Kính Sợ Và Run Rẩy - Chương 04

LUẬN ĐỀ III

LIỆU ABRAHAM CÓ THỂ BIỆN HỘ ĐƯỢC VỀ MẶT LUÂN LÝ KHI CHE GIẤU MỤC ĐÍCH CỦA MÌNH KHÔNG CHO SARAH, ELEAZAR VÀ ISAAC BIẾT HAY KHÔNG?

Luân lý hiểu theo đúng nghĩa của nó là cái phổ quát; với tư cách là cái phổ quát thì nó lại là sự biểu đạt, là sự mặc khải. Cá nhân, với tư cách mà hắn đang là, tức là sự hiện hữu về mặt thể xác và tâm lý, lại là sự ẩn chứa, là sự che đậy. Vậy nên bổn phận đạo đức của hắn là phát triển vượt ra khỏi sự che đậy này và khải thị chính mình trong cái phổ quát. Do đó mỗi khi hắn sẵn sàng ở lại trong sự che đậy thì hắn đã phạm tội và ở trong tình trạng chịu thử thách cám dỗ rồi, và hắn chỉ có thể thoát ra khỏi tình trạng này bằng cách khải thị chính mình mà thôi.

Một lần nữa, chúng ta lại ở cùng một điểm. Nếu không có sự che đậy mà cơ sở của nó là cái điều rằng cái cá thể với tư cách là cái cá biệt đứng cao hơn cái phổ quát, thì hành động của Abraham là không thể biện hộ được, bởi ông chẳng đếm xỉa gì đến những yếu tố luân lý trung gian. Nhưng nếu có một sự che đậy như vậy, thì chúng ta lại đối diện với cái nghịch lý mà nó vốn không thể nào trung giới được bởi nó dựa trên chính cái điều rằng cái cá thể với tư cách là cái cá biệt đứng cao hơn cái phổ quát, trong khi trên thực tế chính cái phổ quát lại đóng vai trò trung giới [cho cái cá biệt]. Triết học Hegel cho rằng không có sự che đậy chính đáng, không có sự bất tương xứng chính đáng. Vậy nên nó tương hợp với đòi hỏi của nó về sự khải thị, nhưng nó lại nhập nhằng trong việc muốn coi Abraham là tổ phụ của đức tin và trong việc nói về đức tin. Bởi đức tin không phải là cái trực tiếp đầu tiên mà là cái trực tiếp sau đó. Cái trực tiếp đầu tiên là mỹ học, và về vấn đề này triết học Hegel có lẽ đã đúng. Nhưng đức tin không phải là mỹ học - hoặc nếu không đức tin chẳng bao giờ tồn tại bởi nó vốn đã luôn tồn tại.

Ở đây tốt nhất là nên xem xét toàn bộ vấn đề theo quan điểm mỹ học thuần túy, và vì mục đích đó mà dấn thân vào một cuộc thảo luận mỹ học, một cuộc thảo luận mà tôi mong rằng độc giả hãy tập trung toàn bộ sự chú ý của mình vào đó trong một chốc lát, trong khi tôi, về phần mình, sẽ sửa đổi bài thuyết trình của tôi cho phù hợp với chủ đề. Phạm trù mà tôi sẽ xem xét kỹ lưỡng hơn một chút là sự thú vị, một phạm trù vốn, nhất là trong thời đại của chúng ta (chính bởi vì chúng ta đang sống in discrimine rerum [ở một thời điểm bước ngoặt của lịch sử]), đã giành được tầm quan trọng to lớn, bởi nó chính là phạm trù bước ngoặt. Do vậy chúng ta không nên, như một số người thỉnh thoảng vẫn thường làm sau khi yêu thích cái phạm trù này pro virili [bằng tất cả khả năng của mình], khinh thường nó bởi vì chúng ta vượt qua nó, nhưng chúng ta cũng không nên quá tham lam mà giành lấy nó, bởi chắc chắn một điều rằng để trở nên thú vị hoặc có một đời sống thú vị thì không phải cứ đụng tay đụng chân là có được, mà đó là một đặc ân định mệnh, giống như mọi đặc ân khác trong thế giới tinh thần để có được nó thì chỉ có một cách duy nhất là người ta phải trả giá bằng nỗi đau đớn sâu thẳm. Vậy nên, Socrates là người đàn ông thú vị nhất đã từng sống, cuộc đời ông là một cuộc đời thú vị nhất đã từng được sống, nhưng cuộc hiện tồn ấy được Thượng đế gán cho ông, và bởi vì chính ông đã phải tự mình giành lấy nó, cho nên ông cũng chẳng lạ gì những rắc rối và đớn đau. Việc coi một cuộc hiện tồn như vậy là vô nghĩa quả là không phải lối với bất kỳ kẻ nào vốn xem cuộc đời là nghiêm trọng, thế nhưng trong thời đại của chúng ta những ví dụ về một nỗ lực kiểu như thế cũng chẳng hiếm. Hơn thế nữa sự thú vị là một phạm trù cận biên, một confinium [ranh giới chung] giữa mỹ học và luân lý. Vì thế, cuộc thảo luận của chúng ta cần phải liên tục nhìn xuống địa hạt của luân lý, trong khi để đạt được tầm quan trọng của mình, nó phải thấu hiểu vấn đề với khát khao mỹ học cháy bỏng. Trong thời đại của chúng ta, những vấn đề như vậy hiếm khi được luân lý quan tâm giải quyết. Lý do được cho là không có chỗ dành cho chúng trong Hệ thống1. Vậy thì chắc chắn người ta có thể thực hiện nó trong một chuyên khảo; và hơn nữa, nếu như không lan man đi sâu vào chi tiết, người ta có thể thực hiện nó một cách ngắn gọn mà vẫn đạt được cùng một kết quả - tức là, nếu người ta có được sự khẳng quyết trong quyền năng của mình, bởi một hoặc hai sự khẳng quyết có thể tiết lộ cả một thế giới. Chẳng lẽ trong Hệ thống lại không có một chỗ cho mấy từ bé mọn như thế sao?

Trong tác phẩm bất hủ Thi học (Chương 11) Aristotle2 viết rằng, δύο μὲν οὖν τοΰ μύθου μέρη περὶ ταῦτ’ έστί, περιπέτεια καὶ άναγνώρισιν [có hai nhân tố quan trọng trong cốt truyện, ấy là sự thay đổi (đột ngột, mang tính bước ngoặt) và sự nhận biết (mang tính phát hiện)]3. Đương nhiên ở đây tôi chỉ quan tâm đến nhân tố thứ hai, άναγνώρισιν, sự nhận biết. Ở đâu có sự nhận biết thì ở đó eo ipso [nhờ thế mà] ngụ ý rằng trước đó có sự che đậy. Vậy nên, cũng như sự nhận biết là nhân tố giải tỏa, buông xả trong cuộc đời đầy kịch tính, sự che đậy là nhân tố căng thẳng. Điều Aristotle triển khai trước đó cũng ở trong chương này về nhiều giá trị của bi kịch, tất cả đều nằm trong mối liên hệ đến cái cách mà περιπέτεια [sự thay đổi] và άναγνώρισιν [sự nhận biết] tương tác với nhau4, cũng như điều mà ông nói về sự nhận biết đơn và sự nhận biết kép5, thì tôi không thể xem xét ở đây, mặc dù sự cuốn hút chân thành và thầm lặng trong những điều mà ông bàn đến luôn có một ma lực hấp dẫn mạnh mẽ, nhất là đối với những ai vốn từ lâu đã quá mệt mỏi với mớ tri thức vạn sự thông hời hợt của đám học giả bách khoa. Một lời nhận xét tổng quát hơn có thể phù hợp ở đây. Trong bi kịch Hy Lạp, sự che đậy (và do đó dẫn tới sự nhận biết) là một tàn dư có tính chất sử thi được xây dựng trên nền móng của một số phận mà ở đó hành động kịch tính biến mất khỏi tầm nhìn, và từ đó nó biết được căn nguyên mờ mịt bí ẩn của mình. Do vậy hiệu ứng mà một vở bi kịch Hy Lạp tạo ra cũng tương tự như ấn tượng về một bức tượng đá hoa cương mà lại thiếu đi quyền năng của con mắt. Bi kịch Hy Lạp bị mù lòa. Vậy nên cần có một sự trừu tượng nhất định để nhận thức nó một cách đúng đắn. Một đứa con trai6 giết hại cha mình, nhưng chỉ sau đó hắn mới biết rằng đó là cha hắn. Một người chị7 định hiến tế đứa em trai, nhưng ở vào thời điểm quyết định cô mới biết nó là em trai mình. Thời đại suy tư của chúng ta giờ đây chẳng mấy quan tâm đến thứ mô-típ bi kịch này. Kịch hiện đại đã từ bỏ định mệnh, đã giải phóng chính mình một cách đầy kịch tính, đã quan sát, đã nhìn nhận chính nó, đã đưa định mệnh vào trong ý thức kịch tính của nó. Sự che đậy và sự khải thị, trong trường hợp này, là hành động tự do của người anh hùng, hành động mà hắn phải chịu trách nhiệm.

Sự nhận biết và sự che đậy cũng là một nhân tố cần thiết trong kịch hiện đại. Đưa ra ví dụ minh họa cho điều này thì quá ư là dông dài. Tôi đủ nhã nhặn để giả định rằng tất cả mọi người trong thời đại của chúng ta, vốn rất háo sắc dục, rất cường dục và hừng hực đến mức sự thụ thai xảy ra dễ dàng y như con gà gô mái, mà, theo như nhận định của Aristotle8, chỉ cần nghe tiếng của con gà gô trống hay tiếng vỗ cánh của nó trên đầu thôi là đủ thụ tinh rồi - tôi giả định rằng mọi người, chỉ vừa nghe thấy từ “che đậy” thôi là có thể dễ dàng lắc từ tay áo ra cả chục cuốn truyện anh hùng hiệp sĩ lẫn những vở hài kịch. Do vậy ở đây tôi sẽ nói ngắn gọn và đưa ra ngay một nhận xét khá là bao quát. Nếu kẻ nào chơi trò trốn tìm và bằng cách ấy đưa sự náo động kịch tính vào vở kịch, che giấu một cái gì đó vô nghĩa, thì chúng ta sẽ có một vở hài kịch; nhưng nếu hắn có liên quan đến ý niệm, hắn có thể tới gần hơn với việc trở nên một anh hùng bi kịch. Ở đây xin đưa ra một ví dụ về sự khôi hài. Một người bôi mặt và đội tóc giả. Cũng vẫn người đó nôn nóng muốn thử vận may với phái đẹp, hắn chắc mẩm rằng mình sẽ thành công nhờ bôi mặt và đội tóc giả, việc này sẽ khiến cho hắn trở nên hấp dẫn đến mức tuyệt đối khôn cưỡng. Hắn kiếm được một cô gái và sung sướng đến tột đỉnh. Giờ thì đến điểm mấu chốt của câu chuyện. Nếu hắn có thể thừa nhận mình đã lừa gạt, thì liệu hắn có không mất đi tất cả quyền năng làm mê đắm người khác không? Và nếu bề ngoài hắn là một người đàn ông tầm thường, phải, thậm chí là một gã hói đầu, thì liệu hắn có phải mất đi người yêu dấu của mình hay không? Che giấu là hành động tự do của hắn, cũng vì nó mà mỹ học khiến hắn phải chịu trách nhiệm. Ngành tri thức này chẳng liên quan gì đến những kẻ hói đầu đạo đức giả, nó giao phó hắn cho tiếng cười định đoạt. Minh họa này hẳn là đủ hàm ý cho cái mà tôi định nói bởi sự khôi hài không phải là chủ đề mà cuộc khảo luận này quan tâm.

Con đường tôi phải đi là thực hiện khảo luận một cách biện chứng về sự che đậy thông qua mỹ học và luân lý, bởi vấn đề mấu chốt là chỉ ra sự khác biệt tuyệt đối giữa sự che đậy mang tính mỹ học và cái nghịch lý.

Một vài ví dụ. Một cô gái thầm yêu một chàng trai, mặc dầu họ vẫn chưa hoàn toàn thú nhận tình yêu của mình cho nhau. Cha mẹ cô bắt cô phải cưới một người khác (ngoài ra còn có thể do lòng hiếu thảo thôi thúc cô), cô vâng lời cha mẹ, cô che giấu tình yêu của mình, “để không làm cho người khác đau khổ và để chẳng ai biết được điều nàng phiền muộn”. - Một chàng trai trẻ có thể chỉ bằng một lời đơn sơ mà sở hữu được một đối tượng bấy lâu chàng hằng ao ước và mơ tưởng không ngừng. Nhưng lời nhỏ mọn ấy sẽ làm phương hại, phải, có lẽ (ai mà biết được?) sẽ hủy hoại cả một gia đình; chàng cao thượng quyết tâm tiếp tục che giấu, “cô nàng sẽ không bao giờ biết được và vì thế nàng có lẽ sẽ hạnh phúc trong vòng tay người khác”. Thật đáng tiếc là hai người này, cả hai đều bị người yêu mình che giấu, đều cùng bị che giấu lẫn nhau, nếu không thì một sự hợp nhất khác thường ở mức cao hơn hẳn đã có thể xảy ra. Sự che đậy của họ là một hành động tự do, một hành động mà họ phải chịu trách nhiệm về mặt mỹ học. Mỹ học, tuy vậy, là một ngành tri thức lịch lãm và đa cảm mà lại biết nhiều mưu chước hơn bất kỳ gã chủ tiệm cầm đồ nào. Vậy thì nó làm gì? Nó khiến cho mọi thứ trở nên khả dĩ đối với những kẻ yêu nhau. Tình cờ, người chuẩn bị làm đám cưới nhận được thông tin về quyết tâm cao thượng của người kia, dẫn đến một lời giải thích, họ có được nhau và cùng lúc đứng ngang hàng với những người anh hùng thực sự, bởi mặc cho cái điều rằng họ không có thời gian để gác lại những quyết tâm anh hùng của mình, mỹ học tuy thế vẫn coi như họ đã chiến đấu một cách dũng cảm cho cái mục đích mà họ đã quyết tâm trong rất nhiều năm. Bởi mỹ học chẳng mấy quan tâm đến thời gian; bất kể là giỡn chơi hay nghiêm túc thì đối với mỹ học thời gian trôi qua dài ngắn chẳng khác gì nhau.

Nhưng luân lý đâu có biết gì về sự tình cờ ấy lẫn sự đa cảm ấy, mà nó cũng chẳng có ý niệm thời gian kiểu như vậy. Vấn đề này vì thế có thêm một cục diện khác. Chẳng ích lợi gì khi tranh cãi với luân lý bởi nó có những phạm trù thuần túy. Nó chẳng hấp dẫn được kinh nghiệm, vốn có lẽ là cái lố bịch nhất trong mọi cái lố bịch, và thay vì khiến cho một người trở nên khôn ngoan, nó lại khiến cho hắn phát điên lên nếu hắn không biết gì cao hơn nó. Luân lý chẳng có chỗ cho sự trùng hợp ngẫu nhiên, và vì thế nó chẳng đưa đến lời giải thích nào; nó chẳng đùa cợt với phẩm giá, nó đặt trách nhiệm to lớn lên đôi vai mỏng manh của người anh hùng; nó lên án cái ý muốn ngông cuồng muốn thay trời hành đạo của hắn, nhưng nó cũng lên án hắn vì đã muốn làm việc đó bằng nỗi thống khổ của mình. Nó khiến người ta tin vào hiện thực và có đủ dũng khí để chiến đấu chống lại tất cả những nỗi thống khổ của hiện thực, nhất là chống lại những nỗi đau thiếu sinh khí mà người ta đã tự gánh lấy vì trách nhiệm9. Nó cảnh báo chống lại việc tin vào những toan tính khôn ngoan của lý trí, vốn không đáng tin bằng những nhà tiên tri thời cổ đại. Nó cảnh báo chống lại mọi sự cao thượng không đúng lúc. Hãy để hiện thực quyết định - rồi mới đến lúc phô bày lòng dũng cảm ra. Nhưng khi đó chính luân lý sẽ tự mình đưa ra tất cả những trợ giúp có thể. Mặc dù vậy, nếu có gì đó sâu sắc hơn khuấy động trong hai người này10, nếu có sự nghiêm túc trong việc xem xét bổn phận, sự nghiêm túc trong việc khởi sự, thì hẳn sẽ có cái gì đó nảy sinh từ họ. Nhưng luân lý không thể giúp họ được. Luân lý bị vi phạm, bởi họ giữ bí mật không cho nó biết, một bí mật mà họ tự gánh lấy vì trách nhiệm.

Vậy nên mỹ học đòi hỏi sự che đậy và tưởng thưởng cho nó, luân lý đòi hỏi sự khải thị và trừng phạt sự che đậy.

Thế nhưng đôi khi ngay cả mỹ học cũng đòi hỏi sự khải thị. Khi người anh hùng, bị mắc vào cái bẫy ảo tưởng mỹ học, tin rằng hắn có thể cứu người khác bằng sự im lặng của mình, thì mỹ học đòi hỏi sự im lặng và tưởng thưởng cho nó. Nhưng khi người anh hùng bằng hành động của mình can thiệp đến mức làm xáo trộn cuộc đời người khác, thì nó đòi hỏi sự khải thị. Giờ thi tôi nói sang chủ đề người anh hùng bi kịch. Tôi sẽ khảo sát qua một chút về vở kịch Ephigenia ở Aulis của Euripides. Agamemnon sắp sửa phải hiến tế Iphigenia. Lúc này mỹ học đòi hỏi sự im lặng của Agamemnon bởi không đáng để người anh hùng tìm kiếm sự an ủi từ bất kỳ kẻ nào khác, cũng giống như vì lo lắng cho cánh phụ nữ mà ông phải che giấu nó để họ không biết càng lâu càng tốt. Mặt khác, người anh hùng, để có thể là một anh hùng, cần phải chịu cái thử thách cám dỗ kinh hoàng do nước mắt của Clytemnestra và Iphigenia gây ra. Mỹ học đã làm gì? Nó có một lối thoát; nó có một kẻ tôi tớ già đứng bên cạnh sẵn sàng tiết lộ mọi chuyện cho Clytemnestra. Rồi tất cả diễn ra theo đúng trình tự như nó phải thế.

Luân lý, tuy vậy, chẳng có sự trùng hợp ngẫu nhiên mà cũng chẳng có kẻ tôi tớ già đứng bên cạnh. Ý niệm mỹ học mâu thuẫn với chính nó ngay khi nó được thực thi trong thực tại. Luân lý vì thế đòi hỏi sự khải thị. Người anh hùng bi kịch thể hiện dũng khí luân lý của mình bằng cái điều rằng chính hắn, kẻ vốn không bị mắc vào bất cứ cái bẫy ảo tưởng mỹ học nào, tự mình loan báo cho Iphigenia biết định mệnh của nàng. Nếu người anh hùng bi kịch làm việc này, thì hắn sẽ là đứa con yêu dấu của luân lý, làm đẹp lòng luân lý mọi đàng11. Nếu hắn giữ im lặng, thì có thể là bởi hắn nghĩ rằng như vậy sẽ khiến cho kẻ khác được thuận lợi hơn, hoặc cũng có thể bởi nó khiến cho chính bản thân hắn được thuận lợi hơn. Tuy thế, hắn tự biết rằng mình không bị ảnh hưởng bởi cái động cơ sau. Nếu hắn giữ im lặng, thì hắn đã tự mình gánh lấy một trách nhiệm quan trọng với tư cách là cái cá thể, bởi hắn đã lờ đi bất kỳ cuộc tranh biện nào có thể đến từ bên ngoài. Với tư cách là người anh hùng bi kịch, hắn không thể làm như vậy được, bởi luân lý yêu mến hắn chính bởi vì hắn liên tục biểu đạt cái phổ quát. Hành động anh hùng của hắn đòi hỏi phải có dũng khí, nhưng một phần của dũng khí ấy là cái điều rằng hắn sẽ không lảng tránh bất kỳ cuộc tranh biện nào. Giờ đây ta thấy rõ ràng rằng nước mắt là một argumentum ad hominem [xảo thuật ngụy biện bằng cách công kích cá nhân] kinh khủng và không nghi ngờ gì nữa có những kẻ chẳng bao giờ xúc động trước bất kỳ cái gì mà chỉ mủi lòng bởi những giọt nước mắt. Trong vở kịch, Ephigenia được phép khóc; trên thực tế, giống như con gái của Jephtha12, nàng phải được phép khóc than trong hai tháng, không phải trong cô độc mà dưới chân cha nàng, được phép sử dụng toàn bộ tài nghệ của nàng “vốn chẳng có gì khác ngoài nước mắt” và được phép ôm chặt lấy chân ông thay vì ôm một cành olive13.

Mỹ học đòi hỏi sự khải thị nhưng nó tự cứu giúp mình bằng một sự trùng hợp ngẫu nhiên; luân lý đòi hỏi sự khải thị và tìm thấy sự thỏa mãn của nó nơi người anh hùng bi kịch.

Mặc cho sự khắt khe mà luân lý đòi hỏi ở sự khải thị, không thể chối bỏ rằng sự kín đáo và sự im lặng thực sự làm cho một người trở nên vĩ đại chính bởi vì chúng là những thuộc tính nội tại. Khi Amor rời bỏ Psyche ông nói với nàng, “Ngươi sẽ sinh ra một đứa trẻ mà nó sẽ trở nên một đứa trẻ thần thánh nếu người giữ im lặng, nhưng nó sẽ là người bình thường nếu ngươi tiết lộ bí mật này”. Người anh hùng bi kịch, kẻ vốn được luân lý yêu thích, là một con người thuần túy, và hắn là kẻ mà tôi có thể hiểu được, và tất cả những gì hắn làm đều hiện ra công khai. Nếu tôi vượt xa hơn, thì tôi sẽ vấp phải cái nghịch lý, thần thánh và ma quỷ; bởi sự im lặng bao gồm cả hai. Sự im lặng chính là cái bẫy của ma quỷ, và người ta càng giữ im lặng chừng nào thì con quỷ ấy càng trở nên đáng sợ chừng đó; nhưng sự im lặng cũng là sự thấu hiểu lẫn nhau giữa thần thánh và cái cá thể.

Tuy nhiên, trước khi tiếp tục về câu chuyện của Abraham, tôi sẽ gọi ra một vài nhân vật thi ca. Bằng năng lực biện chứng, tôi sẽ giữ họ đứng nhón bằng đầu ngón chân, và bằng cách đổ mọi tai ương tuyệt vọng lên đầu họ tôi sẽ chắc chắn không để cho họ yên, để mà trong nỗi lo sợ đó họ có thể đưa cái này hay cái khác ra ánh sáng.14

Trong tác phẩm Chính trị học15 Aristotle kể một câu chuyện về những xáo động chính trị ở Delphi khởi nguồn từ một việc hôn nhân. Chú rể, khi được các nhà tiên tri16 cảnh báo rằng tai họa sẽ xảy đến sau cuộc hôn nhân của hắn, đột nhiên thay đổi kế hoạch vào giây phút quyết định khi đến đón dâu - hắn sẽ không tổ chức đám cưới. Tôi chỉ cần có vậy.17 Ở Delphi sự kiện này không thể trôi qua mà không có nước mắt. Nếu một nhà thơ định lấy nó làm đề tài, hắn chắc có thể trông đợi vào sự cảm thông. Há chẳng phải kinh khủng sao cái tình yêu ấy, vốn thường được biến thành cuộc lưu đày trong đời sống, giờ đây lại không còn được trời xanh giúp sức nữa? Há chẳng phải câu ngạn ngữ cổ “hôn nhân do trời định”18 đang bị sỉ nhục ở đây hay sao? Thường thì chính tất cả những nỗi thống khổ và khốn khó của sự hữu hạn lại, giống như những hồn ma, muốn chia rẽ kẻ tình nhân, nhưng tình yêu luôn có trời xanh giúp sức, và do đó liên minh thần thánh này sẽ chiến thắng mọi kẻ thù. Trong trường hợp này chính tự trời xanh lại chia rẽ cái mà chính nó rốt cuộc đã phối hợp lại với nhau.19 Nào ai có thể ngờ được một chuyện như thế kia chứ? Cô dâu trẻ sẽ là người khó lòng mà ngờ được nhất. Chỉ trước đó một lúc thôi, nàng vẫn còn ngồi trong phòng với vẻ đẹp lộng lẫy, và những thiếu nữ khả ái tận tâm trang điểm cho nàng để chứng tỏ cho toàn thể thế giới biết được việc họ đã làm, để họ không chỉ có được niềm hân hoan mà còn có cả nỗi ghen tị nữa, phải, ngay cả cái niềm hân hoan rằng họ không thể ghen tị hơn được nữa, bởi vì cô dâu ấy không thể đẹp hơn được nữa. Nàng ngồi cô đơn trong phòng và biến đổi từ nhan sắc sang nhan sắc, bởi mọi phương tiện đều được tận dụng để cái nghệ thuật tính nữ có thể trang điểm một cách đáng giá những gì đáng giá. Nhưng vẫn còn thiếu một thứ gì đó mà những cô gái trẻ đã không nghĩ tới: một tấm khăn voan tinh tế hơn, nhẹ hơn nhưng che giấu tốt hơn tấm khăn mà họ đã choàng lên đầu cô dâu, một chiếc áo cưới mà không thiếu nữ nào biết cách mặc hay có thể giúp nàng mặc; ngay cả cô dâu cũng chẳng biết làm thế nào để tự mình mặc nó. Đó là một thứ quyền năng vô hình và thân thiện, mà nó, tìm thấy niềm khinh khoái trong việc trang điểm cho cô dâu, lấy tấm thân ra tự bao bọc lấy con người nàng, điều này nàng cũng đâu có hay; bởi nàng chỉ bận tâm trông chú rể ghé qua và đưa nàng đi tới ngôi đền. Nàng nhìn thấy cánh cửa khép lại sau lưng chàng, và nàng thậm chí còn trở nên bình an và hạnh phúc hơn, bởi nàng biết rằng chàng giờ đây thuộc về nàng hơn bao giờ hết. Cánh cửa đền mở ra, chàng bước ra nhưng nàng e lệ khép mày và vì thế chẳng nhìn thấy vẻ mặt đang bối rối của chàng, nhưng chàng thì nhìn thấy rằng trời xanh dường như đang ghen tị với vẻ khả ái của cô dâu và ghen tị với niềm hạnh phúc của chàng. Cửa đền mở, và những cô gái trẻ nhìn thấy chú rể bước ra, nhưng họ không nhìn thấy vẻ mặt đang bối rối của chàng, bởi họ còn đang bận đưa dâu. Rồi thì nàng bước vào với tất cả sự khiêm nhường thánh nữ của mình, nhưng lại giống như một bà chủ được các nữ tì vây quanh, những kẻ trước đây nhún mình trước nàng với tư cách là một thiếu nữ thì giờ đây nhún mình trước nàng với tư cách là một cô dâu. Vì thế nàng đứng đầu nhóm những con người khả ái kia và chờ đợi - chỉ giây lát nữa thôi, bởi ngôi đền đang ở rất gần trong tầm tay - và chú rể bước tới, nhưng chàng lại bước qua cửa nơi nàng đứng.

Nhưng đến đây thì tôi xin dừng - tôi chẳng phải thi nhân, tôi chỉ kể lại mọi thứ một cách biện chứng. Trước hết cần nhớ rằng vào thời khắc quyết định người anh hùng mới biết được lời tiên tri, vậy nên hắn trong sạch và không có lỗi, hắn vẫn chưa trói buộc mình một cách đầy khinh suất với người yêu. Thứ đến, đó là lời thần thánh dành cho hắn, hay đúng hơn là chống lại hắn,20 do vậy hắn không bị chi phối bởi thói tự cao giống như những kẻ tình nhân nhu nhược. Hơn nữa, rõ ràng lời thần thánh ấy khiến hắn cũng bất hạnh chẳng kém gì cô dâu, phải, thậm chí còn hơn một chút nữa, bởi hắn suy cho cùng là duyên cớ cho nỗi bất hạnh của nàng. Đúng là các nhà tiên tri chỉ thông báo về tai họa xảy ra với hắn, nhưng vấn đề là liệu tai họa này có phải là thứ mà khi làm phương hại đến hắn nó còn gây ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc hôn nhân của họ hay không. Vậy thì hắn phải làm gì? (1) Hắn sẽ giữ im lặng và tổ chức đám cưới ư? - cùng với cái suy nghĩ rằng, “Có lẽ tai họa sẽ chẳng đến ngay lập tức, dù sao đi chăng nữa ta cũng duy trì được tình yêu và không sợ cái sự khiến cho bản thân mình trở nên bất hạnh. Nhưng im lặng thì ta phải giữ lấy, bởi nếu không ngay cả một khoảnh khắc ngắn ngủi cũng bị lãng phí”. Điều này có vẻ khả thi, nhưng nó hoàn toàn không đúng một chút nào, bởi khi làm như vậy hắn đã xúc phạm nàng. Bằng sự im lặng của mình, hắn theo một nghĩa nào đó đã khiến cô gái cảm thấy có tội, bởi nếu biết được lời tiên tri nàng sẽ chẳng bao giờ đồng ý với một cuộc hôn nhân như vậy. Vậy nên trong giờ khắc khó khăn hắn chẳng những phải gánh lấy tai họa mà còn gánh cả cái trọng trách của việc đã giữ im lặng cũng như sự phẫn nộ chính đáng của nàng vì sự im lặng của hắn. (2) Hắn sẽ im lặng và dẹp bỏ đám cưới ư? Trong trường hợp này hắn đã tự kéo mình vào một trò lừa dối mà ở đó hắn tự hủy diệt chính mình trong mối quan hệ với nàng. Mỹ học có lẽ sẽ ủng hộ chuyện này. Tai họa khi ấy hẳn có lẽ sẽ được hình thành giống như một sự kiện có thật, trừ cái điều rằng ở khoảnh khắc cuối cùng một lời giải thích được đưa ra - tuy vậy, nó chỉ xảy ra khi mọi thứ đã xong xuôi cả, bởi xét về mặt mỹ học cần phải để cho hắn chết đi, trừ khi ngành tri thức này biết cách xóa bỏ lời tiên tri định mệnh ấy. Nhưng dù cho lối hành xử này có cao thượng đến đâu đi chăng nữa, nó vẫn là một sự xúc phạm đối với cô gái và hiện thực tình yêu của cô. (3) Hắn sẽ nói ra ư? Đương nhiên ta không được phép quên rằng người anh hùng của chúng ta hơi quá thơ mộng nên không thể từ bỏ tình yêu của mình để có được một thứ mà đối với hắn chẳng mấy quan trọng hơn một vụ làm ăn thất bại. Nếu hắn nói ra, toàn bộ mọi thứ sẽ trở nên một chuyện tình bất hạnh theo kiểu của Axel và Valborg. Đây là một cặp mà chính tự trời xanh chia rẽ21. Tuy nhiên, trong trường hợp này sự chia rẽ được tiếp nhận có phần khác biệt bởi nó cũng là kết quả của hành động tự do của cá thể. Cái khó rất lớn đối với việc biện chứng trong trường hợp này là tai họa chỉ giáng xuống mỗi một mình hắn mà thôi. Vậy nên hai kẻ tình nhân không tìm thấy một sự biểu đạt chung cho nỗi thống khổ của họ giống như Axel và Valborg, hai kẻ mà trời xanh chia rẽ họ ngang bằng nhau bởi sự gần gũi với nhau về mặt huyết thống của họ cũng ngang bằng nhau22. Nếu ở đây đúng là như vậy thì việc tìm thấy một lối thoát là điều khả dĩ. Bởi rằng trời xanh chẳng dụng đến bất kỳ quyền lực hữu hình nào để chia rẽ họ mà để mặc họ quyết định, người ta khá có thể hình dung được việc họ quyết định đến với nhau bất chấp cả trời xanh cùng với những tai họa của nó.

Luân lý, dẫu vậy, sẽ đòi hỏi hắn phải nói ra. Chủ thuyết anh hùng của hắn khi đó về cơ bản bao gồm việc từ bỏ sự cao thượng mang tính mỹ học, mà hiển nhiên, in casu [trong trường hợp này] khó có thể cho rằng nó có bất kỳ sự pha trộn nào với sự phù phiếm vốn đang hoàn toàn bị che đậy, bởi hắn chắc chắn phải biết rất rõ rằng hắn sẽ vẫn làm cho cô gái bất hạnh. Hiện thực của chủ thuyết anh hùng này, tuy vậy, phụ thuộc vào cái điều rằng hắn có cơ hội [cho một tình yêu đích thực] và đã tiêu hủy nó; bởi nếu không sẽ có hằng hà sa số những anh hùng, nhất là trong thời đại của chúng ta, cái thời đại vốn đã có được sự thành thục ngoại hạng trong việc giả mạo thực hiện những việc cao cả nhất bằng cách bỏ qua những bước trung gian.

Nhưng vậy thì tại sao lại có cái phác thảo này, bởi tôi vẫn chưa vượt xa hơn người anh hùng bi kịch? Ấy là vì rốt cuộc vẫn có khả năng rằng nó có thể khai sáng cho cái nghịch lý. Mọi thứ phụ thuộc vào việc chú rể đứng ở vị trí nào trong mối liên hệ với lời tuyên đoán của các nhà tiên tri mà nó, theo cách này hay cách khác, mang tính chất quyết định với cuộc đời hắn. Liệu lời tuyên đoán này có phải là publici juris [tài sản công cộng] không, hay là nó là một privatissimum [vấn đề riêng tư]? Bối cảnh câu chuyện này xảy ra ở Hy Lạp; lời tuyên đoán của các nhà tiên tri tất cả mọi người đều có thể hiểu được. Ý tôi là cái cá thể không những có thể nắm được nội dung của nó về mặt từ vựng mà còn hiểu được rằng điều nhà tiên tri thông báo là ý chỉ của trời xanh đối với mình. Vậy nên lời của nhà tiên tri không những chỉ riêng người anh hùng có thể hiểu được mà nó còn có thể hiểu được đối với tất cả mọi người, và không một mối quan hệ riêng tư nào với thần thánh nảy sinh ra từ đó cả. Hắn có thể làm bất cứ cái hắn muốn, nhưng điều gì được tiên báo xảy ra thì sẽ vẫn cứ xảy ra, và dù có làm việc ấy hay để kệ nó thì hắn cũng chẳng vì thế mà đến gần hơn trong mối quan hệ với Thượng đế, hay cũng chẳng vì thế mà trở nên một đối tượng hoặc được ân sủng của Thượng đế hoặc phải chịu cơn thịnh nộ của Ngài. Kết quả được tiên báo là điều có thể hiểu được đối với bất kỳ cá thể nào cũng như đối với người anh hùng, và không có một dòng mật mã nào mà chỉ riêng người anh hùng mới có thể giải mã được. Vậy nên nếu muốn nói ra, hắn có thể làm việc đó một cách vô cùng chính đáng, bởi hắn có thể khiến cho bản thân mình trở nên có thể hiểu được; nếu hắn muốn giữ im lặng, thì là bởi vì hắn, bằng việc là cái cá thể đứng cao hơn cái phổ quát, muốn tự lừa dối chính mình với tất cả các thể loại ý tưởng kỳ quái về chuyện nàng sẽ quên được nỗi sầu muộn bằng cách nào đây… Tuy nhiên, nếu ý chí của trời xanh không được nhà tiên tri tuyên báo tới hắn, nếu nó được mang tới nhận thức của hắn theo một cách hoàn toàn riêng tư, nếu nó tự đặt mình vào trong một mối quan hệ hoàn toàn riêng tư với hắn, thì chúng ta sẽ bắt gặp cái nghịch lý, nếu đúng là một thứ như thế (bởi suy luận của tôi ở dưới dạng song đề), thì hắn sẽ không thể nào nói ra, dù hắn có muốn làm việc đó cỡ nào đi chăng nữa. Vậy thì hắn sẽ không thích thú gì việc phải câm lặng mà sẽ chịu đựng nỗi đau của nó - nhưng đây chính là một sự bảo đảm cần thiết cho việc hắn được biện minh. Vậy nên lý do cho sự im lặng của hắn không phải là vì hắn đã tự đặt mình, với tư cách là cái cá thể, vào mối liên hệ tuyệt đối với cái phổ quát mà là vì hắn đã tự đặt mình, với tư cách là cái cá thể, vào mối liên hệ tuyệt đối với cái tuyệt đối. Khi đó, theo tất cả những gì mà tôi thấy, hắn sẽ tìm thấy sự yên nghỉ trong đó, mặc dù sự im lặng cao thượng của hắn sẽ thường xuyên bị quấy rầy bởi những đòi hỏi của luân lý. Nhìn chung, người ta mong muốn rằng mỹ học, một ngày nào đó, sẽ thử bắt đầu ở nơi mà nó đã kết thúc trong rất nhiều năm, với cái ảo tưởng cao thượng. Một khi làm được như thế, nó sẽ cùng hợp tác với tôn giáo, bởi tôn giáo là quyền lực duy nhất có thể cứu mỹ học ra khỏi cuộc xung đột với luân lý. Nữ hoàng Elizabeth23 vì đất nước mà hy sinh tình yêu của bà dành cho bá tước xứ Essex bằng việc ký vào bản án tử hình ông. Đây là một hành động anh hùng, dù rằng việc này có liên đới đến một chút bất bình cá nhân do ông không gửi nhẫn cho bà. Trên thực tế ông đã gửi nó đi, như chúng ta đã biết, nhưng nó bị một công nương hầu cận hiểm ác nào đó giữ lại. Theo như người ta nói, ni fallor [nếu như tôi không nhầm], Elizabeth cuối cùng cũng biết được điều này, rồi sau đó bà ngồi mười ngày với một ngón tay để trên miệng và cắn lấy nó mà không nói một lời nào, rồi bà chết. Đây sẽ là một chủ đề dành cho một thi sĩ kẻ vốn biết cách bóp cho miệng mở ra; nếu không nó sẽ có ích nhất cho một người chỉ huy dàn ballet, kẻ mà ngày nay đám thi nhân thường ngộ nhận đấy chính là mình.

Tôi sẽ đi theo hướng này với một phác họa liên quan đến ma quỷ. Vì mục đích này tôi sẽ sử dụng truyền thuyết Agnes và Người cá24. Người cá là một kẻ mị tình, kẻ vốn trỗi dậy từ nơi trú ẩn của mình dưới vực sâu và bằng thói cuồng dâm vô độ giành lấy và bẻ gẫy đóa hoa vô tội đang đứng bên bờ biển với tất cả vẻ yêu kiều mỹ lệ của nó, trầm ngâm cúi đầu lắng nghe tiếng rền của biển cả. Đây chính là cái mà cho đến nay thi nhân vẫn dẫn giải. Chúng ta hãy thay đổi một chút. Người cá là một kẻ mị tình. Hắn gọi Agnes, dụ dỗ cảm xúc thầm kín của nàng bằng giọng nói mượt mà của hắn. Nàng tìm thấy ở người cá cái mà nàng tìm kiếm bấy lâu, cái mà nàng thấy khi liếc xuống dưới đáy biển sâu. Agnes sẵn lòng đi theo hắn. Người cá nhấc bổng nàng trên đôi tay hắn, Agnes choàng tay ôm lấy cổ hắn; bằng toàn bộ linh hồn mình, nàng tin tưởng từ bỏ chính mình mà đi theo kẻ mạnh mẽ hơn. Hắn đã đứng bên bờ biển, ngả người về phía biển cả, chuẩn bị nhảy xuống cùng với con mồi của mình - khi đó Agnes nhìn hắn một lần nữa, không rụt rè, không nghi ngại, không tự hào về phúc phận của mình, không say sưa với niềm khao khát, mà là với đức tin tuyệt đối đặt vào hắn, với sự khiêm nhường tuyệt đối, giống như một bông hoa thấp hèn nàng ý thức về mình như vậy; bằng cái nhìn đó nàng giao phó toàn bộ số mệnh của mình cho hắn với niềm tin tưởng tuyệt đối. Và, hãy nhìn xem! Biển cả không rền rĩ nữa, âm thanh điên cuồng của nó đã trở nên câm lặng, niềm đam mê của tự nhiên vốn dĩ là sức mạnh của người cá đã bỏ rơi hắn trong cơn hoạn nạn, một sự câm lặng chết chóc bao trùm - và Agnes vẫn tiếp tục nhìn hắn như vậy. Rồi thì người cá sụp đổ, hắn không thể cưỡng lại sức mạnh của sự ngây thơ, bản tính tự nhiên của hắn đã phản bội hắn, hắn không thể quyến rũ Agnes. Hắn đưa nàng quay trở về, hắn giải thích cho nàng rằng hắn chỉ muốn chỉ cho nàng thấy biển cả đẹp đến nhường nào khi nó yên tĩnh, và Agnes tin hắn. Rồi thì hắn quay trở lại một mình và biển cả nổi cơn cuồng nộ, nhưng nỗi tuyệt vọng bên trong người cá còn cuồng nộ hơn. Hắn có thể quyến rũ Agnes, hắn có thể quyến rũ hàng trăm Agnes, hắn có thể làm mê đắm bất cứ cô gái nào - nhưng Agnes đã chiến thắng, và người cá đã mất nàng. Nàng mới chỉ trở thành của hắn với tư cách là một con mồi mà thôi; hắn không thể thuộc về bất cứ cô gái nào mãi mãi, bởi vì rốt cuộc hắn cũng chỉ là một người cá mà thôi. Ở đây tôi đã tự ý chỉnh sửa chút xíu25 về người cá; về căn bản tôi cũng có chỉnh sửa Agnes đôi chút, bởi trong truyền thuyết Agnes không hoàn toàn vô tội - và nói chung hoàn toàn vô lý và quá là nịnh đầm và cũng là một sự xúc phạm đối với nữ giới khi cho rằng trong một cuộc mồi chài dụ dỗ, cô gái hoàn toàn, hoàn toàn, hoàn toàn không có lỗi một chút nào. Trong truyền thuyết, Agnes là, tôi xin phép hiện đại hóa lối diễn đạt của mình một chút, một người đàn bà thèm khát “sự thú vị”, và cứ có một người đàn bà kiểu như thế thì chắc chắn lại có một người cá ở ngay gần đó, bởi chỉ bằng nửa con mắt bọn người cá cũng có thể đánh hơi thấy những loại đàn bà như vậy và lao về phía ấy như cá mập lao theo con mồi. Do đó thật ngu xuẩn khi cho rằng (hay đây liệu có phải là một lời đồn đại mà người cá loan truyền rộng khắp hay không?) cái-gọi-là sự tu dưỡng có thể bảo vệ một cô gái chống lại sự mồi chài quyến rũ. Không, cuộc sống công bằng và sòng phẳng hơn nhiều; chỉ có duy nhất một phương tiện bảo vệ mà thôi, ấy là sự ngây thơ.

Giờ thì chúng ta sẽ ban cho người cá một ý thức nhân tính và giả sử rằng việc hiện hữu với tư cách người cá của hắn cho thấy rằng trong tiền kiếp hắn là một con người và chính cái nhân quả tiền kiếp đã khiến cho kiếp này hắn phải mang hình hài người cá. Chẳng có gì ngăn cản hắn trở nên một người anh hùng, bởi giờ đây hắn đang bước tới sự giải hòa. Hắn được Agnes cứu rỗi, kẻ mị tình hoàn toàn bị khuất phục, hắn cúi đầu trước sức mạnh của sự ngây thơ, hắn không bao giờ có thể mị tình quyến rũ người khác được nữa. Nhưng đồng thời hai sức mạnh đang tranh đấu trong con người hắn: sự ăn năn và Agnes cùng với sự ăn năn. Nếu chỉ có sự ăn năn chiếm hữu con người hắn, thì hắn sẽ bị che giấu; nếu Agnes và sự ăn năn chiếm hữu được hắn, thì hắn sẽ được khải thị.

Giờ nếu chỉ có sự ăn năn choán lấy người cá và hắn vẫn bị che giấu thì hắn cố nhiên sẽ làm cho Agnes bất hạnh; bởi Agnes yêu hắn bằng tất cả sự ngây thơ của nàng, nàng tin rằng vào cái khoảnh khắc khi mà ngay cả với nàng hắn cũng đã có vẻ thay đổi, bất kể hắn che giấu nó tài tình đến mức nào đi chăng nữa, hắn đã thật lòng khi nói rằng hắn chỉ muốn cho nàng thấy vẻ đẹp tĩnh lặng của biển cả. Tuy nhiên, trên phương diện mê đắm, chính người cá thậm chí còn trở nên bất hạnh hơn, bởi hắn yêu Agnes với bội phần mê đắm và phải mang bên mình một tội lỗi mới. Cái thành tố ma quỷ của sự ăn năn giờ đây chắc chắn sẽ giải thích cho hắn rằng đây chính là sự trừng phạt của hắn [cho những lỗi lầm trước kia của hắn], và rằng nó càng hành hạ hắn bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.

Nếu hắn nộp mình cho cái thành tố ma quỷ này, thì có lẽ hắn sẽ vẫn thực hiện một nỗ lực khác để cứu vớt Agnes, giống như, trên một phương diện nào đó, người ta có thể cứu người bằng phương tiện của ma quỷ. Hắn biết rằng Agnes yêu hắn. Nếu hắn có thể giành lấy tình yêu này từ Agnes, thì ở một chừng mực nào đó nàng sẽ được cứu vớt. Nhưng bằng cách nào? Người cá quá khôn ngoan đến nỗi hắn không tin rằng một lời tự thú thành thật sẽ khuấy động sự ghê tởm nơi nàng. Hắn do vậy có lẽ sẽ thử kích động tất cả những đam mê đen tối trong nàng, sẽ khinh miệt nàng, nhạo báng nàng, đem tình yêu của nàng ra mà cười cợt, nếu có thể hắn sẽ kích động lòng kiêu hãnh nơi nàng. Hắn sẽ không miễn thứ cho mình khỏi bất kỳ nỗi thống khổ nào; bởi đây là một mâu thuẫn sâu sắc của kẻ quỷ quyệt này, và trên một phương diện nào đó thì cái thiện tâm ngụ trong lòng một gã quỷ quyệt chắc chắn còn lớn hơn cái thiện tâm của những kẻ tầm thường. Agnes càng ích kỷ bao nhiêu, thì nàng càng dễ bị lừa gạt bấy nhiêu (bởi chỉ những người thiếu kinh nghiệm mới nghĩ rằng dễ lừa gạt sự ngây thơ; cuộc đời vốn dĩ thâm sâu, và thực tế cho thấy điều dễ nhất ở trên đời là việc kẻ khôn khoan lừa phỉnh kẻ khôn ngoan) - nhưng tất cả những gì kinh khủng hơn sẽ là những nỗi thống khổ của người cá. Mưu chước lừa gạt của hắn càng sắp đặt xảo quyệt bao nhiêu, thì Agnes càng rụt rè che giấu hắn nỗi thống khổ của nàng ít đi bấy nhiêu; nàng sẽ viện đến hết thảy mọi phương tiện, không phải là không có tác dụng, không phải để lung lạc hắn mà là để hành hạ hắn.

Vậy nên nhờ phương tiện của ma quỷ người cá mong muốn trở nên cái cá thể, với tư cách là cái cá biệt, đứng cao hơn cái phổ quát. Quỷ dữ có cùng đặc tính với thần thánh ở chỗ cái cá thể có thể đi vào trong mối liên hệ tuyệt đối với nó. Đây là sự tương tự, là sự đối chiếu với cái nghịch lý mà chúng ta đang nói tới. Nó do vậy mang một sự tương đồng nào đó vốn có thể bị sai lạc. Vì thế, người cá rõ ràng có chứng cớ biện minh cho sự im lặng của mình, rằng nhờ vậy mà hắn chịu đựng tất cả những nỗi thống khổ của mình. Tuy vậy, việc hắn có thể được nói ra là hoàn toàn chắc chắn, chuyện này không ai có thể nghi ngờ. Hắn do vậy có thể trở nên một anh hùng bi kịch, với tôi là một anh hùng bi kịch ở tầm vĩ đại, nếu hắn nói ra. Có lẽ chỉ vài người có thể hiểu được thành tố của sự vĩ đại này bao gồm những gì26. Khi đó hắn sẽ có đủ dũng khí để giải phóng mình ra khỏi tất cả những trò tự lừa phỉnh chính bản thân rằng hắn có khả năng làm cho Agnes hạnh phúc bằng thủ đoạn; hắn sẽ có đủ dũng khí để khuất phục Agnes, nói theo ngôn ngữ của nhân gian. Ở đây tôi chỉ muốn đưa ra một nhận xét có tính tâm lý mà thôi. Agnes càng được xây dựng một cách vị kỷ bao nhiêu, thì cái sự tự lừa phỉnh sẽ càng rõ ràng bấy nhiêu; thực ra người ta không phải là không nhận thức được rằng trên thực tế người cá bằng sự khôn khéo quỷ quyệt, nói theo ngôn ngữ của nhân gian, có thể không chỉ cứu được một Agnes mà còn khơi gợi ra một cái gì đó hết sức phi thường từ con người nàng; bởi quỷ dữ biết cách rút lấy sức mạnh từ một kẻ thậm chí yếu nhất trong tất cả mọi người, và theo cách của mình nó có thể có những ý định cao cả nhất với con người.

Người cá đang đứng ở cực điểm biện chứng. Nếu hắn được cứu ra khỏi cái thành tố ma quỷ của sự ăn năn, thì sẽ có hai con đường mở ra cho hắn. Hắn có thể kìm nén bản thân, vẫn ở trong sự che đậy, nhưng không lệ thuộc vào sự khôn ngoan của mình nữa. Hắn chẳng đi vào, với tư cách là cái cá thể, trong mối liên hệ tuyệt đối với cái ma quỷ mà tìm thấy sự yên bình trong cái phản nghịch lý rằng thần thánh sẽ cứu vớt Agnes. (Chính vì thế mà thời Trung cổ sẽ thực hiện hành động này, bởi trong suy nghĩ của nó người cá đương nhiên sẽ hiến mình cho tu viện.) Hoặc hắn có thể được cứu vớt thông qua Agnes. Giờ đây điều này không được phép hiểu theo nghĩa rằng tình yêu của Agnes có thể sẽ cứu vớt hắn thoát khỏi kiếp của một kẻ mị tình trong tương lai (đây là một nỗ lực cứu vớt theo kiểu mỹ học, nó luôn lẩn tránh điểm mấu chốt của vấn đề, ấy là sự tiếp diễn có tính liên tục của cuộc đời của người cá); bởi xét trên bình diện đó hắn đã được cứu vớt. Chừng nào hắn còn được khải thị thì chừng đó hắn còn được cứu vớt. Rồi hắn cưới Agnes. Thế nhưng hắn vẫn phải nương tựa vào cái nghịch lý. Bởi khi mà cá thể, thông qua tội lỗi của mình, đi ra ngoài cái phổ quát, thì hắn chỉ có thể trở lại bằng cách, với tư cách là cái cá thể, đi vào trong mối liên hệ tuyệt đối với cái tuyệt đối. Ở đây tôi sẽ đưa ra một nhận xét mà trong đó tôi sẽ đề cập nhiều hơn tất cả những cái đã được tôi đề cập ở phần trước27. Tội lỗi không phải là cái trực tiếp đầu tiên, tội lỗi là cái trực tiếp kế tiếp. Bằng cách phạm tội, cá thể đã đứng cao hơn (xét theo chiều hướng của cái nghịch lý ma quỷ) cái phổ quát, bởi vì nó là một mâu thuẫn đối với cái phổ quát trong việc muốn áp đặt chính cái phổ quát lên kẻ vốn thiếu cái conditio sine qua non [điều kiện thiết yếu]. Nếu triết học, vốn cùng một giuộc với nhũng trò đỏng đảnh ngạo mạn khác, cho rằng nó có thể khiến cho ai đó muốn thực hành làm theo những điều nó dạy bảo thì từ đó ắt chỉ có thể nảy ra một vở hài kịch mà thôi. Một ngành luân lý học mà xem nhẹ chuyện tội lỗi thì đó ắt là một ngành tri thức hoàn toàn phù phiếm; nhưng một khi nó thừa nhận tội lỗi thì nó eo ipso [nhờ thế mà] vượt qua chính mình. Triết học dạy rằng cái trực tiếp cần phải bị triệt tiêu. Điều đó đúng; nhưng điều không đúng là cái điều rằng tội lỗi chính là cái trực tiếp, bất cứ điều gì không phải là đức tin đều chính là cái trực tiếp.

Miễn là tôi di chuyển trong những phạm vi này, thì mọi thứ đều xuôi chèo mát mái, nhưng trên thực tế ngay cả điều nói ở đây cũng không lý giải được cho Abraham một chút nào; bởi không phải vì tội lỗi mà Abraham trở nên cái cá thể, mà trái lại, ông là một người công chính, là người được Thiên Chúa chọn. Vậy nên bất kỳ cái gì tương tự như Abraham chỉ có thể trở nên rõ ràng sau khi cái cá thể đã được đưa tới chỗ có thể thực thi được cái phổ quát, và giờ đây cái nghịch lý lại lặp lại chính nó.

Hành động của người cá tôi có thể hiểu được, trong khi tôi lại không thể hiểu nổi Abraham; bởi chính là thông qua cái nghịch lý mà người cá đi tới chỗ nhận biết cái phổ quát. Bởi nếu hắn vẫn ở trong tình trạng bị che giấu và bắt đầu đắm chìm vào trong tất cả những nỗi đau của sự ăn năn, thì hắn sẽ trở nên loài quỷ dữ và vì thế sẽ bị hủy diệt hoàn toàn. Nếu hắn vẫn ở trong tình trạng bị che giấu nhưng lại không suy nghĩ một cách khôn ngoan rằng bằng việc hành hạ mình trong gánh nặng của nỗi ăn năn hắn có thể giải thoát cho Agnes, thì khi đó chắc chắn hắn sẽ tìm được sự bình yên nhưng lại trở thành kẻ hư mất trong thế giới này. Nếu hắn được khải thị và để cho mình được Agnes cứu vớt, thì hắn là kẻ vĩ đại nhất mà tôi có thể hình dung được; bởi chỉ có mỹ học mới khinh suất đến độ tán dương sức mạnh của tình yêu bằng cách để cho con người lạc lối kia được một cô gái ngây thơ yêu và nhờ đó được cứu vớt; chỉ có mỹ học mới có thể sai lầm trong việc nhìn nhận và cho rằng cô gái là một anh thư chứ không nghĩ rằng người cá mới là kẻ anh hùng. Vậy nên người cá không thể thuộc về Agnes mà không, sau khi thực hiện hành động ăn năn vô hạn, thực hiện thêm một hành động khác nữa, một hành động nhờ sự phi lý. Hắn có thể thực hiện hành động ăn năn bằng chính năng lực của mình, nhưng vì nó mà hắn dùng hết sạch toàn bộ năng lực của mình và do đó hắn không thể bằng năng lực của mình quay trở về và giành lại thực tại được nữa. Nếu một người không có đủ đam mê để thực hiện một trong hai hành động này, nếu hắn sống bệ rạc suốt cả cuộc đời, ăn năn một chút, và nghĩ rằng mọi thứ còn lại sẽ tự nó xoay xở ổn thỏa, thì kẻ đó đã dứt khoát từ bỏ việc sống có mục đích, và vì thế có thể dễ dàng vươn tới cái tối cao cũng như giúp đỡ kẻ khác vươn tới nó, tức là tự lừa phỉnh chính mình và đồng thời lừa phỉnh người khác bằng cái quan niệm rằng trong thế giới tinh thần mọi thứ vận hành giống như trong một ván bài mà ở đó mọi thứ tùy thuộc vào may rủi. Do đó người ta hẳn phải cảm thấy nực cười khi nhận thấy rằng thật kỳ quặc làm sao khi trong một thời đại mà hết thảy mọi người đều có thể vươn tới cái tối cao, thì nỗi ngờ vực về sự bất tử của linh hồn lại có thể phổ biến rộng khắp đến thế; bởi quả thực ngay cả người chỉ thực hiện đúng một hành động vô hạn duy nhất cũng khó có thể là kẻ hoài nghi được. Những kết luận về đam mê là cái duy nhất đáng tin cậy, tức là những kết luận duy nhất có tính thuyết phục. May mắn thay, cuộc sống ở đây còn tử tế và trung thành hơn so với nhận định của những kẻ khôn ngoan, bởi nó không loại trừ một ai ngay cả những kẻ thấp hèn nhất, nó cũng không lừa gạt một ai, bởi trong thế giới tinh thần chỉ kẻ nào tự lừa gạt chính mình mới là kẻ bị lừa gạt mà thôi. Quan điểm chung của tất cả mọi người - và nếu tôi tự cho phép mình được quyền nhận xét, thì đó cũng chính là quan điểm của tôi - đều cho rằng vào tu viện không phải là cái tối cao; nhưng hoàn toàn không phải vì thế mà tôi cho rằng ngày nay không ai vào tu viện không có nghĩa là tất cả mọi người đều vĩ đại hơn những con người sâu sắc và đứng đắn đã tìm được sự yên nghỉ trong đó. Có bao nhiêu người trong thời đại của chúng ta có đủ đam mê để nghĩ như thế và rồi để tự phán xét mình một cách trung thực nhất? Chính cái suy nghĩ về việc mất thời gian cho nỗi dằn vặt lương tâm, về việc bỏ thời gian để khám phá mọi ý nghĩ thầm kín bằng sự thận trọng tỉnh táo, để mà nếu người ta không liên tục thực hiện hành động bằng sự cao cả và thần thánh vốn có ở trong con người thì họ có thể trong nỗi bất an và khiếp hãi phát hiện ra28 và thông qua nỗi bất an, nếu không phải cái gì khác, khơi gợi lên những xúc cảm đen tối vốn dĩ nằm ẩn giấu trong mọi đời người, trong khi, trái lại, khi sống trong xã hội với kẻ khác, người ta dễ dàng quên đi, dễ dàng bỏ qua, bị chế ngự trên nhiều phương diện khác nhau, có cơ hội làm lại từ đầu - chính cái suy nghĩ này, được nhìn nhận bằng tất cả lòng tôn kính, có thể, theo tôi, đã chế ngự rất nhiều người trong thời đại chúng ta, những kẻ vốn tưởng rằng mình đã vươn tới cái tối cao. Nhưng chuyện này người ta chẳng mấy bận tâm trong thời đại chúng ta, cái thời đại vốn nghĩ rằng nó đã vươn tới cái tối cao, trong khi thực sự không một thời đại nào lại là nạn nhân của sự khôi hài như nhiều thời đại của chúng ta. Và thật không thể nào mà hiểu nổi tại sao thời đại này vẫn chưa, bằng một generatio aequivoca [sự sinh sản tự phát], cho ra đời người anh hùng của nó, chính là con ác quỷ, kẻ tàn nhẫn đưa lên sân khấu những cảnh tượng kinh hoàng khiến cho toàn bộ thời đại bật cười và quên đi rằng nó đang chê cười chính nó. Thực sự mà nói thì cuộc sống này có gì đáng giá hơn là chuyện nó bị cười chê đâu, khi mà con người ta ở tuổi hai mươi đã vươn tới cái tối cao? Và thời đại này liệu có thể tìm thấy một hành động nào cao hơn đây, khi mà thiên hạ giờ đây không còn vào tu viện nữa? Há chẳng phải sự khôn ngoan lọc lõi, sự thận trọng, sự hèn nhát - tất cả đều đáng khinh, lại được ngồi ở chỗ danh cao vọng trọng - đang bằng sự ti tiện của mình khiến cho thiên hạ tin rằng họ đã đạt được cái tối cao và thậm chí nó còn quỷ quyệt ngăn cản họ nỗ lực thực hiện những việc kém cỏi hơn hay sao? Kẻ nào thực hiện hành động có tính chất tu viện thì kẻ đó chỉ có một hành động duy nhất để làm, ấy là, hành động của sự phi lý. Có bao nhiêu người trong thời đại của chúng ta hiểu được sự phi lý là gì? Có bao nhiêu người trong thời đại của chúng ta sống bằng cách từ bỏ hết thảy và đạt được hết thảy? Có bao nhiêu người tuyệt đối trung thực đến độ biết được cái mà mình có thể làm và cái mà mình không thể? Và liệu có đúng là có những người như vậy không, những kẻ phần lớn được tìm thấy giữa những người kém văn minh và phần nào được tìm thấy giữa những người đàn bà? Giống như một kẻ quỷ quyệt luôn bộc lộ chính mình mà lại chẳng hiểu chính mình, thời đại này bộc lộ ra khiếm khuyết của mình trong khả năng thấu thị, bởi nó liên tục đòi hỏi sự hài hước. Nếu như đây thực sự là cái mà thời đại này cần thì nhà hát có lẽ cũng cần có một vở kịch mới mà trong đó kẻ nào chết vì tình ắt sẽ bị coi là chuyện khôi hài. Hay liệu có tốt hơn chăng cho thời đại này nếu một thứ như vậy thực sự xảy đến với một trong số chúng ta, nếu thời đại này phải chứng nghiệm một điều như thế, cốt cho nó có được một lần đủ dũng khí để tin vào sức mạnh của tinh thần, đủ dũng khí để từ bỏ việc hèn hạ dập tắt những cơn đột hứng tốt đẹp của chính mình, để từ bỏ việc đố kị dập tắt những cơn đột hứng tốt đẹp của người khác - bằng tiếng cười? Phải chăng thời đại này thực sự cần có một Erscheinung [màn phô diễn] lố bịch của một người tâm huyết cốt để có cái gì đó mà đem ra cười cợt? Hay phải chăng nó chẳng cần đến một kẻ tâm huyết như vậy để gợi nhắc đến cái đã bị chính nó lãng quên?

Nếu người ta muốn có một câu chuyện tương tự nhưng cảm động hơn bởi nỗi đam mê ăn năn vẫn còn chưa được đánh thức, thì họ có thể dùng một câu chuyện kể trong sách Tobia29 cho mục đích này. Chàng thanh niên Tobias muốn cưới Sarah con gái của Raguel và Edna. Nhưng có một định mệnh chết chóc treo lơ lửng trên đầu nàng thiếu nữ này. Nàng được gả cho bảy người chồng, tất cả đều chết yểu trong phòng cưới. Đối với kịch bản của tôi, thì đây là một khiếm khuyết của câu chuyện, bởi người ta sẽ cảm thấy một hiệu ứng khôi hài gần như khôn cưỡng khi nghĩ về bảy lần nỗ lực trong vô vọng của cô gái trẻ trên con đường đi tới hôn nhân dù rằng nàng đã ở rất gần nó, giống hệt như chuyện một sinh viên thi trượt tốt nghiệp tới tận bảy lần. Trong sách Tobia, giọng điệu nằm ở chỗ khác, do vậy con số lớn là rất quan trọng và trên bình diện nào đó góp phần vào ý nghĩa bi kịch, bởi nó làm tăng sự cao quý của Tobias, một phần là vì chàng là đứa con trai duy nhất của cha mẹ chàng (6:14) và một phần là bởi sự cản trở diễn ra hết sức mạnh mẽ. Vậy nên đặc điểm này cần phải bị loại ra. Sarah lúc đó là một trinh nữ chưa bao giờ yêu, người vẫn còn nâng niu cái ý niệm của một trinh nữ trẻ về hạnh phúc, vẫn còn nâng niu cái tài sản cầm cố to lớn của mình trong cuộc đời, vẫn còn nâng niu cái Vollmachtbrief zum Glücke [tín thư bảo đảm hạnh phúc]30. của mình, nâng niu cái đặc ân được yêu một người đàn ông bằng toàn bộ trái tim mình. Thế nhưng nàng vẫn là một trinh nữ bất hạnh nhất, bởi nàng biết rằng con quỷ dữ vốn yêu nàng thể nào cũng sẽ giết chết chú rể vào đêm tân hôn. Tôi đã đọc được không biết bao nhiêu chuyện sầu muộn, nhưng tôi ngờ rằng liệu người ta còn có thể tìm thấy được ở đâu một nỗi sầu muộn sâu thẳm như nỗi sầu trong cuộc đời người con gái này không. Tuy thế, nếu tai họa đến từ bên ngoài, thì người ta thể nào cũng tìm thấy niềm an ủi ở đâu đó. Mặc dù cuộc sống không mang đến cho người ta thứ có thể khiến họ trở nên hạnh phúc đi chăng nữa, thì vẫn còn đó sự an ủi khi nghĩ rằng họ đáng ra đã có thể đón nhận nó. Nhưng thật là một nỗi sầu muộn không thể nào đo đếm được, nỗi sầu muộn mà thời gian không bao giờ có thể xua tan được, nỗi sầu muộn mà thời gian không bao giờ có thể chữa lành được - ấy chính là nỗi sầu muộn khi biết rằng tất cả đều vô vọng mặc dầu cuộc sống đã làm tất cả những gì có thể! Một tác giả Hy Lạp che giấu đến vô hạn trong naiveté [sự ngây thơ] đơn giản của mình khi ông nói: πάντοως γάρ ούδεις Ερωτα έφυγεν η φευξεται, μέχρι αν κάλλος η καί όφθαλμοι βλέπωσιν [Bởi chưa từng có một kẻ nào hoàn toàn thoát ra được tình yêu hoặc sẽ không bao giờ có kẻ nào thoát ra được nó, chừng nào mà sắc đẹp vẫn còn đó và con mắt vẫn còn để nhìn]. (Xem: Longus, Pastoralia). Có nhiều cô gái trở nên bất hạnh khi yêu, nhưng đấy là rốt cuộc họ đã trở nên như vậy, Sarah đã là như vậy trước khi cô trở nên như vậy. Nghiệt ngã làm sao khi không tìm được người mà ta có thể dâng hiến bản thân mình cho người đó, nhưng còn nghiệt ngã đến mức không thể nào tả xiết khi không thể dâng hiến bản thân mình. Một cô gái dâng hiến bản thân mình, và rồi người ta nói, “Giờ thì cô ấy không còn tự do nữa”; nhưng Sarah chưa bao giờ được tự do, thế nhưng nàng chưa bao giờ dâng hiến bản thân mình. Nghiệt ngã làm sao khi một cô gái dâng hiến bản thân mình và rồi bị lừa gạt, nhưng Sarah bị lừa gạt trước khi nàng dâng hiến bản thân mình. Quả là một thế giới u buồn ghê gớm đang đón đợi, khi rốt cuộc Tobias lại muốn cưới Sarah! Quả là những đám cưới kỳ khôi! Thật là những sửa soạn cưới xin kỳ quái! Không một trinh nữ nào từng bị lừa gạt đến như Sarah, bởi nàng bị lừa gạt lấy đi cái hạnh phúc nhất cao hơn hết thảy, lấy đi sự giàu có tuyệt đỉnh mà ngay cả một cô gái nghèo khổ nhất cũng có, bị lừa gạt lấy đi lòng thành tâm xả kỷ đầy quả quyết, không giới hạn, không chừng mực, không kiềm chế; bởi trước hết cần phải thực hiện nghi thức tẩy uế bằng cách đặt trái tim của con cá và lá gan của nó lên trên những hòn than rực lửa31. Và hãy nghĩ mà xem, người mẹ đã phải từ biệt đứa con gái của mình như thế nào, đứa con vốn bị lừa gạt lấy đi tất cả và đến lượt mình bắt buộc phải lừa gạt chính người mẹ đẻ của mình để lấy đi tài sản đẹp đẽ nhất của bà. Ta hãy đọc đoạn sau. “Edna đi vào phòng trải giường, và dẫn Sarah vào. Bà òa lên khóc, rồi lau nước mắt cho con gái mình và nói với cô: ‘Con ơi, hãy tin tưởng! Xin Đức Chúa trên trời cho buồn phiền của con biến thành hoan lạc. Cứ tin tưởng đi con!’”. Và rồi tiếp theo là khoảnh khắc của hôn ước! Chúng ta hãy đọc cái này, nếu có thể đọc để mà khóc. “Khi thân nhân đã ra khỏi phòng và đóng cửa lại, Tobias ngồi dậy, ra khỏi giường và nói với Sarah: ‘Đứng lên, em! Chúng ta hãy cầu nguyện, nài xin Đức Chúa để Người xót thương và ban ơn cứu độ cho chúng ta!’” (8:4).

Nếu một thi sĩ đọc được chuyện này, nếu hắn định sử dụng nó, thì tôi cá một trăm ăn một rằng hắn sẽ hoàn toàn tập trung vào chàng trai trẻ Tobias. Lòng anh dũng quả cảm của chàng khi sẵn sàng mạo hiểm tính mạng của mình trước mối hiểm nguy rõ rành rành như vậy, mà đoạn kể gợi nhắc một lần nữa, trong buổi sáng sau lễ cưới, Raguel nói với Edna, “Em hãy sai một trong mấy tớ gái, bảo nó vào xem Tobias còn sống hay đã chết, để nếu có làm sao chúng ta sẽ chôn nó và không ai biết cả”. (8:12) - Lòng anh dũng quả cảm này hẳn sẽ là chủ đề cho thi nhân. Tôi xin được tự ý đưa ra một chủ đề khác. Tobias hành động một cách can đảm, kiên quyết và hào hiệp, nhưng kẻ nào mà không có được cái dũng khí đó thì kẻ ấy hẳn là một gã nhu nhược được nuông chiều thái quá, kẻ chẳng biết tình yêu là gì, hay cần phải làm gì để trở nên một người đàn ông thực thụ, hoặc điều gì đáng để ta sống; hắn sẽ thậm chí chẳng nắm được một bí quyết nhỏ nhoi, rằng tốt hơn là nên ban cho hơn là nhận lãnh32, và chẳng biết gì về cái bí quyết vĩ đại, rằng còn khó hơn rất nhiều khi nhận lãnh hơn là ban cho - tức là, nếu người ta có dũng khí để làm việc đó mà không cần đến dũng khí và trong giờ khắc cần thiết không tỏ ra là kẻ hèn nhát. Không, Sarah mới chính là bậc anh thư. Tôi muốn được lại gần nàng bởi tôi chưa bao giờ lại gần bất kỳ cô gái nào mà cũng chưa bao giờ cảm thấy cám dỗ thôi thúc trong ý nghĩ muốn được lại gần bất cứ cô gái nào mà tôi đã đọc được. Kẻ nào sẵn lòng mong được chữa lành cho dù ngay từ đầu họ đã bị khiếm khuyết mà không phải do lỗi của mình, ngay từ đầu họ đã thuộc hạng người khốn khổ bất hạnh rồi, tình yêu dành cho Thiên Chúa của kẻ đó mới vĩ đại làm sao! Kẻ nào dám gánh lấy trách nhiệm cho phép người mình yêu dấu thực hiện một kỳ công táo bạo như thế, kẻ đó mới thật trưởng thành về mặt đạo đức làm sao! Trước mặt người khác điều ấy mới thật khiêm nhường làm sao! Trong khoảnh khắc tiếp theo nàng sẽ không ghét bỏ người chồng mà nàng đã mắc nợ tất cả mọi thứ, đức tin nơi Thiên Chúa ấy mới thật kỳ vĩ làm sao!

Hãy thử tưởng tượng Sarah là đàn ông, và loài ác quỷ ở ngay gần đó. Bản tính tự tôn và cao quý có thể chịu đựng mọi thứ, nhưng có một thứ mà nó không thể nào chịu đựng được, ấy là lòng trắc ẩn. Lòng trắc ẩn ngụ ý trong nó một sự sỉ nhục ngấm ngầm của một người trên dành cho kẻ dưới, bởi người ta không bao giờ có thể trở thành đối tượng của lòng trắc ẩn của chính bản thân mình được. Nếu hắn phạm tội, thì hắn có thể phải chịu hình phạt cho tội lỗi đó mà không cảm thấy tuyệt vọng; nhưng làm kẻ vô tội từ trong bụng mẹ và đồng thời lại là vật hiến tế dành riêng cho lòng trắc ẩn, là một thứ hương vị ngọt ngào của trong lỗ mũi của lòng trắc ẩn, thì điều ấy hắn không sao chịu đựng nổi. Lòng trắc ẩn có một khả năng biện chứng kỳ lạ, ở một thời điểm nó đòi hỏi tội lỗi, ở thời điểm tiếp theo nó sẽ chối bỏ, và vì thế đối với cá thể nào mà số mệnh tiền định cho hắn thành đối tượng của lòng trắc ẩn, sự tiền định này càng kinh hoàng bao nhiêu thì tai họa của hắn càng nằm trong chiều hướng tinh thần bấy nhiêu. Nhưng không tội lỗi nào được gán cho Sarah, nàng bị đẩy vào cái vai trò nạn nhân của mọi nỗi thống khổ và thêm vào đó phải còn chịu đựng sự hành hạ của lòng trắc ẩn, bởi ngay cả tôi, kẻ vốn ca tụng nàng còn nhiều hơn cả Tobias yêu nàng, ngay cả tôi cũng không thể nhắc đến tên nàng mà không thốt lên “Cô gái tội nghiệp!”. Hãy thử đặt một người đàn ông vào vị trí của Sarah và cho hắn biết rằng nếu hắn định yêu một cô gái thì một hồn ma nơi địa ngục sẽ tới và giết chết người hắn yêu ngay trong đêm tân hôn, thì chắc hẳn hắn sẽ chọn cái ma quỷ, hắn sẽ câm lặng không nói với một ai một lời và thầm thì, theo cách mà một kẻ mang bản tính ma quỷ vẫn thường thầm thì, “Cảm ơn nhiều, tôi không quen với những lối nói khách sáo và dông dài, tôi hoàn toàn không cần đến niềm hoan lạc của tình yêu, tôi có thể trở nên một Con yêu Râu Xanh33, có được khoái cảm khi nhìn thấy những trinh nữ bỏ mạng trong đêm tân hôn”. Thường thì người ta ít được nghe kể về ma quỷ, mặc dù đây là một lĩnh vực có quyền đòi hỏi chính đáng là được khám phá, nhất là trong thời đại của chúng ta, và mặc dù người quan sát - nếu hắn biết cách nào đó để có thể thiết lập một mối liên hệ với đám ma quỷ - có thể sử dụng hầu như bất cứ ai, ít ra là trong giây lát. Trên phương diện này, Shakespeare là và sẽ vẫn mãi là một anh hùng. Con quỷ dữ kinh tởm đó, một hình tượng quỷ quyệt nhất mà Shakespeare mô tả và mô tả một cách vô song, đó chính là công tước xứ Gloucester (sau này trở thành vua Richard Đệ Tam)34 - điều gì khiến hắn trở nên một con quỷ? Hiển nhiên đó chính là vì hắn không thể chịu đựng nổi lòng trắc ẩn mà hắn đã phải chịu suốt từ thời thơ ấu. Đoạn độc thoại của hắn trong hồi thứ nhất của vở kịch Richard Đệ Tam đáng giá hơn tất cả những hệ thống đạo đức, những cái vốn không có một chút ý niệm mơ hồ nào về những điều kinh hoàng của cuộc sống hay sự kiến giải về chúng.

… Ich, roh geprägt, und aller Reize baar.

Vor leicht sich dreh’nden Nymphen mich zu brüsten;

Ich, so verkürzt urn schönes Ebenmass,

Geschändet von der tückischen Natur,

Entstellt, verwahrlost, vor der Zeit gesandt

In diese Welt des Athmens, halb kaum fertig

Gemacht, und zwar so lahm und ungeziemend,

Dass Hunde bellen, hink’ ich wo vorbei.

[Ta, kẻ bị nhào nặn thô bạo, và muốn có được vẻ uy nghi của tình yêu

Để được bước khệnh khạng trước một nữ thần thong dong đỏng đảnh;

Ta, kẻ bị cướp đi sự cân đối khả ái này,

Bị tự nhiên mờ ám lừa lấy đi nét đặc trưng,

Bị dị dạng, bị dở dang, bị gửi đến quá sớm trước thời của ta

Vào trong thế giới sống động này một nửa hiếm hoi được tạo ra

Và là kẻ què quặt và lôi thôi đến độ,

Lũ chó sủa vào ta mỗi khi ta dừng lại trước chúng35.]

Những bản tính như bản tính của công tước xứ Gloucester người ta không thể cứu vớt được bằng cách trung giới chúng vào trong ý niệm của xã hội. Luân lý trên thực tế chỉ làm trò cho chúng, cũng như hẳn sẽ là một sự nhạo báng đối với Sarah nếu người ta nói với cô, “Sao cô không biểu đạt cái phổ quát và kết hôn đi?”. Về cơ bản những bản tính như vậy hoàn toàn nằm trong cái nghịch lý và không khiếm khuyết nhiều hơn những người khác một chút nào, nhưng bọn chúng hoặc là bị hư mất trong cái nghịch lý ma quỷ hoặc là được cứu rỗi trong cái nghịch lý thần thánh. Người ta vốn luôn hài lòng với cái suy nghĩ rằng bọn phù thủy, yêu quái, quỷ lùn v.v… là những kẻ dị dạng, và không thể chối bỏ rằng mọi người khi nhìn một kẻ dị dạng sẽ ngay lập tức có thiên hướng gán cho kẻ đó cái ý niệm đồi trụy về mặt đạo đức. Thật là một sự bất công ghê gớm! Bởi tình thế này đúng ra phải bị đảo ngược mới phải, rằng chính cuộc sống tự nó đã làm tha hóa chúng, giống như cách bà dì ghẻ khiến cho bọn trẻ con trở nên suy đồi. Sự khởi đầu của cái ma quỷ chính là ở chỗ nó được đặt bên ngoài cái phổ quát ngay từ đầu, bởi tự nhiên hoặc do hoàn cảnh lịch sử, và mặc dù vậy cá thể không hề bị quy tội vì cái ma quỷ này. Do đó gã Do Thái36 trong vở kịch của Cumberland cũng là một loại ác quỷ, mặc dù hắn làm điều thiện. Cũng vì thế mà cái ma quỷ có thể biểu đạt chính nó như một sự khinh miệt dành cho con người, một sự khinh miệt, xin lưu ý điều này, không khiến cho cái ma quỷ tự mình hành xử một cách đáng khinh miệt; mà trái lại sở trường của nó chính là ở chỗ nó ý thức được rằng nó tốt hơn tất cả những kẻ phán xét nó. Về những chuyện như thế này, đám thi sĩ thể nào chẳng là những kẻ đầu tiên nhấn còi báo động. Họa có trời mới biết được cái đám thi sĩ trẻ đương đại đang đọc loại sách khỉ gió gì nữa! Sự học của đám này chắc chỉ toàn học thuộc lòng cách gieo vần mà thôi. Họa có trời mới biết được sự tồn tại của đám ấy trong cuộc sống có ý nghĩa khỉ gió gì nữa! Hiện tại tôi chẳng biết bọn chúng có ích lợi gì khác ngoài cái ích lợi của việc cung cấp một bằng chứng có tính khai trí về sự bất tử của linh hồn, bởi người ta có thể vui mừng mà tự nói với chính mình về bọn này giống hệt như cách Baggesen37 nói về nhà thơ cấp thành phố, Kildevalle, “Nếu hắn mà bất tử, thì tất cả chúng ta cũng thế”. - Tất cả những điều đã nói ở đây về Sarah, hầu hết đều theo phong cách của một nhà sản xuất thi ca và do đó về mặt hiệu quả chỉ hấp dẫn đối với trí tưởng tượng mà thôi, tất cả những điều đó chỉ tìm được ý nghĩa trọn vẹn của nó khi người ta vì sự quan tâm mang tính tâm lý mà tiến hành tìm hiểu ý nghĩa của câu ngạn ngữ: nullum unquam exstetit magnum ingenium sine aliqua dementia [chẳng có thiên tài vĩ đại nào mà lại không có một chút điên khùng cả38.] Bởi cái dementia [sự điên khùng] này là nỗi thống khổ dành cho thiên tài trong cuộc sống, là sự biểu đạt, nếu tôi có thể nói như vậy, của nỗi tị hiềm thần thánh, trong khi tài năng của thiên tài lại là sự biểu đạt của thiện ý thần thánh. Vậy nên ngay từ đầu kẻ thiên tài bị lạc hướng trong mối liên hệ với cái phổ quát và được đưa tới mối liên hệ với cái nghịch lý - hoặc là hắn, trong cơn tuyệt vọng bởi những hạn chế của mình (những hạn chế mà trong mắt hắn chuyển hóa quyền năng tuyệt đối thành sự bất lực), tìm kiếm một sự tái khẳng định ma quỷ và vì thế sẽ không chịu thừa nhận hạn chế này dù là với Thiên Chúa hay với con người, hoặc là hắn tự tái khẳng định mình một cách sùng kính trong tình yêu đối với cái thần thánh. Đây là những chủ đề tâm lý mà, với tôi có vẻ là như vậy, người ta có thể hoan hỉ tận hiến toàn bộ cuộc đời mình cho chúng; thế nhưng hiếm khi chúng ta nghe được một lời nào về chúng. Giữa sự điên khùng và thiên tài có mối liên hệ như thế nào? Liệu chúng ta có thể xây dựng một cái dựa trên cái kia được không? Trên bình diện nào và ở mức độ nào thiên tài có thể làm chủ cơn điên của hắn? Bởi rõ ràng hắn làm chủ nó ở một mức độ nào đó, bởi nếu không hắn đã thực sự là một gã điên. Tuy nhiên, để thực hiện những quan sát kiểu như vậy đòi hòi có sự khéo léo ở mức độ cao và cả tình yêu nữa; bởi để thực hiện việc quan sát những trí tuệ siêu việt là điều hết sức khó khăn. Nếu người ta lưu ý đến điều này khi đọc tác phẩm của những tác giả thiên tài vĩ đại, thì họ hoàn toàn có thể, dù chỉ một lần và dù với rất nhiều khó khăn, phát hiện ra một chút gì đó.

Chúng ta hãy xem xét một trường hợp khác, về một cá thể muốn cứu vớt cái phổ quát bằng cách che giấu và giữ im lặng. Vì mục đích này tôi sẽ dùng đến huyền thoại Faust39. Faust là một kẻ hoài nghi40, một kẻ bỏ đạo chống lại thần khí, kẻ vốn đi theo con đường trụy lạc. Đây chính là cách mà thi nhân kiến giải, và mặc dù cái điều rằng mọi thời đại đều có một Faust của riêng mình cứ liên tục được lặp đi lặp lại, nhưng hết thi sĩ nọ lại đến thi sĩ kia đều không nao núng mà cùng đi theo một vết xe đổ. Chúng ta hãy thực hiện một thay đổi nhỏ. Faust là một kẻ hoài nghi κατ’ εξοχεν [thượng thặng] nhưng hắn còn là một kẻ có bản tính dễ thương. Ngay cả trong cách diễn giải của Goethe về Faust tôi vẫn cảm nhận thấy thiếu một cái nhìn tâm lý thấu suốt vào trong những cuộc hội thoại bí mật của sự hoài nghi với chính nó. Trong thời đại của chúng ta, khi mà hết thảy mọi người đều đã từng trải nghiệm sự hoài nghi, vẫn không một thi sĩ nào đi theo đường hướng này. Vậy nên tôi thậm chí còn nghĩ rằng mình khá có thể biếu họ một ít Trái phiếu Hoàng gia41 để họ viết lên trên đó tất cả những gì họ đã trải nghiệm qua trong lĩnh vực này - bởi có vẻ như họ sẽ không viết nhiều hơn cái khoảng lề trái phía trên là mấy.

Chỉ khi nào người ta đưa Faust quay trở về với chính mình theo cách này, thì khi đó sự hoài nghi mới có thể xuất hiện tính thơ, cũng chỉ khi đó chính hắn mới thực sự phát hiện ra trên thực tế tất cả những nỗi thống khổ của sự hoài nghi. Hắn biết rằng chính tinh thần là cái duy trì cuộc sống, nhưng hắn cũng biết rằng sự an toàn và niềm hân hoan mà con người sống trong đó không được xây dựng dựa trên sức mạnh của tinh thần nhưng lại có thể dễ dàng được diễn giải như một niềm hạnh phúc không suy tư. Là một kẻ hoài nghi, là chính kẻ hoài nghi, Faust đứng cao hơn hết thảy những cái đó, và nếu ai đó định lừa phỉnh hắn bằng cách khiến hắn tin rằng kẻ kia đã từng trải qua sự hoài nghi, hắn sẽ dễ dàng nhìn thấu suốt sự lừa phỉnh đó; bởi kẻ nào đã từng thực hiện một hành động trong thế giới tinh thần, do đó là một hành động vô hạn, thì kẻ đó có thể ngay lập tức nhận biết thông qua lời nói rằng người nói ra lời ấy có phải là một người kinh qua thử thách và kinh nghiệm không, hay chẳng qua cũng chỉ là của một gã Münchhausen mà thôi42. Điều mà một Thiếp Mộc Nhi43 có thể đạt được bằng đám rợ Hung của hắn thì Faust cũng biết cách làm thế nào đạt được bằng sự hoài nghi của mình - ấy là khiến cho người ta hoảng loạn mất tinh thần, để khiến cho thế giới run rẩy dưới chân họ, để ly tán đám đông, để khiến cho tiếng gào rú kinh hãi được nghe ra từ tứ phía. Và nếu thực hiện điều đó, hắn vẫn chưa phải là một Thiếp Mộc Nhi; hắn, theo một nghĩa nào đó, được phép hành động như thế nhờ có sự bảo chứng của tư duy. Nhưng Faust là một kẻ có bản tính dễ thương, hắn yêu cuộc sống, linh hồn hắn không biết đến với việc đố kỵ, hắn nhận thức được rằng hắn không thể kiểm soát được cơn thịnh nộ rất dễ bùng phát nơi hắn, hắn chẳng thèm muốn cái thanh danh của Herostratus44 - hắn cứ làm thinh, hắn che giấu sự hoài nghi bên trong linh hồn hắn còn cẩn thận hơn cả cô gái che giấu dưới trái tim mình trái cấm của tình yêu tội lỗi, hắn nỗ lực hết mức có thể để đi trên cùng một con đường với người khác, nhưng cái diễn ra bên trong hắn thì hắn gặm nhấm một mình mà thôi, và vì thế hắn tự hiến tế bản thân mình cho cái phổ quát.

Thỉnh thoảng, khi một cái đầu lập dị gợn lên một cơn hoài nghi, ta lại nghe thiên hạ nói, “Giá mà hắn cứ làm thinh”. Faust là kẻ thực thi ý tưởng này. Kẻ nào có được một ý niệm về việc sống dựa trên tinh thần nghĩa là gì thì kẻ đó cũng biết thèm khát hoài nghi nghĩa là gì, và cũng biết rằng kẻ hoài nghi thèm khát dưỡng chất tinh thần chẳng kém gì bánh mì cho cuộc sống hằng ngày. Mặc dù tất cả nỗi đau mà Faust phải gánh chịu có thể là một luận điểm rất tốt cho cái điều rằng không phải sự kiêu hãnh chiếm lĩnh hắn, nhưng tôi sẽ dùng đến chút thủ thuật phòng ngừa, cái thủ thuật này do chính tôi tạo ra một cách rất dễ dàng, bởi lẽ cũng giống như Gregory xứ Rimini được gọi là tortor infantium [kẻ hành hình trẻ con]45 do ông tán thành quan điểm đày đọa trẻ con xuống hỏa ngục, cho nên tôi cũng thèm khát muốn được tự xưng là tortor heroum [kẻ hành hình anh hùng]; bởi tôi rất sáng tạo trong việc tra tấn hành hạ người anh hùng. Faust gặp Marguerite - không phải sau khi hắn đã lựa chọn khoái lạc, bởi Faust của tôi không hề chọn khoái lạc - hắn gặp Marguerite, không phải trong cái gương cầu của quỷ Mephistopheles46 mà trong toàn bộ sự ngây thơ của nàng, và bởi linh hồn hắn gìn giữ tình yêu với loài người cho nên hắn hoàn toàn có thể dễ dàng yêu nàng say đắm. Nhưng hắn là một kẻ hoài nghi, sự hoài nghi của hắn đã hủy diệt hiện thực dành cho hắn; bởi Faust của tôi lý tưởng đến mức hắn chẳng thuộc về những kẻ hoài nghi thông thái đó, những kẻ vốn nghi ngờ trong mỗi tiết giảng kéo dài một giờ trên ghế giáo sư, nhưng ngoài ra có thể làm bất cứ điều gì khác, bởi bọn chúng thậm chí thực hiện nó mà không cần đến sự hỗ trợ của tinh thần hay sức mạnh tinh thần. Hắn là một kẻ hoài nghi, và kẻ hoài nghi thèm khát thức ăn tinh thần chẳng kém gì bánh mì hằng ngày của niềm vui. Nhưng hắn vẫn trung thành với quyết tâm của mình và cứ làm thinh, và hắn chẳng nói với ai về sự hoài nghi của hắn, kể cả với Marguerite, tình yêu của hắn.

Rõ ràng Faust là một hình tượng quá lý tưởng nên không thể hài lòng với một chuyện ba láp rằng nếu có nói ra hắn cũng sẽ chỉ tạo ra một cuộc thảo luận chung chung, hoặc là toàn bộ mọi thứ sẽ diễn ra mà không có kết quả gì, hoặc có lẽ thế này, hoặc có lẽ thế kia. (Ở đây, như mọi nhà thơ sẽ dễ dàng nhận thấy, có một yếu tố khôi hài ngấm ngầm trong vở kịch, tức là, nó sẽ đưa Faust vào một mối liên hệ có tính mỉa mai với đám ngu dốt rẻ tiền trong thời đại của chúng ta, những kẻ vốn theo đuổi sự hoài nghi, tạo ra một luận cứ ngoài lề, ví dụ bằng tiến sĩ, để chứng tỏ rằng họ thực sự hoài nghi, hoặc thề thốt rằng họ hoài nghi mọi thứ, hoặc chứng tỏ nó bằng cái sự rằng trong một cuộc hành trình họ đã gặp một kẻ hoài nghi - những sứ giả cấp tốc và những chuyên gia chạy bộ trong thế giới tinh thần này, những người trong cơn vội vã cùng cực, nhận từ người này một lời khuyên nho nhỏ về sự hoài nghi, nhận từ người khác một lời khuyên nho nhỏ về đức tin, và rồi wirtschfte [bán chác] theo cách tốt nhất, tất cả tùy thuộc vào việc giáo đoàn muốn có cát mịn hay cát thô.)47 Faust là một hình tượng quá lý tưởng nên không thể đi chu du bằng đôi dép rơm được. Kẻ nào không có niềm đam mê bất tận thì kẻ đó không phải là người lý tưởng, và kẻ nào có niềm đam mê bất tận từ lâu đã cứu vớt linh hồn mình ra khỏi mớ rác rưởi đó. Hắn cứ làm thinh để tự hiến tế mình - hoặc không thì hắn nói ra với ý thức chắc chắn rằng hắn sẽ khiến mọi thứ rối tinh rối mù lên.

Nếu hắn cứ làm thinh thì luân lý sẽ kết tội hắn; nó nói, “Mi phải thừa nhận cái phổ quát và mi phải thừa nhận nó một cách cụ thể bằng cách nói ra, và mi không được tỏ lòng trắc ẩn với cái phổ quát”. Người ta không nên quên đi điều này khi thỉnh thoảng họ phán xét kẻ hoài nghi một cách gay gắt chỉ vì hắn nói ra. Tôi không định phán xét một cách khoan dung đối với lối hành xử như vậy, nhưng ở đây, cũng như ở tất cả những chỗ khác, mọi thứ tùy thuộc vào việc những hành động đó có diễn ra một cách bình thường hay không. Nếu nó càng trở nên xấu đi, thì chắc chắn kẻ hoài nghi, mặc dù bằng việc nói ra hắn sẽ mang tất cả những tai họa khả dĩ đến thế giới này, sẽ thích được làm một kẻ hảo ngọt khốn khổ hơn, một kẻ vốn nếm trải tất cả mọi thứ, và một kẻ vốn mong muốn chữa lành chứng hoài nghi mà không cần phải quen với nó, và một kẻ khi đó theo lẽ thường vốn là nguyên nhân trực tiếp của nỗi hoài nghi đang bộc phát điên cuồng và không kiểm soát được. - Nếu kẻ hoài nghi nói ra, thì hắn sẽ khiến cho mọi thứ rối tinh rối mù lên - bởi ngay cả khi điều này không thực sự xảy ra, hắn cũng chỉ biết đến nó sau đó mà thôi, và kết quả cuối cùng chẳng thể nào giúp một người dù là ở thời điểm hành động hay là đối với vấn đề trách nhiệm.

Nếu hắn cứ làm thinh về trách nhiệm của chính mình thì hắn thực sự có thể hành động một cách cao thượng, nhưng hắn sẽ kéo thêm một thử thách cám dỗ nhỏ vào những nỗi đau đớn khác của mình, bởi cái phổ quát sẽ liên tục hành hạ hắn và nói, “Ngươi phải nói ra. Làm sao mà ngươi biết chắc chắn được rằng quyết tâm của người không bị chi phối bởi niềm kiêu hãnh bí ẩn?”.

Thế nhưng nếu kẻ hoài nghi có thể trở nên cái cá thể mà nó, với tư cách là cái cá biệt, nằm trong mối liên hệ tuyệt đối với cái tuyệt đối, thì hắn có thể được phép im lặng. Trong trường hợp này hắn phải khiến cho nỗi hoài nghi của mình trở nên điều tội lỗi. Trong trường hợp này hắn nằm trong cái nghịch lý, nhưng khi đó sự hoài nghi của hắn được cứu chữa, mặc dù hắn có thể có một sự hoài nghi khác.

Ngay cả Kinh Tân ước cũng ủng hộ một hành động im lặng như vậy48. Có cả những đoạn trong Kinh Tân ước ca tụng sự mỉa mai, miễn là nó được dùng để che đậy một cái gì đó tốt đẹp49. Nhưng hành động này cũng mang tính chất mỉa mai chẳng kém bất cứ hành động nào được dựa trên cái điều rằng chủ thể đứng cao hơn hiện thực. Trong thời đại của chúng ta, người ta chẳng muốn biết gì về nó; nhìn chung họ muốn biết về sự mỉa mai không nhiều hơn Hegel đã nói về sự mỉa mai, mặc dù kỳ lạ thay ông ta chẳng hiểu gì mấy về nó và mang một nỗi ác cảm với nó, cái mà thời đại của chúng ta có lý do chính đáng để không từ bỏ, bởi thời đại của chúng ta bắt buộc phải tự bảo vệ mình chống lại sự mỉa mai. Trong bài Giảng trên Núi50, có nói rằng, “Song khi ngươi kiêng ăn, hãy xức dầu trên đầu, và rửa mặt, hầu cho người ta không xem thấy ngươi đang kiêng ăn”. Đoạn này trực tiếp xác nhận cái chân lý rằng chủ thể không tương xứng với hiện thực, ngay cả khi nó có quyền được lừa dối. Giá như những người này, những kẻ đi lang thang trong thời đại của chúng ta nói những thứ vu vơ về ý niệm giáo đoàn51, đọc Kinh Tân ước thì họ có lẽ sẽ có những ý niệm khác trong đầu.

Nhưng giờ đây về phần Abraham - ông đã hành động như thế nào? Bởi tôi chưa quên, và độc giả hẳn vẫn còn nhớ, rằng mục đích của toàn bộ những điều thảo luận ở trên là để dẫn tới điểm này. Toàn bộ những điều thảo luận ở trên không phải để khiến Abraham nhờ đó mà trở nên có thể hiểu được, mà hầu cho sự không thể hiểu được nơi ông trở nên dễ nhận thấy hơn, bởi, như đã nói, Abraham tôi không tài nào hiểu được, tôi chỉ có thể ngợi ca ông mà thôi. Nó cũng cho thấy rằng những giai đoạn được mô tả không cái nào có sự tương đồng với Abraham; chúng được trau chuốt cốt để chỉ ra, xét từ cái tầm nhìn thuộc phạm vi của chúng, cái biên giới của vùng đất vô danh bằng những điểm khác biệt [so với trường hợp của Abraham]. Nếu có bất kỳ sự hồ nghi nào về một mối tương đồng, thì nó ắt phải là cái nghịch lý tội lỗi, nhưng điều này lại một lần nữa nằm trong một phạm vi khác và không thể lý giải được Abraham và chính tự thân nó còn dễ lý giải hơn Abraham rất nhiều.

Vậy nên Abraham đã không nói ra, ông đã chẳng nói với Sarah, hay với Eleazar, hoặc với Isaac, ông vượt qua ba quyền thế luân lý; bởi đối với Abraham luân lý không có sự biểu đạt nào cao hơn cuộc sống gia đình.

Mỹ học cho phép, thực ra là đòi hỏi, sự im lặng của cái cá thể, khi hắn biết rằng bằng cách giữ im lặng hắn có thể cứu vớt người khác. Chỉ riêng điều này thôi cũng đủ để chứng tỏ rằng Abraham không nằm trong phạm vi của mỹ học. Sự im lặng của ông hoàn toàn không phải để cứu Isaac, và nhìn chung toàn bộ bổn phận hiến tế Isaac vì chính ông và vì Thiên Chúa là một sự xúc phạm đối với mỹ học, bởi mỹ học có thể hiểu được việc tôi hy sinh chính bản thân mình, chứ nó không thể hiểu được việc tôi hy sinh người khác cho mục đích của tôi. Người anh hùng mỹ học im lặng. Tuy nhiên, luân lý kết án hắn bởi vì hắn im lặng bằng sự cá biệt tình cờ của hắn. Tiền tri thức con người của hắn là cái quyết định việc hắn giữ im lặng. Điều này thì luân lý không thể nào tha thứ được. Mọi tri thức mang tính con người như thế chỉ là một ảo tưởng. Luân lý đòi hỏi một hành động vô hạn, nó đòi hỏi mặc khải. Vậy nên người anh hùng mỹ học có thể nói ra nhưng hắn sẽ không nói.

Người anh hùng bi kịch đích thực hiến tế chính bản thân mình và tất cả những gì thuộc về mình cho cái phổ quát; hành động của hắn và mọi xúc cảm với hắn đều thuộc về cái phổ quát, hắn được mặc khải, và trong sự mặc khải này hắn là đứa con trai yêu dấu của luân lý. Điều này không đúng với trường hợp của Abraham. Ông chẳng làm gì cho cái phổ quát và ông bị che giấu.

Giờ đây chúng ta đối mặt với cái nghịch lý. Hoặc là cái cá thể, với tư cách là cái cá biệt, có thể nằm trong mối liên hệ tuyệt đối với cái tuyệt đối, và khi đó luân lý không phải là cái tối cao hoặc là Abraham là kẻ bị hư mất - ông chẳng phải anh hùng bi kịch, mà cũng chẳng phải anh hùng mỹ học.

Ở đây một lần nữa, cái nghịch lý có vẻ là thứ dễ nhất và đơn giản nhất trong hết thảy mọi thứ. Tuy nhiên, tôi phải nhắc lại rằng kẻ nào vẫn còn chắc mẩm về điều đó, kẻ đó không phải là hiệp sĩ đức tin, bởi nỗi thống khổ và sự lo sợ là sự biện minh duy nhất có thể hiểu được, mặc dù nhìn chung chúng không thể hiểu được, bởi nếu như chúng có thể hiểu được thì cái nghịch lý sẽ bị triệt tiêu.

Abraham giữ im lặng - nhưng ông không thể nói. Nằm trong đó là nỗi thống khổ và sự lo sợ. Bởi nếu như tôi không thể khiến cho chính mình trở nên có thể hiểu được khi nói ra, thì tôi sẽ không nói ra, ngay cả khi tôi nói chuyện liên tục không ngừng nghỉ suốt ngày đêm. Điều đó đúng với Abraham. Ông có thể thốt ra mọi thứ, nhưng có một thứ ông không thể nói, đó là nói ra theo cách mà người khác có thể hiểu được và do vậy ông không nói. Sự khuây khỏa khi được nói ra là ở chỗ nó biến ta trở nên cái phổ quát. Giờ đây Abraham có thể nói những lời đẹp đẽ nhất mà bất kỳ ngôn ngữ nào cũng có thể biểu đạt về việc ông yêu Isaac biết nhường nào. Nhưng nó không phải là thứ ông nghĩ trong đầu, điều ông nghĩ đến trong đầu là một suy nghĩ sâu sắc hơn, đó là việc ông sẵn lòng hiến tế Isaac là bởi vì đây là một thử thách. Suy nghĩ sau chẳng ai có thể hiểu nổi, và vì thế tất cả mọi người đều hiểu sai cái trước. Nỗi khổ tâm này người anh hùng bi kịch không hề biết đến. Trước hết, hắn có niềm an ủi rằng mọi phản đề đều có lý của riêng nó, rằng hắn có thể dành cho Clytemnestra, cho Iphigenia, cho Achilles, cho dàn nhạc, cho mọi sinh thể, cho mọi tiếng nói cất lên từ trái tim nhân đạo, cho mọi điều khôn ngoan xảo quyệt, cho mọi nỗi hoang mang, cho mọi lời buộc tội, cho mọi ý nghĩ cảm thương một cơ hội đứng lên chống lại hắn. Hắn có thể chắc chắn rằng mọi thứ khả dĩ được nói ra chống lại hắn đều đã được nói ra một cách tàn nhẫn, một cách không thương xót, - và việc đấu tranh chống lại toàn bộ thế giới là một niềm an ủi, việc đấu tranh chống lại chính mình thì thật là khủng khiếp. - Hắn chẳng cần phải sợ rằng mình đã bỏ qua một cái gì đó, chẳng cần phải sợ rằng sau này sẽ có ngày hắn phải gào khóc như vua Edward Đệ Tứ khi nhận được tin công tước xứ Clarence đã chết:

Wer bat für ihn? Wer kniet’ in meinem Grimm

Zu Füssen mir und bat mich überlegen?

Wer sprach von Bruderpflicht? Wer sprach von Liebe?

[Ai kẻ nào cầu xin ta tha cho em ta?

Ai kẻ nào, trong cơn thịnh nộ của ta,

Quỳ dưới chân ta và khuyên can ta?

Ai kẻ nào nói về tình anh em? Ai kẻ nào nói về tình yêu thương?]52

Người anh hùng bi kịch không biết đến cái trách nhiệm kinh khủng của nỗi cô đơn. Hơn nữa, hắn còn có niềm an ủi rằng hắn có thể khóc than với Clytemnestra và Iphigenia - và nước mắt và khóc than làm cho ta khuây khỏa, nhưng những tiếng thở than không thể thoát ra được53 thì quả là cực hình. Agamemnon có thể nhanh chóng tập trung tư tưởng vào cái điều chắc chắn rằng ông sẽ hành động, và vì thế ông vẫn còn có thời gian để mang đến niềm an ủi và cả dũng khí nữa. Điều ấy Abraham không thể làm được. Khi trái tim ông xáo động, khi lời của ông chứa đựng niềm an ủi tốt lành cho toàn thế giới, thì ông lại chẳng dám đưa ra lời an ủi, bởi há chẳng phải Sarah sẽ, Eleazar sẽ, Isaac sẽ nói ra ư, rằng, “Sao ông lại làm như vậy? Rốt cuộc ông hoàn toàn có thể tránh được việc này mà?”. Và nếu trong nỗi thống khổ cùng cực của mình, ông lại muốn giải tỏa mọi xúc cảm và muốn ôm lấy tất cả những người thân yêu của mình trước khi tiến hành thực hiện bước cuối cùng của hành động hiến tế, điều này có thể dẫn đến một hậu quả kinh hoàng rằng Sarah, rằng Eleazar, rằng Isaac sẽ khó chịu với ông và cho rằng ông là một kẻ đạo đức giả. Ông không thể nói ra, ông không nói tiếng người. Dầu chính ông hiểu được hết thảy các thứ tiếng trên thế giới, dầu những người thân yêu của ông cũng hiểu được chúng, nhưng ông vẫn không thể nói ra - ông nói một thứ ngôn ngữ thần thánh, ông “nói tiếng lạ”54.

Nỗi thống khổ này tôi hoàn toàn có thể thấu hiểu. Tôi có thể ngợi ca Abraham. Tôi cũng chẳng e ngại việc ai đó có thể bị lôi cuốn một cách hời hợt bởi câu chuyện này mà muốn trở thành cái cá thể, nhưng tối cũng thừa nhận rằng tôi không có dũng khí làm việc đó, và rằng tôi từ bỏ một cách vui vẻ bất kỳ triển vọng được đi xa hơn nào - nếu như có thể bằng cách nào đấy, dù muộn đi chăng nữa, để tôi có thể đi xa đến như vậy. Bất cứ khi nào Abraham đều có thể dừng lại, ông có thể ăn năn coi toàn bộ mọi thứ là một thử thách cám dỗ. Rồi thì ông nói ra, khi đó tất cả mọi người đều có thể hiểu ông - nhưng khi đó ông không còn là Abraham nữa.

Abraham không thể nói, bởi ông không thể thốt ra cái lời giải thích toàn bộ mọi thứ (tức là, làm cho nó có thể hiểu được), ông không thể nói rằng đây là một thử thách, và là một thử thách mà trong đó, xin lưu ý điều này, luân lý cũng trở nên cái thử thách cám dỗ. Bất cứ kẻ nào được an bài vào vị trí đó thì đều là kẻ vượt biên ra khỏi phạm vi của cái phổ quát. Nhưng điều sắp xảy đến ông lại càng không được phép nói ra. Bởi, như đã trình bày đầy đủ ở trên, Abraham thực hiện hai hành động: ông thực hiện hành động từ bỏ vô hạn và từ bỏ Isaac (điều này không ai có thể hiểu bởi nó là một công cuộc riêng tư); nhưng tiếp đó, ông thực hiện, và tiếp tục thực hiện trong mọi thời khắc, hành động của đức tin. Đây là niềm an ủi của ông. Bởi ông nói: “Nhưng điều này vẫn chưa xảy ra, hoặc nếu nó xảy ra, thì Chúa sẽ cho ta một Isaac mới, tức là nhờ sự phi lý”. Người anh hùng bi kịch cuối cùng cũng đi tới kết cục của câu chuyện. Iphigenia cúi đầu trước quyết tâm của cha mình, cô tự mình thực hiện cái hành động từ bỏ vô hạn, và giờ thì họ hiểu được nhau. Cô có thể hiểu được Agamemnon bởi hành động của ông biểu đạt cái phổ quát. Ngược lại, nếu Agamemnon nói với cô rằng, “Mặc dù Thượng đế đòi hỏi vật hiến tế là con, vẫn còn có khả năng ngài không đòi hỏi nó, tức là nhờ sự phi lý”, thì ông vào đúng thời khắc ấy sẽ trở nên không thể hiểu được đối với Iphigenia. Nếu ông nói ra điều này bằng sự toan tính của con người thì Iphigenia chắc hẳn sẽ hiểu ông ngay, nhưng điều đó lại cho thấy rằng Agamemnon không thực hiện cái hành động từ bỏ vô hạn, và vì thế ông không phải là người anh hùng; và lời của nhà tiên tri khi đó chỉ là chuyện phiếm của khách qua đường và toàn bộ nhũng sự kiện diễn ra chỉ là một vở kịch vui.

Vậy nên Abraham đã không nói. Chỉ có một lời duy nhất của ông được gìn giữ, câu trả lời duy nhất dành cho Isaac, mà nó cũng đủ chứng tỏ rằng ông không nói gì trước đó. Isaac hỏi Abraham rằng chiên con làm của lễ thiêu ở đâu. “Và Abraham rằng: Con ơi! Chính Đức Chúa Trời sẽ sắm sẵn lấy chiên con đặng dùng làm của lễ thiêu”55.

Lời cuối cùng này của Abraham tôi sẽ xem xét kỹ lưỡng hơn một chút. Nếu như chẳng có lời này thì toàn bộ nội sự kiện sẽ thiếu đi một cái gì đó; nếu nó là một lời khác thì mọi thứ có lẽ sẽ rối tung rối mù lên rồi.

Tôi vẫn thường suy tư về câu hỏi liệu rằng một người anh hùng bi kịch, bất kể kết cục bi kịch anh hùng nơi hắn là bởi nỗi thống khổ hay bởi hành động, có bắt buộc phải có một lời bộc bạch cuối cùng hay không. Theo thiển ý của tôi, nó tùy thuộc vào phạm vi cuộc sống mà hắn thuộc về, tùy thuộc vào việc cuộc đời hắn có mang ý nghĩa trí thức hay không, tùy thuộc vào việc nỗi thống khổ hay hành động của hắn có nằm trong mối liên hệ với tinh thần hay không.

Rõ ràng người anh hùng bi kịch, cũng giống như những người khác, những kẻ vốn không bị tước đi quyền năng của tiếng nói, có thể, vào thời khắc chung cuộc, thốt ra một vài lời, có lẽ là một vài lời phù hợp, nhưng vấn đề là liệu nó có phù hợp với hắn khi thốt ra những lời ấy hay không. Nếu ý nghĩa cuộc đời hắn chứa đựng trong một hành động bên ngoài, thì hắn chẳng có gì để nói, bởi tất thảy những gì hắn nói về căn bản là những lời huyên thuyên vốn chỉ có thể làm suy giảm ảnh hưởng mà hắn đã tạo ra, trong khi những thông lệ của bi kịch đòi hỏi hắn hoàn thành bổn phận của mình trong im lặng, cho dù nó cốt ở hành động hay cốt ở nỗi thống khổ. Để không đi quá xa, tôi sẽ lấy một ví dụ gần gũi nhất. Nếu chính Agamemnon chứ không phải Calchas phải rút dao ra đâm Iphigenia, thì việc ông muốn, trong thời khắc cuối cùng, nói ra vài lời hẳn sẽ chỉ khiến ông tự hạ thấp phẩm giá của mình mà thôi, bởi ý nghĩa hành động của ông rốt cuộc đã rõ rành rành với tất cả mọi người, toàn bộ quá trình sùng kính, xót thương, cảm động, nhỏ lệ, đã hoàn thành, và hơn nữa cuộc đời ông cũng chẳng có liên hệ gì đến tinh thần cả, tức là ông không phải là kẻ rao giảng mà cũng chẳng phải là chứng nhân của cái thần khí. Trái lại, nếu ý nghĩa của cuộc đời người anh hùng nằm trong chiều hướng tinh thần, thì việc thiếu vắng một lời bộc bạch sẽ làm suy giảm ảnh hưởng mà hắn tạo ra. Điều hắn phải nói khi đó không phải là một vài lời thích hợp, một mẩu thuyết giảng hùng hồn, mà ý nghĩa của lời bộc bạch của hắn nằm ở chỗ hắn đã tự hoàn thiện chính mình vào thời khắc quyết định. Một anh hùng bi kịch trí thức như thế phải tự cho phép mình có cái mà mọi người thường nông nổi thèm khát, ấy là việc có được và giữ được lời nói cuối cùng. Người ta đòi hỏi ở hắn cùng một tác phong tôn quý mà mọi anh hùng bi kịch đều phải có, nhưng thêm vào đó người ta còn đòi hỏi ở hắn một lời nói. Vậy nên khi một anh hùng bi kịch trí thức như vậy kết thúc cuộc đời anh hùng của mình trong nỗi thống khổ (trong cái chết), thì bằng lời nói cuối cùng của mình hắn trở nên bất tử trước khi chết, trong khi người anh hùng bi kịch thông thường chỉ trở nên bất tử sau khi chết.

Ta có thể lấy Socrates56 làm ví dụ. Ông là một người anh hùng bi kịch trí thức. Lời tuyên án tử hình được loan báo tới ông. Vào cái thời khắc ấy ông chết, bởi kẻ nào không hiểu rằng để chết thì cần phải có toàn bộ sức mạnh tinh thần, và rằng người anh hùng luôn chết trước khi hắn chết thực sự, thì kẻ đó sẽ không thể nào tiến xa trong cách nhìn nhận cuộc sống. Vậy nên người ta đòi hỏi Socrates, với tư cách là một anh hùng, phải bình tĩnh và tự chủ, nhưng lại đòi hỏi ông, với tư cách là một anh hùng bi kịch trí thức, phải có đủ sức mạnh tinh thần để tự hoàn thiện chính mình vào thời khắc cuối cùng. Vậy nên ông không thể, giống như người anh hùng bi kịch thông thường, tập trung vào việc giữ mình mặt đối mặt với cái chết, mà ông phải thực hiện hành động này nhanh chóng đến mức đồng thời với khoảnh khắc ấy ông tỉnh táo vượt qua cuộc xung đột này và tự khẳng định lập trường của mình. Do đó nếu Socrates trong cơn khủng hoảng của cái chết vẫn giữ mình câm lặng, ông hẳn sẽ làm suy giảm ý nghĩa của cuộc đời mình và làm dấy lên sự ngờ vực rằng sự linh hoạt mỉa mai trong ông không phải là một sức mạnh nguyên thủy, mà chỉ là một trò chơi mà ông, vào thời điểm quyết định, bắt buộc phải tận dụng sự mềm dẻo của nó theo một thang chuẩn mực ngược để duy trì chính bản thân mình một cách thảm hại57.

Những đề xuất ngắn gọn ở đây hiển nhiên không áp dụng được cho Abraham nếu ai đó cho rằng bằng sự tương đồng nào đó mà có thể tìm được một lời cuối thích hợp cho Abraham, nhưng nó áp dụng được miễn là người ta nhận thức được cái tất yếu trong việc Abraham hoàn thiện chính bản thân mình vào thời khắc cuối cùng, không phải bằng cách im lặng rút dao ra, mà bằng cách nói một lời gì đó, bởi với tư cách là tổ phụ của đức tin ông có ý nghĩa tuyệt đối về mặt tinh thần. Về điều mà ông sắp sửa nói ra, tôi không thể hình thành một ý niệm trước được; sau khi ông nói ra tôi có lẽ có thể hiểu được, có lẽ theo một nghĩa nào đó có thể hiểu được Abraham qua điều ông đã nói ra, mặc dù không vì thế mà tôi đến được gần ông hơn so với trước kia. Nếu như không có một lời bộc bạch cuối cùng nào từ phía Socrates58, tôi hẳn đã có thể tự đặt mình vào vị trí của ông và tạo ra một lời nào đó; nếu tôi không thể làm được việc đó, thì một thi sĩ hẳn sẽ làm được, nhưng chẳng thi sĩ nào có thể tìm được đường đến với Abraham.

Trước khi tiếp tục xem xét lời cuối cùng của Abraham một cách kỹ lưỡng hơn, tôi xin được lưu ý trước hết đến những khó khăn mà Abraham gặp phải khi định nói ra bất kỳ điều gì. Như đã giải thích ở trên, nỗi lo sợ và niềm thống khổ trong cái nghịch lý chính lại nằm ở sự im lặng: Abraham không thể nói ra59. Vậy nên, việc đòi hỏi ông phải nói ra là một điều tự nó mâu thuẫn với nó, trừ khi người ta muốn đưa ông ra khỏi cái nghịch lý một lần nữa, để mà ở thời khắc quyết định ông đình bỏ nó và nhờ thế mà ông thôi không còn là Abraham nữa và hủy bỏ tất cả những gì đã xảy ra trước kia. Vậy thì khi đó nếu Abraham ở vào thời khắc quyết định nói với Isaac, “Chính mi mới là kẻ bị hiến tế”, thì điều này chỉ là một nhược điểm mà thôi. Bởi nếu ông có thể nói một điều gì đó, thì ông hẳn có lẽ đã nói từ lâu rồi, và nhược điểm khi đó sẽ là cái điều rằng ông không có được sự trưởng thành về mặt tinh thần và sự tập trung cần thiết để lường trước được toàn bộ nỗi đau sẽ phải gánh chịu mà lại phần nào gạt nó sang một bên, khiến cho nỗi đau thực sự còn lớn hơn cả nỗi đau mà ông đã lường trước. Hơn nữa, bằng cách nói như vậy, ông sẽ đứng bên ngoài cái nghịch lý, và nếu ông thực sự muốn nói với Isaac, thì ông phải chuyển toàn bộ tình thế của ông thành một tình thế của sự cám dỗ thử thách, bởi nếu không chắc chắn ông chẳng thể nói gì được cả, và trong trường hợp đó, ông thậm chí còn không bằng một người anh hùng bi kịch.

Tuy nhiên, lời cuối cùng của Abraham trên thực tế đã được giữ lại, và chừng nào mà tôi còn có thể hiểu được cái nghịch lý, thì chừng đó tôi còn có thể hiểu rõ toàn bộ sự hiện diện của Abraham trong lời này. Đầu tiên và trước hết, ông chẳng nói gì cả, và chính trong hình thức này ông nói ra cái điều ông bắt buộc phải nói. Lời đáp của ông cho Isaac có hình thức của sự mỉa mai, bởi khi tôi nói một điều gì đó nhưng lại chẳng nói gì cả thì việc ấy luôn luôn là một sự mỉa mai. Isaac gặng hỏi Abraham vì cho rằng ông biết. Giờ đây nếu như Abraham trả lời rằng, “Ta chẳng biết gì hết”, thì ông hẳn đã nói dối. Ông không thể nói bất cứ điều gì, bởi cái mà ông biết thì ông lại không thể nói ra. Vậy nên ông đáp, “Con ơi! Chính Đức Chúa Trời sẽ sắm sẵn lấy chiên con đặng dùng làm của lễ thiêu”. Ở đây ta thấy một hành động kép trong linh hồn Abraham, như đã được mô tả ở phần trước. Nếu như Abraham chỉ đơn thuần từ bỏ quyền của ông đối với Isaac và chẳng làm gì hơn, thì lời cuối cùng mà ông đã thốt ra là một lời nói dối, bởi trên thực tế ông biết Thiên Chúa đòi hỏi Isaac làm vật hiến tế, và ông biết rằng chính ông vào thời điểm đó đã sẵn sàng hiến tế Isaac. Vậy nên, sau khi thực hiện hành động này ông thực hiện hành động tiếp theo trong mọi thời khắc, hành động của đức tin nhờ sự phi lý. Do đó ông không nói dối, bởi vì nhờ sự phi lý cho nên việc Thiên Chúa có thể làm một cái gì đó hoàn toàn khác biệt là hoàn toàn khả dĩ. Do vậy ông không nói dối, nhưng ông cũng chẳng nói gì cả, bởi ông nói một thứ tiếng lạ. Điều này trở nên hiển nhiên hơn khi chúng ta xét đến cái điều rằng chính Abraham là người thực thi hành động hiến tế Isaac. Nếu bổn phận này là một cái gì đó khác hẳn, nếu Thiên Chúa đòi hỏi Abraham mang Isaac ra tới núi Moriah và rồi chính Ngài dùng sét đánh chết Isaac và theo cách đó nhận cậu như một vật hiến tế, thì Abraham, hiểu theo nghĩa đen, hẳn là đã đúng khi nói một cách khó hiểu như ông đã làm, bởi chính ông cũng không biết được điều gì sẽ xảy ra. Nhưng bởi vì bổn phận được gán cho Abraham, nên chính ông phải thực hiện nó, và vào cái thời khắc quyết định ông phải biết điều mà chính ông sẽ làm, ông phải biết rằng Isaac sẽ được hiến tế. Nếu như ông không biết điều này một cách chắc chắn, thì ông đã chẳng thực hiện hành động từ bỏ vô hạn; khi đó mặc dù lời của ông trên thực tế khống phải là dối trá, thì ông vẫn còn lâu mới thành Abraham được, ông còn ít có ý nghĩa hơn cả người anh hùng bi kịch - quả thực, khi đó ông là một người thiếu quyết đoán, một kẻ không thể quyết định cái này hay cái khác, và vì thế sẽ luôn thốt ra những lời khó hiểu. Nhưng một Haesitator [kẻ hay do dự] như vậy thì chỉ đơn thuần là một hình ảnh giễu nhại của người hiệp sĩ đức tin mà thôi.

Ở đây một lần nữa xem ra người ta có thể hiểu được Abraham, nhưng chỉ là hiểu ông theo cái cách mà người ta hiểu cái nghịch lý. Về phần mình, tôi, xét về một phương diện nào đó, có thể hiểu được Abraham, nhưng tôi cũng đồng thời nhận thấy rằng mình không có đủ can đảm để nói ra theo cách này, và vẫn còn thiếu dũng khí để hành động như ông đã làm; nhưng như thế tôi hoàn toàn không có ý nói rằng điều ông làm là không có ý nghĩa mà trái lại nó là kỳ tích phi thường có một không hai.

Và thời đại bây giờ nghĩ gì về người anh hùng bi kịch? Người ta nghĩ rằng hắn vĩ đại, và họ ca tụng hắn. Và đám quý tộc đáng kính đó, đám bồi thẩm mà mọi thế hệ đều tạo ra để phán quyết thế hệ đi trước, với cùng một lời tuyên án. Nhưng chẳng ai trong số đó hiểu được Abraham. Thế nhưng hãy nghĩ về những gì ông đạt được mà xem! Ông vẫn luôn thành thật với tình yêu của mình. Nhưng kẻ nào kính yêu Thiên Chúa thì kẻ đó không cần đến nước mắt, không cần đến những lời ca tụng; hắn sẽ quên đi nỗi thống khổ trong tình yêu, quả thực quên đi một cách triệt để đến nỗi sau đó thậm chí không có cả một ý niệm mơ hồ nào dù là nhỏ nhất về nỗi thống khổ của mình nếu chính Thiên Chúa không gợi lại, bởi Thiên Chúa thấy ở trong kín nhiệm60 và biết hết nỗi thống khổ và đếm những giọt nước mắt và chẳng quên điều gì hết.

Vậy nên hoặc là có một cái nghịch lý, rằng cái cá thể, với tư cách là cái cá biệt, đứng trong mối liên hệ tuyệt đối với cái tuyệt đối, hoặc là Abraham là kẻ bị hư mất.

1. Xem thêm chú thích ở phần “Tựa” về Hệ thống trong triết học Hegel.↩︎

2. Aristotle (384-322 TCN) là nhà triết học và nhà bác học vĩ đại người Hy Lạp. Cùng với Socrates và Plato, ông được coi là người đặt nền móng cho triết học phương Tây.↩︎

3. Sự thay đổi ở đây có thể hiểu theo nghĩa “điểm thắt nút” của câu chuyện. Còn sự nhận biết hiểu có thể theo nghĩa “điểm gỡ nút” của câu chuyện.↩︎

4. Bản dịch tiếng Anh của Edna H. Hong và Howard V. Hong giữ nguyên từ gốc tiếng Đan Mạch “carambolere”, nghĩa đen là va chạm. Các biên tập viên Đan Mạch giải thích rằng ở đây nó có nghĩa là va chạm hay xuất hiện đồng thời cùng lúc. Tức là Oedipus bằng việc “nhận biết” mình là ai thì đồng thời dẫn đến “sự thay đổi” trong số phận của hắn.↩︎

5. Một ví dụ về sự nhận biết kép là trường hợp của Orestes. Orestes, khi cố lấy bức tượng của Artemis hòng khỏi bệnh điên, đã bị bắt và bị hiến tế cho Artemis, và lúc đó đã nhận ra và đồng thời được chị mình là Iphigenia (người mà ông nghĩ rằng đã chết sau khi bị cha minh là Agamemnon hiến tế nhưng thực ra đã thành nữ pháp sư của Artemis) nhận ra. Sau đó họ trốn cùng với bạn của Orestes là Pylades.↩︎

6. Ám chỉ Oedipus trong vở kịch Oedipus làm vua của Sophocles.↩︎

7. Ám chỉ Iphigenia trong vở kịch Iphigenia ở Tauris của Euripides. Người em trai mà Iphigenia định hiến tế ở đây là Orestes.↩︎

8. Nhận định này được Aristotle để cập trong tác phẩm Lịch sử tự nhiên (Natural History), quyển V, chương 4.↩︎

9. Câu này dịch theo bản dịch của Walter Lowrie và bản dịch của Hong và Hong. Trong hai bản dịch, một của Alasstair Hannay và một của Sylvia Walsh, câu này được dịch thành, “Nó khiến người ta tin vào hiện thực và có đủ dũng khí để chiến đấu chống lại tất cả những nỗi thống khổ của hiện thực, hơn là chống lại những nỗi đau thiếu sinh khí mà người ta đã tự gánh lấy vì trách nhiệm”.↩︎

10. Hai người ở đây là hai người ở đoạn trước, tức là đôi trai gái thầm yêu nhau và thầm hy sinh cho nhau bằng cách không tiết lộ tình cảm của mình cho người kia biết.↩︎

11. Xem Kinh Thánh, sách Mark 1:11. “Lại có tiếng từ trên trời phán rằng: Ngươi là Con yêu dấu của ta, làm đẹp lòng ta mọi đàng”.↩︎

12. Xem Kinh Thánh, sách Thủ lãnh (Judges) 11:38. “Jephtha đáp rằng: Con cứ đi. Rồi người để nàng đi hai tháng. Vậy, nàng đi cùng chị em bạn mình, khóc sự đồng trinh mình tại trên núi”.↩︎

13. Ở Hy Lạp, cành olive tượng trưng cho sự khẩn nài.↩︎

14. Những hành động và quan điểm như thế vẫn có thể là chủ đề cho cuộc luận bàn về mỹ học. Tuy nhiên, việc đức tin và toàn bộ đời sống của đức tin có thể là chủ đề cho một cuộc luận bàn như thế hay không thì tôi xin được bỏ ngỏ. Chỉ là, bởi vì với tôi luôn là một niềm vui sướng khi được bày tỏ lòng biết ơn đến người mà tôi mang ơn, tôi muốn cảm ơn Lessing vì một vài gợi ý về một vở kịch mang tính Cơ Đốc giáo được tìm thấy trong tác phẩm Hamburgische Dramaturgie (Kịch nghệ Hamburg) của ông. Mặc dù vậy, ông vẫn giữ vững cái nhìn của mình lên khía cạnh thần thánh đơn thuần của cuộc đời này (chiến thắng hoàn hảo) và vì thế ông có những nghi ngại; có lẽ ông hẳn đã thể hiện một sự phán xét khác nếu như ông ý thức nhiều hơn nữa đến khía cạnh con người thuần túy (theologia viatorum [Thần học của những kẻ hành hương]). Không nghi ngờ gì nữa điều ông nói là rất ngắn gọn và có phần lảng tránh, nhưng bởi tôi luôn vui mừng khi có được sự đồng hành của Lessing, tôi nắm lấy cơ hội ấy ngay lập tức. Lessing không chỉ là một trong những trí tuệ thông thái nhất mà nước Đức có, ông không chỉ sở đắc một sự chính xác hiếm thấy trong kiến thức của mình (bởi lý do này mà người ta có thể hoàn toàn tin tưởng ông và những phân tích đánh giá của ông mà không sợ bị lừa bịp bởi những trích dẫn đại khái không rõ nguồn, bởi những lối diễn đạt nửa vời được rút ra từ những trích yếu không đáng tin cậy, hoặc bị đánh lạc hướng bởi những lời đại ngôn ngu xuẩn về những điều mới mẻ mà những người đi trước đã dẫn giải từ lâu rồi, thậm chí còn sâu sắc hơn rất nhiều) - mà ông còn đồng thời sở đắc một tài năng vô cùng khác thường trong việc lý giải điều chính ông hiểu rõ. Ông dừng lại ở đó. Trong thời đại chúng ta người ta lại vượt xa hơn và lý giải nhiều hơn điều mà họ hiểu. [Ghi chú của Kierkegaard.]↩︎

15. Quyển V, chương 4. Tác phẩm này đã được xuất bản ở Việt Nam với nhan đề Chính trị luận. Chi tiết mà Kierkegaard đề cập có thể xem thêm trong Chính trị luận của Aristotle do Nông Duy Trường dịch và chú giải, NXB Thế giới 2013, trang 273.↩︎

16. Ở đây Kierkegaard có sự nhầm lẫn hoặc có thể ông cố ý thêm thắt vào một vài chi tiết để minh họa cho luận điểm của mình. Thực ra, trong tác phẩm Chính trị học, Aristotle chỉ kể rằng trên đường đi rước dâu, chú rể thấy chuyện gì đó cho là điềm bất thường nên quay lại không chịu rước dâu nữa. Nhưng Kierkegaard lại thêm vào chi tiết chú rể được các nhà tiên tri cảnh báo về tai họa sẽ xảy ra và trong nguyên tác ông dùng từ Augur để chỉ các nhà tiên tri này. Đúng ra, từ Augur này chỉ các thầy tu ở La Mã cổ đại; các thầy tu này là những người tiên tri sự kiện tương lai bằng cách diễn giải các dấu hiệu, nhưng Kierkegaard lại áp dụng từ này cho câu chuyện xảy ra ở Hy Lạp.↩︎

17. Theo như Aristotle, thảm họa lịch sử xảy ra như sau. Để trả thù, gia đình cô dâu cho một cái bình thờ của đền thờ lẫn vào đồ đạc nhà bếp nhà chú rể, và chú rể bị kết tội ăn cắp đồ thờ. Tuy nhiên, điều này chẳng quan trọng gì, bởi vấn đề không phải là gia đình này khôn ngoan hay ngu dại xét trong cách họ trả thù. Gia đình này chỉ đạt được ý nghĩa lý tưởng khi nó được đưa vào trong cái biện chứng của người anh hùng. Hơn nữa, nó đủ mang tính chất định mệnh đến mức chú rể gieo mình vào hiểm nguy trong khi hắn lại đang muốn tránh khỏi hiểm nguy bằng cách không cưới xin gì nữa, và đồng thời nó cũng mang tính chất định mệnh đến mức mà cuộc sống của hắn đi tới chỗ gặp gỡ thần thánh theo một lối kép: đầu tiên thì bằng lời nói của nhà tiên tri, và sau đó bằng việc bị kết tội ăn cắp đồ thờ. [Ghi chú của Kierkegaard.]↩︎

18. Ý là hôn nhân là do thiên định.↩︎

19. Xem Kinh Thánh, sách Matthew 19:6. “Vậy, loài người không nên phân rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối hiệp!”.↩︎

20. Kierkegaard tin rằng cuộc hôn nhân của ông bị thần thánh ngăn cản.↩︎

21. Axel và Valborg là hai nhân vật chính trong vở bi kịch năm hồi của Adam Oehlenschläger, Axel og Valborg, Oehlenschlägers Tragødier, IX (Copenhagen: 1841-49; ASKB1601-05), V, trang 4-111. Axel và Valborg có họ hàng gần với nhau do đó bị Nhà thờ không cho phép làm đám cưới chừng nào họ chưa được phép của giáo hoàng. Tuy nhiên, sau đó, người ta phát hiện ra rằng họ được làm phép rửa tội như anh trai và em gái (rửa tội trong cùng một ngày ở cùng một nhà thờ), điều này lại càng cản trở cuộc hôn nhân của họ (xem trang 9 và 49).↩︎

22. Hơn nữa, từ điểm này người ta có thể thực hiện những hành động biện chứng theo một chiều hướng khác. Trời xanh tiên báo một tai họa đi liền sau đám cưới của hắn, vậy nên trên thực tế hắn có thể từ bỏ đám cưới mà không cần từ bỏ cô gái vì lý do này, đúng hơn là sống với nàng trong mối quan hệ lãng mạn mà với kẻ tình nhân thì nó quá là vừa ý. Tuy nhiên, điều này lại mang hàm ý xúc phạm với cô gái bởi vì hắn không biểu đạt cái phổ quát trong tình yêu của mình với nàng. Tuy vậy, chuyện này lại là một đề tài cho cả thi sĩ lẫn nhà luân lý học, kẻ vốn dĩ muốn bảo vệ hôn nhân. Nói chung, nếu thi ca chú ý đến tôn giáo và nội tâm cá nhân, nó sẽ tìm được những chủ đề quan trọng hơn rất nhiều so với những cái mà hiện nay nó đang bận tâm. Trong thi ca người ta thường lặp đi lặp lại một câu chuyện sau: Một người đàn ông dính phải một cô gái mà hắn đã từng yêu, hoặc có lẽ chưa bao giờ thực sự yêu, bởi giờ đây hắn nhìn thấy một cô gái khác, cô này đúng là cô gái lý tưởng của hắn. Một người đàn ông phạm phải một sai lầm trong đời; nó đúng đường nhưng sai nhà, bởi ở ngay ngôi nhà đối diện; trên tầng hai có cô gái lý tưởng đang sống - đây chính là chủ đề mà người ta cho là thích hợp trong thi ca. Một kẻ tình nhân phạm phải một sai lầm, hắn nhìn thấy người yêu của mình qua ánh nến và nghĩ rằng cô ấy có mái tóc đen, nhưng, kìa, khi nhìn kỹ lại thì hóa ra cô ấy lại có mái tóc vàng - nhưng em gái cô ấy, đấy mới là người phụ nữ lý tưởng cơ! Cái này cũng được xem là một chủ đề thích hợp trong thi ca. Theo quan điểm của tôi thì bất kỳ gã đàn ông nào như vậy đều là một thằng xỏ lá mặt dày, kẻ vốn dĩ không đáng được tha thứ ở ngoài đời thực mà đáng bị la ó đuổi khỏi sân khấu khi hắn định tỏ vẻ khệnh khạng trong thi ca. Chỉ có đam mê chống lại đam mê mới làm nên xung đột thi ca, chứ không phải là một đám lộn nhộn những tiểu tiết trong cùng một đam mê. Vào thời Trung cổ chẳng hạn, khi một cô gái sau khi đã trải qua cảm giác đang yêu chắc mẩm rằng mọi tình yêu trần thế đều là tội lỗi và muốn có một tình yêu thần thánh hơn, thì đây là một xung đột thi ca, và cô gái cũng mang tính thơ, bởi cuộc đời cô nằm trong cái ý niệm. [Ghi chú của Kierkegaard.]↩︎

23. Ở đây Kierkegaard tham khảo chi tiết này từ tác phẩm Kịch nghệ Hamburg (Hamburgische Dramaturgie) của Lessing, tập I, mục 22. Bá tước xứ Essex ở đây là Robert Devereux (1565-1601), nhà quý tộc người Anh và là bồi thần sủng ái của Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhất (1533-1603). Ông được cho là người có một mối tình bí mật sâu đậm với Nữ hoàng Elizabeth - người vốn được nhân dân Anh quốc coi là đồng trinh vì bà không kết hôn. Năm 1601, ông tiến hành một cuộc đảo chính đòi Nữ hoàng phong ông là người bảo hộ của nước Anh nhưng đã thất bại và Nữ hoàng lúc này đã không còn kiên nhẫn với người tình phóng đãng của mình nữa. Chính bà đã ký bản án tử hình ông. Ông bị chặt đầu ngay trước cung điện.↩︎

24. Truyền thuyết Agnes và Người cá là một truyền thuyết rất phổ biến trong các bài dân ca và các tác phẩm văn chương ở Đan Mạch. Nhà văn Hans Christian Andersen cũng từng lấy truyền thuyết này đặt tên cho một đoạn ca kịch của ông.↩︎

25. Người ta cũng có thể ứng xử với huyền thoại này theo một cách khác. Người cá không muốn quyến rũ Agnes, mặc dù trước đây hắn đã quyến rũ rất nhiều người. Hắn không còn là người cá nữa, hoặc hắn là, nói vô phép, một người cá khốn khổ, kẻ vốn đã từ lâu ngồi dưới đáy biển sâu và sầu khổ. Tuy nhiên, hắn biết (bởi huyền thoại trên thực tế có nói đến điều này),α rằng hắn có thể được cứu vớt bằng tình yêu của một cô gái ngây thơ. Nhưng lương tâm của hắn cảm thấy ăn năn vì đã làm điều tồi tệ đối với những cô gái trẻ và vì thế hắn không dám đến gần họ nữa. Rồi hắn gặp Agnes. Đã rất nhiều lần, khi nằm ẩn mình trong đám lau sậy hắn trông thấy nàng bước đi bên bờ biển, vẻ đẹp của nàng, vẻ điềm tĩnh trầm lặng của nàng, làm cho hắn say đắm; nhưng chỉ có nỗi sầu muộn thống ngự tâm hồn hắn mà thôi, chẳng có một khao khát điên cuồng nào khuấy động trong đó cả. Và rồi khi người cá thở dài lẫn vào tiếng rì rào của lau sậy, nàng lắng tai về hướng đó, đứng lặng yên và mơ màng, quyến rũ hơn bất cứ người đàn bà nào và lại đẹp như một thiên thần giải thoát, kẻ vốn dĩ khơi gợi sự tự tin nơi người cá. Người cá lấy hết dũng khí, hắn tới gần Agnes, hắn có được tình yêu của nàng, hắn hy vọng mình được giải thoát. Nhưng Agnes đâu phải là một thiếu nữ trầm lặng, nàng yêu thích tiếng gầm của biển, và điều khiến nàng hài lòng với hơi thở dài buồn bã của những con sóng ấy là chỉ vì nó khiến cho tiếng gầm vang nơi lồng ngực của nàng trở nên mạnh mẽ hơn mà thôi. Nàng sẽ rời khỏi đây và đi xa, nàng sẽ điên cuồng lao ra ngoài vào cõi vô hạn với người cá, người nàng yêu dấu - vậy nên nàng kích động người cá. Nàng khinh thường đức khiêm nhường của hắn, và giờ đây lòng kiêu hãnh của hắn trỗi dậy. Thế là biển cả gầm rú, những con sóng ngầu bọt và người cá ôm lấy Agnes lao xuống làn nước sâu cùng với nàng. Chưa bao giờ hắn điên cuồng đến thế, chưa bao giờ hắn tràn trề khát vọng đến thế, bởi hắn hy vọng nhờ cô gái này mà tìm thấy sự giải thoát. Hắn nhanh chóng chán Agnes, nhưng chẳng ai tìm thấy xác nàng, bởi nàng biến thành một nàng tiên cá, kẻ chuyên đi dụ dỗ đàn ông bằng những bài hát của mình. [Ghi chú của Kierkegaard.]

Chú thích: α Chi tiết này thực ra ở trong câu chuyện cổ tích “Người đẹp và Quái thú”, chứ không phải trong huyền thoại “Agnes và Người cá”.↩︎

26. Mỹ học thỉnh thoảng vẫn ứng xử với một chủ đề tương tự bằng thói đỏng đảnh thông thường của nó. Người cá được Agnes cứu vớt, và toàn bộ câu chuyện kết thúc bằng một đám cưới hạnh phúc. Một đám cưới hạnh phúc! Việc ấy chắc chắn vô cùng dễ dàng. Tuy nhiên, nếu luân lý định nói lời phát biểu chúc mừng đám cưới, thì tôi cho rằng đó sẽ là một chuyện hoàn toàn khác. Mỹ học choàng chiếc áo tình yêu lên người cá, và vì thế mọi thứ bị lãng quên. Đồng thời, nó cũng thật khinh suất khi cho rằng ở đám cưới mọi thứ diễn ra giống như trong một phiên đấu giá mà ở đó mọi thứ được bán đi khi chiếc búa gõ xuống. Tất cả những thứ nó quan tâm là kẻ tình nhân đến được với nhau, những cái còn lại không đáng bận tâm. Giá mà nó có thể nhìn thấy cái gì xảy ra sau đó - nhưng nó chẳng có thời gian cho việc đó, nó ngay lập tức tất bật tiến hành công việc tác hợp một cặp tình nhân mới. Mỹ học là một ngành khoa học kém chung thủy nhất trong mọi ngành khoa học. Tất cả những kẻ say đắm yêu nó, theo một nghĩa nào đó, đều trở nên bất hạnh, trong khi kẻ nào không bao giờ yêu nó thì kẻ đó là và sẽ mãi vẫn là một pecus [kẻ có đầu óc bã đậu]. [Ghi chú của Kierkegaard.]↩︎

27. Trong phần thảo luận trước, tôi đã cố ý tránh nhắc đến vấn đề tội lỗi và hiện thực của nó. Toàn bộ cuộc thảo luận tập trung vào Abraham, và tôi có thể tiếp cận ông bằng những phạm trù trực tiếp, tức là, chừng nào tôi còn có thể hiểu được ông. Ngay khi tội lỗi xuất hiện, luân lý sụp đổ trên chính nỗi ăn năn; bởi sự ăn năn là sự biểu đạt luân lý cao nhất, nhưng chính thế mà nó là sự tự mâu thuẫn luân lý sâu sắc nhất. [Ghi chú của Kierkegaard.]↩︎

28. Người ta cho rằng điều này không đáng tin trong thời đại nghiêm túc của chúng ta, thế nhưng thật đáng chú ý là ngay cả trong cái thời đại còn vô trách nhiệm hơn và thiếu tư duy thông suốt hơn của đám ngoại giáo, vẫn có hai đại diện tiêu biểu của ý niệm Hy Lạp về cuộc sống, ấy là γνωθι σαντον [hãy tự biết mình], α mỗi người theo cách riêng của mình gián tiếp cho biết rằng bằng cách tập trung xem xét sâu bên trong chính mình, người ta sẽ, trước tiên và trên hết, phát hiện ra thiên hướng của cái ác. Chắc là tôi không cần phải nói ra rằng tôi đang nghĩ đến Pythagoras và Socrates. [Ghi chú của Kierkegaard.]

Chú thích: α “Hãy tự biết mình” là một câu nói nổi tiếng của Socrates.↩︎

29. Sách Tobia (còn gọi là sách Tobit, tùy theo cách phiên âm), thuộc kinh ngụy tác của Kinh Thánh Cựu ước. Sách này không thuộc về kinh điển Kinh Thánh.↩︎

30. Cụm từ này được lấy từ tác phẩm Từ bỏ của Schiller. Johann Christoph Friedrich von Schiller (1759 - 1805) là nhà thơ, nhà soạn kịch, nhà triết học người Đức. Một số vở kịch tiêu biểu của ông đã được dịch ra tiếng Việt: Những tên cướp, Âm mưu và ái tình, Wilhelm Tell.↩︎

31. Trích từ tiểu thuyết Daphnis và Chloë của Longus. Longus là tiểu thuyết gia người Hy Lạp sống vào khoảng thế kỷ thứ 2.↩︎

32. Xem Kinh Thánh, sách Công vụ các sứ đồ (Acts) 20:35. “Tôi từ bảo luôn cho anh em rằng phải chịu khó làm việc như vậy, để giúp đỡ người yếu đuối, và nhớ lại lời chính Đức Chúa Jesus có phán rằng: Ban cho thì có phước hơn nhận lãnh”.↩︎

33. Tên một con quái vật trong truyện cổ tích của nhà văn Charles Perrault (1628-1703). Người vợ trong truyện cổ tích Con yêu Râu Xanh, không chết trong đêm tân hôn mà bị đe dọa sau đêm tân hôn khi nàng không tuân lệnh chồng, dám đi vào căn phòng trong lâu đài, nơi chứa hài cốt của những người vợ trước.↩︎

34. Trước khi lên ngôi hoàng đế Anh quốc vào năm 1483, thì Richard Đệ Tam (1452-1485) là công tước xứ Gloucester.↩︎

35. Trích từ vở Vua Richard Đệ Tam của Shakespeare. Kierkegaard trích dẫn bằng tiếng Đức, có sai khác một chút so với nguyên bản tiếng Anh. Ở đây, đoạn này được dịch theo nguyên tác tiếng Anh.↩︎

36. Vở kịch Gã Do Thái của Cumberland đã được trình diễn nhiều lần ở Nhà hát Hoàng gia ở Copenhagen vào khoảng những năm từ 1795 đến 1834 và bản dịch được xuất bản bằng tiếng Đan Mạch vào năm 1796. Gã Do Thái Scheva là kẻ mà tất cả mọi người đều coi là một gã keo kiệt và thực dụng nhưng hắn lại bí mật làm được nhiều việc thiện.↩︎

37. Jens Immanuel Baggesen (1764-1826) là nhà thơ lớn người Đan Mạch. Ông đồng thời cũng viết phê bình cũng như viết về chính trị và triết học. Câu mà Kierkegaard trích ở đây nằm trong tác phẩm Kirkegaaden i Sobradise.↩︎

38. Trích từ tác phẩm Về sự bình an trong tâm tưởng (De Tranquilitate Animi) của Seneca (6 TCN-65), triết gia theo trường phái khắc kỷ thời La Mã cổ đại. Câu này thực ra Seneca (De Tranquilitate Animi, 17,10) trích dẫn theo Aristotle và nguyên văn của nó là: nullum unquam exstetit magnum ingenium sine mixtura dementiae fuit (chẳng có thiên tài vĩ đại nào mà lại không có một chút điên khùng nào đó). Kierkegaard trích lại câu này trong nhật ký của mình khi mà ông lo lắng tự hỏi không biết tình trạng đầu óc hiện tại của mình đã gần với sự điên loạn hay chưa.↩︎

39. Huyền thoại Faust là một huyền thoại nổi tiếng ở Đức được dựa trên một người có thật là tiến sĩ Faust (1480-1540). Theo huyền thoại này, nhân vật Faust là một nhà ảo thuật và chiêm tinh học bán linh hồn cho quỷ Mephistopheles để đổi lấy tuổi trẻ, tri thức, và khoái lạc. Đã có nhiều tác phẩm văn chương dựa trên huyền thoại này, nổi tiếng nhất là tác phẩm Faust của đại thi hào Goethe. (Xem thêm tác phẩm Faust của Goethe, bản dịch của Quang Chiến, NXB Văn học 2001.) Hồi còn là sinh viên, Kierkegaard quan tâm chú ý rất nhiều những huyền thoại Faust, Don Juan, và Ahsverus (Gã Do Thái lang thang), những nhân vật mà ông coi là điển hình cho sự hoài nghi, nhục dục và tuyệt vọng.↩︎

40. Nếu không thích dùng một kẻ hoài nghi, thì ta có thể dùng một hình tượng tương tự, một kẻ hay châm biếm chẳng hạn, kẻ vốn dĩ có tầm nhìn sắc sảo để nhìn xuyên thấu sự lố bịch của cuộc sống, kẻ vốn dĩ, bằng sự thấu hiểu bí ẩn cùng với sức mạnh của cuộc đời, biết chắc chắn điều mà người bệnh cần. Hắn biết rằng hắn sở đắc quyền năng của tiếng cười; nếu muốn sử dụng nó, hắn chắc chắn sẽ giành chiến thắng, và hơn thế nữa, còn giành được cả hạnh phúc cho riêng mình. Hắn biết rằng một tiếng nói đơn độc sẽ được tự nói ra để kiềm chế hắn, nhưng hắn cũng biết rằng hắn mạnh hơn; hắn biết rằng người ta buộc phải tỏ ra nghiêm túc trong một khoảnh khắc, nhưng hắn cũng biết rằng họ vẫn thầm mong được cười với hắn; hắn biết rằng một người phụ nữ buộc phải cầm quạt che mắt trong một khoảnh khắc khi hắn nói, nhưng hắn cũng biết rằng cô nàng đang cười sau chiếc quạt ấy, rằng chiếc quạt không hoàn toàn mờ đục, hắn biết rằng người ta có thể viết lên đó một một câu đề tặng vô hình, hắn biết rằng khi một người đàn bà dùng cây quạt đánh hắn thì là bởi cô nàng hiểu được hắn; hắn biết rõ mười mươi rằng tiếng cười len lỏi vào và tồn tại bí mật ở bên trong một con người như thế nào, và một khi đã yên vị ở đó nó sẽ nằm phục và chờ đợi như thế nào. Chúng ta hãy hình dung một Aristophanesα như thế, một Voltaireβ như thế, có thay đổi một chút xíu, bởi hắn đồng thời cũng là một người dễ thương, hắn yêu cuộc sống, hắn yêu con người, và hắn biết rằng mặc dù việc quở trách tiếng cười có lẽ sẽ dạy dỗ cho một thế hệ trẻ đang được cứu rỗi, nhưng trong thế hệ hiện tại vẫn còn có rất nhiều người sẽ bị hư hỏng. Vậy nên hắn giữ im lặng và thậm chí tự mình quên đi, càng nhiều càng tốt, cách làm thế nào để cười. Nhưng liệu hắn có dám giữ im lặng không? Có lẽ rất nhiều người hoàn toàn không hiểu được một chút nào về cái khó khăn mà tôi đang nói đến. Có lẽ họ nghĩ rằng việc giữ im lặng là một hành động cao thượng đáng ngợi ca. Đó hoàn toàn không phải là suy nghĩ của tôi, bởi tôi tin rằng một kẻ như thế, nếu hắn không có đủ cao thượng để làm thinh, là kẻ phản bội lại cuộc sống. Vậy nên tôi đòi hỏi lòng cao thượng này nơi hắn. Nhưng khi có được nó rồi, liệu hắn có dám giữ im lặng không? Luân lý là một ngành tri thức nguy hiểm, và rất có thể Aristophanes vì những lý do luân lý thuần túy đã quyết định để cho tiếng cười đưa ra lời phán xét đối với cái thời đại điên đảo của ông. Sự cao thượng mỹ học không giúp ích được gì. Bởi người ta không thể mạo hiểm cho một thứ không đáng tin như vậy. Nếu hắn giữ im lặng, thì hắn phải đi vào trong cái nghịch lý. - Vẫn còn một kịch bản khác mà tôi có thể đưa ra. Chẳng hạn, giả sử ai đó có được lời giải thích cho cuộc đời của người anh hùng mà lại giải thích theo một cách thảm hại và mặc dù vậy toàn bộ thế hệ vẫn tuyệt đối tin tưởng vào người anh hùng này mà không có một chút mảy may nghi ngờ gì đối với những thứ kiểu như thế. [Ghi chú của Kierkegaard.]

Chú thích: α Aristophanes (445-388 TCN) là nhà viết hài kịch người Hy Lạp. β Voltaire (1694-1778) là nhà văn người Pháp nổi tiếng vì những tác phẩm châm biếm mỉa mai, chẳng hạn như Candide.↩︎

41. Theo chú giải của Walter Lowrie, trong một cuộc khủng hoàng tài chính, cha của Kierkegaard làm gia tăng đáng kể tài sản của mình bằng cách đầu tư vào trái phiếu do Hoàng gia phát hành và trong một cuộc khủng hoảng khác xảy ra nhiều năm sau đó Kierkegaard mất rất nhiều tiền vì đã đầu tư vào chính loại trái phiếu này.↩︎

42. Karl Friedrich Hieronymus, Freiherr von Münchhausen (1720-1797), thường được biết đến dưới cái tên Nam tước Münchhausen, là một nhà quý tộc Đức sinh quán tại Bodenwerder, nổi tiếng về tài kể những câu chuyện phiêu lưu khoác lác. Về những câu chuyện kể của Münchhausen có thể xem thêm tác phẩm Những cuộc phiêu lưu của nam tước Münchhausen của Rudolf Erich Rapse, Quân Khuê dịch, NXB Kim Đồng, 2017.↩︎

43. Thiếp Mộc Nhi (1336-1405) (tức Timur Lenk, còn được người phương Tây gọi là Tamerlane) là một vị hoàng đế có xuất thân từ Thổ Nhĩ Kỳ-Mông Cổ vào thế kỷ 14, người đã chinh phạt phần lớn Tây và Trung Á, và là người sáng lập đế quốc Timurid và triều đại Timurid ở Trung Á. Ông nổi tiếng vì sự tàn bạo của mình.↩︎

44. Thanh danh của kẻ đốt đền. Herostratus, vì muốn tên tuổi của mình trở nên bất tử, đã đốt đền Artemis ở Ephesus vào năm 356 TCN. Thành ngữ “thanh danh của Herostratus” thường để ám chỉ thanh danh đạt được bằng mọi giá.↩︎

45. Biệt danh này được gán cho Gregory xứ Rimini, một tăng lữ thuộc dòng thánh Augustine này (ông vốn là Giáo sư Đại học Paris và mất năm 1358) bởi vì ông giữ quan điểm rằng những đứa trẻ không được rửa tội đều bị đày xuống địa ngục - thay vì được đưa đến limbo theo như quan điểm của Thiên Chúa giáo.↩︎

46. Tên con quỷ mà Faust đã bán linh hồn cho hắn.↩︎

47. Trong vở kịch Erasmus Montanus của Holberg, Hồi I, Cảnh 3: Peter Deacon nói (khi đang mặc cả mua một miếng đất xây mộ), “Tôi có thể nói với một người nông dân, Anh sẽ có cát mịn hay là chỉ là đất thôi?”. Ludvig Holberg (1684-1754) là nhà văn, triết gia, nhà viết kịch người Đan Mạch-Na Uy (thời kỳ này Đan Mạch-Na Uy là một nhà nước đa quốc gia). Ông được coi là người đặt nền móng cho văn học Đan Mạch và Na Uy hiện đại.↩︎

48. Có thể tham khảo vài ví dụ trong Kinh Thánh Tân ước, chẳng hạn sách Matthew 8:4. “Đức Chúa Jesus bèn phán cùng người rằng: Hãy giữ, chớ nói cùng ai; song hãy đi tỏ mình cùng thầy cả, và dâng của lễ theo như Moses dạy, để làm chứng cho họ”. Hoặc sách Matthew 9:30. “Mắt hai người liền mở. Đức Chúa Jesus lấy giọng nghiêm phán rằng: Hãy giữ, đừng cho ai biết chuyện nầy”. Hoặc sách Mark 1:34. “Ngài chữa lành nhiều kẻ đau các thứ bịnh, và đuổi nhiều quỷ, chẳng cho phép các quỷ nói ra, vì chúng nó biết Ngài”.↩︎

49. Xem Kinh Thánh, sách Matthew 21:28-32. “Các ngươi nghĩ làm sao? Một người kia có hai đứa con trai; nói cùng đứa thứ nhứt, mà rằng: Con ơi, bữa nay con hãy ra làm vườn nho. Đứa ấy thưa rằng: Vâng; rồi không đi. Đoạn, người cha đi đến đứa thứ hai, cũng bảo như vậy. Đứa nầy thưa rằng: Tôi không muốn đi. Nhưng sau ăn năn, rồi đi. Trong hai con trai đó, đứa nào làm theo ý muốn của cha? Họ đáp rằng: Đứa thứ hai. Đức Chúa Jesus phán cùng họ rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, những kẻ thâu thuế và phường đĩ điếm sẽ được vào nước Đức Chúa Trời trước các ngươi. Vì John đã theo đường công bình đến cùng các ngươi, nhưng các ngươi không tin, còn những kẻ thâu thuế và phường đĩ điếm đã tin người; và các ngươi, khi đã thấy điều ấy, sau cũng không ăn năn đặng tin người”. Trong bản in thử sau khi sửa chữa, Kierkegaard xác định đoạn này là một “hình thái mỉa mai”.↩︎

50. Xem Kinh Thánh, sách Matthew 6:17-18. “Song khi ngươi kiêng ăn, hãy xức dầu trên đầu, và rửa mặt, hầu cho người ta không xem thấy ngươi đang kiêng ăn, nhưng chỉ Cha ngươi là Đấng ở nơi kín nhiệm xem thấy mà thôi; và Cha ngươi thấy trong chỗ kín nhiệm sẽ thưởng cho ngươi”.↩︎

51. Các nhà nghiên cứu cho rằng “ý niệm giáo đoàn” mà Kierkegaard nhắc tới ở đây có liên quan đến phong trào tôn giáo dân túy do Nikolai Frederik Severin Grundtvig (1783-1872) lãnh đạo. Theo như Grundtvig, Cơ Đốc giáo dựa trên “lời sống động từ miệng của Đấng Thiên Chúa” trong những nghi lễ xưng tội, chứ không phải từ Kinh Thánh.↩︎

52. Trích từ vở bi kịch Vua Richard Đệ Tam của Shakespeare, Hồi II, Cảnh 1. Trong nguyên bản, Kierkegaard trích dẫn đoạn này bằng tiếng Đức, có sai khác một chút so với nguyên bản tiếng Anh. Ở đây, đoạn này được dịch theo nguyên tác tiếng Anh. Em trai vua Edward Đệ Tứ là George, công tước xứ Clarence, bị giết theo lệnh của nhà vua (thực ra là do âm mưu của Richard, công tước xứ Gloucester, người sau này sẽ trở thành vua Richard Đệ Tam, vốn là em trai của George và vua Edward và cũng chính Richard là người trực tiếp sai người đi giết George). Nhà vua sau đó rút lại lệnh này, nhưng đã quá muộn. Tin George bị giết khiến vua Edward Đệ Tứ vô cùng đau buồn, bệnh tình càng thêm trầm trọng. Đoạn mà Kierkegaard trích dẫn nằm trong đoạn độc thoại của Edward Đệ Tứ khi nhận được tin em trai mình bị giết.↩︎

53. Xem Kinh Thánh, sách La Mã (Romans) 8:26. “Cũng một lẽ ấy, Đức Thánh Linh giúp cho sự yếu đuối chúng ta. Vì chúng ta chẳng biết sự mình phải xin đặng cầu nguyện cho xứng đáng; nhưng chính Đức Thánh Linh lấy sự thở than không thể nói ra được mà cầu khẩn thay cho chúng ta”.↩︎

54. Xem Kinh Thánh, sách 1 Corinthians 14:23. “Vậy thì cả Hội thánh nhóm lại một nơi, nếu ai nấy đều nói tiếng lạ, mà có kẻ tầm thường hoặc người chẳng tin vào nghe, họ há chẳng nói anh em là điên cuồng sao?”.↩︎

55. Xem Kinh Thánh, sách Sáng thế 22:8.↩︎

56. Về phiên tòa xử Socrates, có thể tham khảo tác phẩm Socrates tự biện (Apology) của Plato. (Xem Plato, Đối thoại Socratic I, NXB Tri thức, 2011, Nguyễn Văn Khoa dịch, trang 183).↩︎

57. Nhận xét nào của Socrates được coi là có tính quyết định vẫn còn là một vấn đề tranh cãi, bởi Socrates trên rất nhiều phương diện bị Plato làm cho bay hơi một cách đầy thi vị. Tôi đề xuất như sau. Lời tuyên án tử hình được thông báo tới ông và cùng lúc đó ông chết đi, đồng thời vượt qua cái chết và hoàn thiện chính mình trong một lời kháng biện nổi tiếng biểu đạt sự ngạc nhiên của ông trước cái điều rằng ông bị kết án bởi đa số phiếu là ba phiếu.α Ông chắc hẳn không thể tìm thấy trong những câu chuyện khiếm nhã ngoài chợ hay trong những lời ngu xuẩn của một thằng ngẫn một sự nhạo báng nào mỉa mai hơn trong lời kết án tử hình dành cho ông. [Ghi chú của Kierkegaard.]

Chú thích: α Xem tác phẩm Socrates tự biện (Apology) của Plato, chương 25. Những văn bản tốt nhất hiện nay viết là “ba mươi phiếu”, nhưng trong những ấn bản cũ ngày trước thì thường viết là “ba phiếu”. Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Văn Khoa cũng ghi là “ba mươi phiếu.” (Xem Plato, Đối thoại Socratic I, NXB Tri thức, 2011, Nguyễn Văn Khoa dịch, trang 218).↩︎

58. Về lời cuối cùng của Socrates, có thể tham khảo tác phẩm Phaedo của Plato, trong đó miêu tả cái chết của Socrates. (Xem Plato, Đối thoại Socratic I, NXB Tri thức, 2011, Nguyễn Văn Khoa dịch, trang 385).↩︎

59. Nếu có bất kỳ một sự tương đồng nào thì hoàn cảnh cái chết của Pythagoras chính là cái đó, bởi trong khoảnh khắc cuối cùng ông đã phải hoàn tất sự im lặng mà ông đã luôn duy trì, và vì thế ông nói, “Thà bị giết còn hơn là phải nói ra”, [xem Diogenes Laertius, quyển VIII, chương 39]). [Ghi chú của Kierkegaard.]

Chú thích: Diogenes Laertius là người viết tiểu sử các triết gia Hy Lạp sống vào khoảng thế kỷ thứ 3. Tác phẩm mà Kierkegaard dẫn chiếu ở đây là tác phẩm Cuộc đời và quan điểm của những triết gia xuất chúng (Lives and Opinions of Eminent Philosophers), quyển VIII, chương 39.↩︎

60. Xem Kinh Thánh, sách Matthew 6:6. “Song khi ngươi cầu nguyện, hãy vào phòng riêng, đóng cửa lại, rồi cầu nguyện Cha ngươi, ở nơi kín nhiệm đó; và Cha ngươi, là Đấng thấy trong chỗ kín nhiệm, sẽ thưởng cho ngươi”.↩︎

BẠT

Có lần ở Hà Lan khi thị trường gia vị khá trì trệ, ế ẩm, những thương nhân đã đổ một số thùng hàng xuống biển để giữ giá. Đây là một mưu chước có thể lượng thứ được, thậm chí có lẽ là cần thiết. Liệu có phải chúng ta cần một thứ tương tự như thế trong thế giới tinh thần không? Liệu chúng ta có chắc chắn rằng mình đã vươn đến cái tối cao đến nỗi không còn gì để làm nữa ngoại trừ cái niềm tin sùng tín rằng chúng ta vẫn chưa đi xa đến vậy để ít nhất còn có gì đó mà làm cốt để giết thời gian không? Liệu một sự tự lừa dối huyễn hoặc mình như thế có phải là cái mà thế hệ này có cần đến không? Liệu sự điêu luyện trong việc tự lừa dối mình đã đạt được đến cực điểm hay chưa, hay cái nghệ thuật tự lừa dối mình ấy vẫn còn chưa đủ đạt đến độ hoàn mỹ? Hoặc đúng hơn, há chẳng phải thế hệ này cần đến một sự nghiêm túc chân thực mà nó vốn dĩ bất khuất và liêm khiết hướng tới những bổn phận ấy, một sự nghiêm túc chân thực mà nó vốn dĩ đằm thắm che chở cho những bổn phận ấy, mà nó vốn dĩ không làm cho người ta hoảng sợ mà hấp tấp vươn tới cái tối cao, mà nó vốn dĩ giữ cho những bổn phận ấy vẫn trẻ trung, đẹp đẽ và quyến rũ để người ta trông vào, và giữ cho chúng vẫn mời gọi với tất cả mọi người, nhưng đồng thời cũng giữ cho những bổn phận ấy vẫn đầy rẫy khó khăn và hấp dẫn đối với những tâm hồn cao quý, bởi những bản tính cao quý thường chỉ được thôi thúc bởi những khó khăn đó sao? Bất kể một thế hệ học được từ thế hệ khác cái gì đi chăng nữa, thì tính nhân văn thực sự vẫn là cái mà không một thế hệ nào có thể học được từ thế hệ trước đó cả. Trên bình diện này, mọi thế hệ đều bắt đầu một cách sơ đẳng, đều không có bổn phận nào khác với bổn phận của tất cả những thế hệ trước mà nó cũng chẳng vượt xa hơn, miễn là thế hệ trước không phản bội bổn phận của nó và tự lừa dối chính nó. Yếu tố nhân văn đúng đắn này là niềm đam mê, mà trong đó một thế hệ hoàn toàn hiểu rõ thế hệ khác và cũng tự hiểu được chính nó. Vậy nên không thế hệ nào học được từ thế hệ khác cách yêu, không thế hệ nào khởi đầu từ một điểm nào khác hơn là từ điểm khởi đầu, không một thế hệ nào được gán cho một bổn phận ngắn hơn thế hệ trước, và nếu ở đây ai đó sẵn sàng thôi không yêu nữa mà muốn tiến xa hơn giống như những thế hệ trước, thì điều này chẳng là gì khác hơn một câu chuyện vu vơ và ngu xuẩn.

Nhưng niềm say mê cao cả nhất trong một người là đức tin, và ở đây không một thế hệ nào khởi đầu từ một điểm nào khác với thế hệ trước đã làm, mọi thế hệ đều bắt đầu lại từ đầu, thế hệ tiếp theo chẳng đi xa hơn thế hệ trước, miễn là thế hệ trước vẫn trung thành với bổn phận của nó và không bỏ rơi nó trong hoạn nạn khó khăn. Cái điều rằng việc này quả là mệt mỏi đương nhiên không phải là cái mà một thế hệ có thể nói ra, bởi thế hệ ấy trên thực tế có bổn phận phải thực hiện và chẳng liên quan gì đến cái sự rằng thế hệ trước cũng có cùng một bổn phận, trừ phi một thế hệ cá biệt hoặc một cá thể trong cái thế hệ cá biệt ấy táo bạo chiếm lấy cái vị trí mà đúng lý ra chỉ thuộc về cái Thần khí, cái vốn dĩ chi phối thế giới này và vốn dĩ có đủ kiên nhẫn để không trở nên mệt mỏi. Nếu thế hệ ấy khởi đầu một thứ như vậy, thì rõ là nó bị hư hỏng, và câu hỏi đặt ra là đối với nó khi đó liệu toàn bộ cuộc sống đều có vẻ bị hư hỏng chăng, bởi rõ ràng chẳng có ai thấy thế giới bị hư hỏng hơn một bác thợ may1 trong chuyện cổ tích, kẻ bỏ ra cả đời mình để đi lên trời và từ chỗ đó ngắm nhìn thế giới. Nếu thế hệ này chỉ quan tâm đến bổn phận của chính nó, vốn dĩ là cái tối cao mà nó có thể thực hiện, thì nó sẽ không thể nào trở nên mệt mỏi, bởi bổn phận đó luôn đủ cho một đời người. Khi lũ trẻ con trong kỳ nghỉ đã chơi xong mọi trò chơi trước khi đồng hồ điểm đúng mười hai giờ trưa và giờ đây nói một cách thiếu nhẫn nại, “Không ai nghĩ ra nổi một trò chơi mới nữa à?” thì liệu điều này có chứng tỏ rằng lũ trẻ này phát triển hơn và tiến bộ hơn so với bọn trẻ con cùng thế hệ hay so với bọn trẻ con thế hệ trước, những đứa có thể chơi những trò chơi quen thuộc trong suốt cả một ngày hay không? Hoặc đúng hơn, há chẳng phải nó chứng tỏ rằng lũ trẻ này thiếu cái mà tôi gọi là sự nghiêm túc khả ái vốn dĩ thuộc về trò chơi đó sao?

Đức tin là niềm say mê cao cả nhất trong một con người. Có lẽ rất nhiều người thuộc mọi thế hệ đều không vươn tới được đến nó, nhưng chẳng ai vượt xa hơn được nó. Liệu có phải nhiều người trong thời đại của chúng ta không tìm thấy nó hay không, điều ấy tôi sẽ chẳng dám quyết, tôi chỉ dám tự thỉnh cầu chính bản thân mình như một chứng nhân, kẻ vốn dĩ không giấu giếm rằng mình còn phải đi cả một đoạn đường rất dài nữa mới vươn tới nó, nhưng không vì thế mà muốn tự lừa phỉnh chính mình hoặc lừa phỉnh cái vĩ đại bằng cách hạ thấp nó xuống mức tầm thường, xuống mức một cơn đau ốm của thời thơ ấu mà người ta mong chóng khỏi sớm chừng nào hay chừng ấy. Nhưng cuộc sống có đầy đủ những bổn phận, thậm chí còn đủ cho cả những kẻ không vươn tới được đến đức tin, và kẻ nào chân thành yêu quý những bổn phận ấy, thì cuộc sống kẻ đó sẽ không bị phí hoài một chút nào, mặc dù nó không bao giờ sánh được với cuộc đời của những kẻ nhận thức và thấu hiểu được cái tối cao. Nhưng kẻ nào vươn tới được đến đức tin (bất kể hắn có là một người có tài năng phi thường hay chỉ là một người có đầu óc đơn sơ mộc mạc) thì sẽ không yên vị với đức tin; quả thực, hắn sẽ khó chịu nếu ai nó định nói điều này với hắn, giống như kẻ tình nhân sẽ phẫn nộ nếu ai đó nói rằng kẻ đó đã yên vị với tình yêu, bởi hắn sẽ đáp trả, “Tôi không yên vị một chút nào, toàn bộ cuộc đời tôi ở trong đó”. Tuy nhiên hắn chẳng tiến xa hơn, chẳng vươn tới bất cứ cái gì khác, bởi nếu hắn tìm thấy cái gì khác đó thì khi đó hắn sẽ có một lời giải thích khác mất rồi.

“Người ta phải tiến xa hơn, người ta phải tiến xa hơn”. Sự thôi thúc phải vượt xa hơn này là một điều cổ xưa trên thế giới. Heraclitus2 nhà hiền triết tối nghĩa, kẻ bộc lộ tư tưởng của mình trong những tác phẩm và bộc lộ những tác phẩm của mình trên Đền Diana (bởi tư tưởng của ông là giáp phục trong cuộc đời của ông, và vì thế ông treo chúng trong ngôi đền thờ nữ thần), Heraclitus nhà hiền triết tối nghĩa nói: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”.3 Heraclitus nhà hiền triết tối nghĩa có một học trò4, kẻ không dừng lại ở đó mà còn vượt xa hơn và nói thêm, “Người ta không thể làm điều đó dù chỉ một lần”.5 Tội nghiệp Heraclitus, khi có một tay nghiệt đồ như vậy! Nhờ sự cải tiến này mà luận đề của Heraclitus được sửa đổi rất nhiều đến mức nó trở nên một luận đề của trường phái Elea6 vốn chối bỏ sự vận động; thế nhưng người học trò ấy chỉ mong muốn làm đồ đệ của Heraclitus, người vốn dĩ đã tiến xa hơn, chứ không phải quay trở lại cái mà Heraclitus đã từ bỏ.

1. Bác thợ may mà Kierkegaard để cập ở đây là bác thợ may trong truyện cổ tích “Bác thợ may lên Trời” trong tập Truyện cổ Grimm của anh em nhà Grimm.↩︎

2. Heraclitus (khoảng 535-475, TCN) là một nhà triết học vĩ đại người Hy Lạp thời Tiền Socrates. Ông là người đầu tiên đưa ra tư tưởng về sự vận động biến đổi không ngừng của sự vật với câu nói nổi tiếng, “Không ai tắm hai lấn trên cùng một dòng sông”. Ông được mang biệt danh “nhà triết học tới nghĩa” vì phương pháp trình bày rất phức tạp và khó hiểu mặc dù tư tưởng của ông vô cùng sâu sắc.↩︎

3. Tham khảo thêm tác phẩm Cratylus § 402 (thuộc dòng các tác phẩm đối thoại với Socrates, hay rộng hơn là đối thoại theo kiểu Socrates) của Plato.↩︎

4. Người học trò này là nhà triết học Cratylus, một người Athene cùng thời với Socrates. Cratylus chủ yếu được biết đến nhờ được nhắc tên trong tác phẩm Cratylus (thuộc dòng các tác phẩm đối thoại với Socrates, hay rộng hơn là đối thoại theo kiểu Socrates) của Plato.↩︎

5. Chi tiết này nằm trong tác phẩm Geschichte der Philosphie của Tenneman.↩︎

6. Trường phái Elea (Eleatic school) được coi là một trong những trường phái triết học nổi tiếng nhất Hy Lạp thời Tiền Socrates do nhà triết học Parmenides xứ Elea (người sống vào khoảng giữa thế kỷ thứ sáu và thứ năm trước Công Nguyên) sáng lập ra. Một trong những nhà triết học nổi tiếng nhất thuộc trường phái này là nhà triết học Zeno xứ Elea (490 - 430 TCN), người nổi tiếng vì đã xây dựng những nghịch lý trừu tượng trong đó cho rằng sự vận động là bất khả, trong đó nổi tiếng nhất là nghịch lý Achilles không bao giờ đuổi kịp con rùa (còn gọi là nghịch lý Zeno). Aristotle gọi ông là người phát minh ra phép biện chứng. Bertrand Russell đánh giá những nghịch lý trừu tượng của ông là “tinh tế và sâu sắc đến mức không thể đong đếm được”. Ông có lẽ là người đầu tiên đưa ra phương pháp lập luận chứng minh bằng phản chứng. Người bác bỏ nghịch lý Achilles không bao giờ đuổi kịp con rùa là Diogenes, người sáng lập ra phái Khuyển nho (Cynics).↩︎

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3