Lũ Người Quỷ Ám - Chương 02

Chương Hai

ÔNG HOÀNG HARRI. SỰ MỐI MAI

1

Người thứ nhì ở trên đời mà bà Varvara Petrovna Xtavroghina quyến luyến ngang với ông Verkhovenxki là cậu con trai độc nhất của bà tên là Nicolai Voxevolodovitr Xtavroghin. Chính ông Verkhovenxki được mời tới là để kèm cho cậu này học. Hồi ấy Nicolai mới lên 8 tuổi. Người cha vô trách nhiệm của cậu lúc đó đã sống riêng và cậu được giao phó hoàn toàn cho mẹ chăm sóc.

Để công bằng với ông Verkhovenxki, phải nói rằng ông biết cách làm sao để chiếm cảm tình của cậu học trò. Bí quyết của ông đơn giản lắm: chính ông là một đứa trẻ. Khi ấy tôi chưa đến ở gần, và bởi luôn luôn cần một người để trút bầu tâm sự, ông không ngại ngần tạo ngay một đứa con nít như thế thành bạn, và đứa trẻ càng lớn thì cái hố cách có thể có giữa hai người dường như cũng tiêu tan luôn. Ông bao lần giữa đêm khuya khoắt lay người bạn mười hay mười một tuổi đầu dậy rồi nước mắt dầm dề thổ lộ những tình tự bi thương của ông ra hoặc có khi còn chia sẻ cả bí mật gia đình với đứa trẻ - điều hẳn là hoàn toàn không thể tha thứ được. Rồi họ ôm nhau mà nức nở khóc. Cậu bé biết mẹ thương yêu mình, nhưng cậu không có vẻ hướng cảm tình về mẹ nhiều. Bà ta không chuyện trò nhiều với cậu và chẳng có mấy khi ngăn cản cậu làm cái gì cậu muốn, nhưng không hiểu sao cậu vẫn cảm thấy tia nhìn nặng trĩu của bà mẹ làm cậu khó chịu một cách nhức nhối. Dù sao thì bà Varvara cũng giao phó hoàn toàn việc giáo dục cũng như xây dựng cá tính cậu con trai cho ông Verkhovenxki.

Chúng ta có thể phỏng đoán rằng ông thầy phải gánh một phần trách nhiệm trong việc làm đảo lộn thần kinh đứa học trò, vì khi đứa nhỏ mười lăm tuổi được gửi đi học nội trú thì nó ốm nhom, xanh xao và khép kín một cách lạ lùng. Tuy vậy sau này cậu ta nổi tiếng là có sức mạnh thể chất đặc biệt. Chúng ta có thể đoán rằng những giọt lệ của đôi bạn đó khi ban đêm ôm nhau nức nở không phải bao giờ cũng do những vụ lộn xộn trong nhà gây ra. Ông Verkhovenxki đã chạm đến những sợi dây sâu thẳm nhất trong lòng đứa trẻ, tạo ra cái cảm giác đầu tiên, tuy còn mù mờ, về một nỗi vọng tưởng thiêng liêng khôn nguôi mà một tâm hồn siêu đẳng một khi đã nếm là sẽ không bao giờ chịu đánh đổi lấy sự thỏa mãn tầm thường, (Cũng có những người coi trọng nỗi vọng tưởng kia hơn là sự mãn túc triệt để nhất, dẫu điều đó có thể thực hiện được). Dù sao đi nữa, phân cách hai thầy trò sau rốt cũng là một ý tưởng tốt, mặc cho có khá muộn.

Trong hai năm đầu nội trú, cậu Xtavroghin về nhà trong những dịp nghỉ hè. Rồi, khi mẹ cậu và ông Verkhovenxki lên ở Petersburg, thỉnh thoảng cậu cũng đến dự các buổi họp mặt văn nghệ của họ, chỉ nhìn và lắng nghe. Cậu không nói nhiều, mà rụt rè và im lìm cũng như khi trước. Cậu vẫn đối xử với ông Verkhovenxki một cách thân ái, nhưng khép kín hơn, và rõ là ngần ngại trong việc thảo luận với ông những chuyện cao xa, đặc biệt là về quá khứ.

Theo đúng ước nguyện của mẹ, sau khi tốt nghiệp ở trường ra cậu gia nhập một trong những đoàn kị vệ bảnh bao nhất. Tuy nhiên, cậu không về nhà để cho mẹ cậu trầm trồ ngắm cậu trong bộ quân phục như bà đề nghị, và sau đó cậu chỉ năm thì mười họa mới gửi thư về nhà.

Bà Varvara hễ con muốn có bao nhiêu tiền là gửi bấy nhiêu liền, dù rằng ngay sau vụ giải phóng nông nô, lợi tức của bà rút lại chỉ còn có một nửa. Nhưng qua nhiều năm trước đó, bà cũng đã tích góp được một khoản vốn nào đó, không đến nỗi ít ỏi lắm. Bà rất trông mong cậu con thành công trong xã hội, và bà không phải thất vọng. Những nơi mà bà không nối lại được mối giao du, những sĩ quan vệ binh trẻ tuổi và giầu có thừa sức làm việc đó. Trên thực tế, cậu ta còn kết giao được với những chỗ bà không hề dám ước mơ tới nữa. Mọi người đều hoan hỉ đón tiếp cậu.

Nhưng rồi những tin đồn quái đản bắt đầu tới tai bà Varvara. Cậu con của bà dường như thình lình lao mình vào sự trụy lạc điên rồ nhất. Không phải là chuyện rượu chè cờ bạc thông thường đâu. Tin báo về kể ra những sự bạt mạng man rợ của cậu: nào là cưỡi ngựa giày xéo thiên hạ, nào là lối cư xử tàn nhẫn không thể nói được của cậu đối với một thiếu phụ trong xã hội quí phái hạng nhất mà cậu lăng nhăng rồi làm nhục ngay trước công chúng. Hẳn là tất cả trong những chuyện đó có một cái gì bất thường. Đối với bên ngoài, cậu đã trở thành một tay bạo ác ghê gởm cứ nhởn nhơ lấy việc lăng nhục thiên hạ làm vui. Bà Varvara lo sầu ảo não. Ông Verkhovenxki tìm cách an ủi bà rằng đó chỉ là những cơn sốt vỡ da của một người bản tính thiên bẩm và quá phức tạp, rằng giông bão rồi sẽ lắng đi, và tuổi thanh xuân của cậu con trai bà cũng giống như của ông hoàng Harri mà đại văn hào Anh là Shakespeare đã mô tả những cuộc say điên cùng với Falstaff, Poinx và cô Quickli trong vở kịch Henri Đệ tứ, phần I. Bà Varvara không có xua ông đi với câu “Tào lao, tào lao!”, như gần đây bà thường làm. Trái lại, bà chăm chú lắng nghe, và xin ông giảng cho bà rõ hơn về Shakespeare. Rồi bà đích thân đọc cả vở kịch kia nữa. Nhưng kịch của Shakespeare không làm bà an tâm - bà không tìm ra điểm tương đồng cỏn con nào giữa hai trường hợp. Đồng thời bà đau đáu chờ con hồi âm mấy lá thư của bà.

Tuy nhiên, những thắc mắc của bà chẳng bao lâu được giải đáp liền. Bà nhận được tin buồn là ông hoàng Harri của bà đã dính líu vào hai vụ đấu súng liên tiếp nhau, và trong cả hai vụ cậu ta đều trái. Cậu hạ sát một địch thủ và gây thương tích cho người kia. Cậu bị ra trước tòa án binh, bị cách chức và thuyên chuyển đến một trung đoàn bộ binh. Thực ra, chỉ nhờ sự can thiệp đặc biệt từ giới cao cấp cậu mới khỏi bị một bản án nghiêm khắc hơn.

Đến năm 1863, cậu lại tìm cách chứng tỏ khả năng xuất sắc, không hiểu như thế nào mà họ thưởng cho cậu huy chương và thăng lên chức đội trưởng. Rồi trong một thời gian ngắn ngủi không ngờ, cậu lại được phục chức sĩ quan. Trong suốt thời kì đó, bà Varvara đã phải gửi cả trăm lá thư lên thủ đô xin được cứu xét đặc biệt. Riêng trong trường hợp này bà mới chịu hạ mình. Nhưng, vừa được phục hồi là chàng thanh niên kia đột ngột từ chức và rời bỏ quân ngũ. Tuy nhiên, cậu không trở về Xcvoresniki; thực ra cậu cũng chấm dứt luôn việc viết thư cho mẹ. Sau này dò hỏi công phu bà mới khám phá ra rằng cậu ta trở về Petersburg nhưng không bao giờ thấy cậu đi lại mấy nơi giao du cũ nữa. Dường như cậu tránh né họ. Sau cùng bà tìm ra rằng cậu kết bạn quái dị toàn là với lớp hạ lưu ở Petersburg; rằng cậu đi lại với những người nghèo rớt mồng tơi, những dân nhậu, và các sĩ quan hồi hưu phải hạ mình ăn xin “một cách đàng hoàng” ngoài phố. Người ta nói rằng cậu đến chơi các căn nhà hôi hám của họ, sống ngày đêm trong xóm nhà lá và không biết những hẻm dơ dáy nào khác nữa; rằng cậu ta phóng túng hình hài, trông như một tên du thủ du thực và coi bộ lại lấy làm thích thú. Cậu không bao giờ xin tiền mẹ. Cậu được thân phụ để lại một điền trang nhỏ, nó dù sao cũng đem lại đôi chút lợi tức, nghe nói cậu cho một người Đức nào đó gốc ở Sacson thuê. Sau cùng mẹ cậu thành công trong việc thuyết phục cậu về thăm bà ta, và ông hoàng Harri xuất hiện trong tỉnh chúng tôi. Đó là lần đầu tiên tôi thấy anh ta.

Anh ta là một thanh niên chừng hai mươi lăm tuổi, rất đẹp trai và tôi xin thú thực anh làm tôi rất xúc động. Tôi tưởng gặp một gã giang hồ rách rưới, trác táng hư thân và sặc sụa mùi rượu. Nhưng tôi chỉ thấy một người quí phái lịch sự bậc nhất chưa hề gặp bao giờ: anh ta ăn bận cực thanh nhã và cử chỉ ra vẻ con người từng quen với nếp sống cao sang bậc nhất. Không phải chỉ có tôi mới ngạc nhiên mà cả tỉnh đều chưng hửng vì ai cũng biết câu chuyện Xtavroghin, luôn cả những chi tiết làm người biết phải quái dị. (Và còn quái dị hơn nữa, là hơn phân nửa những chi tiết này lại hóa ra là đúng sự thực). Người khách mới tới bắt ngay được sự chú ý của phụ nữ địa phương. Họ phân làm hai nhóm đối nghịch: một nhóm thán phục, còn một nhóm thì đòi xin anh ta tí huyết. Nhưng tất cả họ đều bị anh ta thu hút. Một số các bà các cô bị hấp dẫn vì họ cảm thấy anh ta có cái gì huyền bí; những kẻ khác thì thực sự mê tít với ý nghĩ rằng anh ta là một kẻ sát nhân. Anh ta cũng tỏ ra là người khá có giáo dục, còn hiểu biết nữa. Dĩ nhiên không cần phải biết nhiều mới đủ gây một ấn tượng đối với chúng tôi, nhưng anh ta biết đủ để nói một cách có thẩm quyền về những đề tài lớn của hiện tại, và thêm nữa, anh ta nói rất bình tĩnh, thuyết phục. Lạ thay, ngay từ buổi anh ta mới tới, chúng tôi đã thấy anh ta là một người rất mực phải chăng. Anh ta lịch sự mà không giả tạo, không ba hoa lắm, rất khiêm tốn, và đồng thời lại táo bạo và tự tin. Quanh chúng tôi không có ai như anh ta. Các tay kiện tướng ở địa phương chúng tôi bị đẩy vào hậu trường, tức hận tràn hông.

Tôi cũng không choáng ngợp vì hình dung của anh. Chiếc đầu đẹp đẽ của anh tóc hơi đen lánh quá, đôi mắt trong của anh có lẽ quá chòng chọc, nước da của anh quá mềm dịu, và hai má của anh quá hồng hào mạnh khỏe; răng anh như chuỗi ngọc và môi đỏ như san hô. Như thế khuôn mặt nghe có vẻ đẹp lạ lùng, nhưng trên thực tế nó gớm ghiếc hơn là đẹp đẽ. Mặt anh gợi người ta nghĩ tới một chiếc mặt nạ. Người ta cũng đồn đại nhiều về sức khỏe phi thường của anh. Anh cao hơn tầm mức. Bà mẹ anh ngắm nhìn anh mà kiêu hãnh, nhưng cũng luôn luôn âu lo. Anh ở với chúng tôi được sáu tháng. Thoạt đầu anh ít nói, xa cách và khép kín. Anh dự các lễ lạc xã hội và giữ phép xử thế một cách cứng nhắc. Qua người cha, anh có họ hàng với quan tổng đốc và được người trong dinh tổng đốc tiếp đón như một người trong gia đình. Thế rồi con thú dữ thình lình giơ ra móng vuốt.

Tôi phải ghi nhận ở đây là quan tổng đốc trước của chúng tôi, ông già Ivan Oxipovitr quí mến, có nhiều phần giống như một bà già - nhưng là một bà già quí phái có ô dù, nên ông có thể tại chức lâu như vậy trong khi vẫn tìm cách trốn tránh công việc và trách nhiệm được. Tính hiếu khách và sự dễ thương của ông có thể đã giúp ông được mời làm chủ tịch hiệp hội của giới thượng lưu địa phương vào những ngày êm đềm xa xưa, nhưng nhất định không thể khiến ông làm tổng đốc trong thời xáo trộn của chúng tôi nổi. Người ta thường nói rằng chính bà Varvara Xtavroghina, chứ không phải quan tổng đốc, mới là người điều hành công việc trong tỉnh tôi. Tuy nhiên, đó chỉ là một nhận xét xấu miệng và hoàn toàn vô căn cứ. Thực ra, có quá nhiều người đã đem chuyện đó ra làm đề tài hài hước. Nói cho ngay, trong những năm gần đây, bà Varvara đã cố tình rút lui khỏi những quan hệ chặt chẽ với những người nắm quyền, và mặc dù uy tín rất cao của bà trong giới thượng lưu xã hội, bà tự nguyện giữ mình trong vòng giới hạn chặt chẽ mà bà đã tự đặt ra cho mình. Thay vì lo chuyện chính trị trọng đại, bà chuyên tâm vào việc quản lý tài sản và chỉ trong vòng đôi ba năm bà đã nâng mức lợi tức của bà lên gần bằng trước hồi giải phóng nông nô. Thay vì làm những cử chỉ lãng mạn trong quá khứ - như là chuyến đi Petersburg hay dự tính tập một tờ tạp chí theo khuỳnh hướng tự do - bà xén bớt khoản chi tiêu và bắt đầu để dành tiền. Bà còn quyết định tách rời khỏi ông Verkhovenxki, để cho ông thuê một căn phòng ở nhà khác, là điều mà trước đây viện ra nhiều cớ ông đã từ lâu xin phép bà thực hiện. Dần dà, ông Verkhovenxki bắt đầu mô tả bà như người lè tè mặt đất, gọi bà một cách khôi hài là “bà bạn lè tè mặt đất của tôi”. Dĩ nhiên, ông chỉ đùa vui như thế một cách cực kì kín đáo và trong những hoàn cảnh thích hợp.

Tất cả những ai trong chúng tôi biết rõ bà - và biết rõ nhất là ông Verkhovenxki - đều hiểu rằng bây giờ cậu con trai của bà tượng trưng cho những hi vọng mới và luôn cả một giấc mộng mị mới của bà. Tình thương lớn của bà đối với người con phát khởi từ thời cậu thành công trong xã hội Petersburg và trở thành bao la khi cậu bị cách chức xuống hàng lính. Nhưng đồng thời bà dường như sợ hãi cậu ta và đối xử với cậu ta một cách quá quỵ luỵ. Hiển nhiên là bà e dè một cái gì mù mờ và bí ẩn, một cái gì mà chính bà cũng không định rõ được chân tướng. Bà thường ngắm con một cách lén lút và đăm đăm như muốn khám phá và tìm hiểu một điều gì... Thế rồi con thú dữ thình lình giơ ra móng vuốt.

2

Thình lình, không ai trêu ai chọc, ông hoàng của chúng tôi phạm ngay vào bạo hành chưa từng có, khác hẳn mọi điều người ta có thể tưởng tượng ra, không phải là những sự kiện tầm thường thường thấy. Đó là những cơn tức bùng ra một cách hoàn toàn trẻ con không ai trêu ghẹo và hoàn toàn vô nghĩa lí. Có trời mới biết tại sao anh ta lại làm như vậy. Một trong những hội viên khả kính nhất của nhóm chúng tôi là ông Gaganov có thói quen vô hại là mỗi khi bị khích động, ông thường chêm vào mỗi câu ông nói một đoạn như sau: “Á, không được, tôi sẽ không đời nào để họ kéo mũi tôi mà lôi đi!” Như thế có hại gì đâu? Thế mà, có một lần, khi ông thốt lên câu đó cùng một tốp khách quan trọng thì Xtavroghin, lúc ấy đang đứng ở một góc phòng và không hề tham dự chút nào trong cáu chuyện, bước ngay tới chỗ ông Gaganov rồi đột nhiên giơ bàn tay ra lấy ngón cái và ngón trỏ nắm ngay lấy mũi ông già đó rồi lôi ông ta ra đi theo sau dăm bước. Anh ta không có chuyện gì để có thể gọi là phải phàn nàn về ông Gaganov cả, nên việc làm kia nhất định chỉ là một sự nghịch ngợm của học trò không thể nào tha thứ được. Sau này, thiên hạ nói rằng họ đã quan sát nét mặt anh trong lúc anh lôi nạn nhân đằng sau anh và đều đồng ý rằng anh dường như đang mơ mộng, “như thể người mất trí”. Nhưng đó chỉ là mãi lâu sau người ta mới nhớ lại. Còn lúc sự việc sôi nổi xảy ra, người ta không ngạc nhiên khoảnh khắc ban đầu cho bằng khoảnh khắc kế tiếp, khi ấy chắc chắn anh đã tỉnh trí rồi. Dù sao, anh cũng không hề tỏ ra bối rối một chút nào. Trái lại, anh còn mỉm cười một cách tinh quái và có vẻ thích thú vô cùng, và như người ta diễn tả, “không hề tỏ chút dấu hiệu gì hối hận về những gì anh ta mới làm”. Người ta đều bàng hoàng quá đỗi và tất cả vây quanh anh, Xtavroghin ngoái đầu lại, ngó thẳng vào mặt những kẻ ở gần anh nhất, không thốt một lời để đáp lại những lời la ó của họ. Rồi dường như anh lại đắm mình trong cơn mơ - ít nhất là theo lời kể lại của các nhân chứng - anh nhíu mày, rắn rỏi bước lại phía ông Gaganov mới bị làm nhục kia, và lẩm bẩm rất mau, với sự bực tức không che giấu:

- Dĩ nhiên ông sẽ phải tha lỗi cho tôi... Tôi không hiểu tại sao tự nhiên mình lại cảm thấy muốn làm cái chuyện... rồ dại như vậy...

Lời xin lỗi của anh bâng quơ như thế ngay tự nó lại là một sự sỉ nhục mới. Sự la ó lại tăng lên gấp bội. Xtayroghin nhún vai và bước ra.

Tất cả câu chuyện quá ư rồ dại, không kể cái bạo hành đó là một sự sỉ nhục cố tình và có tính toán trước đối với tất cả hội chúng tôi. Thực tình ai cũng xem như thế. Khởi đầu là Xtavroghin bị trục xuất khỏi hội. Rồi họ quyết định đưa ra một thỉnh nguyện thư trình lên quan tổng đốc mà tất cả hội viên đều ký tên, xin ngài (không cần chờ đợi tòa xử vụ kia) “kiềm chế tên ác nhân tai tiếng này, tên gây rối khốn nạn từ thủ đô về này, bằng những biện pháp ngài sẵn có, để bảo đảm an ninh công cộng của tỉnh nhà khỏi bị những vụ bạo hành ô nhục tương tự như thế nữa”. Họ còn giả bộ ngây thơ mà thòng thêm một câu: “Rất có thể cần phải có một điều luật nào đó có thể áp dụng ngay cả đối với ông Nicolai Xtavroghin”. Mục đích của câu này là để nói khích ông tổng đốc về mối liên hệ giữa ông và bà Varvara Xtavroghina. Họ còn hăng hái thêu dệt thêm nhiều nữa. Khéo sao là khéo, quan tổng đốc lại không có mặt ở tỉnh. Ông mới đi sang tỉnh bên để bồng một đứa bé con một quả phụ nhan sắc cho nó chịu lễ rửa tội; chồng bà này qua đời khi bà đang mang thai. Tuy nhiên, chẳng bao lâu thì ông cũng phải trở về. Trong khi chờ đợi, nạn nhân là ông Gaganov khả kính được mọi người đều hoan nghênh: ai cũng bắt tay ông, ôm lấy ông, và cả tỉnh đều thăm ông để chứng tỏ mối cảm tình và lòng thán phục ông. Họ còn định quyên tiền làm một bữa tiệc để thết mừng ông nữa, và cuối cùng chỉ vì đương sự khẩn khoản họ mới chịu bỏ dự tính đó. Có lẽ sau chót họ cũng thoáng nhận ra rằng nói cho cùng chính nạn nhân đã bị nắm mũi lôi đi, và đó khó có thể là một dịp thích đáng để ăn mừng.

Thế nhưng chuyện đó thực tình là như thế nào? Làm sao nó lại có thể xảy ra được? Lạ một điều là không ai trong tỉnh cho rằng hành vi phi lí kia là do chứng điên. Điều này chứng tỏ rằng người ta trông chờ ở anh Xtavroghin những hành vi như thế khi hoàn toàn tỉnh táo bình thường, về phần tôi, cho đến ngày hôm nay tôi cũng không thể giải thích sự kiện kia, mặc dù ngay sau đó một biến cố tiếp theo dường như giải thích được mọi chuyện và thỏa mãn mọi người. Tôi chỉ xin nói rằng, bốn năm về sau, Xtavroghin nhíu, mày và trả lời tôi như sau khi tôi thận trọng đặt câu hỏi về những điều đã xảy ra bữa đó ở hội quán:

- Phải, lúc ấy tôi không được khỏe cho lắm.

Nhưng thôi, tôi không muốn đi trước câu chuyện làm gì.

Tôi cũng khá sửng sốt về sự thiên hạ đột nhiên đâm ra thù hằn “tên ác nhân, gây rối khốn nạn từ thủ đô về”. Họ khăng khăng vạch ra rằng hành động của anh là một sự cố tình sỉ nhục toàn thể xã hội chúng tôi. Con người đó đã thành công trong việc gây mâu thuẫn với mọi người. Nhưng thực ra họ có gì để phản đối anh? Cho đến khi vụ ấy xảy ra, anh chưa hề cãi cọ với ai lấy một lần, chưa ai bị anh hành hung chút xíu nào, và lúc nào anh cũng lịch sự như một hình nhân biết nói: tôi cho là chính cái kiêu hãnh của anh đã khiến mọi người trút thù hằn lên đầu anh. Ngay cả các bà các cô thoạt đầu say mê anh nay cũng ghét anh còn hơn là bọn đàn ông nữa.

Đó là một vố nặng đối với bà Varvara. Tuy vậy, sau này bà kể cho ông Verkhovenxki nghe là bà đã cảm thấy mỗi ngày rằng nó phải đến, và còn gần như trông chờ “một điều gì hệt như vậy”. Một bà mẹ mà phải thú nhận một điều như thế thì cũng lạ thật. “Nó đến rồi đây!” bà đã tắc lưỡi nghĩ. Bữa sau vụ tai tiếng ở hội quán, bà đã thận trọng khơi mào vấn đề với cậu con trai, và mặc dù quả quyết bà vẫn còn run. Cả đêm bà ngủ không được. Sáng sớm bà vội đến chỗ ông Verkhovenxki để thảo luận, và ở ngay đó bà oà lên khóc, đó là một chuyện trước đây bà không hề làm, trừ ra những khi một mình. Bây giờ bà muốn con bà nói một cái gì với bà, nghĩ đến bà ít nhiều mà đưa ra đôi lời giải thích nào đó. Nicolai Xtavroghin, lúc nào cũng ngoan ngoãn và biết nghĩ đến mẹ, nhíu mày lắng nghe bà nói một hồi, rồi lẳng lặng đứng dậy không nói một lời, hôn tay bà, rồi đi ra khỏi phòng. Tối hôm đó - dường như cố tình - anh ta lại gây ra một vụ tai tiếng thứ hai, tuy rằng kém mãnh liệt và chấn động so với vụ thứ nhất, nhưng cũng đủ để làm quật khởi sự phẫn nộ trong công chúng vì trạng thái xao động đã có sẵn. Ngay sau cảnh giữa mẹ và con kể trên, Liputin tới để mời Xtavroghin dự bữa tiệc anh ta tổ chức để mừng sinh nhật của vợ. Bà Varvara từ lâu đã kinh hoàng mà nhận thấy rằng con bà rất ưa những buổi tụ hội bình dân như thế, nhưng bà không nói gì. Hơn nữa, Xtavroghin còn chơi bời với nhiều kẻ hạ lưu khác trong xã hội chúng tôi, kể cả thứ mạt rệp hạng bét. Dường như đó là khuynh hướng của anh ta. Xtavroghin chưa bao giờ đến nhà Liputin, tuy đã có gặp anh ta trong những dịp giao tiếp xã hội. Anh đoán, rằng sự mời mọc của Liputin có dính dấp tới vụ tai tiếng mà anh đã gây ra tại hội quán, rằng là một người địa phương theo chủ nghĩa tự do, Liputin hẳn là khoái chí về chuyện đó và thành thực nghĩ rằng đó là lề lối thích đáng để đối đãi với những hội viên khả kính, và mọi chuyện đều tốt lành cả. Anh cười to và húa sẽ đi dự.

Bữa tiệc rất đông khách, và nếu không trội bật cho lắm thì cũng sinh động. Dù là một kẻ háo danh và ganh tị, Liputin không hề hà tiện chút nào khi mời mọc khách khứa tới nhà, tuy mỗi năm anh chỉ mời có một đôi lần. Lần này vị khách sáng chói thường lệ của anh là ông Verkhovenxki không đến dự được vì bị đau. Có trà, đồ ăn chơi và rượu. Có ba bàn gẩy sòng bài bạc, và trong khi chờ đợi bữa ăn, bọn trẻ khiêu vũ theo tiếng đàn dương cầm. Xtavroghin nhẩy vài bản với chị của Liputin, một thiếu phụ mảnh mai cực xinh và sợ sệt anh đến chết khiếp. Nhẩy xong anh ngồi cạnh chị ta, nói chuyện với chị ta làm chị ta phá ra cười. Đột nhiên, nhận thấy khi cười sao mà chị ta xinh xắn quá, anh vòng tay ôm lấy eo chị ta, và ngay trước mặt đông đủ khách khứa, anh hôn chị ta ngay trên môi, thật lâu và khoan khoái ra mặt, hôn liền ba lượt. Người thiếu phụ đáng thương và kinh sợ kia bị ngất đi luôn. Xtavroghin cầm lấy mũ, bước lại chỗ anh chồng chết đứng mà lầm bầm vài câu với sự bôi rối ra mặt, “chớ có giận,” rồi ra khỏi phòng. Liputin chạy theo anh, đích thân lấy áo khoác cho anh, và tiễn anh xucmg cầu thang với sự lễ phép tràn trề. Ngày hôm sau, có một đoạn hạ hồi ngộ nghĩnh tiếp theo biến cố tương đôi vô hại đó, một hạ hồi làm tăng giá trị cho Liputin và anh ta tìm cách khai thác triệt để.

Vào lúc mười giờ sáng, cô hầu gái của gia đình Liputin tên là Agafia lại đằng nhà bà Varvara Xtavroghina. Người đàn bà rắn rỏi, má đỏ, chừng ba mươi tuổi này nói rằng chủ sai tới để chuyển một lá thư cho cậu Xtavroghin và bắt buộc chị phải trao cho “đích thân công tử.” Mặc dù đau đầu dữ dội, Xtavroghin cũng ra tiếp. Mẹ cậu tình cờ có mặt ngay lúc trao thư. Chị Agafia vui vẻ tuôn ra một tràng:

- Ông chủ sai tôi trước hết gửi lời kính thăm cậu, thỉnh an cậu, và hỏi xem sau bữa tiệc tối qua cậu có ngủ

ngon không và bữa nay cậu cảm thấy ra

sao?

Nicolai nhăn ra cười:

- Chị Agafia làm ơn cho tôi gửi lời thăm ông chủ của chị và bảo ông rằng ông ta là người đàn ông thông minh

nhất trong

tỉnh.

- Về điều đó, chủ tôi dặn tôi thưa lại với cậu rằng ông không cần cậu nói cho ông nghe điều đó, và ông muốn trả

lại lời khen về

cậu.

-Thực vậy sao? Nhưng làm sao ông ta biết được những gì tôi sẽ nói với chị?

 

-Tôi cũng không hiểu nữa, nhưng khi tôi sắp đi đến đây, ông chủ chạy theo tôi, đầu không kịp đội mũ, mà dặn rằng:

 

“Nếu, trong trường hợp tình cờ mà cậu ta dặn chị nói với tôi rằng tôi là người đàn ông thông minh nhất trong tỉnh này, thì chị đừng có quên thưa lại với cậu ta rằng tôi cũng biết điều đó và muốn xin cũng nói về cậu ấy như thế...”

3

Rút cuộc rồi cũng phải đến lúc giải thích với quan tổng đốc. Ông quan hiền lành tử tế Ivan Oxipovitr của chúng tôi được các hội viên đệ trình bản thỉnh nguyện giận dữ kia ngay sau khi ông trở lại tỉnh nhà. Ông biết rằng phải làm một cái gì đó, nhưng ông không quyết định nổi làm gì bây giờ. Ông già hiếu khách đó dường như khá sợ người bà con trẻ tuổi kia. Cuối cùng, ông quyết định tìm cách thuyết phục anh xin lỗi người mà anh đã xúc phạm và xin lỗi toàn thể hội viên sao cho mọi phe bị xúc phạm đều được mãn nguyện - và nếu họ đòi hỏi, thì viết thư xin lỗi nữa. Ông tổng đốc còn tin tưởng rằng ông có thể tìm ra những lí lẽ tế nhị để khuyên Xtavroghin chịu rời chúng tôi mà ra đi, chẳng hạn sáng Tây Ban Nha du học, hoặc một nước nào khác.

Trước kia Xtavroghin tha hồ đi lang thang khắp nhà như một người trong gia đình nhưng lần này ông tổng đốc tiếp anh ở phòng khách. Ngồi ở bàn trong một góc phòng, anh thư kí rất có phong độ là Aliosa Teliatnicov ít nhiều cũng được coi như một người nhà của ông tổng đốc, đang mở những bưu kiện. Ở phòng kế bên, ngồi cạnh cửa sổ là một ông đại tá phục phịch to con trước đây cùng ở một trung đoàn với ông tổng đốc. Ông đến thăm và đang đọc nhật báo Tiếng Nói, và dĩ nhiên không màng chú tâm tới những gì đang xảy ra ở phòng sát cạnh. Thực ra ông quay lưng lại phòng đó.

Ông tổng đốc đề cập vấn đề một cách vòng vo. Ông nói rất nhẹ nhàng, như bằng hơi thở. Nhưng ông làm lộn xộn hết cả. Thái độ của Xtavroghin hoàn toàn bất thân thiện. Không có gì gợi cho thấy chút tình cảm gia đình nồng ấm nào. Người anh xanh xao; anh ngó xuống đất và cau mày như thể anh cố dồn nén một cơn đau mãnh liệt. Ông già nói đại khái:

- Tôi biết cậu có một tấm lòng tốt và cao thượng. Cậu là một người có giáo dục và đã tiếp xúc với giới thượng

lưu xã hội... phải, và cho đến khi sự việc này xảy ra ngay cách cư xử của cậu ở đây cũng không có gì có thể

chê trách được cả, đó là một niềm an ủi lớn cho mẹ cậu, là người chúng tôi ở đây ai cũng quí mến... Thế rồi

bây giờ mọi chuyện đều hóa ra lạ lùng nguy hiểm! Xin cậu cho phép tôi nói, như một người bạn già trong gia

đình, như một người trong họ lớn tuổi thực lòng quan tâm đến cậu, mà lời lẽ xin cậu chớ có bao giờ hiểu

lầm... Cậu hãy nói cho tôi nghe, cái gì đã thúc đẩy cậu thực hiện những việc rồ dại đó - những việc mà không

một tiêu chuẩn xử thế tiếp vật nào có thể chấp nhận được? Những hành vi dường như của kẻ đang cơn mê sảng

kia ý nghĩa ra làm

sao?

Xtavroghin lắng nghe, bực tức và nóng nẩy. Chợt một vẻ tinh quái và châm chọc hiện trên gương mặt anh. Anh nói một cách sỗ sàng:

- Vâng, tôi cho rằng thôi thì cũng nói béng cho ông nghe cái đã thúc đẩy tôi làm những chuyện đó cho rồi, -

đoạn nhìn quanh vội một vòng, anh nghiêng mình ghé lại tai ông tổng đốc. Anh Aliosa Teliatnicov lịch sự đã

âm thầm đẩy bàn ra xa vài bước. Trong phòng kế cận, ông đại tá vừa đọc tờ Tiếng Nói vừa ho sù sụ. Ông lvan

Oxipovitr đáng thương vội tưởng thật bèn đưa tai lại gần phía Xtavroghin, vì ông là một người tính rất tò

mò. Ngay lúc đó, một chuyện không thể ngờ tới - mặc dù xét theo một số phương diện khác hoàn toàn dễ hiểu -

đã xảy ra. Ông tổng đốc đột nhiên nhận ra rằng, thay vì thì thầm một điều bí mật thú vị nào đó vào tai ông,

Xtavroghin đã lấy răng đớp lấy vành tai ông mà cắn thật mạnh. Ông già rùng mình khắp người, thở không ra

hơi. Ông rên bằng một giọng lạc hẳn

di:

- Nicolai, anh giỡn cái gì lạ thế hử?

Aliosa và ông đại tá không thể đoán được chuyện gì đang xảy ra; họ trông ra như tuồng hai người đang- thì thầm những chuyện bí mật với nhau. Tuy nhiên, nét mặt dại điếng của quan tổng đốc làm họ lo lắng. Họ đưa, mắt nhìn nhau dò hỏi: không biết nên chạy lại cứu ông hay chờ một chút xíu nữa? Xtavroghin chắc phải nhận ra điều này và càng nghiến chặt hơn. Nạn nhân lại rên lên:

-  Nicolai, Nicolai... Thôi được, giỡn thế đủ rồi, bây giờ thôi chứ...

Chỉ một hồi nữa thì ông lão có lẽ đến chết vì sợ nhưng kẻ hành tội ông đã hãm lại và nhả tai ông ra. Tuy nhiên, trạng thái kinh hoàng đó đã tiếp diễn suốt cả một phút, và sau đó ông bị lên cơn thần kinh. Chỉ trong vòng nửa giờ, Nicolai Xtavroghin bị bắt và tạm giữ trong phòng vệ binh, nhốt vào một xà lim đặc biệt có khóa ngoài cửa với một người lính đứng canh. Đó là một biện pháp nghiêm khắc, nhưng quan tổng đốc hiền lành quá nổi giận nên ngài quyết định làm bất kể hậu quả ra sao, kể luôn việc bà Varvara có giận thì giận. Mọi người ngạc nhiên xiết bao khi bà hấp tấp và hậm hực chạy lao tới dinh tổng đốc để hỏi cho ra lẽ, quan tổng đốc ra lệnh không, tiếp bà. Bà cứ thế ngồi nguyên trên xe quay về nhà mà cũng không dám tin đó là chuyện có thực.

Rồi cuối cùng mọi thắc mắc của họ đều được giải đáp. Vào lúc hai giờ sáng, tù nhân từ trước đến lúc ấy vẫn lặng yên và còn ngả ra làm một giấc nữa, thình lình bắt đầu giậm chân và nắm tay đấm cửa thình thịch. Anh bẻ cong chấn song ở cửa sổ - một kỳ công đòi hỏi sức mạnh dị thường - đập vỡ cửa kính và làm đứt cả tay. Khi sĩ quan canh phòng chạy tới cùng với lính và chìa khóa, đồng thời ra lệnh mở khóa xà lim để cho lính của ông có thể áp đảo và trói kẻ khùng kia lại thì mới biết Nicolai Xtavroghin đang bị một cơn sôi thần kinh kịch liệt hành hạ. Thế nên anh được đưa về nhà cho bà mẹ. Mọi chuyện tức khắc sáng tỏ ngay. Ba vị bốc sĩ của tỉnh chúng tôi đều đồng ý là từ ba ngày trước có thể bệnh nhân đã mê sảng, và mặc dầu anh ta trông như hành động có ý thức và còn tinh quái nữa, anh ta không kiểm soát nổi lí trí và ý chí - điều đó xem ra dường như ăn khớp với các dữ kiện. Thế là Liputin là kẻ đầu tiên đoán đúng sự thực. Ông tổng đốc vốn rất nhạy cảm và tế nhị không biết xoay xở làm sao. Nhưng một điều lạ đáng ghi nhận là chính ông cũng cho rằng Xtavroghin là người có thể làm bất cứ việc điên rồ nào khi ở trạng thái bình thường. Các hội viên cũng bối rối là sao lại quên sót một lý lẽ giải thích rành rành đến thế. Dĩ nhiên, cũng có một số người đa nghi, nhưng không ai gây được ảnh hưởng nào đáng kể.

Xtavroghin nằm liệt giường trên hai tháng. Một vị danh y từ Moskva được mời về để chẩn bệnh, cả tỉnh tới vấn an bà Varvara và bà tha thứ cho họ. Nicolai bình phục hoàn toàn và chấp nhận không hề phản đối lời đề nghị của mẹ đi du lịch Italia một chuyến. Bà cũng thuyết phục được anh chịu đi một vòng chào từ giã và nếu có thể đương nổi, thì xin lỗi luôn những người anh đã xúc phạm. Anh hăm hở tán đồng. Trong hội có tin kháo nhau rằng anh và ông Gaganov đã có cuộc nói chuyện thật lâu tại nhà ông này và đã khiến bên bị xúc phạm hoàn toàn thỏa mãn. Đánh xe đi thăm viếng quanh quanh, Xtavroghin cung cách trang trọng và có phần ủ dột. Mặc dù mọi người dường như tiếp anh với nhiều thiện cảm, họ vẫn cảm thấy lúng túng đối với anh và thở ra nhẹ nhõm khi nghĩ anh sắp đi Italia. Quan tổng đốc thực sự nhỏ một giọt nước mắt, nhưng không hiểu vì lí do gì không dám ôm anh ngay cả trong bữa tiệc chia tay. Tuy nhiên, một số người trong đám chúng tôi dường như vẫn tiếp tục tin rằng anh là người vô tích sự, chỉ biết châm chọc phá quấy người ta, còn cái chuyện đau bệnh của anh không ăn nhằm gì tới cả. Xtavroghin cũng ghé thăm cả Liputin nữa. Anh hỏi:

- Nói cho tôi biết đi, làm sao anh đoán được tôi sẽ nói gì về trí thông minh của anh mà cấp sẵn cho chị Agafia

câu trả

lời?

Liputin cười mà bảo rằng:

- Giản dị lắm. Chính tôi cũng xem anh là một người thông minh, nên có thể dự đoán phản ứng của anh.

- Dù sao đó cũng là một sự trùng hợp lạ kỳ. Bây giờ xin anh cho biết, phải chăng điều đó có nghĩa là khi gửi

chị Agafia đến chỗ tôi, anh coi tôi như một người có đủ lí trí chứ không phải một thằng

điên?

- Đúng, xem anh như một người thông minh nhất, khỏe mạnh nhất. Nhưng tôi cũng làm bộ tin rằng anh hơi mất

trí... Dù sao anh cũng đã đoán ra thật đúng những gì tôi nghĩ trong đầu và còn nhờ chị Agafia chuyển cho tôi

một chứng chỉ về trí thông minh

nữa.

Xtavroghin nhíu mày lẩm bẩm:

- Chỗ đó thì anh có phần hiểu sai rồi. Lúc đó tôi thực sự không được khỏe cho lắm. Nhưng này, anh có thực sự

nghĩ rằng tôi có thể đi lang thang tấn công người ta khi hoàn toàn tỉnh trí? Làm sao tôi lại làm những

chuyện như

vậy?

Liputin có vẻ bối rối; anh ta không biết nói sao, Xtavroghin hơi có sắc lợt lạt, hay ít ra Liputin ngỡ như thế. Xtavroghin nói thêm:      

- Dù sao, anh cũng có một lối suy nghĩ rất ngộ. Còn về chị Agafia tôi độ chừng rằng anh gửi chị ta tới để làm

nhục tôi.

      

- Tôi đâu có thể nào đòi quyền đấu với anh được!

- À, phải rồi, tôi có nghe nói anh không ưa đấu súng...

Liputin nói một cách không được vui cho lắm:

-  Việc gì chúng ta phải bắt chước phong tục của bọn Pháp trong nước mình?

-  Vậy ra anh ủng hộ tập tục quê hương?

Ngồi trong ghế Liputin càng thu mình nhỏ hơn và kém vui thêm. Xtavroghin chợt kêu lên vừa giơ tay chỉ một cuốn sách của Consideran23 mở sẵn trên bàn:

- Không biết anh có phải một tín đồ của Fourier hay chăng? Điều đó không có gì làm tôi ngạc nhiên cả. Nhưng

sách này không phải là một bản dịch từ tiếng Pháp

sao?

Xtavroghin vừa phá ra cười vừa lấy mấy ngón tay gõ nhịp trên cuốn sách.

Liputin nổi khùng ra mặt đáp lời anh:

- Không, đây không phải là một bản dịch từ tiếng Pháp! Đây là một bản dịch từ một ngôn ngữ đại đồng nhân loại,

chứ không phải là dịch từ tiếng Pháp. Nó dịch từ ngôn ngữ cộng hòa xã hội và của sự hòa điệu của cộng hòa

nhân loại, chứ không phải chỉ dịch từ tiếng Pháp. Anh có hiểu

chăng?

Xtavroghin vừa cười vừa nói:

-  Mẹ kiếp, chả làm gì có một ngôn ngữ như thế.

Đôi khi chỉ một điều cỏn con lại làm cho người ta chú tâm đặc biệt và in đậm mãi trong trí nhớ. Chúng ta sẽ quay lại chuyện anh chàng Xtavroghin này sau. Bây giờ, tôi chỉ xin ghi nhận rằng trong các ấn tượng của tỉnh tôi đối với anh, cái sâu đậm nhất lại là hình ảnh vô nghĩa của anh chàng công chức nhỏ này, con người độc tài trong gia đình, thô lỗ và ganh tị này, kẻ cho vay biển lận thường cất khóa cả những mẩu nến và những đồ cơm thừa canh cặn mà đồng thời lại mạnh mẽ chủ trương một thứ “hòa điệu xã hội” trời đất mới hiểu nổi này, kẻ đêm đêm say mê viễn cảnh một Thế giới Đại đồng, Thiên đường trong tương lai mà anh ta tin tưởng sắp giáng hạ xuống nước Nga và tỉnh tôi một cách đinh ninh như anh tin vào mạng sống của chính anh vậy. Và anh tin rằng Thế giới Đại đồng kia sắp gom đủ tiền để tậu một căn nhà cho chính mình, nơi anh lấy cô vợ thứ nhì chỉ vì món của hồi môn, và lại là nơi không có một ai, kể luôn cả anh, trong vòng bán kính một trăm dặm giống được mảy may một người của nước cộng hòa xã hội đại đồng trong tương lai.

Xtavroghin trầm ngâm nghĩ ngợi mỗi lần anh nhớ đến tín đồ quái dị của Fourier, đó: “Có trời mới biết làm sao những tay đó lại ra như thế!”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3