Kính Sợ Và Run Rẩy - Chương 02

KÍNH SỢ VÀ RUN RẨY

Khúc trữ tình biện chứng của Johannes De Silentio

Copenhagen 1843

[16 tháng Mười]

Was Tarquinius Superbus in seinem Garten mit den Mohnkopfen sprach, verstand der Sohn, aber nicht der Bote.

[Điều Tarquinius Superbus nói trong khu vườn bằng những ngọn cây anh túc, con trai ông hiểu, nhưng vị sứ giả thì không.]

Hamann1

1. Câu đề từ bằng tiếng Đức này được trích từ tác phẩm Werke III của triết gia Đức Johann Georg Hamann (1730 - 1788); nó liên quan đến câu chuyện về người con trai của Tarquinius Superbus hay còn gọi là Tarquinius Kiêu Hãnh (535-496 TCN), vị hoàng đế thứ bảy và cũng là vị hoàng đế cuối cùng của đế chế La Mã. Tarquinius dùng khổ nhục kế đày con trai mình đến thành Gabii. Nhân dân trong thành tôn người con trai này lên làm thống lãnh quân. Sau đó, người con trai này gửi sứ giả đến cha mình hỏi xem nên đối xử thế nào với những kẻ trị vì thành Gabii. Không tin tưởng sứ giả, nhà vua trả lời bằng cách đưa sứ giả đến vườn thượng uyển rồi dùng gậy phạt cụt những ngọn anh túc cao nhất, nhằm ám chỉ cho con trai mình biết rằng nên xử tử tất cả những kẻ trị vì thành Gabii.↩︎

TỰA

Không chỉ đơn thuần trong lĩnh vực thương mại mà ngay cả trong thế giới tư tưởng, thời đại của chúng ta đang diễn ra em wirklicher Ausverkauf [một vụ bán tháo thực sự]. Hết thảy mọi thứ đều có thể mua được ở mức rẻ mạt đến nỗi người ta ngờ rằng cuối cùng liệu có còn ai muốn trả giá nữa hay không. Mọi tay định giá đầu cơ, những kẻ vốn tận hướng dõi theo những xu thế quan trọng của triết học hiện đại, mọi Privatdocent [Giảng viên tư phí]1, giáo sinh và sinh viên, mọi kẻ ngoại đạo và những người đương chức trong triết học, đều không hài lòng với việc hoài nghi hết thảy mà muốn vượt xa hơn nữa. Có lẽ là thiếu thức thời và không phải lúc khi hỏi họ rằng họ đang đi về đâu, nhưng chắc hẳn là nhã nhặn và khiêm tốn khi coi việc họ hoài nghi hết thảy là chuyện đương nhiên, bởi nếu không hẳn là kỳ cục khi nói đến chuyện vượt xa hơn nữa của họ. Tất cả bọn họ đều thực hiện hành động ban đầu này, và có lẽ với một sự dễ dàng đến mức họ không thấy cần thiết phải đưa ra bất kỳ lời nào về chuyện làm thế nào để thực hiện được nó; bởi ngay cả những kẻ tìm kiếm - một cách đầy âu lo và với niềm quan ngại sâu sắc - một sự khai sáng nhỏ nhoi, cũng không thể tìm thấy bất cứ thứ gì như vậy cả, không một dấu hiệu chỉ lối đưa đường, không một đơn thuốc dinh dưỡng nhỏ mọn, chỉ cho người ta biết phải làm thế nào để thực hiện cái nhiệm vụ phi thường đó. “Nhưng Descartes2 đã làm được”. Descartes, một nhà tư tưởng đáng kính, khiêm tốn và thẳng thắn, người mà những gì được ông viết ra chắc chắn không ai đọc mà lại không thấu động tâm can, đã làm cái mà ông nói và nói cái mà ông làm. Than ôi, ông trời, đó là một điều vô cùng hiếm hoi trong thời đại của chúng ta! Descartes, như ông đã khẳng định nhiều lần, đã không hoài nghi một chút nào về vấn đề đức tin. “Memores tamen, ut jam dictum est, huic lumini naturali tamdiu tantum esse credendum, quamdiu nihil contrarium a Deo ipso revelatur… Praeter caeter autem, memoriae nostrae pro summa regula est infigendum, ea quae nobis a Deo revelata sunt, ut omnium certissima esse credenda; et quamvis forte lumen rationis, quam maxime clarum et evidens. aliud quid nobis suggerere videretur, soli tamen auctoritati divinae potius quam proprio nostro judicio fidem esse adhibendam”. [Mặc dù vậy, nên nhớ rằng, như tôi đã từng nói, ánh sáng thiên nhiên này sẽ chỉ được tin tưởng chừng nào chính Thượng đế chưa khải thị điều gì ngược lại… Hơn nữa, chúng ta phải hằng ghi nhớ như một quy luật tối thượng, rằng cái gì được Thượng đế khải thị cho chúng ta thì đó là thứ chắc chắn nhất trong vạn vật; và chúng ta phải đặt lòng tin vào quyền lực Thần thánh, chứ không phải vào suy xét của chính mình mặc dù ánh sáng lý tính đối với chúng ta lại có vẻ như cho thấy, một cách vô cùng rõ ràng, một cái gì đó ngược lại3.] Ông không gào lên “Cháy rồi!” mà cũng chẳng bắt mọi người phải hoài nghi; bởi Descartes là một nhà tư tưởng câm lặng và đơn độc, chứ đâu phải một tay gác đêm ồn ĩ; ông khiêm tốn thừa nhận rằng phương pháp của ông chỉ quan trọng với riêng mình ông mà thôi và phần nào là kết quả của mớ tri thức lộn xộn trong những năm tháng đầu đời của ông. “Ne quis igitur putet me hic traditurum aliquam methodum quam unusquisque sequi debeat ad recte regendum rationem; illam enim tantum quam ipsemet secutus sum exponere decrevi… Sed simul ac illum studiorum curriculum absolvi (sc. juventutis), quo decurso mos est in eruditorum cooptare, plane aliud coepi cogitare. Tot enim me dubiis totque erroribus imblicatum esse animadverti, ut omnes discendi conatus nihil aliud mihi profuisse judicarem, quam quad ignorantiam meam magis magisque detexissem”. [Mục đích của tôi ở đây không phải là đề xuất ra Phương pháp mà tất cả mọi người đều phải theo để thực hiện hành vi Lý trí của mình một cách đúng đắn mà tôi chỉ đơn thuần chỉ ra cách mà tôi đã nỗ lực thực hiện hành vi ấy của chính mình mà thôi… Nhưng ngay sau khi tôi hoàn tất công việc học hành, vào cái lúc mà người ta thường được xếp vào hàng các bậc trí giả, thì tôi đã hoàn toàn thay đổi quan điểm của mình. Bởi tôi thấy rằng mình bị vướng vào nhiều hoài nghi và sai lầm đến nỗi có vẻ như đối với tôi mọi nỗ lực học hành chẳng có tác dụng gì khác ngoài việc khiến tôi càng ngày càng phát hiện ra sự ngu dốt của chính mình mà thôi4.]

Điều mà những người Hy Lạp cổ đó, những kẻ cũng có chút am hiểu nhất định về triết học, coi là một nghĩa vụ trong cả đời người, nhận thấy rằng sự thành thục trong việc hoài nghi không thể đạt được trong ngày một ngày hai, điều mà người biện sĩ kỳ cựu đạt được5, kẻ đã duy trì được sự cân bằng trong hoài nghi vượt qua hết thảy những luận cứ hợp lý, kẻ đã can đảm chối bỏ sự chắc chắn của tri giác và tư duy, kẻ đã không khoan nhượng chống lại nỗi âu lo của lòng ái kỷ và những lời ám chỉ của sự cảm thông - vậy mà chính điều ấy lại là xuất phát điểm cho tất cả mọi người trong thời đại chúng ta.

Trong thời đại chúng ta, chẳng ai hài lòng với việc dừng lại ở đức tin mà còn muốn vượt xa hơn nữa. Có lẽ sẽ là hấp tấp khi hỏi rằng những người này đang định đi đâu, nhưng đối với tôi đó hẳn là biểu hiện của sự tao nhã và có văn hóa khi giả định rằng hết thảy mọi người đều có đức tin, bởi nếu không sẽ thật kỳ cục khi nói đến chuyện vượt xa hơn nữa. Vào thời xa xưa, điều này hoàn toàn khác. Đức tin khi đó là nghĩa vụ trong cả đời người, bởi người ta giả định rằng sự thành thục trong đức tin không thể đạt được trong ngày một ngày hai. Khi mà kẻ già nua đã từng kinh qua thử thách cám dỗ ở vào thời khắc cận tử, đã chiến đấu anh dũng trong trận mạc và và đã giữ vững đức tin6, trái tim hắn vẫn còn đủ trẻ trung để không quên cái niềm kính sợ và run rẩy7 đã từng chế ngự lớp đầu xanh tuổi trẻ, còn người trưởng thành thì đã học được cách chế ngự nó, nhưng không ai có thể trưởng thành đến độ có thể dứt bỏ được nó cả - trừ phi tới cái mức mà người ta thành công trong việc vượt xa hơn đức tin càng sớm càng tốt. Nơi mà những kẻ tôn kính này đã đạt tới lại chính là điểm xuất phát mà hết thảy mọi người trong thời đại của chúng ta bắt đầu để thực hiện công cuộc vượt xa hơn ấy.

Người viết cuốn sách này chẳng phải là nhà triết học lấy một chút mảy may, hắn chẳng hiểu gì về Hệ thống8, chẳng biết liệu nó có thực sự hiện hữu hay không, liệu nó đã hoàn tất hay chưa; hắn đã có đủ cho đầu óc yếu ớt của mình cái ý nghĩ rằng đầu óc thiên hạ ngày nay mới thật phi thường làm sao, bởi tất cả mọi người đều có một ý nghĩ phi thường đến nhường ấy. Mặc dù ai đó có thể chuyển toàn bộ nội dung của đức tin sang dạng ý niệm thì cũng không có nghĩa là hắn đã hiểu được đức tin và hiểu được làm thế nào mà hắn đi vào trong đức tin hoặc làm thế nào mà đức tin đi vào trong hắn. Người viết cuốn sách này chẳng phải là nhà triết học lấy một chút mảy may; hắn chỉ là, poetice et eleganter [theo một cách đầy thi vị và tao nhã], một gã văn sĩ tay ngang, kẻ chẳng viết nên hệ thống mà cũng chẳng mang đến những triển vọng9 cho hệ thống, kẻ chẳng dốc lòng vì hệ thống mà cũng chẳng gắn mình với nó. Hắn viết bởi với hắn đó là một thứ xa xỉ mà nó càng dễ chịu và đáng chú ý bao nhiêu, thì càng ít người mua và đọc cái hắn viết bấy nhiêu. Hắn có thể dễ dàng tiên đoán số phận của mình vào cái thời mà đam mê đã bị xói mòn bởi việc học, vào cái thời mà tác giả muốn có độc giả phải cẩn thận khi viết để cuốn sách có thể dễ dàng đọc lướt trong lúc chợp mắt sau bữa trưa, và phải cẩn thận tạo dáng đi đứng bề ngoài cho giống bức họa người làm vườn trẻ tuổi lịch lãm trên tờ Adresseavisen (Người quảng cáo)10, tay cầm mũ và những lá thư giới thiệu với những lời nhận xét tốt đẹp từ chỗ làm cũ, tự tiến cử mình với đám đông tôn kính. Hắn tiên đoán được số phận mình - rằng hắn sẽ bị lãng quên tuyệt đối. Hắn có một linh cảm kinh khủng, rằng giới phê bình ghen ăn tức ở sẽ nhiều lần cho hắn nếm cảm giác đòn vọt; hắn run rẩy trước cái ý nghĩ còn khủng khiếp hơn, rằng một tay chép thuê liều lĩnh nào đó, kẻ chuyên nuốt những đoạn văn, kẻ mà để cứu vớt sự học luôn sẵn sàng làm với những trang viết của người khác điều mà Trop11 “để giữ gìn khiếu thẩm mỹ” đã cao thượng kiên quyết làm với cuốn sách có nhan đề Sự diệt vong của nhân loại, chính kẻ đó sẽ băm tác giả ra thành từng đoạn một, và sẽ làm việc đó với sự cứng nhắc của một người vì lợi ích của thuật chấm câu đã chia bài diễn văn của mình bằng cách đếm từ, để sao cho cứ năm mươi từ là một dấu chấm và ba mươi nhăm từ là một dấu chấm phẩy.

Tôi rạp mình với lòng tôn kính sâu sắc nhất trước toàn bộ hệ thống soát đồ ở trạm hải quan mà phản đối rằng, “Đây không phải là Hệ thống, nó tuyệt nhiên chẳng liên quan gì đến Hệ thống. Tôi cầu chúc hết thảy mọi phước lành tới Hệ thống và tới các cổ đông Đan Mạch trên chiếc xe bus này12 - bởi nó sẽ hầu như chẳng bao giờ trở nên một tòa tháp cả13. Tôi kính chúc họ hết thảy mọi may mắn và tất cả sự thịnh vượng”.

Trân trọng,

Johannes De Silentio14

1. Privatdocent là một chức danh được dùng trong một số hệ thống trường đại học ở châu Âu, đặc biệt là ở các nước nói tiếng Đức, được hệ thống từ điển Wikipedia chú thích là tương đương với chức danh Associate Professor (Phó Giáo sư) trong hệ thống đại học Bắc Mỹ và nằm trong khoảng giữa Senior Lecturer (giảng viên cao cấp) và Reader (tương đương Phó Giáo sư) trong hệ thống đại học Anh. Trong bản dịch của Alastair Hannay từ này không để nguyên mà dịch trực tiếp ra thành Lecturer (giảng viên), còn trong bản dịch của Edna H. Hong và Howard V. Hong thì chú thích là Assistant Professor (trợ lý giáo sư), đều tương đương với chức danh giảng viên ở Việt Nam. Lý do là bởi vì theo một số học giả giải thích, chức danh Privatdocent thời Kierkegaard thậm chí còn không được trường đại học trực tiếp trả lương mà phải nhận thù lao từ sinh viên, tức là không được tính là biên chế (tenure) như chức danh Phó Giáo sư (Associate Professor). Vì vậy ở đây nó được dịch theo nghĩa đen tiếng Đức là giảng viên tư phí. Ở đây Kierkegaard có ý mỉa mai đến Hans Lassen Martensen (1808-1884), đối thủ không đội trời chung của ông, người vào thời điểm đó vừa mới nhận chức Privatdocent. Theo chú giải của Walter Laurie, thì lời tựa này là cách mà Kierkegaard sử dụng để phản bác kịch liệt đối với bài phê bình của Martensen về tác phẩm Những bài giảng nhập môn Logic Tư biện của J.L. Heiberg, tạp chí Danske Maanedskrift, số 16 (1836) trang 515.↩︎

2. René Descartes (1596-1650) nhà triết học Pháp. Được coi là ông tổ của triết học hiện đại châu Âu. Descartes được nhắc tới ở đây bởi vì Martensen viện dẫn đến ông trong bài báo đăng trên tạp chí Danske Maanedskrift, số 16 (1836) trang 515. (Xem chú thích trên.)↩︎

3. Trích từ Principia philosophiae, pars prima (Nguyên lý triết học, phần đầu) của René Descartes.↩︎

4. Trích từ Dissertatio de methodo (Luận về phương pháp) của René Descartes. Theo bản dịch của Trần Thái Đỉnh, đoạn này được dịch như sau. “Như vậy ý định của tôi không phải là đem dạy ở đây cái phương pháp mà mỗi người phải theo để hướng dẫn lý trí của mình cho đúng, nhưng chỉ là để cho thấy tôi đã cố gắng hướng dẫn lý trí của tôi như thế nào… Nhưng vừa khi tôi hoàn tất chương trình các môn học để sau đó có thói quen được liệt vào hàng các bậc thông thái, tôi liền hoàn toàn đổi ý. Bởi vì tôi thấy mình bị vướng vào nhiều nghi hoặc và nhiều sai lầm đến nỗi tôi tưởng đã chẳng được một chút lợi ích nào trong việc học hành, trước cái lợi là đã càng ngày càng khám phá thêm sự dốt nát của tôi”. [Trích từ bản dịch cuốn Phương pháp luận của René Descartes, trang 228 và 229, in trong Triết học Descartes, Trần Thái Đỉnh, NXB Văn học, 2012.]↩︎

5. Có lẽ ám chỉ đến một triết gia Hy Lạp thuộc phái Khuyển nho (Cynics), chẳng hạn Carneades (215-129 TCN), người nghi ngờ cả tri thức lẫn cảm thức.↩︎

6. Xem Kinh Thánh, sách 2 Timothy 4:7. “Ta đã chiến đấu anh dũng trong trận mạc, đã hoàn tất cuộc chạy đua và giữ vững đức tin”.↩︎

7. “Kính sợ và run rẩy” (Fear and trembling) cũng là nhan đề của cuốn sách này được Kierkegaard trích ra từ câu Kinh Thánh trong sách Philippians 2:12: “So then, my beloved, even as you have always obeyed, not only in my presence, but now much more in my absence, work out your own salvation with fear and trembling.” [“Vậy, thưa anh chị em yêu dấu của tôi, như anh chị em vẫn luôn luôn vâng phục, không những khi tôi có mặt mà thôi nhưng nhất là bây giờ, lại càng vâng phục hơn khi tôi vắng mặt. Hãy lấy lòng kính sợ và run rẩy mà hành động để hoàn thành sự cứu rỗi mình.”]↩︎

8. Ở đây Kierkegaard ám chỉ đến hệ thống triết học của Hegel. Hệ thống triết học của Hegel được chia làm ba phần: (1) Logic học (Logic); (2) Triết học Tự nhiên (Philosophy of Nature); (3) Triết học Tinh thần (Philosophy of spirit/mind). Trong Triết học Tinh thần của Hegel, sự phát triển của tinh thần trải qua ba mức từ thấp đến cao là: (a) Tinh thần Chủ quan (Subjective Spirit/Mind); (b) Tinh thần Khách quan (Objective Spirit/Mind); (c) Tinh thần Tuyệt đối (Absolute Spirit/Mind). Ở mức cao nhất là Tinh thần Tuyệt đối, vốn là mức quan trọng nhất để đạt được Nhận thức Tuyệt đối (Absolute Knowledge), Hegel lại chia ra làm ba hình thức nhận thức: (i) Nghệ thuật (Art); (ii) Tôn giáo (Religion); (iii) Triết học (Philosophy). Trong đó, Nghệ thuật là hình thức nhận thức thấp nhất của Tinh thần Tuyệt đối: nó nhận thức cái Tuyệt đối bằng trực giác cảm tính. Tiếp đến là Tôn giáo, nó nhận thức cái Tuyệt đối bằng biểu tượng; nó không chỉ nhận thức cái Tuyệt đối bằng trực giác cảm tính mà còn bổ sung vào đó lòng sùng kính đối với cái Tuyệt đối (tức là Thượng đế). Nghệ thuật, theo Hegel, chỉ là một mặt của Tôn giáo. Và cuối cùng hình thức cao nhất của Tinh thần Tuyệt đối chính là Triết học. Triết học nhận thức cái Tuyệt đối bằng hình thức khái niệm và trong triết học, hai mặt Tôn giáo và Nghệ thuật được hợp nhất làm một. Do đó, theo quan niệm của triết học Hegel, thì đức tin tôn giáo chỉ là một trạng thái quá độ của tinh thần. Để nhận thức được hiện thực dưới dạng lý trí, thì người ta cần phải vượt xa hơn nữa để vươn tới tầm nhìn của triết học. Mục đích chính của Kierkegaard khi viết cuốn sách này là nhằm bác bỏ quan điểm đó. Theo Kierkegaard, người ta không thể vượt xa hơn đức tin, bởi đức tin thuộc về cái tuyệt đối và không thể nhận thức đức tin bằng lý trí. Tóm lại, ông chối bỏ Hệ thống phổ quát của Hegel và đây chính là nền tảng của triết học hiện sinh với quan niệm mỗi cá thể có một hệ thống riêng chỉ nằm trong mối liên hệ tuyệt đối với cái tuyệt đối của chính nó mà thôi.↩︎

9. Martensen đưa ra “những triển vọng” như thế trong bài báo đăng trên tạp chí Danske Maanedskrift, số 16 (1836) trang 515. (Xem thêm chú thích 2.)↩︎

10. Kierkegaard ám chỉ một cách miệt thị tới tờ Berlingske Tidende, một tờ báo thuộc sở hữu của thương nhân Nathanson (đồng thời y cũng kiêm luôn chức chủ biên), kẻ thù không đội trời chung của ông.↩︎

11. Trong tác phẩm Nhà phê bình và con Quái vật của J.L. Heiberg, Trop xé vở bi kịch của mình, Sự diệt vong của nhân loại, ra làm đôi và bình luận rằng, “Bởi nó không đủ giá trị để giữ gìn khiếu thẩm mỹ, vậy thì tại sao chúng ta lại không làm như thế chứ?”.↩︎

12. Xe bus xuất hiện lần đầu tiên ở Copenhagen năm 1840, chỉ ba năm trước khi Kierkegaard viết tác phẩm này.↩︎

13. Bằng việc nói rằng “Hệ thống” của Hegel nên được mô tả như một chiếc xe bus hơn là một tòa tháp, Kierkegaard có lẽ muốn ám chỉ đến tòa tháp trong sách Phúc âm Luke 14:28-30, được dẫn chiếu trong Luận đề II của tác phẩm này, tòa tháp không thể hoàn thành bởi vì những người xây nó không tính xem mình có đủ tiền hay không.↩︎

14. Johannes De Silentio (có nghĩa là Johannes Câm lặng) là bút danh Kierkegaard dùng để viết tác phẩm này.↩︎

DẠO KHÚC

Xưa có một kẻ khi còn là một đứa trẻ đã được nghe một câu chuyện tuyệt hay về việc Thiên Chúa đã thử lòng Abraham như thế nào và ông đã chịu đựng thử thách đó, đã giữ vững đức tin, và đã lần thứ hai nhận được đứa con trai ngoài mong đợi ra làm sao. Khi lớn lên, hắn đọc vẫn câu chuyện đó với lòng thán phục còn lớn hơn, bởi cuộc sống đã chia tách cái vốn dĩ được hợp nhất trong sự mộc mạc ngoan đạo của đứa trẻ. Càng già đi thì tâm trí hắn càng trở lại với câu chuyện đó thường xuyên hơn, nhiệt tâm của hắn dành cho nó ngày càng lớn hơn, cho dù khả năng lĩnh hội câu chuyện của hắn ngày càng kém đi. Cuối cùng vì chuyện đó mà hắn quên đi hết thảy những thứ khác; linh hồn hắn chỉ còn một ước vọng, ấy là được thấy Abraham, một mong mỏi, ấy là được chứng kiến sự kiện đó. Hắn chẳng khao khát nhìn thấy những quốc gia Đông phương xinh đẹp, hay vinh quang trần thế nơi Đất hứa, hay đôi vợ chồng già kính Chúa mà ở tuổi già đã được hưởng ân sủng của Thiên Chúa, hay hình ảnh đáng kính của một trưởng lão già nua, hay vẻ cường tráng trẻ trung của chàng thanh niên Isaac mà Thiên Chúa đã ban cho Abraham - hắn chẳng thấy lý do nào để một chuyện giống như vậy lại không xảy ra trong một chốn hoang vu cằn cỗi nào đó ở Đan Mạch1. Khao khát của hắn là được đi cùng họ trong cái hành trình ba ngày khi Abraham cưỡi lừa với vẻ sầu muộn trên mặt và với Isaac bên mình. Mong ước duy nhất của hắn là được có mặt ở cái thời khắc khi Abraham đưa mắt lên và thấy núi Moriah ở lối đằng xa, vào cái giờ khắc khi ông để lại con lừa ở phía sau và một mình cùng Isaac đi lên núi; bởi điều khiến hắn bận tâm không phải những hình ảnh tưởng tượng thêu hoa dệt gấm đầy tinh tế mà là cái ý nghĩ khiến người ta run rẩy.

Kẻ đó chẳng phải là một nhà tư tưởng, hắn chẳng cảm thấy sự cần thiết phải vượt qua đức tin; với hắn số phận vinh quang nhất là được người đời tưởng nhớ như tổ phụ của đức tin2, và số mệnh đáng được ghen tị nhất là số mệnh của kẻ có đức tin, cho dù chẳng ai biết gì về nó.

Kẻ đó chẳng phải là một nhà chú giải uyên thâm, hắn chẳng biết tiếng Hebrew, nếu biết có lẽ hắn đã dễ dàng hiểu được cả câu chuyện lẫn Abraham.

I.

“Và Thiên Chúa thử lòng Abraham và phán rằng, hãy bắt Isaac, đứa con trai duy nhất của ngươi, đứa con ngươi yêu dấu nhất, và đi đến xứ Moriah, và dâng đứa con làm của lễ thiêu ở trên một hòn núi mà ta sẽ chỉ cho.”3

Đó là vào buổi sáng tinh mơ, Abraham dậy sớm, ông thắng lừa, rời lều, và Isaac đi cùng với ông, nhưng Sarah nhìn theo họ qua cửa sổ cho đến khi họ đi qua thung lũng và bà không còn thấy họ nữa. Họ đi trong im lặng ba ngày trời. Vào buổi sáng ngày thứ tư, Abraham chẳng nói một lời, nhưng ông nhướn mắt lên và thấy núi Moriah ở lối đằng xa. Ông để bọn đầy tớ trẻ tuổi lại và đi một mình cùng Isaac lên núi. Nhưng Abraham tự nhủ, “Ta sẽ không giấu Isaac chuyện con đường này sẽ dẫn nó đến đâu”. Ông đứng yên, đặt tay lên đầu Isaac để ban phước lành cho nó, và Isaac cúi đầu nhận ơn phước. Và khuôn mặt Abraham mang nét hiền hậu của một người cha, cái nhìn của ông dịu dàng, giọng nói của ông đầy khích lệ. Nhưng Isaac không thể hiểu nổi ông, tâm hồn cậu không tài nào phấn khích được; cậu ôm lấy chân Abraham, cậu quỳ xuống van xin, cậu cầu xin tha cho mạng trẻ của mình, cho niềm hy vọng tốt đẹp vào tương lai của mình, cậu gợi nhắc Abraham nhớ đến niềm vui trong căn nhà ông, nhắc ông nhớ đến nỗi sầu muộn và cô đơn. Rồi Abraham đỡ cậu dậy, ông đi bên cạnh cậu, giọng nói của ông đầy an ủi và cổ vũ. Nhưng Isaac chẳng thể nào hiểu được ông. Ông trèo lên núi Moriah, nhưng Isaac không hiểu được ông. Sau đó trong một thoáng ông ngoảnh mặt đi và khi Isaac nhìn thấy khuôn mặt Abraham trở lại nó đã thay đổi, cái nhìn của ông trở nên cuồng nộ, nét mặt của ông trở nên dữ tợn. Ông túm lấy Isaac, ném cậu xuống dưới đất và thét lên, “Đồ ngu, mi tưởng ta là cha của mi sao? Ta là một tín hữu. Mi tưởng đây là mệnh lệnh của Thiên Chúa sao? Không, đó là ước vọng của ta đó”. Rồi tiếp đó Isaac run rẩy và khóc rống lên vì khiếp hãi, “Ôi Đấng Thiên Chúa ở trên trời, xin hãy đoái thương đến tôi. Thiên Chúa của Abraham, hãy đoái thương đến tôi. Nếu tôi không có cha nơi trần thế thì xin Người hãy là cha tôi!”. Nhưng Abraham tự lẩm bẩm với chính mình, “Ôi Đấng Thiên Chúa ở trên trời, tôi xin tạ ơn Người. Rốt cuộc thì vẫn tốt hơn khi nó tin rằng tôi là một con quái vật hơn là để nó đánh mất đức tin nơi Người”.

***

Khi đứa trẻ phải cai sữa, người mẹ làm đen bầu vú của mình, bởi sẽ thật tủi hổ xiết bao khi bầu vú trông ngon ngọt thế kia vậy mà đứa trẻ không được bú nữa. Bởi thế đứa trẻ tin rằng bầu vú đã thay đổi, nhưng người mẹ thì vẫn vậy, cái nhìn của người mẹ vẫn mãi mãi đầy yêu thương và âu yếm như trước kia. Phúc thay cho kẻ nào không cần đến những mưu chước tồi tệ để cai sữa cho con trẻ!

II.

Đó là vào buổi sáng tinh mơ, Abraham dậy sớm, ông ôm lấy Sarah, người vợ nơi tuổi già của ông, và Sarah hôn Isaac, đứa trẻ đã xóa đi nỗi tủi hổ của bà4, là niềm kiêu hãnh của bà, là hy vọng của bà cho những thế hệ đời sau. Rồi họ đi trong im lặng suốt con đường, và Abraham cúi gằm mặt xuống đất cho đến tận ngày thứ tư khi ông nhướn mắt lên và nhìn thấy núi Moriah ở lối đằng xa, nhưng rồi ông lại nhìn xuống đất. Ông lặng lẽ chất củi lên, trói Isaac lại, và trong câm lặng ông rút con dao ra - sau đó ông trông thấy con chiên mà Thiên Chúa đã chuẩn bị. Rồi ông dâng nó và trở về nhà… Từ đó trở đi Abraham trở nên già nua, ông không thể quên rằng Thiên Chúa đã yêu cầu ông việc đó. Isaac vẫn chóng lớn như trước kia, nhưng cặp mắt Abraham thì tối đi, và ông không còn cảm thấy niềm vui nữa.

***

Khi đứa trẻ lớn lên và phải cai sữa, người mẹ che giấu bầu vú của mình bằng vẻ thẹn thùng của một thiếu nữ, cho nên đứa trẻ không còn mẹ nữa. Phúc thay cho đứa trẻ nào không mất mẹ theo cách khác!

III.

Đó là vào buổi sáng tinh mơ, Abraham dậy sớm, ông hôn Sarah, người mẹ trẻ, và Sarah hôn Isaac, niềm vui của bà, niềm hân hoan mãi mãi của bà. Và Abraham trầm ngâm đi suốt dọc con đường, ông nghĩ về Hagar5 và về đứa con trai mà ông dẫn nó về vùng hoang địa, ông trèo lên núi Moriah, ông rút dao ra.

Đó là vào một buổi tối êm ả khi Abraham ra ngoài một mình, và ông đi về phía núi Moriah; ông quỳ sụp mặt xuống, ông cầu nguyện Thiên Chúa tha thứ cho tội lỗi của ông, rằng ông đã sẵn lòng hiến tế Isaac, rằng một người cha đã quên mất bổn phận của mình đối với đứa con. Ông vẫn thường đi một mình trên đường, nhưng ông chẳng thấy thanh thản. Ông không thể hiểu được rằng thật là một điều tội lỗi khi sẵn lòng hiến dâng cho Thiên Chúa thứ quý giá nhất mà ông có, rằng vì tội ấy mà ông sẵn sàng cam lòng chịu chết bao nhiêu lần cũng được; và nếu như đó là điều tội lỗi, nếu ông chẳng yêu Isaac như ông đã yêu, thì hẳn ông không thể nào hiểu được rằng tội lỗi ấy làm sao có thể tha thứ được. Bởi liệu còn có tội lỗi nào có thể khủng khiếp hơn được nữa đây?

***

Khi đứa trẻ phải cai sữa, người mẹ cũng chẳng thể nào mà không buồn bã với cái ý nghĩ rằng bà và đứa trẻ sẽ ngày càng bị chia cắt, rằng đứa trẻ, vốn ngay từ đầu đã ở trong tim bà và sau đó ấp lên bầu vú của bà, giờ đây sẽ không còn gần bà như thế nữa. Bởi thế họ than khóc cùng nhau trong một hồi ngắn ngủi. Phúc thay cho kẻ nào vẫn giữ cho đứa con được ở gần đến thế và không còn phải buồn khổ nữa!

IV.

Đó là vào buổi sáng tinh mơ, mọi thứ đã được chuẩn bị cho chuyến đi trong nhà của Abraham. Ông từ biệt Sarah và Eleazar6, người đầy tớ trung thành, kẻ đã đi theo ông suốt con đường cho đến khi hắn phải quay trở về. Họ đi trong hòa thuận, Abraham và Isaac, cho đến khi họ tới núi Moriah. Nhưng Abraham đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc hiến tế, bình tĩnh và thanh thản; nhưng khi ông quay đi và rút dao, Isaac thấy tay trái ông siết chặt trong tuyệt vọng, một cơn rúng động truyền khắp thân thể ông - nhưng Abraham rút dao ra.

Rồi họ lại quay về nhà, và Sarah vội vàng ra đón họ, nhưng Isaac đã đánh mất đức tin. Chẳng một lời nào về chuyện đó được nói ra7 trên thế giới này, và Isaac chẳng bao giờ nói với ai điều mà cậu đã thấy, và Abraham cũng chẳng mảy may nghi ngờ rằng có ai đó đã thấy.

***

Khi đứa trẻ phải cai sữa, người mẹ có sẵn thức ăn dặm giàu dinh dưỡng hơn để đứa trẻ không chết đi. Phúc thay cho kẻ nào có sẵn thức ăn dặm giàu dinh dưỡng hơn!

Kẻ mà chúng ta đang nói tới đã nghĩ đến sự kiện này theo những cách như vậy và theo nhiều cách tương tự khác. Mỗi lần hắn trở về nhà sau cuộc hành hương tới núi Moriah, hắn sụp người xuống vì mệt mỏi, hắn chắp tay lại và nói, “Chẳng ai vĩ đại bằng Abraham! Kẻ nào có thể hiểu được ông đây?”.

1. Chi tiết “ở Đan Mạch” chỉ có trong bản dịch của Walter Lowrie. Trong ba bản dịch còn lại của Edna H. Hong và Howard V. Hong, của Sylvia Walsh và của Alastair Hannay, đều không có chi tiết này.↩︎

2. Chỉ Abraham. Abraham được suy tôn là Tổ Phụ của Đức Tin.↩︎

3. Xem Kinh Thánh, sách Sáng thế, chương 22. Mặc dù là trích dẫn của Kierkegaard, nhưng đoạn trích này trong bản dịch của Walter Lowrie và bản dịch của Edna H. Hong và Howard V. Hong không hoàn toàn giống nguyên văn đoạn trong Kinh Thánh. Còn trong bản dịch của Alastair Hannay thì dịch giả chú giải rằng đoạn dịch này được trích dẫn nguyên văn từ bản dịch tiếng Anh của Kinh Thánh chứ không phải dịch từ đoạn trích dẫn của Kierkegaard viết bằng tiếng Đan Mạch. Có lẽ Kierkegaard đã trích dẫn đoạn trên theo đại ý hơn là theo nguyên văn của Kinh Thánh.↩︎

4. Nỗi tủi hổ ở đây là nỗi tủi hổ không có con. Theo Kinh Cựu ước, vợ chồng Abraham và Sarah không có con mãi đến khi Thiên Chúa ban phước lành cho họ có được Isaac.↩︎

5. Xem Kinh Thánh, sách Sáng thế, 16 và 21:9-21. Hagar là con đòi người Ai Cập của Sarah. Hagar đã sinh một đứa con trai cho Abraham tên là Ishmael. Khi Hagar có thai với Abraham thì người tì nữ này bắt đầu khinh bỉ bà chủ của mình là Sarah. Sarah hành hạ Hagar khiến người nữ tôi đòi này phải trốn đi. Sau đó, theo lời Thiên Chúa, nàng quay lại nhà Abraham và chịu lụy Sarah để sinh con. Tuy nhiên, sau này khi Sarah sinh ra Isaac, theo yêu cầu của bà, cả Hagar và người con Ishmael đều bị đuổi ra khỏi nhà, đi vào nơi hoang địa.↩︎

6. Trước khi Isaac ra đời thì Eleazar được Abraham coi là kẻ sẽ kế nghiệp mình sau khi ông chết. Xem sách Sáng thế 15:1-4.↩︎

7. Lối diễn đạt “Chẳng một lời nào về chuyện này được nói ra” xuất hiện trong Nhật ký của Kierkegaard có liên hệ đến một điều gì đó mà hồi còn trẻ ông nghe được về cha mình (có lẽ là từ chính cha ông). Chính cái điều không được nói ra này được cha Kierkegaard cho là nguyên nhân của thói sầu muộn của ông. Theo các nhà nghiên cứu, chuyện này chính là chuyện cha Kierkegaard hồi trẻ đã từng đánh mất đức tin. Hồi còn trẻ, do quá cực khổ, cha Kierkegaard đã chỉ lên trời mà nguyền rủa Thiên Chúa. Sau này, khi đã giàu có, cha Kierkegaard rất đau khổ và ân hận về chuyện này. Suốt cả cuộc đời cha Kierkegaard sau này cho đến tận khi chết, ông vẫn không bao giờ quên được lỗi lầm này của mình. Câu chuyện này cũng rất ám ảnh Kierkegaard và có ảnh hưởng nhiều đến cuộc đời ông sau này cả trong đời thường lẫn trong tư tưởng. Chẳng hạn, trong một đoạn nhật ký vào tháng Hai năm 1846, Kierkegaard viết: “Một trường hợp kinh khủng về một người đàn ông, khi còn là một đứa trẻ, chịu quá nhiều khổ cực, bị đói, bị cóng vì lạnh, đứng trên đỉnh đồi mà nguyền rủa Thiên Chúa - và người đàn ông ấy đã không thể nào quên chuyện này khi ông đã 82 tuổi”. Xin lưu ý rằng cha Kierkegaard qua đời năm 1838, thọ 82 tuổi. [Đoạn nhật ký trên được được tham khảo từ cuốn tiểu sử Kierkegaard của Walter Lowrie, Harper Torchbook Edition 1962, trang 22, tập I.] Đoạn văn giả định về Abraham và Isaac mà Kierkegaard viết ở phần trên có hơi hướng tương phản với đời thực của ông. Trong đoạn văn giả định này của Kierkegaard, Isaac người con đã đánh mất đức tin vì hành động của Abraham khi chối bỏ yêu cầu của Thiên Chúa và chuyện này bị che giấu không được nói ra; còn trong đời thực người cha của Kierkegaard mới là người đánh mất đức tin và chuyện này đã được nói ra, không hề bị giấu giếm.↩︎

KHÚC TỤNG CA CHO ABRAHAM

Nếu như không có ý thức vĩnh hằng trong con người, nếu bên dưới vạn vật chỉ có duy nhất một thứ quyền năng sục sôi dữ dội mà nó, dằn vặt cùng với những dục vọng tăm tối, làm nên tất cả mọi thứ, cả những thứ vĩ đại lẫn những thứ tầm thường, nếu ẩn dưới vạn vật là một sự trống rỗng vô đáy không thể nào thỏa mãn được - vậy thì cuộc sống là gì nếu không phải là nỗi tuyệt vọng? Nếu đúng là như vậy, nếu không có những mối lên kết thiêng liêng kết nối con người lại với nhau, nếu thế hệ này nối tiếp thế hệ khác như lá trong rừng1, nếu một thế hệ thay thế một thế hệ khác như tiếng chim hót trong rừng, nếu loài người đi qua thế giới này như con thuyền đi qua đại dương, như gió thổi qua sa mạc, một hành động vô tư lự và vô tích sự, nếu sự quên lãng vĩnh hằng luôn thèm khát ẩn nấp rình mò con mồi của nó và chẳng có một quyền năng nào đủ mạnh để giằng lại con mồi kia từ dạ dày của nó - thì cuộc sống trống rỗng và bất tiện biết bao! Nhưng bởi thế nên mọi sự đã chẳng như vậy, và cũng giống như Thiên Chúa đã tạo ra đàn ông và đàn bà, cho nên Ngài cũng tạo nặn anh hùng và thi nhân hay nhà thuyết giáo. Thi nhân hay nhà thuyết giáo chẳng thể làm cái mà người anh hùng làm, hắn chỉ có thể ngợi ca, yêu quý và tìm vui nơi người anh hùng mà thôi. Tuy nhiên hắn cũng hạnh phúc, nào có kém cạnh gì, bởi người anh hùng, có thể nói, là cái bản tính khá hơn của hắn, thứ mà hắn yêu quý, nhưng vui mừng trước cái điều rằng kẻ kia rốt cuộc chẳng phải là hắn, rằng tình yêu của hắn có thể là sự ca tụng. Hắn là thiên tài trong việc hồi tưởng, chẳng có thể làm gì khác hơn ngoài việc hồi tưởng cái đã làm, chẳng làm gì khác hơn ngoài ca tụng cái đã được làm; bản thân hắn chẳng đóng góp được gì, mà chỉ ghen tị với báu vật mà hắn được giao phó. Hắn theo đuổi niềm khao khát của trái tim mình, nhưng khi tìm thấy thứ cần tìm, hắn lang thang trước ngưỡng cửa mọi nhà cùng với bài ca và lời nói của mình để tất cả mọi người đều tụng ca người anh hùng như hắn đang tụng ca, tự hào về người anh hùng như hắn đang tự hào. Đây là thành tựu của hắn, nhiệm vụ khiêm tốn của hắn; đây là sự phục vụ trung thành của hắn trong ngôi nhà của người anh hùng. Nếu hắn thành thật với tình yêu của mình theo cách này, hắn ngày đêm chống lại sự xảo trá của lãng quên đang gạt hắn ra khỏi người anh hùng, thì hắn đã hoàn thành sứ mệnh của mình, thì hắn sẽ được hợp nhất với người anh hùng, kẻ cũng yêu hắn chung thủy y như thế, bởi thi nhân, có thể nói, là cái bản tính khá hơn của người anh hùng, bất lực, thực sự là như thế, giống như ký ức vậy, mà còn được tôn quý lên, giống như là ký ức vậy. Bởi thế chẳng ai vĩ đại mà lại bị lãng quên, và dù có mất nhiều thời gian, dù đám mây hiểu lầm2 có cuốn đi người anh hùng, thì người yêu quý hắn dẫu sao vẫn cứ tới, và thời gian càng trôi qua, kẻ đó càng chung thủy gắn bó với hắn.

Không! Chẳng ai vĩ đại mà lại bị lãng quên trong thế giới này, nhưng mỗi người lại vĩ đại theo cách riêng của mình, và mỗi người tương xứng với sự vĩ đại của cái mà hắn yêu quý. Bởi kẻ nào yêu bản thân mình thì trở nên vĩ đại bởi chính bản thân hắn, và kẻ nào yêu tha nhân thì trở nên vĩ đại bởi sự tận hiến xả kỷ, nhưng kẻ nào yêu Thiên Chúa thì trở nên vĩ đại hơn cả. Hết thảy những kẻ đó rồi sẽ được nhớ đến nhưng mỗi người trở nên vĩ đại tương xứng với kỳ vọng của hắn. Một người trở nên vĩ đại nhờ việc kỳ vọng vào điều khả dĩ, người khác thì nhờ việc kỳ vọng vào sự vĩnh hằng, nhưng kẻ nào kỳ vọng vào điều bất khả thì trở nên vĩ đại hơn cả. Hết thảy mọi người rồi sẽ được nhớ đến, nhưng mỗi người trở nên vĩ đại tương xứng với sự vĩ đại của cái mà vì nó hắn tranh đấu. Bởi kẻ nào tranh đấu chống lại thế giới thì trở nên vĩ đại nhờ chinh phục được thế giới, và kẻ nào tranh đấu với chính bản thân mình thì trở nên vĩ đại nhờ việc chiến thắng chính bản thân mình, nhưng kẻ nào tranh đấu với Thiên Chúa3 thì trở nên vĩ đại hơn cả. Bởi thế mới có xung đột trên thế giới này, người chống lại người, một chống lại một ngàn, nhưng kẻ nào tranh đấu với Thiên Chúa thì trở nên vĩ đại hơn cả. Bởi thế mới có xung đột trên mặt đất này: có kẻ chinh phục được tất cả mọi người bằng quyền năng của mình, và có kẻ chinh phục được Thiên Chúa bằng sự bất lực của mình. Có kẻ dựa vào chính mình và đạt được hết thảy, có kẻ, dựa vào sức mạnh của chính bản thân mình, hy sinh hết thảy, nhưng kẻ nào tin vào Thiên Chúa thì vĩ đại hơn cả. Có kẻ vĩ đại bởi sức mạnh của mình, và có kẻ vĩ đại bởi sự thông thái của mình, và có kẻ vĩ đại bởi hy vọng của mình, và có kẻ vĩ đại bởi tình yêu của mình; nhưng Abraham vĩ đại hơn hết thảy, vĩ đại bởi quyền năng của ông mà sức mạnh của nó là sự bất lực4, vĩ đại bởi sự thông thái của ông mà bí mật của nó là sự dại dột5, vĩ đại bởi hy vọng của ông mà hình thái của nó là sự điên dại, vĩ đại bởi tình yêu mà nó chính là sự căm ghét chính bản thân mình6.

Bởi có đức tin Abraham đi ra khỏi mảnh đất của tổ tiên và trở thành kẻ kiều ngụ trên đất hứa7, ông bỏ lại một thứ, mang đi một thứ bên mình: ông bỏ lại sự hiểu biết thế tục và mang theo đức tin bên mình - nếu không ông đã chẳng lang thang mà sẽ cho rằng điều này quả là vô lý. Bởi có đức tin ông thành người xa lạ trên miền đất hứa, và chẳng có gì gợi lại cho ông đến những cái mà ông đã từng thân thuộc, mà hết thảy mọi thứ, bằng sự mới mẻ của nó, đã lôi kéo linh hồn ông chìm vào nỗi khao khát u sầu. Thế nhưng ông là người được Thiên Chúa chọn, người đã làm đẹp lòng Thiên Chúa8! Phải, nếu ông bị chối bỏ, không được hưởng ân sủng của Thiên Chúa thì ông hẳn đã có thể hiểu điều ấy rõ hơn, nhưng giờ đây tuồng như thể ông và đức tin của ông đang bị nhạo báng. Trên thế giới này cũng có kẻ sống lưu đày9 xa nơi quê cha đất tổ mà hắn hằng yêu quý. Hắn không bị lãng quên và những khúc Ai Ca10 của hắn mỗi khi hắn sầu muộn tìm kiếm và thấy lại được cái mà mình đã mất, những khúc Ai Ca ấy cũng chẳng bị lãng quên. Chẳng có khúc Ai Ca nào của Abraham. Chính con người là kẻ khóc than, chính con người là kẻ khóc than bằng tiếng khóc của mình, nhưng kẻ nào có đức tin thì kẻ đó sẽ vĩ đại hơn, kẻ nào nhìn thấy người có đức tin thì kẻ đó sẽ được ân sủng nhiều hơn.

Bởi có đức tin Abraham nhận được lời hứa rằng mọi dân trên thế gian này sẽ nhờ ông mà được phước11. Thời gian trôi qua, điều khả hữu vẫn còn đó, Abraham vẫn tin; thời gian trôi qua, nó trở nên phi lý, Abraham vẫn tin. Có một kẻ trên thế giới này cũng có một kỳ vọng12. Thời gian trôi qua, ngày nối tiếp đêm, hắn vẫn không đủ ti tiện để mà quên đi kỳ vọng của mình, vậy nên hắn cũng sẽ không bị lãng quên. Rồi hắn sầu muộn và nỗi sầu muộn không làm hắn thất vọng như cuộc sống đã làm, nó làm cho hắn hết thảy mọi thứ có thể; trong sự ngọt ngào của nỗi sầu muộn hắn có cái kỳ vọng đáng thất vọng của mình. Chính con người là kẻ sầu muộn, chính con người sầu muộn với nỗi sầu của mình, nhưng kẻ nào có đức tin thì kẻ đó sẽ vĩ đại hơn, kẻ nào nhìn thấy người có đức tin thì kẻ đó sẽ được ân sủng nhiều hơn. Chẳng có khúc Ai Ca nào của Abraham. Ông đã chẳng ngồi than khóc đếm ngày tháng trôi qua; ông đã chẳng nhìn Sarah bằng cái nhìn ngờ vực, băn khoăn rằng liệu có phải bà đã già đi hay không; ông đã chẳng ngăn chặn cuộc xoay vần của nhật nguyệt13 để Sarah không trở nên già nua và đáp ứng được kỳ vọng của ông. Ông đã chẳng hát khúc bi ca an ủi Sarah. Abraham già đi, Sarah trở thành trò cười của dân trong vùng, nhưng ông là người Thiên Chúa chọn và là kẻ nhận được lời hứa rằng mọi dân trên thế gian này sẽ nhờ ông mà được phước. Vậy liệu có phải là điều dữ hơn không nếu ông chẳng được Thiên Chúa chọn? Được Thiên Chúa chọn nghĩa là gì? Liệu đó có phải là ước nguyện tuổi thanh xuân của ta bị chối bỏ ở tuổi thanh xuân để ngõ hầu ta hoàn thành nó với xiết bao khó khăn ở tuổi xế chiều hay không? Nhưng Abraham có đức tin và giữ vững lời hứa của mình. Nếu Abraham nao núng thì ông hẳn đã từ bỏ nó rồi. Nếu ông nói với Thiên Chúa, “Vậy thì có lẽ cuối cùng chẳng phải là ý nguyện của Người rằng nó sẽ là như thế, nên tôi sẽ từ bỏ ước vọng của mình. Nó chỉ là ước vọng của riêng tôi, nó là phúc lành của tôi. Linh hồn tôi thành kính; tôi chẳng che giấu ác tâm thầm kín nào chỉ vì Người đã chối nó” - thì ông đã chẳng bị lãng quên, ông hẳn đã cứu được nhiều người bằng tấm gương của mình, nhưng nếu thế thì ông đã chẳng phải là tổ phụ của đức tin. Bởi vĩ đại thay kẻ nào từ bỏ ước vọng của mình, nhưng vĩ đại hơn là kẻ giữ vững nó sau khi đã từ bỏ nó, vĩ đại thay kẻ nào giữ lấy sự vĩnh hằng, nhưng vĩ đại hơn là kẻ giữ lấy sự tạm thế sau khi từ bỏ nó. Rồi kỳ hạn đã được trọn14. Nếu Abraham đã chẳng có đức tin thì Sarah hẳn đã chết vì sầu muộn, và Abraham, đờ đẫn vì đau khổ, hẳn đã chẳng hiểu được sự ứng nghiệm mà sẽ cười vào nó như cười vào một giấc mơ thời trai trẻ. Nhưng Abraham có đức tin, bởi thế ông trẻ trung; bởi kẻ nào luôn hy vọng vào điều tốt nhất sẽ trở nên già nua và bị cuộc đời lừa gạt, và kẻ nào luôn chuẩn bị cho điều dữ nhất sẽ già sớm, nhưng kẻ nào có đức tin thì sẽ gìn giữ được tuổi thanh xuân mãi mãi. Vậy thật đáng ngợi ca thay câu chuyện này! Bởi Sarah, dù trải bao năm tháng, vẫn còn trẻ trung để mong mỏi niềm vui của người được làm mẹ, và Abraham, dù tóc đã hoa râm, vẫn còn trẻ để mong ngóng trở thành người cha. Xét trên bình diện bề ngoài, điều kỳ diệu cốt ở việc nó xảy ra đúng như kỳ vọng của họ; theo một nghĩa sâu hơn, điều kỳ diệu của đức tin cốt ở việc Abraham và Sarah vẫn còn trẻ để ước vọng, và đức tin đó đã gìn giữ ước vọng và cả tuổi xuân của họ nữa. Ông chấp nhận sự ứng nghiệm của lời hứa, ông chấp nhận nó bằng đức tin, và nó xảy ra đúng như lời hứa và đúng như đức tin của ông - bởi Moses đã đập cây gậy vào vầng đá15 nhưng Moses đã chẳng có lòng tin.

Rồi có niềm hân hoan trong nhà Abraham, khi Sarah trở thành cô dâu trong đám cưới vàng của họ.

Nhưng không chỉ là như vậy. Thêm một lần nữa Abraham phải chịu thử thách. Ông chiến đấu chống lại cái thế lực xảo quyệt tạo ra mọi thứ, với kẻ thù luôn cảnh giác chẳng bao giờ ngủ say, với ông già sống lâu hơn hết thảy mọi thứ - ông chiến đấu chống lại thời gian và gìn giữ đức tin của mình. Giờ đây hết thảy nỗi kinh hoàng của cuộc tranh đấu dồn vào trong một khoảnh khắc. “Và Thiên Chúa thử lòng Abraham và phán rằng, Hãy bắt Isaac, đứa con trai duy nhất của ngươi, đứa con ngươi yêu dấu nhất, và đi đến xứ Moriah, và dâng đứa con làm của lễ thiêu ở trên một hòn núi mà ta sẽ chỉ cho”.

Vậy là mất trắng - thậm chí còn kinh hoàng hơn cả khi điều đó chưa bao giờ xảy ra16! Vậy là Thiên Chúa chỉ đùa cợt Abraham! Ngài làm phép lạ khiến cho điều phi lý trở thành hiện thực và bây giờ đến lượt Ngài hủy diệt nó. Nó thực sự ngớ ngẩn nhưng Abraham đã chẳng cười cợt vào nó như Sarah đã cười cợt khi lời hứa được rao truyền17. Vậy là mất trắng! Bảy mươi năm tin tưởng kỳ vọng, mừng vui ngắn ngủi trong sự ứng nghiệm của đức tin. Vậy ai là kẻ đã giật cây gậy nương tựa của ông già kia, ai là kẻ yêu cầu chính ông phải bẻ gẫy nó? Ai là kẻ đã làm cho mái đầu hoa râm của một người trở nên tuyệt vọng, ai đã yêu cầu chính ông phải làm điều ấy? Chẳng lẽ không có chút thương xót nào dành cho bậc trưởng thượng đáng kính, chẳng có chút nào dành cho đứa trẻ vô tội kia sao? Thế nhưng Abraham là người được Thiên Chúa chọn, và chính Thiên Chúa là kẻ áp đặt thử thách. Giờ thì mất trắng! Toàn bộ ký ức vinh quang của hậu thế, lời hứa dành cho dòng giống của Abraham - chỉ là một ý thích bất chợt, một ý nghĩ thoáng qua của Đấng Thiên Chúa, mà giờ đây Abraham phải hủy bỏ. Kho báu vinh quang đó, vốn cũng già nua như đức tin trong trái tim của Abraham, già hơn Isaac rất nhiều, rất nhiều năm, trái ngọt của cuộc đời Abraham, được thánh hóa bằng những buổi cầu kinh, chín dần trong tranh đấu, lời chúc phúc trên đôi môi Abraham - trái ngọt này giờ đây sẽ bị hái đi sớm và sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Bởi có nghĩa gì đâu nếu Isaac phải hy sinh? Cái giờ khắc buồn đau nhưng vẫn tràn đầy hạnh phúc đó khi mà Abraham phải từ bỏ hết thảy những gì thân quý với ông, khi mà mái đầu tôn kính của ông một lần nữa lại ngước lên, khi mà sắc mặt của ông tỏa ánh hào quang như của Đấng Thiên Chúa, khi mà ông dồn toàn bộ linh hồn mình vào trong một ân sủng toàn năng để có thể thi ân giáng phúc cho Isaac suốt đời - giờ ấy vẫn chưa tới! Bởi ông thực sự phải từ bỏ Isaac, nhưng theo cách mà chính ông sẽ là người bị bỏ lại; cái chết sẽ chia lìa họ, nhưng theo cách mà Isaac sẽ là nạn nhân của nó. Ông già ấy sẽ chẳng được, hân hoan trước khi chết, đặt tay ban phước lành cho Isaac, mà ông sẽ, mệt mỏi với cuộc sống, đặt bàn tay hung bạo lên Isaac. Và ấy chính là Thiên Chúa đang thử thách ông đó! Phải, khổ thay, khổ thay cho vị thiên sứ đã tới trước mặt Abraham mà rao truyền tin đó! Ai dám làm thiên sứ gieo nỗi sầu muộn này nữa đây? Nhưng ấy chính là Thiên Chúa đang thử thách Abraham đó.

Nhưng Abraham có đức tin, và ông tin bởi cuộc đời này. Phải, nếu như đức tin của ông chỉ dành cho cuộc sống tương lai, thì hẳn là ông đã vứt bỏ hết thảy để nhanh chóng rời bỏ thế giới này, cái thế giới mà ông vốn chẳng thuộc về. Nhưng đức tin của Abraham không phải là kiểu như vậy, nếu thực sự tồn tại một thứ đức tin kiểu như vậy; bởi thực ra không phải là đức tin mà là triển vọng xa nhất của đức tin thấp thoáng trông thấy đối tượng của nó ở nơi chân trời xa xôi nhất, nhưng lại bị chia cắt với nó bởi một vực thẳm rộng hoác mà ở đó sự tuyệt vọng tiếp tục trò chơi của mình. Nhưng Abraham có đức tin chính bởi cuộc đời này - niềm tin rằng ông sẽ già đi trên mặt đất này, được mọi người kính trọng, được ban phước bằng dòng giống của mình, được tưởng nhớ mãi mãi trong Isaac, thứ quý giá nhất cuộc đời ông, đứa trẻ mà ông ôm lấy bằng thứ tình yêu mà với nó nếu nói rằng ông chung thủy hoàn thành bổn phận yêu thương của người cha đối với đứa con trai của mình thì đó chỉ là một lối diễn đạt nghèo nàn, bởi thực sự đúng như trong lời phán bảo, “đứa con trai ngươi yêu dấu nhất”. Jacob có mười hai đứa con trai, và ông yêu một đứa trong số đó18; Abraham chỉ có duy nhất một đứa, đứa con trai mà ông yêu dấu.

Nhưng Abraham có đức tin và ông đã không hoài nghi; ông tin vào điều phi lý. Nếu Abraham có lòng ngờ vực - thì hẳn ông đã làm một cái gì khác, một cái gì đó vinh quang, bởi Abraham có thể làm gì ngoài những điều vĩ đại và vinh quang! Ông hẳn đã tiến thẳng đến núi Moriah, ông hẳn đã bổ củi, đốt lửa giàn thiêu, rút dao ra - ông hẳn đã khóc than với Thiên Chúa: “Xin đừng chối bỏ sự hiến tế này, đây chẳng phải là thứ quý giá nhất mà tôi có, tôi biết rõ điều này, bởi một lão già có là gì so với một đứa trẻ sinh ra từ lời hứa của Người; nhưng đây là thứ quý giá nhất tôi có thể hiến dâng Người. Hãy để cho Isaac không bao giờ biết được điều này, hãy để nó có được niềm an ủi ở tuổi thanh xuân”. Ông hẳn đã đâm dao vào chính bầu ngực mình. Ông hẳn đã được tụng ca khắp thế giới này, và tên ông hẳn sẽ chẳng bị lẵng quên; nhưng được tụng ca là một chuyện, còn trở thành ngôi sao dẫn đường cứu rỗi những kẻ đau khổ lại là chuyện khác.

Nhưng Abraham có đức tin. Ông chẳng cầu nguyện cho ông, để hy vọng sẽ lay chuyển được Đấng Thiên Chúa - chỉ có đúng một lần khi hình phạt thích đáng được ban xuống thành Sodom và Gomorrha thì Abraham mới đứng ra cầu xin trước Chúa19.

Chúng ta đọc trong Kinh Thánh: “Và Thiên Chúa thử thách Abraham, và phán với ông, Abraham, Abraham, ngươi ở đâu? Và ông đáp, Có tôi đây”. Các anh em, những người mà tôi muốn nói với, liệu điều ấy có đúng với các anh em không? Khi ở lối đằng xa các anh em nhìn thấy thiên cơ trĩu nặng đang dần tới, liệu các anh em có gọi ngọn núi, hãy đổ xuống tôi, hay kêu ngọn đồi, hãy phủ lên tôi không?20 Hoặc giả các anh em mạnh mẽ hơn, liệu rằng chân các anh em có chậm bước trên đường, liệu chúng có, nói một cách hình tượng, mong về lối cũ không? Khi một lời gọi tới các anh em, liệu các anh em có đáp lại không, hoặc giả các anh em có đáp lại bằng một giọng nhỏ bé, thầm thì không? Abraham thì không như thế: bằng một giọng sang sảng ông đáp lại một cách hân hoan, sôi nổi, đầy tin tưởng, “Có tôi đây”. Chúng ta đọc tiếp: “Và Abraham dậy sớm”21 - như thể đi tới một lễ hội, cho nên ông vội vã, và từ sáng sớm ông đã đến nơi được nói tới, tới núi Moriah. Ông chẳng nói gì với Sarah, chẳng nói gì với Eleazar - rốt cuộc thì ai có thể hiểu được ông đây, bởi há chẳng phải bản chất của thử thách đã yêu cầu ông giữ lời thề im lặng hay sao? “Ông bổ củi, ông trói Isaac, ông châm giàn thiêu, ông rút dao ra”. Hỡi các thính giả của tôi! Đã có nhiều người cha tin rằng mất đứa con trai là mất đi hết thảy những gì yêu dấu nhất với họ trên thế giới này, là bị tước mất mọi hy vọng cho tương lai; nhưng đó vẫn không phải là đứa con sinh ra từ lời hứa của Thiên Chúa như là Isaac đối với Abraham. Có rất nhiều người cha mất con, nhưng đó là bởi Thiên Chúa, là ý chí không thể thay đổi được, không thể thấu hiểu được của Đấng Toàn Năng, là bàn tay của Ngài đã mang đứa trẻ đi. Với Abraham thì chẳng phải như vậy. Bởi ông đã được dành cho một thử thách khắc nghiệt hơn, và số phận của Isaac nằm dưới con dao trong tay Abraham. Và ông đứng đó, người đàn ông già nua, với niềm hy vọng duy nhất của mình! Nhưng ông đã chẳng hoài nghi, ông đã chẳng lo lắng nhìn về bên phải hay bên trái, ông đã chẳng thỉnh cầu trời cao xem xét lại. Ông biết đây là Thiên Chúa Đấng Toàn Năng đang thử thách ông; ông biết đây là sự hy sinh khắc nghiệt nhất mà Ngài yêu cầu nơi ông; nhưng ông cũng biết không sự hy sinh nào là quá khắc nghiệt khi Thiên Chúa đòi hỏi điều đó - và ông đã rút dao ra.

Ai đã mang tới sức mạnh cho cánh tay Abraham? Ai đã nâng cánh tay ông lên để nó không rơi thõng xuống bên mình ông?22 Ai nhìn thấy cảnh này mà chẳng trở nên đờ đẫn. Ai đã mang đến sức mạnh cho linh hồn Abraham, để cặp mắt ông không tối mờ đi, để ông chẳng nhìn thấy Isaac lẫn con cừu hiến tế? Ai nhìn thấy cảnh này mà chẳng trở nên đui mù. Thế nhưng có lẽ hiếm thay kẻ đã trở nên đờ đẫn và mù lòa, và còn hiếm hơn nữa người kể lại chuyện đã diễn ra như nó đáng được kể ra. Tất cả chúng ta đều biết - đó chỉ là một thử thách mà thôi.

Nếu như Abraham khi đứng trên núi Moriah đã hoài nghi, nếu như ông lưỡng lự nhìn quanh, nếu như ông tình cờ phát hiện ra con cừu trước khi rút dao ra, nếu Thiên Chúa cho phép ông hiến tế nó thay vì Isaac - thì hẳn ông đã về nhà, mọi thứ sẽ vẫn như cũ, ông vẫn có Sarah, ông vẫn giữ lại được Isaac, nhưng sự đã thay đổi làm sao! Bởi cuộc trở về của ông hẳn sẽ là cuộc tháo chạy, sự cứu chuộc của ông là sự tai ương, phần thưởng dành cho ông là sự coi thường, tương lai của ông có lẽ là sự hư mất. Thì ông hẳn sẽ chẳng còn được chứng nghiệm đức tin của mình hay ân sủng của Thiên Chúa nữa, mà sẽ chỉ còn thấy sự kinh hoàng khi đi đến núi Moriah. Thì Abraham hẳn sẽ chẳng bị lãng quên, núi Moriah cũng vậy, ngọn núi này hẳn sẽ được nhắc đến, chẳng giống như núi Ararat nơi con thuyền Noah tấp tới23, mà sẽ được nói đến như một nỗi kinh hoàng bởi nơi đây Abraham đã hoài nghi.

***

Tổ phụ Abraham tôn kính! Trên đường về nhà từ núi Moriah người đã chẳng cần đến một khúc tụng ca khả dĩ an ủi người trong nỗi đau mất mát; bởi người đã giành được hết thảy và giữ lại Isaac - chẳng phải vậy sao? Đấng Thiên Chúa sẽ chẳng bao giờ lấy cậu ấy đi khỏi người, mà người sẽ ngồi xuống bàn hân hoan cùng cậu ấy trong lều của người, bởi người xứng đáng ở trong kiếp sau đến mãi mãi. Tổ phụ Abraham tôn kính! Hàng ngàn năm đã trôi qua kể từ ngày đó, nhưng người đã chẳng cần đến một kẻ yêu quý muộn màng để giành lại ký ức về người ra khỏi quyền năng của sự lãng quên, bởi mọi ngôn ngữ đều tưởng nhớ đến người - thế nhưng người xứng đáng có được kẻ yêu quý người một cách vinh hiển hơn bất kỳ ai khác; từ kiếp sau trở đi người làm cho hắn vĩnh viễn hạnh phúc trong lòng người24; còn giờ đây trong kiếp này người làm mê hoặc cặp mắt và trái tim hắn bằng sự thần diệu trong kỳ công của người. Tổ phụ Abraham tôn kính! Tổ phụ thứ hai của loài người! Người, kẻ đầu tiên cảm nhận được và kẻ đầu tiên được chứng nghiệm nỗi say mê phi thường mà nó khinh ghét cuộc giao tranh khủng khiếp với những mãnh lực thiên nhiên cuồng nộ và với những quyền năng sáng thế hòng chống lại Thiên Chúa; người, kẻ đầu tiên đã biết đến cái niềm say mê cao viễn nhất ấy, sự biểu đạt thiêng liêng, thanh khiết, và khiêm tốn của cơn giận dữ thần thánh25 mà đám dân ngoại vẫn ngợi ca - xin hãy tha thứ cho hắn kẻ sẽ tụng ca người, nếu hắn thực hiện điều đó chưa được tương xứng. Hắn ăn nói khiêm nhường, như thể đó là mong muốn của lòng hắn; hắn ăn nói ngắn gọn, bởi nó thích hợp với hắn, nhưng hắn sẽ chẳng bao giờ quên rằng người cần đến một trăm năm để có được đứa con trai lúc tuổi già ngoài mong đợi, rằng người đã phải rút dao ra trước khi giữ lại được Isaac; hắn sẽ chẳng bao giờ quên rằng trong một trăm ba mươi năm người đã chẳng vượt xa hơn đức tin.

1. Phúng dụ đến nhiều đoạn trong các tác phẩm của Homer (chẳng hạn xem Iliad vi, 146).↩︎

2. Phúng dụ đến nhiều đoạn trong các tác phẩm của Homer (chẳng hạn Iliad ii, 381) trong đó một vị thần cứu một người anh hùng bằng cách bao phủ đám mây quanh người anh hùng và mang anh ta đi.↩︎

3. Xem Kinh Thánh, sách Sáng thế, 32:22-28. Jacob vật lộn với thiên sứ của Chúa và chiến thắng; vì thế ông được đổi tên thành Israel, có nghĩa là kẻ vật lộn với Thiên Chúa. Xem thêm sách Hosea, 12:3-4.↩︎

4. Xem Kinh Thánh, sách 2 Corinthians 12:9-10. “Nhưng Chúa phán rằng: Ân điển ta đủ cho ngươi rối, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vậy, tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi. Cho nên tôi vì Đấng Christ mà đành chịu trong sự yếu đuối, nhuốc nhơ, túng ngặt, bắt bớ, khốn khó; vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ”.↩︎

5. Xem Kinh Thánh, sách 1 Corinthians 3:18. “Chớ ai tự dối mình: nếu có ai trong vòng anh em tưởng mình khôn ngoan theo cách đời này, hãy trở nên dại dột, để được nên khôn ngoan”.↩︎

6. Xem Kinh Thánh, sách John 12:25. “Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất đi, ai ghét sự sống mình trong đời này thi sẽ giữ lại đến sự sống đời đời”.↩︎

7. Xem Kinh Thánh, sách Hebrews 11:9. “Bởi đức tin, người kiều ngụ trong xứ đã hứa cho mình, như trên đất ngoại quốc”.↩︎

8. Xem Kinh Thánh, sách Matthew 12:18,17:5. Isaiah 42:1.↩︎

9. Ở đây, Kierkagaard nói đến Jeremiah [655-586 TCN], một trong vị ngôn sứ trong Kinh Thánh Cựu ước (còn được gọi là “Nhà tiên tri khóc thương”).↩︎

10. Còn gọi là “Ca thương” (Lamentations), một trong các sách Ngôn Sứ trong Kinh Thánh Cựu ước.↩︎

11. Xem Kinh Thánh, sách Sáng thế 12:1-3. “Bấy giờ Chúa phán với Abraham, Hãy rời khỏi xứ sở ngươi, bà con ngươi, và nhà cha ngươi, để đi đến xứ Ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm ngươi trở nên một dân lớn. Ta sẽ ban phước cho ngươi và làm nổi danh ngươi. Ngươi sẽ thành một nguồn phước. Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, và sẽ nguyền rủa kẻ nào nguyền rủa ngươi. Mọi dân trên thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước”.↩︎

12. Có lẽ ở đây Kierkegaard muốn nói đến thi sĩ Ovid. Ovid tên đầy đủ là Publius Ovidius Naso (43 TCN - mất khoảng năm 17 hoặc 18) là nhà thơ La Mã sống dưới triều đại hoàng đế Augustus. Cùng với Virgil và Horace, ông được coi là một trong ba nhà thơ có ảnh hưởng lớn nhất trong khối văn học tiếng Latin. Ovid bị hoàng đế Augustus bắt phải lưu đày ở một tỉnh xa xôi vùng Hắc Hải, nguyên nhân của việc lưu đày này cho đến nay vẫn không rõ. Ovid xem việc bị lưu đày này như “một bài thơ và một sai lầm”. Mặc dù vậy ông vẫn luôn không ngừng hy vọng được triệu hồi về thành Rome, thoát khỏi kiếp nạn lưu đày nhưng cho đến tận khi chết ông vẫn phải chết ở thành phố nơi lưu đày.↩︎

13. Xem Kinh Thánh, sách Joshua 10:12. “Trong ngày Chúa trao dân Amori vào tay dân Israel, Joshua cầu xin Chúa trước mặt dân Israel, rồi ông nói trước mặt họ, Hỡi Mặt trời, hãy dừng lại tại Gideon, Hỡi Mặt trăng, hãy dừng lại trên thung lũng Ajalon”.↩︎

14. Xem Kinh Thánh, sách Galatians 4:4. “Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời bèn sai Con Ngài bởi một người nữ sanh ra, sanh ra dưới luật pháp để chuộc những kẻ ở dưới luật pháp, và cho chúng ta được làm con nuôi Ngài”.↩︎

15. Xem Kinh Thánh, sách Xuất hành (Exodus) 17:6. “Ta sẽ đứng tại đó, trước mặt ngươi, trên vầng đá ở Horeb. Hãy đập vào vầng đá ấy, nước từ vầng đá ấy sẽ phun ra, để dân có nước uống”. Moses làm y như vậy, trước mặt các trưởng lão của Israel.↩︎

16. Ý nói đến lời hứa của Thiên Chúa ban cho Abraham một đứa con, tức Isaac. Nay Thiên Chúa lại đòi hỏi ông hiến tế Isaac, tức là thử thách đó thậm chí còn kinh hoàng hơn cả khi ông không có Isaac.↩︎

17. Xem Kinh Thánh, sách Sáng thế 18:12-13. “Sarah cười thầm và tự nhủ, Mình đã già rồi, chồng mình cũng đã già rổi, lẽ nào mình còn có niềm vui làm mẹ được sao? Chúa hỏi Abraham, Tại sao Sarah cười và nói, ‘Nay tôi đã già, lẽ nào tôi sẽ sinh con được sao?’”.↩︎

18. Xem Kinh Thánh, sách Sáng thế 35:23-26 và 37:3. Jacob (tức Israel) có mười hai đứa con nhưng đứa con út Joseph là đứa con ông yêu nhất vì đó là đứa con ông có được ở tuổi già. (Giống như Isaac đối với Abraham.)↩︎

19. Xem Kinh Thánh, sách Sáng thế 18:22-23. “Các người ấy quay đi về hướng Sodom, nhưng Abraham còn đứng lại trước mặt Chúa. Abraham đến gần Chúa và hỏi: ‘Chúa tiêu diệt người công chính chung với người ác sao?’”.↩︎

20. Xem Kinh Thánh, sách Luke 23:30. “Lúc đó người ta sẽ khởi sự kêu các núi: Hãy đổ xuống chúng tôi! Và gọi các đồi: Hãy phủ lên chúng tôi!”.↩︎

21. Xem Kinh Thánh, sách Sáng thế 22:3. “Abraham dậy sớm, thắng lừa, đem hai đầy tớ và con mình là Isaac, cùng đi; người cũng chặt củi để dùng về của lễ thiêu, rồi đi đến nơi mà Đức Chúa Trời đã truyền dạy”.↩︎

22. Xem Kinh Thánh, sách Xuất hành (Exodus) 17:8-13. Trong trận chiến của dân Israel với dân Amalek, mỗi khi Moses cầm cây quyền trượng được Thiên Chúa ban cho giơ lên cao thì dân Israel thắng nhưng khi Moses hạ tay xuống thì dân Israel lại thua dân Amalek. Về sau Moses mỏi tay. Vì thế, Aaron và Hur bèn lấy đá kê cho Moses ngồi và hai người đứng hai bên giơ nâng cánh tay của Moses lên cho đến khi mặt trời lặn. Nhờ vậy mà dân Israel do Joshua dẫn đầu đánh bại được dân Amalek.↩︎

23. Xem Kinh Thánh, sách Sáng thế 8:4. “Đến tháng Bảy, ngày mười bảy, chiếc tàu tấp trên núi Ararat”.↩︎

24. Xem Kinh Thánh, sách Luke 16:22-23. “Người giàu ở nơi âm phủ đang bị đau đớn, ngước mắt lên, nhìn thấy Abraham và Lazarus ở trong lòng; bèn kêu lên rằng: Hỡi tổ phụ Abraham, xin thương lấy tôi, sai Lazarus nhúng đầu ngón tay vào nước đặng làm cho mát lưỡi tôi; vì tôi bị khổ trong lửa nầy quá đỗi”.↩︎

25. Tham khảo tác phẩm Phaedrus của Plato, 244-245d. Plato (khoảng 427 - 347 TCN) là triết gia vĩ đại thời Hy Lạp cổ đại và là học trò của Socrates. Cùng với Socrates và Aristotle, ông được coi là người đặt nền móng cho triết học phương Tây.↩︎

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3