Kính Sợ Và Run Rẩy - Chương 03
LUẬN ĐỀ I
LIỆU CÓ TỒN TẠI MỘT SỰ ĐÌNH BỎ CÓ TÍNH MỤC ĐÍCH LUẬN ĐỐI VỚI LUÂN LÝ HAY KHÔNG?
Luân lý hiểu theo nghĩa thông thường là cái phổ quát và với tư cách là cái phổ quát, nó áp dụng cho tất cả mọi người, mà cũng có thể diễn đạt từ một góc độ khác bằng cách nói rằng nó áp dụng cho mọi thời điểm. Xét về nội tại, nó dựa vào chính tự thân nó; nó chẳng có gì khác bên ngoài cái tự thân vốn dĩ là τέλօς [mục đích tối hậu] của nó, mà là chính tự thân nó, vốn dĩ là τέλօς [mục đích tối hậu] cho tất cả mọi thứ bên ngoài, và khi luân lý tích hợp điều này vào chính tự thân nó, thì nó chẳng thể nào tiến xa hơn được nữa. Được nhìn nhận như là một hữu thể trực tiếp thuộc về vật chất và tâm linh, cái cá thể là cái cá biệt có τέλօς [mục đích tối hậu] của nó nằm trong cái phổ quát, và bổn phận đạo đức của nó là luôn tự biểu đạt chính mình trong đó, để loại bỏ tính cá biệt của nó ngõ hầu trở nên cái phổ quát. Khi cái cá thể đòi hỏi sự cá biệt của hắn vượt lên trên cái phổ quát thì ngay lúc ấy hắn đã phạm tội rồi, và chỉ bằng cách thừa nhận điều này hắn mới có thể khiến bản thân mình hòa hợp trở lại với cái phổ quát. Mỗi khi cái cá thể sau khi đi vào cái phổ quát cảm thấy một sự thôi thúc đòi hỏi được tự khẳng định mình với tư cách là cái cá biệt, thì hắn đang nằm trong tình thế chịu thử thách cám dỗ, mà hắn chỉ có thể thoát ra khỏi bằng cách hối hận mà từ bỏ chính mình với tư cách là cái cá biệt nằm trong cái phổ quát. Nếu đây là điều cao cả nhất có thể nói về con người và sự hiện tồn của hắn, thì luân lý có cùng một bản tính với phúc lành vĩnh cửu của con người, vốn là τέλօς [mục đích tối hậu] vĩnh viễn của hắn tại mọi thời điểm; bởi trong trường hợp đó sẽ là mâu thuẫn khi nói rằng điều đó có thể bị từ bỏ (tức là bị đình bỏ có tính mục đích luận)1 vì ngay khi điều đó vừa bị đình bỏ thì nó cũng bị tước bỏ luôn rồi, trong khi đó cái bị đình bỏ không bị tước bỏ mà trái lại còn được bảo vệ trong một cái gì đó cao hơn, vốn là τέλօς [mục đích tối hậu] của nó2.
Nếu đúng như vậy thì Hegel hẳn là có lý khi trong chương về “Phúc thiện và Lương tâm”, ông định tính con người chỉ là cái cá thể và coi sự định tính này là “một dạng đạo đức của quỷ dữ” cần phải bị thủ tiêu trong mục đích luận của đạo đức, để từ đó cá thể nào vẫn ở tầm mức này hoặc sẽ phải mang tội hoặc sẽ ở tình thế phải chịu thử thách cám dỗ. Mặt khác, ông đã sai lầm khi nói về đức tin, sai lầm khi không phản kháng một cách kịch liệt và rõ ràng cái điều rằng Abraham vui hưởng danh vọng và vinh hiển với tư cách tổ phụ của đức tin, trong khi đáng ra ông ta phải bị truy tố và bị kết tội giết người3.
Bởi đức tin chính là cái nghịch lý rằng cái cá thể đứng cao hơn cái phổ quát - nhưng theo một cách, xin lưu ý điều này, mà hành động này được lặp lại và dẫn tới cái hệ quả là cái cá thể, sau khi đi vào trong cái phổ quát, giờ đây với tư cách là cái cá biệt, tách mình ra đứng cao hơn cái phổ quát. Nếu đây không phải là đức tin, thì Abraham là kẻ bị hư mất và đức tin đã không bao giờ tồn tại trên thế giới này chính bởi vì nó đã luôn tồn tại. Bởi nếu luân lý - tức là đời sống đạo đức4 - là cái tối cao và không có gì không tương xứng còn lại ở bên trong con người, ngoại trừ cái không tương xứng theo nghĩa cái ác (tức là cái cá biệt mà nó cần phải được biểu đạt trong cái phổ quát), thì người ta chẳng cần đến phạm trù nào khác ngoài những phạm trù mà triết học Hy Lạp đã có hoặc những thứ có thể suy luận ra từ chúng một cách hợp lý. Điều này đáng lý ra Hegel không nên che giấu mới phải, bởi xét cho cùng ông là người đã từng nghiên cứu triết học Hy Lạp.
Người ta không phải là không thường xuyên được nghe những kẻ thích đắm mình trong mớ sáo ngữ hơn là tập trung vào công việc học hành nghiên cứu nói rằng ánh sáng rọi chiếu trên khắp thế giới Cơ Đốc giáo, còn bóng tối thì bao trùm lên đám dân ngoại giáo5. Lối diễn đạt này với tôi luôn có gì đó thật kỳ quặc, bởi bất cứ nhà tư tưởng uyên thâm nào, bất cứ nghệ sĩ chân chính nào cũng đều đang tìm cách trẻ hóa mình bằng tuổi thanh xuân bất diệt của người Hy Lạp. Lối nói kiểu như vậy có thể được lý giải bằng cái nguyên cớ rằng người ta không biết phải nói gì mà chỉ là họ bắt buộc phải nói gì đó mà thôi. Hoàn toàn có lý khi nói rằng đám dân ngoại giáo không có đức tin, nhưng nếu ai đó định nói về điều này, thì họ ắt phải biết rõ hơn một chút về việc họ hiểu thế nào về đức tin, bởi nếu không họ cũng sẽ rơi vào chính những lối nói sáo ngữ kiểu như vậy. Thật là dễ dàng để diễn giải toàn bộ cuộc sống, cùng với đức tin ở trong đó, mà không cần có một chút ý niệm vào về đức tin, và kẻ nào trông vào lời ngợi khen vì có được cái khả năng diễn giải ấy thì cũng chưa đến nỗi là kẻ tính toán kém cỏi nhất trên đời này; bởi, như Boileau nói, “un sot trouve toujours un plus sot qui l’admire [một thằng ngu bao giờ cũng tìm được một thằng ngu hơn nó, ấy là kẻ ca tụng nó.]”6
Đức tin chính là cái nghịch lý, rằng cái cá thể, với tư cách là cái cá biệt, đứng cao hơn cái phổ quát, được biện minh trước cái phổ quát không phải ở vị trí thấp hơn mà ở vị trí cao hơn cái phổ quát, dù theo cách, xin lưu ý điều này, mà chính cá thể, sau khi được đặt dưới cái phổ quát như là cái cá biệt, giờ đây thông qua cái phổ quát trở nên cái cá thể, vốn được xét đến với tư cách là cái cá biệt, đứng cao hơn cái phổ quát, rằng cái cá thể, với tư cách là cái cá biệt, nằm trong mối liên hệ tuyệt đối với cái tuyệt đối. Vị trí này không thể trung giới được, bởi tất cả sự trung giới7 xảy ra chính là nhờ cái phổ quát; nó là và vĩnh viễn sẽ mãi vẫn là một nghịch lý, mà tư duy không thể nào lĩnh hội được. Thế nhưng đức tin là cái nghịch lý ấy - hoặc không thì (và đây là những hệ quả mà tôi mong độc giả hãy ghi nhớ in mente [trong đầu], dù rằng với tôi nó quá rườm rà đến nỗi tôi không thể bạ chỗ nào cũng viết ra được) - hoặc không thì đức tin chẳng bao giờ tồn tại chính bởi vì đức tin đã luôn luôn tồn tại, hoặc không thì Abraham là kẻ bị hư mất.
Đúng là cá thể rất dễ nhầm lẫn cái nghịch lý ấy với một thử thách cám dỗ, nhưng người ta không nên vì lý do này mà che giấu nó. Cũng rất đúng cái điều rằng nhiều người cùng có chung một cảm giác khó chịu với cái nghịch lý ấy nhưng người ta không nên vì lý do này mà khiến cho đức tin trở nên một cái gì khác để mình cũng có thể có được nó, mà nên thừa nhận rằng mình không thể nào có được nó, trong khi những kẻ có đức tin cần sẵn sàng đặt ra những tiêu chí nào đó để mà từ đó người ta có thể thấy được cái nghịch lý ấy khác với một thử thách cám dỗ như thế nào.
Giờ đây câu chuyện của Abraham chứa đựng một sự đình bỏ có tính mục đích luận kiểu như vậy đối với luân lý. Không thiếu những bộ óc thông minh và những học giả uyên bác đã tìm thấy những điều tương tự như vậy. Sự thông tuệ của họ xuất phát từ cái định đề đẹp đẽ rằng về cơ bản mọi thứ đều như nhau. Nếu người ta nhìn kỹ hơn một chút, thì tôi không tin rằng người ta sẽ có thể tìm thấy một trường hợp tương tự như thế trong toàn bộ thế giới này, trừ một trường hợp sau8, vốn chẳng chứng minh được điều gì cả, nếu như ta đã chắc chắn rằng Abraham là đại diện của đức tin, và rằng đức tin tìm thấy một sự biểu đạt phù hợp nơi ông, người mà cuộc đời của người ấy không chỉ là cái nghịch lý lớn nhất mà người ta có thể nghĩ ra được mà còn là cái nghịch lý lớn đến mức không ai có thể nghĩ tới được. Abraham hành động nhờ sự phi lý; bởi chính nhờ sự phi lý mà ông với tư cách là cái cá thể đứng cao hơn cái phổ quát. Nghịch lý này không thể trung giới được; bởi ngay khi bắt đầu thực hiện nó ông đã phải thừa nhận rằng mình đang ở tình trạng chịu thử thách cám dỗ, và nếu đúng là như vậy, ông sẽ chẳng bao giờ đi tới chỗ hiến tế Isaac, hoặc nếu có hiến tế Isaac thì ông ắt phải hối hận mà quay trở lại với cái phổ quát. Nhờ sự phi lý ông có lại được Isaac. Abraham do đó không bao giờ là một người anh hùng bi kịch mà là một cái gì đó hoàn toàn khác hẳn, hoặc là tên giết người hoặc là kẻ sùng tín. Cái thuật ngữ nằm ở giữa mà nhờ nó người anh hùng bi kịch được cứu vớt thì Abraham lại chẳng có. Vậy nên tôi có thể hiểu được người anh hùng của bi kịch nhưng lại không thể nào hiểu được Abraham dù rằng trên một bình diện điên khùng nào đó tôi ngợi ca ông còn hơn tất cả những kẻ khác.
Mối quan hệ của Abraham với Isaac, xét về luân lý mà nói, được thể hiện một cách hoàn toàn đơn giản bằng cách nói rằng người cha yêu đứa con trai còn hơn cả chính mình. Nhưng trong phạm vi của mình, luân lý có nhiều mức độ khác nhau, Chúng ta hãy suy xét xem liệu trong câu chuyện này có thể tìm thấy một sự biểu đạt cao hơn về mặt luân lý đến mức có thể giải thích về mặt luân lý hành động của ông, có thể biện minh về mặt luân lý cho ông trong việc rũ bỏ bổn phận mang tính luân lý đối với con mình, mà không vượt xa hơn tính mục đích luận của chính luân lý hay không.
Khi một công cuộc quốc gia đại sự bị cản trở9, khi một sự nghiệp như vậy lâm vào bế tắc bởi trời không chiều lòng người, khi thần thánh nổi cơn thịnh nộ mang sự êm đềm đầy chết chóc tới nhạo báng hết thảy mọi nỗ lực, khi đấng tiên tri thực hiện nhiệm vụ nặng nề của mình và tuyên bố rằng thần thánh yêu cầu hiến tế một trinh nữ trẻ tuổi - thì khi đó người cha sẽ anh dũng thực hiện hành động hiến tế. Ông sẽ cao thượng che giấu nỗi đau của mình, mặc dù ông hẳn đã ước ao được là “một kẻ tiện dân dám khóc”10, chứ không phải là một vị hoàng đế, người bắt buộc phải hành động tương xứng với vai trò của hoàng đế. Và mặc dù nỗi đau vẫn chảy thấu lồng ngực ông trong cô độc, bởi trong đám thuộc hạ ông chỉ có ba người bạn tâm giao11, nhưng rồi chẳng mấy chốc cả dân tộc cũng sẽ biết đến nỗi đau của ông, và còn biết đến cả kỳ công của ông nữa, cái kỳ công rằng vì sự thịnh vượng của dân tộc ông đã nguyện hiến tế nàng, đứa con gái của ông, cô trinh nữ trẻ tuổi khả ái. Ôi bầu ngực quyến rũ! Ôi đôi má đẹp say lòng! Ôi mái tóc vàng rực sáng! (v.687)12. Và nước mắt của đứa con gái khiến ông mủi lòng, và người cha ngoảnh mặt đi, nhưng người anh hùng sẽ rút dao ra - khi chuyện này truyền đến nơi quê cha đất tổ, thì những người trinh nữ xinh đẹp xứ Hy Lạp sẽ say mê đỏ bừng đôi má, và nếu người con gái đã đính hôn, thì người yêu cô sẽ không giận dữ mà sẽ tự hào vì được chia sẻ trong kỳ công của người cha, bởi người trinh nữ xét về tình cảm thuộc về chàng nhiều hơn thuộc về người cha.
Khi vị thủ lãnh13 quả cảm, người đã cứu Israel trong lúc hoạn nạn, vội giao ước với Thiên Chúa cùng một lời khấn hứa, ông sẽ anh dũng biến niềm hân hoan của người trinh nữ trẻ, niềm vui của đứa con gái yêu dấu thành cơn sầu khổ, và toàn bộ Israel sẽ cùng với nàng than khóc cho tuổi thanh xuân trinh trắng của nàng; nhưng tất cả những người đàn ông sinh ra đã là người tự do, tất cả người đàn bà can đảm sẽ ngợi ca Jephtha, và tất cả những trinh nữ của Israel sẽ mong được hành xử như con gái ông đã làm. Bởi có tốt lành gì đâu nếu Jephtha nhờ lời hứa mà vang khúc khải hoàn nhưng lại không giữ được lời hứa ấy? Biết đâu chiến thắng ấy sẽ không một lần nữa bị tước đi khỏi lòng dân tộc?
Khi đứa con trai quên đi bổn phận của mình14, khi đất nước giao phó cho người cha thanh gươm công lý, khi pháp luật yêu cầu chính bàn tay của người cha phải trừng phạt, thì người cha phải anh dũng mà quên rằng kẻ tội đồ kia là đứa con trai của mình, ông sẽ cao thượng che giấu nỗi đau của mình, nhưng sẽ chẳng có một ai trong dân tộc, ngay cả đứa con trai, sẽ không ngợi ca người cha cả, và mỗi khi luật pháp thành Rome được diễn giải, người ta sẽ nhớ rằng mặc dù có rất nhiều kẻ diễn giải nó một cách uyên thâm hơn, nhưng không ai có thể diễn giải nó một cách vinh quang hơn Brutus.
Nếu, mặt khác, trong khi cơn gió xuôi chiều thổi căng buồm mang hạm đội về đích, Agamemnon đã gửi sứ giả tìm đến Iphigenia để hiến tế nàng; nếu Jephtha, không bị ràng buộc bởi bất kỳ lời hứa nào có tính chất quyết định đối với vận mệnh dân tộc, nói với con gái ông, “Hãy khóc thương cho sự trinh bạch của mi trong vòng hai tháng nữa đi, rồi sau đó ta sẽ hiến tế mi”; nếu Brutus có đứa con trai là người công chính nhưng vẫn ra lệnh cho vệ sĩ hành hình nó - vậy thì ai sẽ hiểu được họ đây? Nếu ba người này, khi được hỏi tại sao họ làm như vậy, đã trả lời rằng, “Đó là một thử thách mà chúng tôi đang phải chịu”, thì liệu người ta có thể hiểu họ hơn được không?
Khi Agamemnon, Jephtha, Brutus vào thời khắc quyết định đã dũng cảm vượt qua nỗi đau, đã dũng cảm đánh mất đứa con yêu dấu và chỉ có duy nhất cái nhiệm vụ bên ngoài phải thực thi, thì sẽ chẳng có tâm hồn cao quý nào trên thế giới này lại không nhỏ nước mắt thương cảm cho nỗi đau của họ, lại không nhỏ nước mắt ngợi ca kỳ công của họ. Nhưng nếu ba người này, vào thời khắc quyết định, cùng với hành động quả cảm của mình họ đã thốt ra lời mọn này, “Nhưng nó sẽ không xảy ra mà”, thì ai sẽ hiểu được họ đây? Nếu như họ tiếp tục giải thích thêm rằng, “Chúng tôi tin vào chuyện này nhờ sự phi lý”, thì ai sẽ hiểu được họ hơn đây? Bởi ai mà chẳng dễ dàng hiểu rằng điều ấy là phi lý nhưng ai mà hiểu được rằng người ta có thể vì cái điều phi lý ấy mà tin vào nó đây?
Sự khác biệt giữa người anh hùng bi kịch và Abraham là cực kỳ hiển nhiên. Người anh hùng bi kịch vẫn nằm trong luân lý. Hắn để cho một sự biểu đạt của luân lý tìm thấy τέλօς [mục đích tối hậu] của nó dưới dạng một sự biểu đạt cao hơn của luân lý; hắn hạ mức mối liên hệ luân lý giữa cha và con trai, hay giữa con gái và cha, xuống một tình cảm có tính biện chứng trong mối liên hệ của nó với ý niệm của đời sống đạo đức. Vì vậy một sự đình bỏ có tính mục đích luận đối với luân lý chắc chắn không thể nào tồn tại ở đây được.
Với Abraham tình thế hoàn toàn khác hẳn. Bằng hành động của mình ông hoàn toàn bước qua luân lý và có được một τέλօς [mục đích tối hậu] cao hơn nằm bên ngoài nó, trong mối liên hệ với cái mà vì nó ông đình bỏ luân lý. Bởi tôi rất muốn biết làm thế nào mà người ta có thể đưa hành động của Abraham vào trong mối hên hệ với cái phổ quát, và liệu có thể tìm thấy một mối liên hệ nào giữa hành động mà Abraham đã làm và cái phổ quát, ngoại trừ cái điều rằng ông đã vượt qua cái phổ quát. Không phải để cứu vớt dân tộc, không phải để duy trì lý tưởng của nhà nước mà Abraham làm việc này; mà cũng chẳng phải để làm nguôi cơn giận của các vị thần đang cuồng nộ. Nếu có một vị thần nào đó đang cuồng giận, thì rốt cuộc ngài chỉ giận dữ với Abraham và toàn bộ hành động của Abraham không nằm trong mối liên hệ với cái phổ quát, mà chỉ đơn thuần là nỗ lực cá nhân mà thôi. Do đó, trong khi người anh hùng bi kịch trở nên vĩ đại bởi đức hạnh đạo đức của mình, thì Abraham trở nên vĩ đại chỉ bởi đức hạnh cá nhân của mình mà thôi. Trong cuộc đời Abraham không có sự biểu đạt nào dành cho luân lý cao hơn cái điều rằng người cha cần phải yêu thương đứa con trai. Điều này không nghi ngờ gì nữa hoàn toàn phù hợp với luân lý xét trên bình diện của đời sống đạo đức. Chừng nào mà cái phổ quát còn hiện diện, thì chừng đó nó còn ẩn trong Isaac, ẩn giấu trong đó như thể nó đang ở trong lòng Isaac vậy, và vì thế nó phải gào lên bằng cái miệng của Isaac, “Đừng làm vậy! Cha đang phá hủy tất cả mọi thứ rồi đó”.
Vậy thì tại sao Abraham lại làm việc này? Vì Thiên Chúa, và - bởi hai cái này hoàn toàn giống nhau - vì chính bản thân mình. Ông làm việc này vì Thiên Chúa bởi Thiên Chúa đòi hỏi ông chứng tỏ đức tin của mình; ông làm việc này vì bản thân mình để từ đó ông có thể chứng tỏ nó. Sự hợp nhất của hai lý do này được biểu đạt một cách hoàn hảo bằng một từ hay được dùng để diễn tả mối quan hệ này: đó là một thử thách, là một sự cám dỗ. Một sự cám dỗ - nhưng điều đó có nghĩa là gì? Chúng ta thường gọi một cái gì đó là sự cám dỗ khi nó khiến một người bỏ bê việc thực hiện bổn phận của mình, nhưng ở đây sự cám dỗ là một thứ luân lý tự thân khiến cho kẻ kia bỏ bê việc thực hiện ý chí của Thượng đế. Nhưng vậy thì bổn phận là gì? Bổn phận chỉ đơn giản là sự biểu đạt cho ý chí của Thượng đế.
Ở đây rõ ràng cần thiết phải có một phạm trù mới để có thể hiểu được Abraham. Một mối hên hệ như vậy với thần thánh thì đám dân ngoại chẳng thể nào mà biết tới được. Người anh hùng bi kịch không tham gia vào bất kỳ mối liên hệ riêng tư nào với thần thánh, mà với hắn luân lý chính là thần thánh, và vì thế cái nghịch lý trong đó có thể trung giới được trong cái phổ quát.
Abraham không thể nào trung giới được, hay nói một cách khác, ông không thể nói ra. Ngay khi tôi nói ra thì tức là tôi đã biểu đạt cái phổ quát, và nếu tôi không làm như vậy thì sẽ chẳng ai hiểu được tôi. Do đó nếu Abraham muốn biểu đạt chính mình trong cái phổ quát, ông sẽ phải nói rằng tình thế của ông là một thử thách cám dỗ, bởi ông không có sự biểu đạt nào cao hơn dành cho cái phổ quát mà lại đứng trên cái phổ quát mà ông vốn đã vượt qua.
Do đó, mặc dầu Abraham gợi lên trong tôi niềm ngưỡng mộ, thì cùng lúc ông cũng khiến tôi kinh hoàng. Kẻ nào chối bỏ chính mình và hy sinh chính mình cho bổn phận thì sẽ từ bỏ cái hữu hạn để nắm bắt cái vô hạn và kẻ đó sẽ được đảm bảo một cách đầy đủ. Người anh hùng bi kịch từ bỏ cái chắc chắn để đổi lấy cái còn chắc chắn hơn, và con mắt của người quan sát tin tưởng dõi theo hắn. Nhưng kẻ nào từ bỏ cái phổ quát để nắm bắt cái gì đó còn cao hơn nhưng lại không phải là cái phổ quát - hắn đang làm gì vậy? Nó còn có thể là gì khác hơn nếu không phải là một thử thách cám dỗ? Và nếu nó đúng là cái khác, nhưng cá thể lại mắc sai lầm, thì sự cứu chuộc nào sẽ dành cho hắn đây? Hắn chịu đựng tất cả những nỗi đau của người anh hùng bi kịch, hắn biến mọi nỗi hân hoan của hắn trên thế giới này thành hư không, hắn từ bỏ mọi thứ, và có lẽ vào đúng khoảnh khắc đó hắn đã tự mình tước đi niềm hân hoan cao cả mà đối với hắn nó quý giá đến nỗi hắn sẵn sàng mua nó với bất cứ giá nào. Người quan sát không thể nào hiểu nổi hắn mà con mắt người đó cũng chẳng tin tưởng mà dõi theo hắn. Có lẽ điều mà người có đức tin dự định làm là hoàn toàn không thể thực hiện được, bởi rốt cuộc nó là cái mà người ta không thể nào hiểu được. Hoặc giả nó có thể thực hiện được, nhưng nếu cá nhân hiểu sai ý thần linh - thì sự cứu chuộc nào sẽ dành cho hắn đây? Người anh hùng bi kịch cần có nước mắt và đòi hỏi chúng và đâu rồi con mắt ghen tị khô cạn đến nỗi chẳng thể nào khóc than cùng Agamemnon? Nhưng đâu rồi con người với linh hồn bối rối đến nỗi dám cả gan khóc thương cho Abraham? Người anh hùng bi kịch hoàn tất hành động của mình vào một thời điểm xác định đúng lúc, nhưng cùng với thời gian hắn đã làm một việc không kém phần quan trọng, hắn đến thăm người đàn ông mà tâm hồn bị vây khốn bởi nỗi sầu khổ, lồng ngực của ông không thở nổi vì kìm nén những tiếng nức nở buồn đau, ý nghĩ của ông đong đầy nước mắt đè nặng trên con người ông; người anh hùng bi kịch xuất hiện trước mặt ông, xua tan cơn mê muội sầu khổ, nới lỏng xiềng xích, nhỏ hai hàng lệ và trong nỗi đau của người anh hùng bi kịch người đàn ông khốn khổ kia quên đi nỗi đau của mình. Người ta không thể than khóc cho Abraham. Người ta đến với ông bằng một thứ horror religiosus [tôn giáo kinh hoàng], như dân Israel tiến đến núi Sinai15. Vậy thì điều gì sẽ xảy ra nếu như người đàn ông cô đơn kia leo lên núi Moriah, mà đỉnh của nó vút lên tận trời cao giữa bình nguyên Aulis, điều gì sẽ xảy ra nếu như ông không phải là một kẻ mộng du mà là người bước đi vững chãi trên vực thẳm dù cho có những kẻ đặt chân lên núi, run rẩy nhìn xuống dưới mà lòng đầy sợ hãi và trong cơn sùng kính và kinh sợ đã không dám gọi đến ông - điều gì sẽ xảy ra nếu người đàn ông này bị rối tâm loạn trí, điều gì sẽ xảy ra nếu ông mắc sai lầm? Xin tạ ơn người, một lần nữa xin tạ ơn người, kẻ đã chìa tay ra cho một con người bị giày xéo và bỏ lại trần truồng trơ trụi bởi nỗi sầu đời, chìa tay ra đưa cho người đó mảnh lá lời để có thể che đậy cơn cùng khó16. Xin tạ ơn người, Shakespeare17 vĩ đại, người có thể biểu đạt mọi thứ, hết thảy mọi thứ, một cách chính xác như nó là - thế nhưng cơn cớ gì mà người lại không bao giờ biểu đạt nỗi đau đớn này? Có lẽ nào người để dành nó cho chính người - giống như người ta yêu dấu mà tên người ấy mỗi khi được thế giới gọi ra ta không tài nào chịu nổi? Bởi thi nhân mua lấy sức mạnh của lời để nói ra hết thảy những bí mật kinh hoàng của người khác với cái giá là một điều bí mật nhỏ mọn của riêng mình mà hắn không thể nào thốt ra, và thi nhân chẳng phải là một sứ đồ, hắn chỉ xua ma đuổi quỷ bằng sức mạnh của ma quỷ mà thôi18.
Nhưng giờ đây khi luân lý vì thế mà bị đình bỏ một cách có tính chất mục đích luận, thì cá thể nằm trong một cái vốn đã bị đình bỏ làm sao có thể tồn tại được? Hắn tồn tại như là cái cá biệt trong sự đối lập với cái phổ quát. Liệu khi đó hắn có phạm tội không? Bởi xét trên bình diện ý niệm thì đây là một hình thái của tội lỗi, cũng giống như việc một đứa trẻ mặc dù không phạm tội bởi nó vẫn còn chưa ý thức được về sự tồn tại của chính mình hiểu theo nghĩa thông thường nhưng sự tồn tại của nó, xét trên bình diện ý niệm, vẫn cứ là tội lỗi, và luân lý đòi hỏi quyền của nó đối với đứa trẻ kia từng giây từng phút một. Nếu người ta chối bỏ rằng hình thái tội lỗi này có thể được lặp lại [ở người lớn] theo cách mà nó không phải là tội lỗi, thì lời tuyên án đã giáng xuống Abraham rồi. Vậy thì làm thế nào Abraham tồn tại được? Ông đã có đức tin. Đây là cái nghịch lý đã giữ ông đứng trên đỉnh nhọn và là cái nghịch lý mà ông không thể làm sáng tỏ cho bất cứ kẻ nào khác được, bởi cái nghịch lý này là cái nghịch lý mà ông xét như cái cá thể tự đặt mình vào trong mối liên hệ tuyệt đối với cái tuyệt đối. Liệu ông có được biện minh không? Sự biện minh của ông một lần nữa lại là cái nghịch lý; bởi nếu ông được biện minh thì đó không phải là vì ông là một cái gì đó thuộc về cái phổ quát, mà là vì ông là cái cá thể cá biệt.
Vậy thì làm thế nào mà cá thể có thể tự bảo đảm cho chính mình rằng hắn được biện minh? Thật dễ dàng khi đồng nhất toàn bộ cuộc sống thành ý niệm nhà nước hoặc ý niệm xã hội19. Nếu điều này được thực hiện, thì nó cũng dễ dàng được trung giới, bởi khi đó người ta không phải chạm trán một chút nào với cái nghịch lý rằng cái cá thể với tư cách là cái cá biệt đứng cao hơn cái phổ quát, mà tôi cũng có thể biểu đạt nó một cách thích hợp trong cái định đề Pythagoras20 rằng số lẻ hoàn hảo hơn số chẵn. Nếu trong thời đại của chúng ta người ta thỉnh thoảng nghe thấy một lời kháng biện thích đáng với cái nghịch lý này, thì thể nào nó cũng có hàm ý sau: “Nó sẽ được phán xét bằng kết quả”. Một người anh hùng, kẻ trở nên một σκάνδαλον [điều chướng tai gai mắt] đối với thời đại của hắn, khi ý thức được rằng hắn là một nghịch lý mà người ta không thể nào hiểu được sẽ ngạo nghễ mà gào lên với đám người đương thời rằng, “Kết quả chắc chắn sẽ chứng tỏ rằng tôi được biện minh”. Trong thời đại của chúng ta, khá hiếm khi được nghe một tiếng gào như vậy, bởi lẽ thời đại của chúng ta không tạo ra anh hùng, cái này vốn là khiếm khuyết của nó, và bù lại nó có ưu điểm là tạo ra được ít tranh biếm họa. Trong thời đại ngày nay, khi nghe thấy câu này, “Nó sẽ được phán xét dựa trên kết quả”, thì ta sẽ ngay lập tức biết rõ kẻ mà mình đang có hân hạnh được tiếp chuyện. Những kẻ nói chuyện kiểu như vậy có mà đông nhung nhúc, và tôi sẽ gọi bọn chúng bằng một cái tên chung là Docents [giảng viên]21. Bọn chúng sống trong tư tưởng của mình, với một cuộc sống được bảo đảm, chúng có một vị trí vững chắc và một tương lai được bảo đảm trong một đất nước có kỷ cương trật tự, đã có hàng thế kỷ và thậm chí hàng thiên niên kỷ ngăn cách giữa chúng và những chấn động của cuộc sinh tồn; chúng chẳng sợ những thứ như vậy có thể lặp lại; bởi khi đó cảnh sát và báo chí sẽ nói gì đây? Công việc cả đời của bọn chúng là phán xét người vĩ đại, và phán xét họ dựa trên kết quả. Lối hành xử như vậy đối với người vĩ đại đã phản lại cái hợp phần kỳ lạ của sự kiêu mạn và sự khốn khổ: kiêu mạn vì bọn chúng tưởng rằng mình được người ta kêu gọi đưa ra lời phán xét, khốn khổ vì bọn chúng cảm thấy cuộc đời mình chẳng có liên quan gì, dù chỉ ở mức độ xa xôi, tới cuộc đời người vĩ đại cả. Kẻ nào có được dù chỉ một chút erectioris ingenii [tư chất cao quý] sẽ chẳng bao giờ trở thành giống nhuyễn thể lạnh lẽo và nhớt nhát, và khi hắn đến gần người vĩ đại, hắn không bao giờ thoát ra khỏi cái ý nghĩ rằng kể từ buổi Sáng thế đã hình thành nên cái quy luật rằng kết quả luôn đến sau cùng, và rằng nếu người ta thực sự học được cái gì đó từ người vĩ đại, thì chính cái khởi thủy mới là cái mà người ta phải cực kỳ chú ý đến. Nếu kẻ nào hành động để tự phán xét mình dựa trên kết quả, kẻ đó sẽ chẳng bao giờ khởi sự được. Mặc dầu kết quả có thể khiến cho toàn thể thế giới trở nên hân hoan, nó cũng không thể giúp ích gì cho người anh hùng, bởi người anh hùng chỉ biết kết quả khi toàn bộ mọi thứ đã kết thúc, và không phải bởi điều ấy mà hắn trở thành anh hùng mà hắn trở thành anh hùng bởi cái điều rằng hắn đã khởi sự.
Hơn nữa, kết quả (chừng nào nó còn là câu trả lời hữu hạn cho câu hỏi vô hạn) trong sự biện chứng của nó, hoàn toàn không tương thích với sự tồn tại của người anh hùng. Hoặc có thể nào việc Abraham có được Isaac bằng phép màu chứng tỏ rằng Abraham đã được biện minh trong việc liên hệ chính mình với tư cách là cái cá thể với cái phổ quát? Nếu như Abraham thực sự hiến tế Isaac, thì liệu ông có ít được biện minh hơn không?
Nhưng người ta lại tò mò về kết quả, hệt như kiểu họ tò mò về kết cục của một cuốn sách - họ chẳng muốn biết chút gì về nỗi thống khổ, niềm kinh hãi, và cái nghịch lý. Họ đùa bỡn một cách đầy mỹ học với kết quả, nó giống giải thưởng xổ số không chỉ ở chỗ nó tới theo cách không thể dự đoán được mà còn ở chỗ nó đến một cách dễ dàng nữa; và khi nghe thấy kết quả họ cảm thấy như được khai sáng. Nhưng ngay cả gã tội phạm cướp đền đến mức bị kết án khổ sai trong xiềng xích nào cũng chưa thể hèn hạ bằng những kẻ cướp đền theo cách như thế và thậm chí ngay cả Judas22 kẻ bán Thầy mình lấy ba mươi đồng bạc cũng không thể đê tiện hơn những kẻ bán chác sự vĩ đại theo cách như thế.
Với tôi thật là khó chịu khi phải nói một cách phi nhân về sự vĩ đại, khi để vẻ huy hoàng của nó tối lịm dần thành một thể dạng mịt mùng ở chốn xa xôi, hay biểu đạt nó như sự vĩ đại mà bỏ qua cái thành tố con người vốn có vai trò vô cùng quan trọng - không có cái thành tố con người ấy thì sự vĩ đại không còn là sự vĩ đại nữa; bởi không phải cái xảy đến với tôi khiến tôi trở nên vĩ đại mà cái tôi làm mới khiến tôi trở nên vĩ đại, và hiển nhiên chẳng ai lại đi tin rằng một người trở nên vĩ đại bởi vì hắn trúng giải đặc biệt khi mua vé số. Ngay cả đối với một người được sinh ra trong những hoàn cảnh khiêm tốn, tôi cũng sẽ yêu cầu hắn không vì thế mà trở nên phi nhân với chính mình đến độ chỉ ở chốn xa xôi cách trở mới có thể nghĩ về lâu đài của nhà vua và mơ màng về sự vĩ đại của nó, và từ đó muốn tôn vinh và đồng thời phá bỏ nó luôn bởi vì hắn đã tôn vinh nó một cách hết sức ti tiện. Tôi cũng sẽ yêu cầu hắn phải có nhân tính đủ để bước đi và hành xử ở đó một cách tự tin và đàng hoàng. Hắn cũng không được trở nên phi nhân đến mức trâng tráo mà mong muốn vi phạm quy tắc kính trên nhường dưới bằng cách chạy thẳng một mạch từ ngoài đường vào lâu đài của nhà vua - bằng cách đó hắn mất nhiều hơn là nhà vua; trái lại, hắn nên kiếm tìm niềm khinh khoái trong việc quan sát mọi quy tắc cư xử đúng mực với một nhiệt tâm đầy hoan hỉ và tự tin, đó chính cái sẽ làm cho hắn trở nên bộc trực và chân thành. Đây chỉ đơn thuần là một phép ẩn dụ tương đồng, bởi cái khác biệt ở đây chỉ là một sự biểu đạt rất không hoàn hảo của khoảng cách tinh thần. Tôi yêu cầu mọi người không nên tự nghĩ về mình một cách phi nhân đến độ không dám bước vào những lâu đài đó, nơi không chỉ ký ức của những kẻ được chọn đang sống ở đó mà còn là nơi chính những kẻ được chọn đang sống ở đó. Hắn không được nóng vội đến độ trâng tráo tiến vào trong và cho rằng mình ở cùng một đẳng cấp với họ; ngược lại hắn nên vui mừng mỗi khi cúi rạp mình trước họ, nhưng hắn cũng nên bộc trực và tự tin và luôn là một cái gì đó hơn là một bà giúp việc; bởi nếu hắn không muốn là một cái gì đó hơn thế thì hắn sẽ chẳng bao giờ được phép bước vào đó. Và điều sẽ giúp hắn làm được việc đó chính là nỗi kinh hoàng và thống khổ mà những kẻ vĩ đại được thử thách ở trong đó, bởi nếu không, nếu hắn có một chút nghị lực trong mình, thì họ sẽ chỉ gợi lên nỗi ghen tị chính đáng nơi hắn mà thôi. Và những gì chỉ có thể vĩ đại khi đã ở cách xa, những gì mà người ta muốn đề cao thành vĩ đại nhờ vào những lối diễn đạt rỗng tuếch, thì những cái đó đã bị chính những con người đó phá hủy hết sạch rồi.
Trên thế gian, ai có thể vĩ đại sánh bằng người phụ nữ được ân sủng này, Mẹ Thiên Chúa, Đức Mẹ Đồng trinh Maria? Thế nhưng người ta nói về bà như thế nào? Nói rằng bà được ân sủng nhiều hơn so với những người đàn bà khác không làm cho bà trở nên vĩ đại và nếu không phải là quá ư kỳ cục cái sự rằng người nghe cũng có thể suy nghĩ một cách phi nhân hệt như kẻ nói, thì mỗi cô gái trẻ đều có thể hỏi, “Cơn cớ gì mà tôi lại không phải là người được ân sủng nhiều hơn chứ?”. Và nếu tôi không còn gì khác để nói, thì hẳn là tôi sẽ không gạt bỏ một câu hỏi như vậy vì cho rằng nó thật ngu xuẩn, bởi đối với vấn đề ân sủng, xét một cách trừu tượng, thì mọi người đều được hưởng như nhau. Cái mà họ bỏ qua là nỗi thống khổ, niềm kinh hãi, và cái nghịch lý. Suy nghĩ của tôi cũng thuần khiết như của bất kỳ ai, và ý nghĩ của bất kỳ người nào suy nghĩ theo cách đó chắc chắn cũng sẽ trở nên thuần khiết; nếu không, điều kinh hoàng có thể đang đợi hắn; bởi kẻ nào đã một lần gợi nhắc đến những hình ảnh đó trong đầu sẽ không thể nào loại chúng ra khỏi đầu được nữa, và nếu hắn phạm tội chống lại chúng, chúng sẽ trả thù bằng cơn giận dữ lặng câm, còn kinh hoàng hơn sự om xòm của mười nhà phê bình hiểm ác cộng lại. Đúng là Maria đã sinh ra đứa trẻ một cách mầu nhiệm, nhưng nó không xảy ra với bà “như thế thường của đàn bà”23, và thời gian này chính là thời gian của những nỗi thống khổ, niềm kinh hãi, và cái nghịch lý. Đúng là vị thiên sứ là thần hầu việc, nhưng ngài không phải là thần lăng xăng để mà lần lượt đi gặp tất cả trinh nữ trẻ của Israel và nói rằng, “Chớ có khinh miệt Maria. Điều xảy đến với bà là một sự phi thường”. Nhưng thiên sứ chỉ đến với Maria, và chẳng ai có thể hiểu bà. Rốt cuộc, đã có người đàn bà nào từng bị xúc phạm như Maria chưa? Và há chẳng phải không đúng sao, cũng trong trường hợp này, cái điều rằng kẻ nào được Thiên Chúa ân sủng thì đồng thời cũng bị Ngài nguyền rủa? Đây là quan điểm của thần khí về Maria, và bà hoàn toàn không phải là - tôi thực sự căm phẫn khi nói ra điều này, nhưng tôi thậm chí còn căm phẫn hơn khi thấy người ta đã nhìn nhận về bà một cách thiếu suy nghĩ và vô trách nhiệm như vậy - bà hoàn toàn không phải là một thiếu phụ ngồi tiêu khiển trong bộ đồ lộng lẫy và chơi đùa với đứa con của Chúa. Mặc dù vậy, khi bà nói, “Tôi đây là tôi tớ của Chúa”24 - thì khi ấy bà đã trở nên vĩ đại, và tôi nghĩ rằng người ta sẽ chẳng gặp chút khó khăn nào trong việc giải thích tại sao bà lại trở nên Mẹ Thiên Chúa. Bà chẳng cần đến những tụng ca trần thế, cũng như Abraham chẳng cần đến nước mắt nhân gian, bởi bà chẳng phải là một anh thư, và ông cũng chẳng phải là một anh hùng, nhưng cả hai đều trở nên vĩ đại hơn kẻ anh hùng, chẳng phải vì họ được miễn phải chịu nỗi thống khổ, niềm kinh hãi, và cái nghịch lý, mà họ trở nên vĩ đại hơn chính nhờ trải qua những cái đó.
Vĩ đại thay nhà thơ, khi phô bày người anh hùng bi kịch của hắn cho đám đông ngợi ca, đã dám nói rằng, “Hãy khóc than cho người, bởi người xứng đáng với điều đó”. Bởi vĩ đại thay khi dành nước mắt cho kẻ nào đáng để ta rỏ nước mắt. Vĩ đại thay nhà thơ dám kiềm tỏa đám đông không cho họ manh động, dám khiển trách đám người kia, yêu cầu mỗi người hãy tự xét mình xem liệu có đáng được khóc than cho người anh hùng hay không. Bởi dòng nước thải của bọn thương vay khóc mướn sẽ làm ô uế chốn linh thiêng. Nhưng vĩ đại hơn cả là người hiệp sĩ đức tin dám nói với kẻ quý tộc đang khóc than cho mình, “Chớ có khóc than cho ta, mà hãy khóc than cho chính ngươi đó”25.
Ta vô cùng xúc động, ta quay trở lại thời kỳ tươi đẹp trước kia, một mong mỏi ngọt ngào dẫn dắt ta tới mục tiêu mong muốn, được thấy Đấng Kitô đi dạo trên đất hứa. Ta quên đi nỗi thống khổ, niềm kinh hãi, và cái nghịch lý. Để không bao giờ mắc sai lầm, điều ấy liệu có dễ dàng không? Kìa con người đang bước đi giữa đám đông kia, người chính là Thiên Chúa đó, điều ấy há chẳng phải đáng kinh hãi lắm sao? Được ngồi cùng bàn ăn với Người, điều ấy há chẳng phải đáng kinh hãi lắm sao? Để trở thành một Đấng Tông Đồ, điều ấy liệu có dễ dàng không? Nhưng kết quả đó, mười tám thế kỷ26 - nó giúp, nó giúp cho sự lừa dối hạ tiện mà thiên hạ dùng để tự lừa dối mình và lừa dối người khác. Tôi thấy mình không có đủ dũng khí để mong ước trở thành kẻ đương thời với những sự kiện đó, nhưng vì thế tôi sẽ không gay gắt phán xét những kẻ mắc sai lầm, hay suy nghĩ một cách ti tiện về những người thấu hiểu chân lý.
Nhưng giờ thì tôi quay trở về với Abraham. Trong thời gian trước khi có kết quả, thì hoặc Abraham trong mọi thời khắc là một tên giết người, hoặc chúng ta đứng trước cái nghịch lý cao hơn tất cả mọi sự trung giới.
Câu chuyện của Abraham do đó chứa đựng sự đình bỏ có tính mục đích luận đối với luân lý. Ông, với tư cách là cái cá thể, đứng cao hơn cái phổ quát. Đây là cái nghịch lý không thể trung giới được. Không thể giải thích được làm thế nào ông vào được trong nó cũng giống như không thể giải thích được làm thế nào ông vẫn ở bên trong nó. Nếu đây không phải là tình thế của Abraham, thì ông thậm chí còn chẳng được là người anh hùng bi kịch mà chỉ là kẻ giết người. Thật là thiếu suy nghĩ khi mong muốn tiếp tục được gọi ông là tổ phụ của đức tin, thật là thiếu suy nghĩ khi nói ra điều này với những kẻ chỉ quan tâm đến lời nói. Một người có thể trở thành một anh hùng bi kịch bằng chính sức mạnh của mình - nhưng không thể trở thành hiệp sĩ đức tin theo cách đó được. Khi một người đi trên con đường mà, trên một bình diện nào đó, chính là con đường gian nan của người anh hùng bi kịch thì nhiều người sẽ có thể khuyên nhủ hắn; nhưng kẻ nào đi theo con đường hẹp của đức tin thì chẳng ai có thể khuyên nhủ được hắn, chẳng ai có thể hiểu được hắn. Đức tin là một phép màu, thế nhưng không người nào bị loại trừ khỏi nó; bởi thứ hợp nhất toàn bộ cuộc sống con người lại chính là đam mê27, và đức tin là một đam mê.
1. Sự đình bỏ có tính chất mục đích luận (Teleological Suspension): tức là sự từ bỏ tạm thời có mục đích dựa trên một căn cứ nào đó. Luân lý thường được coi là có tính chất mục đích luận bởi vì khi người ta thực hiện bổn phận của luân lý thì trong đầu họ luôn có một mục đích nào đó nằm trong hệ thống luân lý. Theo quan điểm của Hegel, mọi hành động có tính chất luân lý đều được thực hiện với một mục đích tối hậu (tức là cứu cánh, là mục đích cuối cùng) hợp nhất với cái phổ quát (universal) và nằm trong Hệ thống phổ quát. Câu hỏi được đặt ra trong luận đề này là liệu còn có một mục đích nào cao hơn mà để đạt được nó người ta phải đình bỏ những bổn phận luân lý của mình hay không. Hegel cho rằng không thể tồn tại một mục đích nào đứng cao hơn luân lý tức là luân lý chiếm vị trí tối thượng trong hành động của con người. Kierkegaard, ngược lại, cho rằng tồn tại một mục đích tối hậu mà ở đó người ta có thể phải tạm thời đình bỏ những bổn phận luân lý của mình, đó chính là mục đích tối hậu nằm trong mối liên hệ với cái tuyệt đối (tức là Thượng đế), tức là đức tin. Hiểu theo nghĩa này, hành động giết con để dâng lên Thiên Chúa của Abraham có thể được biện minh rằng để thực hiện hành động của đức tin này ông có thể phải tạm thời đình bỏ cái bổn phận có tính luân lý của mình (tức là bổn phận cha con, theo luân lý thì Abraham không được giết con, nhưng ông vẫn thực hiện hành động này và khi thực hiện nó ông đã tạm thời từ bỏ cái gọi là luân thường đạo lý). Tóm lại, theo Kierkegaard, người ta không thể dùng đạo đức luân lý để phán xét hành động của Abraham bởi vì hành động của Abraham thuộc về đức tin, nó đứng cao hơn mọi luân lý. Thậm chí ngay cả khi người ta dùng luân thường đạo lý để phán xét Abraham thì đối với ông việc đó cũng không có ý nghĩa gì hết bởi hành động đức tin của ông lúc này chỉ nằm trong mối liên hệ đối với Thượng đế (tức là cái tuyệt đối) mà thôi, bởi nó không còn nằm trong mối liên hệ với luân lý và vì thế không chịu sự chi phối của luân lý nữa. Vì thế, nhìn từ bên ngoài thì không ai có quyền phán xét hành động giết con hiến tế của Abraham ngoài bản thân ông và Thượng đế; ở chiều ngược lại, đối với Abraham thì miễn là hành động của ông phù hợp với tín niệm của ông đối với Thượng đế là đủ, ông không cần phải quan tâm đến những phán xét luân lý thông thường. Đây chính là một quan điểm then chốt trong tư tưởng hiện sinh của Kierkegaard.↩︎
2. Đây là ý niệm về luân lý được nhấn mạnh trong Phần Hai của tác phẩm Hoặc là/Hoặc là (Either/Or). Có lẽ Schrempf đúng khi xác quyết rằng điều khiến cho Kierkegaard đau đớn một cách không cần thiết là sự chấp nhận của ông đối với ý niệm kiểu Hegel vế mối quan hệ giữa cái phổ quát và cái cá biệt.↩︎
3. Theo chú giải của Alasstair Hannay, trên thực tế, trong những tác phẩm thời kỳ đầu của Hegel, được xuất bản sau này mà Kierkegaard không được đọc, hình tượng Abraham đã được Hegel mô tả đúng như thế này.↩︎
4. Nguyên bản tiếng Đan Mạch là det soedelige. Theo chú thích của các dịch giả (Sylvia Walsh, Hong và Hong), từ này trong tiếng Đan Mạch tương đương với khái niệm tiếng Đức die Sittlichkeit của Hegel. Khái niệm này của Hegel thường được dịch là “đời sống đạo đức.” được thể hiện qua ba giai đoạn: gia đình, xã hội công dân, nhà nước. Trong bản dịch của Walsh, chỗ này được dịch là “đời sống đạo đức”, còn trong bản dịch của Edna H. Hong và Howard V. Hong thì nó được dịch là “đạo đức xã hội”.↩︎
5. Ngoại giáo (paganism), còn gọi là pagan giáo, vốn xuất phát là thuật ngữ mà những người theo Cơ Đốc giáo ở đế quốc La Mã thời hậu cổ đại dùng để chỉ những tôn giáo khác xung quanh họ. Bản thân từ pagan có nguồn gốc là từ paganus nghĩa là “người nhà quê” và các tín hữu Cơ Đốc giáo thời kỳ đó gộp tất cả những người theo tôn giáo khác với tôn giáo của họ thành một từ để gọi là pagan, để cho dễ gọi và thuận tiện cho việc hùng biện, đồng thời cũng mang hàm ý khinh miệt. Dần dần, thuật ngữ này dùng theo nghĩa để chỉ các tôn giáo khác với Cơ Đốc giáo. Dân ngoại giáo (pagan) vì thế dùng để chỉ những người không theo Cơ Đốc giáo nói chung. Về cơ bản, thuật ngữ “dân ngoại giáo” mà ngày nay hay dùng gần như đồng nghĩa với thuật ngữ “dân ngoại đạo”.↩︎
6. Câu trích trong tác phẩm L’art poétique (Nghệ thuật thi ca) I, 232, của Nicolas Boileau-Despréaux (1636-1711) nhà thơ, nhà phê bình người Pháp.↩︎
7. Nguyên văn trong bản dịch tiếng Anh là mediation (sự trung gian, hòa giải, hòa hợp, điều hòa) vốn có nguồn gốc từ thuật ngữ Vermittlung trong tiếng Đức. Đây là một thuật ngữ quan trọng trong triết học Hegel và nó đã được dịch giả Bùi Văn Nam Sơn dịch là sự trung giới (nghĩa là cái trung gian làm môi giới). Thuật ngữ này có nghĩa là trung gian, hòa hợp, hay điều hòa hai cái đối lập để thành một cái thống nhất ở mức cao hơn. (Xem thêm Hiện tượng học tinh thần, Hegel, Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, NXB Văn học 2006).↩︎
8. Theo chú giải của Sylvia Walsh, có lẽ “trường hợp sau này” mà Kierkegaard nói đến ở đây ám chỉ đến Đức Jesus.↩︎
9. Trong cuộc chiến thành Troy, khi hạm đội Hy Lạp không thể ra khơi từ Aulis vì ngược gió, nhà tiên tri Calchas loan báo rằng vua Agamemnon đã làm phật ý nữ thần Artemis và nữ thần yêu cầu nhà vua phải hiến tế con gái mình là Iphigenia.↩︎
10. Trích từ vở kịch Iphigenia ở Aulis của Euripides (dòng số 448). Agamemnon nói, “May mắn làm sao khi được sinh ra ở địa vị thấp hèn nơi người ta được quyền than khóc”.↩︎
11. Ba người bạn tâm giao này là: Menelaus, Calchas và Ulysses. Trích từ vở kịch Iphigenia ở Aulis của Euripides (dòng số 107).↩︎
12. Trích từ vở kịch Iphigenia ở Aulis của Euripides (v. 687). Dòng số 687 được dẫn chiếu ở đây là từ bản dịch tiếng Đan Mạch của vở kịch, in trong cuốn Euripides, do Christian Wilster dịch, xuất Copenhagen năm 1840.↩︎
13. Chỉ Jephtha. Xem Kinh Thánh, sách Thủ lãnh (Judges) (còn gọi là sách Các Quan xét, hay sách Thẩm phán) 11:30-40. Jephtha khấn nguyện với Thiên Chúa thề rằng nếu Thiên Chúa phù hộ ông thắng trong trận chiến với dân Ammon, thì khi ông trở về nhà bất cứ người nào từ cửa nhà đi ra đón ông thì ông sẽ dâng người đó làm lễ tế thiêu cho Thiên Chúa. Nhờ sự giúp đỡ của Thiên Chúa, Jephtha đã chiến thắng và khi ông trở về, người đón ông đầu tiên chính là người con gái duy nhất của ông. Khi Jephtha thấy con gái mình, ông đã vô cùng đau đớn và khó xử nhưng người con gái đã khẳng khái xin cha giữ đúng lời khấn nguyện mà hiến tế mình và nàng chỉ xin được hai tháng đi cùng bạn bè khóc cho sự đồng trinh của nàng. Sau đó nàng trở về và để cho ông thực hiện lễ hiến tế. Kể từ đó trở đi, ở Israel có tục lệ hằng năm các thiếu nữ dành bốn ngày để đi than khóc con gái của Jephtha.↩︎
14. Những người con trai của Brutus, mặc dù có cha là Tổng Tài, tham gia vào một âm mưu nhằm đưa Tarquin Hoàng để La Mã bị trục xuất trở về, và Brutus đã ra lệnh xử trảm họ.↩︎
15. Xem Kinh Thánh, sách Xuất hành (Exodus) 19:12-13. “Vả, ngươi hãy phân định giới hạn cho dân sự ở chung quanh núi, và dặn rằng: Khá giữ mình đừng leo lên núi, hoặc đụng đến chân; hễ kẻ nào đụng đến thì sẽ bị xử tử. Chớ ai tra tay vào mình người đó, nhưng người đó phải bị liệng đá hoặc bắn tên; bất luận vật hay người, cũng chẳng để cho sống đâu. Khi kèn thổi lên, dân sự sẽ đến gần núi”.↩︎
16. Ẩn dụ đến hình ảnh Adam và Eva lấy lá vả che đậy thân thể trần truồng của mình. Xem Kinh Thánh, sách Sáng thế 3:7. “Mắt cả hai người đều mở ra và nhận biết mình đang trần truồng. Họ kết lá vả làm khố che thân”.↩︎
17. William Shakespeare (1564-1616) là nhà thơ và nhà viết kịch vĩ đại người Anh. Ông được coi là nhà văn vĩ đại nhất trong khối văn học tiếng Anh. Các tác phẩm kịch nổi tiếng nhất của ông gồm có: Hamlet, Othello, Vua Lear và Macbeth, đặc biệt trong đó Hamlet được nhiều người coi là kiệt tác kịch xuất sắc nhất của nhân loại. Tất cả các tác phẩm này đều đã được dịch ra tiếng Việt. Xem thêm Tuyển tập tác phẩm, William Shakespeare, NXB Sân khấu, 2006.↩︎
18. Xem Kinh Thánh, sách Mark 3:22. “Có các thầy thông giáo ở thành Jerusalem xuống, nói rằng: Người bị quỷ Beelzebub ám, và nhờ phép chúa quỷ mà trừ quỷ”.↩︎
19. Ở đây Kierkegaard có ý mỉa mai quan điểm triết học của Hegel trong việc phân chia ý niệm.↩︎
20. Pythagoras (sinh vào khoảng năm 570 - mất vào khoảng năm 495 TCN) còn gọi là Pythagoras xứ Samos, là nhà triết học và toán học vĩ đại người Hy Lạp. Có lẽ hầu hết học sinh phổ thông Việt Nam đều biết tên ông qua Định lý Pytago (cách gọi Pythagoras theo cách phiên âm tiếng Việt) trong môn Toán Hình học.↩︎
21. Docents là một chức danh được dùng trong một số hệ thống trường đại học ở châu Âu, đặc biệt là ở các nước nói tiếng Đức, tương đương với chức danh giảng viên. Lưu ý rằng Docents và Privatdocents thường xuyên được Kierkegaard dùng làm đối tượng châm biếm, ông nói nhiều hơn đến “giáo sư” sau khi Martensen đạt được chức danh này. Xem thêm chú thích ở phần “Tựa”.↩︎
22. Xem Kinh Thánh, sách Matthew 26:14-15. “Bấy giờ có một người trong mười hai sứ đồ, tên là Judas Iscariot, đến tìm các thấy tế lễ cả, mà nói rằng: Các thầy bằng lòng trả cho tôi bao nhiêu đặng tôi sẽ nộp người cho? Họ bèn trả cho nó ba chục bạc”.↩︎
23. Xem Kinh Thánh, sách Sáng thế 18:11. “Vả, Abraham cùng Sarah đã già, tuổi tác đã cao; Sarah không còn chi nữa như thế thường người đàn bà”.↩︎
24. Xem Kinh Thánh, sách Luke 1:38. “Mary thưa rằng: Tôi đây là tôi tớ Chúa; xin sự ấy xảy ra cho tôi như lời người truyền! Đoạn thiên sứ lìa khỏi Mary”.↩︎
25. Xem Kinh Thánh, sách Luke 23:28. “Nhưng Đức Chúa Jesus xây mặt lại với họ mà phán rằng: Hỡi con gái thành Jerusalem, đừng khóc về ta, song khóc về chính mình các ngươi và về con cái các ngươi”.↩︎
26. Mười tám thế kỷ là tính từ thời của Đấng Jesus Christ cho đến thời của Kierkegaard.↩︎
27. Lessingα ở đâu đó có thể hiện một ý tương tự nhìn từ quan điểm mỹ học thuần túy. Điều mà ông thực sự muốn thể hiện trong đoạn đó là nỗi buồn cũng có thể tìm thấy một lối diễn đạt hóm hỉnh. Vì mục đích này ông trích dẫn một lời đối đáp của vị vua Anh quốc bất hạnh, Edward Đệ Nhịβ nói ra trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó. Ngược lại với chuyện này, ông trích dẫn từ Diderotγ câu chuyện về một người phụ nữ nông dân và lời đối đáp của bà. Rồi ông tiếp tục: “Điều đó cũng hóm hỉnh, và hơn nữa, lại là sự hóm hỉnh của một người phụ nữ nông dân; nhưng tình thế khiến nó trở nên không thể tránh được. Hệ quả là người ta không bắt buộc phải tìm kiếm một cái cớ cho những lối diễn đạt hóm hỉnh về nỗi đau đớn và cơn sầu muộn trong cái điều rằng người thốt ra chúng là một kẻ vượt trội, một kẻ học rộng, thông minh, và lại còn hóm hỉnh nữa; bởi đam mê khiến tất cả mọi người một lần nữa trở nên bình đẳng nhưng chỉ theo cái nghĩa rằng mọi người, không ngoại trừ một ai, đều sẽ nói cùng một thứ trong cùng một hoàn cảnh. Suy nghĩ của một người phụ nữ nông dân thì một nữ hoàng cũng có thể có và bắt buộc phải có, cũng giống như điều nhà vua nói trong ví dụ trên thì một người nông dân cũng có thể nói và không nghi ngờ gì nữa sẽ nói ra trong hoàn cảnh đó”. Tham khảo Sämtliche Werke, XXX. trang 223. [Ghi chú của Kierkegaard.]
Chú thích: α Gotthold Ephraim Lessing (1729-1781), nhà triết học, nhà viết kịch, nhà phê bình người Đức. Các tác phẩm của ông có ảnh hưởng rất lớn lên Kierkegaard, β Edward Đệ Nhị (1284-1327) trị vi Anh quốc từ năm 1307 đến năm 1327. γ Dennis Diderot (1713-1784), nhà triết học, nhà văn, nhà phê bình người Pháp.↩︎
LUẬN ĐỀ II
LIỆU CÓ TỒN TẠI MỘT BỔN PHẬN TUYỆT ĐỐI VỚI THƯỢNG ĐẾ HAY KHÔNG?1
Luân lý là cái phổ quát và vì thế nó cũng là cái thần thánh. Vì thế hoàn toàn đúng khi nói rằng mọi bổn phận rốt cuộc đều là bổn phận đối với Thượng đế; nhưng nếu không thể nói gì hơn được nữa, thì người ta sẽ đồng thời nói rằng đúng ra thì tôi chẳng có bổn phận gì đối với Thượng đế cả. Bổn phận trở nên bổn phận bằng cách được quy chiếu đến Thượng đế, nhưng trong chính tự thân bổn phận ta lại không đi vào trong một mối liên hệ nào với Thượng đế. Yêu người lân cận của mình, chẳng hạn, là một bổn phận2. Nó là một bổn phận bằng cách được quy chiếu đến Thượng đế, nhưng trong cái bổn phận này, tôi lại không đi vào trong một mối liên hệ nào với Thượng đế mà với người lân cận của mình, kẻ tôi yêu mến. Nếu trong mối quan hệ này tôi nói rằng vậy bổn phận của tôi là yêu mến Thượng đế, thì điều tôi nói ra chỉ đơn thuần là một sự lặp lại thừa thãi, chừng nào mà “Thượng đế” trong ví dụ này còn được hiểu theo một nghĩa hoàn toàn trừu tượng như là cái thần thánh, tức là cái phổ quát, tức là cái bổn phận. Trong trường hợp này, toàn bộ cuộc sống nhân loại tự nó vo tròn lại trong chính nó giống như một quả cầu hoàn hảo, và luân lý ngay lập tức là cái giới hạn và cũng là cái chứa đựng của nó. Thượng đế trở nên một điểm triệt tiêu vô hình, một ý nghĩ vô năng, quyền lực của Ngài chỉ nằm trong luân lý vốn chứa đựng toàn bộ cuộc sống. Chừng nào còn có kẻ muốn yêu mến Thượng đế theo một nghĩa nào đó khác với cái nghĩa đã đề cập ở trên, thì chừng đó hắn vẫn chỉ đơn thuần là một tay mơ mộng hão huyền, hắn yêu một bóng ma mà, nếu như chỉ có mỗi quyền năng được nói, nó sẽ nói với hắn rằng, “Ta chẳng đòi hỏi tình yêu của ngươi. Hãy ở lại cái nơi mà ngươi vốn thuộc về”. Chừng nào còn có người muốn yêu Thượng đế theo cách khác, thì chừng đó tình yêu này còn đáng ngờ giống như thứ tình yêu mà Rousseau3 đề cập đến khi ông nói về một kẻ yêu mến bộ tộc Kaffir chứ không phải yêu mến láng giềng của họ.
Vậy thì nếu tất cả điều này là đúng, nếu không có gì không tương xứng trong đời sống con người, ngoại trừ cái không tương xứng chỉ hiện diện ở đó một cách ngẫu nhiên mà chẳng có gì xảy ra tiếp theo trong phạm vi cuộc sống được xem xét trên bình diện ý niệm, thì Hegel đã đúng. Nhưng ông không đúng khi nói về đức tin và khi cho phép Abraham được coi là tổ phụ của đức tin; bởi vì bằng cái sau ông đã đưa ra lời phán quyết lên cả Abraham lẫn đức tin. Trong triết học Hegel das Aussere (die Entäusserung) [cái bên ngoài (sự ngoại hiện)] đứng cao hơn das Innere [cái bên trong]. Điều này thường được minh họa bằng một ví dụ. Đứa trẻ con là das Innere [cái bên trong], người lớn là das Äussere [cái bên ngoài]. Vậy nên chính đứa trẻ được xác định bởi cái bên ngoài, và ngược lại, người lớn, giống như das Äussere [cái bên ngoài], được xác định bằng cái bên trong. Đức tin, ngược lại, là cái nghịch lý rằng cái bên trong đứng cao hơn cái bên ngoài - hoặc, để nhắc lại một lối diễn đạt đã dùng ở trên, số lẻ đứng cao hơn cả số chẵn.
Do đó, theo quan điểm luân lý về cuộc sống, bổn phận của cá thể là tước đi cái đặc tính bên trong của chính mình và thể hiện nó ra bên ngoài. Mỗi khi hắn chần chừ làm việc này, mỗi khi hắn có thiên hướng nán lại hoặc trượt trở lại vào trong cái đặc tính bên trong của cảm xúc, tâm trạng… thì hắn đã phạm tội, hắn đã ở trong tình trạng chịu thử thách cám dỗ rồi. Cái nghịch lý của đức tin là như thế này, rằng có một cái bên trong vốn không cân xứng với cái bên ngoài, một cái bên trong vốn, xin lưu ý điều này, không giống với cái bên trong ban đầu mà là một cái bên trong mới. Điều này không được phép bỏ qua. Triết học hiện đại4 ngang nhiên tự cho mình cái quyền được thay thế “đức tin” bằng cái trực tiếp5. Khi người ta làm như thế thì thật lố bịch khi chối bỏ rằng đức tin tồn tại ở mọi thời đại. Theo cách đó đức tin trở thành người bạn đồng hành tầm thường của cảm xúc, tâm trạng, phong thái, vapeurs [thói bốc đồng]… Trong trường hợp này triết học có lẽ đúng khi nói rằng người ta không nên dừng ở đó. Nhưng không gì có thể biện minh cho triết học trong việc sử dụng cách nói đó. Có trước đức tin là một hành động vô hạn, và chỉ khi đó, đức tin mới bắt đầu xuất hiện, necopinate [bất ngờ], nhờ sự phi lý. Điều này tôi có thể hiểu rõ mà không cần vì thế tuyên xưng rằng bởi vì tôi có đức tin. Nếu đức tin chẳng là gì khác ngoài cái mà triết học vốn ấn định nó, thì ngay cả Socrates6 cũng đã vượt xa hơn, xa hơn rất nhiều, trong khi đúng ra lại là ngược lại, rằng ông còn chưa đạt tới mức đó. Trên bình diện tri thức, ông thực hiện một hành động vô hạn. Sự vô tri của ông là sự từ bỏ vô hạn. Nghĩa vụ này chỉ riêng nó thôi cũng đã tương xứng với sức mạnh của con người, mặc dầu con người trong thời đại của chúng ta khinh thường nó; nhưng chỉ khi nào nó được thực hiện, chỉ khi nào cá thể thoát ra khỏi chính mình trong cái vô hạn, thì chỉ khi đó thì người ta mới tới được chỗ mà ở đó đức tin khởi đầu.
Vậy thì cái nghịch lý của đức tin là như thế này, rằng cái cá thể đứng cao hơn cái phổ quát, rằng cái cá thể (để gợi nhắc đến một sự khác biệt về mặt thần học mà ngày nay ít ai nhắc đến) xác định mối liên hệ của nó với cái phổ quát bằng mối liên hệ của nó với cái tuyệt đối, chứ không phải xác định mối liên hệ của nó với cái tuyệt đối bằng mối liên hệ của nó với cái phổ quát. Nghịch lý này cũng có thể biểu đạt bằng cách nói rằng có một bổn phận tuyệt đối với Thượng đế; bởi trong sự ràng buộc như thế này của bổn phận cái cá thể tự liên hệ chính mình với tư cách là cái cá thể một cách tuyệt đối với cái tuyệt đối. Trong mối liên hệ này, khi nói rằng yêu kính Thượng đế là một bổn phận thì có nghĩa là có một cái gì đó khác với cái đã được đề cập ở trên; bởi nếu bổn phận này là tuyệt đối thì luân lý sẽ bị hạ xuống vị trí tương đối. Tuy vậy, hệ quả từ đó không phải là cái điều rằng luân lý sẽ bị xóa bỏ; mà đúng hơn nó sẽ nhận được một lối biểu đạt hoàn toàn khác, một lối biểu đạt mang tính nghịch lý, rằng yêu kính Thượng đế, chẳng hạn, có thể khiến người hiệp sĩ đức tin dành tình yêu của mình cho người hàng xóm, một lối biểu đạt đối nghịch lại với cái vốn là, xét về luân lý mà nói, bổn phận của hắn.
Nếu điều này không đúng, thì đức tin chẳng có chỗ trong cuộc sống; và đức tin vì thế là một thử thách cám dỗ, và Abraham là kẻ bị hư mất, bởi ông đã nhượng bộ nó.
Cái nghịch lý này không thể nào trung giới được, bởi nó dựa trên chính cái điều rằng cá thể chỉ là cá thể. Ngay khi mà cá thể này mong muốn thể hiện bổn phận tuyệt đối của mình trong cái phổ quát, để trở nên ý thức được bổn phận này trong đó, thì hắn nhận ra rằng mình đang nằm trong một thử thách cám dỗ và, khi đó, dù cho có kháng cự chống lại nó, hắn cũng chẳng bao giờ đi tới chỗ hoàn thiện cái gọi là bổn phận tuyệt đối, và nếu hắn chẳng kháng cự chống lại nó, thì hắn sẽ phạm tội, mặc dầu hành động của hắn realiter [trên thực tế] hóa ra lại chính là cái vốn là bổn phận tuyệt đối của hắn. Vậy thì Abraham có thể làm được gì đây? Nếu ông nói với người khác, “Tôi yêu Isaac hơn tất cả mọi thứ trên thế giới này, và do đó thật khó khăn cho tôi khi phải hiến tế nó”; thì hẳn kẻ đó sẽ lắc đầu và nói, “Vậy thì tại sao ông lại hiến tế nó?” - hoặc nếu kẻ đó là một tay quỷ quyệt thì y hẳn là sẽ nhìn thấu Abraham và cho rằng ông đang diễn trò nước mắt cá sấu mà nó rõ rành rành mâu thuẫn với hành động của ông.
Trong câu chuyện của Abraham, chúng ta tìm thấy một nghịch lý như vậy. Quan hệ của ông với Isaac, diễn đạt theo kiểu luân lý, là như thế này, rằng người cha phải yêu thương đứa con. Mối quan hệ mang tính luân lý này bị hạ xuống một vị trí tương đối đối lập với mối quan hệ tuyệt đối với Thượng đế. Với câu hỏi “Tại sao?”, Abraham không có câu trả lời nào khác ngoài cái điều rằng đây là một thử thách, một cám dỗ, mà nó, như đã nói ở trên, biểu đạt sự hợp nhất của hai mục đích: rằng việc đó là vì Chúa và vì chính ông. Hai yếu tố này cũng tương quan với nhau theo cách sử dụng ngôn ngữ thông thường. Do đó khi ta thấy một người làm cái gì đó không tương hợp với cái phổ quát, thì ta nói rằng làm gì có chuyện hắn làm điều đó vì Chúa, và qua đó ta ngụ ý rằng hắn làm việc đó vì chính bản thân hắn. Nghịch lý của đức tin đã đánh mất cái yếu tố trung gian, ấy là cái phổ quát. Một mặt nó chứa đựng sự biểu đạt của chủ nghĩa vị kỷ cực đoan (làm một việc kinh khủng vì chính bản thân mình); mặt khác nó lại chứa đựng sự biểu đạt của sự hiến thân tuyệt đối nhất (làm việc đó vì Chúa). Đức tin tự thân nó không thể trung giới vào trong cái phổ quát, bởi khi đó nó sẽ bị loại bỏ. Đức tin chính là cái nghịch lý này, và cá thể hoàn toàn không thể khiến cho chính bản thân mình trở nên dễ hiểu với bất kỳ người nào khác. Người ta khá có thể cho rằng cá thể có thể khiến cho chính bản thân mình trở nên dễ hiểu với một cá thể khác trong cùng một hoàn cảnh. Một quan điểm như vậy hẳn sẽ là không thể tưởng tượng nổi nếu trong thời đại của chúng ta người ta không cố tìm mọi cách để lẻn vào bên trong sự vĩ đại. Một người hiệp sĩ đức tin hoàn toàn có thể không đưa ra bất kỳ sự trợ giúp nào cho một hiệp sĩ khác. Hoặc cá thể trở thành hiệp sĩ đức tin bằng cách chấp nhận cái nghịch lý ấy, hoặc hắn chẳng bao giờ trở thành hiệp sĩ đức tin. Trong những lĩnh vực này việc hợp tác là hoàn toàn bất khả thi. Nếu có bất kỳ lời giải thích rõ ràng về việc hiến tế Isaac, thì lời giải thích ấy cá thể cũng chỉ có thể đưa ra cho chính mình mà thôi. Và thậm chí ngay cả khi người ta có thể xác định được, thậm chí với một sự chính xác nào đó, nói theo ngôn ngữ phổ quát, về việc làm thế nào để hiểu được việc hiến tế Isaac (việc xếp cái cá thể cá biệt, kẻ hoàn toàn đứng ngoài cái phổ quát, dưới những phạm trù phổ quát trong khi hắn phải hành động chính với tư cách là cái cá thể đứng bên ngoài cái phổ quát, trong bất cứ trường hợp nào, cũng là sự tự mâu thuẫn phi lý nhất) thì cái cá thể cũng sẽ chẳng bao giờ có thể đoan chắc được điều này thông qua người khác mà chỉ có thể đoan chắc được nó nhờ chính mình với tư cách là cái cá thể. Do đó ngay cả nếu một người hèn nhát và ti tiện đến độ muốn trở thành hiệp sĩ đức tin bằng trách nhiệm của kẻ khác, hắn sẽ chẳng bao giờ trở thành một hiệp sĩ đức tin được; bởi chỉ cái cá thể cá biệt mới có thể trở nên một hiệp sĩ đức tin, với tư cách là cái cá biệt, mà thôi, và đấy chính là sự vĩ đại của cái cá thể cá biệt ấy, điều này thì tôi có thể hiểu rất rõ mà không cần phải đạt đến tầm mức vĩ đại ấy vì tôi thiếu dũng khí; nhưng đây cũng chính là nỗi khiếp đảm của cái cá thể cá biệt ấy, điều này thì thậm chí tôi còn có thể hiểu rõ hơn nữa kia.
Trong sách Phúc âm Luke 14:26, như tất cả đều biết, có một lời giảng đáng chú ý nói về bổn phận tuyệt đối với Thượng đế: “Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn đồ ta”. Đây là một câu nói khó nuốt, kẻ nào có thể chịu nghe nó đây7? Vì lý do này mà nó rất hiếm khi được nghe. Nhưng sự im lặng này chỉ là một cuộc xâm lăng vô ích. Sinh viên thần học, mặc dù vậy, học để biết rằng những lời này xuất hiện trong Kinh Thánh Tân ước, và nhờ một vài nguồn trợ giúp bình giảng nào đó8 hắn tìm thấy lời giải thích rằng μισειν [ghét bỏ] trong đoạn đó và một vài thứ khác được sử dụng theo nghĩa per μειωσειν [giảm nhẹ hơn] có nghĩa là minus diligo[ít yêu hơn], posthabeo [ít quý mến hơn], non cob [ít kính trọng hơn], nihili facio [chẳng coi ra gì]. Tuy vậy, ngữ cảnh mà ở đó những lời này xuất hiện có vẻ không làm chứng thực cho lời giải thích trang nhã đó. Trong đoạn văn tiếp ngay sau đó có câu chuyện về một kẻ muốn xây một tòa tháp nhưng lại ngồi tính trước phí tổn xem có đủ của để làm việc đó không, vì e rằng nếu không làm được thì mọi người sẽ chê cười hắn. Mối liên hệ khăng khít giữa câu chuyện này và đoạn trích ở trên có vẻ như chính là để cho thấy rằng lời nói cần phải được tiếp nhận theo nghĩa càng kinh khủng thì càng tốt, để mỗi người có thể tự xem xét rằng liệu mình có thể xây được cái tháp đó không.
Nếu kẻ bình giải ngoan đạo và tử tế ấy, vốn tin rằng mình có thể chuyển lậu Cơ Đốc giáo vào thế giới bằng cách mặc cả như vậy, thành công trong việc thuyết phục một người rằng xét về mặt ngữ pháp, xét về mặt ngôn ngữ học, và κατ’αναλογιαν [xét về mặt tương đồng] thì đấy chính là ý nghĩa của đoạn đó, thì hy vọng rằng hắn cũng sẽ thành công trong việc thuyết phục vẫn chính người kia rằng Cơ Đốc giáo là một trong những thứ thảm hại nhất trên thế giới này. Bởi lời giáo huấn trong một trong những cơn bột phát đầy mê hoặc nhất của nó, nơi mà ý thức về giá trị vĩnh hằng của nó dâng cao mạnh mẽ nhất, cũng chẳng có gì khác để nói ngoài một lời ồn ào chẳng có ý nghĩa gì ngoài việc cho thấy rằng người ta sẽ kém tử tế hơn, kém ân cần hơn và thờ ơ nhiều hơn; lời giáo huấn mà vào thời điểm nó làm như thể sẽ nói ra một cái gì đó kinh khủng, nhưng lại chỉ kết thúc bằng sự ngớ ngẩn hơn là kinh hãi - lời giáo huấn đó đương nhiên chẳng đáng để tôi phải đứng dậy9.
Lời ấy thật kinh khủng, song tôi hoàn toàn tin rằng có thể hiểu được mà không cần thiết phải gán cho nó cái ngụ ý rằng kẻ nào hiểu nó sẽ có đủ dũng khí để làm theo cái mà hắn hiểu. Tuy nhiên, người ta cần phải đủ trung thực để thừa nhận cái mà nó nói đến và thừa nhận rằng nó thực sự vĩ đại, mặc dù người ta chẳng có dũng khí để thực hiện nó. Kẻ nào hành xử như thế sẽ không phải tách mình ra khỏi vai trò tham gia trong câu chuyện tuyệt đẹp này, bởi theo một cách nào đó, nó chứa đựng sự an ủi dành cho kẻ không có đủ dũng khí để khởi sự xây cái tòa tháp. Nhưng hắn cần phải trung thực, và không được diễn giải sự thiếu dũng khí này như một điều hèn hạ, bởi ngược lại nó là lòng kiêu hãnh, trong khi dũng khí của đức tin là cái dũng khí khiêm tốn duy nhất.
Dễ thấy rằng nếu đoạn này có một ý nghĩa nào đó, thì nó phải được hiểu theo nghĩa đen. Chính Thượng đế mới là đấng đòi hỏi tình yêu tuyệt đối. Kẻ nào khi đòi hỏi tình yêu của một người cho rằng tình yêu ấy cũng cần được chứng tỏ bằng việc người kia phải trở nên lãnh đạm với tất cả những thứ cho đến nay vẫn thân thiết người đó - thì kẻ ấy không chỉ là kẻ vị kỷ mà còn ngu xuẩn nữa, và kẻ nào yêu cầu một tình yêu như thế thì cũng đã đồng thời ký vào lệnh hành hình chính bản thân mình chừng nào mà cuộc đời hắn còn được bao bọc bởi cái tình yêu đầy khao khát ấy. Chẳng hạn, một người chồng yêu cầu vợ mình phải lìa xa cha mẹ10, nhưng nếu hắn định coi đó là một bằng chứng cho tình yêu phi thường của cô nàng với hắn, rằng cô nàng vì hắn mà trở nên một đứa con gái lãnh đạm, thờ ơ v.v… thì hắn là kẻ ngu xuẩn nhất trong những kẻ ngu xuẩn. Nếu hắn có một ý niệm nào về tình yêu, thì hắn hẳn sẽ mong muốn phát hiện ra rằng với tư cách một người con gái và một người chị em gái, cô ấy đều thực hiện hoàn hảo bổn phận yêu thương và sẽ nhìn thấy trong đó cái bằng chứng chắc chắn rằng cô sẽ yêu hắn hơn tất cả mọi người khác trong vương quốc này. Vậy nên cái được coi là dấu hiệu của sự vị kỷ và ngu xuẩn ở một con người có thể nhờ sự trợ giúp của một nhà bình giải mà lại được người ta coi là một sự biểu đạt đáng kính về Thượng đế.
Nhưng làm thế nào để ghét họ?11 Ở đây tôi sẽ không bàn đến sự khác biệt về mặt nhân tính giữa yêu và ghét - không phải vì tôi có gì phản đối nó, bởi ít nhất thì nó cũng là một sự khác biệt đầy đam mê, mà là vì nó mang tính vị kỷ và không phù hợp ở đây. Tuy thế, nếu tôi coi nhiệm vụ ấy là một nghịch lý thì tôi lại hiểu nó, tức là, tôi hiểu nó theo cách mà người ta hiểu một nghịch lý. Bổn phận tuyệt đối có thể khiến người ta làm điều mà luân lý ngăn cấm, nhưng không cách nào có thể khiến người hiệp sĩ đức tin ngừng yêu. Điều này được Abraham thể hiện rất rõ. Vào cái thời khắc mà ông sẵn sàng hiến tế Isaac, sự biểu đạt luân lý cho việc ông đang làm là thế này: ông ghét Isaac. Nhưng nếu ông thực sự ghét Isaac thì ông có thể chắc chắn rằng Thiên Chúa đã chẳng đòi hỏi ông làm việc này, bởi Cain12 và Abraham đâu có giống nhau. Isaac đứa trẻ mà ông hẳn phải yêu dấu với toàn bộ linh hồn mình; khi Thiên Chúa đòi hỏi Isaac thì ông hẳn phải yêu nó nếu có thể thậm chí còn yêu nó hơn nữa, và chỉ khi đó ông mới có thể hiến tế nó; bởi chính tình yêu dành cho Isaac, vốn nằm đối lập một cách nghịch lý với tình yêu của ông dành cho Thiên Chúa, khiến cho hành động của ông trở nên một sự hiến tế. Nhưng nỗi thống khổ và niềm kinh hãi trong cái nghịch lý này chính là, xét về mặt nhân tính mà nói, ông hoàn toàn không thể khiến bản thân mình trở nên có thể hiểu được. Chỉ đúng vào thời điểm khi hành động của ông nằm trong sự đối lập tuyệt đối với cảm xúc của ông thì chỉ khi đó hành động của ông mới thực sự là một sự hiến tế, nhưng hiện thực hành động của ông chính là thứ mà nhờ nó ông thuộc về cái phổ quát, và xét trên bình diện đó ông là và vẫn sẽ mãi là kẻ giết người.
Hơn thế, đoạn trong sách Luca cần phải được hiểu theo cách mà người ta nhận thức rằng người hiệp sĩ đức tin chẳng có được bất kỳ sự biểu đạt nào cao hơn cái phổ quát (cũng như luân lý) mà ở đó hắn có thể cứu vớt được chính bản thân mình. Do đó, chẳng hạn, nếu chúng ta giả sử rằng Nhà thờ yêu cầu một sự hiện tế như vậy từ một trong các thành viên của nó, thì chúng ta sẽ chỉ có trong trường hợp này một người anh hùng bi kịch mà thôi. Bởi ý niệm về Nhà thờ không khác biệt mấy về mặt định lượng so với ý niệm về Nhà nước. Chừng nào mà cá thể còn có thể đi vào trong nó bằng một sự trung giới giản đơn và chừng nào mà cá thể còn hiện diện ở trong cái nghịch lý thì chừng đó hắn vẫn còn chưa thể vươn tới cái ý niệm về Nhà thờ; hắn không thể thoát ra khỏi cái nghịch lý, mà phải tìm trong nó hoặc phúc lành của hắn hoặc sự diệt vong của hắn. Một anh hùng giáo hội như vậy biểu đạt cái phổ quát trong hành động của mình, và sẽ không ai trong Nhà thờ - thậm chí cả cha mẹ hắn v.v… - không hiểu được hắn. Nhưng hắn chẳng phải là một hiệp sĩ đức tin, và hắn cũng có câu trả lời khác với câu trả lời của Abraham: hắn không nói rằng đây là một thử thách hay một thử thách cám dỗ mà hắn đang phải trải qua.
Người ta thường cố tránh việc trích lại những đoạn văn như đoạn trong sách Luke. Họ e ngại việc để mọi người tự do không ràng buộc gì, sợ rằng điều xấu xa nhất có thể xảy ra ngay khi cái cá thể cảm thấy thích hành xử với tư cách là cái cá thể. Hơn nữa, người ta nghĩ rằng tồn tại với tư cách là cái cá thể là điều dễ nhất trên đời, và vì thế người ta bắt buộc phải trở nên cái phổ quát. Tôi không thể chia sẻ cả nỗi sợ ấy lẫn quan điểm ấy, đều cùng với một lý do. Kẻ nào học được rằng để tồn tại với tư cách là cái cá thể là một thứ kinh khủng nhất trong hết thảy mọi thứ thì kẻ đó sẽ không sợ hãi mà nói rằng nó là thứ vĩ đại nhất trong hết thảy mọi thứ, nhưng rồi hắn cũng sẽ nói điều đó theo cách mà lời của hắn sẽ chắc chắn không phải là một cạm bẫy cho kẻ nào đang hoang mang, mà sẽ giúp hắn hiện hữu trong cái phổ quát, mặc dầu lời của hắn tạo rất ít cơ hội cho sự vĩ đại. Người nào không dám nhắc đến những đoạn văn như thế cũng sẽ không dám đề cập đến Abraham, và việc nghĩ rằng thật dễ dàng tồn tại với tư cách là cái cá thể ngụ ý một sự thừa nhận gián tiếp rất đáng ngờ với chính hắn; bởi kẻ nào thực sự có lòng tự trọng và quan tâm đến linh hồn của mình thì kẻ đó sẽ tin chắc rằng bất cứ ai sống dưới sự kiểm soát của chính mình trong thế giới rộng lớn này cũng sẽ sống nghiêm ngặt và ẩn dật hơn cả một trinh nữ chốn khuê phòng. Đúng là có thể có ai đó cần đến sự cưỡng bách, những người này, nếu để cho rảnh chân, sẽ ăn chơi sa đọa trong khoái cảm vị kỷ như loài súc vật phóng túng; nhưng một người cần phải chứng tỏ một cách chân xác rằng hắn không thuộc về số những kẻ kia bằng cái sự rằng hắn biết cách nói về nó với lòng kính sợ và run rẩy; và vì lòng tôn kính với sự vĩ đại người ta nên nói ra để nó không bị lãng quên do nỗi e sợ gây ra sự tổn hại, sự tổn hại này vốn sẽ chẳng thể nào xuất hiện nếu nó được nói ra bằng sự thấu hiểu rằng nó thực sự vĩ đại và bằng sự thấu hiểu về nỗi kinh hoàng của nó, kẻ nào không biết về nỗi kinh hoàng này thì cũng sẽ chẳng biết gì về sự vĩ đại cả.
Chúng ta hãy xem xét kỹ lưỡng hơn một chút về nỗi thống khổ và niềm kinh hãi trong cái nghịch lý của đức tin. Người anh hùng bi kịch từ bỏ chính mình để biểu đạt cái phổ quát, người hiệp sĩ đức tin từ bỏ cái phổ quát để trở nên cái cá biệt. Như đã nói ở trên, mọi thứ tùy thuộc vào việc nó được đặt vào vị trí nào. Kẻ nào tin rằng để là cái cá thể là điều khá dễ dàng thì trong bất kỳ trường hợp nào cũng đều có thể chắc chắn rằng hắn không phải là hiệp sĩ đức tin, bởi những kẻ lêu lổng và những thiên tài lang bạt không phải là người của đức tin. Người hiệp sĩ đức tin, trái lại, biết rằng thật là vinh hiển khi thuộc về cái phổ quát. Hắn biết rằng thật là đẹp đẽ và tốt lành khi trở nên cái cá thể có khả năng chuyển hóa chính bản thân mình vào trong cái phổ quát, cái cá thể vốn, nói một cách hình tượng, đích thân tạo ra một ấn bản sáng sủa và lịch lãm của chính mình, ít khiếm khuyết hết mức có thể và mọi người đều có thể đọc được nó. Hắn biết rằng thật dễ chịu khi trở nên có thể hiểu được với chính mình trong cái phổ quát theo cách mà từ đó hắn hiểu được cái phổ quát và bất cứ cá thể nào hiểu được hắn thì sẽ hiểu được cái phổ quát thông qua hắn, và cả hai cùng hân hoan trong sự yên ổn của cái phổ quát. Hắn biết rằng thật là tuyệt vời khi được sinh ra là cái cá thể có chốn quê nhà ở cái phổ quát, chốn nương náu thân thương của hắn, mỗi khi hắn muốn lưu lại ở đây thì nó ngay lập tức sẵn sàng dang rộng vòng tay chào đón. Nhưng hắn cũng biết rằng cao hơn cái đó là một con đường quanh co cô độc, hẹp và dốc; hắn biết rằng thật là kinh khủng khi được sinh ra đơn độc ở bên ngoài cái phổ quát, khi bước đi mà không gặp bất kỳ kẻ lữ hành nào. Hắn biết rất rõ mình đang ở đâu và mình liên hệ với mọi người như thế nào. Nói theo ngôn ngữ của nhân gian, hắn là kẻ điên khùng và không thể khiến cho chính mình trở nên có thể hiểu được với bất kỳ ai. Thế nhưng “điên khùng” là một lối diễn đạt nhẹ nhàng nhất dành cho hắn. Nếu hắn không được nhìn nhận như thế, thì hắn là một kẻ đạo đức giả, và càng leo cao trên con đường đó, hắn càng trở nên một kẻ đạo đức giả kinh khủng.
Người hiệp sĩ đức tin biết rằng thật hứng khởi khi từ bỏ chính mình cho cái phổ quát, và rằng cần phải có lòng quả cảm để làm việc đó, nhưng hắn cũng biết rằng sự yên ổn có ở trong đó, chính bởi vì đó là một sự từ bỏ dành cho cái phổ quát. Hắn biết rằng thật vinh hiển khi được mọi trí tuệ cao quý thấu hiểu và cũng tương tự như vậy, ngay cả kẻ chiêm ngưỡng cũng nhờ thế mà trở nên cao quý. Điều này hắn biết và hắn cảm thấy như thể bị ràng buộc; hắn ao ước giá như cái bổn phận đó được dành cho hắn. Vậy nên Abraham chắc hẳn thỉnh thoảng ao ước rằng giá như bổn phận ấy là việc phải yêu quý Isaac, giống như điều mà một người cha sẽ làm và nên làm, bổn phận ấy có thể hiểu được với tất cả mọi người, có thể được ghi nhớ mãi mãi cùng với thời gian; ông chắc hẳn đã ao ước rằng bổn phận ấy là hiến tế Isaac cho cái phổ quát, rằng ông có thể xui khiến những người cha hướng tới những kỳ công lẫy lừng - và ông hầu như kinh hoàng bởi cái ý nghĩ rằng với ông những mong ước như vậy chỉ là những thử thách cám dỗ và phải được coi là như thế, bởi ông biết rằng ấy là một con đường đơn độc mà ông bước đi và rằng ông chẳng đạt được gì cho cái phổ quát hết mà chỉ là chính ông đang chịu thử thách và đang chịu thử thách cám dỗ mà thôi. Vậy trước kia Abraham đã đạt được gì cho cái phổ quát? Hãy để tôi nói theo ngôn ngữ của nhân gian về vấn đề này, hết sức nhân gian. Ông đã mất bảy mươi năm để có được đứa con trai ở tuổi già. Cái mà những người đàn ông khác có được một cách chóng vánh và vui hưởng nó trong một thời gian dài thì ông phải mất đến tận bảy mươi năm mới có được. Và tại làm sao? Tại vì ông đang chịu thử thách và đang chịu thử thách cám dỗ. Điều đó há chẳng phải điên rồ sao? Nhưng Abraham có đức tin, còn Sarah thì đã dao động rồi và đã cho ông lấy Hagar làm tì thiếp - nhưng vì thế mà ông cũng phải đuổi nàng ấy đi. Ông có được Isaac, rồi thì ông lại phải chịu thử thách cám dỗ một lần nữa. Ông biết rằng thật là vinh hiển khi biểu đạt cái phổ quát, thật là vinh hiển khi được sống cùng Isaac. Nhưng đó không phải là bổn phận ấy. Ông biết rằng thật là vương giả khi hiến tế một đứa con trai như vậy cho cái phổ quát, chính ông sẽ tìm thấy sự yên nghỉ trong đó, và tất cả mọi người sẽ yên nghỉ trong sự đồng tình trước hành động của ông, như một nguyên âm yên nghỉ trong phụ âm của nó13, nhưng đó không phải là bổn phận ấy - ông đang được thử thách. Vị tướng quân La Mã nổi tiếng với cái tên Kẻ Trì Hoãn14 ngăn cản quân thù bằng kế hoãn binh - nhưng so với vị tướng kia thì Abraham quả là một người cực kỳ hay trì hoãn! - chỉ có điều ông không cứu giúp gì cho đất nước cả. Đây là toàn bộ những cái chứa đựng trong một trăm ba mươi năm. Kẻ nào có thể chịu được nó đây? Chẳng lẽ những người cùng thời với ông, nếu có thể gọi họ như vậy, lại chẳng không nói về ông như thế này, “Abraham đang trì hoãn vĩnh viễn; khi rốt cuộc ông cũng có được một đứa con trai - chuyện này kéo dài rất lâu - thì ông lại muốn hiến tế nó. Vậy thì ông có bị thần kinh không? Và chí ít ra thì ông cũng phải giải thích tại sao ông lại muốn làm việc ấy - nhưng đằng này thì ông lại cứ khăng khăng nói rằng đây là một thử thách”. Abraham cũng chẳng thể giải thích nhiều hơn được, bởi cuộc đời ông tựa như một cuốn sách nằm trong tay thần thánh và sẽ chẳng bao giờ trở thành publici juris [tài sản công].
Đây chính là cái thật sự kinh khủng. Kẻ nào không nhìn ra điều ấy thì bất luận thế nào cũng có thể chắc chắn rằng hắn không phải là hiệp sĩ đức tin, nhưng kẻ nào nhìn ra ắt sẽ không chối bỏ rằng ngay cả kẻ được thử thách nhất trong số những người anh hùng bi kịch cũng vẫn nhảy nhót bước đi tung tăng, trong khi người hiệp sĩ đức tin thì lại đang chậm chạp bò về phía trước. Và nếu hắn nhận thức được điều này và nhận ra rằng mình không có đủ dũng khí để hiểu nó, thì hắn chí ít cũng cảm nhận được niềm vinh quang phi thường mà người hiệp sĩ này giành được khi trở thành người thân thiết của Thiên Chúa, khi trở thành bằng hữu của Thượng đế15, và - nói theo ngôn ngữ của nhân gian - khi hắn gọi Thiên Chúa ở trên trời bằng “Đằng ấy”16, trong khi ngay cả người anh hùng bi kịch cũng chỉ gọi Ngài bằng ngôi số ba.
Người anh hùng bi kịch sẽ nhanh chóng kết thúc và cuộc chiến của hắn cũng sắp đến hồi tàn; hắn thực hiện hành động vô hạn và giờ đây được hưởng yên bình trong cái phổ quát. Người hiệp sĩ đức tin, trái lại, luôn luôn trong tình trạng thức tỉnh, bởi hắn thường xuyên được thử thách, và tại mọi thời điểm hắn đều có cơ hội ăn năn mà trở về với cái phổ quát, và cơ hội này cũng có thể là một thử thách cám dỗ giống như chân lý vậy. Hắn chẳng tìm thấy một sự khai sáng nào về điều ấy từ bất kỳ người nào, bởi nếu có thì hắn đã ở bên ngoài cái nghịch lý rồi.
Vậy nên, đầu tiên và trước hết, người hiệp sĩ đức tin có được niềm đam mê cần thiết để quy tập toàn bộ cái luân lý mà hắn vi phạm vào trong một cái đơn nhất, để có thể tự xác quyết với bản thân rằng hắn thực sự yêu quý Isaac bằng toàn bộ linh hồn mình17. Nếu không thể thực hiện điều đó thì hắn sẽ phải chịu thử thách cám dỗ. Tiếp đó, hắn có đủ niềm đam mê để tạo ra toàn bộ sự xác quyết này ngay lập tức và vì thế khiến cho nó hoàn toàn có hiệu lực ngay từ khoảnh khắc đầu tiên. Nếu không thể làm điều đó, hắn sẽ chẳng bao giờ khởi sự được, bởi hắn liên tục phải bắt đầu lại từ đầu. Người anh hùng bi kịch cũng phải quy tập thứ luân lý mà hắn đã vượt qua một cách có tính chất mục đích luận thành một cái đơn nhất, nhưng trong trường hợp này hắn có được nơi trú ngụ trong cái phổ quát. Người hiệp sĩ đức tin thi chỉ có mỗi một mình, và nỗi kinh hoàng là ở chỗ đó. Phần lớn mọi người sống với một bổn phận luân lý mà nhờ đó họ có thể để cho nỗi ưu phiền ngày nào đủ cho ngày đó18, nhưng họ không bao giờ đạt tới cái sự tập trung say mê ấy, cái ý thức mãnh liệt ấy. Cái phổ quát trên một bình diện nào đó giúp cho người anh hùng bi kịch đạt được điều này, nhưng người hiệp sĩ đức tin thì chỉ đơn độc một mình trong mọi chuyện. Người anh hùng thực hiện kỳ công và tìm thấy sự yên nghỉ trong cái phổ quát, người hiệp sĩ đức tin thì luôn sống trong căng thẳng. Agamemnon từ bỏ Iphigenia và nhờ đó tìm thấy bình yên trong cái phổ quát, rồi ông tiến hành hiến tế nàng. Nếu Agamemnon không thực hiện hành động ấy, nếu linh hồn ông vào đúng thời khắc quyết định, thay vì có sự tập trung say mê cao độ, lại bị hút vào trong cái câu chuyện nhảm nhí tầm thường rằng ông có mấy đứa con gái và vielleicht das Auserordentliche [có lẽ điều phi thường] có thể xảy ra - thì ông tất nhiên chẳng phải là anh hùng mà chỉ là một kẻ được hưởng trợ tế thôi19. Abraham cũng có sự tập trung của người anh hùng, dù rằng trong trường hợp của ông nó còn khó khăn hơn rất nhiều, bởi ông không hề có bất kỳ nơi trú ngụ nào trong cái phổ quát; nhưng ông thực hiện thêm một hành động nữa mà nhờ nó ông tập trung toàn bộ linh hồn mình vào điều thần diệu. Nếu Abraham chẳng làm như vậy, thì ông chỉ là một Agamemnon mà thôi, miễn là có thể giải thích được làm thế nào mà việc ông sẵn sàng hiến tế Isaac lại có thể biện minh được khi mà nó chẳng đem lại lợi lộc gì cho cái phổ quát cả.
Cái điều liệu rằng cá thể đang chịu thử thách cám dỗ hay cá thể đã là một hiệp sĩ đức tin rồi thì chỉ có cá thể mới có thể tự mình quyết định được mà thôi. Tuy nhiên có thể xây dựng từ cái nghịch lý này một vài tiêu chí nào đó mà ngay cả những người không ở trong cái nghịch lý ấy cũng có thể hiểu được. Người hiệp sĩ đức tin đích thực luôn bị cô lập tuyệt đối; còn người hiệp sĩ dởm lại là kẻ thích lôi bè kéo cánh. Khuynh hướng bè phái này là một nỗ lực nhảy ra khỏi con đường hẹp của cái nghịch lý và trở thành anh hùng bi kịch với cái giá rẻ mạt. Người anh hùng bi kịch biểu đạt cái phổ quát và hy sinh chính bản thân mình cho nó. Gã Punchinello20 bè phái kia, thay vì thế, có nhà hát riêng, tức là có vài người bạn tốt và dăm người đồng chí, những kẻ đại diện cho cái phổ quát cũng giống như những nhân chứng công khai trong vở Gulddaasen (Hộp thuốc lá vàng)21 đại diện cho sự công chính. Người hiệp sĩ đức tin, mặt khác, là cái nghịch lý; hắn là cái cá thể, tuyệt đối không là gì khác ngoài cái cá thể, mà không có bất kỳ mối quan hệ hay bất kỳ rắc rối nào. Đây là một thứ kinh khủng mà gã ma-nơ-canh bè phái kia không thể nào chịu được. Bởi thay vì học từ nỗi kinh sợ ấy cái điều rằng y không thể nào thực hiện được một kỳ công vĩ đại rồi thì thẳng thắn thừa nhận điều đó - một hành động mà tôi đương nhiên không thể làm gì khác hơn là ủng hộ, bởi đó chính là cái mà tôi đã làm - gã ma-nơ-canh nghĩ rằng bằng việc hợp nhất với một vài tay ma-nơ-canh khác hắn có thể làm được việc đó. Nhưng việc đó hoàn toàn không có tác dụng gì. Trong thế giới tinh thần không trò bịp nào được châm chước cả. Một tá thành viên bè phái kia nối vòng tay nhau, họ chẳng biết bất cứ cái gì về những thử thách tinh thần đơn độc đang đợi người hiệp sĩ đức tin và người hiệp sĩ ấy chẳng dám lảng tránh nó, chính vì sẽ còn kinh khủng hơn nếu hắn táo bạo dấn mình tiến tới. Đám thành viên bè phái này làm cho nhau điếc tai bằng những tiếng ồn ào và sự huyên náo, xóa đi nỗi lo sợ bằng những tiếng la hét, và cái đám loi choi những đứa đầy tinh thần thể dục ấy22 nghĩ rằng chúng đang đột chiếm cả trời xanh và đang đi trên cùng một con đường với người hiệp sĩ đức tin, kẻ trong sự cô độc của vũ trụ không nghe thấy bất kỳ tiếng người nào mà chỉ bước đi đơn độc với cái trách nhiệm kinh hoàng của mình.
Vế phần người hiệp sĩ đức tin, hắn bắt buộc phải dựa vào chính mình mà thôi; hắn cảm thấy nỗi đau khi không thể làm cho mình trở nên có thể hiểu được đối với người khác, nhưng hắn không hề khát khao phù phiếm muốn được chỉ bảo tha nhân. Nỗi đau đối với hắn chính là sự khẳng quyết; những khát khao phù phiếm hắn chẳng thèm biết tới, bởi đầu óc hắn quá nghiêm túc nên không thể nào biết đến những thứ như thế. Tay hiệp sĩ đức tin dởm dễ dàng phản lại chính mình bằng việc ngay lập tức thành thục cái việc mà hắn vừa mới được học hỏi; hắn chẳng hiểu một chút nào về chuyện này, chẳng hiểu cái điều rằng nếu một cá thể khác định đi trên cùng một con đường, hắn sẽ hoàn toàn trở nên giống như cá thể kia và không cần bất kỳ ai chỉ lối đưa đường, tuyệt nhiên không cần sự chỉ lối đưa đường nào từ một kẻ muốn cản trở. Tới đây thì đám này nhảy sang một bên, bọn chúng không chịu được sự đày đọa của kẻ không được thấu hiểu, mà thay vào đó bọn chúng dễ dàng chọn lấy những ngợi ca nơi trần thế cho sự thành thục của chúng. Người hiệp sĩ đức tin đích thực là kẻ chứng nhân chứ không bao giờ là kẻ chỉ giáo, và nằm bên trong đó là lòng nhân từ sâu sắc của hắn, mà nó đáng giá hơn rất nhiều so với sự quan tâm vặt vãnh đến hạnh phúc và khổ đau của người khác vốn được đề cao dưới cái mỹ danh là cảm thông, trong khi thực tế nó chẳng là gì ngoài sự phù phiếm. Kẻ nào chỉ muốn là chứng nhân ắt sẽ vì thế mà thừa nhận rằng chẳng ai, kể cả những kẻ thấp hèn nhất, cần sự cảm thông của người khác, hoặc chịu để cho người khác hạ thấp phẩm giá của mình hòng tự nâng giá trị của người ta lên. Nhưng bởi cái mà chính hắn giành được thì hắn cũng không giành được nó với cái giá rẻ mạt, cho nên hắn cũng chẳng bán nó đi với giá rẻ mạt; hắn không ti tiện đến mức nhận lấy sự ngợi ca của người đời và đổi lại dành cho họ sự khinh miệt không nói ra; hắn biết rằng cái gì thực sự vĩ đại thì cái đó là thứ mà tất cả mọi người đều được phép vươn tới một cách bình đẳng.
Vậy nên hoặc là có một thứ bổn phận tuyệt đối với Thượng đế, và nếu đúng là có một thứ như vậy thì nó chính là cái nghịch lý được mô tả ở đây, rằng cái cá thể với tư cách là cái cá biệt đứng cao hơn cái phổ quát và cái cá thể với tư cách là cái cá biệt nằm trong mối liên hệ tuyệt đối với cái tuyệt đối - hoặc là đức tin chẳng bao giờ tồn tại bởi nó vốn đã luôn tồn tại, hoặc là Abraham là kẻ bị hư mất, hoặc là người ta phải giải thích đoạn văn trong chương 14 sách Luke theo cách mà tay bình giải trang nhã kia đã làm, và giải thích những đoạn tương ứng và tương tự theo cùng một kiểu23.
1. Tham khảo Immanuel Kant, Nền tảng siêu hình của đạo đức. Trong tác phẩm này, Kant cho rằng bổn phận tuyệt đối với Thượng đế không được phép vượt quá đạo đức thuần lý, tức là có sự hợp nhất giữa ý chí của Thần thánh và ý chí thuần lý tự chủ của con người. Quan điểm này cũng có sự tương đồng nhất định so với quan điểm của những triết gia đương thời như Fichte, Schleiermacher, và Hegel. Bằng việc đặt ra câu hỏi này, Johannes de Silentio (tức Kierkegaard) đã đi ngược lại trào lưu triết học thịnh hành thời kỳ đó.↩︎
2. Đây là một trong những điều răn của Đức Chúa Jesus. Xem Kinh Thánh, sách Matthew 22:39. “Còn điều răn thứ hai cũng vậy, ‘Ngươi hãy yêu người lân cận như yêu chính mình’”. Chính vì đây là một trong những điều răn của Đức Chúa Jesus nên việc thực hiện điều răn này là một bổn phận được quy chiếu đến Thượng đế.↩︎
3. Theo chú giải của Sylvia Walsh, có lẽ ở đây Kierkegaard dẫn chiếu đến tác phẩm Emile hay Bàn về giáo dục của triết gia Jean-Jacques Rousseau (1712-1778). Tuy nhiên trong tác phẩm này Rousseau chỉ ra cái đối nghịch giữa tình yêu láng giềng với tình yêu của những bộ tộc Tartar, khu vực thuộc Mông Cổ và Thổ Nhĩ Kỳ thời Trung cổ, chứ không phải bộ tộc Kaffir, một bộ tộc người da đen ở châu Phi, như Kierkegaard đề cập.↩︎
4. Theo chú giải của Edna H. Hong và Howard V. Hong, nếu căn cứ vào Nhật ký của Kierkegaard thì có lẽ ông muốn ám chỉ tác phẩm Thần học của cảm giác của Schleiermacher và cả những nhà giáo điều theo trường phái Hegel. Theo một số biên tập viên Đan Mạch thì ở đây có thể liên quan đến cuốn Dogmatik của Marheineke.↩︎
5. Theo chú giải của Edna H. Hong và Howard V. Hong, trong một số ghi chép của mình Kierkegaard dẫn chiếu đến Schleiermacher và “những người theo trường phái Hegel”, họ coi đức tin như một “chất lỏng cần cho sự sống” hay “sinh quyển” để “hít vào trong sự thấu hiểu tinh thần”.↩︎
6. Socrates (sinh vào khoảng năm 470 - mất năm 399 TCN) là nhà triết học kinh điển người Hy Lạp. Ông được xem là một trong những người đặt nền móng cho triết học phương Tây.↩︎
7. Xem Kinh Thánh, sách John 6:60. “Có nhiều môn đồ nghe Ngài, thì nói rằng: Lời nầy thật khó; ai nghe được?”.↩︎
8. Nguồn tham khảo bình giải mà Kierkegaard nhắc đến ở đây là cuốn Lexicon manuele graeco-latinum in libros Novi Testamenti, của tác giả Carolo Gottilieb Bretschneider, 2nd edn., 1-11 (Leipzig: Barth, 1829), 11, tr. 87.↩︎
9. Ở một số nhà thờ, khi mà kinh Phúc âm được đọc thì tất cả mọi người cùng đứng dậy.↩︎
10. Xem Kinh Thánh, sách Matthew 19:4-6. “Ngài trả lời rằng: Các ngươi há chưa đọc lời chép về Đấng Tạo hóa, hồi ban đầu, dựng nên một người nam, một người nữ, và có phán rằng: Vì cớ đó người nam sẽ lìa cha mẹ, mà dính díu với vợ mình; hai người sẽ cùng nên một thịt hay sao? Thế thì, vợ chồng không phải là hai nữa, nhưng một thịt mà thôi. Vậy, loài người không nên phân rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối hiệp!”.↩︎
11. Họ ở đây chính là “cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình” trong lời giảng trong sách Phúc âm Luke 14:26 đã nói ở đoạn trước. “Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn đồ ta”.↩︎
12. Xem Kinh Thánh, sách Sáng thế 4:3-16. Cain và Abel là con của Adam và Eva. Cain đã giết người em Abel vì của lễ của Abel được Thiên Chúa đoái hoài còn của anh ta thì không.↩︎
13. Các phụ âm trong tiếng Hebrew là yodh và vav là những phụ âm câm, chỉ dùng để chỉ những âm của nguyên âm mà thôi và khi nguyên âm được viết dưới phụ âm thì xét trên phương diện này những ký tự đó trở nên không cần thiết. Do đó, có thể nói rằng phụ âm yên nghỉ trong nguyên âm. Trong Nhật ký của mình, Kierkegaard viết ra đúng như vậy, chứng tỏ ông hiểu đúng điều này. Tuy nhiên, không hiểu sao ở trong tác phẩm này ông lại nói ngược lại, như thể ông hiểu sai. Đúng ra ông phải nói “phụ âm yên nghỉ trong nguyên âm”.↩︎
14. Fabius Maximus (không rõ năm sinh - mất năm 203 TCN) vào năm 217 TCN đã phát động một cuộc chiến tranh chống lại Hannibal và nhận danh hiệu Kẻ Trì Hoãn vì chiến lược hoãn binh thành công của mình.↩︎
15. Xem Kinh Thánh, sách James 2:23, “Vậy được ứng nghiệm lời Kinh Thánh rằng: Abraham tin Đức Chúa Trời, và điều đó kể là công bình cho người; và người được gọi là bạn Đức Chúa Trời”; sách Isaiah 41:8, “Nhưng, hỡi Israel, ngươi là tôi tớ ta, còn ngươi, Jacob, là kẻ ta đã chọn, dòng giống của Abraham, bạn ta”; sách 2 Sử ký (2 Chronicles) 20:7, “Hỡi Đức Chúa Trời chúng tôi! Ngài há chẳng phải đã đuổi dân ở xứ nầy khỏi trước mặt dân Israel của Ngài, mà ban xứ ấy cho dòng dõi Abraham, là bạn hữu Chúa, làm sản nghiệp đời đời sao?”.↩︎
16. Trong nguyên bản là Du. Trong tiếng Đan Mạch đây là đại từ nhân xưng ngôi thứ hai ở dạng thân mật (chú giải của Sylvia Walsh).↩︎
17. Tôi sẽ nói rõ một lần nữa về sự khác biệt của những xung đột mà người anh hùng bi kịch và người hiệp sĩ đức tin gặp phải. Người anh hùng bi kịch tự xác quyết với bản thân mình rằng bổn phận luân lý hoàn toàn hiện hữu trong hắn bằng việc biến nó thành ước muốn. Vậy nên Agamemnon có thể nói, “Với tôi chứng cớ cho thấy rằng tôi không vi phạm bổn phận làm cha của mình chính là ở chỗ bổn phận ấy là ước muốn duy nhất của tôi”. Vì thế ở đây chúng ta có ước muốn và bổn phận tương xứng với nhau. Người may mắn là người có hai cái đó trùng khớp với nhau, tức là ước muốn của tôi cũng là bổn phận của tôi và ngược lại, và với hầu hết mọi người nhiệm vụ phải làm trong đời chính là nằm trong bổn phận của họ và bằng nhiệt tâm họ biến nó thành ước muốn của mình. Người anh hùng bi kịch từ bỏ ước muốn để hoàn thành bổn phận. Với người hiệp sĩ đức tin thì ước muốn và bổn phận cũng giống hệt nhau, nhưng hắn bị đòi hỏi phải từ bỏ cả hai. Do đó khi hắn từ bỏ chính mình để từ bỏ ước muốn của mình, thì hắn chẳng tìm thấy sự yên nghỉ, bởi cái đó rốt cuộc lại là bổn phận của hắn. Nếu hắn vẫn muốn gắn với bổn phận và ước muốn của mình, thì hắn sẽ chẳng trở thành hiệp sĩ đức tin, bởi bổn phận tuyệt đối đòi hỏi chính cái điều rằng hắn phải từ bỏ cả hai. Người anh hùng bi kịch tìm được sự biểu đạt cao hơn của bổn phận chứ không phải bổn phận tuyệt đối. [Ghi chú của Kierkegaard.]↩︎
18. Xem Kinh Thánh, sách Matthew 6:34. “Vậy, chớ lo lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai. Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy”.↩︎
19. Theo chú giải của Sylvia Walsh thì nguyên bản tiếng Đan Mạch là một Hospitalslem, theo nghĩa đen là một người sống trong trại tế bần.↩︎
20. Nhân vật hài chính trong một vở múa rối được ưa chuộng ở Đan Mạch thời kỳ đó.↩︎
21. Hộp thuốc lá vàng, tên một vở kịch của Christian Olussen.↩︎
22. Nguyên văn Dyrehaugsselskab. Ở đây có lẽ Kierkegaard ám chỉ những kẻ đi tham quan khu công viên giải trí Dyrehavsbakken. Dyrehavsbakken là khu công viên giải trí được nhiều người ưa thích cách trung tâm thủ đô Copenhagen khoảng 10 km. Từ Dyrehavsbakken theo nghĩa đen tiếng Đan Mạch là Công viên Hươu nai.↩︎
23. Những đoạn tương ứng là những đoạn sau trong Kinh Thánh: sách Phục truyền Luật lệ (Deuteronomy) 13:6-10: “Khi anh em một mẹ với ngươi, hay là con trai, con gái ngươi, vợ yêu mến, hoặc bạn hữu thiết ngươi, giục ngươi cách mật nhiệm, mà rằng: Ta hãy đi hầu việc các thần khác, mà ngươi hay tổ phụ ngươi không biết, tức là các thần của những dân tộc ở chung quanh, hoặc gần hay xa ngươi, từ đầu nầy của đất cho đến đầu kia, thì chớ chịu theo nó, chớ khứng nghe nó. Mắt ngươi đừng thương tiếc nó; chớ động lòng xót xa mà che chở cho nó. Ngươi hẳn phải giết nó, tay mình phải tra vào mình nó trước hết đặng giết đi; rồi kế sau tay của cả dân sự. Phải ném đá cho nó chết, vì nó tìm thế giục ngươi xa cách Jehovah Đức Chúa Trời ngươi, là Đấng đã đem ngươi ra khỏi xứ Ai Cập, tức khỏi nhà nô lệ”; và 33:9: “Levi nói về cha mẹ mình rằng: Tôi không hề thấy cha mẹ; Người không nhận anh em mình, chẳng biết đến con cái mình… Vì người gìn giữ lời Chúa”; sách Matthew 10:37: “Ai gìn giữ sự sống mình, thì sẽ mất; còn ai vì cớ ta mất sự sống mình, thì sẽ tìm lại được”; và 19:29: “Hễ ai vì danh ta mà bỏ anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đất ruộng, nhà cửa, thì người ấy sẽ lãnh bội phần hơn, và được hưởng sự sống đời đời”.↩︎