một số trong bọn phản động chạy sang Thái Lan bên kia sông, mưu trở lại quấy rối và thực sự chúng đã hoạt động quấy rối.
Tiểu đoàn 5 được làm nhiệm vụ trấn một mặt thành phố trông ra sông Mê Kông. Xưa kia, trấn giữ căn cứ địa cách mạng cả nước, bây giờ bảo vệ Thủ đô cả nước, vẫn nhiệm vụ ấy. Chiến công đầu tiên của tiểu đoàn 5 trong nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô: bắn đắm một giang thuyền của bọn phản động toan đổ bộ chiếm đảo Đon Tằm ngay trước mặt Viêng Chăn.
Tuy nhiên, chúng vẫn chưa từ bỏ những mưu đồ trắng trợn.
Tháng 4 năm 1977 - mới năm ngoái đây thôi, bọn phản động Lào ẩn náu bên Thái Lan, được đế quốc Mỹ giúp, đã táo tợn đổ bộ vào đảo Xiềng Xụ và đảo Đon Tằm ngay hai đầu thành phố Viêng Chăn. Có cả máy bay T.28 trợ lực.
Tiểu đoàn 5 được lệnh tiêu diệt chúng.
Chỉ trong một đêm, mà thật sự chỉ có ba mươi phút chiến đấu lúc tờ mờ sáng, các chiến sĩ vừa bắn pháo, vừa xung phong đổ bộ, đánh tan bọn phản động trên cả hai đảo.
Địch bỏ chạy, không kịp cưỡng bức người theo.
Từ bấy đến giờ, không thấy chúng nho nhoe trở lại nữa.
Kể đến thành tích chiến đấu của tiểu đoàn, chính trị viên Bun Lợt cười và nói một cách tự nhiên:
- Ngày trước, chúng tôi giúp dân và tiễu phỉ trên biên giới, bây giờ công tác của chúng tôi ở thành phố cũng vẫn như ở vùng biên giới thôi. Công việc ngày trước cũng như bây giờ, chúng tôi cũng ở với nhân dân, cùng nhân dân làm mọi việc, trước nhất là tổ chức dân quân tự vệ cho từng địa phương, từng xã. Vì nhận thức được nhiệm vụ như vậy và làm như vậy, chúng tôi tới đâu cũng được nhân dân thương mến, coi như con em trong nhà. Nhân dân đã tìm và phát động những người giữ súng, thu được hơn một trăm khẩu súng của lính ngụy bỏ lại, đem đến đưa cho bộ đội. Ở Viêng Chăn nhưng chúng tôi vẫn luôn luôn nhớ khi ở chiến khu trong rừng núi. Chúng tôi giữ vững lòng tin chúng tôi là quân đội của nhân dân.
Bộ đội của nhân dân. Những chữ quen thuộc đến tha thiết ấy nói về quân đội nhân dân Lào thật không gì thấm thía hơn thấy trong thực tế công việc hàng ngày của mỗi chiến sĩ. Tôi càng hiểu sâu được ý nghĩa đó, như hôm đến nông trường Nọng Thà của quân đội. Thật nhịp nhàng một cách tự nhiên thấy được thế nào là bộ đội đánh giặc, bộ đội giúp dân giữ làng, bộ đội cày cấy, nuôi trâu, nuôi gà tự túc. Các chiến sĩ làm việc đêm ngày, hôm qua cầm súng, hôm nay đi vớt bèo chăn lợn. Máy móc phương tiện hiện đại chưa có mấy, nhưng tinh thần và sự xốc vác đã tạo nên những thắng lợi bước đầu, bước quyết định. Chỉ hơn một năm, nông trường Nọng Thà đã nuôi được ngót nghìn lợn, có cả lợn và có gà vịt, có trứng bán ra ngoài chợ.
Đến với tiểu đoàn 1, tiểu đoàn 5 hay đến với nông trường Nọng Thà, đâu cũng tỏ rõ một tinh thần: tinh thần vì đất nước xốc vác công việc.
Quân đội trong mọi công tác cách mạng đương là tấm gương tinh thần cho tuổi trẻ khắp nước noi theo.
Trong những ngày đi đến với các đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ Viêng Chăn, tôi đã được tới một đơn vị đặc biệt: đại đội nữ pháo binh của quân đội nhân dân Lào.
Đại đội nữ pháo binh. Không phải một đơn vị bình thường, mà có thể thế giới có một không hai, trong những đơn vị và chiến sĩ giải phóng. Từ những năm còn chiến đấu ở khu giải phóng Sầm Nưa cho tới nay, đã có tới hơn bốn mươi đoàn khách nước ngoài đến thăm đại đội.
Một đại đội nữ của binh chủng pháo đã trải mười tám năm oanh liệt chiến đấu. Trong quân đội cách mạng của sự nghiệp giải phóng của nhiều dân tộc trên thế giới, đại đội pháo binh nữ Lào là một hiện tượng đặc sắc và hiếm quý. Đại đội pháo binh nữ của quân đội nhân dân Lào.
Đối với chính nước Lào, lại càng đặc biệt. Từ nước Lào phong kiến với hình ảnh xưa cũ, những cô gái chỉ biết ngồi quay sợi trên nhà sàn, những cô gái chỉ biết kính cẩn dâng hoa, nhấc tảng đá thiêng trước bàn thờ Phật, đến những bước phát triển của nước Lào cách mạng, có những chiến sĩ nữ cầm súng như nam giới. Câu chuyện hình thành đơn vị nữ pháo binh đã công phu, đã sâu sắc như quá trình đặc biệt của cách mạng Lào.
Bua Khăm, người nữ chiến sĩ đã nhập ngũ và chiến đấu ở đại đội pháo binh nữ từ những ngày đầu đã kể rằng đại đội pháo binh nữ được thành lập trong một cánh rừng ở Xiêng Khoảng. Khi ấy, Bua Khăm mới là một đội viên. Bây giờ Bua Khăm là đại đội trưởng của đại đội pháo binh nữ ấy.
Bua Khăm đã lập gia đình và mới sinh một bé gái đầu lòng năm ngoái. Đồng chí nữ đại đội trưởng áo hồng váy thêu - như váy áo thường thấy của một cô gái trong làng. Nhưng đôi mắt sắc nét, mặt linh lợi, quả quyết với một vẻ hiên ngang và tự tin của người chiến sĩ ròng rã gần mười năm vào sinh ra tử hàng trăm trận đánh - mà trận đánh mới nhất, mới tháng Tư năm ngoái, ở ngày trên bờ sông Mê Kông này - trận đại đội pháo binh nữ phối hợp với tiểu đoàn 5, giải phóng Xiềng Xụ và đảo Đon Tằm.
Đại đội trưởng Bua Khăm kể:
- Đại đội chúng tôi được thành lập ngày 3 tháng 7 năm 1969 ở Xiêng Khoảng. Những trận đầu tiên tấn công địch của đại đội chúng tôi đã xảy ra ở những vùng núi tranh, những cánh đồng Xiêng Khoảng. Trận thứ nhất chúng tôi tham dự mà tôi còn nhớ mãi là trận tấn công tiêu diệt vị trí Phù Đóc May - Phù Đóc May nghĩa là núi Hoa, cái tên núi thật xinh đẹp, thế mà địch đã xây vị trí trên núi ấy rất kiên cố.
Biết bao nhiêu khó khăn và bỡ ngỡ của trận đầu.
“Nhưng chúng tôi biết rằng trận đầu ra quân nhất định phải đánh thắng và trận thắng đầu tiên sẽ tạo được tinh thần và quyết tâm tiêu diệt địch, mở ra được nền nếp xây dựng truyền thống đơn vị. Thật vô cùng gian khổ. Chúng tôi tháo đại bác 72, khiêng từng mảnh, từng bộ phận, khiêng từng quả đạn vào tới vị trí mới lắp lại. Có nơi phải leo nửa ngày đường mới tới chỗ đắp nền đặt được súng. Thế mà vượt được hết và chúng tôi đến vị trí tập kết đúng giờ quy định. Chúng tôi bắn trong ba mươi phút rồi thực hiện hợp đồng tác chiến, chúng tôi cùng bộ binh xung phong vào tiêu diệt hoàn toàn đồn địch, bắt sống được nhiều tù binh.
“Quả nhiên, trận đầu đánh thắng ấy đã kích thích mạnh mẽ tinh thần chúng tôi. Chống máy bay, chống pháo địch, không sợ gì hết. Có hôm, ban ngày hành quân qua đồi tranh, bị máy bay địch phát hiện, chúng tôi tập trung lại, bắn đuổi được một tốp máy bay địch, rồi di chuyển nhanh. Đến khi chúng trở lại đông hơn, hùng hổ hơn, chúng ném bom, bắn loạn xạ xuống vùng đồi hoang. Chúng tôi đã đi xa rồi.
“Chúng tôi tham dự chiến dịch Phu Biềng rồi lại đi mở chiến dịch Phu Phà Tẹc. Suốt chiến dịch Phu Phà Tẹc là mùa mưa. Rừng núi ướt như người, mà thiếu thốn tất cả, đến nỗi quần áo thay cũng đã ướt sẵn. Nhưng chúng tôi hành quân chiến đấu, có khi đi hàng tuần rồi đánh liền một trận hai ngày ròng rã, có lần tiêu diệt đồn địch có công sự ngầm đến bảy thước.
“Trên mặt trận Luông Pha-bang, ta mở chiến dịch giải phóng Xiềng Ngần rồi Xiềng Ngần được giải phóng. Đại đội nữ pháo binh chúng tôi được lệnh ban chỉ huy mặt trận phái vào công tác tuyên truyền nhân dân trong thị trấn mới giải phóng. Hôm đầu tiên tiến vào, người các làng các phố ra đón, ra xem đông nghịt. Thấy bộ đội toàn đàn bà, họ nhìn rất tò mò. Nhưng rồi không nhà nào cho chúng tôi được lên nhà. Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau, cười. Đã hiểu vì sao. Chúng tôi căng bạt ngủ ngoài trời và mắc võng dưới sàn. Chúng tôi biết ở các vùng tạm chiếm sâu, nhân dân còn nặng mê tín. Họ sợ đàn bà lạ đường đột vào nhà, là điềm đem đến cho gia đình những điều không tốt lành.
“Sáng hôm sau, có đông trẻ em đến xem bộ đội giải phóng. Chúng tôi vẫy tay tập hợp các em. Trẻ con thân thiết ngay với bộ đội. Chúng tôi dạy các em hát những bài ca cách mạng. Chúng tôi đưa các em ra suối rửa mặt, tắm sạch sẽ. Rồi cắt móng tay gọn ghẽ cho các em. Rồi áo em nào rách chúng tôi lấy kim chỉ ra vá, đính khuy tươm tất. Tiếng hát ríu rít vang xa. Chẳng mấy lúc, trẻ em đến càng đông.
“Buổi chiều hôm ấy, chúng tôi đã tổ chức được một cuộc mít tinh nhân dân trong xóm.
“Đồng chí đại đội trưởng lên nói chuyện. Chị mặc quân phục, đội mũ lưỡi trai, đeo súng ngắn.
“Bà con vừa ngạc nhiên vừa kính phục, đứng nghe từ đầu đến cuối. Đồng chí ấy nói chuyện cho bà con biết đế quốc Mỹ là kẻ thù của nhân dân Lào, chúng rất nham hiểm, chuyên đi xúi giục người Lào đánh người Lào. Muốn thắng được đế quốc Mỹ, nhân dân Lào phải một lòng đoàn kết, trung thành với cách mạng, quyết tâm đánh Mỹ và bọn tay sai bán nước.
“Chưa bao giờ ở đây có đám mít tinh đông thế, lại thấy bộ đội nữ lên nói trước mọi người giỏi như thế, hay như thế. Tối hôm ấy, chị em chúng tôi được mời tất cả lên nhà nghỉ, nhà nào cũng đến mời.
“Rồi chúng tôi đi khắp các phố trong thị trấn và xung quanh. Chúng tôi vận động nhân dân thành lập các ủy ban địa phương, tìm người tốt ra tổ chức các đoàn thể thanh niên nam nữ. Nhân dân rất hoan nghênh và vẫn chưa ngớt lạ lùng, làm sao mà lại có những người con gái công tác cách mạng được tài giỏi thế, đã cầm súng giết giặc được lại biết làm cán bộ chẳng khác nam giới.
“Đêm hôm chúng tôi rời Xiềng Ngần, nhiều nhà có con gái đã đưa đến cho con đi với chúng tôi làm bộ đội. Chúng tôi chỉ nhận có ba mươi người. Có cô cứ nằng nặc đi theo, đòi được đi, chúng tôi phải nhận thêm.
“Chúng tôi được lệnh tham gia chiến dịch mới.Vùng chiến đấu của chúng tôi bây giờ ra đến tận Sa-la Phu-khum trên đường tiến vào Viêng Chăn.
“Từ Khang Phay ra Sa-la Phu-khum, đi mười ngày đêm liền. Vai vác đạn và các bộ phận của đại bác tháo rời cùng với những bao gạo đủ ăn cả tháng. Chúng tôi tranh thủ chỉ đi trong rừng sâu, tránh đường cái và làng xóm. Thời kỳ ấy các chiến dịch của ta mở ra càng ngày càng lớn, trong khí thế cách mạng tiến về Viêng Chăn. Đế quốc Mỹ điên cuồng đánh đòn liều. Dưới làn mưa tầm tã, máy bay B.52 từng loạt rải bom suốt ngày đêm vào các làng ven đường, vào rừng, và trên khắp các sông suối. Chúng tôi vẫn động viên nhau hăng hái tiến vào mặt trận.
“Địch dàn quân chặn ở Sa-la Phu-khum, có cả xe tăng. Chúng tôi đưa đại bác luồn vào phía sau vị trí của địch. Chập tối, vừa hành quân qua đường cái lớn thì xe địch vận động tới. Đồi cỏ tranh trông trênh, chúng tôi không kịp đi tiếp, sợ lộ. Chúng tôi nằm phục xuống đồi cỏ. Xe địch mở đèn sáng loáng và cứ thế chúng đi qua, không biết gì hết.
“Chúng tôi tiến sâu vào nữa, đến một nơi sườn núi dốc toàn đá. Trèo một quãng cao, rồi nhìn lên, thấy vị trí địch vẫn lồ lộ trên đầu. Lại khiêng súng trèo nữa. Tìm mãi, được một mép núi có vị trí cao hơn chỗ địch đóng quân bên kia. Chúng tôi dừng lại, đào công sự, cắt một tổ canh ngoài đề phòng địch tấn công bất ngờ.
“Chúng tôi đợi giờ nổ súng.
“Tôi còn nhớ hôm ấy ngày 22 tháng 2 năm 1973, chờ cả đêm, lại chờ một ngày nữa. Đến sáu giờ chiều hôm ấy, khắp các mặt trận, một lượt nổ súng.
“Chúng tôi đánh suốt đêm và cả ngày hôm sau. Các binh chủng hiệp đồng chiến đấu đã tiêu diệt được tất cả các vị trí đóng quân của địch, bắt nhiều tù binh, bắt được cả ba chiếc xe tăng.
“Chúng tôi nhận nhiệm vụ giải phóng một số tù binh về hậu phương. Chúng nó cứ vừa đi vừa khóc, vừa van lạy. Chúng nó kể: Con đã được nghe người ta nói cách mạng có lính đàn bà, đi trận gặp lính đàn bà thì phải buộc cái váy hay buộc tóc vào súng, các bà ấy bắn sẽ không trúng được mình. Nhưng con không tin có lính đàn bà, không ngờ hôm nay lại gặp các bà. Có đứa mếu máo nói: Nếu biết bên cách mạng có các bà ở trận này chúng con không dám đánh, chúng con phải chạy đã lâu rồi.
“Chiến dịch này kéo dài hơn ba tháng. Bom B.52 Mỹ thả ngày càng liên miên, dữ dội.
“Nhưng cuộc chiến vẫn tiếp diễn.
“Trận sau cùng là trận Mường Xủi. Chúng tôi đánh tiêu diệt hai tiểu đoàn lính dù Thái sang giúp đỡ bọn phản động.
“Ban chỉ huy mặt trận ra lệnh:
- Các đồng chí pháo binh phải tiêu diệt chúng nó ngay tức khắc. Nếu trận đánh của các đồng chí kéo dài quá nửa giờ, các đồng chí phải chịu kỷ luật.
- Làm thế nào, chúng tôi có một đại đội mà đánh được cả tiểu đoàn chúng nó?
- Chúng nó mới xuống dù, chúng ta bất ngờ đánh ngay, nhất định được.
“Thế là chúng tôi đợi đánh quân dù.
“Quả nhiên vậy, địch xuống dù bối rối, loạn xạ, hàng trăm đứa đông như kiến, ngay trước mắt chúng tôi. Có chỗ chỉ cách nơi chúng xuống dù độ trăm thước.
“Chúng tôi lập tức nổ súng, triển khai tất cả các khẩu đội. Địch hốt hoảng không kịp chống đỡ. Thế là chúng nó tan chạy. Các trận địa của các đơn vị khác, đâu cũng bắt được tù binh lạc đến.
“Đại đội nữ pháo binh được huân chương anh dũng hạng nhất về trận chiến thắng đấy.
“Tháng 7 năm 1975, đại đội chúng tôi tới Sa-la Phu-khum chuẩn bị vào giải phóng Viêng Chăn.
“Trước kia, chúng tôi đã đánh địch ở Sa-la Phu-khum, bây giờ có dịp trở lại. Chúng tôi vào các làng bản đã từng quen, bà con ai nấy mừng rỡ: bộ đội cách mạng khỏe thế này, bộ đội nữ vẫn đông vui thế này, nhất định lần này ta giải phóng Viêng Chăn.
“Sang tháng Tám, chúng tôi được lệnh tiến vào Viêng Chăn. Nhưng chúng tôi thực hiện kế hoạch chậm mất một ngày. Chẳng phải vì khó khăn gì, mà chỉ bởi nhân dân ở Sa-la Phu-khum và Ca Xỉ, mọi người biết tin bộ đội tiến quân, cả mấy làng kéo đến tiễn. Thế nào mà lễ tiễn đưa thành cuộc vui hát múa một đêm một ngày rồi mới được đi.
“Sau đó, chúng tôi vào Viêng Chăn và đóng quân ở đây từ ngày ấy.”
Khách đến thăm đơn vị, thoạt đầu, chắc không ai có thể nghĩ chỗ này là doanh trại bộ đội.
Cứ tưởng như một xóm ngoại ô quen thuộc mà ta thường gặp bốn phía thành phố. Những bụi trúc lá xanh ngăn ngắt chen lẫn đám cây rừng mọc xô bồ tự nhiên. Bên kia, một vườn xoài cạnh một dãy cây mạy sắc - cây tếch, hoa vàng phơi phới trên nóc lá. Bên trái, một dãy chuồng lợn. Tiếng gà mẹ túc túc gọi đàn con ra kiếm ăn trên bờ ao cá.
Một chiếc máy bay lên thẳng của không quân Lào bay qua. Những con ngỗng nghe thấy tiếng máy bay trên trời lại thấy khách lạ đi tới, cứ nghếch lên kêu quắc quắc từng tiếng. Ngoài vườn, ruộng lúa đã cứng cây, xanh mởn.
Trước cửa mỗi nhà, những cái váy gấu đỏ sậm, những chiếc áo hồng, áo xanh phơi trên sào. Cạnh đấy, xúm quanh vòi nước, ríu rít tiếng trẻ con tắm. Các cô tóc buông, tóc tết, nét mặt hiền hậu, tha thướt, lặng lẽ vào ra những căn nhà vách gỗ, cửa sổ vuông gọn.
Nếu không trông thấy thỉnh thoảng có một chiếc xe tải cỡ lớn qua cổng doanh trại đến đỗ trước sân, một lái xe nữ mặc quân phục xanh lá cây, đội mũ lưỡi trai bóng nhoáng, mái tóc trễ ngang gáy, nhanh nhẹn bước ra khỏi ca bin, vẫn ngỡ đây đương trong xóm, trong làng, chứ không phải doanh trại.
Đại đội trưởng Bua Khăm mỉm cười, kể tiếp:
- Trận đánh mới nhất của đại đội chúng tôi là tháng Tư năm ngoái đây thôi. Trận đánh chiếm lại đảo Xiềng Xụ, đội nữ pháo binh chúng tôi được tham chiến, phối hợp với tiểu đoàn 5.
Thế mà doanh trại cứ êm ả như trong làng. Chị em ở đây chẳng khác chị em ngồi khung cửi có guồng sợi dưới nhà sàn, khi ta đến bất cứ làng nào.
Vẫn những chị em đó. Nhưng nét truyền thống và cái mới đã hòa hợp trong một tinh thần người phụ nữ Lào. Người phụ nữ Lào đã thay đổi cuộc sống mòn mỏi cũ mà đại đội pháo binh nữ là một tiêu biểu sức mạnh và tinh thần kiên cường của chị em. Sức mạnh của cái mới phát huy trên truyền thống dân tộc tuyệt vời nền nã, yêu thương, như người xưa mà cũng rất hiện đại.
*
* *
Những con người dũng cảm của đất nước và của dân tộc - những nhân tố quyết định con người mới Lào. Phong trào cách mạng và tinh thần mới đương rầm rộ khắp nước. Không phải chúng ta chỉ thấy ở Viêng Xay, trung tâm kháng chiến Lào, và ở các khu giải phóng đã biến đổi trong quá trình cách mạng từ ba mươi năm nay và cũng không phải chỉ có ở Viêng Chăn đương đổi mới mà trên khắp đất nước Lào.
Đến các đơn vị quân đội, tôi đã đến với các chiến sĩ, bởi vì hơn đâu hết, ở đâu có bộ đội, ở đấy bộc lộ sức sống phát huy tinh thần mới, ở đấy, trong tình cảnh thắm thiết quân dân, thấy được sức mạnh vĩ đại của dân tộc Lào anh em.
Tiểu đoàn 2 anh hùng không ở những doanh trại vườn cây quanh Thủ đô của các đơn vị bảo vệ thành phố. Tiểu đoàn 2 vẫn như trong thời chiến, có nhiệm vụ cơ động trên mọi miền đất nước. Trong chiến đấu chống Mỹ, tiểu đoàn 2 đã hành quân chiến đấu suốt năm suốt tháng ròng rã từ Nam Lào trên cao nguyên Bô-la-vên lên đến Luông Nậm Thà biên giới phía Bắc. Bây giờ, nơi trú quân của tiểu đoàn 2 cũng như trên đường hành quân của đơn vị, vẫn nguyên hình ảnh những ngày tháng chiến đấu ở khu giải phóng. Tất cả đã trở thành kỷ niệm và truyền thống rèn luyện của tiểu đoàn.
Tiểu đoàn trưởng Khăm Phăn ba mươi tám tuổi, quê ở Nam Pắc Xế.
- Tiểu đoàn 2 chúng tôi chưa khi nào được nghỉ trọn vẹn một tháng. Cả khi trú quân cũng là lúc sẵn sàng nhiệm vụ đột xuất, sẵn sàng lên đường.
Tiểu đoàn 2! Tiểu đoàn 2! Ba chữ “Tiểu đoàn 2” đã gắn liền với lịch sử chiến đấu quân sự của cách mạng Lào từ ba mươi năm nay mà Thao Tu, nhà quân sự tài năng đã là tiểu đoàn trưởng đầu tiên, làm cho tiểu đoàn 2 nổi tiếng khắp nước. Tiểu đoàn trưởng Thao Tu chỉ huy đánh phá vòng vây địch giữa Cánh đồng Chum, đưa tiểu đoàn 2 tiến về khu giải phóng.
Tiểu đoàn 2 đã có mặt trên các chiến dịch khắp nước.
Cả nước và khắp nơi, một thời, những bản tin, những tín điện, những tờ báo lớn trên thế giới, mỗi khi nói đến chiến trường Lào chống đế quốc Mỹ, nghe thật quen những tên chiến dịch đã xảy ra ở Phu Cút, Mường Ngăm, Cánh đồng Chum, Mường Sủi, Long Chẹng, Mường Ca Xỉ, Sa-la Phu-khum… Những tên bình thường, những sa la ở ngã ba đường, ở đầu suối, một mường giữa cánh đồng, đã được tiểu đoàn 2 đưa vào lịch sử rực rỡ thành tích của quân đội và nhân dân Lào. Những cái tên xa xôi mà thân thiết đã in khắp trên mình tiểu đoàn với những chiến công chói lọi, hầu như suốt cả cuộc đời chiến đấu của đơn vị, lúc nào cũng nghe quấn quít trở đi trở lại.
Chính trị viên tiểu đoàn Vi Lay đã đưa tôi đi khắp cả một vùng, những nơi tiểu đoàn trú quân. Tôi có một dịp tốt đẹp thấy được ý nghĩa lịch sử và thiêng liêng, tinh thần quân đội cách mạng từ nhân dân mà ra và sống trong đùm bọc, che chở của nhân dân, trong chiến thắng hôm nay cũng như trải bao gian nguy, từ những ngày cách mạng còn trong trứng nước.
Những cánh rừng thưa, những nương lúa trổ xanh ngát và những ruộng dâu cây cao, mới nhìn tưởng như những cây dại. Những cây dâu ở Lào mà Việt Nam cũng có, nhưng cây dâu trên đất Lào to lớn hơn nhiều. Những cây đề lực lưỡng, những cây me, những lá bàng, lá đại mập mạp trong những trận mưa cứ chốc lại đổ xuống, chốc lại nắng, rồi lại mưa, mưa tưới cho cây mỗi lúc một phổng phao hơn nữa, xanh tốt hơn nữa.
Một con suối chảy vòng dưới chân núi, nước mưa mới còn đỏ ngầu. Ngoài đầu làng, xúm xít mấy em bé và mấy chị kéo vó trong mưa.
Chính trị viên tiểu đoàn Vi Lay nói:
- Chúng ta đương đi theo suối Son.
- Ồ, đây là suối Son!
- Vâng, suối Son trước kia là một vùng tạm chiếm sâu, bị kìm kẹp bốn phía, thế mà lúc nào ở suối Son cũng có cơ sở cách mạng. Trong những thời kỳ đấu tranh chính trị trước đây, mỗi lần có người của ta vào Viêng Chăn dự hội nghị hiệp thương với các phe phái chống đối, bao giờ các cơ sở cách mạng của ta ở suối Son cũng bí mật tổ chức người theo để bảo vệ.
- A,…
- Cách đây mười tám năm, bọn phản động theo lệnh đế quốc Mỹ phá hoại hiệp định. Chính phủ liên hiệp bị tan vỡ. Chúng đã trắng trợn bắt giam đồng chí Xu-pha-nu-vông và nhiều đồng chí lãnh đạo khác của cách mạng hơn một năm trời ở nhà giam Phôn Kèn. Rồi, những người lính gác trại giam được giác ngộ, đã đưa được tất cả các đồng chí vượt ngục ra vùng tự do. Trải bao nhiêu gian nguy, sáu tháng ròng rã, lọt qua hết vòng vây địch, ra tới được khu giải phóng. Nhưng mở đầu cuộc đi vô cùng vất vả ấy, nơi trú chân đầu tiên để chuẩn bị kế hoạch ra khỏi khu giải phóng, chính là ở suối Son này.
Tôi đã đến quãng suối Son mà mười tám năm trước, Chủ tịch Xu-pha-nu-vông và các đồng chí sau khi vượt ngục Phôn Kèn ở Viêng Chăn ra, đã ở với cơ sở cách mạng ở đây suốt một tuần lễ để sửa soạn vượt vùng địch ra khu giải phóng.
Suối Son đến đây thành thác nước đổ xuống một quãng rừng thưa, gồ ghề những tảng đá lớn trải ngang mặt suối tuôn rào rào, như lúc nào cũng đương có cơn mưa lớn giữa rừng.
Các đồng chí cùng đi với tôi hôm nay kể chuyện hồi ấy đương mùa khô, nước suối Son kiệt dòng, chỉ còn róc rách trong khe đá. Mùa mưa và mùa khô ở Lào hoàn toàn trái ngược nhau. Đến mùa khô, sông suối hết nước, cả đến sông lớn Mê Kông nước cũng có khúc lội bộ qua được.
Trên quãng giữa suối, những tảng đá chồng nhau mở ra ngay bên bờ một cửa hang lớn có thành mái che. Đồng chí Xu-pha-nu-vông và các đồng chí cùng vượt ngục đã nghỉ trong hang ấy. Thật kỳ lạ, ngay từ gà gáy đêm hôm các đồng chí thoát khỏi nhà giam Phôn Kèn, địch huy động quân đi lùng, bao vây từ các ngả quanh Viêng Chăn, suốt đến mấy tỉnh bên cạnh, phía Bắc và cả phía Nam, đều trong vòng kiểm soát của chúng. Vùng suối Son nằm lọt trong vòng vây ép dữ dội.
Nhưng ở trong hang đá suối Son, các đồng chí đã được nhân dân đưa cơm nước và sửa soạn cho mọi thứ để đi đường. Những đôi dép nhẹ, quần áo, lương ăn, và cơ sở cách mạng chọn người đưa đường tin cẩn, chọn người đi bắt liên lạc với quân giải phóng về đón, thật tỉ mỉ, thật chi tiết. Trước khi chia tay, cả mấy xóm xung quanh suối Son đã kéo vào rừng. Một lễ ba xỉ, lễ buộc chỉ vào cổ tay chúc tốt lành long trọng và thân thiết đã được tổ chức ngay bên suối. Mỗi người đến đều nâng tay các đồng chí lãnh đạo và đều buộc một sợi chỉ mới lấy ở guồng sợi trên sàn đem xuống buộc tay các đồng chí cách mạng yêu quý của đất nước. Các bà, các chị, khăn lễ màu vàng sẫm vắt ngang vai, kính cẩn cúi buộc chỉ, nói những lời chúc kính cẩn như đọc kinh. Chúc cho đi đường bình yên. Chúc cách mạng thắng lợi. Rồi, ngay trong rừng sâu, trước hang đá bên dòng suối Son, những vòng múa lăm vông với rượu tiễn, với bao lưu luyến đến quá nửa đêm mới có thể bước chân đi. Quang cảnh bất ngờ không thể tưởng tượng đã diễn ra trong vòng lùng sục ngặt nghèo của địch.
Hôm thăm suối Son rồi trở lại Viêng Chăn, tôi có dịp được gặp đồng chí Chủ tịch Xu-pha-nu-vông. Trong câu chuyện thân mật, khi chúng tôi nói chúng tôi vừa ở suối Son về, đồng chí Chủ tịch ngồi im như lặng nhớ lại những ngày cũ. Rồi đồng chí nói: Những ngày ấy đối với tôi là những ghi nhớ sâu sắc mãi mãi trong đời, bởi vì tôi đã thấy được ở suối Son tình cảm và hành động của nhân dân đối với cách mạng và thấy được thật sự cuộc cách mạng mà Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đương tiến hành là của nhân dân, có nhân dân mới có cách mạng, có sự nghiệp của cách mạng.
Trên các tảng đá, trong tiếng nước chảy, hoa rừng bờ suối Son nở vàng hây bốn phía.
Tôi đang đứng giữa vô vàn những tưởng tượng ra cảnh thân thương của người cách mạng với nhân dân trong vòng vây trùng điệp của đế quốc, với bao gian khổ ngày ấy. Cuộc cách mạng của nhân dân Lào đã bắt sâu trong lòng và trong tình cảm con người đến như thế, rõ ràng ngày thắng lợi hôm nay đã được cắt nghĩa từ thuở ấy, trong tin tưởng mãnh liệt và hồn nhiên như sự sống của con người.
Ở suối Son ra, tôi qua một xóm. Từ lúc nghe câu chuyện tình cảm của nhân dân đối với cách mạng, mỗi lúc trông thấy một nếp nhà, tôi lại tưởng như thấy lại câu chuyện tiễn đưa giữa rừng của bà con trong xóm còn như mới hôm qua.
Xóm ấy là xóm Nà Nhàng - như tên mọi làng êm đềm trên các cánh đồng nước Lào. Vào qua xóm cũng thấy như vậy. Một gốc me, một gốc đề cổ thụ, những chiếc thang lên nhà gỗ tốt đã đen bóng. Một cái chum nhỏ đựng nước mưa kề ngay dưới mái hiên đầu thang, có đậy vung cẩn thận, chiếc gáo dừa treo đầu cột. Trong khung cửa sổ nhỏ giữa vách, một cô gái áo hồng đương mang những tấm áo đệm hoa phơi lên thành cửa, lơ đãng nhìn khách qua đường. Tôi nhìn tất cả với một tình cảm thắm thiết. Nơi này và những người làng hiền hậu ấy đã rất cách mạng và làm cách mạng từ trong những ngày gian khổ.
Một đám những cô gái kéo vó bên bờ suối. Một bà già trong xóm bước ra. Một người trông thấy các đồng chí bộ đội, gọi to:
- Đồng chí Khăm Phăn!
- Đồng chí Vi Lay!
Mặc dầu còn phải ra khỏi quãng đường lầy giữa rừng trước lúc trời tối, chúng tôi không thể từ chối được những lời mời ân cần. Chúng tôi ghé vào xóm Nà Nhàng.
Cả xóm tíu tít ra mời bộ đội và khách xa lên ngôi nhà ngay đầu xóm. Chẳng mấy lúc, các bà các chị ở những xóm xung quanh đã đến ngồi kín góc sàn đằng kia. Và mỗi lúc một đông hơn. Khách lạ, nhưng các đồng chí bộ đội thì đã qua lại luôn, như người nhà. Điều rất vui là nghe nói khách xa từ Việt Nam tới, những người vừa bước lên thang gác mới tới đã hớn hở nói: Việt Nam! Việt Nam à…
Một cụ già nói với chúng tôi:
- Hôm nay có đám cưới ở làng trong nên người xóm này đi vắng nhiều, nếu không còn đông nữa.
Cái sàn nhà khách đã chật người, mà chốc lại có người lên thêm.
Một lát, mấy cô gái váy áo mới đã bưng lên những quả dừa mọng nước, chặt núm chặt đuôi, bày giữa nhà. Lại mang ra chiếc mâm bồng xinh xinh, trên đặt những bó hoa chăm-pa - hoa dại, hoa cúc vạn thọ, và những quả trứng gà vừa luộc, còn bốc khói.
- Có bộ đội Lào và khách quý Việt Nam đến chơi, xóm Nà Nhàng xin chúc hai dân tộc Lào - Việt muôn năm, xin chúc khách đi đường mạnh khỏe.
Thế là lễ ba xỉ bắt đầu.
Tôi không thể tưởng tôi lại được hưởng cái vui sướng lạ lùng ấy. Vừa nãy, nghe kể chuyện lễ ba xỉ tiễn các đồng chí lãnh tụ cách mạng Lào trong suối Son, bây giờ chính mình lại được chan hòa trong lễ ba xỉ thân thiết ấy với người suối Son. Tiểu đoàn trưởng Khăm Phăn và chính trị viên Vi Lay ngồi xếp bằng chân trên chiếu như mỗi chúng tôi. Lần lượt, các bà, các ông cụ, rồi các cô gái trong xóm bước vào, ngồi nghiêng mình xếp một bên chân. Những sợi chỉ mới lấy ở guồng sợi ra được buộc nhẹ nhàng vào cổ tay của mỗi người khách.
Ngoài đầu xóm, mấy cụ già vừa đi ăn cỗ cưới về, nghe có khách Việt Nam tới, bước vội lên nhà, buộc thêm sợi chỉ lên một bên cổ tay khách đã dầy cộm một tệp chỉ.
Những bàn tay giơ ra. Những sợi chỉ tình nghĩa buộc lại. Những bàn tay bên cạnh nâng những bàn tay lên, biểu hiện đoàn kết và kính mến. Ríu rít, thì thầm những lời chúc, lời mong ước. Sam bay hạnh phúc. Sa ma khi đoàn kết, Lào - Việt sa ma khi chông cha lơn, Lào - Việt đoàn kết muôn năm.
Tình cảm Việt - Lào sâu ắc ấy ở một làng Nà Nhàng, cũng như chúng tôi đã được sống trong niềm vui những làng khác bên đường, theo chân mãi, lưu luyến mãi.
Ở Lào, đám cưới thường được tổ chức vào tháng chẵn và vào nửa đầu tháng. Không ai cưới nhau khi trăng khuyết. Tình đoàn kết Việt - Lào đầy hy vọng như trăng non rồi trăng tròn của tục lệ đáng yêu ấy.
Trở lại Viêng Chăn buổi chiều. Viêng Chăn vẫn rộn rã tiếng hát và tiếng trống của những đoàn người, đoàn xe đi hộ đê. Trên máy bay từ Luông Pha-bang về, nhìn bên kia sông tỉnh Nọng Khai, Thái Lan trắng xóa nước trước mắt. Phố xá, nhà cửa huyện lỵ Xi Xiêng Mai nổi lên như một hòn đảo. Nước Mê Kông đã ùa vào cả miền Đông Bắc Thái Lan, mà nước vẫn còn lên. Những chiếc thuyền đậu bờ sông, mui cao bồng bềnh hơn mặt đường, như những chiếc thuyền cắt giấy trong phim hoạt họa dán lên mặt nước.
Chúng tôi vào nhìn nước lên trong một phố hẻm đầu ô trổ ra sông. Nhưng trên bờ dưới bến, vẫn mọi cảnh hàng ngày thấy. Trên cái sa la hóng mát của phố có đám cột chìa ra sông đã ngập nước gần sát mặt sàn. Người ra nhìn nước lên, đứng lô nhô. Một cây me cổ thụ, nước ngập quanh gốc. Các làng ngoại ô đưa rau quả vào bán trong thành phố. Những chiếc thuyền chở những buồng chuối ngự. Có thuyền đầy một khoang bưởi. Một thuyền dưa hồng neo vào sát mép đê. Người lội ra víu thuyền vào, đổ hoa quả la liệt trên khắp sân chùa. Trong chùa, một vị sư già, áo cà sa vàng sẫm, ngồi trên cao cất tiếng sang sảng đọc kinh thường nhật ngày rằm. Các cụ già trong xóm, khăn vàng kính cẩn vắt vai, ngồi la liệt khắp chiếu, giỏ hoa đặt trước mặt. Lễ Phật và nghe kinh, mọi người kính cẩn ngồi đến tận lúc lên đèn. Viêng Chăn rộn ràng trong cuộc sống mới, cả trong những lúc khẩn trương chống lụt như thế, vẫn thảnh thơi một vẻ riêng.
Ở trụ sở trong ngõ phố có đội tự vệ túc trực canh đê. Mọi người biết tin bạn Việt Nam tới thăm, đèn bật sáng trưng. Cơn mưa từ chiều đã lác đác nặng hạt, đe dọa mưa to. Nhưng có bạn đến là vui rồi. Trước sân căng lên một chiếc dù - loại dù của Mỹ dùng thả lương thực và đồ dùng xuống các đồn lẻ. Chiếc dù vàng tỏa kín mảnh sân vuông vắn giữa vườn xoài.
Mỗi khu phố Viêng Chăn có một đội dân quân tự vệ được trang bị đầy đủ. Tự vệ phố Sây Khay đã tự sắm sửa lấy súng và mọi phương tiện.
Đội dân quân đã tới, ngồi đứng đông khắp gian phòng rộng. Cả chủ tịch khu phố cũng vừa đến. Các chiến sĩ dân quân tự vệ đều là thanh niên trong phố tham gia. Công nhân xưởng cưa, nhà máy diêm, đạp xe lôi, lái tắc xi, thầy giáo, nhà chài đánh cá, người làm ruộng… Mỗi người một nghề nhưng cùng một tinh thần hăng hái. Đội tự vệ thành lập đã được ba năm, vẫn nguyên một khí thế sôi nổi khẩn trương như những ngày đầu.
Ba năm nay, trung đội phụ trách trật tự, trị an rất đắc lực. Như cả Viêng Chăn, trong khu phố không xảy ra một vụ mất mát, kể cả những cái trộm vặt và không cãi nhau đánh nhau lộn xộn. Ngoài đường phố, đội tự vệ ở Sây Khay chịu trách nhiệm an ninh một dọc ngót mười ki-lô-mét bờ sông Mê Kông đến giáp đảo Đon Chăn.
Trên đất nước Lào, niềm vui biểu hiện thật lòng bao giờ cũng là những những cuộc chơi hết mình cùng nhau múa hát, cả đất nước trong múa hát.
Ở đâu các bạn cũng múa hát. Những toán thanh niên đi hộ đê về, quần áo lấm bùn đất vẫn tươi cười gõ lên xẻng bắt nhịp, vừa đi vừa hát.
Tiếng trống lăm vông. Vòng múa lăm vông. Tiếng trống rập rờn qua mấy vòng múa, các cô dân quân váy đẹp gấu tím óng ánh kim tuyến ra mời khách dẫn đầu lọp - đợt múa. Cuộc họp mặt đã thành cuộc múa mà tất cả mọi người đến đây đều cuốn vào.
Những bước chân, những bàn tay uốn một vòng trống lại giục, lại lượn vòng nữa. Những cặp mắt óng ánh nhìn quanh mình không phải chỉ vì bước nhảy, mà vì tình nghĩa và tấm lòng mến khách.
Ai đến sau cũng cứ tự nhiên từng đôi bước vào vòng, đám vui mỗi lúc thêm đông, thêm náo nhiệt.
Một chiếc xe díp Mỹ từ ngoài ngõ xồng xộc vào, phanh đứng ngay cạnh đám chơi. Một chị nhanh nhẹn rời tay lái xe, bước ra.
Đồng chí chủ tịch khu phố giới thiệu:
- Chị Pênh đây là chỉ huy phó trung đội tự vệ.
Thế là Pênh vào đợt múa. Đôi mắt lừ đừ, hai cánh tay vờn, Pênh yểu điệu tình tứ theo nhịp trống Nam Lào rộn ràng.
Tôi hỏi qua bàn tay chào nghiêng:
- Cô Pênh làm gì?
- Em làm ruộng.
Làm ruộng, lái xe díp và múa lăm vông bàn tay rỡn lên như sóng. Từ hôm đến Viêng Chăn - thành phố giải phóng được ba năm, đương gỡ mình tiến lên trong cuộc sống mới, hôm nay tôi cảm thấy gặp thật một hài hòa đẹp đẽ của nếp sống con người với cuộc sống hôm nay.
Pênh nói:
- Tình đoàn kết Lào - Việt thì múa một nghìn vòng vẫn chưa nói hết những điều muốn nói. Đáng nhẽ vui suốt đêm được, nhưng mà bây giờ sắp phải đi canh nước. Em vừa họp trên thành phố về, có lệnh trực suốt sáng. Chúng em xin hẹn hôm nào nước xuống, anh còn ở đây, ta lại mở cuộc vui như hôm nay.
Đã gần nửa đêm, cả đội dân quân bắt tay chúng tôi. Trong một thoáng mắt, đã chia mỗi toán đi mỗi ngả ra bờ sông, giữa lúc trận mưa lớn rào rào xuống.
Tôi trông những người dân quân đi trong mưa. Đột nhiên nhớ ra vùng phố Sây Khay đây rất gần sân bay Vạt Tày. Sân bay dân dụng quốc tế Vạt Tày, mười lăm năm nay, nhiều lần tôi có dịp qua lại. Những năm Viêng Chăn còn chìm đắm trong vùng tạm chiến. Đứng trên gác phòng đợi của sân bay, nhìn ra thấy lính tráng nhung nhăng quần áo vằn vện của bọn Ku-pra-xít, Xi-hổ và những cái T.28 lượn lờ trên trời. Trông vào thành phố, chỉ thấy những rặng dừa lơ thơ, không thấy người.
Hôm nay, Viêng Chăn cách mạng đã thắng lợi. Gặp gỡ những người chiến sĩ, những người con yêu quý của Tổ quốc trong niềm vui chan chứa với đội dân quân tự vệ của thành phố trên con đường và cạnh cái sân bay bây giờ là của mình, của những con người bình thường trong phố này, mới thấy sâu sắc được Viêng Chăn thật là Viêng Chăn.