Lũ Người Quỷ Ám - Chương 41
3
Trọn đêm đó, với những biến cố phi lí và kết thúc khủng khiếp về sáng, còn chập chờn trong đầu óc tôi như một cơn ác mộng ám ảnh và, ít nhất đối với tôi, đó là phần đau đớn nhất của câu chuyện. Tôi đến trễ trong buổi dạ vũ, và vì nó được định đoạt chấm dứt bất thần, tôi đến nhằm đúng lúc chứng kiến sự đổ vỡ. Tôi tới nhà bà nghiệp chủ đầu tỉnh khoảng giữa mười và mười một giờ. Phòng khánh tiết trắng, nơi buổi đọc văn chiều đã cử hành, vừa mới được biến đổi trong khoảnh khắc thành phòng khiêu vũ chính để mong đón tiếp cả thành phố tới đó. Tuy đã ngờ rất nhiều đến sự thất bại của buổi dạ vũ từ trước, tôi không hề chờ mong thực tế lại xảy ra quá tệ như vậy. Không một gia đình thượng lưu nào trong xã hội tỉnh chúng tôi xuất hiện. Không một công chức giữ chức vụ ra hồn nào có mặt cả - và đó là một dấu hiệu rất có ý nghĩa. Còn về quí bà và quí cô, những tính toán vừa rồi đây của Piot’r (bây giờ chúng ta mới thấy xảo quyệt đến bực nào) chứng tỏ sai bét - phái nữ xuất hiện hiếm hoi, thế nên đến nỗi chỉ có một bà cho những bốn ông, và khốn nạn thay, phụ nữ nào có ra gì cho cam! Một số nghe đâu là vợ của sĩ quan hoặc bưu tá viên hoặc thư kí quèn nào đó; có ba bà vợ của lang vườn và hai hay ba bà điền chủ nghèo mạt rệp; có bảy cô con gái và một cháu gái của ông kí mà tôi đã nói tới ở trên, và một số vợ lái buôn. Đó không phải là cái xã hội mà bà Lembke đã mong mỏi sẽ thấy tí nào. Đến phân nửa giới chủ tiệm địa phương chẳng thấy xuất hiện, về phía quí ông, mặc dù vắng mặt giới tinh hoa của xã hội chúng tôi, con số hiện diện cũng khá hùng hậu. Tuy nhiên, đa số trong bọn họ gây một ấn tượng áy náy và bực mình. Dĩ nhiên có vài vị sĩ quan rất ôn tồn và lịch sự đi cùng với phu nhân, và một số gia trưởng rất chân chỉ, chẳng hạn như ông thư kí với bảy cô con gái đã nói tới hai lần ở trên. Nhưng những người tầm thường này đến hỏi vì có những trường hợp bất khả kháng, theo như lời diễn tả của chính một ông trong bọn ấy. Nhưng cũng có nhiều nhân vật thô lỗ, kể cả nhiều người thuộc hạng vào không vé mà Piot’r và tôi đều nghi ngờ đã ở buổi đọc văn hồi chiều và số người này dường như đã gia tăng mạnh mẽ từ chiều. Nãy giờ tất cả bọn đều ngồi ở quầy rượu, nơi mà họ sáp lại ngay khi vừa đặt chân vào nhà như thể đấy là chỗ tập họp hẹn hò trước. Ít nhất đó là ấn tượng của tôi. Quầy rượu nằm trong một phòng lớn cuối một dãy phòng nhỏ. Prokhorưtr chủ tọa số đồ uống bày biện hấp dẫn và những món đặc biệt của nhà bếp câu lạc bộ. Tôi nhìn thấy một số nhân vật ở đó hầu như mặc áo sờn chỉ - một bọn trông phát ớn, hoàn toàn chẳng ra vẻ gì là người đi dự dạ vũ. Sau này tôi phát giác ra có nhiều tên trong bọn đã chè chén đâu từ trước và cố tỉnh táo lại - chuyện không phải dễ - để cho dự lễ, và vì vậy chẳng bao lâu đã hiện nguyên hình! Bọn nó phần đông không ở trong tỉnh, và tôi cũng chẳng biết bọn họ từ đâu đến. Tôi biết rằng bà Lembke có sáng kiến muốn buổi dạ vũ phải thật dân chủ; ngay cả bọn bán quán cũng được phép tham dự nếu có mua vé hẳn hoi. Khi bà tuyên bố như vậy trong một buổi họp ủy ban, là bà tin chắc rằng sẽ không có tên bán quán nào nghĩ tới chuyện mua vé, vì họ đều khá chật vật. Và tôi vẫn còn nghi ngờ không biết cái đám rách rưới này được phép vào dự không, mặc dù buổi dạ vũ có định là dân chủ đến đâu đi nữa. Ai đã để cho tụi nó vào, và làm vậy có ý định gì đây? Liputin và Liamsin đã bị rút dải tua tiếp viên rồi, nhưng họ, cả hai có mặt trong buổi lễ và coi như sẽ tham gia cuộc “thi đua văn nghệ”. Phận sự tiếp viên của Liputin giao cho gã chủng sinh, tôi ngạc nhiên hết sức, vì việc gã này quay ông Xtepan sáng ngày đã đóng góp đáng kể vào sự phá hoại buổi trình diễn đọc văn. Còn Piot’r thì đích thân thay thế Liamsin. Như vậy làm sao người ta có thể trông mong buổi lễ tốt lành được. Tôi cố lắng nghe chuyện xầm xì chung quanh và bàng hoàng vì ý kiến ngu si và độc ác của họ. Có phe nói rằng người sắp đặt cho Liza theo trai chính không ai khác hơn Julia fon Lembke, và bà đã đòi Nicolai trả tiền cho sự giúp rập này. Người ta còn nhắc cả tới số tiền đôi bên thương lượng. Họ cũng đổ cho những buổi lễ có mục đích chính là tổ chức sự thoát li của Liza và vì lí do đó nên phân nửa tỉnh không chịu tới dự lễ khi vỡ lẽ ra như vậy. Còn về phần quan tổng đốc, chính ông bị xúc động đến độ chẳng còn đầu óc đâu nữa, và bây giờ đang bị bà vợ xỏ mũi. Cười cợt cũng lắm: cười hô hố, cười khúc khích, cười man dại, cười đểu giả. Người ta chỉ trích buổi lễ thậm tệ và rủa sả bà Julia fon Lembke không hết lời. Nói chung người ta đụng đâu nói đó, ồn ào lớn lối như kẻ say sưa, và thật khó mà hiểu họ đang nói gì, hoặc căn cứ vào đó mà rút ra những kết luận phải lẽ. Cũng có một số người ở quầy ăn chỉ đang ráng hưởng vui thú, trong đó một ít các bà thuộc hạng mặt chai mày đá, còn lại phần đông là vợ của các vị sĩ quan đi với chồng. Những người này hợp thành nhóm chiếm cứ vài ba bàn riêng rẽ; họ uống trà và dường như rất vui sướng. Quầy ăn đã trở thành một mái ấm của gần phân nửa công chúng. Và tất cả đám đông này sắp sửa tràn vào phòng khiêu vũ cùng một lúc, nghĩ mà phát sợ.
Cùng lúc ấy trong phòng khánh tiết trắng, cậu công tước ráng hết sức mà chỉ tổ chức được ba bộ tứ vũ. Những người cha ngắm con gái mình đang khiêu vũ mà hãnh diện. Nhưng ngay bây giờ, nhiều người cha đang cố nghĩ làm thế nào để có thể cho con gái mình vui chơi một chút rồi tránh khỏi chỗ này cho sớm, trước khi “chuyện đó” xảy ra. Thực thế, mọi người tin chắc rằng chuyện đó sẽ xảy ra không thể nào tránh được. Thật khó mà diễn tả tâm trạng của bà Lembke bấy giờ. Tôi không có nói chuyện với bà, mặc dù tôi đi qua kề bên bà đôi ba lần. Khi tôi bước vào và gật đầu chào bà, bà không thấy vì bà không để ý - tôi chắc chắn là bà thực sự không nhận ra tôi. Bà trông xanh xao, mặt chảy dài ra, vênh váo và khinh khỉnh, nhưng đồng thời đôi mắt bà trông kinh hoàng bối rối. Rõ ràng là bà đang ráng hết sức kiềm chế mình và điều này làm bà đau đớn vô cùng; nhưng tại sao bà phải làm cho trót và với danh nghĩa gì? Lẽ ra bà nên rời bỏ nơi này ngay tức khắc, và quan trọng hơn hết, bà phải mang đấng phu quân đi. Nhưng bà ở lại; chỉ trên khuôn mặt bà tôi cũng có thể biết được là “sau cùng bà đã sáng mắt ra” và bà biết rằng bà tuyệt đối chẳng còn có gì để trông mong nữa. Ngay cả gọi Piot’r đến để chuyện trò bà cũng chẳng buồn làm, còn anh ta thì dường như tránh né bà (tôi thoang thấy anh ta ở quầy rượu và trông cực kỳ hả dạ). Nhưng bà không bỏ phòng dạ vũ, và chẳng để đấng phu quân rời bà một bước. Ôi, cho đến phút cuối cùng, bà vẫn còn phẫn nộ gạt bỏ lời nói bóng gió mơ hồ nhất này là chồng bà bị đau, dù rằng bây giờ lẽ ra bà phải nhìn nhận rằng ông đang đau thực. Đối với tôi, tôi cho rằng ông Lembke trông tệ hơn hồi sáng. Ông dường như người mất hồn chẳng biết là mình đang ở đâu và chuyện gì đang xảy ra chung quanh. Thỉnh thoảng ông đảo mắt nhìn quanh một cách nghiêm khắc bất ngờ - chẳng hạn như ông nhìn tôi hai lần như vậy. Có lần ông chợt nói to lên, rồi nín ngang, làm một công chức già trầm lặng, ngẫu nhiên đứng gần ông, hết hồn. Ngay cả nhóm người trầm lặng hiện diện trong phòng khiêu vũ cũng trông bí xị và sợ sệt từ lúc quan tổng đốc và phu nhân tới; họ lảng tránh bà Lembke, đồng thời tò mò liếc nhìn quan tổng đốc đăm đăm, điều lạ thường đối với những kẻ sợ sệt. Sau này chính bà Julia fon Lembke nói với tôi:
- Cái cách họ nhìn ông ấy xoáy tâm can tôi, và làm tôi bắt đầu nhận thức tình trạng sức khỏe của nhà tôi.
Đó, lại lỗi của bà nữa! Có lẽ sau khi tôi hối hả ra khỏi nhà bà hồi nãy, bà bị Piot’r thôi thúc mà cuối cùng quyết định là buổi dạ vũ sẽ có và bà sẽ xuất hiện. Rồi chắc bà vào phòng làm việc của chồng, ở đấy một lần nữa bà phải trổ hết tài duyên dáng lung lạc quan tổng đốc đáng thương đã điên đầu vì buổi họp mặt văn nghệ hồi chiều.
Nhưng giờ đây, tại buổi dạ vũ, bà đang phải cam đành đau đớn vô ngần mà vẫn không chịu rút lui! Tôi không biết có phải vì lòng tự ái bị tổn thương buộc bà ở lại và cam chịu đau khổ, hay chỉ là bà không biết làm chuyện gì bây giờ? Dù kiêu căng, bà gắng cười lấy lòng và nói đôi lời với giới phụ nữ. Họ trả lời bà dóng một “dạ có”, “dạ không”, rồi lẻn đi mất.
Giới quí phái trăm phần trăm trong tỉnh có duy nhất một đại diện đáng mặt tại dạ hội là ông tướng hồi hưu, nhân vật quan trọng mà chúng ta đã gặp ở nhà bà nghiệp chủ đầu tỉnh sau cuộc đấu súng giữa Nicolai và Gaganov, trong dịp đó ông ta đã “mở cánh cửa khai thông cho dư luận quần chúng đang nôn nóng”. Ông ta bước hết phòng này sang phòng khác ra vẻ tự tôn tự đại, lắng nghe những câu chuyện trao đổi, và làm như “ta đây” tới để quan sát phong tục chứ không phải tìm vui thú cho bản thân. Cuối cùng ông ta bám riết lấy bà Lembke và từ đấy không hề rời bà, rõ ràng là ông ta đang ráng trấn an bà. Ông ta có địa vị, dễ thương, tuổi tác, đến nỗi người ta có thể chấp nhận mọi thứ ở ông ta, luôn cả lòng thương hại. Tuy nhiên bà không nhìn nhận, dù ngay với chính bà, rằng cái lão lắm mồm này dám thương hại bà; và lão ta bám sát bà ra điều lên mặt với bà. Bà hiểu rõ rằng lão ta nghĩ là bà đã bị hạ nhục và lão ta đang phục hồi danh dự cho bà. Nhưng ông tướng vẫn đeo theo bà và ba hoa luôn miệng:
- Người ta bảo rằng một thành phố mà không có bảy hiền nhân thì không đứng vững được - có phải bảy không nào?
Tôi không thể nhớ đúng con số bao giờ. Ờ tôi chẳng biết là trong số bảy hiền nhân đích thực của tỉnh chúng
ta mấy người có cái vinh hạnh được tham dự dạ hội của bà, nhưng mặc sự hiện diện của họ, tôi coi bộ ở đây
càng lúc càng kém an ổn. Thưa bà, người đàn bà quyến rũ nhất của tôi, xin bà hãy tha thứ cho tôi, được không
bà? Thực ra tôi muốn nói theo nghĩa bóng, nhưng tôi vẫn thấy rất may mắn trở lại đầy an toàn sau khi phiêu
lưu viếng qua quầy ăn. Tôi thấy lão đầu bếp Prokhorưtr số dách của chúng ta chắc hẳn không ở đúng chỗ, và
tôi e người ta sẽ làm cỏ cái quầy ăn trước khi trời sáng. Ồ, dĩ nhiên tôi chỉ nói đùa đó thôi. Tôi đang đợi
xem “thi đua văn nghệ” và sau đó tôi sẽ đi nghỉ. Tôi mong bà thứ cho lão già này, đau khổ vì bệnh nhức xương
- luôn luôn đi nghỉ sớm và tôi khuyên bà cũng nên về nghỉ đi. Nhưng tôi phải nói với bà mới được, tôi đến
đây đặc biệt vì các mĩ nhân mà tôi hy vọng không thể gặp ở đâu nhiều hơn ở đây. Phần đông con gái đẹp ở bên
kia sông, mà tôi không đến đó bao giờ. Có bà vợ một sĩ quan - tôi tin là sĩ quan bộ binh - nàng không xấu,
không xấu đâu - và nàng cũng biết vậy. Tôi đã nói chuyện với con nai con lạc đàn đó, và thưa bà, tôi không
dối đâu, nàng rất bạo miệng. Và còn nhiêu đào tơ mơn mỏn nữa, cũng khá xinh xắn, nhưng họ chỉ được cái là
trẻ trung. Nhưng, dĩ nhiên tuổi tác tôi coi như pha, bà biết tôi muốn nói gì chứ? Có đôi nụ hoa tươi tắn
trông mát mắt, dù đôi môi có hơi dầy. Nói chung, trong số những giai nhân của Nga ít người có gương mặt đều
đặn và, ờ - xin lỗi bà trước, gương mặt của họ thường làm tôi nghĩ tới chiếc bánh rán! Nhưng nào có hề gì
miễn là gương mặt có đôi mắt đẹp và rạng rỡ cười tươi. Vâng, những nụ hoa này đang thời kỳ son sắc quyến rũ
trong đôi ba năm - nhưng rồi chúng chỉ nở một một lần mà thôi, và đó là nguyên nhân của sự lãnh đạm buồn bã
nơi các ông chồng, một yếu tố rất quan trọng trong phong trào phụ nữ, dĩ nhiên nếu tôi hiểu không lầm. Nào
để xem coi: phòng khiêu vũ đẹp; dãy phòng nhỏ tiếp nối trang hoàng khá đàng hoàng. Đáng lẽ tệ hơn nhiều. Ban
nhạc cũng có thể tệ hơn nhiều, tuy nhiên tôi không nói là nó nên tệ hơn. Sự thiếu hụt phái nữ sinh ra một ấn
tượng xấu, chưa kể đến cách trang phục của họ. Và cái tên ở đằng kia kìa, thật là một sỉ nhục - tên mặc quần
xám đang khiêu vũ điệu nhảy “cỡn” mà phóng túng như thế. Xử sự như vậy còn có thể tha thứ được nếu nó say
sưa thật, vì nó là dược sĩ trong tỉnh; nhưng chưa đến mười một giờ và còn quá sớm để say sưa, dù cho nó là
dược sĩ. À còn hai tên ẩu đả ở đằng quầy rượu, nhưng chưa bị tống cổ ra. Tôi nghĩ rằng trước mười một giờ cả
cái lũ đó phải tống ra hết, bất chấp công chúng nghĩ như thế nào. Khoảng hai ba giờ sáng, dĩ nhiên chuyện đó
là khác, người ta phải nhượng bộ tâm trạng đang thắng thế lúc bấy giờ. Nhưng tôi tự hỏi buổi dạ hội này sẽ
kéo dài tới hai giờ sáng không? Tôi thấy bà Varvara đã chẳng giữ lời; bà nào có gửi hoa tới như đã hứa đâu.
Nhưng tôi cá là bà có nhiều chuyện khác đang lo nghĩ. Bà mẹ đáng thương! Và cô Liza bất hạnh! Bà nghe biết
câu chuyện rồi chứ? Người ta cho rằng có bí mật nào đó bên trong... Và Nicolai lại dính líu vào đó nữa! Hừ,
chắc tôi phải đánh xe về đi nghỉ; đôi mắt nhướng không lên nữa. Ờ mà, khi nào “màn tứ vũ” bắt
đầu?
Sau rốt nó cũng bắt đầu. Hễ nói tới buổi dạ hội này người ta luôn luôn quan tâm tới cuộc “thi đua văn nghệ”, và bởi vì chẳng một ai biết nó ra làm sao, mọi người đều khá ngứa ngáy tò mò. Không gì nguy hại cho sự thành công buổi dạ hội hơn là sự tò mò, quả thực, nó trở thành một thất bại thảm không sao nói được.
Những cánh cửa hông của phòng khánh tiết trắng khép quá kín nãy giờ, đến lúc này mới mở ra và một vài người hóa trang đột nhiên xuất hiện. Công chúng đổ xô vây quanh tức thì. Tất cả những người ở quầy rượu tràn quá phòng khánh tiết trắng không còn sót một mống. Những người hóa trang sẵn sàng bắt đầu trình vũ. Tôi chen lấn tới trước và tìm một chỗ ngay đằng sau hai vợ chồng Lembke và ông tướng. Lúc đó, Piot’r, mà từ trước chẳng thấy tăm hơi, thình lình hiện ra bên bà Julia. Anh ta nhìn bà lấm lét như thể một cậu học trò phạm tội và thì thầm:
- Tôi đã để mắt canh chừng mọi sự ở quầy rượu suốt buổi.
Bà Julia giận đỏ mặt:
- Ít nhất bây giờ anh có thể chấm dứt cái trò dối gạt tôi chứ, đồ xấc láo!
Lời nhiếc mắng bật ra khỏi miệng bà quá to đến nỗi một số người quanh đó cũng nghe thấy.
Piot’r chuồn nhanh, trông anh ta đắc ý vô cùng.
Khó mà tưởng tượng một tiết mục nào tầm thường, tẻ nhạt, vô vị và tội nghiệp hơn là màn tứ vũ. Và cũng khó mà nghĩ ra cái gì ít thích hợp với công chúng hơn là nó, mặc dù nó được tiếng là do chính Karmazinov phát minh ra. Sự thực là buổi trình diễn do Liputin điều khiển với sự tham khảo ý kiến của ông giáo què, cái người đã có mặt trong buổi tiệc sinh nhật của Virghinxki. Tuy nhiên đó là sáng kiến của Karmazinov, và dường như thoạt đầu ông ta còn muốn giả trang và đích thân trình diễn một màn độc vũ. Màn tứ vũ gồm có sáu cặp, giả trang một cách thảm hại. Thực chẳng ra cái thể thống gì, bởi vì trang phục của họ có khác gì công chúng cho cam. Như cái ông tuổi tác trung trung, mặc chiếc áo chùng - thực ra ông ăn mặc rất bình thường như những người khác - và đeo bộ râu bạc phơ lê thế (bộ râu giả là món độc nhất ông có thể tự nhận là giả trang). Ông đang liến thoắng kéo lê đôi bàn chân mà chẳng rời khỏi chỗ, và nét mặt vẫn giữ vẻ tự cao trầm trọng suốt buổi trình diễn chẳng chút đổi thay. Thỉnh thoảng ông phát ra những tiếng ột ệt khe khẽ và quái đản với một giọng đục và khàn khàn; mà những tiếng này là tượng trưng cho tiếng nói của một tờ nhật báo nổi danh phát hành toàn quốc. Đối diện với con người biểu tượng này là hai gã khổng lồ đang nhảy, mặc chiếc áo chùng trên người có đính hai chữ X và X, hiển nhiên là có nghĩa tượng trưng gì đó, nhưng đố ai hiểu được. “Tư tưởng Ngà Chân chính” được cụ thể hóa bằng một ông sồn sồn khác mặc áo chùng, đeo kính, và mang bao tay hẳn hoi, và đặc biệt có còng - cái còng tù nhân thật sự. Ông “Tư tưởng” này cắp nách cái cặp đựng xấp hồ sơ của vụ nào đó. Một phong thư bỏ ngỏ đóng dấu bưu điện nước ngoài ló ra khỏi túi áo, đựng giấy chứng nhận để thuyết phục kẻ hoài nghi sự chân chính của “Tư tưởng Nga Chân chính”. Những chi tiết này do các tiếp viên giảng giải thêm vào vì, dĩ nhiên, làm sao công chúng đọc được chữ nước ngoài. Ông Tư tưởng tay mặt cầm li rượu nâng lên như thể sẵn sàng đưa ra lời chúc tụng. Hai bên ông ta nhảy nhót hai cô gái tóc ngắn tiêu biểu chủ nghĩa Hư vô. Đối mặt với bộ ba này là một người trọng tuổi khác, mặc áo chùng, tay cầm chiếc dùi cui to tổ bố đang nhảy nhót. Chúng tôi được giải thích rằng ông ta tiêu biểu cho một tạp chí định kỳ mà ai cũng ngán, xuất bản ở Moskva, và chiếc dùi cui ám chỉ “Tôi mà giáng xuống đầu anh thì anh chỉ còn một đống bầy nhầy”. Tuy nhiên, dù có vũ khí trong tay mà ông ta cũng không chống chọi nổi cái nhìn trừng trừng qua mục kỉnh của “Tư tưởng Nga Chân chính”; ông ta đang lấm lét, và trong khi vừa biểu diễn điệu nhảy cặp, ông vẫn vặn vẹo mình mẩy không thôi, dường như không biết đâu mà trốn cái lương tâm cắn rứt ông quá nhiều. Tôi không thể nhớ hết những biểu tượng ngu ngốc mà người ta phát minh ra, tất cả còn lại đều đại loại như thế, và sau một lúc tôi bắt đầu thấy nhục nhã đớn đau. Một cảm giác tương tự phản ánh rõ rệt trên những gương mặt của toàn thể công chúng, kể cả những gương mặt chai đá của bọn ở quầy rượu kéo tới xem màn vũ. Họ im lặng nhìn trong một lúc, cái im lặng thù nghịch bực bội. Khi xấu hổ, người ta thường nổi giận và có khuynh hướng trở nên khinh bạc. Tiếng xì xào bắt đầu nổi lên lần lần từ công chúng. Một gã đứng trong quầy ăn nói lầm bầm với đồng bọn chung quanh:
- Toàn là thứ quái gì vậy?
- Ai biết, thứ tầm bậy tầm bạ.
- Văn nghệ đó - người ta đang phê bình tờ Tiếng nói...
- Mặc xác nó, có ăn nhằm gì tới thằng này!
Một người từ đám khác gào lên:
- A, lũ ngốc!
- Đâu phải! Tụi nó đâu có ngốc. Tụi mình ngốc thì có.
- Sao anh lại bảo là mình ngốc?
- Đâu có, tôi thì không ngốc.
- Ờ, nếu anh không ngốc, thì dĩ nhiên tôi cũng vậy.
Người khác trong đám thứ ba lên tiếng đề nghị:
- Tụi mình phải đấm cho bọn đó một mách nên thân, rồi tống cổ bọn chó chết đó ra khỏi đây.
Tiếng khác từ trong đám thứ tư:
- Sao vợ chồng Lembke đứng đó mà nhìn được? Chịu! Họ không biết xấu hổ là gì!
- Việc chó gì mà họ phải xấu hổ? Còn anh thì sao, anh có xấu hổ không đã?
- Sao không, ngay như tôi còn thấy xấu hổ, huống chi ông ta là quan tổng đốc.
- Còn anh là con heo!
Một bà đứng cách bà Lembke vài ba bước, nói một cách độc địa, rõ ràng có ý muốn cho mọi người nghe:
- Trong đời tôi chưa hề thấy một dạ hội nào quê một cục như vầy.
Bà này đã tứ tuần, to con, và khá nặng phần trình diễn phấn son. Trong dịp này bà mặc chiếc áo dài lụa màu rất tươi. Hầu hết mọi người trong tỉnh biết bà, nhưng chẳng ai tiếp bà. Bà là quả phụ của một đốc phủ sứ, người chồng quá cố để lại cho bà một ngôi nhà gỗ với số huê lợi ít ỏi. Tuy nhiên bà khéo xoay xở nên đời sống sung túc và có cả xe riêng để đi nữa. Vài tháng trước đây, bà là một trong những người đầu tiên đến chào tân tổng đốc phu nhân, nhưng bà Julia chẳng tiếp bà. Người đàn bà nhìn thẳng vào mặt bà Julia một cách xấc xược và nói tiếp:
- Tôi đã biết là nó sẽ ra nông nỗi này.
Bà Julia không dằn được nữa, đáp lại:
- Nếu bà biết trước sao còn vác mặt tới đây làm gì?
- Vì tôi đã quá dễ tin.
Người đàn bà miệng lưỡi dữ dằn này trả đòn ngay tức khắc, và vừa bước tới hăm hở đôi co. Ông tướng già bước vào giữa can hai đằng. Ông nghiêng mình về phía bà Julia nói:
- Thưa phu nhân, tôi thành thực nghĩ rằng bây giờ là lúc chúng ta nên rời đây là tốt hơn hết. Tôi cảm thấy
chúng ta chỉ đang ngăn trở cuộc vui của họ mà thôi. Bà đã làm xong điều bà có thể làm rồi; bà đã khai mạc
buổi dạ hội và bây giờ tại sao chẳng để mặc kệ họ? Quan tổng đốc dường như không được khỏe lắm. Chúng ta nên
ráng đừng để chuyện gì trầm trọng có thể xảy
đến.
Nhưng đã quá muộn rồi.
Trong suốt màn tứ vũ quan tổng đốc ngắm nghía những vũ công với vẻ bối rối pha lẫn giận dữ, và khi công chúng bắt đầu thốt ra những lời bình phẩm bực mình, ông nhìn quanh một cách lo lắng. Đó là lần đầu tiên ông bắt đầu ý thức tới sự hiện diện của những tên bất hảo từ quầy rượu kéo đến. Ông dường lấy làm kinh ngạc về những gì ông thấy. Thình lình có một tràng cười lanh lảnh bật ra. Ông tiêu biểu cho “tạp chí định kì dễ sợ”, người cầm dùi cui khiêu vũ, sau cùng quyết định rằng ông ta không còn thể nào chịu nổi cái nhìn trừng trừng sau mục kỉnh của “Tư tưởng Nga Chân chính” kia được nữa và, trong màn cuối của vở vũ, ông ta trồng chuối mà đi bằng hai tay thẳng tới cặp mục kỉnh sáng loáng; cái trò khéo léo này thật là bất ngờ, có ý diễn tả lương năng đã bị xoay lộn ngược trong tờ tạp chí định kì đã nói. Vì Liamsin là người độc nhất quanh đây biết đi bằng hai tay, nên anh ta được cắt đặt vai trò cái ông cầm dùi cui. Nhưng bà Julia fon Lembke không biết là sẽ có người đi chổng hai chân lên trời. Sau này kể lại, bà nhấn mạnh với tôi điểm này một cách bực dọc và ngao ngán.
Họ đã giấu tôi hoàn toàn. Công chúng cười rộ lên. Dĩ nhiên không phải họ phản ứng trước cái chuyện ngụ ngôn kia, chẳng gây hứng thú cho họ chút nào mà trước cảnh nhà quí phái áo chùng đuôi tôm đủ lệ bộ đi với hai chân chổng lên trời. Nhưng quan tổng đốc Lembke giận run lên. Ông chỉ mặt Liamsin mà thét to:
- Bắt cái thằng côn đồ này! Bắt lấy nó, quay nó lại... sao cho chân... đầu nó lên trên... lên trên!
Liamsin vội đứng bật dậy trên hai chân và người ta càng cười ngất. Quan tổng đốc đột nhiên ra lệnh:
- Tống cổ cái lũ côn đồ đang cười ra!
Tức thì tất cả nhao nhao lên:
- Thưa ngài, sai rồi ạ!
- Ông nên chấm dứt lăng nhục quần chúng!
Từ một góc vang lên:
- Chính ông là thằng ngu to đầu.
Góc khác thoát ra:
- Quân thảo khấu!
Ông Lembke vội quay đầu về hướng tiếng la sau chót, mặt ông biến sắc, xanh như chàm. Cái cười đần độn nhếch trên đôi môi, như thể ông chợt nhớ điều gì làm ông hiểu tự sự. Bà Lembke nói với đám đông đang tiến về phía hai người:
- Thưa quí bạn, quí bạn phải bỏ qua cho quan tổng đốc...
Khi bà nói, bà rụt lùi và vừa kéo chồng theo:
- Thưa quí ông quí bà, quí vị thấy không, ông Lembke chẳng được khỏe, quí bạn thông cảm, vui lòng bỏ qua cho.
Tôi nghe rõ ràng lời nói của bà “vui lòng bỏ qua cho”. Trọn biến cố chỉ diễn ra ngắn ngủi, nhưng tôi nhớ rõ là một số thính giả chạy tuôn ra khỏi phòng khiêu vũ lúc bấy giờ, như thể hoảng sợ vì những lời nói của bà Julia. Tôi còn có thể nghe một tiếng thét lên cơn của một người đàn bà đang nức nở:
- Lại cũng như hồi xưa nữa rồi!
Rồi thình lình trong đám hỗn loạn - lại cũng giống như “hồi xưa”, một quả bom được ném ra.
- Cháy! Cháy hết xóm bên kia sông!
Tôi không nhớ tiếng la khủng khiếp nọ xuất phát từ đâu, hoặc từ trong phòng khiêu vũ, hay do người ở bên ngoài chạy ào lên tam cấp. Nhưng tiếp theo là một sự hỗn loạn kinh hoàng mà tôi chịu không thể tả nổi. Hơn phân nửa khách dự dạ hội hoặc sống ở, hoặc có nhà gỗ bên kia sông. Người ta chạy tuôn về phía các cửa sổ, giật cả màn cửa, xé toạc cả rèm... Xóm bên kia sông đang rực cháy. Thực thì, lửa chỉ vừa mới bắt cháy - đúng ra là có ba đám cháy riêng rẽ, và chính trường hợp này mới làm họ sợ.
Người ta gào:
- Có đốt nhà! Bọn thợ Spigulin đốt nhà!
Tôi còn nhớ đôi lời kêu la điển hình:
- Trái tim của tôi đã linh cảm là họ sắp sửa đốt cái gì đấy! Tôi có linh cảm về điều này trong mấy ngày nay
rồi!
- Vâng, chắc chắn là chính tụi Spigulin! Còn ai khác vào đó nữa.
- Vâng họ chủ ý nhử chúng ta đến đây hết, để họ có cơ dễ đốt nhà!
Tiếng gào sau cùng này, làm cho mọi người sửng sốt hơn hết, là tiếng gào tự nhiên bộc phát theo bản năng của người đàn bà bị cháy rụi hết của cải. Họ chạy ào về phía cửa ra. Tôi không muốn tả cái cảnh hỗn loạn trong phòng gửi quần áo; người ta tranh nhau tìm những chiếc áo lông, khăn quàng, và áo khoác - những tiếng tru tréo của các bà và nước mắt của các cô gái. Tôi ngờ là không có những chuyện cướp bóc suy tính trước vào lúc ấy, nhưng rõ ràng là, trong sự hỗn độn tiếp theo, nhiều người phải bỏ lại áo lông và khăn quàng mà họ không tìm ra. Sau đó người ta vẫn còn nói tới sự mất mát này khắp cả tỉnh, thêm thắt dần dần thành trọn những chuyện truyền kì.
Hai vợ chồng Lembke gần như bị đám đông ép giẹp ở ngưỡng cửa.
Quan tổng đốc vừa dang tay ngăn và vừa giận dữ hét:
- Chặn tất cả lại! Không cho một ai ra cả. Khám xét hết bọn chúng, từng tên một, ngay tức thì!
Một tràng rủa sả phát ra từ phòng khiêu vũ để trả lời ông. Bà Julia la lên để cố trấn tĩnh ông:
- Anh Andrei, anh làm ơn. Anh Andrei!
Nhưng vô vọng. Ông trở tay buộc tội vào bà vợ mà hét lên:
- Bắt bà này trước! Soát bà ta trước! Buổi dạ hội này tổ chức ra với mục tiêu tiếp tay đốt nhà!
Bà Julia thét lên một tiếng đứt ruột rồi xỉu (ôi, lần này không còn nghi ngờ gì nữa, đây là xỉu thật trăm phần trăm!). Ông tướng già, cậu công tước, tôi, vài người nữa, kể luôn cả mấy bà, cũng chạy tới phụ tay giúp bà Lembke trong lúc đau đớn này. Chúng tôi mang người đàn bà đáng thương ra khỏi chốn địa ngục này và đặt bà lên xe. Cho đến khi xe về gần tới dinh bà mới tỉnh lại, và mối quan tâm trước tiên của bà vẫn là đấng phu quân. Bây giờ tất cả mộng ước của bà tan vỡ như bong bóng xà phòng, chỉ còn lại Andrei của đời bà mà thôi. Bác sĩ được mời tới. Tôi ở đó suốt cả tiếng đồng hồ đợi chờ. Cậu công tước cũng vậy. Còn ông tướng, trong phút hào hiệp (mặc dù chính ông ta cũng đang khá sợ) đã nhất quyết “ở bên giường người đàn bà đáng thương” này cho đến sáng; nhưng chỉ mười phút sau, trong khi chúng tôi còn đợi bác sĩ, thì ông ta đã ngủ khì trong ghế bành ở phòng khách, nên chúng tôi đành để mặc ông ta ở đó.
Viên cảnh sốt trưởng vội vã chạy từ chỗ dạ hội tới xóm nhà cháy, đã kịp lôi được quan tổng đốc khỏi phòng khiêu vũ kế sau chúng tôi, và hối thúc ông Lembke lên xe với phu nhân, nhắc nhở rằng “Ngài cần nghỉ ngơi”. Nhưng ông ta không đủ cứng rắn với ông Lembke; ông tổng đốc dĩ nhiên chẳng thèm nghe lời khuyên ngơi nghỉ và đang sốt ruột muốn đi tới chỗ hỏa hoạn. Vì thế viên cảnh sát trưởng đánh xe của mình đưa ông tổng đốc qua bên kia sông. Sau này viên cảnh sát trưởng tường thuật lại rằng quan tổng đốc khoa chân múa tay mạnh bạo suốt dọc đường, và “cứ gào thét ra những lệnh không thể thi hành được, vì quá lạ lùng”. Và sau này trong văn thư chính thức viên cảnh sát trưởng báo cáo rằng: “Lúc đó ngài ở trong tình trạng mê sảng vì cơn kích động quá đột ngột”.
Chẳng cần phải kể lại buổi lễ chấm dứt thế nào. Mọi người đều chạy hết hồn, chỉ còn vài chục quí ông và dăm bà còn vui vẻ ở lại. Không còn bóng dáng một cảnh sát nào, họ không cho ban nhạc đi, đấm đá túi bụi mấy ông nhạc công nào muốn về. Gần sáng, “cái quầy của Prokhorưtr” đã sạch sành sanh. Chúng nhậu bí tỉ, nhảy điên dại, và làm bừa bãi khắp hết các phòng. Hừng sáng một bọn say mèm đến chỗ đám cháy gây thêm rối loạn mới ở đó nữa; bọn khác nằm gục xuống ngủ say li bì và làm hoen ố thảm và ghế nhung, sau khi đã bị ma men hành đủ tình đủ tội. Sau đó sáng ra, họ bị tôi tớ trong nhà kéo quăng ra đường. Đó là, kết thúc buổi dạ vũ tổ chức để lấy tiền giúp đỡ các cô giáo nghèo khổ của tỉnh chúng tôi.
4
Đám cháy làm kinh hoàng cho dân chúng ở xóm nhà bên sông, bởi vì nó rõ ràng là một vụ đốt nhà. Đáng lưu ý là ngay khi vừa có người kêu cháy, thì cũng vang lên tiếng gào: “tụi thợ Spigulin đốt nhà”. Bây giờ chúng tôi biết chắc là ba tên thợ của nhà máy Spigulin dự phần vào việc đốt nhà, nhưng chỉ có ba tên đó thôi; còn những người thợ khác được chính quyền cũng như dư luận quần chúng gỡ cho hàm oan. Ngoài ba tên ác ôn đó ra - một tên bị bắt và thú tội, còn hai tên kia tại đào - chắc chắn còn có tên tù vượt ngục Eedca nhúng tay vào nữa. Đó là tất cả những gì được biết chắc chắn cho tới nay về nguyên nhân vụ hỏa hoạn, mặc dù, hiển nhiên, có đủ loại ức đoán và giả thuyết. Còn về động lực thúc đẩy ba tên ác ôn hành động, và vấn đề có phải tụi nó hành động theo mệnh lệnh của ai hay không - là những vấn đề hóc búa, cho tới ngày nay cũng không quyết đoán nổi.
Lửa cháy lan nhanh khủng khiếp, bởi vì gió to và phần lớn những nhà bên kia sông đều cất bằng gỗ, và sau hết, bởi vì có ba đám cháy phát ra từ ba nơi (thực sự chỉ có hai, bởi vì đám thứ ba người ta dập tắt được ngay từ lúc nó mới bùng lên như chúng ta sẽ thấy sau này) còn trong những bài trường thuật xuất hiện trên các báo ở thủ đô và Petersburg, tai họa của chúng tôi được phóng đại quá đáng; thực ra nhiều nhất chỉ có một phần tư, và có lẽ ít hơn, của xóm bên hữu ngạn làm mồi cho ngọn lửa. Đội cứu hỏa của thành phố, mặc dù hơi nhỏ đối với dân số của tỉnh, rất kiến hiệu, tận tâm, và quả cảm. Tuy nhiên, họ sẽ không thành công lắm, dù cho có sự giúp đỡ vĩ đại của dân chúng, nếu gió không đổi chiều và chợt tắt hẳn ngay trước hừng đông.
Lúc tôi tới xóm nhà cháy, độ một giờ sau khi chạy như bay khỏi phòng khiêu vũ, ngọn lửa đang bốc cao ngất. Con đường chạy dọc theo bờ sông hoàn toàn chìm trong biển lửa. Trời sáng như ban ngày. Tôi không dài dòng tả đám cháy, vì ai mà chẳng quen thuộc với cảnh tượng này ở Nga? Ở những con đường ngách hai bên dẫn vào đại lộ đang cháy, hiện ra cảnh hỗn loạn huyên náo vô cùng. Dân chúng sống ở đó chắc chắn lửa sẽ táp tới; người ta kéo đồ đạc ra ngoài, nhưng đồng thời chẳng muốn dời mái nhà của mình, họ ở nán lại gần bực thềm, ngồi trên những chiếc rương, những chiếc giường nệm lông, mà họ đã ném ra ngoài cửa sổ. Một số đàn ông đang làm quần quật, chẻ phá chẳng chút nương tay những hàng rào và phá sập luôn cả những căn lều lụp xụp gần đám cháy và ở dưới gió. Trẻ con bị tiếng ồn ào đánh thức đang khóc như vỡ chợ, và những người đàn bà đã đủ thì giờ kéo hết đồ đạc ra, bây giờ không còn biết làm gì nữa đang tru tréo than vãn. Những người còn đang mang tài sản ra thì lẳng lặng trong lúc này. Tàn lửa và than hồng tung bay khắp chôn, và người ta tận lực lo dập tắt. Chính ngay tại đám cháy cũng chật ních người lũ lượt từ các nơi khác trong thành phố dồn tới. Một số phụ giúp đàn áp ngọn lửa, một số khác chỉ dứng nhìn. Một đám cháy lớn ban đêm luôn luôn phát sinh một ảnh hưởng vừa hồi hộp vừa cao hứng; đó là ý nghĩa chính của pháo bông. Nhưng mà pháo bông tạo những mô thức đều đặn, vui mắt, và trên phương diện hoàn toàn an lành của nó, nó chỉ gây ảnh hưởng nhẹ nhàng và vui vẻ, giống như cảm giác uống một li rượu sâm banh. Một đám cháy thực sự thì hoàn toàn khác hẳn: có kinh hoàng trong đó, cộng với cảm giác chính bản thân đang bị hiểm nguy, dù nhẹ tới đâu, hòa lẫn với cảm giác cao hứng, mà một ngọn lửa cháy ban đêm tạo cho khán giả (dĩ nhiên là không phải nạn nhân của nó) một kích thích về tinh thần nào đó, một thách thức bản năng hủy diệt, mà hỡi ôi, nó nằm chôn chặt trong tâm khảm ở cả người chủ gia đình hiền hậu nhất và người công chức thấp hèn nhất. Và cái cảm xúc tối ám này hầu như luôn luôn thắng thế.
Tôi thực tình tự hỏi có thể nào ngắm một đám hỏa hoạn mà không hưởng được một khoái lạc trong đó!
Đấy là nguyên văn lời của ông Xtepan nói với tôi lần nọ, khi ông đang mang ấn tượng trực tiếp của đám cháy đêm mà tình cờ ông chứng kiến. Dĩ nhiên, cũng chính kẻ say mê đám cháy đêm vẫn có thể, đúng dịp, lao mình vào ngọn lửa để cứu một trẻ thơ hay một bà lão, nhưng đó là lại vấn đề khác.
Theo sát đám khách bàng quan tò mò, chẳng cần phải hỏi ai, tôi cũng thấy mình đang ở tại trung tâm của đám cháy, chỗ lửa đỏ ngùn ngụt rộng lớn và nguy hiểm nhất; ở đây tôi chọt thấy quan tổng đốc, người mà bà Lembke nhờ tôi đi tìm. Ông đang trong trạng thái kì quặc làm tôi đâm hoảng. Ông đứng trên một cái hàng rào gãy đổ; bên trái ông chừng ba mươi thước sừng sững một cái sườn cháy đen thui của căn nhà gỗ hai tầng bị tàn phá, với hai hàng lỗ nằm ngang ngoác ra thay cho các cửa sổ, cái mái sụp xuống, và những lưỡi lửa mỏng lét còn liếm dọc theo những cây kèo cháy thành than. Tại cuối sân, đằng sau sườn nhà, là một mái tranh cũng hai tầng đang bắt đầu cháy bùng lên, và nhân viên cứu hỏa đang tận lực ngăn chặn ngọn lửa. Bên phải ông Lembke, dân chúng hợp lực với nhân viên cứu hỏa đang tạt nước một tòa nhà gỗ rộng lớn; nãy giờ họ thành công trong sự đàn áp ngọn lửa, mặc dù nó đã bùng lên vài ba lần rồi và coi như cái nhà trước sau gì cũng cháy tiêu. Quan tổng đốc, quay mặt về phía mái tranh, đang vung tay múa chân và gào thét ra lệnh mà chẳng ai thèm để ý. Ban đầu tôi cho rằng họ bỏ mặc ông cho khỏi vướng chân. Thực ra đám đông bao quanh ông, dầy bịt và phức tạp, ngoài những người bình dân đủ hạng, còn có cả đôi nhà quí phái và cha xứ nhà thờ chánh tòa. Mặc dù họ tò mò và kinh ngạc lắng nghe quan tổng đốc gào, nhưng không một ai buồn nói với ông hay dẫn ông đi. Quan tổng đốc Lembke đã đánh mất mũ, đứng phơi đầu trần và hốc hác, mắt long lanh, phát biểu những lời dị kì nhất:
- Tụi nó đốt nhà đây! Toàn là tụi Hư vô! Bất cứ cái gì cháy cũng do tụi Hư vô đốt?
Tôi nghe ông gào thét, và mặc dù căn cứ những gì tôi đã từng thấy, lẽ ra nó không thể làm tôi ngạc nhiên một cách đặc biệt; nhưng mỗi sự tiếp xúc thực với bệnh điên vẫn luôn luôn gây cho ta một ảnh hưởng choáng váng. Sau cùng, một cảnh sát viên chen tới bên ông và thưa:
- Bẩm quan lớn, xin ngài về nhà nghỉ ngơi. Ngay như đứng đây cũng thật nguy hiểm vô cùng cho ngài.
Sau này tôi mỗi biết người cảnh sát đã được đặc biệt cắt đặt trông chừng quan tổng đốc, thuyết phục ông về nhà, và trong trường hợp cực kì khẩn cấp, có thể dùng biện pháp mạnh - một nhiệm vụ rõ ràng vượt quá sức anh.
- Nước mắt của nạn nhân hỏa hoạn sẽ được lau khô, nhưng thành phố sẽ bị đốt trụi. Tất cả chuyện này chỉ là việc
làm của bốn thằng ác ôn hay nhiều nhất là bốn thằng rưỡi! Bắt lấy nó! Tất cả do nó gây ra - nó chỉ vu cáo
cho bốn thằng rưỡi kia. Nó len lỏi vào gia đình và làm ô nhục họ. Để đốt nhà, tụi nó dùng các cô giáo! Thật
là ti tiện và nhục nhã! À, mà nó đang tính làm gì
đây?
Thình lình ông hét lên, khi thấy một nhân viên cứu hỏa ở trên mái của túp lều tranh đang cháy, ngọn lửa đang nhảy nhót quanh anh:
- Kéo hắn xuống! Hắn sắp rơi tới nơi! Hắn sắp bắt lửa! Dập tắt ngọn lửa!... Mà hắn lên trên đó làm gì vậy?
- Bẩm ngài hắn đang chữa lửa.
- Tầm bậy! Lửa đang ở trong đầu dân chúng, không phải trên mái nhà. Kéo hắn xuống, và bỏ mặc mấy cái nhà đó! Ờ,
tốt hơn là bỏ mặc! Cứ để tự nó... Có ai đang khóc? Bà lão! Bà lão đang la hét! Tại sao quên kéo bà
ra?
Quả là có bà lão tám mươi tuổi, cô của người lái buôn chủ cái nhà tranh, đang ở trong phòng dưới tầng trệt. Nhưng thực ra không phải bà bị bỏ quên bà đã chạy trở lại vào nhà và với ý định điên dại muốn cứu cái nệm lông trước khi góc phòng của bà bén lửa đã lan tới đó lúc bà còn ở trong. Bây giờ ngộp khói và gào thét vì bỏng, bà cụ tuy thế cũng cố đẩy cái nệm qua ô kính cửa sổ với đôi tay nhăn nheo. Quan tổng đốc Lembke chạy tới giúp bà. Mọi người chung quanh thấy ông chạy lại gần cửa sổ, nắm một góc nệm và hết sức lôi. Nhưng ngay lúc ấy một cây kèo trên mái rơi xuống trúng người đàn ông bất hạnh. Ông không chết. Nhưng cái đầu kèo đập sau ót, làm ông ngã quị, bất tỉnh, chấm dứt luôn sự nghiệp của Andrei fon Lembke, ít nhất trong tư cách là quan tổng đốc của tỉnh chúng tôi. Sau cùng mặt trời ló dạng, ảm đạm và buồn thảm. Gió đứng, không khí bỗng nhiên trở nên tĩnh lặng và cơn mưa phùn bắt đầu rơi lất phất như thể xuyên qua cái rây. Đám cháy tàn rụi. Tôi đang ở trong một khu khác của xóm nhà, cách chỗ ông Lembke ngã chừng một quãng. Tôi nghe dân chúng chung quanh bàn tán đủ mọi chuyện kì quái. Một sự kiện rất lạ lùng hiện ra trước ánh sáng: căn nhà đầu tiên phát hỏa là mái nhà tranh mới cất, biệt lập, cách các nhà khác ít nhất là năm mươi thước. Nó nằm trong khoảnh đất trống và tách biệt hẳn với xóm bằng những luống rau. Ngay như nếu căn nhà đó bị cháy rụi, nó cũng không thể nào bén lửa tới bất cứ căn nhà nào khác hoặc ngược lại - ngay như nếu trọn cả xóm cháy rụi, căn nhà nọ cũng không hề hấn gì, bất kể sức gió và hướng gió có ra thế nào đi nữa. Vậy nó chỉ có thể phát hỏa và cháy một mình, và vì thế cho nên mới có chuyện ngờ vực về nó. Nhưng phần đáng để ý nhất là nó không hề cháy rụi, mà người ta phát giác có nhiều lạ lùng xảy ra ở đó. Chủ nhà là một người thợ sống không xa đó. Thoáng thấy căn nhà mới cất của mình phát hỏa, ông vội chạy ùa về, và nhờ sự tiếp tay của láng giềng, ngọn lửa bị dập tắt bằng cách quăng tứ tán những khúc gỗ mà ai đã chất dựa vào vách ván và châm mồi. Nhưng kế nữa còn phát giác ra rằng những người cư ngụ trong căn nhà đó, một đại úy hồi hưu, cô em gái, và u già của họ, đều bị hạ sát trong đêm đó và dường như bị cướp nữa. Luôn tiện cũng nói thêm, chính đó là chỗ mà ông cảnh sát trưởng tới, trong lúc ông Lembke đang ra sức cứu cái nệm lông. Sáng ra tin này lan truyền đi, và một đám đông khổng lồ, gồm cả nhiều người có nhà bị làm mồi cho ngọn lửa, lũ lượt kéo tới căn nhà biệt lập. Rất khó mà chen chân qua đám đông nghẹt này. Chẳng bao lâu tôi phát giác ra rằng người ta đã tìm thấy ông đại úy, quần áo tươm tất, nằm trên chiếc ghế dài, bị cắt cổ, và đường như ông ta say như chết, chẳng hề biết gì xảy ra, và máu chảy như heo bị chọc tiết. Mặt khác, người em gái khắp mình mẩy đầy vết dao đâm và nằm dưới đất gần cửa, vậy nàng phải tỉnh và đã ráng sức chống cự với tên sát nhân. Người u già sọ bị vỡ toang lúc đó hẳn cũng còn thức. Theo lời của người chủ nhà thì ông đại úy có đến gặp ông sáng ngày, say mèm, và ông đại úy khoe khoang tất cả số tiền của mình có - rất nhiều, chừng hai trăm đồng rúp. Chiếc ví cũ mèm rách bươm của người đại úy tìm thấy dưới đất, trống trơn. Nhưng cái rương của người em gái không hề bị đụng chạm tới, cũng như cái khuôn ảnh thờ bằng bạc và quần áo của ông đại úy. Rõ ràng là tên sát nhân rất vội vã đào thoát, hắn thông thạo thói quen của ông đại úy, và hắn tới đặc biệt vì tiền, biết rõ nơi để lấy. Nếu người chủ nhà không chạy đến và ném tứ tán những khúc gỗ ra thì căn nhà sẽ cháy rụi, và sẽ khó mà biết chuyện gì đã xảy ra với những cái xác thành than.
Đó là những gì tôi nghe kể. Và người ta còn thêm rằng căn nhà này do Nicolai - con trai của bà Varvara, phu nhân của tướng Vxevolodovitr Xtavroghin - thuê cho viên đại úy và người em gái ở. Anh ta đích thân đến nài nỉ thuê, vì người chủ nhà không có ý định cất nhà cho thuê, ông muốn mở quán: sau cùng ông chỉ chấp thuận khi Nicolai ứng trước sáu tháng tiền nhà. Dân chúng còn nhắc đi nhắc lại:
- Hỏa hoạn không phải vì rủi ro.
Phần đông người ta giữ im lặng, những gương mặt bí xị; nhưng tôi chẳng thấy dấu hiệu gì phẫn nộ của họ. Tuy nhiên, tôi vẫn còn nghe người ta bàn tán về Nicolai: người ta kháo nhau người đàn bà bị giết là vợ của anh ta; ngày hôm trước, anh ta đã dụ dỗ con gái của một gia đình quyền quí nhất trong tỉnh - ái nữ của bà Drozdova; anh ta bị kiện lên tới giới chức ở Petersburg; và dường như anh ta cho hạ sát vợ để có thể lấy tiểu thư kia. Vì trại Xcvoresniki chỉ cách xa có đôi ba cây số, tôi thầm nghĩ có nên đến đó để báo cho họ biết mọi sự không. Nhưng bấy giờ, tôi thấy không ai mưu tính xúi giục dân chúng bạo động, mặc dù tôi nhận ra đôi gã mà tôi đã để ý ở quầy rượu buổi dạ hội. Và tôi đặc biệt chú ý tới một gã mảnh khảnh mặt rỗ, sau này mới biết ra là thợ ống khóa, bây giờ mình mẩy lem luốc vì dính đầy nhọ. Hắn ta không say, nhưng trái với tâm trạng ủ ê của dân chúng, lại có vẻ cao hứng lạ thường. Hắn luôn miệng bi bô lên tiếng với thiên hạ, mặc dù tôi không nhớ rõ lời lẽ của hắn; hắn không nói được câu nào cho có mạch lạc hơn là:
- Các bồ, chuyện như thế là sao? Không lẽ người ta cứ để làm vậy?
Hắn vừa nói vừa khoa chân múa tay như gọi mọi người làm chứng.