Nguyễn Trãi - Quyển 1 - Oan Khuất - Chương 20
Chương 20
Mười sáu tuổi đầu, Vua Lê Thái Tông đã kịp có đến 5 người vợ.
Người vợ đầu được gả cho Vua khi ngài mới có 11 tuổi. Đó là Nguyên phi Lê Ngọc Dao, con gái của Đại tư đồ Lê Sát. Đây là cuộc hôn nhân mang tính gán ghép đầy mưu mô của quan Phụ chính kiêm Tể tướng. Vì vậy ngay sau khi Tể tướng Lê Sát bị buộc phải tự vẫn, thì trước đó một tháng, nhà vua đã chán ghét và giáng bà Nguyên phi này trở về thành thứ dân.
Người vợ thứ nhì được gả cho vua sau tuổi 11 một chút, đó là Huệ phi Lê Nhật Lệ, con gái của Đại tư đồ Lê Ngân. Đây cũng là một cuộc hôn nhân mang đầy mưu mô và thủ đoạn. Tuy nhiên Huệ phi là người hiền lành, nên vua cũng thương. Sau khi Tể tướng Lê Ngân buộc phải bị chết, bà bị giáng xuống thành Tu dung và chịu suốt đời sống trong cung cấm cô quạnh, không bao giờ được nhà vua nhìn đến nữa.
Người vợ tiếp theo của Vua là Hoàng hậu Dương Thị Bí. Sống với nhau được mấy năm thì vào năm 1439, bà hạ sinh cho nhà vua một người con trai dó chính là Hoàng tử Lê Nghi Dân. Năm 1440 thì được Vua xuống chiếu cho lập làm Thái tử. Ngôi vua đã được định sẵn, thế nhưng sang đến năm 1441, do Hoàng hậu có thái độ ngạo mạn và kiêu hãnh, coi mọi người không ra gì, làm nhiều điều tiếng không hay nên nhà vua đã giáng bà xuống thành Chiêu nghi, cốt để sửa lỗi. Tuy nhiên bà đã không lấy đó làm thẹn để sửa mình lại còn buông lời hằn học, phạm thượng với Vua. Khi thái giám cho biết, nhà vua rất giận và quyết định giáng bà về làm thứ dân. Sau đó còn có bố cáo cho toàn dân biết là ngôi thái tử còn để trống, chưa định người kế vị. Hoàng hậu có lỗi, chuyện ấy ai cũng biết, tuy nhiên phạt bà như vậy là quá nặng, chưa kể ngôi vị Thái tử đã đinh sẵn, lẽ nào lại cứ nâng lên rồi lại hạ xuống. Nói cho cùng, lỗi của Hoàng hậu đâu có liên quan gì đến Thái tử. Nhưng nhà vua đã nghe lời hoạn quan xàm tấu để truất ngôi của Thái tử Lê Nghi Dân, giáng xuống thành Lạng Sơn vương.
Xưa nay chế độ dự lập Thái tử, tức là sự kế thừa ngôi Vua được tiến hành theo kiểu thế tập. Cha chết con thay và thường là con trưởng. Việc sách lập Thái tử luôn được coi là việc lớn của đất nước và được tổ chức với những lễ nghị rất long trọng. Nguyên tắc việc lập Thái tử thường được dựa trên hai điều cơ bản: Lập đích không lập thứ; Lập trưởng không lập hiền. Chẳng vậy mà Hán thư của Thúc Tôn thông truyện có nói "Thái tử là gốc của thiên hạ, gốc mà không vững, thiên hạ sẽ chấn động." Tuy nhiên qua xem sử sách các đời trước, ta mới nghiệm ra một điều rằng, việc dự lập ngôi Thái tử thường phụ thuộc vào ý chỉ chủ quan của bậc quân chủ. Thích ai thì thăng, ghét ai thì giáng và luôn luôn có lý do để biện luận. Ngay Thái Tổ nhà Lê ta, lúc đầu thì cho Lê Tư Tề làm Thái tử, thậm chí còn làm Quốc vương tập sự, thế nhưng sau đó lại giáng Tư Tề xuống thành Quận vương và cuối cùng còn bị đuổi về làm thường dân, không những vậy phải dẫn vợ con bỏ trốn mới giữ được mạng sống. Cho nên đến đời này Vua Lê Thái Tông cũng chẳng khác, ban đầu ngài ban bố với thiên hạ rằng ngôi Thái tử sẽ dành cho Lê Nghi Dân để rồi ghét mẹ chuyển sang ghét con và giáng xuống thành vương. Ta cũng đã liều thân can ngăn nhưng ý chỉ Vua đã quyết rồi nên đành chịu, nếu nói quá thì sẽ mang tiếng là can thiệp vào việc của hậu cung, có ý đồ riêng.
Ta chỉ còn biết thở dài và ngẫm nghĩ về việc làm không đúng của nhà vua và tự hỏi liệu việc này có gây hậu họa cho con cháu đời sau hay không? Biết trách ai bây giờ.
Nguyễn Thị Anh được lập Hoàng hậu sau khi Dương Thị Bí bị giáng xuống thành thứ dân. Vào tháng 6 năm 1441, bà sinh cho nhà vua một hoàng tử, đó là Lê Bang Cơ, sau đó được lập làm Thái tử thay cho Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân. Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh là một người đàn bà đẹp, mặt hoa da phấn, nhưng lại đầy mưu mô xảo quyệt. Là hạng nữ nhi quần thoa, nhưng bà ta xứng đáng qua mặt nhiều bậc anh hào trong thiên hạ. Tuổi còn rất nhỏ nhưng tham vọng của Hoàng hậu thì quá lớn, và vì tham vọng quyền lực mà Hoàng hậu đã không từ bất kỳ thủ đoạn nào, sẵn sàng giết bất kỳ ai, nếu như kẻ đó ngăn cản bước tiến của mẹ con bà ta. Toàn gia họ Nguyễn của ta đã chết về tay của Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh cũng là như vậy.
Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao là con gái của Thái bảo Ngô Từ, khi được tiến cung tuổi chưa đầy 16. Đẹp và múa hát hay, nên được vua yêu. Tuy nhiên Tiệp dư là người hiền lành và cam phận, khi bà mới được tuyển vào cung thì cũng là lúc nhà vua đã giáng tước trước đó với hai bà phi họ Lê. Hai bà này một thời khi thân phụ còn sống, cầm quyền đương triều thì đã từng chẳng coi ai ra gì, ỷ thế và quyền, luôn lấn ép các phi tần khác của Vua. Sau đó trong nội cung lại nổi lên việc chuyên quyền và hành hạ người khác của Hoàng hậu Dương Thị Bí. Nên tuy được tuyển vào cung cả mấy năm nhưng chưa một lần Tiệp dư được Vua lâm hạnh, ban phúc. Cứ vậy, Tiệp dư sống một mình trong âm thầm lặng lẽ, né tránh tất cả. Có lẽ Tiệp dư sẽ sống như vậy cho đến hết đời nếu không xảy ra một sự việc, đó là khi Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh hoài thai sinh Thái tử. Lúc này nhà vua mới chợt nhớ ra việc mình còn một bà Tiệp dư xinh đẹp và cho gọi đến hầu. Dường như Tiệp dư chiều hợp ý nên Vua tỏ ra rất yêu thích và cho hầu hạ bên mình liên tục, có lúc quên bẵng cả Hoàng hậu và điều đó làm cho Hoàng hậu rất giận dữ, thù ghét và tìm mọi cách để hại Tiệp dư. Ta được biết trước hết, Hoàng hậu bỏ tiền ra mua chuộc tất cả bọn thái giám trong nội cung để chúng theo dõi từng đường đi nước bước của Tiệp dư và nhà vua. Nhất cử nhất động của Tiệp dư đều được Hoàng hậu ghi nhớ cẩn thận, nén trong lòng để chờ cơ hội ra tay. Chính trong thời gian này Tiệp dư đột nhiên hoài thai và sau đó sinh ra một Hoàng nam khôi ngô tuấn tú. Đã thế lại còn nảy sinh lời đồn trong dân gian rằng Tiệp dư trước khi sinh con có nằm mộng thấy Thượng đế đã sai Tiên đồng trên Thiên đình xuống đầu thai làm Hoàng tử và có phán rằng sau này sẽ được làm Vua nước Nam. Hư thực chẳng rõ, nhưng tin này càng làm cho Hoàng hậu thêm cuống cuồng sợ hãi, bởi Hoàng hậu chẳng lạ gì tính Vua. Đã có đến mấy bà phi và Hoàng hậu từng bị Vua giáng xuống vì nhiều lý do khác nhau, cho nên Hoàng hậu càng thêm lo cho vận mạng và ngai vàng của mẹ con mình.
Thời gian này người thiếp yêu của ta là Nguyễn Thị Lộ đang làm Lễ nghi Học sĩ trong cung Vua.
Ân oán của dòng họ Nguyễn chúng ta bắt đầu từ đây.
Một buổi chiều ta đang tỉa cây ở sau vườn nhà thì nghe tiếng gia nhân hô chào cho biết Thị Lộ về. Ta vừa quay vào nhà cũng là lúc thấy nàng đang thay đổi xiêm y đi ra. Vợ chồng mấy tháng không gặp nay ta thấy nàng có vẻ khác nhiều, mệt mỏi và căng thẳng. Ta ngạc nhiên và tự hỏi chắc là có việc gì cho nên nàng mới đột nhiên về Côn Sơn gặp ta, và lại không vui như vậy. Không lẽ lũ nội quan trong triều tiếp tục tung tin xấu gì ư? Hay là nàng làm điều gì trái ý Vua?...
Sau khi nàng được triệu vào cung làm Lễ nghi Học sĩ, ta thì bận việc quan lại phải đi kinh lý nhiều nơi, nên ta đã tâu với Vua xin trả lại tư dinh của mình và lui về Côn Sơn ở cho tiện. Khi cần ta sẽ vào chầu. Nhà vua đồng ý, và từ đó vợ chồng ta cũng xa cách nhau, rất ít có dịp gặp mặt.
Cách đây hơn hai tháng vợ chồng ta có việc buồn nhauọi chuyện bắt đầu từ việc ta nghe những lời tiếng xì xào trong các quan về mối quan hệ quá thân mật giữa Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ và Vua. Ghen thì ta không ghen, nhưng ta không thích việc người thiếp của mình quá gần gũi với nhà vua để gây dư luận, ta cảm thấy mình bị xúc phạm. Mà ngẫm lại, bất kỳ người nào dù vô tâm đến mấy cũng phải thấy nghi ngờ. Vua thì còn trẻ, tuổi mới đôi mươi, nhưng rất nổi tiếng trong chuyện trai gái. Vì vậy, ở tuổi 19 mà nhìn vua đã khẳng khiu, ốm yếu, cho dù thái y không tiếc thuốc thang để tẩm bổ. Chỉ vì ngài quá sa đà vào chuyện nữ sắc, không biết giữ gìn cho bản thân. Lễ nghi Học sĩ tuổi thì chưa đến 40, sắc đẹp đang đến độ nở rộ phơi phới, má lúc nào cũng ửng hồng, mắt sáng long lanh, môi ướt mượt và ngày đêm lúc nào cũng kề cận bên Vua, thử hỏi làm sao lại không có chuyện? Lời rầm rì của bá quan làm cho ta rất khó chịu, một vài đại thần thân quen đã nói thẳng với ta là nên suy nghĩ, không nên kéo dài điều tiếng vì chỉ làm tổn hại đến thanh danh của ta mà thôi. Chưa kể kẻ xấu sẽ mượn dịp này để tung tin.
Nội quan Tạ Thanh, gã thái giám ngày đêm kề cận hầu hạ bên Vua cùng một số thái giám khác như Lê Cảnh Xước, Nguyễn Thúc Huệ liên tục tung tin đồn, thậm chí nói rằng Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ sắp dược Vua lấy làm phi, tin đó càng làm cho mọi người xôn xao. Thời gian này nàng liên tục ở trong cung, không về nhà, nên chuyên hư thực thế nào chính ta cũng không biết tường tận. Cuối cùng ta đã quyết định viết một lá thư dài với những lời nhắn gửi, trách móc xa xôi để cho nàng biết mà giữ mình. Sau đó Thị Lộ có viết lại một lá thư khá dài để thanh minh bày tỏ lòng mình và cuối cùng nàng về Côn Sơn gặp ta để thưa chuyện.
Một câu chuyện nặng nề và không vui vẻ gì.
Ta không kề hờn ghen mà đủ nhắc nàng nhớ đến lễ Vua tôi, nghĩa vợ chồng và tứ đức của một người phụ nữ đã xuất giá. Nàng khóc. Thú thật trong bốn người vợ, có thể nói Thị Lộ là người mà ta têu nhiều nhất. Đây là một mối tình muộn màng và nặng nghĩa. Do vậy ta rất xót xa khi thấy nàng bị điều tiếng, dù sao ta tin và ta hiểu nàng. Nhưng ta cũng muốn nói cho nàng hiểu rằng miệng lưỡi của người đời là vô cùng cay độc, và mọi sự lơi lỏng dễ dãi dù chỉ một chút thôi sẽ phải trả giá rất đắt. Không thiếu gì kẻ ghen ghét và chúng sẵn sàng lao vào cấu xé làm to chuyện nếu như có dịp. Vì vậy, hơn lúc nào hết nàng phải thật sự giữ gìn và cảnh giác.
"Thú thật với tướng công, khi vào cung Vua rồi, sống giữa vàng bạc cao sang, thiếp mới chợt thấm thía lời nói ngày nào của tướng công: cung đình không phải là chốn ăn chơi mà là hang hùm cọp dữ. Sự xét nét, kèn cựa, thù địch có khắp nơi nơi. Bề ngoài ai cũng vui cười với nhau, nhưng thực tế trong thâm tâm ai cũng rình mò và sẵn sàng hại nhau. Lũ thái giám, chúng như bóng ma nhờ nhợ lẩn quất quanh mọi người và sẵn sàng tâu với vua, Hoàng hậu những điều không hay về người khác. Thiếp rất tiếc nhớ những tháng ngày thong thả, sống vô tư bên tướng công ở Côn Sơn. Nơi này chúng ta chỉ có dưa cà muối, nhưng mà thương yêu nhau thật sự. Thiếp đã tâu lên Vua để xin được về lại Côn Sơn. Chức Lễ nghi Học sĩ nói cho cùng đối với thiếp chẳng là gì cả. Thiếp rất muốn về bên chàng, sống những tháng ngày hạnh phúc như xưa. Rất tiếc là nhà vua không cho, chưa kể Tiệp dư Ngọc Dao, người bạn thân của thiếp luôn miệng năn nỉ thậm chí van xin thiếp ở lại. Sau đó thiếp mới hiểu, tuy được Vua yêu chiều nhưng Tiệp dư là rất cô đơn, bởi một lý do đơn giản, Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh không giấu thái độ hằn học, căm ghét Tiệp dư ra mặt. Bà ta cho thái giám rình mò Tiệp dư từng bước chân. Bề ngoài thì Hoàng hậu luôn tỏ vẻ vui cười, nhưng sự căm thù của bà ta với Tiệp dư thì ai cũng biết. Tiệp dư thấy hoảng sợ, nhưng lại không biết bày tỏ cùng ai luôn sống trong tâm trạng nơm nớp sợ hãi. May nhờ sự sủng ái của Vua giành cho thiếp mà Tiệp dư có thiếp bầu bạn. Tiệp dư hy vọng qua thiếp sẽ ngăn chặn được sự trả thù của Hoàng hậu. Tiệp dư xin thiếp đừng bỏ đi, bởi lúc này nếu thiếp đi thì rất có thể Hoàng hậu sẽ mưu hại Tiệp dư. Trong nội cgiờ đây người duy nhất còn nói được cho Vua nghe chính là thiếp, nên Tiệp dư xin thiếp ở lại chờ nàng sinh con, khi nào Hoàng tử mạnh khỏe thiếp hãy đi cũng chưa muộn. Chính vì thế mà đến nay thiếp vẫn không đành ra đi là vì vậy, mặc dù thiếp rất mệt mỏi."
Nghe những lời tâm sự của nàng ta rất thông cảm. Tuy nhiên ta cũng cho nàng biết một diều rằng, việc nàng ủng hộ Tiệp dư Ngọc Dao, có nghĩa là nàng đã tự đặt mình vào tình thế đối đầu nguy hiểm với Hoàng hậu. Hoàng hậu nhất định sẽ không bỏ qua chuyện này. Ta ít có dịp gặp mặt Hoàng hậu, nhưng người đàn bà này luôn để lại cho ta ấn tượng khó quên bởi đôi mắt chim cắt có đuôi, vắt ngược, sắc như lưỡi gươm, nhìn ai cũng như muốn chẻ đôi người ây ngay tức khắc. Ta hiểu ra không sớm thì muộn mình cũng sẽ bị lôi vào cuộc, dù cho ta hoàn toàn không thích can thiệp chuyện của nội cung.
Ta đã dự đoán đúng.
- Tướng công, Tiệp dư Ngọc Dao bị nhà vua bắt giam vào đại lao rồi. - Thị Lộ sụp vào tay ta òa khóc. Ta kinh ngạc.
- Tại sao lại có chuyện lạ vậy. Nàng đừng khóc nữa, hãy nói đầu đuôi cho ta nghe.
Ta dìu nàng ngồi xuống ghế, Thị Lộ nức nở.
- Cách đây mấy tuần, bọn thái giám Tạ Thanh, Đình Phúc bất ngờ phát hiện trong phòng Tiệp dư một pho tượng Phật, bọn chúng đã thưa báo lên Hoàng hậu. Khi nghe nội quan báo, dựa theo luật cũ, Hoàng hậu đã buộc Tiệp dư vào tội chết. Rất may thiếp nghe tin kịp nên vội chạy đến năn nỉ nhà vua tha cho, nên ngài mới tạm tống giam Tiệp dư vào ngục, chờ xử sau.
Ta nhăn mặt.
- Tiệp dư là bạn thân của nàng, sao nàng không cho Tiệp dư biết rằng triều đình rất kỵ việc thờ Phật trong cung. Khi xưa Đại tư đồ Lê Ngân mất mạng cũng chỉ vì trong nhà có thờ Phật đó hay sao.
- Thiếp biết chuyện này và Tiệp dư cũng biết chuyện này. Thiếp đã gặp Tiệp dư để hỏi cặn kẽ, Ngọc Dao có cho thiếp biết là khi mang thai, vì lo lắng cho con nên thỉnh thoảng có buộc miệng khấn trời cầu Phật, nhưng không hề đem tượng Phật vào trong cung thờ cúng. Vậy mà nội quan đột nhiên tìm thấy trong phòng Tiệp dư có tượng Phật, chắc là có kẻ muốn hãm hại nên làm vậy để vu cho Ngọc Dao.
Nàng không cần phải nói hết ý, ta đã hiểu Thị Lộ muốn ám chỉ ai. Ta thở dài.
- Bá quan văn võ trong triều không ai có ý kiến gì ư?
Nguyễn Thị Lộ lắc đầu thiểu não.
- Chỉ có Long hổ tướng quân Nguyễn Xí và Á quận hầu Đinh Liệt là có lời tâu xin cho Tiệp dư, nhưhg mà nhà vua đều không nghe và vẫn quyết định buộc tội chết cho Tiệp dư. Các quan khác thì không dám nói, bởi gương cái chết của Đại tư đồ Lê Ngân mới ngày nào còn sờ sờ ra đó. Đã chọn ngày rồi, Tiệp dư bị buộc phải uống thuốc độc chết theo lệ cũ. Sao nhà vua có thể vô tình đến như vậy? - Thị Lộ lại khóc nức nở - Há ngài không biết là Tiệp dư đang hoài thai, sắp đến ngày sinh nở ư?
- Thế còn nàng, sao nàng không nói giùm Tiệp dư với Vua.
- Thiếp đã năm lần, bảy lượt van xin nhà vua rồi. Cũng vì vậy mà Tiệp dư không bị buộc chết ngay. Trong chuyện này vì Hoàng hậu đã quyết định rồi, cho nên có lẽ bá quan ngại không dám tâu xin. Thế lực Hoàng hậu lớn, Vua cũng nể.
Ta lắc đầu, không biết phải nói gì. Chợt Thị Lộ quỳ sụp xuống chân ta. Điều này làm cho ta ngạc nhiên và vội đỡ nàng đứng dậy.
- Là vợ chồng, có điều muốn nói, muốn xin, nàng cứ nói đừng có làm như vậy.
- Chỉ có chàng mới có thể giúp đỡ được Tiệp dư Ngọc Dao và đứa bé trong bụng.
- Ta?
- Nhập nội Tư mã, Á quận hầu Đinh Liệt có gặp riêng thiếp và cho biết hiện nay nhà vua rất mến và nể chàng. Trong chuyên này người duy nhất còn có thể nói cho Vua nghe là chàng và Hoàng hậu dù cho có căm ghét Tiệp dư đến như thế nào nhưng nếu biết chàng đã có lời tâu với Vua thì bà ta nhất định sẽ không dám phản bác. Như vậy chỉ chàng mới có thể thuyết phục được Vua lẫn Hoàng hậu mà thôi.
Ta ngần ngừ.
- Nàng phải biết bản thân ta đã rất chán ghét chuyện của triều đình. Làm quan, ta chỉ mưu cầu cho muôn dân được sống ấm no, hạnh phúc, còn chuyện triều đình hay nội cung ta không quan tâm, bởi ta không thích dính dáng đến. Nay nàng buộc ta phải vào tâu xin với Vua tức là nàng đã làm khó ta.
- Tướng công, thiếp xin chàng, Tiệp dư thật sự bị người khác hãm hại, nàng ta bị oan.
-...
- Nếu chàng không thương Tiệp dư thì thiếp cũng xin chàng hãy nhớ đến việc còn một đứa bé vô tội chưa ra đời, và nó sẽ bị chết oan uổng vì những âm mưu của người lớn chúng ta. Xin chàng hãy thương lấy sinh linh bé bỏng này.
Nhìn Thị Lộ thật thảm hại. Ta biết nàng rất quý mến Tiệp dư Ngọc Dao. Tuy là bạn bè thân, nhưng nàng lớn tuổi hơn Tiệp dư, nên khi xưa Tiệp dư vẫn coi nàng như người chị gái. Việc nàng vào cung và nấn ná ở đến giờ cũng là vì Tiệp dư, nhưng nàng đâu biết rằng chính vì vậy mà mình đã trở thành cái gai trong mắt Hoàng hậu và bà ta đang âm thầm tìm cách hãm hại nàng. Qua bạn bè ta được biết Hoàng hậu rất căm ghét nàng, thứ nhất, vì nàng đã lợi dụng sự tin cậy của Vua để bênh vực và che chở cho Tiệp dư, thứ hai, mặc dù nàng lớn tuổi nhưng vẫn mặn mà nhan sắc, nên nổi được ngài quý mến và đây là cơ hội cho sự ghen tuông của đàn bà. Ta thừa hiểu sự nguy hiểm của Hoàng hậu đến dường nào nên cũng đã nhiều lần khuyên khéo nàng hãy rút lui, đừng dính vào chuyện triều chính nữa kẻo lại mang họa sát thân như bao người.
Ta chỉ mới biết Tiệp dư Ngọc Dao thoáng sơ qua vài lần. Tuy không giáp mặt trò chuyện lâu, nhưng ta có cảm giác rằng Tiệp dư là một người đàn bà đoan chính, hiền lành, vì vậy ta vẫn có cảm tình với Tiệp dư. Nay Tiệp dư bị nạn, chẳng lẽ ta không giúp, chưa kể còn một sinh linh bé bỏng trong bụng Tiệp dư nữa. Dù sao đây cũng là giọt máu của Vua, lẽ nào bỏ đi như vậy? Vì do thờ Phật mà buộc phải tội chết như Đại tư đồ Lê Ngân thì ta cho rằng oan ức cho Tiệp dư Ngọc Dao quá. Trong vụ Lê Ngân, chuyện thờ Phật chỉ là cái cớ. Nay Tiệp dư bị nạn, phải chăng cũng là cái cớ của Hoàng hậu cộng với sự a dua của bọn thái giám nội cung? Nếu quả đúng vậy thì ta cần phải lên tiếng.
Ta mất ngủ cả một đêm trăn trở với những ý nghĩ ấy, gần sáng ta thức dậy báo cho Thị Lộ biết ta đồng ý về kinh để tâu xin cho Tiệp dư. Không thể nói hết nỗi vui mừng của nàng. Chúng ta vội vã lên đường vì sợ không kịp
Về đến kinh thành, ta vội xin vào chầu Vua. Lúc đó đã là buổi chiều tà, Hoàng thượng không còn tiếp việc nữa. Tuy nhiên vì là Giám nghị đại phu nên ta quyết định xé rào và nhờ Nội quan thưa báo với Hoàng thượng có Hành Khiển Nguyễn Trãi xin vào gặp gấp. Nhìn ta, vẻ rất ngạc nhiên nhưng cuối cùng gã thái giám cũng vào thưa báo. Ta phải đợi một lúc khá lâu mới thấy thái giám quay ra. Có chiếu Vua cho phép Hành khiển Nguyễn Trãi được vào trong Tử cấm thành hầu Vua. Trên đường đi, viên thái giám tranh thủ cho ta biết, Hoàng thượng đang chuẩn bị dùng ngự thiện với Hoàng hậu nhưng vì nghe nói ta có việc gấp xin vào chầu nên ra tiếp.
- Thần, Nguyễn Trãi kính chúc Bệ hạ vạn tuế, vạn vạn tuế.
- Nguyễn khanh, khanh đi kinh lý vùng Đông Bắc về rồi đây à, đời sống nhân dân ở đó như thế nào?
- Dạ Thưa Bệ hạ. Nhờ ơn đức Bệ hạ nên đời sống mọi người ấm no. Đâu đâu cũng có lời ca tiếng hát và muôn lời ca tụng công ơn của Bệ hạ.
Nhà vua gật đầu hài lòng.
- Nay khanh đột ngột gấp gáp xin vào gặp trẫm vì chuyện gì?
- Dạ thưa vì chuyện của Tiệp dư Ngọc Dao.
- Hừ... trách phận của khanh không liên quan đến chuyện này. Huống chi trẫm đã đưa ra cho bá quan luận tội, mọi người đều không có ý kiến gì. Nay khanh còn vào tâu xin gì nữa?
- Bệ hạ, lúc trước Bệ hạ có cho thần làm Giám nghị Đại phu ở Môn hạ sảnh với lời tr phải đem lời hay ý dẹp dâng lên Bệ hạ khi cần. Sau đó vì nhiều công việc nên thần không làm tròn việc này và Bệ hạ là một vị Vua anh minh nên cũng không cần lời tâu của thần.
- Vậy ư? - Nhà vua gật gù thích thú - Thế nay khanh muốn tâu gì đây?
- Đạo Phật, họ có hàng ngàn năm nay rồi. Bản thân đức Thánh Khổng khi còn sống cũng không hề bài bác đạo Phật, chẳng qua ngài ít nói đến mà thôi. Tại sao, tại vì ngài tôn trọng niềm tin của mỗi người. Như vậy xét cho cùng đạo Phật cũng đâu có lỗi gì trong cuộc sống này, ai tin và ai thờ, đó là chuyên của mỗi người. Thậm chí, Nho gia Vân Trung Tử nhà Tùy còn cho rằng "Phật là bậc thánh nhân - Thánh nhân giã."
Nhà vua im lặng nhìn ta.
- Nhìn lại các triều Vua trước, chúng ta phải thấy đạo Phật đã góp rất nhiều công lao trong việc giữ gìn đất nước. Mở đầu nhà Lý là đạo Phật với nhiều cao tăng giúp đỡ mà sau này được coi như là một thánh giáo. Đến đời nhà Trần, đạo Phật cũng đã góp nhiều công lao trong việc chống nhà Nguyên. Thậm chí một vua Trần đã đi tu để mở ra một dòng truyền mới. Sang đến thời nhà Lê ta, thần được biết từ hồi còn sống, Tiên đế cũng không hề phản bác hay thù ghét gì đối với đạo Phật. Nay chúng ta theo Nho gia và có nhiều nhà Nho có ý kiến phản ứng với đạo Phật, nhưng cũng chưa từng có lời nói nào cho rằng thờ Phật thì phải chết. Làm vậy là trái với lời dạy của Thánh Khổng.
- Hừm... Nguyễn khanh, ông có nhớ Nho gia Hàn Dũ trong bài biểu Phật cốt dâng vua Đường đã bài bác Phật giáo như thế nào không?
- Thưa thần nhớ. Và sau này nhiều Nho gia vẫn mượn ý này của ngài Thối Chi để bài bác Phật giáo. Thực tế vào thời ấy, Lão giáo và Phật giáo chính dương đắc thế thịnh hành. Tuy nhiên cũng vì vậy mà sa vào sùng thượng hư vô, lấy bùa mê chương từ, huyền hoặc làm thần thánh để dụ dỗ dân chúng làm xằng bậy. Ngài Thối Chi là một người thông suốt lục kinh bách tử, với trách nhiệm là một Nho gia nên đã dâng biểu lấy lời nói thẳng với vua Đường Hiển Tông để can gián những việc mê muội quá. Việc làm dũng cảm ấy đáng khen thay. Tuy nhiên cái nhìn của Thối Chi nghiêm khắc quá, đánh giá Phật giáo như vậy là quá khắc nghiệt, như chính bản tính của ông ấy. Thực ra ông vẫn chưa hiểu hết được những tinh túy của Phật giáo, về cuối đời, chính ngài Thối Chi đã thừa nhận điều này.
Nhà vua im lặng. Ta quyết định nói thẳng.
- Thú thật, tuy thần là học Nho nhưng thần cũng có đọc sơ qua một số kinh điển Phật giáo và nhân thấy Đức Phật cũng có những lời dạy rất quý, đáng để cho chúng ta học hỏi.
- Nguyễn khanh - Nhà vua dột nhiên bật cười - Có vẻ như khanh rất tâm đắc với đạo Phật?
- Dạ thưa... thì cũng có lần Bệ hạ từng cho thần đi giữ chùa Tư Phú.
Nhà vua cười ha hả.
- Thôi được trẫm hiểu ý khanh. Trẫm sẽ không phạt Tiệp dư vào tội chết nữa. Tuy nhiên dù sao trước kia chúng ta cũng đã từng có thông lệ xét xử Lê Ngân về việc thờ Phật, nên nay nếu không phạt Tiệp dư thì e rằng lòng người không phục. Hoàng hậu thì đòi xử theo lệ cũ, nếu trẫm tha tội chết thì theo khanh nên xử tội khác như thế nào? Tội lưu chăng?
- Dạ thưa Bệ hạ, thần xin Bệ hạ hãy nghĩ đến giọt máu của mình đang trong người Tiệp dư
- Vậy trẫm sẽ tạm thời cho an trí Tiệp dư ra ở ngoài thành, chịu khổ một thời gian, sinh con xong, hối cải thì trẫm sẽ xem lại.
- Thần tạ ơn Bệ hạ.
Hai vợ chồng ta cùng với Á quận hầu Đinh Liệt thu xếp cho Tiệp dư Ngọc Dao ra ở chùa Huy Văn ở ngoài kinh thành để sinh nở. Sau đó vì thấy không yên tâm, nơi này chật hẹp và khổ quá, chưa kể có kẻ dòm ngó nên Đinh Liệt đã tâu với vua xin đưa Tiệp dư về gia trang của họ Đinh dể tiện việc chăm sóc. Vua đồng ý, không những vậy còn ban một ít vàng cho Tiệp dư đem theo làm lộ phí và căn dặn: sau này khi Hoàng tử cứng cáp mạnh khỏe, sẽ cho người dón hai mẹ con về.
"Quan Hành khiển, ta thây trong chuyện của Tiệp dư Ngọc Dao, dường như vợ chồng ông đã tốn rất nhiều công sức?"
"Thưa Hoàng hậu, theo thần nghĩ, nếu Tiệp dư thực sự có thờ Phật thì cũng chỉ nên trách phạt chứ không nên khép vào tội chết. Dù sao Tiệp dư cũng đang hoài thai giọt máu của Hoàng đế, chưa kể việc này thực hư thế nào còn chưa rõ. Thần mong Hoàng hậu suy xét."
"Suy xét - Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh quắc mắt nhìn ta - Xưa nay chuyện của nội cung là phải do ta giải quyết, không phải việc của ông. Là một cựu thần trải qua mấy đời Vua, ta nghĩ ông thừa hiểu quy định này. Nay bỗng dưng dựa vào ý gì mà ông cố xen vào. Phải chăng ông có ý coi thường ta?"
"Thưa Hoàng hậu, thần cũng hiểu chuyên nội cung là trách nhiệm của Hoàng hậu. Tuy nhiên với trách nhiệm của một Giám nghị Đại phu, thần nhận thấy khép Tiệp dư vào tội chết là quá nặng. Triều đình đã có quy định cấm việc thờ cúng Phật trong cung, nay Tiệp dư phạm thì nên trách phạt, nhưng không nên giết, làm như vậy theoần là quá nhẫn tâm. Chưa kể trong bụng Tiệp dư còn đang mang giọt máu của Vua."
"Hừ... hừ... Quan Hành khiển. Trong chuyện này ta sợ rằng vợ chồng ông cứu Tiệp dư không đơn giản chỉ vì thương hại mà là còn những ẩn ý khác."
"Thưa Hoàng hậu, tấm lòng trong sạch của thần có trời đất và Vua chứng giám. Nếu thần làm việc này để mưu lợi gì cho mình, thần tin rằng mình chết không có chỗ chôn thân."
"Ta kính trọng ông, vì ông là một vị quan thanh liêm, suốt đời tận tụy vì Vua. Ai ai cũng biết. Tuy nhiên ta muốn nhắc ông một điều là trong việc làm vừa qua ông đã đi quá xa rồi đấy - Hoàng hậu nhìn ta cười gằn lạnh lẽo - Chưa kể việc ông cho người thiếp của mình vào trong cung làm Lễ nghi Học sĩ cho Vua... Lễ nghi Học sĩ! - Hoàng hậu rít lên - Ta không thể nào chịu nổi cái thứ Lễ nghi Học sĩ đó, ông hiểu không. Và ông sẽ phải trả giá rất đắt đấy quan Hành khiển."
Buổi nói chuyện chấm dứt đột ngột ngang đó và đã để lại trong lòng ta những bứt rứt không yên. Chuyện này ta đã không kể lại cho ai nghe. Ta quá hiểu con người của Hoàng hậu, cho nên linh cảm thấy sự đáng sợ trong những lời đe dọa của bà ta. Những bóng đen mây dữ đang u ám bay trên mình. Nhưng ta cũng không ngờ sau này mình phải trả một giá đắt đến như vậy.