Những Câu Chuyện Tâm Linh - Chương 15

Sự chia sẻ

Tôi học trung học tại một thị trấn nhỏ ở Kansas. Điều tôi nhớ nhất về nơi ấy chính là người thầy dạy môn hùng biện của tôi - thầy Dan. Thầy còn kiêm dạy môn tiếng Anh và đôi lúc cả môn kịch nữa. Tôi rất mừng là thầy không phải là giáo viên chính thức dạy môn tiếng Anh bởi vì tiếng Anh của thầy thật kinh khủng. Cứ mỗi lần thầy phạm lỗi ngữ pháp kiểu như “He don’t…” (nên là “He doesn’t…”) là tôi lại rúm cả người lại. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau tôi không còn quan tâm đến việc thầy nói thế nào nữa, chỉ biết rằng thầy đã thay đổi cuộc đời tôi. Đến giờ tôi vẫn yêu quý thầy.

Ngôi trường bé tẹo của chúng tôi thường tham gia thi hùng biện với những trường lớn ở Kansas City và những trường cỡ vừa khắp tiểu bang. Chúng tôi thường đoạt giải vô địch tiểu bang và tất cả các giải khác. Dọc theo các bức tường trong lớp học của chúng tôi kê đầy những cái kệ trưng huy chương và cúp vô địch. Kể cả các bức tường ngoài hành lang, kéo tới tận lớp kế bên cũng vậy.

Chúng tôi hay đi thi bằng chiếc xe thùng quân sự được sơn màu xanh da trời, vốn là đồ thừa trong kho quân dụng. Chúng tôi gọi đùa nó là “Trái Bom Xanh”, và thường thách nhau đoán xem lần tới nó sẽ bị chết máy ở đoạn đường nào. Tôi còn quá nhỏ để biết ngồi trong “Trái Bom Xanh” thì bất tiện ở điểm nào, nhưng nhiều năm sau tôi nhận ra là thầy Dan cũng chẳng thấy nó bất tiện gì cả. Thầy lái xe chở chúng tôi đi khắp nơi, tham gia vòng chung kết này tới vòng chung kết khác vào mỗi cuối tuần. Tôi luôn mong ngóng đến giờ học môn hùng biện của thầy. Vào buổi tối, chúng tôi hay tụ tập ở nhà thầy để tập luyện dưới tầng hầm.

Tôi không phải là người duy nhất nhờ thầy Dan mà cuộc đời thay đổi. Tôi cũng như tất cả bọn học trò khác đều thấm nhuần sự nhiệt tình, tinh thần lạc quan và óc khôi hài của thầy. Chúng tôi là học sinh, thầy là giáo viên, nhưng giữa chúng tôi dường như có một mối liên kết giống như tình bằng hữu. Giờ đây thì tôi tin chắc là như thế thật. Thầy dành hết thời gian buổi tối, những ngày nghỉ cuối tuần của thầy, của gia đình thầy cho chúng tôi; thầy hy sinh cả thú chơi gôn của thầy để chăm lo cho chúng tôi. Thầy truyền lửa sang chúng tôi tuy thầy không thật sự am hiểu về thuật hùng biện một cách bài bản, vậy mà chúng tôi thắng hết cuộc thi này đến cuộc thi khác – những lớp đàn anh trước đó và cả những lớp đàn em sau này cũng đều đạt được thành tích tốt không kém.

Khi tôi nộp hồ sơ xét tuyển vào trường đại học Harvard, thầy Dan viết cho tôi một lá thư giới thiệu dài và đầy thiết tha. Chắc người đọc lá thư ấy phải kiểm tra lỗi chính tả của thầy! Nhưng tôi tin rằng chính nhờ lá thư của thầy mà tôi được ngôi trường danh tiếng ấy chấp nhận. Thầy Dan đã qua đời từ lâu. Tôi giờ đây cũng đã già hơn thầy lúc thầy lái xe đưa chúng tôi đi thi hùng biện, nhưng thầy mãi là một phần trong tôi.

Đó là vì thầy Dan đã biết cách chia sẻ.

Chia sẻ không phải đơn giản là cho bạn bè mượn xe, cho bạn bè vay tiền, hay giúp người hàng xóm nghèo khổ. Chia sẻ có nghĩa là cho đi cái gì đó rất quan trọng thuộc về bạn.

*

Sau chừng một năm chạy để rèn luyện sức khỏe, Linda bỗng nhận ra mình muốn chạy marathon. Cô và Terry, người bạn hay chạy chung, quyết định tập luyện với nhau và sẽ cùng đăng ký dự giải vào mùa thu. Họ lên lịch tập sít sao: mỗi ngày chạy mười cây số và hàng tuần sẽ có một ngày chạy mười lăm cây số. Ngày thi marathon tới, cả hai đều cảm thấy rất sung sức và sẵn sàng cho cuộc tranh tài. Họ xuất phát khá tốt và cứ chạy như thế, đến cây số thứ ba mươi thì chân của Terry bắt đầu đau nhức. Nhịp chạy của anh đuối dần và rồi anh chỉ còn có thể đi bộ mà thôi. Khi anh bị tụt lại đằng sau, Linda cũng giảm tốc độ để đi bộ cùng với anh. -

Chạy tiếp đi. Tôi sẽ không về đích được đâu. – Anh hối thúc cô.

- Ồ, sao anh không ráng chạy thêm một quãng ngắn nữa? – Cô đề nghị.

Anh làm theo, nhưng chỉ lát sau anh lại phải đi bộ.

- Cô chạy đi. Tôi sẽ không thể cố nổi đâu.

- Thì chúng ta cứ chạy thêm một chút nữa vậy. – Cô lại đề nghị và anh lại làm theo.

Cả hai người đều cán đích theo cách ấy – đi bộ, nhưng Terry chốc chốc lại chạy dấn lên một quãng. Sau đó, tôi hỏi Linda:

- Thế em không muốn chạy về đích cuộc đua sao?

- Muốn chứ! – Cô đáp. – Nhưng em biết Terry sẽ cảm thấy tệ thế nào nếu anh ấy phải bỏ cuộc giữa chừng.

Đó là chia sẻ.

Khi bạn cho đi một điều gì đó quan trọng, bạn cũng sẽ nhận được một món quà.

*

Có lần tôi được mời tới dự lớp lomi lomi. Lomi lomi là hình thức rèn luyện thân thể và rèn luyện lối sống của người Hawaii cổ. Trong lớp có một học viên đeo trên cổ một cái móc chạm trổ rất đẹp. Không chỉ là đồ trang sức, nó còn là vật biểu trưng cho sức mạnh và phong thái lịch lãm. Tôi cảm thấy bình tâm, thanh thản khi nhìn vào nó. Khi lớp học kết thúc, anh học viên nọ tiến đến gần tôi. Nét mặt anh thoáng vẻ buồn buồn, anh tháo cái móc ra khỏi cổ mình và đeo nó vào cổ tôi.

- Cái này dành tặng anh. – Anh nói, dáng người cao to nhìn xuống tôi. – Ở Hawaii, chúng tôi sử dụng những cái móc kiểu như thế này để nắm bắt những gì chúng tôi cần.

Tôi sửng sốt. Tôi quyết định dùng cái móc anh tặng để nắm bắt tính kiên nhẫn và sự thông tuệ cho mình. Tôi đeo nó hàng ngày. Mỗi sáng tôi đeo lên cổ và mỗi tối tôi đặt nó trên đầu giường.

Nhiều năm sau, nhóm chúng tôi đang đứng trên đỉnh Shasta, một ngọn núi thiêng ở California. Chúng tôi đứng thành vòng tròn và cầu nguyện, gửi lời tạ ơn về chương trình tu dưỡng chúng tôi vừa thực hiện cùng nhau. Benjamin, một người bạn trong nhóm xung phong hát bài hát anh đã nghe thấy trong giấc mơ. Khi anh quỳ xuống đất chuẩn bị hát thì một cảm giác lạ chợt ập đến tôi. Tôi muốn tặng Benjamin cái móc của tôi!

Tôi nhớ lại vẻ buồn buồn của chàng trai Hawaii đã tặng tôi cái móc này. Cũng giống như anh ấy đã làm, tôi tháo chiếc móc ra khỏi cổ mình và đeo nó vào cổ Benjamin.

Việc tặng Benjamin chiếc móc cho tôi thấy mình đã thay đổi biết nhường nào. Trước đó, tôi không thể cho đi bất cứ thứ gì thật quý giá đối với tôi. Giờ đây tôi không thể cưỡng lại được ý muốn tặng nó cho Benjamin. Món quà mà tôi nhận được sau khi trao đi chiếc móc quý đó là tôi thấy mình thay đổi nhiều đến thế nào và tôi đã trở thành một người tinh tế, nhạy bén ra sao. Giả sử Benjamin không thích cái móc – thậm chí sẽ vứt nó đi – thì món quà tôi nhận được khi quyết định tặng cái móc cho anh ấy vẫn mãi mãi ở bên tôi.

Nhiều năm sau, tôi gặp lại Benjamin. Cái móc vẫn còn đeo trên cổ anh. Nó rất có ý nghĩa đối với anh. Đó là lý do tại sao tôi hoài nghi rằng không sớm thì muộn anh sẽ đem tặng nó cho người khác.

Nếu bạn chỉ cho đi những gì dễ cho, bạn không thể trưởng thành. Như thế khác nào bạn đem cho cà chua khi trong vườn nhà bạn trĩu trịt cà chua. Chia sẻ những điều quan trọng giống như biếu không cà chua khi bạn chỉ còn vài ba trái và bạn lại thích mê cà chua. Bạn phải quan tâm đến mọi người lắm mới làm được việc đó.

Đây chính là kiểu chia sẻ mà linh hồn bạn muốn thực hiện.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Nhấp vào liên kết https://temu.to/k/ujciw7voi7k để nhận gói giảm giá 1.500.000đ!! 
Một bất ngờ khác cho bạn! Nhấp https://temu.to/k/uh1qtggbvfr để kiếm tiền cùng tôi!