Lũ Người Quỷ Ám - Chương 50
2
Đầu tiên hắn về nhà và thu xếp hành trang. Hắn làm một cách thong thả và đắc lực. Tàu hỏa sẽ khởi hành lúc sáu giờ sáng. Chuyến tốc hành này, chỉ một tuần một lần, mới được đem ra chạy thử gần đây. Mặc dù, Piot’r đã bảo đồng bọn là hắn chỉ đi một chuyến ngắn, sau này mới hóa ra là kế hoạch của hắn hoàn toàn khác. Khi hành lí đã xếp xong, hắn thanh toán tiền với bà chủ nhà, mà hắn đã thông báo ý định ra đi từ trước, và kêu xe đến nhà Erkel - gần bên ga xe lửa. Rồi, ngay trước một giờ sáng, hắn đến nhà Kirillov, lại luồn qua lỗ chó chui của Fedca.
Piot’r tâm trạng bê bối. Ngoài những mối lo có sẵn - hắn vẫn chưa biết tin tức gì về Nicolai - ngày hôm ấy hắn lại nhận được một thông báo mật, có lẽ từ Petersburg, về hiểm họa đe dọa hắn trong một tương lai rất gần. Đến ngày nay, lẽ dĩ nhiên, có nhiều huyền thoại về thời gian đặc biệt đó, nhưng nếu có ai biết chắc chuyện gì, thì hẳn phải là người trong cuộc, về phần tôi, tôi chỉ dám đoan chắc là Piot’r có những mối liên hệ ở ngoài tỉnh và rất có thể nhận được một lời cảnh giác như thế. Riêng tôi nghĩ là, dù cho Liputin có nghi ngờ, Piot’r không chừng đã tổ chức được hai hay ba tổ năm người, ngoài tổ ở tỉnh tôi - ở Moskva và Petersburg chẳng hạn; nhưng dù cho thực sự không có tổ năm người nào khác, hắn chắc chắn cũng có liên hệ ở các tỉnh đó, và tôi còn mạnh miệng nói là những mối liên hệ kì lạ là đằng khầc. Sao thì sao, khoảng ba ngày sau khi hắn ra đi, nhà cầm quyền ở tỉnh tôi nhận được trát câu lưu hắn từ thủ đô gửi về, mặc dầu tôi không thể nói chắc đó là vì những hoạt động của hắn trong tỉnh tôi hay ở đâu khác. Trát câu lưu tới vừa đúng lúc để củng cố hậu quả khốc hại và nỗi sợ hãi gần như huyền bí phát sinh trong đám giới chức cầm quyền và cái xã hội từ trước vẫn phù phiếm ở tỉnh tôi khi vụ ám sát Satov bí ẩn và gở lạ kia bị phát giác. Vụ ám sát đó là cao độ trong một chuỗi những hành vi bề ngoài xem như vô nghĩa đã xảy ra trong tỉnh tôi. Nhưng tờ trát tới quá trễ lúc này, Piot’r đã đến Petersburg rồi và đội một cái tên khác; ở đó, nghe mọi chuyện không êm, hắn vội chuồn qua biên giới... Nhưng tôi lại đi trước sự việc mất rồi.
Khi bước vào chỗ ở của Kirillov, vẻ mặt Piot’r giận dữ và hung hăng. Ngoài việc muốn để Kirillov giữ đúng lời hứa, dường như Piot’r còn nóng nảy muốn trút một mối hiềm khích riêng tư nào đó, để báo thù một cái gì. Kirillov dường như vui mừng đón khách; anh ta hẳn phải sốt ruột khắc khoải trông chờ từ lầu. Mặt anh ta tái hơn thường lệ và cặp mắt đen mờ đục đăm đăm nhìn một cách nặng trĩu và buồn tẻ. Anh ta nói một cách nặng nề:
- Tôi ngỡ anh không tới.
Anh ta đang ngồi trên một góc trường kỉ và không hề nhúc nhích để đón khách. Piot’r dừng lại trước mặt anh ta, quan sát một hồi lâu trước khi mở miệng. Sau cùng, Piot’r vừa mỉm cười một cách trịch thượng có tính cách lăng nhục vừa nói:
- Tôi hy vọng thực tình anh không phàn nàn vì sự tới trễ của tôi.
Rồi hắn pha trò một cách vô duyên:
- Như thế, anh lời được ba tiếng đồng hồ phụ trội.
- Tôi không thèm một giờ phụ trội nào của anh, và anh không có tư cách gì để ban nó cho tôi cả, đồ ngu si khốn
kiếp!
Piot’r sạm mặt:
- Anh nói sao?
Nhưng rồi hắn lại tự chủ được mau lẹ:
- Anh sao mà hơi một tí là đã động lòng! A, nhưng tôi thấy rồi, đêm nay chúng ta đều bẳn tính, phải không nào?
(Hắn lại nói đớt giọng với cái bộ điệu kẻ cả khó chịu). Tôi nghĩ rằng, đối với một lúc như thế này, sự dửng
dưng trầm tĩnh thì thích hợp hơn nhiều. Điều tốt nhất cho anh là hãy tự xem mình như Columbus và coi tôi như
một con chuột nhắt, và rồi anh sẽ không bực tức về bất cứ điều gì tôi có thể nói ra. Hôm qua tôi cũng đã đề
nghị với anh như thế
rồi.
- Tôi không muốn xem anh như một con chuột nhắt.
- Đó có phải là một lời khen? A, nhưng trà của anh cũng lạnh ngắt; điều này rõ ràng cho thấy là mọi chuyện ở
đây đều lộn tùng bậy hết. Không, tôi e rằng tôi không ưa cái tình trạng của anh đêm nay. Nhưng hãy khoan,
tôi thấy cái gì trên khay ở cửa sổ kìa. (Hắn bước lại cửa sổ). Ồ, ra là cơm và thịt gà! Mà sao anh chưa đụng
chạm gì tới! Phải chăng lòng dạ ngổn ngang thì cho đến cả thịt gà cũng
không...
- Tôi ăn rồi. Hơn nữa, đó không phải là việc của anh. Câm đi!
- Ồ, dĩ nhiên, đó không phải là việc của tôi; thêm vào đó, thực sự tôi cũng cóc cần. Nhưng quả tình là tôi chưa
ăn tối, vậy - thôi thì, tôi chắc anh lúc này cũng chẳng thiết gì đến con gà kia nữa...
hử?
- Ăn được thì ăn đi.
- Cám ơn anh lắm. Ăn xong tôi sẽ uống trà nhé.
Piot’r lập tức ngồi ngay vào bàn và hùng hổ làm thịt con gà; đồng thời hắn vẫn luôn luôn canh chừng nạn nhân của mình. Kirillov nhìn hắn đăm đăm một cách khó chịu. Piot’r sửa bộ điệu lại cho ngay ngắn, vừa nhai vừa nói:
- Nhưng chúng ta phải lo công chuyện. Vậy chúng ta không thay lời chứ? Thế, cái thư thì sao?
- Như tôi đã nói, nó không ăn nhằm gì với tôi. Tôi sẽ viết. Phải về chuyện truyền đơn không?
- Phải, truyền đơn và mấy chuyện khác nữa. Nhưng tôi sẽ đọc cho anh viết, vì nó không ăn nhằm gì đối với anh.
Đến lúc này dù tôi có yêu cầu anh viết gì, có lẽ nào anh lại lo
lắng?
- Không phải việc của anh.
- Dĩ nhiên, nó không phải việc của tôi. Chỉ cần có vài hàng thôi mà. Đại khái cho thấy anh và Satov phân phát
những tờ truyền đơn ấy với sự giúp rập của Fedca, và tên này ẩn náu tại nhà anh. Điểm chót này về sự Fedca ở
đây rất quan trọng - quan trọng nhất không chừng. Đó anh thấy không, tôi hoàn toàn thẳng thắn với
anh.
- Nhưng còn Satov? Sao lại đưa Satov vào? Không, không làm chuyện đó.
- Tại sao lại không? Cái đó với anh có ăn nhằm gì, vì chẳng hại chút nào cho hắn nữa đâu.
- Vợ anh ta mới quay về. Chị ta tỉnh dậy và sai bà kia tới hỏi tôi anh ta đâu rồi.
- Chị ta sai bà ấy tới hỏi anh hắn đâu à? Hừm, xui thật. Nếu chị ta sai ai lại đây nữa, tôi không muốn họ biết
tôi ở
đây.
Piot’r trở nên rất đỗi bồn chồn.
- Chị ta sẽ không biết đâu. Chị ta ngủ lại rồi. Cô mụ Arina Virghinxcaia ở bên chị ta.
- Tôi mong chị ấy không nghe biết chuyện gì. Hay khóa cổng lại đi.
- Chị ấy không nghe thấy gì đâu. Còn nếu Satov sang, thì anh có thể núp ở phòng bên kia.
- Satov sẽ không tới đâu, và anh sẽ viết trong thư là các anh gây lộn vì hắn phản bội lí tưởng và vì hắn định
chỉ điểm... và anh là nguyên nhân cái chết của hắn... tối hôm
nay.
Kirillov nhảy dựng khỏi trường kĩ và kêu lên:
- Anh ta chết rồi ư?
- Hắn chết ngày hôm nay, hay nói cho đúng hơn, ngày hôm qua, lúc tám giờ tối, bởi bây giờ đã gần một giờ sáng
rồi.
- Anh giết Satov! Hôm qua tôi đã thấy trước điều đó!
- Vậy ra anh thấy trước. Đây này, tôi giết hắn bằng chính khẩu súng này. - Piot’r rút súng ra và cầm trong bàn
tay phải, như thể sẵn sàng sử dụng nữa. - Nhưng thực sự anh là một người quái đản, Kirillov ạ. Anh biết rành
rành là tên điên đó rồi sẽ bị kết liễu như thế. Vậy có gì mà phải thấy trước với không thấy trước? Tôi đã
nhiều lần tỏ rõ điều đó với anh. Satov sắp tố giác chúng ta. Tôi canh chừng hắn và không thể để mặc hắn thực
hiện chuyện đó. Anh cũng được dặn canh chừng hắn và chính anh bảo tôi ba tuần trước đây
rằng...
- Câm mồm! Anh làm vậy vì hắn nhổ vào mặt anh ở Genève bên Thụy Sĩ!
- Vì điều đó và các điều khác nữa - rất nhiều điều khác nữa - mặc dù không có tình cảm cá nhân xen vào. À,
chuyện gì mà anh nhảy dựng lên như vậy? Sao mặt anh lại biến sắc thế? A, vậy ra anh định làm thế
à!
Piot’r chồm dậy và giơ khẩu súng ra phía trước vì Kirillov bất chợt đã chộp khẩu súng trái khế của mình ở cửa sổ lên. Súng Kirillov đã nạp đạn và đặt đó sẵn sàng từ lúc sáng. Piot’r lấy thế và nhắm Kirillov. Anh này cười nhạt tức giận:
- Đồ khốn, hãy thú nhận là mi rút súng ra vì sợ tao bắn. Nhưng tao không bắn mi đâu... mặc dù... mặc dù...
Và anh ta chĩa mũi súng về phía Piot’r, làm bộ nhắm kĩ lưỡng và như thể không dằn được niềm vui tưởng tượng mình sẽ bắn như thế nào. Piot’r sẵn sàng nhả đạn, nhưng cố tự kiềm đợi chờ đến giây lát cuối cùng trước khi bóp cò, chịu nhận cơ nguy có thể nhận lãnh một viên vào đầu trước - hắn nghĩ với tên “khùng” này chuyện gì cũng xảy ra được, nhưng sau rốt tên “khùng” hạ súng, thở hào hển và run rẩy, không nói nên lời. Piot’r cũng hạ súng và nói:
- Thôi được, chúng ta giỡn chơi một chút thế đủ rồi. Tôi chắc mới rồi anh chỉ đùa thôi. Nhưng nói thật để anh
biết, anh liều mạng lắm đấy nhé. Tôi có thể bắn anh như
chơi.
Hắn ngồi xuống, vẻ mặt khá bình thản, và tự rót trà. Tuy nhiên, bàn tay hắn còn hơi run. Kirillov đặt súng lên bàn và đì lại trong phòng.
- Tôi sẽ không viết rằng tôi giết Satov - bây giờ tôi sẽ không viết gì hết. Không thư từ gì cả.
- Không thư từ gì cả?
- Phải, không thư từ gì cả.
Piot’r xanh mặt vì giận, và rít lên:
- Thực là bẩn thỉu và ngu xuẩn! Tôi cũng cảm thấy nó sẽ đến thế mà! Nói thật cho anh biết, anh không làm tôi bất ngờ đâu. Nhưng thôi, tùy anh. Dĩ nhiên, nếu ép được anh viết lá thư đó, thì tôi cũng chẳng từ. Anh chỉ là một tên đánh lừa đê mạt! (Piot’r càng nói càng nổi nóng). Anh trước kia đã xin tiền chúng tôi, và hứa nhăng hứa cuội. Nhưng nói cho anh hay, tôi chẳng chịu tay không ra về đâu. Ít ra tôi cũng ở lại xem anh tự bắn cho vỡ sọ đã.
Kirillov bước quả quyết lại trước mặt Piot’r và nói:
- Tôi muốn anh cút ngay.
Khẩu súng trái khế của Piot’r lại nằm trong tay.
- Không, điều đó thì không! Không bao giờ! Lúc này tôi đoán anh trì hoãn nó chỉ vì cứng đầu hoặc hèn nhát và
ngày mai anh sẽ chạy đi báo cảnh sát, và lần này là nhận tiền của chúng. Mồ tổ anh - thứ chuột nhắt khốn nạn
như các anh nhiều vô số kể! Nhưng anh tin đi: tôi đã dự liệu mọi chuyện: tôi sẽ không đi khỏi đây trước khi
bắn vỡ sọ anh bằng một viên đạn trong khẩu súng này hệt như đồ chó chết Satov, nếu anh quá sợ tự làm không
nổi hay tìm cách trì hoãn. Mẹ
kiếp.
- Anh thực muốn thấy máu tôi nữa à?
- Đúng, nhưng anh phải hiểu, đó không phải do hận thù gì với anh. Tôi cóc cần anh sống hay chết, nhưng tôi phải bảo vệ Phong trào. Như anh cũng rõ, không thể tin cậy một ai cả. Tôi chẳng biết ất giáp gì về quan niệm tự tử quái đản của anh. Trước tiên, đó không phải là ý kiến của tôi - chính anh nghĩ ra nó mà. Thoạt đầu anh đề cập nó, cũng không phải với tôi, mà là với vài người trong tổ chức ở nước ngoài. Anh cũng làm ơn ghi nhận cho, không ai tìm cách phanh phui bí mật của anh ra làm gì - thực ra, cũng chẳng kẻ nào nghe nói đến anh cả, và việc thổ lộ tâm tình chỉ là chuyện nhu nhược về phần anh. Rồi, bây giờ chúng ta xử trí làm sao đây khi họ đã quyết định một kế hoạch hành động dựa trên lời hứa của anh và - xin anh cẩn thận ghi nhớ cho - dựa trên chính đề nghị của anh, một kế hoạch cho đến phút này không thể cải đổi gì được nữa. Anh đã tự đặt mình vào vị trí biết quá nhiều. Nếu anh chợt tiết lộ hay đi báo cảnh sát, hẳn không hữu ích cho chúng tôi mấy, phải thế không? Không được, ông bạn ơi; anh đã hứa, đã nhận tiền của chúng tôi. Không ai chối cãi được điều đó!
Lúc này Piot’r dao động cùng cực, nhưng Kirillov đã hết nghe hắn từ lâu mà trầm tư bách bộ trong phòng. Kirillov lại ngừng ngay trước mặt Piot’r mà nói:
- Tôi thương cho Satov.
- Tôi cũng vậy, chứ gì, nhưng chắc chắn...
Kirillov gầm lên, đồng thời phác một cử chỉ đe dọa rõ rệt:
- Câm ngay, đồ khốn! Ta sẽ giết mi!
- Phải, phải, tôi nói dối - tôi không thương hại gì hắn cả. Nhưng ngưng lại, anh nghe không - ngưng lại! -
Piot’r vừa làu bàu, vừa sợ sệt giơ cánh tay lên che mặt trong một phản ứng tự
vệ.
Kirillov thình lình dịu lại và tiếp tục đo bước trong phòng.
- Tôi sẽ không trì hoãn. Tôi muốn tự tử ngay bây giờ. Chẳng có ai tốt cả.
- Đó là một ý kiến tuyệt diệu: thế gian này không có ai tốt cả và do đó một người tư cách sống hết nổi trên cõi
đời ô trọc này. Vậy
nên...
- Tôi cũng chẳng khá gì hơn kẻ khác. Tôi không phải là một người tư cách, đồ ngu; thế gian chưa hề có một kẻ
nào tư cách
cả.
- Sau rốt anh cũng biết ra sự thật rồi! Kirillov, tôi ngạc nhiên là một người thông minh như anh mà cho mãi đến
bây giờ mới hiểu rằng thiên hạ đều thế cả, chả có mống nào khá hơn hay tồi hơn mọi kẻ khác, chỉ có thông
minh hơn hoặc đần độn hơn thôi, và tuốt luốt đều là một lũ khốn nạn - dĩ nhiên, điều đó cũng vô nghĩa nốt -
và vì vậy chẳng tên nào có thể gọi là không khốn
nạn.
Kirillov sửng sốt ra mặt và nói:
- Tôi tin anh nói đứng đắn! Anh nói điều đó một cách giản dị và nhiệt thành. Có lẽ nào những kẻ như anh cũng có
niềm tin
chăng?
- Nghe đây, Kirillov, tôi không bao giờ hiểu được tại sao anh lại quyết định tự tử. Tất cả những gì tôi biết là
anh làm việc đó vì niềm tin - niềm tin vững chắc. Nhưng nếu anh cảm thấy cần - cần cái mà người ta gọi là
thổ lộ tâm sự, xin anh làm ơn cứ nói ra, tôi sẵn sàng vâng ý anh. Chỉ có điều, chúng ta phải nhớ đinh ninh
là thời gian gấp rút
đây.
- Mấy giờ rồi?
Piot’r nhìn đồng hồ.
- Hừm, đã hai giờ rồi.
Nói xong, Piot’r đốt một điếu thuốc. Hắn nghĩ rằng dường như vẫn có cơ hội đạt đến một thỏa hiệp. Kirillov nói rít qua kẽ răng:
- Tôi không có gì để nói với anh cả.
- Tôi nhớ mang máng như có cái gì về Chúa. Hình như anh có giải thích với tôi một lần, mà có thể là hai lần.
Nếu anh tự tử, anh sẽ trở thành Chúa - tôi nói vậy có phải
không?
- Phải, tôi sẽ trở thành Chúa.
Piot’r không hề mỉm cười. Hắn chỉ chờ đợi. Kirillov liếc hắn như hiểu rõ tận gan ruột.
- Anh là một ma đầu chính trị - một tay mưu mô. Anh cố chuyển hướng câu chuyện sang triết lí, để làm tôi xúc
động hứng khởi, mà hết giận và hòa giải với anh, rồi kí nhận tờ giấy nói rằng tôi đã giết
Satov.
Piot’r đáp một cấch gần như thật thà bộc tuệch:
- Được, cứ cho rằng tôi là một tay mưu mô bất cố liêm sỉ như anh nói - chuyện đó có ăn nhằm gì với anh, hử
Kirillov? Tại sao anh phải tranh luận làm gì? Anh làm ơn giải thích cho tôi nghe - anh là một loại người và
tôi là một loại người khác, vậy có sao? Hơn nữa, cả hai chúng ta chẳng kẻ
nào...
- ... Tốt lành gì.
- Được, chúng ta cứ cho rằng anh nói đúng. Có ăn nhằm gì đâu bởi vì, như anh cũng biết rõ, đó chỉ là lời lẽ
suông mà
thôi.
- Suốt đời tôi, tôi đã mong chúng không chỉ là lời lẽ suông. Tôi đã sống vì tôi muốn điều đó. Và bây giờ, mỗi
ngày, tôi vẫn muốn nó không chỉ là lời lẽ
suông.
- Tại sao không? Ai cũng trông mong một chuyện gì tốt đẹp hơn. Một con cá - tôi muốn nói, ai ai cũng đều tìm
kiếm cái tiện nghi cho chính mình và tất cả tóm lại chỉ có thể. Mọi chuyện ấy người ta đã biết từ đời xửa
đời
xưa.
- Phải anh nói “tiện nghi” không?
- Ôi trời, bắt bẻ chữ nghĩa làm quái gì...
- Không, anh diễn tả rất hay - thôi thì coi nó là “tiện nghi”. Chúa là tối cần thiết và do đó phải có.
- Phải lắm.
- Nhưng tôi biết là không có Chúa và không thể có được.
- Càng phải lẽ hơn.
- Vậy, anh thực sự không hiểu rằng một người không thể tiếp tục sống nếu người đó tin cả hai điều kia cùng một
lúc
sao?
- Vì vậy mà có vụ tự sát, tôi đoán thế?
- Anh thực sự không thấy nguyên điều đó cũng đủ làm một lí do để tự sát sao? Anh không thể hiểu được rằng trên
đời có một người - một trong hàng ngàn triệu người của các anh - từ chối chịu đựng điều đó
ư?
- Ồ, tôi hiểu lắm chứ, nhưng dường như anh do dự và điều đó khiến tôi lo lắng...
Kirillov không thèm để tâm đến nhận xét của Piot’r; anh vẫn ủ rũ bách bộ trong phòng và nói tiếp:
- Nicolai cũng bị một tư tưởng chế ngự trọn vẹn.
Piot’r vội vểnh tai lên nghe và hỏi:
- Tư tưởng nào? Anh ta có đề cập gì về chuyện ấy với anh không?
- À, tôi tự đoán ra. Nicolai, nếu có tin vào Chúa, thì lại không tin rằng mình tin. Và nếu anh ta không tin,
thì lại không tin rằng mình không
tin.
Piot’r lo lắng về việc câu chuyện đổi chiều; hắn quan sát kĩ lưỡng gương mặt tái nhợt của Kirillov và nói bằng một giọng gây gổ:
- Tôi cần nói là tôi tin chắc Nicolai ít gì cũng phải thông minh hơn thế.
Hắn nghĩ bụng: “Mẹ kiếp, hắn ta không tự sát sau khi lăng phăng hết cả như thế này! Lúc nào ta cũng cảm thấy một điều tương tự sẽ nảy ra - đầu óc tên này méo mó, tất cả chỉ có thể. A, cái thứ dân này, toàn là cặn bã!”
Bất chợt Kirillov tuyên bố:
- Anh là người cuối cùng tôi gặp mặt, và tôi không muốn chia tay với anh một cách tệ lậu.
Piot’r không trả lời, lập tức tự hỏi: “Bây giờ, hắn định giở trò gì đây?” Hắn nói:
- Tin tôi đi, anh Kirillov, cá nhân tôi không có gì nghịch với anh. Tôi luôn luôn coi anh là một người...
- Anh là một tên khốn nạn với một bộ óc lầm lạc. Nhưng tôi cũng tệ chẳng thua gì. Tuy thế, tôi sẽ tự sát còn
anh tiếp tục sống
nhăn.
- Nghĩa là anh muốn nói tôi là một kẻ khốn nạn đến mức muốn sống phải không?
Piot’r vẫn không quyết định nổi tiếp tục nói chuyện như thế có lợi cho mình hay chăng; sau cùng, hắn đành “mặc cho hoàn cảnh đẩy đưa”. Nhưng thái độ cao ngạo và khinh thị ra mặt của Kirillov lúc nào cũng làm Piot’r nổi khùng, và không hiểu vì lí do gì, lúc này lại hơn bất kể lúc nào khác. Có thể rằng Kirillov, nhiều nhất chắc chỉ còn sống được một giờ nũa (luôn luôn Piot’r nhớ rõ điều đó), dường như đối với Piot’r chẳng khác nào một thứ nửa người nửa ngợm, một cái gì thiếu tư cách để lên mặt kẻ cả và rẻ rúng với hắn nhất.
- Hình như anh khoe mẽ rằng anh sắp sửa tự tử phải không?
- Kirillov không nghe lời nhận xét của Piot’r, và nói: Bao giờ tôi cũng ngạc nhiên là sao mọi người tiếp tục
sống
được.
- Hừm, điểm đó anh có thể đúng, nhưng...
- Đồ khỉ bắt chước. Hễ khi nào tôi nói cái gì anh chỉ có nước theo đuôi. Anh câm đi, bởi vì anh không hiểu tí
gì hết. Nếu không có Chúa, thì tôi là
Chúa.
- Đó là một điểm trong lí luận của anh tôi không bao giờ hiểu nổi - tại sao anh lại phải là Chúa?
- Nếu có Chúa, thì hết thảy ý chí là của ngài và tôi không thể làm cái gì ráo. Nếu không có Chúa, thì tất cả ý
chí là của tôi và tôi phải thi triển ý chí của riêng tôi, ý chí tự do của
tôi.
- Ý chí tự do? Tại sao anh phải thi triển?
- Bởi vì toàn thể ý chí đã trở thành của tôi. Tôi không thể nào tưởng tượng được rằng trên khắp địa cầu của
chúng ta lại không có nổi một người, sau khi đã kết liễu Chúa và tin tưởng vào ý chí tự do của chính mình,
dám thi triển cái ý chí tự do đó trên cái điểm tối quan trọng. Chẳng khác nào như một anh nghèo rớt mùng tơi
được thừa hưởng cả một bị tiền mà lại không dám thò tay vào bị, cho rằng mình quá yếu làm chủ nó không nỗi.
Tôi mong muốn thi triển ý chí tự do của tôi, dù cho tôi là người duy nhất làm việc
ấy.
- Phải, vậy làm đi.
- Tôi có nghĩa vụ phải tự sát bởi vì điểm tột cùng của ý chí tự do là tự giết mình.
- Nhưng anh đâu phải là người duy nhất tự sát; có khối vụ tự tử.
- Phải, nhưng họ đều có lí do. Tôi là người duy nhất làm việc đó không vì lí do gì hết, chỉ để thi triển ý chí
tự do của
tôi.
Ý nghĩ “Hắn sẽ không tự sát đâu” lóe trong đầu Piot’r, và hắn nói bằng một giọng bực bội:
- Anh biết không, ở địa vị anh tôi bắn một kẻ khác còn hơn bắn mình. Như thế anh có thể rất hữu ích. Tôi sẽ bảo anh người để giết, nếu anh không sợ. Như vậy, anh có thể không phải bắn mình đêm nay - chúng ta có thể thay đổi thỏa ước.
- Giết kẻ khác là cái biểu hiện đê tiện nhất của ý chí tự do. Chỉ một người như anh mới đề nghị một điều như
thế. Nhưng tôi không phải là anh - tôi sẽ bày tỏ ý chí tự do của tôi trong hình thái biểu hiện cao cả nhất
của nó. Tôi sẽ tự
sát.
Piot’r giận dữ khẽ lẩm bẩm: “Hắn tự mần mò ra tất cả cái đó”. Kirillov lại bách bộ quanh phòng và nói:
- Tôi phải xác định sự vô tín ngưỡng của tôi, bởi vì đối với tôi không có gì cao hơn là tư tưởng rằng không có
Chúa nào cả. Lịch sử của nhân loại đứng về phía tôi. Con người cứ mãi bịa đặt ra Chúa cốt để mà sống, để cho
khỏi phải tự sát. Cho đến ngày hôm nay, lịch sử nhân loại chỉ bao gồm có ngần đấy. Tôi là người đầu tiên
trong lịch sử từ chối bịa đặt ra Chúa. Tôi muốn điều này được biết cho đến mãi
mãi.
Piot’r lo âu nghĩ: “Hắn sẽ không tự sát, hắn sẽ không...”. Hắn nói lớn tiếng:
- Nhưng ai biết được điều ấy? Ở đây chỉ có hai chúng ta. Liputin chăng?
- Ai rồi cũng tìm biết ra; họ sẽ biết hết. Không có bí mật nào mà trước sau gì không tỏ lộ. Chính Ông ta đã
nói
thế.
Kích động sục sôi, Kirillov chỉ tấm ảnh thờ Đấng Cứu thế có thắp một ngọn đèn nhỏ. Điều này làm Piot’r hết cả bình tĩnh.
- Vậy ra mặc dù mọi chuyện, anh vẫn còn tin vào Ông ta và anh còn thắp cả ngọn đèn cho chắc ăn, phải không?
Thấy Kirillov không trả lời, hắn bèn tiếp thêm:
- Tôi cho rằng anh còn tin hơn bất cứ một thầy tu nào.
Kirillov dừng lại, nhìn đàm đăm vào hư không như một kẻ xuất thần.
Tin vào cái gì? Vào Ông ta ư? Nghe đây, tôi sẽ nói với anh một điều lớn lao. Một lần kia có ba thập tự giá dựng tại trung tâm trái đất. Một người ở trên một trong ba thập tự giá đó tin trọn vẹn đến nỗi ông ta bảo với kẻ kia: Hôm nay người sẽ cùng ở với ta trên thiên đàng. Đến hết ngày, cả hai đều chết. Họ đi và không tìm thấy gì cả - thiên đàng cũng không, sống lại cũng không - không có gì hết. Lời của ông ta đã không trở thành sự thật. Nghe đây: Người đó là tối cao nhất trên trần gian - Ông ta tượng trưng cho những gì làm cho đời đáng sống, cả địa cầu với mọi thứ trên đó chỉ là điên rồ thuần túy nếu không có Người đó. Không hề có ai giống như ông ấy về trước, mà từ đó cũng chẳng hề có - không bao giờ có; và phép lạ nằm ở trong đó - là chưa từng và sẽ không hề bao giờ có một Người như thế. Nhưng, bởi luật tự nhiên cũng không tha cho ngay cả ông ta, không tha cho ngay cả phép lạ ấy, và bắt cả đến ông ta phải sống trong dối trá và chết vì một sự dối trá - điều đó chứng tỏ rằng cả trần gian là một sự dối trá và dựa trên một sự dối trá cùng một sự trớ trêu ngu xuẩn. Nó cũng chứng tỏ rằng luật lệ của tự nhiên là một mớ dối trá và một tấn kịch giễu cợt của ma quỉ. Vậy sống làm gì? Trả lời đi, nếu anh là một con người.
- Đó là một vấn đề khác. Tôi nghĩ anh xáo trộn hai lí do khác nhau, và tôi nghĩ thế không được ổn cho lắm.
Nhưng xin lỗi, nếu anh là Chúa đi. Nếu đã chấm dứt chuyện dối trá, và anh đã đoán ra rằng mọi dối trá chỉ
đều là do có ông Chúa trước
kia.
Kirillov reo lên hân hoan:
- A, vậy ra cuối cùng anh đã hiểu! Nếu một kẻ như anh mà còn hiểu được, thì hẳn có thể hiểu được! Này anh, nếu tư tưởng đó có thể minh chứng cho mọi người, nó sẽ mang lại sự cứu rỗi cho tất cả. Và còn ai minh chứng chuyện đó ngoài tôi ra? Tôi không hiểu tại sao một kẻ vô thần đã chắc chắn là không có Chúa mà lại không tự sát ngay. Nhận thức rằng không có Chúa gì hết, mà lại không đồng thời nhận thức rằng chính mình đã trở thành Chúa, là vô nghĩa, bằng không chắc chắn phải tự sát. Nếu anh nhận thức điều đó thì anh là chúa tể và không phải tự sát, mà sẽ sống trong vinh quang lớn lao nhất. Chỉ có một người - kẻ đầu tiên nhận thức điều đó - là phải tự sát. Nếu không ai là kẻ bắt đầu và minh chứng? Vậy nên tôi tự sát để bắt đầu và để minh chứng. Tuy nhiên, tôi chỉ là một ông Chúa bất đắc dĩ - tôi bất hạnh là vì tôi bị bó buộc phải chứng tỏ ý chí tự do của tôi. Tất cả mọi người bất hạnh vì tất cả đều sợ thi triển ý chí tự do của mình. Cho đến ngày nay, con người nghèo nàn và bất hạnh bởi vì nó sợ hãi việc thi triển ý chí tự do của nó trên cái điểm trụ cột này và mới chỉ thi triển ý chí kia trong những vấn đề ngoại vi, giống như một đứa học trò. Tôi bất hạnh kinh khủng vì tôi sợ hãi kinh khủng. Sợ hãi là sự nguyền rủa đối với con người. Nhưng tôi sẽ thiết lập ý chí tự do của tôi. Phần việc của tôi là phải tin rằng tôi không tin vào Chúa. Tôi sẽ bắt đầu, và tôi sẽ kết thúc, tôi sẽ mở toang cửa ngõ. Và tôi sẽ cứu... Đó là điều độc nhất cứu được nhân loại và sẽ tái tạo thế hệ sau về thể chất. Bởi vì tôi càng nghĩ về điều ấy, tôi càng vững tin là với cái thể chất hiện tại, con người không bao giờ xoay xở cho xong mà dứt ông Chúa cũ của nó cho được. Trong ba năm, tôi đã tìm kiếm cái tính chất tạo nên thần cách của tôi và tôi đã khám phá ra rồi; tính chất tạo nên thần cách của tôi là ý chí tự do! Đó là tất cả những gì tôi có để phô bày sự độc lập của tôi và cái tự do mới mẻ, khủng khiếp mà tôi vừa thủ đắc. Bởi vì nó khủng khiếp thật. Nay tôi tự sát để chứng minh sự độc lập của tôi và cái tự do mới mẻ khủng khiếp của tôi.
Mặt Kirillov tái nhợt một cách dị kì, cải nhìn của anh nặng nề không sao chịu nổi; anh có vẻ sốt. Piot’r nghĩ anh sắp ngất đi. Bất ngờ Kirillov thét lên, như thể có gì đột nhiên làm anh hứng khởi:
- Lấy cho tôi cây bút! Đọc đi. Tôi sẽ kí bất cứ cái gì. Tôi kí luôn rằng tôi giết Satov nữa. Mau lên - đọc đi trong lúc tôi còn thấy cả chuyện đó là vui nhộn. Tôi không sợ những ý nghĩ của bọn nô lệ mà lên mặt làm cao! Chính anh sẽ thấy là mọi chuyện huyền bí sẽ trở nên sáng tỏ như ban ngày. Và anh, anh bị đập tan... Tôi có niềm tin! Tôi có niềm tin!
Piot’r nhảy bật dậy, lập tức đưa ngay giấy bút và mực, và bắt đầu đọc liền, không dám phí phạm một giây vừa run vừa lo sao chuyện thương lượng ngã ngũ cho rồi. Hắn đọc:
- Tôi, Alecxei Kirillov, tuyên bố rằng...
- Khoan! Tôi không chịu! Tôi tuyên bố với ai đây?
Kirillov lắc đầu như thể đang lên cơn sốt. Lời tuyên bố kia và ý nghĩ lạ lùng bất chợt về nó dường như choán hết người anh, chẳng khác nào tâm thần khắc khoải của anh tìm một lúc xả hơi mượn nó làm lối thoát.
- Tôi tuyên bố với ai? Tôi muốn biết cái đã!
- Không với riêng ai cả. Với tất cả. Với kẻ nào đọc lá thư. Tại sao anh lại nằng nặc phải chi li quá thế? Anh
tuyên bố với toàn thế
giới!
- Với toàn thế giới hả? Hoan hô! Không được hối tiếc. Tôi không muốn ân hận và tôi không muốn gửi cho bọn chức
trách.
Piot’r cũng bốc đồng hét lên:
- Phải, không cần gì - mẹ kiếp bọn chức trách! Anh cứ viết ngay những gì tôi đọc, nếu quả tình anh làm thật.
- Khoan đã. Tôi muốn một khuôn mặt thè lưỡi ở bên trên. Piot’r cáu:
- Vớ vẩn! Anh cóc cần phải vẽ; chỉ cần giọng điệu cũng đủ diễn tả tất cả rồi.
- Giọng điệu hả? Tốt. Phải, giọng điệu, giọng điệu - đọc bằng giọng điệu đó nhé.
Piot’r cúi mình ghé qua vai Kirillov và canh chừng bàn tay anh kia, run rẩy vì xúc động, vẽ nên từng nét chữ một. Hắn đọc một cách quả quyết và trang trọng:
- Tôi, Alecxei Kirillov, tuyên bố rằng vào ngày hôm nay mồng... tháng mười, khoảng từ bảy đến tám giờ tối, tôi
đã giết Ivan Satov tại vườn hoa vì hắn phản bội và chỉ điểm cho cảnh sát về truyền đơn và về việc Fedca ẩn
núp suốt mười ngày đêm tại nhà Filippov, nơi cả hai chúng tôi sống cùng. Và nếu bây giờ tôi dùng chính khẩu
súng của tôi để tự bắn vào mình, thì đó không phải là vì tôi ân hận về những gì tôi đã làm hay vì tôi sọ
hãi, nhưng là vì tôi quyết định quyên sinh từ lâu, khi tôi còn ở nước
ngoài.
Kirillov ngạc nhiên và bực bội hét lên:
- Chỉ có thể thôi sao?
Piot’r giơ tay định chộp lấy tờ giấy và nói:
- Không thêm một chữ nào nữa hết!
Kirillov lấy tay chặn chắc tờ giấy:
- Vô nghĩa lí! Khoan đã - tôi muốn nói tôi giết anh ta cùng với ai. Tại sao lại đưa Fedca vào đây? Còn chuyện
phóng hỏa thì sao? Tôi muốn kể hết mọi chuyện và rồi tôi muốn bảo cho họ biết tôi nghĩ gì về họ, bằng một
giọng nhục mạ nữa, giọng điệu, phải, giọng điệu mới quan
trọng!
Piot’r kêu to, gần như năn nỉ, đồng thời run sợ rằng Kirillov có thể làm rách tờ giấy:
- Đủ rồi, Kirillov, tôi cam đoan với anh thế đủ rồi. Để cho người ta tin được anh, anh phải nói hết sức mù mờ.
Nó phải đúng như chúng ta đã viết - toàn là bóng gió. Anh phải để cho họ chỉ thấy một góc sự thật mà thôi,
để họ ngứa ngáy. Bao giờ để cho thiên hạ tự đánh lừa cũng hay hơn là chúng ta đánh lừa họ, và chắc chắn là
họ sẽ tự tin hơn là tin vào ai khác. Thôi, đưa cho tôi đi. Thế là tuyệt lắm rồi. Nào, đưa cho tôi - để tôi
giữ
cho!
Piot’r cố kéo tờ giấy ở dưới tay Kirillov. Kirillov mắt thô lố ra mà nghe, như thể gắng suy tư, nhưng dường như lúc này anh không thể hiểu nổi.
Piot’r hết kiên nhẫn, hét lên:
- Đồ chết tiệt! Anh còn chưa kí cả tên nữa! Thôi đừng có thao láo nhìn tôi như thế nữa và kí đi!
Kirillov lẩm bẩm: “Tôi muốn nhục mạ họ, tôi muốn nhục mạ...”. Thế nhưng anh vẫn cầm lấy bút và kí.
- Vậy thì viết Hoan hô nền Cộng hòa. Thế đủ rồi.
Kirillov gần như rũ lên vì khoan khoái:
- Nhất! Hoan hô nền Cộng hòa Dân chủ Xã hội Đại đồng - hay là chết! Không, không, không phải thế. Tự do, Bình
đẳng, Bác ái - hay là chết! Đó, thế hay hơn, được hơn
nhiều.
Anh thú vị viết câu đó dưới chữ kí. Piot’r nhắc nhở:
- Bây giờ thế đủ rồi, đủ rồi...
- Khoan, để tôi kí cả bằng tiếng Pháp nữa: Kirillov, thượng lưu nước Nga và công dân thế giới. Ha ha ha! - anh
phá lên cười, - Tôi nghĩ ra một điều còn hay hơn nữa! Khám phá ra rồi! Kirillov, nhà thượng lưu - thần học
Nga và công dân thế giới văn minh! Phải, thế hay hơn tất cả những cái
kia...
Anh đột nhiên nhảy nhổm khỏi ghế, vồ lấy khẩu súng đặt ở khung cửa sổ, và lao vào phòng kế cận, đóng sầm cửa lại. Piot’r đứng đăm đăm ngó cái cửa một lúc, do dự trong lòng. Hắn nghĩ: “Trừ khi hắn làm chuyện đó bây giờ, trừ khi hắn ta nổ súng bây giờ, hắn sẽ bắt đầu nghĩ ngợi và rồi chẳng có gì xảy ra hết”. Hắn đi lại bàn, nhặt mảnh giấy lên và đọc lại. Hắn thích cái lối hành văn trong bản tuyên bố.
“Ta phải làm gì lúc này? Ta phải làm cho họ rối đầu óc và đánh lạc sự chú ý của họ. Vườn hoa? Trong thành phố làm gì có vườn hoa nào, vậy thế nào họ cũng kết luận là ám chỉ vườn hoa ở trại Xcvoresniki. Nhưng nghĩ ra chuyện đó cũng mất thì giờ rồi; lại mất thêm thì giờ đi lùng xác chết và tìm ra được nó. Và, khi khám phá được xác chết rồi, nó sẽ chứng tỏ với họ là cái thư nói đúng sự thật và do đó mọi chuyện trong thư đều thật cả, kể luôn những gì nói về Fedca. Và Fedca làm gì? Hắn là tên đốt nhà, tên ám sát gia đình Lebiadkin. Vì vậy, mọi rắc rối thực sự xuất phát từ nhà Filippov. Và họ, nhà chức trách, lại không hề hồ nghi gì căn nhà ấy và quờ quạng một cách thảm hại - điều đó sẽ làm họ rối tít mù đầu óc! Họ sẽ chẳng bao giờ nghĩ đến tổ năm người của ta. Chỉ có dính líu đến Satov, và Kirillov, và Fedca, và Lebiadkin. Còn về chuyện tại sao chúng lại giết nhau vòng vòng - đó lại là một câu hỏi khác để mặc họ điều tra. Nhưng mẹ kiếp, vẫn chưa nghe thấy phát súng kìa!”
Mặc dù đang bận đọc lá thư và tán thưởng lối dùng chữ đặt câu trong đó, hắn cũng luôn luôn sốt ruột lắng nghe phát súng nổ. Đột nhiên hắn nổi cáu. Hắn lo lắng liếc nhìn đồng hồ. Thời khắc mỗi lúc một muộn màng, mà từ lúc Kirillov rời phòng ít nhất mười phút đã qua rồi. Piot’r cầm cây nến và bước về phía cửa mà Kirillov đã chạy ra. Khi tới gần cửa, hắn chợt nhận ra là cây nến đã gần lụi, giỏi lắm chỉ hai mươi phút nữa là tắt, và hắn chẳng còn cây nào khác. Hắn cầm lấy năm đấm ở cửa và dỏng tai lắng nghe. Từ căn phòng kế cận không có ẵm thanh nào vọng lại. Hắn mở cửa và giơ nến lên khỏi đầu. Có một tiếng gầm điên dại và một vật gì lao về phía hắn. Hắn vội đóng sầm cửa và lấy vai xô cho chặt. Nhưng tất cả đều tĩnh mịch - chỉ có một thứ im lặng chết chóc vây phủ.
Hắn đứng đó cầm cây nến một hồi lâu, do dự không biết phải làm gì kế tiếp. Lúc mở cửa ra khi trước, hắn không nhìn thấy được mấy, mặc dù hắn thoáng thấy gương mặt Kirillov khi anh này đứng ở cuối phòng, bên cửa sổ rồi lao lại như một con thú dại cuồng điên. Chỉ nghĩ đến, Piot’r cũng đủ rùng mình. Hắn vội đặt cây nến xuống bàn, rút súng ra, và lui về góc phòng xa nhất, để nếu Kirillov có mở cửa ra và cầm súng chạy lại bàn, Piot’r vẫn có thể bóp cò trước được.
Bấy giờ Piot’r đã hoàn toàn vất bỏ hy vọng Kirillov sẽ tự sát. Tư tưởng hắn xẹt qua xẹt lại trong đầu như gió lốc. Hắn nghĩ: “Hắn đứng ngay giữa phòng mà suy ngẫm... Phòng gì đâu mà tối đen khủng khiếp quá... Hắn gầm lên và lao lại ta. Có hai trường hợp có thể xảy ra: một là ta phá rối ngay giây phút hắn sắp bóp cò; hai là hắn đang tính cách giết ta - phải, đúng rồi - hắn đang tính cách làm sao hạ ta cho được. Hắn biết ta sẽ không chịu đi trước khi giết hắn, nếu hắn đâm ra nhát sợ. Vậy hiển nhiên là hắn phải giết ta trước khi ta giết hắn. A, lại im lặng nữa! Hoảng thực: giả thử hắn bung cửa ra bây giờ! Và điều chán chường nhất về hắn là hắn thực sự còn tin vào Chúa chắc nịch hơn bất cứ lão thầy tu nào. Hắn sẽ không bao giờ tự sát đâu! Ngày nay có khối kẻ ngỡ rằng mình tự tìm ra điều này điều kia. Toàn là thứ cặn bã! A, tiên sư nó, nến cứ lụn dần. Chắc chắn chỉ mười lăm phút nữa là tắt ngóm. Ta phải chấm dứt chuyện này cho rồi – nhất định phải. Tại sao không? Ta có thể giết hắn bây giờ - với lá thư này, không ai nghi ngờ ta hết. Ta có thể dàn cảnh, đặt cho hắn nằm trên sàn nhà với khẩu súng đã nhả đạn ở trong tay, và chắc chắn họ sẽ nghĩ rằng hắn tự làm một mình. Nhưng, mẹ kiếp, làm sao mà giết hắn được bây giờ đây? Nếu ta mở cửa, hắn sẽ lao ra và bắn trước. A, tiên sư nó, thế nào nó cũng bắn trật”.
Hắn run lên vì khắc khoải - hắn phải hành động, mà không làm sao đi được cái bước thứ nhất. Sau cùng hắn cầm cây nến và bước về phía cánh cửa với khẩu súng lăm lăm sẵn sàng. Hắn thận trọng đặt bàn tay trái - bàn tay cầm nến - lên quả đấm ở cửa. Nhưng cử động của hắn vụng về: quả đấm cửa khẽ xoay và cánh cửa kêu cót két. Ý nghĩ lóe qua đầu Piot’r: “Hắn sẽ bắn thẳng vào ta đây”. Lấy bàn chân đạp tung cửa, hắn nâng cao cây nến, và đẩy mạnh khẩu súng về đằng trước, nhưng trong phòng không hề có tiếng súng hay tiếng kêu nào... Phòng vắng tanh.
Piot’r giật mình. Căn phòng cụt. Không có ngõ ra, không có lối nào thoát cả. Hắn giơ cây nến lên cao hơn và nhìn quanh chăm chú hơn: không có ai cả. Hắn khẽ cất tiếng gọi tên Kirillov - không có tiếng đáp lại. Hắn kêu lớn hơn - vẫn không có tiếng trả lời. “Có thể nào hắn ra bằng cửa sổ chăng?”. Một tấm bửng thông hơi nhỏ phía trên cửa sổ hé mở. “Vô lý, hắn không thể nào ép mình qua khe đó”. Piot’r đi băng ngang phòng để ngó cái cửa sổ. “Hắn không thể nào..”.
Chợt hắn quay lại và thất kinh. Dựa vào tấm vách đối diện với cửa sổ, ở mé phải cửa ra vào, có một cái tủ và Kirillov đứng bên phải cái tủ. Anh ta đứng đó rất lạ lùng, bất động, cứng ngắc, hai tay buông thõng, gáy áp chật vào góc tường, mặt hơi ngước lên - trông như một người cố hòa vào bối cảnh và xóa nhòa hình bóng. Mọi thứ trên người anh ta chỉ rõ anh ta đang núp, nhưng không hiểu sao lại không phải như vậy. Từ chỗ đứng, Piot’r chỉ nhìn thấy những nét nhô ra của thân hình kia và hắn do dự không dám bước về bên trái một bước để nhìn Kirillov cho tường tận và giải quyết thắc mắc. Tim hắn đập mạnh hơn. Rồi đột nhiên hắn giận đến phát điên, nhảy chồm từ chỗ đang đứng, vừa hét vừa giậm chân, và lao thẳng lại cái góc nhà u ám kia.
Nhưng trước khi hắn sáp lại gần đủ để chạm vào người Kirillov, hắn lại đứng chết trân, tê liệt vì một nỗi kinh hoàng còn lớn lao hơn nữa. Điều dập mạnh vào cân não hắn nhất là, dù hắn hét và lao lại như điên như cuồng, thân hình kia vẫn không nhúc nhích, chẳng khốc nào như nó bằng đá hay bằng sáp. Khuôn mặt xanh một cách dị thường và đôi mắt đen như dán vào một điểm nào trộng không gian. Piot’r hạ nến xuống, rồi lại giơ lên, soi khuôn mặt kia theo nhiều góc cạnh. Hắn chợt nhận ra rằng, dù cho Kirillov nhìn thẳng vào đâu đâu, hắn cũng nằm trong vòng tầm mắt của anh ta, và quả tình Kirillov đang ngắm nhìn hắn. Điều này làm Piot’r nảy ra ý nghĩ đưa cây nến lại ngay “cái mặt chó chết, đốt cho bỏng xem hắn xử sự ra sao”. Chợt Piot’r tưởng như nhìn thấy cái cằm của Kirillov dùn lại và đôi môi anh ta nhếch thành một nụ cười nhạt mỉa mai, chẳng khác nào đã đoán được ý định của mình. Hắn bắt đầu lóng cóng và, không tự chủ được, vồ lấy vai Kirillov.
Tới chỗ này một chuyện khả ố và mau lẹ vô cùng xảy ra làm về sau Piot’r cũng không sao có được một ý niệm rõ rệt về nó. Ngay khi hắn chạm vào vai Kirillov, Kirillov cúi đầu xuống và làm đổ cây nến khỏi tay Piot’r. Cây nến rơi bịch một cái và tắt ngóm. Ngay giây phút đó, Piot’r cảm thấy đau nhói ở ngón út bàn tay trái. Hắn bật kêu lớn. Về sau, hắn chỉ nhớ lại được rằng, mất bình tĩnh, hắn lấy súng đập hết sức vào đầu Kirillov ba cái. Kirillov cắn chặt ngón tay của Piot’r. Sau cùng, hắn rút ngón tay ra được và lao như điên ra khỏi căn nhà, mò mẫm trong đêm tối và bị các tiếng la khủng khiếp đuổi theo:
- Liền đây! Liền đây! Liền đây! Liền đây!...
Tiếng đó nhắc lại cả chục lần trong lúc Piot’r chuồn đi, rồi khi ra tới cổng ngoài, hắn nghe một phát súng nổ lớn. Piot’r dừng lại ở ngưỡng cửa tối đen, trù trừ cả năm phút đồng hồ. Rồi hắn quay trở vào. Nhưng hắn phải có lửa. Hắn có thể mò mẫm trong bóng tối tìm mẩu nến đã đánh rơi, nhưng làm sao mà thắp lên? Chợt một kí ức mù mờ thoáng qua đầu hắn: đêm qua, ngay khi lao vào bếp để tóm Fedca, hắn đã vụt thấy một bao diêm lớn mầu đỏ đặt trên một góc kệ. Hắn tìm thấy cửa bếp, bước xuống tam cấp, và ngay chỗ đã nhớ ở trên kệ, hắn gặp liền bao diêm đầy ắp và thực ra còn chưa khui. Hắn không quẹt diêm ngay mà vội vã trở lại chỗ bên cái tủ, nơi hắn đã đập lên đầu Kirillov khi bị cắn, và ngay lúc này hắn cảm thấy đau nhói ở ngón tay hầu như không sao chịu nổi. Cắn răng cho chặt, hắn xoay xở đốt được mẩu nến và đặt lại trên giá. Hắn nhìn quanh: xác Kirillov, hai chân quay về góc phải căn phòng, nằm sóng soài bên cửa sổ với tấm bửng thông hơi mở. Anh ta đã áp súng vào thái dương bên phải mà bóp cò, và đạn đã trổ ra phía trên thái dương bên trái. Piot’r thấy những vết máu và mảnh óc tung tóe. Khẩu súng vẫn còn nằm trong tay kẻ tự tử. Anh ta chết ngay cấp kì.
Piot’r quan sát mọi vật chu đáo, rồi nhỏm dậy, nhặt cây nến, khép cửa lại, và rón rén sang phòng bên. Hắn đặt cây nến lên bàn trong phòng lớn, ngẫm nghĩ một giây, rồi để mặc cho nó cháy, bởi vì hắn quyết là nó dù sao cũng không thể nào gây ra họa hoạn cho được. Một lần nữa hắn lại liếc nhìn mảnh giấy nằm trên bàn, và bất giác cười gằn. Rồi, không hiểu vì lý do gì, hắn lại vẫn bước rón rén ra khỏi nhà. Một lần nữa hắn chui qua lối bí mật của Fedca ở hàng rào, cẩn thận đặt tấm ván rời lại nguyên chỗ.
3
Đúng sáu giờ kém mười lúc sáng, Piot’r Verkhovenxki và Erkel đi lên đi xuống ở sân ga, cạnh một chiếc xe lửa dài thoòng. Piot’r ra đi và Erkel đưa tiễn. Hành lý của Piot’r đã gửi xong và chiếc va li nhỏ của hắn hiện giữ chỗ cho hắn trong toa hạng nhì. Hồi chuông thứ nhất đã báo, và họ đang chờ hồi chuông thứ hai. Piot’r trông hoàn toàn vô tư lự khi nhìn hành khách lện tàu. Hắn không gặp ai thân cả. Chỉ có hai lần hắn bị cúi đầu chào: một lần là ông thương gia mà hắn chỉ quen qua loa; và lần nữa là một giáo sĩ còn trẻ trở về địa phận cách thành phố chừng vài trạm đường. Erkel hình như hăm hở muốn bàn chuyện trọng sự trong những phút cuối cùng này, mặc dù chính anh ta có lẽ cũng không biết rõ phải bàn cái gì, nhưng anh ta không dám hé môi vì nghĩ rằng Piot’r chán ngấy anh ta và đang nôn nóng chờ dấu hiệu khởi hành. Erkel rụt rè nói, như thể ráng nhắc nhở Piot’r rằng có thể nguy hiểm:
- Anh nhìn mọi người ngang nhiên quá.
- Tại sao không? Bây giờ còn quá sớm, tôi chưa cần phải núp. Đừng lo. Tôi chỉ mong Liputin không nghe phong
phanh gì về việc tôi đi cả và không chạy thốc chạy tháo tới
đây.
- Bọn họ không trông cậy được.
- Chú muốn nói Liputin hả?
- Tuốt luốt cả lũ.
- Vô lý. Bây giờ họ đã gắn chặt với nhau bằng những gì xảy ra hôm qua. Không có ai lại phản bội nữa đâu. Họa có
điên mới cố ý làm cho đời mình
tàn.
- Nhưng họ sẽ nổi điên hết, tất cả.
Hiển nhiên chính Piot’r cũng đã nghĩ đến điều ấy, vậy nên lời lẽ của Erkel càng làm cho hắn nổi cáu.
- Có lẽ cả chú cũng hoảng hốt nữa, phải không Erkel? Tôi tin tưởng vào chú hơn cả bọn họ. Bây giờ tôi đã biết giá trị của từng người. Hãy nhắc lại chỉ thị của tôi cho họ ngày hôm nay, bằng miệng. Bây giờ tôi đặt tất cả bọn họ trực tiếp dưới sự đảm trách của chú. Sáng nay, việc đầu tiên là chú phải đi một vòng qua nhà họ. Nhưng chỉ đến mai, hay mốt, mới đọc chỉ thị viết trên giấy của tôi cho họ, khi tâm trạng họ đã thích hợp để nghe. Nhớ lấy lời tôi, ngày mai họ sẽ sẵn sàng - họ sẽ ốn lạnh và mềm như sáp. Nhưng trước hết, chính chú - đừng có bao giờ mất can đảm.
- Ôi, tôi ước gì anh không phải đi.
- Nhưng tôi chỉ đi có vài ngày. Tôi sẽ về ngay mà.
Erkel nói ngập ngừng nhưng quả quyết:
- Anh Piot’r này, dù cho anh có thực sự đi Petersburg, tôi cũng vẫn biết rằng anh đang làm chuyện cần thiết cho
sự nghiệp
chung.
- Tôi khi nào cũng trông đợi chú được như thế, Erkel ạ. Bởi chú đã đoán ra là tôi đi Petersburg, chú cũng phải
hiểu rằng hôm qua tôi không thể nào nói điều ấy với họ, bởi như thế sẽ làm họ hoảng hốt. Chính chú đã thấy
tình trạng của họ đó. Nhưng chú hiểu rằng tôi làm thế vì là cần thiết cho sự nghiệp chung chứ không phải để
thoát cái thần xác tôi, như một kẻ loại Liputin
tưởng.
Giọng cậu bé đáng thương run rẩy:
- Phải lắm, anh Piot’r, và dù cho thiên hạ có bảo với tôi rằng anh đi nước ngoài, tôi cũng thông cảm. Tôi ý
thức rằng anh phải canh chừng an ninh bản thân vì anh là tất cả, còn chúng tôi chẳng là cái gì hết. Tôi hiểu
rõ
lắm.
Cám ơn, Erkel - ái! Chú đụng phải ngón tay đau của tôi! - Erkel vụng về đã siết chặt bàn tay Piot’r, quên mất ngón tay đau băng bó gọn ghẽ bằng mảnh lụa đen. - Nhưng tôi xin cam đoan với chú là tôi lên Petersburg để nghe ngóng tình hình và có lẽ tôi ở đó không quá hai mươi bốn giờ đồng hồ đâu; rồi tôi sẽ đáp xe lửa về thẳng đây. Khi về, tôi sẽ ở trại của Gaganov vì giữ kẽ. Nếu họ nghĩ có gì nguy hiểm, tôi sẽ có mặt ở đây và tôi sẽ là kẻ đầu tiên đối phó với nó. Tuy nhiên, nếu sự thể hóa ra cần tôi ở lại trên ấy lâu hơn chút ít, tôi sẽ cho chú biết ngay lập tức qua đường dây đặc biệt của chúng ta và chú có thể chuyển đến cho họ.
Hồi chuông thứ hai rung lên.
- Như vậy là chúng ta còn năm phút. Chú biết không, tôi không ưa phải nhìn thấy tổ năm người ở thành phố này
tan rã. Không phải là tôi lo ngại cách riêng gì về nó đâu - dù sao, tôi có vô số tổ năm người trong màng
lưới chung, và tôi không thể gán một tầm mức quá quan trọng cho cái tổ này - nhưng tôi cảm thấy mỗi nhóm đều
có phần hữu ích. vả lại, có chú ở đây, tôi không lo lắng gì, dù tôi có để chú một mình với bọn lăng nhăng đó
- họ không dám hé môi đâu, đừng lo. A, hôm nay anh cũng đi nữa à? - Piot’r đột nhiên kêu lên bằng một giọng
vui vẻ hoàn toàn khác hẳn, với một thanh niên rất trẻ mới đi đến chào hắn - Vậy ra anh cũng lại đáp chuyến
tốc hành? Anh đi đâu thế? Thăm bà cụ
hả?
Bà mẹ của thanh niên ấy là một địa chủ rất giàu có ở tỉnh bên cạnh, và cậu ta có họ hàng xa với bà Julia fon Lembke, mới đến chơi thành phố chúng tôi chừng nửa tháng.
Thanh niên vừa cười vừa đáp:
- Không, tôi đi xa hơn nữa, đến mãi tận R. Tôi sẽ phải ngồi chết gí trên xe lửa suốt tám tiếng đồng hồ. Còn
anh, phải anh đi Petersburg đó
không?
Piot’r bật cười còn lớn hơn:
- Cái gì khiến anh nghĩ là tôi đi Petersburg?
Thanh niên giơ ngón tay nằm trong bao tay dọa Piot’r. Piot’r thì thầm một cách bí mật:
- Phải, anh đoán ra rồi! Tôi có vài lá thư của bà Lembke và tôi phải đi thăm ba bốn tên tai to mặt bự cho bà
ấy. Nói cho ngay, bọn đó đều chán mớ đời. Ôi, cái công việc chạy vặt này ngấy bỏ
mẹ!
Thanh niên kia cũng thì thầm:
- Nhưng anh có thể giải thích cho tôi nghe vì cớ gì bà ta phải hoảng hốt đến thế? Hôm qua bà ta không chịu tiếp
cả tôi nữa. Tôi nghĩ bà ta không việc gì phải lo lắng về chuyện quan tổng đốc, trái lại là đằng khác: trong
vụ hỏa hoạn, ông ta làm sao quị ngã thật thần tình ngay bên ngôi nhà đang cháy, nên trông chẳng khác nào ông
ta hi sinh tính mạng để cứu kẻ
khác.
Piot’r toe toét nói:
- À, chuyện thế này này. Bà ta sợ là thiên hạ ở đây không chừng đã viết gì rồi... nghĩa là vài tay thân sĩ ấy
mà. Rắc rối chính ở đây là Nicolai, hay đúng hơn là công tước K... ối chao, câu chuyện dài dòng lắm, và có
thể tôi sẽ kể cho anh nghe một khúc trên đường đi, dĩ nhiên tự giới hạn vào những sự kín đáo cho phép tôi
tiết lộ. Anh đã gặp thiếu úy Erkel chưa? Chú ta là bà con với tôi, bây giờ về đóng ở
đây.
Thanh niên trưởng giả kia, nãy giờ liếc xéo Erkel, giơ tay chạm vào mũ. Erkel cúi đầu chào.
- Anh biết không, Piot’r, tám giờ trên xe lửa là một cực hình ghê gớm. Có lão đại tá tên là Berextov rất vui
nhộn cùng mua vé hạng nhất với tôi. Lão ta là láng giềng với gia đình tôi, và lấy một cô con gái nhà de
Garin đấy. Người rất đàng hoàng. Lại có tư tưởng nữa. Lão ta chỉ ở đây có đôi ba ngày. Lão mê chơi bài điểm
lắm, vậy có lẽ chúng ta gây một sòng nho nhỏ, anh nghĩ sao? Tôi đã nhắm chân thứ tư rồi - một lão thương gia
triệu phú để râu ria xồm xoàm tên là Pripukhlov, vốn người tỉnh T. - tôi nói đây là triệu phú thứ thật; anh
có thể tin lời tôi... Lão ta là cóc vàng đó - tha hồ mà
vui.
- Tôi rất thích một sòng nhỏ! Và tôi tin chắc rằng sẽ tha hồ vui, nhưng chẳng may tôi lại mua vé hạng nhì, vậy
nên...
- A, có ăn gì! Cứ lên với chúng tôi và tôi sẽ bảo nó chuyển cho anh qua hạng nhất. Thằng cha soát vé chính ở
đây là thứ em út, tôi bảo gì nghe nấy mà. Anh có gì trong toa?... túi? áo
khoác?
- Nhất rồi - ta đi thôi.
Piot’r đi lấy túi, áo khoác, và cuốn sách rồi hí hửng leo lên toa hạng nhất. Erkel đỡ hắn một tay. Hồi chuông thứ ba rung lên. Piot’r thò tay qua cửa hông lần chót bắt tay Erkel, có dáng bận bịu, và tất cả nói:
- Thôi chào nhé, Erkel. Họ đang chờ tôi khai cuộc, chú thấy không.
- Việc gì phải giải thích, anh Piot’r? Tôi hiểu, tôi hiểu cả mà!
- Vậy, hẹn tái ngộ.
Piot’r vội quay khỏi cửa hông vì thanh niên thượng lưu kia gọi giật và muốn giới thiệu hắn với hai tay chơi khác. Và Erkel không còn thấy Piot’r nữa!
Erkel về nhà mà tâm sự bời bời. Không phải anh hoảng kinh vì Piot’r phải bỏ họ mà đi đột ngột đến thế, nhưng... Piot’r đã quay phắt đi ngay khi thanh niên lịch sự kia cất tiếng gọi. Thực sự anh ta không có gì để nói nữa sao, ngoài câu “hẹn tái ngộ”? Ít ra anh ta cũng có thể siết chặt tay hơn chút nữa.
Điều sau cùng làm Erkel chua xót nhất. Và một cái gì khác bắt đầu gặm nhấm trái tim bé bỏng đáng thương của anh, một cái gì mà chính anh cũng chưa hiểu nổi, một cái gì liên hệ đến đêm hôm trước.