Ngân Hàng Đột Phá - Chương 01

Chương 1

Hướng đi mới trong lĩnh vực tín dụng và cho vay

Khủng hoảng tài chính toàn cầu (The Global Financial Crisis) đã dẫn đến sự sụt giảm đầu tiên trong vòng hơn một thập kỷ trong mảng cho vay gia đình tại các nước như Hoa Kỳ hay Vương quốc Anh. Nhưng trong vài tháng trở lại đây, chúng ta đã bắt đầu thấy thị trường cho vay ấm dần lên, gần khôi phục về mức trước khủng hoảng kinh tế.

Khi nói đến nghiệp vụ khởi tạo cho vay, những tổ chức cho vay truyền thống ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với các dịch vụ và sàn giao dịch trực tuyến vì những hình thức này cung cấp nhiều thông tin và lựa chọn hơn, phương thức cũng linh hoạt hơn. Quy trình mới của các “tân binh” được thiết kế nhằm giảm thiểu cản trở (so với quy trình đăng ký khoản vay của các dịch vụ cho vay truyền thống) nên thời gian phê duyệt khoản vay được rút ngắn tối đa. Sau cuộc khủng hoảng tài chính, lòng tin vào hệ thống ngân hàng truyền thống đã bị mai một đáng kể, lại thêm việc cho vay vốn đòi hỏi chi phí cao hơn, nên các doanh nghiệp đã quay sang sử dụng ưu thế của các công cụ mới trong thời đại công nghệ để đưa ra những giải pháp mới cho nhóm khách hàng không sử dụng ngân hàng, hoặc nhóm mong tìm một hình thức cho vay minh bạch hơn hay có lợi hơn về mặt chi phí.

Cho vay là một dịch vụ đã tồn tại từ rất xa xưa. Trên thực tế, cho vay thậm chí còn xuất hiện cả ngàn năm trước khi tiền tệ chính thức hay hệ thống ngân hàng hoàn thiện xuất hiện.

Các phát hiện khảo cổ trong hơn 150 năm qua đã tìm thấy hàng trăm ngàn tấm thẻ có niên đại xa nhất là vào khoảng năm 3000 trước Công nguyên (TCN). Những tấm thẻ này cho thấy bạc và lúa mạch (đôi khi có cả vàng) đã được sử dụng như một dạng tiền tệ chính và được tích trữ như của cải từ xưa. Những nhà buôn ở vùng Lưỡng Hà đã cho vay bằng bạc và lúa mạch, với lãi suất được quy định bằng luật(1) để tránh cho vay nặng lãi. Lãi suất hàng năm của những khoản vay bằng bạc được quy định là 20% và những khoản vay bằng lúa mạch là 33,3%.

1 Bộ luật ana ittisu của người Lưỡng Hà, có niên đại vào khoảng năm 3000 TCN, và bộ luật của Esnunna và Hammurabi, cả hai đều có niên đại 1800 năm TCN, đã đưa ra những quy định về usury và các hoạt động cho vay. (ND – từ đây trở về sau, những chú thích có chữ “ND” là của người dịch, “SGB” là của Saigon Books, những chú thích không đề thêm gì là của tác giả Brett King)

Gần 4.000 năm sau, chúng ta vẫn còn sử dụng đúng những nền tảng cơ bản này trong mục đích cho vay: một nguyên tắc, một điều kiện, và một mức lãi suất.

Việc tiếp cận với khoản vay ngày nay đã trở nên rẻ tiền và đơn giản. Tín dụng dưới hình thức giải ngân tự động, khoản vay cho sinh viên, khoản vay vào kỳ lương, vay thế chấp và thẻ tín dụng mọc lên như nấm tại các nước phát triển với đa dạng các hình thức. Tín dụng nhỏ và các hệ thống cho vay, được nhiều người biết đến gần đây với những hình thức như Grameen Bank(2) ở Bangladesh, và những mạng xã hội trực tuyến như Kiva.org(3), đã mang lại cơ hội tiếp cận tín dụng rộng rãi hơn cho những cộng đồng trước đây khó tiếp cận với vốn vay.

2 www.grameen-info.org. Grameen Bank ở Bangladesh là tổ chức tài chính vi mô, một hình thức ngân hàng đầu tư giúp hỗ trợ vốn vay cho người nghèo. Grameen Bank từng được trao giải Nobel Kinh tế năm 2006. (ND)

3 Kiva.org. là một tổ chức phi lợi nhuận, cho phép khách hàng cho các doanh nhân gặp khó khăn và sinh viên vay vốn qua mạng Internet, hoạt động tại hơn 80 quốc gia. (ND)

Sự phụ thuộc của chúng ta vào tín dụng và cách chúng ta sử dụng tín dụng cũng đã thay đổi trong những năm gần đây. Vào đầu những năm 1980, tỷ lệ nợ trên thu nhập của hộ gia đình Hoa Kỳ là vào khoảng 60%. Đến thời điểm khủng hoảng tài chính năm 2008, tỷ lệ này đã vượt ngưỡng 100%. Trên thực tế, tại đỉnh điểm ngay trước khủng hoảng, tỷ lệ nợ trên thu nhập của hộ gia đình Hoa Kỳ đã bị thổi phồng lên đến mức gần 140%, trong khi tại Anh con số này lên đến gần 170%. Hiện nay, chỉ riêng chi tiêu qua thẻ tín dụng của hộ gia đình Hoa Kỳ đã ở mức bình quân 15.185 USD mỗi hộ, và đây là con số đã giảm so với mức gần 19.000 USD vào giữa năm 2008 (xem hình 1.1).

Tin vui (đối với người tiêu dùng) là sau khủng hoảng tài chính, chúng ta đã dùng ít tiền đi vay hơn tại những nước như Hoa Kỳ và Anh. Trên thực tế, chúng ta nhận thấy tỷ lệ tiền vay trên tổng thu nhập của hộ gia đình đã giảm khoảng 20% kể từ khủng hoảng tài chính, khiến cho tỷ lệ này quay trở lại mức của năm 2002. Tin xấu là, vì tỷ lệ nợ xấu tăng vọt trong thời kỳ khủng hoảng nên sự sụt giảm này không đến từ hành vi tiết kiệm thuần túy của người tiêu dùng, mà chủ yếu là do sự gia tăng vũ bão của nợ xấu.

Cốt lõi của gánh nặng nợ vay càng lúc càng tăng mà ta đang chứng kiến tại các nền kinh tế phát triển, thực chất là cả một hệ thống được xây dựng trên sự thiếu minh bạch về chi phí thật sự của các khoản vay, cũng như việc bạn không thể nắm bắt rõ được dòng tiền của mình.

Hình 1.1. Tỷ lệ % của mức nợ trên tổng thu nhập của hộ gia đình tại Hoa Kỳ và Anh

Nguồn: Cục Dự trữ Liên bang, BLS, Văn phòng Thống kê Quốc gia (Anh Quốc).

Vào thập niên 60 của thế kỷ trước, việc sử dụng nợ vay còn thấp; khi đó, tài khoản ngân hàng chỉ là một cuốn sổ tiết kiệm, và không có máy ATM, cũng không có thẻ tín dụng hay thẻ ghi nợ gì cả. Nếu bạn muốn tiêu khoản tiền đó, bạn phải mang sổ tiết kiệm đến chi nhánh ngân hàng, rút tiền mặt, nhờ vậy bạn sẽ thấy rõ ràng việc rút khoản tiền này ảnh hưởng thế nào đến tình hình tài chính của mình, và nhìn chung bạn sẽ không chấp nhận chi tiêu nhiều hơn số tiền bạn có trong tài khoản. Thấu chi lúc ấy vô cùng hiếm gặp, séc sẽ bị hoàn trả nếu bạn không có đủ tiền trong tài khoản, và hình thức vay vốn thông dụng nhất là thế chấp nhà (chứ không phải thẻ tín dụng).

Ngày nay, việc sử dụng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ thực sự đã khiến chúng ta ngày càng khó nhận biết được tốc độ chi tiêu của chính mình. Với 68% số hộ gia đình tại Hoa Kỳ mà đồng lương hằng tháng chỉ vừa đủ trang trải đời sống(4) thì đây là một vấn đề lớn. Dù có cố gắng đến mấy để cân đong đo đếm số tiền chi tiêu hằng ngày, phần lớn họ không thể theo dõi chính xác số tiền hiện có trong tài khoản của mình.

4 Theo Khảo sát của Hiệp hội Tiền lương Hoa Kỳ, tháng 9/2012 (xem Jim Forsyth, “Hơn hai phần ba người Mỹ đang sống vừa đủ trang trải bằng lương: Khảo sát”, Reuters News, 19/09/2012).

Và kịch bản không thể tránh khỏi là người tiêu dùng, khi đến mua sắm nhu yếu phẩm hằng tuần tại siêu thị, rút ra chiếc thẻ ghi nợ và giao dịch bị từ chối vì họ đã tiêu nhiều hơn số tiền mà họ nghĩ. Hoặc tệ hơn nữa, họ đột nhiên ở vào tình thế thấu chi mà không hề biết cho đến khi họ ra máy ATM và phát hiện tài khoản đã âm đến 300 USD.

Chúng ta cần phải thay đổi cách thức sử dụng tín dụng trong cuộc sống. Việc thể hiện các chi phí thực liên quan đến bất kì khoản nợ nào, dù là khoản vay sinh viên, thế chấp tài sản, thẻ tín dụng hoặc những khoản vay y tế ở Hoa Kỳ, sẽ phải đối mặt với yêu cầu ngày càng cao về tính minh bạch, rõ ràng một khi người tiêu dùng có điều kiện nhận biết những chi phí thực tế có liên quan. Cùng lúc đó, phê duyệt tín dụng cũng sẽ trải qua những thay đổi nhanh chóng trong thập kỷ tới khi phần lớn quá trình phê duyệt sẽ diễn ra gần như tức thời – nó sẽ không còn phát sinh dựa vào việc bạn đến chi nhánh ngân hàng điền đơn đăng ký vay nữa, mà sẽ dựa trên tình huống thực và được đánh giá căn cứ vào phương pháp xác định rủi ro xây dựng từ hành vi người tiêu dùng chứ không phải lịch sử tín dụng.

KHI ĐIỂM TÍN DỤNG TRỞ NÊN QUAN TRỌNG HƠN RỦI RO THỰC SỰ

Vào năm 2010, tôi chuyển đến sống ở Hoa Kỳ, và mặc dù tôi có một hồ sơ thu nhập tốt(5), lịch sử tín dụng hoàn toàn sạch sẽ ngoài nước Mỹ, một tài khoản tiền mặt đầy đủ, một hồ sơ đầu tư mạnh, và các khoản tín dụng hiện tại ở mức tối thiểu, tôi vẫn không thể nào có được hạn mức cơ bản cả tình lẫn tiền.

5 Bạn chỉ cần có thu nhập 300.000 USD mỗi năm, theo công cụ tương tác của tờ New York Times để có thể lọt vào “top 1%” người có thu nhập cao nhất.

Vấn đề là hệ thống tài chính Hoa Kỳ đã trở nên quá phụ thuộc vào điểm tín dụng đến nỗi không thể đưa ra những quyết định đánh giá rủi ro mà không tham chiếu số điểm ấy. Trong đầu óc của nhiều người, điểm tín dụng đã trở thành một hình thức trừng phạt đối với những người vay tiền có hành vi không đúng đắn hơn là một công cụ giúp tiếp cận tín dụng(6). Phần lớn điểm tín dụng thường có khoảng trễ(7) từ 30 đến 60 ngày kể từ khi người tiêu dùng có hoạt động tín dụng (thay vì phải dự đoán chính xác khả năng phát sinh nợ xấu như mục tiêu ban đầu của nó), và người tiêu dùng thường nhìn thấy mức điểm tín dụng hoàn toàn khác so với mức mà bên cho vay nhìn thấy(8).

6 “Mua sắm tại cửa hàng có thể dẫn đến trừng phạt đối với người đang vay tín dụng”, WNBF News, ngày 19 tháng 8 năm 2009, http://www.wmbfnews.com/story/10671306/store-purchases-could-punish-cred....

7 Xem thêm tại FICO http://www.myfico.com/crediteducation/questions/why-scores- change.aspx.

8 “Vấn đề thật sự của người tiêu dùng đối với Điểm tín dụng”, tạp chí Wall Street Journal, 25/09/2012.

Với tiểu sử thu nhập và rủi ro đó, tôi lẽ ra là một trường hợp đi vay rất an toàn cho bất cứ tổ chức cho vay hoặc tín dụng nào, nhưng bởi lẽ tôi chưa có hồ sơ lịch sử tín dụng được xây dựng chi li, tôi đã trở thành một người vô giá trị trong mắt những nhà cho vay – và thế là điều này còn được diễn giải theo hướng tiêu cực, một giả định rằng tôi có vấn đề gì đó, vì tôi lọt vào trường hợp mà thuật ngữ trong ngành gọi là hồ sơ tín dụng mỏng. Nếu một ngân hàng nghiên cứu hành vi của tôi, họ sẽ thấy rằng tôi có khoản tiết kiệm đều đặn hằng tháng, và tôi chi tiêu ít hơn rất nhiều so với số tiền tôi kiếm được, và vì thế khả năng chi trả nợ hiện tại của tôi là rất cao. Hơn thế nữa, thu nhập của tôi tăng dần đều trong vòng bốn đến năm năm trở lại đây, và xu hướng này cho thấy khả năng trả nợ của tôi còn tốt lên nữa. Nhưng những thứ ấy chẳng hề có chút trọng lượng nào. Tính logic của một quyết định tín dụng chặt chẽ dựa trên rủi ro thực đã bị thay thế bằng một quy trình khác – một loại điểm chuẩn không phải là căn cứ tốt để phán đoán rủi ro nếu không có ít nhất hai đến ba năm lịch sử hoặc đầu tư cốt yếu để xây dựng nên mức điểm này.

Bây giờ lại có một luận điểm khá hợp lý rằng, trong một cơ chế đòi hỏi sự tiếp cận thực sự và nhanh chóng đến các cơ sở cung cấp dịch vụ tín dụng, có thể là khi ta đang ở cửa hàng để mua hàng hóa, chúng ta cần một hệ thống tự động nào đó có khả năng đánh giá rủi ro. Khi không có hệ thống nào khác, có lẽ điểm tín dụng hoặc các công ty tín dụng là cách tiếp cận tốt nhất mà chúng ta có? Điều này có lẽ là đúng đối với nước Mỹ hồi thập niên 80 của thế kỷ trước, nhưng ngày nay, tổ chức Nghiên cứu Lãi suất công Hoa Kỳ đã báo cáo hệ thống hiện tại đưa ra nhận định tín dụng sai lầm lên đến 79% trường hợp(9). Hơn nữa, hệ thống này vô cùng tốn kém, dẫn đến quản lý nợ xấu kém, và được thiết kế để bảo vệ quyền lợi của người cho vay hơn là mang lại sự tiện lợi cho người đi vay, kể cả khi họ có hồ sơ tín dụng với mức độ rủi ro thấp hoặc trung bình. Cuối cùng thì điểm số tín dụng tốt nhất lại được dành cho những người thường xuyên vay tín dụng, thay vì những người chỉ chọn đi vay khi họ không còn cách nào khác.

9 Báo cáo của tổ chức Nghiên cứu Lãi suất công Hoa Kỳ, “Tổng quan về các tổ chức tín dụng đã lâu không được thực hiện”, Huffington Post, tháng 11/2012.

Một phương pháp được chấp nhận để quản lý rủi ro tín dụng nói chung của các tổ chức cho vay hiện nay là tỷ lệ nợ xấu, được miêu tả cụ thể hơn là tỷ lệ thanh lý nợ xấu. Trong thời kỳ Khủng hoảng kinh tế toàn cầu (còn được gọi là Đại khủng hoảng hay GFC), các ngân hàng như Bank of America (BAC) chứng kiến tỷ lệ nợ xấu đối với các khoản vay thế chấp tăng vọt lên mức 24% vào năm 2010(10) và nợ xấu thẻ tín dụng lên đến mức 13,82% vào năm 2009(11). Hiện nay, tỷ lệ nợ xấu đối với các khoản thế chấp của BAC đã trở về mức bình thường, vào khoảng 6,7%(12), và nợ xấu thẻ tín dụng cũng đã sụt giảm trên toàn nước Mỹ. Cục Dự trữ Liên bang công bố tỷ lệ nợ xấu đối với các khoản vay thế chấp tài sản/ bất động sản ở mức 2,32% vào quý 1 năm 2013, và 3,8% đối với thẻ tín dụng(13). Lending Club, tổ chức cho vay ngang hàng (peer-to-peer P2P)(14) lớn nhất tại Hoa Kỳ, có tỷ lệ nợ xấu vào khoảng 3% trong hồ sơ tín dụng của mình, tỷ lệ cực kỳ cạnh tranh so với các đơn vị khác trên thị trường(15).

10 Thống kê năm 2010 của FDIC, trong báo cáo “Tỷ lệ nợ xấu trong các khoản vay của 25 ngân hàng hàng đầu Hoa Kỳ”, JMAC Funding – ấn phẩm The Hard Money Pros, 02/06/2010.

11 “Ngân hàng Bank of America né tránh vấn đề nợ thẻ”, Bloomberg, 24/08/2009.

12 “Tỷ lệ nợ xấu trong thế chấp tăng cao trong tháng 6”, tạp chí The Street, tháng 6/2013.

13 “Xử lý nợ xấu ở Cục Dự trữ Liên bang và Chi phí nợ quá hạn trên các khoản vay và cho thuê ở Ngân hàng thương mại, 2013”, Hội đồng quản trị Hệ thống Cục Dự trữ Liên bang, 15/11/2013.

14 Cho vay ngang hàng (Peer to Peer – P2P): là cơ chế cho vay trực tiếp và tín chấp, giúp người đi vay uy tín mượn tiền từ nhà đầu tư mà không cần qua trung gian. Đây là phương thức kết nối người có vốn và người cần vốn thông qua nền tảng trực tuyến mới cùng với hệ thống công nghệ tiên tiến. (Nguồn: kiemtoanpro.com) (ND).

15 “Tỷ lệ nợ xấu ở Lending Club & Prosper”, LendingMemo.com, 25/07/2013.

Hình 1.2. Tổng nợ giải ngân (LendingClub.com)

Trong vòng hai, ba năm trở lại đây, cho vay P2P đã cải thiện năng lực tài chính của mình để trở thành một lớp tài sản mới và giữ tỷ lệ nợ xấu ở mức ổn định đáng nể. Lending Club hiện nay đã có tổng vốn vay vượt mức 3 tỉ USD (xem hình 1.2), thế tức là hơn cả hai lần con số tổng vốn vay 1,2 tỉ USD mà họ công bố vào tháng 1 năm 2013(16). Xem xét thêm việc họ vừa vượt mức 500 triệu USD vốn vay hồi tháng 3 năm 2012 thì đây quả là một đường cong tăng trưởng thành công vượt bậc. Lending Club giữ mức lãi suất trung bình hàng năm vào khoảng 13,34%, so với mức trung bình APR (lãi suất bình quân theo năm) 14,96% đối với thẻ tín dụng(17). Tính đến ngày 1 tháng 1 năm 2013, Lending Club đã đạt được lợi nhuận bình quân 8,8% đối với các khoản “tiết kiệm” trong vòng 21 tháng hoạt động. Trong cùng khoảng thời gian này, các doanh nghiệp thuộc nhóm S&P 500 đã có 10 quý tăng trưởng âm liên tiếp, và chỉ đạt lợi nhuận trung bình 4,1%.

16 Thống kê của Lending Club.

17 “Lãi suất bình quân theo năm của thẻ tín dụng trung bình toàn quốc (nội bộ Hoa Kỳ), CreditCards.com.

Đối với những người có mức độ xếp hạng tín dụng cao như khách hàng của chúng tôi, mô hình định giá dựa trên mức độ rủi ro mà chúng tôi áp dụng thường giúp họ tiết kiệm hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn USD so với thẻ tín dụng của các ngân hàng thông thường, khi họ phải chịu mức lãi suất cao tương đương với bất kì ai khác. Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của chúng tôi có được là nhờ những khách hàng vay tín dụng có mức xếp hạng cao nhưng lại phải nhận dịch vụ không tương xứng ở các hình thức truyền thống.

– Renaud Laplanche, CEO, Lending Club(18)

18 Banking4Tomorrow.com.

Những dịch vụ P2P ở các thị trường khác cũng phát triển mạnh mẽ. Zopa tại Anh tính đến nay đã giải ngân hơn 400 triệu bảng Anh, và thị trường cho vay P2P tại Anh đã đạt mức 800 triệu bảng Anh (bao gồm những tổ chức như Ratesetter và Funding Circle). Nhưng còn thú vị hơn nữa là Zopa đang tăng trưởng với tốc độ ngày càng nhanh, đạt mức 60% so với cùng kỳ năm trước và tốc độ tăng trưởng gần đây đạt 90% so với cùng kỳ trong vòng 2 tháng trở lại đây, với 144 triệu bảng Anh trong hồ sơ tín dụng hiện tại của họ được giải ngân trong vòng 12 tháng trở lại đây(19). Tỷ lệ nợ xấu của Zopa ở mức 0,5% và lãi suất vay trung bình là 6,7%(20), thành tích cao nhất toàn ngành, với tỷ lệ nợ xấu chỉ bằng một nửa so với các ngân hàng hoạt động thành công nhất ở Anh(21).

19 Zopa Anh Quốc.

20 “Bạn có thể tin vào dịch vụ cho vay ngang hàng?”, The Telegraph (Anh Quốc), 03/03/2013.

21 Trong cùng kỳ, một trong những ngân hàng hoạt động tốt nhất tại Anh, HSBC, ghi nhận tỷ lệ nợ xấu là 0,9%, gần gấp đôi tỷ lệ của Zopa (Nguồn: Báo cáo thường niên của HSBC).

Cho vay P2P hiện đang chiếm khoảng 3% thị phần cho vay cá nhân ở Anh (xét trên các khoản vay không thế chấp)(22).

22 Xem “Cho vay cá nhân tại Vương quốc Anh”, báo cáo MarketLine, tháng 10/2012.

TÁI ĐỊNH VỊ DỊCH VỤ TÍN DỤNG

Sau đây là nội dung một cuộc phỏng vấn với Giles Andrews, CEO và nhà đồng sáng lập Zopa. Nó có thể cung cấp những thông tin tuyệt diệu, giúp bạn đọc tìm hiểu sâu hơn các chi tiết nhằm lý giải tại sao mô hình P2P lại thành công vượt trội đến thế so với các phương thức tín dụng và cho vay truyền thống, và tại sao tỷ lệ nợ xấu đối với mô hình này lại chỉ bằng một phần nhỏ so với các ngân hàng lớn tại Anh, đặc biệt là trong trường hợp của Zopa.

Brett: Giles, trước tiên hãy nói cho chúng tôi biết một chút về Zopa đi.

Zopa là gì? Anh đã khởi đầu tạo dựng Zopa như thế nào? Mục tiêu của Zopa là gì, và hiện giờ anh đã đạt được gì rồi?

Giles: Zopa là mô hình dịch vụ cho vay ngang hàng đầu tiên trên thế giới. Chúng tôi được thành lập vào tháng 3 năm 2005. Cho vay ngang hàng có vẻ là một thuật ngữ khó hiểu, nhưng thật sự những gì chúng tôi làm thì lại rất đơn giản. Chúng tôi kết nối những người có vốn nhàn rỗi với những người có nhu cầu vay vốn. Và như vậy chúng tôi loại bỏ các ngân hàng trung gian, vì vậy cả hai bên đều có lợi. Chúng tôi chỉ có một mục tiêu đơn giản, đó là mang lại hiệu quả cao hơn trong một lĩnh vực tài chính mà chúng tôi nhận thấy đang hoạt động vô cùng kém hiệu quả – bằng cách mang lại giá trị lớn hơn cho người dùng ở cả hai vị thế tiết kiệm và đi vay.

Brett: Anh là người đi tiên phong trong lĩnh vực này, vậy điều gì đã khiến anh tin rằng tồn tại nhu cầu đối với một cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt trong dịch vụ cho vay?

Giles: Tôi nghĩ rằng điều đầu tiên hiện lên trong đầu chúng tôi là câu hỏi: “Tại sao người tiêu dùng lại chịu thiệt thòi hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp khi tiếp cận những dịch vụ tín dụng?”. Và chúng tôi đã kết luận rằng: Bởi vì có sự hiện diện của một thị trường (được gọi là thị trường trái phiếu), nó loại bỏ các ngân hàng trung gian, mang lại hiệu quả cao hơn và giá trị tốt hơn cho các doanh nghiệp lớn. Các công ty lớn không cần đến ngân hàng để vay tiền; họ chỉ đơn giản là phát hành nợ dưới dạng trái phiếu trên thị trường. Chúng tôi tự hỏi tại sao điều này không được ứng dụng đối với người tiêu dùng thông thường. Dữ liệu đã có sẵn, nhưng mô hình thị trường mở phụ thuộc vào dữ liệu của một bên thứ ba đáng tin cậy, và có rất nhiều dữ liệu người dùng hữu ích cho phép chúng tôi giữ vai trò kết nối. Chúng tôi nghĩ rằng mình có thể sao chép mô hình thị trường mở, nhưng dành cho người tiêu dùng.

Brett: Đối với mô hình cho vay anh đã xây dựng, một trong những chủ đề mà chúng ta đã trao đổi trước đây là cách anh đánh giá rủi ro. Một trong những điều luôn khiến tôi kinh ngạc là sự vững mạnh của anh xét trên phương diện quản lý nợ xấu. Các anh là một trong những tổ chức tín dụng có kết quả kinh doanh tốt nhất trên thị trường Anh, nhờ vào việc đánh giá được nợ xấu trong số các khoản nợ không thanh toán được.

Giles: Tôi nghĩ là tính từ lần cuối chúng ta gặp nhau đến nay, chúng tôi đã còn hoạt động tốt hơn nữa, Brett ạ. Chúng tôi đang có danh mục cho vay tốt nhất tại Anh. Chúng tôi đã giữ được tỷ lệ nợ xấu dưới mức 0,8% trong suốt 8 năm qua. Nếu anh đặt nó vào bối cảnh phân tích thường niên thì rủi ro tín dụng thấp dưới mức 0,5% một năm, nhất là xét trên bối cảnh các ngân hàng khác đều ở mức từ 3-5% một năm. Thực tế, chúng tôi hoạt động tốt hơn họ (xét về kiểm soát nợ xấu). Tôi nghĩ một phần của thành công này đến từ việc xây dựng những mô hình tín dụng tại thời điểm mà cả thế giới ngày càng ngập chìm trong nợ nần và nỗi lo lắng thường trực về khả năng chi trả. Tại thời điểm hiện tại, năm 2013, khi chúng ta vừa trải qua cuộc khủng hoảng tài chính thì những lợi ích mà chúng tôi đang mang đến cho khách hàng có thể được xem là hiển nhiên, đã rõ ràng. Nhưng vào thời điểm năm 2005, điều này lại không được như vậy – đặc biệt là đối với các ngân hàng lúc đó vẫn đang cho vay dựa trên lịch sử tín dụng của người dùng mà không hề nghi ngờ gì về tính bền vững của các khoản vay. Một phần nữa của thành công nằm ở việc chúng tôi đã may mắn xây dựng một mô hình tín dụng đúng lúc chúng tôi nhận ra một vấn đề đang xuất hiện sờ sờ ra đó.

Một phần của thành công chỉ đơn giản là xây dựng mô hình tốt hơn, sử dụng dữ liệu hiệu quả hơn và dùng một vài dữ liệu thay thế. Chúng tôi vẫn tiếp tục sử dụng phần lớn dữ liệu truyền thống của ngành tín dụng... nhưng tôi nghĩ chúng tôi đã mua nhiều dữ liệu hơn, và sử dụng chúng thông minh hơn. Chúng tôi cũng đã bắt đầu tận dụng một số nguồn dữ liệu thay thế.

– Giles Andrews, CEO, Zopa

Vào năm 2005, chúng tôi không thông minh xuất chúng đến mức tiên đoán được khủng hoảng quy mô lớn đã diễn ra 2-3 năm sau đó. Nhưng chúng tôi đã nhận ra được rằng người tiêu dùng đang quá tải bởi nợ nần. Một phần nữa của thành công chỉ đơn giản là xây dựng mô hình tốt hơn, sử dụng tốt hơn các dữ liệu, và bắt đầu dùng đến một số dữ liệu thay thế. Chúng tôi vẫn tiếp tục sử dụng phần lớn dữ liệu truyền thống của ngành tín dụng, bởi nguồn dữ liệu này nhìn chung vẫn giúp dễ dự đoán nhất, nên chúng tôi sử dụng nguồn dữ liệu tương tự với các ngân hàng khác. Nhưng chúng tôi đã mua nhiều dữ liệu hơn, và sử dụng chúng thông minh hơn. Chúng tôi cũng đã bắt đầu tận dụng một số nguồn dữ liệu thay thế.

Một lý do khác, đó là với mô hình cho vay ngang hàng, việc biết được mình đang vay tiền từ một người khác dường như khiến họ hành xử tốt hơn trong khuôn khổ vòng tròn ảnh hưởng tương hỗ này. Có bằng chứng cho thấy trong một vài trường hợp, người tiêu dùng ưu tiên chi trả cho các khoản vay từ chúng tôi hơn so với món nợ từ những nơi khác, vì có sự tồn tại của nhiều cá nhân khác ở vị trí chủ nợ.

Brett: Một thông tin tâm lý rất thú vị! Như vậy, Giles, về cơ bản thì Zopa có vẻ giống như một mạng xã hội xét trên cách thức vận hành của nó – một cộng đồng những người vay và người cho vay mà anh đã giúp kết nối với nhau. Vậy bản chất của mạng xã hội và xây dựng cộng đồng đã có vai trò ra sao đối với thành công của Zopa, xét từ góc độ kinh doanh?

Giles: Và chúng tôi có được một cộng đồng những người cho vay hoạt động tích cực cũng là điểm hết sức quan trọng. Điều này nghe qua có vẻ buồn cười, nhưng cộng đồng này hoạt động thực sự hữu ích, gần như là một loại công cụ chăm sóc khách hàng vậy. Người dùng phản ứng rất tích cực khi biết rằng thông tin họ có được là do những người dùng khác cung cấp, và có phần tích cực hơn so với những thông tin kinh doanh do các doanh nghiệp tự công bố. Ở đây là vấn đề người tiêu dùng đã bị mất niềm tin, rồi họ cảm thấy đã tìm lại được niềm tin khi tìm được điểm đặt chân xác hơn.

Và hệ quả là cộng đồng này ngày càng giúp xây dựng niềm tin. Tôi nghĩ sẽ thật tuyệt vời khi có thể biến mối liên kết xã hội của người khác trở thành một “phương tiện” thu hút khách hàng. Dù vậy, chúng tôi chưa thật sự tìm ra bằng chứng cho việc này. Bởi lẽ tôi nhận thấy rằng mọi người thường không muốn nói về tiền bạc trên mạng xã hội; mạng xã hội được gọi tên “xã hội” là có lý do: nó không phải là “mạng kinh doanh”.

Brett: Anh muốn nói là họ sẽ không chia sẻ lên Twitter kiểu như: “Ôi thật tuyệt! Tôi vừa đi vay một khoản từ Zopa!”?

Giles: Hay “Cái xe bóng lộn đỗ ngoài kia, thật ra tôi phải vay tiền để mua nó đấy”. Không, người đi vay chẳng bao giờ chia sẻ như thế. Những người cho vay thường sẵn sàng chia sẻ hơn vì họ cảm thấy họ đang làm một việc thông minh. Họ cảm thấy hài lòng khi chia sẻ những hiểu biết của mình về vấn đề này và (thật tốt cho chúng tôi) là họ còn hài lòng hơn khi được chia sẻ hiểu biết của mình với người khác.

Brett: Kể cả khi một người có được lịch sử tín dụng tốt, có điểm tín dụng cao, làm mọi việc đúng đắn, thì họ cũng khó lòng tiếp cận khoản vay trong điều kiện nền kinh tế gặp khó khăn. Giles, liệu các anh có trở thành những chàng bạch mã hoàng tử đến giải cứu ngành tín dụng, thậm chí là thay thế các ngân hàng trong những dịch vụ như cho vay tiêu dùng cá nhân và hợp nhất nợ?

Giles: Tôi có thể nghĩ đến hai nguyên nhân khiến chúng tôi không thay thế các ngân hàng. Thứ nhất, Zopa (và tôi cũng nói chung cho tất cả các tổ chức cho vay ngang hàng tại Hoa Kỳ) không phải là những người cho vay cứu cánh cuối cùng. Thường thì chúng tôi không cho vay đối với những người không thể tìm được khoản vay ở nơi nào khác. Thứ hai, chúng tôi cũng sử dụng nguồn dữ liệu như các ngân hàng khác khi đánh giá xem liệu mình có nên cho một người vay tiền hay không, theo một cách thông minh hơn. Nếu bạn có đủ điều kiện để vay vốn, bạn sẽ được vay với chi phí rẻ hơn nhiều. Tôi nghĩ thử thách đối với bất cứ tổ chức cho vay nào là việc sử dụng thông minh các dữ liệu, cũng như việc đánh giá các cá nhân không chỉ dựa trên việc họ có đủ điều kiện để hoàn trả khoản vay hay không, mà còn dựa trên lịch sử trước đây chứng minh được họ có thái độ sẵn sàng hoàn trả.

Brett: Các ngân hàng thường rất cẩn trọng trong việc lựa chọn thời điểm họ đưa câu chuyện về lịch sử tín dụng của một người ra xem xét.

Giles: Và họ còn có giới hạn về nguồn vốn. Sẽ rất khó để tôi đang ngồi tại London, có thể bình luận chính xác về việc này, nhưng tôi có thể phân tích những vấn đề tổng quan hơn về định hướng của chúng tôi và các tổ chức tương tự như chúng tôi.

Khi tập trung vào một phân khúc hẹp của ngành ngân hàng, Zopa và các doanh nghiệp cho vay ngang hàng khác không tìm cách thay thế hoàn toàn các ngân hàng truyền thống; chúng tôi chỉ tìm cách thực hiện một phần trong số các nghiệp vụ ngân hàng, sao cho hiệu quả và tốt hơn. Bằng cách cung cấp các khoản vay cá nhân, với lịch trình thanh toán, chúng tôi có thể tạo ra kết quả ở phía ngược lại, thu hút những người có vốn tiết kiệm. Các khoản vay lại làm nảy sinh những sản phẩm tiết kiệm, vì chúng tôi có thể cung cấp khoản lợi nhuận ổn định trong dài hạn. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi có thể dễ dàng phát hành thẻ tín dụng và tài khoản hiện hành, vì chúng tôi không có khả năng tài chính để giữ cán cân lúc trồi lúc sụt, hơn nữa những người cho vay của chúng tôi đòi hỏi lợi nhuận đều đặn và cố định. Nhưng, trong lĩnh vực tiết kiệm và cho vay, chúng tôi có thể giành một thị phần đáng kể từ các ngân hàng. Và tôi nghĩ đó là một dịch vụ trong lĩnh vực ngân hàng mà các ngân hàng cảm thấy phiền hà. Họ thường quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm cốt lõi của mình, những khoản vay thế chấp, tài khoản vãng lai, và có thể là việc cho các tập đoàn lớn vay, hơn là đến những khoản vay nhỏ lẻ cho những người tiêu dùng có nhu cầu mua xe hơi chẳng hạn.

Brett: Khi phân tích vấn đề “thay thế ngân hàng”, một trong các khía cạnh anh đã nhắc đến là lãi suất tiết kiệm tăng lên và lãi suất vay vốn giảm xuống. Anh làm điều đó như thế nào với mô hình cho vay truyền thống? Lợi nhuận của anh từ đâu mà ra?

Giles: Câu trả lời đơn giản là chúng tôi hoạt động vô cùng hiệu quả.

Chúng tôi là một doanh nghiệp trực tuyến hoạt động trực tiếp, không cần chi phí nhân sự hay chi nhánh hoành tráng và tất cả những thứ tương tự. Mô hình kinh doanh này rõ ràng là hiệu quả hơn. Một hướng để suy nghĩ về điều này là việc các ngân hàng có một biên độ, chính là mức chênh lệch giữa tiền lãi họ trả cho người gửi tiết kiệm và chi phí trên số vốn mà họ huy động được. Số tiền họ thu trên người đi vay là phần thu nhập họ kiếm được trên số tiền tiết kiệm. Khoảng cách này ở các ngân hàng tại Anh hiện nay là trên 10%. Đây là khoảng cách lớn nhất từng trước đến nay. Và tôi đoán là tình hình cũng tương tự như vậy tại Hoa Kỳ.

Mô hình của chúng tôi thay thế biên độ này của ngân hàng bằng phí của chúng tôi và khoản nợ xấu tồn tại trong chứng từ ghi nợ. Nếu bạn cộng tất cả lại, trong trường hợp của chúng tôi, thì khoảng tương đương với biên độ tại các ngân hàng với chúng tôi chỉ ở mức 3%. 3% thay cho 10% thường thấy ở các ngân hàng. Nhưng vẫn là một món hời đấy chứ.

Brett: Và anh cũng có lợi nhuận tốt đấy chứ?

Giles: Chúng tôi vẫn thu được lợi nhuận ở mức 3% ấy.

Tôi sẽ phân tích ngay sau đây về những gì chúng ta có thể học được từ mô hình P2P và các tổ chức tín dụng ảo như Zopa, Lending Club và Prosper. Nhưng bây giờ, hãy tập trung vào một cách tiếp cận hoàn toàn mới đối với việc đánh giá rủi ro.

PHƯƠNG THỨC ĐÁNH GIÁ RỦI RO HOÀN TOÀN MỚI DỰA TRÊN CỘNG ĐỒNG

Trong cuốn sách Bank 3.0, tôi đã viết về tâm lý của ngành ngân hàng tại thị trường Hoa Kỳ, thị trường có nhiều ngân hàng tiết kiệm hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Một phần nguyên nhân của thái độ tiếp nhận rộng rãi đối với mô hình ngân hàng cộng đồng là nhận định cho rằng các ngân hàng quy mô lớn (mà ngày nay chúng ta thường gọi là quá lớn đến mức không thể sụp đổ được(23)), về cơ bản chính là các “mô hình ngoại lai” của ngành ngân hàng.

23 Quá lớn đến mức không thể sụp đổ được: tên tiếng Anh là Too Big To Fail (viết tắt: TBTF). – SGB

Vào thập niên 30-40 của thế kỷ trước tại Hoa Kỳ chẳng hạn, một làn sóng chỉ trích lan rộng trong ngành đối với “ngân hàng phát triển bằng chi nhánh”, vì mô hình này gắn liền với việc xóa bỏ tính cá nhân và các hoạt động ngân hàng cộng đồng, thay vào đó là cách tiếp cận cứng nhắc thông qua các chi nhánh, đề cao tính hiệu quả, doanh số và số lượng giao dịch. Hệ thống ngân hàng phát triển bằng chi nhánh, được mệnh danh là “hệ thống ngoại lai” này bị xem là “mang nặng tính độc quyền, thiếu dân chủ và thậm chí có hơi hướng độc tài” và “triệt tiêu tính cá nhân”(24). Điều này cũng giải thích lý do chính phủ Hoa Kỳ có số lượng tổ chức tín dụng nhiều hơn rất nhiều so với các nền kinh tế phát triển khác, vì các nhà lập pháp Hoa Kỳ có lịch sử tìm cách công hữu hóa các hình thức hỗ trợ tín dụng cộng đồng và cản trở quá trình độc quyền hóa.

– Bank 3.0, Chương 4, “Có thể cứu vãn chi nhánh ngân hàng không?”

24 Tạp chí American Banker, 23/03/1939, trang 2.

Trong lịch sử, một trong những thế mạnh thật sự của ngân hàng cộng đồng là năng lực của các nhân viên tín dụng cộng đồng, những người thật sự biết tên riêng của bạn và các thành viên trong gia đình bạn, người có khả năng phân tích định tính về mức độ rủi ro của bạn. Rất khó để cạnh tranh với loại hình ngân hàng đậm tính cá nhân này, nhưng trong thời đại ngày nay, nhìn một cách thực tế thì hình thức dịch vụ và quan hệ khách hàng này trở nên cực kỳ hiếm hoi.

Khi các ngân hàng phát triển và các quản lý chi nhánh ngày càng có ít quyền lực, năng lực đánh giá rủi ro được tối ưu hóa, trở thành một bộ thuật toán và quy luật, một mô hình dự đoán rủi ro kiểu “hộp đen”, trong đó mọi quyết định đều hoàn toàn dựa trên bộ dữ liệu, và chỉ cần một vài thao tác ngón tay là chiếc “hộp đen” sẽ đưa ra kết quả: chấp thuận hay từ chối.

Chúng ta càng có nhiều dữ liệu và hiểu rõ hơn về hành vi của người tiêu dùng, chúng ta sẽ nhận thấy sự trở lại của loại hình dữ liệu mà một nhân viên tín dụng cộng đồng thường dựa vào một cách bản năng khi cần đưa ra một quyết định tín dụng; có điều, ngày nay các dữ liệu đó sẽ được cập nhật và tích hợp vào một ma trận ra quyết định thông minh hơn. Trên khía cạnh này, dựa vào cộng đồng sẽ là một trong những phương pháp giúp các tổ chức tín dụng giảm thiểu rủi ro. Nếu bạn bè bạn sẵn sàng đứng ra bảo lãnh cho bạn, điều đó cũng cần được tính đến chứ, đúng không?

Đây là một phần của những gì đứng sau phương cách tiếp cận đột phá trong lĩnh vực cho vay mà Lenddo sử dụng, cả trong việc tiếp cận lẫn đánh giá khách hàng mới. Để tìm hiểu sâu hơn, tôi đã nói chuyện với Jeff Stewart, CEO của Lenddo, về cách tiếp cận của họ trong quá trình đánh giá tín dụng và lĩnh vực tài chính vi mô(25).

25 Tài chính vi mô (microfinance): là việc cấp cho các hộ gia đình rất nghèo các khoản vay rất nhỏ (gọi là tín dụng vi mô), nhằm mục đích giúp họ tham gia vào các hoạt động sản xuất, hoặc khởi tạo các hoạt động kinh doanh nhỏ. (Nguồn: http://www. microfinance.vn/tai-chinh-vi-mo-la-gi/?lang=vi)

Brett: Jeff, anh đang đặt trụ sở công ty tại New York (Hoa Kỳ), nhưng phần lớn giao dịch kinh doanh của anh lại diễn ra bên ngoài biên giới Hoa Kỳ. Hãy cho chúng tôi biết thêm một chút về Lenddo: Anh đã bắt đầu khởi nghiệp như thế nào, anh cho vay ở những thị trường nào, và những yếu tố cơ bản của mô hình kinh doanh này là gì?

Jeff: Lenddo giúp mọi người khẳng định được bản thân và chứng tỏ được uy tín cá nhân, từ đó họ có thể tiếp cận với các dịch vụ tài chính ở các thị trường mới nổi. Chúng tôi gia nhập thị trường này vì chúng tôi đã xây dựng một vài doanh nghiệp và có nhân viên ở khắp nơi trên thế giới, họ thường đề nghị vay tiền của chúng tôi, nhưng điều này lại dường như không hợp lý vì chúng tôi thường tuyển dụng những người rất có khả năng và chăm chỉ làm việc. Thế mà họ vẫn liên tục hỏi vay chúng tôi. Vì thế, chúng tôi bắt đầu nghiên cứu vấn đề này và phát hiện ra khoảng 1,2 tỉ người trung lưu sống ở các thị trường mới nổi thường bị các tổ chức tín dụng địa phương đánh giá thấp và không thể tiếp cận vốn. Chúng tôi nhận ra mình có thể giải quyết được vấn đề này.

Khi chúng tôi tìm hiểu sâu hơn, chúng tôi đã nhận ra điều đã khiến thay đổi cuộc sống của chúng tôi, đó chính là khái niệm tài chính vi mô. Điều khiến chúng tôi thật sự chú ý đến tài chính vi mô, dịch vụ tài chính nhắm đến một nhóm đối tượng ở đáy kim tự tháp, chính là mô hình này đã giúp xây dựng được một cộng đồng mà mỗi thành viên đều gây được hành vi trả nợ. Cộng đồng này được lợi từ việc hành vi trả nợ, và toàn bộ quá trình này hiệu quả đến mức đáng ngạc nhiên.

Chúng tôi dành phần lớn thời gian trong một năm để phỏng vấn các chuyên gia trong lĩnh vực tín dụng vi mô – các nhà kinh tế học hành vi và các nhà nhân chủng học – để thật sự hiểu được sự kỳ diệu của tín dụng vi mô và tại sao mô hình này lại thành công đến thế. Chúng tôi đã nhận ra rằng mình có thể sao chép lại mô hình này trên mạng. Toàn bộ giả thuyết đằng sau mô hình Lenddo(26) là bạn không chỉ có bạn bè trên Internet; dấu ấn trực tuyến của bạn còn thể hiện một mô hình xã hội thật sự, một mạng lưới quan hệ hiện hữu và có thật. Và cũng như bạn có thể dùng tín dụng vi mô ở đáy của kim tự tháp để tạo ra một môi trường xã hội trong đó bạn có khả năng xây dựng vốn rất hiệu quả, bạn có thể mô phỏng mô hình này cho tầng lớp trung lưu và cho phép họ tiếp cận các dịch vụ tài chính với chi phí thấp hơn nhiều.

26 Xem www.lenddo.com.

Brett: Theo tư duy thông thường, nếu tôi là một nhân viên ngân hàng và anh hỏi tôi cảm thấy thế nào về việc cho vay ở các thị trường mới nổi, tôi sẽ cảm thấy khá dè chừng và trả lời: “Ừ thì, người dân có thu nhập thấp, tiền bảo đảm cũng không được bao nhiêu, có lẽ rủi ro khá lớn”. Nhưng, anh có thể chia sẻ gì về cách thức anh xử lý rủi ro và tỷ lệ nợ xấu? Liệu anh có thể tuyên bố rằng anh có mức độ rủi ro thấp và tỷ lệ nợ xấu thấp nhờ vào yếu tố cộng đồng, đặc biệt là cách anh sử dụng thông tin từ các mạng xã hội?

Jeff: Chúng tôi có tỷ lệ nợ xấu rất thấp nhờ vào yếu tố cộng đồng, nhưng cũng nhờ vào đối tượng mà chúng tôi cho vay nữa. Đây là những người nắm giữ tương lai của hành tinh này. Đây là thị trường dành cho tầng lớp trung lưu mới nổi. Đây là nơi sản sinh ra phần lớn tài sản trên thế giới.

Để dễ dàng xem xét khía cạnh này, hãy nhìn vào Philippines, nơi chúng tôi ra mắt lần đầu tiên hơn hai năm trước, tỷ lệ thất nghiệp đối với các nhân viên gia công các công đoạn kinh doanh từ nước ngoài hoặc các nhân viên tư vấn qua điện thoại là 0%. Bạn hoàn toàn có thể bước ra khỏi chỗ làm và tìm ngay được việc mới ở bên kia đường. Đó là những người có trình độ đại học làm công việc văn phòng. Hãy nghĩ về những người xử lý các đơn yêu cầu bảo hiểm, những người trả lời điện thoại chăm sóc khách hàng cho máy tính Dell. Họ đều có khả năng được tuyển dụng rất cao, và thu nhập của họ đang tăng dần. Một thành viên điển hình của chúng tôi có thu nhập từ 400-450 USD một tháng cho các công việc văn phòng; mức lương này tăng với tỷ lệ phần trăm ở mức hơn hai chữ số trong vòng một, hai năm trở lại đây.

Brett: Trung bình anh cung cấp tín dụng ở mức giá trị bao nhiêu?

Jeff: Khoản vay trung bình của chúng tôi ở châu Á vào khoảng 450 USD, và tại châu Mỹ Latin là khoảng 650 USD.

Brett: Khoản tiền này có vẻ tương ứng với một tháng lương?

Jeff: Hoàn toàn chính xác, mặc dù các khoản vay có thời hạn linh động từ 1 tháng đến 6 tháng hoặc 12 tháng. Chúng tôi cho vay khoảng một tháng lương.

Brett: Giles, cho phép tôi hỏi anh, khoản vay trung bình mà Zoppa đang cho vay tại Anh là bao nhiêu, để chúng ta có thể so sánh với Lenddo?

Giles: Dưới 5.000 bảng Anh một chút.

Brett: Thật thú vị. 5.000 bảng Anh cũng có vẻ rất gần với thu nhập hằng tháng của một nhân viên tại Anh. Thật lý thú là có sự tương đồng giữa các thị trường mới nổi ở điểm khoản vay trung bình có giá trị tương đương một tháng lương.

Jeff, tỷ lệ khoản vay mà anh cung cấp cho các doanh nghiệp nhỏ khởi nghiệp ở những thị trường mới nổi là bao nhiêu?

Jeff: Các khoản vay của chúng tôi phục vụ cho nhu cầu cá nhân, vì thế, giáo dục là lĩnh vực được sử dụng nhiều nhất. Mua sắm điện thoại thông minh cũng là một phần lớn. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thì thường được sử dụng cho các thành viên khác trong gia đình chứ không phải cho bản thân người đi vay, ví dụ như một người chị hoặc người dì nào đó. Nói là thế nhưng những đối tượng mà chúng tôi cho vay cũng rất có tinh thần khởi nghiệp. Nhưng chúng tôi không trực tiếp tiếp cận các doanh nghiệp.

Nếu khách hàng mua hàng hóa khi họ ở cùng gia đình tại các vùng quê, sau đó mang hàng hóa về bán cho bạn bè tại thành phố lớn, chúng tôi không đánh giá bản chất việc kinh doanh đó. Chúng tôi đánh giá tính cách của con người. Chúng tôi quay trở lại với cách cho vay từ hàng ngàn năm trước. Việc cho vay phụ thuộc vào tính cách của con người, phụ thuộc vào uy tín của họ trong cộng đồng. Và, đối với tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ, bạn sẽ gặp phải một ngưỡng mà ở đó, đột nhiên, mô hình kinh doanh – hay kế hoạch kinh doanh – không còn quan trọng nữa. Nhưng, như J. P. Morgan đã chỉ ra khi được phỏng vấn: “Cái nào quan trọng hơn, khoản vay dựa trên tài sản hay khoản vay dựa trên thu nhập?”, câu trả lời là dựa vào tính cách của con người. Đối với bất cứ doanh nghiệp nào, tính cách của người đứng sau doanh nghiệp là điều quan trọng, nhưng đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ thì đây là điều quyết định tất cả.

Tôi nghĩ anh có thể thấy được sự ảnh hưởng to lớn mà các cộng đồng liên quan tạo ra được đối với quá trình phát triển, không ở đâu khác thể hiện rõ hơn ngoài không gian của các doanh nghiệp nhỏ. Và anh cũng có thể nhận ra điều đó trong mô hình tín dụng vi mô.

Brett: Còn ở nước Anh thì sao Giles? Theo kinh nghiệm của anh tại Zopa, có bao nhiêu khách hàng cho vay của các anh đang cố gắng cung cấp vốn và giúp các dự án khởi nghiệp và đang sử dụng Zopa như một nền tảng để gia tăng tài chính?

Giles: Những khách hàng cho vay của chúng tôi khá hứng thú trong việc cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ, vì thế chúng tôi thường xuyên gửi ra một bảng câu hỏi vì hiện tại họ chỉ cho người tiêu dùng vay thôi; họ đáp lại rằng họ hứng thú với việc cho các doanh nghiệp vay vốn vì họ cho rằng đó là việc đáng làm và có ích.

Chúng tôi đang thử nghiệm, thực tế chúng tôi cũng đang làm việc với chính phủ, giống như tổ chức Funding Circle vậy, và chúng tôi chuẩn bị cho ra mắt dự án cho vay vốn đối với các thương nhân cá thể. Chúng tôi vốn dĩ đã có khách hàng đi vay là thương nhân cá thể vay rồi, chỉ là không cho họ vay nếu mục tiêu sử dụng là dùng cho kinh doanh. Hiện tại, chúng tôi đang xét các trường hợp thương nhân cá thể – tất cả mọi đối tượng từ người lau cửa kính, đến chuyên viên làm tóc, cho đến nhân viên pha chế quầy bar,... có đến ba triệu rưỡi thương nhân cá thể như thế ở nước Anh. Và nếu họ đăng ký vay tiêu dùng cá nhân, chúng tôi sẽ xem xét phục vụ họ. Chúng tôi sẽ đánh giá quá trình tự làm chủ của họ cũng y như chúng tôi đánh giá quá trình làm việc của bất cứ ai khác. Tuy nhiên chúng tôi từ chối khoản vay nếu họ nói rằng họ muốn dùng số tiền này để đầu tư vào công việc kinh doanh của họ, vì chúng tôi nhận thấy việc này sẽ làm tăng thêm rủi ro.

Tuy nhiên hiện tại, chúng tôi đang chuẩn bị tung ra một sản phẩm mới, phục vụ cho nhu cầu kinh doanh của các thương nhân cá thể. Lý do chúng tôi sử dụng đối tượng thương nhân cá thể là vì chúng tôi có thể đưa họ vào cùng một mô hình đánh giá tín dụng như đối với các khách hàng cá nhân hiện tại của chúng tôi.

Brett: Vấn đề tôi đang thắc mắc với Giles là, tại Anh, anh có lẽ cũng biết đến chương trình của chính phủ “cấp vốn cho vay”, trong đó chính phủ cấp tiền cho các ngân hàng để giải ngân cho các doanh nghiệp nhỏ. Tuy rằng tất nhiên chính phủ rót tiền cho ngân hàng, còn ngân hàng, nói chung, giữ lại số tiền này. Liệu mô hình cho vay ngang hàng có thể đưa ra một kênh trực tiếp hơn cho chính phủ để thúc đẩy nền kinh tế?

Giles: Hoàn toàn có thể. Chính phủ đã tuyên bố rằng nếu chúng tôi áp dụng thành công mô hình này, họ sẽ tiếp tục cấp vốn. Tôi cũng đã được nghe từ những người bạn tại Funding Circle rằng chính phủ vẫn tiếp tục ủng hộ họ. Tôi nhìn thấy trong mắt họ một vẻ chán chường vì họ biết điều gì xảy ra với số vốn họ cấp cho các ngân hàng. Số vốn ấy hiếm khi nào được giải ngân cho các khoản thế chấp mua nhà ở. Hoặc số vốn ấy chỉ ở yên vị, làm đẹp báo cáo tài chính mà thôi.

Brett: Jeff, làm thế nào để cộng đồng này tăng tính tiếp cận ở những thị trường như Indonesia hay Philippines, nơi mà tỷ lệ sử dụng Facebook rất cao? Làm cách nào anh vận dụng được sự ủng hộ của cộng đồng trên phương tiện này cho Lenddo?

Jeff: Rất đơn giản. Để nhận được một khoản vay, bạn cần phải huy động nhiều người trong cộng đồng đứng ra bảo chứng cho bạn. Chúng tôi đã nhận ra rằng, việc ai sẵn sàng bảo đảm cho bạn trong cộng đồng của bạn và việc bạn thuộc cộng đồng nào đóng một vai trò quan trọng trong việc dự đoán khả năng hoàn vốn. Và trong nhiều trường hợp, một vài người đã từng giúp bạn nhận được vốn vay cũng sẽ cần đến một khoản vay vào lúc nào đó. Cộng đồng cứ thế lớn dần lên. Chúng tôi khởi đầu với chỉ 100 người chúng tôi biết và tin tưởng, và rồi con số đó lên đến hàng ngàn và hàng chục ngàn, rồi hàng trăm ngàn. Nó cứ lớn lên không ngừng.

Brett: Đồng thời cộng đồng mà anh hoạt động cũng là một kênh tìm kiếm khách hàng mới nữa.

Jeff: Chính xác! Chúng tôi vừa mới trao đổi với một khách hàng, và anh ta đã nói về việc bạn anh ta không tin rằng anh nhận được tiền từ Internet, và anh chẳng có cách nào thuyết phục được bạn mình đăng ký cả. Mãi cho đến khi những người bạn này có ba hay bốn người bạn khác cũng được nhận vốn vay, họ mới bắt đầu thử. Và vòng quay này lại tiếp tục. Vì đây là một sản phẩm cộng đồng, và bạn cần phải có bạn của mình tham gia để nhận được lợi ích từ nó, chúng tôi tin rằng cộng đồng này sẽ không có dấu hiệu chững lại trong thời gian tới.

TRONG TẦM NGẮM: CHO VAY 3.0?

Khi xem xét hoạt động cho vay, một lĩnh vực quan trọng đã được Jeff and Giles nhắc đến chính là quá trình đánh giá tín dụng và mô hình kinh doanh sẽ khởi phát, dựa trên các mô hình xử lý dữ liệu mới và cách nhìn nhận khác biệt về rủi ro và cơ hội. Đặc biệt, tôi muốn nhìn xa hơn, có lẽ trong tương lai 5 hay 10 năm tới, để xem xu hướng này sẽ đi về đâu.

Brett: Hãy thử nghĩ về tương lai của ngành này, chúng ta đang nói về ngành cho vay, chúng ta có cách nhìn khác về rủi ro, chúng ta có hệ thống cho điểm và đánh giá cũng khác, có vẻ như hiệu quả hơn nhiều, với tỷ lệ nợ xấu thấp, vân vân, rồi chúng ta còn có sự tham gia của cộng đồng, được sử dụng như một kênh tiếp cận khách hàng mới tại các thị trường mới nổi.

Giles, anh nghĩ trong vòng 10 năm tới xu hướng này sẽ đi đến đâu, khi chúng ta tiếp tục đưa ra những đột phá trong cách thức người dùng vay vốn, và thậm chí là tiết kiệm tiền, vì đây cũng chính là những phương thức chúng ta đang bàn luận đến? Anh nghĩ tương lai của hình thức kinh doanh này sẽ ra sao và làm thế nào anh có thể tạo ra được một thị trường ngách bên cạnh lĩnh vực ngân hàng, và liệu anh có cho rằng mô hình này sẽ ngày càng có khả năng thực sự thay thế ngân hàng, đặc biệt là khi nó cho phép xóa bỏ khá nhiều trở ngại trong việc vay vốn, và cách thức người tiêu dùng tiếp cận với vốn vay?

Giles: Anh đã rất chính xác khi sử dụng thuật ngữ thị trường ngách.

Điều khiến mô hình kinh doanh như chúng tôi trở nên vô cùng mạnh mẽ chính là việc chúng tôi tiếp cận một lĩnh vực nhỏ trong ngành ngân hàng và cải tiến nó. Điều này khiến chúng tôi hoạt động hiệu quả hơn nhiều và vận hành với ít trở ngại hơn, như anh nói. Tôi có thể nhận thấy những mô hình kinh doanh như chúng tôi, cho vay ngang hàng, sẽ chiếm lĩnh phần lớn thị trường vay vốn của ngân hàng hiện nay. Tôi thật sự cho là như vậy. Chúng tôi có khả năng chiếm phần lớn thị trường của họ. Tôi nghĩ rằng đây là một ví dụ có thể xảy ra ở bất cứ lĩnh vực nào trong ngành ngân hàng.

Có rất nhiều nghiệp vụ chính yếu của ngành ngân hàng không thật sự liên quan đến bất cứ lĩnh vực nào khác, ví dụ như hóa đơn chiết khấu. Bao thanh toán cũng là một ví dụ cho một số các nghiệp vụ ngân hàng không thật sự phụ thuộc vào loại hình dịch vụ ngân hàng nào khác. Những mô hình mới này đều có thể được cải tiến. Các ngân hàng đã vật lộn trong nhiều năm qua vì mô hình kém hiệu quả ở nhiều lĩnh vực của toàn ngành. Những thứ mà anh viết về những thay đổi mang tính đột phá, họ đã vất vả chống lại chúng trong suốt một thời gian dài. Ngân hàng là ngành công nghiệp cuối cùng chưa có sự đột phá, nhưng tôi nghĩ điều đó cuối cùng cũng đang diễn ra. Và chắc chắn nó sẽ diễn ra, không phải bởi vì một mô hình thống nhất sẽ xuất hiện và làm mọi việc tốt hơn; nó sẽ diễn ra nhờ vào rất nhiều doanh nghiệp nhỏ, năng động, tìm cách cải thiện từng phần nhỏ của ngành. Và các ngân hàng sẽ chẳng còn nhiều lĩnh vực màu mỡ nữa.

Ngày nay một chiếc điện thoại di động có lẽ còn có khả năng xử lý cao hơn các tổ chức tín dụng hàng đầu thế giới giữa những năm 1980.

– Jeff Stewart, Lenddo

Brett: Jeff, anh đã tạo ra một thị trường ngách với Lenddo, vì đây là một thị trường trước đó dường như không tồn tại, hoặc một phân khúc khách hàng trước đó chưa được phục vụ. Theo anh, trong 10 năm tới mô hình này sẽ đi đến đâu, đối với doanh nghiệp của anh nói riêng và ngành cho vay nói chung tại các thị trường mới nổi?

Jeff: Tôi đồng tình rằng cục diện hiện nay sẽ thay đổi. Tôi nghĩ anh sẽ sớm chứng kiến cảnh phần mềm, công nghệ và mạng xã hội cơ bản làm biến mất nhu cầu truyền thống về các dịch vụ tài chính. Anh sẽ thấy ngành công nghiệp này tái cấu trúc tương tự như cách Napster tái cấu trúc ngành công nghiệp âm nhạc, hay Skype(27) tái cấu trúc ngành viễn thông; nguyên nhân nằm ở chỗ khả năng xử lý, dữ liệu, cũng như tính kết nối đã hoàn toàn thay đổi động lực thúc đẩy mọi thứ.

27 Skype: một phần mềm cho phép trò chuyện và gọi điện thoại trực tuyến, với nhiều tính năng từ gọi điện thoại, hội nghị thoại đến gọi điện thoại hình ảnh miễn phí và có tính phí, phục vụ cho nhu cầu sử dụng cá nhân và doanh nghiệp. (ND)

Anh không cần một bên trung gian lớn đáng tin cậy nữa khi cộng đồng xung quanh anh có thể bảo lãnh cho anh. Và họ có thể làm điều đó với chỉ một cái click chuột. Anh không cần một bộ xử lý trung tâm đặt tại tổng hành dinh của Citibank để xử lý dữ liệu và xác định xem điều gì là hợp lý. Ngày nay một chiếc điện thoại di động có lẽ còn có khả năng xử lý cao hơn các tổ chức tín dụng hàng đầu thế giới vào giữa thập niên 80 của thế kỷ XX. Chúng ta đang ở trong một bối cảnh hoàn toàn mới, và tôi đồng ý rằng mọi việc sẽ thay đổi.

Tuy nhiên, tôi không hoàn toàn đồng tình với nhận định là sẽ xuất hiện hàng loạt các doanh nghiệp nhỏ. Tôi thật sự nghĩ rằng ngành tài chính cá nhân có quy mô lớn gấp đôi ngành truyền thông trên đất nước này. Và, khi tôi nói đến truyền thông, tôi đang nói đến Facebook và Google và tạp chí và truyền hình. Thị trường tín dụng cá nhân có quy mô lớn hơn tất cả những thứ đó.

Brett: Một điều khiến tôi chú ý chính là việc khi nhìn vào một sản phẩm như cho vay cá nhân, anh có thể thấy bản chất của sản phẩm này là một công cụ giúp anh mua xe hơi, mua nhà, hoặc có lẽ là khởi nghiệp. Trước đây các ngân hàng có thể ngăn một người nào đó có ý định thực hiện những việc trên cho đến khi họ trải qua hết những thử thách trong đơn đăng ký và được xác nhận đủ điều kiện vay để thực hiện mục đích của mình.

Với các công cụ mà anh đang nói đến, Jeff, quy trình phân tích dữ liệu, khả năng xử lý ở thời gian thực, liệu có thể dẫn đến xu hướng giảm bớt số lần đóng cửa giao dịch, và ảnh hưởng cả xu hướng đánh giá rủi ro nữa, có phải chúng có thể cho phép anh nhận được một khoản vay ngay lập tức – tại thời điểm anh cần vốn – thay vì việc cho vay được thực hiện như một sản phẩm riêng rẽ hoặc có một quy trình đăng ký riêng?

Liệu có logic hơn không khi tích hợp các quyết định tài chính vào ngay trong quá trình người tiêu dùng thực hiện những việc họ cần, như khởi nghiệp hay mua nhà?

Jeff: Đương nhiên là thế. Tôi nghĩ rằng công nghệ sẽ cho phép chúng ta định lượng mức độ đáng tin cậy của mình (trong thời gian thực) và sử dụng tín dụng và các dịch vụ tài chính khác khi chúng ta cần. Đây là việc làm đúng đắn đối với người tiêu dùng, nhưng lại không đúng với các tổ chức cho vay hiện tại.

Giles: Tôi nghĩ Jeff nói hoàn toàn chính xác. Tất cả vì người tiêu dùng.

Vì thế, các tổ chức tài chính hiện nay chưa thật sự suy nghĩ về người tiêu dùng; và những doanh nghiệp như chúng tôi lại đặt người tiêu dùng lên vị trí ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi xây dựng trải nghiệm mà người tiêu dùng muốn, và trải nghiệm này có thể dựa trên thời gian thực hay không cũng được. Đó không phải là vấn đề chính. Vấn đề là làm mọi việc vì người dùng.

BÀI HỌC RÚT RA

Dù Zopa và Lenddo thực tế là hai mô hình kinh doanh hoàn toàn khác nhau, có những chủ đề được lặp lại trong những thông điệp mà chúng ta nghe thấy trong những cuộc phỏng vấn này.

Đầu tiên, để hoạt động tốt hơn trong lĩnh vực cho vay, bí quyết là không nhất thiết phải thực hiện theo cách các ngân hàng đang làm.

Cả Zopa và Lenddo đều chứng tỏ được rằng họ hoạt động hiệu quả hơn trong lĩnh vực cốt lõi của mình so với các ngân hàng tương đương, và rủi ro nợ xấu của họ nhìn chung là thấp hơn. Dù họ thu lợi nhuận thấp hơn so với các tổ chức tài chính, nhưng vì có cơ cấu chi phí thấp hơn rất nhiều, chi phí tiếp cận khách hàng mới cũng thấp hơn, và mô hình đánh giá rủi ro chính xác hơn, thế nên nếu xét ở thế ngang hàng thì các ngân hàng không thể cạnh tranh với họ.

Một thế hệ cho vay mới đang hoạt động tốt hơn, với chi phí thấp hơn và an toàn hơn so với những tổ chức mà theo lý thuyết là đã phát minh ra ngành cho vay thương mại.

Thứ hai, cả Zopa và Lenddo đều khởi đầu bằng một vấn đề của người tiêu dùng cần được giải quyết, thay vì khởi đầu bằng doanh nghiệp cho vay mà chúng ta đang có, hoặc sản phẩm nào chúng ta sẽ đưa ra?

Vấn đề với ngành cho vay hiện nay, từ cả quy trình đánh giá rủi ro lẫn phương diện chăm sóc khách hàng, là việc cho vay rất cứng nhắc, đặc biệt là quy trình đăng ký vay. Người tiêu dùng nói chung không có trải nghiệm dễ chịu trong suốt quá trình đăng ký tín dụng, nhưng họ cần vốn để hỗ trợ các hoạt động trong cuộc sống, có thể là mua nhà hay mua xe hơi, hoặc trả thẻ tín dụng cho chuyến du lịch nước ngoài.

Lenddo đã nhìn thấy một thị trường mới nổi sẽ phát triển lên quy mô hàng trăm tỉ USD trong khoảng một thập kỷ tới, và nhận ra thị trường này còn chưa được phục vụ tại thời điểm hiện tại, cũng như phương pháp đánh giá tín dụng truyền thống cũng sẽ không áp dụng được với đối tượng này. Dữ liệu không có sẵn, nhưng dù có thì các ngân hàng trong giai đoạn này cũng sẽ tránh xa khỏi tầng lớp trung lưu mới nổi ở các thị trường mới nổi. Nếu áp dụng cách tiếp cận truyền thống thì sẽ vô cùng rủi ro – đúng hơn là gần như hoàn toàn phi thực tế.

Đến khi thị trường này phát triển đủ để các ngân hàng lớn tham gia, thì các doanh nghiệp như Lenddo sẽ có lợi thế lớn về vận hành – chưa nói đến tính đáng tin cậy của cộng đồng – và lợi thế này gần như không thể bị san bằng nếu các ngân hàng không chi ra hàng triệu USD cho việc xây dựng thương hiệu.

Trong trường hợp của Zopa, phần nhiều trong thành công của họ nằm ở dữ liệu. Zopa cũng sử dụng những dữ liệu như các ngân hàng khác, nhưng như Giles nhắc đến trong cuộc phỏng vấn, họ sử dụng nhiều dữ liệu hơn, và phân tích các dữ liệu ấy tốt hơn – đến mức mà tỷ lệ nợ xấu của họ chỉ bằng khoảng một nửa so với HSBC, ngân hàng hoạt động tốt nhất tại thị trường Anh về khía cạnh này trong vài năm trở lại đây. Điều này cho phép Zopa hoạt động với mức lợi nhuận và biên độ 3%, thay vì 10% như các ngân hàng thương mại đang hoạt động hiện nay tại Vương quốc Anh.

Nếu bạn là một tổ chức đầu tư như một quỹ hưu trí hoặc nhà bảo hiểm đang tìm kiếm một mô hình kinh doanh ít rủi ro để đầu tư và nhận được lãi suất cao hơn so với chứng chỉ tiền gửi hay tiền gửi cố định, nhưng lại có mức rủi ro thấp hơn so với thị trường chứng khoán đầy biến động, thì những doanh nghiệp như Zopa có tiềm năng rất tốt, tốt hơn nhiều so với hồ sơ gói cho vay mà các ngân hàng “quá lớn để sụp đổ” (TBTF) đang đưa ra.

Một khía cạnh nữa mà chúng ta đã khám phá khi nhìn về 5-10 năm nữa, chính là dịch vụ khách hàng tuyệt vời. Chúng ta đã thấy thời gian phê duyệt tín dụng cho các sản phẩm cho vay được cắt giảm tối đa trong vài thập kỷ trở lại đây. Phê duyệt tín dụng ngay tại cửa hàng có thể được thực hiện ngay lập tức tại nhiều nền kinh tế phát triển, nhưng với sự lan rộng của điện thoại thông minh và máy tính bảng, hoàn toàn có khả năng người tiêu dùng đang đứng cạnh môi giới bán bất động sản, hoặc đứng cạnh một trung tâm bán xe hơi để mặc cả giá tiền một chiếc xe mới, mong muốn nhận được quyết định phê duyệt tín dụng trước ngay tại thời điểm đó, nếu không nói là muốn được giải ngân ngay lập tức. Các ngân hàng thủ cựu xem cho vay như một “sự kiện”, và việc xác định rủi ro cần phải được thực hiện dựa trên tờ đơn đăng ký, họ đơn giản là không thể đáp ứng được nhu cầu trên. Các ngân hàng tự động hóa quy trình này hoàn toàn dựa trên hệ thống điểm tín dụng sẽ thấy tỷ lệ nợ xấu nhanh chóng gia tăng. Chúng ta cần thêm một thứ gì đó – một phương thức thông minh hơn.

Đó là lúc Big data (dữ liệu lớn) và phân tích dữ liệu nhập cuộc, đồng thời với tư duy sáng tạo hơn. Lenddo minh họa cho một hệ thống bảo lãnh cộng đồng trong đó bạn không thể tiếp cận vốn vay trừ khi bạn bè bạn sẵn lòng đứng ra bảo đảm cho bạn. Nếu bạn để nợ xấu, việc này sẽ ảnh hưởng đến khả năng bảo đảm của bạn trong tương lai, và đến cả việc tiếp cận tín dụng, vì thế bạn sẽ trở nên cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn những người bạn mà mình sẽ đứng ra bảo đảm. Trong các thị trường mới nổi, loại hệ thống này sẽ hoạt động hiệu quả hơn nhiều so với việc cố gắng xây dựng đủ dữ liệu để thành lập một hệ thống tính điểm tín dụng FICO(28) chẳng hạn. Cũng giống như việc bạn bè của tôi, những người đều biết một vài người bạn chung sẽ không bao giờ có trả lại 500 USD mà họ vay để sửa xe hơi.

28 FICO là tổ chức cung cấp điểm tín dụng chủ yếu tại Hoa Kỳ, còn được gọi bằng cái tên “Fair Isaac” theo tên của hai nhà sáng lập Bill Fair và Earl Isaac.

Các nhà tiên phong trong ngành cho vay, cũng giống như những nhà tiên phong sử dụng công nghệ hoặc tiên phong thay đổi hành vi và thói quen của người tiêu dùng, nhìn chung sẽ tìm cách giải quyết các vấn đề sau:

- Trở ngại trong hệ thống hoặc quy trình hiện tại, ví dụ như thời gian phê duyệt dài, quy trình đăng ký phức tạp và thiếu minh bạch.

- Tối ưu mô hình quản lý rủi ro dựa trên cách nhìn nhận mới về rủi ro, bao gồm các mô hình chính xác hơn dựa trên hành vi người tiêu dùng, cho phép nhận định rõ ràng hơn về nguy cơ nợ xấu, thay vì các mô hình dựa phần lớn trên các chỉ số có thời gian trễ như các chỉ số thông dụng hiện nay. Đây sẽ là thị trường có giá trị hàng tỉ USD trong ngành cho vay chỉ trong vài năm tới, nhanh chóng thay thế mô hình chấm điểm tín dụng cũ bằng những dữ liệu mang tính dự đoán chuẩn xác hơn nhiều. Việc đầu tư vào lĩnh vực này ngay bây giờ có thể rất tiềm năng.

- Các mô hình tiếp cận người dùng mới có chi phí thấp và dễ nhân rộng hơn, dựa trên sức ảnh hưởng của cộng đồng, những người thân tín và có chi phí thấp hơn. Theo dữ liệu của NYLX (www.nylx. com), chi phí môi giới trung bình ở Hoa Kỳ là vào khoảng 2.480 USD, và những nhà đầu tư thế chấp đang trả chi phí từ 800-1.200 USD cho mỗi khoản vay để mua thông tin khách hàng tiềm năng(29). Những chi phí tìm kiếm khách hàng mới này có thể được giảm thiểu chỉ còn một nửa so trước đây nhờ vào mô hình kinh doanh hoàn toàn trực tuyến, nhưng đối với các doanh nghiệp như Zopa và Lenddo, chi phí của họ còn thấp hơn như thế nhiều.

29 Xem câu trả lời trên trang Quora tại http://qr.ae/NZy Sm.

Vẫn còn một yếu tố khác chưa được khám phá hết, nhưng nó có khả năng trở thành một nhân tố quan trọng, và chúng ta không thấy ở cả Lenddo và Zopa, nhưng tôi cho rằng Lenddo đặc biệt có thể dễ dàng áp dụng phương thức này. Đó chính là việc quản lý rủi ro tốt hơn khi đã tồn tại một khoản vay đang hoạt động.

Hãy xem xét nợ xấu trong các khoản vay hiện nay, quy trình truy thu nợ của một người vay không thanh toán tốn khá nhiều chi phí trong khi khả năng thành công lại tương đối thấp. Chi phí chi cho dịch vụ chăm sóc khách hàng leo thang, và cũng tương tự đối với các hoạt động truy thu nợ, và cuối cùng là kiện tụng. Tất cả các chi phí này ảnh hưởng nặng đến mức lợi nhuận, dẫn đến chi phí xử lý nợ xấu không tránh khỏi, như thuật ngữ trong ngành thường gọi. Tuy nhiên, nếu các ngân hàng có thể sử dụng công nghệ để cảnh báo khách hàng khi họ có khả năng đưa ra một quyết định có thể làm tăng rủi ro nợ xấu, hoặc ngân hàng có thể khuyến cáo khách hàng tránh các quyết định sai lầm dẫn đến tăng rủi ro, thì đây sẽ là biện pháp tốt hơn so với các hình thức xử lý mạnh tay sau khi nợ xấu đã phát sinh – các biện pháp chữa cháy. Chúng ta có thể gọi đây là cách quản lý phòng ngừa rủi ro, chứ không phải hành động trừng phạt.

Tiềm năng của việc quản lý rủi ro bằng cách quản lý hoặc tác động thay đổi hành vi khách hàng là một lĩnh vực chúng ta chỉ có thể nghiên cứu thông qua công nghệ và dữ liệu mà chúng ta có ngày nay. Đây hoàn toàn có thể trở thành điểm mấu chốt thay đổi cục diện của toàn ngành cho vay.

Một khía cạnh khác của lĩnh vực xử lý dữ liệu là năng lực phê duyệt trước và khả năng đánh giá hoặc dự đoán khi nào một khách hàng có thể cần các dịch vụ tài chính. Khả năng đáp ứng nhu cầu tín dụng, kết hợp với chức năng phê duyệt từ trước, sẽ mang lại lợi ích khổng lồ cho các tổ chức cho vay trong thời gian ngắn sắp tới. Những yếu tố kích hoạt nhu cầu vay vốn – dù là việc bước vào trung tâm mua bán xe hơi, tìm kiếm Google trên điện thoại thông minh của bạn liên quan đến việc mua nhà, hay sinh nhật lần thứ 18 của con gái bạn, dịp tốt nghiệp trung học, và việc con bạn được nhận vào trường đại học danh tiếng – tất cả những dữ liệu này sẽ dẫn đến khả năng đáp ứng nhu cầu vay vốn của người tiêu dùng một cách hiệu quả hơn, thậm chí có lẽ trước khi bản thân họ biết mình cần vay vốn.

Các tổ chức cho vay trong tương lai như Zopa và Lenddo có cách tư duy rất khác biệt về thời cơ trong lĩnh vực cho vay cũng như vấn đề quản lý rủi ro, và từ đó họ có thể làm mọi việc nhanh hơn, tốt hơn, với chi phí thấp hơn so với các công ty truyền thống.

Họ chắc chắn xứng đáng đứng vào hàng ngũ tinh hoa của Ngân hàng đột phá.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3