Ngựa Ô Yêu Dấu - Chương 03
HUẤN LUYỆN
Hồi này tôi bắt đầu lớn và đẹp ra. Lớp lông của tôi dài, mềm mịn và đen bóng. Tôi có một chân trắng như tuyết và một ngôi sao trắng đẹp đẽ trên trán. Mọi người đều cho là tôi rất điển trai. Ông chủ sẽ không bán tôi, cho đến lúc tôi tròn bốn tuổi. Ông bảo trẻ con không nên làm việc như người lớn, ngựa non cũng vậy, không nên làm nhiều cho đến khi đủ lớn.
Khi tôi tròn bốn tuổi, ông Squire Gordon đến xem tôi. Ông ta kiểm tra mắt, mõm, sờ nắn chân tôi và vuốt xuôi xuống. Sau đó tôi phải đi, chạy nước kiệu và phi nước đại trước mặt ông ta. Ông có vẻ thích tôi và nói:
- Nó mà được huấn luyện cẩn thận thì cừ lắm đấy.
Ông chủ tôi hứa sẽ tự tay luyện tôi, vì ông không muốn tôi sợ hãi hoặc bị thương. Ông không hề để mất thời gian, ngay ngày hôm sau cuộc huấn luyện bắt đầu.
Có thể mọi người không biết luyện ngựa là thế nào, nên tôi sẽ miêu tả tỉ mỉ. Luyện ngựa là dạy cho nó mang yên cương, mang trên lưng đàn ông, đàn bà hoặc trẻ nhỏ; biết chạy đúng cách theo ý muốn của kị sĩ, và chạy sao cho thật êm. Ngoài ra, ngựa phải tập đeo một cái vòng cổ cứng, dây đuôi[2] và khóa, phải tập cách đứng im trong lúc đóng các thứ đó lên thân. Rồi ngựa phải tập kéo xe hoặc một chiếc ghế dài cột chặt phía sau, để không thể đi hoặc chạy nước kiệu mà không kéo lê nó theo sau, phải học đi nhanh hoặc chậm theo ý người cưỡi. Không bao giờ được nhảy lên đột ngột vì những thứ nhìn thấy, nói chuyện với những con ngựa khác, cắn, đá hoặc làm bất cứ việc gì theo ý mình, mà phải tuân theo ý chủ nhân, ngay cả khi rất mệt hoặc đói.
Nhưng tệ nhất là một khi đã đóng yên cương, ngựa không được chồm lên vì vui mừng hoặc nằm xoài xuống vì mệt mỏi. Vậy nên luyện ngựa là một công việc hết sức chi tiết.
Ông chủ cho tôi ăn yến mạch như thường lệ, rồi sau một hồi vỗ về, ông đóng hàm thiếc vào mõm tôi và buộc dây cương. Cái hàm thiếc thật tởm lợm! Những ai chưa lần nào bị cái của nợ ấy đóng vào miệng không thể biết cảm giác khó chịu đến nhường nào. Một mảnh thép to tướng, lạnh ngắt, cứng nhắc và dày như một ngón tay người đẩy vào giữa hai hàm răng và đè lên lưỡi, cái đầu thò ra khóe miệng và buộc chắc bằng dây qua đầu, dưới họng, quanh mũi và dưới cằm, không cách nào tống khứ được cái thứ cứng ngắc tởm lợm ấy ra. Tệ thật, quá tệ! Vâng, rất tệ nữa! Ít ra là tôi nghĩ thế, nhưng tôi biết mẹ tôi thường đeo hàm thiếc mỗi khi ra ngoài, và con ngựa nào khi trưởng thành cũng bị đeo hết. Thế là, với món yến mạch ngon lành, những cái vỗ về, những lời nhẹ nhàng và nhiều cách âu yếm của chủ, tôi đã bị đóng hàm thiếc và buộc xong dây cương.
Tiếp đến là đóng yên, song cái này chỉ tệ bằng một nửa. Ông chủ đặt yên lên lưng tôi rất nhẹ nhàng, trong lúc ông già Daniel giữ đầu tôi. Rồi trong suốt lúc đó, vừa vỗ về vừa trò chuyện với tôi, ông vừa thắt đai yên vào dưới người tôi. Tôi được ăn ít yến mạch, rồi được dẫn đi quanh một lát. Việc này cứ tiếp diễn hằng ngày cho đến lúc tôi mong đợi cả yến mạch lẫn yên cương.
Cuối cùng, một sáng kia, chủ tôi nhảy lên lưng tôi và cưỡi tôi quanh bãi cỏ, trên lớp cỏ mềm mại. Chắc chắn việc này là khó chịu, nhưng phải nói rằng tôi khá hãnh diện được chở ông chủ. Ngày nào ông cũng cưỡi tôi một lúc và tôi nhanh chóng quen với việc này.
Việc khó chịu tiếp theo là đóng móng sắt, việc này thật là khó chịu. Chủ tôi đi cùng tôi đến lò rèn để canh chừng cho tôi khỏi bị thương hoặc hoảng sợ.
Ông thợ rèn cầm bàn chân tôi lên, cái nọ tiếp cái kia và cắt đi một ít móng. Tôi không thấy đau lắm nên đứng yên cho ông làm xong. Rồi ông ta lấy ra một miếng sắt hình dạng như bàn chân tôi, ấn nó lên và đóng mấy cái đinh vào móng để giữ móng sắt cho chặt. Bàn chân tôi cứng nhắc và nặng nề, nhưng cuối cùng tôi cũng quen.
Đến lúc này, ông chủ mới luyện cho tôi việc đóng yên cương, vì còn phải đeo thêm nhiều thứ mới nữa. Đầu tiên, họ đặt lên cổ tôi chiếc vòng cổ cứng và nặng, một bộ dây cương có những miếng da che mắt. Những miếng da này làm tôi không thể nhìn sang bên, chỉ nhìn thẳng về phía trước. Tiếp đến là một cái yên nhỏ có một sợi dây cứng khó chịu chạy thẳng xuống dưới đuôi tôi, đó là dây đuôi. Tôi ghét cái dây đuôi này quá, nó làm cho cái đuôi dài của tôi gập đôi lại và thò qua dây như một mẩu xấu xí. Tôi chẳng bao giờ thích đá hậu, và lẽ tất nhiên không thể đá hậu một ông chủ tốt như thế. Cuối cùng thì tôi cũng quen với mọi thứ, và có thể làm việc như mẹ tôi vậy.
Tôi không thể quên một phần trong việc huấn luyện mà tôi coi là thuận lợi lớn của tôi. Ông chủ gửi tôi cho một chủ trại hàng xóm trong nửa tháng, ông ta có một bãi cỏ nằm ven đường sắt. Bãi này nhốt cừu và bò, còn tôi sống lẫn với chúng.
Tôi sẽ không bao giờ quên chuyến tàu hỏa đầu tiên chạy qua. Tôi đang lặng lẽ gặm cỏ gần hàng rào ngăn bãi cỏ với đường sắt, thì nghe thấy một âm thanh lạ lùng xa xa. Chưa biết nó ở đâu ra, tôi đã thấy một loạt những tiếng loảng xoảng, phì phì, khói phụt, rồi một đoàn tàu dài đen trũi lướt qua và biến mất trước khi tôi kịp hít thở. Tôi quay người, phi nước đại cật lực đến đầu kia bãi cỏ, đến đây tôi đứng lại, khịt mũi vì ngạc nhiên và sợ hãi.
Trong suốt thời gian này có nhiều đoàn tàu khác chạy qua, một số chạy chậm, từ từ vào ga gần đó, thỉnh thoảng chúng rít lên những tiếng khủng khiếp và rên rỉ trước khi dừng hẳn. Tôi thấy thật dễ sợ, nhưng đàn bò vẫn bình thản gặm cỏ, chẳng buồn ngẩng đầu lúc cái vật đen trũi, kinh khủng kia phì phò và ken két chạy qua.
Trong mấy ngày đầu tiên, tôi không thể ăn ngon được. Nhưng rồi thấy cái vật kinh khủng ấy chẳng bao giờ vào cánh đồng hoặc làm tôi bị thương, tôi bắt đầu coi thường nó, và chẳng thèm quan tâm đến việc qua lại của con tàu, y như lũ bò và cừu vậy.
Kể từ ngày đó, tôi đã thấy nhiều con ngựa sợ hãi và bồn chồn vì cảnh tượng hoặc âm thanh của động cơ hơi nước, nhưng nhờ sự chăm chút của ông chủ tốt bụng, ở ga xe lửa cũng như trong chuồng, tôi chẳng sợ gì.
Vậy nếu có ai muốn luyện ngựa non thật tốt, thì đấy là cách rất hiệu quả.
Chủ tôi hay đóng tôi cùng với mẹ tôi, vì bà điềm đạm và có thể dạy tôi tốt hơn bất cứ con ngựa lạ nào. Mẹ tôi dạy tôi cách hành xử tốt nhất, và đó là cách thông minh nhất làm ông chủ tôi hài lòng.
- Nhưng có nhiều loại người lắm! - Mẹ tôi nói - Có người tốt, ân cần như ông chủ chúng ta, bất cứ con ngựa nào cũng hãnh diện được phục vụ, nhưng cũng có nhiều kẻ xấu, tàn bạo, những kẻ không bao giờ nên có một con chó hoặc một con ngựa làm của riêng. Ngoài ra, còn có nhiều kẻ ngu xuẩn, vô tích sự, dốt nát và lơ đễnh, chẳng buồn nghĩ ngợi gì, họ hay làm hỏng ngựa hơn bất cứ ai chỉ vì thiếu cảm xúc. Họ chẳng coi trọng tình cảm, và muốn gì làm nấy. Mẹ mong con sẽ rơi vào bàn tay tốt lành, nhưng một con ngựa chẳng biết ai sẽ mua mình hoặc cưỡi mình. Tất cả chỉ là ngẫu nhiên, nhưng mẹ vẫn phải nói rằng: “Dù ở bất cứ đâu, con cũng phải gắng hết sức và giữ trọn tiếng tốt”.