Nghệ Thuật Tinh Tế Của Việc Đếch Quan Tâm - Chương 08
Chương 8
Tầm Quan Trọng Của Việc Nói Không
NĂM 2009, tôi thu thập toàn bộ tài sản của mình, bán chúng đi hoặc đưa đi lưu kho, rời khỏi căn hộ của tôi, và bay tới Nam Mỹ. Vào thời điểm đó trang blog nho nhỏ tư vấn về tình yêu đôi lứa của tôi thu hút được một lượng người xem kha khá và tôi đã kiếm được một số tiền khiêm tốn nhờ vào việc bán sách bản PDF và các khoá học trực tuyến. Tôi lên kế hoạch dành toàn bộ mấy năm tiếp theo sống ở nước ngoài, trải nghiệm những nền văn hoá mới, và tận dụng lợi thế của mức sống thấp hơn ở những quốc gia đang phát triển như châu Á và châu Mỹ La Tinh để tiếp tục phát triển việc kinh doanh. Đấy là một giấc mơ du cư thời đại số và với một kẻ-tìm-kiếm-sự-phiêu-lưu-hai-mươi-lăm-tuổi, đó chính xác là những gì tôi mong muốn trong cuộc sống này.
Nhưng dù cái kế hoạch của tôi có hấp dẫn và quả cảm ra sao, không phải tất cả những giá trị thúc đẩy tôi tới lối sống du mục kiểu này đều lành mạnh cả. Dĩ nhiên, tôi cũng có duy trì được một vài những giá trị tốt đẹp – niềm khao khát được ngắm nhìn thế giới, sự ham hiểu biết về con người và nền văn hoá, lòng tìm kiếm sự mạo hiểm theo đúng tinh thần truyền thống. Nhưng vẫn còn đó những điều đáng xấu hổ ẩn dưới tất cả những thứ khác. Vào lúc ấy tôi khó lòng nhìn ra được điều đó, nhưng nếu như tôi hoàn toàn thành thật với bản thân, tôi sẽ thấy có một giá trị rất dở bị che giấu, ở đâu đó bên dưới bề mặt. Tôi không thể nhìn ra điều đó, nhưng trong những thời điểm tĩnh lặng khi tôi hoàn toàn thành thật với bản thân mình, tôi có thể cảm nhận được nó.
Đi cùng với việc tự cho mình đặc quyền trong suốt những năm hai mươi tuổi của tôi, “ca chấn thương thật cứt” của thời niên thiếu đã để lại cho tôi một mớ những vấn đề về sự cam kết. Tôi đã dành ra vài năm cố gắng bù lại quá đà cho việc không thể thích nghi và chứng sợ xã hội của những năm thiếu thời, và kết quả là tôi cảm thấy như mình có thể gặp được bất kỳ ai mà tôi muốn, kết bạn với bất kỳ ai mà tôi muốn, yêu bất kỳ ai mà tôi muốn, ngủ với bất kỳ ai mà tôi muốn – vậy thì tại sao tôi lại phải gắn bó với một người duy nhất, hay một nhóm xã hội duy nhất, hay là một thành phố duy nhất hoặc một đất nước duy nhất hoặc nền văn hoá duy nhất? Nếu như tôi có thể trải nghiệm mọi thứ ngang nhau, vậy thì tôi nên trải nghiệm tất cả những thứ ấy như nhau, đúng không?
Được trang bị với thứ cảm giác vĩ đại về sự liên kết với thế giới này, tôi nhảy tới nhảy lui giữa các quốc gia và đại dương trong trò chơi ô ăn quan thế giới suốt năm năm trời. Tôi đặt chân tới năm mươi lăm quốc gia, kết bạn với hàng đống người, và rơi vào vòng tay của vô số người tình – tất cả bọn họ đều nhanh chóng bị thay thế và một vài trong số đó thì bị lãng quên ngay trong chuyến bay kế tiếp tới đất nước kế tiếp.
Đó là một cuộc sống kỳ lạ, đầy những trải nghiệm diệu kỳ, mở rộng tầm mắt và cũng vô cùng hời hợt được kiến tạo ra để làm tê liệt nỗi đau bị che giấu trong tôi. Hồi ấy nó dường như vừa sâu sắc mà lại vừa vô nghĩa, và đến giờ vẫn vậy. Một trong những bài học vĩ đại nhất trong cuộc đời tôi và cả những thời khắc hình thành nhân cách nữa đã diễn ra trong khoảng thời gian này. Nhưng một trong những sự phí hoài lớn nhất về thời gian và sinh lực của đời tôi cũng sinh ra từ đó.
Hiện tôi đang sống ở New York. Tôi có một căn hộ và đồ đạc nội thất và cái hoá đơn tiền điện phải trả và một người vợ. Chẳng có gì trong số đó là quyến rũ hay hấp dẫn cả. Và tôi thích mọi việc vận hành như thế. Bởi vì sau tất cả từng ấy năm sống đầy hứng khởi, bài học lớn nhất mà tôi thu được từ những chuyến phiêu lưu chính là: tự do tuyệt đối, tự thân nó, không có nghĩa lý gì hết.
Tự do mang đến cơ hội cho những ý nghĩa lớn hơn, nhưng bản thân nó thì không nhất thiết phải có nghĩa. Rốt cuộc, cách duy nhất để có được ý nghĩa và cảm giác về tầm quan trọng trong cuộc đời một người là thông qua một sự loại bỏ bớt các khả năng, một sự thu hẹp của tự do, một lựa chọn gắn kết với một nơi chốn, một niềm tin, hay (nuốt khan) một con người.
Sự nhận thức này dần dần đến được với tôi trong những năm tháng tôi đi đó đi đây. Cũng như hầu hết những sự thừa thãi khác trong đời sống, bạn cần phải đắm chìm vào trong đó để rồi nhận ra chúng không khiến cho bạn hạnh phúc. Đối với tôi việc xê dịch chính là như vậy đấy. Khi mà tôi đắm mình vào đất nước thứ năm mươi ba, năm mươi tư, năm mươi lăm, tôi bắt đầu hiểu ra rằng trong khi toàn bộ những trải nghiệm của tôi thật là thú vị và tuyệt vời, chỉ rất ít trong số chúng mới thực sự có ý nghĩa dài lâu. Trong lúc bạn bè tôi ở nhà đã ổn định cuộc sống với hôn nhân, mua nhà, và đầu tư thời gian của họ cho những công ty thú vị hay mục tiêu chính trị, thì tôi vẫn loạng choạng từ cơn hưng phấn này sang cơn hưng phấn khác.
Năm 2011, tôi đặt chân tới Saint Petersburg, nước Nga. Thức ăn ở đó dở tệ. Thời tiết thì kinh khủng. (Tuyết rơi vào tháng Năm á? Bạn đang đùa tôi cái ‘beep’ đấy à?) Cái căn hộ nơi tôi ở cũng tệ không kém. Chẳng có cái quái gì ra hồn cả. Giá cả của mọi thứ thì như cắt cổ con nhà người ta. Và dân bản địa thì thô lỗ mà lại còn bốc mùi ngộ lắm. Chẳng ai biết cười và tất cả đều uống như hũ chìm. Vâng, tôi mê chốn này lắm. Đó là một trong những chuyến đi yêu thích của tôi.
Nước Nga có một thứ văn hoá thẳng thắn dễ làm phiền lòng những người Tây phương. Ở đấy không có cái kiểu tử tế giả tạo và một mớ những ngôn từ lịch sự. Bạn không cười với người lạ hay vờ vịt thích thú những điều mà thực ra bạn không hề thấy thế. Trên đất Nga, nếu có thứ gì đó thật ngu ngốc, thì bạn sẽ nói rằng nó ngu vãi. Nếu ai đó cư xử không ra gì, thì bạn sẽ bảo với hắn rằng hắn là một thằng khốn. Nếu như bạn thực lòng thích một ai đó và hai bạn có với nhau một buổi tối vui vẻ, thì bạn sẽ bảo với cô ấy rằng bạn thích cô ấy và tối nay thật là vui. Chẳng hề gì nếu đó là một người bạn, một người lạ, hay một ai đó mà bạn mới vừa gặp trên phố vào năm phút trước.
Tuần đầu tiên tôi phát hiện ra toàn bộ điều này cũng chẳng dễ chịu gì. Tôi có hẹn cà phê cà pháo với một cô nàng người Nga, và trong vòng ba phút kể từ khi mới ngồi xuống cô ấy nhìn tôi lạ lắm và bảo với tôi rằng những lời tôi nói thật là ngu. Tôi gần như là sặc cả thứ nước mình đang uống. Không hề có ý gây hấn gì trong lời nói của cô ấy; nó được nói ra như thể đó là một việc rất thông thường – như là tình hình thời tiết vào ngày hôm đó, hay cỡ giày của cô ấy vậy – cơ mà tôi vẫn sốc. Rốt cuộc, ở phương Tây sự bộc trực như thế được xem như là cố tình gây sự, đặc biệt là từ một người mà bạn vừa mới gặp. Nhưng ở đây ai cũng cư xử như vậy hết. Mọi người đều thô lỗ trong mọi thời điểm, và kết quả là, cái tâm hồn được nuôi dưỡng bên trời Tây của tôi cảm thấy như thể chịu tấn công từ mọi phía. Sự bất an dai dẳng triền miên bắt đầu nổi lên trên bề mặt trong những tình huống mà chúng chưa hề tồn tại trong nhiều năm.
Nhưng rồi nhiều tuần lễ trôi qua, tôi bắt đầu quen dần với sự thẳng thắn của người Nga, cũng như là những buổi hoàng hôn lúc nửa đêm(75) và rượu vodka trôi xuống bụng như là nước đá. Và rồi tôi bắt đầu cảm kích nó vì bản chất thực sự của nó: sự bộc lộ thuần khiết. Sự chân thật trong ý nghĩa đúng đắn nhất của ngôn từ. Sự giao tiếp mà không cần đến các điều kiện, không ràng buộc, không động cơ, không vì mục đích bán hàng, không vì để được yêu thích.
Vì một lý do nào đó, sau nhiều năm chu du, đấy có lẽ là nơi chốn không-hề-Mỹ nhất mà lần đầu tiên tôi được nếm trải hương vị của tự do: cái khả năng nói ra bất kỳ điều gì mà tôi nghĩ hay cảm thấy, mà không hề cảm thấy sợ hãi về hậu quả. Đó là một hình thái lạ kỳ của sự tự do thông qua việc chấp nhận sự cự tuyệt. Là người luôn thèm khát cái thể loại bày tỏ thẳng thắn như thế này trong phần lớn cuộc đời mình – đầu tiên là bởi sự dồn nén cảm xúc trong gia đình, rồi sau này là bởi sự phô bày giả tạo về sự tự tin được sắp đặt dàn dựng một cách tỉ mỉ – tôi đắm chìm trong nó như thể, ồ, như thể đó là thứ rượu vodka ngon lành nhất mà tôi từng được nếm. Một tháng tôi ở Saint Petersburg trôi qua trong nháy mắt, và đến cuối thì tôi thật chẳng muốn rời đi.
Xê dịch có thể là một công cụ phát triển bản thân tuyệt vời, bởi vì nó giải thoát bạn khỏi hệ giá trị của nền văn hoá mà bạn đang sống và chỉ cho bạn thấy rằng xã hội khác có thể sống với những giá trị hoàn toàn khác biệt mà vẫn vận hành tốt và không hề chán ghét bản thân nó vì thế. Sự tiếp xúc với những giá trị và thước đo văn hoá hoàn toàn khác biệt ấy buộc bạn phải kiểm tra lại những gì có vẻ như là hiển nhiên trong cuộc đời bạn và nghĩ lại rằng có lẽ đó không nhất thiết phải là cách tốt nhất để sống đời sống này. Trong trường hợp này, nước Nga đã buộc tôi phải xem xét lại cái lối giao tiếp nhảm nhí, giả vờ tử tế đã quá đỗi phổ biến trong nền văn hoá Anglo, và tự đặt ra cho mình câu hỏi rằng liệu có phải điều này theo một cách nào đó đã khiến cho chúng ta cảm thấy bất an về nhau và khiến cho việc xích lại gần nhau trở nên thật gian nan.
Tôi nhớ rằng mình từng bàn luận về cái sự đối lập này với ông giáo người Nga của tôi vào một ngày nọ, và ông ấy đã đưa ra một lập luận rất thú vị. Đã sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa qua nhiều thế hệ, với việc gần như không có được cơ hội kinh tế và bị giam cầm trong một nền văn hoá của sự sợ hãi, xã hội Nga nhận thấy thứ tiền tệ có giá trị nhất là lòng tin. Và để xây dựng được lòng tin thì bạn cần phải trung thực. Điều này có nghĩa là khi mà sự việc không được hay ho cho lắm, bạn cứ việc trình bày thẳng thắn và không cần phải ngại bố con thằng nào. Những người mà bày tỏ sự thật mất lòng có thể sẽ được tưởng thưởng như là một bằng chứng đơn giản cho việc họ vô cùng quan trọng cho việc sống còn – bạn cần phải biết ai xứng đáng để mình trông cậy vào hoặc là không, và bạn cần phải nhận biết điều này thật nhanh.
Nhưng, trong thế giới phương Tây “tự do,” thầy giáo người Nga của tôi tiếp tục, có vô số cơ hội kinh tế – quá nhiều các cơ hội về kinh tế là đằng khác, thành ra sẽ giá trị hơn nhiều khi thể hiện bản thân bạn theo một cách thức nhất định, dù là giả dối đi chăng nữa, còn hơn là thành thành thật thật. Lòng tin đã mất đi giá trị của nó. Vẻ bề ngoài và nghệ thuật bán hàng trở thành hình thái diễn đạt mang lại lợi thế hơn. Việc quen biết hời hợt nhiều người thì có lợi hơn so với việc thân thiết với chỉ một số ít người.
Vì lẽ đó mà nó trở thành quy chuẩn trong nền văn hoá phương Tây khi mỉm cười và nói những điều lịch sự ngay cả khi bạn không cảm thấy như vậy, khi sử dụng những lời nói dối nho nhỏ vô hại và đồng ý với người khác dù thực ra bạn thấy bất đồng quan điểm. Vì lẽ đó mà con người ta lại học cách để giả vờ làm bạn bè với những người mà họ không thực sự yêu quý, mua những thứ mà họ không thật sự cần. Hệ thống kinh tế của chúng ta đang xúc tiến cho cái sự dối trá này.
Mặt tiêu cực của điều này nằm ở chỗ, bạn không bao giờ biết, trong xã hội phương Tây, rằng liệu bạn có thể hoàn toàn tin tưởng người đang nói chuyện cùng mình hay không. Đôi khi đây là vấn nạn xảy ra ngay cả giữa vòng bạn bè thân thiết và các thành viên gia đình. Cái sức ép rằng cần phải được yêu thích ở xã hội phương Tây khiến mọi người thường nguỵ trang cá tính chân thật của họ tuỳ thuộc vào việc người đang đối diện với họ là ai.
Từ Chối Khiến Cuộc Đời Bạn Tốt Đẹp Hơn
Là chất phụ gia cho nền văn hoá tích cực/tiêu dùng của chúng ta, nhiều người trong chúng ta đã bị “thấm nhuần” với cái niềm tin rằng ta nên cố gắng để được chấp nhận và khẳng định hết mức có thể. Đây chính là nền tảng của nhiều cuốn sách được gọi là tư duy tích cực: cởi mở bản thân trước những cơ hội, được chấp nhận, nói có với tất cả mọi thứ và tất cả mọi người, vân vân.
Nhưng chúng ta cần phải từ chối một thứ gì đó. Nếu không thì, chúng ta không chấp nhận điều gì hết cả. Nếu không có gì là tốt hơn hay đáng ao ước hơn so với bất cứ điều gì khác, thì chúng ta sẽ thấy thật trống rỗng và cuộc đời ta thật vô nghĩa. Chúng ta không có lấy cho mình một giá trị nào hết cả và do đó mà ta sống một cuộc đời vô mục đích.
Việc lảng tránh sự chối từ (cả đưa ra và nhận lấy nó) thường đến với chúng ta bằng cách khiến cho ta cảm thấy tốt đẹp hơn. Nhưng việc lảng tránh sự chối từ ấy mang tới cho ta cảm giác thoả mãn trong ngắn hạn bằng cách khiến cho ta không có định hướng về lâu dài.
Để thật sự hiểu rõ giá trị của một điều gì đó, bạn cần phải hạn chế bản thân mình với nó. Bạn có thể đạt tới mức độ niềm vui và ý nghĩa nhất định trong cuộc sống chỉ khi mà bạn dành ra hàng chục năm trời để đầu tư vào một mối quan hệ duy nhất, một công việc duy nhất, một sự nghiệp duy nhất. Và bạn không thể thu hoạch được gì từ những thập kỷ đầu tư đó mà không cự tuyệt những sự lựa chọn khác.
Hành động lựa chọn một giá trị cho bản thân bạn đòi hỏi việc từ chối lựa chọn các giá trị thay thế. Nếu như tôi lựa chọn việc khiến cho hôn nhân trở thành phần quan trọng nhất đời tôi, thì điều ấy có nghĩa là tôi (có lẽ) lựa chọn việc không lấy các cuộc truy hoan với rượu mạnh và ma tuý làm lẽ sống đời mình. Nếu như tôi lựa chọn việc đánh giá bản thân mình dựa trên khả năng có tình bạn thân thiết và cởi mở, thì điều đó có nghĩa là tôi từ chối việc đối xử tệ bạc với bạn bè mình phía sau lưng họ. Đó đều là những quyết định lành mạnh, và chúng vẫn đòi hỏi sự cự tuyệt trong mọi lúc.
Quan điểm ở đây là: tất cả chúng ta đều cần phải quan tâm tới một điều gì đó, mới có thể trân trọng một điều gì đó. Và để trân trọng một điều gì đó, chúng ta phải nói không với những thứ không phải là điều gì đó. Để trân trọng X, chúng ta cần phải nói không với những thứ không-phải-X.
Sự chối bỏ này là phần cố hữu và cần thiết cho việc duy trì hệ giá trị của chúng ta, và do đó là bản sắc cá nhân của ta. Chúng ta là những gì mà chúng ta lựa chọn để nói không. Và nếu như chúng ta không từ chối bất kỳ điều gì (có thể là bởi nỗi sợ hãi bản thân chúng ta sẽ bị từ chối bởi điều gì đó), thì chúng ta về cơ bản là hoàn toàn không có nổi bản sắc cá nhân của riêng mình.
Cái khao khát lảng tránh sự chối từ bằng mọi giá, lảng tránh sự đối đầu và mâu thuẫn, cái khao khát nỗ lực để chấp nhận mọi thứ như nhau và để khiến cho mọi thứ gắn kết và hài hoà với nhau, là một dạng thức sâu xa và tinh tế của sự tự cho mình đặc quyền. Những người tự cho mình đặc quyền, bởi vì họ cảm thấy như thể họ xứng đáng được cảm thấy tốt đẹp ở mọi thời điểm, lảng tránh việc từ chối bất cứ điều gì bởi vì làm như vậy có thể sẽ khiến họ hay ai đó cảm thấy thật tệ. Và bởi vì họ từ chối việc từ chối bất cứ điều gì, họ sống một cuộc đời vô giá trị, bị chi phối bởi niềm vui thú, và chỉ biết đến mình. Tất cả những gì mà họ bận tâm tới là duy trì cơn hưng phấn thêm một chút ít nữa, nhằm lảng tránh những sai lầm không thể tránh khỏi của cuộc đời họ, nhằm giả vờ rằng nỗi đau khổ đã biến mất.
Sự từ chối là một kỹ năng sống quan trọng và cốt yếu. Không một ai lại muốn bị mắc kẹt trong một mối quan hệ không mang lại hạnh phúc. Không ai muốn bị mắc kẹt với một công việc mà mình căm ghét và không tin vào nó. Không ai muốn cảm thấy rằng họ không thể nói ra điều mình thật sự muốn nói.
Nhưng mọi người vẫn lựa chọn những điều này. Mọi lúc.
Thành thực là niềm khao khát tự nhiên của con người. Nhưng một phần của việc sở hữu tính trung thực trong cuộc đời chúng ta là thoải mái với việc nói và nghe từ “không.” Theo đó, sự từ chối thực sự khiến cho các mối quan hệ của ta trở nên tốt đẹp hơn và đời sống tình cảm của ta lành mạnh hơn.
Các Giới Hạn
Ngày xửa ngày xưa, có hai bạn trẻ nọ, một chàng và một nàng. Gia tộc của họ thù hằn lẫn nhau. Nhưng chàng trai lén tham dự một bữa tiệc do gia đình của cô gái tổ chức bởi vì chàng kể ra cũng là một thằng điên. Cô gái nhìn thấy chàng trai, và các thiên thần ca hát líu lo bên tai nàng để rồi nàng đem lòng yêu chàng ngay tắp lự. Chỉ thế mà thôi. Và rồi chàng lẻn vào khu vườn nhà nàng và họ quyết định sẽ cưới nhau vào ngày hôm sau, bởi vì, bạn biết đấy, điều này cũng dễ hiểu thôi, nhất là khi ba mẹ hai bên rất muốn giết nhau. Chúng ta cứ nhảy cóc sang vài ngày sau đó. Gia đình đôi trẻ phát hiện ra việc kết hôn và làm ầm ĩ một trận ra trò. Mercutio chết. Cô gái đau khổ đến độ nàng đã hớp một ngụm mê dược khiến cho nàng ngủ mê trong hai ngày. Nhưng, thật trớ trêu làm sao, đôi bạn trẻ vẫn chưa học được tầm quan trọng của việc trao đổi hoà hợp trong hôn nhân, và cô gái trẻ hoàn toàn quên béng mất việc phải bàn chuyện này với người chồng mới cưới của mình. Chàng trai trẻ vì thế đã lầm tưởng rằng tình trạng hôn mê giả của vợ mới cưới là tự vẫn. Vì lẽ đó mà chàng sun hết cả vòi lại và chàng tự sát, cho rằng chàng sẽ đi cùng nàng đến thế giới bên kia hay mấy cái cứt tương tự như thế. Nhưng rồi khi nàng tỉnh giấc vào hai ngày sau đó, chỉ để hay tin rằng chồng nàng đã chết, nên nàng cũng có chung ý nghĩ với chàng và cũng tự vẫn luôn. Câu chuyện đến đây là hết.
Romeo và Juliet đồng nghĩa với sự “lãng mạn” trong nền văn hoá đương thời của chúng ta. Nó được xem như là câu chuyện tình yêu của nền văn hoá các nước nói tiếng Anh, một sự lý tưởng về mặt tình cảm để vươn tới. Nhưng khi bạn thật sự đào sâu vào nội dung câu truyện, thì mấy cái đứa ranh này đúng là điên mẹ nó rồi. Bằng chứng là chúng nó đua nhau tự sát đấy thôi!
Rất nhiều học giả nghi ngờ rằng ông Shakespeare viết Romeo và Juliet không phải là để ngợi ca tình yêu lãng mạn, mà là để chế nhạo nó, để chỉ ra rằng nó mới thật điên rồ làm sao. Ông ấy không có ý định biến vở kịch thành một sự ngợi ca tình yêu. Thực ra, ông ấy mong muốn điều ngược lại: một cái bảng neon to đùng nhấp nháy dòng chữ TRÁNH XA, với dải băng màu vàng mà cánh cảnh sát vẫn thường dùng trong các vụ trọng án với dòng chữ KHÔNG ĐƯỢC BƯỚC QUA.
Trong phần lớn lịch sử nhân loại, tình yêu lãng mạn không có được ca tụng như hiện nay. Thực ra, cho tới tận khoảng giữa thế kỷ mười chín, tình yêu vẫn được xem như là không cần thiết và là một chướng ngại có khả năng đe doạ tới nhiều thứ quan trọng khác trong cuộc sống – bạn biết đấy, như là cần cù làm ruộng này và/hoặc kết hôn với một anh chàng có rất nhiều cừu này. Những người trẻ tuổi thường bị ép buộc lánh xa những đam mê tình ái vì những cuộc hôn nhân thực dụng về mặt kinh tế sẽ mang lại sự đảm bảo cho bản thân cũng như cho gia đình họ.
Nhưng ngày nay, đầu óc của tất cả chúng ta đều bị ám ảnh với thứ tình yêu điên rồ nhảm nhí này. Nó thống trị nền văn hoá của chúng ta. Và câu chuyện càng mùi mẫn thì lại càng hay. Dù đó là Ben Affleck(76) tìm cách phá huỷ một hành tinh nhỏ để cứu cái hành tinh mà người con gái anh ta yêu đang sinh sống, hay là Mel Gibson(77) giết hại hàng trăm người Anh và tưởng tượng ra cảnh người vợ của mình bị hãm hiếp và bị sát hại trong lúc bị tra tấn đến chết, hay nàng tiên từ bỏ sự bất tử của mình để ở bên chàng Aragorn(78) trong Chúa tể của những chiếc nhẫn, hoặc là những bộ phim hài tình cảm lãng mạn ngớ ngẩn nơi Jimmy Fallon từ bỏ tấm vé trận lượt về của đội Red Sox bởi vì thứ mà Drew Barrymore thích, cần hay là gì đó(79).
Nếu cái thể loại tình yêu lãng mạn này mà là ma tuý thật, thì như là một thứ văn hoá chúng ta sẽ giống như là Tony Montana trong Scarface vậy: chôn mặt chúng ta vào cả núi cái thứ khốn nạn ấy, rồi gào lên, “Chào anh bạn nhỏ-ỏ-ỏ của tao đi nào!”
Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta nhận thấy tình yêu lãng mạn chính là một loại ma tuý. Giống như thế, cũng đáng sợ không kém gì ma tuý. Cũng như vậy, kích thích các vùng trong não bạn không khác gì ma tuý. Cũng vậy, khiến bạn hưng phấn và khiến bạn cảm thấy tốt đẹp trong thoáng chốc nhưng cũng gây ra không biết bao nhiêu là rắc rối khi mà nó qua đi, hệt như là ma tuý vậy.
Hầu hết các yếu tố của tình yêu lãng mạn mà chúng ta theo đuổi – các cảm xúc về sự yêu thích diễn ra đầy kịch tính và làm ta chóng hết cả mặt, và những bước thăng trầm đầy hỗn loạn – thật chẳng phải là sự biểu lộ của một tình yêu lành mạnh, thuần tuý gì cho cam. Thực ra, chúng chỉ là một dạng thức khác của việc tự cho mình đặc quyền nằm bên dưới một mối quan hệ với người khác mà thôi.
Tôi biết: điều này khiến cho tôi thật giống như một kẻ bi quan. Nghiêm túc mà nói, có ai đời lại đi vãi cứt vào tình yêu lãng mạn như thế này không? Nhưng hãy nghe tôi nói này.
Sự thật là, trên đời có những dạng thức lành mạnh của tình yêu và cũng có cả những dạng tình yêu không lành mạnh nữa. Tình yêu không lành mạnh được xây dựng dựa trên việc hai con người cố gắng trốn thoát khỏi vấn đề của bản thân họ thông qua những cảm xúc của mình dành cho người kia – hay nói cách khác, họ lợi dụng nhau như là một phương tiện để trốn tránh thực tại ấy. Còn tình yêu lành mạnh thì được xây dựng dựa trên việc hai con người nhận biết và xác định những vấn đề của mình cùng với sự trợ giúp của người kia.
Sự khác biệt giữa một mối quan hệ lành mạnh và không lành mạnh nằm ở hai yếu tố: 1) mỗi người trong mối quan hệ ấy chấp nhận trách nhiệm ra sao, và 2) sự sẵn lòng của mỗi người trong việc từ chối và nhận lấy lời từ chối của người kia.
Ở bất cứ nơi nào có sự hiện diện của một mối quan hệ thiếu lành mạnh hay độc hại, thì sẽ tồn tại một cảm giác trách nhiệm nghèo nàn và lỏng lẻo từ cả hai phía, và do đó sẽ không có khả năng để trao và/hoặc nhận sự từ chối. Ở bất cứ nơi nào mà mối quan hệ lành mạnh và yêu thương tồn tại, thì sẽ có những ranh giới rõ ràng giữa hai người và cả những giá trị của họ, và do đó sẽ là đại lộ thênh thang cho việc trao và nhận sự từ chối khi cần thiết.
Khi nói tới từ “ranh giới” tôi hàm ý về trách nhiệm của hai người đối với các vấn đề của bản thân họ. Những người ở trong một mối quan hệ lành mạnh với những ranh giới vững vàng sẽ lãnh trách nhiệm trước các giá trị và vấn đề của bản thân họ và không chịu trách nhiệm cho các giá trị và vấn đề của người yêu. Những người ở trong một mối quan hệ độc hại với những ranh giới nghèo nàn hoặc không có ranh giới thì sẽ thường xuyên trốn tránh trách nhiệm trước những vấn đề của riêng họ và/hoặc lãnh trách nhiệm cho những vấn đề của người mình yêu.
Thế những ranh giới nghèo nàn thì nom ra sao? Dưới đây là một vài ví dụ:
“Cô/Anh không được phép đi đàn đúm với đám bạn của mình mà không có tôi đi cùng. Cô/Anh biết là tôi ghen thế nào rồi đấy. Cô/Anh phải ở nhà với tôi.”
“Đám đồng nghiệp của tôi là một lũ dốt nát; bọn họ luôn khiến tôi phải trễ họp vì tôi cứ phải dạy bọn họ cần làm việc như thế nào.”
“Tôi không thể tin được anh lại khiến tôi cảm thấy ngu ngốc trước mặt chị mình như thế. Đừng có bao giờ tranh luận với tôi ở trước mặt chị ấy nữa!”
“Tôi rất muốn nhận cái công việc ở Milwaukee ấy, nhưng mà mẹ sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho tôi mất nếu tôi chuyển tới một nơi xa thế.”
“Em có thể hẹn hò với anh, nhưng anh đừng nói với cô bạn Cindy của em được không? Cô ấy sẽ cảm thấy lo lắng khi em có bạn trai còn cô ấy thì không.”
Trong mỗi một kịch bản, người đó hoặc là gánh trách nhiệm trước những vấn đề/cảm xúc không phải của bản thân họ, hoặc đòi hỏi một ai đó khác phải chịu trách nhiệm cho những vấn đề/cảm xúc của họ.
Nhìn chung, những người tự cho mình đặc quyền bị rơi vào một trong hai cái bẫy trong các mối quan hệ của mình. Hoặc là họ mong đợi người khác sẽ chịu tránh nhiệm cho vấn đề của chính họ: “Tôi muốn có một cuối tuần dễ chịu thảnh thơi ở nhà. Anh/Cô nên biết thế và hãy huỷ hết mấy cái kế hoạch kia đi.” Hoặc là họ tự đi gánh quá nhiều trách nhiệm cho những vấn đề của những người khác: “Cô ấy lại vừa mới mất việc, nhưng có lẽ đấy là lỗi của tôi bởi vì tôi đã không ủng hộ cô ấy như đáng lẽ ra tôi cần phải làm. Ngày mai tôi sẽ giúp cô ấy làm lại cái sơ yếu lý lịch.”
Những người tự cho mình đặc quyền áp dụng những chiến thuật này trong mối quan hệ của họ, cũng như là với tất cả những thứ khác, nhằm giúp họ tránh khỏi việc chấp nhận trách nhiệm trước những vấn đề của bản thân mình. Và kết quả là, mối quan hệ của họ thật mong manh và giả tạo, bởi chúng là sản phẩm của việc lảng tránh nỗi đau nội tại thay vì việc nuôi dưỡng sự trân trọng và yêu thương chân thành dành cho nửa kia của mình.
Nhân tiện, điều này không chỉ đúng với những mối quan hệ lãng mạn, mà nó còn xảy ra cả trong những mối quan hệ với người thân trong gia đình và bạn bè nữa. Một người mẹ độc đoán có thể sẽ gánh mọi trách nhiệm cho mọi vấn đề xảy ra trong cuộc đời của đứa con mình. Sự tự cho mình đặc quyền của bà do đó sẽ khuyến khích việc tự cho mình đặc quyền nơi con cái bà, và sau này khi lớn lên chúng sẽ tin rằng những người khác cần phải lãnh trách nhiệm cho các vấn đề của chúng.
(Đó là lý do vì sao mà các vấn đề trong những mối quan hệ lãng mạn của bạn thường tương đồng một cách kỳ lạ với mối quan hệ của cha mẹ bạn.)
Khi bạn có một vùng tối về việc chịu trách nhiệm trước các cảm xúc và hành động của mình – những lĩnh vực mà không có sự rõ ràng trong việc ai chịu trách nhiệm cho việc gì, ai phải gánh chịu lỗi lầm vì điều gì, rằng tại sao bạn lại làm điều mà bạn làm – thì bạn không bao giờ có thể phát triển những giá trị mạnh mẽ cho bản thân mình. Giá trị duy nhất của bạn trở thành làm cho nửa kia của bạn hạnh phúc. Hoặc là giá trị duy nhất của bạn trở thành nửa kia của bạn khiến bạn hạnh phúc.
Đương nhiên, đây quả là một thất sách. Và mối quan hệ được nuôi dưỡng với sự mù mờ như thế thường sẽ xụi lơ như là thảm hoạ Hindenburg(80), với toàn bộ bi kịch và bốc cháy.
Người khác không thể giải quyết vấn đề hộ bạn được. Và họ cũng không nên cố gắng làm gì, bởi điều ấy cũng đâu thể khiến cho bạn hạnh phúc. Mà bạn cũng chẳng thể nào đi giải quyết vấn đề hộ cho những người khác, bởi vì tương tự điều ấy cũng không thể giúp cho họ hạnh phúc. Dấu hiệu của một mối quan hệ không lành mạnh là việc hai người cố gắng giải quyết giùm nhau các vấn đề nhằm mục đích khiến cho mình cảm thấy an ổn. Trong khi ấy, một mối quan hệ lành mạnh là khi hai con người giải quyết các vấn đề của chính mình để cảm thấy tốt đẹp về nhau.
Việc đặt ra những ranh giới thích hợp không có nghĩa là bạn không thể giúp đỡ hay ủng hộ nửa kia của mình hay nhận được sự hỗ trợ và cổ vũ từ người kia. Cả hai bạn nên giúp đỡ lẫn nhau mới phải. Nhưng chỉ bởi vì bạn lựa chọn để giúp đỡ và được giúp đỡ. Chứ không phải bởi vì bạn cảm thấy có nghĩa vụ hoặc tự cho mình đặc quyền.
Những người tự cho mình đặc quyền mà thường buộc tội những người khác vì những cảm xúc và hành động của mình làm vậy là bởi vì họ tin rằng nếu như họ thường tô vẽ mình như là nạn nhân, có thể ai đó sẽ tới cứu giúp họ, và họ sẽ nhận được tình yêu mà họ luôn luôn mong muốn.
Những người tự cho mình đặc quyền mà gánh lấy lời buộc tội về cảm xúc hay hành động của người khác làm vậy là bởi vì họ tin rằng nếu như họ “sửa chữa” nửa kia của mình và cứu lấy anh ta hay cô ta, thì họ sẽ nhận được tình yêu và lòng biết ơn mà họ luôn mong muốn.
Đó là âm và dương trong bất kỳ một mối quan hệ độc hại nào: nạn nhân và kẻ giải cứu, người châm mồi đốt lửa bởi vì điều ấy khiến cho cô ta cảm thấy mình là người quan trọng và người dập lửa bởi vì nó khiến cho anh ta cảm thấy mình là người quan trọng.
Hai loại người này có sức hút mãnh liệt đối với nhau, và cuối cùng họ thường ở bên nhau. Bệnh trạng của người này phù hợp một cách hoàn hảo với bệnh trạng của người kia. Thường thì họ lớn lên với những bậc cha mẹ cũng có những đặc điểm như thế. Cho nên hình mẫu của một mối quan hệ “hạnh phúc” trong lòng họ là mối quan hệ dựa trên sự tự cho mình đặc quyền và những ranh giới tệ hại.
Buồn thay, cả hai đều thất bại trong việc đáp ứng nhu cầu thực tế của người kia. Thực ra, hình mẫu của họ về việc đổ lỗi quá đà và chấp nhận sự đổ lỗi quá đà sẽ duy trì mãi sự tự cho mình đặc quyền và tính tự phụ ngớ ngẩn khiến họ không thể đáp ứng những nhu cầu cảm xúc của mình ngay từ đầu. Nạn nhân ngày càng tạo ra nhiều hơn những vấn đề để giải quyết – không phải bởi vì các vấn đề thực tế phát sinh thêm, mà bởi vì nó mang tới cho cô ta sự quan tâm và yêu thương mà cô ta khao khát. Kẻ cứu giúp thì cứ đi mà giải quyết và giải quyết – không phải bởi vì cô ta thực sự quan tâm tới những vấn đề kia, mà bởi vì cô ta tin rằng mình cần phải sửa chữa các vấn đề của những người khác thì mới xứng đáng có được sự quan tâm và yêu thương dành cho mình. Trong cả hai trường hợp, những ý định này đều thật là ích kỷ và áp đặt điều kiện và do đó có tính tự huỷ hoại bản thân, và hầu như không có chỗ dành cho tình yêu chân chính.
Nạn nhân, nếu như mà anh ta thực lòng yêu người giúp đỡ mình, sẽ nói rằng, “Nghe này, đây là vấn đề của anh; em không cần phải giải quyết nó giùm anh đâu. Em chỉ cần ủng hộ anh trong lúc anh tự mình xử lý thôi.” Đó mới thực sự là sự biểu hiện của tình yêu: lãnh trách nhiệm trước những vấn đề của bản thân bạn và không bắt người yêu của mình phải chịu trách nhiệm trước chúng.
Nếu như người cứu gỡ thật sự muốn cứu nạn nhân, thì người ấy sẽ nói rằng, “Nghe này, anh đang đổ lỗi cho những người khác vì những vấn đề của chính mình đấy; anh phải tự mình giải quyết chúng đi.” Và theo một cách thức có hơi bệnh một chút, đó mới thực sự là một biểu hiện của tình yêu: giúp đỡ người khác tự giải quyết vấn đề của riêng họ.
Thay vì thế, cả nạn nhân và ân nhân sẽ đều lợi dụng lẫn nhau để có được sự hưng phấn về mặt cảm xúc. Đó như thể là một chứng nghiện mà họ được thoả mãn nhờ vào nhau ấy. Trớ trêu thay, khi có cơ hội hẹn hò với những con người lành mạnh về mặt cảm xúc, họ thường cảm thấy những người ấy thật nhàm chán hoặc không có cảm giác gì. Họ bỏ qua những con người có cảm xúc lành mạnh và mang đến sự an toàn bởi vì những ranh giới vững chắc của một người tình đáng tin cậy không đủ “thú vị” để kích thích cơn hưng phấn cần thiết trong lòng những người tự cho mình đặc quyền.
Đối với các nạn nhân, điều khó thực hiện nhất trên đời này là giữ trách nhiệm trước những vấn đề của họ. Suốt cả đời mình họ tin rằng những người khác phải chịu trách nhiệm đối với số phận của họ. Rằng bước đầu tiên của việc chịu trách nhiệm đối với chính bản thân mình thường đáng sợ vô cùng.
Đối với người cứu giúp, điều khó thực hiện nhất trên đời này là việc ngừng chịu trách nhiệm thay cho những vấn đề của những người khác. Cả đời họ chỉ cảm thấy mình có giá trị và được yêu thương khi mà họ giúp đỡ được ai đó – nên việc từ bỏ cái nhu cầu này cũng làm cho họ khiếp hãi không kém.
Nếu như bạn hi sinh vì người mà bạn quan tâm, điều cần thiết là bạn phải muốn làm điều đó, chứ không phải bởi vì bạn cảm thấy mình có nghĩa vụ như vậy hay bởi vì bạn lo sợ trước hậu quả của việc không làm vậy. Nếu như nửa kia của bạn sẽ hi sinh một điều gì đấy vì bạn, điều cần thiết là anh ấy hoặc cô ấy thực sự muốn thế, chứ không phải bởi vì bạn đã thao túng hành động hi sinh bằng sự giận dữ hay tội lỗi. Hành động tình yêu chỉ hiện hữu khi mà chúng được thực hiện không vì điều kiện hay kỳ vọng nào.
Có thể mọi người sẽ thấy khó khăn trong việc nhận biết sự khác biệt giữa việc làm điều gì đó vì nghĩa vụ và làm điều gì đó một cách tự nguyện. Nên câu hỏi quyết định đây: bạn hãy tự hỏi bản thân mình xem, “Nếu như tôi từ chối, liệu mối quan hệ này sẽ ra sao?” Tương tự, hãy thử hỏi, “Nếu như người tôi yêu từ chối điều mà tôi mong muốn, liệu mối quan hệ này sẽ ra sao?”
Nếu câu trả lời là lời từ chối sẽ dẫn tới một màn ầm ĩ và chén rơi đĩa vỡ, thì đó là tín hiệu xấu dành cho mối quan hệ của bạn đấy. Nó gợi ý rằng đó là mối quan hệ điều kiện – dựa trên những lợi ích hời hợt nhận được từ nhau, thay vì một sự chấp nhận lẫn nhau vô điều kiện (cùng với vấn đề của mỗi người).
Những người có ranh giới vững chắc không hề sợ hãi trước một cơn thịnh nộ, một cuộc cãi cọ, hay bị tổn thương. Những người với ranh giới yếu ớt thường sợ hãi trước những điều này và sẽ thường xuyên điều chỉnh các hành vi của bản thân để cho phù hợp với sự biến động chóng vánh và thất thường liên quan tới cảm xúc của họ.
Những người với ranh giới mạnh mẽ hiểu rằng thật vô lý khi hi vọng hai con người có thể ăn khớp được với nhau 100% và thoả mãn mọi nhu cầu của người kia. Những người với ranh giới mạnh mẽ hiểu rằng họ đôi khi có thể làm tổn thương người khác, nhưng xét cho cùng họ không thể quyết định việc người khác cảm thấy như thế nào. Những người có ranh giới mạnh mẽ hiểu rằng một mối quan hệ lành mạnh không nằm ở chỗ điều khiển cảm xúc của người kia, mà là ở việc mỗi một người ủng hộ người kia trong sự phát triển cá nhân và tự giải quyết các vấn đề của mình.
Đó không phải là việc bận tâm tới mọi điều mà nửa kia của bạn bận tâm tới; mà đó là việc bận tâm tới nửa kia của bạn bất kể anh ấy hay cô ấy quan tâm tới điều gì đi nữa. Đó chính là tình yêu vô điều kiện đấy, cưng ơi.
Làm Thế Nào Để Xây Dựng Lòng Tin
Vợ tôi là một trong số những người phụ nữ dành quá nhiều thời gian cho việc đứng trước gương. Cô ấy thích mình phải thật đẹp, và tôi thì cũng thích cô ấy trông thật đẹp (dĩ nhiên rồi).
Nhiều hôm trước khi chúng tôi ra ngoài, cô ấy bước ra khỏi phòng tắm sau cả tiếng đồng hồ trang điểm/làm tóc/thay quần áo/bất-cứ-thứ-gì-mà-đám-phụ-nữ-vẫn-làm-trong-đấy và hỏi tôi rằng cô ấy nom thế nào. Cô ấy luôn luôn rất lộng lẫy. Nhưng mà, hiếm hoi lắm, cũng có lúc cô ấy nhìn như con dở hơi. Có thể là cô ấy thử làm gì đó khác đi với mái tóc của mình, hoặc là quyết định đi đôi bốt mà một nhà thiết kế thời trang loè loẹt nào đó ở Milan cho là sự phá cách. Dù lý do có là gì – thì nó cũng không hiệu quả.
Khi tôi nói điều này với cô ấy, cô ấy thường bực mình lắm. Trong khi cô ấy chọn lại đồ trong tủ quần áo hay vào phòng tắm để lặp lại y nguyên một chu trình như thế và khiến chúng tôi bị chậm tới cả nửa tiếng đồng hồ, cô ấy văng hàng đống từ tục tĩu và đôi khi còn ném thẳng chúng vào cái mặt tôi nữa chứ.
Thông thường cánh đàn ông sẽ nói dối trong những tình huống như vầy để làm vui lòng vợ/bạn gái họ. Nhưng tôi thì không. Tại sao vậy kìa? Bởi vì sự thành thật trong mối quan hệ đối với tôi còn quan trọng hơn cả việc cảm thấy dễ chịu ở mọi thời điểm. Người cuối cùng trên cõi đời này mà tôi buộc phải kiểm duyệt bản thân mình mỗi khi đối diện là người phụ nữ mà tôi yêu.
Thật may mắn, tôi đã kết hôn với người phụ nữ cũng có chung quan điểm và vui lòng lắng nghe những suy nghĩ bộc tuệch của tôi. Dĩ nhiên là cô ấy cũng không buông tha cho những chuyện vớ vẩn của tôi, và đó là một trong số những điều mà cô ấy mang tới cho tôi khi đồng ý kết đôi. Đương nhiên, cái tôi của tôi cũng bị bầm dập đôi lúc, và tôi quả có cằn nhằn và ca thán và cố cãi lại, nhưng rồi vài giờ sau đó thì tôi hết dỗi và phải công nhận rằng cô ấy đã đúng. Và giời ạ, cô ấy khiến tôi trở thành một kẻ dễ thương hơn hẳn, dù rằng tôi ghét phải nghe mấy cái điều ấy lắm lắm luôn vào cái lúc ấy.
Khi mà ưu tiên hàng đầu của chúng ta là luôn khiến cho chúng ta cảm thấy hài lòng, hoặc là luôn làm cho người bạn đời của ta cảm thấy hài lòng, thì cuối cùng chẳng có ai thấy hài lòng được hết. Và mối quan hệ của ta sẽ tan vỡ lúc nào không hay.
Nếu không có mâu thuẫn, thì không thể có được sự tin tưởng. Mâu thuẫn tồn tại để cho ta thấy được ai sẵn sàng ở bên ta mà không cần điều kiện gì cả và ai ở bên ta chỉ vì lợi ích nhất định mà thôi. Không một ai lại tin người lúc nào cũng chỉ biết nói lời ngon ngọt. Nếu như Con Gấu Mèo U Uất mà có mặt ở đây lúc này, nó sẽ bảo với bạn rằng đau thương trong mối quan hệ của chúng ta là cần thiết để củng cố niềm tin của chúng ta dành cho nhau và để xây dựng sự gắn bó chặt chẽ hơn.
Để có một mối quan hệ lành mạnh, cả hai người đều phải sẵn sàng và có thể nói không và nghe được từ không. Nếu không có lời phủ định ấy, nếu không có sự từ chối thi thoảng ấy, các ranh giới sẽ bị phá vỡ và các vấn đề và giá trị của một người sẽ chi phối người còn lại. Do vậy, mâu thuẫn không chỉ là một việc hết sức bình thường thôi đâu; mà nó còn tuyệt đối cần thiết cho việc duy trì một mối quan hệ lành mạnh nữa. Nếu như hai người gần gũi với nhau mà không thể tranh luận triệt để và thẳng thắn về sự khác biệt của họ một cách cởi mở và thành thật, thì mối quan hệ ấy đã được xây dựng dựa trên sự thao túng và xuyên tạc, và nó sẽ dần dần trở nên độc hại.
Tin tưởng là thành phần quan trọng nhất trong bất kỳ một mối quan hệ nào, bởi lý do đơn giản rằng nếu không có sự tin tưởng, thì mối quan hệ ấy thực sự chẳng có nghĩa lý gì. Một người có thể nói với bạn rằng cô ấy yêu bạn, muốn ở bên bạn, sẽ từ bỏ mọi thứ vì bạn, nhưng nếu như mà bạn không tin cô ấy, thì bạn sẽ chẳng có được lợi ích gì từ câu nói đó. Bạn chẳng thể cảm thấy mình được yêu cho tới khi bạn tin rằng tình yêu được bày tỏ tới bạn không kèm theo những điều kiện đặc biệt hay gánh nặng đi cùng với nó.
Chính điều này mới khiến cho việc lừa dối có tính huỷ hoại đến vậy. Không phải là vấn đề nhục dục. Mà là về vấn đề lòng tin đã bị huỷ hoại do việc quan hệ tình dục. Mất đi lòng tin, mối quan hệ không còn bình thường được nữa. Nên rốt cuộc bạn chỉ có hai lựa chọn: hoặc là cố gắng xây dựng lại lòng tin hoặc là chia lìa đôi ngả.
Tôi thường nhận được email từ những người bị nửa kia của mình lừa dối nhưng vẫn muốn ở bên người đó và lo lắng về việc làm thế nào họ có thể lại tin tưởng người kia lần nữa. Nếu không có sự tin tưởng, họ nói với tôi, mối quan hệ bắt đầu có cảm giác như một sự tra tấn, như là một mối đe doạ cần phải được giám sát và nghi vấn thay vì tận hưởng nó.
Vấn đề ở đây là hầu hết mọi người bị bắt quả tang đang ăn vụng sẽ xin lỗi và trình bày bài diễn văn với cái câu “Chuyện này sẽ không bao giờ xảy ra nữa” và chỉ có thế, cứ như thể là đám đàn ông khi ra đường tự dưng lại bị mấy con ‘hồ ly’ rơi trúng đầu đầy tình cờ và bất ngờ vậy. Rất nhiều người bị lừa dối chấp nhận câu trả lời này ở giá trị bề mặt của nó, và không hề đặt nghi vấn về những giá trị và điều khốn nạn(81) mà người bạn đời của họ gây ra (ở đây hoàn toàn có ý chơi chữ nhé); họ không hề tự hỏi mình rằng liệu những giá trị và mấy cái chuyện khốn nạn kia có khiến người bạn đời của họ còn là một con người đủ tốt để tiếp tục ở bên hay không. Họ quá bận tâm tới việc níu kéo mối quan hệ nên không thể nhận ra rằng nó đang trở thành một cái hố đen nuốt trọn lòng tự trọng của chính bản thân họ.
Nếu như người ta lừa dối bạn, đó là bởi vì có thứ gì đó quan trọng đối với họ hơn là mối quan hệ này. Đó có thể là lợi ích quyền lực hay kinh tế. Đó có thể là sự công nhận giá trị thông qua việc quan hệ tình dục. Đó có thể là cơn bốc đồng của họ. Dù có là gì đi nữa, rõ ràng là hệ giá trị của kẻ phản bội không đồng nhất với việc bồi đắp cho một mối quan hệ lành mạnh. Và nếu như kẻ ngoại tình không thừa nhận điều này hay chấp nhận điều này, nếu như anh ta chỉ nhai lại cái câu kinh điển “Anh không biết lúc ấy mình nghĩ cái gì nữa; anh bị stress và say khướt và cô ta thì ở ngay đó,” thì anh ta đã thiếu mất sự nhận biết bản thân một cách nghiêm túc và cần thiết để giải quyết bất kỳ một vấn đề nào trong mối quan hệ của hai bạn.
Điều cần thiết là những người ngoại tình cần bóc tách củ hành tự nhận thức của họ và luận ra cái giá trị khốn nạn nào đã xui khiến họ phá vỡ niềm tin của mối quan hệ (và liệu họ có còn trân trọng cái mối quan hệ này nữa hay không). Họ cần phải có thể nói được rằng, “Em biết không: thật ra anh là thằng ích kỷ. Anh chỉ biết có mỗi mình mà thôi thay vì quan tâm tới mối quan hệ của hai ta; thành thật mà nói, anh cũng chẳng tôn trọng mối quan hệ này cho lắm.” Nếu như kẻ phản bội không thể bộc bạch những giá trị rác rưởi của họ, và cho thấy rằng những giá trị này đã bị gạt sang một bên, thì không có lý do nào để tin rằng họ đáng tin nữa cả. Và nếu như họ không đáng tin, thì mối quan hệ sẽ không thể được cải thiện hay thay đổi gì sất.
Một yếu tố khác trong việc lấy lại được lòng tin sau khi đã bị phá vỡ là vấn đề thực hành: hành động của họ. Nếu như một ai đó làm mất đi lòng tin của bạn ở nơi họ, lời nói thì lúc nào cũng dễ nghe hết; nhưng rồi bạn cần phải nhìn thấy nỗ lực không ngừng nghỉ của họ trong việc cố gắng thay đổi. Chỉ khi đó bạn mới có thể bắt đầu tin tưởng rằng những giá trị của kẻ phản bội kia giờ đây đã được điều chỉnh cho phù hợp và con người ấy sẽ thật sự thay đổi.
Không may là, việc thể hiện này đòi hỏi nhiều thời gian – chắc chắn là mất thời gian hơn nhiều so với việc phá vỡ niềm tin. Và trong suốt quá trình xây dựng lòng tin ấy, mọi việc thường rất tồi tệ. Cho nên cả hai người trong mối quan hệ đó đều phải nhận thức được cuộc chiến mà họ lựa chọn đương đầu.
Tôi vừa sử dụng cái ví dụ về sự lừa dối trong một mối quan hệ tình cảm lãng mạn, nhưng mà cái quy trình này được áp dụng với mọi thể loại quan hệ đấy nhé. Khi mà lòng tin bị huỷ hoại, nó chỉ có thể được xây dựng lại nếu như tuân thủ theo hai bước sau đây: 1) người phá vỡ lòng tin thừa nhận những giá trị thực sự mà dẫn tới sự tan vỡ này và thú nhận chúng, và 2) người phá vỡ lòng tin thực hiện những hành động nhằm chứng minh rằng thái độ của mình được cải thiện theo thời gian. Nếu như không có bước đầu tiên, thì có lẽ thực sự đã không có nỗ lực cứu vãn nào được thực hiện ngay từ đầu.
Lòng tin cũng như là một chiếc đĩa sứ vậy. Một khi bạn đã làm vỡ nó, bằng sự quan tâm và chú ý bạn có thể gắn lại nó như cũ. Nhưng nếu như bạn lại làm vỡ thêm lần nữa, nó sẽ vỡ ra thành nhiều mảnh nhỏ hơn và sẽ cần nhiều thời gian hơn rất nhiều để gắn nó lại lần nữa. Và nếu như bạn cứ làm vỡ đĩa hết lần này tới lần khác, thì sẽ có lúc nó vụn nát và không tài nào hàn gắn nổi nữa. Khi ấy, sẽ có quá nhiều mảnh vỡ, và quá nhiều rác rưởi.
Tự Do Trong Khuôn Khổ
Nền văn hoá tiêu dùng rất có năng lực trong việc khiến chúng ta ngày càng muốn nhiều, nhiều, nhiều hơn nữa. Đằng sau tất cả những mẩu quảng cáo cường điệu và tiếp thị sản phẩm là sự gợi ý rằng càng nhiều thì càng tốt. Tôi cũng từng rơi vào cái ý tưởng này nhiều năm trước đây. Kiếm tiền nhiều hơn, đi tới nhiều nơi hơn, trải nghiệm nhiều hơn, cặp kè với nhiều phụ nữ hơn.
Nhưng nhiều hơn không phải lúc nào cũng tốt hơn. Thực ra, điều ngược lại mới đúng. Chúng ta thường chỉ thật sự hạnh phúc với ít hơn. Khi mà chúng ta quá tải với những cơ hội và lựa chọn, chúng ta sẽ phải hứng chịu cái mà các chuyên gia tâm lý học gọi là nghịch lý của sự lựa chọn. Về cơ bản, chúng ta càng có nhiều quyền chọn lựa, thì ta càng cảm thấy ít hài lòng hơn dù ta có chọn thứ gì đi nữa, bởi vì ta nhận thức được về tất cả những lựa chọn tiềm năng khác mà ta đã bỏ qua.
Vì vậy nếu như bạn đang lựa chọn sống ở đâu trong hai nơi, bạn sẽ cảm thấy tự tin và thoải mái rằng bạn đã lựa chọn chính xác. Bạn sẽ thoả mãn với quyết định của mình.
Nhưng nếu như bạn cần phải chọn lựa giữa hai mươi tám chỗ ở khác nhau, thì nghịch lý của sự lựa chọn chỉ ra rằng bạn sẽ dành hàng năm trời để mà đau khổ, nghi hoặc, và đoán già đoán non về bản thân mình, băn khoăn về việc liệu bạn đã đưa ra được lựa chọn “đúng đắn” hay chưa, và liệu bạn có thật sự tối đa hoá hạnh phúc của mình hay không. Và cái sự lo âu này, cái khao khát trước sự chắc chắn và hoàn hảo và thành công này, sẽ khiến bạn thấy mình là một con giòi bất hạnh.
Vậy thì chúng ta phải làm gì? À, nếu mà bạn giống như tôi trước đây, thì bạn sẽ lảng tránh việc phải lựa chọn bất cứ điều gì. Bạn sẽ cố gắng để ngỏ những lựa chọn ấy lâu nhất có thể. Bạn lảng tránh sự cam kết.
Nhưng trong khi tập trung cao độ vào một người, một nơi chốn, một công việc, một hoạt động có thể sẽ ngăn trở ta khỏi việc được trải nghiệm đa dạng như mong muốn, thì việc theo đuổi sự đa dạng về mặt trải nghiệm sẽ hạn chế ta khỏi cái cơ hội được nếm trải những điều tuyệt vời mà một sự trải nghiệm chuyên sâu mang lại. Có những trải nghiệm mà bạn chỉ có thể có được khi mà bạn sống tại một nơi trong năm năm liền, khi mà bạn ở bên một người suốt cả chục năm trời, khi mà bạn đã rèn luyện cùng một kỹ năng hay thao tác trong nửa đời người. Giờ đây khi đã hơn ba chục tuổi rồi, tôi cuối cùng cũng có thể nhận ra được rằng cái sự cam kết ấy, theo cách thức riêng của nó, mang tới sự dồi dào về cơ hội và trải nghiệm mà có lẽ sẽ không bao giờ đến được với tôi, dù tôi có đi đâu hay có làm gì nếu không có nó.
Khi mà bạn theo đuổi sự dàn trải về mặt trải nghiệm, kết quả của mỗi cuộc phiêu lưu mới, mỗi một con người hay sự việc mới mẻ đều sẽ bị giảm xuống. Khi mà bạn chưa bao giờ rời khỏi quê nhà, thì đất nước đầu tiên mà bạn tới thăm sẽ tạo ra một sự thay đổi vô cùng lớn lao trong cách nhìn của bạn, bởi vì trước đó bạn có được những trải nghiệm hết sức hạn hẹp. Nhưng khi mà bạn đã đặt chân tới hai mươi quốc gia khác nhau, thì quốc gia thứ hai mươi mốt chỉ làm bạn ngạc nhiên đôi chút. Và khi mà bạn đã vượt qua con số năm mươi, thì con số năm mươi mốt chẳng còn đáng ngạc nhiên.
Điều này cũng đúng với việc sở hữu vật chất, tiền bạc, thú vui, công việc, bạn bè, và tình nhân – toàn bộ những giá trị khập khiễng hời hợt mà con người ta tự chọn cho bản thân mình. Khi càng thêm nhiều tuổi, bạn càng trải đời nhiều hơn, thì mỗi một trải nghiệm mới lại càng ít tác động đến bạn hơn. Lần đầu tiên tôi uống rượu trong một bữa tiệc thật vô cùng phấn khích. Lần thứ một trăm thì cũng khá vui. Nhưng đến lần thứ năm trăm thì tôi thấy nó cũng chỉ như một buổi tối cuối tuần mà thôi. Và đến lần thứ một nghìn thì thật sự rất nhàm chán và không đáng kể.
Thành quả lớn lao đối với bản thân tôi trong những năm qua mà nói là khả năng của tôi trong việc cởi mở với sự cam kết. Tôi đã lựa chọn việc nói không với tất cả trừ những người và những trải nghiệm và những giá trị tốt đẹp nhất trong cuộc đời tôi. Tôi ngừng lại mọi dự án kinh doanh của mình và chỉ tập trung vào việc viết lách toàn thời gian. Kể từ đó, trang web của tôi được biết đến nhiều hơn hẳn so với những gì tôi dám nghĩ tới trước đây. Tôi cam kết gắn bó lâu dài với một người phụ nữ, và bản thân tôi cũng phải ngạc nhiên, tôi thấy mình có được nhiều hơn rất nhiều so với toàn bộ những cuộc bù khú, những cuộc hẹn hò, và những cuộc tình một đêm trong quá khứ cộng lại. Tôi lựa chọn ở lại một chốn duy nhất và thu được gấp đôi những mối quan hệ bạn bè ý nghĩa, chân thành, và lành mạnh.
Và những gì tôi khám phá ra là một điều gì đó hoàn toàn khác thường: đó là tồn tại sự tự do và giải phóng trong việc cam kết. Tôi tìm thấy sự tăng lên của cơ hội và lợi ích trong việc từ chối các lựa chọn khác và những sự sao nhãng khi mà tôi lựa chọn những điều thật sự có ý nghĩa đối với tôi.
Sự cam kết sẽ mang đến cho bạn tự do bởi vì bạn không còn bị sao nhãng bởi những điều tầm thường và phù phiếm nữa. Sự cam kết mang đến cho bạn tự do bởi vì nó mài dũa sự tập trung và chú ý của bạn, hướng chúng tới điều gì là hiệu quả nhất trong việc làm cho bạn khoẻ mạnh và hạnh phúc. Sự cam kết khiến cho việc ra quyết định trở nên dễ dàng hơn và loại bỏ nỗi sợ hãi về việc bỏ lỡ; biết rằng những gì bạn hiện có đã là đủ tốt, vậy tại sao bạn cứ phải ép mình chạy theo nhiều, nhiều, nhiều hơn nữa? Sự cam kết sẽ cho phép bạn tập trung một cách có chủ ý vào một số ít những mục tiêu vô cùng quan trọng và đạt được mức độ thành công cao hơn so với sự kỳ vọng của bạn.
Theo lẽ đó, việc từ chối trước nhiều khả năng lựa chọn sẽ giải phóng cho chúng ta – từ chối những gì không phù hợp với những giá trị quan trọng nhất của chúng ta, với những thước đo mà chúng ta đã lựa chọn, từ chối việc liên tục chạy theo chiều rộng thay vì chiều sâu.
Vâng, trải nghiệm theo chiều rộng có lẽ là cần thiết và hấp dẫn khi mà bạn còn trẻ – xét cho cùng, bạn vẫn cần phải bước ra ngoài kia và khám phá xem điều gì là xứng đáng để bạn dành trọn đời mình vào đó. Nhưng sâu trong lòng đất mới là nơi mà vàng được chôn giấu. Và bạn cần phải gắn kết với một điều gì đó và đi sâu vào nó và khai thác lên. Điều này hoàn toàn chính xác trong những mối quan hệ, trong sự nghiệp, trong việc xây dựng một lối sống tuyệt vời – trong mọi khía cạnh cuộc đời.