Lũ Người Quỷ Ám - Chương 26
2
Từ nhà bà Varvara, Piot’r đi thẳng tới nhà cha đẻ, nóng nảy trút sự hậm hực lên ông già. Anh ta muốn trả thù ông vì một cuộc tấn công mà tôi không có ý niệm gì. Trong lần gặp nhau cuối cùng, vào ngày thứ năm tuần trước, ông Verkhovenxki xách gậy đuổi Piot’r khỏi nhà, sau hồi cãi vã mà chính ông đã khơi mào. Ông Verkhovenxki bấy giờ che giấu tôi, nhưng giờ đây, khi Piot’r xông vào phòng với cái cười trịch thượng cố hữu, đôi mắt liếc nhanh khắp phòng dò xét bất mãn, ông Verkhovenxki thầm ra dấu cho tôi đừng rời khỏi phòng. Vì vậy tôi có dịp chứng kiến buổi gặp gỡ này từ đầu tối cuối, và tôi nhận ra được tình cảm đích thực của họ đối với nhau.
Ông Verkhovenxki đang nằm duỗi trên trường kỉ. Ông gầy đi và vàng vọt từ thứ năm tuần trước. Piot’r ngồi xuống trường kỉ kế ông ta, thản nhiên xếp chân bằng tròn choán nhiều chỗ như chẳng coi cha ra cái thá gì. Ông Verkhovenxki chững chạc nói chỗ thêm cho anh ta và chẳng hề hé môi.
Một quyển sách mở nằm trên bàn, quyển tiểu thuyết Làm gì? của Chernyshevsky61. Than ôi, tôi phải nhìn nhận nơi đây bạn tôi có một nhược điểm nhỏ nhoi kì quái - ông có ý tưởng từ bỏ sự ẩn dật để hiến thân cho một trận thư hùng cuối cùng. Ý tưởng này càng lúc càng ám ảnh ông nặng nề. Tôi cho rằng ông đang nghiên cứu quyển truyện này để mà đương đầu một sự xung đột trong tương lai với những người mà ông mệnh danh là “lũ quỉ gào thét”, ông sẽ biết trước mánh lới và lí lẽ của họ, thắng từ trong cẩm nang của họ, và như vậy mới có thể bẻ gãy và bài bác họ trước mặt bà Varvara. Ôi quyển sách đã gây biết bao thống khổ cho ông! Có lúc ông không còn chịu nổi nữa, quăng quyển sách qua bên, bước ngang dọc khắp phòng hầu như điên cuồng.
Một lần ông nói với tôi không kịp thở:
- Tôi đồng ý rằng tư tưởng nòng cốt của Chernyshevsky là đúng, nhưng điều đó chỉ làm nó trở nên kinh tởm hơn. Nó là ý tưởng của riêng chúng tôi - chúng tôi là người đầu tiên gieo trồng nó và bồi dưỡng nó. Ngoài ra họ có thể đóng góp được gì mới mẻ đâu? - Ông la to và chộp lấy quyển sách: - Và, trời hỡi, hãy nhìn coi ý tưởng này được diễn đạt ra sao! Nó bị bóp méo và xuyên tạc không tưởng nổi! Anh thực sự không ngờ rằng đó là cái chúng tôi đang nỗ lực tranh đấu, phải không? Còn ai có thể nhận ra là ý tưởng nguyên thủy của chúng tôi trong đó?
Piot’r vừa nhặt quyển sách dưới bàn lên nhìn tên sách vừa nói vừa cười khinh khỉnh:
- Tôi thấy ông đang tìm cách giác ngộ! Đó là đúng lúc. Nếu ông muốn, tôi sẽ mang thêm cho ông nhiều sách hay
hơn
nữa.
Ông Verkhovenxki làm lơ, giữ im lặng nghiêm nghị. Kế đó Piot’r giải thích vắn tắt mục tiêu đến - thăm cha. Ông Verkhovenxki câm như hến và lắng nghe đứa con một cách lo lắng lẫn với cáu tiết:
- Và như vậy mụ fon Lembke thực sự nghĩ rằng tao sẽ đến và đọc văn tại nhà mụ à? Thực thế sao?
- Ông không hiểu à. Bà ta nào có thực sự cần đến ông đâu. Bà ta chỉ tử tế với ông để lấy lòng bà Varvara thôi.
Dù sao đi nữa chẳng cần phải nói cũng hiểu là ông sẽ không dám từ chối, vả lại ông còn khao khát làm việc
đó, - Piot’r cười mai mỉa. - Bọn già các ông đều đầy tham vọng quỉ quái. Nhưng nghe đây, ông ráng đừng làm
người ta chán ngấy ra. Ông có cái gì để nói? Lịch sử Tây Ban Nha à? Tốt hơn ông đưa tôi liếc qua bản văn
trước ngày đọc vài ba hôm, nếu không tôi sợ ông sẽ ru mọi người ngủ
mất.
Những lời chỉ trích này quá cục cằn và quá cố ý. Piot’r tỏ ý vụng về rằng không có cách nào khác hơn giao thiệp với cha và anh ta không có khả năng hiểu biết ngôn từ chọn lọc hơn và ý niệm tế nhị hơn. Vì thế ông Verkhovenxki tiếp tục làm ngơ trước sự lăng nhục của con. Tuy nhiên cái tin của Piot’r làm ông xúc động mãnh liệt:
- Và là bà ấy, chính bà ấy, nhờ mày nhắn tao tất cả chuyện này hả?
- Sự thực là bà ta muốn định hẳn một ngày và một nơi cho hai người giãi bầy với nhau; tôi cho đó là dư vị của
mối giao du lãng mạn của các người. Ông đã ve vãn đi lại với bà ta trong hai mươi năm qua và làm cho bà ta
hành động thật lố bịch. Nhưng ông không cần lo: bây giờ chính miệng bà ta không ngớt nói rằng sau cùng bà ta
mới sáng mắt ra về ông. Tôi nói thẳng vào mặt bà ta rằng tất cả tình thân hữu tử tế của đôi bên không khác
nào đổ vấy cho nhau. Bà ta kể với tôi không sót chuyện gì và tôi phải nói là tôi quá sững sờ biết rằng ông
chỉ như tên đầy tớ cho bà ta trong bấy lâu nay. Nó làm tôi ngượng chín người, ông biết
không?
Ông Verkhovenxki không dằn lòng được nữa:
- Vậy tao là đầy tớ của bà ấy hả?
- Tệ hơn nữa kia - ông là tên ăn bám, nghĩa là một tên đầy tớ tự nguyện. Ông rất biếng nhác nhưng lại ham tiền.
Đấy, sau cùng tất cả đã mở mắt cho bà ta rồi. Ông phải nghe hết những điều kinh tởm mà bà ta nói về ông bây
giờ. À, những lá thư ông viết cho bà ta đó làm tôi cười nôn ruột, mặc dù tôi cũng thấy gớm ghiếc và xấu hổ.
Ông đã sa đọa khủng khiếp làm sao - ăn mày làm sa đọa người ta và ông là một thí dụ điển
hình.
- Vậy là bà ấy đã đưa mày xem những thư của tao.
- Tất cả. Nhưng làm sao tôi có thể đọc hết được. Hừ, ông đã phung phí giấy mực biết bao! Tôi có thể nói là
chừng hai ngàn lá thư. Và ông biết không, ông già, có lúc bà ta đã sửa soạn lấy ông. Ông đã thực ngu ngốc bỏ
mất dịp may! Tôi nói theo quan điểm của ông - như vậy nó còn đỡ hơn là “lấy vợ để thế tội cho kẻ khác” như
ông bây giờ, chỉ vì bà ấy quyết như vậy và vì bà ấy có thể trả tiền cho ông để làm việc
đó.
Ông Verkhovenxki đau đớn hét to:
- Trả tiền cho tao! Bà ấy nói với mày là bà ấy trả tiền cho tao à?
- Chứ ông tưởng bở à? Tôi đã cố gắng bênh vực ông, và sau hết, tiền bạc là sự bào chữa độc nhất cho ông. Bà ta
đã hiểu rõ ràng rằng ông, cũng như mọi người khác cần tiền và trên quan điểm này ông có thể có lí. Tôi đã
chứng minh với bà ta rõ ràng như hai với hai là bốn rằng đôi bên đều có lợi, bà ta là nhà tư bản còn ông là
tên hề tình cảm trong nhà của bà ta. Thật ra bà ta cũng không tức tối những chuyện làm đó của ông vì tiền,
mặc dù ông vắt bà ta như con bò sữa. Điều làm bà ta giận dữ là trong suốt hai mươi năm ông bịp bà ta bằng
cách đóng trò cao thượng, làm bà ta nói dối với tất cả mọi người từ trước đến nay. Bà ta, dĩ nhiên, sẽ không
bao giờ nhìn nhận rằng mình nói dối, nhưng ông có thể tin chắc đi, bà ta sẽ bắt ông trả gấp đôi vì chuyện
đó. Tôi tự hỏi làm sao ông có thể không thấy được rằng ngày nào đó ông phải trả tất cả chuyện đó? Ông không
đến nỗi ngu si như vậy đâu. Hôm qua tôi đã khuyên bảo bà ta gửi ông vào nhà dưỡng lão. Ồ, đừng lo lắng - dĩ
nhiên một nhà dưỡng lão cho những người đàng hoàng; không gì làm thương tổn tự ái của ông. Thực ra tôi tin
đó chính là điều bà ta sẽ làm. À, ông còn nhớ lá thư gửi cho tôi cách đây ba tuần lúc tôi ở tỉnh Kharkov
không?
Ông Verkhovenxki hét to, ghê sợ:
- Mày không đưa cho bà ấy xem chứ?
- Dĩ nhiên tôi có đưa. Thực ra, đó là điều trước tiên tôi làm. Trong cái thư đó ông báo cho tôi biết rằng bà ta
đang lợi dụng ông bởi vì bà ta quá ghen với tài năng của ông, và ông còn kể về chuyện “tội lỗi người khác”.
Ôi chao, ông mới tự ái làm sao, ông già! Tôi cười muốn vỡ bụng! Nói chung, những lá thư ông viết thật chán
ngắt và cú pháp chịu hết nổi. Tôi thường không đọc chúng và tôi tin còn bỏ đâu đó một cái thư chưa mở. Tôi
sẽ gửi trả lại ông ngày mai. Nhưng lá thư sau cùng của ông thực tuyệt! Ôi, phải chi ông được nghe tôi
cười!
Ông Verkhovenxki hét to:
- Đồ quỉ vật. Nghiệt súc.
- Tiên sư nó, không thể nói chuyện với ông được. Cho tôi biết, ông lại nổi cáu như ngày thứ năm vừa rồi phải
không?
- Ông Verkhovenxki ngồi phắt dậy đe dọa: Mày dám nói với tao như thế à?
- Như thế là thế nào? Ông muốn nói là trắng trợn à?
- Nói tao nghe coi, thằng súc sinh - mày có thực là con tao hay không?
- Ông có đủ tư cách hơn tôi để trả lời câu đó. Mặc dù, dĩ nhiên, người cha nào cũng đều có khuynh hướng tự đánh
lừa mình về vấn đề
này.
Ông Verkhovenxki nói, toàn thân run lên:
- Câm miệng lại!
- Thấy không, ông đang la và làm nhục tôi như hôm thứ năm rồi, khi đó ông còn giơ gậy dọa tôi. Nhưng tôi đã tìm
ra hồ sơ rồi, hiển nhiên, tôi tìm thấy ngay hôm đó. Chỉ vì tò mò, tôi đã bỏ cả buổi chiều lục lạo hành lí để
tìm nó. Dĩ nhiên, thật ra chẳng có gì rõ ràng - chỉ là mẩu giấy mẹ tôi viết cho một lão Ba Lan nào đó, ông
biết chứ. Nhưng, nếu chúng ta chỉ cần xét tính nết bà ta cũng đủ,
và...
- Mày mà nói thêm một tiếng nữa tao tát vỡ mặt.
Thình lình Piot’r quay qua nói với tôi:
- Người gì hay chưa! Ông biết chuyện này giữa chúng tôi đã xảy ra từ hôm thứ năm rồi. Tôi lấy làm sung sướng
ông có mặt đây và có thể sẽ phán đoán giùm. Bây giờ ông ta tức giận bởi vì tôi nói tới mẹ tôi như thế. Nhưng
chẳng phải ông ta đã nêu nó ra trước ư? Hồi ở Petersburg khi tôi còn là học trò, đêm đêm ông ta đánh thức
tôi dậy và ôm tôi vào lòng, khóc nức nở như một bà già. Đó là lúc ông ta kể lể tất cả những chuyện như thế
về mẹ tôi. Ông ta đã là nguồn tin gốc của tôi, ông
ạ.
- À, bấy giờ tao chỉ nói về những vấn đề thuần túy tâm tư, mày không hiểu tí gì những điều tao nói cả.
- Nhưng dù sao chăng nữa, ông phải nhìn nhận rằng điều ông đã làm còn tồi tệ hơn bất cứ điều gì ông có thể gán
cho tôi bây giờ. Cá nhân tôi, tôi không chấp. Tôi đang nghĩ nó đối với ông thế nào. Về phần tôi, ông đừng
lo, tôi không trách mẹ tôi: nếu đó là lão Ba Lan thì Ba Lan và nếu đó là ông, thì là ông. Cả hai ông mắc vào
chuyện lăng nhăng ngu si như vậy ở Berlin lúc bấy giờ nào có phải lỗi tôi đâu, và theo như những gì tôi biết
về ông, tôi khó tưởng được rằng ông có thể hành động khôn ngoan hơn. Ông thực sự là một tên lố bịch và tôi
có phải là con của ông hay không, đối với ông có ăn nhằm
gì.
Piot’r lại quay sang tôi phân trần:
- Ông hãy nghe này, ông ta chẳng hề tốn cho tôi một đồng bạc. Ông ta chẳng hề ngó ngàng gì tới tôi cho đến khi
tôi mười sáu tuổi, và kế đến ông ta cướp đoạt của tôi. Và bây giờ ông ta rêu rao rằng tim ông ta rướm máu vì
tôi và đóng trò với tôi như tên hề. Tôi đoán rằng ông ta quên mất rằng tôi không phải bà
Varvara.
Anh ta đứng dậy và cầm lấy mũ. Ông Verkhovenxki, trông xanh như người chết, đưa tay thẳng ra về phía đứa con, nói:
- Tao nguyền rủa mày! Tao lấy tư cách người cha mà nguyền rủa mày từ giờ phút này.
Piot’r la to, lần này với ngạc nhiên thực sự:
- A, người đâu mà lắm trò lăng nhăng quá! Thôi chúc ba nhiều may mắn, tôi không trở lại gặp ông nữa đâu. Đừng
quên gửi cho tôi bài văn của ông càng sớm càng tốt. Nhớ bớt nhăng nhít và nhiều sự kiện. Phải, sự kiện, sự
kiện và sự kiện - nhưng cốt nhất là viết cho gọn. Thôi xin kiếu
vậy.
3
Thực ra, Piot’r Verkhovenxki có vài kế hoạch muốn sử dụng cha mình. Tôi tin rằng anh ta muốn đẩy người cha đến chỗ tuyệt vọng và rồi đưa ông vào một vụ tai tiếng nào đó, vì những lí do đặc biệt mà tôi sẽ bàn sau này. Anh ta nhiều mưu mô và tính toán hầu hết đều kì quặc như thế đó. Và ngoài người cha ra, Piot’r còn nhằm vào vài nạn nhân khác nữa. Trong số đó, anh ta đặt hi vọng vĩ dại hơn hết không ai khác hơn chính bà tổng đốc fon Lembke.
Tổng đốc Andrei Antonovitr fon Lembke thuộc sắc tộc mạnh và ưu đãi có chừng mấy trăm ngàn người ở nước Nga; họ hợp thành một liên minh khít khao vững vàng đến mức chính họ nhận cũng không ra. Dĩ nhiên nó không phải là một hiệp hội tổ chức có chủ đích và kế hoạch, nhưng là một sự kết hợp sắc tộc tự nhiên, chẳng cần điều khoản minh định nhưng có tính cách cưỡng bách về tinh thần. Mỗi cá nhân có thể trông cậy vào sự nâng đỡ hoàn toàn của bất cứ cá nhân nào khác và của toàn thể sắc tộc, và ngược lại cá nhân đó cũng có bổn phận tương tự như vậy, ở bất cứ đâu và dưới bất cứ hoàn cảnh nào khi cần tới.
Andrei fon Lembke được cái vinh dự theo học một trong những trường cao đẳng của Nga mà bọn con ông cháu cha giàu có thường được gửi đến học. Tốt nghiệp rồi họ được bổ nhậm gần như ngay tức khắc vào những địa vị then chốt trong guồng máy chính quyền. Một ông chú của Andrei chỉ là trung tá công binh, và một ông chú khác nữa làm chủ lò bánh mì, nhưng Andrei vẫn xoay xở vào được một học đường chọn lọc như thế và gặp gỡ nhiều nhân vật của sắc tộc nói trên. Anh là một người bạn vui vẻ và là một sinh viên đần, thường được bạn đồng học ưa thích. Ở những lớp trên, trong khi nhiều người trẻ - phần lớn là người Nga - lo học bình luận về những vấn đề trọng đại đương thời, thì anh còn chú tâm vào những món nghịch ngợm vô tư của học trò. Anh làm mọi người ưa thích bằng những mẹo vặt không lấy gì làm khéo léo cho lắm, đôi lúc còn khá đểu cáng nữa nhưng anh dốc chí vào đó. Đôi lúc giáo sư hỏi tới, anh quẹt mũi trông ngô nghê làm cả lớp và thậm chí giáo sư cũng luôn phải cười rộ lên; trong phòng ngủ anh trình diễn những “màn hoạt cảnh” tục tĩu được mọi người vỗ tay tán thưởng ầm ĩ. Anh sử dụng chiếc mũi như một nhạc cụ biểu diễn tuyệt khéo bản khai tấu khúc của vở Sư huynh Diavolo62. Anh còn nổi tiếng cố tình ăn ở xập xệ mà không hiểu sao anh cho rằng như vậy mới khôn. Trong niên học cuối anh còn bắt đầu sáng tác thơ - bằng tiếng Nga, bởi vì tiếng Đức của anh viết bất thành cú, dù nó là tiếng mẹ đẻ của anh và đó cũng là tình trạng chung của nhiều người Đức ở Nga. Tật sính làm thơ này đã dun dủi cho Andrei thân cận với người bạn đồng song mặt mày thảm não, con một vị tướng nghèo khốn gốc Nga, được mọi người trong trường mệnh danh là ngôi sao sáng trong tương lai trên văn đàn Nga. Người bạn này bao bọc chỉ vẽ Andrei làm thơ. Nhưng khi rời trường ba năm về sau, ngôi sao sáng trong tương lai thảm não này bỏ làm công chức để hiến thân cho văn chương và, kết quả là lang thang lê đôi giày rách với chiếc áo tả tơi vào một ngày cuối thu, răng đánh bò cạp vì lạnh, tình cờ gặp lại người bạn mình đã bảo trợ xưa bên cầu Anichkin. Và độc giả nghĩ gì? Ban đầu anh ta không nhận ra Andrei, đứng sựng và trố mắt nhìn bạn. Anh ta thấy trước mặt mình một người quí phái trẻ trang phục sang không thể chê, ria mép hung đỏ tỉa tuyệt khéo, kính gọng chỉnh tề, giày da chính hiệu, bao tay màu vàng nhạt sạch bóng, áo khoác ấm và tay xách cặp. Andrei đã tử tế với bạn, cho địa chỉ và mời bạn ghé lại nhà chơi vào một buổi tối.
Người bạn học cũ đến thăm Andrei fon Lembke thật hầu như vì ôm hận. Người hầu phòng chặn anh ta lại ở tiền sảnh (phòng này không lịch sự lắm mặc dù có trải thảm nhung đỏ hẳn hoi) và hỏi anh ta muốn gì? Anh ta đi thẳng lên tầng chót và kéo chuông vang dậy. Những tưởng là sẽ gặp cảnh xa hoa, anh ta lại thấy bạn mình ở một căn phòng nhỏ tồi tàn. Căn phòng bị ngăn hẳn một phần bằng bức màn màu xanh sậm, những bàn ghế bọc nệm rách nát cũng màu xanh sậm, những màn của cửa sổ cao và hẹp cũng cùng một màu. Căn nhà này thực ra là của một người bà con rất xa với fon Lembke, một công chức ngang với cấp tướng hiện đỡ đầu cho anh. Fon Lembke trang nghiêm và tế nhị, đón tiếp bạn nồng hậu. Họ thảo luận về văn chương, nhưng chỉ bàn chiếu lệ. Một người, đầy tớ thắt cà vạt trắng hầu trà nhạt với bánh khô. Có ác ý hẳn hoi, khách xin nước ngọt. Rồi cũng có nước ngọt đó, nhưng đôi chút chậm trễ, bởi vì Lembke lại phải phiền hà gọi người tớ sai bảo lần nữa. Sau đó chính Lembke mời bạn ở dùng bữa, nhưng lại mừng ra mặt khi bạn từ chối sau cùng ra về. Thực ra fon Lembke vừa mới ra làm việc và còn sống nhờ vào sự bảo trợ của một nhân vật có địa vị cao trong sắc tộc Đức.
Trong thời gian này, fon Lembke si tình con gái thứ năm của người đỡ đầu mình và mối tình dường như có được đền đáp. Tuy nhiên, rồi nàng đi lấy chồng. Amalia bị đem gả cho một chủ xưởng già người Đức, bạn với cha nàng. Lembke không phí thì giờ nhỏ nước mắt cho mối tình, nhưng đích thân lại làm một nhà hát bằng giấy bồi. Màn nhung kéo lên, diễn viên ra điệu bộ, khán giả ngồi trên ghế, các nhạc sĩ ban hòa tấu kéo cung đàn trên những chiếc vĩ cầm, nhạc trưởng vẩy chiếc đũa đánh nhịp, và ở các hàng ghế đầu giới quí phái lịch sự, những sĩ quan ngự lâm quân vỗ tay tán thưởng. Tất cả đều làm bằng giấy bồi, và hoàn toàn do chính Lembke bỏ ra sáu tháng trường thai nghén và thực hiện.
Vị tướng đỡ đầu Lembke tổ chức một buổi tiếp tân đặc biệt “trong vòng thân mật” để trình làng cái nhà hát đồ chơi đó. Tham dự gồm cả năm ái nữ của ông tướng, kể cả tân giai nhân Amalia và ông chồng chủ xưởng của nàng, cũng như đông đảo quí bà và quí cô với những “hộ tống viên” người Đức của họ. Tất cả đều trầm trồ ngắm nghía cái nhà hát mô phỏng kia; kế đó họ khiêu vũ. Lembke rất hài lòng và sớm quên ngay hẳn căn bệnh thất tình.
Thời gian qua, sự nghiệp của ông tiến triển. Ông tiếp tục làm việc cho chính phủ và luôn luôn chạy chọt được những chỗ tốt, dưới quyền những ông chủ bao giờ cũng là đồng bào của ông, nhờ vậy sau cùng ông leo lên được một ngạch trật khá cao so với tuổi. Trước đó, ông đã nhất định cưới vợ, vì vậy ông lo tìm kiếm một đám xứng hợp. Lần nọ, chẳng hỏi ý kiến bậc “trên trước”, ông ta gửi một bản thảo tiểu thuyết cho một nhà xuất bản, song bị từ chối. Để bù lại, ông ta tạo nguyên một nhà ga bằng giấy bồi, và thành công rực rỡ: hành khách mang hành lí, rời nhà ga dắt theo trẻ con và chó lên tàu. Những người soát vé và phu khuân vác lăng xăng tới lui giữa đám hành khách. Chuông rung, cờ phất và đoàn tầu lăn bánh. Ông đã để ra chừng một năm trời làm món đồ chơi khéo léo đó. Nhưng khi xong xuôi ông vẫn còn độc thân. Ông quen biết rộng rãi, phần lớn là những người cùng trong sắc tộc, nhưng dĩ nhiên cũng đi lại với người Nga, nhất là trong khi hành sự.
Lúc gần ba mươi chín tuổi, ông mới có của bất ngờ. Người chú chủ lò bánh mì qua đời để lại cho ông mười ba ngàn rúp. Bấy giờ ông chỉ cần một nhiệm sở tốt và an lành. Mặc dù có một địa vị cao trong quan trường, Lembke trong thâm tâm vốn là người thật khiêm tốn sẵn sàng mãn nguyện với một công việc tầm thường miễn là đủ cung ứng cho ông sống dư dả với đôi chút bổng lộc, chẳng hạn như đốc lí mậu dịch gỗ cho nhà nước, hay một công việc an nhàn dễ chịu tương tự. Ông sẽ sung sướng nắm giữ một nhiệm sở như vậy cho đến mãn phần. Nhưng rồi, thay vì một cô Herzen hay Ernestin vớ vẩn nào đó, thì lại chính Julia xen vào cuộc đời ông. Tức thì ông Lembke nhảy vọt lên hẳn một ngạch và người công chức cần cù khiêm tốn kia đột nhiên khám phá ra rằng mình cũng có quyền có một chút tham vọng.
Xét theo tiêu chuẩn thời tiền giải phóng63 Julia sở hữu một dinh cơ với hai trăm nông nô và, đáng kể hơn nữa bà quen biết rất lớn. Ông Lembke bảnh trai, trong khi bà đã ngoại tứ tuần. Điều ngộ nghĩnh là ông thực sự si tình bà. Chuyện xảy ra từ từ, khi ông ngày một nhận thức rõ tình trạng đính hôn của mình. Buổi sáng ngày cưới ông còn trao bà mấy vần thơ. Bà mãn nguyện trọn vẹn - kể cả bài thơ - ngoại tứ tuần không phải trò đùa. Chẳng bao lâu sau ông được thăng chức, được tặng thưởng huy chương và rồi được bổ nhậm tổng đốc tỉnh chúng tôi.
Trước khi họ đến đây, bà Lembke sửa soạn cẩn thận đấng phu quân. Bà cho rằng ông có một vài ưu điểm: ông biết cách bước vào phòng, làm vẻ chững chạc, cách im lặng lắng nghe mà vẫn tỏ hiểu biết; ông đã học được cách đóng vài thái độ oai nghị, có thể nói trước công chúng, và vốn liếng cũng có dăm ba ý tưởng, và cũng làu thông mấy khẩu hiệu chính yếu của chủ nghĩa tự do. Nhưng bà vẫn lo ngại lòng ông đã thành quá nguội lạnh, và sau thời gian dài hăm hở trên hoạn lộ ông chỉ còn có mong mỏi đích thực là được an lành và nghỉ ngơi. Trong khi bà cố sức trút đôi chút cao vọng đầy ăm ắp của mình sang đấng phu quân, thì ông đột nhiên bắt đầu cất một nhà thờ Tin lành bằng giấy bồi với vị mục sư trên tòa giảng đạo cho đám đông bổn đạo chấp tay thành kính lắng nghe (ngoại trừ một người đàn bà đang lấy khăn tay lau nước mắt và một ông lão quẹt mũi). Chiếc phong cầm tí hon - đặc biệt gửi mua từ Thụy Sĩ, chẳng nề giá mắc - trỗi điệu hài hòa. Bà fon Lembke thất kinh khi phát giác vật sáng tạo của chồng, và bà tức tốc khóa nó trong rương để ở phòng bà. Để bù lại, bà cho phép ông viết tiểu thuyết, nhưng phải giữ kín tuyệt đối. Sau đó, bà chỉ trông cậy vào chính mình để đạt những cao vọng của bà.
Nhưng rắc rối cho vấn đề này là bà thực nông nổi, thiếu chừng mực. Bà đã là con gái lỡ thời quá lâu. Càng lúc càng nhiều ý tưởng dồn dập trong đầu óc tham vọng bừng bừng của bà. Bà có những kế hoạch to tát, quyết đích thân cai trị tỉnh nhà, khát khao một sự tùng phục tức khắc, và vì vậy bà phải chọn một khuynh hướng chính trị để theo. Ban đầu ông Lembke có đôi chút lo ngại về nhiệm sở mới, nhưng ông, bằng lối đánh hơi bén nhạy của người công chức, nhận ngay ra rằng, làm quan tổng đốc thực sự chẳng có gì phải sợ sệt. Kế đó Piot’r Verkhovenxki xen vào và các chuyện kì quặc bắt đầu xảy đến. Từ lúc đầu, Piot’r đã tỏ thái độ xuề xòa với quan tổng đốc, nhưng bà Lembke bình thường rất bén nhậy khi có chuyện đụng chạm tới uy tín và địa vị của chồng, lại bỏ qua thái độ của Piot’r hoặc coi như nó chẳng quan trọng. Piot’r được bà quí trọng vô cùng; anh ta ăn, uống và gần như sống hẳn trong nhà bà. Quan tổng đốc chống trả: ông ta gọi anh là “cậu” trước mắt mọi người và vỗ vai anh ra điều kẻ cả, nhưng điều này dường như Piot’r chẳng coi ra mùi mẽ gì. Piot’r ra vẻ cười ngạo nghễ ông: ngay cả lúc anh ta làm mặt nghiêm, và anh ta nói những điều kì quặc nhất với ông trước mặt người khác. Một lần trở về nhà, quan tổng đốc thấy Piot’r nghiễm nhiên ngủ ngay trên ghế dài trong phòng làm việc của ông. Piot’r giải thích rằng anh ta ghé qua thăm ông và nhân ông đi vắng, anh ta “nằm ngả lưng một lúc”. Ông Lembke phật lòng đem chuyện than phiền với phu nhân, bà cười ngặt nghẽo và châm chọc ông rằng chính là lỗi của ông không khiến được “cậu bé” kính trọng, Piot’r không bao giờ suồng sã với bà, hơn nữa bà thấy anh ta “hồn nhiên và tươi tắn”, mặc dù dĩ nhiên là anh ta không rành xã giao cho lắm. Quan tổng đốc vẫn còn hờn mát. Bà giảng hòa cho họ làm lành với nhau. Piot’r không hẳn xin lỗi, anh đùa cợt thô lỗ mà lúc khác có thể coi như một điều lăng mạ mới đối với quan tổng đốc, nhưng bây giờ được cho là dấu hiệu hội ngộ. Piot’r nắm được chỗ nhược của ông Lembke do hành động vụng về của ông khi mới gặp nhau lần đầu ông mang quyển tiểu thuyết của mình ra kể với Piot’r. Ông cho rằng đang tiếp xúc với một người trẻ tuổi nhiệt thành và lãng mạn và ông lại đang khao khát một thính giả, nên thoạt mới quen nhau, Lembke đã đem đọc lớn hai chương trong tác phẩm của ông cho anh ta nghe. Piot’r lắng tai mà vẻ chán ngấy lộ hẳn ra mặt rồi thô lỗ ngáp dài và chẳng hế tỏ một lời tán thưởng. Kế đó, trước khi ra về, anh ta ngỏ lời mượn ông tập bản thảo để đọc một cách trầm tĩnh lúc nhàn rỗi và sẽ góp ý kiến về nó. Quan tổng đốc vui lòng. Từ ngày đó Piot’r vẫn không chịu trao hoàn bản thảo mặc dù anh ta đến nhà ông mỗi ngày, và khi quan tổng đốc hỏi tới, anh ta chỉ cười. Sau cùng, anh ta tuyên bố đánh mất ngoài đường ngay hôm anh mượn nó. Khi bà Lembke hiểu ra toàn câu chuyện, bà nổi cơn thịnh nộ với chồng. Bà la lên, gần như phát điên:
- Tôi hi vọng ít nhất ông chưa khoe với cậu ta cái nhà thờ đồ chơi bằng giấy bồi của ông chứ?
Điều này làm cho ông Lembke suy nghĩ, và suy nghĩ thì không tốt cho ông - theo lời khuyên của bác sĩ. Thêm vào chuyện rắc rối đã xảy ra trong tỉnh - tôi sẽ xin kể thêm sau này - có một vấn đề đặc biệt làm tan nát cõi lòng ông. Điều đó không dính dáng gì đến uy danh địa vị của ông mà chỉ liên quan đến đời tư. Lúc lập gia đình, ông Lembke không bao giờ nghĩ rằng có thể xảy ra chuyện lục đục, lời qua tiếng lại giữa vợ chồng. Điều ấy không hề xuất hiện trong những giấc mơ của ông về những cô nàng Herzen và Emextina của lòng mình. Ông thấy không chịu đựng nổi cảnh gia đình xào xáo. Nhưng Julia rất mực thẳng thừng với ông:
- Ông không thể giận tức cậu ta được, dù sao ông biết lẽ phải chăng hơn và ở địa vị xã hội cao hơn cậu ta
nhiều. Cậu ta còn nhiều tàn tích cách mạng xưa kia còn rớt lại và tôi cho rằng đó chỉ là học trò tinh nghịch
thôi. Tuy nhiên không thể sửa đổi ngay liền được, cần có sự uốn nắn nhẫn nại. Chúng ta phải hiểu tính cách
quan trọng của thế hệ trẻ ở nước ta. Nhờ kiên nhẫn và tử tế tôi đang ngăn chặn được họ lao xuống hố
thẳm.
Ông Lembke phản đối:
- Nhưng nó cứ nhơn nhơn nói toàn chuyện vô lí ghét chịu không nổi. Làm sao tôi có thể chịu được khi nó tuyên
bố, trước mặt tôi, rằng nhà nước đang cố tình phục rượu dân chúng với dã tâm ngu dân để ngăn chặn dân nổi
loạn. Bà thử tưởng tượng dân họ nghĩ sao khi tôi phải nghe điều như
vậy!
Ông Lembke nghĩ tới lần nói chuyện vừa rồi với Piot’r. Ông đã ngây thơ cố ráng bẻ gẫy chủ nghĩa tự do của Piot’r, bằng cách đưa cho anh xem bộ sưu tập riêng đủ loại tuyên ngôn của những tay cách mạng Nga lưu vong in ở nước ngoài. Ông đã sưu tập chúng từ năm 1859 không phải chỉ vì thú mê sưu tập mà còn vì tính hiếu kì cầu tiến. Đoán được thâm ý đó, Piot’r mới bảo cộc lốc rằng bất cứ dòng nào trong các tuyên ngôn kia cũng còn có ý nghĩa hơn là tất cả văn thư của nhà nước, “kể luôn cả những văn thư của quí phủ”.
Lembke rụt người lại, ông bảo hầu như phân trần:
- Nhưng hơi quá sớm, hơi quá sớm với chúng ta...
- Không, không quá sớm đâu. Ngay việc ông sợ hãi, chứng tỏ rằng nó không quá sớm.
- Nhưng, xem này, đây là lời hô hào hủy diệt nhà thờ...
- Tại sao lại không? Chẳng hạn như ông đấy, người thông minh và ông không tin nhảm. Nhưng ông biết rõ ràng rằng
ông cần tôn giáo để ru ngủ quần chúng. Dối trá chẳng qua thật thà, ông biết
chứ.
Quan tổng đốc sạm mặt lặp lại:
- Tôi đồng ý, đồng ý... Tôi hoàn toàn đồng ý với anh, nhưng nó vẫn, vẫn còn quá sớm đối với nước ta.
- Ông làm công chức chính phủ sao được khi dám đồng ý phá hủy nhà thờ lại sẵn sàng đi Petersburg biểu tình và
hành động chỉ còn là vấn đề thời
gian?
Lembke uất ức vì bị hớ hênh một cách ngu xuẩn:
- Tôi đâu có ý đó, đâu phải tôi nói vậy.
Càng lúc càng sa lầy trong câu chuyện, ông nổi giận vì lòng tự trọng bị thương tổn.
- Anh lầm vì anh còn trẻ, không hiểu thấu phương sách của chúng tôi. Anh biết đó, anh gọi chúng tôi là công
chức. Đúng. Công chức độc lập - cũng đúng nữa. Khoan đã - anh muốn chúng tôi hành động thế nào? Chúng tôi
hành động theo trách nhiệm và kết quả là chúng tôi cũng phục vụ xã hội không thua gì các anh. Có khác chăng
là chúng tôi gắng sức gìn giữ những gì các anh cố đả phá. Không có chúng tôi tất cả sẽ tan tành. Chúng tôi
đâu phải là kẻ thù của các anh. Không hề có chuyện đó. Chúng tôi bảo các anh: “Hãy làm đi, tranh đấu cho
tiến bộ - kể cả việc đập tan tất cả các lề lối cũ phải thay đổi - nhưng chúng tôi sẽ cầm giữ các anh trong
giới hạn cần thiết và cứu các anh khỏi chính các anh, bởi vì không có chúng tôi, các anh sẽ chỉ làm lũng
đoạn nước Nga và không biết sẽ biến nó thành cái gì, và bổn phận của chúng tôi là bảo toàn thể diện cho đất
nước đối với thế giới bên ngoài”. Các anh phải hiểu rằng chúng ta tương hỗ cần cho nhau in như đảng Tự do và
đảng Bảo thủ bên Anh. Vậy thì, chúng tôi là Bảo thủ và các anh là Tự do. Đó là cách tôi nhìn vấn
đề.
Ông Lembke trở nên hăng say rất mực. Kể từ ngày ở Petersburg, ông vẫn ham thích nói năng như một người tự do và thông minh và vì lần này chuyện trò riêng tư ông mặc tình buông thả. Piot’r im lặng và trang trọng khác thường. Điều này làm cho quan tổng đốc càng thích chí hùng biện.
Ông vừa bước tới lui trong phòng vừa tiếp tục nói:
- Anh biết không, là “đầu tỉnh” tôi có quá nhiều phận sự, và hậu quả là tôi không thực hiện được cái gì. Ngoài ra, tôi có thể thành thực nói là ở đây không có gì cho tôi làm cả. Lí do thầm kín là mọi sự đều tùy thuộc quan điểm của chính quyền trung ương. Nếu vì lí do chính trị nào đó, hay vì muốn xoa dịu sự xôn xao của dân chúng, nhà nước quyết định đổi sang chính thể cộng hòa, đồng thời gia tăng quyền hành của tổng đốc, tôi quả quyết với anh là bọn tổng đốc chúng tôi sẽ chấp nhận nền cộng hòa và tất cả những gì khác nữa xảy đến. Ít ra riêng cá nhân tôi, tôi cũng sẵn sàng... Tóm lại, nếu chính quyền trung ương gửi cho tôi một công điện ra lệnh “hoạt động vũ bão”, tôi sẽ lao đầu vào hoạt động điên rồ đó ngay. Tôi sẽ nói thẳng vào mặt họ rằng: “Thưa quí vị, nếu quí vị mong muốn một nền hành chính mạnh mẽ trong tỉnh; quí vị chỉ cần gia tăng quyền hành của tổng đốc”. Anh sẽ thấy tất cả cơ sở hành chính hoặc tư pháp, đều có lá mặt lá trái, nghĩa là một đằng chúng rất cần thiết hiện hữu (tôi đồng ý) và đằng khác, chúng lại phải biến mất - tùy theo ý chính quyền trung ương. Nếu họ chợt thấy cần những cơ sở đó, tức thì ở đây có ngay những cơ sở đó cho họ. Nếu hết cần, thì không ai tìm ra một dấu vết nào của chúng ở tỉnh này nữa. Đó là đường lối tôi hình dung “hoạt động vũ bão” của chính quyền - nhưng không thể nào thực thi nếu không gia tăng quyền hành của tổng đốc. Chúng ta đang đàm luận riêng với nhau, và tôi có thể cho anh biết rằng tôi đã xin Petersburg cho một người lính đặc trách gác dinh tổng đốc. Tôi đang đợi quyết định của họ đây.
- Thực ra ông phải cần tới hai mới được.
Lembke đang bước quanh phòng, vội đứng lại trước mặt Piot’r và hỏi:
- Sao lại hai?
- Tôi cho là một người lính gác không đủ làm cho dân chúng kính nể ông.
Quan tổng đốc nhăn nhó:
- Anh ăn nói thật chẳng coi ai ra gì. Anh đã lợi dụng lòng tốt của tôi. Anh nói đâm họng mà cứ làm như tử tế
lắm.
Piot’r lẩm bẩm:
- Dù ông có nói gì đi nữa, các ông cũng chỉ lót đường cho thắng lợi của chúng tôi.
Lembke trố mắt ngạc nhiên hỏi:
- “Chúng tôi” của anh là những ai, và anh nói “thắng lợi” gì?
Nhưng Piot’r không trả lời câu hỏi đó. Khi nghe kể lại đầu đuôi câu chuyện này, phu nhân bất mãn vô cùng. Ông Lembke tự bào chữa:
- Nhưng bà hẳn chẳng muốn tôi lấy quyền ra át giọng cục cưng của bà, nhất là trong câu chuyện riêng tư. Tôi tuy
nói quá nhiều, nhưng chỉ do lòng
tốt.
- Quá tốt mà. Tôi không hề biết là ông có sưu tập những tuyên ngôn. Ông làm ơn cho tôi xem qua.
- Rắc rối là... nó đã hỏi mượn tôi - chỉ trong một ngày thôi. Và ông đưa cho nó mượn! Cũng như lần trước! Khéo
sinh
chuyện!
- Tôi sẽ cho người đến tận nhà nó đòi lại.
- Nó không đưa lại đâu.
Ông Lembke giậm chân hét giận dữ:
- Tôi sẽ đòi. Nó là cái thá gì mà tôi phải nể. Nó coi tôi ra thế nào, cứ tưởng bở là thoát khỏi tay tôi à?
Bà vợ nói trấn tĩnh ông ta:
- Ông ngồi xuống nào, yên đã. Và bây giờ để tôi trả lời câu hỏi thứ nhất của ông: cậu ta đến với tôi qua sự
giới thiệu rất bề thế. Cậu ta rõ ràng là một người có khả năng và thường khi nói những điều rất sáng suốt.
Ông Karmazinov cam đoan với tôi là cậu ta quen biết mọi giới và có ảnh hưởng lớn lao đối với thế hệ trẻ ở
thủ đô. Bây giờ ông thử nghĩ xem, nếu tôi qui tụ họ lại được quanh tôi, thì sẽ cứu họ khỏi bị sa đọa và vạch
được con đường mới cho cao vọng của họ. Trong thâm tâm cậu ta hết lòng với tôi và luôn luôn nghe lời tôi
khuyên
bảo.
Ông Lembke chống chế:
- Hắn là thế, nhưng trong khi mình tử tế với chúng, chúng có thể làm những chuyện động trời. Dĩ nhiên, đó chỉ
là tin đồn, nhưng tôi nghe nói lại có những truyền đơn phản nghịch rải ở một quận nữa trong
tỉnh.
- Lại chuyện đó nữa! Từ mùa hè đã có tin đồn tùm lum về việc đó, nào là tuyên ngôn, nào là bạc giả. Thế mà
chính mắt tôi chẳng thấy đâu cả. Nhưng này, ai nói cho ông biết
đó?
- Fon Blium.
- À ra hắn! Thôi, xin ông đừng nhắc tên đó trước mặt tôi nữa.
Bà Julia giận dữ chết lặng đi cả phút. Fon Blium là một người thư kí hành chính mà bà ghét cay ghét đắng. Nhưng chuyện đó chúng ta sẽ kể sau. Bà Julia kết thúc câu chuyện:
- Xin ông đừng có lo về cậu Verkhovenxki nữa làm gì. Nếu cậu ta định giở trò trống gì ở đây thì có đời nào cậu
ta lại đi ăn nói với ông như thế - luôn cả với mọi người nữa. Tôi không sợ những kẻ bô bô như thế. Hơn nữa,
tôi bảo đảm với ông, nếu có chuyện gì xảy ra, tôi sẽ là người biết trước tiên, và biết qua cậu ta. Cậu ta
trung thành với tôi, trung thành một cách cuồng
nhiệt.
Tôi phải ghi nhận ở đây, đi trước sự kiện, là nếu không vì sự tự kiêu và quá tự tin của bà Julia, thì những tay phá rối non nớt kia không thể nào thoát lưới dễ dàng như vậy. Bà ta phải chịu trách nhiệm nặng nề về việc đó.