Lũ Người Quỷ Ám - Chương 01
PHẦN THỨ NHẤT
Chương Một
VÀO CHUYỆN: VÀI CHI TIẾT VỀ TIỂU SỬ CỦA ÔNG XTEPAN
TROFIMOVITR VERKHOVENXKI KHẢ KÍNH
1
Trước khi mô tả những chuyện lạ lùng mới đây xảy ra trong cái tỉnh xưa nay vẫn vô sự của chúng tôi, tôi thấy phải lùi xa hơn nữa để cung cấp ít nhiều chi tiết về cuộc đời của con người đa tài và rất khả kính là ông Xtepan Trofimovitr Verkhovenxki. Điều này có thể xem như lời dẫn vào câu chuyện sắp tới.
Tôi xin thưa ngay rằng Xtepan Verkhovenxki4 luôn luôn đóng một vai trò đặc biệt, theo nghĩa công dân, trong chúng tôi. Ông say mê vai trò đó - mê đến nỗi tôi nghĩ rằng thiếu nó ông hết sống nổi. Nhưng xin chớ nghĩ rằng tôi so sánh ông với một kịch sĩ - lạy Trời, tôi kính ông lắm, đâu có dám vậy. Có lẽ phần lớn do thói quen, hay đúng hơn do một khuynh hướng cố hữu và cũng đáng khen, từ nhỏ ông thường trốn vào giấc mơ êm đềm là đảm nhận một thế công dân anh hùng. Vậy nên ông rất khoái nghĩ về mình như là một kẻ bị ruồng bỏ hay hơn nữa một kẻ bị lưu đày. Hai tiếng ấy mang một vầng hào quang cổ kính nào đó làm ông mê hoặc gỡ không ra. Năm tháng dần qua, tô chuốt mãi vầng hào quang ấy, ông tự đánh giá và đặt mình lên bệ cao khiến lòng tự tôn của ông cực kì mãn nguyện. Trong một truyện châm biếm bằng tiếng Anh hồi thế kỉ XVIII, anh chàng Gulliver phiêu lưu xứ Chim Chích đã quá quen nghĩ mình là một người khổng lồ tại một nơi ai cũng chỉ cao bằng đốt ngón tay, đến nỗi khi trở về London anh vẫn giữ thói hét lên để xe cộ và khách bộ hành trên đường tránh lối cho anh đi kẻo bị anh giẫm nát. Thiên hạ cười nhạo và chửi rủa anh, những mã phu thô lỗ còn lấy roi quất anh. Nhưng họ làm thế có phải lẽ không? Cái gì mà chẳng có thể do thói quen tạo thành? Và chính thói quen đã khiến Xtepan Verkhovenxki xử sự như ông đã làm - dù sao đi nữa, so ra hành vi của ông còn nhẹ nhàng và vô hại hơn, bởi ông vốn rất tốt bụng.
Mặc dầu về già ông bị đời hoàn toàn quên lãng, phải nhận là đã có thời ông có tiếng tăm. Không thể phủ nhận được là có một lúc - một lúc rất ngắn ngủi, đúng vậy - tên ông đã được nêu ra hầu như cùng một loạt với các tên Traadaev, Belinsky, Granovxki và Herzen5 Nhưng sự dấn thân hoạt động của Xtepan Verkhovenxki vừa chớm bắt đầu đã chấm dứt ngay, nguyên do bởi cái mà ông diễn tả là “thời thế Xoay chuyển”. Thực ra, chẳng hề có “xoay chuyển” hay “thời thế” gì hết. Mãi đến gần đây tôi mới được biết chắc chắn rằng lí do ông Verkhovenxki về sống ở tỉnh chúng tôi không phải là vì ông bị phát lưu khỏi Petersburg và Moskva; cũng chưa bao giờ ông bị cảnh sát canh chừng như chúng tôi trước đây đã tưởng. Thế mới biết sức mạnh của tự kỉ ám thị lớn là dường nào! Suốt cả đời, ông thành thật tin rằng nhà cầm quyền cao cấp rất e dè về ông, rằng mỗi đường đi nước bước của ông đều bị theo dõi, và ba vị tổng đốc theo nhau kế nhiệm ở tỉnh chúng tôi trong vòng hai mươi năm khi nhậm chức đã được các giới chóp bu quyền thế dặn phải đề phòng ông và do đó họ rất ngán ngẩm khi đến nhậm chức. Nếu có ai trong chúng ta cố thuyết phục ông Verkhovenxki rằng thực ra chẳng có gì đáng phải sợ hãi cả, thì hẳn ông sẽ cho đó là một lời sỉ nhục. Thế mà ông vốn thông minh, phú bẩm, và có học thức... - vâng, đúng ra ông không đạt được thành tích nào đặc biệt về học thuật, theo tôi ông chẳng có thành tích nào hết - nhưng đó là trường hợp thông thường đối với các nhà trí thức ở nước Nga chúng ta.
Khoảng gần năm 1850 ông ở ngoại quốc về và là một giảng viên đại học sáng chói trong một thời gian ngắn. Thực ra, ống chỉ có đủ thì giờ để giảng vài ba bài, hình như là về văn hóa Á Rập thì phải. Ngoài ra ông cũng có mặt bài trần thuyết rất hay về ảnh hưởng xã hội, chính trị và kinh tế mà thành phố nhỏ Hanao thuộc Đức từ năm 1413 đến năm 1428 hẳn đã nắm giữ nếu không vì một số hoàn cảnh đặc biệt và khá tối tăm đã kiềm chế sự phát triển của nó. Bài trần thuyết đó đề cao các hiệp hội của các thương nhân giữa các thành thị tự do của Đức thời Thung cổ đã giáng một đòn nặng vào lớp người chủ trương thân Nga đương thời và đã khiến nhiều kẻ trở thành thù nghịch với ông. Sau này, khi đã mất chức ở đại học, ông cho in (chỉ cốt chứng tỏ cho họ thấy họ đã để mất một nhân tài!) trên một tờ nguyệt san tiến bộ thường đăng tải bản dịch các tiểu thuyết xã hội của nhà văn Anh Dickens6. và để xướng các thuyết tự do và lãng mạn đồng quê của nữ văn hào Pháp George Sand7, phần đầu một bài nghiên cứu rất thâm sâu dường như về các nguyên do tiềm ẩn của các tiêu chuẩn đạo đức cực cao của một số hiệp sĩ trong một giai đoạn lịch sử nào đó, hay đại để như vậy. Dù sao đi nữa, trong bài ấy ông cũng triển khai một số tư tưởng rất tế nhị đượm mầu luân lí cao siêu vô chừng, về sau người ta đồn rằng phần tiếp theo của bài nghiên cứu đã bị nhà cầm quyền cấm đăng, và còn thêm nữa, tờ tạp chí tiến bộ kia đã bị nhiều hậu quả rắc rối vì đã đăng tải phần đầu. Vâng, điều đó rất có thể - thời đó chuyện gì mà chẳng xảy ra được. Tuy nhiên, riêng trong trường hợp này, dường như việc ấy không hề có thì đúng hơn, và tác giả chỉ vì quá lười mà không hoàn tất công trình nghiên cứu của mình. Còn về các bài giảng của ông về văn hóa A Rập, chúng phải ngưng bởi vì có người - chắc là một trong các địch thủ phản động của ông - viết một lá thư cho một kẻ khác, nữa để tố cáo ông về một số vấn đề. Thế là có kẻ đòi ông phải giải thích. Cũng vào lúc đó, người ta quả quyết nhưng tôi không dám bảo đảm là đúng, là đã khám phá ra một tổ chức phản loạn chống luân lí và nhà nước gồm chừng 13 người suýt nữa làm nổ tung chế độ. Nghe nói tổ chức đó còn sắp dịch cả sách của Fourier8 nữa! Tình cờ làm sao, nhà chức trách Moskva ngay lúc đó lại mới tịch thu một vở kịch thơ mà Xtepan Verkhovenxki viết ra sáu năm về trước ở Berlin, khi còn thanh niên. Bản thảo được truyền tay và đã có hai độc giả sính thơ và một sinh viên đọc qua, Giờ đây, bản thảo ấy đang nằm trên bàn giấy trước mặt tôi. Tôi nhận được nó cách đây chừng một năm do chính tác giả gửi cho, trước đó ít lâu ông đã tự tay chép lại. Bản thảo hiện mang cả chữ ký của ông và đóng bìa da dỏ sang trọng.
Tôi phải nói rằng vở kịch thơ cũng có tính cách trữ tình; có thể nó còn biểu lộ ít nhiều dấu hiệu tài năng nữa. Nó hơi đặc dị nhưng đó là lối viết thông thường hồi 1830. Khó mà kể chọ quí vị về nội dung của nó vì thú thật tôi cũng mù tịt. Đó là một lối ẩn dụ mang hình thức bi kịch trữ tình phảng phất gợi ta nhớ đến phần thứ hai của vở kịch Faust của Goethe9. Vở kịch mở đầu bằng một bè ca giọng nữ rồi tiếp đến là một bè ca giọng nam. Sau nữa đến một bè ca của những hồn người chưạ từng sống nhưng vẫn ham muốn sống. Tất cả những bè này hát lên một điều gì hết sức tối tăm, phần lớn là về một lời nguyền rủa nhằm vào một kẻ nào đó. Tuy nhiên chủ đề được trình bày một cách khôi hài, có ý nhị. Thình lình, màn hát chuyển sang một cái gọi là Lễ hội Cuộc đời. Bấy giờ mọi thứ đều lên tiếng ca, kể cả côn trùng. Một. con rùa đi tới và nói vài câu thánh ngôn bằng tiếng Latinh. Và, nếu tôi nhớ không lầm, thì ngay một khoáng vật (rõ mười mươi là một vật vô tri) cũng có lúc bật lên lời ca. Nói chung, đa số không ngừng ca hát; và khi nói, chúng chỉ trao đổi đôi lời cạnh khóe mơ hồ - dù vậy những lời này cũng mang ngầm một ngụ ý sâu xa. Rồi màn lại chuyển nữa. Đó là một địa điểm hoang dã, và giữa đám đá lỏm chởm có một thanh niên văn minh đang đi dạo. Chàng cứ nhổ cây cỏ và đưa lên miệng mút mãi. Khi một nàng tiên hỏi vì sao chàng mút cỏ, chàng cho biết là chàng cảm thấy sinh lực trong mình dồi dào quá đỗi nên chàng phải cố gắng quên mình và tìm quên trong hương vị của cỏ hoa. Nhưng chàng cũng kể cho nàng tiên nghe nguyện ước chính của chàng là vứt bỏ được trí não của mình đi - một nguyện ước nghe chừng quá thừa. Ngay lúc đó, một thanh niên cực kì tuấn tú cưỡi con ngựa đen tiến tới, theo sau là một đám đông vĩ đại gồm người dân đủ mọi quốc tịch. Thanh niên đó là Tử Thần, và mọi người đang khát khao đạt tới. Sau hết, trong màn chót, ngọn tháp Babel mọc lên. Một số người lực lưỡng vừa góp công hoàn thành việc dựng tháp vừa hát một bài ca về niềm hi vọng mới. Khi họ đã xây xong, một vị thiên thần chủ tể (tôi chắc là Chúa Trời) bỏ trốn một cách nhục nhã, và nhân loại, nhờ đã thấu suốt vạn vật, thay quyền và lập tức bắt đầu một đời sống khác. Đại khái, đó là vở kịch mà người ta cho là nguy hiểm. Năm ngoái đây tôi đề nghị với ông Verkhovenxki đem nó ra xuất bản, vì theo tiêu chuẩn hiện thời vở kịch đó hoàn toàn vô hại. Ông gạt phắt lời đề nghị của tôi, bất bình ra mặt. Ông không hề khoái chí về việc tôi gọi tác phẩm của ông là vô hại, và tôi nghĩ rằng đó là lí do sau đó ông lạnh nhạt với tôi đến hai tháng trời. Và bạn có biết chuyện chi xảy ra không? Ngay khi tôi đề nghị với ông xuất bản vở kịch ở trong nước Nga đây, nó được đem in gộp trong một tuyển tập cách mạng ở ngoại quốc mà ông không hề hay biết gì cả. Cực kì kinh hãi, ông tốc ngay đến thăm vị tổng đốc và viết một lá thư tự biện minh rất chững chạc gửi đi Petersburg. Ông đọc to cho tôi nghe lá thư ấy hai lần, nhưng chẳng bao giờ gửi đi vì ông không biết phải gửi đến ai. Ông lo về chuyện đó cả tháng trời. Tuy nhiên, tôi chắc chắn là trong thâm tâm ông rất lấy làm hãnh diện. Mỗi tối ông đi ngủ với ấn bản của tuyển tập kia mà người ta đã gửi lậu cho ông, còn ban ngày ông giấu nó dưới nệm. Suốt thời gian đó ông không cho chị giúp việc được dọn giường cho ông. Và mặc dù ngày ngày chờ mong một điện tín từ đâu đó tới, ông vẫn giữ một vẻ cao ngạo cả quyết. Chẳng có điện tín nào tới cả. Thế rồi ông cũng tha thứ cho tôi luôn, điều đó chứng tỏ ông rất tử tế và khó ôm mãi mối hiềm khích.
2
Dĩ nhiên là tôi không muốn nói rằng ông không đau khổ chút nào vì các niềm tin của mình. Nhưng tôi tin chắc rằng ông chỉ cần đưa ra những lời giải thích cần thiết thì hẳn ông vẫn có thể tiếp tục thuyết giảng về món văn minh Ả Rập của ông. Thay vì thế ông lại để cho trí tưởng tượng lôi cuốn và cứ đinh ninh rằng cái nghề khoa bảng của ông bị nát tan vì “thời thế xoay chuyển”. Nhưng nếu bạn muốn biết sự thật thực sự, thì cái nguyên do chân chính của việc gián đoạn trong sự nghiệp của ông là lời đề nghị lần thứ nhì và cực kì lịch sự với ông của bà Varvara Petrovna Xtavroghina, bà là vợ góa của Thiếu tướng Xtavroghin và hết sức giầu có. Bà đề nghị rằng, ông với tư cách là một nhà giáo dục siêu đẳng và thân hữu, hãy đảm nhận việc dạy dỗ và phát triển trí tuệ cho đứa con trai độc nhất của bà. Dĩ nhiên là để đền đáp, bà trả ông một số thù lao lớn không thể tả. Bà đã đề nghị với ông lần thứ nhất khi ông còn ở Berlin, sau khi bà vợ thứ nhất của ông qua đời. Bà vợ thứ nhất đó quê quán ở tỉnh chúng tôi, hồi con gái vốn tính nết phù hoa và ông đã cưới khi bà ta hãy còn rất trẻ người non dạ. Tôi tin rằng ông đã bị khổ sở khi sống chung với người đàn bà (phải nhận rằng) khá duyên dáng đó, một phần vì eo hẹp tài chính và một phần vì một số khó khăn, có tính cách tế nhị khác. Bà vợ đó mất ở Paris, sau khi đã li thân với ông trong ba năm chót trên đời, để lại cho ông một đứa con trai lên năm tuổi, mà có lần ông Verkhovenxki đã đàu dàu gọi ngay trước mặt tôi là “kết quả của mối hạnh phúc đầu không áng mây che của chúng tôi”. Cái quả của mỗi hạnh phúc kia lập tức được tông khứ về Nga và việc dạy dỗ được giao phó cho một người bà con xa lắc xa lơ sông ở một nơi bùn lầy nước đọng. Lần dề nghị đầu tiên đó của bà Xtavroghina bị ông Verkhovenxki từ tạ. Chưa đến một năm sau khi vợ mất, không vì duyên do đặc biệt gì hết, ông tục huyền với một cô gái Berlin ít nói. Tuy nhiên, việc tái hôn này không phải lí do duy nhất khiến ông từ chối địa vị giám hộ cho cậu Xtavroghin: ông còn đang bị mê hoặc vì tiếng tăm lừng lẫy của một vị giáo sư và có ý gấm ghé một sự nghiệp khoa bảng cho riêng mình, ông ngỡ nó có thể giúp ông cơ hội chim bằng vút cánh. Thế cho nên khi đôi cánh đã bị thui sém, ông nhớ lại lời đề nghị đã khiến ông ngay lúc trước cũng tần ngần. Rồi cái chết thình lình của bà vợ thứ nhì chưa đầy một năm sau khi hai bên lấy nhau đã quyết định dứt khoát cho ông. Tôi xin thẳng thắn nói: tất cả là nhờ sự cảm thông nồng nàn và tình bạn cổ điển của bà Xtavroghina, nếu có thể dùng tính từ đó gắn cho tình bạn. Ông gieo mình vào đôi tay bè bạn ấy và làm tổ trong đó luôn hai chục năm. Mặc dầu tôi nói “gieo mình vào đôi tay...”, xin chớ ai bắt đầu tưởng nọ nghĩ kia: đôi tay ở đây phải hiểu theo nghĩa tinh thần cao cả. Một sợi dây tinh vi và tế nhị nhất nối kết hai con người đặc biệt đó lại với nhau một lần và mãi mãi.
Xtepan Verkhovenxki cũng chấp nhận làm giám hộ vì cái sản nghiệp nhỏ nhoi mà bà vợ trước để lại cho ông ở sát gần ngay trang trại tráng lệ Xcvoresniki của gia đình Xtavroghin ở kề tỉnh chúng tôi. Hơn nữa, ông Xtepan Verkhovenxki cảm thấy rằng trong bầu không khí tĩnh mịch ở thư phòng và không bị chia trí vì khối lượng mênh mông của trường đại học, ông có thể chuyên tâm vào việc khảo cứu bác học và làm giầu cho tòa nhà văn hóa của dân tộc. Không có thành quả nào về nghiên cứu thực sự thành hình cả; cái thành hình chỉ là khả năng biến thành cái tinh chất trách móc quê hương đất tổ, cho đến hết cuộc đời ông - trong suốt hơn hai chục năm. Như thi sĩ đã diễn tả:
Đứng trước Tổ quốc mến yêu
Ông, nhà lý tưởng tự do,
Hiện thân làm lời trách móc.
Hẳn là người mà thi sĩ ám chỉ có quyền giữ thế đứng trách móc suốt đời, dù việc đó có làm ông ta chán ngắt. Nhưng Xtepan Verkhovenxki thực sự chỉ bắt chước những kẻ đó, còn ngoài ra đứng mãi làm ông quá mệt nên ông thường cuộn tròn nằm nghiêng tạm nghỉ. Tuy nhiên, dù trong tư thế nằm nghiêng, ông vẫn xoay xở giữ được cốt cách trách móc, và như thế đối với tỉnh chúng tôi cũng là được lắm rồi. Bạn phải nhìn thấy ông khi ngồi vào bàn chơi bài tại câu lạc bộ của chúng tôi. cả con người ông dường như nói lên rằng: - “Úi dào, đánh bài... Cứ nghĩ tôi mà phải ngồi xuống đánh bài với các ông! Tôi biết thế là không thích hợp một tí nào cả. Nhưng biết trách ai? Ai đã làm tan nát sự nghiệp của tôi! Úi dào, nước Nga mạt vận rồi chăng?”
Và dáng điệu trang trọng đến mực, ông đánh ra một cây bài cốt hình tim.
Dĩ nhiên là ông rất say mê đánh bài điểm. Cái say mê đó sau này thường gây ra những vụ cãi lộn mất vui giữa ông và bà Xtavroghina, đặc biệt là vì lúc nào ông đánh cũng thua cả. Những chuyên đó xin sẽ kể sau. Trong lúc này, tôi chỉ xin thưa rằng ông là một người rất nhậy cảm (ít ra cũng có nhiều lúc), nên ông thường xuống tinh thần. Trong hai mươi năm kết bạn với nhau, mỗi năm hai, ba hoặc bốn lần ông có những thời kì mà chúng tôi gọi là “ưu uất xã hội”. Thực ra, đó chỉ thuần là những cơn xuống tinh thần nhưng bà Xtavroghina thích gán cho chúng cái nguyên do là sự đau khổ của ông vì nỗi bất công trong xã hội. Sau này, thêm vào những thời kì “ưu uất xã hội”, ông còn rơi vào những thời kì nhậu nhẹt. Nhưng bà Xtavroghina đã rất khéo léo giúp ông kiểm soát cái khuynh hướng bình dân này. Đúng vậy, ông cần một thứ nữ khán hộ, vì càng có tuổi ông càng trở thành kì quặc. Thỉnh thoảng, ngay giữa cơn ưu uất cao cả nhất, ông đột nhiên phá ra cười, cái cười chẳng có chút tế nhị nào cả. Đôi khi, ông còn đưa ra cả những nhận xét hài hước về chính mình, và không có gì làm bà Xtavroghina sợ bằng óc khôi hài. Bà ta là một nhà nữ cổ điển, một phu nhân bảo trợ văn chương nghệ thuật, chỉ hoạt động vì những mục tiêu cao thượng nhất. Ảnh hưởng trong hai mươi năm của người đàn bà này đối với người bạn đáng thương của bà có tính cách quyết định, nên cũng xin có đôi lời nói về nhân cách của bà cho thích hợp.
3
Có những tình bạn lạ lùng mà đôi bên hầu như lúc nào cũng muốn xé xác nhau ra nhưng lại không thể sống thiếu nhau. Không thể nghĩ đến chuyện chia cách vì bên nào nổi giận và quyết định dứt tình không chừng sẽ chết ngắc nếu thực hiện điều đó. Tôi biết chắc rằng trong vài trường hợp, sau một trận lôi đình thân mật với bà Xtavroghina, ông Verkhovenxki nhảy phắt dậy từ ghế trường kỉ đang ngồi, nắm hai tay đấm lên tường. Điều đó không phải tôi nói bóng nói gió đâu. Đã có lần ông làm rơi rớt khối vôi vữa xuống đất.
Bạn có thể thắc mắc làm sao tôi lại biết được chi tiết phòng the đó. Phải chăng tôi đích thân chứng kiến? Hay chính Xtepan Verkhovenxki nức nở trên vai tôi đã vẽ lại những nỗi đoạn trường bí ẩn bằng những mầu sắc thê lương nhất? Ôi, biết bao nhiêu là chuyện ông tâm sự với tôi trong những dịp như thế! Nhưng nức nở được một bữa là ông lại sẵn sàng kết án mình là vô ân bạc nghĩa. Ông sẽ vội vã tới chỗ tôi hay cho mời gấp tôi tới để kể cho tôi nghe là bà Xtavroghina là một thiên thần, là linh hồn của sự tế nhị và cư xử quí phái, trong khi ông hoàn toàn ngược lại. Không những chỉ tấm sự với tôi, ông còn thường kể lể mọi chuyện cho bà ta bằng những lá thư hùng hồn trong đó - trước khi đặt bút kí cả tên lẫn hộ - ông thú tội chẳng hạn là mới hồi hôm ông đã bảo một người ngoài là bà giữ ông chẳng qua là vì hư danh, rằng bà ghen tị với cái tài năng của ông, rằng bà thù ghét ông và chỉ vì sợ ông sẽ bỏ đi và do đó làm mất thanh danh Mạnh Thường Quân của bà nên đành phải gói ghém lòng thù ghét lại; sau cùng, ông nói rằng ông cũng khinh ngay mình và đã quyết định tự tay kết liễu cuộc đời nhưng chỉ còn chờ bà ban ra một lời phán quyết số mạng cho ông - vân vân. Vậy bạn có thể tưởng tượng là hài nhi ngây thơ năm mươi tuổi đầu này tự tạo ra cái cao điểm điên loạn như thế nào! Có lần tôi được đọc một trong những lá thư đó; thư viết sau một cuộc cãi cọ giữa hai ông bà khởi từ một chuyện tầm phào nào đó và càng kéo dài càng trở nên độc địa thêm. Tôi hoảng kinh và năn nỉ ông đừng gửi đi.
Ông lẩm bẩm như lên cơn: “Không thể được... làm như thế này thẳng thắn hơn... bổn phận của tôi... Không nói cho rõ trắng đen mọi sự, phải, hết thẩy mọi sự, thì tôi đến chết mất!”, và rồi ông gửi lá thư đi.
Cái khác biệt lớn nhất giữa hai ông bà nằm ở điểm đó - bà Xtavroghina không bao giờ lại gửi một lá thư như thế. Đúng ra, ông Verkhovenxki nghiến viết. Ông viết thư cho bà Xtavroghina mặc dù hai ông bà sống chung dưới một mái nhà, và những thời kì lên cơn, ông sản xuất mỗi ngày hai lá. Tôi biết chắc chắn rằng những lá thư đó bao giờ bà cũng đọc rất cẩn thận, dù nhận được hai lá cùng một ngày. Rồi bà gấp lại ngay ngắn, đánh số, phân loại, rồi xếp thành hồ sơ trong một ngăn tủ đặc biệt. Hơn thế, những thông điệp đó cũng khiến bà tự tra vấn lương tâm nữa. Nhưng rồi sau khi đã để cho ông bạn chờ đợi trong thắc mắc cả một ngày, bà gặp ông và cư xử như không có chuyện gì xảy ra.
Dần dà, bà huấn luyện ông khéo đến nỗi ông không bao giờ tự nhắc lại vấn đề tranh chấp nữa, mà chỉ liếc nhìn vào cặp mắt bà một cách dò hỏi. Tuy nhiên, bà không hề quên chuyện gì, trong khi ông lại mau quên quá đỗi. Thường, ngay ngày hôm sau, nhờ tư thái lịch sự của bà khích lệ, ông có thể phá ra cười ngay trước mặt khách lạ và còn xử sự bồng bột như một cậu học trò bên chén rượu. Tôi có thể hình dung ra cái tia nhìn độc địa của bà phóng ra về hướng ông trong khi ông không hề hay biết tí gì. Nhưng rồi, có thể một tuần, một tháng, hoặc có khi nửa năm sau - ông chợt nhớ lại một từ ngữ nào đó ông đã dùng trong một lá thư, và rồi toàn thể lá thư cùng mọi hoàn cảnh xảy ra quanh lá thư đó, và ông đột nhiên chìm trong nỗi xấu hổ. Điều này dằn vặt ông quá thể nên rốt cuộc bao giờ ông cũng bị những cơn đau bao tử dữ dội hành hạ. Ông thường bị những cơn đau này sau những thời kì căng thẳng thần kinh; đó là một nét lạ lùng về cái cấu tạo thể chất của ông. Thật ra, bà Xtavroghina thường phải ghét ông. Nhưng nói cho cùng, ông đã trở thành một thứ con đẻ của bà, một vật do chính bà sáng tạo ra. Và điều này ông Verkhovenxki cho đến khi chết cụng không bao giờ ngờ tới. Vâng, ông đã trở thành thịt dà máu mủ của bà, và bà bám riết lấy ông, nhưng không phải vì ghen tị tài năng của ông một tí nào, như ông xác định. Ôi, những lời đoan quyết như thế hẳn đối với bà thật là lăng nhục! Bà chôn giấu tình cảm khôn nguôi của bà đối với ông dưới hình thức thù ghét, ghen tuông và miệt thị thường xuyên. Bà giữ cho ông khỏi có một hạt bụi, chăm sóc ông như một đứa bé trong hai mươi năm, và đã trải qua những đêm thức trắng khi cảm thấy danh dự thi sĩ, học giả và chiến sĩ tranh đấu cho công bằng xã hội của ông bị đe dọa. Bà đã sáng tạo ra ông và bà cũng là người thứ nhất tin vào vật sáng tạo của chính mình. Ông gần giống như một phần mộng mị riêng của bà. Do đó, bà dòi hỏi ông rất nhiều, hầu như biến ông thành một nô lệ. Ngoài ra, bà còn khắt khe không thể tưởng. Tôi xin kể hầu quí bạn vài mẩu chuyện về việc đó.
4
Một lần kia, khi các tin đồn về việc giải phóng nông nô khởi sự loan truyền và cả nước Nga hân hoan chờ đớn một sự phục hưng tinh thần, thì có một vị tử tước ở Petersburg quen biết với những giới cao nhất và rất thân cận với cuộc cải cách sắp đến, ghé thăm bà Xtavroghina. Bà rất coi trọng những cuộc viếng thăm như thế vì từ khi chồng tạ thế, mối giao du của bà với xã hội thượng lưu ngày càng trở nên lợt lạt và rồi hẳn theo thường lệ cũng sẽ đi đến chỗ dứt tuyệt hẳn. Ông tử tước đến dùng trà, và ở chơi khoảng một giờ. Bà không cho mời ai ngoài ông Verkhovenxki mà bà nghĩ sẽ có thể khoe với khách. Dường như vị tử tước có nghe danh ông - hay chỉ đóng bộ - nhưng dầu sao trong suốt buổi uống trà, ông không hề tiếp chuyện với ông Verkhovenxki. Dĩ nhiên là Xtepan Verkhovenxki cảm thấy ông phải gây ra một ấn tượng tốt, điều đó cũng dễ với phong thái lịch sự của ông. Vì tôi tin rằng mặc dầu gốc gác hèn kém, từ thuở nhỏ ông đã được dạy dỗ trong một gia đình quyền quý ở Moskva và ông nói tiếng Pháp như một người dân Paris chính cống. Sự hiện diện của ông cốt để vị tử tước ngay từ phút hội ngộ đầu đã biết ngay, dù trong cảnh quạnh quẽ ở tỉnh nhỏ, bà Xtavroghina cũng tập hợp quanh bà loại người như thế nào. Nhưng chuyện đâu có diễn ra hoàn toàn như thế. Khi vị tử tước xác nhận tin đồn về cuộc đại cải cách là tuyệt đối đúng sự thật, ông Verkhovenxki đã để cho lòng hăng say thắng lướt reo lên “số dách!” và còn hoa chân múa tay, cốt để nhấn mạnh sự hân hoan của mình. Tiếng reo của ông không lớn và có phần rất trang nhã là đằng khác. Sự bộc lộ của ông có thể đã suy nghĩ chín chắn, và cử chỉ của ông có thể đã được tập diễn hàng nửa giờ với gương soi trước buổi uống trà. Thế nhưng, vẫn có một cái gì đó hỏng, vì vị tử tước thoáng mỉm cười rất khẽ - mặc dù ngay sau đó, cực kỳ lịch sự, ngài đã chêm một câu về sự mừng vui khắp trong nước, sự phấn khởi của mọi tấm lòng người Nga trước tin tức về biến cố trọng đại kia. Ngay sau đó, vị tử tước giã từ, và không quên chìa hai ngón vào lòng bàn tay ông Verkhovenxki khi ra đi. Khi họ trở lại phòng khách, bà Varvara Petrovna thoạt đầu ngồi im lặng chừng phút, làm ra vẻ tìm kiếm một vật gì đó trên bàn. Rồi bất chợt bà ngó ngay vào ông Verkhovenxki. Bà xanh mướt như tầu lá và mắt bà rực lên khi bà rít từng tiếng:
“Tôi không bao giờ tha thứ cho ông về chuyện vừa rồi”.
Ngày hôm sau bà xử sự như không có chuyện gì xảy ra, và câu chuyện tưởng chừng như bị lãng quên. Tuy nhiên, mười ba năm sau, trong một cuộc cãi nhau bà đột nhiên nhớ lại chuyện ấy và la rầy ông. Và người bà đổi xanh như tàu lá, mắt bà rực lên in hệt như lúc bà la rầy ông mười ba năm về trước. Trong suốt thời gian giao du chỉ có hai lần bà nói với ông: “Tôi không bao giờ tha thứ cho ông về việc vừa rồi!” Tiệc trà với vị tử tước là lần thứ nhì. Còn lần đầu cũng rất điển hình và ảnh hưởng đến cuộc đời của ông Verkhovenxki nên tôi thấy cũng cần phải kể lại.
Chuyện đó xảy ra vào tháng Năm năm 1855, khi tin cái chết của tướng Xtavroghin báo về đến trang trại Xcvoresniki. Ông già phù hoa đó mất vì một cơn đau dạ dầy khi trên đường tới bán đảo Crưm để gia nhập các đơn vị đang tham chiếm. Bà Xtavroghina, bấy giờ trở thành góa bụa và chịu tang. Tuy nhiên, phải nói rằng việc chồng mất không làm cho bà thực sự đau đớn cho lắm, vì tính khí hoàn toàn trái nghịch nhau hai vợ chồng đã li thân hơn bốn năm trời. Bà cấp đãi cho ông một ngân khoản hàng tháng, vì ông tướng kia chỉ có một trăm rưỡi nông nô làm số lượng nhà binh, có tên tuổi, và quen biết nhiều trong khi bà làm chủ trang trại Xcvoresniki và là con gái độc nhất của một ông nhà thầu giầu nứt đố đổ vách. Dù vậy, tin đột ngột kia cũng làm bà choáng váng, và bà lui về đời sống ẩn dật. Không cần phải nói cũng biết rằng ông Verkhovenxki vẫn thường xuyên ở bên cạnh bà.
Tháng Năm tiết trời đang bừng rộ. Những buổi chiều dài dễ đắm say lòng người, những cây anh đào dại đang đơm hoa. Mỗi buổi chiểu họ gặp nhau trong vườn dưới giàn cây, trút hết những nỗi niềm tâm sự, những giây phút ấy thật là nên thơ. Sự thay đổi trong tình trạng gia cảnh ít nhiều cũng khiến bà Xtavroghina trở thành vui miệng lắm lời, và người ta có thể nói là bà mở những ngõ ngách tâm hồn ra với bạn. Sự việc cứ tiếp diễn như thế suốt nhiều buổi chiều xuân. Thế rồi một tư tưởng lạ lùng đột nhiên đến với Xtepan Verkhovenxki. Ông tự hỏi: “Có lẽ người quả phụ sầu muộn khôn nguôi này trông đợi ta ngỏ lời khi năm chịu tang đi qua chăng?” Hẳn đó là một ý nghĩ khá vô liêm sỉ, nhưng vốn một người càng đạt đến trình độ phát triển cao bao nhiêu thì càng có xu hướng vô liêm sỉ bấy nhiêu, dù đó chỉ là vì cấu tạo của người đó càng trở nên phức tạp hơn. Ông đắn đo suy nghĩ một thời gian rồi đi đến kết luận là cơ sự rất có mầu như thế. Ông ngẫm: “Phải, chuyện này dính dáng đến một gia tài lớn, nhưng...” Thực ra, khó có thể mô tả bà Varvara Xtavroghina là một tấm nhan sắc. Bà cao và xương xẩu, nước da lại vàng vọt. Mặt bà dài quá đỗi làm người ta liên tưởng đến mặt ngựa. Ông Verkhovenxki càng lúc càng đau khổ vì những dự cảm bất thường và ngại ngần lớn dần đến nỗi đôi lúc phải phát khóc (nói chung, ông là người mau nước mắt). Thế rồi, trong những buổi gặp gỡ ban tối ở vườn, mặt ông phảng phất nét hơi mỉa mai và kì quái; thái độ của ông phần nào trở nên nửa giấu giếm nửa hổ ngươi. Những điều này xảy đến cho ta một cách bất ngờ, và người nào càng quí phái bao nhiêu thì càng lộ liễu bấy nhiêu. Thực khó nói, nhưng có lẽ cái điều mà ông Xtepan Verkhovenxki băn khoăn hầu như không hề thấy xao động trong thâm tâm bà Varvara Xtavroghina. Trong bất cứ trường hợp nào, bà hẳn cũng không muốn đổi tên Xtavroghina lấy tên Verkhovenxcaia dù cho ông có làm cho nó được oai hùng đến đâu đi nữa. Không chừng đó chỉ là một lối đóng kịch phụ nữ của bà, một sự phô bầy những nhu cầu vô thức của giống cái chung cho nữ giới trong một số hoàn cảnh. Tôi không dám đoan chắc; vì cho đến ngày nay trái tim của đàn bà vẫn chưa được khám phá đến đáy sâu.
Dĩ nhiên là chẳng bao lâu bà đã tìm ra chìa khóa giải rõ cái nét biểu lộ lạ lùng trên gương mặt người bạn, vì ông ngây thơ bao nhiêu thì bà nhậy cảm và giỏi quan sát bấy nhiêu. Tuy nhiên, những buổi chiều của họ không thay đổi, và chuyện trò của họ vẫn hứng khởi và cao xa như trước. Thế rồi một khi màn đêm buông xuống, họ lại chào nhau ngủ ngon, nồng ấm nắm tay nhau trước cửa hiên ngôi nhà nằm giữa khu vườn mà cứ mỗi mùa hè ông Verkhovenxki lại bỏ dinh cơ đồ sộ Xcvoresniki để dọn đến ở đây. Ông mới vào bên trong phòng và đầu óc còn đang xáo trộn tơi bời, ông lấy một điếu xì gà. Trước khi đốt lên ông bơ thờ đứng trước cửa sổ bỏ ngỏ, ngó trông những dải mây trắng nõn lướt nhẹ gần mặt trăng lưỡi liềm sắc như cắt. Một tiếng động thình lình làm ông giật mình quay lại. Varvara Xtavroghina, mà ông vừa mới chia tay dăm phút, bây giờ đứng ngay trước ông. Sắc mặt thường vàng vọt của bà dường như tái xanh, môi mím chặt và hai khóe miệng run rẩy. Tia nhìn cứng cỏi và lạnh như tiền của bà làm ông sững sờ cả chục giây; thế rồi bà phát ra trong một hơi thở nhẹ dập dồn:
- Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho ông việc đó!
Mười năm về sau, khi ông Verkhovenxki kể lại câu chuyện buồn này cho tôi nghe trong tiếng thầm thì nho nhỏ sau khi đã đóng cửa gài then cẩn thận, ông thề rằng khi đó ông chết đứng đến nỗi không thấy cũng không nghe tiếng bà Xtavroghina ra đi. Và cũng bởi bà không hề nói gần nói xa gì đến chuyện đã xảy ra và mối liên hệ giữa họ vẫn tiếp tục in như trước, ông ngả về tư tưởng rằng đó chỉ là một ảo giác trước cơn đau, nhất là sau đó ông lại đau hai tuần thực sự và tình cờ cũng chấm dứt luôn những buổi gặp gỡ trong vườn buổi tối.
Nhưng dù cho hi vọng rằng đó chỉ là ảo giác, ông vẫn trông chờ cái có thể gọi là kết cuộc cho câu chuyện. Ông không thể tin rằng nó lại kết liễu ngay khi ấy và ở đó. Thế cho nên có những lúc nhìn người bạn gái ông không khỏi cảm thấy lạ lùng.
5
Bà quyết định cả đến quần áo ông phải mặc cho đến khi ông nhắm mắt. Trang phục đó trang nhã và thích hợp: một áo choàng đen dài cài khuy đến tận cổ và bó sát; một mũ dạ rộng vành mềm (mùa hè thay bằng mũ rơm); một cà vạt bằng tơ trắng thắt nút lớn và buông thõng; cùng một gậy chống nắm tay bằng bạc. Bà cũng bắt để tóc dài thả xuống vai. Tóc ông mầu hung đậm và chỉ mới đây bắt đầu đổi sang muối tiêu. Râu ria ông cạo sạch bong. Người ta nói rằng hồi trẻ cậu Xtepan Verkhovenxki rất đẹp trai, và theo tôi, ngay khi tuổi già ông cũng còn làm thiên hạ rất cảm động. Nhưng phải chăng 53 tuổi thực sự là già? Tuy nhiên, muốn đóng vai trò một chiến sĩ kì cựu tranh đấu cho công bình xã hội, hẳn là ông không muốn làm cho có vẻ trẻ hơn tuổi thực. Dường như ông còn thích đề cao tuổi tác của mình. Thế nên cao và gầy, tóc tai lòng thòng và với quần áo đó, trông ông giống như một bậc trưởng thượng và chẳng khác nào chân dung thi sĩ Cucolnik trong bản khắc in kèm tác phẩm năm 1830. Ông giống bức hình khắc đó khi ông ngồi trên ghế dài ngoài vườn vào mùa hạ với một bụi hoa tử đinh hương phía sau, cả hai bàn tay ông chống lên cây gậy, bên cạnh ông là một cuốn sách mở ngỏ, và miệng ông mấp máy vần thơ vịnh cảnh hoàng hôn. Nói đến sách vở, tôi xin ghi nhận ở đây là về cuối đời ông càng ngày càng ít đọc - nhưng đó là chỉ khi đến tận khúc cuối cuộc đời. Bao giờ ông cũng đọc vô số báo ngày và tạp chí mà bà Xtavroghina đặt mua dài hạn. Ngoài ra ông cũng chú tâm đến những phát triển mới nhất của văn chương Nga, mặc dù về điểm này ông giữ một thái độ dè dặt nghiêm túc. Có một lần, ông hăng say lắm lao mình nghiên cứu các chính sách quốc nội và quốc ngoại, nhưng chẳng bao lâu lại nhún vai bỏ phắt. Đôi khi ông cũng bước vào vườn tay cầm cuốn sách của Tokevil10 luận về nền dân chủ Hoa Kỳ, nhưng trong túi ông giấu một cuốn tiểu thuyết diễm tình của Paul de Kock11. Nhưng tất cả những chuyện đó đâu có gì là quan hệ.
Bây giờ tôi xin phép mở dấu ngoặc để nói về bức chân dung của thi sĩ Cucolnik đôi lời. Bà Varvara tình cờ gặp nó khi còn là cô gái nhỏ trọ học trong một ngôi trường kín. Lập tức cô tương tư ngay hình bóng nhà thơ. Các thiếu nữ lưu trú trong trường hay có khuynh hướng tương tư bất cứ người nào hay bất cứ vật gì, kể cả thầy giáo của họ - nhất là những ông thầy dạy viết và dạy vẽ. Tuy nhiên, điều chúng ta để tâm ở đây không phải là hồi còn con gái bà Varvara tính nết ra sao, mà là sự kiện rằng ngay đến khi năm mươi tuổi đầu bà vẫn còn giữ tấm hình kia trong đám những bảo vật thân thiết của bà. Việc này có thể giải thích lí do bà bắt ông Verkhovenxki ăn mặc theo kiểu bà đã làm. Nhưng điều đó, dĩ nhiên, cũng là chuyện không đáng kể.
Trong những năm đầu tiên ở tại nhà bà Varvara, ông Verkhovenxki vẫn định bụng viết một quyển sách. Thực ra, mỗi ngày ông đều sửa soạn khởi bút. Nhưng, trong những năm sau, hẳn là ông đã quên khuấy mất trong đầu trước nghĩ viết gì. Càng ngày ông càng hay than:
- Tôi cảm thấy sẵn sàng bắt đầu công việc. Tôi đã có đủ tài liệu cần thiết trong tay, thế nhưng - không hiểu sao tôi bắt đầu không được. Và ông cúi đầu tuyệt vọng. Hiển nhiên là nỗi thống khổ trong việc sáng tạo bác học mà ông chịu đựng càng làm cho đôi mắt ông thêm long lanh, dù chính ông khao khát điều khác.
Ông thường kêu:
- Họ đã quên tôi rồi! Không ai còn cần tôi nữa!
Nỗi tuyệt vọng này trở nên thâm sâu đặc biệt vào khoảng gần năm 1850, và cuối cùng bà Varvara nhận biết rằng nỗi tuyệt vọng đó là thành thực. Bà không thể chịu đựng nổi ý tưởng rằng người bạn già của bà bị bỏ quên và trở thành vô dụng. Để giải trí ông và nung đúc lại uy danh cho ông, bà đưa ông đi Moskva một chuyến. Ở thủ đô này bà vẫn còn giữ được vài mối giao đu trong hàng thức giả và văn nghệ sang trọng. Nhưng chuyến đi Moskva kết cuộc không được mãn nguyện cho lắm..
Thời thế lúc này thật là lạ lùng: dường như có cái gì trong không khí - một cái gì rất khác với cái bình ổn xa xưa; một cái gì hoàn toàn mới mẻ mà lại có thể nghe ra khắp nơi cùng chốn, ngay cả ở dinh trại Xcvoresniki. Chúng tôi bắt được đủ loại tin đồn. Nói chung, sự việc thì ai cũng biết, nhưng quanh các sự việc đó có vô vàn là tư tưởng - nói cho đúng thì là tư tưởng tràn lan. Và điều rắc rối là khó mà thích ứng mình với những tư tưởng đó, hay nói rõ ra, là khó nắm được thực nghĩa của chúng. Vốn là đàn bà, bà Varvara vẫn một mực nghi ngại rằng những tư tưởng đó có một cái gì bí ẩn. Bà bắt đầu đọc báo ngày và tạp chí ngoại quốc mà bà kiếm cách mua được (dù rằng chúng bị cấm ở Nga) cũng như đủ loại truyền đơn và tuyên ngôn mật. Nhưng rồi bà lại bỏ ngay, vì chúng làm cho đầu óc bà quay cuồng. Rồi bà khởi sự viết thư. Nhưng bà chẳng nhận được mấy hồi âm, và thêm nữa càng ngày những lá thư bà nhận được càng trở nên khó hiểu. Thế nên bà trịnh trọng xin ông Verkhovenxki giải thích “tất cả những tư tưởng ấy” cho bà một lần cho xong xuôi. Khi ông giảng xong, lời giải thích của ông làm bà vô cùng bất mãn. Quan điểm của ông về sự chấn động chung quá ư là khinh miệt. Theo ý ông, tất cả qui về một việc là họ đã lãng quên ông và không có chỗ đứng cho ông trong phong trào mới đó. Tuy nhiên, sau rốt, họ cũng nhớ ra ông. Đầu tiên là những ấn bản của lớp người lưu vong phát hành ở ngoại quốc nhắc nhở lại thời kỳ ông lê gót nơi quê người và thụ khổ, rồi ở Petersburg ông được mô tả như một vì sao trước đây có mặt trong một chòm sao nức tiếng cũ và người ta ví ông với cả Radisev12 - không hiểu vì lí do mờ tối nào. Rồi có người lại báo tin ông đã qua đời và hứa sẽ gửi đến bài phúng điếu. Sau đó, ông Verkhovenxki lập tức hồi sinh và tái xuất hiện với một niềm tự trọng mới mẻ. Mọi miệt thị của ông đối với các nhà chính trị đương thời tan biến hết, và ông trở nên xao động bồn chồn muốn đi ngay Petersburg, gia nhập phong trào và phô trương tinh thần của ông.
Bà Varvara tìm lại được niềm tin cũ và hóa ra bận rộn. Họ quyết định đi Petersburg ngay không chần chừ gì nữa, đích thân tìm coi mọi việc ra sao, và nếu có thể, không càu nhàu và không đắn đo, hiến mình cho lí tưởng mới. Chẳng hạn bà tuyên bố là bà sẵn sàng xuất bản một tạp chí và để hết quãng đời còn lại vào đó. Thấy rằng tất cả những chuyện này đối với bà quá hệ trọng, ông Verkhovenxki càng đâm ra khuynh loát hơn và bà Varvara nhận ngay ra giọng điệu đàn anh của ông trong lối cư xử với bà, và tức khắc bà ghi nhớ ngay sự kiện đó. Tuy nhiên, phải nói rằng bà còn đeo đuổi một mục tiêu khác khi đi Petersburg - đó là nối lại mối dây liên lạc với những chốn giao du ngày trước. Bà phải làm hết sức để nhắc nhở xã hội nhớ sự có mặt của bà. Nhưng lí do ngoài mặt của chuyến đi là để bà ghé thăm cậu con trai mới tốt nghiệp một trường nội trú ở Petersburg.
6
Vậy là họ đi Petersburg và ở đó gần suốt cả mùa đông. Tuy nhiên, đến lễ Tro13 vào tháng Ba hi vọng của họ đã vỡ tan như một bong bóng xà bông muốn mầu. Những giấc mộng của họ rơi rụng và đám mây mù hỗn độn kia thay vì sáng tỏ lại càng dầy đặc và bệnh hoạn hơn. Đầu tiên, bà Varvara không thành công trong việc gây lại những mối giao du, ngoại trừ có lẽ trong một phạm vi nhỏ bé đến tức cười - và như thế cũng đã phải trả giá bằng những nỗ lực hạ mình nhất. Bực mình, bà dốc toàn lực vào việc phục vụ những “tư tưởng mới” và bắt đầu tổ chức những phiên họp chính trị buổi tối tại nhà. Bà mời đủ mọi thứ nhân vật trong văn giới. Những người này tức tốc bị lùa hàng đàn vào phòng khách của bà. Sau đó, họ bắt đầu tới chẳng cần được mời nữa - người này dẫn theo kẻ khác. Bà chưa thấy những văn nhân như thế bao giờ; họ phù hoa không thể tưởng mà lại để lộ ra mặt cả mười phần, như thể rằng họ phù hoa như thế là đảm nhận một chức phận nào đó vậy. Một số, tuy không hẳn là tất cả, đến nơi thì đã say khướt, và lại còn cư xử như thể trong cái say sưa có một cái gì đẹp lắm mà họ mới tìm ra bữa qua. Thực ra, người nào cũng có vẻ hãnh diện về một cái gì đó. Gương mặt của họ nói toang lên rằng ngay phút giây này đây họ mới khám phá một điều bí mật quan trọng ghê gớm nào. Họ chửi lộn và tự khen mình về việc đó. Khó mà tìm biết cho ra họ đã thực sự viết những gì, nhưng họ tự nhận là phê bình gia, tiểu thuyết gia, châm biếm gia, kịch tác gia, và những nhà công kích tệ đoan xã hội. Ông Verkhovenxki xoay xở lọt vào được tầng lớp chóp bu của văn giới đó, vào nhóm lãnh đạo của họ. Ông phải leo một khoảng cực xa mới tới những người thực sự nắm quyền điều động, nhưng họ tiếp đón ông một cách nồng nàn. Dĩ nhiên, là trong đám họ chưa ai từng nghe nói đến tên ông, họ chỉ đoán là ông ủng hộ tư tưởng. Và ông điều, động họ khéo léo đến nỗi, mặc dù địa vị tót vời như họ, ông vẫn thu xếp để họ tới dự những buổi tiếp tân ở nhà bà Varvara một đôi lần. Những người này rất nghiêm túc, lịch sự, và có phong độ, và lớp nhà văn trên kia có vẻ e dè họ. Nhưng dường như họ không có nhiều thì giờ rảnh cho lắm. Vài ba kiện tướng trong làng văn trước đây mà bà Varvara tìm cách giữ được mối liên lạc hòa nhã cũng tới. Nhưng bà ngạc nhiên xiết bao khi thấy những kẻ lừng danh thực thụ này lại có hành vi quị lụy trước đám lau nhau mới nổi và cố gắng ăn mày cảm tình chúng một cách nhục nhã.
Thoạt tiên ông Verkhovenxki may mắn. Họ dùng ông như một vật triển lãm tại những buổi họp mặt văn nghệ. Khi ông xuất hiện lần thứ nhất trên diễn đàn ở một buổi đọc văn công cộng, ông được hoan hô năm phút liền. Cho đến chín năm sau, mỗi khi nhớ lại cảnh này ông còn ứa nước mắt - dù rằng nước mắt đó là do tính nghệ sĩ của ông chứ không phải vì biết ơn mà cảm động.
Ông kể cho tôi, tuy ông buộc phải giữ kín:
- Tôi xin thề, tôi xin đánh cá bất cứ cái gì rằng trong đám thính giả bữa đó chẳng có ai biết một chút gì về tôi cả!
Đó là một nhận xét có ý nghĩa kinh khủng. Mặt khác nó chứng tỏ là ông thông minh và hiểu rõ địa vị của mình mặc dù tình trạng hứng khởi của ông lúc sự việc xảy ra. Mặt khác, sự kiện rằng mãi đến chín năm sau mà nghĩ lại chuyện đó ông không dằn nổi sự run lên vì bực bội cho thấy là cái thông minh của ông thực ra cũng không lấy gì làm sâu sắc cho lắm.
Họ năn nỉ ông ký vào đôi ba bản thỉnh nguyện phản đối chuyện gì đó - ông tìm không ra. Ông bèn ký. Họ cũng xin bà Varvara ký tên một bản phản đối một “lối hành xử bê bối” nào đó, và bà cũng ký nữa. Mặc dầu phần lớn những “người lớp mới” đến nhà bà, không hiểu sao họ vẫn cảm thấy phải ngó bà bằng con mắt chế giễu và khinh miệt ra mặt. Những lúc chua chát, ông Verkhovenxki ngầm cho tôi biết rằng việc bà ghen với ông khởi đầu từ thời kỳ đó. Hẳn là bà cũng nhận ra rằng mình không nên tụ tập với lũ người đó; thế nhưng bà vẫn tiếp đón họ một cách hớn hở, với một sự nóng ruột rất đàn bà, hầu như trái chứng nữa. Rõ rệt lả bà kì vọng một chuyện gì ở họ. Trong những buổi tiếp tân, bà nói rất ít tuy rằng nếu muốn bà có thể tha hồ nói! Bà thích nghe hơn. Họ bàn luận về việc bãi bỏ kiểm duyệt; việc cải cách chính tả; việc thay thế chữ Abc Nga bằng chữ Abc, La Mã; việc ông này ông nọ mới đây bị lưu đầy; việc điểm nhục mới đây ở trung tâm buôn bán sang trọng; những lợi ích của sự chia phân đế quốc Nga thành từng đơn vị sắc tộc tự trị liên kết bằng những sợi dây liên bang tự chọn; việc bãi bỏ lục quân và hải quân; việc phục hồi dải đất chạy dài đến sông Dnepr cho nước Ba Lan; việc cải cách ruộng đất; việc hủy bỏ quyền thừa kế, chế độ gia đình, phụ quyền, và tàng lữ; việc tranh đấu cho quyền lợi của phụ nữ; về dinh cơ nguy nga một cách tai tiếng của ông Craevxki nào đó, vì thế họ không thể tha thứ cho ông ta được; vân vân và vân vân.
Trong lớp người mới tới này, dĩ nhiên có một số là lưu manh. Tuy nhiên, phần lớn là người lương thiện, còn tốt nữa là đằng khác, dù cho đôi khi họ có những ý kiến làm ta chưng hửng. Dĩ nhiên, những người lương thiện thì khó mà hiểu rõ so với bọn bất lương ra mặt hay bọn thô bỉ vô liêm sỉ, nhưng không thể nào phân biệt rõ ra là ai lợi dụng ai và với mục đích gì. Khi bà Varvara tiết lộ ý định xuất bản một tờ tạp chí thì cả một làn sóng người ùa tới những buổi tiếp tân của bà. Rồi cùng liền ngay đó một số đông công khai kết tội bà là một tay tư bản bóc lột lao động. Sự cục súc của những lời kết tội này chỉ có thể sánh với sự hoàn toàn bất ngờ của chúng.
Có ông tướng già Drozdov vốn là bạn và đồng nghiệp với tướng Xtavroghina hồi còn sinh thời, và cũng là người vui vẻ cách riêng, ở tỉnh tôi ai cũng biết. Ông rất bướng và hay nổi nóng, một tay ăn nhậu và là kẻ thù không đội trời chung của thuyết vô thần. Một lần kia, trong buổi tiếp tân, ông tranh luận sôi nổi với một thanh niên có danh tiếng. Đổ kết thúc cuộc tranh luận chàng thanh niên kia bảo ông: “Nếu ông nói thế, ông hẳn phải làm tướng”, ngụ ý rằng chàng ta cho rằng không có lời lẽ nào đê tiện cho bằng chữ “tướng”. Tướng Drozdov -nổi khùng ghê gớm:
- Vâng, thưa ông, tôi làm tướng, nói cho chính xác ra là thiếu tướng, và tôi đã trung thành phục vụ hoàng đế của tôi, trong khi ông không là cái thá gì hết ngoài một tên trói gà không chặt lại thêm vô thần.
Một vụ bê bối khó chịu tiếp theo câu nói đó, và ngày hôm sau vụ này được báo chí đăng tải. Một thư thu thập chữ kí phản đối “thái độ bất nhã của bà Xtavroghina” khi từ chối không cho tống cổ ông tướng kia ra khỏi nhà ngay lúc đó. Một tạp chí bằng tranh cũng đăng một bức hí họa. Bức tranh này vẽ bà Xtavroghina, tướng Drozdov và ông Verkhovenxki, bên dưới nhan đề “Cặp ba phản động”; bên dưới bức hí họa là mấy vần thơ châm biếm do một “nhà thơ nhân dân” soạn đặc biệt cho trường hợp này. Tôi phải ghi nhận ở đây là có nhiều ông tướng có một lối diễn tả rất quái gở. Chẳng hạn họ nói: “Tôi phục vụ hoàng đế của tôi...” làm như họ có một hoàng đế riêng, không chung với tất cả mọi đồng bào của họ.
Ở nán lại Petersburg nữa hẳn là chuyện không thể nghĩ nổi. Thêm nữa, cuối cùng ông Verkhovenxki chứng tỏ hoàn toàn thất bại. Ông không thể tự kiềm chế và khởi sự bênh vực những đặc quyền của Nghệ thuật. Càng ngày họ càng lớn tiếng cười nhạo ông. Trong bữa tiệc sau chót, ông quyết định trổ tài hùng biện cách mạng để làm họ xúc động; hi vọng rằng sẽ làm họ mủi lòng và ngỡ là chiếm được cảm tình của họ khi nhắc nhở tới những năm “lưu vong” của ông. Ông chấp nhận không đắn đo rằng quan niệm “đất mẹ” là vô dụng và khôi hài; Ông ủng hộ thuyết cho rằng tôn giáo là độc hại; nhưng ông tuyên bố lớn tiếng và kiêu hãnh rằng ông xếp thi ca của Puskin lên trên giá trị của giầy dép - hơn rất xa. Họ la ó ông một cách tàn nhẫn tới nỗi ông phát khóc ngay trên diễn đàn. Bà Varvara đưa ông về người lịm đi như kẻ chết rồi. Ông rên mãi: “Người ta coi tôi như chiếc mũ ngủ rồi”.
Bà ngồi với ông suốt đêm, nhỏ thuốc an thần cho ông, và đến hừng sáng thì thào vào tai ông:
- Ông vẫn còn hữu dụng... ông còn có thể tự chứng tỏ khả năng của mình... họ rồi sẽ khen ngợi ông... ở một nơi khác.
Ngày hôm sau có năm văn nhân tới thăm bà Varvara, trong số đó có ba người bà chưa hề gặp hoặc nghe nói đến bao giờ. Gương mặt cực kì nghiêm nghị, họ báo cho bà biết rằng họ đã nghiên cứu vấn đề xuất bản của bà và đã đi đến một quyết định. Bà Varvara nào có từng nhờ ai nghiên cứu quyết định gì về dự án xuất bản của bà đâu. Quyết định của họ là một khi đã thành lập xong tờ tạp chí, bà nên giao lại cho họ cùng với số vốn điều hành bằng một văn bản hợp tác tự do, rồi sau đó rút về Xcvoresniki ngay, mang theo cả ông Xtepan Verkhovenxki của bà, vì ông này đã trở thành “hoàn toàn lỗi thời”. Vì lòng kính trọng bà cách riêng, họ thỏa thuận chấp nhận quyền sở hữu của bà và sẽ gửi cho bà một phần sáu lợi tức chính hàng năm - nếu tờ báo có lời. Phần cảm động nhất trong tất cả quyết định này là bốn trong số năm văn nhân kia tuyệt đối không theo đuổi mục đích tư lợi nào trong cuộc thương lượng, và chỉ hành động vì quyền lợi của lí tưởng.
Ông Verkhovenxki bảo tôi:
- Chúng tôi rời Petersburg hoàn toàn ngơ ngác. Tôi hoàn toàn không hiểu chuyện gì hết và cứ lẩm nhẩm mấy câu vô
nghĩa theo nhịp sình sịch của xe
lửa:
Đinh, đa tống cổ chúng ra
Tống cổ chúng ra, đinh, đa...
“ Cứ tiếp tục như thế mãi suốt trên đường về Moskva. Tôi chỉ tỉnh lại khi tới thủ đô - tuồng như tôi trông mong thấy mọi vật sẽ khác đi khi tới đó.”
Ông thường thốt lên với chúng tôi, như được cảm ứng:
- Các ông bạn thân của tôi ơi! Các ông không biết người ta cảm thấy buồn bã, cảm thấy chua chát là chừng nào
khi một tư tưởng lớn mà mình đã hiến thân trọn đời để phục vụ bị những bàn tay thiếu kinh nghiệm và vụng về
tước đoạt mất để rồi lôi nó ra ngoài đường và san sẻ nó với một lũ ngu dại khác như chúng. Rồi thình lình ta
đi ngang qua chỗ cũ, ta gặp nó, nhận không ra, lem luốc, bầy lộn ngược, không ra kích thước hòa hợp gì cả,
bị một bầy trẻ ngốc dùng làm đồ chơi. Thế là không được, thời của chúng tôi khác! Đó đâu có phải là điều
chúng tôi ra sức nhằm tới. Không, không, đó không hề giống cái chúng tôi theo đuổi một chút nào! Ngày nay,
tôi không còn nhận ra cái gì quen nữa... Nhưng rồi thời buổi của chúng tôi sẽ quay trở lại, và định một lối
đi vững chắc, chấm dứt các cái lầm lạc ngày nay, Phải thế. Bằng không chúng ta rồi biết ra
sao?
7
Ngay sau khi họ từ Petersburg trở về, bà Varvara gửi ngay ông bạn ra ngoại quốc “để hồi phục đôi chút”. Hơn nữa bà cảm thấy họ phải xa nhau để nghỉ ngơi ít nhiều. Ông Verkhovenxki ra đi hăng hái lắm. Ông tuyên bố?
- Sang bên đó tôi sẽ sống lại. Tôi sẽ tái hồi các việc nghiên cứu của tôi.
Nhưng những lá thư đầu tiên của ông từ Berlin gửi về vẫn mang giọng điệu quen thuộc cũ. Ông viết cho bà Varvara: “Lòng tôi tan nát. Tôi không sao quên được! Ở Berlin này, mọi vật đều gợi tôi nhớ tới những ngày xưa cũ, những vui khổ đầu đời. Nàng nay ở đâu? Cả hai bây giờ ở nơi nào? Hai phụ nữ thiên thần mà tôi không xứng đáng chút nào nay ở đâu? Con tôi ở đâu, đứa con trai yêu quí của tôi nay ở đâu? Còn tôi nữa, tôi ở đâu, cái tôi trước đây, cứng mạnh như thành đồng vách sắt? Cơ sự làm sao mà ngày nay một kẻ cha căng chú kiết tên là Andreev, một tên khùng rậm râu theo chính thống giáo có thể làm vỡ tan đời tôi thành hai mảnh?... v. v. và v. v. Vốn ông Verkhovenxki cả đời chỉ gặp mặt cậu con trai có hai lần - một lần khí nó chào đời, và một lần mới đây ở Petersburg khi cậu thanh niên này mới bước chân lên đại học. Trong suốt khoảng thời gian giữa, như chúng tôi đã thưa, cậu bé được mấy bà cô nuôi nấng (tiền cấp dưỡng do bà Varvara gửi) tại một tỉnh hẻo lánh rất xa dinh trại Xcvoresniki. Còn về Andreev, đó chỉ là một tay chủ quán ở địa phương tính khí cổ quái, tự nghiên cứu khoa khảo cổ và trở thành một nhà sưu tập đồ cổ nước Nga có danh tiếng. Đôi khi bác này thích chống đối các lập luận bác học của ông Verkhovenxki, và nhất là các quan điểm chính trị của ông. Bác chủ tiệm này nom rất đạo mạo với hàm râu cước và gọng kính bịt bạc. Bác còn thiếu chịu ông Verkhovenxki bốn trăm đồng rúp khi mua lại mấy sào gỗ thuộc trang trại nhỏ bé của ông gần Xcvoresniki. Mặc dù bà Varvara đã tài trợ chuyên đi của ông bằng một ngân khoản hậu hĩ, ông Verkhovenxki vẫn trông đợi ở bốn trăm đồng rúp kia để mua vài món ông cảm thấy (có lẽ một cách thầm kín) rằng mình cần thiết, cho nên ông suýt phát khóc khi nghe Andreev nài nỉ ông chờ thêm một tháng nữa. Thực ra, Andreev hoàn toàn có quyền làm như thế, vì lần trả tiền thứ nhất bác đã ứng trước đến gần nửa năm bởi lúc đó dường như ông Verkhovenxki cũng cần gấp tiền nữa thì phải. Bà Varvara chăm chú đọc lá thư thứ nhất đó và lấy bứt chì gạch dưới những chữ: “Cả hai bây giờ ở nơi nao?”; Rồi bà gập nó lại, đề ngày tháng, và khóa lại trong cái hộp thiếc nhỏ của bà. Dĩ nhiên, là câu đó ông ám chỉ hai bà vợ quá cố.
Lá thư thứ nhì từ Berlin lại là một biến thức của âm điệu cũ. Bà Varvara lẩm bẩm đọc: “Tôi hiện làm việc mười hai giờ một ngày. Tôi đã định chỉ làm mười một giờ thôi. Tôi đang lục lọi tài liệu trong các thư viện, phối kiểm, so sánh, ghi chú các đoạn văn, chạy đôn chạy đáo mấy nơi, thăm viếng vài vị giáo sư. Tôi đã nối lại giao du với gia đình Dundasov. Người đâu thực là nhã nhặn. Bà Dundasova vẫn đẹp như bao giờ. Bà ta gửi lời kính thăm bà. Ông chồng trẻ của bà ta và ba người cháu hiện đều ở cả Berlin đây. Tôi nói chuyện với bọn trẻ mãi cho đến sáng. Ở đây chúng tôi mở những dạ hội có thể sánh với thành Nhã điển14, nhưng hẳn là chỉ hiểu theo nghĩa thanh lịch trí thức và có khiếu thẩm mĩ cao mà thôi. Mọi thứ đều thực là tuyệt: bao nhiêu là nhạc, phần chính là nhạc Tây Ban Nha, và một lòng mong mỏi mãnh liệt sự phục sinh chung của nhân loại. Rồi còn cả ý niệm về cái đẹp vĩnh cửu, bức tranh Đức Bà Sistine15 sự giao hòa sáng tối, với những chấm đen vẽ ngay cả trên mặt trời nữa! Hỡi người bạn thân mến, chung thủy và cao quý của tôi ơi! Lòng tôi hiện ở cùng bạn, và tôi luôn luôn là của bạn và chỉ với bạn mà thôi trong khắp mọi chốn16 và ngay cả trong xứ của chàng Macar và đàn bê của chàng nữa, mà hắn bà còn nhớ, chúng ta thường run run nói đến trước khi chúng ta rồi Petersburg. Bây giờ cứ nghĩ lại điều đó lại khiến tôi mỉm cười. Một khi đã vượt qua biên giới tôi mới cảm thấy sau chót mình được an toàn - một xúc động lạ lùng, mới mẻ mà bao nhiêu năm rồi tôi mới được nếm...” vân vân.
Bà Varvara phán một lời: “Ba lăng nhăng!” rồi bà cũng xếp lá thư này lại nữa. “Nếu những buổi tối Nhã điển đó kéo dài tới sáng, thì làm sao ông ta có thể làm việc soạn sách cả mười hai giờ? Ông ta có say rượu không khi viết điều đó? Và làm sao con mẹ Dundasova kia dám gửi lời thăm ta? Nhưng, thôi, để cho ông lão khoái chí cái đã...”
Câu văn trong xứ của chàng Macar và đàn bê của chàng chỉ là phóng dịch câu tục ngữ Nga: “Nơi chàng Macar không bao giờ lùa cừu” - tức là vùng Xibir. Ông Verkhovenxki sính dịch đủ loại tục ngữ Nga ra Pháp văn một cách ngô nghê nhất. Hắn là ông có thể dịch khá hơn nhiều nếu ông muốn, nhưng ông ta ngỡ rằng biến đi như vậy mới là hóm hỉnh.
Tuy nhiên, chí của ông ta khoái chẳng mấy chốc. Ông không thể chịu đựng được suốt bốn tháng trường và vội vã quay về Xcvoresniki. Những lá thư sau này của ông kết bằng những nỗi niềm tâm sự tuôn trào thân ái gửi về người bạn thân ái nhất và vô cùng nhung nhớ của ông; chúng thực sự tẩm bằng những giọt lệ phân li. Một số người quyến luyến mái gia đình hệt như loài chó ôm nuôi trong phòng the. Cuộc hội ngộ của họ thật là hoan lạc. Nhưng chỉ hai ngày sau, mọi chuyện đâu lại vào đấy y như trước - thực ra, còn tẻ hơn trước nữa. Ông Verkhovenxki nói với tôi một vài tuần kế đó sau khi đã bắt tôi phải long trọng thề giữ bí mật: - Bạn ơi, tôi phải kế cho anh nghe là tôi mới tìm ra một điều khủng khiếp, khủng khiếp đối với tôi, đó là... Tôi chỉ là... chỉ là một tay ăn bám, không hơn không kém! Không hơn không kém!
8
Rồi mọi chuyện lắng dần và cứ lặng êm suốt gần chín năm trời. Những cơn bột phát và nức nở trên vai tôi tái diễn đều đặn không hề phá rối bầu không khí êm đềm kia. Tôi lấy làm ngạc nhiên đến độ, khi thấy rằng trong khoảng thời gian ấy ông Verkhovenxki không mập ra. Mũi ông hơi ngả sang mầu tía, và ông còn hóa ra mềm đi ít nhiều, nhưng tất cả chỉ có thể. Dần dà ông tụ họp được một nhóm bạn bè quanh ông, nhưng - phải nói ngay - nhóm đó bao giờ cũng rất giới hạn. Và mặc dầu bà Varvara không can dự gì đến nhóm này mấy, tất cả chúng tôi đều tự xem mình như được bà bao bọc. Bà đã học được bài học trong chuyến đi cuối cùng lên Petersburg và bây giờ đóng đô vĩnh viễn ở tỉnh tôi. Nghĩa là, mùa đông bà ở tỉnh, còn mùa hè bà về dinh cơ Xcvoresniki ở gần đó. Chưa bao giờ tầm mức ảnh hưởng của bà đối với xã hội tỉnh tôi lớn như trong bảy năm cuối của thời kỳ đó - thực ra là cho đến khi ông tổng đốc hiện nay bổ nhậm đến. Vị tổng đốc trước, ông Ivan Oxipovitr, người hiền lành tử tế chúng tôi không bao giờ quên được, vốn là chỗ họ hàng gần với bà Varvara, và thỉnh thoảng bà cũng giúp ông một việc quan trọng. Bà tổng đốc chỉ nguyên nghĩ đến chuyện làm mất lòng bà Varvara là cũng đủ sợ run. Cho nên sự ái mộ của xã hội tỉnh tôi nhiều lúc xấp xỉ như sự thờ phụng rõ ràng. Dĩ nhiên một phần phản chiếu lên ông Xtepan Verkhovenxki. Ông là một hội viên của câu lạc bộ, thường thua bài một cách rất phong độ, được mọi người nể vì, mặc dù đa số chỉ xem ông như một “học giả”. Sau này, khi bà Varvara để ông sống trong một căn nhà riêng, chúng tôi cảm thấy tự do hơn. Chúng tôi họp ở nhà ông hai lần một tuần vui vẻ lắm, nhất là khi ông tửu hứng. Rượu thì mua ở tiệm của bác Andreev đã nói đến ở trên. Bà Varvara thanh toán hóa đơn sáu tháng một lần, và những ngày đó bao giờ ông Verkhovenxki cũng lên cơn đau bao tử.
Một trong những hội viên kỳ cựu nhất trong nhóm là Liputin, một công chức trung niên thuộc guồng máy hành chính tỉnh, theo chủ nghĩa tự do mãnh liệt và nổi danh vô thần trong hàng tỉnh. Ông sống với một bà vợ có nhan sắc và một khoản hồi môn lớn, cùng ba cô con gái đã trưởng thành. Ông khủng bố cả nhà và bắt cửa đóng then cài. Ông lại keo kiệt không thể tưởng và trong cuộc đời làm công chức đã xoay xở tích lũy đủ tiền để tậu một ngôi nhà và một ít dấn vốn dắt lưng. Tính khí ông rất khó chịu, địa vị lại khiêm nhường, nên không được dân tỉnh kính nể gì, còn giới thượng lưu chẳng ai thèm tiếp. Thêm nữa ông lại có thói ngồi lê đôi mách ác độc và ít nhất hai lần đã bị trừng trị vì tội xuyên tạc - một lần do tay một sĩ quan và một lần do tay một điền chủ gia đình đứng đắn đàng hoàng. Nhưng chúng tôi ưa óc hóm hỉnh sâu sắc, trí tìm tòi và tài đặt vè cay độc của ông. Bà Varvara không ưa ông cho lắm, nhưng ông luôn luôn tìm cách thân cận với bà.
Bà Varvara cũng không ưa Satov cho lắm. Anh này mới gia nhập nhóm chúng tôi khoảng một năm trước đây thôi. Satov vốn là sinh viên bị đuổi khỏi trường đại học vì một vụ tai tiếng gì đó. Hồi nhỏ, anh là một học trò của ông Verkhovenxki. Anh đẻ ra đã là nô lệ, vì là con của người hầu đã qua đời của bà Varvara tên là Pavel. Bà Varvara đã ra sức giúp anh nhưng nay bà ghét anh vì cho rằng bội bạc và bà không thể tha thứ cho anh cái tội không về thẳng ngay với bà khi bị đuổi khỏi trường đại học; thực ra, ngay lá thư bà viết cho lúc đó anh cũng không trả lời; thay vì thế anh đem thân đi ở đợ cho một thương gia cấp tiến nào đó với tư cách là gia sư kèm trẻ. Rồi anh theo gia đình thương gia kia đi ngoại quốc, làm phận sự của một con đòi hơn là một gia sư - nhưng lúc đó anh nóng lòng sốt ruột chỉ muốn đi ra nước ngoài. Ngay trước khi khởi hành, vị thương gia kia mướn một nữ quản gia để trông nom lũ trẻ, đó là một thiếu nữ người Nga đầy sinh lực phần lớn được mướn là vì cô ta chịu nhận số lương quá khiêm tốn đó. Chỉ vài tháng cô ta bị thương gia kia cho ra vì “tư tưởng tự do”, Satov cũng thôi luôn và theo cô ta sang Genève ở Thụy Sĩ, ở đó hai người thành hôn. Họ sống chung được khoảng ba tuần, rồi chia tay như những con người tự do, không chút ràng buộc với nhau - mặc dù cái nghèo là một trong những nguyên nhân của sự phân li đó. Thế rồi Satov lang thang khắp Âu châu một thân một mình trong một thời gian dài mà chỉ có trời mới biết là anh sống bằng cách nào, đánh giầy trên hè phố, làm phu bến tầu. Sau cùng, khoảng một năm trước đây, anh trở lại nơi chôn rau cắt rốn là tỉnh nhà và sống với bà cô già. Khoảng một tháng sau bà cô chết, anh đảm nhận việc chôn cất cẩn thận. Satov có một người em gái tên là Dasa, được bà Varvara chăm nom nuôi nấng và bà rất cưng, đối đãi như người cùng hàng không phân biệt chủ tớ gì cả. Nhưng Satov rất ít tiếp xúc với em. Trong bọn tôi anh là người khá u uất và ít nói, và khi ai công kích các niềm tin của anh, anh nổi nóng trở chứng và ăn nói không còn dè dặt gì cả. Ông Verkhovenxki thường châm một câu: “Phải trói Satov lại trước đã, rồi hãy tranh luận”. Nói vậy nhưng ông vẫn ưa anh lắm. Khi ở nước ngoài, Satov biến cải đến tận gốc rễ niềm tin xã hội chủ nghĩa khi trước của anh và nhảy sang cực đoan khác. Anh là một trong những người Nga lí tưởng một khi đã bị một tư tưởng bao trùm chiếm ngự là bị nó ám ảnh, nhiều khi suốt cả đời. Anh không bao giờ thực sự nắm vững tư tưởng đó, nhưng anh nhiệt liệt tin tưởng vào nó, và đời sống của anh trở thành một chuỗi những khắc khoải không ngừng, như thể nửa thân mình anh bị một tảng đá đè nghiến.
Về thể chất, Satov cũng rất thích hợp với niềm tin của anh: vụng về, đầu bù tóc rối, không chải chuốt, lùn, to vai, tóc hung gần như bạch, lông mày rậm. Lúc nào anh cũng nhăn mày và bướng bỉnh sụp mí mắt làm cho anh luôn luôn có vẻ âu lo chuyện gì. Trên đầu anh có một mớ tóc đặc biệt không bao giờ chịu ép xuống mà lúc nào cũng chống ngược như rễ tre. Anh chừng hai mươi bẩy, hai mươi tám tuổi. Bà Varvara có lần ngắm nghía anh từ đầu đến chân rồi thôi lên:
- Không lạ gì mà vợ nó bỏ.
Satov luôn luôn cố ăn mặc đàng hoàng mặc dù rất nghèo túng. Anh không bao giờ xin bà Varvara giúp đỡ, cố gắng xoay xở hết sức bằng cách làm những việc vặt cho những hàng buôn ở địa phương. Có một lần, anh thực sự làm thư kí trong một tiệm tạp hóa; lần khác, anh suýt nữa đi theo thuyền tải hàng trên sông, nhưng ngay trước khi khởi hành lại bị đau. Khó mà tưởng tượng ra nỗi túng anh có thể gánh chịu mà không hề nghĩ đến nó chút nào. Sau khi anh bị đau, bà Varvara gửi cho anh một trăm đồng rúp mà giấu tên. Tuy nhiên, anh cũng tìm ra và biết ai đã gửi tiền, ngẫm nghĩ xem phải làm gì, rồi anh quyết định nhận, và đến cảm ơn bà. Bà Varvara tiếp đón anh hết sức nồng nàn, nhưng ngay cả trong dịp này Satov cũng tìm cách làm phật lòng bà; anh chỉ ở có năm phút và không mở miệng thốt ra một lời. Anh cứ chòng chọc ngó xuống sàn như một anh chàng ngây, nụ cười chết lịm trên môi; rồi ngay lúc hào hứng nhất trong bài diễn văn của bà, anh thình lình đứng dậy, không chờ cho bà nói hết câu, anh lúng túng cúi đầu mà không ngó bà, rồi bối rối quá anh xô ngay vào cái bàn may khảm đắt tiền của bà, cái bàn nghiêng đổ rồi bể tan. Cuối cùng, chết cứng vì xấu hổ, anh chạy mất. Liputin sau đó thường trách móc anh vì đã nhận một trăm đồng rúp của người đàn bà độc đoán đó, một người trước kia là chủ nô, không những chỉ nhận tiền mà thôi anh lại còn lê bước tới mà cảm tạ nữa. Satov sống ở ven thị xã và rất khép kín; anh không muốn bất cứ ai trong chúng tôi tới thăm anh. Nhưng anh thường đến dự các buổi họp của ông Verkhovenxki một cách đều đặn và mượn ông sách báo về đọc.
Có một thanh niên khác cũng đến dự các buổi họp với chúng tôi. Anh là một công chức địa phương trẻ tuổi tên là Virghinxki. Về một số phương diện, anh này cũng hơi giống Satov, mặc dầu ở một số khía cạnh khác, hai người lại rất mực khác biệt. Có thể gọi anh là “một con người của gia đình”. Anh là một thanh niên (tuổi thực đã quá ba mươi) rất âu sầu. Anh có giáo dục đàng hoàng, dù rằng phần lớn là tự học. Anh nghèo, đã lập gia đình và làm việc trong một ty thuộc bộ máy hành chính địa phương. Anh cũng phải bảo trợ một bà dì và một cô em bên vợ. Vợ anh và hai người đàn bà kia có quan điểm chính trị tiến bộ bậc nhất nhưng họ phát biểu chúng một cách khá thô thiển - đúng là một minh chứng điều mà ông Verkhovenxki ngụ ý khi một đôi trường hợp ông đề cập đến “những tư tưởng chạy rông ngoài đường”. Mấy bà đọc cái gì là tin chết cái đó, và chỉ nghe bóng nghe gió về các nhóm tiến bộ ở thủ đô là họ đã liệng ra cửa sổ tất cả mọi thứ người ta khuyên nên liệng. Trong tỉnh tôi, chị Virghinxcaia hành nghề cô đỡ. Trước khi kết hôn, chị đã sống rất lâu ở Petersburg. Chính anh Virghinxki là một người có tấm lòng thuần khiết đặc biệt và tôi chưa hề gặp ai nhiệt tình tin tưởng hơn anh. Anh bảo tôi với cặp mắt long lanh: “Không bao giờ, không bao giờ tôi từ bỏ những hi vọng sáng ngời đó!” Anh luôn luôn nói đến những “hi vọng sáng ngời” kia một cách nhẹ nhàng, gần như tiếng thì thào, như thể anh đề cập đến một cái gì bí mật. Anh cao lắm, nhưng rất gầy, và vai quá ư là hẹp. Tóc anh hoe đỏ và đang hói dần. Anh khiêm tốn đón nhận những lời châm chọc của ông Verkhovenxki về các ý kiến của anh, nhưng khi trả lời, anh nói rất nghiêm trang, nhiều khi làm ông Verkhovenxki chưng hửng không thốt nên lời. Ông Verkhovenxki cư xử với anh tử tế như một người cha - đối với tất cả chúng tôi ông đều có thái độ như thế. ông chọc Virghinxki: “Anh chỉ là một tư tưởng gia giú ép. Các anh tất cả đều thế! Và mặc dù tôi không thấy anh có tầm mắt hẹp hòi như các chủng sinh mà tôi gặp ở Petersburg, tôi vẫn đoan chắc rằng anh là giú ép. Satov cũng là tay giú ép nữa, mặc dù hắn ta có ngỡ mình bảnh đến đâu.”
Liputin có lần hỏi ông:
- Còn tôi thì sao?
- Anh chỉ là một tay lưng chừng; dù cho có chuyện gì xảy ra anh cũng tìm cách thích ứng cho được.
Liputin hận điều này lắm.
Có tin đồn, và hỡi ôi tin này hóa ra có thực, rằng chưa đầy một năm sau khi kết hôn hợp pháp, chị Virghinxcaia bỏ chồng, và tuyên bố chị thích một người tên là Lebiadkin hơn. Người này từ nơi khác đến, về sau hóa ra là một kẻ có tư cách đáng ngờ và không phải là đại úy về hưu như hắn ta tự nhận. Hắn chỉ khéo xoăn xoắn ria mép, nhậu nhẹt, và nói những chuyện tào lao đệ nhất hạng. Hắn dọn ngay vào nhà vợ chồng Virghinxki một cách khá bất lịch sự, mừng có cơ hội ở trọ khỏi mất tiền. Hắn ngủ ở đó, ăn ở đó, và sau rồi bắt đầu lên mặt cả với chủ nhà. Khi anh Virghinxki nghe tin vợ bỏ, người ta kháo rằng anh đã nói:
- Em ơi, từ trước đến nay anh chỉ thương yêu em, bây giờ anh kính trọng em.
Nhưng rất có thể là không đời nào anh tỏ bày một cách cổ La Mã như vậy. Tôi nghe nhiều nguồn tin khác nói là lúc đó anh òa lên khóc. Một lần, vài tuần lễ sau vụ từ bỏ kia, cả “gia đình” đó đi dự tiệc trà với vài người bạn ở ngoài thành phố? Virghinxki có phần hơi hào hứng và vui tươi; anh tham dự cả cuộc khiêu vũ. Rồi, bất chợt, không hề có gây sự, hay cãi nhau gì trước đó, anh nắm ngay lấy tóc chàng Lebiadkin khổng lồ đang nhảy một mình, bẻ gập người Lebiadkin xuống, rồi nước mắt chảy ròng ròng xuống má, anh lôi chàng kia đi xềnh xệch. Chàng khổng lồ kia quá sợ nên không dám làm gì để tự vệ, cũng không kêu được một tiếng khi bị lôi đi vòng quanh. Tuy vậy, sau này chàng ta hết sức ôm hận vì mối nhục đó, như bất cứ một kẻ đàng hoàng nào. Virghinxki suốt đêm hôm sau quì gối xin vợ tha thứ cho. Nhưng chị không chịu, vì anh vẫn không chịu xin lỗi Lebiadkin. Thêm nữa, chị kết tội anh thiếu đức tin và ngu dại vì đi quì gối khi nói chuyện với một người đàn bà. Ông đại úy hồi hưu kia biến mất khỏi tỉnh tôi sau đó, và chỉ xuất hiện lại cùng với cô em gái và một lô mục tiêu mới mà chúng tôi sẽ đề cập khi phải lúc.
Cho nên không lấy gì làm ngạc nhiên khi “con người của gia đình” tội nghiệp kia tìm đến chúng tôi mà nương náu và cần sự bầu bạn của chúng tôi. Tuy nhiên anh không bao giờ nhắc chuyện gia đình trước công chúng. Chỉ có một lần, khi hai chúng tôi ở nhà ông Verkhovenxki về, anh chỉ nói phớt qua về nỗi bất hạnh của mình, nhưng rồi anh lại nắm ngay lấy cánh tay tôi mà nói nhiệt liệt:
- Điều đó không sao, đó chỉ là chuyện vấn đề riêng tư, nó không thể ảnh hưởng đến lí tưởng chung được!
Những người khác cũng thỉnh thoảng đến dự các buổi họp của chúng tôi. Có một người Do Thái tên là Liamsin và một đại úy tên là Cartuzov. Cũng có một lão đầu óc khoáng đạt nữa, nhưng chẳng được bao lâu thì ông qua đời. Có lần Liputin dẫn tới một giáo sĩ Ba Lan lưu vong tên lên Xlonxevxki; lúc đầu ông ta được chấp nhận theo nguyên tắc, nhưng rồi sau cũng không được tiếp nhận nữa.
9
Có một hồi người ta cho rằng nhóm chúng tôi là một ổ tự do tư tưởng, đủ cả thói hư tật xấu lẫn chủ nghĩa vô thần, và tiếng đồn này cứ luôn luôn đeo bám chúng tôi. Nhưng trong thực tế, chúng tôi chỉ chuyên tiêu khiển thời giờ một cách vui nhộn, ngây thơ theo kiểu Nga - tức là nói chuyện tào lao tự do. Chủ nghĩa tự do tuyệt đối và những người theo nó nghĩa là tự do không nhằm một mục đích nào, chỉ có thể có ở nước Nga. Ông Verkhovenxki, cũng như tất cả mọi kẻ lanh trí khác, cần có một đám thính giả, và ông cũng cần cảm thấy là ông đang hoàn tất một sứ mạng cao cả bằng cách phổ biến tư tưởng bằng lời lẽ. Sau chót, dĩ nhiên ông cũng cần một người để cùng nhấm nháp lai rai trong khi trao đổi một thứ kiểu tư tưởng dân tộc vui vẻ về nước Nga, về Thượng đế nói chung, và “Thượng đế của dân tộc Nga” nói riêng, hoặc nhắc đi nhắc lại hàng trăm lần mấy câu vè tai tiếng chống nhà cầm quyền trong nước mà ai nấy đều thuộc lòng, cả. Chúng tôi cũng không chê các chuyện đồn đại ở địa phương, và thường rút ra những kết luận đạo đức cao siêu bậc nhất từ đó. Chúng tôi cũng thường lan man bàn tới các vấn đề của chung nhân loại, tranh luận về tương lai của Âu châu và định mệnh con người, tiên đoán một cách chắc nịch rằng chủ nghĩa hoàng đế độc tôn sẽ đẩy nước Pháp xuống hàng cường quốc hạng nhì, một điều mà chúng tôi đinh ninh sắp xảy ra đến nơi. Chúng tôi cũng đoán chắc là một khi nước Italia thống nhất rồi thì giáo hoàng sẽ trở thành một ông Hồng y như các ông khác mà thôi, và chúng tôi không hề có chút hồ nghi nào trong đầu là vấn đề kéo dài cả hàng ngàn năm kia sẽ được giải quyết dễ như trở bàn tay trong thời đại của chủ nghĩa nhân đạo, kỹ nghệ và hỏa xa của chúng tôi. Nói cho cùng, các tay theo chủ nghĩa tự do ngả về duy tâm của Nga giải quyết mọi chuyện đều một cách dễ dàng như thế cả.
Đôi khi ông Verkhovenxki nói về nghệ thuật, và ông nói về đề tài này rất hay, mặc dù có phần trừu tượng. Có lúc ông nhớ lại những đồng chí hồi còn thanh niên - tất cả họ đều nổi tiếng trong phong trào của chúng tôi và ông hồi tưởng lại một cách nồng ấm và thán phục, nhưng có lẽ đượm phần ghen tị. Còn nếu mọi chuyện trở thành chán ngán quá chịu không nổi thì anh chàng thư kí bưu điện nhỏ thó người Do Thái là Liamsin sẽ ngồi vào đánh dương cầm, hoặc giả làm heo kêu, bão rít, hay đàn bà đẻ (kể luôn cả tiếng oa oa chào đời của đứa bé), vân vân. Đó phần lớn cũng là lí do anh ta được mời tới. Khi chúng tôi có đồ nhậu hậu hĩ - điều không thường xảy ra chúng tôi cảm động đến cùng hát bài ca Marseillaise17 trong khi Liamsin đệm bằng dương cầm. Tôi không dám bảo đảm là kết quả được thành công cho lắm. Chúng tôi hăng say cử hành ngày 18 tháng Hai để kỉ niệm ngày giải phóng nông nô, và sửa soạn rất lâu từ trước bằng vô số lần nâng li chúc tụng. Điều đó diễn ra từ lâu lắm ngay từ trước khi Satov và Virghinxki tham gia với chúng tôi, khi ông Verkhovenxki vẫn còn ở cùng nhà với bà Varvara. Khoảng trước vụ Giải phóng Nông nô ít lâu, ông Verkhovenxki đã nhiễm thói xấu là thường lầm bầm hai câu thơ quen thuộc mặc dù có phần không gây tin tưởng cho lắm do một cựu địa chủ theo chủ nghĩa tự do đặt như sau:
Vung liềm nông dân tiến ra,
Đất đai đi đời nhà ma.
Đại loại như thế, nhưng tôi không dám cam đoan đã chép lại hoàn toàn đúng.
Bà Varvara có lần nghe thoáng thấy bèn thét lên: “Điên khùng ở đâu!”, rồi bà giận dữ bỏ phòng đi ra ngay. Liputin tình cờ có mặt đưa ra một nhận xét châm chọc:
- Ừ, thực ra là nhục nhã nếu niềm vui của nông dân lại làm cho các chủ cũ của họ có phần không đẹp lòng.
Và hắn kéo ngón tay trỏ đưa ngang cổ họng một cách đầy ý nghĩa.
Ông Verkhovenxki bắt chước cử chỉ đưa ngang cổ kia và dễ dãi trả lời:
- Bạn ơi, tin tôi đi, làm thế này không phải cải cách địa chủ hay giúp đỡ được gì cho ai hết. Chúng ta sẽ không
thể nào điều hành công việc nếu chúng ta loại bỏ đầu óc, mặc dù có những lúc đầu óc của chúng ta dường như
là vật trở ngại
chính.
Tôi phải xin thưa rằng nhiều người trong tỉnh chúng tôi chờ đợi một điều gì bất thường xảy ra vào ngày chế độ nông nô bị bãi bỏ. Liputin và những người mệnh danh là chuyên viên về nhân dân và về việc quản lý nhà nước tiên đoán điều đó. Ông Verkhovenxki dường như cũng đồng ý với họ, và khi ngày đó tới gần ông năn nỉ xin bà Varvara gửi mình đi ngoại quốc. Sự thật là ông ta chết nhát. Nhưng ngày trọng đại đó tới và đi cùng luôn cả mấy ngày nữa, và nụ cười cao ngạo lại tái hiện trên vành môi của ông Verkhovenxki. Ông phát biểu vài tư tưởng đặc sắc về cá tính của người Nga nói chung và về nông dân Nga nói riêng.
- Vội vã như thói thường, chúng ta đã quá lo âu về nông dân nước ta. Chúng ta đã làm cho họ trở thành thời thượng. Cả một số người trong nền văn chương của chúng ta đã làm ồn ào về họ như thể nông dân là những viên ngọc quí mới tìm ra. Chúng ta đã choàng lên đầu tóc đầy chấy rận của họ vòng hoa chiến thắng, trong khi trên thực tế cả ngàn năm qua xã thôn nước Nga chỉ công hiến được có một món độc nhát là điệu vũ Comarinxki. Có lần, một nhà thơ Nga, đồng thời có tinh thần hài hước, lần đầu tiên thấy nữ đại kịch sĩ Rasel18 trên sân khấu đã tuyên bố”: đổi Rasel để lấy một nông dân Nga tôi không! Tôi sẵn sàng đi xa hơn mà nói rằng: tôi bằng lòng đem tất cả nông dân nước Nga để đánh đổi lấy một Rasen. Chúng ta phải đối diện với sự vật một cách tỉnh táo và chớ có lầm tưởng mỡ đánh giầy nội hóa của chúng ta với nước hoa nhãn hiệu Chùm Hoa Nữ Hoàng của Pháp nữa.
Liputin đồng ý ngay, nhưng cho rằng trong giai đoạn này vẫn cần phải giả bộ ca ngợi nông dân vì quyền lợi của chính nghĩa. Anh vạch ra rằng ngay cả những phu nhân trong giới thượng xã hội cao nhất cũng khóc mùi mẫn khi đọc truyện “Anton, kẻ lầm than” của Gngorovich19, và có vài bà đã viết thư từ Paris về cho quản gia ở trong nước dặn từ nay về sau phải đối đãi với nông nô một cách hết sức nhân đạo.
Có một chuyện tình cờ khá rủi ro là ngay sau khi tất cả những tin đồn đại đó về Anton Pet'rov bắt đầu lưu hành, thì ở tỉnh tôi cách Xcvoresniki khoảng mười lăm cây số xảy ra một vụ lộn xộn. Trong lúc đang sôi động người ta gửi một phân đội lính đến đó. Lúc bấy giờ ông Verkhovenxki bị xao động quá đỗi khiến chúng tôi ai cũng hoảng hồn. Ông nói xàm huyên thuyên ở câu lạc bộ, cho rằng họ gửi lính như thế là chưa đủ và chúng tôi phải đánh điện xin tiếp viện mới được. Ông chạy đôn chạy đáo đến quan tổng đốc để trấn an ngài rằng ông không dính líu gì đến toàn thể vụ kia, và nhấn mạnh rằng họ không nên kết tội ông về bất cứ chuyện gì chỉ vì hồ sơ cũ của ông và ông cũng đề nghị quan tổng đốc đao đạt tức khắc lên cho ngay vị nào có trách nhiệm ở thủ đô. May thay, toàn vụ đó chẳng được bao lâu thì xẹp ngay. Nhưng thái độ của ông Verkhoyenxki tôi vẫn cho là rất cổ quái.
Ba năm sau thiên hạ bắt đầu nói đến chủ nghĩa quốc gia và một thứ gọi là “dư luận” phát sinh. Điều đó làm ông Xtepan Verkhovenxki cười ngất. Ông thuyết cho chúng tôi nghe:
- Các bạn ơi, nếu ý thức quốc gia thực sự đã xuất hiện trong chúng ta, như báo chí nói, thì nó vẫn còn đang theo một trường tiểu học Đức nào đó và học trong một cuốn sách giáo khoa Đức - học thuộc lòng cái bài học Đức không bao giờ hết, và ông thầy người Đức có thể bắt nó quì gối bất cứ lúc nào ông thấy cần. Tôi không hề có gì chống đối ông thầy người Đức. Nhưng tôi không tin là có gì mới phát sinh hết. Tôi nghĩ rằng vạn vật cứ tiếp diễn đúng như ý chí của Thượng đế - đối với nước Nga Thánh thiện của chúng ta như thế cũng là tốt chán. Tất cả những phong trào kết hợp nòi Xlav và quốc gia chủ nghĩa thực ra quá xưa để có thể gọi là mới. Sự thực hiển nhiên là chủ nghĩa quốc gia ở nước này từ trước đến giờ chẳng là cái gì ngoài một trò chơi cho một câu lạc bộ trưởng giả nào đó - và lại là một câu lạc hộ Moskva đấy nhé. Dĩ nhiên, tôi không nói đến thời của ông hoàng Igor20. Nhưng sau hết, tôi nói rằng nguồn gốc thực thụ của nó là sự biếng nhác. Trong nước ta, cái gì cũng do tật lười sinh ra, kể cả những điều hay. Mọi chuyện đều bắt nguồn ở sự ăn không ngồi rồi một cách tế nhị, có văn hóa, của giai cấp thượng lưu. Tôi đã lập đi lập lại điều này cả ba chục ngàn năm. “Thêm nữa chúng ta không biết làm sao sống bằng sức lao động của chính mình. Vậy thì họ làm rùm beng tất cả lên về một thứ “dư luận” mới ra đời để làm gì? Chuyện gì đã xảy ra? Phải chăng ý kiến quần chúng từ trên trời rớt xuống? Họ không thấy được rằng muốn có một ý kiến người ta phải mang sức mình ra mà lao động riêng, và có kinh nghiệm cá nhân, sao? Không ai bỗng dưng mà có được cái gì. Khi tất cả chúng ta lao động, chúng ta sẽ có ý kiến của chúng ta. Và bởi vì chúng ta không bao giờ lao động, thì những kẻ làm việc thế cho chúng ta sẽ quyết định giùm cho chúng ta luôn - vẫn là cái Âu châu xưa cũ, vẫn là bọn Đức cũ, là những ông thầy của chúng ta trong vòng hai trăm năm nay. Hơn nữa, nước Nga hiện đang ở trong cơn rối ren quá đỗi, chúng ta không làm sao gỡ ra nổi nếu không có người Đức và nếu chúng ta không chịu làm việc. Chẳng hạn, tôi đã rung tiếng chuông cảnh giác và kêu gọi mọi người lao động. Tôi đã hiến cả đời cho lời kêu gọi kia và tôi tin tưởng vào nó, hỡi ôi sao mà tôi khùng đến thế! Ngày nay tôi không còn tin tưởng nữa, nhưng tôi vẫn còn kéo dây rung chuông cảnh giác và vẫn tiếp tục kéo cho đến khi nào chuông kia rung lên bài cầu hồn cho tôi”.
Hỡi ôi, chúng tôi theo ông ta. Chúng tôi vỗ tay hoan hô vị giáo sư của chúng tôi nhiệt liệt biết là chừng nào! Nhưng phải chăng chúng tôi vẫn còn nghe thấy quanh mình tất cả đều là những thứ tào lao kiểu Nga xưa cũ “đẹp xinh” và “khéo léo”?
Ông thầy của chúng tôi lại tin vào Thượng đế nữa. Ông nói:
- Tôi không hiểu sao mọi người quanh đây cứ cả quyết rằng tôi là một kẻ vô thần. Tôi tin ở Thượng đế - nhưng xin phân biệt cho rõ: tôi tin ở Thượng đế như một hữu thể chỉ tự ý thức qua tôi. Dĩ nhiên, tôi không thể tin giống như bà vú già của tôi được, hoặc như một anh trưởng giả nào tin cho có chuyện, hoặc như anh bạn thân mến Satov ta đây... à mà thôi - Satov thực ra đâu có gì đáng kể. Anh ta tự ép mình phải tin, giống như một tay thân Xlav ở Moskva. Còn về Kito giáo, vâng, dù rằng tôi kính trọng đạo ấy đến đâu, tôi cũng không phải là một tín đồ. Đúng hơn tôi là một kẻ ngoại đạo như vĩ nhân Goethe hay những người Hi Lạp thời cổ, dù chỉ nguyên một điểm vì là Kito giáo đã không thấu hiểu người đàn bà. Mà George Sand đã phơi bầy tuyệt diệu bằng một trong nhiều pho tiểu, thuyết lớn của bà. Còn về quì gối thờ lạy, ăn uống kiêng cữ hay các thứ đại loại, thì tôi không thể hiểu nổi dù tôi có giữ hay không thì có ăn nhằm gì tới ai. Tôi có thể hình dung ra là mật thám địa phương hẳn phải đắc lực lắm, nhưng tôi từ chối làm một người đạo đức giả. Năm 1847 từ quốc ngoại phê bình gia Belinsky gửi lá thư được phổ biến sâu rộng cho Gogol21 đã nặng lời trách móc nhà văn này là sao còn tin vào “một Thượng đế”. Riêng trong chúng ta với nhau, tôi không thể nào tưởng tượng ra một cảnh nào ngộ nghĩnh hơn là khi Gogol - nhất là Gogol của thời đó - đọc đến câu đó nói riêng và cả lá thư nói chung! Nhưng chúng ta hãy bỏ qua khía cạnh ngộ nghĩnh của vấn đề, và vì dù sao đi nữa tôi cũng đồng ý trên nguyên tắc với lời trách móc đó, tôi chỉ nói vắn tắt: thời đó còn có những con người đích thực! Vâng, họ biết yêu dân chúng ra sao, và đau khổ vì dân chúng ra sao. Họ sẵn lòng hy sinh mọi thứ cho quần chúng, không cố gắng chiều lòng quần chúng trong mọi chuyện. Nhưng đừng có trông mong Belinsky lại đi tìm cứu chuộc bằng lối ăn lạt với dầu thực vật, củ cải đỏ và đậu xanh trong mùa lễ Tro!”
Đến đây Satov ngắt lời ngay. Anh nói làu nhàu một cách ủ dột, cụp mắt xuống và nóng nẩy xoay mình trong ghế:
- Bọn mà ông kể đó không hề bao giờ yêu dân chúng thực sự; họ không bao giờ chịu đau khổ vì dân chúng hay hi sinh bất kì cái gì cho dân chúng; mặc dù để làm cho họ tự cảm thấy cao thượng hơn, họ thường ưa nghĩ rằng họ làm những chuyện đó.
Ông Verkhovenxki la lên, giọng bực bội:
- Sao? Anh bảo rằng họ không yêu dân chúng hả? Anh thì có biết cái gì mà nói! Họ yêu nước Nga biết mấy!
Satov cũng hét lại, mắt long lên sáng quắc:
- Họ không yêu cả người dân lẫn nước Nga. Ông không thể nào yêu cái gì mà ông không biết chút nào, và họ thì mù
tịt về người dân Nga! Tất cả các ông, kể cả cá nhân ông, và nhất là Belinsky, chỉ biết một cách lơ mơ nhất
về người dân Nga. Chỉ cần xem lá thư ông ta gửi cho Gogol cũng đủ rõ. Belinsky chỉ giống như anh chàng trong
chuyện ngụ ngôn của Crưlov22 khi đến thăm sở thú mải ngắm một vài thứ côn trùng sống tập thể của nước Pháp
cho nên bỏ quên mất việc đi xem voi. Từ đầu đến cuối anh chỉ biết có mấy con bọ! Dù vậy, tôi cũng xin nói
rằng Belinsky còn khá hơn nhiều người trong các ông. Đa số các ông không những không thèm nhìn đến quần
chúng Nga, mà còn miệt thị chê bai họ; cứ xét sự kiện là nói đến “dân chúng”, bao giờ các ông cũng hiểu là
“dân chúng Pháp”, và đã thế mà thôi đâu, chỉ là dân chúng Paris, và các ông xấu hổ vì người dân Nga không
giống thế. Đó là sự thật. Và hễ ai không có tổ quốc thì cũng không có Thượng đế. Xin các ông cứ tin cho rằng
những kẻ nào không còn hiểu người dân nước mình và mất liên lạc với người dân thì cũng mất luôn tín ngưỡng
của ông cha và trở thành những kẻ vô thần hoặc những kẻ bàng quan. Vâng, bao giờ điều đó cũng đúng. Đó là lí
do tại sao các ông và phần lớn thanh niên chúng tôi ngày nay hoặc là những kẻ vô thần đáng khinh, hoặc là
thứ phân người xấu xa thờ ơ. Vâng, thưa ông Verkhovenxki, cả ông nữa. Tôi không trừ ông ra đâu! Sự thực,
chính khi nói tất cả những điều đó là tôi đang nghĩ về ông
đó”.
Sau khi nói xong bài diễn văn (một điều thỉnh thoảng anh ta lại làm), Satov như thường lệ chộp lấy mũ và lao ra cửa, trong bụng tin chắc lần này tình bằng hữu với ông Verkhovenxki đến đây là dứt.
Nhưng ông Verkhovenxki bao giờ cũng chận anh ta lại được đúng lúc.
Ông nói một cách tươi tỉnh vừa đưa tay ra để bắt tay mà người vẫn không rời chiếc ghế bành:
- Được, anh Satov, bây giờ sau khi đã trao đổi những lời hay tiếng đẹp, chúng ta hòa giải chứ?
Vốn người vụng về và sống nội tâm, Satov ghét những lối tuôn trào tình cảm. Tôi tin rằng dù bề ngoài cục súc và thô lậu nhưng trong thâm tâm anh là một người cực kì nhạy cảm, và tuy thường tỏ ra thái quá, anh lại hoặc chính là người đầu tiên đau khổ vì chuyện đó. Thế cho nên, sau khi lầm bầm vài tiếng về đề nghị làm lành của ông Verkhovenxki, và xoay xở hai bàn chân một hồi ngồi xuống anh làm tất cả những việc đó mà không hề ngửng mắt lên khỏi sàn nhà. Dĩ nhiên, vào những dịp như thế là phải gọi mang rượu vào, và ông Verkhovenxki lại đưa ra một ý kiến thích hợp nào đó về chúc tụng, thường là để nhớ đến một trong những chiến sĩ xã hội vĩ đại trong quá khứ.