Lũ Người Quỷ Ám - Chương 14
6
Quả thực người ta la hét hơn là nói. Tôi hơi quên thứ tự những diễn biến vì sự hỗn loạn chung đó. Ông Xtepan kêu lên một câu gì đó bằng tiếng Pháp và giơ tay lên trời, nhưng bà Varvara quá bận tâm đến những chuyện khác nên không để ý gì tới ông. Ngay cả Mavriki cũng hổn hển thốt lên một đôi lời bình phẩm. Nhưng người bị kích động hơn hết là Piot’r Verkhovenxki, đang sôi nổi thuyết phục bà Varvara một điều gì đó, vung tay theo nhịp lý luận. Có đến một lúc lâu, tôi không hiểu anh ta đang nói gì. Anh ta không ngừng chạy qua chạy lại lăng xăng trong phòng, hết nói với bà Drozdova lại nói với Liza, và trong cơn xúc động, anh hét to lên một vài tiếng với cha nữa. Bà Varvara, mặt đỏ bừng, đứng dậy lớn tiếng nói với bà Drozdova:
- Chị có nghe thấy không? Chị có nghe thấy nó nói những gì với con đó không?
Nhưng bà Drozdova không thể trả lời; bà chỉ lẩm bẩm một vài điều gì đó và xua tay. Người đàn bà tội nghiệp này còn có những nỗi lo âu riêng của bà: Liza; có một thoáng sợ hãi trong mắt bà khi bà nhìn con gái. Và bà không dám nghĩ tới chuyện đứng lên ra về, chừng nào Liza chưa đứng dậy và tuyên bố sẵn sàng ra về. Trái lại, đại úy Lebiadkin chỉ chực nghĩ đến việc chuồn. Tôi để ý thấy điều đó. Hắn sợ hãi ra mặt từ lúc Nicolai xuất hiện. Nhưng Piot’r Verkhovenxki nắm chặt cánh tay hắn, không để hắn đi.
- Cần thiết lắm, tối cần...
Anh ta liến thoắng nhắc đi nhắc lại với bà Varvara, cố gắng thuyết phục bà một điều gì đó. Anh ta đang đứng trước mặt bà. Bà ngồi xuống và, tôi nhớ rất rõ, bà chăm chú nghe anh ta đến nỗi cuối cùng anh ta thu hút được sự chú ý của bà.
- Cần thiết lắm. Bác tự xét đoán lấy, bác Varvara hẳn phải có sự ngộ nhận ở đây. Câu chuyện này kể ra có vẻ kì
cục, nhưng quả thực nó rõ như ban ngày và đơn giản như củ khoai. Lúc này, cháu hiểu là không ai yêu cầu cháu
giải thích và có lẽ cháu có vẻ lố bịch khi nói đi nói lại điều đó... Nhưng, trước hết, anh Nicolai không
quan tâm tới chuyện này cho lắm; thứ đến, có nhiều trường hợp mà đương sự không thể giải thích được hành vi
của mình; bởi thế tốt hơn phải nhờ đến một người thứ ba. Xin bác tin cháu, bác Varvara, anh Nicolai không
đáng trách chút nào khi không trả lời ngay câu hỏi của bác một cách trực tiếp, dầu anh ấy có thể trả lời khá
dễ dàng. Cháu biết anh ấy từ Petersburg. Vả lại, tất cả chuyện đó chỉ làm tăng danh dự của anh Nicolai, nếu
người ta bắt buộc phải dùng cái danh từ “danh dự” mơ hồ
đó...
- Có phải cháu muốn nói rằng cháu đã chứng kiến một diễn biến gây ra cái... cái sự ngộ nhận này không?
- Vâng, cháu là một người từng chứng kiến và dự phần vào. - Piot’r nhanh nhảu đáp.
- Nếu cháu hứa danh dự với bác rằng câu chuyện của cháu không làm tổn thương đến Nicolai - vì bác muốn cháu
biết là nó không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ giấu bác điều gì cả - và nếu cháu quả quyết với bác
rằng nó đồng ý cháu làm vậy
thì...
- Không còn nghi ngờ gì nữa, anh ấy rất đồng ý. Và đó là lý do cháu rất sung sướng cho bác biết sự thực. Cháu
tin chắc rằng chính anh ấy sẽ yêu cầu cháu
nói.
Tôi ngạc nhiên vì tự nhiên cái kẻ từ trên trời rơi xuống ấy lại cứ khăng khăng đòi giải thích chuyện người khác; nhưng anh ta đã dụ bà Varvara cắn câu bằng cách đụng chạm tới yếu huyệt nhạy cảm nhất của bà. Trong thời gian đó, tôi chưa biết rõ tâm tính và còn mù mờ hơn về ý đồ của anh chàng.
- Bác đang nghe anh nói đây!
Bà Varvara nói bằng một giọng thận trọng và e dè, hơi bối rối vì thái độ quá nhũn nhặn của mình.
- Câu chuyện không dài lắm đâu, đúng ra chưa hẳn là một câu chuyện. Tuy nhiên, nếu một nhà văn nào túng đề tài
thì cũng có thể lấy đó mà dựng nên một thiên tiểu thuyết. Đó là một trường hợp thú vị. Cháu tin chắc là bà
Drozdova và cô Liza sẽ nghe cháu kể một cách thích thú vì trong câu chuyện này có nhiều điều nếu không tuyệt
diệu thì cũng không kém phần kì lạ. Năm năm trước đây, ở Petersburg, Nicolai Xtavroghin có quen nhà ông này,
vâng, chính ông Lebiadkin đang đứng há hốc miệng ra đây và là người, nếu tôi không lầm, thì giờ phút này
đang muốn chuồn khỏi đây nếu có dịp. Xin lỗi bác, bác Varvara... Ông, ông thư kí tiếp liệu hồi hưu - ông
thấy tôi biết rõ ông quá mà - tôi không có ý định khuyên ông trốn khỏi đây lúc này! cả tôi lẫn Nicolai đều
hoàn toàn biết rõ những việc làm của ông ở đây, bởi vậy ông có việc phải thanh toán với chúng tôi, ông đừng
quên điều đó. Cháu xin lỗi bác một lần nữa, bác Varvara. Vào thời kì đó, Nicolai gọi người này là
“Falstaff”46 của anh, (Piot’r thấy cần phải giải nghĩa ở chỗ này) một nhân vật khôi hài ai cũng chế giễu,
hắn chịu đóng vai hề miễn là người ta cho hắn tiền. Trong thời gian đó, Nicolai đang sống một cuộc sống có
thể gọi là “khinh bạc” ở Petersburg; cháu không thể tìm được một danh từ nào khác để diễn tả cho đúng, vì
anh không phải là người buông trôi theo tuyệt vọng và, mặt khác, anh khinh bỉ không thèm đuổi theo một mục
đích đặc biệt nào. Thưa bác Varvara, cháu chỉ nói tới thời kì đó thôi. Bấy giờ, ông Lebiadkin đây có một
người em - cô lúc nãy vừa ở đây đó. Họ không có một xó để mà ở, họ hết ở nhờ chỗ này lại tới chỗ khác, nơi
bất cứ ai bằng lòng chứa chấp họ. Ông ta, lúc nào cũng mặc bộ binh phục cũ, lang thang ngoài đường ngoài
chợ, gặp ai ăn mặc sang trọng, là chặn lại, họ cho đồng nào là ông ta nhậu hết đồng ấy. Về phần cô em, cô
sống như chim trời. Cô phụ giúp những người nghèo khó và họ nuôi cô ta. Đó là một cuộc sống hang cùng ngõ
hẻm bẩn thỉu mà cháu không muốn đi vào chi tiết. Nicolai đã lựa chọn cuộc sống này hoàn toàn vì tính “lập
dị”. Một lần nữa, bác Varvara, cháu chỉ đề cập tới một giai đoạn sống đặc biệt của cuộc đời anh ấy, và cháu
mượn chữ của chính anh Nicolai. Anh không giấu cháu điều gì cả. Cô Lebiadkin có dịp gặp anh Nicolai nhiều
lần, xúc động vì dáng vẻ của anh. Có thể nói anh giống như một viên kim cương trên cái bối cảnh đen tối của
cuộc đời cô. Nhưng cháu không có khiếu mô tả tình cảm nên cháu xin bỏ qua. Nhưng cô ta trở thành một đối
tượng để trêu chọc của hạng người độc ác, điều đó khiến cô ấy buồn tủi. Họ luôn luôn chọc ghẹo chế nhạo cô
ta; mới đầu cô ta chẳng thèm để ý. Lúc đó cô ta đã hơi mất trí nhưng không đến nỗi như bây giờ. Có nhiều lí
do để tin rằng khi còn nhỏ, nhờ một vài bà hảo tâm, cô ta có được học hành chút đỉnh. Anh Nicolai không bao
giờ để ý tới cô ta cả, phần lớn thì giờ anh ấy dùng để chơi bài với những viên tiểu công chức, thư kí hạng
bét, một phần tư copec một cây. Nhưng một lần, một viên thư kí chọc phá cô ta và anh Nicolai, lẳng lặng
không nói một lời, nắm lấy cổ áo gã đó, ném qua cửa sổ tầng hai. Không có vẻ gì là “giữa đường thấy chuyện
bất bình chẳng tha” trong đó cả - tất cả sự việc diễn ra giữa tiếng cười nói man rợ, và Nicolai cười nhiều
nhất. Khi thấy câu chuyện không đưa tới những hậu quả trầm trọng, họ bắt tay giải hòa và ngồi uống rượu mùi
với nhau. Nhưng “nạn nhân vô tội” thì không quên và kết quả là nàng mất hết chút lương tri còn sót lại. Cháu
xin nhắc lại - cháu tả tình cảm con người dở lắm, nhưng điều chính yếu ở đây là mộng tưởng. Và Nicolai dường
như nuôi những mộng tưởng có chủ đích. Thay vì cười cô ta như những người khác, anh bắt đầu cư xử với cô
Lebiadkina một cách cực kì cung kính, trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người. Kirillov lúc ấy cũng có mặt
ở đó - anh chàng này cũng là một người kì lạ, một người thẳng thắn khác thường; thưa bác Varvara, có thể bác
sẽ gặp anh ta một ngày gần đây vì bây giờ anh ta đang ở tỉnh nhà - vâng, Kirillov là người không quen nói
nhiều, thế mà hôm ấy đột nhiên phát cáu và nói với Nicolai rằng anh làm hại cô ta hoàn toàn khi coi cô ta
như một cô công chúa. Nicolai vốn rất nể Kirillov bèn bảo anh này rằng: “Anh tưởng tôi giễu cợt nàng sao,
anh Kirillov; anh nhầm rồi: tôi kính trọng nàng thật sự vì nàng có giá trị như tất cả chúng ta.” Anh ấy nói
điều đó bằng một giọng trang nghiêm, dầu rằng trong hai hay ba tháng quen cô ta, anh ấy chỉ chào hỏi nàng sơ
sơ thôi. Cháu có mặt ở đó, và cháu còn nhớ là sau cùng nàng coi như đã đính hôn với anh và ngỡ rằng anh
không dám dắt nàng đi trốn vì anh có quá nhiều kẻ thù, có sự chống đối của gia đình và vân vân. Tất cả chấm
dứt khi Nicolai phải rời Petersburg về đây. Trước khi về, anh dàn xếp cho nàng một phụ cấp, một phụ cấp khá
lớn - ba trăm rúp hay hơn nữa mỗi năm. Chúng ta hãy kết luận rằng, về phía anh Nicolai, đó là một việc điên
rồ không hơn không kém, sự cao hứng ngông cuồng của một người sớm chán đời. Chúng ta hãy nhận với Kirillov
rằng đó chỉ là sự tìm kiếm cảm giác mới của một người ăn chơi đã quá độ, muốn biết mình có thể triệt hạ một
cô gái tàn tật nửa điên nửa dại đáng thương tới đâu. “Anh đã cố ý chọn một kẻ chìm đắm tội nghiệp nhất”,
Kirillov nói, “một kẻ tàn tật, suốt đời mang thương tích vì bị ngược đãi và nhạo báng, và ý thức rõ rệt rằng
con người độ đáng chết vì một tình yêu tức cười đối với anh, và anh làm cho điên đầu chỉ để nhìn kết quả ra
sao mạ thôi!” Nhưng làm thế nào bắt một người phải chịu trách nhiệm về tất cả những ý tưởng điên khùng trong
đầu một người đàn bà mà anh ta chưa trao đổi quá đôi ba câu? Thưa bác Varvara, có những điều không những
người ta không thể nói một cách hợp lí mà người ta còn không thể bàn tới một cách nghiêm trang nữa. Thôi, ta
đành nhận đó là một điều “kì dị” về phần anh Nicolai vậy, đó là tất cả những gì người ta có thể nói về
chuyện này. Nhưng họ đã làm chuyện tùm lum lên. Cháu đã biết phần nào chuyện đang xảy ra ở
đây.
Anh ta đột nhiên ngừng kể và sắp quay về phía Lebiadkin thì bà Varvara đã ra dấu ngăn lại. Bà đang xúc động cùng cực. Bà hỏi:
- Cháu đã nói xong chưa?
- Chưa xong hẳn. Để làm sáng tỏ vấn đề, cháu muốn hỏi ông đây vài điều nếu bác cho phép. Bác sẽ có một ý niệm
rõ rệt về tất cả câu chuyện, bác Varvara
ạ.
- Khoan, xin cháu chờ lát nữa... Ồ, bác sung sướng xiết bao khi nghe cháu nói.
Piot’r vội thêm:
- Bây giờ chắc bác đã thấy khó khăn cho anh Nicolai biết là chừng nào khi phải trả lời câu hỏi có lẽ hơi rạch
ròi đến từng kẽ tóc chân tơ của bác rồi chứ?
- Ổ phải, hơi quá.
- Thế bác có công nhận cháu có lí khi nói rằng có nhiều trường hợp người thứ ba dễ giải thích hơn chính đương
sự
không?
- Phải, chắc chắn như thế. Tuy thế, cháu đã nhầm về một điểm, và cháu hãy còn nhầm.
- Thực không bác? Điểm gì vậy?
- Điểm... Nhưng sao cháu không ngồi xuống, Piot’r?
- Ồ, cảm ơn bác. Quả thực, cháu cảm thấy hơi mệt.
Anh ta nhanh nhẹn kéo một cái ghế bành về phía trước, xếp đặt thế nào để ngồi giữa bà Varvara cũng như bà Drozdova và Lebiadkin mà anh ta nhìn chằm chặp, ở trước mặt anh ta.
- Được rồi, cháu nhầm khi mô tả nó như một việc “kì dị”.
- À, nếu chỉ có vậy...
- Khoan, khoan... - bà Varvara ngắt lời. Bà có vẻ sửa soạn nói chuyện dài và say mê. Khi Piot’r nhận thấy điều
đó, anh tỏ ra rất chăm
chú.
- Không, chuyện đó có một cái gì cao thượng hơn là chỉ có tính cách kì dị mà thôi. Tôi còn muốn đi xa hơn nữa,
gọi nó là thiêng liêng nữa! Đó là một con người kiêu hãnh sớm bị thương tổn bởi cuộc đời và đã đi tới chỗ mà
quí vị gọi là “châm biếm”. Phải, đó đúng là hoàng tử Harri mà ba cháu có lần đã đặt tên một cách sâu sắc...
Phải, nó chính là hoàng tử Harri nếu không nói là giống Hamlet47 hơn, ít ra đó là theo ý
bác.
Ông Xtepan hăng hái tán đồng:
- Bà rất có lí!
- Cám ơn ông, ông Xtepan. Tôi muốn cám ơn ông, nhất là niềm tin tưởng bất di bất dịch của ông vào Nicolai, vào
sự cao thượng của nó và vào những công việc lớn lao mà nó sẽ hoàn thành. Quả thực, ông đã nâng đỡ niềm tin
của tôi trong những lúc yếu đuối
nhất.
- Bà bạn thân mến, bà bạn thân mến của tôi... Ông Xtepan tiến lên một bước nhưng chợt dừng lại. Chắc ông nhận
thấy rằng ngắt lời bà lúc này là thiếu khôn ngoan. Bà Varvara nói tiếp bằng một giọng du dương gần như
hát:
Nếu Nicolai luôn được ở gần ông, một Horatio48 dịu dàng, nhẫn nhục vô lượng - lại thêm một câu văn hay của ông nữa, ông Xtepan - thì có lẽ nó đã thoát khỏi “con quỉ chầm biếm buồn thảm” không ngừng giầy vò nó từ lâu - lại một biểu ngữ hoa mĩ nữa của ông, ông Xtepan - con quỉ đã xô đẩy nó có những hành động kì dị như vậy suốt đời nó. Nhưng Nicolai không có cả Horatio lẫn Ophelia49. Nó chỉ có một người mẹ, nhưng một người mẹ thì làm gì được trong những hoàn cảnh đó? Cháu biết không, Piot’r, bây giờ bác bắt đầu hiểu tại sao một người như Nicolai lại có thể chui rúc trong hang cùng ngõ hẻm, giao kết với loại người mạt hạng mà cháu vừa tả. Bây giờ bác có thể thấy rất rõ thái độ “châm biếm” của nó đối với cuộc đời (cháu dùng danh từ đúng quá!), khát vọng không làm dịu được về những mâu thuẫn đối chọi, cái bối cảnh tối tăm trong đó nó nổi bật như một viên kim cương sáng chói theo cách nói của cháu, Piot’r. Thế rồi nó gặp kẻ bị chà đạp ngược đãi kia ở đó, một kẻ tàn tật, nửa điên nửa dại, đồng thời có lẽ là kẻ có tâm hồn cao thượng nhất...
- Hừm, vâng, rất có thể như vậy...
- Và sau đó, tại sao cháu lại không hiểu lí do nó từ chối không chế nhạo nàng như những kẻ khác? À, những kẻ
phàm phu! Các ông không hiểu rằng bằng cách cư xử với cô ta “như công chúa”, nó đã che chở cô ta khỏi sự
chọc ghẹo của những tên bất lương tàn ác. (Ông Kirillov có vẻ biết người lắm dù ông ta không hiểu nổi
Nicolai!) Ta có thể nói rằng chính vì sự kiện nó nổi bật đối chọi với bối cảnh đó mà gây ra bao điều rắc
rối: nếu cô thiếu nữ đáng thương kia sống trong một môi trường khác thì hẳn cô đã không dệt những giấc mộng
điên rồ như thế. Một người đàn bà, phải, chỉ có một người đàn bà mới có thể hiểu nổi điều đó, Piot’r, cháu
không hiểu, thật là một điều đáng xấu hổ! Không, bác không nói thật đáng xấu hổ khi cháu không phải là một
người đàn bà, nhưng bác ao ước cháu trở thành một người đàn bà trong giây lát để có thể hiểu điều
đó...
- Tóm lại bác muốn nói rằng hoàn cảnh càng hẩm hiu bao nhiêu người ta lại càng khao khát về thế giới khác bấy
nhiêu phải không? Cháu hiểu, bác Varvara, cháu hiểu. Giống như trong tôn giáo vậy: cuộc đời càng vất vả bao
nhiêu, thì càng mơ ước phần thưởng trên thiên đàng bấy nhiêu, nhất là với hàng trăm ngàn giáo sĩ bận bịu lo
việc cứu rỗi, nâng đỡ niềm tin, thêu dệt những giấc mộng cho con người và kiếm ăn bằng nghề đó. Bác yên chí,
cháu hiểu bác nghĩ gì, bác
Varvara...
- Không hẳn đúng như thế. Nhưng hãy nói cho bác biết, Piot’r: để bóp chết giấc mơ mà cơ thể đáng thương đó ôm
ấp (tại sao bà Varvara lại dùng chữ “cơ thể” đó thì thực tôi cũng không hiểu) thì Nicolai cũng phải nhạo
báng cô ta và đối xử với cô ta như những tên công chức quèn kia sao? Có thật cháu có thể khước từ không chấp
nhận lòng trắc ẩn sâu xa và sự xúc động làm rung chuyển con người của Nicolai khi nó nghiêm khắc trả lời
Kirillov: “Tôi không giễu cợt nàng”? Thật là một câu trả lời cao thượng, thánh
thiện!
- Siêu phàm! - Ông Xtepan lẩm bẩm.
- Và xin quí vị nhớ cho rằng lúc đó nó không giầu như quí vị tưởng. Nó không giầu, chỉ có tôi mới giầu, và lúc
đó nó không hỏi xin tôi gì
cả.
- Cháu hiểu, cháu hiểu điều đó, bác Varvara.
Piot’r vừa nói vừa cử động một cách bứt rứt trên ghế.
- Ồ, nó giống tính tôi y hệt! Tôi nhận thấy tôi trong nó. Tôi phải tha thứ cho tuổi trẻ, cho những xung động
mãnh liệt của nó... Bác ước gì chúng ta hiểu nhau nhiều hơn nữa, cháu Piot’r, đó là điều bác thành thực mong
mỏi về phần bác, bởi vì bác đã nợ cháu, bởi thế cháu có thể
hiểu...
Piot’r ấp úng nói khẽ:
- Vâng, vâng, cháu cũng mong như vậy về phần cháu...
Vậy thì cháu sẽ hiểu cái đà lôi cuốn cháu, trong sự mù quáng rộng lượng của cháu, về phía một người không xứng đáng với cháu về mọi phương diện, một người không thể nào hiểu nổi cháu và sẽ làm khổ cháu bất cứ dịp nào... Nhưng mặc dầu thế, cháu vẫn biến hắn thành một lí tưởng nào đó, thành một mộng tưởng của cháu; cháu sẽ tập trung tất cả hi vọng của cháu vào của hắn và ngưỡng mộ hắn suốt đời mà không hiểu tại sao... Có thể chỉ vì hắn không xứng đáng đối với cháu... Trời, bác đã đau khổ suốt đời bác, Piot’r ơi!
Ông Xtepan, nét mặt lộ vẻ đau khổ, cố đưa mắt tìm gặp mắt tôi, nhưng tôi lảng tránh đúng lúc.
- Thế mà gần đây, phải, rất gần đây thôi, tôi có lỗi xiết bao đối với Nicolai! Nhưng quí vị cũng không thể
tưởng tượng tôi đau khổ đến mức nào vì người khác, tất cả, vì cả bạn lẫn thù, có lẽ vì bạn hơn là thù... Khi
bác nhận được bức thư nặc danh thứ nhất, Piot’r, có lẽ cháu sẽ không tin bác, nhưng bác không thể coi thường
tất cả những lời bỉ ổi đó... Không bao giờ, không bao giờ bác tha thứ được sự yếu đuối của
bác!
Piot’r tỉnh táo lại, nói:
- Cháu đã nghe nói nhiều về những bức thư nặc danh này và cháu sẽ tìm ra những tên ném đá giấu tay đó cho bác,
bác yên
tâm.
- Nhưng cháu không thể tưởng tượng nổi tất cả những âm mưu ẩn sau những diễn biến đang xảy ra ở đây! Chúng còn
bắt đầu quấy rầy cả bà Drozdova tội nghiệp đây! Chúng tấn công bà vì mục đích gì? Có lẽ hôm nay tôi hơi quá
đáng với chị, chị Praxcovia thân mến của tôi
ạ.
Bà Varvara nói thêm, ngỏ lời với bà Drozdova bằng một cử chỉ bao dung, nhưng với một vẻ thỏa mãn giễu cợt nào đó trong giọng nói. Bà Drozdova nói khẽ như hối tiếc:
- Thôi, bỏ qua chuyện đó. Theo ý tôi, chúng ta nên chấm dứt tất cả chuyện đó. Chúng ta nói thế đủ rồi...
Bà đưa mắt ngượng nghịu nhìn Liza, nhưng Liza đang mải nhìn Piot’r. Bà Varvara đột ngột thông báo:
- Về phần cô gái đáng thương đã đánh mất tất cả trừ tâm hồn, thôi được, tôi có ý định nhận cô ta làm con nuôi.
Tôi coi đó là một bổn phận thiêng liêng của tôi. Kể từ ngày hôm nay, tôi đặt cô ta dưới sự che chở của
tôi.
- Đó là một điều rất tốt, theo một ý nghĩa nào đó. - Piot’r nói, anh ta mỗi lúc một nhanh nhẹn trở lại: - Xin bác thứ lỗi cho, nhưng cháu chưa nói hết điều đáng lẽ cháu phải nói. Đó chính là sự che chở cháu nghĩ trong trí. Bác có thể tưởng tượng được không, bác Varvara, vừa khi anh Nicolai đi khỏi (cháu nói tiếp từ chỗ bỏ dở ban nãy), ông Lebiadkin đây cho là ông ta có toàn quyền tiêu xài tiền phụ cấp cho em gái ông ta thế nào cũng được tùy theo ý ông, và quả thực ông ta đã tiêu xài. Cháu không rõ lúc đầu ông ta làm ăn ra sao, nhưng về sau, lúc anh Nicolai đang ở nước ngoài, được biết việc xảy ra, anh thay đổi không xếp đặt như trước nữa. Một lần nữa, cháu lại không biết rõ chi tiết - anh ấy sẽ nói cho bác nghe - nhưng cháu được biết cô ta đã được gửi vào một tu viện, được sống dưới sự giám thị rất dễ chịu và thân ái. Bác có hiểu không? Nhưng bác có biết ông Lebiadkin đây lúc đó định ra sao không? Trước hết ông ta cố gắng để khám phá nguồn lợi tức của ông ta nghĩa là em gái ông ta - ở đâu (ông ta mới tìm ra gần đây). Kế đó ông ta xin cho em gái ra khỏi tu viện, bằng cách trưng ra cháu không biết quyền gì, rồi mang nàng về thẳng đây. Ở đây, ông ta không cho em ăn, đánh đập nàng, áp bức nàng bằng mọi cách, lấy một số tiền trợ cấp quan trọng của anh Nicolai bằng những thủ đoạn bất chính và bắt đầu rượu chè. Rồi, thay vì cám ơn ân nhân, ông ta kiêu căng lên mặt đòi tiền nữa và dọa đưa Nicolai ra tòa nếu, trong tương lai, tiền trợ cấp cho em gái ông ta không được giao thẳng cho ông ta. Do đó, ông ta đã lầm lẫn, coi sự trợ giúp tự ý như một sự trả nợ cưỡng bách. Bác có thể tưởng tượng được một chuyện gì kì cục tương tự như vậy không? Ông Lebiadkin, xin ông cho biết tất cả những điều tôi vừa nói có đúng hay không?
Viên đại úy, từ nãy đến giờ vẫn yên lặng, mặt chợt xám ngắt và bước tới mấy bước.
Hắn nói một hơi:
- Ông đối xử với tôi tàn nhẫn quá, thưa ông.
- Tại sao tàn nhẫn? Nhưng khoan đã - chúng ta sẽ bàn tới tàn nhẫn và dịu dàng sau; bây giờ tôi chỉ muốn yêu cầu
ông trả lời câu hỏi thứ nhất của tôi: tất cả những điều tôi vừa nói có đúng không? Nếu có điểm nào trong đó
ông cho là sai, ông có thể vạch ra ngay lập
tức.
Lebiadkin do dự. Hiển nhiên điều đó khiến Piot’r bực mình lắm; mặt anh ta cau lại vì tức giận. Anh ta vừa nói vừa đưa mắt đe dọa nhìn Lebiadkin:
- Được rồi, nếu ông muốn cải chính điều gì thì ông cứ nói đi. Đừng bắt chúng tôi phải chờ đợi.
- Nhưng ông Piot’r, ông cũng biết là tôi không thể nói gì được mà.
- Không, tôi không biết. Quả thực đây là lần đầu tiên tôi nghe nói điều đó. Vậy ông giải thích đi. Tại sao ông
lại không thể nói được gì
cả?
Lebiadkin ngậm hột thị cùi gằm mặt xuống đất. Cuối cùng hắn nói bằng giọng quả quyết:
- Xin phép ông cho tôi lui gót, ông Piot’r.
- Ông không thể rời khỏi đây trước khi trả lời câu hỏi thứ nhất của tôi: tất cả những điều tôi nói đúng hay sai?
- Đúng.
Lebiadkin đáp bằng một giọng khàn khàn, ngẩng đầu lên nhìn kẻ hành hạ mình. Những giọt mồ hôi hiện ra hai bên thái dương hắn ta.
- Tất cả có đúng không?
- Vâng, tất cả.
- Bây giờ ông có muốn nói thêm điều gì không? Có lẽ ông cảm thấy chúng tôi cư xử không đẹp với ông.- nếu thế
thì ông nói đi, phản đối, công khai bày tỏ sự bất bình của ông
đi.
- Không, tôi không có gì để thêm cả.
- Gần đây ông có đe dọa ông Nicolai nữa hay không?
Hắn chợt ngẩng đầu lên:
- Cái đó... cái đó do hậu quả của rượu, thưa ông. - Hắn la to, đột nhiên lại quên mình như lúc trước - Thưa ông
Piot’r! Nếu danh dự gia đình của một người bị hoen ố và cả chính hắn cũng bị nhục nhã lây một cách vô cớ thì
ông có nghĩ rằng hắn có lỗi
không?
Piot’r nhìn sâu vào mắt viên đại úy và hỏi:
- Nhưng bây giờ ông đã tỉnh rượu chưa, ông Lebiadkin?
- Vâng, tôi tỉnh rồi.
- Vậy ông muốn nói gì khi nói tới danh dự gia đình với nhục nhã lây?
Lebiadkin ấp úng và lại xìu xuống trở lại:
- Tôi không ám chỉ ai hết, tôi không muốn kết tội ai cả. Tôi muốn nói chính tôi...
- Có lẽ ông phật ý vì những lời tôi nói về ông và hành vi của ông. Quả thực ông dễ giận quá, ông Lebiadkin.
Nhưng khoan đã, tôi chưa thực sự bắt đầu nói về hành vi đích thực của ông. Có lẽ tôi sắp nói tối bây giờ.
Vâng, rất có thể tôi bắt đầu nói tới, nhưng ông phải nhận rằng tôi chưa hề nói một lời nào về hành vi đích
thực của ông
cả.
Lebiadkin rùng mình và ngó Piot’r một cách dữ tợn:
- Thưa ông, bây giờ tôi mới thức tỉnh.
- Tôi biết, và tôi đã đánh thức ông dậy!
- Vâng, chính ông, ông Piot’r. Bốn năm nay tôi ngủ dưới một bầu trời đầy dông tố. Bây giờ tôi có thể đi được
chưa, ông
Piot’r?
- Vâng, bây giờ ông có thể đi được rồi, trừ phi bà Varvara muốn hỏi ông điều gì...
Nhưng bà Varvara xua tay: bà không có gì để hỏi, hắn có thể ra về. Lebiadkin cúi chào, đi hai ba bước về phía cửa sổ rồi thình lình đứng dừng lại, đặt tay lên ngực, có vẻ muốn nói điều gì, nhưng lại thôi, và lao ra cửa. Tới cửa hắn suýt lao phải Nicolai đang bước vào. Viên đại úy bỗng nhiên thu mình lại, đứng chết cứng, mắt đăm đăm nhìn Nicolai như con thỏ đứng trước con trăn. Nicolai chờ một lát rồi khẽ đẩy hắn ra, bước vào phòng.