Những Bông Hồng Đầu Hạ - Chương 05
Không lúc nào Thiếu Lan khốn khổ này quên được! Suốt đêm nàng trằn trọc suy đi tính lại: hoặc gia đình vẫn nghèo khổ và sau đó cuộc sống sẽ trở thành địa ngục vì sự oán giận của cha, hoặc nàng phải lấy người lạ kia?
Không hiểu sao nàng lại e sợ giải pháp sau đến thế? Nàng cũng chẳng rõ nữa. Là một cô gái duyên dáng hiếm có, sớm trưởng thành trên vài phương diện bởi phải gánh nhiều trách nhiệm và bởi cuộc sống thanh bạch, nàng vẫn giữ được sự giản dị đáng yêu, vẻ tươi mát trong sáng của một cô gái nhỏ. Tính nết trang nghiêm và sự ngoan đạo giúp nàng tránh ra ngoài mọi khuynh hướng lãng mạn, mọi ham muốn xa hoa, phô trương. Vì thế, lần đầu gặp Công Nguyên, nàng thấy đã e ngại bởi một sự bí ẩn đáng sợ ẩn chứa sau khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười hơn là bởi cái dáng vẻ bề ngoài quyến rũ của chàng… và như đã nói với cha, nàng đã thấy ngay con người đó hoàn toàn khác biệt với nàng, nàng Thiếu Lan bé bỏng đáng thương đã quá quen với sự nghèo khổ, với những việc nội trợ nặng nhọc, chưa hề biết làm dáng, trái ngược với những người đàn bà thuộc giới sang trọng của Công Nguyên… Làm sao nàng có thể làm vợ một vị chúa tể uy quyền như thế được? Sự xung khắc giữa hai người có mạnh mẽ lắm không?
Và sau một đêm mất ngủ, sáng sớm hôm sau nàng đến nhà thờ, đem điều thắc mắc ra hỏi vị linh mục già.
- Hỡi cô bé đáng thương, thật là một sự xung khắc đáng ngại. Vị linh mục lắc đầu nói tiếp – Dù sao con cũng đừng nên lo ngại quá khi chàng cho biết cuộc sống yên tĩnh dành cho con. Như vậy tức là chàng muốn có cô vợ hiền lành, và con có thể yên tâm được.
- Nhưng con có thể thành thực nhận lời cầu hôn không, khi con chỉ cảm thấy dửng dưng, nếu không muốn nói là ngờ vực chàng?
- Điều này thì quan trọng. Tại sao con nghi ngờ chàng?
- Thưa cha, con không rõ. Chàng thật khác biệt với những người đàn ông con trông thấy từ trước tới nay! Ánh mắt âm u quyến rũ làm con bối rối. Vẻ lạnh lùng cao ngạo ẩn trong những cử chỉ khả ái khiến con e ngại. Chàng hay châm biếm và luôn luôn hoài nghi. Tóm lại, thưa cha, con chưa yêu chàng và người lạ này làm con sợ hãi.
- Ông Vũ Dương có thể cho con biết rõ hơn không?
- Cha con sẽ viết thư hỏi ông ấy. Đó là một người đứng đắn thành thật, chắc chắn ông ấy sẽ nói rõ những gì mình biết. Vấn đề tôn giáo cũng làm con lo nghĩ, con e rằng chàng là một người không tín ngưỡng, cha ạ.
- Tội nghiệp con quá, trường hợp của con thật nan giải! Nếu việc này chỉ liên quan đến một mình con thì ta khuyên con nên từ chối cuộc hôn nhân này làm con e ngại. Nhưng còn gia đình con… đòi hỏi con phải hy sinh. Cha tin là con có đủ can đảm để làm việc này, Thiếu Lan ạ, nhưng cần biết xem con có quyền không đã. Hôn nhân là một vấn đề thiêng liêng không đùa giỡn được. Con chỉ có thể nhận lời nếu con tự nguyện nhất quyết làm tròn bổn phận đối với chàng. Con phải nhất định đánh tan lòng ngờ vực, sự sợ hãi và hết lòng tìm cách yêu thương chàng. Đó là lời khuyên của cha. Nếu con nghĩ là không đủ sức làm như vậy thì con hãy từ chối dù phải trả đến một giá nào đi nữa.
Thiếu Lan nắm chặt đôi tay lạnh cóng và run rẩy:
- Con không biết nữa! Nàng khẽ nói – Nếu con có thể hiểu chàng hơn một chút thì tốt biết mấy! Lời lẽ trong thư thì đứng đắn lắm… Nhưng còn chàng liệu có thật thế không? Chúa ơi, con phải làm sao bây giờ?
Những giọt lệ chảy dài trên má Thiếu Lan, vị linh mục tốt bụng cảm động nhìn nàng. Ông là người biết rõ, hơn ai hết, cái tâm hồn cương nghị nhưng dịu dàng đó. Không biết con người quý phái xa lạ kia có thấu hiểu và cảm thông được cái tâm hồn tuyệt diệu với trái tim yêu thương mà nàng sẽ dành riêng cho chàng không? Than ôi, vị linh mục cảm thấy nghi ngờ điều này nếu Công Nguyên quả thật đúng như những gì Thiếu Lan đã nhận xét.
Thật tình ông muốn khuyên nàng từ chối nhưng ông cũng biết rõ tình cảnh khốn đốn của gia đình Thiếu Lan và ông cũng hiểu là ông Mạc Giao sẽ không bao giờ tha thứ nếu nàng từ chối. Chắc chắn là nàng sẽ không chịu nổi cuộc sống địa ngục đó. Vậy nàng có nên chấp nhận sự hy sinh khi nó không trái với lương tâm không?
Ông giải thích cho Thiếu Lan rằng sự vô tín ngưỡng của Công Nguyên không phải là một cản trở nhất định trong trường hợp này, miễn là chàng chịu chấp nhận sự tự do tín ngưỡng của vợ và sự giáo dục của những đứa con.
- Không phải với ai cha cũng nói như vậy đâu. Một người chồng vô tôn giáo thường rất nguy hiểm cho lòng tin của người vợ và các con. Nhưng cha hy vọng tâm hồn tin tưởng mãnh liệt, sự thông minh thẳng thắn của con sẽ làm con không giống họ. Với những điều kiện ấy, sự nguy hiểm sẽ không đáng kể đối với con, và biết đâu con còn có thể cảm hoá được chàng nhờ những gương tốt và nhờ sự cầu nguyện của con.
- Con thấy khó khăn quá cha ạ. Nàng thở dài nói – Con sẽ sung sướng biết bao nếu chàng có cùng những tin tưởng, những kỳ vọng thiêng liêng với con!
- Con ạ! Cha cũng muốn như vậy lắm. Con hãy suy nghĩ và cầu nguyện thật nhiều đi Thiếu Lan ạ. Hãy cố gắng làm quen với những ý nghĩ về cuộc hôn nhân đó. Theo cha, với giọng nói trong thư của Công Nguyên, theo như con đã kể lại, cha thấy rõ ràng ông ta chỉ muốn có một cuộc hôn nhân vì lý. Cha không thể đòi hỏi con điều gì khác hơn là việc cố gắng lo tròn bổn phận và yêu mến ông ta dần dần, và con sẽ có một bổn phận cao đẹp cạnh đứa bé không mẹ đáng thương ấy. Con hãy xem tất cả những điều này như một lời khuyến khích nếu tin tức con đang dò hỏi không làm cản trở cuộc hôn nhân.
- Nhưng con sẽ phải rời xa lũ em nhỏ dại của con. Nàng nghẹn ngào nói – Không có con, tụi nó sẽ ra sao?... Nhưng không, con chỉ nói vậy thôi không có ai là quan trọng cả.
- Con ạ, dù sao con cũng rất hữu ích. Tuy nhiên, chúng nó đều đã đến tuổi vào nội trú và Khuê Tú có thể thay thế con. Vả lại, con cũng không còn cách nào khác hơn. Ông thở dài kết luận – Con hãy về đi, cha sẽ cầu nguyện cho con.
Chỉ có Chúa và vị linh mục già, người bạn tâm linh của nàng, là thấu hiểu nổi đau thương của nàng thôi. Nàng thèm muốn biết bao số phận của Nguyệt Ánh vì mỗi dòng thư của cô bạn gái này đều gợi lên một hạnh phúc bình lặng dựa trên sự thương yêu quý trọng lẫn nhau.
Nàng bắt buột phải nghe bố nhắc đi nhắc lại những lời nói như những kim nhọn đâm buốt tim nàng: “Thiếu Lan sung sướng của ba ơi, con có thể nói là con có những bà tiên làm mẹ đỡ đầu”. Mẹ nàng thì say sưa lẩm bẩm: “Cô bé Hầu tước tương lai của tôi”. Khuê Tú thì mỗi ngày nói tới hàng trăm lần: “Sao chị có thể do dự được cơ chứ? Nếu là em, em sẽ bằng lòng ngay tức khắc!”. Người nào cũng không hề nghĩ là nàng có thể từ chối. Thiếu Lan khổ não thầm nghĩ không còn người nào có thể cứu nàng khỏi cuộc hôn nhân này được.
Bức thư trả lời của Vũ Dương đến thật nhanh. Ông thành thật kể hết những gì về Công Nguyên, những gì ông nghi ngại lo lắng cũng như những đức tính đứng đắn của chàng mà ông tin khác hẳn bề ngoài.
Ông Mạc Giao không cho con gái xem bức thư đó. Ông kiểm duyệt những điều bất lợi và ca tụng Công Nguyên không tiếc lời. Những điều còn lại nhấn mạnh trên tư cách đứng đắn của Công Nguyên và lòng ước muốn một người vợ thật ngoan đạo dù chàng có dửng dưng đến đâu đi nữa.
- Một kẻ không theo giáo quy! Thiếu Lan buồn rầu khẽ nói.
- Thì con chỉ việc tìm cách cải giáo ông ta là xong! Ông ấy đã tỏ ra rất đàng hoàng khi tôn trọng tín ngưỡng của vợ. Ba nghĩ điều đó khuyến khích con nhiều đấy chứ?
- Con rất khổ tâm, thưa ba! Chỉ vì tình cảnh gia đình mà con đành chấp nhận một cuộc hôn nhân như vậy.
Ông Mạc Giao gầm lên:
- Mày điên quá mất rồi! Sao lại có một đứa con gái dại dột như thế cơ chứ, không thể bàn cãi với một đứa con gái kỳ quặc như mày. Tao sẽ viết thư cho Công Nguyên. Mày bằng lòng phải không?
Một do dự cuối cùng làm tan nát tâm hồn Thiếu Lan. Nàng thầm cầu nguyện: Lạy Chúa, con phải hy sinh cho gia đình và con sẽ cố gắng làm tròn bổn phận đối với “ông ta”. Rồi nàng quả quyết trả lời:
- Thưa ba, vâng.