Lũ Người Quỷ Ám - Chương 27
Chương Năm
TRƯỚC NGÀY DẠ HỘI
1
Ngày tổ chức buổi dạ hội của bà Lembke để giúp những cô giáo nghèo trong tỉnh đã được ấn định dăm lần bẩy lượt, lần nào cũng bị dời lại. Trong khi đó, Piot’r Verkhovenxki lăng xăng quanh bà ta, còn Liamsin, viên thư ký hành chính quèn mọi khi thỉnh thoảng tới thăm ông Xtepan Verkhovenxki và bây giờ được dinh tổng đốc chiếu cố vì biết đàn dương cầm, lo chạy việc vặt cho bà ta. Cùng giúp bà Lembke trong việc sửa soạn là Liputin, người mà bà ta đang dọn đường cho làm chủ bút một nhật báo độc lập của địa phương trong tương lai. Một vài bà, có chồng cũng có, không chồng cũng có, láu táu quánh bà ta ra vẻ sốt sắng phụ một tay. Ngay cả Karmazinov, mặc dù không thể gọi là lăng xăng, cũng thường lớn tiếng nhắc đi nhắc lại rằng ông ta sắp sẵn một ngạc nhiên thú vị cho mọi người khi cuộc so tài văn chương tay tư bắt đầu. Có vô số người ghi tên dự dạ hội và những nhà hảo tâm, kể cả toàn thể giới xã hội thượng lưu; ngay giới không thượng lưu cũng được hoan nghênh nếu họ mang tiền tới. Bà Lembke giải thích, thái độ này bằng lời tuyên bố rằng sự hỗn hợp các giai cấp đôi khi cũng phải khoan thứ, bởi vì nếu không “làm sao chúng nó mở mắt lên được?” Thế là ủy ban tổ chức không chính thức bèn quyết định rằng buổi dạ hội sẽ được tổ chức trong một tinh thần dân chủ. Sự đáp ứng nồng nhiệt của những người ghi tên đã mang lại một số tiền không ngờ và giúp những người tổ chức nẩy ra đủ loại ý kiến hay ho; đó là lý do khiến buổi dạ hội cứ bị hoãn hoài. Họ vẫn chưa quyết về nơi tổ chức tiết mục đại vũ vào phần chót của chương trình: ở tư gia đồ sộ của vị điền chủ đứng đầu trong tỉnh, do bà vợ ông đặt dưới quyền sử dụng của vị đệ nhất phu nhân, hay ở dinh cơ Xcvoresniki của bà Xtavroghina. Dĩ nhiên Xcvoresniki hơi xa thành phố, nhưng nhiều người trong ủy ban cảm thấy rằng, vì một lý do nào đó, ở đấy người ta sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Bà Xtavroghina cũng muốn họ quyết định tổ chức ở nhà bà, và việc vị phu nhân kiêu ngạo này bây giờ khép nép trước vị tổng đốc phu nhân kể cũng lấy làm lạ. Có thể điều đã làm bà hài lòng là, đổi lại, Julia fon Lembke gần như hạ mình trước Nicolai Xtavroghin, ân cần với chàng hơn bất cứ người nào khác. Ở đây tôi lại phải nhắc lại rằng Piot’r đã la cà khắp nơi để cố gây cho mọi người trong dinh tổng đốc cảm tưởng Nicolai là một người có những mối liên hệ bí ẩn nhất với những giới bí ẩn nhất, và rằng chắc chắn vì một sứ mạng bí ẩn nào đó anh ta mới tới thành phố này.
Hồi đó, dân chúng ở đây hình như ở trong một tình trạng tâm tính kỳ lạ. Nhất là trong đám các bà đột nhiên có một khuynh hướng thích sự phóng túng. Một vài ý niệm cực kỳ buông thả như thể đang lan tràn. Có một sự vui vẻ quá đáng, một cái gì luông tuồng, một cái gì gây cho tôi những cảm nghĩ khó chịu. Thái độ phóng túng là cái mốt thời đó. Sau này khi mọi việc đã xong, người ta đổ tội cho Julia fon Lembke, nhưng trách một mình bà ta thì cũng không phải. Thật vậy, lúc đầu, phần lớn người ta ca tụng vị tân đệ nhất phu nhân là đã qui tụ được xã hội địa phương lại và làm cho đời sống hấp dẫn hơn. Tuy đã có một vài vụ tai tiếng, nhưng bà Lembke không thể coi là có trách nhiệm; thật ra, lúc đó, người ta chỉ lấy làm thích thú và cười - không ai phản đối. Đúng ra, một số người đáng kể, có những quan điểm riêng về những gì đang diễn ra, và họ đứng xa mà nhìn. Nhưng ngay họ cũng không phàn nàn gì. Thực ra, họ mỉm cười.
Tôi nhớ rằng, hồi đó, một đám khá đông không biết ở đâu ra qui tụ ở phòng khách bà Lembke. Trong đám này có cả dăm bảy vị phu nhân rất quyến rũ. Những người trẻ tuổi trong nhóm đã tổ chức những cuộc cắm trại, khiêu vũ, và đôi khi diễu hành trong thành phố thành một đoàn người, ngựa, xe, đủ cả. Họ lúc nào cũng tìm kiếm xem có một mục phiêu lưu lạ lùng nào không, và thường họ sinh sự chỉ là để có một chuyện thích thú hầu kháo nhau. Những trò chơi ác và sự đùa dai trở nên thịnh hành, mặc dù một số những vụ tinh nghịch này thực khó thương. Họ xem thành phố của chúng tôi như toàn một lũ người đần độn. Dân chúng gọi họ là những lũ hề hay những kẻ phá phách, bởi vì họ không từ một điều gì mà không làm. Chẳng hạn có một lần, vợ một trung úy thuộc trung đoàn đóng ở đây, một người đàn bà tóc nâu trẻ và xinh, mặc dù hơi già trước tuổi vì sự đối xử vũ phu của người chồng, nhẹ dạ ngồi xuống một đám bài điểm ăn thua to, hi vọng kiếm đủ tiền mua cái áo. Nhưng chẳng được thì chớ, nàng còn thua mất mười lăm rúp. Sợ không dám nói với chồng và không có tiền để trang trải món nợ, nàng lấy lại một chút liều lĩnh thời còn trẻ và đánh bạo hỏi vay món tiền, ngay tại chỗ lúc đó, của con trai ông thị trưởng, một thiếu niên tuổi còn nhỏ nhưng đã vô hạnh và tình cờ có mặt trong đám bạc. Cậu nhỏ độc ác không những từ chối mà còn đi thẳng tới gặp chồng của người đàn bà đáng thương, và bô bô cho anh ta biết những gì đã xảy ra. Viên trung úy, quả đáng tội cũng nghèo, chỉ sống nhờ đồng lương quân đội của mình, lôi cô vợ về và mặc tình hành hạ, mặc cho nàng kêu la, rên rỉ, và quì xuống van nài xin tha thứ. Câu chuyện ghê tởm này chỉ gây nên những tiếng cười khắp nơi trong thành phố. Và rồi, mặc dù vợ của viên trung úy không thuộc về giới bu quanh Julia fon Lembke, một trong số các bà trong “đoàn diễu hành”, một người đàn bà hiếu động và bốc đồng, tình cờ có biết nàng, bà ta tới thăm cô gái đáng thương và chở thẳng nàng về nhà mình không ngần ngại gì cả. Ở đó, đám người trẻ tuổi ăn chơi tiếp đón nàng với cánh tay rộng mở, tặng quà cho nàng rất hậu, và cầm tù nàng suốt bốn ngày. Nàng sống ở nhà người đàn bà bốc đồng kia, đi ngựa khắp thành phố cùng với đám trẻ tuổi, và đến tối vui chơi với họ. Bọn họ ai cũng khuyên nàng nên đầu đơn kiện ông chồng, họ hứa sẽ ra làm chứng cho nàng trước tòa. Người chồng giữ im lặng, không dám phản đối. Cuối cùng, người đàn bà đáng thương nhận ra mình đã lầm đường và trở nên hãi hùng. Vào đêm thứ tư, nàng tìm cách trốn khỏi những kẻ bảo vệ nàng và trở về với chồng. Không ai biết những gì đã xảy ra giữa cặp vợ chồng, nhưng những cửa chớp của căn nhà gỗ lụp xụp nơi viên trung úy ở đóng im ỉm suốt hai tuần liền. Khi biết chuyện bà Lembke khiển trách đám trẻ tuổi tinh nghịch. Bà đặc biệt tỏ vẻ bất mãn đối với thiếu phụ bốc đồng kia, mặc dù bà này đã đích thân đem vợ viên trung úy tối dinh tổng đốc giới thiệu vào ngay ngày đầu vụ dụ dỗ. Tuy nhiên, cả câu chuyện chẳng mấy chốc bị lãng quên.
Một lần nữa, một công chức nhỏ ở một quận khác cưới con gái của một đồng nghiệp với anh ta trong thành phố chúng tôi, một hoa khôi mười bảy tuổi ở đây mà ai cũng biết tiếng. Rồi bỗng người ta biết rằng, ngay đêm hợp cẩn, chú rể đã đối xử với người đẹp một cách khá bất nhã, để trả thù cái mà anh ta coi là làm hoen ố danh dự của mình. Liamsin, hầu như chứng kiến tất cả, bởi vì anh ta đã say khướt trong lễ cưới và phải ngủ lại đêm trong nhà, sáng hôm sau, vội vã đi loan truyền những tin tức sốt dẻo này. Lập tức một nhóm mười người được thành lập. Tất cả đều cưỡi ngựa. Một vài người phải thuê ngựa như Piot’r Verkhovenxki và Liputin, kẻ, mặc dù tóc đã hoa râm, cũng thường xuyên tham dự vào những trò chơi ác mọi rợ của đám thanh niên. Khi đôi vợ chồng mới cưới xuất hiện trên một chiếc xe ngựa để đi thăm bà con sau ngày cưới - một tục lệ của thành phố chúng tôi, có tính bắt buộc bất kể trường hợp nào - những kẻ cưỡi ngựa bao vây chiếc xe và hộ tống họ đi suốt buổi sáng, vừa cười vừa chế nhạo. Nói cho đúng, những kẻ đó không đi theo cặp vợ chồng vào những nhà họ tới thăm mà chỉ ngồi trên ngựa đợi họ ra. Bọn họ cũng tránh không trực tiếp làm nhục cô dâu hay chú rể, tuy nhiên, vẫn gây ra một vụ tai tiếng. Câu chuyện trở nên đề tài bàn tán cho cả thành phố, và dĩ nhiên, ai cũng cười khoái chí. Nhưng vị tổng đốc thì không. Ông ta nổi giận và lại có một màn sôi nổi với bà vợ. Bà này cũng bất mãn và định tâm không cho đám bất trị vào nhà nữa. Tuy nhiên, một ngày sau, bà lại tha thứ cho chúng, do những lý lẽ của Piot’r làm lung lạc và cũng do một vài lời trấn an của Karmazinov, người nhận thấy sự đùa giỡn cũng khá dí dỏm. Ông ta nói:
- Chuyện đó phù hợp với phong tục của chúng ta, và ít ra những người trẻ này cũng tỏ ra tư cách và có can đảm. Trong khi cả thành phố cười thì chỉ có bà là phẫn nộ.
Nhưng có những trò chơi ác thực sự quá sức chịu đựng.
Một người đàn bà xuất hiện trong thành phố chúng tôi, gõ cửa hết nhà này tới nhà khác để bán Thánh kinh. Bà ta có dáng một người đáng kính trọng, mặc dù trông biết ngay thuộc giới thị dân. Người ta bàn tán về bà ta bởi vì báo chí ở Moskva và Petersburg mới đây có viết bài lý thú về những người đàn bà đi bán kinh Thánh. Một lần nữa, con người đểu giả Liamsin kia lại có việc làm. Với sự trợ giúp của một cựu sinh viên thần học, người đang lang thang trong thành phố chờ một chỗ dạy học ở đây, Liamsin nhét vào cái bọc của người đàn bà một tập ảnh khiêu dâm nước ngoài trong lúc giả vờ định mua một vài quyển Thánh kinh. Tập ảnh khiêu dâm đặc biệt do một nhà quí phái già khả kính cung cấp, người có đeo một huy chương trước ngực và là người, như lời ông ta, ưa “cái cười lành mạnh và những sự đùa bỡn vui vẻ”, ở đây xin miễn nêu tên ông ta. Sau đó, trong hành lang giữa các cửa tiệm, khi người đàn bà đáng thương thò tay vào bọc để lấy những quyển sách thiêng liêng, những bức hình bẩn thỉu rơi ra và vương vãi khắp chốn. Mới đầu người ta cười, rồi phản đối và chửi thề. Một cuộc xô xát đã xảy ra nếu không có sự can thiệp của cảnh sát. Người đàn bà bị bắt giam và mãi tới tối, nhờ sự phản đối giận dữ của Mavriki Drozdov, người đã khám phá ra những chi tiết đằng sau tấn kịch bỉ ổi này, bà ta mới được thả và trục xuất ra khỏi thành phố. Lần này, bà Lembke buộc phải tống Liamsin ra khỏi nhà. Nhưng, ngay tối hôm đó, một bầy thanh niên mang hắn trở lại dinh tổng đốc, loan báo rằng hắn đã soạn được một khúc nhạc mới dành cho dương cầm và nài nỉ bà nghe. Nhạc khúc thật vui nhộn, mang tựa đề là “chiến tranh Pháp-Phổ”, và khởi đầu bằng điệu hùng dũng của bài Marseillaise:
Cho dòng máu bẩn tưới lên những luống cày của chúng ta!
Điệu nhạc có một vẻ thách thức kiêu hùng, một sự hân hoan về những chiến thắng tương lai. Rồi bỗng nhiên, lẫn vào những nhịp uy nghi của bản quốc ca Pháp, nhưng vẫn văng vẳng đâu đây, có điệu nhạc của bài hát thô tục Đức Augustein yêu dấu của tôi. Marseillaise không thèm để ý và vút lên đến chỗ hùng tráng nhất, nhưng Augustein lấy sức và càng lúc càng ngạo mạn; rồi nhạc điệu của nó bỗng hòa lẫn với nhạc điệu của Marseillaise, Marseillaise cuối cùng nhận được ra Augustein và trở nên giận dữ, nó cố thoát đi và xua như xua ruồi, nhưng Augustein bám chặt, vui vẻ, nhơn nhơn xấc xược, và tự mãn. Rồi thình lình, Marseillaise bắt đầu nghe như ngớ ngẩn, nó không còn giấu giếm được sự thật là nó giận dữ bị sỉ nhục, nó trở thành một tiếng kêu ai oán, phẫn nộ đầy nước mắt, đôi cánh tay của nó giơ lên trời:
Quyết không bỏ một tấc đất, quyết không bỏ một viên gạch!
Nhưng bỗng nó bị ép theo điệu.
Ôi, Augustein yêu dấu, anh ơi! Âm điệu Marseillaise rốt vào âm điệu của Augustein một cách lố bịch, cuối cùng nó chịu thua và tắt lịm. Chỉ thỉnh thoảng xen vào được những nhịp cho dòng máu bẩn, nhưng bị nhận chìm ngay lập tức bởi điệu luân vũ rẻ tiền, ngọt ngào. Rồi Marseillaise - hoàn toàn bị dập tắt, như thể Juyl Favr64 khóc ròng một cách tuyệt vọng trên ngực Bismarck và từ bỏ mọi thứ cho ông này, không chừa lại cái gì. Và bây giờ Augustein trở nên kiêu hãnh. Nó phát ra những tiếng khàn khàn thô bỉ như say men chiến thắng và tự cao tự đại, yêu sách hàng tỉ quan, nào xì gà thơm, nào rượu sâm banh óng ánh, nào con tin. Và, khi Augustein chuyển sang một tiếng gầm rợn người, “chiến tranh Pháp-Phổ” chấm dứt. Đám người tụ tập ở dinh tổng đốc vỗ tay tán thưởng, tổng đốc phu nhân nhún vai, mỉm cười và nói:
- Thế này thì làm sao tôi có thể đuổi cái giống bất trị kia đi cho được?
Thế là hòa cả làng, bởi vì cái “giống bất trị” kia quả cũng có tài mọn. Có lần ông Verkhovenxki đã cố thuyết phục tôi rằng những kẻ hạ cấp nhất, đáng khinh nhất cũng có thể có khiếu nghệ thuật xuất chúng, và rằng không có liên hệ gì giữa hai sự kiện. Tuy nhiên, có lời đồn Liamsin đã ăn cắp khúc nhạc kia của một thanh niên vô danh khiêm tốn nhất ở ngoài thành phố, nhưng đó chỉ là một nhận xét bâng quơ. Cái kẻ bất xứng Liamsin này, suốt mấy năm từng thường xuyên xuất hiện tại các buổi tiếp tân ở nhà ông Verkhovenxki, ở đó, theo lời yêu cầu, hắn đã giả làm đủ loại dân Do Thái và đóng những màn như màn xưng tội của một bà nhà quê điếc, màn đau đẻ, bây giờ đang phác ra những hình ảnh giễu cợt về chính ông Verkhovenxki tại nhà bà Lembke, như “một nhà tư tưởng tự do của những năm 1840”. Qua tiếng cười rộ của mọi người, việc loại hắn thật khó lòng: hắn đã trở nên quá hữu ích trong việc chọc cười. Hơn nữa, hắn đã khúm núm một cách hèn hạ trước Piot’r Verkhovenxki, là người lúc đó đã gây được một ảnh hưởng mạnh mẽ dị thường đối với bà Lembke.
Tôi đã không mất công dừng lại quá lâu về nhân vật này nếu không xảy ra một biến cố kinh hoàng trong đó tôi quả quyết hắn có tham dự và tôi không thể bỏ qua trong câu chuyện của tôi.
Một buổi sáng, tin tức về một vụ phạm thánh xấu xa ghê tởm được loan truyền khắp thành phố. Thánh đường cổ kính Đức Mẹ Giáng sinh, một kiến trúc lịch sử danh tiếng trong cổ thành của chúng tôi, nằm gần lối vào khu chợ rộng lớn. Có một bức tượng Đức Mẹ Đồng Trinh gắn vào bức tường sạu một tâm lưới sắt gần cổng vào sân nhà thờ. Một đêm tấm lưới sắt bị bẻ, kính bị đập vỡ, vài viên hạt trai và ngọc thạch gắn trên vương miện và tượng bị đánh cắp, tôi cũng phải thú thật tôi không rõ chúng có thực quí giá hay không. Nhưng điều gây xúc động hơn cả là một sự phạm thánh xấu xa vô ý thức đã thêm vào vụ đánh cắp: người ta đồn sáng hôm sau tìm thấy một con chuột nhắt còn sống ở phía sau tấm kính vỡ của bức tượng. Bây giờ, bốn tháng sau vụ đó, người ta biết khá chắc chắn là tội ác do tên tù lưu đầy Fedca gây ra, nhưng vì một lý do nào đó, người ta vẫn một mực cho rằng Liamsin cũng nhúng tay vào. Thoạt đầu, không ai nghi ngờ Liamsin có dính dáng gì với chuyện đó, nhưng nay mọi người hình như tin chắc chính hắn là người đã bỏ con chuột vào. Tôi nhớ rằng chính quyền tỉnh đã không biết phải làm gì. Một đám đông tụ tập xung quanh nơi xảy ra tội ác suốt ngày hôm đó, tuy cũng không phải một đám đông khổng lồ gì - tôi có thể nói lúc nào cũng có khoảng một trăm người tại chỗ, kẻ này đi thì có người khác tới. Khi tới nơi, người ta làm dấu thánh giá và hôn vào tượng; nhiều người hình như sẵn sàng đóng góp để sửa sang lại tượng. Tức thì một khay lạc quyên được đem ra do một thầy dòng cầm. Mãi tới khoảng ba giờ trưa chính quyền mới nghĩ là họ có thể ra lệnh cho dân chúng không tụ tập tại đó sau khi cho họ cầu nguyện một lúc và làm công việc đóng góp. Vụ đáng tiếc ấy đối với quan tổng đốc Lembke là một điềm xui chưa từng có. Tôi nghe người ta nói về sau bà Lembke đã giải thích rằng, sau buổi sáng bất thường đó, bà đã nhận thấy một sự ngã lòng kỳ lạ nơi chồng, kéo dài tới khi ông từ giã tỉnh hai tháng sau đó vì lý do sức khỏe, một sự ngã lòng tôi tin rằng vẫn đeo đẳng ông trong lúc nghỉ ngơi ở Thụy Sĩ, nơi ông đang tĩnh dưỡng sau một thời gian ngắn cầm quyền ở tỉnh chúng tôi.
Tôi nhớ tôi có đến khu chợ khoảng trước một giờ trưa. Đám đông đang yên lặng và dân chúng trông buồn bã. Một thương nhân to béo, mặt nhợt nhạt, đánh một chiếc xe ngựa tới; xuống xe, cúi đầu trước bức tượng, hôn lên đó, bỏ một rúp vào khay lạc quyên rồi thở dài, trở lên xe và đánh xe đi. Rồi một chiếc xe ngựa khác chở hai bà ở địa phương đi cùng hai kẻ chơi bời của chúng tôi. Hai gã xuống xe và sấn sổ về phía bức tượng, trâng tráo huých cho dân chúng rẽ lối để chúng đi. Không tên nào ngả mũ và một tên có gắn một chiếc kính trên sống mũi. Trong đám đông có tiếng xì xầm nhỏ nhưng rõ ràng bất thân thiện. Tên đeo kính ở sống mũi rút ra một chiếc ví nén chặt tiền giấy, móc một đồng xu và ném vào chiếc khay lạc quyên. Rồi hai thanh niên cười nói bô bô với nhau, quay lưng bước trở về chiếc xe. Giữa khi đó, Liza và Mavriki Drozdov cưỡi ngựa tới. Liza nhảy xuống ngựa, ném dây cương cho bạn và nàng bảo anh ta ngồi yên trên ngựa. Lúc nàng đứng sát vào tượng cũng là lúc tên kia ném đồng xu vào khay. Nàng đỏ bừng mặt vì phẫn nộ, lấy chiếc mũ kị mã tròn xuống và lột găng tay, quì sụp xuống trước bức tượng, ngay trên vỉa hè bẩn thỉu, rồi sùng kính dập đầu xuống ba lần. Nàng lấy chiếc ví ra, nhưng thấy trong đó chỉ có một ít tiền lẻ, nàng cởi cặp hoa tai bằng kim cương và bỏ vào khay.
Nàng hỏi vị thầy dòng một cách xúc động:
- Có được không? Để gắn vào tượng có được không?
Vị thầy dòng trả lời:
- Được, bất cứ sự đóng góp nào cũng được đón nhận.
Dân chúng xung quanh vẫn yên lặng, và không thể biết họ đồng ý hay không. Liza lại lên ngựa và phi nhanh đi trong chiếc áo kị mã đầy bùn đất.
2
Hai ngày sau vụ này, tôi trông thấy Liza đi đâu không biết, cùng với một đám người trên ba chiếc xe ngựa, có một đám các nhà quí tộc nam cưỡi ngựa tháp tùng. Nàng dừng chiếc xe nàng ngồi, ra dấu gọi tôi, và khi tôi đến, nàng nài nỉ tôi nhập bọn. Họ dẹp cho tôi một chỗ trên xe và nàng giới thiệu tôi với những bà sang trọng cùng xe, rồi giải thích rằng họ đang đi ra ngoài dự một cuộc thám hiểm lý thú. Nàng cười như pháo ran và dường như vui vẻ thái quá. Nói tổng quát, hồi này, sự vui vẻ của nàng thường quá độ. Mục tiêu của cuộc du hành quả xa thật. Họ đi sang bên kia sông để thăm cái chái nhà của một thương gia tên Xevaxtianov, nơi trú ngụ của nhà tiên tri thánh thiện của địa phương chúng tôi, nhà tu Xemion Iacovlevitr. Ông ta đã sống yên bình và an lành ở đó từ mười năm nay, thanh danh của ông đã vượt biên giới tỉnh chúng tôi tới tận Moskva và Petersburg. Người từ khắp nơi trong nước tới để gặp ông, hi vọng nhận được nơi ông một lời tiên tri; họ viếng thăm và mang quà đến biếu ông. Một vài món quà rất đáng giá, và nếu nhà thánh thiện không quyết định ngay dùng để làm gì, những món quà đó được chuyển qua nhà thờ để làm việc thiện, phần lớn là chuyển tới tu viện Đức Mẹ Đồng Trinh trong tỉnh chúng tôi.
Vì lý do này, một thầy dòng thuộc tu viện phải thường trực bên Xemion Iacovlevitr. Mọi người trong bọn tôi đều trông chờ được một bữa vui thỏa thích. Trong bọn chỉ có Liamsin là đã được gặp ông Xemion. Hắn tuyên bố có lần hắn đã tới gặp ông ta, lần đó nhà thánh thiện đã ra lệnh lấy chổi đuổi hắn đi và tự tay ông ta ném hai củ khoai tây chín to tướng vào hắn. Trong số những người đi ngựa, tôi nhận thấy có Piot’r Verkhovenxki, lần này yẫn ngồi một cách hơi lúng túng trên con ngựa giống Cozac đi thuê. Nicolai Xtavroghin cũng ở trong đám đó; anh ta đôi lúc cũng không từ chối những cuộc vui tập thể và trong những lúc đó luôn luôn giữ một bộ mặt vui vẻ, mặc dù vẫn tỏ ra nghiêm trang và ít nói. Khi đoàn người đi qua một lữ quán trên đường tới cầu, có người bỗng loan báo hôm đó người ta khám phá ra thi thể một người đàn ông tự tử bằng súng trong một căn phòng ở đó, cảnh sát sắp tới để điều tra. Lập tức có người đề nghị chúng tôi dừng lại để xem qua người tự tử. Đề nghị được đa số tán thành - các bà chưa từng được thấy một người tự tử bao giờ. Tôi nhớ một người trong bọn họ nói: “Tôi chán ngấy mọi sự đến độ không thiết giải trí nữa - làm gì cũng được, miễn vui vẻ thì thôi”. Chỉ có vài người trong đoàn chịu đợi ở ngoài. Đám còn lại chen nhau vào hành lang bẩn thỉu của lữ quán và, tôi ngạc nhiên thấy Liza cũng ở trong đám người này. Căn phòng người đàn ông tự sát để ngỏ, và dĩ nhiên, không ai dám ngăn không cho chúng tôi vào. Người tự sát hóa ra chỉ là một đứa con trai, mái tóc hung dày, khuôn mặt trái xoan đầy đặn, và cái trán rộng, đẹp. Bấy giờ xác chết đã cứng lại, mặt nó trông như tượng cẩm thạch. Trên chiếc bàn gần giường là một mảnh giấy nguệch ngoạc trong đó nó xin đừng trách ai vì cái chết của nó, và tuyên bố nó phải tự tử vì đã “phung phí” mất bốn trăm rúp. Trong bốn dòng chữ trên mảnh giấy có tới ba lỗi chính tả. Một điền chủ to béo, trọ ở cùng lữ quán đó nhân công việc làm ăn riêng và hình như là láng giềng của gia đình đứa con trai kia. Ông ta cũng ở đó, thở vắn than dài. Do những điều người điền chủ nói; chúng tôi biết đại khái rằng cậu con trai đã được bà mẹ góa của cậu, các chị, các cô dì, gửi từ làng lên tỉnh để mua sắm cho lễ cưới của người chị cả. Họ đã giao cho cậu bốn trăm rúp đó, kết quả của bao nhiêu năm cần kiệm. Ý nghĩ rằng cậu có thể làm mất tiền cũng đủ làm họ run sợ, họ dặn đi dặn lại và tiễn chân cậu không biết bao nhiêu lời cầu nguyện và dấu thánh giá. Gia đình cậu đã tưởng trong suốt cuộc viếng thăm thành phố cậu sẽ ở nhà người anh họ của cậu. Từ trước tới giờ, cậu vẫn luôn luôn là một đứa trẻ ít nói, đáng tin cậy. Khi tới tỉnh vào ba ngày trước, đứa con trai kia không tới nhà người anh bà con. Cậu ta trọ ở lữ quán, việc đầu tiên là đi tới hội quán để tìm một đám bạc ăn thua to ở nhà trong. Nhưng tối hôm đó không có đám bạc nào. Cho nên cậu con trai trở về quán trọ - lúc đó đã quá nửa đêm - và kêu rượu sâm banh và xì gà Havana rồi sau đó là một bữa ăn khoảng sáu bảy món. Nhưng sâm banh làm cậu say và xì gà làm cậu nhức đầu, cho nên cậu không động chạm gì đến bữa ăn, và bỏ đi ngủ hầu như không biết trời đất gì nữa. Sáng hôm sau cậu thức dậy mặt tươi như hoa và lập tức đi tới một đoàn xe của dân du mục cắm trại ở bên kia sông mà cậu ta đã nghe nói đêm hôm trước ở hội quán. Hai ngày liền cậu không về quán trọ, mãi năm giờ chiều hôm qua mới về. Cậu say và đi thẳng tới giường lăn ra ngủ tới mười giờ tối. Khi tỉnh dậy, cậu kêu một món sườn, một chai rượu nhãn Lâu đài Iquem, nho, giấy, bút và mực. Không ai nhận thấy cậu tỏ điều gì đặc biệt: cậu có vẻ bình tĩnh, lặng lẽ và thân thiện. Chắc cậu đã tự sát vào khoảng nửa đêm, mặc dù lạ thay không ai nghe thấy tiếng súng và mãi tới hôm nay người ta mới biết những gì đã xảy ra. Khi gõ cửa không thấy cậu trả lời, người ta mới phá cửa phòng của cậu. Chai Lâu đài Iquem đã cạn một nửa và còn sót lại khoảng nửa chùm nho. Viên đạn đã được bắn từ một khẩu súng hai nòng nhỏ, đi thẳng vào tim. ít thấy máu chảy ra. Khẩu súng từ tay cậu rơi xuống thảm. Người thiếu niên nửa nằm nửa ngồi trên trường kỷ. Cái chết chắc phải tới tức khắc. Không có dấu hiệu đau đớn trong vẻ mặt của cậu: vẻ mặt đó trông yên bình và đầy niềm vui sống. Chúng tôi ngắm cậu với sự tò mò vô cùng. Nói chung, trong sự bất hạnh của một người, vẫn có cái gì làm vui kẻ bàng quan - điều đó đúng, dù kẻ đó là ai. Các bà giữ yên lặng, trong khi các ông bạn đồng hành của họ cố chứng tỏ rằng họ đã giữ được bình tĩnh và khôn ngoan trong bất cứ trường hợp nào. Một người nhận xét rằng cậu nhỏ đã lựa con đường khôn ngoan nhất; một người khác cho rằng, mặc dù chỉ trong một thời gian ngắn, đứa con trai chắc chắn đã được hưởng những phút tuyệt diệu trong đời nó. Có người bất ngờ lớn tiếng đưa ra câu hỏi tại sao ở Nga người ta bỗng treo cổ và tự sát bằng súng nhiều thế. Ông ta thắc mắc, phải chăng chúng ta đã thình lình mất gốc hay phải chăng thình lình đất chuồi dưới chân chúng ta? Những người khác chiếu mắt nhìn nhà triết gia tỏ vẻ không đồng ý. Liamsin, người đã nhận lãnh vai trò thằng hề, bốc một quả nho trên đĩa vă một hoặc hai nhà quí phái cười cợt theo gương hắn. Một người khác tính qua mặt, và đưa tay định với lấy chai rượu; nhưng ngay lúc đó, viên thanh tra cảnh sát tới và yêu cầu mọi người ra khỏi phòng. Lúc đó tất cả cũng đã no mắt nên không ai phản đối, mặc dù Liamsin có cù nhầy với viên thanh tra về cái gì không biết. Sau vụ ngừng lại này, đoàn người tiếp tục hành trình với một thái độ gần như hớn hở và vui vẻ gấp đôi.
Chúng tôi tới nhà ông Xemion Iacovlevitr lúc một giờ trưa. Chiếc cổng đi vào cái sân rộng nhà vị thương gia để ngỏ, và bất cứ người nào cũng được tự do vào cái chái nơi nhà thánh thiện ở. Chúng tôi được cho biết ông Xemion đang dùng bữa, nhưng có thể vào được. Thế là cả đám chúng tôi vào. Ông thánh tiếp khách và ăn trong một căn phòng khá rộng, có ba cửa sổ, được chia đôi bằng một vách ngăn bằng gỗ cao vừa tới bụng, từ tường bên này sang tường bên kia. Những khách thường thì bị tấm vách ngăn cách với ông, một vài người may mắn mới được mời vào chỗ dành riêng cho ông qua một cái cửa đặc biệt. Thỉnh thoảng ông mời những người tốt số này ngồi trên những chiếc ghế bành bọc da hay một chiếc trường kỷ, trong khi ông lúc nào cũng ngồi trên một cái ghế cổ, cũ kỹ, Xemion Iacovlevitr là một người khá to lớn, da nhợt bủng, tuổi trên dưới năm lăm, tóc vàng hoe và thưa phủ lên chiếc trán hói; cằm ông nhẵn nhụi, má bên phải sưng lên, và chiếc miệng trông như hơi méo. Có một mụn cóc lớn gần lỗ mũi bên trái của ông. Cặp mắt ti hí của ông lờ đờ, bình tĩnh và tự tin. Ông mặc một chiếc áo dòng đen kiểu Đức, nhưng không có áo gilê và cà vạt. Chiếc sơ mi của ông khá dày nhưng trắng và sạch bong. Chân ông có lẽ bị đau, bởi vì ông mang giày vải. Tôi nhớ có nghe ai nói ngày xưa ông từng làm việc cho chính phủ và giữ một chức vụ đáng kể. Ông mới ăn xong một bát cháo cá và đang dùng món thứ hai - khoai tây luộc cả vỏ chấm muối. Tôi được biết ông không bao giờ ăn cái gì khác. Ông uống nhiều nước trà và đó là thứ ông rất thích. Có ba người tớ phục dịch ông, do vị thương gia trả công: một người mặc một cái áo dòng, một người trông giống như một tay thợ thuyền, và người thứ ba trông như một ông từ ở nhà thờ. Ngoài ra còn có một chú nhỏ rất lanh lợi khoảng mười sáu tuổi, không kể vị thầy dòng lo việc giữ khay lạc quyên, vị này trông phục phịch. Trên một chiếc bàn, một ấm nước lớn đang sôi và bên cạnh là một cái khay có hàng chục cái li. Trên một chiếc bàn khác là quà của khách viếng thăm mang đến: một vài thỏi đường, vài ca trà, một đôi dép thêu, mệt khăn tay bằng lụa, một vuông vải, vân vân. Hầu như tất cả tặng phẩm bằng tiền đều chuyển vào cái đĩa lạc quyên của vị thầy dòng. Căn phòng đông đúc những người. Có lẽ có tới mười mấy người khách. Hai người trong bọn họ đã được cho vào nửa phòng kia của ông Xemion, đó là một ông già nhỏ thó tóc bạc, một người đi hành hương trong đám dân chúng “chất phác”, và một nhà tu nhỏ người gầy giơ xương, có vẻ từ xa đến và ngồi ở đó một cách lặng lẽ, cặp mắt nhìn xuống. Những người khách khác đứng gần vách ngăn, phần lớn đều thuộc đám ngoan, đạo, trừ một bà sồn sồn trông nghèo khổ, một điền chủ và một thương gia to béo từ một tỉnh lị nào tới, ông này để râu và mặc một chiếc sơ mi kiểu Nga, có tiếng là giàu, tiền của tới một trăm ngàn rúp. Mỗi người có mặt ở đây đều hi vọng ông Xemion sẽ nói với mình, nhưng không ai dám lên tiếng với ông trước. Bốn người trong đám họ đang quì, trong số đó người đáng chú ý nhất là vị điền chủ, một người đàn ông to lớn, tuổi suýt soát bốn lăm. Ông ta đã quì ngay cạnh tấm vách ngăn trên một giờ rồi, sùng kính chờ đợi nhà thánh thiện ban lời. Nhưng ông Xemion có vẻ như hoàn toàn không biết sự có mặt của ông kia.
Các quí bà của chúng tôi tụ tập bên tấm vách ngăn, cười khúc khích và thì thầm trao đổi những nhận xét vui vẻ. Những người khách khác, cả những người đang quì lẫn những người còn lại, bị đẩy lui về phía sau hay bị che khuất khỏi tầm mắt của ông Xemion, trừ nhà điền chủ vẫn ở hàng đầu, ương ngạnh lấy cả hai tay bám lấy tấm vách. Những con mắt vui vẻ và hau háu tò mò dán vào ông Xemion Iacovlevitr, kể cả những cặp kính mắt cầm tay, kính đeo ở sống mũi, lẫn những ống nhòm xem hát. Sao thì sao, Liamsin cũng phải dùng ống nhòm, về phần Xemion, ông lười biếng liếc dò chừng đám đông. Bỗng ông Xemion bật ra một tiếng nhỏ, giọng khàn khàn:
- Ôi, dễ thương làm sao!
Bọn chúng tôi tất cả phì cười. Không biết tiếng kêu của ông ý nghĩa ra làm sao? Tuy nhiên, ông Xemion không nói thêm, và lại chìm trong sự yên lặng, chú tâm vào việc nhai khoai tây. Khi ăn xong, ông lấy một chiếc khăn ăn lau mồm và một người tớ mang nước trà tới cho ông. Thường thường, ông mời vài người trong đám khách tham dự buổi uống trà này bằng cách chỉ vào những người may mắn. Sự lựa chọn của ông không lường trước được. Đôi khi, làm lơ những người giầu và thế lực, ông sai mang trà cho một nông dân hay một bà già rách rưới; đôi khi, bỏ qua những kẻ nghèo hèn, nước trà chỉ được đem ra cho một thương gia to béo giầu có nào đó. Hơn nữa, không phải ai cũng được mời trà cùng một cách: có người được trà đã bỏ sẵn đường, có người được đường riêng, có những người phải uống không có đường. Lần này, những người được chọn là nhà tu bé nhỏ (trà đã bỏ đường) và ông già đi hành hương (trà không bỏ đường). Không biết tại sao, vị thầy dòng to béo giữ khay lạc quyên hôm đó bị làm lơ, mặc dù từ trước đến nay, ngày nào ông cũng được đều đặn một tách.
- Xemion Iacovlevitr, xin nói với tôi một lời! Tôi đã ước ao được gặp ông lâu lắm rồi.
Đó là tiếng lảnh lót của cái bà ăn mặc sang trọng cùng xe với chúng tôi, bà ta vừa nói vừa cười tít mắt lại. Bà là người mới đây ở trên xe đã tuyên bố rằng loại giải trí nào cũng được, miễn vui thì thôi. Xemion không ngó bà ta lấy một cái. Vị điền chủ đang quì thở dài ra tiếng, như bò rống.
- Trà đường.
Ông Xemion thình lình nói, tay chỉ về phía vị thương gia có tiếng là có cả trăm ngàn rúp kia.
Vị thương gia bước tới đứng bên cạnh nhà điền chủ.
- Thêm đường cho ông ta! - Xemion ra lệnh, và khi một thỏi khác được bỏ thêm vào tách trà đã ngọt sẵn, ông lại
ra lệnh: - Cho ông ta thêm! Thêm
nữa!
Họ bỏ đường vào nước trà của ông ta lần thứ ba rồi lần thứ tư, sau đó vị thương gia bắt đầu rụt rè nhắp nhắp tách nước đường của mình. Những người xung quanh thì thào và bắt đầu làm dấu thánh giá.
- Thưa ngài Xemion Iacovlevitr, - người đàn bà quí phái đã sa sút kia bỗng lên tiếng với một giọng sầu thảm
nhưng chát tai. Bà ta đã bị đám người chúng tôi đẩy về phía sau. “Tôi đã chờ ngài ban phước trọn một giờ
rồi. Xin ngài hãy làm ơn chỉ giáo cho tôi, kẻ bần cùng khốn khổ
này!”.
Xemion bảo người tớ trông như ông từ trong nhà thờ:
- Hỏi bà ấy xem.
Người tớ bước tới tấm vách. Hắn hỏi người đàn bà - một quả phụ - bằng một giọng nhỏ nhẹ và đều đặn:
- Bà đã làm những gì lần trước ông Xemion bảo bà làm chưa?
Bà ta rên rỉ:
- Làm sao tôi làm được, ngài Xemion Iacovlevitr? Những giống ăn thịt người đó đang đem tôi ra tòa - tôi, mẹ
ruột của chúng nó. Chúng nó còn hăm dọa đưa tôi ra tòa đại hình
nữa.
- Cho bà ấy! - Xemion ra lệnh, tay chỉ một túi đường. Đứa con trai nhảy tới bàn, lấy túi đường đưa cho người
đàn
bà.
Bà ta cố phản đối:
- Ôi, thưa ngài, ngài tử tế quá! Nhiều thế kia tôi làm gì cho hết?
Xemion ra lệnh:
- Nữa! Nữa!
Một túi khác lại được cho bà ta.
- Nữa! Nữa!
Một túi thứ ba rồi một túi thứ tư được ban cho người quả phụ, bây giờ đã hoàn toàn bị những túi đường vây quanh. Vị thầy dòng thuộc tu viện địa phương và có nhiệm vụ trực ở đây thở dài: số đường đó đáng lẽ sẽ được chở tới tu viện, như thường ngày.
- Nhưng tôi biết làm gì với chỗ đường này? Thân tôi cô quả và ăn hết từng này đường thì ốm mất!... Trừ phi có
ngụ một lời sấm nào...
.
Có kẻ trong đám đông lên tiếng:
- Dĩ nhiên đó là một lời sấm rồi.
Xemion quyết định:
- Cho bà ta một cân nữa.
Còn cả một túi đường trên bàn mà ông Xemion nói một cân, và bà ta được đưa thêm một cân. Người ta thì thầm và làm dấu thánh giá:
- Chúa ơi! Chắc chắn có lời tiên tri nào trong đó rồi!
Trước hết, hãy lấy tình yêu và lòng nhân từ để làm dịu ngọt trái tim và sau đó hãy phàn nàn con cái của mình, thịt da máu mủ của mình - đó là lời tiên tri, tôi dám nói như vậy. - Vị thầy dòng to béo giải thích với một giọng trầm lặng nhưng tự mãn. Ông ta vẫn còn tức giận vì không được cho uống trà.
Người đàn bà giận dữ tiến lại ông ta và rầy rà:
- Thầy nói như vậy mà nghe được à? Chúng nó lấy dây kéo tôi vào đám lửa lúc nhà của Vosinin cháy. Rồi chúng
nhét một con mèo chết vào rương của tôi. Tôi nói cho thầy biết, chúng nó không từ cái
gì...
Xemion bỗng xua tay la lên:
- Ra! Ra!
Ông từ và đứa con trai vội chui qua tấm vách ngăn. Ông từ nắm lấy cánh tay của người quả phụ. Bà ta im lặng và đi ra cùng với ông từ không kháng cự gì, chỉ ngoái nhìn mấy túi đường mà đứa con trai lôi theo sau.
- Lấy lại một túi! - Xemion ra lệnh cho đứa tớ trông giống như một tay thợ thuyền còn ở lại bên cạnh. Tên này
chạy vội theo và chẳng bao lâu cả ba tên cùng trở lại với một túi đường đã được tặng và giờ bị lấy lại.
Người quả phụ ra về với túi
kia.
Ở phía sau một giọng nói bỗng vang lên:
- Xemion Iacovlevitr, tôi mới nằm mơ. Tôi mơ thấy một con quạ từ dưới nước bay lên và bay thẳng vào đám lửa.
Như thế là làm sao, Xemion
Iacovlevitr?
Xemion giải thích:
- Trời sắp lạnh.
Cái bà sang trọng cùng xe với tôi lại cố một lần nữa:
- Nhưng Xemion Iacovlevitr, ông vẫn chưa trả lời tôi. Tôi mê ông lắm rồi!
- Hỏi ông ta xem! - Xemion nói, tay chỉ về phía vị điền chủ đang quì, không đếm xỉa đến người đàn bà.
- Vị thầy dòng to béo giữ đĩa lạc quyên, người được lệnh hỏi, đứng dậy chậm chạp và bệ vệ bước về phía người
đang quì. Ông đã làm điều gì lầm lỗi? Ông đã được lệnh làm gì chưa? Vị điền chủ trả lời bằng một giọng khàn
khàn:
- Tôi không được đánh người, tôi phải kiềm chế đôi tay lại.
- Thế ông có vâng lời không?
- Tôi không thể vâng lời được. Sức lực của tôi làm chủ tôi.
- Ra, đuổi hắn ra! Lấy chổi đuổi hắn ra. Lấy chổi! - Xemion vừa xua tay vừa la lớn.
Không cần đợi sự trừng phạt, vị điền chủ nhảy phắt lên và chạy ra ngoài.
- Hắn để lại một đồng vàng. – Vị thầy dòng loan báo, nhặt ở dưới sàn lên một đồng mười rúp.
- Đưa cho người kia! - Xemion chỉ vị thương gia giàu có, to béo. Con người nổi tiếng là có cả một trăm ngàn rúp
ấy không dám từ chối. Vị thầy dòng ở tu viện không dằn được, chêm vào một
câu:
- Vàng lại theo vàng.
Xemion bỗng chỉ về phía Mavriki Drozdov ra lệnh:
- Lấy trà đường cho cái người đàng kia!
Một người tớ rót nước trà và đưa nhầm cho chàng công tử đeo kính ở sống mũi.
- Không, không - cho cái người chân dài kia kìa!
Mavriki cúi chào không tự nhiên cho lắm, theo lối nhà binh, cầm cái tách và nhấm nháp. Tôi không thể giải thích tại sao mà cả đám chúng tôi đều bật lên cười ngả cười nghiêng.
Liza bỗng nói với anh ta:
- Mavriki, cái ông quì đằng kia đã đi rồi. Anh đến quì vào chỗ ông ta đi.
Mavriki nhìn nàng bối rối.
Đi, Mavriki, làm ơn chiều em đi. - Nàng nài nỉ trong sự nổi hứng kỳ lạ. - Nghe đây, anh phải làm. Em quyết muốn xem anh quì trông ra sao. Nếu anh từ chối thì đừng bao giờ nhìn em nữa. Bây giờ em yêu cầu anh tới quì xuống đó!
Tôi không biết nàng âm mưu gì, chỉ thấy nàng nằng nặc yêu cầu một cách áp chế, như thể nàng bị lên cơn bốc đồng..Sau này chúng ta sẽ thấy, chính Mavriki giải thích những Cơn dở chứng như vậy, thường xảy ra vào thời gian gần đây, như là những cơn bộc phát của lòng thù ghét mù quáng đối với anh ta. Thực ra không có mối thù hận nào trong đó - anh ta biết rằng nàng thực sự nghĩ tốt về anh ta và thích anh ta, nhưng có những lúc nàng bị chế ngự bởi những cơn bực tức vô ý thức mà nàng không kiểm soát được.
Lặng lẽ, anh ta đưa tách trà cho một bà già đứng đằng sau, mở cánh cửa của tấm vách ngăn, và dù không được mời, anh ta bước vào nửa phòng riêng của Xemion. Anh ta đi tới giữa và quì xuống, trước con mắt của tất cả mọi người. Tôi nghĩ rằng, vì là một người chất phác và dễ xúc động anh ta đã sửng sốt vì bị Liza làm nhục trước mặt tất cả mọi người chúng tôi. Có thể anh ta nghĩ rằng nàng sẽ tự thấy xấu hổ khi chứng kiến sự nhục nhã mà nàng đã đẩy anh ta vào. Dĩ nhiên không có ai trừ anh ta ra lại liều dùng cái phương pháp ngây thơ như vậy để định cảm hóa một người đàn bà. Giờ đây, anh ta quì ở đó với một vẻ nghiêm trọng và đứng đắn trên khuôn mặt dài, vụng về, và lố bịch. Nhưng chúng tôi không ai cười. Biến cố bất ngờ gây ra cho tất cả chúng tôi một cảm nghĩ nhức nhói. Chúng tôi quay tất cả những cặp mắt vào Liza. Xemion Iacovlevitr lầm rầm:
- Xức dầu thánh, xức dầu thánh cho anh ta!
Liza bỗng tái nhợt người. Nàng kêu lên một tiếng rồi luồn qua tấm vách. Tiếp theo là một màn kích động ngắn. Nàng chộp lấy khuỷu tay Mavriki rồi dùng cả hai tay kéo anh ta dậy.
Nàng thét lên như nổi điên:
- Đứng dậy, dứng dậy! Sao anh dám quì ở đây! Đứng dậy ngay đi!
Mavriki chống chân đứng dậy. Nàng lấy cả hai tay bóp cánh tay anh ta, ngay phía trên khuỷu tay, và nhìn chăm chú vào mặt anh ta. Mắt nàng lộ vẻ sợ hãi.
- Ôi, dễ thương làm sao! - Xemion Iacovlevitr nhắc lại lời lúc nãy.
Cuối cùng nàng kéo Mavriki trở lại phía chúng tôi, bên này vách ngăn. Có tiếng xì xào nổi lên trong đám chúng tôi. Cái bà cùng xe với tôi, có lẽ muốn làm tan bầu không khí bối rối, lại nói với Xemion lần thứ ba, bằng một giọng the thé, và một nụ cười vui vẻ:
- Nào, ông Xemion, thế ông không tiên tri gì cho tôi được à? Tôi hi vọng biết bao nhiêu!
- Tôi cho bà cái...! - Xemion bỗng quay lại nói với bà ta và dùng một từ ngữ không thể kể ra đây được. Ông ta
phát ngôn rành rọt từng chữ một. Quí bà của chúng tôi kêu lên kinh hoàng và ùa ra cửa. Còn quí ông thì phá
lên cười vang. Và thế là chấm dứt cuộc thám hiểm của chúng tôi tới nhà con người ngây ngô thánh
thiện.
Nhưng một vụ khác khá bí ẩn đã xảy ra nhân dịp này, và thực ra cũng vì thế mà tôi đã dừng lại dài dòng như vậy về chuyến đi.
Tôi nghe nói khi mọi người ùa ra cửa, Liza, có Mavriki đỡ, bỗng mặt đối mặt với Nicolai ở ngưỡng cửa. Ở đây tôi cũng phải nói thêm, kể từ vụ bất tỉnh của nàng hôm chủ nhật, nàng và Nicolai đã không nói với nhau lời nào, mặc dù có dăm bảy lần hai người chạm trán nhau. Tôi nhìn thấy họ suýt đụng vào nhau ở cửa, tôi cảm thấy hình như họ ngừng lại một giây, nhìn nhau một cách kỳ lạ. Tuy nhiên, tôi không trông rõ cho lắm vì đám đông hối hả trước mặt. Vài nhân chứng quả quyết rằng khi Liza tới gần Nicolai, nàng giơ tay lên ngang tầm mắt anh ta và có lẽ đánh anh ta nếu lúc đó anh ta không quay đi. Có thể vẻ mặt của anh ta làm cho nàng giận, có thể nàng phẫn uất vì nụ cười của anh ta sau màn kịch của Mavriki. Tôi thú nhận rằng chính tôi thì không thấy gì cả, nhưng những người khác thì cứ quyết rằng họ thấy, mặc dù chắc chắn trong đám đông hỗn độn ấy, không lẽ người nào cũng trông thấy được. Tuy nhiên, một vài người thì có thể. Dù sao, hồi đó tôi không tin. Tôi chỉ nhớ, Nicolai hơi nhợt nhạt suốt cuộc hành trình trở về.