Những Bông Hồng Đầu Hạ - Chương 06
Vài ngày sau đó, Công Nguyên tới Hauts Sapins, Thiếu Lan mặc chiếc áo ngày lễ, một chiếc áo đầm màu xanh đậm giản dị, kín đáo do cô thợ làng may cắt nên không được khéo lắm. Nàng ngồi cạnh mẹ trong phòng khách, nét mặt nhợt nhạt căng thẳng vì mất ngủ và phân vân đau khổ trong những ngày cuối. Bà vú già đưa chàng vào phòng, kín đáo quan sát chàng từ đầu đến chân. Chàng chào bà Mạc Giao, cúi mình trước Thiếu Lan, miệng thốt ra một lời cảm ơn thật tao nhã. Rồi nâng bàn tay bé nhỏ hơi run rẩy lên, chàng khẽ hôn phớt qua và đeo cho nàng chiếc nhẫn đính hôn.
Sự nhanh nhẩu của ông Mạc Giao và sự tự nhiên thượng lưu của Công Nguyên khiến Thiếu Lan đỡ bối rối vì miệng nàng khô xé không thốt ra nổi một tiếng nào. Chàng cao hứng kể lại một việc rắc rối nhỏ trong chuyến di hành. Đôi khi chàng cũng quay sang hỏi chuyện Thiếu Lan. Nàng trả lời vắn tắt, cảm thấy bối trước con người hoạt bát mà nàng đoán là hay châm biếm kẻ khác và có đôi mắt thật lạ lùng và sâu sắc khiến nàng trở nên nhút nhát.
Ông Mạc Giao nói:
- Thiếu Lan, sẵn có ánh sáng mặt trời, con hãy đưa ông Công Nguyên ra sân thượng ngắm cảnh.
Nàng quay sang Công Nguyên nói:
- Thưa ông, nếu ông muốn?
- Thưa cô, tôi rất sẵn sàng! Chàng trả lời và đứng ngay dậy.
Thiếu Lan lấy chiếc mũ choàng màu nâu lợt đội lên đầu rồi đi ra vườn. Họ sóng vai nhau trên con đường chính. Thiếu Lan vẫn không tự chủ được, nàng nhút nhát không biết nói gì với vị hôn phu đàng hoàng sang trọng nhưng lạnh lùng này. Trái lại, chàng là con người không hề bối rối trước bất cứ hoàn cảnh nào.
Chàng hỏi nàng về những phong tục địa phương khiến cô gái trẻ lấy lại tự nhiên trả lời thật giản dị, cho thấy một sự thông minh tế nhị, sâu xa, một sự hiểu biết rộng lớn hơn chàng tưởng, vì chàng chợt nói với giọng ngạc nhiên:
- Tôi tưởng cô chưa từng rời xa vùng đất nhỏ này chứ? Vậy mà tôi thấy cô có vẻ biết rất nhiều…
- Tôi đã được dạy dỗ bởi những nữ tu lỗi lạc của giòng St Jean cho đến năm mười sáu tuổi. Và bây giờ tôi vẫn tiếp tục học những lúc rãnh rỗi hiếm có… Nhưng ông đừng chờ đợi nơi tôi sự giáo dục tân thời mới mẻ.
Nàng cười, nụ cười e thẹn và khả ái khiến cho khuôn mặt nàng có vẻ quyến rũ khó tả.
- Ồ! Tôi xin đoan chắc với cô là tôi không muốn điều đó! Chàng vội vã nói – Những cô gái trẻ tân thời được nhét đầy những kiến thức đủ loại, nhưng sau đó họ chẳng còn lại gì!
Họ đã đến chân sân thượng và bước lên những bậc cao. Tuyết đông tan vỡ dưới chân của họ. Chàng dựa người lên chiếc thành bằng đá đã lở, ngắm nhìn một lúc lâu cánh đồng trắng xoá, những dãy rừng bách với chiếc áo choàng tinh khiết, những sườn đá lởm chởm xen lẫn những vực thẳm sâu hút. Cảnh đó có một vẻ đẹp cổ kính dưới ánh nắng mặt trời vàng nhạt tạo nên những đốm lớn sáng chói trên mặt tuyết và những tia sáng bạc trên những cánh đồng thông trắng xoá.
- Vùng này thật đẹp, nhưng có vẻ cổ xưa! Chàng quay về phía Thiếu Lan nói – Có lẽ cuộc sống ở đây khá buồn?
- Tôi chưa bao giờ rảnh rỗi để nhận thấy điều đó. Vả lại, tôi rất yêu quê tôi và đồng quê mùa đông cũng rất quyến rũ tôi.
- Như vậy cô sẽ thích ở Arnelles. Toà lâu đài được dựng lên trên phần đất của Anjou. Những vùng quanh đó cũng khá lắm. Cô có thể quen biết một vài người bạn dễ chịu ở đây. Cô có thích những trò giải trí thượng lưu ở đây không?
Chàng đột ngột hỏi. Nàng trả lời, thật tự nhiên:
- Ồ! Tôi không thích chút nào! Tôi không biết gì cả về điều này và những gì tôi đã nghe thấy không làm tôi ham muốn. Lúc nào tôi cũng ước muốn một cuộc đời bình lặng và hữu ích hơn.
Chàng đưa mắt nhìn nhanh khuôn mặt có những đường nét tuyệt đẹp, được ánh sáng dịu của mặt trời mùa đông làm nổi bật những ánh vàng sậm trên mái tóc óng ả, được bới lên một cách rất đơn sơ. Và kẻ quan sát sở trường đó có thể đọc thấy sự thành thật tuyệt đối trong đôi mắt đẹp của nàng.
- Cô có lý và tôi rất tán thưởng những lời lẽ chín chắn ấy. Chàng nghiêm trang nói – Tôi hy vọng là Lãm Thuý sẽ được chăm sóc cẩn thận, điều mà có lẽ nó đã thiếu thốn từ trước đến nay.
“Có lẽ!” Thiếu Lan thấy chữ đó hơi kỳ cục. Nàng rụt rè hỏi:
- Không biết đứa bé có tiếp nhận tôi dễ dàng không? Tính tình nó có dễ không?
- Tôi thú thực là tôi không biết gì cả!Tôi gần như không gần nó, nên không thể cho cô rõ điều đó được… À! Tôi nhớ là có nghe mẹ tôi nói nó hay gắt gỏng vì sức khoẻ kém, nhưng cũng khá dịu dàng.
- Thế ông không đến thăm nó bao giờ à! Nàng ngước nhìn gương mặt đẹp và kiêu hãnh trước mặt.
- Có, thỉnh thoảng tôi có thấy nó khi tôi đến Arnelles. Nhưng tôi không để ý lắm, cho tới nay đó là những công việc của mẹ tôi và bây giờ là của cô, vì cô đã nhận lời cầu hôn của tôi.
Giọng nói quả quyết và lạnh lùng khiến Thiếu Lan kinh ngạc. Nàng khiếp sợ trước sự hoàn toàn dửng dưng của tình phụ tử đó. Có lẽ chàng cũng nhận thấy hậu quả lời nói của mình, nhưng chàng không thèm cải chính. Chàng xoay câu chuyện sang đề tài khác. Nhìn thoáng qua chiếc nhẫn đính hôn có gắn viên kim cương tuyệt vời loé những tia sáng cực đẹp dưới ánh sáng mặt trời.
- Cô có ưa chiếc nhẫn này không? Tôi đã lựa nó theo ý thích của tôi và có thể cô không vừa lòng. Nếu quả vậy hãy thành thật nói cho tôi biết nhé.
- Ồ! Thưa ông tôi cũng thích nó lắm! Vả lại tôi không biết gì về nữ trang cả.
Nàng muốn nói thêm: “Điều này thật không nghĩa lý gì đối với tôi so với biết bao vấn đề khổ não khác!” Nhưng nàng lại thôi.
- Cô có thích nữ trang không?
- Tôi xin thú thật chưa hề nghĩ tới sự ham muốn đó bao giờ.
- Tôi sẽ được hân hạnh tặng cô những thứ này. Nhưng tôi muốn biết ý thích của cô.
- Xin ông hãy tự lựa chọn.
Thật ra, chàng hỏi chỉ là giọng của một người chỉ đặt câu hỏi vì phép lịch sự thôi mà lời giải hoàn toàn phải là chàng.
Họ rời khỏi sân thượng, ông Mạc Giao và Khuê Tú tiến tới phía họ rồi cùng trở về toà lâu đài có lối kiến trúc được chàng quan sát với con mắt nghệ sĩ. Vào đến phòng khách Thiếu Lan rút lui. Hôm nay vú già Chín bị phong thấp nên nàng phải giúp bà làm bữa cơm thịnh soạn hơn nhân cơ hội này.
Trong khi cô gái trẻ quấn ngang eo chiếc váy ngoài làm bếp, vú Chín ngồi cạnh bếp lò ngước đàu lên nói:
- Con đã lầm lẫn khi lấy người tỉnh Ba Lê đẹp trai này, con gái ạ. Đó không phải là người để con lấy.
- Vú thì biết gì? Thiếu Lan cố cười đáp.
- Điều đó hiển nhiên. Ông ta có gương mặt và những cử chỉ có thể làm si mê bao nhiêu cô gái khác, nhưng con không phải thuộc loại đó. Con cần có một người đứng đắn hơn. Ông ta có thể là Hầu tước với hàng triệu triệu bạc không biết phải làm gì, nhưng cũng không đủ đem lại hạnh phúc cho con… kể cả cái này nữa.
Bà chỉ chiếc nhẫn đang chói sáng trên tay Thiếu Lan:
- ...Con ạ, đó không phải là loại người cho con, và ta sợ hai người sẽ không được hoà thuận!
- Vú ơi! Sao vú bi quan thế? Con hy vọng những dự ngôn đáng buồn này của vú sẽ không thành sự thật…
Vú Chín hất đầu, mồm lẩm bẩm vài câu. Bà ta có tâm hồn sầu não, “lúc nào cũng bi quan”, ông Mạc Giao thường nóng nảy nói vậy, và một biến cố nhỏ nhặt đến đâu cũng là cơ hội để bà phát ra những dự cảm u tối.
Nhưng trong trường hợp này, Thiếu Lan nghĩ chưa chắc là bà đã đoán sai. Nàng đã cảm thấy sự lạnh lùng đáng sợ mà chàng che dấu dưới những hành động luôn luôn lịch thiệp của một người thượng lưu.
Quả thật, chàng là vị hôn phu lãnh đạm nhất. Trong bữa ăn, chàng nói chuyện với ông Mạc Giao về những chuyện đua ngựa, kịch nghệ, những trò thể thao tao nhã là những đề tài mà ông bố vợ tương lai rất ham chuộng nhưng hoàn toàn xa lạ với vị hôn thê của chàng. Vả lại, cũng không thể chăm chú vào câu chuyện, vì nàng phải kiểm soát người đầy tớ phụ được mướn trong dịp này. Nàng phải đứng dậy hai ba lần, tự tay dọn ra các món mà người đầy tớ quên, dù ông bố cau mày nhìn nàng, nhưng nàng đã làm những việc đó với sự duyên dáng thật giản dị và nghiêm trang khiến nàng vẫn có thể quý phái và kiều diễm.
Công Nguyên làm như không thấy gì cả. Là một vị lãnh chúa uy quyền thật sự, biết hoà mình vào mọi hoàn cảnh, chàng xử sự tự nhiên trong cảnh nghèo khổ này cũng như khi ở nhà với những người đầy tớ thật chăm chú vì biết ông chủ rất khó tính, để ý từng chi tiết trong phục vụ hầu bàn. Và chàng thưởng thức bữa ăn giản dị nhưng ngon lành này cũng như những món ăn cầu kỳ của người đầu bếp nhà chàng.
Thiếu Lan thay đĩa cho chàng, chàng xin kiếu từ để đáp chuyến tàu tối. Trước đó, cả hai bên đã đồng ý hôn lễ sẽ được cử hành sáu tuần lễ sau.
- Sau sớm thế? Thiếu Lan đã buột miệng thốt ra như vậy.
Công Nguyên ngạc nhiên và chăm chú nhìn nàng khiến nàng đỏ mặt.
- Vì sau đó tôi rất bận việc, nên tôi muốn cử hành hôn lễ càng sớm càng tốt. Chàng trả lời – Nhưng nếu cô thấy như vậy vội quá thì chúng ta sẽ dời ngày lại.
Tuy nhiên Thiếu Lan đã trấn tĩnh lại, nàng nghĩ đàng nào cũng không tránh được thì làm hôn lễ luôn cho rồi. Và nàng bằng lòng cái ngày ấn định theo ý muốn của chàng.
Suốt thời gian đính hôn, vị hôn phu kỳ dị chỉ gửi đến hàng ngày những giỏ hoa tuyệt đẹp làm lác mắt bà Mạc Giao và Khuê Tú trong khi vú Chín lẩm bẩm:
- Thật là phí phạm! Sao ông ta không đến thăm con bé có phải hơn không?
Riêng Thiếu Lan thì khác, nàng nghĩ chàng không đến như vậy tốt hơn. Vì ít ra trong những ngày cuối của đời con gái, nàng có thể bình tĩnh mà suy nghĩ, mà tìm lấy can đảm từ sự cầu nguyện và những lời khuyên nhủ của vị linh mục tốt bụng, cho tương lai rất gần đây, cái tương lai đáng sợ đặt nàng dưới uy quyền của con người xa lạ mà nàng vừa e sợ vừa mong muốn biết rõ hơn.
Đồ sính lễ được gửi tới, Thiếu Lan dửng dưng nhìn bố mẹ trả ra những xấp lụa, áo choàng bằng lông, những hàng ren. Lấy trong hộp ra hai món trang sức, một cái bằng kim cương, một cái bằng ngọc bích, bà Mạc Giao khâm phục, xuýt xoa:
- Thật là những đồ vô giá!... Nhìn chiếc áo choàng lông thú kia! Thật đầy vẻ vương giả!
- Ồ! Ông ta có thể mua cho vợ nhiều thứ nữa kia! Ông Mạc Giao đáp, giọng thoả mãn tự kiêu pha lẫn thèm muốn – Thiếu Lan con có thể tưởng tượng những đồ sính lễ này trị giá bao nhiêu không?... Coi kìa mày không thèm nhìn à! Thật là một vị hôn thê quái dị! Mày suy nghĩ gì mà trang nghiêm thế hả?
- Thưa ba con tự hỏi không biết tại sao ông ấy lại gửi cho con tất cả những thứ này khi chính ông muốn con về sống ở nhà quê?
- À! Con tưởng vậy hả? Ba không còn tin điều đó vì theo ý ba, tất cả những thứ này chứng tỏ vị hôn phu của con định dành cho con một cuộc sống nhộn nhịp hơn nhiều, sẽ không có ai sánh bằng nếu con đeo những đồ trang sức kia.
- Con không muốn vậy đâu! Nàng kinh hãi nói.
- Ồ! Rồi xem mày có thích không, con bé mọi rợ kia! Con sẽ không thể ngờ là con đẹp đến thế nào… Trời đất! Ông ta thật có con mắt sành đời! Còn sự quý phái thì ông ta quen quá! Con sẽ được dạy bảo kỹ lưỡng về cuộc sống thời lưu, con gái ơi. Nhìn xem, ông ta đã khéo chọn những món quà này thật hợp với vẻ đẹp của con! Những viên ngọc bích này đặt trên mái tóc của con, thì quả không còn gì bằng, Thiếu Lan ạ!
Ông đặt lên đầu con gái chiếc vương miện nhỏ tuyệt vời, trong khi Khuê Tú lấy miếng lụa thêu bạc ướm thử lên người chị.
- Đúng là con được sinh ra để mặc những đồ lộng lẫy đó, con gái yêu quý ạ! Bà Mạc Giao hân hoan nói.
Thiếu Lan lặng lẽ tháo chiếc vương miệng đặt vào hộp, nàng gấp tấm lụa sang trọng lại rồi lên gác xếp lấy quần áo giặt phơi hôm trước. Nàng ước muốn biết bao được đánh đổi những đồ vật đó lấy một chút thương yêu, một sự quý mến hỗ tương!
Một giấy tờ mang những lời lẽ ngắn ngủi được gửi tới nàng cùng với đồ sính lễ. Bức thư đó là cả một kiệt tác về sự quý phái thanh tao, sự lễ độ nhã nhặn, và sự lạnh lùng thích nghi. Chàng đáng khen ở chỗ chàng không hề giả vờ có những tình cảm mà chàng không cảm thấy.
Thiếu Lan thấy cần phải trả lời chàng. Nàng thường có những lời văn dễ dàng và hóm hỉnh nhưng lần này, nàng thấy công việc quá với sức mình. Tim nàng như câm lặng và trí óc mệt mỏi không tìm nổi những câu đủ lễ độ để trả lời vị hôn phu hoàn toàn xa lạ đó.
Việc này khiến nàng cảm thấy nhức đầu khủng khiếp, tiếp theo hôm sau là một cơn sốt nặng và chính ông Mạc Giao phải trả lời cho con rể tương lai, vừa báo tin sự khó ở của cô gái trẻ.
Lúc nào cũng lịch sự, chàng gửi ngay một bức điện tín hỏi thăm sức khoẻ của Thiếu Lan, và cứ tiếp tục như vậy những ngày sau đó, cho tới khi Thiếu Lan hoàn toàn hồi phục.
Ở Hauts Sapins, cô gái trẻ nghe thấy mọi người chung quanh khen ngợi không tiếc lời vị hôn phu của mình. Quả thật gia đình ông Mạc Giao cảm thấy rất biết ơn Công Nguyên. Chàng đã thật tế nhị biếu ông bố vợ tương lai một lợi tức to lớn hơn sự hy vọng của ông nhiều, khiến ông rất hoan hỷ. Cùng với đồ sính lễ, Chàng còn gửi đến cho bà Mạc Giao và Khuê Tú những quà tặng vĩ đại kèm theo một câu khả ái. Tất nhiên chàng rộng lượng và chắc chàng phải rộng rãi đến mức cao nhất. Nhưng có lẽ đó là một đặc tính di truyền, và chàng có thể thực hiện dễ dàng với một gia tài vĩ đại có thể thích hợp với một trái tim hoàn toàn sắt đá.
- Lạy Chúa! Xin cho con thương yêu được ông ta! Thiếu Lan suốt ngày cầu nguyện như vậy – Xin cho ông ta là một người chồng tốt và đứng đắn!
Và nàng nhớ lại lúc chàng nói chuyện với bố mình về những đề tài vô bổ, hay lúc nói kể với nàng trên sân thượng về tình phụ tử dửng dưng của chàng. Bản chất chàng ra sao? Điều đó đối với Thiếu Lan là cả một bí ẩn sâu xa và đáng sợ.
◊
Công Nguyên tới Hauts Sapins hôm trước ngày cử hành hôn lễ tôn giáo. Chàng tặng vị hôn thê một tấm hình của con bé Lãm Thuý, cho nàng biết chàng vừa đến gặp đứa bé ở lâu đài Arnelles và xem qua những công việc sửa soạn để đón tiếp nàng.
- Tôi đã báo cho nó biết cô sắp tới. Tôi chắc chắn cô sẽ thay đổi nhanh chóng đứa bé man dại mà chưa một bà giáo nào chịu khó tìm hiểu bản chất của nó.
Thiếu Lan ngắm nhìn khuôn mặt trẻ thơ, hơi gầy với đôi mắt to buồn rầu.
- Nó không giống ông gì cả, có lẽ trừ đôi mắt.
- Phải, nó là hình ảnh của mẹ nó. Chàng cau mày trả lời.
Chỉ có hai người trong phòng khách, bà Mạc Giao lấy cớ hơi mệt buồng phòng nghỉ, còn ông chồng thì đang đi tìm những giấy tờ cổ xưa mà ông muốn cho con rể xem. Cả hai đều đồng ý để cho hai trẻ được tự do nói chuyện.
Chàng vừa lấy chiếc kẹp gấp một khúc củi rơi xuống, vừa nói:
- Ngày mai cô sẽ gặp mẹ tôi và chị hai tôi, Tử tước phu nhân Hoàng Long. Cô em Tường Oanhcủa tôi ở Áo rất tiếc không tới được.
- Cô ấy đã viết cho tôi một bức thư khả ái kèm theo một quà tặng tuyệt đẹp. Chắc tính cô ta dễ thương lắm?
- Đúng vậy! Nó rất tốt và kiều diễm. Tôi chắc cô sẽ thích nó hơn chị Yến Loan nhiều. Chị tôi là một người đàn bà tân thời, hơi kỳ quặc đối với cô. Vả lại chị ấy rất thông minh, chị có tên trong văn chương với cương vị một tiểu thuyết gia và thi sĩ. Cô chưa đọc những tác phẩm của chị ấy à?
- Tôi nhớ có đọc vài bà thơ của bà.
- Vậy cô có thích không?
Đôi mắt nhung của Thiếu Lan thoáng bối rối. Nàng thật thà đáp:
- Tôi xin thú thật là tôi không hiểu rõ những bài thơ đó.
Chàng bật cười – tiếng cười trẻ trung, không một chút mỉa mai – một điều hiếm có nơi chàng:
Ồ! Đó chính là điều tuyệt hảo của chủ nghĩa tượng trưng! Thưa cô, cô là một người phàm tục… và tôi cũng vậy, cô yên lòng đi. Chị Yến Loan và tôi vẫn có những xích mích nhỏ về vấn đề này. Nhưng cô hãy thử đi khuất phục một người đàn bà tin mình có trí thức siêu việt và hơn nữa có ông chồng cực độ cảm thán những tác phẩm u mê nhất của mình! Hoàng Long là một kẻ ngu dốt đệ nhất.
Hôm nay chàng có vẻ rất vui và bớt lạnh lùng nhiều, chàng như muốn phô trương tất cả sự quyến rũ mê hoặc của trí óc mình, trước vị hôn thê bé nhỏ khiêm tốn được chàng chăm sóc nhiều hơn chiều hôm đó. Đôi khi, tia mắt chàng dịu dàng hơn khi nhìn nàng, giọng nói chàng đầm ấm che chở và Thiếu Lan, vừa bối rối vừa lo lắng, thầm nghĩ việc tìm kiếm những khía cạnh tốt trong bản chất chàng và thương yêu chàng sẽ không quá khó khăn như nàng tưởng.
- Chúng ta chưa bàn về chuyến du hành trăng mật. Chàng nói – Cô muốn đi ngay sau khi cử hành hôn lễ hay cô muốn đến ở Arnelles vài ngày rồi hãy đi?
- Tôi muốn đến làm quen ngay với cô bé Lãm Thuý của ông hơn, nếu ông muốn.
- Được! Sau đó chúng ta sẽ đi những nơi nào cô thích. Nhưng tôi cũng rất thích một vài nơi tại cái xứ sở đẹp đẽ đó và tôi sẽ rất sung sướng giúp cô biết rõ những nơi này. Trong khi đi chúng ta sẽ đứng ở Menton để tôi giới thiệu với cô những người họ hàng thật đáng mến, vợ chồng ông Quận công Đức Hoà đã ở đấy một tháng nay như mọi năm. Khi về, chúng ta có thể dừng vài ngày ở Cannes, nơi tôi có một biệt thự. Chúng ta sẽ đi tuần du trên chiếc tàu mới của tôi sẽ được hoàn tất trong hai tháng nữa, nếu cô chịu được biển! Rồi chúng ta sẽ trở về Ba Lê, nơi tôi sẽ được tiếp đón vào viện Hàn Lâm vào cuối tháng tư.
Nàng lắng tai nghe, ngạc nhiên và nghi ngại, Trong những dự định này, còn gì cho Lãm Thuý với sức khoẻ yếu đuối phải sống suốt ngày ở nhà quê, như chàng đã nói khi xưa?
Trong thâm tâm, Thiếu Lan hơi sợ hãi cuộc sống này vì nàng chưa hề đi xa Besaneon và không hiểu rõ năng lực của chính mình, nàng thấy mình rất kém với những gì chàng chờ đợi nơi nàng.
Nàng cũng có một vấn đề lo nghĩ khác: gia đình tương lai của nàng. Bà Bá tước phu nhân Duy Khiêm, em gái chàng, Quận công Đức Hoà, ông chú của chàng cùng bà vợ, đã gửi cho nàng một câu thật khả ái kèm theo những quà tặng vĩ đại của họ. Nhưng những quà tặng của bà mẹ chồng và cô chị cả kèm theo những lời tầm thường và lạnh lùng làm Thiếu Lan lo sợ. Nàng biết họ rất quý phái lịch thiệp và nàng lo sợ họ không bằng lòng sự lựa chọn của chàng. Dù sao, cả hai cũng cất công đến dãy núi Jura lạnh lẽo ngay giữa mùa đông này mặc tất cả những sự bất tiện của cuộc du hành và lưu trú, dù ngắn đến đâu đi nữa. Nếu họ thật tình không bằng lòng, họ cũng không thiếu gì cớ để không tới dự hôn lễ.
Nàng sẽ ra sao cạnh những người đàn bà hoàn toàn khác biệt đó? Riêng đối với nàng, nàng không cần để ý gì những nhận xét của họ nhưng nàng không muốn làm phật lòng chàng.
- Xin ông hãy chỉ cho tôi biết những việc tôi phải làm vì tôi không hề biết gì về cách xử thế trong giới thượng lưu. Nàng hỏi chàng ngay buổi tối hôm chàng đến, lúc chàng kiếu từ nàng sau bữa ăn tối.
Chàng mỉm cười khi bắt gặp ánh mắt đẹp dụt dè:
- Tôi rất vui lòng chỉ cho cô biết nếu tôi thấy cần thiết. Nhưng cô là một người đàn bà quý phái thiên bẩm nên cô dễ dàng hoà mình vào mọi hoàn cảnh.
Nàng hơi đỏ mặt. Đó là lời khen tặng đầu tiên chàng ban cho nàng. Và tia nhìn kèm theo khơi dậy một cảm xúc kỳ lạ nơi tim Thiếu Lan.