Ngân Hàng Đột Phá - Chương 02
Chương 2
Thời đại của thanh toán nhanh hơn, thông minh hơn
Từ tấm séc(1) bạn thường được bà gửi tặng vào dịp sinh nhật, đến lương hằng tháng bạn nhận, đến khoản thế chấp hay tiền thuê nhà phải trả hằng tháng, nhiều tiện ích ngân hàng chúng ta đang sử dụng xoay quanh vấn đề thanh toán. Dù đó là thanh toán bằng thẻ ở cửa hàng, thanh toán chuyển khoản, hoặc thanh toán qua điện tín quốc tế, “ngân hàng” thường là nơi chúng ta tìm đến cho những dịch vụ cơ bản như vậy. Tuy nhiên, ngày nay, một cuộc cách mạng thanh toán ảo và trực tuyến đang diễn ra, phần lớn đến từ những tổ chức phi-ngân hàng.
1 Cheques, trong tiếng Anh.
Bắt đầu từ sự bùng nổ đã tạo ra thể thức thanh toán chuyển khoản vô cùng đơn giản của PayPal, cho đến sự bành trướng của những doanh nghiệp mới tham gia như Dwolla, Square, Venmo, LevelUp, M-Pesa, AliPay và nhiều doanh nghiệp khác, ngày nay chúng ta có nhiều lựa chọn thanh toán hơn bất cứ ngân hàng nào có thể tưởng tượng ra chỉ mới vài năm trước đây(2).
2 Những cuộc phỏng vấn được trích dẫn ở đây đã phát sóng lần đầu tiên vào ngày 09/05/2013.
LỊCH SỬ DẠY CHÚNG TA ĐIỀU GÌ VỀ THANH TOÁN?
Nếu chúng ta nhìn vào lịch sử ngành thanh toán, chúng ta sẽ thấy ngay từ những ngày đầu tiên của hệ thống giao dịch và trao đổi hàng hóa, các phương thức thanh toán nhìn chung khá đơn giản. Tại châu Âu, tiền giấy được ra mắt lần đầu tiên tại Thụy Điển vào năm 1661, cũng không xa là mấy trong lịch sử. Việc trao đổi dựa trên một giá trị tiền tệ hợp nhất chắc chắn đã được hình thành hoàn chỉnh vào thế kỷ XVIII, nhưng về bản chất đây vẫn là một hệ thống trao đổi giá trị ở mức đơn giản.
Sự tiến bộ của điện thoại, và sau đó là máy vi tính, đã cho phép ta gửi tiền mặt từ đầu này đến đầu kia của thế giới, nhưng quá trình này lại quá phức tạp so với phương pháp trao đổi truyền thống dùng tiền giấy hoặc hàng đổi hàng. Việc này đòi hỏi phải có sự tham gia của các bên được tin tưởng, điều này lại càng làm tăng tính phức tạp, tuy vậy, hệ thống phúc lợi hoặc trao đổi giá trị vẫn rất rõ ràng. Nó tạo điều kiện cho các hoạt động thương mại trước đây không thể vận hành hiệu quả vì khoảng cách địa lý xa xôi mà lại không có công nghệ.
Thanh toán bằng séc cũng đòi hỏi phải lập nên một đơn vị có thẩm quyền, nhưng lợi ích của việc có thể gửi một khoản thanh toán được bảo đảm mà chỉ có người nhận mới có thể sử dụng là rất rõ ràng: Lợi ích đã thắng thế so với tính phức tạp tương đối của việc xử lý giấy tờ, gửi séc qua bưu điện, gửi tiền vào tài khoản, cùng nhiều thứ khác.
Khi hệ thống thanh toán qua thẻ tín dụng xuất hiện, ý tưởng đằng sau nó là bạn không cần phải mang theo nhiều tiền mặt nhưng vẫn có thể thanh toán ở hầu như mọi nơi. Hệ thống ở hậu trường khá phức tạp, nhưng một khi hệ thống này đã được chuyển từ công nghệ “thủ công”(3) sang máy đầu cuối POS điện tử(4), trải nghiệm của người tiêu dùng đã được đơn giản hóa đủ để thẻ tín dụng nhanh chóng chiếm được sự chấp nhận của người tiêu dùng.
3 Chày đập khớp tay (Knucklebuster) là biệt danh được đặt cho các thiết bị chấp nhận thẻ tín dụng đầu tiên, sử dụng thẻ và giấy than, trước thời kỳ phát triển của các thiết bị đầu cuối sử dụng thẻ tín dụng điện tử. Chiếc máy này đòi hỏi người dùng phải kéo một tay cầm ngang qua tấm thẻ tín dụng để in được số thẻ lên giấy than, và điều này đã khiến rất nhiều nhân viên cửa hàng trầy trụa hết các khớp ngón tay.
4 POS: Point-of-sale, thiết bị đọc thẻ đầu cuối tại điểm bán.
Vấn đề nảy sinh là mức độ phức tạp ngày càng tăng lên, do các phương thức thanh toán hiện đại là dựa trên nhu cầu trao đổi ngày càng nhanh cũng như thông tin danh tính vốn dĩ không hề tồn tại trong hệ thống trao đổi tiền mặt trước kia.
ĐỘT PHÁ TRONG LĨNH VỰC THANH TOÁN, VÀ XÓA SỔ VIỆC THANH TOÁN
Trong đoạn video giới thiệu của Microsoft vào năm 2009(5), một giao dịch thanh toán taxi bằng điện thoại di động được minh họa, trong đó người dùng chỉ cần bước ra khỏi xe mà không cần phải trả tiền mặt, quẹt thẻ hay ấn nút nào cả. Tôi tin rằng đó chính là sự thể hiện chính xác của việc thanh toán trong thế giới hôm nay. Đó là một hệ thống đủ thông minh để nhận diện bạn, nhưng loại trừ được tất cả những trở ngại chúng ta đã thấy chồng chất trong nhiều năm qua – thực tế, hình thức thanh toán này còn ít rắc rối hơn cả tiền mặt, vì bạn không cần phải làm bất cứ một thao tác vật lý nào.
5 Microsoft Showcase 2009: www.microsoft.com/en-us/showcase/details.aspx?uuid=cd65d16c-4b22-432b-83....
Hiện tại, Uber(6) chính là một ví dụ tuyệt vời cho công nghệ như thế. Bạn nhảy lên một chiếc xe hơi Uber, bạn di chuyển, và tại điểm đến bạn nhảy xuống xe, việc thanh toán được thực hiện hoàn toàn tự động thông qua mạng lưới của Uber, hóa đơn sẽ được gửi đến điện thoại của bạn. Việc thanh toán đã diễn ra, nhưng lại có vẻ nó chưa hề diễn ra, như thể nó đã biến mất.
6 Uber là một ứng dụng di động cho phép người dùng đặt, di chuyển và thanh toán cho dịch vụ taxi riêng tại Hoa Kỳ. Các ứng dụng tương tự như Hailo và nhiều ứng dụng khác đã xuất hiện tại các thị trường khác.
Hình thức thể hiện cuối cùng của tất cả những công nghệ mà chúng ta thấy lúc này trong lĩnh vực thanh toán không chỉ làm cho việc thanh toán hấp dẫn hơn, mà còn khiến thanh toán trở nên vô hình và không có bất cứ trở ngại nào.
Giá trị nổi bật ta có được từ mô hình thanh toán mới này là kiến thức và bối cảnh mới, chứ không đơn giản chỉ là khiến việc thanh toán được thuận lợi hơn. Hãy nghĩ về điều đó như thế này: Việc bạn có thể gọi một cuộc điện thoại từ đầu này đến đầu kia của thế giới được thiết lập nên là dựa trên các thỏa thuận chia sẻ doanh thu giữa các nhà cung cấp trên toàn thế giới, công nghệ truyền dẫn và các chuẩn mực về kỹ thuật, hệ thống sản xuất liên quan đến điện thoại di động, con chip xử lý tín hiệu số và các tháp phát sóng di động, công nghệ chuyển tín hiệu, vân vân. Tuy nhiên, việc gọi điện thoại ngày nay không có gì là phức tạp, chúng ta chỉ cần nhấn nút, thế là điều kỳ diệu xảy ra. Công nghệ, quy trình và hệ thống đều hầu như vô hình; cuộc gọi được thực hiện và chúng ta trả chi phí.
Tính phức tạp của quá trình thanh toán ngày càng giống với hình ảnh ẩn dụ núi băng trôi mà chúng ta thường dùng: những trải nghiệm hấp dẫn, thân thiện với khách hàng là phần nổi, tất cả những thứ phức tạp là phần chìm của núi băng. Những tiến bộ chúng ta đạt được trong công nghệ, dù là ở ngành vô tuyến (RFID, NFC, BLE,...), di động, sinh trắc học hoặc những giải pháp tiên tiến khác, đã được vận dụng để mang lại trải nghiệm cho người dùng, xóa bỏ những trở ngại đã tồn tại trong hệ thống suốt 60 năm qua. Những trở ngại này không phải là giá trị; đó chỉ là những công đoạn phức tạp phát sinh từ một hệ thống đang hoàn thiện. Những công ty hiện hành coi trọng những trở ngại này, vì nó bảo vệ họ khỏi các đối thủ cạnh tranh; và xét trên mọi phương diện thì quá trình thanh toán trong quá khứ không phải là một quá trình phức tạp, chúng ta chỉ làm nó phức tạp lên trong vài năm trở lại đây.
Điều này phải được thay đổi, hơn nữa phải được thay đổi trong thời gian ngắn sắp tới, và đó chính là chủ đề của các cuộc phỏng vấn sau đây.
MẠNG INTERNET ĐANG THAY ĐỔI CUỘC CHƠI
Khi nhắc đến thanh toán, có những ý kiến nghi ngờ khá hợp lý về việc séc sẽ bị xóa sổ tại Hoa Kỳ, hay điện thoại di động và thuật toán đám mây liệu có dẫn đến những công nghệ mới đột phá trong lĩnh vực thanh toán không. Trên thực tế, một ấn phẩm tại châu Âu, Future Bank, đã phỏng vấn tôi gần đây, và họ có nhắc đến Frank Abagnale, người có những khám phá lớn đã được vào bộ phim Catch Me If You Can (Hãy bắt tôi nếu có thể), ông đã tuyên bố: “Chừng nào mà chúng ta còn dùng giấy vệ sinh, thì chúng ta còn dùng séc”. Tôi rất tiếc, Frank; tôi phải nói rằng tôi không đồng tình với tuyên bố này. Mặc dù hai phần ba số séc được viết ra trên thế giới ngày nay được phát hành tại Hoa Kỳ, nhưng việc séc đang tuột dốc nhanh chóng là điều rất rõ ràng.
Vào năm 2000, có 17 tỉ tấm séc được viết ra hằng năm tại Hoa Kỳ; con số này ngày nay giảm xuống còn khoảng 5 tỉ một năm(7), và đến năm 2018, khi con số này tụt giảm thêm khoảng một nửa, thì tại Hoa Kỳ, số lượng séc được sử dụng cho nhu cầu thanh toán cá nhân sẽ giảm tới 95%. Tôi không nghĩ rằng có bất cứ ai có thể tranh cãi rằng đây không phải là bước chuyển biến lớn. Không có bất cứ một nền kinh tế nào trên thế giới hiện nay lại gia tăng sử dụng séc cả.
7 Theo FDIC – Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang, một cơ quan độc lập của chính quyền liên bang Hoa Kỳ có nhiệm vụ bảo hiểm tiền gửi tại các ngân hàng thương mại và các quỹ tiết kiệm.
Câu hỏi đặt ra là: “Hình thức nào sẽ nổi lên thay thế cho hệ thống thanh toán mà chúng ta đang sử dụng?”. Dùng tiền mặt, séc và hệ thống ngân hàng truyền thống, liệu điều gì có thể xuất hiện và làm thay đổi cục diện? Liệu những phát kiến mới chúng ta thấy hôm nay có thể xóa sổ hoàn toàn tiền mặt và séc, từ đó tạo ra một môi trường thanh toán hoàn toàn khác?
Tôi nghĩ rằng tôi sẽ hỏi những nhà kiến tạo tiên phong nhất trong lĩnh vực thanh toán để nghe nhận xét của họ – Ben Milne, nhà sáng lập của Dwolla. Dwolla đã huy động được 16,5 tỉ USD trong vòng đầu tư thứ 3(8) vào tháng 04 năm 2013(9) và mở rộng hoạt động của mình đến San Francisco. Vào tháng 10 năm 2013, Dwolla tung ra dịch vụ tín dụng của mình cho người tiêu dùng, hợp tác với ADS (Alliance Data Systems – Hệ thống dữ liệu đồng minh). Sản phẩm đầu cuối là sản phẩm tín dụng không dùng thẻ, với nhãn riêng, có thể được sử dụng trong thời gian thực bởi người tiêu dùng khi họ dùng dịch vụ của Dwolla để thanh toán tại một trong những điểm bán tham gia – tại thời điểm sản phẩm này được tung ra thì chỉ có 40 điểm bán như thế(10). Dwolla ngày nay đã có tới 25.000 điểm bán chấp nhận, các tổ chức phi lợi nhuận và các cơ quan chính phủ cũng sử dụng dịch vụ của họ(11), họ có hơn 800 ngân hàng và liên minh tín dụng trong hệ thống nhờ vào việc hợp tác gần đây với mFoundry, và họ có hơn 200.000 người dùng vào năm 2012(12). Dwolla tính phí chỉ 25 cent cho một giao dịch và hoàn toàn miễn phí cho các giao dịch giá trị dưới 10 USD.
8 Vòng đầu tư thứ 3 (Series C): Thông thường, khi các doanh nghiệp khởi nghiệp kêu gọi nhà đầu tư rót vốn cho doanh nghiệp của mình, quá trình gọi vốn diễn ra qua nhiều vòng khác nhau. Các vòng này bao gồm: vòng đầu tư hạt giống (giai đoạn phát triển ý tưởng), vòng đầu tư thứ nhất (Series A – đã có doanh thu và có nhu cầu mở rộng quy mô doanh nghiệp), sau đó là các vòng đầu tư thứ 2 (Series B), thứ 3 (Series C), v.v... (ND)
9 Rebecca Grant, “Dwolla đã huy động được 16.5 triệu USD từ Andreessen Horowitz để thực hiện cuộc cách mạng trong ngành ngân hàng”, VentureBeat, ngày 30/04/2013, http://venturebeat.com/2013/04/30/dwolla-raises-16-5m-from-andreessen-ho... to-revolutionize-banking/.
10 Sarah Perez, “Mạng lưới thanh toán Dwolla vượt ra ngoài thanh toán tiền mặt với việc tung ra ‘Dwolla Credit’ cộng tác cùng với ADS”, TechCrunch, 22/10/2013.
11 TechCrunch.com.
12 Andrew Flynn, “COO của Dwolla, Charise Flynn/ Phỏng vấn nhân vật đột phá”, TechFaster, 13/02/2013, www.techfaster.com/dwolla-coo-charise-flynn-entrepreneur- interviews/.
Brett: Ben, hãy cho chúng tôi biết Dwolla đã ra đời như thế nào và hiện tại doanh nghiệp đang tăng trưởng ra sao? Với chủ đề đột phá trong thanh toán, hãy cùng khám phá những gì đang diễn ra trong lĩnh vực thanh toán. Những điểm khó khăn là gì? Và đâu là bước tiến lớn nhất chúng ta đã đạt được?
Để bắt đầu, với những người chưa quen thuộc với doanh nghiệp của anh, anh có thể giải thích Dwolla là gì và nó đã ra đời như thế nào không?
Ben: Dwolla là một mạng lưới thanh toán, về cơ bản, nó cho phép bất cứ ai hoặc bất cứ thứ gì có kết nối Internet có thể gửi tiền đến cho bất cứ ai hoặc bất cứ thứ gì cũng có kết nối Internet, trong đó bất cứ ai nhận thanh toán có thể nhận tiền mà không phải trả chi phí quy đổi. Để thực hiện quá trình nghe qua có vẻ đơn giản này, chúng tôi đã tự xây dựng mạng lưới thanh toán riêng của mình, cho phép bất cứ thiết bị nào kết nối với mạng Internet có thể trao đổi tiền, cho bất cứ mục đích gì.
Dwolla được hình thành từ công ty cũ của tôi. Tôi đã từng có một công ty sản xuất thương mại điện tử, và tất cả các đơn hàng mà chúng tôi nhận được đều là thông qua trang web. Khi tôi bán công ty này, nó đang thu được khoảng 1,5 triệu USD mỗi năm. Khoản tiền này tương đương với khoảng 55.000 USD một năm chi cho phí thanh toán qua thẻ tín dụng. Bạn có thể thấy là tôi bắt đầu bị ám ảnh một chút bởi chi phí thẻ tín dụng. Tôi bắt đầu tìm kiếm một hệ thống cho phép tôi nhận được thanh toán thông qua website của mình mà không phải trả phí quy đổi, và khi tôi không thể tìm ra một hệ thống như thế, tôi đã quyết định sẽ tự mình xây dựng nó.
Brett: Dwolla được xếp vào đủ mọi loại hình thanh toán, từ sự lựa chọn thay thế cho mạng ACH (hệ thống thanh toán séc tại Hoa Kỳ), hệ thống chuyển khoản liên ngân hàng, cho đến hệ thống thanh toán đột phá tại các điểm bán, sẽ thay thế cho Visa, MasterCard, Discover và AmEx.
Khi anh vừa bắt đầu gầy dựng Dwolla, liệu anh có một mục tiêu cụ thể cho lĩnh vực mà anh dự định sẽ thay đổi? Hay nó chỉ chủ yếu để giải quyết việc một “người A” có thể chuyển tiền cho “người B” hay “công ty B” một cách dễ dàng hơn?
Ben: Một câu hỏi rất hay. Khi chúng tôi bắt đầu, thật sự chúng tôi cũng không suy nghĩ sâu xa đến như thế. Có những nền tảng rất đơn giản từ đó chúng tôi khởi đầu, và những điều đơn giản ấy là “Nhờ vào mạng Internet đã có sẵn, bạn phải có khả năng sử dụng tiền của mình và trao đổi nó với bất cứ ai khác”. Bên cạnh đó, vì tất cả tiền ở đây về cơ bản đều được theo dõi như một loại dữ liệu, việc chuyển tiền lẽ ra không thể tốn kém đến thế. Cuối cùng, chúng tôi đã nhận ra rằng để làm được điều đó, chúng tôi cần phải tạo ra một giải pháp trọn vẹn. Khi công ty chúng tôi bắt đầu tìm hiểu quy mô của ngành này, chúng tôi nhận ra nhiều hạn chế trong hệ thống ACH và những hệ thống tương tự.
Triết lý ban đầu của chúng tôi là: “Chúng tôi chỉ muốn giải quyết vấn đề đơn giản này thôi”, và tôi không nghĩ rằng ngay từ đầu tôi hiểu được vấn đề này có thể sâu rộng đến nhường nào. Để giải quyết nó, chúng tôi đã phải tìm ra một giải pháp trọn vẹn từ đầu đến cuối, có thể cho phép chúng tôi trao đổi không chỉ với các tổ chức tài chính, mà còn trao đổi trực tiếp với người tiêu dùng và các nhà phát triển cũng như các điểm bán. Và chúng tôi đã đối mặt với một giải pháp trọn vẹn, tác động đến tất cả mọi thứ, đến tận cốt lõi của các tổ chức tín dụng, nhưng đồng thời lại vẫn tương tác với người tiêu dùng cuối.
Chúng tôi chỉ là một nhóm người cùng tin rằng quá trình thanh toán cần phải được cải thiện.
– Ben Milne, Dwolla
Cuối cùng, tôi cũng không chắc giải pháp này có thể mở rộng đến đâu, nhưng chúng tôi tin rằng mạng Internet phải là một môi trường mở, và ở đâu có Internet, ở đó có chúng tôi.
Brett: Hãy kể cho tôi về đội ngũ của anh. Dwolla được hình thành từ những con người như thế nào?
Ben: Hiện nay chúng tôi có khoảng 40 nhân viên trải rộng khắp tại Des Moines, Kansas City, Omaha và New York, và chúng tôi đang trên đà mở rộng. Chúng tôi chỉ là một nhóm người cùng tin rằng quá trình thanh toán cần phải được cải thiện, và chúng tôi đã thật sự may mắn khi rất nhiều người đã từng dạy chúng tôi về cơ sở hạ tầng của quá trình thanh toán lại là những người có kết nối chặt với cộng đồng các dịch vụ tài chính tại Des Moines, Iowa và tại Omaha, và nói thật lòng, đó chính là cần câu cơm của họ. Đó là nơi chốn của các dịch vụ tài chính dành cho giới văn phòng.
Brett: Tôi đã gặp một vài nhân viên Dwolla, đặc biệt là trong các buổi gặp gỡ tại New York và những thành phố khác, và tôi có thể miêu tả về tất cả những thành viên trong đội ngũ của anh mà tôi đã từng gặp đều là những người vô cùng đam mê những gì anh đang làm, một dấu hiệu tuyệt vời đối với một doanh nghiệp khởi nghiệp. Làm thế nào anh có thể tạo dựng niềm đam mê này trong đội ngũ, và làm thế nào anh xác định được một người có phù hợp hay không với văn hóa doanh nghiệp của anh?
Ben: Những người nhiệt tình và thật sự muốn làm việc sẽ nổi bật. Tôi luôn muốn nghĩ rằng chúng tôi có một văn hóa doanh nghiệp trong đó chúng tôi lớn mạnh là nhờ những con người luôn muốn “bán sản phẩm” và nhờ đảm bảo rằng tất cả mọi người đều hiểu được vấn đề lớn nhất là gì và nhiệm vụ của chúng tôi là giải quyết vấn đề đó, và chúng tôi định nghĩa thành công của mình dựa trên số lượng các thị trường mà chúng tôi có thể phục vụ. Tôi không nghĩ rằng có bất cứ ai trong công ty không nắm rõ thị trường có quy mô lớn như thế nào, tiềm năng lớn như thế nào, hay sẽ khó khăn như thế nào. Bằng cách nêu ra rõ ràng tất cả những điều đó từ đầu, tất cả mọi người sẽ tập trung cao độ và làm việc vô cùng chăm chỉ. Và khi gặt hái thành công, tất cả mọi người đều ăn mừng.
Brett: Lúc nãy chúng ta có nhắc đến 40 tỉ USD tiền phí hoán đổi trong hệ thống thẻ thanh toán tại Mỹ nói chung, nhưng, dĩ nhiên quy mô của nền kinh tế trao đổi ngang hàng còn lớn hơn thế nhiều. Mục tiêu của anh đối với lưu lượng tiền anh muốn đưa vào thanh toán thông qua Dwolla là bao nhiêu?
Ben: Cách chúng tôi nhìn nhận thị trường một cách toàn diện là xét trên toàn bộ các loại thể, toàn bộ các hệ sinh thái của bên thứ ba như PayPal, cũng như hệ thống séc và chuyển khoản bằng điện tín. Toàn bộ thị trường có quy mô hàng trăm ngàn tỉ USD. Đó là một thị trường lớn một cách kinh khủng, mà mới chỉ tính riêng tại Hoa Kỳ thôi. Chúng ta không chỉ tính đến các hoạt động phát triển kinh doanh khác nhau giữa các cá nhân với cá nhân, doanh nghiệp với người tiêu dùng và doanh nghiệp với doanh nghiệp, mà còn có cả người tiêu dùng với chính phủ, chính phủ với người tiêu dùng, vân vân. Tất cả những hoạt động trên đều sử dụng nền tảng của hệ thống xương sống đang phục vụ nền kinh tế của chúng ta, trong đó bao gồm ACH và hệ thống Fedwire. Chúng ta có thể lấy đó làm minh chứng cho quy mô của thị trường cũng như tiềm năng của nó. Và điều đó cũng buộc chúng ta phải vô cùng cởi mở đối với những ý tưởng mới trong việc vận dụng hệ thống này.
Phần mềm mà chúng tôi dùng để phục vụ chính phủ cũng y hệt như phần mềm mà một người nào đó sử dụng để mua một cốc cà phê. Công nghệ này cởi mở và linh hoạt đến như thế đó. Chúng tôi không thật sự biết làm cách nào để xác định chính xác quy mô thị trường toàn cầu vào lúc này, nhưng chúng tôi cảm thấy tiềm năng tại Hoa Kỳ là quá lớn, không thể bỏ qua. Chúng tôi càng tăng trưởng, chúng tôi lại càng giữ được nhiều tiền trong túi của mọi người và tiền trong lưu thông.
Brett: Hiện nay người tiêu dùng làm thế nào để sử dụng Dwolla? Và cách sử dụng sẽ được cải tiến ra sao trong tương lai?
Ben: Chúng ta thường gặp những trường hợp điển hình, tức một người làm những việc như mua cà phê, hoặc mua những thứ họ muốn hoặc cần, có thể là mua một chầu bia ở quán bar hoặc tương tự như thế; nhưng mảng dịch vụ đang phát triển nhất đối với chúng tôi là một người dùng nhận được tiền từ một sản phẩm hoặc dịch vụ mà họ bán. Đặc biệt, các freelancer(13) là những khách hàng lớn của chúng tôi; khi một người cần thanh toán, giả sử là thanh toán cho hàng mấy ngàn người khác ở khắp nơi trên cả nước với một số tiền lớn trong thời gian thật nhanh, chắc chắn họ không hề muốn gửi một tấm séc. Hiện nay, chúng tôi theo dõi và nhận thấy người dùng sử dụng dịch vụ nhiều nhất là vào lúc họ thực sự nhận được một số tiền lớn, rồi họ tìm ra các ngách sử dụng khác và dùng các ngách này. Đôi khi họ đưa trực tiếp số tiền này vào tài khoản ngân hàng, và đôi khi họ chuyển đổi nó.
13 Freelancer: những người làm việc tự do, không chịu sự quản lý hay phụ thuộc vào một đơn vị tổ chức hay một công ty nào và nhận tiền công theo những công việc họ làm cho khách hàng. (ND)
Thật đáng kinh ngạc khi bạn bắt đầu nhìn vào các trường hợp như một nhóm các freelancer được thanh toán vài trăm ngàn USD trong một ngày, hay những người đang chiến đấu lẫn nhau trong một giải đấu game trực tuyến mà người thắng cuộc có thể nhận vài trăm USD. Hành vi mua sắm của một người 18 tuổi với một nhà thiết kế đồ họa 35 tuổi sau khi họ nhận được tiền là rất khác nhau; và nhiệm vụ của chúng tôi hiển nhiên là giúp họ tìm ra những cách thức tiêu tiền trong mạng lưới (của Dwolla).
Brett: Nghe thật tuyệt! Vậy hãy cho tôi biết những điều thú vị gì sắp đến với Dwolla trong 12 tháng tới?
Ben: Chúng tôi phải đảm bảo rằng mình luôn tập trung và khiêm tốn.
Chúng tôi nhận ra một thứ nào đó đang làm việc tốt; và khi bạn đang hoạt động trong một thị trường lớn như thế này, điều quan trọng là khi bạn tìm ra một thứ nào đó hoạt động tốt, bạn phải giữ mình không bị chi phối bởi những thứ hào nhoáng mới xuất hiện. Đó là những gì chúng tôi đang tập trung ngay lúc này, nhằm đảm bảo rằng chúng tôi phục vụ người tiêu dùng trong toàn bộ chu trình phát triển của chúng tôi, vận hành những dự án này một cách suôn sẻ, và tiếp tục phát triển công ty với sản phẩm của chúng tôi hiện nay; chúng tôi cần phải thật sự tập trung.
LIỆU CHÚNG TA CÓ CẦN CÁC TIÊU CHUẨN CHUNG HAY CÁC NGÂN HÀNG TRONG HỆ THỐNG THANH TOÁN KHÔNG?
Năm ngoái Hoa Kỳ đóng góp gần 20% tổng GDP toàn thế giới dù vừa thoát khỏi đợt suy giảm kinh tế lớn nhất của họ, kể từ thời kỳ Đại Khủng hoảng vào những năm 1930(14). Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Đức, Nga và Cộng đồng các Quốc gia Độc lập(15), và Trung Quốc thống trị hoàn toàn thị trường thanh toán hiện nay, nhưng khối lượng thanh toán phi ngân hàng tại Hoa Kỳ dẫn đầu với hơn 50% tổng khối lượng toàn cầu. Đối với thanh toán và giao dịch điện tử toàn cầu, thực tế cũng hoàn toàn tương đồng với khu vực Bắc Mỹ (gồm Canada và Hoa Kỳ) – chiếm đến gần một nửa khối lượng thanh toán toàn cầu trong vài năm trở lại đây(16). Cũng hợp lý nếu nghĩ rằng nguyên nhân của điều này, ít ra là một phần nguyên nhân, là do cơ sở hạ tầng thanh toán và ngân hàng hoàn thiện.
14 Theo tờ The Economist.
15 Cộng đồng các Quốc gia Độc lập là các quốc gia thành viên cũ của Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết, đã lần lượt tách ra để trở thành các nước độc lập sau khi toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa châu Âu sụp đổ vào năm 1990, hiện gồm 9 thành viên toàn phần. (ND)
16 Xem Báo cáo của IPFA tháng 11/2011.
Năm ngoái, báo cáo của Celent đã cho thấy 2/3 số lượng séc được viết trên toàn cầu vẫn là ở Hoa Kỳ. Vào thời kỳ mà toàn thế giới đang tăng tốc hướng về một hình thức thanh toán nhanh chóng hơn, Hoa Kỳ lại củng cố Check21(17) và tìm cách vực dậy một hệ thống đã từng thịnh hành vào những năm 1950. Khi được đưa ra bỏ phiếu gần đây, Ủy ban Ngân hàng Hoa Kỳ đã phủ quyết dự luật Xử lý và thanh toán nhanh (Ex pedited Processing and Settlement – EPS) tại NACHA(18), dự luật này nếu được thông qua sẽ có thể cho ACH cơ hội thực hiện thanh toán trong thời gian thực tại Hoa Kỳ. Vào quý 1 năm 2012, chỉ có hai nước chưa áp dụng chuẩn EMV(19) cho thẻ tín dụng là Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên. Vào Quý 4 năm 2012, Bắc Triều Tiên áp dụng chuẩn EMV, như vậy Hoa Kỳ trở thành quốc gia cuối cùng trên thế giới, với những tranh cãi xung quanh việc áp dụng EMV dự định vào tháng 10 năm 2015 vẫn còn bị kéo dài giữa các đơn vị bán hàng, nhà phát hành thẻ và cách mạng lưới thẻ. Những điều này không hề giống với một hệ thống cơ sở hạ tầng cấp tiến trong lĩnh vực thanh toán.
17 Check 21 (Check Clearing for the 21st Century Act): một đạo luật Liên bang Hoa Kỳ, có hiệu lực từ năm 2008, cho phép các ngân hàng xử lý séc trực tuyến thay vì phải dựa vào séc giấy. (ND)
18 NACHA là Hiệp hội Quốc gia ACH tại Hoa Kỳ, kiểm soát hệ thống và tiêu chuẩn ACH. ACH (Automated Clearing House) là hệ thống giải ngân và thanh toán được sử dụng trong các ngân hàng và tổ chức tài chính ở Hoa Kỳ.
19 EMV là tổ chức tiêu chuẩn sử dụng cho Europay, MasterCard và Visa trong các thanh toán liên hệ thống thẻ.
Luận điểm phổ biến nhất để bảo vệ cho việc Hoa Kỳ không ủng hộ tiêu chuẩn EMV, ngoài việc các điểm bán, ngân hàng, đơn vị phát hành thẻ và mạng lưới thẻ không thể đồng thuận với nhau về các điều khoản áp dụng, là việc Hoa Kỳ dự định nhảy cóc qua giai đoạn EMV và tiến thẳng lên thanh toán di động. Động thái logic nhất đối với cách tiếp cận này vẫn là việc áp dụng chuẩn EMV có sửa đổi để triển khai các yếu tố bảo mật, chí ít cũng là những biện pháp cục bộ để trang bị lại cho hệ thống Visa và MasterCard để tương thích với điện thoại di động. Nhưng NFC(20), công nghệ truyền dẫn hiện đang được Visa và MasterCard sử dụng trong thanh toán không cần tiếp xúc(21) và thông qua di động, đã gặp nhiều trở ngại tại Hoa Kỳ hơn đa số các thị trường khác.
20 NFC – Near Field Communications: công nghệ kết nối không dây trong phạm vi tầm ngắn trong khoảng cách 4 cm.
21 Giao dịch không cần tiếp xúc: giao dịch thanh toán qua thẻ mà không cần phải trực tiếp quẹt thẻ, mà sử dụng hoàn toàn trên nền tảng di động. (ND)
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thanh toán thời gian gần đây đã xem NFC là một thất bại chung, và công nghệ này bị đặt cho biệt danh là “Không dành cho người tiêu dùng”. Dù được Google hậu thuẫn cho công nghệ này với Google Wallet, và được ứng dụng rộng rãi thiết bị di động của nhiều nhà sản xuất, việc sử dụng NFC tại các máy POS ở Hoa Kỳ diễn ra cực kỳ chậm chạp, với nhiều nhà bán lẻ trì hoãn việc đổi mới máy POS của họ trong khi tranh cãi về tác động của Durbin(22) và phí chuyển đổi. Dù thiếu sự ủng hộ tại Hoa Kỳ, các giao dịch không cần tiếp xúc tại châu Âu, Úc, Trung Quốc và ASEAN đang tăng với tốc độ đáng kể.
22 Durbin Amendment: Phụ lục Durbin (trong Điều luật Dodd-Frank Tái cấu trúc Wall Street và Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010) đã giảm thu nhập từ phí chuyển đổi của các ngân hàng từ các giao dịch quẹt thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ tại các điểm bán trên nước Mỹ.
Các quốc gia như Pháp, Anh, Úc và Ba Lan là các nước có khối lượng giao dịch không tiếp xúc trong khoảng từ 25-80%. Hoa Kỳ, với khối lượng giao dịch không tiếp xúc chỉ chiếm 0,9% tổng khối lượng giao dịch bằng thẻ hiện nay, xem ra thật lép vé. NFC hiện đang được thử nghiệp tại 70 quốc gia trên thế giới, vì thế bất chấp những phê bình từ cộng đồng các chuyên gia thanh toán, dường như đó là xu hướng chắc chắn nhất giúp hệ thống POS hiện hữu có thể tiếp tục tồn tại cùng với sự chuyển đổi thanh toán sang nền tảng di động ngay tại điểm bán. Nếu lý luận của các ngân hàng là họ không áp dụng chuẩn EMV vì công nghệ di động sẽ nhảy cóc qua giai đoạn dùng “CHIP và PIN”(23), thì bạn có quyền kỳ vọng ngành ngân hàng sẽ chủ động chuẩn hóa quá trình thanh toán qua di động.
23 CHIP và PIN là từ dùng để chỉ các hình thức giao dịch EMV thông dụng được thực hiện tại các điểm POS.
Nếu nhìn dưới góc độ của người ngoại đạo, Hoa Kỳ đang nhanh chóng hoàn thành một hệ thống thanh toán khép kín với rất nhiều hoạt động trong nội bộ hệ thống, nhưng cái giá phải trả là tính tương thích với toàn bộ các quốc gia còn lại trên thế giới. Hoa Kỳ đã trở thành một ốc đảo trong thanh toán, và đối với tiêu chuẩn thanh toán séc và thẻ, Hoa Kỳ đang dùng một hệ thống tụt hậu đến cả thập kỷ so với phần còn lại của thế giới.
KHI PHÁT KIẾN VÀ THỊ TRƯỜNG TỰ DO LÀ KHÔNG ĐỦ
Tại Hoa Kỳ, có hơn 6.000 ngân hàng và ngân hàng cộng đồng, và hơn 7.000 liên minh tín dụng, khiến đất nước này trở thành thị trường phức tạp và đa dạng nhất trong ngành ngân hàng toàn cầu, xét về số lượng. Gần đây, Brad Leimer, người đứng đầu bộ phận Chiến lược trên các kênh trực tuyến tại Mechanics Bank, đã chỉ cho tôi thấy rằng có hơn 500 doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành thanh toán di động(24) chỉ riêng tại Hoa Kỳ. Đây là nền kinh tế tự do ở mức độ trọn vẹn nhất, một điều mà trong quá khứ đã từng thúc đẩy rất nhiều phát minh đáng kinh ngạc.
24 AngelList.com.
PayPal hiển nhiên là một trong những điển hình thành công nhất trong ngành thanh toán toàn cầu hiện nay, với tổng khối lượng thanh toán lên đến 43 tỉ USD chỉ trong quý 3 năm 2013(25), tăng trưởng 25% mỗi năm, nhưng PayPal vẫn chưa thâm nhập được vào thị trường thanh toán tại điểm bán xét trên phương diện thu hút người dùng. Một cách tình cờ, PayPal kỳ vọng đạt được ít nhất 20 tỉ USD thanh toán di động trong năm nay, nên trong khi các hình thức thanh toán nhanh hơn có thể thất bại về ACH tại Hoa Kỳ, PayPal vẫn dẫn dắt thị trường với cơ sở hạ tầng được nâng đỡ bởi nhu cầu của người dùng về khả năng phản ứng trong thời gian thực và hình thức thanh toán trên di động.
25 PayPal Media: www.paypal-media.com/about.
Google Wallet và ISIS(26) đã đầu tư gần 1 tỉ USD vào công nghệ ví tiền ảo của họ trong vài năm trở lại đây, nhưng việc thiếu hệ thống thiết bị đầu cuối POS tương thích đã làm chậm nghiêm trọng bước tiến của họ.
26 ISIS Mobile Wallet: ví di động ISIS, sau này đã được đổi tên thành Softcard, là dự án hợp tác giữa 3 mạng di động lớn nhất tại Hoa Kỳ: AT&T, T-Mobile và Verizon để hình thành một nền tảng thanh toán di động. Vào tháng 02/2015, Google đã mua lại quyền sở hữu trí tuệ của Softcard và sát nhập nền tảng này vào dịch vụ Google Wallet. (ND)
Clinkle, công ty mới nhất, lính mới trong cuộc chiến thanh toán, đã huy động được 25 triệu USD trong vài tháng vừa qua(27), và trở thành một đối thủ cạnh tranh trước Square, Dwolla, Venmo và nhiều hãng khác. Square đã hoạt động vô cùng thành công trong việc thu hút các điểm bán, nhưng vẫn còn dựa vào công nghệ quẹt thẻ cũ.
27 Billy Gallagher, “Clinkle huy động 25 triệu USD trong vòng huy động vốn toàn người nổi tiếng, để chuẩn bị loại trừ ví tiền thực tế”, TechCrunch, 27/06/2013, http:// techcrunch.com/2013/06/27/clinkleraises-celebrity-filled-25m-round-as-it-gears-up- to-eliminate-the-physical-wallet/.
Sau đó, chúng ta còn có công nghệ Merchant Customer Exchange (công nghệ trao đổi giữa điểm bán và người dùng) tại Hoa Kỳ, một công nghệ thanh toán trên di động tại cửa hàng, được thiết kế với mục đích đi đường vòng để né tránh những mạng lưới thanh toán thẻ truyền thống như Visa hay MasterCard để giúp các điểm bán giữ lại chi phí chuyển đổi.
Và chúng ta còn chưa kể đến những nỗ lực như thanh toán P2P, hoặc công nghệ thanh toán nhờ QR code(28) như LevelUp, Lemon và các hình thức khác cho phép bạn thanh toán bằng điện thoại di động theo những cách mới.
28 QR code: viết tắt của Quick Response code (tạm dịch “Mã phản hồi nhanh”) hay còn gọi là mã vạch ma trận, là dạng mã vạch hai chiều (2D) có thể được đọc bởi một máy đọc mã vạch hay điện thoại thông minh có chức năng chụp ảnh với ứng dụng chuyên biệt để quét mã vạch. (ND)
Ngoài Square và PayPal, tất cả những phát kiến mới kể trên đều được đo ni đóng giày cho thị trường Hoa Kỳ, và dù điều này rất có lợi cho cư dân Hoa Kỳ, nhưng điều này có nghĩa là phần lớn các ứng dụng này không thể hoạt động bên ngoài nước Mỹ, và vì thế hạn chế khả năng chuyển tiền xuyên biên giới hay mua hàng từ các đối tác nước ngoài.
Hàng năm, có gần 70 triệu khách du lịch đến Hoa Kỳ, và trong năm vừa qua có gần 62 triệu khách du lịch Hoa Kỳ ra nước ngoài. Không có bất cứ phát minh mới nào trong ngành thanh toán tại Hoa Kỳ hiện nay có thể đáp ứng nhu cầu của những người tiêu dùng này, và cũng không có khả năng ấy trong tương lai gần. Một số người có thể lý luận rằng 130 triệu người tiêu dùng này chắc chắn không thể hiện đủ và rõ ràng nhu cầu của mình, nếu không thì tất cả các nhà bán lẻ, điểm bán và đơn vị phát hành thẻ đã nhảy vào giải quyết vấn đề ngay rồi.
Trong khi thị trường tự do có thể sản sinh ra nhiều phát kiến đáng kể, việc áp dụng các tiêu chuẩn cho phép cắt giảm chi phí vận chuyển, tăng tính tương thích với thế giới, giảm thiểu trở ngại trong quá trình thanh toán và tăng tỷ lệ tiếp cận người dùng không thể được coi như một ví dụ đi ngược lại tiến trình phát triển. Đó chính là bối cảnh cho cuộc trò chuyện của tôi với Dave Birch đến từ Consult Hyperion, và Dan Schatt, người tại thời điểm của cuộc phỏng vấn đang lãnh đạo bộ phận Phát kiến Tài chính tại PayPal.
Brett: Dave, anh đã tham gia vào nhiều dự án mới thú vị trong lĩnh vực thanh toán khắp nơi trên thế giới. Đội ngũ của anh gồm những người đang sở hữu những kỹ năng cao cấp nhất trên thế giới về lĩnh vực thanh toán điện tử. Anh có thể cho chúng tôi biết thêm một chút về công nghệ đột phá trong lĩnh vực thanh toán điện tử từ người dùng đến người dùng tại M-Pesa, Kenya không? Anh hãy cho chúng tôi biết dự án này khởi đầu như thế nào và hiện đang ở giai đoạn nào?
Dave: Chúng tôi đã thực hiện một số nghiên cứu về tính khả thi (đối với M-Pesa) trước đây. Tất cả khởi đầu bằng việc một vài bộ óc lỗi lạc tại Vodaphone, Nick Hughes và Susie Lonie, đã có ý tưởng dùng điện thoại di động để chuyển tiền. Suy nghĩ của họ là: “Chúng ta ở một đất nước nơi mà mức độ tăng trưởng sử dụng điện thoại (điện thoại di động thông thường) rất cao, trong khi tỷ lệ tăng trưởng sử dụng dịch vụ ngân hàng lại thấp, và không có các sản phẩm ngân hàng cho các khách hàng bình dân; hãy xem chúng ta có thể làm gì với điện thoại di động!”.
Suy nghĩ này đã dẫn từ nghiên cứu ứng dụng và thử nghiệm thành công đến một hệ thống khổng lồ mà anh thấy ngày nay, đó là một điều thật sự tuyệt diệu. Cách thức vận hành của hệ thống này như sau: Khi anh có một chiếc điện thoại cài đặt M-Pesa, về cơ bản anh sẽ có thêm một menu trong điện thoại, với tên gọi “Chuyển tiền”. Nếu tôi muốn chuyển tiền cho anh, tôi sẽ chọn chức năng này trên điện thoại của tôi, và chọn vào “Brett”; tôi gõ số tiền tôi muốn chuyển vào; tôi nhập một mã PIN; tôi nhấn “OK”; và anh sẽ nhận được một tin nhắn qua điện thoại. Có vẻ như tôi vừa nhắn tin một số tiền đến cho anh, nhưng đó không phải là điều đã xảy ra ở hậu trường. Tin nhắn đã đi qua một máy chủ hệ thống, ở đó tiền sẽ được chuyển từ chỗ này sang chỗ khác trong hệ thống tài khoản trung tâm của M-Pesa, sau đó, hệ thống gửi một tin nhắn đến cho anh. Nhưng, đối với người dùng thì có vẻ như tiền đã đi từ điện thoại này sang điện thoại khác bằng tin nhắn vậy.
Đây là một thành công to lớn, và tôi đoán rằng điều thú vị đối với anh chính là (đây cũng chính là điều mà Ben đã nhắc đến trước đây) nếu anh có một cách đơn giản, thuận tiện, ít tốn kém để chuyển tiền ngay lập tức từ người này qua người khác, thì chắc chắn có một mô hình kinh doanh mới đang đứng đằng sau nó và đã tạo ra những phát kiến mới đáng kinh ngạc. Ngân hàng là một ví dụ kinh điển cho điều này, vì tôi chắc rằng anh vẫn còn nhớ những ngày đầu tiên của M-Pesa, các ngân hàng không hài lòng lắm với nó. Làm thế nào mà một công ty điện thoại(29) lại có thể vận hành hệ thống thanh toán? Họ chống lại nó một cách công khai. Các ngân hàng này đã kiến nghị lên các cơ quan quản lý, vì hệ thống thanh toán này thật sự đã hoạt động thành công! Nó (M-Pesa) đã trở thành kênh phân phối tuyệt vời cho các sản phẩm ngân hàng, những sản phẩm mà nếu không có nó thì đã không thể xuất hiện. Bây giờ thì các ngân hàng đã đưa ra thị trường những sản phẩm dựa trên nền tảng M-Pesa, như sản phẩm tiết kiệm hay bảo hiểm vi mô. Và bây giờ họ thật sự có một thị phần khách hàng hoàn toàn mới. Bài học có thể rút ra được ở đây: thanh toán không hiển nhiên là công việc của ngân hàng (và tôi đồng tình với Ben của Dwolla về vấn đề này), và hoàn toàn có khả năng là trong một vài trường hợp, nếu những người khác có thể vận hành một hệ thống thanh toán rẻ tiền hơn, hiệu quả hơn các ngân hàng, điều này cũng chưa hẳn đã là xấu đối với ngân hàng. Ngược lại, đó có thể rất tốt đối với họ nữa.
29 Telco – viết tắt của “Telecommunications company”, tức “công ty công nghệ viễn thông”.
(M-Pesa) đã trở thành kênh phân phối tuyệt vời cho các sản phẩm ngân hàng, mà nếu không có nó thì đã không thể xuất hiện... bây giờ họ thật sự có một thị phần khách hàng hoàn toàn mới.
– Dave Birch
Brett: Những thông tin rất thú vị về M-Pesa. Trước khi M-Pesa xuất hiện, Kenya là một nền kinh tế hầu như không dựa vào ngân hàng. 80% dân số không hề có tài khoản ngân hàng cơ bản. Ngày nay, báo cáo cho thấy 64% người lớn ở Kenya sử dụng M-Pesa, nên liệu anh có thể nói rằng M-Pesa đã trở thành ngân hàng lớn nhất tại Kenya hiện nay?
Dave: Tôi sẽ không nói thế, vì tôi là con mọt sách. Đối với tôi, từ ngân hàng mang một ý nghĩa rất cụ thể. Đó là một lĩnh vực được quản lý riêng biệt. Và tôi nghĩ rằng đây là điều thứ hai tôi muốn đề cập đến. Ngân hàng thực hiện việc cho vay và đi vay – đó là những chức năng của ngân hàng. Chuyển dịch tiền không phải là chức năng của ngân hàng. Điều này đã từng được ngân hàng thực hiện trong quá khứ, nhưng cũng có thể được thực hiện bởi người khác.
Brett: Ý anh là những dịch vụ như Western Union chẳng hạn.
Dave: Thực ra, không phải ở Hoa Kỳ, vì ở đây, nếu anh nghĩ ra một ý tưởng mới tuyệt vời trong việc thanh toán, anh phải vượt qua tất cả những thử thách về quy định trước khi đưa nó vào sử dụng. Tại những nơi khác (ví dụ như ở châu Âu), cơ sở hạ tầng các quy định đang được sửa đổi sao cho anh có thể tạo ra một hệ thống thanh toán, anh có thể gia nhập Visa hay MasterCard, anh có thể chuyển tiền từ người này sang người khác, mà không cần sử dụng ngân hàng. Họ có nhiều quy định khác nhau cho các loại hình thanh toán: các tổ chức thanh toán thông thường và các tổ chức thanh toán điện tử.
Hoa Kỳ sẽ thu được nhiều lợi ích nếu cũng có được cách suy nghĩ tương tự, vì quy định đã trở thành một rào cản to lớn ngăn trở các phát minh trong lĩnh vực này. Tôi không nói rằng điều này chỉ xảy ra riêng ở Hoa Kỳ đâu. Canada cũng là một ví dụ khác. Năm vừa rồi, những người ở Rogers, một công ty công nghệ viễn thông, đã nghĩ ra một vài ý tưởng tiếp cận tuyệt vời và đột phá đối với thanh toán qua di động. Họ muốn tung ra một hệ thống thanh toán qua di động mới, nhưng điều đầu tiên họ cần là giấy phép hoạt động ngân hàng. Họ phải mất vài tháng, và vài triệu USD cùng với vài luật sư để lấy được giấy phép ngân hàng thì mới có thể thực hiện được việc chuyển tiền – thật là điên rồ!
Một điều nữa có thể rút ra từ M-Pesa: đây chính là cửa sổ mở ra một cách nhìn mới, khác biệt.
Brett: Anh nghĩ điều gì là động cơ chính cho những mô hình thanh toán đột phá mà chúng ta đang có ở hiện tại – Bitcoin, Dwolla, Venmo, hoặc thậm chí về một khía cạnh nào đó là PayPal?
Dave: Bitcoin và các hình thức thay thế tiền tệ khác nằm trong một loại hình hoặc hình thức khác, tuy nhiên xét trên phương diện thanh toán nói chung, tất cả đều dựa trên kinh tế học cơ bản.
Nếu anh nhìn vào các quốc gia như Na Uy, Phần Lan hay những nước tương tự, hệ thống thanh toán đã “ngốn” khoảng 0,15-0,2% GDP. Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ tiêu tốn này lớn hơn rất nhiều. Đó là bởi có quá nhiều trở ngại trong hệ thống tại Hoa Kỳ, và đó cũng là lý do khiến anh thấy có rất nhiều người đang xem xét lĩnh vực này và tìm cách tinh giản nó hoặc tìm ra cách thức vận hành tốt hơn. Dù đó là M-Pesa tại Kenya hay Zopa tại Anh, hay Dwolla tại Hoa Kỳ, anh đều thấy áp lực của việc giảm thiểu trở ngại. Mọi người sẽ nhìn vào đó và nói: “Làm thế nào mà phải mất đến ba ngày để tôi chuyển tiền từ Anh đến Đức thế?”. Cứ như thể chúng ta đang sống ở thời đại chưa có sự xuất hiện của tia laser hay vệ tinh vậy.
Thế là mọi người lại nhìn vào đó và nói: “Đợi tí, chúng ta đang sử dụng các hệ thống, cấu trúc và phương thức vận hành xuất hiện từ thời trước khi tồn tại mạng lưới kết nối tất cả mọi người trên toàn cầu! Chúng ta cần phải suy nghĩ lại!”.
Điều tôi muốn nhấn mạnh lại một lần nữa là việc suy nghĩ lại này không hề là điều xấu đối với các ngân hàng. Thanh toán là một khoản chi phí khổng lồ đối với ngân hàng. Nhiều người cho rằng ngân hàng đang sở hữu một ngành kinh doanh khổng lồ; họ đang kiếm được lợi nhuận khủng khiếp từ việc thanh toán. Nhưng đây cũng là chi phí lớn đối với họ. Nếu việc thanh toán có thể được thực hiện hiệu quả hơn, như trong ví dụ ở Kenya, thì sẽ xuất hiện cơ hội cho nhiều hoạt động ngân hàng phát triển dựa trên những chuyển biến này.
Ben: Và bây giờ, chúng ta hãy cùng trò chuyện với Dan Schatt, người lãnh đạo bộ phận Phát kiến Tài chính tại PayPal, để biết góc nhìn của anh về vấn đề này.
PayPal hiển nhiên là một công ty nổi tiếng, có hàng trăm triệu người dùng khắp thế giới. Đây là nhà cung cấp dịch vụ thanh toán hàng đầu trên thị trường. Phần lớn chúng ta đều biết câu chuyện này, nhưng để có thêm thông tin nền, hãy kể cho chúng tôi nghe một chút về việc PayPal đã khởi đầu như thế nào và tại sao, và hiện nay các anh đang làm những gì để giữ PayPal luôn đột phá và sáng tạo?
Dan: PayPal khởi đầu như một công ty quản lý an ninh và rủi ro, tiếp xúc với lĩnh vực thanh toán, một lĩnh vực trở nên rất cần thiết với sự phát triển ngày càng cao của Internet. Mục tiêu là tìm cách an toàn để hỗ trợ thanh toán giữa những người mua hàng với những người bán hàng khi họ không thể giao dịch trực tiếp với nhau hoặc họ đang giao dịch trực tuyến. Tình hình lúc đó, khi mạng Internet bắt đầu bùng nổ, những hình thức kinh doanh trực tuyến bắt đầu hình thành, và họ không có bất cứ tài sản vật chất nào – họ chỉ có tài sản trực tuyến mà thôi. Nếu bạn vừa bắt đầu kinh doanh và xây dựng website, tìm cách bán hàng qua eBay chẳng hạn, và bạn đến ngân hàng và nói: “Anh có thể bảo lãnh cho tôi để tôi có thể chấp nhận thanh toán điện tử được không?”, chắc chắn không có tổ chức tài chính nào có thể đứng ra bảo lãnh cho các công ty như vậy. Ngành tài chính truyền thống không thể hỗ trợ họ được.
Vì thế PayPal ra đời, và ý tưởng đằng sau nó chỉ đơn giản là đến với tất cả những công ty này và cho phép họ chấp nhận thanh toán điện tử trực tuyến – tìm một cách tối ưu để chấp nhận rủi ro của họ. Đó là những gì (PayPal) đã làm, và cuối cùng những người tiêu dùng thanh toán muốn cho các công ty này trực tuyến (họ có tài khoản PayPal) nói chung sẽ kết nối với thẻ tín dụng của họ. Và vì thế, PayPal tạo điều kiện cho ngành ngân hàng thu lợi, bằng cách tạo ra tất cả doanh thu phí chuyển đổi hoàn toàn mới, phát sinh từ một nhánh kinh doanh chưa từng có trước đó.
Trước khi có PayPal, mọi người gửi tiền mặt trong phong bì, thanh toán qua Western Union, nhưng những giao dịch này không thật sự an toàn. Không có cách nào để khắc phục điều đó. PayPal đã phát triển để hỗ trợ những người bán trên eBay, và dần dần thoát ra ngoài eBay.
Khi PayPal vươn ra toàn cầu, chúng tôi đã kết nối với tất cả các hệ thống giải ngân và thanh toán truyền thống để giúp người tiêu dùng và người bán có thể tương tác với nhau, trong đó tiền được chuyển từ tài khoản ngân hàng của người này tại một quốc gia, đến tài khoản PayPal của một người bán tại một quốc gia khác, và cuối cùng tiền đến được tài khoản ngân hàng của người bán ở quốc gia khác đó. Sự thật là PayPal đã tạo ra một nền tảng mà trên đó tất cả các hệ thống giải ngân và thanh toán riêng lẻ trên toàn thế giới có thể có chung một mẫu số là một địa chỉ email và số điện thoại di động. Cuối cùng điều này dẫn đường cho việc chuyển tiền ngay lập tức trên khắp thế giới với chỉ một địa chỉ email hoặc số điện thoại di động.
Brett: Cho nên, nếu hôm nay tôi muốn chuyển cho anh một số tiền thông qua hệ thống ngân hàng, thông thường tôi vẫn phải biết số tài khoản của anh, ngân hàng của anh, tên ngân hàng, có thể là cả swift code(30) hoặc số routing(31), thậm chí đôi khi là địa chỉ của ngân hàng nữa! PayPal đã loại bỏ tất cả những phức tạp và phiền hà này, miễn là anh biết địa chỉ email hoặc số điện thoại di động của một người, anh có thể gửi tiền ngay cho người ấy.
30 Swift code: là mã nhận dạng ngân hàng chuẩn cho một ngân hàng cụ thể. Mỗi ngân hàng sẽ có 1 mã riêng để phân biệt với các ngân hàng khác trên thế giới. (ND)
31 Routing number: số định tuyến ngân hàng và dãy số này bao gồm 9 số. Mỗi ngân hàng có một số routing riêng và không giống nhau. (ND)
Dan: Đúng là như thế. Để nói rõ hơn về quá trình lịch sử, các ngân hàng cách đây mới khoảng 30 năm đã chiếm gần 100% thị phần chuyển tiền giữa người dùng với người dùng. Nếu anh có nhu cầu chuyển tiền đi quốc tế, nhiều khả năng anh phải đến một chi nhánh ngân hàng, điền vào đơn đăng ký và có swift code của người nhận, cùng tất cả các thông tin khác. Ngày nay, các ngân hàng tại Hoa Kỳ chỉ nắm giữ khoảng 3-4% thị phần chuyển tiền mà thôi. Người tiêu dùng đã đưa ra sự lựa chọn của mình. Họ muốn một giải pháp ít tốn kém và tiện lợi hơn, khi bạn không cần phải đợi đến một giờ nhất định trong ngày để làm điều gì đó.
Các ngân hàng cách đây mới khoảng 30 năm đã chiếm gần 100% thị phần chuyển tiền giữa người dùng với người dùng... Ngày nay, các ngân hàng tại Hoa Kỳ chỉ nắm giữ khoảng 3 đến 4% thị phần chuyển tiền mà thôi.
– Dan Schatt, PayPal
Brett: Trên phương diện thống kê, anh đã nói về sự thật là PayPal khởi đầu bằng việc hỗ trợ eBay rồi sau đó mở rộng đến nhiều người bán khác. Có bao nhiêu phần trăm giao dịch thông qua PayPal hiện nay là giao dịch trực tiếp đến người bán so với tỷ lệ thanh toán giữa những người tiêu dùng?
Dan: Chúng tôi không phân chia các chỉ số như vậy trong hồ sơ của mình, nhưng tôi có thể nói với anh rằng dịch vụ cốt lõi của chúng tôi thật sự đã tạo thuận lợi cho các giao dịch giữa người mua và người bán.
Chúng tôi khởi đầu như một phương thức thanh toán qua email, sau đó phương thức này đã phát triển lan tỏa và tự nhiên, theo đó có người dùng chuyển tiền cho một người dùng khác và người dùng chuyển tiền cho các doanh nghiệp, chúng tôi có cả doanh nghiệp này chuyển tiền cho doanh nghiệp khác dưới hình thức thanh toán qua email. Việc này tự bản thân nó đã sản sinh dòng tiền hàng tỉ USD. Nhưng kể cả với nền tảng như vậy, dịch vụ cốt lõi của chúng tôi ngày nay là cách bạn cảm nhận về trải nghiệm thanh toán thông thường khi sử dụng PayPal, dù bạn có là người bán hay người mua trên eBay, và chúng tôi đang hỗ trợ quá trình thanh toán.
Chúng tôi đang hướng đến một thế giới đa kênh, trong đó nếu bạn là doanh nghiệp và bạn có thể truy cập vào mạng Internet – dù là thông qua máy tính bảng, hay màn hình điều khiển, hay máy POS tại cửa hàng, hay bạn có một website kinh doanh trực tuyến – thì ý tưởng ở đây đều là bạn phải có thể thực hiện các thanh toán một cách đơn giản thông suốt qua bất cứ kênh nào hoặc xuyên qua tất cả các kênh trên. Đó chính là định hướng của chúng tôi. Điều này có nghĩa là trong tương lai sẽ không còn sự phân định rõ ràng giữa thanh toán trực tuyến và thanh toán ngoại tuyến nữa. Tất cả các giao dịch thanh toán, thực tế, sẽ là thanh toán trực tuyến. Điều này là đúng với tất cả các doanh nghiệp có kết nối với Internet.
Brett: Chỉ còn một phương thức thanh toán điện tử trực tuyến, dù là thông qua điện toán đám mây, điện thoại di động, tại cửa hàng hay tại các website bán hàng.
Dan: Đúng thế; chúng tôi hiện đang ở trên đường đi đến đỉnh của một đồ thị hàm sin, vì khi anh nhìn ra toàn cầu, với thị trường hơn 30 nghìn tỉ USD giao dịch giữa người tiêu dùng và người bán lẻ, anh sẽ thấy 85% các giao dịch trên thế giới vẫn là giao dịch tiền mặt. Kể cả tại Hoa Kỳ, nếu anh xem xét trên khía cạnh giao dịch, anh vẫn thấy rằng khoảng 50% giao dịch được thực hiện bằng tiền mặt. Nguyên nhân là do giao dịch tiền mặt vô cùng đơn giản, và anh phải làm thế nào giảm thiểu tất cả mọi phiền phức ra khỏi hệ thống và khiến nó trở nên cực kỳ hấp dẫn đến mức người tiêu dùng có thể sẵn sàng bỏ qua tiền mặt và bắt đầu giao dịch điện tử. Đó là điều mà chúng tôi đang hướng đến.
Chúng tôi nghĩ rằng PayPal đang ở vào một vị thế có thể loại bỏ được những trở ngại đó và đang hướng đến một trải nghiệm thật sự thuyết phục.
Brett: Cùng với suy nghĩ đó, anh cho rằng công nghệ của PayPal, ví điện tử và các hình thức thanh toán thuận tiện khác sẽ có thể gây đột phá đến mức độ nào đối với các phương thức thanh toán truyền thống như séc hay cuối cùng là tiền mặt?
Dan: Đối với việc gây ảnh hưởng lên séc và tiền mặt, chúng tôi nghĩ ảnh hưởng này sẽ rất quan trọng, vì ở đây có yếu tố thuận tiện vô cùng to lớn. Từ những gì chúng ta thấy được trong lịch sử, người dùng thường hướng về những thứ giúp họ tiết kiệm thời gian, tiền bạc và năng lượng. Khi anh đang mua hàng cho kỳ nghỉ lễ, và anh đang dạo trong cửa hàng đồ chơi, tìm một món quà cho các con, và bạn thấy một hàng dài người xếp hàng ở quầy tính tiền, liệu có tuyệt không nếu anh có thể đơn giản bỏ qua hàng người đó và mua hàng trực tiếp từ trên kệ chỉ bằng cách chụp hình mã vạch trên món hàng và bước ra ngoài? Hoặc thậm chí còn tiện hơn nữa, anh có thể mua món hàng ấy từ trước rồi đến cửa hàng nhận hoặc món hàng được gửi đến tận nhà anh?
Hãy nhìn vào cách Amazon đã mang lại những trải nghiệm thật sự hấp dẫn cho người tiêu dùng, trong đó họ còn gợi ý những món hàng mà anh thậm chí còn không biết là anh muốn mua. Anh chỉ cần một cú click chuột để mua hàng. Và anh biết không, những nhà bán lẻ với cửa hàng thực đang phải đối mặt với nguy cơ đến từ những doanh nghiệp như Amazon, nơi có thể cho phép người dùng có được bất cứ món hàng gì họ muốn ngay ngày hôm sau! Họ đã vứt bỏ tất cả phiền phức trở ngại ra khỏi hệ thống, và cuối cùng thì thanh toán cũng chỉ là một dạng trở ngại mà thôi. Ngay cả việc phải đến một vị trí nhất định để mua hàng, lấy ví ra, và lấy thẻ tín dụng rồi quẹt thẻ cũng đã là một trở ngại rồi.
Tôi thường sử dụng một so sánh về gà công nghiệp với gà thả vườn. Trong mô hình cũ, anh bước vào một điểm bán lẻ và người tiêu dùng giống như đàn gà công nghiệp vậy: anh tìm cách đẩy càng nhiều người càng tốt qua cửa hàng, và tìm cách khiến họ tương tác càng nhanh càng tốt. Hoa Kỳ có công nghệ tiên tiến nhất trong việc biến những hoạt động vô cùng kém hiệu quả như giấy tờ, hành chính và biến nó thành những quy trình nhanh hơn nhiều như séc chẳng hạn. Nhưng cuối cùng, đó cũng vẫn là tờ giấy thôi, và bạn vẫn phải đẩy tất cả người tiêu dùng vào hàng. Trong tương lai sắp tới, người tiêu dùng sẽ trở thành gà thả vườn. Họ có thể chẳng bao giờ đến xếp hàng nữa cả. Họ có thể đi vào cửa hàng, nhưng cũng có thể mua ngay một thứ tại chỗ trên Amazon. Hoặc có thể mua một thứ và tự nhiên đi ra ngoài, chỉ cần cho bảo vệ xem qua hóa đơn điện tử trên điện thoại của họ.
Brett: Anh càng đặt ra nhiều trở ngại đối với khách hàng thì họ lại càng muốn tìm kiếm cách thức rút ngắn chu trình bằng những phương thức hiệu quả hơn, như PayPal chẳng hạn. Một ví dụ tuyệt vời khác là Uber. Uber có hơi đắt tiền hơn một chút, nhưng bạn sẽ lên một chiếc Uber taxi hoặc một chiếc xe hơi Uber, và tại điểm đến bạn chỉ cần bước xuống xe, tất cả việc thanh toán đã được thực hiện tự động với giá cước định sẵn dựa trên khoảng cách. Quy trình thanh toán đã biến mất một cách hiệu quả.
Dan: Đúng vậy. Rất nhiều ngành, trong một khía cạnh nào đó, đã trở thành một động từ, và anh sẽ thấy nhiều thứ được Uber hóa trong tương lai. Những gì chúng ta đang nhìn thấy trong ngành bán lẻ, liên quan đến khía cạnh thanh toán, là họ đang thay đổi cách bố trí trong cửa hàng. Chúng tôi có một dự án đang làm việc với McDonald’s tại Pháp, họ sẽ thật sự sắp xếp một làn xe riêng trong đó anh có thể mua một chiếc bánh Big Mac từ trước và chỉ định thời gian anh muốn nó được chuẩn bị sẵn. Anh không phải chờ đợi trong hàng; anh chỉ cần đến và nhận bánh.
TRONG TẦM NGẮM: THANH TOÁN TỰ ĐỘNG VÀ TỨC THỜI
Tôi hỏi Dave và Dan về tầm nhìn 5 đến 10 năm tới trong tương lai, liệu trải nghiệm thanh toán của chúng ta sẽ như thế nào. Mục tiêu là để đẩy khái niệm đột phá đến kết luận logic cuối cùng của nó, để xem chúng ta sẽ đi đến đâu.
Tuy tương lai luôn luôn rất khó đoán định, đây là những người có thể đoán được gần chính xác nhất việc thanh toán trên thế giới sẽ đi đến đâu trong vài năm tới. Nhận định của Dave Birch về cách thế giới nhìn nhận vai trò của điện thoại di động trong cuộc cách mạng thanh toán so với thẻ nhựa chính là điểm chính trong cuộc trò chuyện này. Một điều thú vị nữa là những chuyên gia này không phải lúc nào cũng đồng tình với nhau về những dự đoán tương lai.
Brett: Trong 5, hoặc 10 năm tới, làm thế nào một công dân bình thường trong một nền kinh tế như Hoa Kỳ sẽ thanh toán cho những đồ dùng hàng ngày, chuyển tiền trong hệ thống? Anh nghĩ phương thức thanh toán chủ yếu và quen thuộc được sử dụng hàng ngày sẽ là gì?
Dan: Chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến quá trình giảm thiểu trở ngại.
Trong kịch bản cuối cùng của quá trình này, anh sẽ có thể đơn giản là bước vào cửa hàng, lấy thứ anh cần và bước ra. Chúng ta đang thấy sự nổi lên của con chip vô cùng rẻ tiền RFID và nhiều thiết bị cảm biến khác trong những lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe. Anh có thể đeo nó như một chiếc vòng tay. Anh sẽ bắt đầu thấy khả năng gắn liền tất cả mọi thứ với tài khoản của anh và anh có thể mang chúng như mặc một dạng trang phục, hoặc một thứ liên quan đến nhân trắc học, như dấu vân tay chẳng hạn, chúng có thể giúp anh mua sắm chỉ bằng việc đi vào và đi ra khỏi cửa hàng. Nhưng, thậm chí còn hơn thế nữa, vì những gì diễn ra trong ngành thanh toán còn giá trị hơn.
Sẽ xuất hiện những cách thức cho phép anh tương tác với các doanh nghiệp theo cách mà con người đã từng làm 150 năm về trước. Các doanh nghiệp có thể chào anh bằng tên, có thể nói: “Tôi biết bạn đã thực hiện những giao dịch nào trong vài lần trước. Bạn là một khách hàng tuyệt vời. Tôi sẽ tặng thêm cho bạn một điều gì đó chỉ đơn giản vì bạn là một khách hàng tuyệt vời và chúng tôi biết bạn là ai”. Và doanh nghiệp có khả năng cung cấp cho khách hàng những dịch vụ thật sự tùy biến theo cá nhân.
Brett: Như vậy bối cảnh đã trở thành một yếu tố then chốt. Hãy nhìn vào Google Glass(32) và điện thoại di động, Dave, theo anh thì công nghệ di động ngày nay có tầm quan trọng như thế nào trong việc thay đổi nhận thức về thanh toán? Và khi nào thì những công cụ có nền tảng dữ liệu phong phú như Google Glass và những công cụ tương tự có thể thâm nhập vào quá trình thanh toán trong vòng 10 năm tới?
32 Google Glass: một thiết bị đeo được trên đầu như cách mà chúng ta đeo mắt kính. Nó có một màn hình nhỏ để chúng ta có thể thấy được thông tin và hoạt động như một thiết bị rảnh tay (hand-free) cho điện thoại thông minh.
Dave: Tôi nghĩ khi chúng ta nhìn thật nhanh qua lịch sử của 50 hoặc 100 năm tới đây, tôi tin chắc rằng mọi người sẽ thấy điện thoại di động chính là một cột mốc quan trọng trong lịch sử ngành thanh toán – chứ không phải là thẻ nhựa. Thẻ nhựa sẽ chỉ là một vấn đề bên ngoài. Và nguyên nhân của điều này là vì điện thoại di động đã làm biến đổi việc nhận tiền cũng như việc thanh toán. Sự xuất hiện của thẻ nhựa cho phép bất cứ ai cũng có thể thanh toán, nhưng bạn phải là một doanh nghiệp thì mới được nhận thanh toán. Công nghệ di động sẽ thay đổi tất cả.
Trong 50 hoặc 100 năm tới đây, tôi tin chắc rằng mọi người sẽ thấy điện thoại di động chính là một cột mốc quan trọng trong lịch sử ngành thanh toán – chứ không phải là thẻ nhựa.
– Dave Birch
Bất kì ai cũng có thể là một doanh nhân, với chiếc điện thoại di động. Tôi nghĩ tương lai đó là chắc chắn.
Đối với quan điểm của Dan về việc kiểm soát bị động, tôi không chắc lắm. Tôi tự hỏi liệu công chúng có hoàn toàn cảm thấy thoải mái với điều đó hay không. Ý tưởng có một chiếc điều khiển từ xa, dù là trên điện thoại di động hay trên Google Glass, có thể cho bạn quyền kiểm soát về việc ai đang đang theo dõi bạn và những điều bạn có thể thấy, tôi thật sự không chắc. Đối với tôi, trên tư cách cá nhân, tôi sẽ cảm thấy không thoải mái lắm với một tương lai bị động như vậy.
BÀI HỌC RÚT RA
Từ trường hợp của M-Pesa ở châu Phi đến Dwolla và PayPal, bài học trung tâm của cuộc thảo luận về tương lai của ngành thanh toán là một điều khá đơn giản. Tương lai của thanh toán không chỉ ở trong bản thân việc thanh toán hay phương thức thanh toán, mà là những lợi ích mà thanh toán mang lại cho người tiêu dùng và người bán trong từng trường hợp.
Đầu tiên, chúng ta đã trải qua một chu kỳ trong những thập kỷ gần đây, trong đó chúng ta đã có những bước khiến cho việc chuyển tiền trở nên ngày càng phức tạp. Dù nguyên nhân có nằm ở quy định, hay nhu cầu cần có một chuẩn tương thích toàn cầu trong ngành ngân hàng, hay công nghệ và công cụ dựa trên đó hệ thống thanh toán vận hành, sự thật vẫn là chúng ta ngày càng thấy nhiều ví dụ rõ ràng nơi những doanh nghiệp như Dwolla, họ đang tìm cách tái cơ cấu lại trải nghiệm thanh toán sao cho những trở ngại và phức tạp được cắt giảm đi càng nhiều càng tốt. (Đã bao nhiêu lần từ trở ngại được nhắc đi nhắc lại trong bài phỏng vấn vừa rồi?).
Thứ hai, để hiểu được vì sao điện thoại di động lại là một bước ngoặt quan trọng, bạn cần phải nghĩ về những trở ngại và cách điện thoại di động có thể tháo gỡ chúng. Như Dave Birch đã nói khá rõ ràng, trong vòng 50 hoặc 100 năm nữa, “mọi người sẽ thấy điện thoại di động chính là một cột mốc quan trọng trong lịch sử ngành thanh toán – chứ không phải là thẻ nhựa”. Điện thoại di động đang biến thanh toán trở nên phổ biến, trở thành một áp lực mạnh mẽ buộc các quy trình phải được đơn giản hóa để tạo tiện lợi cho trải nghiệm của người dùng, đồng thời cho phép tạo ra các giá trị trước và sau khi thanh toán.
Khi một ngân hàng chọn định vị kiểu như “thanh toán nhanh hơn” như đã từng có ở Anh(33), hay Úc(34), giá trị của việc thanh toán trong thời gian thực là rất rõ ràng; nhưng vẫn vô cùng khó để cạnh tranh với thanh toán bằng tiền mặt tại một cửa hàng hay với các trải nghiệm dịch vụ, như một cô trông trẻ hay một người thợ sửa ống nước đến tận nhà, khi mà việc trả tiền mặt là ngay tức thời. Và cách điện thoại di động thay đổi điều đó là nhờ dữ liệu và việc đưa ra hạ tầng cấu trúc thanh toán hoàn toàn mới. Dữ liệu sẽ cung cấp bối cảnh cho giao dịch thanh toán; cấu trúc hạ tầng sẽ mang lại tính linh hoạt và khả năng thanh toán cho bất cứ ai, ở bất cứ nơi nào trong thời gian thực. Bằng cách đó, điện thoại di động tạo điều kiện cho những phương pháp thanh toán ngay lập tức cũng như tiền mặt, nhưng lại cộng thêm việc không cần phải mang theo tiền mặt bên người (trong khi lúc nào bạn cũng mang theo điện thoại di động rồi) và kèm theo đó là bối cảnh khi thanh toán. Cuối cùng, nhu cầu thanh toán nhanh hơn sẽ xóa sổ các phương thức khác như séc, chuyển tiền bằng điện tín hay ACH vì những phương thức hiện tại không hiệu quả cho người dùng, và tính phản hồi là gần như bằng không.
33 Xem thêm trên FasterPayments.org.uk.
34 Xem Ủy ban Thanh toán Thời gian thực, “Xem xét chiến lược đột phá trong hệ thống thanh toán,” Australian Payments Clearing Association Ltd., tháng 02/2013.
Thứ ba, vấn đề với phần lớn các hệ thống hạ tầng thanh toán đang tồn tại trên toàn thế giới là bạn cần phải có một tài khoản ngân hàng và điều kiện cần KYC/IDV(35) để có thể tham gia vào hệ thống. Đó là lý do tiền mặt vẫn giữ vị trí của phương tiện thanh toán được ưa chuộng nhất trong hầu hết các quốc gia chưa phổ biến ngân hàng (như ở vùng châu Phi cận Sahara, và phần lớn dân cư sống ở mức nghèo).
35 KYC – know your customer (hiểu khách hàng của bạn); IDV – identity verification (xác định nhân thân).
Trong khi đó, điện thoại di động lại làm thay đổi tình hình ở các quốc gia như Kenya, Philippines, hay gần đây hơn là Bangladesh. Nếu bạn tìm cách “phổ cập ngân hàng” cho toàn bộ dân số trên toàn thế giới, bạn sẽ phải hạ tiêu chuẩn tham gia hoặc thu nhận. Nhưng rào cản để sở hữu một tài khoản ngân hàng vẫn còn rất lớn – rào cản để sở hữu một chiếc điện thoại di động thì thấp hơn rất nhiều. Đối với 2,5 tỉ người không có tài khoản ngân hàng(36) thì rào cản không đơn thuần chỉ là mở một tài khoản, mà là có đủ hiểu biết về tài chính để giúp họ hiểu được hệ thống đang tồn tại. Khả năng chúng ta sẽ hạ thấp những tiêu chuẩn để tham gia, và giáo dục đầy đủ để những người chưa được tiếp cận với ngân hàng trở nên hiểu biết và có thể đáp ứng được các yêu cầu khắt khe đối với quy định về nhân thân, là một khả năng vô cùng thấp.
36 Thông cáo báo chí của Ngân hàng Thế giới, tháng 12/2012.
Thay vào đó, ý tưởng mới nổi lên hiện nay là sử dụng điện thoại để thay thế cho tài khoản ngân hàng, dù là dưới hình thức thẻ, sổ séc, hay sổ tiết kiệm, và mang lại một nền tảng ngân hàng sử dụng mỗi ngày thông minh hơn, đơn giản hơn, và nhanh chóng hơn. Hãy thừa nhận điều này, một tấm thẻ ghi nợ thậm chí không thể cho bạn biết số dư tài khoản của bạn trước khi bạn thực hiện giao dịch, nhưng điện thoại thì có thể – chỉ từ khía cạnh đó thôi, di động đã là một phương tiện thanh toán tốt hơn trong từng hoàn cảnh rồi. Tuy nhiên, đối với hàng tỉ người không thể tiếp cận với ngân hàng và vì thế không có khả năng giao dịch kinh doanh theo cách những người tiêu dùng và doanh nghiệp sử dụng ngân hàng có thể làm, thì điện thoại di động sẽ nổi lên như một phương tiện ngân hàng duy nhất có thể.
Bằng cách thay đổi phương thức vận hành của việc chuyển tiền và tài chính vi mô, di động đã trở thành nền tảng thực hiện các giao dịch ngân hàng mỗi ngày và là phương tiện cho phần lớn những người nghèo trên thế giới cho đến nay vẫn chưa tiếp cận với ngân hàng. Điện thoại thông minh cũng đang trên đà trở thành kênh giao dịch ngân hàng mỗi ngày được yêu thích ở những nền kinh tế phát triển. Đến năm 2020, những “tài khoản ngân hàng” thông thường sẽ trở nên không thể tách rời khỏi chiếc điện thoại, bởi vì nó sẽ được tích hợp ngay trong điện thoại của bạn.
Để thực tế này tồn tại được, chúng ta cần phải tháo gỡ một chức năng phổ biến nhất của tài khoản ngân hàng – tiếp cận tiền gửi của bạn – ra khỏi các công cụ vật chất và các quy định cứng nhắc đang chi phối hệ thống ngân hàng. Trên phương diện này, dù hiện nay có khoảng 500 doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thanh toán di động được liệt kê trên danh sách AngelList(37), phần lớn trong số đó là ở Hoa Kỳ, Dave Birch vẫn chỉ ra rằng “ở Hoa Kỳ, nếu anh nghĩ ra một ý tưởng mới tuyệt vời trong việc thanh toán, anh phải vượt qua tất cả những thử thách về quy định trước khi đưa nó vào sử dụng”. Điều đang diễn ra hiện nay là những công ty này đều cố gắng tìm ra một giao diện di động mới, tốt hơn, nhanh hơn, đơn giản hơn cho hệ thống thanh toán. Nếu hệ thống hiện tại hoạt động “ổn cả” thì tất cả những công ty này cớ gì lại tồn tại.
37 Xem Danh sách các công ty thanh toán của AngelList: https://angel.co/mobile- payments.
Nếu chúng ta bắt đầu với vấn đề mà các hệ thống thanh toán như Dwolla đang tìm cách giải quyết, cơ bản là các phương thức cũ đang hạn chế cách bạn thanh toán tiền từ đối tượng này sang đối tượng khác, những phương thức này quá bó buộc để có thể tiếp tục phù hợp trong một thế giới kết nối toàn cầu. Ben Milne đã tóm tắt điều này như sau:
Dwolla là một mạng lưới thanh toán, về cơ bản, nó cho phép bất cứ ai hoặc bất cứ thứ gì có kết nối Internet có thể gửi tiền đến cho bất cứ ai hoặc bất cứ thứ gì cũng có kết nối Internet, trong đó bất cứ ai nhận thanh toán có thể nhận tiền mà không phải trả chi phí quy đổi. Việc làm nghe qua có vẻ đơn giản này có nghĩa là chúng tôi đã tự xây dựng mạng lưới thanh toán riêng của mình, cho phép bất cứ thiết bị nào kết nối với mạng Internet có thể trao đổi tiền, cho bất cứ mục đích gì.
– Ben Milne, nhà sáng lập Dwolla
Đây có lẽ là cách tốt nhất để khép lại chương này. Tương lai thuộc về những dịch vụ cho phép tiền được trao đổi bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, với cản trở thấp nhất và phù hợp nhất với hoàn cảnh. Hệ thống hiện tại đơn giản là không thể đáp ứng được điều đó.