Lũ Người Quỷ Ám - Chương 46
Chương Năm
NGƯỜI ĐÀN BÀ PHIÊU LINH
1
Chuyện tai biến của Liza và vụ hạ sát Maria Lebiadkina làm Satov chới với thực sự. Như tôi đã nói ở trước, tôi bắt gặp anh sáng nay và trông anh như kẻ mất hồn. Sẵn dịp, anh có cho tôi biết buổi chiều hôm qua, khoảng chín giờ - nghĩa là ba giờ trước khi vụ hỏa hoạn xảy ra - anh có lại thăm Maria Lebiadkina. Sáng hôm nay, anh đến nhìn qua xác các nạn nhân, nhưng theo như tôi biết thì anh chẳng khai một lời với cảnh sát. Tuy nhiên trước khi ngày tàn, bão tố nổi dậy trong lòng anh, và tôi có thể nói chắc rằng lúc sẩm tối anh bồn chồn muốn đi nói ra mọi sự. Chỉ anh mới có thể nói ra “mọi sự” đó là cái gì, nhưng dĩ nhiên anh sẽ không làm nên được gì, và chỉ khiến người ta thêm nghi ngờ. Anh không có một bằng cớ nào rõ rệt khả dĩ giúp giải quyết cái tội ác mới phạm, bởi vì chính anh chỉ có những phỏng đoán mơ hồ và riêng anh coi là đủ kết thành điều chắc chắn. Nhưng anh có ý muốn hiến thân để nhìn thấy cái bọn mà anh gọi là “lòng lang dạ thú” bị đập tan. Piot’r đoán đúng phần nào tính bột phát của Satov, và chính Piot’r biết rằng hoãn thi hành kế hoạch ghê gớm kia lại một ngày thì liều lĩnh vô cùng. Piot’r biểu dương ở đây lòng tự tin hằng có vào khả năng của riêng mình vượt thắng mọi tình thế và sự khinh thị vô biên đối với tụi “mấy dăm hơi” mà hắn đang đối phó nói chung, và đối với Satov nói riêng. Hắn đã khinh nhờn từ lâu, sự khóc nhè xuẩn động của Satov, như hắn thường nói trong những ngày hai người còn sống ở ngoại quốc, và hắn tin chắc tài sức của mình đủ đương đầu tên khù khờ này, nghĩa là trông chừng nó suốt ngày và ngăn chặn bất cứ hành vi nguy hiểm nào từ lúc mới chớm. Thực ra, cái trường hợp cứu thoát - ít nhất được một lúc - lũ mà Satov gọi là “lòng lang dạ thú” và những tên anh muốn đập tan, không một ai trong bọn ngờ tới chút nào.
Khoảng bảy tám giờ chiều, lúc các tổ viên sốt ruột của tổ năm người trong tỉnh chúng tôi đang tức giận trông đợi Piot’r tại nhà Erkel, thì Satov, nhức đầu và hơi sốt, nằm dài trên giường trong bóng tối đen kịt. Anh bị giày vò bởi cơn phẫn nộ và không biết phải làm gì. Anh thấy mình quyết định đó, rồi lại không thể được và anh chửi thề, đồng thời thấy dù sao đi nữa cũng chẳng đi tới đâu. Tuy nhiên, anh chìm dần trong giấc ngủ chập chờn với cơn ác mộng. Anh thấy mình bị trói chặt nằm trên giường không nhúc nhích được, trong lúc ấy tiếng đập chan chát vào hàng rào, vào cổng, vào chái lều của Kirillov ở trong sân, và vào cửa phòng anh, làm rung động cả nhà; và từ cõi xa xăm vọng tới một giọng quen thuộc yếu ớt đang gọi tên anh. Anh chợt tỉnh và ngồi dậy. Anh ngạc nhiên thấy tiếng đập cổng còn tiếp tục, và mặc dù không đến nỗi chan chát như trong mộng, nhưng cũng khá mạnh và khẩn thiết. Anh cũng nghe cái giọng quen thuộc ngoài cổng, mặc dù nó không phiền muộn như trong mộng nhưng bồn chồn và bực dọc, ngắt quãng bởi một giọng khác ôn tồn hơn. Anh đứng dậy, đi tới mở cửa sổ ra. Anh hỏi, cứng người lên vì sợ:
- Ai đó?
Tiếng trả lời từ dưới cổng vang lên, khó chịu và bồn chồn:
- Satov, có phải anh đấy không? Làm ơn giùm tôi, anh hãy nói thật lòng cho tôi biết rõ là anh có tiếp tôi
không?
Không còn nghi ngờ gì nữa! Anh nhận ra giọng nói rồi!
- Maria, em đó à?
- Phải, tôi chứ ai - Maria Satova - báo cho anh biết là tôi không thể giữ xe đợi lâu thêm một phút nữa đâu.
Satov thốt lên yếu ớt:
- Đợi tí xíu - anh đốt đèn cái đã.
Anh chạy đi tìm hộp diêm. Trong những trường hợp như - vậy anh thường không tìm ra nổi. Anh buông giá nến xuống sàn và ngay khi nghe cái giọng bồn chồn gọi lên nữa, anh thôi tìm liền và chạy ào xuống lầu như người điên, ra mở cổng. Anh mới tới cổng, Maria Satova ấn vào tay anh cái va li nhẹ bỗng bằng vải rẻ tiền có đính nút đồng và vừa nói:
- Làm ơn giữ cái va li giùm, để tôi tính với anh xe chết bầm này.
Rồi chị giận dữ chồm tới người đánh xe và hét lên:
- Nói cho anh biết, anh cố lấy thêm tiền tôi. Anh chở tôi qua những con đường dơ dáy làm mất thêm một tiếng
đồng hồ; đó là lỗi của anh, tại anh không tìm được con đường chó chết và cái nhà mắc dịch này. Vậy anh nên
lấy ba mươi xu cho anh - anh không được một xu nhỏ nào nữa
đâu.
- Thưa bà, nhưng, bà vẫn cứ nằng nặc quyết một đường “Thăng thiên” trong khi chúng ta cần tới đường Giáng sinh.
Đường “Thăng thiên” cách xa hàng dặm. Bà hãy nhìn con ngựa tôi xem, nó thở như ống khói tàu mà chẳng được
cái tích sự
gì.
- Ôi chao, đường Thăng thiên, Giáng sinh, giáng siếc, anh phải biết những cái tên chó chết đó hơn tôi chứ, anh
chạy xe trong tỉnh này mà. Hơn nữa, anh lại nói sai bét: lúc tôi thuê anh tôi bảo là nhà của Filippov và anh
nói biết. Dĩ nhiên anh có giỏi đi thưa tôi đi, nhưng bây giờ anh hãy để cho tôi yên
đã.
Satov vội vã móc tiền đưa thêm cho người đánh xe:
- Đây này, năm xu đó, cầm đi.
Maria Satova trừng mắt và nói:
- Đừng làm vậy! Đừng làm vậy, tôi bảo mà!
Nhưng người đánh xe ra roi và chiếc xe chuyển bánh, trong khi Satov nắm tay chị ta kéo vào cổng.
- Đi nào, lẹ lên em; bỏ qua đi. Coi này - em ướt như chuột lột! Cẩn thận nhé, cầu thang đây. Xin lỗi không có
đèn. Coi chừng, nấc thang đứng lắm, vịn anh, vịn chặt đi... phòng anh đây rồi. Xin lỗi không thắp đèn kịp.
Đợi một
chút.
Anh nhặt giá nến lên, nhưng anh tìm hộp diêm rất lâu. Maria đứng đợi bất động giữa phòng. Anh vui mừng reo lên, và thắp nến:
- Dữ không, đây rồi.
Maria đảo mắt nhanh một lượt khắp phòng, vừa tiến về phía chiếc giường vừa phật ý nói:
- Tôi nghe nói anh sống rất nghèo khổ nhưng tôi không thể ngờ được là tệ đến thế này.
Chị ta ngồi xuống giường, trông mệt lả người:
- Mệt ơi là mệt! Anh để cái va li của tôi xuống giùm và ngồi trên ghế đó. Được, tùy ý anh, nhưng anh đứng tôi
trông thấy mà mệt. Tôi sẽ phải ở đây với anh cho đến khi tìm được việc làm, vì tôi mù tịt cái tỉnh này và
không có đồng xu dính túi. Nhưng nếu tôi ở đây làm phiền anh, làm ơn nói ngay bây giờ đi - như một người
trung thực có thể làm. Thực ra tôi cũng có thể bán món đồ gì đó ngày mai để trả tiền thuê phòng ngủ. Chỉ có
vậy, trong trường hợp đó, tôi phải nhờ anh đưa tới khách sạn. Ồ, nhưng tôi mệt quá
rồi!
Satov bắt đầu run, giọng anh như van lơn, tay anh nắm lại:
- Không đâu em, sao lại đi khách sạn? Khách sạn nào? Sao, tại sao?
- Nếu không tới ở khách sạn, tôi phải có đôi lời giải thích với anh. Anh Satov, chắc anh nhớ là chúng ta đã
sống với nhau với tư cách vợ chồng già nửa tháng ở Thụy Sĩ, sau đó chúng ta xa nhau, tuy chẳng một lời qua
tiếng lại, nhưng đã gần ba năm rồi. Bây giờ tôi không muốn anh nghĩ rằng tôi trở lại để tiếp nối cái tình
xưa nghĩa cũ ngu xuẩn của chúng ta. Tôi đến đây để tìm việc làm, và nếu tôi chọn ngay cái tỉnh này bởi vì
tôi sống ở đâu cũng vậy thôi. Chắc chắn là tôi đến đây không phải để xin lỗi điều gì cả; và anh làm ơn đừng
lầm tưởng ngu ngốc như
vậy.
Satov nói lí nhí:
- Ồ, em đừng nói - em đừng nên nói...
- Nếu anh nghĩ được vậy, nếu may ra anh đủ văn minh hiểu biết tình huống, tôi xin mạo muội nói thêm rằng bây
giờ tôi đến thẳng với anh là vì tôi không bao giờ coi anh như một người đáng khinh - thực ra có lẽ anh khá
hơn “tụi chẳng ra
gì”.
Đôi mắt chị ta ánh lên. Có lẽ chị ta đã đau khổ quá nhiều với “tụi chẳng ra gì”.
- Tôi không có nhạo báng anh đâu, tôi nói thật đó. Khi nói thế, tôi coi anh là người đàng hoàng. Tôi nghĩ sao nói vậy, chẳng màu mè hoa mĩ, thứ tôi đại kị. Nhưng tầm phào tất cả, tôi luôn luôn yên trí là anh đủ khôn ngoan không làm phiền tôi. Bấy nhiêu đó tưởng cũng đủ. Tôi thực sự mệt lắm.
Chị ta nhìn anh chăm chăm, mệt mỏi và bối rối: Satov đứng gần vách đối diện với chiếc giường cách chị ta chừng năm bước. Anh rụt rè lắng nghe, nhưng gương mặt anh rạng rỡ lạ kì, một đời sống mới biến chuyển trong anh. Con người lực lưỡng và cục mịch này, thường xuất hiện với bộ mặt lông lá trước mọi người, nay thình lình trở nên yếu mềm và rực rỡ vui tươi. Có điềm bất thường và không ngờ khuấy động tim anh. Ba năm cách biệt và cuộc hôn nhân tan vỡ chẳng gây chút đổi thay trong tim anh. Trong suốt ba năm trường, có lẽ anh nghĩ không nguôi tới người đàn bà có lần nói với anh “em yêu anh” và vẫn còn thân thiết trong lòng anh từ đó tới nay. Anh giản dị và khiêm tốn kì cục, cho mình xấu xa thậm tệ, thù ghét cái bản mặt và tính nết của mình, và anh coi mình như loại quái thai có thể mang đi khắp nơi triển lãm trong các chợ phiên. Và vì ngần ấy thứ, anh quí chuộng sự chân thành hơn tất cả mọi sự, anh cuồng nhiệt trong những xác tín của anh, rụt rè, hãnh diện, hay cãi vã, và lầm lì. Ôi con người duy nhất từng yêu quí anh (anh luôn luôn tin tưởng như vậy) dù cho chỉ có nửa tháng, con người anh luôn luôn cho rằng cao hơn anh vô biên, mặc dù anh tỉnh táo đánh giá những lầm lẫn của chị ta; con người mà anh có thể tha thứ tất cả (điều này chẳng còn phải hỏi, thực ra, dưới mắt anh, anh luôn luôn là kẻ vô tội đối với chị ta - ồ, người đàn bà ấy, Maria Satova, lại đang ở trong nhà anh, lại ở với anh. Anh hoàn toàn không thể hiểu nổi hay tin tưởng được. Anh choáng váng, thật là đáng sợ hãi và đồng thời thật là sung sướng! Thật tự nhiên đến nỗi anh không thể nào - có lẽ anh không ước ao đến, và anh sợ phải - trấn tĩnh được xúc động. Nhưng khi chị ta bối rối và kiệt sức nhìn anh, anh chợt hiểu là người đàn bà mình yêu quí vô vàn đang đau khổ, và có lẽ chị ta đã bị đối xử tệ bạc. Tim anh se thắt, anh quan sát gương mặt chị ta với nỗi xót xa trong lòng: vẻ hồng hào của thời thanh xuân biến mất từ lâu trên gương mặt mệt mỏi của chị ta. Nhưng chị ta trông vẫn còn xinh và, đối với anh, chị ta vẫn đẹp như thuở nào.
Thực ra bây giờ chị ta chừng hai mươi lăm, vóc đáng khỏe mạnh và cao ráo (chị ta cao hơn Satov), tóc vàng hoe và dày, mặt trái xoan nhợt nhạt, đôi mắt tròn xoe đen nháy, giờ đây long lanh run rẩy. Cái bồng bột nhẹ dạ, khờ khạo, hiền lành của chị ta thuở xưa bây giờ bị thay bằng cái tính bẳn gắt, chua chát, và một thái độ khinh bạc mà chị ta chưa thích ứng hẳn và nó còn đè nặng trên người. Nhưng tệ hơn cả là chị ta đau yếu - anh có thể nhìn thấy rõ. Dù e dè đối với chị ta, anh cũng cuồng nhiệt lao nhanh tới giường và nắm lấy đôi tay của chị ta:
- Maria - em chắc mệt lắm - em đừng giận. Có lẽ em phải dùng cái gì mới được - ít nhất dùng trà. Trà làm lại
sức, em biết chứ. Em thử dùng trà nhé! Em bằng lòng
không?
- Có cái gì mà bằng lòng? Dĩ nhiên tôi bằng lòng. Anh vẫn ngớ ngẩn như trẻ con. Nếu có thể, anh cho tôi chút
trà. Nhưng phòng anh lại hẹp và lạnh lẽo làm
sao!
Satov trở nên bối rối vô cùng.
- Ờ... em đợi một tí... củi, củi, anh có mấy khúc đây... Anh có mấy khúc cây nhưng - đấy - em đợi một chút, anh
đi lấy đây, cả trà
nữa.
Anh quơ tay trông như thể với quyết định vô vọng, và anh chộp chiếc mũ.
- Anh đi đâu vậy? Thôi, tôi biết rồi, trong nhà không có trà phải không?
- Chỉ một phút thôi, sẽ có đủ hết. Anh... - Anh lấy khẩu súng trên kệ. - Anh đem bán hay cầm nó...
- Vô lối! Dù sao nó cũng mất nhiều thì giờ. Đây, anh không có sẵn thì cầm lấy tiền tôi này. Đây này, có tám
mươi xu. Tôi tin là tất cả tôi có bấy nhiêu. A, ở đây như cái nhà thương
điên.
- Thôi, thôi, em cất nó đi. Chẳng lâu lắc gì đâu. Anh chẳng cần cầm bán súng cũng có được.
Anh chạy qua gặp Kirillov. Bấy giờ chừng hai tiếng đồng hồ trước khi Piot’r và Liputin tới. Satov và Kirillov ở cùng trên khoảng sân, ít có tới lui với nhau và ngay khi đụng đầu, họ cũng không buồn chuyện trò hay chào hỏi nhau. Họ thực sự đã nằm kề bên nhau quá lâu ở bên Mỹ.
- Kirillov, nhà anh luôn luôn sẵn trà. Anh có trà và ấm, phải không?
Kirillov đang bách bộ tới lui trong phòng, như mỗi đêm anh thường làm. Anh dừng lại, và mặc dù chẳng lộ chút gì ngạc nhiên đặc biệt, anh cũng nhìn chằm chặp Satov, người khách tất tả thốt ra những lời đó.
- Tôi có trà, đường và ấm. Nhưng chẳng cần ấm làm gì - trà còn nóng mà. Anh ngồi xuống đi và cứ tự nhiên.
- Kirillov, chúng ta nằm kề bên nhau ở Mỹ... Vợ tôi vừa đến. Tôi - anh cho tôi chút trà - tôi cũng cần cái ấm
nữa.
- Nếu có vợ anh ở đây, anh cần cái ấm, được. Nhưng trở lại lấy ấm sau. Tôi có tới hai cái. Bây giờ anh cầm lấy
cái bình trà trên bàn kia kìa - còn nóng lắm. Lấy mọi thứ đi, lấy hết đường, lấy cho nhiều bánh mì - tất cả
những gì trên bàn. Tôi cũng có ít thịt bê nữa đây. Tôi có đồng rúp trong tủ
này.
- Cho tôi mượn nhé. Mai tôi trả lại. Ôi, anh Kirillov!
- Đó là người vợ anh ở, lúc bên Thụy Sĩ hả? Tốt lắm. Cách anh vội vã như thế này cũng tốt nữa.
Satov vừa cặp cái bình trà, vì tay anh cầm bánh mì và đường, vừa nói to:
- Kirillov! Anh Kirillov này! Nếu anh có thể - nếu anh có thể từ bỏ những ý nghĩ ngông cuồng và liệng những mê
sảng vô thần của anh - ôi, anh sẽ là một người tuyệt diệu vô
cùng!
- Tôi thấy anh vẫn còn yêu vợ, ngay cả sau chuyện xảy ra ở Thụy Sĩ. Sau cái vụ đó, như vậy tốt lắm. Bất cứ lúc
nào cần trà anh cứ tới, lúc nào cũng được, ban đêm tôi không ngủ. Cái ấm cho anh đó, cầm lấy đồng rúp, về
với vợ đi, tôi ở đây nghĩ về anh, về vợ
anh.
Maria dường như hài lòng việc trà mang về mau lẹ và chị ta thấy thèm vô cùng. Nhưng Satov không phải đi trở lại lấy thêm cái ấm trà nữa: chị ta chỉ uống có nửa tách trà, nhắp từng ngụm một, và nuốt một mẩu bánh mì nhỏ. Chị ta có vẻ bực dọc và ghê tởm chê món thịt bê. Satov đứng đợi rụt rè kề bên, nói:
- Maria, anh trông em không được khỏe.
- Dĩ nhiên tôi không khỏe. Anh làm ơn ngồi xuống đi. Trà ở đâu ra, vì rõ ràng là anh không có tí nào?
Satov mới kể vắn tắt về Kirillov. Chị ta có nghe qua về Kirillov trước rồi.
- Tôi biết, anh ta khùng. Nhưng, bấy nhiêu cũng đủ về anh ta rồi. Tôi biết còn có khối người điên khùng đần độn
trên đời này. Như vậy anh có đi Mỹ? À, đúng rồi, tôi có biết chuyện này, anh đã viết cho
tôi.
- Phải, anh viết ở Paris.
- Đủ rồi, anh làm ơn - nói chuyện khác, về tư tưởng, anh có phải là người theo chủ nghĩa Xlav?
- Anh à? Không đúng hẳn - nhưng vì không thể là người Nga, nên anh thành người theo chủ nghĩa XIav.
Satov nói với cái cười méo xệch, cảm thấy mình giống như một người cố ra vẻ ỷ nhị không đúng lúc và không đúng dịp.
- Nhưng anh không phải là người Nga ư?
- Không, anh không phải.
- Phi lí làm sao! Anh ngồi xuống đi, tôi van anh! Tại sao anh cứ lăng xăng lít xít khắp phòng? Anh cho là tôi
điên à? Rất có thể lắm. Có phải anh nói là trong nhà này chỉ có hai người ở
không?
- Ờ hai người, nhưng ở dưới lầu.
- Và cả hai bảnh gớm! Nhưng anh nói ở dưới lầu có nghĩa gì? Anh có nói ở dưới lầu phải không?
- Không, không có gì hết.
- Đừng nói “ không, không có gì hết”; anh cứ nói. Tôi muốn biết mà.
- Anh có ý muốn nói là chỉ có hai ta thôi, nhưng anh em Lebiadkin trước kia sống ở dưới.
- Chị ta đứng phắt dậy:
- Anh muốn nói là người đàn bà bị hạ sát hồi hôm? Ngay khi tôi vừa đặt chân đến tỉnh này, tôi đã nghe nói tới
chuyện đó trước tiên. Và có đám cháy ở đây nữa, phải
không?
- Phải. Và nếu anh tha cho chúng thì thật sai lầm.
Anh đứng dậy và bước tới lui trong phòng, vung tay như điên khùng. Nhưng Maria chẳng hiểu anh muốn nói gì cả. Nói chung, chị ta chẳng mấy để tâm đến lời anh nói; thực sự chị ta hỏi chỉ để mà hỏỉ, chẳng màng câu trả lời:
- Toàn là những chuyện đẹp mặt nhỉ. Tất cả thật đáng khinh! Ai nấy đều hèn hạ ti tiện. Nhưng anh làm ơn ngồi
xuống - bộ anh không nhận ra là anh làm tôi bực dọc đến thế nào
sao?
Chị ta hoàn toàn mệt nhoài và rũ rượi ngã đầu xuống gối.
- Xin lỗi em, Maria, anh sẽ đứng im. Nhưng em có thấy là em phải nghỉ đôi chút không?
Chị ta không trả lời. Chị ta rã rời và mắt nhắm nghiền. Gương mặt chị ta tái nhợt, trông hệt như một xác chết. Trong giây lát chị ta thiếp đi. Satov nhìn dáo dác, cắt tim ngọn nến, lo lắng nhìn lại lần nữa gương mặt người đàn bà đang ngủ, đan tay chắp trước ngực và rón rén bước ra khỏi phòng tới chỗ đầu cầu thang. Ồ đầy anh đứng trong một góc, áp mặt vào vách im lìm bất động như vậy độ một chặp. Anh sẽ đứng lâu hơn nếu không bất chợt nghe tiếng người bước rón rén lên lầu. Bây giờ anh mới nhớ ra mình quên khóa cổng.
Anh hỏi khẽ:
- Ai đó?
Người khách không trả lời, cứ tiếp tục chậm rãi leo lên. Người này dừng lại ở chỗ đầu thang, nhưng Satov không thể nhận ra ai trong bóng tối. Rồi thình lình người kia hỏi cặn kẽ:
- Có phải Ivan Satov?
Satov trả lời phải và dang tay chặn lối người kia, nhưng khách chụp lấy bàn tay Satov, và Satov thót người như thể chạm phải loài nhớp nhúa gớm ghiếc.
Satov hấp tấp nói với giọng thật khẽ:
- Đứng lại. Tôi không cho anh vào. Vợ tôi vừa mới trở về với tôi. Đợi đó, tôi bưng đèn ra.
Khi cầm đèn trở ra, anh thấy một người sĩ quan rất trẻ mà anh nhở mang máng đã gặp ở đâu rồi, nhưng anh không biết tên. Người sĩ quan tự giới thiệu:
- Erkel đây, chúng ta đã gặp nhau tại nhà Virghinxki.
Satov vừa bước tới vừa nổi khùng lên, nhưng vẫn khe khẽ nói:
- Nhớ rồi - anh ngồi và cắm cúi viết suốt buổi. Nghe đây. Anh ra dấu bằng cách nắm tay tôi khi nãy. Nhưng anh
biết chứ, tôi khinh bỉ tất cả những dấu hiệu này... Tôi không cần biết tới thứ đó; tôi không muốn dính líu
gì tới chuyện đó. Anh biết là tôi có thể quăng anh xuống lầu dễ như bỡn không, nếu tôi
muốn?
Erkel chẳng chút phật ý, trả lời một cách hiền hòa:
- Không, tôi không biết gì về điều đó cả, và tôi cũng không hiểu sao anh giận như vậy. Tôi mang tin cho anh,
tôi đến đây là vì vậy; và tôi chỉ mong sao không làm mất thì giờ. Anh có một máy in, không phải của anh
nhưng anh lại chịu trách nhiệm, như anh biết rõ đó. Tôi được giao phó tới báo tin với anh là ngày mai anh
bàn giao nó lại cho Liputin đúng bảy giờ chiều. Và người ta còn sai tôi nói với anh rằng chuyện này xong
xuôi sẽ không bao giờ phiền tới anh
nữa.
- Không bao giờ? Tuyệt đối không bao giờ. Lời yêu cầu của anh được chấp thuận và anh được ra khỏi Phong trào
luôn, vĩnh viễn. Tôi được chỉ thị là bảo đảm với anh chắc chắn về chuyện
đó.
- Ai ra chỉ thị cho anh?
- Những người cho tôi biết mật hiệu.
- Anh có đi nước ngoài về không?
- Điều đó... tôi thiết tưởng nó chẳng ăn nhằm gì tới anh.
- Nhưng, đồ chó chết, tại sao anh không đến sớm hơn nêu người ta bảo anh nói với tôi tất cả điều đó?
- Tôi phải tuân theo một số chỉ thị, và hơn nữa không phải chỉ có một mình tôi trong...
- Tôi hiểu rõ là không phậi chỉ có mình anh. Tôi biết mà. Nhưng mắc mớ gì mà Liputin không đích thân tới đây?
- Ngày mai tôi sẽ tới đây sáu giờ, và chúng ta cùng đi tới đó. Chỉ có ba chúng ta ở đó thôi.
- Còn Piot’r?
- Piot’r sẽ không có ở đó. Anh ấy sẽ đi khỏi tỉnh lúc mười một giờ sáng mai.
Satov nổi nóng rít lên, đấm tay xuống đùi.
- Tôi nghĩ không sai mà. Nó chuồn, đồ chó má!
Satov cực kì dao động. Erkel nhìn anh chăm chăm, nín thinh đợi chờ.
- Nhưng làm sao anh lấy nó được? Anh không dễ bưng nó lên và mang đi, anh biết chứ?
- Chúng tôi không phải làm như vậy. Anh chỉ chỗ cho chúng tôi, để chúng tôi biết chắc là nó có chôn ở đó là
được rồi. Anh biết không, chúng tôi chỉ cần biết đại khái nó ở chỗ nào. Hiện chúng tôi không biết nó ở đâu.
Anh có chỉ cho ai khác
không?
Satov buồn cười nhìn anh ta.
- Nhưng này - anh thật là trẻ con và một đứa trẻ con rất ngu si; anh húc đầu vào như con cừu dại dột. Nhưng người ta chỉ cần như vậy, bọn thanh niên hăng tiết như anh. Được rồi, anh về đi. Và đừng quên cái thằng chó má kia đã gạt gẫm đông đảo các anh và chuồn thẳng.
Erkel, ra vẻ không hiểu, im lặng và tỉnh khô nhìn Satov. Satov rít lên:
- Piot’r đã cao bay xa chạy! Nó để các anh ở lại lãnh đủ.
- Nhưng anh ta chưa đi mà. Anh ta chỉ dự định là mai thôi, - Erkel thuyết phục nhỏ nhẹ. Erkel tiết lộ, thật như
đứa trẻ khù khờ: - Tôi cố nài nỉ anh ấy tới chứng kiến; bởi vì tất cả mệnh lệnh cho tôi đều chuyển qua anh
ấy cả, nhưng bất hạnh là anh ấy từ chối và cắt nghĩa là anh ấy phải đi, và tôi biết rõ là anh ấy gấp rút
lắm.
Satov thương hại nhìn cái tên ngây ngô này lần nữa, đoạn anh nhún vai như thể muốn nói: “mặc xác chúng”. Anh bảo cộc lốc:
- Được rồi, mai tôi sẽ đến. Nào lặn đi - tôi bỏ vô đây!
Erkel lễ phép cúi đầu thưa:
- Mai tôi đến anh đúng sáu giờ.
Và Erkel vội vã xuống lầu. Satov không dằn lòng được, từ đầu thang nói vọng xuống:
- Con nít ke dại dột!
Erkel nói với lên:
- Cái gì?
- Không, đi đi.
- Tôi tưởng anh nói gì chớ.
2
Erkel là “con nít ke dại dột” thiếu đầu óc phán đoán, nhưng đầy thói hư tật xấu và thủ đoạn lại không thiếu. Anh ta cuồng tín và ấu trĩ dâng hiến hết mình cho Phong trào - đúng ra cho Piot’r, người ra chỉ thị cho anh ta hành động. Những chỉ thị này anh ta nhận lãnh trong buổi họp tổ năm người của tỉnh, khi những nhiệm vụ cho ngày hôm sau được quyết định và cắt đặt cho từng người. Piot’r giao Erkel làm liên lạc viên, và đã kéo anh ta ra chỗ riêng dặn dò chừng mười phút đồng hồ. Thi hành mệnh lệnh là một nhu cầu tối cần của bản tính nông cạn không suy nghĩ của Erkel, tự thâm tâm chỉ khát khao tùy thuộc vào ý chí kẻ khác. Ôi, ý chí chẳng cần phải nói, nó có thể chỉ khoác áo “lí tưởng chung vĩ đại” nào đó - nhưng lí tưởng nào cũng được. Hạng tốt đen cuồng tín như Erkel không thể hiểu nổi cái lí tưởng mà họ cho là phục vụ, nếu không đồng hóa nó với con người mà theo họ là hiện thân của lí tưởng. Chú bé con dễ cảm, tử tế, dịu dàng này có lẽ là kẻ sát nhân lạnh lùng nhất tấn công Satov. Anh ta có thể nhúng tay vào máu mà chẳng cần thù oán cá nhân, và chẳng chút run tay. Trong lúc này Erkel được căn dặn khi đến báo tin cho Satov anh ta phải tìm hiểu những thói quen của Satov càng nhiều càng tốt. Lúc Satov tiếp Erkel ở đầu thang và buột miệng về chuyện vợ mình mới trở về, Erkel đủ quỉ quyệt chẳng để lộ chút quan tâm thêm trong chuyện này, mặc dù đầu óc Erkel lúc ấy vụt lóe lên ý nghĩ là sự có mặt của vợ Satov ảnh hưởng lớn vào thành công kế hoạch của bọn họ.
Và quả thế, chỉ có sự trở về của Maria mới làm Satov đình chỉ thi hành ý định của anh. Đồng thời, nó cũng giúp bọn kia “trừ khử” anh. Khởi đầu là sự có mặt của vợ làm Satov rối loạn, không e dè, mất thận trọng và linh tính về mối hiểm nguy. Đầu óc anh quá nhiều bận rộn để nghĩ tới sự an lành cho chính mình. Anh chỉ ngạc nhiên khi hay tin Piot’r đã quyết định bỏ trốn, bởi vì điều này phù hợp với sự ngờ vực từ lâu của anh. Anh trở vào phòng, ngồi chống tay lên đùi, vùi mặt vào lòng bàn tay trong một góc. Những ý tưởng cay đắng xâu xé lòng anh.
Thỉnh thoảng anh ngẩng lên, đứng dậy, rón rén lại gần giường và nhìn vợ. Anh nghĩ: “Trời ơi, nàng sẽ lên cơn sốt kinh khủng sáng mai. Cơn sốt đã bắt đầu rồi không chừng. Chắc chắn là nàng phải cảm lạnh. Nàng nào có quen với khí hậu khủng khiếp này, nàng cũng đâu có quần áo ấm - chỉ chiếc áo mỏng dầm mưa dãi gió. Mà lại đi toa hạng ba mới khổ chứ! Sao người ta có thể bỏ rơi nàng như vậy, chẳng chút chi đỡ đần! Còn cái va li, nhỏ xíu, nhăn nhúm chừng năm cân là nhiều! Thảm thương thay, nàng quá rã rời. Nàng phải trải qua biết bao nhiêu mà kể! Nhưng nàng vẫn kiêu hãnh và chẳng chút oán than. Nhưng nàng rất cáu kỉnh. Đó là vì đau yếu - ngay như thần thánh cũng cáu kỉnh khi đau yếu huống chi người. Ta tưởng chừng như trán nàng phải khô nóng đến độ nào - đôi mắt thâm quầng - và, bất chấp ngần ấy thứ, gương mặt trái xoan thanh tú của nàng vẫn mĩ miều làm sao với mái tóc dày vẫn đẹp đẽ..”.
Và anh vội quay mặt đi, bước ra xa, dường như sợ sệt chính cái ý nghĩ phải nhìn thấy chị ta khác hơn là một sinh vật mòn mỏi, đáng thương mà anh phải giúp đỡ. Không, không, anh không được mơ ước gì ở chị ta. Ôi, đàn ông là một con vật ti tiện đáng khinh thay! Anh trở lại ngồi xuống chiếc ghế trong góc phòng, lại vùi mặt vào lòng bàn tay, lại hồi tưởng và trầm tư - những mơ ước lại nhảy múa trong đầu óc anh.
Tiếng nói yếu ớt và lạc giọng của chị: “Ôi, tôi mệt quá!” còn vang trong tai anh. Trời hỡi, sao con người đàn ông đó có thể bỏ nàng như vậy! Trong chiếc ví bé bỏng cũ kĩ của nàng vẻn vẹn tám mươi xu! Nàng về tìm việc làm, nàng có biết gì về việc làm đâu? Họ nghĩ nước Nga là gì? Nhưng tất cả họ đều giống như những con trẻ thơ ngây; họ sống trong một thế giới sản phẩm của trí tưởng tượng mình! Và bây giờ, người đàn bà khốn nạn này đang nổi giận bởi vì nước Nga khác xa với điều nàng ở nước ngoài đã mơ mộng về nó. Ôi, những con người thơ ngây đáng thương! Nhưng tôi phải nói, ở đây lạnh thực sự.
Anh nhớ lại lời Maria than lạnh và anh đã hứa đốt lửa... “Củi sẵn trong nhà đây, ta có thể đi lấy, phải ráng tránh động chạm đánh thức nàng. Còn món thịt bê chẳng biết làm sao đây? Khi nàng thức, nàng có thể muốn ăn. Được rồi, ta sẽ liệu sau. Kirillov thức trọn đêm. Lấy gì đắp cho nàng đây? Nàng ngủ say quá, nhưng ta chắc nàng phải lạnh lắm!”
Anh đến gần giường và nhìn chị ta lần nữa. Chiếc váy của chị ta bị kéo lên một chút để lộ chân phải tới đầu gối. Anh lẹ làng quay chỗ khác, gần như khiếp đảm; anh vội vã cởi chiếc áo choàng nặng nề ra, chỉ còn mặc áo chẽn sứt chỉ, đắp cho chị ta, tránh nhìn da thịt chị ta để lộ.
Nhóm lửa, đi rón rén, nhìn người đàn bà ngủ, mơ mộng trong góc phòng, lại nhìn người đàn bà ngủ - tất cả chiếm hết thì giờ. Đôi ba tiếng đồng hồ lướt qua; trong lúc đó Piot’r và Liputin có thời giờ tối, gặp Kirillov, và ra về. Sau cùng, khi Satov thiếp đi trong góc phòng, chị vợ mơ ú ớ, thức giấc, và gọi anh. Anh nhảy tới, cảm thấy như mình là một tội phạm.
- Maria em, anh hối lỗi vô cùng. Anh ngủ thiếp đi - ôi, anh thực là trâu bò, em Maria....
Chị ta ngồi dậy và ngạc nhiên nhìn chung quanh, dường như cố nhớ ra chị ta đang ở đâu. Rồi thình lình chị ta quạu cọ vô cùng.
- Tôi nằm trên giường anh rồi ngủ thiếp đi bởi vì tôi mệt muốn chết. Nhưng tại sao anh chẳng đánh thức tôi dậy?
Tại sao anh dám nghĩ là tôi muốn làm phiền lụy
anh!
- Nhưng anh không thể đánh thức em dậy được.
- Anh có thể làm và lẽ ra anh phải làm! Anh chẳng có chiếc giường nào khác, mà tôi lại giành giường anh. Anh
không có quyền đẩy tôi vào cái thế sai quấy như vậy. Bộ anh cho là tôi đến đây lợi dụng từ tâm của anh sao?
Tôi yêu cầu anh trở lên giường ngay tức khắc! Tôi sẽ ngả mình trên mấy cái ghế trong góc
phòng.
- Nhưng anh không có đủ ghế, và hơn nữa anh không có gì để lót lên trên...
- Được rồi, có sàn đây. Nếu tôi không ngủ dưới sàn thì anh cũng phải ngủ dưới đó. Tôi muốn xuống dưới sàn ngay
bây giờ - ngay bây
giờ!
Chị ta đứng dậy và cố cất bước, nhưng một cơn đau đớn quặn người làm tan rã quyết định của chị ta và quét sạch tàn lực nơi chị ta. Chị ta đau đớn rên lên, rơi phịch xuống giường. Satov vội chạy tới. Maria úp mặt xuống gối, nắm lấy bàn tay anh siết vặn tuyệt vọng. Chuyện xảy ra chừng một phút.
- Em Maria, có bác sĩ quanh đây. Bác sĩ Eranxel, bạn rất tốt của anh. Để anh chạy đi rước.
- Tầm phào.
- Sao lại tầm phào? Em đau ở đâu? Để anh chườm cho em nhé? Chườm ở bụng à? Anh làm được mà, khỏi cần bác sĩ.
Hay dán cao được
không?
Chị ta ngước đầu nhìn anh đăm đăm và hỏi một cách lạ kì:
- Làm sao thế này?
Satov hỏi, bối rối:
- Gì, em? Em hỏi gì? Maria em, ôi, anh mất trí rồi; anh chẳng hiểu chuyện gì nữa. Anh xin lỗi em, Maria!
Chị ta gắt lên cay đắng:
- Ôi, hãy để tôi yên nào. Anh có biết gì đâu, lại có phải chuyện của anh nào cho cam. Thực ra, cũng tức cười
quá... Này, anh nói cái gì đi chứ - đi tới lui trong phòng và nói đi; đừng đứng đó nhìn tôi chăm chăm như
vậy. Tôi nói với anh lần này là lần thứ năm trăm
rồi!
Satov cất bước quanh phòng, mắt ngước lên trần, anh ráng hết sức để khỏi nhìn chị ta.
- Có - có - xin em bớt nóng giận, xin em - có thịt bê và trà - gần đó. Em mới ăn có mấy miếng....
Chị ta nóng nảy, xua tay và Satov cắn môi một cách tuyệt vọng.
- Anh Satov, tôi định mở tiệm đóng sách ở đây, đặt trên những nguyên tắc hợp tác xã bình đẳng. Anh sinh sống ở
đây, ý anh thế nào? Liệu có thành công
không?
- Ở tỉnh này ít người đọc sách, vả lại kiếm đỏ con mắt mới ra một quyển quanh đây. Và dù họ có một quyển sách,
họ cũng chẳng vội gì đem nó đi đóng bìa
đâu?
- Họ là ai?
- Độc giả trong tỉnh - dân địa phương nói chung.
- Này, ăn nói cho rõ ràng. Làm sao tôi có thể biết anh muốn ám chỉ “họ” là ai? Anh không thể học nói cho đúng
phép tắc
à?
Satov lẩm bẩm:
- Đó là tinh thần của tiếng nước ta.
- Ôi chao, tinh thần chó chết gì, anh làm tôi phát mệt. Sao độc giả hay dân chúng lại không đem sách đóng bìa?
- Bởi vì đọc sách và đem sách đóng bìa là hai trình độ khác nhau trong sự phát triển văn hóa, hai giai đoạn
phân biệt hẳn hoi. Trước tiên, dần dần con người thâm nhập thói quen đọc sách. Người ta tiêm nhiễm rất là
chậm. Phải mất hằng thế kỉ, và suốt thời gian này người ta quăng sách lung tung và xé rách, không cho chúng
là vật trang trọng. Còn đóng bìa sách là dấu hiệu kính trọng quyển sách, con người không những hưởng thú đọc
sách mà còn coi sách là vật trang trọng. Toàn thể nước Nga chưa đến trình độ thứ hai đó, nhưng ở Âu châu
người ta đã đóng bìa sách từ lâu
rồi.
- Dù rằng anh nói như nhà mô phạm, nhưng cũng có lí và làm tôi nhớ con người anh ba năm về trước. Khi đó lắm
lúc anh cũng nói nhiều câu thông minh lắm. Chị ta khen tặng anh với giọng khinh nhờn như khi chị nổi cáu.
Satov xúc động sâu xa và
nói:
- Maria em, ba năm qua biết bao vật đổi sao dời! Anh nghe nói rằng em khinh thị anh vì anh đã thay đổi ý kiến.
Nhưng anh đã từ bỏ những con người nào? Những kẻ thù nghịch của mọi sự sống đích thực; những tên tự do cổ
lỗ, sợ độc lập; lũ nô lệ tư tưởng; những kẻ thù của tự do cá nhân, những tên thuyết giáo cằn cỗi của sự chết
và rữa nát! Họ có gì dâng hiến cho đòi? Sự cằn cỗi, ba phải; sự tầm thường của bọn tiểu tư sản giả hình
nhất; sự bình đẳng đặt nên tảng đố kị; và sự bình đẳng thiếu vắng niềm kiêu hãnh cá nhân, như thể cái quan
niệm của bọn tôi tớ của nước Pháp năm 1793110. Và tệ lậu nhất, bọn chúng chỉ là bầy heo không hơn không kém,
cả một lũ xấu xa đần
độn.
Maria thốt lên và thình lình quặn mình dưới cơn đau:
- Ờ, hiển nhiên có khối bọn heo xấu xa quanh đây.
Chị ta nằm duỗi ra, im lìm, dường như sợ cử động, đầu nằm nghiêng trên gối hơi ngả về sau, đôi mắt sốt nóng mệt mỏi nhìn đăm đăm lên trần, mặt tái nhợt và môi khô rang.
Satov kêu lên:
- Bây giờ em đã biết ra rồi!
Chị ta cố gắng lắc đầu không nhận, nhưng sự ráng sức làm cơn đau quặn thắt. Chị ta lại úp mặt xuống gối và bấu tay Satov cả phút đồng hồ - anh đã hốt hoảng chạy tới bên chị ta.
- Maria em, không chừng nghiêm trọng lắm đó em!
Chị ta quay lại quát Satov như điên loạn:
- Im ngay - mặc tôi, tôi không cần! Đừng nhìn tôi với bản mặt ngớ ngẩn xót thương của anh. Đi đi, đi tới đi lui
và nói chuyện
đi!
Satov bấn loạn lí nhí nói chẳng nên lời. Chị ta nóng nảy gạt ngang, miệt thị:
- Anh sống bằng cách gì ở đây?
- Anh làm công cho tiệm buôn. Em biết không, nếu anh để tâm kiếm tiền, ngay như ở đây anh cũng có thể kiếm khối
ra.
- Vậy tốt cho anh...
- Maria, anh không có ý muốn nói gì đâu. Anh nghĩ sao nói vậy.
- Anh còn làm gì nữa? Bây giờ anh giảng đạo gì đây? Tôi biết thừa anh không thể sống mà không giảng đạo. Bản
tính anh vậy
mà.
- Maria. Anh đang rao giảng là có Chúa.
- Mà chính anh lại không tin ở ngài? Đó là điều tôi không bao giờ có thể hiểu được.
- Thôi, hãy tạm gác chuyện đó lại sau này.
- Ả Maria Lebiadkina thuộc hạng nào?
- Chuyện đó cũng vậy, thủng thẳng chúng ta sẽ bàn sau.
- Sao anh dám gạt phắt tôi đi như vậy? Có phải những tên đó phải chịu trách nhiệm về cái chết của ả ta không?
Satov rít lên:
- Hẳn rồi.
Đột nhiên Maria cất đầu và thét như người lên cơn:
- Tôi cấm anh nói chuyện đó với tôi. Tôi cấm, nghe không?
Cơn đau lại quặn thắt toàn thân, chị ta buông đầu xuống gối. Đây là lần thứ ba và lần này đau hơn hết - rên rỉ trở thành tiếng thét.
- Tôi chịu anh hết nổi!
Chị ta oằn oại, lăn lóc trên giường, không còn ngại rằng điều này làm cơn đau càng thêm dữ dội hơn, và chị ta xô Satov đang đứng bên ra xa.
- Maria, em bảo gì, anh sẽ nghe theo. Anh đi lại tới lui và nói chuyện nhé!
- Ui chao, chó chết, anh không biết nó đã bắt đầu à?
- Cái gì bắt đầu, em?
- Làm sao tôi biết được? Bộ anh tưởng là tôi biết nhiều về những chuyện này à? Ui chao, mồ tổ nó từ lúc đầu,
chuyện chó
chết.
- Nhưng Maria, em bảo nó đã bắt đầu... vậy chắc anh nên... anh làm gì nào, hả em?
- Anh vô tích sự, chỉ giỏi nói chuyện trên trời. Trần gian này toàn là địa ngục!
- Maria, em...
Satov tưởng chị ta trở nên điên thật. Chị ta ngồi dậy, nhìn anh chằm chặp, mặt chị ta nhăn nhó thù hằn.
- Thực anh không biết tôi sắp sinh hay sao? Tôi nguyền rủa đứa con từ lúc nó chưa chào đời.
Đột nhiên Satov nhận ra sự tình.
- Maria em! Nhưng sao em không nói với anh từ trước?
Anh trấn tĩnh và chụp lấy chiếc mũ với vẻ cương quyết vô cùng.
- Làm sao tôi biết được khi tôi tới đây? Bộ anh nghĩ là tôi biết trước nên tôi mới tới đây hay sao? Người ta
cam đoan với tôi ít nhất phải mười hôm nữa mới tới ngày. Nhưng bây giờ anh đi đâu? Tôi cấm
anh!
- Đi rước bà mụ. Anh bán cây súng. Trước tiên phải có tiền đã.
- Đừng kêu mụ, anh nghe chứ! Chỉ cần một người đàn bà - một bà già được rồi. Có tám mươi xu trong ví - anh lấy
đi. Đàn bà nhà quê xoay xở cũng xong, không cần mụ. Dù sao đi nữa, nếu tôi có ngoẻo cũng đáng
kiếp.
- Anh sẽ kiếm một người đàn bà, một bà già - bất cứ người nào em muốn, nhưng làm sao anh có thể bỏ em một mình
cho
đành?
Nhưng rồi anh quyết định rằng tốt hơn phải bỏ chị ta một mình dù chị ta đang như thế nào đi nữa, hơn là chẳng có ai ở bên đỡ đần khi chị ta sinh. Vì vậy, mặc chị ta đang rên rỉ và cuồng loạn phản đối, anh lao xuống thang như một người điên.