Lũ Người Quỷ Ám - Chương 40
Chương Hai
DẠ HỘI KẾT THÚC
1
Ông Xtepan chẳng tiếp tôi. Ông khóa cửa ở trong và đang viết lách. Khi tôi cố gõ cửa và gọi ông, ông mới lên tiếng:
- Này anh bạn, bây giờ tôi làm xong xuôi cả rồi. Còn ai muốn tôi làm thêm gì nữa?
- Ông nào có làm xong xuôi cái quái gì đâu, ông chỉ tiếp tay làm mọi chuyện thành rối rắm thêm. Vậy ông làm ơn
mở cửa ra, đừng gây thêm bi thảm. Chúng ta phải hành động mới được vì họ có thể tới đây làm nhục
ông.
Dù sao chăng nữa, tôi cũng thấy có quyền tỏ ra cứng rắn và đòi hỏi với ông. Tôi e ông có thể làm chuyện điên rồ. Nhưng ngạc nhiên hết sức, tôi thấy ông quyết liệt không nói nổi. Ông bảo:
- Vậy anh hãy đừng làm người đầu tiên lăng nhục tôi. Để tôi cám ơn anh về những gì anh đã làm cho tôi, và tôi
xin nhắc lại lần nữa rằng tôi đã làm xong xuôi mọi chuyện đối với mọi người rồi, tốt cũng như xấu. Tôi đang
viết thư cho Dasa, lẽ ra tôi phải làm việc này từ lâu mà cứ lần lữa mãi cho đến bây giờ, thật không tha thứ
được. Tôi rất cảm kích nếu ngày mai anh mang lá thư này đến cho nàng, nhưng bây giờ tôi xin cám ơn anh đã
tới.
- Ông Xtepan ơi, ông hãy nghe tôi nói đây cái đã, chuyện này nghiêm trọng hơn là ông tưởng. Chẳng hạn như nếu
ông cho rằng ông đã đánh đổ hết mọi người ở đó, thì tôi xin chỉnh ông: ông chẳng đánh đổ được ai cả. Chính
là ông vỡ tan như cái lọ rỗng (Hỡi ôi, tôi ăn nói có hơi lỗ mãng). Và tuyệt đối chẳng có gì ông cần phải
viết thư cho Dasa cả. Kế nữa, nếu tôi nghe lời ông mà bỏ đi, rồi ông sẽ ra sao, nhất là với một người không
thực tế như ông? Chắc là ông đang trù tính chuyện gì nữa đây, có phải không? Nếu đúng vậy, tôi chắc chắn với
ông là nó chỉ đưa ông vào vòng rắc rối nữa mà
thôi.
Ông đứng dậy; tôi nghe ông tiến tới và đứng ngay bên cửa.
- Anh mới tiếp xúc với tụi nó mà đã tiêm nhiễm rặt cái giọng điệu của bọn nó. Chúa tha tội cho anh, anh bạn ơi, và Chúa gìn giữ anh! Tôi để ý từ ban đầu là anh có đủ tư cách của một người đàng hoàng, và tôi hi vọng trong một thời gian anh sẽ đạt tới cái lương năng của con người anh, giống như tất cả dân Nga chúng ta ngày nào đó sẽ tới vậy. Còn như theo lời phê bình của anh về sự không thực tế của tôi, tôi xin nhắc lại cái ý nghĩ cũ rích của tôi: nhiều người trong chúng ta hành động như loài ruồi nhặng cứ vo ve bực mình, chuyên đi phê bình mọi người thiếu óc thực tế mà quên mất chính bản thân mình. Bạn vàng ơi, hãy nhớ là tôi đang rất dễ xúc động mà làm ơn đừng hành hạ tôi nữa. Tôi xin cám ơn anh lần nữa, và chúng ta hãy chia tay nhau đi, cũng như Karmazinov giã biệt quần chúng, nghĩa là chúng ta hãy quên nhau một cách độ lượng chừng nào hay chừng nấy. Mặc dù hắn ta điếm đàng van lơn quần chúng độc giả hãy quên hắn đi, còn riêng tôi, tôi không kiêu kì, tôi đặt hi vọng chính yếu vào lòng trong trắng tuổi trẻ của anh: anh còn giữ được kỉ niệm về lão già vô dụng này bao lâu nữa? Và tôi chúc anh “sống lâu trăm tuổi”, như chị Naxtaxia chúc tôi kì lễ sinh nhật vừa rồi. Những người bình dân này đôi khi có những lời duyên dáng và hàm súc triết lý. Cho nên tôi cũng không chúc anh quá nhiều hạnh phúc, vì anh sẽ chán ngấy, hay là gặp rắc rối. Tôi theo triết lý bình dân và chỉ chúc anh sống lâu. Và tôi cũng thêm riêng lời chúc khó thể được này, là ráng tránh chán nản. Vậy bây giờ xin vĩnh biệt anh, vĩnh biệt mãi mãi. Còn anh đừng đứng nán trước cửa, dù sao tôi cũng không cho anh vào đâu.
Ông bỏ đi và tôi không thể nào moi thêm gì nữa. Dù trong cơn xúc động ông vẫn nói trơn tru, khoan thai và trang trọng như thể cố gây ấn tượng trong tôi. Ông có lẽ còn bực tức về những nhận xét chua chát của tôi ngày hôm trước, khi ông kể lại tình trạng bị lưu đày đi Xibir và những bẫy rập đó mở tung, nên giờ đây ông đang bắt tôi trả một cách gián tiếp những lời nhận xét nọ. Mặt khác, khóc lóc trước mặt đông đảo mọi người sáng nay làm ông cảm thấy hơi lố bịch, dù rằng nó mang lại sự thắng lợi nhỏ nhoi cho ông, và tôi biết không có ai lo lắng đến cái mã thẩm mĩ trong sự giao du với bạn bè cho bằng ông Xtepan. Ôi, tôi không thể trách ông được! Nhưng sự kiện là ông ôm khư khư lấy cái khó tính của mình và vẫn giữ đủ trí khôn, mặc tất cả những va chạm, làm cho tôi thấy yên tâm: một người đổi thay bản ngã quá ít ỏi thì không thể tính đến chuyện gì bi thảm và dị thường. Đó là lối suy luận của tôi lúc bấy giờ, nhưng hỡi ôi, thật không gì sai lầm hơn! Có quá nhiều yếu tố mà tôi không biết hết được lúc đó. Kể trước sự việc đôi chút, tôi xin trích dẫn những dòng mở đầu của lá thư ông viết cho Dasa Satova mà nàng quả nhiên nhận được ngày hôm sau:
Cưng ơi,
Tay anh đang run rẩy đây, nhưng anh đã làm xong điều anh phải làm. Em đã không chứng kiến trận thư hùng của anh với bọn chúng; em rất đúng đã không tới dự buổi “họp mặt văn nghệ” đó. Nhưng em sẽ nghe nói rằng nước Nga chúng ta bây giờ kiếm đỏ con mắt không ra một người chí khí, thì ít nhất có một người dám đứng thẳng dậy, chẳng cần biết tới những lời đe dọa hiểm nguy đến tính mạng tứ bề đổ dồn về, nói thẳng vào mặt lũ đần độn đó cái sự thật là bọn nó đích danh lũ đần độn. Ôi bọn nó có ra gì, lũ bá vơ ti tiện không hơn kém, lũ đần độn hèn hạ, đó là tiếng dành cho bọn nó. Số mệnh đã an bài. Anh sắp sửa bỏ thành phố này, một lần và mãi mãi; mà anh chưa biết đi về đâu. Tất cả những người anh yêu quí đều ngoảnh mặt làm lơ. Nhưng em - Dasa - em là người trong trắng thơ ngây mà cuộc đời gần nối kết với đời anh do sự sẵp xếp của một tính khí bất thường và bướng bỉnh. Còn em, có lẽ em đã nhìn anh khinh miệt khi anh nhỏ những giọt nước mắt yếu hèn ngay trước ngày cưới không bao giờ tới của đôi ta; và em, em có nhìn thế nào đi nữa cũng không thể khác hơn coi anh như một tên dị hợm - vâng, anh đã dành cho em tiếng khóc cuối cùng của con tim, và anh cảm thấy rằng anh còn nợ em cái ý nghĩ tới em vào phút lâm chung của anh! Anh không thể lìa em, mà vẫn để em giữ mãi trong đầu óc hình ảnh của anh như một tên điên rồ bạc bẽo, một tên dốt nát, và một tên ích kỉ - vì anh chắc chắn đó là cách con người sắt đá và bạc bẽo kia thường trình bày với em về anh, mà hỡi ôi, người đó anh không thể quên được...
Và lá thư cứ tiếp tục như vậy dài hàng bốn trang giấy khá lớn viết chữ khít rịt.
Bây giờ, đáp lại câu nói của ông không để tôi vào, tôi đấm cửa ba lần và gào to cho ông biết rằng tôi chắc chắn ông sẽ gửi chị Naxtaxia đến tìm tôi ít nhất ba lần ngay ngày hôm nay, nhưng lần này tôi sẽ không đến đâu. Xong, tôi bỏ ông và chạy lại nhà bà Julia fon Lembke.
2
Ở đấy tôi phải chứng kiến một cảnh đáng phẫn nộ: người đàn bà đáng thương bị lừa gạt trắng trợn mà tôi không thể làm gì được. Vì thực sự tôi biết nói gì với bà? Tôi vừa có thì giờ lấy lại bình tĩnh đủ để nhận định rằng tôi không biết xử sự gì ngoài những ngờ vực và ước đoán mơ hồ. Tôi thấy bà khóc lóc, hầu như lên cơn, đầu chườm nước hoa, đang nhấp một ngụm nước trong li. Piot’r có mặt ở đó, anh ta nói không ngớt miệng; và cậu công tước con thì câm như hến không bằng. Bà Julia nước mắt giọt vắn giọt dài cay đắng đang mắng nhiếc Piot’r không tiếc lời về tội bỏ rơi bà. Điều làm tôi bàng hoàng là bà hoàn toàn đổ lỗi về sự thảm bại nhục nhã của buổi họp mặt văn nghệ cho sự vắng mặt của Piot’r.
Và tôi thấy một sự thay đổi đáng kể nơi anh ta: dường như lúc này có chuyện đang làm anh ta lo lắng lắm thì phải - anh ta trông như trầm trọng. Lệ thường anh ta không bao giờ có vẻ nghiêm nghị, cười luôn miệng, ngay cả khi nổi giận mà anh ta thường như như vậy lắm. Ôi, bây giờ anh ta cũng đang giận tức đây, anh ta nói năng lỗ mãng và trịch thượng với một vẻ bực dọc gắt gỏng. Anh ta quả quyết với bà Julia fon Lembke rằng anh ta bị nhức đầu khủng khiếp và ói mửa vật vã ở phòng Gaganov mà anh ta đã ghé qua sáng sớm hôm ấy. Hỡi ôi, người đàn bà khốn nạn đang khao khát bị lừa kinh khủng! Khi tôi bước vào, họ đang bàn cãi dạ hội kì hai - nghĩa là buổi khiêu vũ - sẽ có hay không có. Bà Julia nhất định không chịu xuất hiện ở buổi dạ vũ “sau tất cả những lăng nhục nọ” - nghĩa là bà khát khao một cách tuyệt vọng được Piot’r ép buộc bà xuất hiện. Anh ta là một thứ tiên tri cho bà, và tôi cảm thấy rằng nếu anh ta bỏ rơi bà lúc này đây thì bà sẽ ngã bệnh liệt giường liệt chiếu ngay. Nhưng anh ta không hề nghĩ tới chuyện bỏ đi. Anh ta đi đến quyết định tuyệt đối là buổi khiêu vũ sẽ phải mở tối nay và bà Julia fon Lembke phải có mặt ở đó.
- Bà khóc lóc gì nào? Bao giờ cũng vẽ chuyện. Bà thực sự muốn có người để trút cơn giận của bà không? Được rồi,
dùng tôi đây này, nhưng lẹ lên đi vì thời giờ sắp hết rồi và bà phải quyết định đi chứ. Bất cứ cái gì lộn
xộn do buổi bình văn sẽ nhờ buổi dạ vũ cứu vãn lại. Coi kìa, công tước cũng tán đồng những gì tôi nói! Vâng,
nếu không có công tước đây, có trời mà biết nó kết thúc ra
sao!
Cậu công tước thoạt tiên chống đối buổi dạ vũ - nghĩa là chống sự xuất hiện của bà Julia fon Lerhbke ở đó, bởi vì dù sao đi nữa dạ vũ cũng phải mở - nhưng sau khi Piot’r cứ nêu cậu ta ra đôi ba lần như thể cậu ta ủng hộ lập trường của chính mình, cuối cùng cậu ta cũng ậm ờ ưng thuận.
Sự thô lỗ dị thường của Piot’r làm tôi kinh ngạc. Ôi, tôi ghê tởm gạt ra ngoài sự đàm tiếu đê tiện lan tràn say này về tình thân thiện giữa Piot’r và bà Julia - không có, và không có thể có chuyện như vậy giữa họ. Anh ta chinh phục bà bằng cách ngay từ ban sơ, đã tâng bốc những giấc mộng gây ảnh hưởng lớn lao trong xã hội và có tiếng tăm trong giới chính quyền của bà lên tận mây xanh. Anh ta trở thành một phần trong những dự mưu của bà; ngay việc chính anh ta nghĩ cho bà một số mưu kế đã thổi phồng anh ta lên, và sự nịnh nọt thô thiển nhất của anh ta đã bó chặt bà từ đầu đến chân như mạng nhện. Sau cùng anh ta trở thành thiết yếu đối với bà như không khí bà thở.
Khi thấy tôi, mắt bà sáng hẳn lên và bà phát biểu:
- Nào Piot’r, anh hỏi ông đây thì biết! Cũng như công tước, ông đây mọi lúc không hề rời tôi một bước. Vâng thưa ông, ông nghĩ sao? Có phải rõ ràng đó là một âm mưu, một thủ đoạn xảo quyệt và nhục nhã để làm hại quan tổng đốc và chính tôi bằng mọi cách có thể được? Ôi, tôi chắc chắn là họ đã âm mưu trọn câu chuyện. Họ có kế hoạch hẳn hoi! Đó là một mưu đồ chính trị.
- Còn gì nữa không? Đầu óc bà luôn luôn chất chứa toàn những chuyện hoang đường! Tuy nhiên, tôi rất lấy làm
sung sướng được gặp ông... (Anh ta làm bộ quên tên tôi). Chúng ta hãy nghe ý nghĩ của ông
đây.
Tôi vội vàng đáp lời:
- Ý nghĩ của tôi à, tôi rất tán đồng với bà Lembke. Có một âm mưu, không thể nghi ngờ gì nữa. Thưa bà, đây là
cái dây tua hành sự của tôi, xin hoàn lại bà. Bây giờ buổi dạ vũ có hay không chẳng quan hệ gì đến tôi, vì
nó không tùy thuộc tôi định đoạt; tôi chỉ biết là tôi hết tham gia như một tiếp viên. Tôi ăn nói rất nóng
nảy, mong bà thứ cho, nhưng tôi không thể hành động trái với niềm tin và lương tri của
tôi.
Bà Lembke vung tay và la:
- Các người nghe thấy chứ? Các người nghe thấy chứ?
- Nghe rõ rồi. (Piot’r đáp và quay sang tôi.) Tôi chắc ông ăn phải cái bả gì nên mới lú người như vậy. Tôi bảo
là không có gì đặc biệt xảy ra - không chuyện gì có thể xảy ra được trong thành phố này, bất cứ lúc nào,
trong bất cứ trường hợp nào. Âm mưu nào có thể có ở đây? Chắc chắn, nội vụ trở thành trò hề xuẩn động và
nhục nhã, nhưng âm mưu này xảy ra ở đâu? Bộ ông thực lòng muốn tôi tin rằng đó chính là một âm mưu chống bà
Lembke ở đây, người đã săn sóc bao bọc họ từng li từng tí và tha thứ tất cả những trò khuấy phá ấu trĩ của
họ? Nào, chính miệng bà hãy nói cho ông đây biết đi, điều tôi đã không ngớt nói với bà suốt cả tháng nay!
Tôi đã chẳng cảnh cáo bà rồi hay sao? Tại sao vậy, tại sao bà cần những người đó? Tại sao bà lại dính dấp
với một lũ vô lại? Bà hy vọng hoàn thành cái gì? Muốn tạo một xã hội đoàn kết à? Trời hỡi, bộ bà thực tâm
mong mỏi họ đoàn kết hay
sao?
- Nhưng anh cảnh cáo tôi hồi nào đâu? Ngược lại là đằng khác, anh luôn luôn tán thành; anh khuyến khích tôi
trong những điều tôi đang ráng làm. Những lời nói của anh làm tôi thực bàng hoàng vô cùng. Tại sao chính anh
lại mang những nhân vật kì lạ như vậy vào nhà
tôi?
- Bà nói sai. Tôi không hề tán đồng và tôi đã cố khuyên giải bà đừng làm việc đó. Còn về chuyện đem những nhân
vật lạ lùng vào nhà bà, đúng, tôi nhận tôi có làm, nhưng dù sao đi nữa tôi chỉ làm sau khi hàng chục người
như họ đã vào chen chúc trong nhà bà rồi. Và, ngay cả bấy giờ, chỉ vào phút cuối để tham gia cuộc “thi đua
văn nghệ” của bà, bởi vì không thể tổ chức nó mà thiếu những tên vô lại kia. Nhưng tôi dám cá với bà bất cứ
cái gì là hôm nay có khoảng hai chục những tên đầu trâu mặt ngựa tìm cách len lỏi vào không có vé
mời.
Tôi xác nhận:
- Điều đó chắc chắn rồi.
- Thấy không, anh cũng đồng ý với tôi rồi. Bây giờ hãy nhớ lại cái cung cách chúng đã ngự trị khắp cái tỉnh lẻ
khỉ ho cò gáy này bấy lâu. Sao, chúng ta chỉ thấy toàn một thứ kênh kiệu vô liêm sỉ, toàn một thứ tai tiếng
không ngớt và vang dội! Và ai đã khuyến khích những thứ đó? Ai đã dùng quyền lực mình che chở mọi thứ đó? Ai
làm thui chột hết lương năng của họ? Ai tạo tất cả sự phẫn uất nọ trong đám dân đen? Sao, thưa bà, xin bà mở
sổ tay xem, bà sẽ thấy trong đó tất cả những bí mật của các gia tộc trong tỉnh. Bà chẳng từng vỗ vai các họa
sĩ hí họa và thi sĩ châm biếm, có hay không? Bà đã không từng cho phép tên Liamsin hôn tay bà là gì? Bộ bà
không có mặt ở đó lúc tên chủng sinh làm nhục một đốc phủ sứ và quệt đôi ủng bê bết dầu mỡ của nó vào áo dài
của cô con gái ông ta à? Thế tại sao bà còn phải ngạc nhiên như vậy nếu công chúng chống đối
bà?
- Nhưng anh, chính cả anh! Ôi, lạy Chúa.
- Không phải, thưa bà, điều tôi đã làm là cảnh cáo bà. Chúng ta đã tranh luận và cãi vã; vâng, bà có nghe
không, chúng ta đã cãi
vã!
- Nhưng anh đang dối gạt tôi trắng trợn đây!
- Ồ, bà nói như vậy thật dễ dàng. Bây giờ bà cần người chịu tội thay bà, một người để bà trút cơn thịnh nộ;
nào, cứ làm đi, như tôi đã nói đó, dùng tôi đây này. Tôi phải nói với ông mới được, thưa ông... (Anh ta
dường như vẫn không nhớ tên tôi). Nào chúng ta thử tính lại xem: tôi chấp nhận rằng chẳng có gì dự định và
sắp xếp trước, chẳng có bất cứ cái gì cả, ngoại trừ cái trò nhỏ mọn của Liputin! Tôi sẽ chứng minh điểm này,
nhưng chúng ta hãy phân tích biến cố Liputin trước đã. Phải rồi, anh ta xuất đầu lộ diện với bài thơ của tên
ngốc Lebiadkin. Nhưng cái gì làm nó thành một âm mưu? Liputin không thể chỉ nghĩ đó là trò cười thôi phải
không? Anh ta không thể xuất hiện đọc thơ chỉ để chọc cười khán giả và, trên hết là giúp vui chủ mình, bà
Lembke, phải không? Ông nghĩ chuyện đó khó xảy ra, nhưng xin ông cho tôi biết nó chẳng thực sự phù hợp với
những chuyện đã xảy ra ở đây, ít nhất trong vòng tháng nay, là gì? Tôi còn nghĩ rằng trong những hoàn cảnh
khác, Liputin có thể làm chuyện đó trót lọt. Hẳn rồi, tôi công nhận cái trò đùa có đôi chút thô lỗ, quá
trớn, nhưng được cái buồn cười. Anh không đồng ý là nó buồn cười hay
sao?
Bà Julia fon Lembke điên tiết hét lên:
- Cái gì? Anh cho rằng Liputin làm chuyện đó buồn cười à! Nó thật đần! Nó thật vô duyên, thấp kém không đáng
nói tới. À, thì ra anh nói để chọc tức tôi phải không? - còn không thì, ôi, anh phải dính líu với hắn trong
âm mưu
này!
- Ồ dĩ nhiên, tôi núp sau hậu trường giật dây! Nào, để tôi nói cho bà biết: nếu tôi có dự vào âm mưu này, thì
bà chắc chắn đi nó sẽ không kết thúc với cái trò con nít của Liputin đâu. Và kế đến, chắc bà cũng cho rằng
tôi cấu kết với ông già yêu quí của tôi để gây cuộc náo động đó? Vâng, có lẽ bà có thể nói cho tôi biết, ai
đưa ý kiến mời ba tôi đọc văn? Và ai đã cố can ngăn bà mời ông, chỉ mới hôm qua đây? Vâng, mới hôm
qua.
- Ờ, nhưng hôm qua đầu óc ông ấy tỉnh táo lắm mà, tôi tràn trề hy vọng, vả lại, ông ấy có tư cách như vậy, tôi
nghĩ giữa ông ấy với Karmazinov... Nhưng thôi, trời
hỡi.
- Vâng, theo như bà nói: dù ông tỉnh táo, nhưng ông đã làm chuyện rối beng ra. Vậy, vì tôi biết rõ ý đồ của ông
ấy, nên tôi có dự vào âm mưu đó, tại sao tôi phải cố can bà không để lão dê xồm lọt vào vườn rau của bà?
Nhưng hôm qua tôi đã cố ngăn bà, phải vậy không? Và tôi làm vậy vì tôi linh cảm sẽ có điềm bất lành. Dĩ
nhiên là tôi không thể biết chắc chắn điều gì sẽ xảy ra. Chính ông ấy cũng không biết một phút sau sẽ làm gì
nữa kìa, bởi vì, già cả lẩm cẩm không giống người ta đâu. Nhưng bà còn có thể cứu vãn được tình thế để xoa
dịu công chúng là hãy gửi hai bác sĩ tới chỗ ông ấy ở theo lệnh của chính quyền, để họ lễ phép xin khám bệnh
ông ấy, và kế gửi ông ấy vào bệnh viện đắp nước đá chữa bệnh. Tôi nghĩ bà phải làm ngay hôm nay mới được.
Như vậy, ít ra là tất cả sẽ cười xòa và nhận ra rằng chẳng có gì bất bình cả. Có thể tôi sẽ đích thân công
bố trong buổi dạ vũ tối nay như vậy, vì chính tôi là con của ông ấy kia mà. Nhưng còn Karmazinov, hiển nhiên
là vấn đề khác: cái con lừa này xuất hiện nói vung vít với bài văn tràng giang đại hải suốt một giờ - chắc
hẳn là lão ấy phải cũng nằm trong âm mưu của tôi chống lại buổi họp mặt văn nghệ của bà! Phải chăng chúng
tôi đã định luôn là lão ấy sẽ ra đọc và làm mọi người chán ngấy để làm mất mặt bà Julia fon
Lembke!
- Ô, Karmazinov, thực nhục làm sao! Tôi thật xấu hổ cho công chúng đến đỏ dừ cả người.
- Vâng, tôi phải nói là tôi thà hạ nhục lão đó, chứ việc gì đỏ dừ cả người, bởi vì nghĩ lại thì thấy công chúng có lý. Nhưng dù sao đi nữa, ai chịu trách nhiệm về Karmazinov? Ý kiến mời lão đọc phải của tôi không? Trong số những người ngưỡng mộ lão ở đây đã từng có tôi bao giờ chưa? Mặc xác lão. Nhưng còn tên điên thứ ba nữa, điên vì chính trị - lại vấn đề khác nữa. Tất cả đã sẩy chân trong chuyện đó và bà thực sự không thể đổ thừa cho âm mưu của tôi được.
- Ôi, làm ơn đừng nói đến cái tên đó, một mình tôi chịu trách nhiệm về hắn. Ôi!
- Đúng hẳn vậy, nhưng bà đừng lo. Tôi sẽ giải thích với các giới chức ở Petersburg rằng đó thực không phải là
lỗi của bà. Vì ai có thể giữ được một thằng điên ngô nghê như thế? Ngay ở Petersburg người ta cũng gặp rắc
rối tương tự như vậy. Sao tôi nghe nói rằng hắn được giới thiệu với bà xôm trò lắm mà. Xét vì tất cả những
chuyện này, chắc chắn bà sẽ đồng ý rằng bà tuyệt đối phải có mặt ở buổi dạ vũ, bởi vì bà phải đương đầu với
một vấn đề nghiêm trọng đây. Chính bà đã cho tên điên đó cơ hội phát ngôn trước công chúng, vậy thì đích
thân bà phải tuyên bố công khai rằng bà không chia sẻ quan điểm của nó, tên đó hiện bị cảnh sát câu lưu, và
bà đã bị hắn lừa gạt. Bà phải công bố một cách hằn học rằng bà là nạn nhân của một tên điên khùng, bởi vì
chắc chắn là nó điên hết nói nổi, và bà phải vạch mặt chỉ tên hắn ra như thế. Tôi không thể chịu nổi loại
chó dại cắn người đó. Và dù chính tôi có thể nói những điều tệ hơn nữa, tôi cũng không lên diễn đàn mà tuyên
bố. Chuyện xảy ra là bây giờ thiên hạ bàn tán rùm beng về ông tham nghị
nọ.
- Tham nghị nào? Ai bàn tán?
- Ờ, chính tôi cũng chẳng hiểu ất giáp gì cho lắm. Nhưng bà, bà Lembke, bà có nghe nói gì về chuyện một tham
nghị viên
chăng?
- Tham nghị viên ư?
- Vậy chứ sao, người ta kháo nhau là có một tham nghị sẽ tới đây, và Petersburg đã quyết định thay quan tổng
đốc. Tôi nghe nhiều người nói như vậy
lắm.
Tôi xác nhận:
- Tôi cũng vậy.
Bà Lembke nổi giận đùng đùng và hét lên:
- Ai nói như vậy?
- Bà muốn nói là ai phóng ra tin này à? Làm sao tôi biết được. Dân chúng quanh đây nói chứ ai, và mới hôm qua
họ còn một mực khăng khăng nhắc lại như vậy. Và dường như họ rất quả quyết về chuyện này, mặc dù thật khó mà
biết tại sao họ có thể chắc chắn như thế. Dĩ nhiên, những người khôn ngoan hơn, những người biết chuyện hơn,
đâu có nói tới; nhưng họ dường như cũng chú tâm vào tin đồn
lắm.
- Hèn hạ làm sao, đần độn làm sao.
- Ờ, nhưng nó càng làm cho bà phải xuất hiện và chứng tỏ cho những tên điên khùng đó cái gì ra cái nấy.
- Tôi chấp nhận chính tôi có bổn phận này - nhưng, nhưng giả sử nó chỉ mang lại chúng ta một sự ô nhục mới? Và
giả sử công chúng từ chối không đến? Giả sử chẳng ai, chẳng có một ma nào
tới?
- Nói tầm phào! Sao bà lại có thể nghĩ là họ không tới? Còn tất cả những quần áo họ đã may sắm thì sao? Thật
tôi sửng sốt vô cùng nghe một người đàn bà phát biểu như thế. Thế mà cũng dám nói là thấu hiểu nhân
tâm!
- Tuy nhiên, bà nghiệp chủ đầu tỉnh chẳng đến đâu. Tôi chắc chắn như vậy!
Piot’r không giữ kiên nhẫn nữa, tức giận hét lên:
- Chẳng hiểu có chuyện gì xảy ra ở đây nữa! Tại sao bà cứ khăng khăng là họ không tới.
- Đó là sự thảm bại nhục nhã, mất tiếng tăm. Xảy ra chuyện gì à? Tôi không biết rõ đã xảy ra cái gì, nhưng tôi
cảm thấy rằng cứ như bây giờ, tôi không thể xuất hiện ở
đó.
- Nhưng tại sao? Không phải lỗi bà đâu, tôi nói đứng đắn đó - tại sao đó là lỗi của bà? Tại sao bà cố nhận trách nhiệm về mọi chuyện? Tôi bảo đó là lỗi của công chúng, lỗi của tất cả bô lão trong tỉnh, những gia trưởng. Chính họ phải chặn đứng những tụi vô lại và bọn chuyên giở trò quấy rối, vì đó là những kẻ phá khuấy không hơn không kém. Chẳng có gì trầm trọng đâu. Không có xã hội nào mà lực lượng cảnh sát có đủ người để duy trì trật tự, nhưng ở đây dường như họ đòi hỏi mỗi người có một cảnh sát viên canh giữ trong mỗi cuộc tập họp công cộng. Trong những hoàn cảnh này, những bậc bô lão, các vị chức sắc, quí bà, quí cô trong tỉnh, và những người khác nữa, hành động ra sao? Ơ, họ chỉ bĩu môi và câm miệng. Họ không có ngay đến sáng kiến xã hội để kiểm soát những kẻ giở trò nghịch ngợm trẻ con nữa!
- Ừ, anh nói rất đúng đó! Họ chỉ ngồi đấy bĩu môi và cau mày, và chỉ có thể...
- Vâng, nếu đó là sự thật thì bà phải lớn tiếng vạch nó ra, nói một cách hãnh diện và nghiêm khắc. Bà phải
chứng tỏ cho những lão già thủ cựu và những bà mẹ thấy rằng bà không bị đánh bại. Ôi, tôi tin chắc là bà
thành công - bà có bản lĩnh nắm chóp họ khi đầu óc bà tỉnh táo. Bà hãy tập họp họ lại chung quanh bà và hãy
nói cho họ biết, nói cho rõ ràng! Và kế đến, bà sẽ gửi thư cho tờ Ngôn luận và tờ Diễn đàn Chứng khoán.
Khoan nào. Tôi sẽ tìm ra cách. Tôi hứa với bà tôi sẽ tìm cách thu xếp mọi chuyện. Dĩ nhiên bà phải tổ chức
công chuyện chu đáo hơn, sao cho có một quầy rượu tươm tất, hãy yêu cầu công tước và ông... đây. Vâng, thưa
ông, ông thực sự không thể bỏ chúng tôi ngay lúc chúng tôi cố gắng hàn gắn mọi chuyện (Anh ta nói với tôi,
đoạn lại quay sang bà Lembke). Và sau rốt, bà phải cặp tay quan tổng đốc xuất hiện. Nhân tiện, tôi muốn biết
sức khỏe của quan tổng đốc ra
sao?
Bà kêu than với xúc động không ngờ:
- Trời ơi, anh cứ có thái độ bất công, sai quấy, và công kích làm sao, đối với con người tuyệt diệu đó!
Bà đang cầm chiếc khăn tay sẵn sàng lau nước mắt dường như sắp sửa tuôn trào ra. Lúc đầu Piot’r dội ngược, và anh ta ấp úng:
- Nhưng tại sao? Tôi có khi nào? Tôi luôn luôn...
Anh chẳng bao giờ, chẳng bao giờ công bằng với ông ấy, hay thừa nhận bất cứ điều gì ông đã làm. Piot’r càu nhàu với cái cười méo xệch:
- Ôi, đàn bà mới khó hiểu làm sao!
- Ông ấy là người thực thà nhất, tế nhị nhất, một ông thánh sống! Ông ấy là người tử tế nhất trên thế gian này!
- Nhưng tôi có nói ông ấy không tử tế đâu? Tôi luôn luôn chấp nhận đúng mức lòng tử tế của ông ấy.
- Anh chưa hề bao giờ! Nhưng thôi, bỏ qua đi - tôi đã trình bày một cách vụng về. À, kế đến cái mụ nghiệp chủ
đầu tỉnh ngoài mặt làm bộ nhân nghĩa mà cũng chơi tôi mấy vố về cái vụ hôm
qua.
- À bà ta! Vâng, bà ta đang có khối chuyện lo, ngoài việc nói cạnh nói khóe về cái vụ hôm qua. Dù sao đi nữa
việc gì bà phải nghĩ ngợi bà ta có tới dự dạ hội hay không? Dĩ nhiên bà ta không rồi, vì chính bà ta dính
líu trong vụ tai tiếng nọ. Ngay như bà ta có thể không bị tội, nhưng danh giá của bà ta đã bị sứt mẻ và đôi
tay nhỏ nhắn của bà ta đã trót nhúng
chàm.
Bà Julia ngạc nhiên nhìn Piot’r:
- Anh muốn nói gì? Tại sao tay bà ta lại trót nhúng chàm?
- Vâng, tôi không thể bảo đảm là nó như thế, nhưng cả tỉnh đang thì thầm đồn đại rằng bà ta là người mối lái và
chủ mưu nội
vụ.
- Bà mối lái ai với ai? Và chủ mưu chuyện gì?
Piot’r giả bộ chưng hửng rất hay và kêu lên:
- Ủa, bà không biết à? Nicolai Xtavroghin và Liza chứ ai.
- Anh nói gì? Sao?
- Làm sao quí vị lại chưa nghe tới chuyện đó được? Thực sự như vậy! Liza quyết nhảy tuột từ xe của bà nghiệp
chủ đầu tỉnh qua xe của Nicolai và chuồn thẳng về Xcvoresniki. Chuyện xảy ra giữa ban ngày ban mặt, chỉ cách
đây một giờ. Nói cho ngay thì chưa tới một tiếng
đâu.
Chúng tôi choáng váng. Dĩ nhiên chúng tôi bắt đầu hỏi anh ta tới tấp, nhưng mặc dù anh ta tình cờ được mục kích cảnh tượng, anh ta cũng tỏ ra không có khả năng cho chúng tôi biết chi tiết về những gì đã xảy ra. Dường như sau buổi họp mặt văn nghệ, khi bà nghiệp chủ đầu tỉnh chở Liza và Mavriki về nhà (mẹ của Liza ở nhà vì chân đau lại), thì có một chiếc xe khác đợi sẵn cách cửa nhà Drozdov chừng hai mươi thước. Ngay khi chiếc xe trước vừa ngừng, Liza nhảy xuống và chạy đến chiếc xe kia mở sẵn cửa đón nàng. Trước khi cửa xe đóng lại, Liza chỉ vừa kịp la to với Mavriki: “Xa lánh tôi đi!” rồi chiếc xe chuyển bánh lao nhanh về phía Xcvoresniki.
Với những câu cật vấn của chúng tôi như: “Có phải tất cả được sắp xếp không?” và “Đúng thật là ai ngồi trong xe?”, Piot’r đã trả lời là anh ta không biết gì hơn nữa. Ôi, anh ta đã bảo chắc chắn là có sự sắp xếp tất cả, nhưng anh ta không thấy Nicolai đích thân ngồi đợi trong xe - có thể là người lão bộc Alecxei.
Khi bị hỏi dồn: “Làm sao chính anh có ở đó bấy giờ?” và “Sao anh có thể dám chắc là họ chạy về Xcvoresniki?” anh ta giải thích rằng anh ta chỉ đi ngang qua khi thấy Liza bước lên xe; rằng anh ta có chạy ào tới đó, nhưng không thể nhận ra ai khác trong xe (thật là khó tin nếu xét đến cái tính tò mò có tiếng của anh ta!) nhưng anh ta lại thấy rằng Mavriki Drozdov chẳng vội vã đuổi theo Liza, mà cũng không hề cố ngăn chặn nàng. Thực ra Mavriki còn ngăn bà nghiệp chủ đầu tỉnh đang vừa gào vỡ họng vừa chỉ về phía Liza:
- Cô ta chạy trốn với Nicolai! Cô ta chạy trốn với Nicolai!
Tới đây, tôi không còn giữ bình tĩnh nữa và quát lên với Piot’r:
- Anh chủ mưu tất cả, đồ lòng lang dạ thú! Anh đã bận rộn với nó suốt buổi sáng nay. Anh đã tiếp tay cho
Nicolai, và chính anh ngồi trong xe và kéo cô ta lên. Chính là anh, anh, anh! Bà Lembke ơi, bà hãy nghe đây,
anh ta là kẻ thù của chúng ta. Anh ta cũng đang cố làm hại bà đó, và bà nên coi
chừng.
Rồi tôi quày quả bước ra khỏi nhà.
Cho tới ngày hôm nay, tôi cũng không thể hiểu sao tôi lại la hét những lời như vậy với anh ta. Tôi còn ngạc nhiên với chính bản thân tôi. Nhưng sau này chuyện vỡ lẽ ra, tôi thấy lời buộc tội của tôi hoàn toàn đúng. Câu chuyện dựng đứng trắng trợn của anh ta về vụ tai tiếng Liza Nicolai làm anh ta lộ rõ chân tướng. Anh ta vừa tới là kể ngay chuyện đó, trình bày nó như thể là một mẩu chuyện mách lẻo sốt dẻo nhất, làm bộ như anh ta chắc chắn chúng tôi đã nghe biết nó rồi khi chưa có anh ta vậy; điều đó hiển nhiên là anh ta biết không thể nào có được, vì nó vừa mới xảy ra có nửa giờ trước đó. Hơn nữa, dù cho chúng tôi đã nghe biết rồi, hẳn là anh ta không thể nghĩ rằng chúng tôi lại giữ kín mãi cho đến khi anh ta cảm thấy thích khơi nó ra. Mà cũng không thể có sự cả tỉnh thì thầm về bà nghiệp chủ đầu tỉnh, cũng bởi vì biến cố vừa xảy ra quá gần. Hơn thế nữa, trong khi anh ta dọn cho chúng tôi câu chuyện bịa đặt đó, tôi chú ý thấy cái cười khinh khỉnh mãn nguyện hiện trên gương mặt anh ta một đôi lần, như thể anh ta hẳn cảm thấy đắc ý đã đánh lừa được một lũ khờ khạo như chúng tôi vậy.
Nhưng tôi đã không còn quan tâm gì tới anh ta nữa. Tôi nghĩ rằng đại để cái câu chuyện về biến cố tai tiếng phải có thật, và tôi trốn chạy một mạch khỏi nhà bà tổng đốc. Tôi thấy tai biến này như là chính của tôi. Tôi bị xúc động đến độ nước mắt chực tuôn tràn; quả thật vậy, có thể là tôi đang khóc không biết chừng. Theo trực giác tôi chạy thẳng ngay tới nhà ông Xtepan, nhưng lại một lần nữa ông già gàn này không để tôi vào. Chị Naxtaxia lễ độ thì thầm cam đoan với tôi là ông chủ của chị đang ngủ, nhưng tôi không tin được. Tại nhà Drozdov, tôi xoay xở hỏi chuyện các người ở, họ chỉ nghe nói Liza trốn theo trai, nhưng không rõ ngọn ngành, cả nhà nhớn nháo, bà chủ đau ốm đang ngất xỉu và Mavriki chẳng rời bà một giây. Tôi thấy không thể nào hỏi gặp anh được. Tôi dọ những người ở về Piot’r Verkhovenxki và họ kể là mấy lúc gần đây anh ta thường ghé vào nhà mỗi ngày, có ngày đến hơn một lần. Vụ tai tiếng làm họ buồn rầu, và họ nói đến Liza với vẻ kính trọng đáng kể. Rõ ràng tất cả đều thực lòng quí mến nàng.
Như vậy Liza hỏng cả đời, tôi không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng tôi vẫn không thể hiểu được khía cạnh tâm lí trong hành vi của nàng, nhất là sau cái cảnh giữa nàng và Nicolai ngày hôm trước. Dĩ nhiên tôi có thể ráng thu lượm thêm tin tức bằng cách chạy đôn đáo khắp thành phố và hỏi thăm những người quen biết chỉ trù mạt và bây giờ lấy làm hả dạ, mà trong đám họ ắt hẳn tin tức phải loan truyền khắp cả rồi; nhưng chính cái ý nghĩ đó lại làm cho tôi gớm ghiếc và tôi thấy nó chỉ làm hạ thấp phẩm giá Liza thôi. Lạ lùng làm sao, tôi chợt có ý nghĩ tới gặp Dasa. Nàng không tiếp tôi; thật vậy, nhà bà Varvara chẳng tiếp một ai kể từ ngày hôm trước. Dù sao tôi cũng không thể nghĩ ra sẽ nói gì với nàng nếu tôi được tiếp.
Sau đó tôi thử đến anh nàng. Satov im lặng bí xị ngồi nghe tôi kể. Tôi chú ý thấy anh có vẻ ảm đạm đặc biệt, dường như anh sẵn mối bận tâm và phải cố gắng lắm mới nghe được tôi nói. Khi tôi kể dứt, anh đứng dậy chẳng thốt một lời và bắt đầu bách bộ trong phòng, nện gót giày mạnh hơn bình thường. Chỉ khi tôi sắp bước xuống thang lầu, anh mới la to với theo từ trên đầu thang:
- Hãy đến gặp Liputin. Anh sẽ tìm ra mọi sự ở đó.
Tuy vậy tôi không có đến nhà Liputin. Đi chưa được nửa đường tôi liền quay trở lại chỗ Satov, đẩy hé cửa và đường đột hỏi anh, chẳng một lời giải thích: “Tại sao hôm nay anh không đi gặp Maria Lebiadkina?” Anh chỉ chửi thề để đáp lại và tôi bỏ đi. Tôi ghi chuyện này xuống đây kẻo quên, vì cùng đêm đó Satov lặn lội đến tận cuối tỉnh để gặp Maria mà từ lâu anh chẳng có thăm viếng. Anh thấy nàng cũng vẫn mạnh khỏe và vui vẻ như bao giờ. Còn Lebiadkin say như chết và đang ngủ li bì ở phòng bên. Lúc ấy đúng chín giờ tối, chính miệng anh nói với tôi như vậy khi tôi gặp anh ngoài phố ngày hôm sau. Trước mười giờ, tôi đã quyết định tới dự buổi dạ vũ, dù rằng không phải như một tiếp viên - tôi đã trả dải tua hành sự cho bà Lembke rồi - mà chỉ vì tính tò mò bất trị. Tôi muốn lắng tai (nhưng không đi quanh quẩn dò hỏi) để nghe dân chúng trong tỉnh nói gì về tất cả các biến cố đó nói chung. Và kế đến, tôi cũng muốn nhìn lại bà Julia fon Lembke, dù chỉ từ đàng xa. Tôi thấy có tội đối với bà khi trưa đã bỏ rơi bà như vậy.