Những Âm Mưu Từ Đảo Jekyll - Chương 11

Chương 11 KẾ HOẠCH CỦA ROTHSCHILD Sự trỗi dậy của gia tộc Rothschild ở châu Âu; Truyền thông của các nhà tài phiệt trong việc tạo ra lợi nhuận từ các bên tham chiến; Công thức mà theo đó, chiến tranh được biến đổi thành nợ và nợ biến đổi lại thành chiến tranh. Chúng ta đã hiểu được về chủ đề tiền tệ và lịch sử vận hành của nó - sự vận hành được đạo diễn bởi các nhà nghiên cứu chính trị và tiền tệ. Bây giờ, chúng ta sẽ phải đi con đường vòng bên cạnh con đường thẳng và xem xét một số bối cảnh lịch sử từ các góc độ khác nhau. Khi chúng ta chuyển góc nhìn, bối cảnh này có thể khiến chúng ta có cảm giác rằng mình đang đi lạc đường, và bạn có thể tự hỏi rằng, không biết từ những điều trên có mối liên hệ nào đang diễn ra với Cục Dự trữ Liên bang. Tuy nhiên, hãy tin chắc rằng, mối liên hệ này có tất cả mọi thứ để thực hiện với FED và khi chúng ta quay trở lại với đề tài này, mối liên hệ đó sẽ trở nên rõ ràng hơn. LỢI ÍCH CỦA CHIẾN TRANH Vấn đề chủ yếu của chương này sẽ là về các lợi ích của chiến tranh và đặc biệt hơn là về khuynh hướng của những kẻ ngồi mát ăn bát vàng và tận thu lợi ích từ các chính phủ bị thao túng và lôi kéo vào các mối xung đột quân sự không phải vì lý do yêu nước mà vì mục đích tư lợi cá nhân. Cơ cấu điều phối quy trình này - vốn được thực hiện tốt trong quá khứ - giờ đây trở nên phức tạp hơn so với việc cho các chính phủ tham gia chiến tranh vay tiền và sau đó thu lãi suất cho dù cuộc chiến tranh chỉ là một phần của quy trình. Việc chi trả thực tế thường diễn ra dưới dạng thiên vị mang tính chính trị trên thương trường. Trong một bài viết vào năm 1937, nhà sử học người Pháp Richard Lewinsohn giải thích rằng: Mặc dù thường được gọi là các nhà ngân hàng, những kẻ tài trợ cho các cuộc chiến tranh trong giai đoạn tiền tư bản … không phải là nhà ngân hàng theo nghĩa hiện đại của từ này. Không giống như các nhà ngân hàng hiện đại, những người kinh doanh tiền gửi với các khách hàng của mình [hoặc trong thời gian gần đây, tiền được tạo ra từ không khí bởi ngân hàng trung ương - E.G], nói chung là họ làm việc với của cải - thứ mà bản thân họ tích lũy được hoặc được thừa hưởng và sau đó cho vay với mức lãi suất cao. Như vậy, những kẻ liều mạng tài trợ cho chiến tranh chính là những kẻ giàu sụ. Tuy nhiên, khi đồng ý tài trợ cho chiến tranh, những kẻ cho vay giàu có này không phải lúc nào cũng coi trọng mức lãi suất. Về vấn đề này, họ thường để cho “đối tác” hiểu được sự phục tùng ở mức độ cao của họ đối với các khách hàng đáng kính. Nhưng đổi lại, họ đảm bảo các đặc quyền của mình - những thứ có thể được biến đổi thành lợi nhuận công nghiệp hoặc thương mại, ví dụ như việc nhượng quyền khai mỏ, độc quyền kinh doanh hoặc nhập khẩu… Đôi khi, thậm chí họ còn được quyền chiếm đoạt các khoản thuế nào đó như là khoản tiền bảo đảm cho các khoản cho vay. Vì vậy, bản thân khoản cho vay đã mang trong mình nguy cơ có thực và thường không bao hàm nhiều lãi suất, mức lợi nhuận gián tiếp mới thực là khoản thu ấn tượng, và sự khoan dung của kẻ cho vay đã được đền đáp xứng đáng.[1] ĐẾ CHẾ ROTHSCHILD Không một cuộc tranh luận nào về ngân hàng, như bộ máy tài trợ cho các cuộc chiến tranh lại không đụng chạm đến cái tên Rothschild. Đó chính là Mayer Amschel Rothschild với câu trích dẫn: “Hãy cho tôi quyền phát hành và kiểm soát nguồn tiền tệ quốc gia, tôi sẽ chẳng cần quan tâm tới việc ai là người tạo ra luật pháp.”[2] Frederic Morton - một chuyên gia viết tiểu sử kết luận rằng gia tộc Rothschild đã “… chế ngự thế giới một cách triệt để hơn, gian trá hơn, và lâu dài hơn tất cả các hoàng đế La Mã trước đó hay Hitler sau này.”[3] Đế chế của Rothschild bắt đầu hình thành vào giữa thế kỷ 18 tại Frankfurt, Đức và do Mayer Amschel Bauer, con trai của một người thợ kim hoàn, lập nên. Mayer trở thành nhân viên của Ngân hàng Oppenheimer tại Hanover và leo lên chức Giám đốc (junior partner). Sau cái chết của ông bố, chàng thanh niên này trở về quê ở Frankfurt để tiếp tục việc kinh doanh của gia đình. Ngay ở cửa có treo một chiếc khiên với con đại bàng như là biểu tượng nhằm chứng thực ngày thành lập. Chiếc khiên màu đỏ trong tiếng Đức khi phát âm giống như roth schild, vì thế chàng thanh niên đã đổi tên từ Bauer thành Rothschild và bổ sung năm mũi tên trên vuốt của đại bàng nhằm biểu trưng cho năm người con trai của mình. Gia tộc Rothschild bắt đầu khởi nghiệp khi Mayer tích lũy được kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực ngân hàng. Nhà Rothschild đã vượt qua được sự cạnh tranh nhờ vào sự nhạy bén trong kinh doanh của Mayer. Ngoài ra, sự hỗ trợ của năm người con trai thông minh hơn người - về sau đều là những ông chủ của các trung tâm tài chính quyền lực - cũng đóng vai trò quan trọng. Khi đủ lông đủ cánh và có khả năng học được trò ma thuật biến đổi nợ thành tiền, năm người con trai nhà Rothschild quyết định rời bỏ quê nhà ở Frankfurt và xây dựng mạng lưới kinh doanh bổ sung tại các trung tâm tài chính không chỉ của châu Âu mà còn tại các châu lục văn minh trên thế giới. Suốt nửa đầu thế kỷ 19, thay mặt các chính phủ Anh, Pháp, Prussia, Áo, Bỉ, Tây Ban Nha, Naples, Bồ Đào Nha, Brazil và các bang khác của Đức cũng như các quốc gia nhỏ bé khác, họ chính là những nhà ngân hàng nhỏ của vua chúa châu Âu. Họ thực hiện những khoản đầu tư lớn thông qua các đại diện của mình trên thị trường các quốc gia như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Cuba và Úc. Họ là những nhà tài trợ cho Cecil Rhodes[4] và tạo điều kiện cho ông ta thiết lập một đế chế độc quyền tại các mỏ vàng của Nam Phi. Họ cũng được kết nối với hãng chế tác kim cương De Beers.[5] Chuyên gia viết tiểu sử Derek Wilson chỉ ra rằng: Những ai bài bác hoặc phỉ báng gia tộc Rothschild vì ảnh hưởng “xấu xa” của họ cũng đều có vô số lý lẽ cho sự giận dữ và mối lo âu của mình. Cộng đồng ngân hàng thường lập ra “giai cấp thứ năm” (fifth estate)[6] - tổ chức mà trong đó, dưới sự kiểm soát của họ đối với các khoản chi tiêu, các thành viên buộc phải tác động đến các sự kiện quan trọng. Nhưng cho đến lúc này, gia tộc Rothschild là một đế chế có quyền lực mạnh hơn bất cứ thế lực nào khác trước đó với việc điều khiển nhiều nguồn của cải. Đó là một đế chế mạnh tầm quốc tế và hoàn toàn độc lập. Các chính phủ hoàng gia đã tỏ ra lo lắng về gia tộc này vì đó là con ngựa bất kham mà họ thì không thể kiểm soát được nó. Cộng đồng xã hội thì tỏ ra căm ghét gia tộc này vì nó không hợp với dân chúng. Những người ủng hộ chủ nghĩa hợp hiến thì phẫn nộ vì khả năng giấu mình một cách cao siêu của gia tộc này.[7] Đương nhiên, những điều bí mật này là điều cơ bản đối với sự thành công của âm mưu và gia tộc Rothschild đã hoàn thiện nghệ thuật này. Và bằng cách giấu mình như vậy, gia tộc này có thể tránh cơn thịnh nộ của công chúng. Wilson nói rằng: Khả năng giấu mình cao siêu chính là nét đặc trưng trong hoạt động chính trị của gia tộc Rothschild. Họ ít khi xuất hiện trong các cuộc tranh luận công khai về các vấn đề quan trọng. Họ cũng chẳng bao giờ ló dạng đến văn phòng chính phủ. Thậm chí sau này, khi bước chân vào Quốc hội, một số thành viên trong năm anh em nhà họ cũng không dễ dàng nhận ra trong cuộc họp nghị viện của London, Paris hay Berlin. Tất cả họ chỉ muốn thực hiện những trọng trách chính trong ngày như cấp hoặc rút vốn, cung cấp dịch vụ cho các chính khách hoặc tác động tới các quan chức cao cấp và giao dịch hàng ngày với những nhân vật ra quyết định.[8] CỦA CẢI LẬU Cuộc chiến tranh tiếp diễn ở châu Âu tạo ra vô vàn cơ hội tuyệt vời cho việc gặt hái lợi nhuận từ việc buôn lậu các loại hàng hóa tiêu dùng khan hiếm qua các cuộc phong tỏa quân sự. Kể từ khi gia tộc Rothschild tài trợ cho cả hai chiến tuyến và được biết đến với khả năng tạo ra ảnh hưởng chính trị lớn lao, chỉ cần một dấu hiệu nhỏ hình chiếc khiên đỏ trên túi da, tàu chở hàng hay cờ tàu thủy là người giao dịch hoặc tàu của họ có thể đi qua tất cả các điểm kiểm soát quân sự. Việc miễn trừ kiểm soát đối với anh em nhà Rothschild cho phép họ giao dịch thoải mái trên thị trường chợ đen đang đói khát các mặt hàng vải vóc, sợi, thuốc lá, cà phê, đường và bột chàm; và họ tha hồ tự do đi lại giữa biên giới các quốc gia Đức, Scandinavia, Hà Lan, Tây Ban Nha, Anh và Pháp.[9] Sự bảo trợ của chính phủ chính là một lợi ích gián tiếp giúp tạo ra lợi nhuận thương mại - khoản lợi nhuận còn cao hơn nhiều so với lãi suất mà họ nhận được từ các khoản cho vay của chính phủ. Sự thật là trên đời này, khoản thua thiệt của người này đôi khi lại là sự thắng lợi của kẻ khác. Và thậm chí, một trong những chuyên gia viết tiểu sử thân thiện nhất cũng phải thừa nhận rằng, trong hơn hai thế kỷ, gia tộc Rothschild đã thu được nguồn siêu lợi nhuận từ các cuộc chiến tranh và suy thoái kinh tế. NAPOLEON VÀ CÁC NHÀ TÀI PHIỆT NGÂN HÀNG Nếu như một bức tranh đáng giá hàng ngàn lời thì một ví dụ chắc chắn phải đáng giá hàng chục lời giải thích. Ở đây không có một ví dụ nào thú vị hơn cuộc chiến tranh kinh tế được tiến hành bởi các nhà tài phiệt của châu Âu trong thế kỷ 19 chống lại Napoleon Bonaparte. Đó là một sự kiện dễ bị lãng quên nhất của lịch sự, rằng Napoleon đã khôi phục lại luật pháp và trật tự cho nước Pháp vốn hỗn loạn trước cuộc cách mạng đồng thời tập trung không phải vào cuộc chiến tranh mà vào việc thiết lập hòa bình và cải thiện các điều kiện kinh tế. Ông ta nóng lòng muốn đưa đất nước và nhân dân thoát khỏi cảnh nợ nần cũng như sự giám sát của các nhà tài phiệt ngân hàng. Trong cuốn Chế độ quân chủ hay quyền lực tiền bạc (Monarchy or Money Power), R.McNair Wilson đã nói rằng: Luật do Napoleon ban hành quy định rằng, không được xuất khẩu tiền ra khỏi nước Pháp vì bất cứ lý do gì, ngoại trừ có sự đồng ý của chính phủ và rằng trong bất kể hoàn cảnh nào cũng không được thực hiện các khoản vay nhằm đáp ứng các nhu cầu chi tiêu hiện hành… Napoleon nhấn mạnh: “Người ta chỉ phải cân nhắc các khoản vay sẽ dẫn tới đâu để nhận diện mối nguy hiểm của chúng. Như vậy, tôi chẳng có gì liên quan đến chúng [các khoản nợ] và sẽ luôn phản đối chúng. Mục tiêu của Napoleon là nhằm rút quyền lực ra khỏi nguồn tài chính nhằm ngăn cản Chính phủ như chính ông ta đã từng ngăn cản Chính phủ của vua Louis XVI. Napoleon cho rằng, khi dựa vào tiền bạc của các nhà tài phiệt, Chính phủ khó có thể kiểm soát được tình thế vì đã trót hành xử theo kiểu “tay đưa tay nhận”… “Đồng tiền không có Tổ quốc, các nhà tài phiệt chính là những kẻ không có lòng yêu nước và cũng chẳng phải là những quân tử lịch thiệp gì; mục đích duy nhất của họ chỉ là lợi nhuận.”[10] Ngón đòn đầu tiên của Napoleon nhằm chống lại ngân hàng là nhằm thiết lập Ngân hàng độc lập Pháp mà ông ta là chủ tịch. Nhưng ngân hàng này không được tín nhiệm và nguồn vốn của chính phủ cũng không bao giờ đổ vào đây. Tuy nhiên, ngân hàng này từ chối vay tiền từ chính phủ và điều này gây ra sự lo lắng cho các nhà tài phiệt. Thực tế, đối với họ, điều này là hỗn hợp của các thông tin xấu và tốt. Thông tin xấu là họ phủ nhận lợi ích của các khoản thanh toán hoa hồng cho các loại tiền kim loại. Thông tin tốt là, không cần viện đến nợ, họ vẫn tin chắc rằng Napoleon không thể bảo vệ mình về mặt quân sự. Wilson tiếp tục cho rằng: Các nhà tài phiệt ngân hàng hy vọng sẽ khiến cho Napoleon suy sụp. Không ai tin rằng ông ta có thể tài trợ cho chiến tranh ở quy mô lớn mà bản thân ông ta thì bị cản trở không được nhận tiền giấy do sự phá hủy tín phiếu Axinha (Assignat).[11] Vậy ông ta lấy nguồn vàng bạc tối cần thiết ở đâu để có thể chu cấp cho cả đội quân hùng mạnh như vậy? Pitt [Thủ tưởng Anh] hy vọng vào sự liên minh của Anh, Áo, Reussia, Nga, Tây Ban Nha, Thụy Điển và một số bang nhỏ khác. Khoảng 600.000 trai tráng đã tham gia. Tất cả nguồn lực của cải của nước Anh - hoặc cũng có thể nói của cải của thế giới - được đổ vào lực lượng hùng mạnh này. Một người đảo Corse có thể tập hợp được 200.000 người không? Anh ta có thể trang bị vũ khí cho đội quân đó hay không? Anh ta có thể nuôi được cả một đội quân như thế không? Nếu những viên đạn chì đã không hạ được anh ta thì những viên đạn vàng sẽ kết thúc mọi chuyện. Giống như những người khác, ông ta sẽ buộc phải ngả mũ vay tiền và chấp nhận các điều kiện của các nhà tài phiệt ngân hàng… Ông ta không thể thò tay vào khoản tiền 2.000.000 bảng Anh, trong khi Kho bạc trở nên trống rỗng và nguồn cung tiền kim loại của quốc gia cũng rỗng tuếch. London nóng lòng xem thử bài toán sẽ được giải như thế nào.[12] Napoleon giải bài toán nát óc này khá đơn giản bằng việc bán đi một số đất đai của mình. Những người Mỹ điên khùng đó đã trả cho ông ta 3.000.000 bảng Anh để lấy cái đầm lầy rộng lớn có tên là Louisiana. KẾ HOẠCH PHÁ HỦY NƯỚC MỸ Napoleon không cần chiến tranh, nhưng ông ta biết rằng những kẻ thống soái ngành tài chính châu Âu sẽ không chịu hòa bình - trừ phi họ buộc phải chung sống trong hòa bình bằng sự bại trận của các chế độ bù nhìn dưới trướng hoặc trừ phi bằng cách này hay cách khác, điều đó mang lại cho họ lợi thế về tiền bạc. Trong động thái theo đuổi chiến thuật lợi thế về tiền bạc, Napoleon đã đe dọa sẽ khống chế Hà Lan, quốc gia sau này nằm dưới quyền điều phối của Vua Louis - anh trai Napoleon. Napoleon biết rằng Hà Lan ngập trong nợ nần mà chủ nợ không ai khác chính là các nhà tài phiệt Anh. Nếu Hà Lan được sáp nhập vào Pháp, khoản nợ này sẽ không bao giờ được trả lại cho các nhà tài phiệt. Và vì thế Napoleon đã đề nghị với các nhà tài phiệt Anh rằng, nếu họ thuyết phục Chính phủ Anh chấp nhận hòa bình với Pháp, ông ta sẽ đồng ý để Hà Lan được yên. Pierre-Cesar Labouchere - một nhà tài phiệt - được Hà Lan cử đi làm nhiệm vụ chủ trì các cuộc thương thảo, ngoài ra còn có Francis Baring - bố vợ của Labouchere đồng thời cũng là một nhà tài phiệt ngân hàng. Mặc dù đây là một đề xuất hấp dẫn đối với các nhà tài phiệt ngân hàng, ít nhất dựa trên nền tảng cơ sở các điều khoản ngắn hạn, song điều này vẫn chưa phù hợp với bản chất của họ nhằm từ bỏ các khoản lợi nhuận khổng lồ mà chiến tranh và chủ nghĩa trọng thương mang lại. Vì thế, họ rà soát lại đề xuất này, nhằm tính đến một kế hoạch mà nhờ đó, cả Anh lẫn Pháp đều có thể kết hợp lực lượng để phá hủy nước Mỹ độc lập nhằm đưa lại một nửa quốc gia này về dưới sự thống trị của Anh. Kế hoạch lạ thường do Ouvrard - một nhà tài phiệt Pháp - nghĩ ra, kêu gọi một cuộc tấn công chiếm đóng bằng vũ trang với sự phân chia chiến lợi phẩm. Nước Anh có thể nhận được các bang phía bắc, kết hợp với Canada, trong khi các bang miền nam có thể thuộc về Pháp. Napoleon bị cám dỗ bởi lời hứa hẹn phong tước “Vua nước Mỹ”. McNair Wilson viết rằng: Ngày 21/3, Labouchere viết cho Baring với một lưu ý cho [ngoại trưởng Anh] Wellesley được Ouvrard đọc cho chép rằng: Từ một người chiến thắng, ông ta [Napoleon] trở thành người bảo quản; kết quả đầu tiên của cuộc hôn nhân với Marie Louis sẽ là những gì mà ông ta sẽ đề xuất hòa bình cho nước Anh. Điều này là vì lợi ích quốc gia (có nghĩa là lợi ích của nước Anh), nghĩa là sẽ có quyền làm chủ mặt biển; ngược lại, nước Pháp sẽ tiếp tục “quan tâm” tới chiến tranh vì chiến tranh cho phép quốc gia này mở rộng biên giới đến vô hạn với quân đội hùng mạnh. Tại sao nội các Chính phủ Anh lại không đề xuất với Pháp kế hoạch phá hủy Hoa Kỳ và bằng việc biến nước này thành một quốc gia phụ thuộc vào Anh thuyết phục Napoleon cho vay các khoản viện trợ của mình nhằm hủy hoại sự nghiệp của vua Louis XVI? Đó là quyền lợi của Anh nhằm ký kết hòa bình và tâng bốc hư danh của Napoleon bằng việc thừa nhận công sức và địa vị uy quyền của ông ta. Thật đáng tiếc là Napoleon đã phát hiện ra âm mưu đang được thực hiện và đã kịp phản đối kịch liệt kế hoạch hiệp lực chống phá nước Mỹ. Ông đã ra lệnh bắt Ouvrard, sa thải và đày ải Fouche và sau đó cho in một câu chuyện về cảnh khốn cùng của Wellesley và Baring.[13] Không thể kết luận rằng Napoleon là một người mẫu mực về đạo đức hoặc một chiến sĩ bảo vệ đồng tiền chân chính. Sự phản đối của ông ta đối với các nhà tài phiệt ngân hàng là bởi ông ta lo rằng quyền lực tiền tệ của các nhà tài phiệt này có khả năng đe dọa chủ quyền chính trị của bản thân ông ta. Ông ta cho phép họ có quyền hành tự do khi phụng sự mục tiêu của bang. Sau đó, khi nhu cầu tài trợ quân sự giảm xuống, ông ta lên án họ vì đã để xảy ra thua lỗ và nhân danh nhân dân, tước hết những thứ này từ họ. Nếu chống đối, các nhà tài phiệt ngân hàng có thể bị tống vào tù. Và như vậy, sơ đồ cuộc chiến đã được phác thảo. Napoleon phải bị tiêu diệt bằng bất cứ giá nào. Để làm được điều này, Ngân hàng Anh đã tạo ra một lượng lớn tiền pháp định nhằm mục đích cho chính phủ vay để tài trợ cho quân đội hùng mạnh. Một lượng vàng nhất định đã chảy ra khỏi biên giới đất nước để tài trợ cho các quân đội Nga, Prussia và Áo. Nền kinh tế loạng choạng trong cơn nợ nần chiến tranh, và những người dân thấp cổ bé họng phải gồng mình trả thuế trong căm phẫn mà không hiểu vì sao. Wilson kết luận rằng: Các nhà tài phiệt ngân hàng đã thắng. Louis XVIII đã phục hồi lại vũ khí đạn dược cũng như nền ngoại giao của nước Anh. Các khoản cho vay đã được sử dụng tùy ý, mặc dù Napoleon đã tạo ra cho nước Pháp một sự cân bằng về tín dụng. Một năm sau, người đàn ông mà bất cứ nhà tài phiệt nào ở châu Âu cũng gọi là kẻ “tiếm quyền” đã lấy lại được ngai vàng với 800 đệ tử mà không cần tốn một viên đạn. Trong trường hợp này, ông ta không có một lựa chọn nào ngoại trừ việc đề xuất một khoản vay cho việc bảo vệ nước Pháp. Thành phố London (The City of London) [thủ phủ của ngành ngân hàng] đã cung cấp cho ông ta 5.000.000 bảng Anh. Với khoản tiền này, ông ta đã có điều kiện để trang bị cho quân đội nhưng rốt cuộc đã bại trận trong cuộc chiến Waterloo với Công tước Wellington.[14] THÙNG VÀNG CHO CÔNG TƯỚC WELLINGTON Một trong những tình tiết bí mật thú vị nhất được lưu giữ bởi các nhà viết tiểu sử Rothschild có liên quan đến việc chở lậu một tàu vàng nhằm tài trợ cho Công tước Wellington - người từng tìm cách nuôi dưỡng và trang bị vũ khí cho quân đội ở Bồ Đào Nha cũng như ở miền núi Pyrenees giữa Tây Ban Nha và Pháp. Không hẳn là Wellington có khả năng đánh bại Napoleon trong trận chiến tới, và Công tước đã cố gắng hết sức để nài ép nhằm thuyết phục các nhà tài phiệt ở Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha chấp nhận lời hứa bằng văn bản rằng ông sẽ hoàn trả khoản tiền vay, ngay cả khi những lời hứa đó được chính phủ Anh chính thức bảo lãnh. Những đồng tiền này đã bị coi thường và Wellington chỉ còn biết hy vọng vào tiền vàng. Nathan Rothschild đã đề xuất các dịch vụ của mình cũng như của các anh mình. Với bộ máy buôn lậu hiệu quả hoạt động khắp châu Âu, Nathan có khả năng đề xuất các điều kiện tốt hơn nhiều cho Wellington trong khi vẫn tạo ra được lợi nhuận. Tuy nhiên, để thực hiện điều này, vàng phải được vận chuyển bí mật. Frederic Morton đã mô tả cảnh này như sau: Ở đây chỉ có một con đường vận chuyển tiền mặt: thông qua chính quân đội của Anh Pháp đang chiến đấu. Đương nhiên, bộ máy thoát khỏi sự phong tỏa của Rothschild đã vận hành một cách xuất sắc tại lãnh thổ các nước Đức, Scandinavia và Anh, thậm chí ở Tây Ban Nha và miền Bắc nước Pháp. Nhưng bộ máy mới vô cùng xảo quyệt lại là điều cần thiết trong nguồn lực của Napoleon. Xuất hiện Jacob - từ nay về sau được gọi là James - chính là người con trai út của Mayer.[15] James mới 19 tuổi nhưng đã được ông bố truyền hết công phu mánh khóe lừa bịp. Anh chàng tới Paris với hai nhiệm vụ cùng lúc. Trước hết, anh ta cần phải cung cấp cho các cơ quan chức năng của Pháp các bản báo cáo giả về tình trạng chuyển động vàng của Anh, đương nhiên là các bản báo cáo này có “pha” thêm một chút sự thật cốt sao nghe thuyết phục. Anh ta đệ trình cho chính phủ các bức thư giả mạo với các thông tin chỉ ra rằng, chính phủ Anh đang tạm ngưng việc lưu thông vàng vào Pháp. Mánh khóe có hiệu lực khi các cơ quan chức năng của Pháp khuyến khích cộng đồng tài chính chấp nhận vàng của chính phủ Anh và biến đổi thành các tín phiếu ngân hàng mang tính thương mại. Thứ hai, James làm việc với tư cách là một điểm kết nối cơ bản trong đường dây tài chính nối liền giữa London và Pyrenees. Anh ta có nhiệm vụ phải điều phối việc đưa vàng vào Pháp, chuyển đổi chỗ vàng này thành tín phiếu ngân hàng Tây Ban Nha đồng thời điều phối sự chuyển động của các tín phiếu này trên hành trình đến với Wellington. Anh ta làm tất cả việc này với tài khéo léo đến kinh ngạc, nên nhớ là tuổi đời anh ta vẫn còn rất trẻ. Morton đã đưa ra nhận định như thế này: Trong khoảng vài trăm giờ đồng hồ, cậu con trai út của Mayer không chỉ nhận được số vàng từ Anh quốc vận chuyển qua Pháp mà còn tạo ra ảo tưởng tài chính cho Napoleon. Cậu con trai 19 tuổi của nhà Rothschild đã đánh lừa chính phủ hoàng gia khiến chính phủ này phải chấp thuận quy trình giúp đỡ anh ta phá hủy nó… Cỗ máy của gia đình này bắt đầu chuyển động. Nathan cho chở một thuyền đầy tiền ghinê (đồng tiền vàng ngày xưa của Anh, có giá trị tương đương 21 silinh), vàng thỏi Bồ Đào Nha, vàng khai thác từ London của Napoleon dọc theo eo biển Măng Sơ. James chuyển đổi các kim loại quý này thành tín phiếu ngân hàng. Ở phía Nam thủ đô Tây Ban Nha, Kalmann [một người con trai khác của Mayer] tiếp quản các tín phiếu này với các phiếu biên nhận của Wellington trong tay. Salomon [một người con trai khác] hiện diện khắp nơi để xử lý sự cố, đảm bảo rằng các điểm trung chuyển đã bị khuyếch tán nhằm che mắt Pháp. Amschel cát cứ ở Frankfurt và giúp cha tuyển nhân sự cho các văn phòng chính.[16] Những năm sau đó, trong một buổi tiệc, Nathan tình cờ nói về tình tiết này đơn thuần chỉ như một phần nghiệp vụ kinh doanh hàng ngày tốt đẹp như sau: Công ty Đông Ấn [The East India Company] có một lượng vàng trị giá 800.000 bảng Anh để bán. Tôi đã mua hết chỗ vàng này. Tôi biết Công tước Wellington muốn phải có được số vàng này. Tôi đã bán số vàng này cho chính phủ nhưng họ đã không biết làm thế nào để nhận cho Công tước Willington ở Bồ Đào Nha. Tôi nhận làm tất cả và gửi chỗ vàng này qua ngả Pháp. Đây là phi vụ béo bở mà tôi từng thực hiện.[17] TRẬN WATERLOO Kết quả cuối cùng của trận Waterloo giữa Wellington và Napoleon là cốt yếu đối với châu Âu xét về cả khía cạnh chính trị lẫn kinh tế. Nếu Napoleon chiến thắng, nền kinh tế của nước Anh sẽ lâm nguy hơn bao giờ hết. Quốc gia này không những mất đi quyền lực và hình ảnh của mình trên trường quốc tế mà ngay tại đất nước mình, thần dân của họ rất bất bình về sự mất mát tài chính của bản thân trong thời gian diễn ra chiến tranh. Như vậy, tại thị trường chứng khoán London, nơi trái phiếu chính phủ Anh được giao dịch với các cổ phiếu khác, mọi người đang nóng lòng chờ đợi tin tức chiến trường. Ai cũng biết rằng gia tộc Rothschild sử dụng một người chuyên đưa thư riêng - người không chỉ chịu trách nhiệm vận chuyển vàng và các tài sản hữu hình khác mà còn chịu trách nhiệm chuyển tin tức hữu ích cho các quyết định đầu tư. Như vậy, mọi người mong đợi rằng Nathan lúc này đang ngồi tại sở Giao dịch chứng khoán London sẽ là nhân vật đầu tiên biết được danh tính của người chiến thắng trong trận đánh Waterloo. Và mọi người đã không thất vọng. Tin tức đầu tiên về chiến thắng của Wellington đã vang tới Brussels vào giữa đêm 18/6/1815, nơi Rothworth - một đại diện của gia tộc Rothschild - đang ngóng đợi. Ngay lập tức, anh ta phi ngựa như bay về phía cảng Ostend, nơi có chiếc thuyền đợi sẵn và lập tức nhổ neo đi về phía eo biển Măng Sơ. Tờ mờ sáng ngày 20/6, người đưa tin mệt mỏi đặt chân trước cửa nhà Nathan, nghĩa là sớm hơn 24 giờ trước khi Major Henry Percy - người đưa tin của công tước Wellington - về đến nhà. Ít nhất một chuyên gia viết tiểu sử đã nhận xét rằng, hành động đầu tiên của Nathan là chuyển giao tin tức cho Thủ tướng, nhưng các quan chức chính phủ lại do dự không tin vào nguồn thông tin này vì nó ngược với các báo cáo mà họ nhận được trước đó dự báo về sự thất bại của quân Anh. Và không còn nghi ngờ gì nữa, hành động thứ hai của Nathan trong buổi sáng này là khống chế thị trường chứng khoán nhằm hiểu được vị thế trụ cột của mình. Mọi cặp mắt đổ dồn vào Nathan trong khi ông ta ngồi sụp xuống một cách chán nản, mắt dán xuống sàn nhà. Sau đó, ông ta liếc mắt nhìn các cộng sự lúc này đang đứng gần đó với ám hiệu ra lệnh bán. Tiếng thì thầm lan khắp phòng “Nathan bán hả?” “Nathan đang bán!”, “Chắc hẳn Wellington thua rồi.” “Trái phiếu chính phủ của chúng ta sẽ không bao giờ được chi trả nữa.” “Bán đi ngay. Bán. Bán!” Giá cổ phiếu giảm xuống, và Nathan lại bán ra. Giá lao dốc không phanh, Nathan vẫn bán. Cuối cùng, khi giá đã chạm đáy, bằng một cử chỉ nhanh nhẹn, Nathan ra lệnh vét sạch toàn bộ thị trường trái phiếu chính phủ. Chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ, Nathan đã sở hữu tất cả phiếu nợ của chính phủ Anh. SIDONIA Vào năm 1844, Benjamin Disraeli, Thủ tướng Anh, đã viết một cuốn sách có tên gọi là Coningsby (còn có tên gọi khác là The New Generation - Thế hệ mới). Đây là một tiểu thuyết chính trị trong đó tác giả thể hiện quan điểm của mình về các vấn đề hiện đại. Một trong những nhân vật chính của cuốn sách là nhà tài phiệt có tên Sidonia, nhưng mỗi một chi tiết trong hành động của Sidonia lại là bản sao của Rothschild, người mà Disraeli vô cùng ngưỡng mộ. Dưới cái vỏ tiểu thuyết, chúng ta biết được về việc di cư của gia tộc Rothschild từ Đức, mối quan hệ gia tộc và ngân hàng trên khắp lãnh thổ châu Âu, vai trò chủ chốt của Rothschild đối với việc cung cấp vàng cho Wellington cũng như hành động táo bạo về tài chính của ông ta sau trận Waterloo. Disraeli đã viết như thế này: Châu Âu phụ thuộc vào tiền, và Sidonia chuẩn bị sẵn sàng để cho châu lục này vay tiền. Nước Pháp cũng cần một số tiền, Áo cần nhiều hơn; Phổ cần một ít; Nga cần vài triệu. Sidonia có thể cung cấp cho tất cả các quốc gia này… Không khó để hình dung rằng, sau khi theo đuổi con đường sự nghiệp, Sidonia trở thành một trong những nhân vật tai to mặt lớn của châu Âu. Ông ta đã đặt anh trai mình hoặc một người họ hàng gần vào vị trí mà ông ta có thể phó thác tiền bạc, vốn liếng. Ông ta là chúa tể của thị trường tiền tệ thế giới, và đương nhiên, là chúa tể của tất cả mọi thứ trên đời này. Ông ta nắm giữ lợi nhuận của vùng nam Ý; và các quốc vương cùng các vị đại diện chính phủ của tất cả các quốc gia thì tìm cách tranh thủ lời khuyên của ông ta.[18] Những gì mà Disraeli không thổi phồng đều được chính những lời ba hoa khoác lác của Rothschild minh họa rõ nét. Khi được Cục Ngân khố Hoa Kỳ tiếp cận tại Paris vào năm 1842 với yêu cầu cho chính phủ Mỹ vay tiền, ông ta đã trả lời thẳng thắn rằng: “Các ngài đã nhìn thấy một người đứng vị trí đầu tàu cho các vấn đề tài chính của châu Âu.”[19] Trên đời này luôn có những người đứng đúng vị trí của mình để làm giàu nhờ vào việc hợp tác với cả hai bên trong cuộc chiến. Gia tộc Rothschild cũng không là ngoại lệ, nhưng chắc chắn là họ đã hoàn thiện nghệ thuật này và trở thành hiện thân của dòng dõi đó. Họ không nhất thiết phải là những kẻ xấu xa về đạo đức. Những gì khiến họ bận tâm không phải là các vấn đề đúng hay sai mà là lời hay lỗ. Sự dửng dưng mang tính phân tích này đối với sự chịu đựng của nhân loại được mô tả một cách phù hợp bởi một thành viên trong gia tộc Rothschild: “Khi các đường phố Paris xảy ra đổ máu, tôi sẽ mua vào trái phiếu.”[20] Họ có thể có quyền cồng dân ở quốc gia mà họ sinh sống, nhưng lòng yêu nước thì đã vượt ra ngoài phạm vi giới hạn của sự nhận thức của họ. Họ là những con người cực kỳ thông minh, nếu không muốn nói là xảo trá và những tính cách này kết hợp với các nét đặc điểm đã khiến họ trở thành mô hình chủ chốt của những kẻ theo chủ nghĩa thực dụng, những người thống soái thế giới chính trị và tài chính ngày nay. Disraeli đã mô tả một cách cụ thể loại người này khi nói về Sidonia: Ông ta là một người không gây được cảm tình. Có vẻ thô bỉ nếu nói ông ta là một kẻ ác nhân vì ông ta khá nhạy cảm với những xúc cảm mạnh, tuy nhiên, đó lại không phải là những xúc câm của con người… Mọi người không bao giờ giao tiếp với ông ta. Với ông ta, đàn bà chỉ là trò chơi, còn đàn ông thì chỉ là một cỗ máy.[21] Có vẻ như sự thiếu vắng lòng yêu nước và cách nhìn nhận sự việc với cái đầu lạnh mang tính phân tích đã giúp các nhà tài phiệt tránh được việc cho chính phủ vay tiền, đặc biệt là các chính phủ nước ngoài. Những người vay cá nhân có thể sẽ phải hầu tòa và tài sản của họ có thể bị sung công. Nhưng các chính phủ kiểm soát việc sử dụng hợp pháp nguồn lực. Họ mới là các quan tòa. Mới là cảnh sát. Ai sẽ là người chiến hữu tài sản của họ? Câu trả lời là chính phủ khác. Nói về tiền lệ hiện đại có liên quan của nguyên tắc này, Ron Chernow giải thích rằng: Liên minh mới [giữa các nhà nghiên cứu tiền tệ và chính trị] có lợi thế tương hỗ. Washington cần khai thác quyền lực tài chính mới nhằm buộc các chính phủ nước ngoài mở cửa thị trường cho hàng hóa Mỹ hoặc thông qua các chính sách thân Mỹ. Đổi lại, các ngân hàng cần các đòn bẩy nhằm thúc đẩy việc trả nợ và tiếp nhận các thế lực cảnh sát của chính phủ tại các khu vực xa xôi. Mối đe dọa từ việc can thiệp quân sự là phương tiện xuất sắc mà qua đó có thể đẩy nhanh tốc độ trả nợ. Khi Kuhn, Loeb xem xét khoản vay được ủng hộ bởi các khoản thu thuế cấp cho cộng hòa Dominica, Jacob Schiff dò hỏi một cộng sự người London của mình là Ernest Cassel, “Nếu họ không trả thì ai sẽ là người đi thu các khoản thuế này?” Cassel trả lời: “Đội quân lính thủy đánh bộ của Ngài và của chúng tôi.”[22] Một trong những bài toán nát óc của lịch sử là vì sao các chính phủ thường xuyên lâm vào cảnh nợ nần và ít khi muốn trả “một cục” cho chủ nợ. Câu trả lời là các vị chúa tể hay các chính trị gia không đủ dũng khí để đánh thuế các thần dân của mình với những khoản lớn như vậy - những khoản mà có thể cần đến cho mỗi cuộc dàn xếp. Và như vậy, ở đây còn có một câu hỏi sâu hơn nữa là vì sao các khoản chi lại thường cao trong vị trí đầu tiên. Căn cứ vào tâm tính của các vị chúa tể tài chính trên thế giới, như Disraeli đã mô tả họ, có thể hiểu được ràng, một chiến lược được tính toán một cách nhãn tâm đã được thiết kế trong nhiều năm trước đây nhằm bảo đảm kết quả này. Trên thực tế, bằng chứng lịch sử đã cho thấy một cách hùng hồn rằng, một kế hoạch như vậy đã được phát triển vào thế kỷ 18 tại châu Âu và hoàn thiện vào thế kỷ 20 tại Mỹ. Vì mục đích phân tích mang tính giả thuyết, hãy cho phép chúng tôi nhận diện chiến lược này như là Công thức của gia tộc Rothschild. KẾ HOẠCH CỦA GIA TỘC ROTHSCHILD Chúng ta hãy thử hình dung về một người đàn ông hoàn toàn theo chủ nghĩa thực dụng. Ông ta thông minh hơn và gian xảo hơn so với những người đàn ông khác và trên thực tế luôn tỏ ra coi thường họ. Ông ta có thể kính trọng một vài nhân vật tài năng trong số những người này, nhưng lại ít quan tâm tới địa vị của loài người nói chung. Ông ta quan sát thấy rằng, các vị chúa tể và các chính trị gia thường đấu đá nhau vì một vấn đề gì đó và rút ra kết luận rằng chiến tranh chắc chắn sẽ xảy ra. Ông ta cũng nhận thấy rằng, các cuộc chiến tranh có thể mang lại nhiều lợi nhuận, không chỉ bằng việc cho vay hay tạo ra tiền tệ nhằm tài trợ cho chiến tranh mà còn từ sự thiên vị của chính phủ trong việc cấp tiền trợ cấp thương mại hoặc độc quyền kinh doanh. Ông ta không có năng lực về cảm xúc căn bản như lòng yêu nước, như vậy, anh ta tự do tham gia vào việc cấp vốn cho bất cứ bên nào trong cuộc chiến và giới hạn chỉ bằng các yếu tố mang tính tư lợi. Nếu một người đàn ông như vậy muốn nghiên cứu thế giới xung quanh mình, không khó để hình dung rằng ông ta sẽ rút ra các kết luận như sau - những kết luận có thể trở thành định hướng chính cho sự nghiệp của bản thân: 1. Chiến tranh là kỷ luật nền tảng cho bất cứ một chính phủ nào. Nếu có thể đáp ứng được các thách thức cùa cuộc chiến tranh, chính phủ đó sẽ tồn tại. Nếu không, nó sẽ bị diệt vong. Tất cả mọi thứ khác chỉ là thứ yếu. Sự thiêng liêng của luật pháp chính phủ, sự thịnh vượng của các công dân và khả năng trả nợ của Bộ tài chính sẽ nhanh chóng bị hy sinh bởi bất cứ chính phủ nào trong động thái đầu tiên của khát vọng tự tồn tại. 2. Như vậy, tất cả những gì cần thiết nhằm bảo đảm rằng chính phủ sẽ duy trì hoặc nhân rộng các khoản nợ là kéo họ vào cuộc chiến hoặc đe dọa chiến tranh. Sự đe dọa và nguy cơ phá hủy của cuộc chiến càng lớn bao nhiêu thì nhu cầu vay nợ càng lớn bấy nhiêu. 3. Để lôi kéo một quốc gia vào cuộc chiến tranh hoặc đe dọa chiến tranh, cần phải có kẻ thù với nhu cầu quân sự đáng tin cậy. Nếu những kẻ thù như vậy đang tồn tại thì có nghĩa là mọi việc sẽ tiến triển tốt. Nếu kẻ thù có tồn tại nhưng không có thế mạnh quân sự, sẽ cần phải cung cấp tiền bạc cho họ nhằm xây dựng cỗ máy chiến tranh. Nếu không có kẻ thù hiện diện, cần phải tạo ra kẻ thù bằng việc hậu thuẫn, tài trợ cho một chế độ thù địch. 4. Rào cản lớn nhất chính là chính phủ từ chối tài trợ cho chiến tranh thông qua các khoản nợ. Mặc dù điều này ít khi xảy ra, song khi nó xảy ra, cần phải kích động phe chính trị đối lập, kích động khởi nghĩa nhằm thay thế chính phủ đó bằng một thể chế khác phù hợp với mong muốn của chúng ta. Việc mưu sát các thủ lĩnh của đất nước có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình này. 5. Không một dân tộc nào có thể được phép duy trì một cách mạnh mẽ hơn đối thủ của nó, xét ở khía cạnh quân sự, vì điều đó có thể dẫn đến hòa bình và gây ra tình trạng giảm nợ. Để thực hiện được thế cân bằng về quyền lực, cần tài trợ cho cả hai phía. Trừ khi một trong hai bên có đối lập với quyền lợi của chúng ta và vì thế phải bị tiêu diệt, còn lại không bên nào được phép hưởng hoà bình hay bị thất bại tuyệt đối. Mặc dù lúc nào chúng ta cũng rêu rao mong ước hòa bình, mục tiêu ngầm hiểu chính là cuộc chiến tranh liên miên. Cho dù bất cứ ai biến chiến lược này thành lời hoặc truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thì đó cũng không phải là điều quan trọng. Trên thực tế, điều này vẫn còn là một sự hoài nghi rằng nó liên tục vận hành theo cách đó. Cho dù đó là sản phẩm của việc lập kế hoạch có ý thức hoặc đơn thuần chỉ là hậu quả của sự phản ứng của con người, đối với cơ hội lợi nhuận có được từ tiền pháp định, những vị chúa tể của thị trường tài chính thế giới đã hành động như thể họ đang theo đuổi một kế hoạch và điều này đặc biệt trở nên rõ ràng hơn kể từ khi cơ cấu ngân hàng trung ương Mandrake được tạo ra từ ba thế kỷ trước. Vấn đề “cân bằng cán cân quyền lực” đang ngầm diễn ra. Một số tài liệu lịch sử đưa ra khái niệm rằng, đó có thể là bản chất, hiện tượng xã hội - điều mà không biết vì sao lại vận hành vì lợi ích của loài người. Điều thật tuyệt vời rằng, sau tất cả các cuộc chiến tranh diễn ra ở châu Âu, làm thế nào mà không một dân tộc nào đủ mạnh để có thể hoàn toàn thống soái các dân tộc khác. Khi Hoa Kỳ nổi lên từ cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai với quyền thống soái như vậy thì đã có những lời phàn nàn, và các bộ máy chính trị/tài chính đồ sộ như chiến dịch tài trợ nước ngoài hay vấn đề giải trừ quân bị được kích hoạt nhằm khôi phục lại cán cân quyền lực này. Điều đó trở thành học thuyết được sùng kính của nền dân chủ quốc tế. Nhưng tầm quan trọng bị phớt lờ của quan điểm mang tính nhạy cảm này là chiến tranh “giữa những kẻ ngang hàng” đã trở thành bức tranh hiện tại của lịch sử. Điều này không có nghĩa là mỗi một nhóm hiếu chiến sẽ dễ dàng tìm được nguồn tài trợ từ các vị chúa tể hay các nhà tài phiệt. Điều này phụ thuộc vào những ai mà họ đe dọa và cách thức mà họ thực hiện để thành công. Ví dụ, vào năm 1830, Hà Lan đã phải đối mặt với cuộc nổi loạn của các thần dân nước mình tại Bỉ. Cả chính phủ cầm quyền lẫn các nhà cách mạng đều phụ thuộc vào nguồn tài trợ của gia tộc Rothschild cho cuộc chính biến này. Nhà cầm quyền Hà Lan là những khách hàng đáng tin cậy đối với các khoản vay và điều quan trọng là họ chính là những người đáng tin cậy trong việc thanh toán lãi suất tiền vay. Có vẻ là điên rồ khi cung cấp nhiều thứ đáng giá hơn sự hỗ trợ về tiền bạc cho những kẻ phiến loạn - những kẻ, nếu được nắm quyền sinh sát trong tay, có thể sẽ từ chối việc thanh toán đúng hẹn các khoản nợ của chế độ bù nhìn cũ. Salomon Rothschild giải thích rằng: Những kẻ quyền quý này có lẽ sẽ không trông mong gì ở chúng ta trừ khi họ quyết định theo đuổi sự cẩn trọng, khôn ngoan và điều độ…Thiện ý của chúng ta là không giao cây gậy vào tay những kẻ có thể sẽ quật lại chúng ta, nghĩa là, những kẻ cho vay tiền để kích hoạt chiến tranh và làm hủy hoại thanh danh mà chúng ta đã duy trì với tất cả nỗ lực và phương tiện của mình.[23] Sau khi cuộc cách mạng được giải quyết bằng việc thương thảo thay vì gây chiến, chính phủ mới ở Brussels chính là mục tiêu đương nhiên của việc tiếp quản tài chính. James Rothschild đã trình bày chiến lược - và chiến lược này đã trở thành mô hình của những phép tính kiểu như thế cho đến mãi về sau: Bây giờ chính là thời điểm mà chúng ta sẽ cần phải tận dụng lợi thế để biến mình thành ông chủ thực thụ của nền tài chính nước nhà. Giai đoạn thứ nhất sẽ cần được thiết lập dựa trên cơ sở quan hệ thân tình với tân Bộ trưởng Tài chính của Bỉ nhằm chiếm được sự tin tưởng của ông ta… và nhằm rút hết các trái phiếu kho bạc mà ông ta có thể sẽ đề xuất cho chúng ta.[24] CUỘC CHIẾN TRANH VĨNH VIỄN VÀO THẾ KỶ 18 TẠI ANH Các cuộc chiến tranh dù lớn hay bé cũng thường là một thứ bệnh dịch đối với châu Âu, nhưng đó chưa phải là dịch bệnh cho đến khi họ thấy ung dung thoải mái khi tài trợ cho cả hệ thống ngân hàng trung ương lẫn hệ thống tiền pháp định mà theo đó, những cuộc chiến tranh này được coi là vĩnh viễn. Ví dụ, mục tín chiến sự dưới đây bắt đầu ngay sau khi Ngân hàng Anh được thành lập - ngân hàng mà như bạn đã biết, được tạo ra cho mục đích đặc biệt là tài trợ chiến tranh: 1689-1697: chiến tranh của Liên minh Augsberg 1702-1713: Chiến tranh giành quyền kế vị ở Tây Ban Nha 1739-1742: Chiến tranh Robert Jenkin (giữa Anh và Tây Ban Nha) 1744-1748 Chiến tranh giành quyền kế vị ở Áo 1754-1763: Chiến tranh Pháp - Ấn 1793-1801: Chiến tranh chống lại cuộc cách mạng Pháp 1803-1815: Chiến tranh Napoleon Ngoài các cuộc chiến tranh châu Âu này còn có hai cuộc chiến tranh khác nữa với Mỹ: chiến tranh độc lập và chiến tranh 1812. Trong 126 năm từ 1689 đến 1815, nước Anh đã trải qua 63 năm trong cảnh khói súng chiến tranh. Điều này có nghĩa là cứ hai năm lại có một cuộc chiến tranh diễn ra tại xứ sở này. Còn các khoảng thời gian khác thì dành cho việc chuẩn bị chiến tranh. Trong các cuộc chiến tranh này, mục đích kế hoạch của gia tộc Rothschild là hiển nhiên. Người đời vẫn thường nhìn nhận rằng, nhiệm vụ của các nhà nghiên cứu tiền tệ là tài trợ cho cả hai bên tham gia cuộc chiến. Dù cuộc chiến kết thúc trong chiến thắng hay thất bại thì tác động của nó cũng đơn thuần là nhằm duy trì và khôi phục cán cân quyền lực châu Âu và kết quả lâu dài của bất cứ cuộc chiến tranh nào trong số đó cũng là khoản nợ chính phủ được mở rộng cho tất cả các bên. TỔNG KẾT Cuối thế kỷ 18, gia tộc Rothschild đã trở thành một trong những thể chế tài chính thành công nhất trên thế giới được người đời biết đến. Sự trỗi dậy một cách thần kỳ của gia tộc này có thể đóng góp vào nền công nghiệp tài chính cùng sự sắc sảo của năm người con trai trong gia tộc này - những người đã tự thiết lập nên cơ nghiệp của mình tại nhiều thủ đô châu Âu và tạo dựng hệ thống tài chính quốc tế đầu tiên của thế giới. Với tư cách là những người đi tiên phong trong lĩnh vực cho các chính phủ vay tiền, họ đã nhanh chóng học được rằng, điều này đã mang lại các cơ hội tuyệt vời độc nhất vô nhị nhằm đánh cược của cải vào quyền lực chính trị. Trước đó rất lâu, đa số các hoàng tử và thái tử của châu Âu luôn nằm trong tầm ảnh hưởng của gia tộc này. Gia tộc Rothschild cũng nắm giữ nghệ thuật buôn lậu ở quy mô lớn và thường nhận được sự ủng hộ ngầm của các chính phủ phạm luật. Điều này được nhận biết bởi tất cả các bên như một khoản lợi tức ngầm đối với việc cung cấp nguồn tài chính cần thiết cho các chính phủ, đặc biệt là trong thời gian diễn ra chiến tranh. Chi tiết cho rằng các chi nhánh của gia tộc Rothschild cũng tham gia vào việc cung cấp nguồn tài chính cho kẻ địch đã bị bỏ qua. Như vậy, thực tế mang tính truyền thống giữa cộng đồng các nhà tài phiệt đã được khai sinh: gặt hái lợi nhuận từ cả hai bên tham gia cuộc chiến. Gia tộc Rothschild hoạt động trong một hệ thống thu thập thông tin hiệu quả cao - hệ thống vô giá có thể cung cấp cho các nhà tài phiệt những kiến thức xuất sắc của các sự kiện quan trọng để từ đó giúp họ đưa ra quyết định đầu tư. Khi người đưa thư mệt mỏi của Rothschild mang về tin tức đầu tiên của trận Waterloo, Nathan ngay lập tức khiến cho đám con buôn trái phiếu London rơi vào cảnh hỗn loạn, và điều đó đã cho phép ông ta chiếm giữ được một lượng lớn các phiếu nợ của Anh. Việc nghiên cứu các sự kiện này thể hiện nhân cách cá nhân không chỉ của anh em nhà Rothschild mà còn của những thế lực đặc biệt khác trong giới tài phiệt quốc tế - những người mà thành công của họ phụ thuộc vào tính cách đặc điểm nhất định: tính khách quan lạnh lùng, không có lòng yêu nước, sự dửng dưng thờ ơ đối với số phận của loài người. Những điều này là nền tảng cơ sở việc đề xuất một chiến lược mang tính học thuyết được gọi là Kế hoạch Rothschild - kế hoạch kích thích những kẻ đẩy chính phủ vào vòng xoáy của chiến tranh nhằm thu lợi. Kế hoạch này có thể chẳng bao giờ được diễn đạt bằng lời song những sự kích động mang tính tiềm thức và những đặc điểm cá nhân của giới tài phiệt lại kết hợp nhuần nhụy với nhau nhằm giúp họ thực thi kế hoạch đó một cách hiệu quả. chừng nào bộ máy ngân hàng trung ương còn tồn tại, chừng đó còn có những kẻ rình rập để biến đổi nợ thành chiến tranh vĩnh cửu hoặc biến chiến tranh vĩnh cửu thành nợ. Trong các chương sau, chúng ta sẽ lần theo những dấu vết đặc biệt của kế hoạch Rothschild vì nó vẫn còn hiện diện trong cuộc sống ngày nay của chúng ta.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Nhấp vào liên kết https://temu.to/k/ujciw7voi7k để nhận gói giảm giá 1.500.000đ!! 
Một bất ngờ khác cho bạn! Nhấp https://temu.to/k/uh1qtggbvfr để kiếm tiền cùng tôi!