Một đời như kẻ tìm đường - Chương 11
Bước đầu nào cũng khó. Trong đời người có rất nhiều bước đầu.
Ngày đầu đi học là một kỷ niệm thơ ấu khó quên. Run rẩy khi có người yêu đầu tiên, rồi rối bời với hạnh phúc ngày thành hôn. Ngẩng đầu cao ngày tốt nghiệp. Kiêu hãnh ngày đầu đi làm.
Sung mãn ngày có đồng lương đầu tiên. Ngất ngây có đứa con đầu
lòng. Vừa tự hào vừa lo lắng ngày mở công ty. Thở phào ngày có một triệu đầu tiên, rồi mười, trăm triệu, rồi luống cuống khi cán mức tỷ. Vênh váo ngày chủ hữu chiếc ô-tô đầu tiên. Mỗi lần như
thế, ta không cầm được sung sướng, cho dù sự sung sướng đó thể
hiện nhiều kiểu khác nhau.
Thế nhưng, không phải lần đầu nào cũng vui. Ngày chia tay người yêu, ngày mất việc, ngày đóng công ty - những chuyện này chẳng ai muốn, quá vô duyên nhưng vẫn tới cho một số người.
Ngày phá sản. Lần đầu tiên bị lường gạt. Nhiều chuyện bất ngờ, thậm chí bất trắc khác. Ta suy sụp, mất hết tinh thần và trở nên bi quan.
Rồi có những trải nghiệm xấu, nhưng lại tốt cho tương lai, vì trong nỗi buồn vẫn chứa đựng những bài học sáng giá và nhất là những tia sáng đầy hứa hẹn. Công ty mình sập, nhưng trong sa thế
thì lại kiếm được bạn đồng hành cho suốt quãng đời sau, thậm chí người yêu. Rồi cũng có những trải nghiệm tốt, nhưng đã chứa đựng hạt nhân cho những khó khăn sau này.
Một trong những lần đầu mà mỗi người đều hằng mơ là ngày mình hoàn toàn độc lập về vật chất, nói trắng là mình nhận được món tiền đầu tiên trên đời từ tay mình làm ra nó, và ngay sau đó, ước mong là số tiền đó, thậm chí nhiều hơn, sẽ đến hàng tháng hàng tuần một cách đều đặn.
Những mô hình để đi tới quy chế độc lập đó thì không nhiều, chỉ có hai hoặc khởi nghiệp hoặc đi làm trong một doanh nghiệp. Hoặc làm chủ hoặc làm tớ, chỉ có thế thôi. Tôi không kể
trường hợp ai đó có mâm cơm ăn sẵn, nhưng mô hình hi hữu này không phải người nào cũng được hưởng. Chính trường hợp này cũng không cho người hưởng quy chế độc lập. Thực ra cả hai mô hình chủ và tớ rút cục cũng chỉ có một trong gốc, vì tôi chưa thấy ai làm chủ mà chưa qua giai đoạn làm tớ, và đây là điểm chính mà bạn đọc phải cố hiểu và từ từ làm quen.
* * *
CON ĐƯỜNG KHÔNG BAO GIỜ ĐI TỚI ĐÍCH
Một câu hỏi mà tôi thường nhận nhiều nhất là: “Em có vốn rất nhỏ, thầy khuyên em làm gì để khởi nghiệp?”. Hoặc một câu hỏi khác: “Thấy người ta khởi nghiệp thành công mà phát thèm, em phải làm gì để sớm khởi nghiệp thành công?”.
Hầu hết những câu hỏi đều phảng phất lối tư duy là xem việc khởi nghiệp như một mục tiêu mà người bắn trúng sẽ thành công ngay. Cũng giống như tư duy làm cho xong. Tốt nghiệp cho xong, lập gia đình cho xong, mở công ty cho xong. Dưới góc độ đó thì cả sự thành công cũng chỉ là một kết quả để đạt cho xong. Có bạn khởi nghiệp không thành công ngay lần đầu, bỏ luôn ý tưởng khỏi nghiệp, có lẽ bạn đó xem việc khởi nghiệp như một kỳ thi lên Đại học, thất bại là hủy bỏ chăng?
Đây là một lỗi lầm to tát.
Đời người, cũng như sự nghiệp là một hành trình dài, cho đến khi sự sống đã tắt thì mới hết. Thậm chí, hành trình sự nghiệp vượt qua cả giới hạn của thời gian hưu trí. Vì hưu trí chỉ áp dụng cho người làm tớ. Chứ khi mình làm chủ thì không có giới hạn thời gian cho việc mình theo đuổi. Ngoài ra cuộc hành trình nào cũng vậy, thành công tiếp theo thất bại rồi lại đến lượt thất bại tiếp theo thành công. Thành công và thất bại nối đuôi nhau, trải nghiệm của thất bại là những bài học cho những thành công mới, và những hồ
hởi của sự thành công dễ đưa tới những thất bại mới. Cứ như thế
để rồi, dần dần, thời gian sẽ mài dũa để làm cho con người hoàn hảo hơn. Mâu thuẫn nhất là đến khi mình cảm nhận mình thật sự
đạt rồi thì vào đúng lúc đó, mình không còn một chút nhu cầu gì nữa, không còn động lực để đi tiếp, chính vì vậy mà không bao giờ
nên có cảm nhận mình đã đạt. Kỳ tình, trong cuộc thử sức bản thân, sau những cuộc chiến gay go Con người mới hiểu được chân lý: vào đầu cuộc đời, ta tưởng mình tìm kiếm vật chất, nhưng lại không phải. Mục tiêu thật là đi vào một hành trình để đọ sức, đo khả năng bẩm sinh, đọ sức sống và sức chiến đấu. Ta từng có ý tìm đường, tưởng rằng một khi tìm ra hướng đi là xong, nhưng thật ra
hướng đi nào cũng đúng miễn là tìm được chính mình. Bằng chứng là hầu hết trong chúng ta vẫn tiếp tục chiến đấu ngay cả khi đã đạt được những mục tiêu vật chất.
Điều trên lại càng đúng hơn trong thế giới ngày nay. Mấy ai còn thiếu ăn, thiếu mặc? Nhưng ai cũng đang chiến đấu để có thêm, một phần vì tham lam đã đành, nhưng còn lại phần kia là để
chứng tỏ cho chính bản thân khả năng thực của mình.
* * *
CÁ KHO NGỦ ĐÔNG
Em Phạm Ngọc là một ví dụ khởi nghiệp điển hình.
Ngọc đã chế ra một sản phẩm vô cùng ấn tượng và đột phá, đó là cá kho! Nhưng cá kho của Ngọc chỉ có một không hai – “Cá Kho Ngủ Đông” truyền thống của làng Vũ Đại, miền Bắc.
Xin tả vắn tắt cho các bạn món cá đó. Thứ nhất là chọn con cá trắm thật tươi, với thân thật to, để kho với nước mắm nguyên chất hữu cơ cùng với 10 loại gia vị, trong đó có riềng, gừng, chanh, ớt và nhiều thứ khác. Cá được kho 10 đến 12 tiếng trong một niệu đặc biệt bằng đất mỏng với một ngọn lửa rất nhỏ. Càng kho lâu trên lửa nhỏ thì cá lại chắc chắn hơn thay vì nhã ra, trong khi đó xương cá lại mục nên cho phép ăn cả xương lần thịt với nhau. Với nước mắm để kho, Ngọc đã bỏ công đi khắp Phan Thiết và Phú Quốc để tìm đúng vị nước mắm mong muốn, và rút cục đã chọn nước mắm Phú Quốc Cô Tịnh. Cứ ăn thử một lần món Cá Kho Ngủ Đông, bạn sẽ nhớ mãi đặc sản của làng Vũ Đại mà Ngọc đã khổ công phổ biến.
Nếu chi kể đến đó thì xem như chưa kể gì, vì khi có được sản phẩm tốt rồi, công cuộc khởi nghiệp vất vả mới bắt đầu. Phải xem làm thế nào để kho rẻ và nhanh hơn mà không giảm chất lượng. Nào là đi tìm khách hàng. Nào là thương thuyết với các siêu thịNgọc chỉ có một mình với con cá, phía bên kia là một đội luật sư với tư vấn tài chính, mình chỉ xin đặt hàng, họ lại đòi phân phối độc quyền. Rồi phải xem xét mọi điều kiện để dễ bảo quản chất
lượng của món cá trong hệ thống lạnh của siêu thị. Xong đâu đó Ngọc lại phải lo việc thiết kế bao bì, mới khám phá ra rằng xốt cá phải có bao bì riêng thì món mới giữ được vị ngon. Rồi giai đoạn sau là xuất khẩu tại những quốc gia có khả năng thích món Cá Kho Ngủ Đông! Hai nước đầu tiên được xem xét là Pháp và Mã Lai.
Đến khi mọi chuyện ổn, lại phải nghĩ đến các quốc gia khác. Và xong đâu đó, Ngọc có chương trình phát triển các món mới – ví dụ
bạn ấy đang tìm loại bột cà-ri nào phù hợp nhất để tạo món cá cà-ri, mà Ngọc nghĩ có khả năng trở thành một món thu hút nữa. Cả
một vòng luân hồi của con cá ngủ đông!
Khi trao đổi với Ngọc qua các kênh truyền thông, tôi mới ngỡ ra rằng:
Ngọc đầu tư vào món cá kho một khối thời gian vô tận.
Ngày và đêm, đêm và ngày. Tuy nhiên, sản phẩm không phải tất cả, cho dù là một đặc sản tuyệt vời. Không một lúc nào Ngọc tiết kiệm nỗ lực và óc sáng tạo, chỉ mong món đặc sản của mình ngon hơn, thơm tho hơn, lành hơn mỗi ngày. Ngọc tìm kiếm không ngừng những chất liệu lành mạnh cho sức khỏe mà vẫn tăng gia vị.
Ngọc cũng thử kho với nhiều loại cá, để xem cá nào kho ngon nhất. Việc thử nghiệm này thật quá công phu, tất nhiên chi phí cũng đi theo. Ngọc vô cùng cầu thị và lắng nghe mọi ý kiến thậm chí chỉ trích để tiến bộ. Cô ấy không phản biện mà chỉ ghi chép để
thử nghiệm thêm. Không lúc nào Ngọc có tư duy làm giàu, mà chỉ
có một mong ước: tạo nên một sản phẩm độc đáo cho cộng đồng.
Ngọc tạo giá trị với bất cứ giá nào, không quản nhọc nhằn và chi phí (tuy vẫn rất cặn kẽ trên các chi phí). Các bạn độc giả rất cần hiểu rõ tư duy của Ngọc: không phải cô ấy không nghĩ tới sự thành công về tài chính, tuy nhiên sự tập trung của Ngọc vào ban đầu là đưa được món đặc sản của mình vào tay những người đồng điệu, thích thưởng thức món cá, chứ không hề xem việc làm của mình là kiếm tiền đơn thuần.
Những bước đầu của Ngọc không khác chi những bước đầu kinh điển của người khởi nghiệp. Đam mê đến say đắm sản phẩm
mà mình coi như đứa con ruột, rồi mong nó chóng lớn. Cả một hành trình không quản nhọc nhằn và thời gian.
Câu chuyện của Ngọc với món Cá Kho Ngủ Đông không phải là một chuyện khởi nghiệp với mục tiêu duy nhất là để làm giàu. Với Ngọc hạnh phúc là được trông thấy khách hàng háo hức gặp miếng cá thân yêu vào bát rồi thưởng thức một cách sung mãn.
Làm giàu không phải là mục tiêu tối hậu, mà chỉ là một trong những thước đo để đánh giá một ý tưởng khởi nghiệp thành công.
Những khó khăn lớn nhất đang đợi Ngọc. Chính vào lúc này, khi sản phẩm đã có, khi người tiêu dùng đã thích, khi siêu thị
đã ký hợp đồng, Ngọc sẽ cần thêm vốn để phát triển. Giống như
ngành Công nghệ thông tin ở Silicon Valley, Hoa Kỳ, sẽ có nhiều đại gia muốn mua lại toàn bộ cơ đồ mà Ngọc đã bỏ công xây dựng.
Mình đang quá cần họ vì mình bắt đầu thiếu vốn. Họ đã nhẫn nại đợi lúc thuận lợi nhất để tới với mình, khi những rủi ro về sản phẩm ban đầu đã đi qua. Đây là ải sắp tới mà Ngọc sẽ phải vượt qua để hoàn toàn thành công bước đầu.
TỪ QUÊ LÊN LẬP NGHIỆP - CÂU CHUYỆN CỦA SARAH LỆ
Vào lúc từ quê miền Tây lên thành phố cách đây 12 năm, Sarah Lệ không có mảy may ý tưởng làm nghề gì để sinh tồn và nhất là nuôi đứa con còn nhỏ. Lệ bắt đầu hành trình vào xưởng may quần áo để xuất khẩu tại Bình Dương, rồi vài tháng sau chuyển sang xưởng làm giày, rồi sau đó lại chuyển sang xưởng làm gỗ và nội thất. Đủ nghề, nhưng cuối cùng chỉ có thể gọi thế là nghề
lao động không chuyên môn. Đây là câu chuyện của hàng triệu lao động từ quê lên tỉnh, và tôi thấy quá tiêu biểu nên kể lại.
Lệ xưa kia đã buôn bán rau trái tại chợ Tân Lộc tỉnh Cà Mau. Sáng sớm tinh sương, Lệ chèo thuyền vào bưng sâu để mua những bó rau với giá rẻ, rồi lại chèo thuyền ra, cứ như thế, mỗi ngày. Lệ buôn bán rất giỏi, và khi lên Thành phố Hồ Chí Minh, Lệ
đã có một chút vốn, vài chỉ vàng đeo tay, chẳng hơn thế. Nhưng Lệ
vẫn không có nghề chuyên môn. Vài quán ăn ve vãn cô vào tăng
cường đội chạy bàn, tuy nhiên việc rất nặng nhọc và phải làm tới khuya nên Lệ không làm lâu.
Một hôm một người bạn rủ Lệ vào cùng học tại Nhà văn hóa Phụ Nữ. Khóa rất ngắn, học phí rẻ, Lệ chọn nghề tóc và móng với ý định nhanh chóng làm thợ phụ cho một salon ở quận 1.
Nhưng Lệ là người có chí và có trí. Quyết nhanh chóng hấp thụ các kiểu tóc, cô đạp xe đi thật xa tìm những mái đầu học sinh để tập cắt miễn phí. Và nhanh chóng, Lệ nắm bắt được vài kiểu cổ
điển. Thay vì làm trong một salon, Lệ thuê một căn phòng trọ nhỏ
Ở cuối ngõ, mở tiệm gội và cắt móng để khởi nghiệp. Thực sự ba các ba xu, nhưng cô vẫn sống qua ngày và có thời gian nuôi con.
Cái mốc đầu tiên rất quan trọng trong đời của Lệ là chẳng lâu sau, cô quyết định trang bị thêm một ghế gội thứ hai, và tăng cường nhân viên bằng chính bà chị ruột, cũng vừa mới ở quê lên.
Thế là tiệm có hai thợ, hai chị em ruột. Nhưng về phần Lệ thì cô vẫn cắn răng tự mình đi tập sự ở những nơi xa trung tâm để tạo kiểu tóc miễn phí cho học sinh trung học. Và cứ như thế, có được đồng nào Lệ lại trang bị thêm cho tiệm, nào là máy sấy, máy duỗi, những lọ sơn móng...
Đến khi Lệ và chị Vân bắt đầu có khách trung thành tới đều đặn, Lệ mới thuê một mặt bằng khác ở mặt tiền. Hai chị em làm việc thật chuyên nghiệp và lấy giá rẻ, và chẳng mấy chốc Lệ và Vân có khả năng chuyển đổi mặt bằng một lần nữa.
Lần này, hai chị em quyết định nhảy sang hẳn một cấp khác. Mặt bằng họ mướn rộng rãi, trang bị thật đầy đủ. Họ tiêu hết số vốn mình có nhưng từ nay, họ đã có được một cửa tiệm khang trang, và nhất là hai chị em nắm vững được những kiểu mẫu tân thời cho phép họ thu hút khách vãng lai.
Sau 12 năm vất vả, vào một ngày đẹp trời, Lệ nhận được chứng chỉ “Kéo Vàng” dành cho những tay tạo tóc chuyên nghiệp
cao cấp nhất, và chị Vân cũng nhận được bằng tốt nghiệp chính thức, cho phép họ nhìn tương lai vững vàng hơn nữa.
Mười hai năm, không ít hơn, để đạt tiêu chuẩn, và để tụ tập được một số khách quen cơ bản. Cả một hành trình nhọc nhằn rất tươi mà hai chị em ngày nay nhất trí quyết định tiếp tục, có lẽ là tạo ra một cửa tiệm thứ hai để đón tiếp và đào tạo những người bạn trẻ từ quê lên, giống họ ngày nào. Hay là tạo một chuỗi tiệm cùng tên chủ?
* * *
Những bước đầu của Ngọc hay của Sarah Lệ cũng không khác những bước đầu của Trung, của Duy, của Hoàng, của Tiến, của Hoàng Anh hay của Bích Ngọc và nhiều doanh nhân khác nữa.
Trung đã thành công trong việc tạo nên một hệ thống phân phối nông sản chất lượng nhỏ. Trung đã đi xa hơn Ngọc một bước, và Trung đang thương thuyết với nhiều đại gia tài chính. Chúc Trung thật nhiều may mắn, vì chuỗi siêu thị của Trung cần rất nhiều vốn và mặt bằng để phát triển nhanh chóng, mà rủi ro lại cao. Nhưng Trung đã tìm ra mô hình thành công, đó là một cỗ máy bắt đầu chạy đều và đã chứng tỏ khả năng tạo ra lợi nhuận đều đặn.
Duy còn đi xa hơn thế. Duy đã thành công trong việc tạo nên một chuỗi quán cà phê hữu cơ sau rất nhiều năm vất vả, và nhất là đã tìm ra công thức để chuỗi quán cà phê có khả năng đẻ ra thêm nhiều quán khác. Nhưng những đêm không ngủ vẫn tiếp tục với Duy. Vì lợi nhuận của Duy vẫn nằm trong mô hình lấy công làm lời - tìm mặt bằng cho những quán mới, đào tạo nhân viên và cố giữ họ lại với mình, tự sản xuất hạt cà phê hữu cơ bằng cách phá rừng, san bằng đất để trồng cây cà phê, rồi hái hạt để đưa vào máy rang, phân phối hạt cà phê rang đi khắp hệ thống của mình tại nhiều nơi tiêu thụ. Một bàn tay, một ngàn việc khó nhọc trên nhiều địa bàn, với hàng trăm nhân viên phải kiểm soát và đào tạo. Một con người có tư duy làm chủ chứ không làm tớ. Khi quy mô đủ lớn Duy sẽ cần thêm nhiều vốn hơn nữa, nhưng Duy đã sẵn sàng đối phó với “cá mập” tài phiệt.
Giai đoạn tiếp theo sẽ là đi ra biển lớn, lên sàn chứng khoán, xuất khẩu, thương thuyết với ngân hàng chứ không riêng gì tài phiệt. Giai đoạn này sẽ là điểm tế nhị, vì tới được đó thì mình đã làm giàu, chính mình đã trở thành cỗ máy sản xuất ra lợi nhuận chứ không nhất cứ là đặc sản nữa. Chính ở thời điểm này mà các bạn nào khởi nghiệp thành công bắt buộc phải đổi quy mô. Thay vì đơn thuần theo đuổi đam mê, tạo sản phẩm và chiều chuộng người tiêu dùng, các bạn ấy sẽ sắp biến thành những nhà quản trị của một đế chế đang phôi thai. Nghề quản trị khác hẳn nghề khởi nghiệp.
Khi các bạn ấy ra biển lớn, sẽ xuất hiện nhiều loại đối tác mới, như
luật sư, tư vấn tài chính... và các bạn ấy sẽ chạm trán mỗi ngày với những “con khủng long” của ngành phân phối quốc tế. Đây lại là một thử thách mới. Bạn nào vượt qua được ngưỡng cửa này sẽ đạt được sự tuần hoàn của nghề nghiệp.
Teamwork builds trust and trust build speed.
Làm việc nhóm tạo sự tin tưởng, và sự tin tưởng tạo nên tốc độ.
RUSSELL HONORE
Tất cả chúng ta đều có những mơ ước chính đáng. Mỗi ngày tiến một tí, mỗi bước đi là một cuộc phiêu lưu vô tận. Để tìm đường phù hợp nhất cho chúng ta, giống như Từ Thức.
Nhưng trong cuộc phiêu lưu khởi nghiệp, mình phải luôn luôn trung thành với một số nguyên tắc mà tôi kể ra đây, mong các bạn nào đã trải nghiệm bổ sung. Tôi sẽ chỉ nói về những nguyên tắc, chứ những trường hợp nhỏ lẻ thì vô cùng phong phú không thể
kể hết.
Tạo sự nghiệp không phải trong một ngày. Tôi đoán một số
bạn nghĩ rằng sự nghiệp sẽ cần nhiều ngày. Không các bạn nhé! Sự
nghiệp là khổ công suốt đời. Mỗi lúc bạn sẽ phải động viên óc sáng tạo, bạn sẽ phải kêu gọi trong cơ thể của chính mình khả năng chịu đựng, nhẫn nại, thỏa hiệp. Bạn phải đo rủi ro mỗi lúc cho dù bạn đã thành công, và nhất là lúc đã thành công. Bạn sẽ phải cạnh tranh suốt đời, vì đối thủ cạnh tranh luôn luôn ở cận kề bạn. Giống như
một người cha hay mẹ chăm sóc đứa con sơ sinh, không một phút bạn có thể rời mắt khỏi đứa bé. Ông Warren Buffett, một trong hai, ba người giàu nhất hành tinh, ở tuổi trên 80 vẫn theo dõi thị trường chứng khoán mỗi ngày và tìm hiểu tường tận sự biến đổi của thị
trường. Không thể làm khác được khi bạn đã tạo sự nghiệp và làm chủ. - Tư duy theo hướng làm chủ chứ không làm tớ. Nhưng trước khi làm chủ thì nên làm tớ một thời gian để học nghề. Thời gian học nghề có thể dài, nhiều khi trên 5 năm là chuyện thường, nhưng học nghề tạm thời như tớ để sau này làm chủ, khác ở chỗ mình không ngồi nguyên một chỗ và phải di chuyển theo từng khâu để
hấp thụ mọi khía cạnh của nghề làm chủ tương lai. Cửa ải ở đây là đôi khi mình được quý mến như một người tớ đắc lực và xuất sắc, chủ muốn giữ mình luôn (làm tớ). Vậy thì cứ tiếp tục làm tớ đến khi nào mình cảm thấy sẵn sàng cho việc đổi tư thế để làm chủ.
Không bao giờ dùng hết vốn mình có. Điều này có nghĩa bạn phải đi tìm thêm vốn ngay khi còn nhiều vốn trong tay, vì nếu đợi đến lúc sử dụng hết tiền mới gọi thêm thì quá muộn. Thứ nhất là vì chưa có gì bảo đảm bạn sẽ tìm được vốn. Lúc đó, bạn sẽ thấy những con “cá mập” xuất hiện. Phải luôn luôn nhớ rằng dưới lốt dễ
thương, những con cá mập vô hồn luôn luôn tìm cách cướp trắng cơ đồ của bạn khi bạn yếu thế. Trong cuộc thương thuyết với cá
“mập”, bạn sẽ không giấu được lo âu, sợ hãi khi mình không còn một xu dính túi. Ngay ở đây tôi muốn cảnh giác các bạn nào đang giao du với “cá mập”. Bao giờ họ cũng sẵn sàng vào cuộc ngay bằng cách rót cho bạn một số vốn nhỏ, đại khái 5%. Số vốn này sẽ
cho phép họ “nằm vùng” trong công ty, và từ khi ở sẵn bên trong, họ sẽ được nhìn rõ lúc nào là lúc bạn lại sắp thiếu vốn lần tiếp theo. Chính đó là lúc “cá mập” sẽ ra tay dưới chiêu bài giúp bạn.
Họ sẽ đòi chiếm đa số ngay, và bạn sẽ bắt buộc phải chịu mọi điều kiện của họ, không có lựa chọn nào khác, bằng không công ty của bạn sẽ phá sản! Thế là bạn sẽ mất trắng công lao và từ tư thế làm chủ sang tư thế làm chủ nhỏ, rồi cuối cùng sang làm tớ. “Cá mập”
thuộc lòng vở kịch của họ, biết trước chuyện gì sẽ xảy ra, như thế
nào, vào thời điểm nào và biết cách thuyết phục bạn. Dù sao chăng nữa, hễ không còn chút vốn trong túi thì bạn sẽ không còn lối
thoát. • Khi làm chủ của công nghệ (hay sản phẩm), bạn phải giữ
nguyên sự chủ hữu đó 100%, cho dù phải bán cả công ty. Vậy làm thế nào để giữ phần công nghệ? Bạn hãy mở hai công ty. Một công ty với mục tiêu duy nhất là chủ hữu và cho thuê Công nghệ, còn công ty kia thuê lại công nghệ để vận hành. Làm như vậy, công ty thứ hai của bạn sẽ là pháp nhân thuê công nghệ của chính công ty thứ nhất mà bạn cũng chủ hữu. Như vậy, trong cuộc thương thuyết với “cá mập”, bạn chỉ chuyển tay cỗ máy tạo lợi nhuận từ công nghệ mình cho thuê. Trong mọi trường hợp, bạn phải giữ 100%
của công ty chủ hữu công nghệ, trong khi vẫn có thu nhập và lợi nhuận từ công nghệ đó.
• Bạn chớ bao giờ nghĩ rằng mình có đủ tài để làm một trăm nghề khác nhau. Bạn không phải luật sư, chuyên gia tài chính, chuyên gia bao bì, phân phối. Khi bắt đầu ra biển lớn, bạn phải nghĩ tới việc động viên chuyên gia mỗi ngành dù phải trả cho họ
phí cao, vì khi kinh doanh thì luôn luôn phải thật bài bản và chuyên nghiệp. • Giữ “mình vẫn là mình” trong mọi tình huống.
Cho dù phá sản bạn vẫn phải giữ nguyên vẹn khả năng trở lại vỏ ốc ban đầu để cho phép mình tạo lại cơ đồ từ bàn tay trắng khi cần thiết. Tôi gọi nơi bạn từng nung nấu ý chí, nuôi dưỡng ý tưởng, nơi bạn đã chế ra mô hình kinh doanh mà bạn sẽ theo sau này là vỏ ốc.
Do đó, dù làm gì chăng nữa, bạn vẫn phải để nguyên cả hai chân của mình trong vỏ ốc. Khi khởi nghiệp bằng công ty nào, bạn hãy cố giữ công ty đó trong tay của mình mãi mãi. Một tập đoàn tôi quen biết từ nhiều năm tại Mã Lai là công ty YTL (từ tên Cụ sáng lập Yeoh Tiong Lay). Năm 1986, YTL còn là một công ty trong thời kỳ phôi thai. Ba mươi năm sau, YTL đã trở thành một tập đoàn lớn tại Mã Lai, vô cùng đa dạng và trù phú. Tuy nhiên Cụ
Yeoh Tiong Lay vẫn giữ nguyên văn phòng của mình ở trong một căn nhà thấp lùn nhỏ bé và cũ kỹ, nơi cụ đã ký hợp đồng đầu tiên khi YTL mới được thành lập và chưa có được bao nhiêu doanh số.
Vỏ ốc là thế đó. Và sau khi YTL đã trở thành gã khổng lồ thì vỏ ốc vẫn còn đó, vẫn nhắc nhở cho toàn thể gia đình và nhân viên
những triết lý và sứ mệnh ban đầu. Chớ bao giờ quên gốc của mình bạn ạ, bạn hãy theo gương của Cụ Yeoh Tiong Lay.
Tùy cách bạn nhìn, những bước ban đầu có thể gợi lại hình ảnh nhọc nhằn hay tự hào, hay cả hai. Ai cũng có bước ban đầu, ai cũng phải vượt qua nhiều cửa ải. Người có chí sẽ đi xa, người chóng nản sẽ khựng lại.
Khi đến tuổi bạc đầu, bạn sẽ cảm nhận được như tôi là chỉ
một việc có ý nghĩa thực sự trong đời, đó là thử thách chính mình để biết được những giới hạn của bản thân. Muốn biết thì phải bắt đầu và tiến bước ngay từ lúc mình còn trẻ. Tôi đã có biết bao nhiêu người bạn quá xuất sắc mà lại không biết rõ mình có khả năng đi đến tận đâu. Ngược lại tôi cũng có nhiều bạn đồng hành tới tuổi cao rồi vẫn còn đi mãi, còn tiến mãi. Thật quá tuyệt vời. Tìm lộ
trình, tìm hướng đi để rồi khám phá ra rằng con đường vô tận.
Những bước đầu là quá vất vả, quá tốn kém về thời gian và sức lực. Nhưng dưới một cách nhìn triết lý hơn, chính những bước đầu mới đánh giá được con người - các bạn ấy đã tìm được chính mình, họ đã đi được tới giới hạn của khả năng bẩm sinh, và trên mặt ấy họ đã thành công. Họ đã biết được mình là ai, những giới hạn của mình là gì, những tiềm năng còn bao nhiêu hứa hẹn.
Từ đáy lòng, tôi chúc họ thật nhiều may mắn. Đất nước chúng ta có rất nhiều người xuất sắc như họ, chúng ta cần có họ và họ cũng rất cần chúng ta.