Lũ Người Quỷ Ám - Chương 47
3
Trước tiên anh qua nhà Kirillov, bấy giờ chừng một giờ khuya, Kirillov đang đứng giữa phòng.
- Anh Kirillov, vợ tôi có con.
- Anh nói gì?
- Nàng vừa - nàng sắp sinh.
- Chắc không?
- Chắc, chắc mà, nàng đang chuyển bụng - anh biết đó. Cần một người đàn bà, bà già nào đó, tức tốc. Anh có thể
tìm cho một người không? Anh thường có khối bà
già...
Kirillov trầm ngâm nói:
- Chịu thôi, tôi không biết chửa đẻ. Tôi không muốn nói là tôi không thể chửa đẻ, mà còn không giúp gì được
trong việc chửa đẻ cả - không, không phải điều đó. Tôi muốn nói - không, tôi không biết cắt nghĩa làm
sao.
- Anh muốn nói là anh không biết đỡ đẻ chứ gì. Nhưng tôi không đòi hỏi như vậy. Tôi tìm một bà già, bất cứ
người đàn bà nào, một y tá, một người giúp việc - bất cứ kẻ
nào!
- Tôi sẽ tìm cho anh một bà già, nhưng ngay bây giờ thì không được. Có lẽ trong lúc này tôi có thể thay vì...
- Không thể được. Tôi phải rước cô mụ Virghinxcaia.
- Mụ chó chết!
- Đúng vậy, nhưng chị ta là mụ giỏi nhất ở đây. Ôi, tôi có thể thấy trước sự thể sẽ ra sao - chị ta lên mặt
khinh khỉnh và chửi thề nguyền rủa, chẳng chút cung kính và vui mừng trước một biến cố rất trọng đại và
huyền diệu: giờ phút chào đời của một con người mới. Ôi, nàng đã nguyền rủa hài nhi trước
rồi.
- Nếu anh cần, tôi có thể...
- Không, không, nhưng trong lúc tôi chạy đi - ôi, tôi sẽ lôi tuốt mụ Virghinxcaia tới đây! - Anh có thể tới nhà
tôi nghe ngóng giùm. Nhưng nhớ đừng vào. Anh có thể làm nàng hoảng sợ. Đừng có vào, dù có gì xảy ra đi nữa.
Chỉ nghe ngóng thôi. Dĩ nhiên, trong trường hợp cực kì khẩn yếu - thì mới nên
vào.
- Hiểu rồi. Đồng rúp nữa đây. Tôi định ngày mai mua con gà, nhưng nay đổi ý. Bây giờ dông đi - ba chân bốn cẳng
mà chạy. Cái ấm của tôi sẽ nấu suốt
đêm.
Kirillov không biết gì về số phận dành cho Satov; quả nhiên, anh không hề hay biết mảy may gì về sự hiểm nguy của Satov. Anh chỉ biết có chuyện chưa thanh toán giữa Satov và “những người nọ”. Dù rằng chính Kirillov đã dính dáng ít nhiều với những chỉ thị từ nước ngoài gửi về cho anh (những chỉ thị này khá mơ hồ, vì anh không hề có liên hệ chặt chẽ với chuyện gì cả), nhưng mấy lúc sau này anh ngưng thi hành bất cứ chỉ thị nào và, rút lui hoàn toàn, nhất là rút khỏi những vụ liên hệ tới phong trào chung, anh sống thuần túy trầm tư. Mặc dù trong buổi họp mặt tại nhà Erkel, Piot’r đã quyết định dẫn Liputin theo đến nhà Kirillov để chứng tỏ cho Liputin thấy rằng khi chuyện ngã ngũ Kirillov sẽ nhận hết trách nhiệm về “vụ Satov”, Piot’r không hề đả động tới tên Satov trong suốt câu chuyện. Dường như Piot’r không cho rằng mang vấn đề ra bàn bạc là khôn ngoan, và không chắc Kirillov sẽ chấp nhận. Vì vậy Piot’r dời lại tối ngày hôm sau, khi mọi sự xong xuôi và khi Kirillov thực sự cóc cần thế này hay thế khác. Ít nhất đấy là lí luận của Piot’r. Mặc lời bảo đảm của Piot’r, Liputin chú ý thấy tên Satov chẳng hề được nêu ra bao giờ, nhưng bấy giờ thần kinh anh căng thẳng tột độ và anh không còn tâm trí đâu mà phản đối.
Satov lao như cơn lốc trên đường Con Kiến, chửi thề sao nó dài thăm thẳm và thầm hỏi đến bao giờ nó mới dứt. Đến nơi anh phải gõ cửa nhà cô mụ thật lâu - mọi người trong nhà Virghinxki đã an giấc cả mấy giờ rồi. Chẳng chút do dự Satov bắt đầu đập cửa lá sách. Con chó giữ nhà trong sân điên tiết kéo dây xích và sủa cuồng loạn vang động. Chó những nhà khác trên đường hùa theo sủa lên loạn xạ.
Sau cùng, Satov nghe tiếng của Virghinxki ở cửa sổ.
- Sao lại gọi cửa như vậy? Cần gì?
Giọng này dịu dàng lạ lùng đối với một người bị đánh thức trên giường lúc nửa đêm. Cửa lá sách giương lên, rồi đến khung kính phần trên của cửa sổ. Có tiếng đàn bà tru tréo giận dữ:
- Tiên sư cha nó làm gì ầm ĩ thế kia!
Cái giọng quá sức tưởng tượng trong trường hợp này là của cô gái già chị vợ của Virghinxki.
- Dạ tôi đây - Satov. Vợ tôi đã trở về và nàng sắp sửa sinh...
- Kệ xác nó. Còn anh xéo đi.
- Tôi tìm chị Arina Virghinxcaia. Tôi sẽ ở đây đến khi nào rước được chị ấy mới nghe.
Cái giọng đầy ác cảm vẫn rít lên:
- Cô ấy không thể hầu ai cả. Cô ấy không làm đêm. Hãy tới gọi mụ Macseeva, và đừng làm náo loạn, tôi cảnh cáo
anh
đó.
Satov có nghe tiếng Virghinxki ráng ngăn chị, nhưng cô gái già này đang cơn thịnh nộ vẫn xua đuổi anh. Satov quát lại:
- Tôi nhất định không đi đó.
Cuối cùng Virghinxki đành hạ giọng nói với người chị:
- Xem nào - khoan đã, để tôi hỏi coi. Satov, anh đợi một chút. Tôi gọi Arina; nhưng đừng đập cửa và quát tháo
nữa. Ôi, thật khủng khiếp quá
chừng!
Sau năm phút dài dằng dặc, cuối cùng Arina Virghinxcaia hiện ra. Giọng chị phát ra từ cửa sổ:
- Vậy vợ anh đã về ở với anh à?
Satov ngạc nhiên thấy giọng của chị không chút khó chịu, chỉ trịch thượng thôi. Nhưng chị ăn nói thế đã quen thói mất rồi.
- Vâng, và nàng sắp sinh.
- Anh nói Maria?
- Maria chứ ai!
Im lặng một phút. Satov đợi chờ. Anh nghe thấy họ thì thầm với nhau trong nhà. Chị Arina Virghinxcaia lại hỏi:
- Vợ anh về bao lâu rồi?
- Hồi tám giờ tối nay. Chị lẹ lên cho.
Anh lại nghe họ bàn tán xì xào.
- Anh có chắc không? Có phải chính vợ anh bảo anh đến tìm tôi không?
- Vợ tôi không bảo tôi đến tìm chị; nàng chỉ cần một người đàn bà, một bà già nhà quê - ai cũng được. Nàng sợ
tôi tốn kém nhiều. Nhưng chị đừng ngại, tôi sẽ trả đàng
hoàng.
- Được rồi, tôi sẽ đến, dù anh có trả hay không. Tôi luôn luôn kính trọng đường lối suy tư độc lập của Maria,
mặc dù chị không thể nhớ biết tôi là ai. Anh có những thứ cần thiết
không?
- Chưa có gì hết, nhưng mọi thứ cần dùng tôi sẽ sắm đủ.
Trên đường tới nhà Liamsin, Satov nghĩ ngợi: “Hạng người như vậy mà có thể hào hiệp được kể cũng lạ lùng thật. Con người và niềm tin hoàn toàn khác biệt trên nhiều phương diện. Có lẽ ta đã xét đoán bọn họ bất công quá đáng! Mọi người đều có tội - tất cả chúng ta đều có tội và - a ha, nếu ai nấy đều đinh ninh được như vậy”.
Tại nhà Liamsin, Satov không phải đợi lâu, Satov ngạc nhiên thấy Liamsin tức tốc nhảy xuống giường, chỉ mặc áo ngủ, chân không chạy tới mở cửa sổ, chẳng ngại cảm cúm dễ như bỡn. Điều này thật lạ lùng đối với một người bo bo bảo vệ sức khỏe mình từng li từng tí và cứ tưởng tượng là mình dễ nhiễm đủ mọi bệnh tặt. Nhưng anh ta có một lí do đặc biệt để cảnh giác và gấp rút: sau cái hôm họp ở nhà Erkel, thần kinh Liamsin bị căng thẳng và anh ta không ngủ được; đầu óc anh ta lảng vảng sợ hãi những người khách bất chợt và bất đắc dĩ đến viếng. Anh ta đã lo ngại vô cùng khi nghe Satov có ý định chỉ điểm anh. Sau chót lại thêm tiếng đập cửa kinh hoàng như vậy. Anh ta quá sợ hãi khi thấy Satov, đến nỗi đóng sập cửa sổ lại cấp kì và chạy núp trong giường. Satov đập cửa sổ kêu gào dữ dội.
Liamsin thét lên dọa nạt, mặc dù tim anh ta đang đánh lô tô vì sợ:
- Đêm hôm khuya khoắt sao anh dám đến đây đập cửa như vậy?
Phải mất ít nhất hai phút lấy lại bình tĩnh trước khi anh quyết định mở cửa sổ lại, và đầu tiên anh phải coi cho chắc là Satov chỉ có một mình.
- Khẩu súng lục của anh đây - trả lại tôi mười lăm đồng rúp.
- Bộ anh say hay sao? Chuyện gì đây, ăn cướp à? Anh làm tôi sẽ bị cảm. Khoan, ít nhất để tôi khoác cái chăn lên
vai
đã.
- Đưa cho tôi mười lăm đồng rúp ngay, nếu không tôi sẽ ở đây la hét đập cửa tới sáng. Tôi sẽ đập tan tành cái
cửa
sổ.
- Tôi la làng và người ta bắt anh còng lại.
- Bộ anh tưởng tôi câm hay sao? Tôi cũng có thể gọi cảnh sát; và anh nghĩ coi ai phải sợ hơn ai, anh hay tôi?
- Chuyện anh tính làm thật đáng tởm! Tôi biết anh muốn ám chỉ gì. Trời ơi, đừng đập nữa, đừng - đừng. Nhưng ban
đêm ban hôm như vậy tôi đào đâu ra tiền! Và anh cần tiền làm gì vào giờ này, nếu anh không
say?
- Vợ tôi đã trở lại. Tôi chỉ đòi anh ít hơn giá tiền tôi đã mua của anh đến mười đồng, và tôi chưa hề bắn phát
nào. Lấy khẩu súng đi - cầm mau đi
không?
Chẳng nghĩ suy, Liamsin thò tay ra cửa lấy khẩu súng. Anh đứng cầm nó một giây, đoạn thình lình anh ló đầu ra cửa sổ và nói hổn hển như thể cơn run đang chạy suốt xương sống anh:
- Anh nói láo! Làm gì có chuyện vợ anh trở lại với anh. Anh chỉ tìm cách trốn khỏi tỉnh.
- Tôi chạy đi đâu? Đồ khùng. Chỉ có Piot’r của tụi bay bỏ trốn thì có. Để hắn chuồn; tôi thì không. Tôi vừa đi
rước mụ, chị Arina Virghinxcaia, và chị ta chịu tới. Vợ tôi đang cơn chuyển bụng, chúng tôi cần tiền. Trả
tôi mười lăm đồng
rúp.
Đầu óc tráo trở của Liamsin lóe lên muốn vàn cơ hội như cả một trời pháo bông rực rỡ. Bây giờ anh thấy mọi sự vật với màu sắc khác hẳn, nhưng dù sao nỗi sợ hãi cũng còn làm tê liệt lí luận của anh.
- Nhưng chuyện ra làm sao? Anh nào có sống với vợ anh đâu?
- Ăn nói như vậy, tôi đập vỡ đầu anh ra.
- Ôi, trời thần ơi, tôi xin lỗi. Tôi chỉ quá sửng sốt - nhưng giờ tôi hiểu rồi. Nhưng chị Virghinxcaia có thực
bằng lòng tới không? Anh bảo tôi là chị sẽ tới, phải không? Nhưng anh biết rõ là chuyện này không có thật.
Vậy anh thấy không, anh không bỏ được nói láo. Tính đó ăn vào tận xương tủy anh
rồi.
- Có lẽ chị ta đang ở với vợ tôi giờ này đây. Đừng để tôi đợi lâu. Tại anh ngu ngốc quá chứ đừng đổ lỗi tại tôi.
- Không phải vậy, tôi không có ngu đâu. Nhưng anh bỏ qua cho tôi, tôi thực sự không thể...
Và một lần nữa, anh không biết làm thế nào để tống khứ Satov khác hơn là đóng cửa sổ lại. Nhưng Satov hét lên đến nỗi Liamsin tức tốc ló đầu ra.
- Nhưng đây là sự vi phạm trắng trợn quyền công dân của tôi. Bây giờ anh đòi hỏi gì nào? Hãy trình bày yêu sách
của anh cho rõ ràng. Và anh hãy nhớ là anh trình bày chúng giữa đêm
khuya.
- Tôi đòi hỏi mười lăm đồng rúp, đồ ngu!
- Anh làm gì tôi nào, nếu tôi không muốn lấy khẩu súng lại? Anh không khiếu nại tôi được. Anh đã mua nó; chuyện
xong xuôi rồi. Hơn nữa, làm sao tôi chạy ra tiền cho anh, giữa đêm giữa hôm như vậy. Anh muốn tôi lấy ở
đâu?
- Tôi biết anh luôn luôn có tiền trong nhà. Tôi lại bớt anh mười rúp. Ai cũng biết anh là thằng hà tiện.
- Ngày kia, anh nghe, không - ngày kia, đúng mười hai giờ trưa, tôi trả anh không thiếu một xu nhỏ, chịu không?
Satov lại đập cửa.
- Bây giờ đưa tôi mười đồng, và mai, sáng sớm, năm đồng nữa.
- Ngày kia tôi đưa anh năm đồng, tôi thề là mai tôi không có được. Đừng nên đến, đừng nên...
- Đưa mười đồng đây, đồ hủi!
- Sao anh lại nhục mạ tôi vậy? Khoan, tôi phải đốt đèn. Coi này, anh đã làm bể kính!... Chưa từng nghe có ai
nửa đêm đến hành hung người thế bao giờ! Đây
này!
Liamsin đưa một tờ giấy bạc qua cửa sổ. Satov chộp lấy. Đó là tờ năm rúp.
- Tôi thề chỉ có bấy nhiêu. Anh có giết tôi, tôi cũng không có một xu mà đưa thêm. Tôi sẽ đưa hết cho anh đúng
ngày kia, chứ bây giờ tôi chịu, không đào đâu ra
được.
Satov gào lên:
- Tôi không đi!
- Được rồi, đây này, cầm đi. Nhưng tất cả có bấy nhiêu đó. Ngay như anh mà có la tét cả họng thì cũng có bấy
nhiêu thôi - bấy nhiêu, chỉ bấy
nhiêu!
Liamsin như bị lên cơn, tuyệt vọng và xuất mồ hôi hột. Những tờ bạc anh ta đưa cho Satov sau là giấy một đồng. Bây giờ Satov có trong tay bảy đồng.
- Chó má thật. Ngày mai tôi đến lấy nốt số tiền còn lại. Nếu không có tám đồng cho tôi, tôi đánh cho lòi phèo nghe không?
Liamsin nói lẹ, hổn hển:
- Nhưng mai sức mấy tìm tao có ở nhà, đồ ngốc.
Satov chạy đi; Liamsin la với theo:
- Này, khoan đã, đứng lại! Bây giờ anh hãy nói thật xem, vợ anh về ở với anh thật không? Làm ơn mà, tôi muốn
biết.
- Đồ ngu!
Satov nhổ nước miếng và chạy hết tốc lực thẳng một mạch về nhà.
4
Tôi phải lưu ý nơi đây là Arina Virghinxcaia chẳng biết chút gì về giải pháp được chấp thuận trong buổi họp ở nhà Erkel. Chồng chị về nhà chới với và chán nản, anh không dám hé môi câu chuyện đó. Tuy nhiên anh dằn lòng không được, mà phải kể ra lời cảnh cáo của Piot’r về ý định của Satov muốn chỉ điểm cả bọn; mặc dù, anh nói thêm, là anh không hoàn toàn tin Piot’r. Arina Virghinxcaia rất sợ hãi và đó là nguyên do chị chịu đi liền khi Satov đến rước, dù rằng chị mệt muốn chết, vì trọn đêm qua chị phải thức để đỡ một vụ sinh khó. Đầu óc chị luôn luôn tin tưởng rằng “đồ rác rưởi như Satov có thể làm bất cứ chuyện gì phản bội xã hội”; nhưng bây giờ sự trở lại của Maria làm thay đổi toàn thể bức tranh. Sự sợ hãi của Satov, giọng nói tuyệt vọng van lơn giúp đỡ chứng tỏ có sự biến đổi cảm nghĩ trong con người phản bội: một con người muốn phá tan chính mình để hủy diệt kẻ khác thì xem ra hay nghe chừng không thể nào như thế được. Và do đó Arina Virghinxcaia quyết định đích thân điều tra sự vụ. Quyết định này làm chồng chị vui sướng, thực vậy, anh chồng như thấy trút được gánh nặng trăm cân trên lưng. Anh còn bắt đầu hy vọng - Satov sẽ không xử sự như lời. Piot’r gán ghép cho.
Đúng như Satov mong mỏi, khi anh về Arina Virghinxcaia đã có mặt tại nhà với Maria. Chị vừa tới và đã mắng đuổi Kirillov đang lảng vảng dưới chân thang lầu. Chị lẹ làng tự giới thiệu với Maria, và Maria không nhớ ra chị. Chị thấy Maria bết bát nhất, nghĩa là tức giận, buồn nản và trong cơn “tuyệt vọng đớn hèn”; chị phải mất chừng năm phút mới chinh phục được thân chủ cố sức chống đối. Chị đang nói thì Satov bước vào.
- Tại sao chị cứ lải nhải không chịu tốn kém rước mụ. Thật là bậy bạ vô cùng, đó là ý tưởng sai lầm đối với trường hợp khác thường như chị hiện tại. Một bà già dốt nát cho chị quá lắm là năm chục phần trăm may mắn đến bờ bến an toàn khi gặp trúc trắc, và kế chị bị nhiều phiền hà hơn và tốn kém hơn là nhờ một cô mụ đắt giá. Hơn nữa, sao chị nghĩ là tôi ăn đắt. Chị có thể trả tôi sau, và tôi hứa không tính đắt chị đâu, trong khi tôi còn bảo đảm mẹ tròn con vuông. Với tôi, chị không có bề gì đâu. Tôi đã từng gặp nhiều trường hợp còn tệ hơn chị nữa kìa! Về phần đứa bé, nếu chị muốn tới có thể đưa nó vào viện dục anh ngày mai, và sau đó cho nó làm con nuôi một gia đình ở thôn quê là xong xuôi cả. Sau này khi chị cứng cáp, tìm nghề lương thiện làm ăn, và chẳng bao lâu chị có thể trả lại Satov chi phí ăn ở, mọi thứ tôn kém có là bao mà chị phải nghĩ ngợi.
- Không phải vậy - tôi không có quyển làm gánh nặng cho anh ấy.
- Đó là cảm nghĩ công dân rất phải lẽ, nhưng tôi bảo đảm với chị là Satov sẽ chẳng phải tốn kém mấy tí, nếu
phải chi anh ấy chịu bỏ cái thói lập dị của anh ấy và biết điều một chút xíu. Anh ấy chỉ cần đừng làm cái
trò điên rồ đập cửa nhà người ta và chạy khắp tỉnh la bài hãi. Nếu anh ấy không dằn lòng được, thì anh ấy cứ
réo hết bác sĩ trong tỉnh thức dậy, như anh ấy đã đánh thức cả lũ chó ở phố tôi. Chẳng cần tới bác sĩ - tôi
bảo đảm mọi sự, như tôi đã nói trước. Dù vậy, nếu chị muốn, có thể thuê bà già nào đó lau chùi chỗ ở - nó
chẳng tốn kém là bao. Và chính anh ấy có thể phụ giúp ít ra một lần, thay vì cuống cuồng như gà mắc đẻ. Anh
ta có chân có tay thì anh ta có thể chạy đi mua thuốc; và tôi không hiểu tại sao chị phải coi đó như là sự
bố thí và làm chạm lòng chị. Thế nào đi nữa, làm sao gọi nó là bố thí cho được, vì chính anh ấy đã đưa chị
vào tình cảnh này. Anh ấy đã làm cho chị gây gổ với gia đình thuê chị dạy trẻ con phải không? Anh ấy hành
động như vậy vì động cơ ích kỉ muốn lấy chị phải không? Chị biết, chúng tôi có nghe câu chuyện này. Dù sao
đi nữa, như tôi đã bảo với chị, anh ấy đến kêu gào tôi như một tên điên và làm náo động cả phố. Tôi không cố
ép buộc ai mướn tôi làm, và tôi đến đây với mục đích duy nhất giúp đỡ chị; trên nguyên tắc chúng ta tin
tưởng ở sự liên đới như tôi đã bảo với Satov ngay trước khi bước ra khỏi nhà. Tuy nhiên, nếu chị cảm thấy
chẳng cần tới tôi - được, xin kiếu. Tôi chỉ cầu mong chị không có gì trắc trở, ví bằng có đi nữa cũng dễ
tránh
lắm..
Và chị đứng lên khỏi ghế.
Maria đang ở trong tình huống tuyệt vọng vô cùng, trong cơn đau đớn dữ dội, và nói thật ra, rất sợ hãi sự lâm bồn sắp tới mà chị ta không có can đảm để phó mình vào. Nhưng thình lình chị ta cảm thấy ghét người đàn bà này: Arina Virghinxcaia đã hoàn toàn hiểu lầm lời nói và cảm nghĩ của chị ta. Hơn nữa, nỗi e rằng có thể chết vì tay của một người đàn bà thiếu kinh nghiệm lấn át mối ác cảm của chị ta. Và để bù lại phần nào, từ cái phút giây đó, chị ta trở nên làm tình làm tội và dữ dằn hơn đối với Satov. Chị ta còn quá lố đến nỗi cấm Satov nhìn chị ta, hoặc ngay cả việc quay mặt về hướng chị ta. Cơn đau của chị ta gia tăng. Tiếng chửi rủa của chị ta trở nên cuồng nộ hơn và chêm cả đôi tiếng tục tằn.
Arina Virghinxcaia liếc Satov và quyết định bất ngờ:
- Tôi tưởng chúng ta nên đuổi anh ấy ra ngoài. Anh ấy trông chẳng giống con gì, chỉ làm chị sợ anh ấy đến tái
nhợt như thấy ma! Chuyện đó ăn nhằm gì tới anh mà anh lại đau đớn, gớm chỉ hợm? Nực cười
không!
Satov không trả lời - anh đã nhất quyết không trả lời.
- Tôi thấy vô số người cha ngu ngốc điên đầu, nhưng ít nhất họ...
Maria thét lên:
- Thôi im đi. Thà bỏ mặc tôi chết ngoẻo còn sướng hơn nghe nói thêm một lời nào nữa. Tôi không muốn nghe - tôi
không, tôi
không!
- Không nói một lời nào thì không thể được, và chị sẽ hiểu, nếu chị còn tỉnh trí. Bởi vì tôi nghĩ là chị hiện ở
trong tình trạng đó, chứ chẳng phải không đâu. Ít nhất tôi phải nói tới những thứ cần. Tôi muốn biết chị có
sửa soạn sẵn đồ đạc gì chưa? Anh Satov, trả lời tôi đi, bây giờ chị ấy chẳng thể nào nói được
nữa.
- Chị cho tôi biết chị cần thứ gì?
- Thế nghĩa là chưa có sửa soạn gì hết.
Arina Virghinxcaia bảo cho anh tất cả những thứ chị cần; nói cho ngay, chị chỉ đòi hỏi những gì thiết yếu, tối thiểu không thể thiếu. Satov có đôi thứ. Maria đưa chìa khóa va li cho Satov lấy vài thứ. Tay anh run cầm cập đến nỗi phải mất hồi lâu mới mở được chiếc khóa lạ. Maria nổi cáu, nhưng khi Arina Virghinxcaia vội vàng đến giật lấy chìa khóa khỏi tay anh, thì Maria la hét thất thanh cấm chị đụng tối chiếc vali và nằng nặc đòi đích thân Satov làm mới nghe.
Với đôi món đồ, Satov phải chạy xuống nhà Kirillov, nhưng vừa khi anh bước ra khỏi cửa thì Maria điên cuồng cất tiếng gọi giật anh lại ngay, và chỉ sau khi anh quay lại giải thích là anh chỉ bỏ đi một phút thôi chị ta mới dịu lại.
Arina Virghinxcaia cười bảo:
- Thưa bà, phải nói là khó mà làm vừa lòng bà. Phút trước thì anh phải day mặt vào vách và bị cấm nhìn chị, mà
phút sau thì anh ấy không được rời chị một giây còn không thì chị khóc như mưa bấc. Rồi đây chị sẽ thấy như
vậy thì rốt cuộc đâm ra tơ tưởng mất. Được rồi, được rồi, có gì đâu, tôi nói đùa
thôi.
- Anh ấy sức mấy mà dám tơ tưởng.
- Liu liu mắc cỡ - Tôi nói cho chị biết nếu anh ấy không si chị đến ngang đây này, thì anh ấy làm sao chạy đôn
đáo khắp phố với ba tấc lưỡi la hét như điên và làm náo động lũ chó cả tỉnh. Còn tại ngôi nhà tôi, anh ấy
đập bể luôn cả khung kính cửa
sổ!