Những Âm Mưu Từ Đảo Jekyll - Chương 07

Chương 7 THỨ KIM LOẠI DÃ MAN Lịch sử và sự tiến hóa của tiền; sự xuất hiện của vàng như nguồn cung ứng tiền chung; những cố gắng của các chính phủ nhằm lừa bịp dân chúng bằng cách cắt xén hoặc hạ thấp giá trị của đồng tiền vàng; sự thật rằng bất kỳ lượng vàng nào cũng có thể đủ cho cả một hệ thống tiền tệ và rằng “tiền nhiều” không đòi hỏi vàng nhiều. Có một thuật thần bí huyền diệu xoay quanh bản chất của đồng tiền. Nó thường được xem như vấn đề nằm ngoài tầm hiểu biết của những ai suy nghĩ đơn giản. Các câu hỏi về nguồn gốc của tiền bạc hoặc cơ chế tạo ra tiền bạc đều là những vấn đề hiếm khi được bàn luận công khai, chúng ta chấp nhận những điều đó như những thực tế của cuộc sống - những điều vượt quá tầm kiểm soát của mình. Do đó, trong một quốc gia - vốn được thành lập dựa trên nguyên tắc của chính phủ do dân, vì dân và thừa nhận sự hiểu biết ở mức độ cao các cử tri - bản thân mọi người đã phác thảo ra một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới không chỉ chính phủ mà còn cả cuộc sống cá nhân của họ nữa. Quan điểm này không phải là ngẫu nhiên hoặc luôn như vậy. Trước đó, đã có thời khi cử tri bình thường - thậm chí không học hành tới nơi tới chốn - cũng được thông báo rất rõ về các vấn đề tiền bạc và trở nên vô cùng lo lắng về sự thực thi của chính phủ nước mình. Trên thực tế - như chúng ta sẽ thấy ở chương sau - những cuộc bầu cử quan trọng dù thắng hay thua đều phụ thuộc vào cách các ứng cử viên đứng về phía vấn đề của ngân hàng trung ương ra sao. Tuy nhiên, để thuyết phục dân chúng theo quyền lợi của những kẻ quan liêu ham thích tiền bạc thì những vấn đề này giờ đây trở nên quá phức tạp đối với những kẻ mới vào nghề. Song, thông qua việc sử dụng biệt ngữ chuyên môn và bằng việc che giấu thực tế đơn giản bên trong mê cung của những thủ tục rườm rà, những vấn đề này đã khiến cho việc hiểu được bản chất của tiền bạc trở nên phai nhạt dần trong ý thức của dân chúng. TIỀN LÀ GÌ? Bước đầu tiên trong âm mưu này chính là việc làm rối định nghĩa về tiền. Ví dụ như tờ New York Times số ra ngày 20 tháng 7 năm 1975 có đăng bài viết với tiêu đề “Nguồn cung ứng tiền: Gia tăng sự lộn xộn” bắt đầu bằng câu hỏi: “Ngày nay, tiền là gì?” Còn trong số ra ngày 29 tháng 8 năm 1975, tờ Wall Street Journal bình luận: “Những người phụ nữ và đàn ông liên quan tới bài tập bí truyền này [về việc theo dõi nguồn cung ứng tiền]… cũng không dám chắc chắn chính xác điều gì cấu thành nên nguồn cung ứng tiền.” Và cũng trên tờ này số ra ngày 24 tháng 9 năm 1971, có bài báo viết rằng: “Buổi thuyết trình của những nhà kinh tế học xuất sắc ủng hộ IMF đã không thể nhất trí được tiền là gì hoặc cách các ngân hàng tạo ra nó.” Thậm chí chính phủ không thể định nghĩa được thế nào là tiền tệ. Vài năm trước, một quý ông tên là A.F. Davis đã gửi qua bưu điện cho Bộ Tài chính một tờ mười đô-la do Dự trữ Liên bang phát hành. Trong bức thư của mình, ông yêu cầu chú ý tới dòng chữ viết trên tờ giấy bạc như để nói rằng nó có thể được dùng thay “tiền hợp pháp” và sau đó yêu cầu phải gửi lại cho ông ta số tiền đó. Vậy là Bộ Tài chính đơn thuần gửi lại hai tờ năm đô-la có in sê-ri khác nhau tương ứng với khoản tiền đã nhận được như lời hứa để trả. Davis liền phúc đáp: Kính thưa Ngài! Chúng tôi xác nhận việc nhận hai tờ năm đô-la Mỹ, điều mà chúng tôi diễn giải từ bức thư của ngài rằng chúng được xem như tiền hợp pháp. Có phải chúng ta suy ra từ điều này rằng tiền do Dự trữ Liên bang phát hành không phải là tiền hợp pháp? Tôi gửi kèm theo đây một trong hai tờ năm đô-la mà Ngài đã gửi cho tôi và xin lưu ý dòng chữ nằm trên tờ đô-la rằng: “Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ sẽ thanh toán cho người cầm séc theo nhu cầu bằng tờ năm đô-la”. Do đó, tôi đang yêu cầu tờ năm đô-la. Một tuần sau, Davis nhận được phản hồi từ M.E. Slindee - Bộ trưởng Tài chính đương quyền lúc này: Ngài Davis kính mến! Chúng tôi xác nhận việc nhận lá thư của Ngài ngày 23 tháng Chạp với tờ năm đô-la Mỹ theo nhu cầu thanh toán năm đô-la. Vì thế, Ngài nên nhận thấy rằng cụm từ “tiền hợp pháp” không được định nghĩa theo pháp luật liên bang… Cụm từ “tiền hợp pháp” cũng không còn ý nghĩa đặc biệt như vậy nữa. Nên nhân đây, tôi xin gửi lại Ngài tờ năm đô-la Mỹ mà chúng tôi nhận được qua lá thư Ngài gửi ngày 23 tháng Chạp.[1] Những cụm từ “… sẽ thanh toán cho người cầm séc theo nhu cầu” và “… có thể được dùng thay tiền hợp pháp” đều đã bị xóa khỏi tiền tệ của chúng ta vào năm 1964. Có phải tiền tệ thực sự bí hiểm đến mức không thể định nghĩa được? Liệu nó có phải là tiền đồng và tiền giấy có trong túi chúng ta không? Hay nó có phải là những con số trong một tài khoản vãng lai hoặc những xung lực điện tử trong máy vi tính? Nó có bao gồm sự cân đối trong tài khoản tiết kiệm hoặc thẻ tín dụng còn giá trị theo thẻ tính tiền? Nó có bao gồm giá trị của cổ phiếu và trái phiếu, nhà cửa, đất đai hoặc các tài sản cá nhân không? Hoặc có phải tiền chẳng qua chỉ là sức mua không? Chức năng chính của Cục Dự trữ Liên bang là điều chỉnh nguồn cung ứng tiền. Song, nếu không một ai đủ khả năng định nghĩa được tiền là gì thì làm sao chúng ta có thể có ý kiến về việc Cục Dự trữ Liên bang đang hoạt động như thế nào? Dĩ nhiên, câu trả lời là chúng ta không thể và đó chính xác là cách mà tổ chức lũng đoạn muốn vậy. Lý do Cục Dự trữ Liên bang trở thành một chủ thể phức tạp bởi vì hầu hết những cuộc tranh cãi đều bắt đầu vu vơ đâu đó giữa lưng chừng. Đến lúc chúng ta bàn về nó thì những định nghĩa đều đã bị xáo trộn, còn những khái niệm cơ bản thì được thừa nhận. Trong những điều kiện như vậy, những rối loạn về trí óc là không thể tránh được. Tuy nhiên, nếu bắt đầu từ đầu và tìm hiểu tuần tự từng khái niệm từ tổng quát tới chi tiết cũng như đồng ý với những định nghĩa đã xem thì chúng ta sẽ kinh ngạc khi nhận thấy rằng các vấn đề thực sự khá đơn giản. Hơn nữa, quá trình này không chỉ không đau buồn mà còn vô cùng thú vị. Do đó, mục đích của phần này và ba chương tiếp chính là để cung cấp ngay cái được gọi là khóa học cấp tốc về tiền. Nó sẽ không phức tạp bởi thực tế bạn đã biết nhiều về điều phải thực hiện. Tất cả chúng ta sẽ cố gắng tiến hành để xâu chuỗi mọi cái lại với nhau đến mức có được tính liên tục và phù hợp với môn học của mình. Tới khi đọc hết ba chương tiếp theo này, bạn sẽ hiểu được tiền là gì. Xin hứa như vậy. Vì vậy, chúng ta hãy cùng bắt đầu từ cơ bản. Tiền là gì? ĐỊNH NGHĨA TẠM THỜI Từ điển có thể giúp được một ít. Nếu không thể thống nhất được tiền là gì thì các nhà kinh tế học sẽ bị hạn chế một phần do quá nhiều định nghĩa hiện nay khiến cho mọi người thật khó đưa ra khẳng định chắc chắn. Tuy nhiên, theo mục đích phân tích của chúng ta thì nhất thiết sẽ phải lập được một định nghĩa để ít nhất còn có thể biết từ đó có nghĩa gì khi được sử dụng trong tài liệu này. Nên để thống nhất, chúng ta sẽ đưa ra định nghĩa của mình - điều được tổ hợp từ những dấu vết và mẩu tin lấy từ rất nhiều nguồn - theo cơ cấu không phải để phản ánh điều chúng ta nghĩ tiền phải là gì hoặc hỗ trợ cho quan điểm của bất kỳ trường kinh tế cụ thể nào mà đơn giản là để rút ra khái niệm theo bản chất cơ bản nhất của nó cũng như phản ánh thực tế về thế giới ngày nay. Không nhất thiết phải đồng ý hoặc phản đối theo định nghĩa này bởi nó được đưa ra chỉ vì mục đích cung cấp việc hiểu từ ngữ được sử dụng trong những trang này rồi sau đó sẽ trở thành định nghĩa tạm thời của chúng ta. Tiền là bất cứ thứ gì được chấp nhận như phương tiện trao đổi và có thể được phân ra thành những hình thái sau: 1. Tiền hàng 2. Tiền hóa đơn 3. Tiền pháp định 4. Tiền dự trữ Việc hiểu được sự khác biệt giữa những hình thái này của tiền thực sự là tất cả những gì chúng ta cần biết để nắm bắt và đưa nhận xét một cách đầy đủ về Cục Dự trữ Liên bang bất chấp giá trị của nó đối với nền kinh tế và đất nước chúng ta. Vì vậy, chúng ta hãy cùng nghiên cứu một số chi tiết của từng hình thái một. SỰ TRAO ĐỔI HÀNG HÓA (TRƯỚC KHI CÓ TIỀN) Dù thế nào thì sự trao đổi hàng hóa cũng xuất hiện trước khi có bất kỳ loại tiền tệ nào và điều quan trọng trước tiên là phải hiểu được mối liên hệ giữa hai điều này. Sự trao đổi hàng hóa được định nghĩa là những thứ được trao đổi trực tiếp để nhận về các sản phẩm có giá trị tương đương. Jones đã đổi chiếc xe Ford đời Model-T vừa sửa lại của mình để lấy một chiếc đàn pi-a-nô cánh hiệu Stainway.[2] Về bản chất, cuộc trao đổi này không phải là tiền bạc vì cả hai món đồ đều được định giá riêng hơn là được giữ như phương tiện trao đổi sử dụng sau này cho một số cái khác. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng cả hai món đồ đều có giá trị nội tại hoặc chúng sẽ không được các bên tham dự khác chấp nhận. Sức lao động cũng có thể được trao đổi như đổi chác khi nó được thừa nhận có giá trị nội tại đối với người vì người khác mà thực hiện lao động. Khái niệm về giá trị nội tại chính là cốt lõi đối với việc hiểu những hình thái khác nhau của tiền bạc được phát triển từ quá trình đổi chác. TIỀN HÀNG Trong sự tiến hóa tự nhiên của mọi xã hội luôn có một hoặc hai mặt hàng trở thành phổ biến hơn tất cả những thứ khác được dùng để trao đổi. Sở dĩ như vậy là do chúng có những đặc điểm cụ thể hết sức hữu dụng hoặc hấp dẫn được hầu hết mọi người. Rốt cuộc, chúng được đem ra trao đổi buôn bán không phải cho chính mình mà cho những thứ khác do kho giá trị mà chúng đại diện có thể được trao đổi vào thời điểm cuối cùng. Tới lúc này, chúng liền ngừng ngay việc đổi chác và bắt đầu trở thành tiền thực sự. Theo định nghĩa tạm thời của chúng ta thì chúng chính là phương tiện trao đổi. Và khi trở thành hàng hóa của giá trị nội tại thì phương tiện đó có thể được miêu tả như tiền hàng. Đối với con người thuở ban sơ, món hàng phổ biến nhất để trở thành tiền hàng là một số loại lương thực như sản vật hay vật nuôi. Bằng chứng còn lại đối với sự thật này chính là cụm từ tiền tài (pecuniary) mang nghĩa thuộc về tiền bạc được bắt nguồn từ cụm từ con bò cái (pecunia) trong tiếng La-tinh. Tuy nhiên, khi xã hội phát triển vượt quá mức sống nghèo khổ, các hàng hóa khác không phải lương thực bắt đầu trở thành nhu cầu chung. Các đồ trang sức bắt đầu được nghĩ tới khi nguồn cung cấp lương thực trở nên dư dật và vẫn còn dấu tích của một số xã hội từng sử dụng những vỏ sò biển có màu sắc và những viên đá khác lạ như đồ trang sức. Nhưng những thứ này thực sự chẳng bao giờ thách thức nổi việc dùng gia súc, cừu, ngũ cốc hoặc lúa mì bởi tự những sản phẩm chủ yếu này sở hữu giá trị nội tại lớn hơn dẫu cho chúng không được sử dụng như tiền. NHỮNG KIM LOẠI CÓ VAI TRÒ NHƯ TIỀN Rốt cuộc, khi con người học được cách luyện quặng thô và rèn thành những công cụ hoặc vũ khí thì bản thân những kim loại đó trở nên có giá trị. Đây chính là buổi đầu của Kỷ nguyên Đồng - thời kỳ sắt, đồng đỏ, thiếc và đồng thiếc được mua bán giữa những người thợ rèn và thương nhân theo những tuyến đường buôn bán cũng như tại những cảng biển quan trọng. Ban đầu giá trị của những thỏi kim loại được xác định bằng trọng lượng. Nhưng sau đó, chúng được đổ khuôn thành những thỏi có trọng lượng đồng nhất và cuối cùng theo tập quán, được các thương nhân xác định giá trị đơn giản bằng cách đếm số lượng thỏi. Dẫu cho việc mang vác bằng bao là rất cồng kềnh nhưng vẫn đủ nhỏ để được vận chuyển dễ dàng và trên thực tế, dưới dạng này, chúng đã trở thành những đồng tiền kim loại thô sơ nhưng thiết thực. Lý do cơ bản khiến các kim loại trở nên được sử dụng rộng rãi như tiền hàng là do chúng đáp ứng được tất cả yêu cầu về mua bán tiện lợi. Bên cạnh đó, chúng có thể tồn tại được lâu hơn do mang giá trị nội tại cho những sử dụng khác ngoài tiền, chứ không chỉ có nghĩa như những con bò cái. Nhờ việc nấu chảy và cải cách, chúng có thể được chia ra thành những đơn vị nhỏ hơn và được sử dụng một cách thuận tiện cho những cuộc mua bán các món hàng nhỏ, ví dụ là điều không thể làm được với kim cương. Và bởi không quá dư dả (những số lượng nhỏ lại mang giá trị cao) nên điều này có nghĩa rằng chúng có thể dễ dàng được mang theo nhiều hơn những món hàng chẳng hạn như gỗ. Tuy nhiên, có lẽ thuộc tính tiền tệ quan trọng nhất của các kim loại là khả năng được cân đong một cách chính xác, điều vô cùng quan trọng cần phải ghi nhớ bởi theo tính năng và hình thái cơ bản của mình, tiền vừa là kho lẫn thước đo của giá trị. Nó trở thành sự tham chiếu cho tất cả thứ khác có thể được so sánh trong nền kinh tế. Do đó, về cốt lõi, tiền tệ được coi là đơn vị có khả năng đo lường và bất biến - tính năng cho thấy các kim loại phù hợp một cách lý tưởng bởi khả năng phân tích chính xác tính nguyên chất lẫn trọng lượng của chúng. Các chuyên gia có thể mặc cả về chất lượng chính xác của đá quý, nhưng việc một thỏi kim loại có nguyên chất 99% hoặc có nặng đủ 100 ounce hay không thì lại ít nhận được sự đánh giá của mọi người. Thế nên, đó chính là lý do khiến cho con người từng chọn các kim loại như kho và thước đo giá trị lý tưởng trên mọi châu lục và trong suốt quá trình lịch sử. UY THẾ CỦA VÀNG Dĩ nhiên có một kim loại từng được lựa chọn nhờ phương pháp thử qua hàng thế kỷ so với tất cả kim loại khác. Thậm chí ngày nay, trong một thế giới, nơi tiền bạc không thể định nghĩa nổi thì đến người dân thường theo bản năng còn biết rằng vàng vẫn là tốt nhất trừ phi xuất hiện thứ tốt hơn. Chúng ta sẽ để dành cho các nhà xã hội học bàn cãi về nguyên nhân tại sao vàng lại được chọn như đồng tiền chung. Còn với mục đích của chúng ta, điều quan trọng chỉ cần biết là nó từng được chọn. Tuy nhiên, chúng ta không nên bỏ qua khả năng xảy ra rằng nó là một lựa chọn hoàn hảo. Xét về số lượng, vàng dường như chỉ vừa đủ số lượng để giữ cho giá trị của nó tương đối cao trong hệ thống tiền tệ hữu ích, thậm chí còn không được nhiều như bạc, thứ kim loại còn nhiều hơn bạch kim, ngẫu nhiên trở thành yếu tố quan trọng thứ hai trong cuộc luận bàn về tiền tệ. Những kim loại này đều phù hợp theo mục đích tương đối tốt, song vàng vẫn được xem là sự thỏa hiệp hoàn hảo. Vì thế, nó đã trở thành hàng hóa theo nhu cầu ngày càng lớn về các mục đích khác hơn cả tiền như công nghiệp và đồ trang sức do luôn đảm bảo được giá trị nội tại trong mọi điều kiện. Tất nhiên, sự nguyên chất và trọng lượng của nó có thể được cân đong một cách chính xác. HỌC THUYẾT SAI LẠC VỀ SỐ LƯỢNG Người ta thường bàn cãi rằng vàng không thích hợp để trở thành tiền vì bị hạn chế về nguồn cung ứng nhằm thỏa mãn được các nhu cầu của thương mại hiện đại. Nhìn bề ngoài, điều này có vẻ lô-gíc - xét cho cùng, chúng ta phải cần nhiều tiền để giữ cho các bánh xe của nền kinh tế quay được - nhưng theo điều tra thì điều này lại trở thành một trong những ý tưởng ngây ngô nhất có thể tưởng tượng ra. Trước tiên, người ta ước tính rằng, giờ đây có khoảng 45% vàng được khai thác trên toàn thế giới kể từ khi châu Mỹ được phát hiện ra đều nằm trong các kho dự trữ của chính phủ hoặc ngân hàng.[3] Rõ ràng, có ít nhất trên 30% là đồ nữ trang, trang sức và cả những kho dự trữ cá nhân. Và bất kỳ hàng hóa nào tồn tại chiếm tới 75% tổng sản lượng thế giới kể từ khi Columbus phát hiện ra châu Mỹ hiếm khi được miêu tả như trong nguồn cung ứng thiếu hụt. Tuy nhiên, thực tế sâu xa hơn là ngay cả nguồn cung ứng cũng không quan trọng. Hãy nhớ rằng chức năng chủ yếu của tiền là đo lường giá trị các món hàng mà nó trao đổi và theo mục đích như vậy, hoàn toàn phù hợp như tiêu chuẩn so sánh hoặc thước đo của giá trị - điều thực sự không khác mấy so với việc chúng ta đo chiều dài của chiếc chăn theo inche, feet, yard hoặc mét. Thậm chí, chúng ta có thể quản lý chúng khá tốt theo dặm nếu dùng hệ thập phân và biểu diễn kết quả theo milimét. Chúng ta cũng có thể dùng vô số thước đo mà chẳng ảnh hưởng gì tới số đo được dùng vì thực tế số đo không hề thay đổi. Chăn của chúng ta chẳng to hơn được chỉ bởi chúng ta vừa tăng số đơn vị đo lường bằng cách khắc thêm các điểm đánh dấu trên những chiếc thước của mình. Nếu nguồn cung ứng vàng trong sự liên quan tới nguồn cung ứng hàng hóa có sẵn là nhỏ đến nỗi một đồng tiền vàng một ounce trở nên quá giá trị đối những giao dịch nhỏ thì rõ ràng mọi người sẽ sử dụng những đồng tiền nửa ounce hoặc một phần mười ounce. Thế nên, khối lượng vàng trên thế giới không ảnh hưởng tới khả năng phục vụ như một loại tiền tệ, nó chỉ ảnh hưởng tới số lượng được sử dụng để đo bất kỳ giao dịch nào. Hãy cùng làm rõ điểm này bằng cách tưởng tượng rằng chúng ta đang chơi trò Cờ tỉ phú (Monopoly), trong đó, ban đầu từng người chơi được cung cấp một nguồn cung ứng tiền để chơi nhằm thực hiện giao dịch kinh doanh. Nó không làm mất thời gian trước khi tất cả chúng ta bắt đầu cảm thấy thiếu tiền. Nếu có nhiều tiền hơn, chúng ta thực sự có thể thương lượng một cách khéo léo. Chúng ta hãy giả định xa hơn nữa rằng một ai đó phát hiện ra hội chơi khác của trò Monopoly đang ngồi trong buồng kín và đề xuất rằng tiền nên được bổ sung vào trò chơi đang tiến triển. Nhờ nhất trí chung mà những tờ tiền nhỏ lại được phân phát đồng đều cho tất cả người chơi. Điều gì sẽ xảy ra? Lúc này, nguồn cung ứng tiền sẽ được tăng gấp đôi. Tất cả chúng ta đều có khoản tiền nhiều gấp đôi lúc trước. Nhưng chúng ta có thấy tốt hơn không? Do không có sự tăng lên tương ứng về số lượng của cải nên mọi người sẽ phải đấu thầu giá của những thứ đang có cho đến khi chúng đắt gấp hai lần. Nói cách khác, quy luật cung - cầu sẽ nhanh chóng đuổi theo một cách chính xác trạng thái cân bằng dù đã tồn tại với nguồn cung ứng tiền bị hạn chế hơn. Khi số lượng tiền tăng lên mà không có sự tăng tương ứng về hàng hóa thì ảnh hưởng chính là sự giảm bớt sức mua của từng đơn vị tiền tệ. Nói cách khác, thực sự chẳng có gì thay đổi ngoại trừ mức giá đưa ra của mọi thứ tăng lên. Nhưng đó chỉ là mức giá đưa ra, mức giá được ấn định dưới dạng đơn vị tiền tệ. Còn sự thật là mức giá thực, dưới dạng mối quan hệ của nó với tất cả mức giá khác, vẫn giữ nguyên giống nhau. Rõ ràng rằng giá trị tương đối của nguồn cung ứng tiền vừa hạ xuống. Dĩ nhiên, điều này là cơ chế cơ bản của lạm phát. Giá cả không lên. Giá trị tiền đi xuống. Nếu Ông già Nô-en tới thăm mọi người trên Trái đất sau Lễ Giáng sinh và đặt vào những chiếc tất một khoản tiền chính xác bằng khoản tiền thực sự chúng ta có thì chắc chắn rằng nhiều người sẽ vui mừng vì đột nhiên thấy của cải tăng lên. Tuy nhiên, nhờ dịp Năm Mới mà giá cả mọi thứ sẽ tăng gấp đôi nên kết quả cuối cùng về mức sống trên thế giới sẽ chính xác bằng không.[4] Lý do khiến quá nhiều người tin vào lý lẽ hấp dẫn rằng nền kinh tế cần nguồn cung ứng tiền tệ lớn hơn là họ tập trung vào nhu cầu làm tăng nguồn cung ứng của mình. Nếu họ tạm ngưng để phản ánh về kết quả của việc tăng nguồn cung ứng tổng thể, sự vô lý của kế hoạch này ngay lập tức xuất hiện. Murray Rothbard, giáo sư kinh tế của trường đại học Nevada tại Las Vegas nói: Chúng ta đều thấy được sự thật hiển nhiên rằng chẳng có vấn đề gì với nguồn cung ứng tiền. Nguồn nào rồi cũng sẽ tốt như nhau. Thị trường tự do sẽ điều chỉnh đơn giản bằng việc thay đổi sức mua hoặc tính hiệu quả theo đơn vị vàng của nó. Không có bất cứ nhu cầu nào cho bất kỳ sự tăng lên trong nguồn cung ứng tiền được vạch ra, đối với nguồn cung ứng tăng lên để bù lại bất kỳ điều kiện nào hoặc để thực hiện bất kỳ tiêu chuẩn phi tự nhiên nào. Nhiều tiền không hẳn là cấp nhiều vốn hơn, không hiệu quả hơn, không thừa nhận “sự tăng trưởng kinh tế”.[5] VÀNG ĐẢM BẢO GIÁ CẢ ỔN ĐỊNH Cục Dự trữ Liên bang khẳng định rằng một trong những mục tiêu cơ bản của nó là bình ổn giá cả. Dĩ nhiên, nó từng thất bại khủng khiếp về điều này. Tuy nhiên, trớ trêu thay, việc duy trì giá cả ổn định là điều dễ nhất trên thế giới. Tất cả chúng ta phải làm là dừng việc chắp nối với nguồn cung ứng tiền và để cho thị trường tự do thực hiện công việc của mình. Giá cả tự động trở nên bình ổn theo hệ thống tiền hàng và điều này đặc biệt đúng dưới chế độ bản vị vàng. Các nhà kinh tế thích minh chứng các hoạt động của thị trường tự do bằng việc tạo nên những nền kinh tế vi mô và vĩ mô đầy tính giả thuyết mà trong đó, mọi thứ bị giảm xuống chỉ theo một vài yếu tố và một vài người. Vì vậy, trên tinh thần này, chúng ta hãy cùng tạo ra nền kinh tế mang tính giả thuyết được cấu thành chỉ từ hai tầng lớp nhân dân: những người đào vàng và các thợ may. Chúng ta hãy giả sử rằng quy luật cung - cầu được thiết lập dựa trên giá trị của một ounce vàng tương đương với một bộ quần áo vừa vặn và đẹp. Điều đó có nghĩa rằng sức lao động, công cụ, vật liệu và trí óc đòi hỏi để khai thác và tinh luyện một ounce vàng được trao đổi thương mại ngang bằng công sức, công cụ và trí óc để dệt vải và cắt may một bộ quần áo. Cho đến tận bây giờ, số lượng ounce vàng được sản xuất mỗi năm cũng chỉ xấp xỉ ngang bằng số lượng những bộ quần áo may đẹp mỗi năm và giá trị một ounce vàng ngang bằng với một bộ quần áo cắt may vừa vặn và đẹp. Lúc này, chúng ta hãy cùng giả định rằng: trong cuộc theo đuổi một mức sống tốt hơn, những người đào vàng phải làm việc thêm giờ và sản xuất vàng năm nay nhiều hơn năm trước, hoặc vừa phát hiện thấy một mạch vàng tăng đáng kể nguồn sẵn có mà mất ít thời gian làm thêm. Đến lúc này, mọi thứ không còn cân bằng nữa. Chúng ta có nhiều vàng hơn là có những bộ quần áo. Kết quả của sự mở rộng này về nguồn cung ứng tiền vượt quá cả nguồn cung ứng hàng hóa giống như trong trò chơi Cờ tỉ phú của chúng ta. Giá đưa ra cho những bộ quần áo tăng lên bởi giá trị tương đối của vàng vừa hạ xuống. Tuy nhiên, quá trình này không dừng ở đó. Khi nhận thấy rằng mức sống không tốt hơn trước bất kể làm thêm giờ và đặc biệt khi thấy những người thợ may đang làm ra lợi nhuận lớn hơn mà không mất thêm công sức thì một số người thợ mỏ sẽ quyết định từ bỏ lựa chọn của mình và quay sang kinh doanh trong lĩnh vực cắt may. Nói cách khác, họ phản ứng theo đúng quy luật cung - cầu trong lao động. Khi điều này xảy ra, sản lượng vàng hàng năm sẽ hạ xuống trong khi sản lượng quần áo tăng lên và trạng thái cân bằng lại được lặp lại một lần nữa, theo đó quần áo và vàng được giao dịch như trước đây. Còn thị trường tự do nếu được các chính trị gia và cơ chế tiền tệ giải phóng thì sẽ luôn duy trì được cơ cấu giá ổn định vì được điều chỉnh tự động bằng yếu tố cơ bản của nỗ lực con người. Nỗ lực con người được đòi hỏi để rút một ounce vàng ra khỏi trái đất sẽ luôn tương đương bằng tổng nỗ lực con người cần có để cung cấp hàng hóa và dịch vụ được trao đổi một cách tự do. THUỐC LÁ NHƯ MỘT LOẠI TIỀN Ví dụ hoàn hảo về cách hàng hóa có xu hướng tự điều chỉnh giá trị của chúng đã xuất hiện ở Đức vào cuối chiến tranh Thế giới II. Đồng mác Đức trở nên vô tác dụng, trong khi việc trao đổi hàng hóa lại trở nên phổ biến. Nhưng một trong những món hàng trao đổi đó là thuốc lá thực sự trở thành một thứ tiền hàng và hoạt động tương đối tốt. Một số lượng thuốc lá đã được vận chuyển lậu vào đất nước này - hầu hết đều do những quân nhân người Mỹ mang vào. Trong trường hợp này, số lượng bị giới hạn còn nhu cầu lại cao. Chỉ một điếu thuốc cũng cân nhắc được cả sự thay đổi nhỏ. Một gói hai mươi điếu hay một hộp các-tông hai trăm điếu còn giữ vai trò lớn hơn cả đơn vị tiền tệ. Nếu tỉ lệ trao đổi bắt đầu rớt xuống quá thấp - nói cách khác, nếu số lượng thuốc lá có xu hướng mở rộng theo tốc độ nhanh hơn sự mở rộng của những hàng hóa khác - những người giữ tiền, thường nhiều hơn, sẽ hút thuốc hơn vì tiêu tiền. Nguồn cung ứng sẽ giảm bớt và giá trị sẽ trở lại trạng thái cân bằng khi trước. Điều này không phải là học thuyết, nó thực sự đã xảy ra.[6] Với vàng như cơ sở tiền tệ, chúng ta mong rằng những cải thiện trong việc chế tạo công nghệ sẽ giảm bớt thực sự chi phí của sản phẩm, dẫn tới không chỉ sự ổn định mà còn giảm xuống về tất cả giá cả. Tuy nhiên, áp lực giảm xuống cũng là sự đền bù thực sự nhờ sự gia tăng về chi phí của những công cụ tinh vi hơn được yêu cầu. Vả lại, những hiệu quả công nghệ đang được áp dụng vào lĩnh vực khai thác mỏ vì vậy, mọi thứ hướng tới sự cân bằng hoàn toàn. Lịch sử từng chỉ ra rằng những thay đổi theo trạng thái cân bằng tự nhiên này là rất nhỏ và chỉ dần xuất hiện sau một thời gian dài. Ví dụ như năm 1913, năm Dự trữ Liên bang được ban hành thành luật, mức lương hàng năm trung bình ở Mỹ là 633 đô-la. Giá trị trao đổi của vàng năm đó là 20,67 đô-la. Điều đó có nghĩa rằng người lao động bình thường thu nhập tương đương 30,6 ounce vàng một năm. Năm 1990, mức lương hàng năm trung bình tăng lên 20.468 đô-la, tức là tăng 3.233% - mức tăng trung bình 42% mỗi năm cho 77 năm. Nhưng giá trị trao đổi của vàng năm 1990 cũng tăng lên 386,9 đô-la một ounce. Vì vậy, người lao động bình thường thu nhập tương đương 52,9 ounce vàng một năm - tăng 73%, mức tăng chưa đầy 1% một năm trong cùng thời gian như nhau. Rõ ràng rằng, sự tăng lên ngoạn mục về mức lương cũng chẳng mấy ý nghĩa với người dân thường Mỹ. Thực tế là chỉ một sự tăng nhỏ nhưng ổn định về sức mua (khoảng 1% một năm) cũng đạt được kết quả giống như sự cải thiện dần dần trong công nghệ. Điều này và chỉ điều này mới mang đến mức sống được cải thiện và giảm bớt mức giá thực - như được khám phá nhờ giá trị tương đối của vàng. Trong những lĩnh vực nơi dịch vụ cá nhân là yếu tố chủ chốt và công nghệ ít quan trọng thì sự ổn định của vàng như thước đo giá trị thậm chí còn gây ấn tượng hơn. Tại Khách sạn Savoy ở Luân Đôn, một đồng tiền vàng sẽ vẫn mua được một bữa tối dành cho ba người, chính xác như hồi năm 1913. Còn tại thành Rome cổ kính; chi phí cho việc làm đẹp gồm áo choàng, thắt lưng và một đôi xăng-đan là một ounce vàng, chi phí đó hầu như vẫn chính xác tới tận ngày nay, sau hai nghìn năm, để có được một đồ cắt may bằng tay, thắt lưng cùng một đôi giày. Không có những ngân hàng trung ương hoặc các tổ chức của con người nào khác có thể đạt tới được việc cung cấp kiểu giá cả ổn định như vậy. Và cho đến bây giờ, điều đó hoàn toàn tự động theo chế độ bản vị vàng. Trong bất kỳ trường hợp nào, trước khi rời khỏi chủ đề về vàng, chúng ta nên biết rằng không có gì bí ẩn về nó cả. Nó đơn thuần là hàng hóa mà vì có giá trị nội tại cao và sở hữu nhiều tiêu chuẩn cụ thể nên được chấp nhận như phương tiện trao đổi xuyên suốt lịch sử. Hít-le đã phát động chiến dịch chống lại vàng như công cụ của những chủ ngân hàng người Do Thái. Nhưng chế độ phát xít đã giao dịch chủ yếu bằng vàng và cung cấp tiền cho cỗ máy chiến tranh của họ bằng vàng. Lê-nin đã khẳng định rằng vàng được sử dụng chỉ để đẩy những người lao động vào cảnh nô lệ và sau cách mạng, được sử dụng để chi trả cho công cuộc xây dựng nhà vệ sinh công cộng. Nhà kinh tế học John Maynard Keynes từng gạt bỏ vàng như một “kim loại man rợ”. Nhiều người theo Keynes ngày nay chủ yếu đầu tư vào vàng. Và dĩ nhiên, hoàn toàn có thể rằng nếu có thứ nào khác hơn cả vàng thì nó sẽ trở nên tốt hơn như nền tảng của tiền. Thế nhưng hơn hai nghìn năm trôi qua, chỉ có điều đó thôi mà chưa một ai có đủ khả năng tìm ra. QUY LUẬT TỰ NHIÊN SỐ 1 Sự ổn định tuyệt vời của vàng như thước đo giá trị đơn giản là kết quả về bản chất con người phản ứng lại những ảnh hưởng của cung và cầu. Do đó, quá trình này có thể được giải thích như quy luật tự nhiên về hành vi con người: BÀI HỌC: Khi vàng (hoặc bạc) được dùng như tiền và khi những ảnh hưởng của cung và cầu không bị sự can thiệp của chính phủ ngăn lại thì lượng kim loại mới bổ sung cho nguồn cung ứng tiền sẽ luôn tương xứng chặt chẽ với việc mở rộng hàng hóa và dịch vụ mà có thể được mua bằng nó. Sự ổn định lâu dài của giá cả là kết quả tất yếu của những ảnh hưởng này. Quá trình này tự động và công bằng. Bất kỳ sự cố gắng nào bởi các chính trị gia nhằm can thiệp sẽ phá hủy lợi ích của tất cả. Vì vậy: QUY LUẬT: Sự bình ổn giá cả lâu dài là có thể chỉ khi nguồn cung ứng tiền dựa trên nguồn cung ứng vàng (hoặc bạc) mà không có sự can thiệp của chính phủ. Ngay cả khái niệm về tiền cũng còn đang phát triển chậm chạp trong suy nghĩ của người xưa, vì vậy, nó trở nên hiển nhiên rằng một trong những lợi thế của việc sử dụng vàng hoặc bạc như phương tiện trao đổi là bởi sự hiếm có của nó được so sánh với đồng đỏ hoặc sắt, giá trị cao có thể được đại diện theo kích cỡ nhỏ. Những thỏi nhỏ có thể được mang theo trong túi hoặc được kẹp chặt vào thắt lưng cho dễ giao dịch, và dĩ nhiên, chúng có thể thực sự được giấu đi nhằm giữ an toàn. Sau đó, những người thợ kim hoàn bắt đầu chế tác chúng thành những miếng tròn và đưa ra dấu xác nhận của mình nhằm chứng nhận sự nguyên chất và trọng lượng. Theo cách này, những đồng tiền vàng đầu tiên của thế giới đã bắt đầu xuất hiện. Người ta đã tin rằng những đồng tiền kim loại quý đầu tiên được đúc bởi những người Lydian ở khu vực Tiểu Á (ngày nay là Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ) khoảng năm 600 trước công nguyên. Thế nhưng, người Trung Quốc đã dùng các khối vàng rất sớm từ năm 2100 trước công nguyên. Và nó vẫn chưa được coi là tiền cho đến khi các vị vua tham gia vào bức tranh mà hệ thống đúc tiền trở thành thực tế. Đó là chỉ khi chính quyền chứng nhận những miếng tròn nhỏ rằng chúng trở nên được chấp nhận rộng rãi và hơn bất kỳ ai khác, người Hy Lạp chính là người mà chúng ta chịu ơn vì sự phát triển này. Groseclose miêu tả kết quả: Những miếng tròn sáng ngời, lấp lánh được tô điểm bằng những biểu tượng mới lạ kỳ và một loạt hình ảnh nổi bật sinh động đã tạo nên một ấn tượng sâu sắc về cả người Hy Lạp lẫn sự man rợ. Còn đối với tư tưởng thực tế hơn, sự dư dả của những mẩu kim loại đồng nhất, mỗi miếng theo trọng lượng tiêu chuẩn, được quyền uy của chính quyền chứng nhận, có nghĩa là giải thoát khỏi sự nặng nề của đổi chác cùng những cơ hội mới mẻ và bất ngờ theo mọi hướng… Tất cả tầng lớp nhân dân đã ngừng chống lại tiền và những người lao động chân chính bằng nghề thủ công hoặc trồng trọt chỉ vì nhu cầu cá nhân và những thứ cần thiết cho ngôi nhà đã nhận thấy việc đi ra chợ là để đổi các sản phẩm lấy những đồng tiền mà họ có thể thu được.[7] MỞ RỘNG NGUỒN CUNG ỨNG TIỀN BẰNG VIỆC CẮT XÉN TIỀN ĐÚC Ngay từ ban đầu, khát khao về nguồn cung ứng tiền lớn hơn đã dẫn tới những thực tế phá hỏng nền kinh tế. Những thương nhân vô liêm sỉ đã bắt đầu bào bớt một phần rất nhỏ của từng đồng tiền mà họ nắm giữ - quá trình được biết như việc cắt xén tiền đúc - và sau đó lấy những phần được bào ra đó đúc lại thành những đồng tiền mới. Trước đó rất lâu, ngân khố của nhà vua đã bắt đầu thực hiện điều như vậy với những đồng tiền nhận được theo thuế. Bằng cách này, nguồn cung ứng tiền tăng lên trong khi nguồn vàng vẫn thế. Kết quả chính xác là điều mà ngày nay chúng ta biết luôn xảy ra khi nguồn cung ứng tiền được mở rộng một cách nhân tạo - đó là sự lạm phát. Nếu trước đây một đồng tiền đúc mua được mười hai con cừu thì bây giờ nó chỉ được chấp nhận có mười con. Tổng lượng vàng cần thiết cho mười hai con cừu thực sự chưa bao giờ thay đổi. Chỉ là điều mà mọi người biết rằng một đồng tiền không còn chứa được hơn nữa. Ngay khi các chính phủ trở nên trâng tráo hơn trong việc làm giảm giá trị tiền tệ của họ, thậm chí mở rộng việc pha loãng hàm lượng vàng hoặc bạc, dân chúng đã thích ứng tương đối tốt đơn giản bằng “việc giảm giá” những đồng tiền mới. Điều này để nói nên rằng họ đã chấp nhận những đồng tiền theo giá trị thực dù thấp hơn cái mà chính phủ định đưa ra. Và điều này luôn được phản ánh theo sự gia tăng chung của giá cả dưới dạng các đồng tiền đó. Giá thực tế dưới hình thức lao động, hàng hóa khác hoặc thậm chí bản thân vàng vẫn được giữ nguyên không thay đổi. Các chính phủ không thích bị ngăn cản trong những kế hoạch của họ để bóc lột dân chúng của mình. Vì vậy, phải tìm ra được hướng để buộc mọi người chấp nhận những đồng xèng này như đồng tiền thật. Điều này dẫn tới những luật tiền tệ chính thức đầu tiên. Nhờ chiếu chỉ của hoàng gia, “đồng tiền của vương quốc” được công khai hợp pháp cho thanh toán tất cả khoản nợ. Bất kỳ ai từ chối nó theo mệnh giá đều bị phạt tiền, tống giam hoặc trong một số trường hợp, thậm chí bị chết. Kết quả là những đồng tiền tốt đã biến mất khỏi sự lưu thông và chuyển vào các kho dự trữ tư nhân. Rốt cuộc, nếu chính phủ ép buộc chấp nhận sắt vụn theo cùng tỉ lệ trao đổi của vàng thì bạn sẽ không giữ vàng và tiêu sắt vụn chứ? Điều này đã diễn ra ở Mỹ vào thập niên 60 khi sở đúc tiền bắt đầu ban hành những đồng tiền bằng kim loại rẻ để thay thế các đồng một hào, đồng 25 xu và nửa đô-la bằng bạc. Chỉ trong vòng vài tháng, những đồng tiền bạc chỉ còn trong túi những kẻ bảnh bao và những hộp gửi an toàn. Điều như vậy từng được lặp lại trong suốt thời kỳ xưa. Còn trong các nền kinh tế, điều này được gọi là Luật của Gresham: “Tiền xấu nuốt tiền tốt.” Biện pháp cuối cùng trong trò chơi này về lợi nhuận hợp pháp là để chính phủ ổn định giá đến mức, cho dù mọi người chỉ đang sử dụng sắt vụn như tiền thì cũng không còn phải đền bù nữa vì việc mở rộng nguồn liên tục của nó. Giờ đây, mọi người đã bị mắc vào. Họ đã không thể thoát ra được ngoại trừ trở thành tội phạm, điều mà hầu hết đều chọn thực hiện một cách ngẫu nhiên. Lịch sử của việc mở rộng nhân tạo là lịch sử của sự không hài lòng lớn với chính phủ, tình trạng hỗn độn nhiều và nền kinh tế trong bóng tối có quy mô. VÀNG LÀ KẺ THÙ CỦA HỆ THỐNG PHÚC LỢI XÃ HỘI Dần theo thời gian, những kẻ thống trị của các quốc gia trở nên tinh vi hơn theo những học thuyết mà nhờ đó hạ thấp giá trị của tiền tệ - thông qua hệ thống ngân hàng thay thế cho việc cắt xén tiền đúc. Năm 1966, kết quả của quá trình này được Alan Greenspan - người mà vài năm sau sẽ trở thành chủ tịch ủy ban Thống đốc của Dự trữ Liên bang đã tổng kết như sau: Việc từ bỏ chế độ bản vị vàng đã khiến điều đó có thể xảy ra đối với những thống kê phúc lợi xã hội nhằm sử dụng hệ thống ngân hàng như phương tiện đối với sự bành trướng vô hạn về tín dụng… Quy luật cung - cầu không còn bị chi phối. Khi nguồn cung ứng tiền tăng tương xứng với nguồn tài sản hữu hình trong nền kinh tế, giá cả rốt cuộc phải tăng lên. Do đó, những khoản thu nhập được các thành viên sản xuất của xã hội tiết kiệm đánh mất giá trị dưới dạng hàng hóa. Cuối cùng, khi những sổ sách kế toán của nền kinh tế được cân đối, ai cũng nhận thấy rằng khoản lỗ về giá trị này thể hiện những hàng hóa được chính phủ mua vì phúc lợi xã hội hoặc những mục đích khác… Với sự vắng mặt của chế độ bản vị vàng, không có cách nào để bảo vệ những khoản tiết kiệm khỏi sự sung công thông qua lạm phát. Không có kho an toàn nào về giá trị. Nếu có, chính phủ cũng sẽ phải làm cho việc nắm giữ nó là phạm pháp, như đã làm trong trường hợp của vàng… Chính sách tài chính về hệ thống phúc lợi xã hội yêu cầu rằng không còn đường nào cho những người sở hữu của cải bảo vệ được bản thân mình. Đây là bí mật hèn hạ trong những tràng đả kích các thống kê phúc lợi xã hội chống lại vàng. Việc tiêu dùng số tiền bị thiếu hụt đơn giản là một âm mưu cho sự sung công “ngầm” của cải. Vàng đại diện cho hướng đi của quá trình xảo quyệt này. Nó thể hiện như người bảo vệ quyền sở hữu.[8] Đáng tiếc, khi được bổ nhiệm làm chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, Greenspan đã “mũ ni che tai” trước các vấn đề của vàng. Một khi được ngồi vào ban điều hành nắm giữ những đòn bẩy quyền lực, ông ta đã phụng sự đám chuyên gia thống kê - những kẻ liên tục sung công của cải của mọi người thông qua khoản thuế ngầm lạm phát. Ngay cả sự sáng suốt nhất của con người có thể bị quyền lực và của cải mua chuộc. TIỀN HÀNG THỰC TRONG LỊCH SỬ Việc quay trở lại chủ đề liên quan đến vấn đề hạ thấp giá trị tiền tệ trong các thời kỳ xa xưa là để giải thích rằng những thực tế như vậy không phải là phổ cập. Đã có nhiều ví dụ xuyên suốt lịch sử của các đời vua chúa liên quan đến việc hạn chế tạo ra tiền. Hy Lạp cổ, nơi tiền đúc được phát triển đầu tiên là một trong những ví dụ như vậy. Đồng đracma đã trở thành đơn vị tiền tệ chính thức của thế giới văn minh bởi sự phụ thuộc vào hàm lượng vàng của nó. Trong phạm vi lãnh thổ của mình, các thành phố đã trở nên hưng thịnh và lĩnh vực thương mại diễn ra sôi nổi và phong phú. Thậm chí sau khi để mất thành Athens trong Cuộc nội chiến Hy lạp (Peloponnesian War), tiền đúc của nước này vẫn được giữ nguyên trong nhiều thế kỷ như tiêu chuẩn để đo lường tất cả mọi thứ khác.[9] Tuy nhiên, có lẽ ví dụ hay nhất về một quốc gia có tiền vững chắc chính là Đế chế La Mã. Dựa vào truyền thống tiền vững chắc của Hy lạp, hoàng đế Constantine đã ra lệnh để tạo ra một loại vàng mới gọi là tiền vàng (solidus) và một loại bạc mới gọi là tiền bạc (miliarense). Trọng lượng vàng của tiền vàng sớm trở nên được ấn định bằng 65 hạt ngũ cốc và được đúc theo tiêu chuẩn dành cho tám trăm năm sau. Chất lượng của nó bị phụ thuộc tới mức được chấp nhận thoải mái dưới cái tên đồng tiền vàng của La Mã cổ (bezant) từ Trung Quốc tới Brittany, từ Biển Ban-tíc tới Ê-thi-ô-pi-a. Các quy định của La Mã liên quan tới tiền hết sức nghiêm ngặt. Trước khi được thừa nhận làm nghề ngân hàng, ứng viên phải có các nhà tài trợ, những người làm chứng cho thanh danh của anh ta rằng sẽ không giũa hoặc bào đồng tiền vàng và đồng tiền bạc cũng như không phát hành đồng tiền giả. Sự vi phạm những nguyên tắc này sẽ bị chặt đứt tay.[10] Đế chế La Mã đã trở nên thịnh vượng và được coi như trung tâm thương mại thế giới trong tám trăm năm mà không hề rơi vào tình trạng phá sản ngân hàng vì bất kỳ vấn đề gì. Chưa có giai đoạn nào trong suốt thời kỳ này làm giảm giá trị tiền của mình. Heinrich Gelzer nói: “Không phải thế giới cổ xưa hoặc hiện đại có thể đưa ra sự song song hoàn toàn đối với hiện tượng này. Sự ổn định phi thường … đã đảm bảo cho đồng tiền vàng của La Mã cổ như đồng tiền chung. Và theo trọng lượng đầy đủ của mình mà nó đã được tất cả quốc gia láng giềng chấp nhận như phương tiện trao đổi hợp lệ. Nhờ tiền của mình, Đế chế La Mã đã kiểm soát được cả thế giới văn minh và man rợ.”[11] ĐỒNG TIỀN XẤU TRONG LỊCH SỬ Kinh nghiệm của Roma tương đối khác, về cơ bản, những kẻ quân phiệt thường ít kiên nhẫn về những chi tiết vụn vặt của việc kiềm chế tiền tệ. Đặc biệt vào thời Đế quốc La Mã sau này, việc giảm giá trị của tiền đúc trở thành chính sách nhà nước có tính toán. Mọi phương án có thể hình dung ra trong việc cướp bóc mọi người đều được vạch sẵn. Bên cạnh các khoản thuế phải đóng, tiền đúc còn bị cắt xén, giảm bớt, pha loãng và làm dẹt. Các nhóm có ân huệ được trao nhượng quyền kinh doanh về cho các nghiệp vụ độc quyền được nhà nước công nhận - nguồn gốc của tập đoàn chúng ta ngày nay. Việc giá cả tăng liên tục liên quan đến vấn đề mở rộng tiền tệ, đầu cơ và sự gian trá trở nên lan tràn. Tới năm 301 sau công nguyên, binh biến ngày càng lan rộng trong quân đội, những vùng xa xôi hẻo lánh thể hiện sự phản bội, ngân khố trống rỗng, nông nghiệp giảm sút và thương mại hầu như đình trệ. Sau đó, Diocletian đã đưa ra tuyên bố khống chế giá của mình như biện pháp cuối cùng của vị hoàng đế tuyệt vọng, chúng ta cảm thấy ấn tượng bởi những khía cạnh giống nhau đối với những tuyên bố trong thời đại này. Hầu hết sự hỗn loạn này có thể được truy nguyên trực tiếp đến các chính sách của chính phủ. Song, các chính trị gia chỉ thẳng tay kết tội những người khác vì “sự tham lam” và “không quan tâm tới lợi ích chung”. Diocletian đã tuyên bố: Ai là kẻ làm trái tim chai điếng và bàng quan theo cảm xúc của nhân loại rằng anh ta không thể biết, hay nói đúng hơn là không để ý rằng trong việc buôn bán đồ gốm - những thứ được trao đổi ngoài chợ hoặc giao dịch trong kinh doanh hàng ngày của các thành phố, xu hướng đắt đỏ về giá cả đã lan rộng tới mức rằng sự khao khát lợi nhuận đã bị kiềm chế không phải bởi sự dư dật mà cũng chẳng phải những vụ mùa sung túc… Bởi vì được xem như khao khát điên rồ nằm ngoài sự kiểm soát duy nhất mà không để ý tới nhu cầu của nhiều người,… nó có vẻ tốt cho chúng ta, ngay cả khi nhìn kỹ vào tương lai, nhìn vào chúng ta - những người trở thành tổ tiên của mọi người - rằng sự can thiệp công bằng là để kết thúc các vấn đề không thiên vị.[12] Theo sau là một bản danh sách chi tiết không thể tin nổi về giá cả được ủy thác cho mọi thứ từ việc phục vụ bia hoặc bó rau cải xoong tới chi phí luật sư hay thỏi vàng. Còn kết quả? Các điều kiện thậm chí trở nên tệ hơn và sắc lệnh hoàng gia đã bị bãi bỏ năm năm sau. Đế quốc La Mã không bao giờ hồi phục được từ cuộc khủng hoảng. Tới thế kỷ thứ tư, tất cả tiền đúc đều được cân đong đo đếm, trong khi nền kinh tế một lần nữa quay trở lại hình thức trao đổi hàng hóa. Đến thế kỷ thứ bảy, bản thân trọng lượng cũng thường xuyên thay đổi tới mức nó không còn khả năng ảnh hưởng tới sự trao đổi bằng tiền. Vì tất cả mục đích thực tế, tiền trở nên tuyệt chủng và Đế chế La Mã cũng biến mất. TIỀN HÓA ĐƠN Khi mọc lên từ những tàn tích của Rome, những nền văn minh đã phục hồi lại khám phá đã từng bị bỏ qua về tiền tệ và sử dụng nó như một lợi thế lớn hơn. Sáng kiến này thực sự là bước tiến phi thường đối với loài người mặc dù có nhiều vấn đề vẫn chưa được giải quyết cũng như nhiều thử nghiệm phía trước. Sự phát triển của tiền giấy chính là trường hợp này. Khi tích lũy được nhiều tiền đúc hơn, con người đòi hỏi phải chi tiêu hàng ngày và cần có nơi an toàn để cất giữ chúng. Những người thợ kim hoàn đang nắm giữ trong tay những số lượng lớn kim loại quý trong các cuộc mua bán của mình, sẵn sàng xây những kho dự trữ vững chắc để bảo vệ khoản tiền trong kho đó, vì vậy, điều này đối với họ là hoàn toàn theo lẽ tự nhiên để thu phí đối với những khoảng trống trong kho của mình nhằm cất giữ tiền của khách hàng. Người thợ kim hoàn có thể được ủy quyền để bảo vệ những đồng tiền đó thật tốt vì anh ta cũng đang bảo vệ chính của cải riêng của mình. Khi tiền bạc được đưa vào kho, thủ quỹ sẽ đưa cho người chủ một tờ giấy biên nhận viết tay cho phép anh ta được rút tiền bất cứ lúc nào. Đầu tiên, cách duy nhất để lấy tiền ra khỏi kho là chủ nhân phải đích thân trình hóa đơn. Tuy nhiên, cuối cùng thì người ta cũng quen với việc chủ nhân ủy quyền hóa đơn cho bên thứ ba đến xuất trình và rút tiền. Những hóa đơn được ủy quyền này chính là dạng sơ khai của tờ hối phiếu ngày nay. Công đoạn cuối cùng trong quá trình phát triển này thể hiện qua khâu phát hành, người ta phát hành không chỉ một hóa đơn cho toàn bộ số tiền gửi ngân hàng mà là nhiều hóa đơn có giá trị nhỏ hơn, với tổng số không thay đổi và trên đầu mỗi hóa đơn có in dòng sau: TRẢ CHO NGƯỜI CẦM PHIẾU KHI ĐƯỢC YÊU CẦU. Khi người ta nghiệm ra rằng các loại hóa đơn giấy này được bảo đảm bằng tiền kim loại quý trong cửa hàng kim hoàn vốn sẽ được mang ra đổi lấy các hóa đơn thì việc bắt đầu sử dụng loại hóa đơn giấy này thay cho tiền kim loại trở nên ngày càng phổ biến hơn. Do đó, tiền hóa đơn xuất hiện. Bản thân tờ giấy không có giá trị nhưng những gì thể hiện trên nó lại quý giá. Miễn là tiền còn trong két như cam kết thì hóa đơn và đồng tiền đảm bảo cho nó có giá trị ngang nhau. Và trong chương sau chúng ta sẽ thấy có rất nhiều ví dụ đáng giá về ứng dụng thực tế của tiền hóa đơn vào giai đoạn đầu phát triển ngành ngân hàng. Khi nó được sử dụng một cách đúng đắn, nền kinh tế nhờ đó mà đi lên. Nhưng nếu người ta xem nó là mánh lới để tạo ra sự gia tăng ảo về nguồn cung ứng tiền thì nền kinh tế cũng theo đó rối loạn và đình trệ. QUY LUẬT TỰ NHIÊN SỐ 2 Đây không phải cuốn sách giáo khoa về lịch sử tiền tệ nên chúng ta không thể dành chỗ cho “sự xa xỉ” của việc nấn ná ở từng chi tiết hấp dẫn. Mục đích của cuốn sách này là giúp chúng ta nhận ra rằng có thể dự đoán được hành vi của con người trong những tình huống như trên và do đó có thể xây dựng một nguyên lý có độ phổ quát đến nỗi còn được xem là một quy luật tự nhiên. Từ hàng loạt kinh nghiệm trải qua trong giai đoạn sơ khai này, chúng ta có thể rút ra bài học: BÀI HỌC: Mỗi khi chính phủ ra tay thao túng nguồn cung ứng tiền thì hậu quả bao giờ cũng là nạn lạm phát, bất ổn kinh tế và chính trị dù cho những người nỗ lực chỉ đạo quá trình này có thông minh hay có thiện chí thế nào đi nữa. Trái lại, mỗi khi quyền can thiệp vào chính sách tiền tệ của chính phủ chỉ giới hạn ở việc duy trì trọng lượng và tiêu chuẩn đo lường của kim loại quý thì giá cả ổn định, kinh tế thịnh vượng và chính trị yên bình. Vì vậy: QUY LUẬT: Quốc gia nào muốn có được một nền kinh tế thịnh vượng và một chế độ chính trị yên bình thì sức mạnh tiền tệ của các chính trị gia cần được hạn chế ở mức duy trì trọng lượng và tiêu chuẩn đo lường của kim loại quý. Trong các chương tiếp theo, chúng ta sẽ thấy hàng thế kỷ bất ổn tiền tệ theo sau giai đoạn sơ khai trên không hề chứa đựng một dấu hiệu nào cho thấy loài người hiện đại đã bãi bỏ quy luật này. TỔNG KẾT Chúng ta cần có kiến thức về bản chất của tiền để hiểu Cục Dự trữ Liên bang. Trái với nhiều người vẫn nghĩ, vấn đề này không huyền bí và cũng không phức tạp. Theo mục đích của bản nghiên cứu này, tiền được định nghĩa là bất kỳ thứ gì được chấp nhận như phương tiện trao đổi. Dựa trên định nghĩa đó, chúng ta có bốn loại tiền: tiền hàng, tiền hóa đơn, tiền pháp định và tiền dự trữ. Kim loại quý là loại tiền hàng đầu tiên xuất hiện trong lịch sử và từ đó, trải nghiệm thực tế đã chứng minh đây là cơ sở đáng tin cậy duy nhất cho một hệ thống tiền tệ trung thực. Với tư cách là cơ sở của tiền, vàng có nhiều loại: vàng thỏi, tiền đúc và hóa đơn giấy được bảo đảm đầy đủ. Con người đã làm lây lan lối suy nghĩ sai lầm rằng tiền quan trọng ở số lượng, hay cụ thể hơn, nhiều tiền bao giờ cũng tốt hơn cả. Điều này dẫn đến hành vi không ngừng thao túng và mở rộng nguồn cung ứng tiền thông qua các biện pháp như thu nhỏ kích thước đồng tiền, giảm hàm lượng kim loại trong đồng tiền và trong những thế kỷ sau này, người ta còn phát hành nhiều hóa đơn giấy được bảo đảm bằng vàng. Trong bất kỳ trường hợp nào, những hành động trên đều dẫn đến thảm họa về kinh tế, chính trị. Cũng có vài trường hợp hiếm hoi mà con người chúng ta không thao túng nguồn cung ứng tiền, ngược lại còn cho phép được tự điều chỉnh theo sản lượng của nguồn cung ứng vàng trong thị trường tự do, kết quả đạt được là sự thịnh vượng và yên bình.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Nhấp vào liên kết https://temu.to/k/ujciw7voi7k để nhận gói giảm giá 1.500.000đ!! 
Một bất ngờ khác cho bạn! Nhấp https://temu.to/k/uh1qtggbvfr để kiếm tiền cùng tôi!