Kí Ức Đông Dương - Chương 02
MÙA THU LUÔNG PHA-BANG
Viêng Chăn - Luông Pha-bang, máy bay An-24 bay bốn mươi phút tới vùng trung tâm Bắc Lào. Thế mà đường bộ phải vượt trên bốn trăm ki-lô-mét. Cứ nghĩ vậy đã có thể tưởng ra núi đèo trập trùng như thế nào.
Từ hồ Nậm Ngừm ngược lên, chỉ còn rợn mắt một màu xanh rừng. Cho đến vùng trời Huổi Sài tỉnh Hua Không giáp với Miến Điện, còn hai ngày đường nữa, thế mà đường bay cũng chỉ hơn nửa giờ. Lại vẫn xanh, cả đến những cánh rừng sau cơn mưa chợt hửng, cứ xanh bừng lên. Từ đây đi lên, một vùng Tây Bắc cho tới ngã ba biên giới Miến Điện - Thái Lan, chỉ gặp thấp thoáng vài ba cánh đồng ở Nậm Bạc, ở Nậm Thà, ở Mường Sinh. Rừng, hàng ngìn ki-lô-mét rừng, rừng đương mùa thu, trong mưa xối xả, các cánh rừng càng bồng bột nổi sóng xanh màu xanh lạ lùng. Không ai có thể tưởng ra được màu xanh kỳ lạ và ngỡ ngàng ấy của rừng Lào mùa mưa.
Đầu đằng kia, Viêng Chăn mưa tầm tã, vậy mà, trời Luông Pha-bang rực rỡ nắng lồng cả vào trong thung lũng. Ngang xuống rặng núi bên kia sông, đỉnh rừng nhô qua cửa sổ, nhìn rõ từng gốc cây trắng xanh bóng nắng.
Sân bay Luông Pha-bang vốn chỉ là một sân bay dã chiến của đế quốc Mỹ mở vội vã ra giữa rừng cỏ tranh - có một đường băng hơn nghìn thước, một bốt lính. Không có nhà ga.
Những năm ấy, và càng những năm về sau, cuộc chiến đấu của quân đội cách mạng Lào phát triển, khu du kích và khu giải phóng mở đến tận Xiềng Ngần, cửa ngỏ vào Luông Pha-bang. Các thành phố phía Bắc này đều bị chơi vơi giữa vòng vây rừng và khu du kích, ở đâu địch cũng hối hả xây sân bay làm con đường sống cho những thị trấn bị phong tỏa.
Bây giờ, sân bay Luông Pha-bang đổi thay khác hẳn. Trước kia, ở đây là những nơi tung ra tội ác. Trước kia, đấy là lối chạy chết. Bây giờ, đấy là con đường cho mọi người đi, đến thuận tiện trong cuộc sống xây dựng.Từ tội lỗi trở thành điều lành, sân bay Luông Pha-bang bỗng nhiên mang một vẻ đẹp mơ màng mà tôi chưa thấy quang cảnh như thế ở bất kỳ cái ga trời nào những nơi tôi đã được qua. Sân bay ở Luông Pha-bang, ở Sà-và-nà-khẹt, ở Xê Pôn dưới Nam Lào, nó sao mà gần gũi, nó như cái sân trước của nhà mình, bước ra thì lên cửa máy bay.
Thật như thế, người Luông Pha-bang đáp máy bay xuống Thủ đô Viêng Chăn như đi chợ, mang theo những cặp lá trầu không xanh óng, những túi nilông đựng cải xoong, những trái chanh, và cả một cái lồng nhốt con ngỗng. Người ta bảo giống cải xoong nước suối đá quanh Luông Pha-bang và chanh vườn dọc sông Mê Kông quãng trên này mới thật đậm, mới lên hết vị rau ngon, chanh ngon đến thế.
Các bạn Luông Pha-bang bảo tôi không vội vã. Trời chốc mưa chốc nắng thế, không biết giờ bay có đúng được không. Cứ lúc nào nghe tiếng máy bay đến ta ra sân bay cũng vừa. Khách đợi đi đứng tránh nắng mưa dưới cánh máy bay, cạnh cái bọc hàng gửi chất la liệt.
Khi chiếc máy bay vừa cất cánh lên rồi vút đi, trả lại một vùng tĩnh mạc của sân bay, lại nghe tiếng mõ trâu đạc lóc cóc ở một bụi lau nào gần đấy. Một con gà trong đồi cất tiếng gáy trưa - không biết gà rừng hay gà nhà. Tiếng bánh xe lam đưa khách rời sân bay nghe rào rạo, xa xa qua cầu Nậm Khan sang phố.
Trông lên thấy nhà hai bên đường mới biết đã ra khỏi rừng cây, vào thành phố. Ở dưới dòng sông Mê Kông, sông Nậm Khan trông lên phố cũng chỉ thấy bạt ngàn những bụi tre trúc, cây dừa, đôi chỗ có một bậc dốc xuống bến như bất cứ làng nào ven sông. Đến khi thấy thấp thoáng chỏm tháp chùa đỉnh núi Phu Xỉ, mới biết đấy đã vào tới trung tâm Luông Pha-bang. Tất cả các thị trấn, các thành phố nước Lào như đều mọc ra giữa rừng cây.
Luông Pha-bang, thành phố trong vườn dừa và trong bóng xanh rờn vườn chùa những cây chăm-pi - cây hoa ngọc lan.
Con sông Nậm Khan từ thượng nguồn chảy ra đến đấy còn làm duyên uốn mình một quãng rồi mới chịu hòa vào sông Mê Kông. Trong dải đất hẹp giữa hai triền sông gặp nhau, chỗ đầu nhọn vút ấy là thành phố cổ Luông Pha-bang có núi Phu Xỉ sừng sững giữa phố, mà ra ngó thấy như trái núi mọc đầu nhà. Ở Luông Pha-bang, trông phía nào cũng thấy triền núi và chi chít những nương lúa xanh nhạt dưới bóng mây và nghe tiếng mõ trâu gõ lãng đãng đi qua và những mái chùa kiến trúc Bắc Lào năm lần mái nghiêng chồng lên nhau.
Luông Pha-bang, “thành phố Phật vàng”, thành phố trong màu xanh bóng núi, chỉ có hơn hai vạn người nhưng có tới trên năm mươi ngôi chùa. Những rặng cây tếch hoa vàng, những vườn dừa và hoa ngọc lan trắng muốt. Phố trung tâm lượn quanh chân núi Phu Xỉ. Mái chùa cao, ngói mốc đen, ba lần, năm lần xếp chồng nhau.
Khác chùa hai mái ở Viêng Chăn, khác chùa trong Xiêng Khoảng chỉ có một mái đứng - mỗi nơi một kiểu nhưng đâu cũng một kiến trúc Lào, mái và tường rêu phong đen sẫm, không ngói đỏ ngói vàng sặc sỡ như ở một đôi chùa lai Thái, lai Miến dưới kia.
Ở đây cũng như Viêng Chăn, nhưng nghệ thuật ở đây càng thuần Lào hơn, những pho tượng, những tấm khắc trên cửa, những bức tranh vẽ tường, những sự tích chùa chiền vẫn chẳng khác mọi sinh hoạt nhân gian ngoài đời sống.
Pho tượng Phật nằm trên bệ thờ chùa Xiêng Thoong khác nào cô gái Lào nằm ngủ nghiêng người, tay áp má, tay duỗi trên thân mình thật đẹp, hai bàn chân thanh thản xếp bên nhau. Chắn hẳn nhà nghệ sĩ tài hoa nào thời ấy đã khéo gửi hình ảnh người mình yêu vào muôn thuở như thế.
Cuộc sống thường ngày trong công cuộc làm ăn và rong chơi, ngoài đời có múa hát, trong tranh có múa hát, có người và cá sấu múa giỡn, cả trong gian nguy vẫn múa hát. Múa trên hoa sen lá sen, múa trên lưng ngựa, trên đầu voi, trên đầu quỷ…
Những sự tích nhà Phật trên những tranh vẽ tường chùa Vạt May khác đâu mọi cảnh ta hằng thấy ở khắp nơi trên đất nước này: lều chợ bên sông, cạnh hồ sen, người bán cá, bán chuối, người giã gạo, người vác nước. Cả đến cái nhà tô lên đấy cũng hệt ngôi nhà trong làng: nhà bậc thang, đầu mái tranh đặt chiếc chum hứng nước mưa với chiếc gáo múc treo đầu cột.
Bức tranh hay tấm gỗ khắc nào cũng viền voi, ngựa, trâu và lá cỏ, lá sen - đâu cũng gặp những cái hàng ngày như thế, cảnh nhà cửa vẽ trên tường chùa cũng như những dãy phố dài đều đặn từng nếp nhà nửa hai tầng nửa sàn có cửa sổ trông ra núi Phu Xỉ.
Chiếc trống chùa trên núi Phu Xỉ mặt da trâu, đanh gỗ lởm chởm như những con ốc nhồi bám quanh tang trống. Gác trống cất giữa mỏm đá cao nhất. Không biết ngày đêm từ bao đời, cứ cách quãng ba giờ, nhà sư giữ chùa lại thong thả điểm một hồi. Tiếng trống rơi xuống thành phố: Tiếng thu không, tiếng nửa đêm, tiếng thức giấc, tiếng rạng sáng, làm cho thành phố dòng sông như nửa tỉnh nửa mơ trong tiếng đạo, tiếng đời.
Trèo hết ba trăm hai mươi tám bậc đá, lên đến đỉnh núi Phu Xỉ: Trông xuống bốn phía lại vẫn thấy nhà và phố ngập trong bóng dừa, bóng núi và hai dòng sông bắt chéo trước mặt sau lưng.
Khách lững thững trên đường phố Luông Pha-bang một buổi sáng mát sau trận mưa suốt đêm.
Những trận mưa rả rích tưởng như chưa bao giờ hết nước. Thế mà mưa lại dứt hạt lúc nào không biết. Vừa tạnh, trời đất lại ráo trong như mới nguyên. Trong óng đến nỗi tưởng như mình vừa bước tới, thấy được con đường, mái chùa, nếp nhà còn ướp nguyên trong hơi nước mưa và mùi hoa chăm-pi. Cả thành phố sau mưa thơm mùi hoa ngọc lan. Những cây ngọc lan cổ thụ, sân chùa, vườn chùa nào, đường phố nào cũng có. Mùi hoa chín trong nước mưa thơm nhè nhẹ, không nồng nàn như hương ngọc lan ban đêm. Một dải ngát thoảng như chảy theo người đi, trôi xuống những dòng sông tỏa bốn phía thành phố. Người bước thanh thản trong vườn hoa thơm và thành phố hiền hòa, thành phố giữa mường của vườn cây, của những cánh đồng, những con sông.
Chợt nghe tiếng giã gạo, tiếng vang thong thả từng chày.
Thành phố giữa mường của vườn cây, của những cánh đồng, những dòng sông của các dân tộc anh em quây quần. Không đâu thấy được bức tranh đoàn kết dân tộc tuyệt đẹp như Luông Pha-bang. Cánh đồng và làng dừa của các dân tộc Lào Lùm. Những rừng vùng đầu suối, các dân tộc Lào Thênh. Trên rặng núi xung quanh, như vạc ra những con đường đất đỏ ối qua cánh rừng xanh ngắt tới những bãi bằng trống không, đấy là nơi ở của các dân tộc Lào Sủng - những làng xóm người H’mông từ sáng sớm mù mịt sương đã nghe tiếng khèn nhấp nhô với đám người xuống chợ thành phố xem hội thuyền.
Người nghỉ chân trong những sa la trên ngã ba sông xem đoàn thuyền tập để bơi trong ngày hội bơi chải sắp tới.
Từ sáng sớm, lũ lượt người lên rước thuyền - những cái độc mộc sơn then thếp vàng dài hơn ba mươi thước và những chiếc thanh la rộn rã mở đường. Hàng trăm người xúm đẩy thuyền xuống sông. Cả mấy chục chiếc đang mải miết bơi tập. Mỗi thuyền năm mươi lăm tay bơi, bê chèo sơn đỏ khé cùng hòa vang động suốt ngã ba Mê Kông - Nậm Khan.
Thành phố đương sửa soạn ngày hội. Hội mừng ngày mùa. Hàng năm, cắm xong cây lúa xuống ruộng, người ta coi như hết việc đồng. Mùa mưa cứ thong thả đến. Lúa ruộng, lúa nương bây giờ đã xanh bồng bột như cả ngàn rừng cây. Cả nước đã làm mùa xong trước mùa mưa. Bây giờ mở hội. Vui đến độ những làng H’mông đỉnh núi cũng nô nức về xem bơi chải.
Tôi đã trông thấy trên sông phía Pác Xường - cửa sông Nậm Xường ra Mê Kông, một cái bè kết bằng những ống bương tươi vừa ngả xuống. Đầu bè cắm quốc kỳ Cộng hòa Nhân dân Lào, nền xanh rừng và màu đỏ cách mạng phấp phới. Trên mảng ngổn ngang những rọ măng, những bu gà và cả chăn đắp. Ba thanh niên người H’mông áo chẽn đội mũ dạ đứng chênh vênh đẩy mảng xuôi. Những chàng trai ấy từ trên núi xuống, làm mảng bơi về Luông Pha-bang xem hội. Người Lào Sủng vốn không ưa sông nước. Thế mà dám đáp mảng ròng rã mấy ngày về hội bơi.
Luông Pha-bang - nơi tụ tập tiêu biểu sức sống và tình yêu thương của các dân tộc trên miền Bắc đất nước.
Về xem hội bơi chải, người đi qua khắp các làng ở vùng cánh đồng. Men bờ sông Nậm Khan qua cầu, khách đến làng Pha Nom. Một làng nhỏ khiêm tốn cũng như Luông Pha-bang, phải bước vào các xóm trong làng mới thấy được cái đẹp - cũng như duyên thầm của người con gái Lào, nếu chỉ thoáng qua, có khi chưa hiểu thật được. Làng Pha Nom yên lặng trong cây. Qua bên kia rặng trúc xanh rì, loáng thoáng trước mắt những chân cột nhà sàn bắt đầu cuộc sống rộn ràng một làng dân tộc Lự làm ruộng và có nghề canh cửi cổ truyền.
Tôi nhớ ở Lai Châu năm trước, có lần đi công tác trên cao nguyên Sìn Hồ rồi vòng xuống “vùng thấp” cửa sông Nậm Na, giữa đường vào nghỉ chân làng đồng bào Lự.
Những cô gái Lự đi nương về, váy đỏ gấu điều lả tả, rực rỡ trong nắng chiều. Bộn rộn khắp cả nhà, tiếng gà cục tác, tiếng người gọi lợn và khói bếp xanh sẫm đọng ngay trên mái. Làng người Lự thật đầm ấm.
Các cụ già người Lự ở Pha Nom đây kể rằng người Lự đến đất này, cùng với người Lào chung một cánh đồng, có đến ngoài ba, bốn trăm năm rồi, không ai nhớ được chính xác. Đời người lưu lạc qua rừng qua suối đến chỗ đất phẳng kiếm miếng ăn, con người cũng không còn nhớ tên mình, biết đâu tên làng tên đất, tới chốn này gặp tình anh em và có cái sống thì dừng lại, làm nhà ở bên những tảng đá nhấp nhô như những cái vú đá, thì gọi là làng Pha Nom - làng vú đá, thế thôi. Người Lự, vốn khéo tay và cần cù, có ruộng thì cấy lúa, phá được nương thì gieo mố, đi làm ngoài nương ngoài đồng về ngồi sàn đầu nhà lại chẻ mây đan ghế, uốn song tết mâm. Đêm đến, thắp đèn lên, bật bông, nhuộm chỉ, dệt váy, dệt khăn vắt đem bán chợ. Nhưng xưa kia, bị đè nén trong xã hội cũ, người Lự chẳng được làm như việc bây giờ ta ngồi tưởng tượng mà tính gọn ra thế. Cả làng Pha Nom thời ấy đều phải làm một nghề - đàn ông cũng như đàn bà, quanh năm phải vào kinh đô Luông Pha-bang làm tôi tớ trong các cung vua. Làng Pha Nom chuyên nghề đi hầu các vua chúa, đời này qua đời khác, suốt đời bước cắm mắt xuống đầu ngón chân.
Làng Pha Nom bây giờ khác rồi.
Từ những năm cách mạng Lào còn trong bóng tối gian khổ, làng Pha Nom đã được ánh sáng tới, nhen nhúm được cơ sở cách mạng, có người đi khu giải phóng. Hôm nay, các lứa tuổi trẻ Pha Nom đi bộ đội, đi cán bộ, đi học các nơi: Pha Nom, một vùng khuất nẻo xanh bóng trúc, trong làng dừa lủa tủa bờ Nậm Khan, tiếng chim tăng ló kêu nghe xa thẳm vào im lặng, tưởng như nơi hoang dã xưa nay chỉ có thế, vậy nhưng Pha Nom không cô đơn, ở Pha Nom có thanh niên xuống Thủ đô Viêng Chăn học đại học. Pha Nom lại có cả thanh niên làm phi công lái các đường bay quốc tế của hãng Hàng không Lào. Pha Nom có thanh niên đi học ở Hà Nội và ở các nước bạn trên thế giới.
Pha Nom như thế đấy. Và đấy cũng là hình ảnh bình thường của bất cứ nơi khuất nẻo nào ở nước Lào bây giờ. Viêng Chăn cũng như Luông Pha-bang, cũng như ở Phôn Hồng, ở Na Nhàng, thiên nhiên như muôn thuở, nhưng con người thì thật sôi động và cuộc đời đương đổi thay.
Có khách đến, làng Pha Nom mở hội giới thiệu những công trình lao động sáng tạo của một làng canh cửi. Tôi đã có lần được thấy những sản phẩm đặc sắc này ở chợ Mới và những cửa hàng ở Viêng Chăn. Những cô gái Pha Nom đương gấp lại những tấm vải màu mới vừa dệt đổ ở cuốn cửi ra. Vuông vải may áo mặc thường ngày, nhuộm chàm và nhuộm lá rừng, cũng đỏ tươi, cũng hoa hiên, đẹp nền nã, ý nhị, bền màu đến tận lúc rách. Những tấm phe thua quàng vai màu xanh lồng chỉ kim tuyến lóng lánh các ngày hội. Những gấu váy thêu và những tấm khăn phủ mặt bàn, mặt tủ, phòng khách. Những túi đeo vai dệt hình con gà, đàn chim sặc sỡ, thật duyên dáng và thơ ngây mà khách du lịch nào đến nước Lào cũng phải tìm mua cho được để đeo ngay lên vai.
Cô gái Pha Nom hiền hậu, má đỏ hây, áo sơ mi hồng, cổ áo ve to kiểu mới. Tưởng như mình đến làng nào ở ngoài thành phố Pra-ti-sla-va, gặp những cô gái Slô-vắc xúng xính rực rỡ váy áo dân tộc ra mời khách.
Những cô nàng Pha Nom đương bật bông, đánh con cúi, xe chỉ. Những tấm thổ cẩm thêu hoa màu lục, màu hồng được các cô đem soi lại từng sợi dệt, trước khi giao hàng cho công ty du lịch. Những tiếng cười, những con mắt chứa chan. Cái vui và công việc rộn rã ấy không phải chỉ thấy ở nơi tiếp khách. Mà qua người làng có thể bắt gặp tình cờ trong mỗi nhà, cũng một cảnh quen mắt. Trên sàn, một bà già guồng sợi, quay mặt ra, chắp tay mỉm cười chào khách. Dưới sàn, cô gái trong khung cửi cắm cúi đưa thoi, bỗng ngừng thoi đưa mắt nhìn khách lạ. Người vào làng bây giờ chỉ có bạn, không phải bọn nhộn nhạo đi bắt lính, không phải lính tráng đi bắt phu, đi sục cái ăn hay đi bắt gái làng ra hầu hạ vua quan. Những con mắt gặp nhau chỉ thấy có quyến luyến. Cuộc sống mới bây giờ yên vui và êm đềm như con thoi đưa, chẳng có gì bất trắc. Người ta đinh ninh biết rằng dệt từ giờ tới chiều thế nào cũng được cuốn cửi.
Làng Pha Nom có nghề dệt thổ cẩm cổ truyền, làng bây giờ không phải như làng ngày trước, cả đời người đàn bà chỉ biết lê quanh cây bật bông và cái chum lá nhuộm. Đời người chỉ biết có dệt áo, dệt váy, dệt chăn đệm, may màn. Con gái đẹp làng Pha Nom bây giờ không phải cả đời quanh quẩn ở làng, đợi ngày lễ bước vào sân cỏ rón rén múa cho cả nhà cả họ mua vui. Không, hàng dệt Pha Nom bán chợ và xuất khẩu. Nghề dệt đương thành một công nghệ. Cô gái Pha Nom bây giờ đi cán bộ, đi học xa. Cô gái Pha Nom ấy cười đáp lời anh bạn Lào cùng đi với chúng tôi, rằng: “Có, Pha Nom chúng tôi bây giờ đã bỏ phong tục se duyên thiên hạ, cũng nhiều chị em lấy chồng xa, lấy chồng đi cán bộ tận Viêng Chăn”.
Ruộng hai bên đường đương lên xanh óng. Lúa này, chỉ đến hôm hội bơi chải đã vào đồng. Các làng quanh thành phố vào tổ đổi công từ hai năm nay, đã cấy được hết các chân ruộng.
Đồng chí Chít-ta-vông, người Lào Sủng, phụ trách nông nghiệp tỉnh, nói:
- Tỉnh Luông Pha-bang chúng tôi đã có mười hai hợp tác xã lập thủ. Người H’mông chúng tôi trên núi bây giờ cũng đương đợi. Chỉ còn đợi cán bộ về chỉ dẫn cách vào hợp tác xã.
“Đảng chúng tôi nói nước Lào có mười một tỉnh, tỉnh nào cũng đầy đủ có rừng, có ruộng, có đường nước, có đường bộ, có các dân tộc anh em đoàn kết, như thế thì làm gì cũng được.
“Tôi thấy Đảng chúng tôi nói đúng. Tỉnh Luông Pha-bang có cả ba vùng dân tộc: Lào Lùm, Lào Thênh, Lào Sủng. Ba vùng dân tộc đoàn kết là một sức mạnh. Đồng bào chúng tôi nói: Ba dân tộc đoàn kết, làm gì cũng được. Từ khi giải phóng, không nhà nào đói ăn, làng nào cũng làm trường học, người trong làng ra Luông Pha-bang, đi Viêng Chăn như đi chợ. Chưa bao giờ chúng tôi được yêu vui như thế”.
Mờ mờ sáng. Mở cửa sổ buồng khách sạn, trông ra vùng đồi trước mặt.
Ở nơi xó núi cùng trời này, nhưng đấy là một khách sạn hiện đại xây theo các khe lượn quanh đồi. Nghe nói kiến trúc sư Pháp vẽ kiểu. Sương mờ giăng xuống, mùa thu đã bắt đầu thực sự. Trên mặt đầm nước những đóa hoa sen vừa nở rữa đêm qua, cánh rụng đỏ thắm mặt nước. Mùi cỏ tranh khô bốc vào khung cửa buồng máy điều hòa vừa im tiếng. Tất cả cho tôi cái ý niệm tương phản dữ dội của cuộc sống trái đất đầu thế kỷ này. Chủ nghĩa xã hội càng phát triển thì bọn đội lốt nó càng lộ mặt và bị vạch mặt. Bọn phản bội ấy cùng với đế quốc chống phá cách mạng, không phải chỉ bằng súng đạn, bằng vu cáo, mà còn biết bao thủ đoạn tinh vi. Những lời lừa lọc khôn khéo cùng với mọi kiểu sống thật mới, đột ngột len lỏi cả vào đến những nơi hoang sơ này. Mấy cô gái lái ô tô nhởn nhơ đường phố Viêng Chăn…Một kiểu đồng hồ Thụy Sĩ mặt vuông trên cổ tay cô gái H’mông gặp ở chợ Phôn Hồng… Những tấm quảng cáo ở ngã ba đường của hãng dầu Sen vỏ sò…
Nhưng mà thôi, chúng đã cút khỏi đất này, không bao giờ có thể trở lại. Mọi huyễn hoặc ấy không thể là cuộc sống tốt lành cho người ta. Ai cũng biết thế.
Đèn điện thành phố trên núi Phu Xỉ, đã mờ vào làn mây mỗi lúc mỗi xuống thấp. Bắt đầu một ngày đầu thu trời mát rợi.
Hôm nay, ngược sông hơn hai mươi ki-lô-mét, tôi lên thăm chùa động đá ở sông Nậm U - một thắng cảnh vùng Luông Pha-bang. Hàng năm, đầu năm mới, người vùng này lên lễ chùa hang. Trên núi ấy có hai chùa và hàng nghìn pho tượng lớn nhỏ, tượng Phật bằng gỗ tạc, bằng đồng đúc. Có tượng từ các đời trước, có tượng của khách thập phương cúng dường đem đến hàng năm.
Đương mùa nước lớn, nhưng dòng Mê Kông trên này hẹp, có những quãng thác ngầm nước chảy xoáy như trong đèn cù.
Lại còn một câu chuyện người Mỹ để lại đây, mà cả vùng Pác U vẫn kể. Quãng đầu 1975, trước khi Luông Pha-bang được giải phóng, có một bọn Mỹ vào du lịch Lào. Cả trai cả gái, đi chùa hang có đến trăm đứa. Chúng đem theo những dọc tẩu và bàn đèn thuốc phiện mua ở chợ Viêng Chăn. Chúng ở lại mấy ngày, ăn ngủ thuốc xái, tiêm xì ke, hỗn độn trong cáisa la của chùa giữa rừng. Đến hôm đi, chúng lấy cắp đi tất cả những pho tượng bằng đồng. Bây giờ chùa hang cửa sông Nậm U không còn một cái tượng đồng nào.
Thuyền vẫn ngược nước lên. Tưởng như trông vào đâu bây giờ cũng chỉ còn một màu xanh hoang vu. Không thấy nhà, mà dễ dàng nhận ra làng xóm và phân biệt được trên hai bờ sông, cứ cách rừng một quãng lại qua làng. Chỗ người ở có những bụi trúc xanh biếc.Những vườn bưởi quả rám nắng vàng ửng. Trên xa, lớp lớp những rặng dừa. Đôi chỗ bờ dốc, một thang gỗ bắc đứng xuống mép nước. Mấy đứa trẻ tắm đùa rồi chạy vào bờ lau, cất lên những chiếc lờ cá vừa sập hom.
Dòng sông cứ miên man xuôi, con thuyền ngược ngỡ tới chỗ kia thì cộc núi, đến lúc ngoảnh lại, thấy những tháp chùa vàng trong thành phố cũng đã nấp bóng vào núi mà không biết dòng sông xuôi vào đâu. Thuyền ngược cũng như người và đường đi vào núi, mỗi bước núi lại mở ra cho chân bước và con sông cứ lặng lờ vào giữa những cánh rừng, những làng mạc liên tiếp.
Đã qua Pác Xường. Pác Xường! Pác Xường! Một cửa suối chảy ra sông lớn, đôi dòng phân vân, quãng ngã ba sông nào chẳng vậy. Nhưng qua đấy, đất lịch sử đời người, đời chiến sĩ, nhớ hôm trước thăm tiểu đoàn 1 và tiểu đoàn 2. Những đơn vị anh hùng của quân đội nhân dân Lào đã vào giải phóng đến Pác Xường. Cũng như đại đội pháo binh nữ đã võ trang tuyên truyền vào Xiềng Ngần. Xiềng Ngần, Pác Xường phía này, những cửa ngõ tiến vào Luông Pha-bang. Tôi chỉ được nghe các chiến sĩ kể lại chuyện chiến đấu ngày trước, thế mà trong tình cảnh qua Pác Xường bỗng dưng thấy như chính mình đương trở lại chiến trường cũ, nơi đã từng bị giặc chiếm đóng. Nơi ấy, quân đội cách mạng, các đồng chí Lào đã từng đổ máu. Pác Xường, cửa sông chiến trường ngày trước đương bình yên hôm nay. Trong cửa sông đã từng nhuộm máu chiến sĩ, tôi trông thấy có chiếc thuyền độc mộc từ một bến nhỏ trổ ra xuôi về thành phố, trong khoang chất đầy những trái bưởi, dưa hồng và những đệp trầu không lá chín xanh già xếp bên cạnh.
Một bà cụ buông mớ tóc bạc, miệng móm mém nhai trầu, thong thả tay chèo.
Lại một đoàn thuyền độc mộc khác lướt xuôi. Vẫn những chiếc thuyền đưa người về Luông Pha-bang xem bơi chải và đi chợ ngày hội. Tiếng trẻ con cười đùa, nghe lẫn lộn trong tiếng nước réo hai mạn, không biết trẻ đùa trong thuyền hay trẻ đùa trên bến.
Chùa hang trên bờ Mê Kông trông sang cửa Pác U giữa vách đá dựng đứng trên làn nước chảy xiết. Tiếng sóng uôm vang âm thầm vào các hang sâu. Chùa trên chùa dưới, những tảng đá hình voi hình ngựa và tượng ngồi đứng trông ra sông. Một cái tháp cổ nhìn xuống mặt nước như tạc lồi từ vách đá ra. Phong tục người đi lễ thường leo ra đầu núi ấy, dang tay ôm cái tháp đá. Nếu hai bàn tay ai đụng được đầu ngón vào nhau, thế là người ấy được phúc. Cái cớ để mong ước cũng tương tự như ở mọi nơi lễ bái, thờ cúng của các tín ngưỡng trên thế gian này. Vệt tay vòng và chỗ ngồi của người đi ướm tìm điều may mắn, không biết từ bao giờ, đã nhẵn bóng như chùi vào đá.
Những bậc đá đưa lên chùa trên hang cao nhất, dưới bóng những cây chăm-pa. Mùa này, những cây hoa đại ấy rợp lá, đương chớm hoa. Lối đi thơm mùi cây, mùi nụ của những khóm đại già mọc ra từ vách đá. Tượng Phật âm u giữa những giọt thạch nhũ. Tiếng nước rỏ mà nghe trong vắt. Lại chợt nghĩ đến câu chuyện bọn kẻ trộm người Mỹ năm trước chui rúc ăn nằm trong cái sa la thanh vắng ở cửa chùa của rừng kia.
Nhưng bây giờ, nơi thanh vắng tuyệt vời này không hề có một nét vẩn nào gợi lại chuyện ấy. Chỉ nghe ầm ầm tiếng sóng dưới chân. Như những tiếng náo nức xa xôi ngoài đời.
Qua ngã ba sông lên làng Pác U, Pác U cũng như Pha Nom, như Tha La và xóm ngoại ô Sây Khay nữa - đâu cũng cảm thấy như nhau một êm đềm đơn sơ. Buổi trưa đương rực rỡ nắng. Nhưng trong làng mát những cụm hóp đá xanh um. Cây mít cổ thụ. Vườn bưởi sai lúc lỉu quả chín già đã vàng. Bên bờ sông, một nhà gỗ dài lợp mái tôn - các trường học mới làm năm ngoái.
Nhiều người đứng đầu sàn nhìn khách vào xóm. Một ông già chạy ra, tíu tít lấy ghế mời chúng tôi nghỉ chân rồi cụ đi hái bưởi mời khách. Bưởi rơn rớt chua chấm mắm cáy dầm ớt gió. Bọn trẻ con nhanh thế, đã đi hái đâu đem đến một chậu đầy ổi. Hình như đám trẻ ấy đương bẫy chim đằng ven rừng. Có cậu tất tả chạy về còn xách theo cái lồng bẫy nhốt hai con chim tăng ló. Con tăng ló bộ mã xanh vàng như màu vàng anh, có cặp mỏ phàm ăn to bè, rất ngộ nghĩnh, khoét ngoạm được những miếng ổi chín.
Chẳng mấy lúc, người trong xóm kéo đến, vui chuyện râm ran.
Xóm ở đầu rừng, nhà sàn thấp, cột ngoãm, vách dứng tre, không ván gỗ đẹp như những nhà cửa khang trang vùng ngoại ô. Nhưng thật trái ngược, mọi người ở đây đều mặc váy áo đẹp. Những cô gái áo hồng, cổ bẻ, cặp váy tím sẫm. Ông cụ, áo lụa gốc. Mấy người đàn ông lực lưỡng cởi trần ngồi hút thuốc và lặng lẽ đan lưới. Cái phên thóc phơi ngoài nắng đã được đậy một tấm lưới mà lũ gà con vẫn cố rúc vào mổ... Nhiều gà quá. Nhưng đây không phải làng nghèo, mà sao nhà cửa cứ như tạm bợ thế này.
Tôi đến một nhà cuối xóm, lên sàn cửa ngồi. Hai vợ chồng, một lũ con bé xúm xít quanh khách. Anh hút tẩu thuốc, miệng nhả khói, tay đan lưới. Tôi ngẩng nhìn cái ngoãm cột sàn và thang gác xù xì.
Chủ nhà dường như đoán được ý khách.
- Làng này lính ngụy mấy lần đến đốt, tàu bay Mỹ thả bom hai lần, cháy hết cả rồi.
Anh chỉ tay vào cánh rừng cạnh làng:
- Sang năm thì có nhà mới. Gỗ đã được kéo về ngoài kia.
Tôi lại được thấy một quang cảnh hôm nay bình yên, nhưng mới hôm qua, đây là mặt trận. Những con người gặp tình cờ đương thong thả và yên vui sinh sống đã là những người hôm qua còn đánh giặc.
Một ông già dưới bếp lên, vào ngồi chơi cùng đi với mấy nhà sư áo vàng rộm mặt nước. Ông già cầm tay tôi nói: “Ngày trước, tôi đã đi dân công theo bộ đội Pa-thét đến Việt Nam”.
- Cụ đã đến tận Việt Nam?
Ông già cười:
- Không xa đâu. Theo sông Nậm U này đi lên thì đến.
Trong chiến dịch Tây Bắc và chiến dịch Điện Biên Phủ ngày trước, thường có nghe tin máy bay Pháp đánh phá chặn đường hành quân và tiếp tế của bộ đội và dân công trên sông Nậm U. Phải sông Nậm U này, ngược nước lên đến Phong Sa Lỳ, có một nhánh tạt qua Lai Châu vào Điện Biên. Chính suối Nậm Rốm chảy qua Mường Thanh giữa chiến trường Điện Biên Phủ là một nhánh của sông Nậm U: Nước Nậm Rốm Điện Biên đổ vào Nậm U, chảy đến Luông Pha-bang thì ra Mê Kông. Dòng sông miên man đi khắp nước Lào trước mặt tôi kia có cả nước suối Nậm Rốm từ Điện Biên đến đây…
Trời biển sông nước trăng sao muôn thuở quanh ta đều là những ví dụ, những mong ước, những hy vọng mà con người thường kể đến. Người con trai và người con gái Luông Pha-bang nói những lời ước hẹn, thường hẹn rằng: Có núi Phu Xỉ giữa thành phố kia làm chứng cho tấm lòng đôi ta. Núi Phu Xỉ như thời gian, như mãi mãi. Hai dân tộc Lào-Việt trải bao đau thương, đã cùng một quyết tâm, một ý chí từ bao đời nay, nước Nậm Rốm ở Điện Biên đổ vào Nậm U chảy đến ngã ba sông Mê Kông Cửu Long này. Không bao giờ khác như thế được.
Thuyền tôi chèo nhởn một vòng vùng cửa sông, qua dưới những vách đá. Lại gặp những mảng người H’mông xuôi về Luông Pha-bang xem hội bơi chải. Tôi thẩn thơ cúi nhìn những đợt sóng nước đương luồn quanh, hình như tôi muốn xem có thể đoán biết được đâu là nước Nậm Rốm từ Lai Châu tới. Thật nực cười.Mối tình thiêng liêng của hai dân tộc, hai tấm lòng như một dòng sông đã hòa vào nhau, làm sao mà tìm thấy được khác.