Nhà Tài Phiệt Cuối Cùng - Chương 05

Nàng nằm nghiêng người trên mặt nệm trắng nhìn chàng:

- Em có cảm tưởng như mình là thần Vệ Nữ.

- Tại sao em nghĩ vậy?

- Anh thử nhìn em coi, không giống là gì?

- Ừ, em cho là giống thì nó giống.

- Có nhiều lúc em cảm thấy thiệt sung sướng, và thấy anh thiệt dễ thương.

- Em có vẻ biết nhiều chuyện.

- Anh nói sao em không hiểu.

- Qua cử chỉ và ngôn ngữ của em, anh thấy em là người hiểu biết nhiều.

- Nếu nói về học vấn thì chưa bao giờ em đặt chân tới trường Đại học. Nhưng người đàn ông mà em đã có nói với anh, hắn có ý định giáo dục em. Hắn bắt em đọc đủ mọi loại sách, kể cả các sách về triết học và hội họa. Em nghĩ rằng có lẽ hắn giữ em ở lại là vì muốn giáo dục em.

- Em đã đọc những tác giả nào?

- Em chẳng nhớ quái gì. Bây giờ thì em quên hết và sau này chắc chả bao giờ em gặp ai như hắn nữa.

Suhr có vẻ cảm động:

- Em nên cố nhớ, không được quên, vì học vấn là điều đáng quý.

- Em đâu còn phải là học sinh.

- Em có thể nhớ để dạy lại cho con cái sau này.

- Thiệt sao?

- Đúng vậy. Vì còn nhỏ không được học, nên bây giờ muốn biết điều gì anh cứ phải chạy đi hỏi lung tung. Anh hay hỏi những nhà văn, nhà thơ say sưa, vì họ không bao giờ tiếc lời nói cả.

- Được, em sẽ cố nhớ để dạy cho con. Nhưng nhiều lắm, làm sao nhớ hết. Mình càng học càng thấy nhiều chuyện khác chưa biết. Đúng là càng học càng thấy dốt. Nếu hắn mà không điên điên, khùng khùng thì có lẽ hắn cũng làm được nhiều việc lắm.

- À, vâng, em đã yêu với tất cả sự bồng bột.

Nàng mơ màng nhìn qua cửa sổ và tiếp:

- Này anh, ngoài bãi có ánh đèn, chúng ta thử ra xem.

Chàng nhảy vội xuống đất:

- Hả, có lẽ cá găm xuất hiện.

- Cái gì anh?

- Hồi chiều anh thấy các báo có loan tin tối nay cá găm xuất hiện mà.

Chàng chạy vội ra ngoài xe. Nàng nghe tiếng mở cửa xe và sau đó chàng trở vào với tờ báo trên tay:

- Mười giờ mười sáu phút. Tức là còn năm phút nữa.

- Nguyệt thực hay là gì vậy anh?

- Không, giờ cá xuất hiện ở bãi. Em bỏ giày, vớ ra đi với anh.

Ngoài bãi bầu trời trong xanh dưới trăng sáng. Thủy triều bắt đầu dâng. Hàng đàn cá găm đông đảo chờ sẵn ngoài khơi. Đúng mười giờ mười sáu phút, chúng theo nước dâng, tràn vào bãi biển phơi mình trắng xóa trên bãi cát, bơi lượn xung quanh chân người. Chúng bơi từng hai con, ba con một hay có khi từng đàn cả chục con. Một người da đen hăm hở nhặt từng con bỏ vào hai chiếc sọt lớn. Anh ta lượm mỏi tay, chẳng mấy lúc đã đầy sọt. Anh ta cười với Stahr:

- Giá có vài sọt nữa cũng chứa không hết.

- Cá này anh đem đi bán ở đâu?

- Đem lên Malibu. Nhưng hình như những người làm điện ảnh không thích ăn cá mấy.

- Đi xa quá như vậy mà bán được bao nhiêu tiền, có bỏ công không?

- Nhân tiện tôi đi chơi luôn và mua mấy tờ báo về đọc. Tuy sống bằng cá, nhưng tôi chỉ có một cái thú là đọc báo.

Những lượn sóng bắt đầu vỗ vào bãi và kéo theo cá ra khơi, để lại bãi cát vàng trơ trọi như trước. Anh da đen hỏi Stahr:

- Ông làm gì?

- Điện ảnh.

- Ồ, tôi chưa bước chân vào rạp chiếu bóng bao giờ.

- Tại sao vậy?

- Tôi thấy nó chẳng ích lợi gì. Tôi cấm luôn cả mấy đứa nhỏ không cho đi coi xi-nê bao giờ.

Stahr nhìn anh ta, và Kathleen nhìn Stahr. Nàng nói:

- Cũng có phim hay chớ.

Một đợt sóng mạnh chạy vào bờ, nước bắn lên tung tóe khiến anh ta không nghe được câu nói của nàng. Nàng muốn thay đổi quan niệm của anh ta đối với điện ảnh, nên nhắc lại lần nữa, nhưng anh ta tỏ vẻ lãnh đạm. Stahr hỏi:

- Những người da đen khác có thích điện ảnh không?

- Họ chả hiểu những cuốn phim đó muốn nói cái gì. Mỗi tuần mỗi đổi phim khác, chẳng có một vấn đề gì nhất định, chắc chắn.

Có lẽ chỉ có những cá găm trắng phau kia là chắc chắn nhất. Đã nửa tiếng rồi, chúng vẫn còn tiếp tục tiến vào từ ngoài khơi. Gã da đen gánh hai thúng cá đầy lên khỏi bãi, tiến vào đường cái, không hề biết rằng quan niệm của anh ta có thể khiến kỹ nghệ điện ảnh phải lung lay.

Stahr và Kathleen cũng trở về. Nàng nghĩ không biết làm sao cho bớt lạnh. Gió lúc này đã thổi mạnh. Từng đợt sóng thi nhau đập vào bờ, bột trắng bắn tung tóe. Nàng lên tiếng:

- Tội nghiệp mấy anh cột nhà cháy, mấy ảnh chả biết điện ảnh là cái gì cả.

- Đừng trách họ. Họ có loại điện ảnh riêng của họ.

Về tới phòng, Kathleen đi giày vớ vào ngồi trước lò sưởi:

- Em cảm thấy thích California hơn. Có lẽ tính em hơi lang bang, không được nết na lắm.

- Không hẳn như vậy.

- Anh biết không như vậy?

- Gần em anh thấy vui.

Nàng thở dài một tiếng sẽ và đứng lên, rất sẽ nên Stahr không nghe thấy.

- Anh không thể để mất em. Dầu em nghĩ thế nào về anh. Nhưng chắc em cũng đã thấy tình anh đối với em như thế nào rồi...

Chàng ngừng lại một lát, hình như không chắc chẳn lắm về lời nói của mình:

- Em là người đàn bà đẹp say đắm, mà không biết đã từ bao giờ anh chưa từng gặp. Anh không thể không nhìn em suốt ngày. Đôi mắt em khiến cho cả thế giới này khi nhìn thấy phải thở dài...

Nàng vừa cười vừa kêu lớn:

- Thôi anh đi, cho em xin! Anh làm em về nhà có lẽ phải đứng trước gương soi cả tuần lễ xem thử mắt mình như thế nào. Đối với một cô gái ở nước Anh thì em kể là có hàm răng khá.

- Răng em rất đẹp.

- Nhưng so với các cô minh tinh điện ảnh ở Hollywood này thì em chưa đáng xách dép cho họ....

- Em không được nói vậy. Nhận xét của anh rất chính chắn.

Nàng đứng lặng thinh, nhìn mình, rồi nhìn chàng, rồi lại nhìn mình. Hình như nàng muốn nói điều gì nhưng lại thôi không nói nữa. Cuối cùng nàng thốt nhanh:

- Thôi, đi anh!

° ° °

Họ lái xe trở lại con đường cũ. Ngày hôm nay như thể là bốn lần họ đi qua con đường này, và mỗi lần đều cảm thấy mình là một con người khác. Vui buồn, háo hức, tò mò, thèm muốn, tất cả hình như đã lùi vào quá khứ. Bây giờ là lúc trở về với con người thực của chính mình, với tất cả tương lai, dĩ vãng của mình và công việc ngày mai bày ra trước mắt. Chàng bảo nàng ngồi sát lại phía mình. Nàng làm theo, nhưng cũng không cảm thấy gần nhau hơn. Sự thân mật trước đây mấy tiếng đồng hồ không còn để lại dư âm gì cả. Mấy lần chàng đã định lên tiếng mời nàng về nhà ngủ với mình, nhưng lại thôi, vì sợ nàng biết mình là con người quá cô đơn. Lúc xe bắt đầu lên dốc chạy về hướng nhà nàng, Kathleen đưa tay lại phía sau rờ tìm một vật gì đó ở nệm xe.

- Em kiếm gì vậy?

- Có lẽ nó rớt ra ngoài rồi. - Nàng vừa trả lời vừa mò tìm trong xắc tay.

- Mà cái gì vậy em?

- Một bao thơ.

- Quan trọng không?

- Không.

Lúc tới nhà, Stahr bật đèn trong xe, và nàng lật cả nệm xe lên kiếm cũng không thấy. Nàng bảo Stahr:

- Thôi, không sao đâu anh. Chắc rớt ra ngoài xe mắt rồi. À, địa chỉ thực sự hiện tại của anh bây giờ là chỗ nào?

- Bel-air. Không có số nhà.

- Bel-air là ở đâu?

- Một khu đang mở mang gần Santa Monica. Nhưng mà em cứ kiếm anh ở phim trường tiện hơn.

- Vâng, được rồi. Thôi, em về, cảm ơn ông Stahr nhiều.

Chàng nhắc lại, một cách ngạc nhiên:

- Ông Stahr?

- Cám ơn anh, chúc anh ngon giấc đêm nay. Vậy được chưa?

Chàng cảm thấy như bị đẩy xa khỏi nàng thêm chút nữa.

- Tùy em.

Stahr cảm thấy không chịu được không khí ngăn cách giữa hai người. Chàng nhái theo điệu bộ nàng hay làm, nghiêng đầu bên này, bên kia nhìn nàng và nói không thành tiếng: “Em biết chuyện gì sẽ tới với anh không?” Nàng thở dài và để chàng ôm mình trong vòng tay, và trong giây lát cảm thấy mình hoàn toàn thuộc về chàng. Trước khi tình thế thay đổi, Stahr thì thầm lời tạm biệt bên tai nàng và quay trở ra xe.

Lái xe vòng trở xuống đồi, Stahr cảm thấy một bản họp tấu lạ lùng, mãnh liệt, chỗ sai, chỗ đúng nổi lên trong lòng lần đầu tiên. Chủ đề có lẽ đã hiện ra, nhưng nhạc sĩ mới bắt tay sáng tác nên chưa nhận thấy ngay. Hòa tấu khúc trong lòng chàng có thể lẫn lộn với tiếng còi xe đủ loại trên mặt lộ kia. Cũng có lúc lại thâm trầm như tiếng trống đổ đều trong đêm trăng. Chàng lắng nghe thứ âm nhạc vừa mới bắt đầu nổi lên đó, thứ nhạc chàng cảm thấy thích nhưng không hiểu nổi.

Bên cạnh những âm thanh là hình ảnh người da đen với hai thúng cá trắng phau cũng hiện lên. Có thể giờ này anh ta đang ngồi ở nhà đợi Stahr, hay chờ chàng trong phim trường. Anh ta đã bảo cấm không cho con cái đi xem chiếu bóng. Thực là một thành kiến sai lầm cần phải gột bỏ bằng cách này hay cách khác. Một phim, hai phim, nhiều phim, một thập niên điện ảnh sẽ phải phá bỏ được thành kiến đó. Từ lúc nghe anh ta nói, Stahr đã quyết định loại bỏ bốn phim trong chương trình sản xuất, trong đó có một cuốn vừa bắt đầu tbực hiện tuần này. Đó là những cuốn phim khó hiểu. Stahr suy nghĩ lại những lời nói của anh da đen và thấy chúng vô giá trị. Chàng lấy lại một phim trước đây đã quăng trả cho bọn chó sói Brady, Marcus và đồng bọn để tính chuyện khác. Quyết định làm lại cuốn phim này là vì người da đen.

Stahr vừa lái xe về tới nhà là đèn trước cửa đã bật sáng, và người Phi Luật Tân giúp việc cho chàng tới đem xe vào ga ra. Trong thư phòng, Stahr thấy tờ giấy ghi một dọc tên những người đã gọi điện thoại tới:

“La Borwitz

Marcus

Harlow

Reinmund

Reinmund

Fairbanks

Brady

Colman

Skouras

Fleishacker,” vân vân...

Người giúp việc Phi Luật Tân đem vào cho chàng một bao thơ:

- Thưa cậu cháu thấy nó rớt ra ngoài xe.

- Cảm ơn bác, tôi đang kiếm từ nãy tới giờ.

- Thưa, tối nay cậu có coi phim không ạ?

- Không, cảm ơn bác, bác cứ việc đi ngủ đi.

Stahr cầm bức thơ lên và ngạc nhiên nhận thấy đề gởi cho chính chàng. Chàng tính bóc ra coi, nhưng chợt nhớ lại nàng đã tìm kiếm bức thơ trên xe và có ý muốn thu hồi lại. Giá nhà nàng có điện thoại thì chàng có thể gọi tới để hỏi cho rõ trước khi đọc. Chàng cầm bức thơ trong tay, nó đã được viết lúc trước khi hai người đi chơi với nhau và chàng có thể cho rằng những điều nàng viết trong thơ hiện không còn giá trị nữa. Bức thơ lúc này chỉ còn là một kỷ vật đánh dấu những cảm tình của nàng đối với chàng trong một lúc nào đó.

Dù sao Stahr cũng không muốn đọc bức thơ trước khi chưa hỏi lại nàng. Chàng ngồi vào bàn trước một chồng chuyện phim và cầm tập trên cùng để xuống đùi. Chàng lấy làm hãnh diện vì đã tự chủ được mình; không xé bức thơ ra điều đó chứng tỏ đầu óc chàng luôn luôn sáng suốt. Với Minna trước kia cũng thế, chàng không bao giờ bị mất bình tĩnh, kể cả lúc mới gặp nhau trong một mối tình hết sức thơ mộng, vương giả. Tình nàng đối với chàng luôn luôn tha thiết cho tới lúc chết. Và điều xảy ra ngoài ý muốn, khiến chàng ngạc nhiên là lòng trìu mến đã đưa chàng tới chỗ yêu nàng và yêu luôn cả sự chết. Chàng cảm thấy nàng quá cô đơn trong cõi chết và muốn cùng đi với nàng tới nơi đó.

Nhưng nếu nói chuyện “mê dại vì gái” thì chưa bao giờ chàng bị mắc vào cái tật ấy cả. Chính đứa em của chàng mới là loại người dại gái, hắn đã bị hết bà này tới bà khác, rồi bà khác nữa làm cho tả tơi như chiếc mền rách. Nhưng Stahr thì không, ngay từ lúc còn trai trẻ mới lớn lên, chàng cũng chỉ yêu có một lần, chưa bao giờ đến bận thứ hai, giống như người chỉ uống thứ rượu có một lần rồi thôi. Trí óc chàng đổ dồn vào những cuộc phiêu lưu khác ích lại hơn là những phút mua vui qua cảm giác mạnh. Giống như những nhân vật xuất sắc khác, chàng học được tính lạnh lùng bình thản ghê gớm. Vào khoảng mười một mười hai tuổi, chàng đã biết từ chối không bao giờ chấp nhận những điều dối trá, lừa đảo, sai lầm, nhục nhã, những điều mà loại người như chàng thường xử dụng. Nhờ đó Stahr đã không trở thành một tên vô loại, nhưng chàng đã học được lòng nhân từ, vị tha, kiên nhẫn, cảm tình.

Bác người làm Phi Luật Tân đem tới cho chàng một khay trên có nước lọc, trái cây, hạt dẻ. Stahr lật mở tập chuyện phim đầu tiên và bắt đầu đọc. Chàng đọc luôn trong ba tiếng đồng hồ, thỉnh thoảng ngừng lại để sửa chữa. Thỉnh thoảng chàng ngừng đọc, nhìn lên, mỉm cười với những ý tưởng sung sướng mơ hồ không phải do chuyện phim tạo ra. Mỗi lần cảm thấy như thế chàng lại để một phút suy nghĩ tìm ra nguyên nhân. Và chàng biết rằng niềm hạnh phúc đó chính là do những ý nghĩ về Kathleen, và chàng lại nhìn lá thơ - có một cái thơ để trước mặt cũng thấy vui vui.

Đã ba giờ sáng, đường gân máu ở mu bàn tay chàng bắt đầu giật giật và chàng biết đã tới lúc nên đi nghỉ. Kathleen giờ này chắc đã chìm sâu trong giấc ngủ mệt mỏi, đôi khi nàng trằn trọc nghĩ tới một người lạ đã gây cho nàng những cảm giác mạnh, người đó không ai khác hơn là chàng, đã sống cạnh nàng trong ít giờ ngắn ngủi vừa qua. Stahr thầm nghĩ nên mở lá thơ ra xem thử coi nàng nói những gì.

° ° °

“Anh Stahr mến,

Em viết thơ này nửa giờ trước khi tới nơi hẹn với anh. Khi nào chia tay, em sẽ trao thơ cho anh. Em muốn báo cho anh biết em sắp lập gia đình trong một ngày gần đây, và không thể tới thăm anh được nữa.

Đáng lẽ em phải cho anh biết từ đêm hôm qua, nhưng thái độ anh có vẻ bất cần và không muốn biết tới điều đó. Chiều nay trong cuộc đi chơi vui vẻ này, nếu em đem chuyện đó ra nói chắc sẽ làm anh mất vui, và em không muốn thế. Bây giờ thì anh phải nghe em nói sự thực, đằng nào cũng một lần. Em phải nói để anh thấy rằng em cũng chỉ là một cô gái tầm thường như những cô gái khác. Một con bạn tới thăm em tối hôm qua và nó bảo em như thế. Cô ta nói mọi người đều tầm thường cả, ngoài anh ra. Em nghĩ rằng cô ta đã nói như vậy, thì anh nên cho cô ta một việc làm nếu có thể được.

Em rất sung sướng nếu có được rất nhiều cô gái đẹp như vậy vây xung quanh... Em không muốn nói hết câu nhưng chắc anh cũng đã hiểu. Và có thể em sẽ gặp anh trễ, nếu em không thể đi ngay bây giờ.

Chúc anh mọi sự như ý

Kathleen Moore”

° ° °

Cảm giác đầu tiên của Stahr sau khi đọc xong lá thơ hầu như là một sự sợ hãi, nhưng sau đó chàng tự nhủ lời lẽ trong thơ đã hết giá trị bởi vì chính nàng đã có ý định lấy lại. Nhưng sau đó chàng nghĩ lại hai tiếng “Ông Stahr” mà nàng đã thốt ra lúc chia tay, đồng thời nàng còn hỏi địa chỉ của chàng. Biết đâu giờ này nàng đã viết xong một lá thơ khác, cũng với những lời lẽ tương tự như bức thơ này. Chàng cảm thấy bực tức một cách phi lý khi không thấy nàng nói đến những chuyện xảy ra trong cuộc đi chơi vừa rồi. Chàng đọc lại lá thơ lần nữa, nhưng vẫn không tìm ra được sự giải đoán nào khác. Tuy nhiên, lúc chia tay trước cửa nhà, chàng nhận thấy nàng đã có thái độ dứt khoát rồi. Nàng đã cố tình làm như thế không hề có cuộc đi chơi với chàng vừa rồi, không hề có bóng dáng người đàn ông nào khác trong ý thức nàng. Nhưng lúc này chàng không thể tin như vậy. Hình ảnh tất cả cuộc phiêu lưu lúc chiều chợt hiện lên rõ rệt khi chàng hồi tưởng lại. Chiếc xe, ngọn đồi, cái nón nàng đội và ngay cả bức thơ nữa, bay lên tứ tung chẳng khác gì những mẩu giấy vụn trong đống xà bần trước cửa nhà. Và rồi, hình ảnh Kathleen ra đi với những cử chỉ quen thuộc của nàng như lúc nàng hơi nghiêng đầu nhìn vật gì, thân hình mạnh mẽ, rắn chắc và hai bàn chân trần của nàng nổi bật trên mặt cát mịn. Bầu trời xám bạc, mưa gió âm u chợt nổi lên cuốn sạch cả đàn cá trắng trên bãi. Chỉ có một ngày mà mọi cái đều đã biến mất hết, không còn gì, ngoài chồng chuyện phim trên bàn.

Chàng bỏ lên lầu, những bậc thang đầu tiên khiến chàng nhớ tới cái chết của Minna hiện về chập chờn, và chàng phải cố gắng quên đi một cách khổ sở. Từng bậc, từng bậc, chàng đi lên cho tới hết cầu thang. Sàn gác trống trải vây chung quanh, với những cánh cửa không người bên trong. Trong phòng chàng, Stahr lặng lẽ cởi bỏ cà vạt, giày, vớ. Lúc này mọi sự hầu như đã tắt hẳn, ngoại trừ một hình ảnh còn sót lại, đó là chiếc xe hơi của khách sạn. Stahr để đồng hồ báo thức mười giờ.

* * * *

Cecilia trở lại kể tiếp. Tôi thiết tưởng trong vấn đề này tôi nên quay trở lại nhận xét, mô tả chính những hành động của mình có lẽ là hay hơn cả. Những hành động của mình lúc này đã khiến tôi cảm thấy xấu hổ. Nhưng ai mà chả sượng sùng khi muốn kể lại những câu chuyện hay.

Hôm đó tôi nhờ Wylie tới bàn Martha Dodd, để hỏi thăm về lai lịch của cô gái lạ, nhưng anh ta chẳng biết thêm được gì cả. Đột nhiên tôi chú ý tới cô ta một cách ghê gớm trong suốt cả cuộc đời. Tôi đoán chừng - và không sai - thế nào Martha Dodd cũng phải biết về cô gái đó. Thực là chuyện vô lý nếu có người ngồi chung một bàn với mình được mọi người chiêm ngưỡng bái phục đến độ muốn trao vương miện cho, mà mình lại không biết đến tên tuổi của họ.

Tôi vừa mới quen biết Martha Dodd qua một vài câu chuyện, nên không tiện hỏi thẳng cô ta về người con gái đó. Nhưng sáng hôm sau là thứ Hai, tôi đã tới phim trường và đi kiếm Jane Meloney.

Jane Meloney là bạn từ lâu. Tôi thường nghĩ tới nàng giống như một đứa trẻ nghĩ đến những người thân thích trong gia đình. Nàng là soạn giả, nhưng tôi mới có quan niệm cho rằng soạn giả thì cũng chẳng hơn gì thơ ký. Có khác chăng là ở chỗ mấy nàng này thường hay léng phéng đến mấy tiệc trà và được mời đi ăn nhiều hơn. Ngoài ra, khi nói về họ người ta cũng thường coi như mấy cô thơ ký. Tuy nhiên có một số soạn giả kịch trường từ Miền Đông tới ở ít lâu rồi lại ra đi thì được mọi người kính trọng ra mặt. Nhưng nếu có người nào định ở lì không chịu ra đi, thì lần lần rồi cũng lại bị hạ xuống ngang hàng với giai cấp cổ trắng.

Phòng làm việc của Jane ở tòa nhà dành riêng cho bọn văn sĩ già. Họ ngồi làm việc từng hàng ổ mỗi khu vực khác nhau. Đó là bọn văn nhân già yếu nhưng còn gân guốc, bị bỏ sót lại từ những ngày xa xưa, nhưng hàng ngày vẫn còn cố rên lên khừ khự với cái giọng của những tên văn nô cô độc, những tên ăn mày không bị gậy. Người ta kể chuyện rằng một hôm có ông giám đốc mới tới, ông ta xuống thăm bọn này làm việc và sau đó lên hỏi ở văn phòng xem những người đó là ai. Văn phòng cho biết họ được coi như những soạn giả. Ông giám đốc nói:

- Tôi cũng nghĩ vậy, nhưng tôi đứng coi cả mười phút mà thấy hai người trong bọn không hề viết một hàng nào.

Jane đang ngồi trước máy chữ, lúc đó đã gần tới giờ nghỉ ăn cơm trưa. Tôi nói thẳng với nàng rằng tôi đang gặp phải một địch thủ lợi hại, một con thuộc loại ngựa đen mà ngay cả tên tuổi tôi cũng chưa biết. Jane nói:

- À, chuyện đó hình như chị có nghe ai đó nhắc tới.

Tôi biết thừa, ai đó chính là Ned Sollinger, cháu của Jane hiện là tùy phái trong văn phòng Stahr. Trước đây nàng gởi hắn lên Nữu Ước học ở trường thuốc. Nhưng sau khi bị một cô gái cho leo cây, hắn đã cắt bộ phận kín của một cái xác phụ nữ gởi cho cô gái và bỏ về đây làm lại cuộc đời bắt đầu từ nấc thang thấp nhất và hiện thời hắn cũng vẫn còn lẹt đẹt ở cái chân tùy phái đó. Tôi hỏi Jane:

- Chị nghe nói gì?

- Hình như đêm động đất nàng té xuống cái hố phía sau phim trường và bị chìm. Stahr đã nhảy xuống cứu nàng lên. Có người thì nói nàng đã nhảy khỏi ban công từ trên lầu xuống đất và bị gẫy tay.

- Nàng là ai?

- À, đấy lại là chuyện khác, cũng hay lắm.

Chuông điện thoại reo. Tôi nóng lòng chờ đợi trong khi nàng nói chuyện lòng thòng rất lâu với Joe Reinmund. Hắn ta hình như muốn tìm biết qua đường dây điện thoại xem nàng có thuộc hạng ngon lành không, hay là xem thử nàng đã từng viết chuyện phim nào bao giờ chưa. Nàng đã được nhắc nhở nhiều kể từ hôm nàng có mặt trên sân khấu trong lúc Griffith phát minh ra lối thu hình gần! Trong lúc nói chuyện thỉnh thoảng nàng lại rên lên se sẽ, vặn vẹo mình mẩy, nhăn mặt trước ống nói và áp ống nghe vào gần ve áo để tiếng nói chỉ phát ra một cách yếu ớt, đồng thời nàng vẫn nói chuyện với tôi:

- Sao, ngoài những buổi hẹn với em, ông ta còn đi ăn mảnh ở chỗ khác nữa à?... Ông ta hay hỏi chị mỗi câu hỏi như thế này đến hàng chục lần... Rồi, thế là xong bản dự thảo thời biểu làm việc chị phải gởi cho ông ấy...

Và nàng lại quay nói vào điện thoại:

- Không, nếu cái đó đưa tới Monroe thì không phải của tôi làm đâu. Tôi muốn đi cho tới cùng.

Nàng lại nhắm mắt lại và rên se sẽ:

- Rồi bây giờ ông ta lại tuyển lựa nữa... tuyển lựa luôn cả những vai phụ... Hắn chọn Buddy Ebson... Trời đất, ông ta muốn nói tới Donald Crisp... ông ta để cuốn sách chỉ dẫn tuyển lựa trên đùi, tôi có thể nghe cả tiếng lật sách soàn soạt... Sáng nay ông ta đóng vai nhân vật quan trọng, ông ta là một ông Stahr thứ hai... Ấy, lạy Chúa, tôi còn hai cảnh nữa phải viết trước khi đi ăn cơm trưa.

Sau cùng Reinmund cúp hay là bị ai ngắt ngang ở đầu dây bên kia chả biết. Người làm ở Câu lạc bộ đem cơm trưa tới cho Jane và đem cho tôi một chai Coca Cola, vì mùa hè đó tôi cữ không ăn cơm trưa. Jane đánh máy một câu trước khi ăn. Tôi rất chú ý tới cách viết của nàng. Một hôm tôi thấy nàng và một soạn giả trẻ khác lấy một câu chuyện trong tạp chí “The Saturday Evening Post”, thay đổi nhân vật và cốt chuyện đi rồi họ bắt đầu viết. Họ viết từng hàng một cứ dòng sau trả lời dòng trước giống như một người ráng hết sức mình để làm một việc gì cho có vẻ hay ho, hoặc ra vẻ can đảm, quý phái. Tôi muốn được thưởng thức câu chuyện đó trên màn ảnh, nhưng không thấy.

Tôi thấy nàng thật dễ thương, tựa như một món đồ chơi cũ kỹ rẻ tiền. Mỗi tuần nàng kiếm được ba ngàn đô-la, nhưng ông chồng nàng đã đem uống rượu sạch cả và còn đánh nàng chết lên, chết xuống. Ấy vậy mà bây giờ tôi phải bám vào nàng để có thể xoay quanh, chống lại tình địch. Tôi gạn hỏi:

- Chị không biết tên con nhỏ đó sao?

- À... phải rồi, ông ta có gọi điện thoại cho nàng, nhưng sau đó cho cô thơ ký Katy Doolan biết là bị lộn tên gì đó.

- Hình như ông ấy tìm ra rồi. Chị có quen Martha Dodd không?

- Có phải con nhỏ hay ồn ào, lắm chuyện đó không?

Giọng nói của nàng lên cao dần như người đóng kịch trên sân khấu.

- Chị mời cô ta đi ăn cơm với mình mai được không?

- Ồ, nó thiếu gì đồ ăn mà mình phải mời. Có một gã Mễ Tây Cơ...

Tôi phải giải thích với Jane rằng mình mời không phải thương gì cô ta, nhưng mình có mục đích khác. Nàng đồng ý và nhắc điện thoại gọi cho Martha Dodd.

° ° °

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3