Những Bông Hồng Đầu Hạ - Chương 12
Công Nguyên đến Arnelles để lựa chọn những tài liệu đặc biệt, chưa từng công bố, nhưng chàng có rất nhiều, đó là những bút ký và văn phẩm của tổ tiên chàng và nhất là của nữ Quận công Thục Chinh. Gần đây chàng chợt có ý định, như chàng đã nói với Thiếu Lan, là tìm lại những tài liệu đó rồi đem phổ biến.
Tất cả những giấy tờ cổ đó đều ở trong thư viện, chàng ngồi trong phòng để khảo cứu một mình, trái với thường lệ, chàng không đem người thư ký theo. Thấy vậy, ngay hôm sau, Thiếu Lan không vào thư viện làm việc nữa. Nhưng tối hôm đó, khi theo nàng qua phòng khách trắng sau bữa ăn, chàng nói:
- Thiếu Lan à, nếu em thấy sự có mặt của tôi ở đây bất tiện thì tôi sẽ trở về Ba Lê ngay lập tức cũng được. Nhưng tôi xin em hãy tiếp tục đến thư viện làm việc, đừng sợ phiền hà gì cả.
Ngay hôm sau, nàng gắng gượng trở lại chỗ cũ. Chỉ riêng sự đối diện vào bữa ăn cũng đủ làm nàng khó chịu, mặt dù đã có sự có mặt của Lãm Thuý và cô giáo, cô này đã được chàng chấp thuận cho dùng cơm chung.
Thỉnh thoảng chàng đọc cho vợ nghe những đoạn đáng chú ý nhất trong các thư tịch chàng đang nghiên cứu. Một hôm chàng đưa cho nàng một tài liệu có lối viết kỳ lạ mà chàng không đọc nổi vì thiếu kiên nhẫn. Thiếu Lan sau vài cố gắng đã đọc được đoạn này, và vì lối viết còn được tìm thấy trong khá nhiều đoạn khác, nên chàng yêu cầu nàng chép lại. Như vậy là nàng có thể dự vào công việc của chồng, một công việc mà nàng khá thích thú nhờ trí thông minh và tính tế nhị sẵn có. Từ đó, họ gặp nhau không ngừng trên địa hạt lịch sử và văn chương. Chàng có vẻ thích thú trong việc gợi chuyện nàng, dìu dắt nàng trong việc chọn sách đọc một cách hăng say sốt sắng khiến vị linh mục ở Vrinières đã phải ngạc nhiên khi được Thiếu Lan cho biết là chàng chỉ cho phép nàng đọc hai cuốn tiểu thuyết của chàng mà thôi.
- Điều ấy cho thấy ông ta đứng đắn nhiều hơn người ta đồn! Ít khi có một người chồng lưu tâm một cách tế nhị như thế đối với người bạn trăm năm.
Vị linh mục đã nói thế với nàng.
Con người kỳ lạ đó vẫn là một bí ẩn đối với Thiếu Lan. Nhưng nếu trái tim nàng vẫn lo lắng ngờ vực thì trí óc nàng đã bị quyến rũ bởi trí thông minh uyên bác của chồng. Nàng phải công nhận con người chàng không có gì là giả tạo, chàng đã nghiên cứu dưới mọi khía cạnh những vấn đề khảo cứu và không bao giờ đưa ra những giả thuyết mơ hồ. Hơn nữa con người thời lưu đầy hoài nghi này còn có những quan điểm tinh thần mà người ta không thể ngờ được nơi chàng. Nhưng bây giờ Thiếu Lan biết chàng còn là con người có thể đưa ra học thuyết những hoàn hảo nhất, nhưng không chịu áp dụng chúng gì cả.
Phải, nàng đã bị chàng quyến rũ phần nào. Nhưng khi chỉ có một mình, nàng cảm thấy phiền muộn khôn cùng, tự nhủ rằng đối với chồng, nàng chỉ là một đề tài nghiên cứu, không hơn không kém, vì nàng thường gặp ánh mắt soi mói chăm chú nhìn nàng. Ý nghĩ đó làm nàng đau khổ vô vàn, và nàng sẽ cố tránh những cuộc gặp mặt thường xuyên đó nếu không nhớ lại lời khuyên của vị linh mục ở Vrinières, người cha tin thần của nàng.
- Dù thế nào chăng nữa và dù thái độ chồng con có ra sao, con cũng phải làm tròn bổn phận là luôn luôn cố hết sức tìm cách gần chồng. Con đã có lỗi khi nói thẳng với chồng sự lãnh đạm của mình ngay ngày hôn lễ. Con có thể được tha thứ vì thiếu kinh nghiệm và hoảng hốt trước những lời nói sơ suất của mẹ chồng, vì trái tim con luôn luôn ngay thẳng và đầy thương yêu, khốn thay cử chỉ cùng lời nói của chồng con khiến cho những lời của bà ta thêm hữu lý. Sự việc ông ấy bỏ bê con trong suốt một tháng trời càng làm con cảm thấy xa cách hơn. Nhưng dù sao, con cũng là vợ chàng, và nếu chàng không làm tròn bổn phận của mình, con vẫn phải làm tròn bổn phận với chồng trong những giới hạn chồng con cho phép.
Nghe theo lời khuyên bảo đó, Thiếu Lan gắng gượng ưng thuận khi chồng rũ đi dạo bằng xe hay đi bộ. nàng thường đem theo Lãm Thuý, cô bé lúc này có vẻ được bố chú ý tới nhiều hơn… Đôi khi chàng chỉ dẫn vợ dạo vài khúc nhạc, vì một hôm chàng vô tình nghe nàng đàn trong phòng nghe nhạc khi nàng tưởng chàng vắng nhà. Hôm đó chàng đã nhận thấy nơi vợ một năng khiếu đặc biệt. Chính chàng cũng thường ngồi đàn đến tận khuya, chàng quên cả giờ giấc trong sự cảm thông âm nhạc qua những tác phẩm trứ danh.
Nhưng mọi sự gặp gỡ đó không có chút gì thân mật cả. Thiếu Lan vẫn giữ thái độ rụt rè và ngượng nghịu trước vẻ lịch sự hơi kiêu ngạo cùng sự nhã nhặn kiểu cách của chồng. Nàng công nhận chàng thành tâm thực hiện một vài ước muốn mà nàng để lộ cho biết, nhưng lại thật độc đoán trong nhiều việc khác.
Liệu bao giờ nàng có thể hiểu được chồng và có thể biết là bà mẹ chồng đã nói đúng những gì? Than ôi! Điều nàng biết là lòng ích kỷ vô bờ bến và tâm hồn sắt đá mà người đàn ông xa lạ đó đã tỏ rõ cho thấy trong cuộc cãi vả ở Hauts Sapins, một kỷ niệm đau thương sẽ không bao giờ phai lạt trong tâm hồn nàng, và chàng không bao giờ muốn tìm hiểu nàng và sẽ luôn luôn đối xử với nàng như người xa lạ.
Mặt khác, nàng hơi ngạc nhiên thấy chàng ở lại miền quê trong khi những yến tiệc linh đình đang chờ đón chàng khắp nơi. Những tài liệu cổ có thể đem lên Ba Lê dễ dàng. Chỉ có một điều giải thích được hành động đó: Tiểu thuyết gia đang nghiên cứu một loại con gái tỉnh lẻ nên chàng mới nấn ná ở lại. Khi xong chàng sẽ đi tới những chân trời khác, những khảo cứu khác.
Và chính những ý nghĩ đó làm Thiếu Lan gần như tê liệt trước mặt chồng, làm nàng run rẩy đau khổ mỗi khi đôi mắt xanh nhìn nàng hơi lâu.
Chàng hoàn toàn tôn trọng tín ngưỡng của vợ, và một vài lời nói của chàng còn có thể khiến ta nghĩ rằng chàng không quá vô thần như bề ngoài chứng tỏ. Nhưng đôi khi Thiếu Lan vẫn nhận thấy sự lãnh đạm của chồng về phương diện tôn giáo. Nhân một cuộc dạo chơi công viên với Lãm Thuý, nàng gặp thằng bé Benaki lon ton trên lối đi. Nàng ngăn nó lại, hỏi chuyện. Với một thứ tiếng Pháp quái dị, Benaki cho biết nó là nạn nhân của một cuộc tàn sát nơi ngôi làng bên Phi Châu mà nó quên tên. Bố mẹ nó bị giết còn nó bị bán làm nô lệ. Công Nguyên đã mua nó khi đi du lịch qua đó. Từ đó Benaki rất sung sướng, nó sống trong căn nhà chủ, ngủ trước cửa phòng chàng, nó không còn đói khổ, đôi khi được vuốt ve và rất ít khi bị đòn. Thằng bé xem đó là tột đỉnh hạnh phúc.
Nhưng khi gạn hỏi kỹ hơn, Thiếu Lan thấy tim mình se thắt khi biết đứa trẻ mà chồng nàng đã mua và có trách nhiệm về tinh thần lẫn thể xác này, không biết một tí gì về tôn giáo cả. Nó chỉ có một sự tôn thờ duy nhất: Chủ nó, người mà nó rất sùng bái.
Ngay tối hôm đó, sau bữa ăn, trong lúc Công Nguyên vừa hút thuốc vừa đi lại trong khu vườn cuối phòng khách. Thiếu Lan cố gạt bỏ sự rụt rè ngượng nghịu, đánh bạo lên tiếng:
- Xin ông cho biết Benaki đã được rửa tội chưa ạ?
Chàng dừng chân trước người vợ trẻ đang ngồi bên hàng cột có những cây bút thảo màu hoa cà quấn quanh.
- Rửa tội à? Thú thật tôi không hề nghĩ đến điều đó.
- Xin ông cho phép tôi được chỉ bảo nó?
- Được chứ, miễn là việc đó không làm em mệt nhọc chán nản.
- Trái lại, tôi rất sung sướng được làm bổn phận này. Thiếu Lan trang nghiêm nói.
- Nếu vậy thì càng tốt, tôi sẵn lòng giao Benaki cho em để biến nó thành một thằng bé ngoan đạo.
Giọng nói thành thật không một chút mĩa mai. Và ngay ngày hôm sau, thằng bé được chủ gửi tới cho Thiếu Lan. Từ đó, hàng ngày nàng dành ra một lúc để giáo dục tính ngưỡng cho đứa bé và đồng thời dạy nó đọc.
Những sự mâu thuẫn thật kỳ dị nơi con người đó khiến một tâm hồn có nhiều kinh nghiệm hơn Thiếu Lan cũng phải xa lánh. Vị linh mục ở Vrinières được nàng hỏi ý kiến về những tác phẩm của chồng, đã tuyên bố rằng ngoài những giá trị văn chương hiếm có, những tác phẩm đó còn có một giá trị tinh thần thật sự vì chúng đề cao những tình cảm cao quý, thoá mạ những sự xấu xa, cho thấy những tư tưởng cao đẹp. Nhưng một vài tác phẩm có những hình thức quá táo bạo nên ông đã không cho một người đàn bà trẻ thiếu kinh nghiệm đọc chúng. Ông nói thêm:
- Nhưng nếu có lòng tin, một tác giả như vậy sẽ sáng tác những tác phẩm tuyệt vời và hữu ích hơn! Vị linh mục tiếp – Trong khi cái tài của ông, cứ cho là không có hại đi, đối với một số tâm hồn trẻ, chỉ có một kết quả tinh thần rất eo hẹp vì sự hoài nghi thường xuyên của ông.
Đó cũng là điều mà Thiếu Lan nhận thấy khi đọc hai tác phẩm mà chồng nàng đưa cho.
Khi đọc xong cuốn chót, một lúc trước giờ ăn tối, chàng bước vào phòng khách trắng và nhìn thấy cuốn sách nàng còn đang cầm trên tay, chàng ngồi xuống ân cần hỏi:
- Sao! Thiếu Lan, em thấy thế nào?
Vẫn còn bị ảnh hưởng lối hành văn sáng sủa thật hay, thật đúng tiếng Pháp, nàng thành thật trả lời:
- Sao ông viết hay quá vậy! Đọc xong còn thấy tiếc.
- Tôi rất lấy làm hân hạnh! Chàng trang nghiêm nói – Nhưng còn gì nữa? Nội dung, những ý tưởng?
Nàng khẽ đỏ mặt nhưng thành thật trả lời:
- Có những điều tôi rất thích… và không thích mấy.
- Những điều nào… Coi nào! Hãy cho tôi biết những ý nghĩ của em! Chàng nói tiếp trước vẻ bối rối của nàng.
Nàng trình bày ý tưởng của mình thật rành mạch và rất thật thà. Chàng tỳ tay trên chiếc bàn trước mặt, chăm chú nghe nàng nói.
- Quả thật ý tưởng của em rất đẹp và cao thượng hơn ý tưởng của tôi nhiều. Đó là ý tưởng của một người con gái ngoan đạo. Nhưng em có tin là tôi có thể đạt tới sự cao thượng đó không?
Một nụ cười chua chát nở trên môi chàng. Một rung dộng thoáng qua trong tâm hồn Thiếu Lan. Một nỗi khó chịu hay đau khổ? Nàng không biết nữa.
Quay mặt đi để tránh tia nhìn như thách đố, nàng lạnh lùng đáp:
- Có lẽ nên nghi ngờ điều đó thì hợp lý hơn.
Chàng cười chế diễu:
- Em rất thành thật! và có lẽ em có lý… Nhưng cũng có lẽ em nghĩ sai. Ai hiểu tôi, biết khả năng tôi? Ai đâu? Tôi thú thật chính tôi cũng không rõ mình nữa!
Lãm Thuý cùng cô giáo bước vào làm ngắt quãng câu chuyện có một chiều hướng mới lạ mà từ trước tới nay chưa hề có giữa hai người. Nhưng kể từ lúc đó Công Nguyên nhiều lần hỏi ý kiến Thiếu Lan về những tác phẩm văn chương chàng đưa cho nàng xem và nếu có cuộc bàn luận, chàng không còn giữ cái vẻ chua say đã làm bận tâm cô gái trẻ này nữa.