Những Bông Hồng Đầu Hạ - Chương 11

Công Nguyên lưu lại Arnelles tám ngày. Chàng đưa Thiếu Lan xem toà lâu đài với khu vườn bát ngát, đồng thời đưa nàng tới thăm một vài người quen. Khi tự thấy mình đã xong bổn phận, chàng trở lại Ba Lê, bỏ lại người vợ ngỡ ngàng cô đơn trong toà lâu đài mênh mông buồn tẻ.

Thiếu Lan khởi sự công việc của một người thay thế cô giáo cũ của Lãm Thuý, một công việc mà nàng không ưa chút nào. Trước khi đi, chàng đã tuyên bố là nàng toàn quyền quyết định về bất cứ việc gì liên quan đến Lãm Thuý, vì vậy nàng đã viết thư cho vị nữ tu nơi tu viện mà trước kia nàng đã được dạy dỗ để xin vị này gửi cho một cô giáo tới dạy Lãm Thuý. Ít ngày sau, nàng tiếp nhận một cô giáo người Anh trẻ tuổi, đứng đắn và có tư cách. Cả nàng lẫn Lãm Thuý đều có cảm tình với cô giáo này. Thiếu Lan bắt đầu học tiếng Áo vừa để cho qua những thì giờ nhàn rỗi, vừa để có thể kiểm soát dễ dàng người quản gia về những liên lạc của bà với đứa trẻ.

Thiếu Lan tìm vui trong công việc hàng ngày. Chỉ có việc làm và sự hoàn tất các bổn phận là có thể giúp nàng khỏi chán nản, thoát khỏi những ý tưởng u tối buồn rầu ray rứt nàng. Mỗi sáng, sau buổi lễ Mi-sa, nàng đến thăm một vài người nghèo do vị linh mục giới thiệu để hỗ trợ giúp họ một số phẩm vật và an ủi họ, hoặc khuyên nhủ họ bằng những lời dịu dàng của nàng. Nàng không làm quen với ai, mặc dầu những bạn bè của chàng từ những lâu đài lân cận, sau khi nàng được chồng dẫn đi thăm, họ đã sốt sắng tới thăm nàng đáp lễ. Nàng từ chối tất cả những sự mời mọc, giao dịch, ngay cả với gia đình ông Bích Nguyên là người mà nàng rất quý mến.

Ngày qua ngày, việc Công Nguyên để người vợ trẻ cô đơn trong toà lâu đài đã khiến những người trong tỉnh ngạc nhiên. Mặc dầu dư luận vẫn dành cho nàng nhiều cảm tình, nhưng tâm hồn kiêu hãnh và tế nhị của Thiếu Lan vẫn cảm thấy một niềm chua xót. Nàng cố gắng sống biệt lập với tất cả mọi người bên ngoài để tránh con mắt tò mò của họ.

Sự hiện hữu của Công Nguyên chỉ còn được chứng tỏ bằng những sách báo thường xuyên do chàng gửi về cho Thiếu Lan đọc, và đó cũng là phương tiện duy nhất Thiếu Lan có thể theo dõi cuộc sống của chồng. Trong các tạp chí, tên chàng thường được nhắc đến với một địa vị quan trọng trong giới thượng lưu. Cũng nhờ vậy nàng được biết chồng nàng vừa cho ấn hành một tác phẩm mới, nàng cũng biết là chàng vừa du lịch qua Tây Ban Nha, nơi đây chàng đã được triều đình tiếp đón vui vẻ. Bây giờ nàng mới biết Công Nguyên là một tay kỵ mã tài giỏi, say mê trò chơi mã cầu và săn cáo. Nàng còn được nhìn thấy một con ngựa giống tuyệt đẹp mà Công Nguyên đã mua với giá cao, dù chàng đã có những con ngựa đẹp nhất nước Pháp thời đó. Khi lật những trang báo, nàng có thể thấy hình chàng đứng giữa những đám đông quý phái trong một dạ hội do một nhân vật cao cấp người Nga tổ chức.

Tất cả những điều này chứng tỏ cho nàng thấy, nếu không nói là nàng đã biết rõ từ lâu, cái vực thẳm giữa con người thời lưu ăn chơi đó và nàng, cô Thiếu Lan khiêm tốn, không biết gì về những thú vui mà chồng mình ham thích. Nỗi buồn càng sâu xa hơn, và để giải khuây, nàng gia tăng những cuộc viếng thăm từ thiện, bố thí những số tiền to tát mà nàng đã tìm thấy trong ngăn kéo bàn giấy để dành riêng cho những chi tiêu cá nhân của nàng. Còn những chi tiêu khác trong nhà đều do viên quản lý lo liệu. Riêng nàng, nàng chỉ mua những cái gì thật cần thiết và không ai trong vùng lại ăn mặc giản dị hơn nàng. Đồng tiền của “ông ta” cũng như sự xa hoa trong nhà này, trĩu nặng trên vai nàng. Nàng bắt buộc phải mắc nợ chàng!... Và tất cả thân nhân nàng ở Hauts Sapins đều sống nhờ vào ơn huệ của chàng.

Đôi khi nàng tự hỏi mình có mơ không? Có thật là mình đã trở thành vợ của Vũ Công Nguyên chăng? Ngày qua ngày, nàng cảm thấy tình cảnh của mình thêm kỳ lạ, thật khó mà chịu đựng nổi. Vì sao chàng làm một việc tàn nhẫn vô ích thế khi bắt nàng rời Hauts Sapins? Vì con gái chăng? Điều đó không chắc chắn lắm nếu dựa trên sự dửng dưng của chàng đối với đứa con. Vậy có lẽ đây là do bản tính ác độc thuần tuý để trả thù người đàn bà đã không vui sướng được mang tên chàng? Cũng có thể khi hành động như chàng muốn khẳng định uy quyền của mình, và không chừng sau này chàng có thể cho phép mình mang Lãm Thuý về sống luôn ở Hauts Sapins.

Nhưng trong lúc chờ đợi, nàng đau khổ. Một tháng trôi qua, nàng không nhận được tin tức trực tiếp nào của chàng.

Một chiều kia, nàng nhận được thư của ông Mạc Giao. Đó chỉ là những lời khen ngợi quá đáng ông con rể, với sự rộng lượng vương giả đã giúp cho Hauts Sapins trở lại hình dáng xưa. Ông viết:

“Ba không thể hiểu vì sao con lại không đi theo chồng đến Paris. Con yêu, ba e rằng con làm như vậy sẽ làm phật lòng Công Nguyên. Vì chắc chắn nó rất muốn đưa con vào cuộc sống thời lưu trưởng giả. Những đồ sính lễ của con chứng minh điều đó. Hay con tưởng sẽ cải biến được chồng theo ý mình? Điều đó sẽ là một sự sai lầm đáng thương, và cha khuyên con hãy từ bỏ ý định đó đi nếu không muốn bị chồng ghét bỏ…”

Thiếu Lan gấp lá thư lại mĩm cười chua chát. Trong những bức thư gửi về Hauts Sapins nàng không bao giờ nói đến tình cảnh thật sự của mình. Cả gia đình đều tưởng nàng được sung sướng, và đều tưởng nàng muốn cải biến chồng thành một người nhu nhược!

Một người đầy tớ mang đến bữa quà chiều cho Lãm Thuý, đứa bé bao giờ cũng dùng chung với mẹ kế, bây giờ là mẹ cưng của nó như nó đã gọi nàng như thế. Một tên đầy tớ vào nói:

- Thưa bà, Hầu tước vừa gọi điện thoại báo tin sẽ về đến đây sáng mai bằng chuyến xe lửa mười giờ và ra lệnh báo tin cho lệnh bà được rõ.

Cái tin đó gây nên một cảm giác phức tạp nơi Thiếu Lan. Quả nàng sẽ khổ sở gặp lại chàng, và sự có mặt của chàng chỉ khiến cho nàng cảm thấy khó chịu mà thôi. Nhưng mặt khác, mọi người sẽ không coi nàng như một người vợ bị chàng hoàn toàn lãng quên nữa.

Tuy nhiên, viễn ảnh của sự trở về này cũng làm nàng thức trắng đêm. Sáng hôm saunàng dậy sớm đi lễ. Như thường lệ, nàng đi bộ dù trời hôm nay có vẻ chuyển mưa, nàng chưa hề nghĩ đến chuyện đi xe bao giờ, bởi lẽ cô bé Thiếu Lan chưa bao giờ biết những xa xỉ đó khi ở Hauts Sapins.

Lúc về, nàng đi thăm vài người bần cùng và ở lại chơi nhà một ông già bị tê liệt sắp chết. Khi nàng rời căn nhà tồi tàn, trời đổ mưa như thác lũ, nàng vội vàng đi về lâu đài và người ướt như chuột lột. Nàng đụng đầu ngay với Công Nguyên vừa về tới trong hành lang.

Chàng sửng sốt hỏi:

- Em vừa đi đâu về vậy?

- Ở làng về. Tôi đã đi hơi lâu và…

- Từ làng về? Trời này mà đi bộ? Quả thật tôi… Chàng chợt ngưng, liếc mắt nhìn những người đầy tớ đang có mặt nơi đó – Em đi thay quần áo ngay đi Thiếu Lan. Điều đó cần thiết hơn cả.

- Ồ! Ở Hauts Sapins tôi còn chịu đựng nhiều hơn nữa! Vả lại tôi có chiếc áo choàng rất tốt.

Xúc động và bối rối trước mặt chàng, nàng quên không đưa tay ra cho chàng. Chính chàng đã cầm lấy tay nàng, và hôn tay nàng.

- Em lên ngay đi… Lát nữa tôi sẽ hỏi thăm em về gia đình và cả em nữa. Chàng nói.

Nàng đi thay đồ và nấn ná lại trong phòng. Nàng muốn gặp chàng càng muộn càng tốt. Sau cùng đồng hồ lại điểm mười một giờ rưỡi, nàng quyết định đi xuống thư viện, nơi nàng thường ngồi làm việc. Căn phòng này được trang hoàng với nghệ thuật tuyệt mỹ của thời Phục Hưng, có rất nhiều sách quý và tất cả những tác phẩm văn chương đáng giá, khiến nàng rất ưa thích. Phòng có những cửa sổ rộng lớn nhìn xuống hồ và đàng xa là những khu vườn bát ngát.

Thiếu Lan ngồi xuống cạnh chiếc lò sưởi cao lớn, một kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc, trong có nhiều khúc củi đang cháy đỏ và tiếp tục may vá những quần áo dành cho công việc từ thiện. Những ngày qua của nàng được phân chia cho công việc thêu thùa may vá, những cuộc dạo chơi với Lãm Thuý, những cuộc viếng thăm từ thiện, và việc đọc những cuốn sách do những tác giả lừng danh viết mà nàng tìm thấy trong thư viện của Arnelles. Nàng cũng dượt lại dương cầm mà nàng đã khởi sự học ở tu viện trước đây rồi bỏ dở khi ở Hauts Sapins vì không rảnh rang. Với bản năng thiên phú trong suốt tháng vừa qua, nàng đã được sống những giờ thật êm dịu và cố gắng mỗi ngày để ngón đàn thêm điêu luyện. Rất may trong phòng nàng cũng có một chiếc dương cầm. Nàng sẽ không bao giờ dám đàn trong phòng nghe nhạc suốt trong khoảng thời gian yên tịnh của chồng lưu lại đây, vì trước đây nhân một cuộc viếng thăm bà Nam tước Bích Nguyên, chàng đã tuyên bố không chịu đựng nổi những người đàn bà đánh đàn dương cầm không đến nơi đến chốn và Thiếu Lan tự xét mình cũng không khác gì những người đó nhất là bên chàng vốn nổi tiếng là một tay đàn tài ba.

Mũi kim nơi tay nàng khẽ run lên khi thấy chàng bước vào, đứa con gái theo sau.

- Lãm Thuý chỉ cho tôi biết chỗ ẩn núp của em đó, Thiếu Lan ạ. Tính tình em chắc phải trang nghiêm lắm nên em mới ưa thích căn phòng này trong khi những phòng khác lộng lẫy hơn nhiều.

Chàng lấy chiếc ghế ngồi trước mặt vợ trong khi Lãm Thuý tựa đầu lên gối Thiếu Lan.

- Em thấy ở đây ra sao? Không khí trong lành ở Hauts Sapins có làm cho em nhớ nhung lắm không?

- Thưa không, tôi rất ít khi nghĩ tới chuyện đó. Khí hậu ở đây rất tốt.

- Ai cũng nói vậy, nhưng dù sao em cũng không nên bất cẩn, tôi tự hỏi không biết vì sao em lại đi bộ trên những con đường sình lầy khi chúng ta có sẵn xe hơi, xe ngựa để sử dụng.

-Tôi xin thú thật là tôi không bao giờ chấp nhận những người trẻ tuổi, khoẻ mạnh lạm dụng xe hơi.

- Nếu trời tốt kia, còn ngày hôm nay thì… Sự giản dị và khiêm tốn là đức tín tốt, nhưng có lẽ em hơi quá đáng đó, Thiếu Lan à.

- Tôi đã quen với nếp sống khắc khổ nhiều rồi, nên những gì mọi người cảm thấy mệt nhọc, đối với tôi chẳng có nghĩa lý gì. Nàng lạnh lùng đáp và hơi quay mặt đi để tránh tia nhìn mỉa mai của chồng.

- Điều đó tất nhiên, nhưng rồi em sẽ làm quen nhanh chóng với một nếp sống mới và lúc đó em sẽ tự hỏi không biết tại sao trước kia mình lại có thể chịu đựng được cuộc sống ở Hauts Sapins.

- Ồ! Không! Không đâu! Đối với tôi, không có gì quý báu bằng thời dĩ vãng xa xưa và vùng Hauts Sapins của tôi, nơi mà cả ngay lúc này tôi vẫn muốn được trở về.

Nàng nóng nảy buột miệng nói một hơi. Ngay sau đó mặt đỏ bừng vì xấu hổ. Chàng cau mày, hơi bực tức, hai môi mím chặt lại một lúc, rồi chàng dựa người vào thành ghế thản nhiên hỏi:

- Em có tin tức gì về gia đình em không?

Cố trấn tĩnh giọng nói cho khỏi run, Thiếu Lan kể cho chồng nghe về sức khoẻ của mẹ nàng dạo này đã khả quan, về người cha đang lúc hồi xuân, Khuê Tú đã viết cho nàng biết về những đứa em nhỏ không chịu nghe lời cô chị kế. Sau đó nàng hỏi thăm chàng về sức khoẻ của mẹ chàng, hỏi thăm chị em chàng cùng vợ chồng ông Vũ Dương. Dần dần sự bối rối lúc nãy giảm đi và biến mất. Công Nguyên xét thấy không nên chỉ trích những lời nói của vợ hồi nãy, chứng tỏ là chàng không muốn trở lại vấn đề đó, ít nhất là ngày hôm nay.

Thiếu Lan lại tiếp tục thêu thùa, còn chàng thì đọc báo. Hình ảnh hai vợ chồng đều trẻ đẹp, bên đứa bé đang âu yếm nép vào mình mẹ tạo nên bức tranh gia đình tuyệt diệu trong không khí ấm cúng của căn phòng lộng lẫy sang trọng.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3