Những Bông Hồng Đầu Hạ - Chương 18

Thiếu Lan đứng trước đài gương lớn ngắm nhìn một lần chót chiếc áo nàng vừa mặc. Tối nay trong vùng có tổ chức ăn uống sau đó là dạ hội và một tác phẩm của Công Nguyên sẽ được trình diễn nhân dịp này. Cái vở kịch ngắn có tính chất đạo đức và viết rất hay. Công Nguyên đã muốn Thiếu Lan cho ý kiến. Nàng đã trở thành một cộng sự viên đắc lực của chồng, mặc dù chồng nàng trước đây là một tiểu thuyết gia chỉ thích độc lập hoàn toàn.

Chiếc áo bằng lụa trắng có vân thuỷ ba và ánh bạc với những đường xếp tuyệt đẹp chảy dài xuống chân nàng. Trên vai quàng ren, và chiếc vòng hạt trai lóng lánh thật hợp với cái cổ trắng như tuyết của nàng. Thiếu Lan không đeo một đồ trang sức nào trên mái tóc tuyệt vời mà mọi người đàn bà đều phải ao ước. Sự quý phái giản dị của chiếc áo càng làm tăng sắc đẹp của nàng hơn bao giờ hết.

- Nàng thật như người trong mộng!

Thiếu Lan lơ đãng mĩm cười. Quay trở về phòng lấy chiếc quạt tay, nàng chợt nhìn thấy nụ hồng sáng nay chàng đã hái và nàng đặt trên bàn khi thay quần áo.Nàng cầm bông hồng lên ngắm một lúc lâu.

Chàng đã hái “cho nàng”. Nếu chỉ nhìn bề ngoài, thì lúc nào chàng cũng nghĩ tới nàng, chàng chỉ tìm cơ hội làm vui lòng nàng, tránh cho nàng mọi suy tư. Và tất cả nơi chồng, những cử chỉ những lời nói, ánh mắt cho thấy là nàng được yêu.

Sao nàng còn e sợ? Sao đột nhiên nàng lại nhớ đến lời than vãn đau thương của người thi sĩ?

Ánh mắt dịu dàng như say đắm nhìn tôi

Nhưng hồn nàng? Sao dửng dưng lạnh lẽo

Ai hiểu nổi những gì nàng đang nghĩ

Hiểu làm chi cho tuyệt vọng dâng đầy

Trên cõi đời, chẳng có được ai…

“Trên cõi đời, chẳng có được ai!”

Nàng nghĩ chỉ có Thượng đế mới biết rõ con người lạ lùng mà nàng chưa dám tin tưởng đó. “Nếu chàng thành thật, xin người đừng để con giữ mãi sự hoài nghi này. Sáng nay chàng đã tỏ ra thật tốt với con!”.

Nàng đi lại chiếc bệ nhỏ trên có tượng Thánh Mẫu, khẽ đặt nụ hồng giữa đám hoa đựng trong một chiếc lọ bằng thuỷ tinh và thốt ra một lời cầu nguyện nhiệt thành từ trái tim đang rung động. Rồi nàng tiến về phòng Lãm Thuý, cô bé phải nằm lại vài ngày vì cái ngã hôm sáng.

- Ô! Mẹ đẹp quá! Cô bé chắp tay kêu lên – Không ai xinh đẹp bằng mẹ yêu của con, phải không cô giáo?

- Chắc chắn là vậy! Cô giáo trẻ người Anh đáp thật vô tư, cô rất mến Thiếu Lan vì lúc nào nàng cũng thật tốt và khả ái đối với cô.

- Mẹ ơi! Con muốn mẹ ngồi bên con thật lâu! Cô bé gái nũng nụi nói, cầm tay nàng thật lâu và hôn.

- Không được đâu con ạ, mẹ phải đi ngay đây kẻo bố con đang chờ.

- Ồ! Bố không trách mẹ đâu! Hôm nọ bà nội đã nói với bác Yến Loan về mẹ là: “Nàng có thể bắt nó đợi hai tiếng đồng hồ mà sẽ không trách móc một lời!” Và bà nội có vẻ cáu giận! Tại sao vậy mẹ?

- Con không cần biết, và mẹ đã nói chỉ có những đứa trẻ hư mới nhắc lại lời nói của người lớn mà thôi. Nào! Mẹ sẽ cùng con đọc kinh rồi mẹ phải đi ngay đây.

Nàng cúi xuống giường đứa trẻ vì tối nay nó không thể quỳ gối như mọi khi, và quàng tay xuống dưới đầu gối. Lãm Thuý chắp tay chậm rãi đọc kinh.

- Lạy Chúa! Hãy cho mẹ Phương Nam của con được an nghỉ trên trời! Hãy làm cho bố con biết Chúa và yêu Ngài! Đứa bé nói thêm sau khi đọc kinh xong.

Ngay lúc đó, nó chợt kêu lên:

- Bố kìa!

Chiếc cửa khép hờ đã được mở rộng và Công Nguyên trong bộ dạ lễ bước vào.

- Em chậm trễ phải không? Thiếu Lan hỏi.

- Ồ! Không đâu! Cô bé này ra sao?

- Khá rồi. Em mong cô bé sẽ hoàn toàn bình phục sau khi nghỉ ngơi thêm vài ngày nữa.

- Nhiều ngày nghỉ đấy, cô bé nghe rõ chưa? Thật là một hình phạt nặng nề… Thôi chào con và chúc con nhiều mộng đẹp với các vị thiên thần khả ái của con nhé.

Chàng cúi xuống giường và đứa trẻ đưa tay quàng cổ cha.

- Ồ! Bố ơi! Con sẽ mơ thấy mẹ! Mẹ đẹp quá! Con chắc thiên thần cũng không đẹp hơn đâu!

- Sự thật thốt ra từ miệng trẻ con. Thiếu Lan à, em không thích được khen tặng nhưng em phải chấp nhận lời khen của con bé Lãm Thuý.

Chàng đưa mắt nhìn Thiếu Lan đầy trìu mến. Nàng khẽ đỏ mặt và cúi xuống lấy chiếc áo choàng để trên ghế lúc vào phòng. Chàng giúp nàng mặc áo và sau khi hôn Lãm Thuý, cả hai ra đi.

Không ai nói câu nào từ nhà đến nơi dự tiệc. Thiếu Lan lơ mơ nhức đầu. Mặc dù trong xe không còn cái hương thơm làm nàng khó chịu khi xưa, Công Nguyên đã thay vào đó một mùi thơm nhẹ nhàng và trong lành, mà Thiếu Lan ưa thích.

Nếu Thiếu Lan chỉ ham muốn những sự thoả mãn thì tối hôm đó nàng đã đạt đến đỉnh hạnh phúc. Ai ai cũng nhận nàng là người đẹp lý tưởng nhất. Và ai cũng biết, Công Nguyên đã muốn công bố điều này, nàng là cộng sự viên đắc lực của chồng trong cái kiệt tác nhỏ bé hay tuyệt được trình hôm đó trên sân khấu của lâu đài La Voglerie.

Thật là một thành công vẻ vang cho nữ chủ nhân trẻ đẹp của toà lâu đài Arnelles. Nhưng nàng chẳng lộ vẻ bị say mê gì cả. Nàng đón nhận những lời khen nồng nhiệt, những lời ngưỡng mộ và chúc tụng của đám khách với vẻ khả ái giản dị và kín đáo sẵn có.

Bà mẹ chồng thâm gan tím ruột với sự thành công của con dâu. Điều bà lo lắng từ lâu đã xảy ra. Nàng vừa làm lu mờ con người đã nắm giữ trong bao lâu cái quyền trượng của sự quý phái và sắc đẹp. Những chiếc áo lộng lẫy, những kỹ xảo điêu luyện để có sự trẻ trung, những ngọc ngà đeo trên người, đã trở thành vô ích. Những viên kim cương gia truyền danh tiếng mà bà mẹ chồng chẳng bao giờ nghĩ đến việc đem tặng cho con dâu, và Công Nguyên vì lòng tôn kính, đã không hỏi đến. Phải, những cái đó chẳng có ích gì cho bà bên cạnh cái cô Thiếu Lan kia cũng đeo đồ trang sức vương giả, có một sắc đẹp không ai bì kịp, một sự khả ái tuyệt vời và hơn nữa, nàng lại được hưởng chung sự vẻ vang văn chương của chồng.

Nhưng nàng còn có một vật quý báu hơn, hiếm có hơn tất cả những ngọc ngà kim cương của bà, đó là tình yêu của Công Nguyên.

Tình thương của bà mẹ nông nổi và xem con như thần tượng, không thể chịu đựng được ý nghĩ này. Cho tới nay, bà tưởng sự lạnh lùng tôn kính mà con trai vẫn dành cho mình là điều cố hữu với tính tình của Công Nguyên. Nhưng giờ đây, bà biết Công Nguyên đã thay đổi. Bà biết Thiếu Lan sẽ được sung sướng bên chàng. Khách khứa tới khen bà về cô con dâu không ngừng. Trái tim tràn đầy thù hận, không chịu nổi nữa, bà vội lấy cớ trời nóng rút lui vào một căn phòng khách nhỏ và ít đèn đốm, dành cho những người muốn nghỉ ngơi một chút. Trong phòng không có ai. Nhưng bà vừa vào độ năm phút thì có tiếng sột soạt cho biết có kẻ muốn quấy rầy sự cô đơn của bà. Bà đỏ mặt vì cáu giận khi thấy Thiếu Lan và Bá tước Duy Khiêm bước vào.

- A! Mẹ cũng ở đây à? Mẹ cũng đi tìm chỗ mát mẻ hơn ạ?... Cám ơn bá tước nhé... Ông để tôi ở đây được rồi. Tôi sẽ nghỉ ngơi một chút vì quả thật cơn nhức đầu tăng nhiều và làm tôi khó chịu.

- Hay để tôi cho Công Nguyên biết bà có thể trở về Arnelles...?

- Làm phiền chàng làm gì? Tôi có thể ngồi chờ nơi đây. Sự yên tĩnh và ít ánh sáng này có lẽ sẽ làm tôi khỏe khoắn hơn.

- Ồ! Tôi chắc anh ấy cũng không muốn nấn ná ở lại đây đâu! Ông Bá tước mĩm cười tinh quái đầy thân thiện nói – Và tôi sẽ cho ông ta hay ngay vì bà có vẻ mệt mỏi quá.

- Đừng, không nên đâu Bá tước à!

Nhưng không nghe nàng, Bá tước Duy Khiêm đã ra khỏi phòng khách.

Thiếu Lan lại gần cửa sổ và hé mở ra, để cho làn gió mát bên ngoài xoa dịu khuôn mặt nóng bỏng của nàng.

- Cô thật là vô ý! Cô muốn được chết như mẹ của Lãm Thúy sao?

Nàng quay lại khi nghe thấy giọng nói thánh thót và mĩa mai, Mỹ Lệ dang đứng trên ngưỡng cửa phòng khách.

- Tôi không biết bà ta chết ra sao? Thiếu Lan lạnh lùng nói.

- A! Thật à?...

Mỹ Lệ tiến lại trước mặt nàng, Thiếu Lan thấy đôi mắt nàng đầy vẻ hăm dọa.

- Ồ! Bà ta chết một cách thật tầm thường! Hôm đó có một cuộc vui ở tòa đại sứ Tây Ban Nha. Bà đã nhảy rất nhiều, rồi thấy trong người nóng quá, bà đã vô ý đứng ngay gần một cánh cửa sổ mở rộng. Mãi nói chuyện, bà không để ý tới và không một ai quanh bà nhận thấy sự nguy hiểm đang trờ tới cho bà... Kể cả ông chồng đang đứng cách đó vài bước. Vài ngày sau, bà Phương Nam đáng thương kia chết vì chứng sưng phổi. Một cái chết thật bình thường, phải không cô?

- Phải, thật tầm thường nhưng cũng thật buồn vì người đàn bà đáng thương đó đã bỏ lại một đứa con thơ vô tội.

- ...và cùng với người bố xem nó không khác gì con chó cưng của ông ta. Tôi xin cô đóng các cửa sổ đó lại được không? Cái làn gió nhỏ làm tôi rùng mình. Là vì tôi không muốn ra đi như Phương Nam! Dù sao có lẽ bà ta cũng không buồn phiền lắm khi chết đi! Sức khỏe của bà ta trở nên thật mỏng manh với bao sự lo nghĩ trong lòng từ ngày lấy chồng! Và bà ta chắc phải biết rõ sẽ không bao giờ có sự hòa hợp giữa tính tình của chàng và của bà.

- Lẽ dĩ nhiên, điều đó không thể có được. Bà mẹ chồng Thiếu Lan từ trước vẫn yên lặng, đột nhiên xen vào – Con Phương Nam đáng thương kia hoàn toàn không thể gợi được nơi chồng một tình yêu mà Công Nguyên có thể dành cho một người đàn bà khác thông minh hơn và tế nhị hơn.

- Cũng vì lẽ đó mà người ta đã dám đồn đại câu chuyện ngu xuẩn huyễn hoặc...

Bà đang ngồi trên ghế vội đứng phắt dậy:

- Mỹ Lệ, cô im đi! Đừng có nhắc lại cái câu chuyện ngồi lê đôi mách bỉ ổi đó!

Đôi môi của Mỹ Lệ có cử chỉ đặc biệt của một con mèo đang sắp sửa xâu xé con mồi thoi thóp, đồng thời liếc nhìn Thiếu Lan đang quay mặt đi và ngẩng cao đầu, để chứng tỏ sự phản đối của nàng về chiều hướng câu chuyện.

- Quả thật là một lời đồn khôi hài – không có ai tin nổi. Cô đã thấy rõ thế nào là đời sống rồi đó. Chỉ cần người ta biết sự bất hòa giữa Công Nguyên và Phương Nam để có ngay lời đồn là... chỉ có ông ta mới thấy rõ vợ mình đang bị nguy hiểm vào buổi dạ vũ đó.

Thiếu Lan nghiêm mặt lại vừa kiêu hãnh vừa lo lắng nhìn người đàn bà góa kia.

- Thưa cô, tôi không hểu vì sao cô lại kể lại trước mặt tôi những lời đồn đãi ấy?

- Phải những lời đồn đãi thật tầm phào, không làm sứt mẻ chút nào cái ngôi thần tượng của ông Công Nguyên... Hình như hành vi đứng lặng câm và bình thản khi thấy một làn gió chắn chắn có thể chết người, vuốt ve đôi vai nhớp mồ hôi của một người đàn bà khả ái, không thể xếp vào thành phần những lỗi lầm không tha thứ được.

- Mỹ Lệ, im mồm đi! Bà lồng lộn thét lên.

- Phải, cô im đi! Thiếu Lan nói, giọng ra lệnh kiêu hãnh – Một sự tế nhị tối thiểu cũng đủ ngăn cô đừng nhắc lại lời vu oan đó trước mặt mẹ và vợ Công Nguyên.

Mỹ Lệ tím mặt lại, Thiếu Lan như thấy trong ánh mắt cô ta một sự thù hận điên cuồng khiến nàng rùng mình.

- Cô cũng không tin à? Đó là bổn phận của cô và tôi biết cô luôn luôn coi trọng bổn phận hơn tất cả. Cô thật là người đàn bà gương mẫu, đầy đủ mọi đức tính...

- Sao tối nay cô lại chịu khó khen tặng người khác nhiều vậy hả Mỹ Lệ?

Công Nguyên nói. Chàng bước vào phòng khách với cái nhìn sâu sắc lần lượt đi từ nét mặt khó chịu của mẹ, sang khuôn mặt đỏ và kích động của Mỹ Lệ, và khuôn mặt xúc cảm của Thiếu Lan.

Bối rối vì sự xuất hiện đột ngột này, Mỹ Lệ lắp lắp vài câu che giấu nét ngượng nghịu trong mắt. Công Nguyên lại gần vợ và nói với một giọng đột nhiên rung cảm và thật trìu mến:

- Duy Khiêm cho anh biết là em có vẻ mệt, bị nhức đầu à?

- Vâng, nhiều lắm. Em cảm thấy thật khó chịu. Nàng khẽ rùng mình.

- Vậy chúng ta về ngay thôi! Đáng lẽ em phải cho anh biết sớm hơn. Sự nóng bức trong các phòng khách này dễ làm cho những ai chưa quen bị nhức đầu.

- Em không muốn làm phiền anh.

- À! Anh đâu cần gì! Anh còn nhiều chuyện khác đáng lo hơn cuộc vui này!

Chàng vội kiếu từ mẹ, gật đầu chào Mỹ Lệ và rời khỏi phòng khách với vợ.

- À! Chàng không cần gì cả! Cô ta khẽ lẩm bẩm giọng khàn khàn – Chàng chẳng cần gì hết! Và chỉ thấy có mình nàng trên đời. Những kẻ khác chỉ ăn xin mảnh tim của chàng một cách vô vọng. Không có gì cho họ, không có gì cả... Nàng là tất cả đối với chàng, chàng chỉ có tình yêu độc nhất đó thôi.

Mẹ chồng Thiếu Lan cau mặt lại, không đáp lời, bà quay mặt đi và như đang mãi suy tư đau đớn, trong khi Mỹ Lệ bớp nát chiếc khăn trong tay.

Rời khỏi lâu đài, Công Nguyên ra lệnh cho tài xế đi nhanh về. Vừa vào trong xe, Thiếu Lan đã rơi vào trạng thái hôn mê. Nàng không nhận thấy ánh mắt lo lắng không rời nàng, theo dõi từng nét nhăn đau đớn trên gương mặt nhợt nhạt của nàng. Nàng chỉ có một cảm giác mơ hồ nhưng thật dịu dàng đang được bao quanh bởi một sự săn sóc ân cần, được một bàn tay chốc chốc lại cẩn thận kéo tấm chăn bị tốc độ xe hơi làm rơi xuống. Nàng ao ước được nghỉ ngơi trong sự lặng lẽ, nàng cảm thấy như vậy, cái vòng tròn đang xiết chặt vầng trán nàng, sự đau đớn trong đầu sẽ biến mất tức thì.

Về tới Arnelles, Công Nguyên dìu Thiếu Lan lên phòng, nơi người hầu đang đứng đợi.

- Pha ngay một ly sữa thật nóng cho tôi. Công Nguyên ra lệnh – Còn em thì vào giường nằm ngay đi, Thiếu Lan. Chắc em hơi sốt, tay em nóng bỏng và mắt em sáng ngời. Tôi sẽ cho gọi bác sĩ Hiển ngay.

- Anh đùa à? Em chỉ nhức đầu thôi mà! Chỉ cần một đêm nghỉ ngơi là sẽ khỏi hẳn. Nàng mĩm cười, nhưng quá đau đớn, khiến nụ cười gần như mếu.

- Vậy em tháo tóc ra ngay đi, vì mái tóc này rất nặng trên vầng trán đang đau của em.

Chàng nắm lấy hai tay nàng, mắt nhìn nàng vuốt ve trìu mến. Và nàng chợt muốn dựa cái đầu đau đớn này vào vai chàng, nói cho chàng biết tất cả những gì làm nàng khổ tâm... Và muốn được nghe những điều chàng cần nói.

Không! Tối nay không được vì nàng quá đau đớn, trí óc nàng kém minh mẫn. Nhưng ngày mai... mọi sự phải được sáng tỏ, nàng có linh cảm là giờ đây Công Nguyên muốn kể mọi chuyện với nàng.

Chàng cúi xuống hôn đôi tay bé nhỏ đang run rẩy trong tay mình một lúc lâu:

- Ngày mai nhé!

Nàng nhắc lại: “Ngày mai nhé” vừa chậm rãi rút tay lại. Và ánh mắt đang mờ đi vì đau đớn vụt sáng lên trước tia nhìn nóng bỏng của Công Nguyên.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3