Lũ Người Quỷ Ám - Chương 51

Chương Bảy

CHUYẾN ĐI CUỐI CÙNG CỦA ÔNG

XTEPAN VERKHOVENXKI

1

Tôi không còn chút nghi ngờ, ông Xtepan rất sợ sệt khi cái ngày định cho kế hoạch điên rồ của ông đã gần kề. Tôi tin chắc rằng sự hãi hùng xâu xé ông nhiều nhất là vào cái đêm trước khi ông ra đi - cái đêm hỏa hoạn kinh hoàng. Sau này chị Naxtaxia kể lại với tôi đêm ấy ông đi ngủ trễ, nhưng có ngủ. Tuy nhiên điều này chẳng chứng tỏ được gì. Tôi nghe nói những tội nhân bị kết án tử hình ngủ rất ngon, ngay vào cái đêm trước khi bị hành quyết. Và mặc dù ông Xtepan bỏ nhà ra đi khi trời sáng hẳn, ánh sáng trấn tĩnh con người yếu bóng vía (như lời giải thích của ông thiếu tá nói tại nhà Virghinxki tại sao ông ta chẳng còn tin Chúa ngay mỗi khi đêm tàn), nhưng tôi chắc rằng trước đó, ông Xtepan không thể ngờ ông sẽ một mình một bóng đi suốt con đường cái mà không hãi hùng. Dĩ nhiên, một cái gì đó tuyệt vọng trong ý nghĩ đã làm dịu bớt cái cảm giác lạ lùng của sự cô đơn bất chợt ập đến với ông, ngay khi ông ra đi bỏ chị Naxtaxia và tổ ấm mà ông đã sống trong hai mươi năm. Vả lại, chuyện cũng chẳng có gì khác: ngay như nếu ông hiểu rõ ràng tất cả hãi hùng đang chờ đợi ông, ông vẫn dấn bước lên đường. Ông thấy cử chỉ của mình đúng, đáng hãnh diện; ông phấn khởi hành động với bất cứ giá nào. Ôi, thật ra ông có thể ở lại, chấp nhận bà Varvara cung hiến những điều kiện huy hoàng nhất. Nhưng ông không thể ở lại với bà như một kẻ ăn bám tầm thường. Không - ông không cần lòng từ thiện của bà; nên ông không ở lại! Ông tự ý rời bỏ bà và phất cao “ngọn cờ lí tưởng vĩ đại” mà ông sẽ hiến thân trên đường! Đó là đúng với tâm trạng của ông và đúng như cách ông hình dung cuộc ra đi.

Nhưng tôi thường tự hỏi tại sao ông phải cuốc bộ thực sự thay vì thuê xe. Trước tiên tôi cho rằng vì năm mười năm ông sống tách biệt hẳn thực tế cuộc đời và có khuynh hướng để trí tưởng tượng rong ruổi với mình khi ông đang cơn xúc động mãnh liệt. Tôi nghĩ rằng hình ảnh du hành bằng chiếc xe tứ mã thay ngựa từng trạm có cả lục lạc dường như quá tầm thường, quá nhàm đối với ông, trong khi một cuộc hành hương bằng chân, dù với cả cây ô, là cử chỉ thơ mộng hơn và là cách trả thù -lãng mạn bà Varvara. Nhưng bây giờ mọi sự đã xong xuôi, tôi tin lí do thực sự giản dị hơn nhiều. Đầu tiên ông sợ thuê ngựa làm bà Varvara biết đặng sẽ ép ông ở lại - chắc bà sẽ làm - và ông sẽ hàng phục, thế là chấm dứt vĩnh viễn luôn lí tưởng vĩ đại. Thứ đến, một người thuê xe tứ mã thay ngựa từng trạm ít nhất phải biết mình muốn đi đâu, điều mà ông thực sự không nghĩ ra, nó làm ông đắn đo hơn hết. Bởi vì nếu ông chọn đi tới bất cứ một tỉnh nào đó, thì cuộc phiêu lưu kia tức khắc trở nên vô nghĩa và phi lí trong chính mắt ông. Ông cảm thấy như vậy. Tại sao phải là cái tỉnh này mà không là cái tỉnh khác? Ông tìm thương gia nọ hả? Nhưng thương gia nào? Đây lại là câu hỏi thứ nhì quái ác hơn hiện tới bất ngờ. Thực ra, không gì làm ông sợ hơn là thương gia nọ mà ông thình lình đi tìm, và ông sẽ hoảng hồn chứ chẳng phải chơi nếu ông thực sự tìm được hắn. Không, xin cảm ơn, ông thích con đường cái hơn và đi, đi mãi, chẳng hề nghĩ ngợi, được chừng nào hay chừng nấy. Con đường cái dài, dài ngút ngàn không dứt, như đời người, như mộng ảo. Con đường cái quan chứa đựng cả một lí tưởng vĩ đại, nhưng ngồi xe thì có lí tưởng khỉ khô gì? Ngồi xe là hết cả lí tưởng. Vậy con đường cái quan vạn tuế - và phó mặc cho Trời.

Sau khi bất ngờ đụng đầu Liza trong đồng, ông tiếp tục mải miết đi. Con đường cách dinh cơ Xcvoresniki chừng nửa dặm, sờ sờ đó mà quả lạ lùng - ông chẳng hề biết mình đã bước lên đó từ bao giờ. Suy nghĩ một cách thấu đáo hay chỉ là nhận thức một cách rõ ràng đều không thể chịu được đối với ông lúc bấy giờ. Mưa bụi lất phất từng chặp, nhưng ông không để ý. Ông cũng chẳng để ý là mình đã quảy bị trên vai lúc nào, cho dễ đi hơn. Khi ông bất chợt ngừng lại và nhìn quanh thì ông đã đi được chừng một dặm rồi. Con lộ lâu đời, đen sì và lỗ chỗ vết bánh xe, trồng dương hai bên, chạy dài mút mắt nhỏ rưng rức như sợi chỉ. Bên phải là những cánh đồng còn trơ cuống rạ, vì mùa gặt đã qua từ lâu; bên trái là đôi bụi rậm, và nối tiếp theo là cánh rừng. Đằng xa, xa tận chân trời, khó mà nhìn thấy, đường sắt đổ dốc, bên trên đám khói đánh dấu con tàu đang chạy mà chẳng nghe tiếng. Ông Xtepan thấy sợ hãi, nhưng chỉ trong một lúc. Ông thở dài không duyên cớ, để chiếc bị xuống bên gốc dương, và ngồi nghỉ. Ông thấy lạnh lẽo và quấn chiếc khăn quàng lên. Đoạn ông để ý có mưa bụi, mới mở ô che đầu Ông ngồi như vậy khá lâu, nắm chặt cán ô và đôi môi thỉnh thoảng mấp máy. Đủ thứ hình ảnh hỗn tạp quay cuồng trước mắt ông, chúng đuổi bắt nhau. Ông nghĩ ngợi: “Cô Liza, Liza với anh chàng Mavriki... Những con người lạ lùng. Họ còn nói tới đám cháy khủng khiếp nào đó và mấy người bị giết nữa? Chị Naxtaxia chắc chưa biết ta bỏ đi - chị đang đợi mang cà phê cho ta... Bài bạc à? Ta đã thua bài khi nào phải gá người nhỉ? Hừ, trong cái xứ dưới chế độ nông nô này - ôi, trời hỡi, và còn tên tù vượt ngục Fedca nữa?” Ông giật mình hoảng sợ và nhìn dáo dác. “Rủi tên Fedca đang núp trong bụi đâu đây? Nghe nói nó có cả bọn lâu la chặn khách qua đường ăn hàng. Ôi trời, ta sẽ nói thật với nó. Ta sẽ nhận với nó chuyện xưa là do lỗi của ta, nhưng sau đó ta đau khổ cho nó còn hơn là chính nó chịu trong quân đội. Rồi ta sẽ đưa nó cái ví. Ta có tất cả bốn mươi rúp - và nó sẽ lấy hết tiền rồi giết ta luôn thể..”.

Cơn sợ không hiểu sao khiến ông xếp ô lại và để bên mình. Ông thấy từ đằng xa một chiếc xe đang tiến lại, cũng từ thành phố ra. Ông trông nó một cách ngại ngùng.

- Một chiếc xe ngựa nhà quê, tạ ơn Trời, nó đang lết tới. Nó không thể nguy hiểm được - đó là những con ngựa giống địa phương ôm đói. Ta đã luôn luôn đề cập tới việc nuôi ngựa giống, nhưng thực ra không phải ta nói mà là Piot’r nói tới,vấn đề này, rồi ta bắt bẻ hắn tịt ngòi với câu - nhưng cái gì lù lù phía sau người đánh xe nhỉ? Trông như người đàn bà nhà quê. Một người nhà quê với bà vợ, như vậy mới thấy rất bảo đảm! Đàn bà ngồi sau, đàn ông ngồi trước - rất bảo đảm! Có con bò cột sau xe nữa, thế mới bảo đảm vô cùng!

Chiếc xe tới ngang ông, đó là một chiếc xe nhà nông vững chắc và tốt. Người đàn bà ngồi trên bao đồ dồn ứ, còn người đàn ông ngồi bên hông, thòng chân ra ngoài, day mặt phía ông Xtepan. Một con bò lông hung cột vàm lững thững theo sau xe. Người đàn ông và người đàn bà há hốc mồm nhìn ông Xtepan và ông cũng nhìn họ như vậy. Nhưng khi chiếc xe qua khỏi ông độ hai mươi thước hơn, ông vội vàng đứng dậy và đi theo. Dĩ nhiên ông thấy đi gần gũi chiếc xe an toàn hơn, nhưng khi ông bắt kịp chiếc xe thì ông đã quên hết mọi sự và lại đắm hồn trong mộng ảo. Ông tiếp tục đi, chẳng chút ngờ mình đang xuất hiện trước mặt những người dân quê này như một thứ kì bí lạ đời nhất mà họ từng gặp trên đường cái. Người đàn bà không thể kìm lòng lúc ông Xtepan lơ đãng nhìn, chị bèn cất tiếng hỏi:

-  Thưa - ông là ai? Xin lỗi tôi quá đường đột!

Chị phải cỡ hai mươi bảy tuổi, chắc nịch, tóc sậm, mặt hồng hào với đôi môi đỏ như son, cười nụ thân thiện lộ hàm răng đều và trắng. Ông Xtepan ngạc nhiên rầu rĩ hỏi:

-  Chị - chị hỏi tôi hả?

Người đàn ông quả quyết:

-  Chắc là thương gia.

Anh to con, vai rộng, gương mặt sáng sủa và râu xồm đỏ hoe. Ông Xtepan vừa bước chậm lại cho ngang kề với con bò để ngừa bất trắc và vừa gắng gượng trả lời:

-  Không phải, tôi thực không phải là thương gia. Tôi - tôi làm nghề khác.

Người đàn ông vừa kéo dây cương, vừa kết luận khi nghe một tràng tiếng nước ngoài:

-  Chắc là nhà quyền quí.

Người đàn bà lại nói đầy tò mò:

-  Thưa, chúng tôi nhìn ông mà đầu óc rối beng không biết ông đi chơi hay làm gì?

-  Chị hỏi - chị hỏi tôi hả?

-  Thưa ông, có những người nước ngoài đáp tàu tới đây; và đôi ủng của ông, tôi trông khác xa với loại trong

vùng.

Người đàn ông lên giọng quan trọng và tự mãn:

- Ủng nhà binh mà.

-  Không, không phải. Tôi thực không ở trong quân đội, tôi...

Ông Xtepan nổi cáu khẽ lầm bầm: “Đàn bà đâu lắm chuyện quá sức. Cách chị ta nhìn soi mói mình kìa! Sau cùng, ngỡ là ta đã làm gì sai quấy cho họ trong khi thực sự ta có làm gì đâu”.

Hai anh chị nhà quê thì thầm với nhau, rồi nói to:

-  Xin lỗi ông, thưa, nếu ông chẳng quản lên xe, chúng tôi rất vui mừng cho ông quá giang.

Đột nhiên ông Xtepan tỉnh ra:

-  Ừa, các bạn làm phúc - tôi chẳng quên ơn, vì tôi thấy thấm mệt. Nhưng làm sao tôi leo lên?

Ông nghĩ ngợi: “Lạ lùng thật, tự nãy giờ mình đi ngang với con bò, và chẳng nghĩ tới hỏi họ quá giang. Đời sống thực tế quả có khác”. Tuy nhiên, anh nhà quê cũng không dừng ngựa ngay. Anh dè dặt hỏi:

-  Thưa, ông muốn đi tới đâu ạ?

Ông Xtepan chưa hiểu ngay:

-  Thưa, có phải ông tới Khatovo không?

-  Khatovo hả? Không, không hẳn vậy. Tôi chưa biết nơi đó, mặc dù tôi có nghe nói tới.

-  Thưa, làng Khatovo cách đây chừng bảy dặm.

-  Làng hả? Đáng yêu lắm. - Ừa, có lẽ tôi đã nghe tới nó rồi.

Ông Xtepan còn cuốc bộ và chiếc xe vẫn không ngừng để ông leo lên. Đầu ông vụt lóe lên ý tưởng thông sáng:

- Chắc các bạn nghĩ tôi là - tôi có giấy tờ hẳn hoi. Tôi là giáo sư, nghĩa là thầy giáo, nếu quí bạn muốn hiểu

như vậy - nhưng là một thầy giáo thượng hạng, ngoại hạng, ưa, người ta có thể dịch đúng như vậy. Tôi rất

muốn leo lên xe ngồi, và tôi sẽ rất hân hoan mua của các người một chai rượu

vang.

- Thưa tôi phải tính ông nửa đồng. Ông biết đó, con lộ thật tệ.

- Chị đàn bà hùa theo: Thưa ông, nếu không thì hóa ra chẳng phải lẽ, phải vậy không?

- Nửa đồng rúp hả? Được rồi, vậy nửa đồng rúp. Còn tốt chán. Tôi có tới bốn mươi đồng nhưng...

Chiếc xe ngừng lại và nhờ cả ba hợp lực, mới vần ông Xtepan lên được và ngồi trên bao đồ kề chị đàn bà. Ý tưởng không ngớt quay cuồng trong đầu óc ông. Thỉnh thoảng, ông nhận ra mình đang lơ đãng quá và không thể nào nghĩ tới những điều ông phải nghĩ, và ông thầm hỏi sao lại như vậy được. Có những lúc ông đau khổ biết nhận ra bất lực trong việc kiểm soát lí trí của mình, ông nổi cáu và mất tinh thần. Ông hỏi chị đàn bà:

-  Tại sao - sao lại cột theo con bò này?

Chị đàn bà bật cười ngất:

-  Thưa, ông chưa bao giờ thấy à?

Anh đàn ông cắt nghĩa:

- Tôi mua nó ngoài tỉnh. Con vật của chúng tôi chết hồi mùa xuân vừa rồi. Bệnh dịch. Tất cả súc vật khắp làng

đều bị dịch và chết hết một nửa - người ta kêu trời như

bọng.

Và anh ta ra roi, khi chiếc xe lún vào ổ trâu. Ông Xtepan nói nửa chừng:

-  Ừa, nó xảy ra ở Nga. Và nói chung là người Nga chúng ta... ừa, nó xảy ra hiển nhiên.

-  Thưa, nếu ông là thầy giáo, ông định làm gì ở Khatovo? Hay ông sẽ đi xa nữa?

-  Tôi hả? Không hẳn tôi phải đi xa nữa, nghĩa là, tôi sẽ tới nhà một thương gia.

-  Vậy phải tới Xpaxov không?

-  Ừa, đúng chỗ đó - Xpaxov. Dù rằng, thực sự nó chẳng ăn nhằm gì.

Chị đàn bà cười.

-  Nếu ông đi Xpaxov cuốc bộ như hồi nãy, và với đôi ủng này, tôi cho ông mất chừng cả tuần mới tới.

Ông Xtepan nóng nảy ngắt lời chị đàn bà:

-  Đúng, đúng, nhưng các bạn tôi ơi, nó cũng có ăn nhằm gì đâu.

Ông nghĩ ngợi: “Người gì tò mò khiếp thật. Chị đàn bà này ăn nói khá hơn anh đàn ông, và ta chú ý từ khi bãi bỏ chế độ nông nô, họ nói năng biến đổi phần nào. Nhưng can hệ gì tới họ nếu ta có đi Xpaxov hay không? Ta trả tiền cho họ, vậy sao họ không thể để ta yên?”

Anh đàn ông tiếp tục quấy rầy ông:

-  Nếu ông đi Xpaxov, tốt hơn hết ông nên đi thuyền.

Chị đàn bà phụ họa vào:

-  Đúng đó, vì xe chạy theo bờ hồ, ông bắt buộc đi vòng, trội hơn ít nhất ba mươi dặm.

Anh đàn ông bảo:

-  Chừng bốn mươi dặm hơn.

Chị đàn bà dàn xếp vấn đề:

-  Ông có thể kịp chuyến đò máy hai giờ trưa ở Uxtievo ngày mai.

Ông Xtepan nhất định không bàn cãi nữa và giữ im lặng, nên những người chất vấn ông cũng để ông yên một lúc. Người nhà quê ngồi đó, chốc chốc giật cương ngựa và thỉnh thoảng trao đổi đôi lời ngắn ngủi với chị đàn bà. Ông Xtepan lim dim. Ông rất ngạc nhiên khi chị đàn bà đánh thức và ông thấy mình đang ở trong một làng khá rộng với chiếc xe ngừng bên ngôi nhà gỗ quê mùa, mặt tiền có ba cánh cửa sổ.

-  Thưa, vậy ông đã đánh một giấc ngắn?

Ông buồn bã leo xuống xe:

-  Gì vậy? Tôi đang ở đâu đây? À, mà ăn nhằm gì đâu?

Ông nhìn dáo dác ngao ngán. Quang cảnh làng làm ông chới với như lạc loài xa lạ khủng khiếp.

-  Ồ, tôi suýt quên trả nửa đồng đi mất!

Ông nói với người nhà quê với một cử chỉ lo lắng quá lố. Dường như ông sợ họ sắp sửa bỏ ông. Người nhà quê mời ông:

-  Thưa, ông có thể vào trong nhà thanh toán. Xin mời ông vào.

Chị đàn bà mời mọc.

-  Trong nhà đàng hoàng mà.

Ông bước lên tam cấp ọp ẹp. Ông bỡ ngỡ đầy sợ sệt, nhưng lại bước vào và nói lầm thầm: “Có thể nào như vậy? Chị ta muốn à!” Lời này thọc buốt tim ông và đột nhiên ông quên hết mọi sự, luôn cả chuyện hiện ông ở trong nhà người nhà quê.

Đây là một căn nhà hai phòng, sáng sủa khá sạch sẽ, không hẳn là quán trọ nhưng chỉ là chỗ cho những người ngoài làng thường đến dừng chân lại. Chẳng chút ngại ngùng, ông Xtepan đi thẳng tới góc phòng dành cho khách, nhưng ông quên chào hỏi, ngồi xuống triền miên nghĩ ngợi. Chẳng bao lâu sự ấm áp rất dễ chịu ngấm vào người ông, sau khi trải qua ba tiếng đồng hồ ngoài đường lạnh và ẩm. Những cái rùng mình ớn lạnh từng chặp chạy suốt xương sống ông, như thường xảy ra ở những người lên cơn khi sốt nóng, và thình lình từ chỗ lạnh qua chỗ ấm - làm ông thấy dễ chịu. Ông ngước đầu lên và mùi thơm của những chiếc bánh nóng, mà chị đàn bà đang chiên, kích thích khứu giác ông. Ông cười hồn nhiên như đứa trẻ, chồm tới chị đàn bà và nói đớt đát:

-  Cái gì đấy, bánh đang chiên hả? Hấp dẫn lắm.

Chị đàn bà lễ phép dâng ông đĩa bánh và nói:

-  Thưa, ông dùng đôi chiếc?

Ông Xtepan vồ vập:

-  Đôi chiếc hả! Ồ, còn gì bằng, tôi cũng muốn có thêm chút trà nữa thì tuyệt vô cùng.

Những chiếc bánh chiên nhà quê nổi tiếng, mỏng và ngon lành rưới bơ chảy, bưng đến trong cái đĩa rộng màu xanh lơ. Ông Xtepan thưởng thức một chiếc rất khoái khẩu:

- Chà tuyệt! Ngon thật! Phải chi có thêm mấy hớp đưa cay với nó.

- Thưa, có phải ông muốn nói tới rượu vodka?

- Ừa, đúng đó - đúng ý tôi, chút ít thôi.

- Ông muốn một li năm xu?

- Một li năm xu, một li năm xu, một li năm xu, chút xíu thôi. Ông Xtepan mỉm cười sung sướng và gật đầu chấp

thuận. Bạn nhờ một người bình dân nào làm giùm việc gì đó, nếu anh ta có thể và thích làm, thì anh ta sẽ hết

lòng vui vẻ mà làm; nhưng nếu bạn nhờ anh ta mang cho bạn rượu thì tính thân thiện thầm lặng thường khi của

anh ta vụt chốc trở nên hăng hái muốn làm vừa lòng bạn ngay, tận tình lo lắng cho bạn như thể anh em trong

nhà. Khi anh ta đi tìm rượu cho bạn, dù anh ta biết rạch ròi rằng bạn sẽ nhậu một mình, không mời anh ta một

hớp, nhưng anh ta cũng vui thoáng qua cái vui mà bạn sẽ hưởng. Trong phút chốc - quán rượu chỉ cách đó đôi

ba căn - nửa chai vodka và một li to màu lục để trên bàn trước mặt ông Xtepan. Ông ngạc nhiên vô

cùng:

- Bao nhiêu đây lận à! Tôi nhậu vodka luôn, nhưng không biết năm xu rượu mà được nhiều như này!

Ông rót một li, đứng dậy, và đi một cách khá trịnh trọng tới góc phòng bên kia, chỗ chị đàn bà đang ngồi, người bạn đồng hành của ông đã nhín bớt chỗ ngồi cho ông trên cái bao đồ và đã hỏi những câu làm quấy rầy ông. Chị ta đầu tiên lúng túng và từ chối. Nhưng sau một số lần mời mọc, cuối cùng chị đứng dậy, lễ độ ực ba hơi, cũng như mấy chị đàn bà thường làm; nhăn mặt biểu lộ cảm giác cháy bỏng trong cổ, chị cúi đầu chào và trả li. Ông trịnh trọng cúi đầu và, trông rất tự đắc, quay về bàn.

Ông đã hành động trong lúc bốc đồng, chẳng hề có ý nghĩ, dù chỉ một phút trước đó, sẽ mời rượu một người đàn bà.

“Ta xử sự với người bình dân rất hay cũng như ta thường nói với bọn kia”, ông tự mãn nghĩ ngợi và rót phần rượu còn lại ra li; mặc dù rượu chỉ còn lưng li, nhưng nó truyền cho ông một con sóng nồng ấm lan khắp châu thân và lên tận đầu một chút.

“Ta ngã bệnh ngay, nhưng bị bệnh không phải tệ lắm đâu..”.

Ông nghe tiếng đàn bà nói khẽ bên tai:

-  Thưa, ông muốn mua không ạ?

Ông nhướng mắt và thấy một thiếu phụ sang trọng - một thiếu phụ rất ra vẻ. Chị phải ngoài ba mươi và trông dung dị; chị mặc chiếc áo dài đen thị thành, khăn choàng hầu màu xám quanh xuống vai. Gương mặt có nét gì rất tươi vui làm lôi cuốn cái nhìn của ông ngay. Chị mới vào nhà, vừa để đồ xuống chiếc băng gần bên ông đang ngồi, có một cái cặp mà ông nhớ đã chú ý tới khi ông vào, và một cái túi xách bằng vải dầu. Bây giờ chị lấy trong túi xách hai quyển sách đóng bìa đẹp đẽ có mạ thập tự giá đưa trước mặt ông.

- À, đây chắc là kinh Phúc Âm. Ừ hử, thú vị lắm, tôi mua một quyển. Tôi hiểu ra rồi, người ta gọi bà là phụ nữ

Phúc Âm; ừa, dĩ nhiên, tôi đã đọc nó nhiều lần rồi. Nửa đồng

hả?

- Mỗi quyển ba mươi lăm xu.

- Được mà, tôi thích thú lắm, tôi không có gì chống với Phúc Âm, và muốn đọc lại nó lần nữa từ lâu rồi.

Lúc ấy ông nhớ lại ông thực sự không rớ tới quyển kinh Phúc Âm ít nhất đã ba mươi năm, chỉ trừ đôi đoạn nằm trong quyển “Đời Jesus” của Renan111 mà ông đọc cách đây bảy năm.

Ông không có tiền lẻ, nên móc hết bốn tờ mười rúp ra, tất cả số tiền của mình. Chị chủ nhà đi đổi tiền lẻ và chỉ bấy giờ ông mới chú ý là trong nhà khá nhiều người và tất cả dường như nhìn chằm chặp vào ông và còn đang bàn tán về ông. Họ cũng đang bàn chuyện vụ hỏa hoạn, và anh nhà quê vừa về với ông lại nói nhiều hơn cả, có lẽ vì anh ta mới ở thành phố về. Họ nói về vụ đốt nhà và về đám thợ xưởng Spigulin.

Ông Xtepan chợt nghĩ: “Tại sao anh ta không nói tới đám cháy khi còn trên đường? Anh ta nêu đủ chuyện, chỉ trừ chuyện đó”.

-  Ồ, ông Xtepan! Thế ra ông đó à? Tôi không thể ngờ gặp ông nơi đây! Thưa, ông có nhận ra tôi không ạ?

Đó là một con người đứng tuổi trông như hạng tôi tớ - “mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao” với áo khoác dài rộng cổ. Ông Xtepan trở nên lo ngại khi nghe gọi danh tính mình ra.

Ông lắp bắp nói:

- Xin lỗi, tôi không nhớ ra anh ở đâu.

- Ồ, tôi biết mà, ông quên tôi rồi. Thưa ông, tôi là Anixim - Anixim Ivanov. Tôi đã giúp việc trong nhà ông

Gaganov quá cố. Tôi có gặp ông nhiều lần, khi ông tới thăm ông ấy và bà Gaganova. Bà ấy thường sai tôi mang

sách cho ông, và thưa ông, hai lần bà ấy gửi biếu ông kẹo đặc biệt của

Petersburg...

Ông Xtepan mỉm cười nói:

- À phải, phải rồi Anixim, tôi nhớ rõ lắm. Bây giờ anh sống ở đây hả?

- Thưa, tôi sống ven làng Xpaxov, gần tu viện, và tôi giúp việc trong nhà em gái của bà Gaganova, có lẽ ông còn

nhớ, bà ấy bị gẫy chân khi nhảy xuống xe lúc tới dự dạ hội. Bây giờ bà ấy sống bên tu viện và tôi giúp việc

cho bà. Tôi đến đây thăm họ

hàng.

- Ờ, ờ, tôi hiểu.

Anixim cười mê tơi, tiếp tục nói:

- Thưa ông, tôi rất vui mừng khi gặp ông, ông rất tử tế. Nhưng ông đi đâu một mình như thế này? Ông chẳng hề đi

ra ngoài đơn độc như vậy bao

giờ.

Ông Xtepan sợ sệt nhìn anh ta.

-  Có phải ông đi Xpaxov sẵn ghé thăm chúng tôi không?

-  Vâng, tôi sắp đi Xpaxov, nhưng dường như mọi người đều đi Xpaxov cả.

- Thưa, có phải ông đi thăm Fiodor Matveevitr không ạ? Chắc hắn mừng biết mấy khi gặp ông. Tôi nhớ hắn ngưỡng mộ ông biết chừng nào, và ngay cả bây giờ hắn vẫn thường nhắc tới ông.

- Ờ, ờ, tôi sẽ thăm hắn nữa.

- Thưa, phải đó. Còn những người nhà quê ở đây ngạc nhiên vì dường như ai đó thấy ông đã cuốc bộ trên đường

cái. Ôi, họ toàn một lũ

ngu.

- Đúng đó, Anixim, chính tôi đó. Anh biết không, tôi đánh cược, giống như người Anh, là tôi có thể đi bộ suốt

đường và

tôi...

Mồ hôi đổ hột trên trán và thái dương của ông. Anixim nghe với sự tò mò chẳng chút động lòng, anh ta nói:

-  Dạ phải đó, phải đó.

Nhưng ông Xtepan không chịu đựng nổi nữa. Ông lúng túng đến độ muốn đứng dậy và đi ra ngoài. Nhưng lúc đó, người ta mang ấm trà vào, và người đàn bà bán sách, đã đi công chuyện gì đó, trở lại. Ông Xtepan quay về phía chị và, kêu lên như người ráng sức trong tuyệt vọng cứu lấy mình, mời chị dùng trà với ông, Anixim bèn đành chịu và chuồn thẳng.

Phải nói sự hiện diện của ông Xtepan quả thực làm cho những người đàn ông rối trí vô cùng:

- Ông ta thuộc hạng người nào vậy? Người ta thấy ông ta trên đường cái và ông ta tự giới thiệu là thầy giáo.

Ông ta ăn mặc như người nước ngoài và đầu óc lại không hơn đứa trẻ. Ông ta trả lời và xem chừng như đang

chạy trốn ai vậy. Ừa, ông ta lại mang lắm tiền mặt trong

mình.

Đôi người muốn báo động với cảnh sát, vì “hiện nay có nhiều chuyện chẳng lành đã xảy ra trong thành phố. Nhưng tức thì Anixim làm họ yên lòng. Ra đến hành lang, anh ta kể với mọi người đang muốn nghe rằng ông Xtepan không chỉ là một thầy giáo, mà “chính là một nhà đại trí thức và đang nghiên cứu những vấn đề bác học vĩ đại”; rằng ông là một địa chủ trong tỉnh và sống trong nhà bà Varvara, phu nhân của tướng Xtavroghin trong hai mươi năm nay; rằng “các bạn biết không, ông là nhân vật quan trọng nhất trong nhà bà”; rằng “ai nấy trong tỉnh đều kính trọng và ngưỡng mộ ông vô cùng”; rằng ông là thứ người tiêu pha năm mươi hay cả trăm rúp một đêm ở câu lạc bộ của những nhà quí phái; rằng ông đã tới hàng đốc phủ sứ trong ngạch công chức, tương tự như cấp trung tá trong quân đội, “các bạn biết không, suýt soát đại tá”; và rằng rõ ràng “ông có tiền đó vì phu nhân tướng Xtavroghin ứng cho ông khối tiền, ông muốn bao nhiêu cũng được và ông không hề phải đếm bạc bao giờ” và vân vân.

“Chị ta là một thiếu phụ khá lịch thiệp đấy”, ông Xtepan nghĩ ngợi như vậy, sau khi thoát khỏi vòng vây của Anixim mà tò mò thích thú ngắm chị bán sách, chẳng chút khó chịu khi chị ta rót trà từ trong tách ra đĩa và nhấp nháp từng hớp với cục đường. “Cục đường... ừ, chẳng sao, chị ta có cái gì quí phái và độc đáo, đồng thời rất hiền lành. Cái thanh lịch thuần túy, nhưng có màu sắc đặc biệt”.

Không bao lâu ông biết được tên của chị ta là Xofia Matveevna Ulitina và chị sống ở K...., trong tỉnh này chị còn người em gái góa chồng. Chị cũng góa bụa; chồng chị tử trận ở Sevastopol vừa sau khi được thăng từ thượng sĩ lên thiếu úy.

-  Nhưng bà còn trẻ lắm - bà chưa tới ba mươi đâu.

Chị Xofia mỉm cười trả lời:

-  Dạ, ba mươi bốn.

-  Sao, thế ra bà cũng hiểu tiếng Pháp à?

-  Chút ít thôi. Sau khi nhà tôi qua đời, tôi ở bốn năm trong một gia đình quyền quí, và tôi học mót mấy đứa trẻ.

Và chị kể lại cuộc đời mình, góa bụa từ thuở mười tám, ở lại Sevastopol một thời gian làm nữ cứu thương, rồi sau đó lưu lạc nhiều nơi, và bây giờ đi đó đây bán kinh sách.

-  Nhưng, trời đất, thì ra bà là người bị mắc cái chuyện hết sức quái đản xảy ra ở thành phố đó!

Chị ta đỏ mặt; hóa ra chuyện đó xảy ra với chính chị.

-  Lũ vô lại đó! Tụi vô tích sự!

Ông buột miệng, thù hận bắt đầu khuấy động lòng ông khi kí ức về chuyện đáng tởm kia se thắt tim ông và ông lại rơi vào cơn suy tưởng nữa.

Thình lình ông sực tỉnh, thấy chiếc ghế bên mình trống vắng:

- Hừm, chị ta lại đi rồi, chị ta cứ hấp tấp; chị ta dường như bận bịu chuyện gì. Ta cho rằng phải có chuyện làm

chị ta lo lắng. Chà, ta lại trở thành ích kỉ

rồi.

Ông nhướng mắt lên lại thấy Anixim, nhưng lần này trong tình cảnh đe dọa nhất. Căn phòng chật ních những người đàn ông nhà quê và rõ ràng là Anixim mang họ vào. Trong đám thấy có anh chủ nhà, người đã cho ông quá giang, hai người đánh xe, và một tên nhỏ thó đã ngà ngà say, ăn mặc như người nhà quê nhưng mày râu nhẵn nhụi và có vẻ của một chủ quán bị suy sụp vì rượu; tên này nói nhiều nhất. Và tất cả họ đang bàn tán về ông Xtepan. Người chủ xe có con bò nằng nặc rằng “nếu nhà quí phái đi đường bộ, ông ta phải đi vòng một đoạn ba mươi dặm, vậy ông ta nên đi tàu là hơn”. Nhưng tên nhỏ thó ngà ngà, được tên chủ nhà ủng hộ, cực lực phản đối điểm này.

- Lí do là vì, ông bạn biết đó, nếu nhà quí phái đi xuyên qua hồ thì gần hơn, đúng đấy, nhưng trở ngại là mùa

này đò máy không sang bên

đó.

Anixim gào lên, anh ta nóng nảy nhất trong bọn:

- Sang chứ, nó có sang - nó vừa chạy tuần rồi đây.

- Có lẽ nó chạy, nhưng nó không chạy đều đặn trong mùa này và có những lúc nó phải đậu cả ba ngày liền đợi chờ

Uxtievo.

Anixim nóng nảy nằng nặc quyết một.

- Ông sẽ thấy ngày mai đúng hai giờ chiếc đò máy sẽ có mặt tại đây - và tôi hứa chắc với ông, thưa: ông sẽ tới

Xpaxov trước buổi

chiều.

Ông Xtepan run lên vì sợ; trong khi đợi xem chuyện sẽ đi tới đâu, ông tự hỏi: “Nhưng cái anh này mắc chứng gì vậy?” Rồi những người đánh xe tranh giành và tuyên bố” chỉ tính ông ba rúp đi Uxtievo; những người khác nhao nhao lên: như vậy phải lắm, thực sự chỉ lấy đúng giá, và đó là giá cả mà người ta tính suốt mùa hè để đưa khách hàng đi Uxtievo, Ông Xtepan lắp bắp:

-  Nhưng tôi thích ở đây - tôi không muốn...

Anixim khôn khéo đối đáp:

- Đúng vậy thưa ông, ở đây tốt đó, nhưng không sánh được với Xpaxov, và ông hãy tưởng Fiodor Matveevitr sẽ vui

đến chừng nào khi gặp

ông.

- Trời hỡi, này các bạn ơi, chuyện này thật bất ngờ đối với tôi.

Sau cùng, chị đàn bà bán sách trở lại. Nhưng chị ta ngồi trông âu sầu và chán nản. Chị kể với bà chủ nhà:

-  Coi bộ như tôi không đi Xpaxov được.

Ông Xtepan tươi tỉnh hỏi:

-  Sao vậy, bà cũng đi Xpaxov nữa à?

Hóa ra, một bà điền chủ là Nadejda Egorovna Xvetlixưna đã hứa đến đón chị ta tại Khatovo chiều nay và cho chị ta quá giang đi Xpaxov, nhưng tới giờ này bà ta chưa thấy đến. Chị đàn bà đáng thương lặp lại:

- Tôi không biết làm sao bây giờ.

- Nhưng người bạn mới và thân mến của tôi, tôi có thể cho bà quá giang tới làng đó - tên gì nhỉ? Cũng chẳng

khác nào bà điền chủ kia, vì tôi đã thuê xe ngựa để đi tới đó. Vậy mai chúng ta có thể đi Xpaxov

chung.

- Ông cũng đi Xpaxov à?

Ông Xtepan thình lình thấy nôn nóng muốn đi Xpaxov:

- Làm sao tôi không đi cho đành? Tôi rất hân hạnh, và tôi rất hân hạnh đưa bà tới đó. Đây, bà thấy không, những

người này đều muốn - và tôi đã thuê một người. Tôi đã thuê ai trong số các anh

hả?

Trong vòng mươi lăm phút người ta đem tới một chiếc xe có mui, ông rất nôn nao và hài lòng, chị ta cầm cái túi thánh kinh và mỉm cười biết ơn. Anixim đỡ hai người lên xe và họ ngồi kề nhau. Anixim rối rít quanh xe:

-  Xin chúc ông may mắn. Thật rất may cho tôi được gặp lại ông.

-  Chào bạn, đi nhé.

-  Vậy ông sẽ đến thăm Fiodor Maveevitr.

-  Ừa, ừa, tôi sẽ thăm Fiodor Petrovitr đó bạn, nhưng bây giờ đi nhé.

2

Ông Xtepan bắt đầu vô đề ngay khi xe vừa chuyển bánh:

- Đấy bà thấy không, bà bạn thân mến của tôi - thưa bà, vì tôi hi vọng bà cho phép tôi gọi bà như thế, bà thấy

đó tôi thương yêu nhân dân. Phải như vậy mới được. Nhưng hình như tôi chưa hề nhìn sát họ bao giờ. Chị ở của

tôi, chị Naxtaxia, dĩ nhiên là người bình dân, nhưng những người bình dân trăm phần trăm - những người mà ta

thấy trên đường cái, dường như họ chỉ có một mối quan tâm là muốn biết tôi đi đâu. Nhưng hãy bỏ qua những

phiền hà đó. Có thể bà cho là tôi nói tầm phào quá, nhưng tôi nghĩ chỉ vì tôi đang hấp tấp muốn nói những

điều...

Chị ta chăm chỉ quan sát ông nhưng rất cung kính, và nói:

-  Thưa ông, tôi xem chừng như ông không được khỏe cho lắm.

- Không, không sao đâu. Tôi chỉ cần quấn cái khăn quàng là đủ... mặc dù gió khá mát, vâng, dĩ nhiên rất mát, nhưng chúng ta bỏ qua chuyện này đi. Tôi muốn nói cái gì khác hơn kìa. Bạn thân mến và quí báu nhất, tôi hình như cảm thấy hạnh phúc và đó là nhờ bà. Hạnh phúc đối với tôi chẳng chút lợi lộc gì, vì tôi trở nên yếu mềm ngay và quyết tha thứ cho tất cả kẻ thù nghịch.

- Nhưng, thưa ông, như vậy rất tốt.

- Bạn thân mến thơ ngây ơi, không phải luôn luôn như vậy đâu. Bà sẽ thấy, từ đây về sau chúng ta sẽ rao giảng

kinh Phúc Âm, và tôi sẽ tự nguyện bán những quyển sách đẹp đẽ này của bà. Vâng, tôi cho rằng đó là một ý

tưởng vĩ đại, có đôi điều rất mới mẻ trong loại sách này. Quần chúng đều tín ngưỡng - sự thật không chối cãi

được - nhưng họ vẫn chưa biết kinh Phúc Âm. Tôi sẽ giảng dạy nó cho họ. Trình bày bằng lời tôi mới có thể

sửa chữa những sai lầm trong quyển sách đáng kể này mà, bà hãy tin tôi, tôi hết sức tôn kính. Như thế tôi

cũng có thể hữu ích trên con đường cái. Tôi luôn luôn hữu ích và tôi luôn luôn ráng làm cho họ hiểu như vậy.

Nhất là con người thân yêu bạc bẽo nọ. Ôi, nhưng trước tiên chúng ta hãy tha thứ tất cả cho mọi người, và

chúng ta hãy hi vọng người ta cũng sẽ tha thứ cho chúng ta, bởi vì chúng ta tất cả đều có tội đối với người

khác. Mọi người đều có

tội.

- Thưa, tôi cho rằng ông nói hay lắm.

- Vâng, tôi nghĩ là tôi đang nói rất hay và tôi cũng sẽ nói rất hay với họ, nhưng tôi đang muốn nói cái gì đây?

Tôi cứ quên đầu quên đuôi, không nhớ mình đang nói gì. Bà có cho phép tôi ở lại với bà không? Tôi hiểu được

bà đang nhìn tôi và cử chỉ của bà làm tôi bối rối vô ngần: bà thẳng thắn và không giả tạo; bà nói đớt đát

đôi tiếng và cứ một điều “thưa ông” hai điều “thưa ông” với tôi; bà uống trà bằng cách sớt ra đĩa, mút cục

đường đáng khiếp; nhưng trông bà có cái duyên dáng mà tôi có thể thấy trên khuôn mặt bà - ồ, bà đừng mắc cỡ

chứ, và đừng sợ tôi như thể một gã đàn ông! Hỡi người bạn thân mến và quí báu của tôi, đối với tôi, một phụ

nữ là hơn hết! Tôi không thể sống thiếu vắng một người đàn bà bên cạnh - nhưng chỉ bên cạnh thôi, không gì

khác nữa... Tôi rối loạn xà ngầu rồi... Tôi không thể nhớ mình đang muốn nói gì. Ôi sung sướng thay những ai

được Chúa ban cho người đàn bà bên mình khi mình cần... Chắc là tôi đang đắm đuối... Cũng có một ý tưởng vĩ

đại về con đường cái đây! Vâng, phải rồi - tôi muốn nói với bà điều đó - về cái ý tưởng, nhưng nãy giờ tôi

cứ quên mất điểm này. Và sao họ lại gửi chúng ta xa xăm hơn, ở đó tốt đấy chứ, trong khi ở đây lạnh lẽo -

quá lạnh lẽo. Sẵn đây, tôi có tất cả bốn mươi rúp, nè, cầm đi, giữ lấy. Tôi luôn luôn làm mất tiền còn không

thì họ cũng lấy tiền tôi - tôi buồn ngủ khủng khiếp và đầu óc tôi đang quay cuồng. Ôi, nó quay tít mù! Ôi,

bà tử tế quá. Bà đang quấn gì cho tôi

đó?

- Thưa ông, ông đang sốt dữ dội, và tôi quấn cái chăn cho ông. Còn về số tiền, thưa ông, tôi chẳng...

- Ôi, đừng nói lôi thôi nữa, làm tôi buồn đó. Bà thực tử tế vô cùng...

Rồi ông ngủ ngay tức khắc, mê mệt trong cơn sốt run rẩy - chiếc xe chở họ nãy giờ chạy được chừng mười bảy dặm trên hương lộ gồ ghề, và xóc dữ dội. Chốc chốc ông Xtepan tỉnh giấc, cất đầu khỏi chiếc gối nhỏ mà chị ta kê, và hỏi: “Bà có đây hả?” cho chắc là chị ta không biến mất. Ông còn báo cho chị ta biết ông mộng thấy một cái mồm khổng lồ há hốc lởm chỏm răng và nó làm ông phát ốm thực. Xofia Matveevna rất lo ngại cho ông.

Chiếc xe dừng lại bên căn lều bằng gỗ rộng rãi và có bốn cửa sổ. Đằng sau có sân và đôi chái lều nhỏ rải rác chung quanh. Ông Xtepan thức giấc, hấp tấp vào nhà, bước thẳng vào phòng thứ nhì, rộng và đẹp hơn phòng kia. Gương mặt ngái ngủ ra vẻ bận rộn, ông cắt nghĩa với bà chủ nhà - phốp pháp to xương, trạc tứ tuần, tóc đen nhánh và lờ mờ lông măng như ria mép - rằng ông cần trọn căn phòng và đòi cửa nẻo phải then gài và chẳng một ai được phép vào “vì chúng tôi cần nói chuyện với nhau. Vâng, bà bạn thân mện ơi, tôi có nhiều chuyện muốn nói với bà. Ồ, tôi sẽ trả tiền, sẽ trả tiền”, - ông trấn an bà chủ nhà.

Mặc dù ông cố nói nhanh, nhưng ông cảm thấy lưỡi đớ ra, khó vận dụng. Bà chủ nhà lắng nghe với vẻ không thân thiện, nhưng gật đầu bằng lòng, tuy cử chỉ như đe dọa. Nhưng ông không hề quan tâm gì cả và vội vàng đòi bà ta đi sửa soạn cơm chiều tức khắc “đừng chậm trễ”.

Điều này thực quá đáng đối với bà chủ nhà lờ mờ ria mép.

- Thưa ông, đâykhông phải là khách sạn. Chúng tôi không nấu cơm chiều cho người đi đường. Ông có thể có nước

trà uống, luôn cả một ấm, và tôi có thể luộc cho ông vài con tôm hùm, nhưng chỉ có vậy thôi. Cho tới ngày

mai mới có cá

tươi.

Nhưng ông Xtepan khoát tay và giận dữ lặp lại: “Mau đi, mau đi, tôi sẽ trả tiền”. Cuối cùng họ bằng lòng món cháo cá và tiếp theo là gà quay. Bà chủ nhà tuyên bố là cả làng chẳng có lấy một con gà, nhưng bà bằng lòng đi tìm xem có thứ gì cho ông không, nhưng với vẻ như thể bà làm ơn làm phúc cho ông không bằng.

Ngay khi bà ta vừa ra khỏi, ông Xtepan ngồi xuống trường kỉ và mời Xofia Matveevna ngồi bên mình. Trong phòng có cái trường kỉ và đôi chiếc ghế bành, nhưng đều hư nát lắm. Đại khái căn phòng khá rộng (có màn kéo ngăn chiếc giường bên trong), tường dán giấy màu vàng cũ kỹ rách nát với tranh ảnh thần thoại ghê rợn, và treo một hàng dài ảnh thờ, thêm vào đó nhiều ảnh lồng khung đồng xếp ở gần cửa. Ngần ấy thứ cùng với bàn ghế hỗn tạp bày ra một sự trộn lẫn chẳng chút đẹp mắt nửa chợ nửa quê - Nhưng ông Xtepan nào chú ý tới nó làm gì; ông cũng, chẳng buồn liếc mắt qua cửa sổ nhìn cái hồ mênh mông cách đó chừng vài mươi thước. Ông nói với Xofia Matveevna:

-  Cuối cùng chỉ có chúng ta với nhau và tôi chẳng cho một ai vào. Tôi muốn kể với bà mọi sự từ đầu.

Chị ta nhìn ông lo ngại và ngắt lời:

-  Ông Xtepan Trifimovitr, ông biết không...

Ông cười rạng rỡ và hỏi:

-  Sao bà lại biết tên tôi rồi?

-  Tôi nghe anh Anixim gọi ông như vậy khi ông chuyện trò với anh ấy. Nhưng tôi muốn nói với ông cái này...

Và lẹ làng, mắt vẫn không rời cánh cửa phút nào như thể sợ ai có thể nghe lén, chị ta bảo cho ông rằng cái làng này không an lành. Chị ta giải thích, mặc dù dân trong làng làm nghề chài lưới, đánh cá là nguồn lợi chính của họ, nhưng họ không chút ngại ngùng tính giá cắt cổ với những khách qua đường trong mùa hè, vì làng không nằm trên trục lộ chính mà chỉ là một ngõ cụt, và người ta đến đây chỉ vì nó là trạm đợi đò máy; và nếu chiếc đò máy không ghé - thời tiết hơi xấu một chút là nó không chạy - chỉ vài bữa nữa là cả làng trở nên đông đảo khủng khiếp. Đó chính là điều các chủ nhà đang trông mong vì như vậy họ có thể tính giá mọi thứ mắc gấp ba lần. Còn về ông chủ nhà mà hai người đang ở đây, ông ta rất tự đắc và kiêu ngạo, so với mức sống địa phương ông ta rất giàu - chỉ độc có miệng chài của ông ít nhất cũng đáng ngàn rúp.

Ông Xtepan ra chiều trách móc nhìn gương mặt ửng hồng và nôn nóng của Xofia Matveevna và khoát tay nhiều lần ngăn chị ta nói. Nhưng chị ta nhất quyết nói, kể lể rằng chị ta đến làng này vào mùa hè vừa rồi “cùng với một thiếu phụ giàu sụ trong tỉnh”, và cả hai phải ở lại đây hai đêm đợi đò và chịu cực hình đến nỗi giờ đây nhớ lại còn sợ.

- Này ông Xtepan Trifimovitr, ông đã giữ phòng này cho riêng mình ông - tôi muốn cảnh cáo ông. Còn phòng kia đã

có nào là một ông đứng tuổi, một thanh niên, lại thêm một thiếu phụ với con cái; và mai đây, căn nhà chẳng

còn một chỗ trông cho tới hai giờ trưa, vì người ta mong đợi đò từ hai ngày rồi, và chắc chắn nó phải tới

nội trong ngày mai thôi. Cho nên, vì ông giữ phòng riêng cho mình ông, đòi dọn cơm chiều như vậy, và gây bực

bội cho những khách trọ - họ sẽ tính ông cái giá cắt cổ lột da mà dù ngay tại Moskva hay Petersburg cũng

không đến nỗi như

vậy.

Chị nói như thế làm đau lòng ông thực sự.

- Thôi đủ rồi cưng ơi! Chúng ta có đủ tiền đây mà và sau đó - vầ sau đó lo gì, trời sinh voi sinh cỏ. Tôi ngạc

nhiên thấy bà, con người có nhiều ý tưởng cao quí... Bao nhiêu đó đủ rồi, thôi đi, bà làm tôi điên cái đầu!

- Ông hét điên loạn. - Chúng ta còn lo tương lai mà bà, bà - bà làm tôi chẳng an lòng chút nào về tương lai

của chúng

ta.

Và ông bắt đầu kể lể chuyện mình, hấp tấp đến nỗi, thoạt tiên, ông nói lúng ta lúng túng không nên lời. Ông nói và nói miên man. Người ta dọn lên cháo cá, rồi món gà quay, và cho đến khi ấm trà được bưng lên ông vẫn còn thao thao. Câu chuyện của ông nghe khá lạ lùng, khá ngô nghê, nhưng bấy giờ ông sốt thực sự. Trong tình trạng như vậy, trí óc của ông đang căng thẳng tột độ và, như Xofia Matveevna lo ngại đoán trước, rồi đây thế nào nó cũng đưa tới sự kiệt lực hoàn toàn. Ông bắt đầu gần như từ thời niên thiếu “khi ngực tôi phập phồng, tôi chạy hùng hục xuyên qua những cánh đồng”, và ông mất gần hết một tiếng đồng hồ để kể lể hai đời vợ của mình và cuộc sống ở Berlin. Tuy nhiên, tôi không dám cười chuyện đó, vì nó thực sự có cái gì thiêng liêng đối với ông, diễn tả theo ngôn ngữ mới bây giờ là “sự cạnh tranh để sinh tồn”. Bây giờ ông đang đối đầu với người đàn bà được ông chọn làm bạn đường trong cuộc hành trình sắp tới, và, nói một cách khác, ông đang truyền đạo cho chị ta. Ông cảm thấy rằng phải để cho chị ta biết ông là một thiên tài. Có lẽ ông đã tạo hy vọng quá đáng về chị ta, nhưng ông đã chọn rồi. Ông không thể sống thiếu vắng đàn bà. Qua thái độ của chị, ông nhận rằng những lời nói của mình khó hiểu đối với chị ta, ngay cả những điểm cơ bản nhất. Ông tự nhủ: “Chẳng sao, chúng ta sẽ đợi chờ, và rồi với thời gian bà ấy có thể hiểu mình bằng linh tính”. Thình lình ông kêu lên cắt ngang:

- Bạn yêu dấu của tôi ơi! Tôi thực sự chỉ cần quả tim của người và cái nhìn quyến rũ và đắm đuối của người đang

nhìn tôi! Ôi, bà đừng mắc cỡ - tôi đã giải thích

rồi...

Người đàn bà bị mắc bẫy đáng thương còn ở trong đám mù dày đặc, nhất là khi câu chuyện của ông bắt qua bình phẩm những người khác thường thiếu khả năng hiểu biết ông, ôi “thiên tài bị lãng quên trong đất nước chúng ta”. Như sau này chị âu sầu diễn tả, “tất cả thật là diệu vợi, quá cao xa đối với đầu óc của tôi”. Bấy giờ rõ ràng chị khổ nhọc ráng nghe với với đôi mắt tròn xoe. Và khi ông bắt đầu mỉa mai và nhận xét khá chua chát, sắc bén về những “đầu óc tiến bộ soi đường dắt nẻo”, thì chị ta cũng ráng trong tuyệt vọng, mỉm cười đôi lần để đáp lại tiếng cười chế giễu của ông, nhưng điều này làm chị khổ nhọc hơn là phải khóc; và cuối cùng ông trở nên bối rối. Ông gắng gượng che giấu sự bối rối này bằng cách đả kích cũng với sự phẫn nộ vô cùng “bọn hư vô và lũ tân trào”. Lần này chị ta trở nên hoảng sợ thực sự và không có dịp nào để hoàn hồn cho đến lúc ông thực sự bắt đầu kể câu chuyện tình hiện tại - và chỉ có bấy giờ mới có vẻ hoàn hồn. Đàn bà dù sao cũng vẫn là đàn bà, ngay cả một nữ tu cũng vậy. Và bây giờ chị ta mỉm cười, lắc đầu, má ửng hồng, mắt ngó xuống; ngần ấy thứ đưa ông đến bến bờ say đắm và làm ông hứng chí đến độ tô điểm cả câu chuyện với những láo khoét được chọn lựa cho thích hợp. Ông biến bà Varvara Xtavroghina thành giai nhân tóc nâu, nồng nàn, khiến “biết bao bậc tu mi của Petersburg và nhiều kinh thành Âu châu trồng cây si” và đấng phu quân lãnh một viên kẹo đồng oan nghiệt kết thúc cuộc đời ở chiến trường Sevastopol chỉ vì ông tướng Xtavroghin cảm thấy “không xứng đáng với tình yêu của bà và mong muốn nhường bà cho đối thủ của mình”, nghĩa là, còn ai khác hơn ông Xtepan Verkhovenxki.

- Đừng bối rối, con chiên bé bỏng mĩ miều của tôi ơi! - Ông nhìn chằm chặp Xofia Matveevna mà la lên, gần như tin chắc rằng chuyện thực đúng như lời ông nói. - Nó là cái gì cao khiết tế nhị vô vàn; chúng tôi không hề đề cập tới chuyện đó với nhau, dù chỉ một lần.

Lí do của tình cảm đó là, ông mới giải thích thêm toàn câu chuyện, một người đàn bà khác: lần này là cô gái tóc vàng (tôi không thể tưởng tượng nổi là người nào ngoại trừ ông muốn nói tới Dasa). Dù sao, cô gái tóc vàng kia mọi thứ đều nhờ vả vào và có họ hàng xa với thiếu phụ tóc nâu; cô, ông kể thêm, cũng như được bà ta nuôi nấng trong nhà. Kế thiếu phụ tóc nâu nhận thấy người kia dành tình yêu cho ông Xtepan, mới âm thầm chôn chặt tình mình tận đáy lòng. Còn cô gái tóc vàng, cũng vậy, thấy bà nọ trao tình yêu cho ông, đành âm thầm chôn chặt tình mình tận đáy lòng. Cho nên cả ba người đành cam khổ mà hy sinh cho nhau, giữ mối tình câm; mỗi người thầm kín khóa cửa lòng mình, và chịu vậy trong hai mươi năm trường.

- Ôi thật đắm say - thật đắm say! - Ông la gần như nghẹn ngào trong sự mê ly thành thực nhất. - Tôi nhìn nàng -

thiếu phụ tóc nâu - đóa hoa đến độ mãn khai; tôi ngắm nàng bước bên tôi mỗi ngày mà con tim rướm máu vì tôi

có cảm tưởng như nàng xấu hổ về tấm nhan sắc của mình... (Ông lỡ lời một lần, nói ra “tấm thân đẫy

đà”.)

Nhưng cuối cùng ông chạy trốn, bỏ lại cơn mộng suốt hai mươi năm - một cơn mộng hai mươi năm! - Và đó là lí do ông ở ngoài đường cái. Rồi, đầu ông nóng lên, ông bắt đầu giải thích với chị Xofia Matveevna cái ý nghĩa của “sự hội ngộ tình cờ duyên kiếp của hai người và sự hợp nhất miên trường và vĩnh viễn”.

Sau hết chị Xofia Matveevna bối rối vô cùng, đứng dậy, bấy giờ ông gắng quì gối trước mặt chị ta, và điều này làm chị ta phát khóc. Trời tối hẳn và nãy giờ hai người đã ở trong phòng cài then hàng giờ rồi. Chị ta mới lắp bắp:

-  Bây giờ ông nên để tôi qua phòng bên, còn không thiên hạ sẽ nghĩ thế nào về mình?

Cuối cùng ông đành để chị ta đi ra và hứa rằng ông sẽ đi ngủ ngay. Khi ông chào chị ta, ông than nhức đầu vô cùng. Chị Xofia Matveevna đã gửi túi xách của mình cho bà chủ nhà khi ông Xtepan và chị ta mới vào nhà, định hỏi bà chủ để nghỉ lại ban đêm. Nhưng chị ta không có dịp may nghỉ ngơi.

Ông Xtepan Verkhovenxki mắc bệnh đau bao tử kinh niên, trong vòng thân hữu của ông ai cũng biết; trong đêm cơn bệnh hành hạ ông dữ dội, kết quả thông thường của thần kinh căng thẳng và xúc động tình cảm ở vào hoàn cảnh của ông. Chị Xofia Matveevna đáng thương thức trọn đêm. Để săn sóc bệnh nhân, chị ta thường phải ra vào trong nhà, như vậy chị ta bắt buộc phải đi qua phòng kia; bà chủ và những khách trọ cằn nhằn chuyện này, và còn lên tiếng chửi khi về sáng chị ta quyết định nhóm lửa đun ấm trà. Trong những lúc bệnh trầm trọng nhất, ông Xtepan nửa mê nửa tỉnh; đôi khi ông tưởng chừng như có người nhóm bếp, bưng cho ông trà với mứt dâu, và có cái gì ấm chườm trên ngực cũng như bụng ông. Nhưng ông cảm thấy nàng luôn luôn có mặt bên cạnh mình, chính nàng tới lui, đỡ ông ngồi dậy và dìu ông nằm xuống. Độ ba giờ sáng, ông thấy khá hơn, ngồi dậy, thả chân xuống giường, và chẳng cần nghĩ ngợi riêng tư, ông ngã sấp xuống sàn dưới chân chị ta. Lần này lại không phải là một nỗ lực bi thảm quì trước mặt chị ta - ông chỉ buông mình rơi dưới chân chị ta và khỏi hôn tà áo chị ta. Chị ta lắp bắp:

-  Ông đừng làm vậy - đừng làm vậy. Tôi có xứng đáng gì...

Ông chắp tay lại và nói:

- Vị cứu tinh của tôi! Bà quí phái như một bà hoàng! Còn tôi, tôi xấu xa! Tôi bất lương trọn cả đời.

- Ông, ông - hãy bình tĩnh.

- Những gì tôi đã kể cho bà trước kia đều bịa đặt tất cả - vì phù hoa, khoe khoang - bịa đặt tất cả. Tôi chỉ là

tên ăn bám, vô

lại!

Cơn đau bao tử biến thành nỗi khủng hoảng tự kết tội sảng sốt. Tôi đã đề cập tới những cơn khủng hoảng này trong những lá thư của ông gửi cho bà Varvara. Bây giờ thình lình ông nhớ lại bữa gặp Liza ngoài đồng trong ngày đầu tiên của cuộc hành trình. Ông cứ gạn hỏi chị Xofia:

- Thật khủng khiếp. Chắc phải có chuyện gì xảy ra cho nàng đây, mà tôi cũng không hỏi tới nữa! Chính tôi lại

bận rộn quá! Chuyện gì đã xảy ra cho nàng hử? Bà có nghe gì về nàng

không?

Rồi ông thề nguyền sẽ không bao giờ “phản bội” nàng (nghĩa là bà Varvara), rằng ông sẽ trở lại với nàng. “Chúng ta” (nghĩa là ông và chị Xofia) sẽ đi qua nhà bà ấy mỗi ngày, khi bà ấy bước lên xe dạo chơi buổi sớm, và chúng ta sẽ âm thầm nhìn theo bà ấy. Ôi, tôi mong cho bà ấy tát má kia của tôi - tôi khát khao được như vậy! Vâng, tôi sẽ đưa má kia giống lời dạy trong những quyển Thánh kinh của bà đây. Chỉ bây giờ tôi mới thật hiểu đưa mớ kia có ý nghĩa gì. Trước kia, tôi không hề hiểu nó là thế nào!” Đối với chị Xofia, hai ngày tiếp theo là những ngày khủng khiếp nhất trong đời, và cho đến bây giờ, mỗi lần nhớ lại chị ta không khỏi rùng mình. Ông Xtepan trở bệnh trầm trọng đến nỗi không thể đáp chuyến đò cập bến đúng hai giờ trưa ngày đó. Cho nên, vì chị ta không thể rời ông, chị ta cũng ở lại nữa. Chị ta kể lại với tôi là ông khá hài lòng khi chuyến đò rời bến mà không có hai người. Ông nằm trên giường lẩm bẩm:

- Tuyệt diệu lắm, tôi lo sợ chúng ta phải đi. Ở đây được lắm, khá hơn bất cứ nơi nào khác. Bà sẽ không bỏ tôi

chứ, phải không? Tôi biết bà không bỏ tôi

đâu!

Thực ra chỗ họ ở không “được lắm” đâu. Ông không muốn nghe những khó khăn mà chị ta phải đương đầu. Ông đang sống trong thế giới của tưởng tượng. Ông tưởng cơn bệnh mình chỉ là một sự khó ở ngắn ngủi qua mau, và ông bận rộn hoạch định tương lai: hai người sẽ giang hồ đó đây bán “những quyển Thánh kinh của bà”. Ông yêu cầu chị ta đọc Phúc Âm cho ông nghe.

- Tôi đã không đọc nó từ lâu rồi - ngoại trừ vài đoạn trích dẫn. Nếu ai hỏi tôi điều gì trong đó tôi trả lời có

thể sai bét. Như vậy thật không phải. Tôi bắt buộc phải ôn tập lại mới

được.

Chị ta ngồi xuống bên ông và mở kinh Thánh ra.

- Bà đọc tuyệt vời, - ông buột miệng, ngắt lời chị ta vừa mới đọc có dòng đầu. “Tôi biết mà, tôi không lầm về

bà đâu!” ông nói một cách nhiệt thành và khó

hiểu.

Nói chung, ông đang ở trong trạng thái hưng phấn liên miên. Chị ta đọc đoạn Bài Giảng Trên Núi.

-Đủ rồi, ngừng đi thôi, bạn yêu dấu. Bà không nghĩ vậy là đủ hay sao?

Và ông kiệt sức, nhắm nghiền đôi mắt. Nhưng, dù ông yếu thật, ông cũng vẫn tỉnh. Chị ta đứng dậy đi, tưởng là ông muốn ngủ, nhưng ông ngăn chị ta lại. Ông say sưa nói:

- Bạn yêu dấu ơi, tôi đã láo lếu trọn đời. Kể cả khi tôi nói thật. Tôi không hề nói vì chân lí bao giờ, chỉ nói

vì tôi thôi, và mặc dù tôi luôn luôn biết vậy, cho đến bây giờ tôi mới thực sự hiểu ra. Ôi, những bạn bè mà

tôi đã bắt chịu cái tình bằng hữu chó má trọn đời của tôi, bây giờ ở đâu? Ôi sau hết - bà biết không, rất có

thể tôi cũng đang láo khoét đây: thực vậy, tôi chắc chắn mình đang láo khoét. Cái chính là chính tôi cũng

tin tưởng ngay cả lúc tôi đang láo khoét. Điều khó khăn nhất trong đời là sống không láo khoét và - và không

tin vào những chuyện láo khoét của mình. Vâng, đúng, đúng, không sai chạy một li! Nhưng khoan đã - chúng ta

sẽ trở lại tất cả điều này sau. Ôi, chúng ta cùng bên nhau, bây giờ bên

nhau!

Chị ta rụt rè nói:

-  Ông Xtepan Trifimovitr, chúng ta cho rước bác sĩ ngoài tỉnh nhé?

Ông kinh ngạc vô cùng.

- Để làm gì? Chẳng lẽ tôi ốm thật sao? Chúng ta cần gì tới người lạ hả? Nếu họ biết ra thì chúng ta sẽ ra làm

sao? Không, không, chúng ta chẳng cần bất cứ ai xa lạ, chỉ đôi ta là đủ rồi! - Ông giữ im lặng một lúc rồi

tiếp: - Bà biết làm gì không, đọc thêm một ít, bất cứ đoạn nào bà thích, chỗ nào mắt bà bắt gặp trước

tiên.

Chị ta mở quyển kinh và đọc:

- Và cho thiên thần hội thánh Laodixe112.

- Cái gì vậy? Nó là cái gì? Ở đâu vậy?

- Ở sách Khải huyền.

- Ồ, tôi nhớ rồi, phải đó, Khải huyền, đọc đi, đọc đi! Bà bất ngờ lật ngay nó, và đoạn này sẽ bảo cho chúng ta

tương lai của hai người. Tôi muốn biết bà bói được số phận nào. Đọc lên, đọc lên - bắt đầu từ vị thiên thần

này.

- “Và cho thiên thần hội thánh Laodixe, hãy viết: Này lời phán dạy của Amen, chứng nhân trung thành và chân

thật, uyên nguyên cho cả tạo thành của Thiên chúa. Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng

chẳng nóng. Phải chi ngươi nóng hẳn hay lạnh hẳn đi! Vì ngươi hâm hẩm như thế, và chẳng nóng chẳng lạnh, thì

Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta! Vì ngươi quả quyết: ta giàu, ta đã thành phú túc; ta chẳng thiếu thốn sự

gì; - và ngươi không biết là ngươi là kẻ khốn nạn, đáng thương hại, nghèo nàn, đui mù, trần

trụi...”

Ông ngồi dậy, đôi mắt sáng long lanh và la lên:

- Bà - vậy bà bói được đoạn này à! Tôi không biết đoạn vĩ đại này! Bà có nghe thấy không? Lạnh khá hơn, lạnh

khá hơn hâm hẩm, khá hơn chỉ âm ấm. Ôi, tôi sẽ chứng tỏ nó cho họ biết! Chỉ cần bà đừng bỏ tôi - bà đừng bỏ

tôi một mình! Tôi sẽ chứng tỏ nó, tôi sẽ chứng tỏ

nó!

- Nhưng ông Verkhovenxki, tôi đâu có bỏ ông, thưa ông, tôi không bao giờ bỏ ông.

Chị ta nói và cầm tay ông áp chặt vào tim mình trong khi mắt chị ta đẫm lệ nhìn ông.

Môi và cằm ông bắt đầu co giật. Sau này chị ta bảo với tôi: “Lúc bấy giờ tôi thương hại ông kinh khủng”.

- Ông Verkhovenxki, nhưng chúng ta phải làm sao bây giờ? Tôi có phải thông báo cho vài bạn bè ông biết không?

Có lẽ thân quyến nào đó

hả?

Nhưng điều này làm ông hoảng sợ đến nỗi chị ta ân hận đã nói ra. Run lẩy bẩy, ông van chị ta đừng gọi bất cứ ai, đừng làm gì cả. Ông bắt chị ta hứa đừng sai rước ai cả! “Chỉ hai chúng ta thôi. Chúng ta sẽ sánh vai nhau đi”.

Chị ta cũng gặp khó khăn với những chủ nhà. Họ khởi sự lo ngại và cằn nhằn, làm khó dễ chị Xofia. Chị ta trả tiền cho họ và để cho họ thấy chị ta còn nhiều tiền. Họ tạm nguôi, dù vậy ông chủ nhà đòi xem “giấy tờ” của ông Xtepan. Bệnh nhân mỉm cười trịch thượng, chỉ cái bị cho chị Xofia tìm giấy chứng nhận đã từ chức ở viện đại học mà ông đã dùng như giấy căn cước trong bấy lâu nay. Tuy nhiên, ngay như vậy rồi mà ông chủ nhà còn nằng nặc rằng: “Quí khách phải dời đi chỗ khác, bởi vì ở đây không có nhà thương và nếu nhỡ có bề gì chúng tôi không chịu nghe đâu”. Chị Xofia nói với ông về chuyện rước bác sĩ, nhưng hình như phải ra tận tỉnh rước rất tốn kém và ông bảo tốt hơn đừng nên nhắc tới chuyện này nữa; nên chị ta trở lại ở bên cạnh bệnh nhân của mình mà khá ngao ngán. Trong khi ấy, ông Xtepan càng lúc càng trở nên suy yếu. Thình lình ông bảo:

-  Bây giờ bà hãy đọc cho tôi đoạn nói về bầy heo.

Chị Xofia hỏi:

-  Thưa, ông nói gì?

Không biết lí do gì mà lời yêu cầu của ông làm chị ta sợ hãi.

- Chuyện những con heo - sao vậy, nó ngay trong Kinh Thánh này đây - những con heo. Tôi nhớ là lũ quỉ nhập vào

những con heo và chết đuối hết cả lũ. Bà làm ơn đọc cho tôi đoạn đó đi. Tôi sẽ nói lí do sau. Tôi muốn nhớ

lại từng chữ một. Ừ, phải như vậy mới

được.

Chị Xofia thông thạo kinh Phúc Âm và chị không phải mất thì giờ tìm đoạn mà ông muốn - đoạn trong sách Phúc Âm Lúca mà tôi dùng làm tiêu đề cho quyển truyện này. Tôi xin trích dẫn lại nơi đây lần nữa:

“Ở đó có đàn heo khá đông được thả ăn trên núi. Và lũ quỉ nài xin Ngài cho phép chúng nhập vào heo. Và Ngài đã cho phép. Quỉ xuất ra khỏi người ấy, và nhập vào heo; và đàn heo từ triền núi chênh vềnh xồng xộc nhào xuống hồ và chết đuối. Thấy việc xảy ra, các kẻ chăn bỏ chạy, đem tin vào thành cùng các nông trại. Người ta ra xem sự đã xảy ra. Họ đến nơi Đức Jesus và gặp người đã được trừ quỉ, đã mặc áo xông, trí tỉnh táo, ngồi bên chân Đức Jesus. Và họ kinh hãi”.113

Ông Xtepan xúc động mãnh liệt thổt lên:

- Bạn yêu dấu ơi, bà biết không, đây là đoạn huyền diệu, siêu phàm, nó là cục đá mà tôi vấp phải suốt cuộc đời... nên tôi ghi nhớ nó từ lúc còn thơ dại. Nhưng bây giờ tôi nảy sinh một ý tưởng, một sự so sánh. Ôi, bây giờ biết bao nhiêu ý tưởng lộn xộn trong đầu. Bà biết đó, nó cũng giống như nước Nga chúng ta. Những loài quỉ quái yêu ma xuất khỏi người bệnh và nhập vào lũ heo - đó là tất cả những đau nhức khó chịu, tất cả những yêu khí độc địa, tất cả sự nhơ nhuốc, tất cả lũ quỉ và tiểu yêu tích tụ hàng thế kỉ trong nước Nga vĩ đại yêu dấu bệnh hoạn của chúng ta, ôi nước Nga tôi thương khôn cùng! Nhưng tư tưởng vĩ đại và ý chí vĩ đại từ trên cao gia hộ nước Nga, như người điên bị quỉ ám nọ; còn tất cả lũ quỉ, tất cả nhơ nhuốc quấy nhiễu trên bề mặt, sẽ đích thân van xin được phép nhập vào lũ heo. Thực ra, chúng đã nhập vào rồi không chừng! Đó là chúng tôi, chúng tôi và bọn kia - Piot’r con tôi cùng đồng bọn; và chúng tối sẽ lao từ bờ đá chênh vênh xuống biển, có lẽ tôi là tên đầu tiên, và tất cả chúng tôi điên loạn, sẽ chết đuối hết. Như vậy đáng kiếp rồi. Nhưng còn bệnh sẽ bình phục và sẽ ngồi bên chân Đức Jesus và người ta sẽ kinh ngạc mà nhìn. Bạn yêu dấu ơi, bạn sẽ hiểu rõ ngay đúng lúc, nhưng hiện giờ nó làm đầu óc tôi bận bịu khủng khiếp. Sau này bạn sẽ hiểu - chúng ta sẽ cùng nhau hiểu.

Rồi ông trở nên sảng sốt và sau đó bất tỉnh, và cứ như vậy suốt ngày hôm sau. Chị Xofia ngồi bên và khóc lóc. Hai đêm chị chẳng ngủ được gì và tránh né mấy chủ nhà nhìn thấy. Chị cảm thấy như họ sửa soạn hành động gì vậy. Sự cứu thoát tới ngày thứ ba mới đến. Ông Xtepan bình phục tỉnh táo sáng ngày, và bắt tay chị. Chị tự làm dấu thánh giá và niềm hy vọng trở lại với chị. Ông muốn nhìn ra cửa sổ.

- Coi kìa, cái hồ! Trời thần ơi, vậy mà tôi không để ý chớ!

Lúc đó một chiếc xe ngựa lốc cốc trên đường và đỗ lại trước cửa. Cả nhà bắt đầu nhốn nháo.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3