Nghệ Thuật Tinh Tế Của Việc Đếch Quan Tâm - Chương 07
Chương 7
Thất Bại Là Cách Để Tiến Lên
TÔI THẬT sự có ý này khi nói rằng: tôi là kẻ may mắn.
Tôi tốt nghiệp đại học vào năm 2007, vào đúng thời điểm ngành tài chính sụp đổ và Cuộc suy thoái kinh tế diễn ra, và tôi cố gắng gia nhập vào thị trường lao động đang lâm vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong suốt tám mươi năm qua.
Cùng khoảng thời gian đó, tôi phát hiện ra bạn cùng nhà của tôi đã không trả tiền thuê trong suốt ba tháng liền. Khi chất vấn về việc này, cô ta khóc lóc và rồi mất tăm mất tích, bỏ lại một người bạn cùng nhà khác và tôi phải gánh lấy hậu quả. Vĩnh biệt, khoản tiền tiết kiệm. Trong suốt sáu tháng tôi ở nhờ trong phòng khách nhà một người bạn, làm những công việc kỳ quặc và cố gắng duy trì nợ nần ở mức thấp nhất trong khi tìm kiếm một “công việc thực sự.”
Tôi nói rằng mình may mắn là bởi vì tôi bước vào đời với tư thái của một kẻ thất bại. Tôi khởi đầu từ con số không. Đó về cơ bản là nỗi sợ hãi lớn nhất của mọi người trong cuộc sống về sau này, khi phải đối mặt với việc khởi đầu một dự án kinh doanh mới hay thay đổi sự nghiệp hay từ bỏ một công việc tệ hại, và tôi thì có được cái trải nghiệm ấy ngay từ cổng vào. Mọi việc chỉ có thể tốt hơn mà thôi.
Và vâng, may mắn. Khi bạn nằm ngủ trên một tấm đệm bốc mùi và phải đếm từng đồng xu lẻ để biết chắc rằng liệu bạn có mua nổi bánh mì McDonald trong tuần này hay không và bạn đã gửi đi tận hai chục bộ hồ sơ mà vẫn bặt vô âm tín, thì việc mở một trang blog và bắt đầu dự án kinh doanh ngớ ngẩn qua mạng nghe ra chẳng phải là một ý tưởng điên rồ. Nếu như tất cả các dự án tôi tiến hành đều thất bại, nếu tất cả các bài viết tôi đăng lên chẳng có ai thèm đọc, thì tôi cũng chỉ quay về đúng điểm khởi đầu mà thôi. Vậy thì tại sao lại không thử cơ chứ?
Bản thân sự thất bại là một khái niệm tương đối. Nếu như thước đo của tôi là một cuộc cách mạng chủ nghĩa cộng sản tự do(66), thì thất bại hoàn toàn của tôi trong việc kiếm tiền vào khoảng giữa năm 2007 tới năm 2008 lại là sự thành công không tưởng. Nhưng nếu như, cũng như hầu hết những người khác, thước đo của tôi đơn giản là tìm được một công việc nghiêm túc đầu tiên giúp tôi chi trả hoá đơn, thì tôi là một kẻ thất bại thảm hại.
Tôi lớn lên trong một gia đình giàu có. Tiền chưa bao giờ là vấn đề hết cả. Trái lại, tôi lớn lên trong một gia đình giàu có mà tiền bạc thường được sử dụng nhằm tránh xa các vấn đề thay vì giúp giải quyết chúng. Một lần nữa tôi lại là kẻ may mắn, bởi vì điều này đã sớm dạy cho tôi biết rằng làm ra tiền, tự nó, là một thước đo tệ hại dành cho bản thân tôi. Bạn có thể làm ra hàng đống tiền và vẫn cảm thấy bất hạnh, cũng như việc bạn có thể rỗng túi mà vẫn khá hạnh phúc. Vì thế, tại sao lại phải dùng tiền làm một phương thức để đo lường giá trị con người tôi?
Thay vì thế, giá trị của tôi nằm ở điều khác hẳn. Đó phải là sự tự do, tự do ý chí. Cái ý tưởng trở thành chủ doanh nghiệp luôn ám ảnh tôi bởi vì tôi ghét phải nghe người khác căn dặn mình làm việc này việc kia và chỉ muốn làm mọi thứ theo cách của mình. Cái ý tưởng làm việc trên mạng hấp dẫn tôi bởi vì tôi có thể làm việc ở bất kỳ nơi nào và bất cứ khi nào mà tôi muốn.
Tôi tự hỏi bản thân mình một câu đơn giản: “Liệu tôi muốn kiếm được kha khá tiền và làm công việc mà tôi chán ghét, hay tôi muốn chơi trò nhà đầu tư mạo hiểm trên mạng và túng thiếu trong một thời gian?” Câu trả lời đến với tôi rõ ràng và ngay tắp lự: vế sau. Rồi tôi lại tự hỏi, “Nếu như tôi thử làm việc này và thất bại sau một vài năm và vẫn phải đi kiếm việc làm, thì liệu tôi có thực sự bỏ lỡ điều gì hay không?” Câu trả lời là không. Thay vì là một cậu chàng hai mươi hai tuổi không có kinh nghiệm, nghèo kiết xác và thất nghiệp, tôi sẽ trở thành kẻ nghèo kiết xác và thất nghiệp hai mươi nhăm tuổi thiếu kinh nghiệm. Ai mà thèm bận tâm cơ chứ?
Và với giá trị ấy, rằng việc không theo đuổi những dự án của tôi là một sai lầm – chứ không phải là việc thiếu tiền, không phải là việc ngủ nhờ sofa nhà bạn hay nhà bố mẹ (mà tôi vẫn tiếp tục như thế suốt hai năm trời), lại càng không phải là một cái sơ yếu lý lịch trắng trơn.
Nghịch Lý Thất Bại/Thành Công
Khi đã lớn tuổi, Pablo Picasso(67) thường ngồi trong quán cà phê ở Tây Ban Nha, vẽ nguệch ngoạc lên một cái khăn giấy đã dùng qua. Ông khá thờ ơ với mọi sự, chỉ vẽ ra những gì làm cho ông thích thú tại thời điểm đó – giống như kiểu mấy thằng nhóc tuổi ô mai mơ hay vẽ hình bậy bạ trong buồng vệ sinh vậy – ngoại trừ việc đây là Picasso, nên cái hình bậy bạ của ông trong buồng vệ sinh trở thành một kiệt tác hội hoạ theo trường phái lập thể/ấn tượng nằm trên vệt cà phê loang.
Dù sao thì, có một người phụ nữ ngồi gần ông đã vô cùng kinh ngạc khi nhìn thấy bức vẽ. Sau một lúc, Picasso uống xong tách cà phê và vo tròn tờ giấy ăn để vứt đi trước khi ông rời quán.
Người phụ nữ ngăn ông lại. “Khoan đã,” bà gọi. “Tôi có thể lấy tờ giấy ăn ông vừa vẽ lên không ạ? Tôi sẽ trả ông tiền.”
“Được chứ,” Picasso trả lời. “Hai mươi ngàn đô.”
Người phụ nữ choáng váng như thể vừa bị ông táng cho cả cục gạch vào đầu. “Cái gì cơ? Ông chỉ mất có hai phút để vẽ nó thôi cơ mà.”
“Không đâu, thưa bà,” Picasso nói. “Tôi phải mất tới sáu mươi năm mới vẽ được nó đấy.” Ông nhét tờ giấy ăn vào túi và rời khỏi đó.
Sự tiến bộ trong bất kỳ lĩnh vực gì là thứ được tạo ra dựa trên hàng ngàn sai lầm nhỏ, và sự vĩ đại của thành công mà bạn có được là dựa trên số lần bạn thất bại ở một điểm nào đó. Nếu như có ai đó vượt trội hơn so với bạn ở một điểm nào đó, thì đó là bởi vì cô ấy đã thất bại nhiều lần hơn so với bạn. Nếu ai đó kém cỏi hơn bạn, thì là bởi vì anh ta chưa trải qua đủ những bài học đau đớn mà bạn từng đón nhận.
Nếu như bạn nhớ tới một đứa trẻ đang tập đi, thì đứa trẻ ấy sẽ phải vấp ngã và bị đau đến hàng trăm lần. Nhưng chẳng bao giờ nó dừng lại và nghĩ rằng, “Ối, mình nghĩ bước đi không phải là việc dành cho mình. Mình đâu có rành cái vụ này.”
Lảng tránh thất bại là điều mà chúng ta học được ở một thời điểm về sau này trong đời. Tôi cá là phần nhiều đến từ hệ thống giáo dục của chúng ta, thứ luôn đánh giá khắt khe chúng ta dựa trên thành tích học tập và trừng phạt những ai không có được thành tích tốt. Một phần không nhỏ khác đến từ các bậc phụ huynh độc đoán hoặc thích chỉ trích – những người không cho phép con cái họ tự mình làm rộn theo một mức độ bình thường, và thay vì vậy họ lại trừng phạt chúng vì việc thử nghiệm những cái mới hay vì không tuân theo con đường đã được định trước. Và rồi chúng ta còn có cả một hệ thống truyền thông lúc nào cũng ra rả vào tai chúng ta hết tấm gương thành công này đến tấm gương công khác, trong khi lại lờ tịt đi hàng ngàn giờ rèn luyện buồn tẻ và chán ngắt mà họ cần thực hiện trước khi đạt tới thành công.
Ở một thời điểm nào đó, hầu hết chúng ta đều đạt tới một vị trí mà ta thấy sợ hãi nếu thất bại, nơi mà ta lảng tránh thất bại một cách đầy bản năng và chỉ bám víu lấy thứ ở ngay trước mắt ta hay những gì mà ta có thể làm tốt.
Điều này giam hãm và kiềm chế chúng ta. Ta chỉ có thể thật sự thành công ở thứ mà ta sẵn lòng thất bại trước nó. Nếu như ta chưa sẵn lòng thất bại, thì ta cũng chưa sẵn sàng để thành công.
Rất nhiều sự sợ hãi trước thất bại xuất phát từ việc lựa chọn các giá trị tệ hại. Giả như, nếu tôi đánh giá bản thân mình dựa trên tiêu chí “Khiến mọi người mà tôi gặp gỡ đều yêu thích tôi,” thì tôi sẽ hoang mang lắm, bởi vì thất bại là chắc chắn 100 phần trăm luôn ấy vì nó lệ thuộc vào hành vi của những người khác, mà không nằm ở chính bản thân tôi. Tôi không nắm quyền kiểm soát trong tay; do đó giá trị bản thân tôi lại phó mặc cho sự phán xét của những người khác.
Trong khi nếu như tôi lựa chọn thước đo “Cải thiện đời sống xã hội của tôi,” tôi có thể sống theo giá trị của mình là “mối quan hệ tốt đẹp với người khác” dù cho người ta có đối xử với tôi ra sao. Giá trị bản thân của tôi được dựa trên hành vi và hạnh phúc của chính tôi.
Các giá trị tệ hại, như chúng ta đã thấy trong chương 4, liên quan tới những mục tiêu rõ ràng là nằm ngoài khả năng kiểm soát của chúng ta. Việc theo đuổi những mục tiêu như vậy sẽ dẫn tới sự bất an vô cùng lớn. Và ngay cả khi ta có thể đạt được chúng, thì chúng cũng khiến ta cảm thấy trống rỗng và vô vị, bởi vì một khi đã đạt được những mục tiêu này thì chẳng còn vấn đề gì để mà giải quyết nữa.
Những giá trị tốt đẹp hơn, như ta đã thấy, là quá trình hướng vào bản thể. Những thứ kiểu như “Bày tỏ bản thân một cách trung thực trước những người khác,” một thước đo cho cái giá trị “chân thành,” không bao giờ có thể hoàn tất; đó là một vấn đề yêu cầu ta phải liên tục bận tâm tới. Mỗi một cuộc trò chuyện mới, mỗi một mối quan hệ mới, đều mang tới những thách thức và cơ hội mới cho việc bày tỏ sự chân thành. Cái giá trị này là một quá trình liên tục, kéo dài suốt đời và khó có thể hoàn tất.
Nếu thước đo của bạn cho giá trị “thành công theo chuẩn mực của thế gian” là “Mua một ngôi nhà và một chiếc xế xịn,” và bạn bỏ ra những hai mươi năm chổng mông lên mà làm việc nhằm đạt tới điều đó, một khi đã đạt được thì thước đo ấy không thể mang lại điều gì cho bạn nữa. Rồi sau đó bạn hãy mở lời chào với cơn khủng hoảng tuổi trung niên, bởi vì vấn đề đã lèo lái bạn trong suốt quãng đời trưởng thành của mình vừa mới bị tước đi mất khỏi tay bạn. Không còn nữa những cơ hội để tiếp tục phát triển và tiến bộ hơn, và chỉ có sự phát triển mới mang lại hạnh phúc, chứ không phải là một danh sách dài cứng nhắc về những thành tích nào đó.
Theo nghĩa này, các mục tiêu, như chúng vẫn thường được đưa ra – tốt nghiệp đại học, mua một ngôi nhà bên hồ, giảm được mười cân – đều bị giới hạn trong một mức độ hạnh phúc nhất định mà chúng có thể mang lại cho cuộc đời ta. Chúng có thể hữu ích khi mà ta theo đuổi những lợi ích ngắn hạn, trong chóng vánh, nhưng nếu ta xem chúng như là định hướng cho toàn bộ bước đường đời, thì chúng thật quá tệ.
Danh hoạ Picasso cần mẫn sáng tác trong suốt cuộc đời mình. Ông sống tới hơn chín mươi tuổi và vẫn tiếp tục sáng tác cho tới những năm cuối đời. Nếu có những thước đo kiểu như là “Trở nên nổi tiếng” hay “Kiếm được hàng mớ tiền trong thế giới nghệ thuật” hay “Vẽ một ngàn bức tranh,” thì ông đã giậm chân tại chỗ vào một thời điểm nào đó rồi. Ông sẽ không vượt qua được cảm giác bất an hay sự nghi ngờ bản thân. Ông sẽ chẳng thể nào mà tiến bộ và sáng tạo ra các tác phẩm của mình trong suốt nhiều năm trời như vậy.
Lý do dẫn đến thành công của Picasso cũng chính là lý do tại sao mà, dù đã rất già rồi, ông vẫn vui vẻ ngồi một mình vẽ nguệch ngoạc lên tờ giấy ăn trong một tiệm cà phê. Đó là nhờ vào cái giá trị “bày tỏ chân thật.” Và chính điều này mới khiến cho tờ giấy ăn ấy trở nên giá trị đến thế.
Đau Khổ Là Một Phần Của Quá Trình
Vào những năm 1950, một nhà tâm lý học người Ba Lan có tên Kazimierz Dabrowski(68) đã tiến hành nghiên cứu về những người sống sót sau Thế Chiến II và việc họ đã làm thế nào để vượt qua những trải nghiệm đau đớn trong chiến tranh. Vì đó là đất nước Ba Lan(69), nên mọi việc cũng khá là khủng khiếp. Những con người này đã phải trải qua hay chứng kiến những trận chết đói tập thể, những cuộc đánh bom biến các thành phố thành những đống đổ nát, cuộc diệt chủng tàn sát người Do Thái, sự tra tấn các tù nhân trong chiến tranh, việc cưỡng hiếp và/hay sát hại các thành viên trong gia đình, nếu không phải bởi quân đội Đức Quốc xã, thì vào những năm sau này là bởi quân đội Xô Viết.
Khi Dabrowski nghiên cứu về những người còn sống sót này, ông nhận ra có điều gì đó thật đặc biệt và đáng kinh ngạc. Một tỷ lệ đáng kể những người đó tin rằng điều mà họ từng trải qua trong quãng thời gian chiến tranh, dù cho có đau đớn và khủng khiếp tới đâu, thì thực ra cũng khiến cho họ trở nên tốt đẹp hơn, sống có trách nhiệm hơn, và đúng thật là, trở thành những con người hạnh phúc hơn. Rất nhiều người miêu tả phần đời của họ trước chiến tranh như thể họ là những con người hoàn toàn khác so với sau này: không biết ơn và không trân trọng những người thân yêu của họ, lười biếng và chỉ biết quan tâm tới những vấn đề vụn vặt, tự ban cho mình đặc quyền trước những gì mà họ có được. Sau cuộc chiến họ cảm thấy tự tin hơn, chắc chắn hơn về bản thân mình, biết ơn hơn, và không còn bối rối trước những vấn đề tầm thường của cuộc sống và những phiền phức vặt vãnh.
Hiển nhiên, những gì họ đã trải qua thật kinh khủng, và những con người này chẳng vui vẻ gì khi phải nếm trải chúng hết. Rất nhiều người trong số họ vẫn còn phải chịu đựng những vết thương tinh thần do sự đả kích mà chiến tranh mang lại. Nhưng một số người đã cố gắng lợi dụng những vết thương này và biến đổi bản thân họ theo chiều hướng tích cực và mạnh mẽ.
Và họ không phải là những người duy nhất trải qua sự thay đổi hoàn toàn ấy. Với rất nhiều người trong số chúng ta, thành tựu đáng tự hào nhất của chúng ta đến từ những nghịch cảnh lớn nhất. Nỗi đau của ta thường khiến cho ta trở nên mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn, vững vàng hơn. Những người chiến thắng căn bệnh ung thư, là một ví dụ, cho biết rằng họ cảm thấy mạnh mẽ hơn và thấy biết ơn cuộc sống hơn sau khi giành chiến thắng trong cuộc chiến giành giật sự sống. Các quân nhân cho rằng họ có được sự kiên cường về mặt tinh thần nhờ vào việc trải qua những hoàn cảnh hiểm nguy khi có mặt trong vùng chiến.
Dabrowski biện luận rằng nỗi sợ hãi và lo lắng và buồn bã không phải lúc nào cũng nhất thiết là trạng thái tinh thần không đáng mong đợi và vô ích; thay vì thế, chúng thường đại diện cho sự đau đớn cần thiết dẫn tới sự phát triển về mặt tinh thần. Và chối bỏ nỗi đau đó thì cũng có nghĩa là ta đã chối bỏ những tiềm năng của mình. Giống như việc một người cần phải trải qua những đau đớn thân thể mới mong có được cơ bắp và xương cốt rắn chắc, một người cũng cần phải vượt qua những đau đớn về mặt tinh thần thì mới mong có được sự kiên cường hơn trong tinh thần, sự chắc chắn hơn về bản thân, tăng cường lòng trắc ẩn, và nói chung là một cuộc sống hạnh phúc hơn.
Những sự thay đổi triệt để nhất của chúng ta về nhận thức thường xảy ra ở cuối những khoảnh khắc tồi tệ nhất. Chỉ khi mà ta cảm thấy đau đớn tột cùng thì ta mới chịu nhìn vào hệ chân giá trị của mình và đặt ra câu hỏi tại sao chúng dường như lại không phù hợp với ta. Chúng ta cần tới một dạng khủng hoảng về sự tồn tại(70) để có được cái nhìn khách quan về việc ta chọn lựa ý nghĩa nào cho đời mình rồi mới cân nhắc tới việc thay đổi chúng.
Bạn có thể gọi nó là “xuống chó” hay “gặp phải cuộc khủng hoảng về sự tồn tại.” Còn tôi thì thích gọi nó là “rơi vào vùng bão cứt.” Cứ việc chọn lấy cái tên nào mà bạn ưng nhất.
Và có thể ngay lúc này đây bạn đang rơi vào vị trí ấy. Có thể bạn vừa mới thoát khỏi thử thách cam go nhất đời mình và thấy hoang mang bởi mọi thứ mà bạn cho là đúng và bình thường và tốt đẹp trước đây hoá ra lại hoàn toàn ngược lại.
Đấy là chuyện tốt – đó là bước khởi đầu. Tôi không thể nhấn mạnh hết điều này, nhưng nỗi đau là một phần của quá trình. Việc cảm thấy nó là rất quan trọng. Bởi vì nếu như bạn chỉ theo đuổi những cơn hưng phấn để che lấp nỗi đau, nếu như bạn cứ tiếp tục nuông chiều bản thân trong sự tự cho mình đặc quyền và những suy nghĩ tích cực đầy ảo tưởng ấy, nếu như bạn cứ tiếp tục buông thả trong các thể loại vật chất hay hoạt động nào đó, thì rồi bạn sẽ chẳng bao giờ có được động lực cần thiết để thực sự thay đổi.
Khi mà tôi còn nhỏ, bất cứ khi nào gia đình tôi mua một chiếc đầu video hay dàn loa stereo mới, tôi sẽ bấm thử vào mọi nút, lắp vào và tháo ra mọi đầu dây và mối nối, chỉ để xem mỗi thứ dùng để làm gì. Theo thời gian, tôi hiểu được cách thức vận hành của toàn bộ hệ thiết bị. Và bởi vì tôi biết quy tắc hoạt động của nó, tôi thường là người duy nhất trong nhà sử dụng các thiết bị này.
Cũng giống như nhiều đứa trẻ thuộc thế hệ Y khác, ba mẹ tôi xem tôi như thể một ca thần thánh hiển linh vậy. Với hai cụ, việc tôi có thể sử dụng được đầu máy video mà không cần phải đọc hướng dẫn sử dụng khiến tôi trở thành Tesla(71) thứ hai.
Thật dễ dàng khi nhìn lại thế hệ của ba mẹ tôi và cười vào cái sự mù công nghệ của họ. Nhưng sau này khi càng lớn hơn, tôi càng nhận ra rằng trong cuộc sống tất cả chúng ta đều có những lĩnh vực tương tự như là ba mẹ tôi với cái đầu video mới: ta cứ ngồi đó và nhìn trân trối và lắc đầu và nói, “Nhưng như thế nào cơ?” Khi mà thực ra, nó chỉ đơn giản là cứ làm điều đó mà thôi.
Tôi cứ luôn nhận được email của mọi người hỏi những câu như vậy suốt. Và qua nhiều năm, tôi vẫn không biết phải trả lời họ ra sao.
Có một cô gái có bố mẹ là dân nhập cư và tằn tiện cả cuộc đời để cho cô theo học trường y. Nhưng giờ khi cô đã vào trường y thì cô lại chán ghét nơi này; cô không muốn dành cả đời mình làm một bác sĩ, nên cô ấy muốn bỏ học hơn bất cứ điều gì khác. Và cô ấy cảm thấy bế tắc. Thực bế tắc, thành ra, cuối cùng cô ấy lại đi gửi thư cho một người lạ trên mạng (là tôi) và hỏi anh ta một câu hỏi ngớ ngẩn và quá đỗi hiển nhiên như, “Làm thế nào để tôi bỏ học trường y?”
Hay là một cậu sinh viên nọ có cảm tình với người trợ giáo. Nên anh chàng khổ sở trước mọi cử chỉ, mọi tiếng cười, mọi nụ cười, mọi cuộc chuyện phiếm, và gửi cho tôi một bức thư dài hai mươi tám trang đọc như một cuốn tiểu thuyết diễm tình và kết thúc với câu hỏi, “Làm thế nào để tôi cưa cẩm được cô ấy?” Hay một bà mẹ đơn thân có mấy đứa con giờ đã trưởng thành và tốt nghiệp đại học và nằm dài trên ghế đi-văng nhà bà, ăn đồ ăn của bà, tiêu tiền của bà, mà không thèm tôn trọng không gian riêng tư và mong muốn có được sự riêng tư của bà. Bà muốn chúng tiến lên phía trước với cuộc đời của riêng mình. Bà muốn được tiếp tục với cuộc đời của chính mình. Và bà sợ muốn chết khi phải đẩy lũ con ra xa, sợ hãi khi phải hỏi, “Tôi phải làm thế nào để bảo chúng nó ra riêng?”
Đấy đều là những câu hỏi về cái đầu video. Nhìn từ bên ngoài, câu trả lời thật là đơn giản: chỉ cần ngậm miệng vào và làm đi.
Nhưng ở trong cuộc, xét từ quan điểm của những người này, những câu hỏi như vậy thật quá đỗi phức tạp và tối tăm – những câu đố về sự sống còn được bao bọc trong sự khó hiểu được gói lại trong cái thùng KFC chứa đầy những khối rubik.
Những câu hỏi đầu máy video thật nực cười vì câu trả lời có vẻ khó khăn với bất kỳ ai gặp phải chúng mà lại quá đỗi dễ dàng đối với người ngoài.
Vấn đề ở đây là nỗi đau. Việc điền vào giấy tờ cần thiết để xin thôi học trường y quả là một hành động không hề phức tạp và quá đỗi hiển nhiên; nhưng làm cha mẹ đau lòng thì không đơn giản như thế. Mời người trợ giảng đi chơi chỉ đơn giản là việc nói ra có vài từ; nhưng đánh cược với cảm giác xấu hổ và bị từ chối thì phức tạp hơn nhiều. Yêu cầu một ai đó chuyển ra khỏi nhà bạn là một quyết định dễ hiểu; nhưng cảm thấy như thể bạn bỏ rơi con cái mình thì không dễ chịu như vậy.
Tôi đã từng vật vã với chứng sợ xã hội trong suốt quãng đời niên thiếu của mình. Tôi dành phần lớn những ngày tháng ấy để làm sao lãng bản thân với các trò chơi điện tử và hầu như mỗi đêm đều uống rượu và hút thuốc để xua tan trạng thái lo lắng vô cớ trong tôi. Trong nhiều năm, cái ý nghĩ nói chuyện với một người lạ – đặc biệt là nếu người lạ ấy có phần nào hấp dẫn/thú vị/được nhiều người yêu thích/thông minh – dường như là bất khả thi đối với tôi. Tôi cứ đi vòng quanh trong sương mù nhiều năm trời, tự hỏi mình những câu ngu ngốc về cái đầu video:
“Làm thế nào? Làm thế nào mà chỉ cần bước tới và nói chuyện với một ai đó? Làm thế nào mà người ta có thể làm được điều đó?”
Tôi có hàng đống niềm tin ngớ ngẩn về việc này, như là bạn không được phép nói chuyện với một người trừ khi bạn có được lý do chính đáng, hay là phụ nữ sẽ cho rằng tôi là thằng dâm dê bệnh hoạn nếu tôi nói nhiều đến mức như, “Xin chào.”
Vấn đề nằm ở chỗ các cảm xúc của tôi quyết định thực tại của tôi. Bởi vì có cảm giác như mọi người không muốn nói chuyện với tôi, tôi đâm ra tin rằng mọi người không muốn nói chuyện với tôi thật. Và do đó, câu hỏi về cái đầu video của tôi là: “Làm thế nào để tiến tới và nói chuyện với một người?”
Bởi vì tôi không thể phân biệt giữa những gì tôi cảm thấy với sự thật, nên tôi không thể thoát ra khỏi bản thân mình và nhìn thế giới như nó vốn dĩ vậy: một chốn đơn giản nơi hai con người có thể tiến về phía nhau và bắt chuyện vào bất cứ thời điểm nào.
Đối với nhiều người, khi họ cảm thấy đau đớn hay tức giận hay buồn bã, họ ngừng lại mọi việc và tập trung vào việc làm tê liệt bất cứ điều gì mà họ cảm thấy. Mục đích của họ là lại có thể “cảm thấy tốt đẹp” nhanh nhất có thể, ngay cả nếu như điều ấy có nghĩa là tìm đến với vật chất hay lừa dối bản thân hoặc quay trở về với những giá trị như cứt của họ.
Hãy học cách chịu đựng nỗi đau mà bạn đã lựa chọn. Khi mà bạn lựa chọn một giá trị mới, có nghĩa là bạn đang lựa chọn việc giới thiệu một nỗi đau mới với cuộc đời mình. Hãy tận hưởng nó. Thưởng thức nó. Chào đón nó bằng cả hai tay. Rồi sau đó hãy hành động bất chấp nó.
Tôi sẽ không dối gạt bạn làm gì: lúc ban đầu chuyện này sẽ khó khăn đến nỗi không tưởng nổi. Nhưng bạn có thể bắt đầu đơn giản thôi. Bạn sẽ cảm thấy như thể bạn không biết cần phải làm gì. Nhưng chúng ta đã nói tới việc này rồi: bạn không biết gì hết cả. Mà ngay cả khi mà bạn cho rằng mình có biết đi chăng nữa, thì bạn cũng chẳng biết mình đang làm cái éo gì đâu. Cho nên thực sự thì, bạn mất cái gì nào?
Cuộc đời chính là không biết và rồi vẫn cứ làm một điều gì đó. Toàn bộ cuộc đời chính là như thế. Không bao giờ thay đổi hết. Ngay cả khi mà bạn hạnh phúc. Ngay cả khi mà bạn đánh rắm ra mùi hương hạnh phúc. Ngay cả khi mà bạn trúng số độc đắc và tậu một chiếc du thuyền nhỏ, thì bạn vẫn chẳng biết là mình đang làm cái quái gì đâu. Đừng bao giờ quên nhé. Và đừng sợ nữa.
Nguyên Lý “Làm Một Điều Gì Đó”
Vào năm 2008, sau khi duy trì một công việc toàn thời gian trong tổng cộng sáu tuần, tôi hoàn toàn từ bỏ cái thứ gọi là việc làm ấy để theo đuổi sự nghiệp kinh doanh trực tuyến. Vào thời điểm đó, tôi nào có biết mình đang làm cái quái gì đâu, nhưng tôi nghĩ rằng nếu như tôi có sạt nghiệp và và chìm trong đau khổ đi chăng nữa, thì xét cho cùng tôi vẫn đang tự lực cánh sinh. Và vào thời điểm ấy, tất cả những gì mà tôi dường như thực sự quan tâm tới là chạy theo gái. Nên là, tôi quyết định mở một trang blog về chủ đề đời sống yêu đương rồ dại của mình.
Cái buổi sáng đầu tiên mà tôi thức dậy với tư cách là một kẻ ra riêng ấy, nỗi khiếp sợ nhanh chóng xâm chiếm tâm hồn tôi. Tôi thấy mình ngồi đó với cái máy tính xách tay và nhận ra, lần đầu tiên, rằng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước toàn bộ các quyết định của bản thân, cũng như là hậu quả của những quyết định đó. Tôi chịu trách nhiệm trong việc tự học cách thiết kế trang web, Internet marketing, tối ưu hoá công cụ tìm kiếm(72) (SEO), và các chủ đề khó hiểu khác. Giờ tất cả những thứ ấy đều đặt trên vai tôi. Và vì thế mà tôi đã thực hiện cái điều mà bất kỳ một kẻ hai mươi tư tuổi nào vừa mới nghỉ việc và không biết mình sẽ làm gì: tôi tải mấy trò chơi trên máy tính và tránh phải làm việc như thể nó là virus Ebola(73) vậy.
Các tuần lễ trôi qua và tài khoản ngân hàng của tôi chuyển từ vạch đen sang vạch đỏ, rõ ràng là tôi cần phải tiến tới với một chiến lược nào đó để đưa bản thân mình vào trạng thái làm việc mười-hai-giờ hay mười-bốn-giờ mỗi ngày, một việc cần thiết để công cuộc kinh doanh mới được thực thi. Và cái kế hoạch hiện ra đầy bất ngờ.
Khi tôi còn học trung học, thầy giáo Packwood dạy toán của tôi từng nói rằng, “Nếu như các em vướng mắc trước một vấn đề, thì đừng có ngồi đó và suy nghĩ về nó; hãy bắt đầu xoay sở với nó. Ngay cả khi em không biết mình đang làm cái gì đi nữa, thì hành động đơn giản của việc xoay sở với vấn đề ấy sẽ khiến cho giải pháp đúng đắn cuối cùng cũng hiện ra trong đầu em.”
Trong suốt quãng thời gian đầu tự làm chủ ấy, khi mà tôi vật vã từng ngày, hoàn toàn chẳng có lấy một chút manh mối nào về việc cần phải làm gì và khiếp sợ trước những kết quả (hoặc không có được nó), thì lời khuyên của thầy Packwood lại hiện ra trong đầu tôi. Tôi nghe thấy lời thầy như một câu thần chú:
Đừng chỉ ngồi đó. Hãy làm điều gì đó đi. Câu trả lời sẽ tới.
Trong quá trình áp dụng lời khuyên của thầy Packwood, tôi đã học được một bài học vô cùng quan trọng về động lực. Tôi phải mất đến tám năm mới thấm nhuần được cái bài học này, nhưng điều mà tôi phát hiện ra, sau hàng tháng trời dài đằng đẵng và mệt nhoài với việc rải bom thư về việc ra mắt sản phẩm mới, những mục cho lời khuyên hài hước gây cười, những đêm dài khó chịu trên đi-văng nhà bạn, thấu chi trong tài khoản ngân hàng, và hàng trăm nghìn từ được viết ra (mà hầu hết trong số chúng đều không có người đọc), có lẽ là điều quan trọng nhất mà tôi học được trong đời mình:
Hành động không chỉ là hệ quả của động cơ; mà nó còn là nguyên nhân nữa.
Hầu hết chúng ta chỉ cam kết hành động nếu như chúng ta cảm thấy sự thúc đẩy ở một mức độ nhất định. Và ta chỉ thấy có động cơ khi mà ta cảm thấy đủ xúc động về việc được truyền cảm hứng. Ta giả định rằng những bước này xảy ra theo một dạng dây chuyền phản ứng, như thế này:
Cảm xúc truyền cảm hứng → Động lực → Hành động mong muốn.
Nếu như bạn muốn thực hiện một điều gì đó mà không cảm thấy có động cơ hay cảm hứng, thì bạn kết luận rằng bạn chỉ lên cơn hâm mà thôi. Bạn chẳng thể làm gì về điều này. Cho tới khi một sự kiện quan trọng trong đời đầy xúc động diễn ra thì bạn mới có thể tập hợp đủ động lực để thực sự lê cái thân bạn ra khỏi chiếc đi-văng và làm điều gì đó.
Vấn đề về động cơ nằm ở chỗ nó không chỉ là một cái dây chuyền gồm có các mắt xích, mà là một cái vòng lặp bất tận:
Cảm hứng → Động lực → Hành động → Cảm hứng → Động lực → Hành động → Vân vân và mây mây
Các hành động của bạn dẫn đến nhiều phản ứng về mặt cảm xúc và cảm hứng hơn và tiếp tục thúc đẩy các hành động của bạn trong tương lai. Có được lợi thế từ sự hiểu biết này, chúng ta có thể thực sự tái định hướng tâm trí mình theo cách như sau:
Hành động → Cảm hứng → Động lực
Nếu như bạn thiếu đi mất động lực để thực hiện một sự thay đổi quan trọng trong đời mình, hãy làm điều gì đó – bất cứ điều gì, thật đấy – và rồi khai thác sự phản ứng lại trước hành động đó như một cách thức để bắt đầu tạo động lực cho bản thân.
Tôi gọi đó là nguyên lý “làm một điều gì đó.” Sau khi tôi tự áp dụng nó để thực hiện dự án kinh doanh của mình, tôi bắt đầu truyền thụ nó tới các độc giả đang bối rối đến với tôi với câu hỏi về cái đầu video của họ: “Làm thế nào để tôi xin được việc?” hay “Làm thế nào để tôi có thể bày tỏ với anh ấy rằng tôi muốn được làm bạn gái của ảnh?” và những điều tương tự như thế.
Trong vài năm đầu tôi tự “ra riêng”, hàng tuần liền trôi qua mà tôi chẳng đạt được thành quả gì nhiều, chính vì thế mà tôi lo lắng và căng thẳng về những gì tôi phải làm, và thật quá dễ dàng để trì hoãn mọi chuyện. Dù vậy, tôi nhanh chóng học được rằng, phải tự ép buộc bản thân làm điều gì đó, ngay cả những việc trâu chó nhất, sẽ sớm khiến những nhiệm vụ lớn hơn trở nên dễ dàng hơn nhiều. Nếu như tôi cần phải thiết kế lại toàn bộ trang web, tôi sẽ buộc mình ngồi xuống và nói, “Được rồi, bây giờ mình chỉ cần thiết kế phần header thôi.” Nhưng sau khi hoàn tất phần header, tôi thấy mình bắt đầu chuyển sang các phần khác của trang web. Và trước cả khi tôi kịp nhận ra, tôi đã được tiếp sức và say sưa với dự án này rồi.
Tác giả Tim Ferriss(74) có kể một câu chuyện mà anh từng nghe được về một nhà văn nọ đã viết tới bảy mươi cuốn tiểu thuyết. Khi ai đó hỏi nhà văn về việc làm sao mà ông ấy có thể viết một cách bền bỉ và luôn ở trong trạng thái có cảm hứng và động lực như thế. Ông ấy trả lời, “Hai trăm từ dở ẹc mỗi ngày, thế thôi.” Ý tưởng ở đây là nếu như ông ấy tự ép mình viết mỗi ngày hai trăm từ dở tệ, thì sớm hay muộn hành động viết lách này sẽ mang lại cho ông cảm hứng; và trước khi mà ông kịp nhận ra, ông đã có tới hàng nghìn từ trên trang giấy rồi.
Nếu như ta tuân theo nguyên lý “làm một điều gì đó,” thì sai lầm không còn quan trọng nữa. Khi mà tiêu chuẩn của sự thành công trở thành hành động đơn thuần – khi mà bất kỳ một kết quả nào đều được xem như là một sự tiến bộ và trọng yếu, khi mà cảm hứng được nhìn nhận như là một phần thưởng thay vì điều kiện tiên quyết – chúng ta thúc đẩy bản thân mình tiến về phía trước. Chúng ta sẽ không thấy sợ hãi trước việc mắc phải sai lầm, và những thất bại ấy sẽ đưa ta tiến về phía trước.
Nguyên lý “làm một điều gì đó” không chỉ giúp cho ta chiến thắng được sự trì hoãn, mà nó còn là quá trình giúp ta chấp nhận những giá trị mới. Nếu như bạn đang bơi giữa cơn bão cứt và mọi thứ đều xem chừng vô nghĩa – nếu như mọi phương thức mà bạn từng sử dụng để đánh giá bản thân đều không hiệu quả và bạn không biết cần phải làm gì tiếp theo, nếu như bạn biết rằng bạn đã làm tổn thương bản thân khi cứ mải miết chạy theo một giấc mơ sai lầm, hay nếu như bạn biết rằng còn có những thước đo khác tốt đẹp hơn mà bạn nên sử dụng để đánh giá bản thân nhưng bạn không biết đó là gì – thì câu trả lời chỉ có một:
Hãy làm một điều gì đó.
Cái “điều gì đó” này có thể là hành động nhỏ nhất hướng tới một điều gì đó khác. Nó có thể là bất cứ điều gì.
Nhận ra rằng bạn là một kẻ ngu ngốc tự cho mình đặc quyền trong tất cả các mối quan hệ và muốn bắt đầu dành nhiều tình thương hơn cho những người khác? Hãy làm một điều gì đó. Hãy bắt đầu đơn giản thôi. Hãy đề ra một mục tiêu như là lắng nghe về vấn đề của một ai đó và dành ra một chút ít thời gian của bạn để giúp đỡ người đó. Chỉ cần làm điều ấy một lần thôi. Hay tự hứa với bản thân bạn rằng bạn sẽ giả định rằng bạn là nguồn gốc của các vấn đề của bản thân khi thấy bực bội lần tới. Bạn cứ thử nghiệm với cái ý tưởng ấy đi và nhìn xem nó có cảm giác ra sao.
Đó thường là tất cả những gì cần thiết để khiến cho hòn tuyết lăn, là hành động cần thiết để thôi thúc việc tiếp tục tiến lên. Bạn có thể trở thành nguồn cảm hứng của chính mình. Hành động luôn luôn nằm trong tầm với. Và chỉ với việc đơn giản làm một điều gì đó như là thước đo duy nhất của bạn đối với thành công – ồ, vậy thì ngay cả những sai lầm nữa cũng sẽ thúc bạn tiến về phía trước.