Những Tù Nhân Của Địa Lý - Chương 08
Chương Tám TRIỀU TIÊN VÀ NHẬT BẢN
“Tôi… vừa bắt đầu cụm từ chơi chữ gọi Kim Jong-il là ‘Ôi Lãnh đạo mến yêu’, nhưng nó đã chết lịm trên môi tôi.”
Christopher Hitchens,
Tình yêu, nghèo đói và chiến tranh: Những cuộc hành trình và những tiểu luận.
Làm cách nào bạn giải quyết một vấn đề như Triều Tiên? Không, bạn không thể, bạn chỉ kiềm chế nó mà thôi - xét cho cùng, có rất nhiều thứ đang diễn ra trên thế giới này cần được lưu tâm cấp bách hơn.
Toàn bộ khu vực trải từ Malaysia đến cảng Vladivostok của Nga đều căng thẳng theo dõi vấn đề Bắc/Nam Triều Tiên. Tất cả các nước láng giềng đều biết rằng vấn đề đó có tiềm năng nổ bùng vào mặt họ, làm liên lụy đến nước họ và gây tổn hại cho nền kinh tế của họ. Trung Quốc không muốn đánh nhau thay cho Bắc Triều Tiên, nhưng cũng không muốn một nước Triều Tiên thống nhất, chứa chấp các căn cứ Hoa Kỳ gần biên giới của mình. Hoa Kỳ không thực sự muốn đánh nhau cho Hàn Quốc, nhưng họ cũng không chấp nhận bị coi là kẻ bỏ rơi bạn bè. Nhật Bản, với lịch sử can dự lâu dài vào bán đảo Triều Tiên, cần cho thiên hạ thấy họ bước đi rón rén, vì biết rằng bất cứ điều gì xảy ra đều có thể sẽ kéo họ vào cuộc.
Giải pháp là thỏa hiệp, nhưng món đó không được thích thú lắm tại Hàn Quốc, còn giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên thì chẳng hề đoái hoài. Con đường phía trước không hoàn toàn rõ ràng; có vẻ như nó luôn luôn khuất dạng sau đường chân trời.
Trong suốt mấy năm, Hoa Kỳ và Cuba đã lặng lẽ nhảy một vũ điệu vờn quanh nhau, buông ra những gợi ý rằng họ muốn điệu tango không bị rối chân, và dẫn đến bước đột phá trong việc thiết lập lại quan hệ ngoại giao vào tháng Bảy năm 2015. Bắc Triều Tiên lại khác, họ trừng mắt trước mọi lời mời mọc từ những kẻ mời họ lên sàn nhảy, thỉnh thoảng lại làm mặt hầm hè.
Bắc Triều Tiên là một đất nước nghèo khổ với ước tính hai lăm triệu dân, lãnh đạo bởi một chế độ quân chủ, được Trung Quốc hỗ trợ, một phần vì lo sợ hàng triệu dân tị nạn sẽ tràn vào miền bắc qua sông Áp Lục (Yalu). Hoa Kỳ lo rằng việc rút quân sẽ gửi đi một tín hiệu sai lầm và khuyến khích chủ nghĩa phiêu lưu của Bắc Triều Tiên, do đó tiếp tục đồn trú gần ba mươi ngàn quân tại Hàn Quốc. Còn Hàn Quốc, với cảm xúc lẫn lộn về việc phải mạo hiểm sự thịnh vượng của mình, vẫn chẳng làm điều gì đáng kể để thúc đẩy sự thống nhất đất nước.
Tất cả các vai diễn trong vở kịch dài Đông Á này đều biết rằng nếu họ cố đòi cho được một câu trả lời vào thời điểm sai, họ sẽ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Tồi tệ hơn nhiều. Không phải quá đáng khi người ta sợ rằng mọi sự sẽ kết thúc với việc hai thành phố thủ đô điêu tàn trong tro bụi, một cuộc nội chiến, một thảm họa con người, những tên lửa rơi vào Tokyo và các vùng ngoại vi, một cuộc đối đầu quân sự nữa của Trung Quốc/Hoa Kỳ trên bán đảo bị chia cắt, mà một bên có vũ khí hạt nhân. Nếu Bắc Triều Tiên sụp đổ, nó cũng có thể phát nổ, đưa sự bất ổn vượt qua bên kia biên giới dưới hình thức chiến tranh, khủng bố và/hoặc cơn lũ những người tị nạn, và vì vậy, các diễn viên đều bị mắc kẹt. Và cũng vì vậy, giải pháp được để lại cho thế hệ lãnh đạo kế tiếp, và rồi thế hệ kế tiếp nữa.
Nếu các nhà lãnh đạo thế giới có phát biểu công khai về việc chuẩn bị cho cái ngày mà Bắc Triều Tiên sụp đổ, thì có nguy cơ họ sẽ thúc đẩy ngày đó tới sớm; và vì không ai có kế hoạch cho ngày đó - tốt hơn cả là nên giữ im lặng. Tiến thoái lưỡng nan.
Bắc Triều Tiên tiếp tục sắm vai kẻ yếu thế nhưng điên rồ và đầy quyền lực để có được hiệu quả tốt. Về cơ bản, chính sách đối ngoại của nước này là nghi ngờ tất cả, trừ Trung Quốc, mà thậm chí Bắc Kinh cũng không hoàn toàn được tin tưởng mặc dù cung ứng 84,12% số hàng nhập khẩu của Bắc Triều Tiên và mua 84,48% hàng xuất khẩu của nước này, theo những số liệu năm 2014 của Dữ liệu Phức hợp Kinh tế (Observatory of Economic Complexity). Bắc Triều Tiên bỏ rất nhiều nỗ lực vào việc xúi bẩy tất cả những thế lực bên ngoài chống lại nhau, bao gồm cả người Trung Quốc, để ngăn chặn một mặt trận thống nhất chống lại nước này.
Đối với đám quần chúng bị giam cầm trong nước, Bắc Triều Tiên nói rằng mình là một nhà nước vững mạnh, hào phóng, hùng vĩ, đứng vững trước mọi nghịch cảnh và những thế lực ngoại bang xấu xa, tự gọi mình là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (DPRK). Họ có một triết lý chính trị độc đáo gọi là “Juche” (Chủ thể), pha trộn chủ nghĩa dân tộc bạo liệt với chủ nghĩa cộng sản và tự lực tự cường dân tộc.
Trong thực tế, đây là nhà nước ít dân chủ nhất trên thế giới: nhà nước này không phải là một nền cộng hòa. Nó là một triều đại được chia sẻ trong một gia tộc và một chính đảng. Nó cũng đánh dấu mọi ô trong bài test về chế độ độc tài: bắt giữ tùy tiện, tra tấn, xét xử hình thức, trại cải tạo, kiểm duyệt, cai trị bằng nỗi sợ hãi, tham nhũng và hàng loạt những điều kinh hoàng trên quy mô có một không hai trong thế kỷ 21 này.
Những câu chuyện trên các bản tin về những thành viên thuộc giới tinh hoa bị thanh trừng bằng súng phòng không, hoặc làm mồi cho một bầy chó đói, chưa bao giờ được xác nhận. Tuy nhiên, dù đúng dù sai, hầu như không có sự nghi ngờ về biết bao nỗi kinh hoàng kéo dài bất tận mà chế độ độc tài gây ra đối với người dân. Chính quyền kiểm soát toàn diện dẫn đến việc đánh đập, tra tấn, trại tù và giết người một cách vô pháp.
Đó là sự cô lập tự o ép mình của đất nước này, và sự kiểm soát gần như toàn diện của nhà nước về kiến thức thông tin, đến mức chúng ta chỉ có thể đoán được những gì người dân cảm nhận về đất nước, về hệ thống chính trị và lãnh đạo của họ, và liệu họ có ủng hộ chế độ hay không. Việc phân tích những gì đang diễn ra về mặt chính trị, và lý do của tình hình đó, giống như nhìn qua một cửa sổ kính mờ trong khi đeo kính râm. Một vị cựu đại sứ tại Bình Nhưỡng đã từng nói với tôi: “Giống như bạn đang ở bên này của tấm cửa kính, và bạn cố gắng kéo tấm cửa kính để mở nó ra, nhưng chẳng biết xoay xở ra sao để hé nhìn vào bên trong.”
Huyền thoại lập quốc của Triều Tiên kể rằng nước này đã được tạo dựng vào năm 2333 trước Công nguyên bởi ý trời. Thượng đế cử con trai mình, Hwanung, xuống thế gian, ông hạ phàm tại núi Paektu (Baekdu) và kết hôn với một phụ nữ đã từng là một con gấu, và đến lượt con trai họ, Dangun, tiếp tục tham dự vào tiền lệ lập quốc này.
Phiên bản được ghi chép lại sớm nhất về huyền thoại khai quốc này có niên đại từ thế kỷ 13. Nó ít nhiều có thể giải thích tại sao một nhà nước cộng sản lại có vai trò lãnh đạo cha truyền con nối trong một gia đình và được nhận một địa vị như thần thánh. Ví dụ, Kim Jong-il được bộ máy tuyên truyền Bình Nhưỡng mô tả là “Lãnh tụ kính yêu, một hiện thân hoàn hảo của phong thái diện mạo mà một lãnh tụ cần có”, “Ánh sáng soi đường”, “Ngôi sao rực sáng của núi Paektu”.
“Nhà lãnh đạo thế giới của thế kỷ 20” và “Con người vĩ đại giáng trần từ thiên đàng”, cũng như “Tấm lòng vĩnh cửu mang tình yêu nồng nhiệt”. Cha của ông có những danh hiệu rất giống như vậy, và con trai ông cũng vậy.
Dân chúng cảm nhận như thế nào về những tuyên bố như vậy? Ngay cả các chuyên gia cũng bỏ ngỏ các phán đoán của mình. Khi bạn nhìn vào những đoạn phim tư liệu quay cảnh cả đám đông cuồng loạn những người dân Bắc Triều Tiên than khóc Kim Jong-il, qua đời vào năm 2011, thì thật thú vị khi lưu ý rằng sau vài hàng người đầu tiên khóc nức nở, gào thét, mức độ bộc lộ đau buồn dường như giảm hẳn. Liệu có phải vì những người đứng ở hàng phía trước biết máy quay phim đang chĩa vào họ và do đó, vì sự an toàn của riêng mình, họ phải làm những gì được yêu cầu? Hay là những đảng viên trung kiên được xếp ở hàng đầu? Hay họ là những người dân thường thực sự đau buồn, một phiên bản phóng đại kiểu Bắc Triều Tiên của hiện tượng bộc phát cảm xúc mà chúng ta đã chứng kiến ở Anh sau cái chết của Công nương Diana?
Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên vẫn đang trình diễn tốt vai kẻ yếu thế nhưng điên rồ và nguy hiểm. Đó là cả một bí quyết, và nguồn gốc của bí quyết này phần nào nằm ở vị trí địa lý và lịch sử của bán đảo, bị kẹp chặt giữa hai người khổng lồ Trung Quốc và Nhật Bản.
Tên gọi “Vương quốc Ẩn cư” được dành cho Triều Tiên vào thế kỷ 18 sau khi nước này cố gắng tự cô lập sau mấy thế kỷ là mục tiêu cho sự thống trị, chiếm đóng và cướp phá, hoặc đôi khi chỉ đơn giản là vì nằm trên tuyến đường dẫn đến một nơi nào khác. Nếu đến từ phía Bắc, thì một khi bạn vượt qua sông Áp Lục, có vài tuyến phòng thủ tự nhiên chủ chốt chạy một mạch xuống đến tận bờ biển, và nếu bạn có thể đổ bộ vào bờ từ ngoài biển, nhận định trên vẫn đúng nếu đảo ngược lại. Người Mông Cổ đến và đi, cũng như nhà Minh của Trung Hoa, người Mãn Châu và Nhật Bản cũng từng mấy lần. Vì vậy, trong một thời gian, đất nước Triều Tiên không muốn liên hệ với thế giới bên ngoài, họ cắt đứt nhiều liên kết thương mại của mình với hy vọng sẽ được yên thân.
Sách lược đó không thành công. Trong thế kỷ 20, người Nhật trở lại, thôn tính toàn bộ bán đảo vào năm 1910, và sau đó bắt đầu phá hủy nền văn hóa của nước này. Ngôn ngữ Triều Tiên bị cấm đoán, việc giảng dạy lịch sử Triều Tiên cũng vậy, và việc thờ phụng tại các ngôi đền Thần đạo Nhật Bản trở thành bắt buộc. Những thập niên đàn áp đã để lại một di sản mà thậm chí ngày nay vẫn còn tác động đến quan hệ giữa Nhật Bản và cả hai nhà nước Triều Tiên.
Nước Nhật bại trận vào năm 1945 để lại một Triều Tiên bị chia cắt tại vĩ tuyến 38. Miền Bắc là một chế độ cộng sản ban đầu chịu sự giám sát của Liên Xô và sau đó của Trung Quốc cộng sản, miền Nam là một chế độ độc tài thân Hoa Kỳ được gọi là Cộng hòa Triều Tiên (Hàn Quốc). Đây là khởi đầu của thời kỳ Chiến tranh Lạnh khi mỗi một tấc đất đều bị tranh chấp, cùng với việc mỗi phe tìm cách thiết lập ảnh hưởng hoặc sự kiểm soát khắp nơi trên thế giới, không muốn để phe kia duy trì một sự hiện diện độc nhất.
Lựa chọn vĩ tuyến 38 làm đường phân chia là điều không may theo nhiều cách và, theo nhà sử học người Mỹ Don Oberdorfer, là lựa chọn tùy tiện. Ông nói rằng Washington DC đã quá tập trung vào sự đầu hàng của Nhật Bản ngày 10 tháng Tám năm 1945 nên không có chiến lược thực sự cho Triều Tiên. Với việc quân đội Liên Xô tiến vào phía bắc bán đảo và Nhà Trắng triệu tập một cuộc họp khẩn cấp suốt đêm, hai viên chức cấp thấp, chỉ mang theo một bản đồ của tạp chí National Geographic, đã chọn vĩ tuyến 38 làm nơi để đề xuất Liên Xô dừng tiến quân, dựa trên việc nó nằm ở lưng chừng đất nước. Một trong hai viên chức đó là Dean Rusk, người sau này trở thành ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Truman trong Chiến tranh Triều Tiên.
Không một người Triều Tiên nào có mặt, cũng không có bất kỳ chuyên gia nào về Triều Tiên. Nếu có mặt lúc đó, họ có thể nói với Tổng thống Truman và Ngoại trưởng James Francis Byrnes rằng đó cũng chính là vĩ tuyến nơi người Nga và người Nhật Bản đã thảo luận về các vùng ảnh hưởng từ nửa thế kỷ trước, theo sau Chiến tranh Nga-Nhật giai đoạn 1904-1905. Moscow, vốn không biết rằng Hoa Kỳ đã hoạch định chính sách một cách vội vàng, có thể được tha thứ vì họ nghĩ rằng đó là sự công nhận trên thực tế của Hoa Kỳ với đề xuất kể trên, và do đó [Hoa Kỳ] chấp nhận sự phân chia và cũng chấp nhận một miền Bắc theo chế độ cộng sản. Thỏa thuận đã được thực hiện, quốc gia bị chia cắt và con xúc xắc đã gieo xuống.
Liên Xô rút quân ra khỏi Bắc Triều Tiên vào năm 1948 và Hoa Kỳ nối gót theo sau ở miền Nam vào năm 1949. Tháng Sáu năm 1950, một lực lượng quân đội Bắc Triều Tiên táo bạo đã phạm sai lầm chết người là đánh giá thấp chiến lược địa chính trị trong Chiến tranh Lạnh của Hoa Kỳ, họ vượt qua vĩ tuyến 38, với ý định thống nhất toàn bộ bán đảo dưới một chính quyền cộng sản. Các lực lượng miền Bắc tràn xuống gần đến mũi đất của vùng duyên hải phía nam đất nước, làm rung hồi chuông báo động tại Washington DC.
Giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên, và những người Trung Quốc hậu thuẫn cho họ, đã tính toán chính xác rằng Hàn Quốc không quá quan trọng đối với Hoa Kỳ, theo ý nghĩa quân sự chặt chẽ; nhưng họ không hiểu được một điều là Hoa Kỳ biết nếu họ không đứng lên bảo vệ đồng minh Hàn Quốc, các đồng minh khác của họ trên khắp thế giới sẽ mất niềm tin vào Hoa Kỳ. Nếu các đồng minh của Hoa Kỳ, vào lúc đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, lại bắt đầu đi hàng hai hoặc ngả về phe cộng sản, thì khi đó toàn bộ chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ sẽ gặp rắc rối. Có những điểm tương đồng giữa chính sách của Hoa Kỳ ở Đông Á và ở Đông Âu hiện đại. Các quốc gia như Ba Lan, các nước vùng Baltic, Nhật Bản và Philippines cần phải có lòng tin rằng Hoa Kỳ sẽ chống lưng cho họ khi cân nhắc đến mối quan hệ của họ với Nga và Trung Quốc.
Tháng Chín năm 1950, Hoa Kỳ, dẫn đầu một lực lượng Liên Hiệp Quốc, đã đổ quân vào Hàn Quốc, đánh bật quân Bắc Triều Tiên qua bên kia vĩ tuyến 38 và sau đó tiến lên gần sát sông Áp Lục và biên giới với Trung Quốc.
Lúc này đến lượt Bắc Kinh đưa ra quyết định. Lực lượng Hoa Kỳ có mặt trên bán đảo là một chuyện, khi họ tiến lên phía bắc vĩ tuyến 38 lại là một chuyện hoàn toàn khác - thực tế là phía bắc của vùng núi non phía trên Hamhung - và nằm trong tầm tấn công vào chính Trung Quốc. Quân đội Trung Quốc tràn qua sông Áp Lục và ba mươi sáu tháng chiến đấu khốc liệt diễn ra với thương vong khổng lồ cho tất cả các bên tham chiến trước khi họ dừng lại dọc theo biên giới hiện tại và đồng ý một thỏa thuận ngừng bắn, nhưng không phải là một hiệp ước. Họ lưu lại đó, bị mắc kẹt tại vĩ tuyến 38, và vẫn bị mắc kẹt lại cho đến nay.
Địa lý của bán đảo này khá đơn giản và là một cách nhắc nhở về sự phân chia nhân tạo giữa bắc và nam. Sự phân chia thực sự (về tổng thể) là giữa đông và tây. Phía tây của bán đảo bằng phẳng hơn nhiều so với phía đông và là nơi đa số người dân sinh sống. Phần phía đông có dãy núi Hamgyong ở hướng bắc và những dãy núi thấp hơn ở hướng nam. Khu phi quân sự (DMZ) chia bán đảo làm đôi, một phần chạy dọc theo các khúc của sông Imjin-gang, nhưng nó không bao giờ là rào cản tự nhiên giữa hai thực thể, chỉ là một con sông trong một không gian địa lý thống nhất vốn thường xuyên bị các thế lực bên ngoài thâm nhập.
Hai nước Triều Tiên nói cho đúng nghĩa thì vẫn còn trong tình trạng chiến tranh, và căn cứ trên những căng thẳng cực độ giữa họ, để làm bùng nổ một cuộc xung đột lớn không cần nhiều hơn một vài quả đạn pháo.
Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc đều lo lắng về vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên, nhưng riêng Hàn Quốc thì còn có một mối đe dọa khác. Khả năng Bắc Triều Tiên thành công trong việc thu nhỏ công nghệ vũ khí hạt nhân của họ và chế tạo ra những đầu đạn có thể bắn được xa là điều chưa chắc chắn, nhưng như nước này đã từng cho thấy vào năm 1950, họ chắc chắn có khả năng phát động một cuộc tấn công quy ước, động thủ trước và hoàn toàn bất ngờ.
Thủ đô của Hàn Quốc, đại đô thị Seoul, chỉ cách ba mươi lăm dặm về phía nam vĩ tuyến 38 và vùng phi quân sự. Gần một nửa trong số năm mươi triệu người Hàn Quốc sống trong khu vực Đại Seoul, nơi có nhiều trung tâm công nghiệp và tài chính, và tất cả đều nằm trong tầm bắn của pháo binh Bắc Triều Tiên.
Một mối quan tâm chính đối với Hàn Quốc là Seoul và các khu vực đô thị xung quanh nằm gần biên giới với Bắc Triều Tiên. Vị trí của Seoul khiến cho nó dễ hứng chịu các cuộc tấn công bất ngờ từ nước láng giềng, nước láng giềng này có thủ đô cách xa hơn nhiều và được che chắn một phần bởi địa hình đồi núi.
Trên những ngọn đồi ở phía trên khu phi quân sự trải dài 148 dặm, lực lượng quân đội Bắc Triều Tiên có khoảng mười ngàn khẩu đội pháo. Chúng được đặt trong chiến hào, một số trong hang và boong ke. Không phải tất cả đều có thể bắn được đến trung tâm Seoul, nhưng một số có thể, và tất cả chúng đều có thể bắn đến khu vực Đại Seoul. Chẳng ai nghi ngờ rằng trong vòng hai hoặc ba ngày, sức mạnh kết hợp của lực lượng không quân Hàn Quốc và Hoa Kỳ sẽ tiêu diệt nhiều khẩu pháo trong số này, nhưng đến thời điểm đó thì Seoul đã chìm trong biển lửa. Hãy tưởng tượng hiệu quả của chỉ một loạt đạn từ mười ngàn khẩu pháo giội vào các khu vực đô thị và bán đô thị, sau đó nhân lên vài chục lần.
Hai chuyên gia về Bắc Triều Tiên, Victor Cha và David Chang, viết cho tạp chí Foreign Policy, ước tính rằng các lực lượng Bắc Triều Tiên có thể bắn tới năm trăm ngàn viên đạn pháo về phía thành phố Seoul trong giờ đầu tiên của một cuộc xung đột. Đó có vẻ là một ước tính rất cao, nhưng kể cả khi chỉ lấy một phần năm con số đó, nó vẫn gây ra sự tàn phá nặng nề. Chính phủ Hàn Quốc sẽ thấy họ đang có một cuộc chiến tranh lớn, trong khi cùng lúc phải cố xử trí sự hỗn loạn của hàng triệu, người dân bỏ chạy về phía nam ngay giữa lúc đang phải nỗ lực củng cố biên giới bằng những binh sĩ đồn trú ở ngay cửa ngõ thủ đô.
Những ngọn đồi phía trên khu phi quân sự không cao và có rất nhiều khoảng đất bằng giữa chúng và Seoul. Trong một cuộc tấn công bất ngờ, quân đội Bắc Triều Tiên có thể tiến quân khá nhanh, với sự hỗ trợ của Lực lượng Đặc nhiệm, lực lượng này xâm nhập vào thông qua các đường hầm ngầm mà người Hàn Quốc tin rằng đã được xây dựng. Các kế hoạch chiến đấu của Bắc Triều Tiên được cho là bao gồm cả việc cho tàu ngầm đổ quân tập kích xuống phía nam Seoul, và việc kích hoạt các đơn vị nằm vùng được cài cắm sẵn trong dân chúng của miền Nam. Người ta ước tính Bắc Triều Tiên có một trăm ngàn nhân sự được cho là thuộc Lực lượng Đặc nhiệm.
Bắc Triều Tiên vốn đã chứng minh rằng họ có thể với tới Tokyo bằng tên lửa đạn đạo khi bắn mấy quả tên lửa qua biển Nhật Bản và rơi xuống Thái Bình Dương, một lộ trình đưa chúng bay thẳng đến lãnh thổ Nhật Bản. Lực lượng vũ trang của nước này có quân số hơn một triệu, một trong những quân đội lớn nhất thế giới, và ngay cả khi đa số không được huấn luyện cao, họ vẫn có ích đối với Bình Nhưỡng, giữ vai trò một lực lượng làm bia đỡ đạn trong khi nước này tìm cách mở rộng sự xung đột.
Hoa Kỳ sẽ chiến đấu sát cánh cùng Hàn Quốc, quân đội Trung Quốc sẽ báo động toàn phần và tiếp cận sông Áp Lục, trong khi Nga và Nhật Bản sẽ lo lắng theo dõi tình hình.
Những kịch bản trên đây - tại thời điểm cuốn sách này được viết - đã khiến các tổng thống kế tiếp nhau của Hoa Kỳ hạn chế thực hiện hành động quân sự kiên quyết để đánh sập chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa vào năm 2017 của Bắc Triều Tiên, tiềm năng thu nhỏ vũ khí hạt nhân, và hoạt động tàu ngầm vẫn tiếp diễn của nước này đồng nghĩa chúng ta đang nhanh chóng tiến gần đến trò chơi chung cuộc, trong đó hoặc Bắc Triều Tiên trở thành một lực lượng vũ trang hạt nhân hoàn bị, hoặc Hoa Kỳ sẽ can thiệp để ngăn chặn họ.
Không ai được lợi nếu để xảy ra một cuộc chiến tranh lớn nữa tại Triều Tiên, vì cả hai bên đều sẽ bị tàn phá, nhưng điều đó đã không ngăn được các cuộc chiến tranh trong quá khứ. Năm 1950, khi Bắc Triều Tiên vượt qua vĩ tuyến 38, nước này đã không dự đoán được một cuộc chiến tranh ba năm với bốn triệu người chết, rồi kết thúc trong thế bế tắc. Một xung đột tổng lực vào thời điểm hiện nay thậm chí có thể còn thảm khốc hơn. Nền kinh tế của Hàn Quốc mạnh gấp tám mươi lần Bắc Triều Tiên, dân số của nước này gấp hai lần và lực lượng vũ trang Hàn Quốc và Hoa Kỳ kết hợp lại gần như chắc chắn sẽ áp đảo Bắc Triều Tiên, giả dụ rằng Trung Quốc không quyết định tham chiến nữa.
Và sau đó là gì? Đã có kế hoạch nghiêm túc có giới hạn cho một tình huống như vậy. Hàn Quốc được cho là đã chạy một số mô hình trên máy tính về những gì có thể cần phải làm, nhưng nhìn chung người ta chấp nhận rằng tình hình sẽ là hỗn loạn. Các vấn đề gây ra bởi tình huống Triều Tiên sụp đổ hay nổ tung sẽ nghiêm trọng hơn bội phần nếu nó xảy ra như là kết quả của một cuộc chiến. Nhiều quốc gia sẽ bị ảnh hưởng và sẽ phải đưa ra quyết định. Kể cả khi Trung Quốc không muốn can thiệp vào cuộc chiến, nhưng nước này có thể quyết định phải vượt qua biên giới và cứu vãn Bắc Triều Tiên để làm một vùng đệm giữa họ và các lực lượng Hoa Kỳ. Họ có thể quyết định rằng một Triều Tiên thống nhất, liên minh với Hoa Kỳ, liên minh với Nhật Bản, sẽ là mối đe dọa tiềm tàng quá mức cho phép.
Hoa Kỳ sẽ phải quyết định băng qua khu phi quân sự bao xa và liệu có nên tìm kiếm và chiếm tất cả các địa điểm có chứa vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt khác của Bắc Triều Tiên hay không. Trung Quốc sẽ có mối quan tâm tương tự, đặc biệt là khi một số cơ sở hạt nhân chỉ cách biên giới của nước này ba mươi lăm dặm.
Trên mặt trận chính trị, Nhật Bản sẽ phải quyết định liệu họ có muốn một Triều Tiên hùng mạnh, thống nhất ở bên kia biển Nhật Bản hay không. Với mối quan hệ dễ đổ vỡ giữa Tokyo và Seoul, Nhật Bản có lý do để lo lắng về một kịch bản như vậy, nhưng vì nước này có mối quan tâm lớn hơn về Trung Quốc, có khả năng họ sẽ quyết định ngả theo chiều hướng ủng hộ sự thống nhất, bất chấp có thể xảy ra kịch bản trong đó Nhật Bản được yêu cầu hỗ trợ về mặt tài chính vì lẽ họ đã chiếm đóng lâu dài bán đảo này trong thế kỷ trước. Ngoài ra, Nhật Bản cũng biết những gì Seoul biết: hầu hết các chi phí kinh tế cho tái thống nhất sẽ do Hàn Quốc gánh chịu, và chúng sẽ khiến cho phí tổn của công cuộc tái thống nhất nước Đức có vẻ như những món tiền nhỏ. Đông Đức có thể tụt hậu khá xa sau Tây Đức, nhưng nó có một lịch sử phát triển, một nền móng công nghiệp và một dân số có học thức. Công cuộc phát triển Bắc Triều Tiên sẽ bắt đầu từ nền đất trống và những khoản chi phí sẽ kìm hãm nền kinh tế của một bán đảo thống nhất trong một thập niên. Sau đó, nguồn lợi của tài nguyên thiên nhiên phong phú ở miền Bắc, như than đá, kẽm, đồng, sắt và các nguyên tố hiếm, và chương trình hiện đại hóa được kỳ vọng sẽ bắt đầu có tác dụng, nhưng có những cảm xúc lẫn lộn về việc mạo hiểm đánh đổi sự thịnh vượng của một trong những quốc gia tiên tiến bậc nhất thế giới trong quãng thời gian chờ đợi đó.
Những quyết định đó là để cho tương lai. Còn lúc này, mỗi bên tiếp tục chuẩn bị cho một cuộc chiến; như với Pakistan và Ấn Độ, họ bị khóa chặt trong vòng tay của nỗi sợ hãi và nghi ngờ.
Hàn Quốc hiện nay là một thành viên hội nhập sôi động của các quốc gia trên thế giới, với một chính sách đối ngoại phù hợp. Với vùng nước rộng mở về phía tây, phía đông và phía nam, và với rất ít tài nguyên thiên nhiên, nước này quan tâm đến việc xây dựng hải quân hiện đại trong ba thập niên vừa qua, một lực lượng có khả năng tiến ra biển Nhật Bản và biển Hoa Đông để canh giữ lợi ích của Hàn Quốc. Giống như Nhật Bản, nước này phụ thuộc vào nguồn năng lượng nước ngoài để đáp ứng cho nhu cầu nội địa, và vì vậy họ theo dõi sát sao các tuyến đường biển của toàn vùng. Hàn Quốc đã dành nhiều thời gian để tạo dựng quan hệ nước đôi, đầu tư vốn liếng ngoại giao vào các mối quan hệ gần gũi hơn với Nga và Trung Quốc, nhiều đến mức gây khó chịu cho Bình Nhưỡng.
Một tính toán sai lầm của bên này hay bên kia đều có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh, vừa gây những tác động tai hại đối với người dân của bán đảo, vừa có thể phá hủy nền kinh tế của khu vực, với các hiệu ứng lan tỏa lớn tác động đến nền kinh tế Hoa Kỳ. Cái bắt đầu với việc Hoa Kỳ bảo vệ lập trường Chiến tranh Lạnh chống Nga đã phát triển thành một vấn đề có tầm quan trọng chiến lược đối với nền kinh tế của nước này và của một số quốc gia khác.
Hàn Quốc vẫn có những vấn đề với Tokyo liên quan đến sự chiếm đóng của Nhật Bản trước đây, và ngay cả trong những lúc tốt đẹp nhất, một điều thật hiếm hoi, mối quan hệ đó cũng chỉ ở mức thân thiện. Đầu năm 2015, khi Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản cùng ngồi xuống bàn bạc chi tiết về một thỏa thuận chia sẻ tin tức tình báo quân sự mà họ từng thu thập được ở Bắc Triều Tiên, Seoul cho biết họ sẽ chỉ chuyển một lượng thông tin mật hạn chế tới Tokyo thông qua Washington DC. Họ sẽ không giao dịch trực tiếp với Nhật Bản.
Hai nước vẫn còn tranh chấp lãnh thổ về phần đất mà Hàn Quốc gọi là quần đảo Dokdo (Độc đảo) và Nhật Bản gọi là đảo Takeshima (Trúc đảo). Hàn Quốc hiện đang kiểm soát các mỏm đá nhô, nằm trong vùng đánh cá thuận lợi, và có thể có trữ lượng khí đốt. Bất chấp cái gai này vẫn mắc vào bên sườn họ, và bất chấp những ký ức còn tươi mới về cuộc chiếm đóng, cả hai đều có lý do để hợp tác và bỏ lại đằng sau quá khứ khôn nguôi.
Lịch sử Nhật Bản rất khác với lịch sử của Hàn Quốc, và điều đó một phần là do địa lý của nước này.
Người Nhật là giống dân đảo, với đa số trong tổng số 127 triệu dân sống chủ yếu trên bốn hòn đảo lớn giáp mặt với Hàn Quốc và Nga trên biển Nhật Bản, và một thiểu số sinh sống tại 6.848 hòn đảo nhỏ hơn. Đảo lớn nhất là đảo Honshu, bao gồm đại đô thị lớn nhất thế giới, Tokyo, với 39 triệu dân.
Từ điểm gần nhất, Nhật Bản cách khối lục địa Á-Âu một trăm hai mươi dặm, đây là một trong những lý do tại sao nước này chưa bao giờ bị xâm chiếm thành công. Trung Quốc cách khoảng năm trăm dặm qua biển Hoa Đông; và mặc dù lãnh thổ Nga ở gần hơn, các lực lượng Nga thường cách khá xa vì khí hậu cực kỳ khắc nghiệt và dân cư thưa thớt dọc bờ biển Okhotsk.
Vào thế kỷ 14, người Mông Cổ đã rắp tâm xâm lược Nhật Bản sau khi quét qua Trung Quốc, Mãn Châu và xuống đến Triều Tiên. Trong lần toan xâm lược đầu tiên, họ bị đánh lui và vào lần thứ hai, một cơn bão đã phá hủy hạm đội của họ. Các vùng biển trong eo biển Triều Tiên bị khuấy động bởi thứ mà người Nhật gọi là “thần phong” hay “kamikaze”.
Vì vậy, mối đe dọa từ phía tây và tây bắc bị hạn chế, còn ở phía đông và đông nam không có gì ngoài Thái Bình Dương. Hướng nhìn sau cùng này là lý do tại sao người Nhật tự đặt cho mình tên gọi là “Nippon” hay “nguồn gốc của Mặt trời”: về phía đông không có gì chắn giữa họ và đường chân trời, và mỗi buổi sáng, mặt trời mọc lên từ đường chân trời đó. Ngoài những cuộc xâm lược lâu lâu một lần vào Triều Tiên, họ chủ yếu lo việc của mình cho đến khi thế giới hiện đại kéo đến, và khi nó đến, sau động thái xua đuổi ban đầu, họ đã bước ra để gặp gỡ nó.
Có nhiều ý kiến khác nhau về thời gian khi những hòn đảo này trở thành Nhật Bản, nhưng có một bức thư nổi tiếng được gửi từ đất nước mà chúng ta gọi là Nhật Bản đến hoàng đế Trung Hoa vào năm 617, trong đó nhà quý tộc hàng đầu Nhật Bản viết: “Ta, Hoàng đế của đất nước nơi mặt trời mọc, gửi một bức thư cho Hoàng đế của đất nước nơi mặt trời lặn. Ngài có được mạnh khỏe không?” Sử chép rằng hoàng đế Trung Quốc khá bất mãn với sự xấc xược rõ ràng như vậy. Đế quốc của ông bao la rộng lớn, trong khi các hòn đảo chính của Nhật Bản vẫn chỉ thống nhất một cách lỏng lẻo, một tình hình sẽ không thay đổi cho đến khoảng thế kỷ 16.
Lãnh thổ của các hòn đảo Nhật Bản tạo thành một quốc gia lớn hơn hai miền Triều Tiên kết hợp lại, hoặc lớn hơn nước Pháp hay nước Đức tại châu Âu. Tuy nhiên, 3/4 diện tích đất không thuận lợi cho việc sinh sống của con người, đặc biệt ở các vùng núi, và chỉ có 13% đất đai thích hợp cho việc canh tác. Điều này khiến người Nhật sống xích lại gần nhau dọc theo vùng đồng bằng duyên hải và trong những vùng có giới hạn sâu trong đất liền, nơi một số mảnh ruộng bậc thang có thể được khai phá trên sườn đồi. Địa hình núi non đồng nghĩa Nhật Bản có nguồn nước dồi dào, nhưng việc thiếu vùng đất bằng cũng có nghĩa là các dòng sông của Nhật Bản không thuận tiện cho việc giao thông và do đó cả thương mại, một vấn đề càng trở nên trầm trọng bởi thực tế là rất ít dòng sông được hợp lưu.
Vì vậy, người Nhật trở thành một dân tộc hàng hải, liên hệ và buôn bán dọc theo bờ biển có vô số các hòn đảo của họ, thỉnh thoảng đột kích cướp phá Triều Tiên, và rồi sau nhiều thế kỷ cô lập, đã vươn ra để thống trị toàn bộ khu vực.
Vào lúc bắt đầu thế kỷ 20, Nhật Bản là một cường quốc công nghiệp với một lực lượng hải quân lớn thứ ba trên thế giới, và năm 1905, nước này đánh bại người Nga trong một cuộc chiến tranh trên đất liền và trên biển. Tuy nhiên, chính địa lý đảo quốc từng cho phép họ sống cô lập không để lại cho họ sự lựa chọn nào khác ngoài việc gia nhập với thế giới. Vấn đề là ở chỗ Nhật đã chọn cách gia nhập bằng quân sự.
Cả cuộc chiến tranh Trung-Nhật lần thứ nhất và chiến tranh Nga-Nhật đều nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga tại Triều Tiên. Theo lời của cố vấn quân sự Phổ, Thiếu tá Klemens Meckel, Nhật Bản coi Triều Tiên là “một con dao găm chĩa vào trái tim Nhật Bản”. Việc kiểm soát bán đảo này sẽ loại bỏ mối đe dọa đó, và kiểm soát Mãn Châu sẽ đảm bảo cho bàn tay của Trung Quốc, và ở một mức độ thấp hơn là bàn tay của Nga, không thể với tới cán của con dao găm này. Quặng sắt và than đá của Triều Tiên cũng rơi vào tay Nhật Bản.
Nhật Bản có rất ít tài nguyên thiên nhiên cần thiết để trở thành một quốc gia công nghiệp hóa. Nước này có nguồn cung cấp than hạn chế và chất lượng kém, rất ít dầu mỏ, lượng khí đốt khan hiếm, nguồn cung cấp cao su hạn chế và thiếu nhiều kim loại. Điều này hiện nay vẫn đúng, giống như một trăm năm trước, mặc dù các mỏ khí đốt ngoài khơi đang được khám phá cùng với các mỏ trầm tích kim loại quý dưới đáy biển. Tuy nhiên, Nhật hiện vẫn là nước nhập khẩu khí tự nhiên lớn nhất thế giới và là nước nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới.
Chính sự thèm khát những tài nguyên này là nguyên nhân đã khiến Nhật Bản đưa quân vào Trung Quốc những năm 1930 và sau đó là Đông Nam Á đầu những năm 1940. Nhật chiếm đóng Đài Loan năm 1895 và sau đó sáp nhập Triều Tiên năm 1910. Nước này chiếm đóng Mãn Châu năm 1932, sau đó tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện vào Trung Quốc năm 1937. Khi mỗi con bài domino được gieo xuống, đế chế càng mở rộng và dân số Nhật Bản gia tăng càng đòi hỏi nhiều dầu hơn, nhiều than đá và kim loại hơn, nhiều cao su và thực phẩm hơn.
Trong khi các cường quốc châu Âu vướng bận với chiến tranh tại châu Âu, Nhật Bản tiếp tục xâm chiếm miền Bắc Đông Dương. Cuối cùng, Hoa Kỳ, quốc gia vào thời điểm đó đang cung cấp hầu hết nhu cầu dầu khí của Nhật Bản, đã gửi cho họ một tối hậu thư - rút quân hoặc bị cấm vận dầu. Người Nhật phản ứng bằng cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng và sau đó càn quét khắp Đông Nam Á, chiếm đóng Miến Điện, Singapore và Philippines, đó chỉ là vài cái tên trong số nhiều lãnh thổ khác nữa.
Đây là một sự căng sức quá lớn, không chỉ là việc đối chọi với Hoa Kỳ, mà còn vơ vét các nguồn tài nguyên, ví dụ cao su, thứ mà Hoa Kỳ cũng cần cho ngành công nghiệp của chính mình. Người khổng lồ của thế kỷ 20 đã huy động cho cuộc chiến tổng lực. Thế rồi, chính địa lý của Nhật Bản đã đóng một vai trò trong thảm họa lớn nhất của nước này - Hiroshima và Nagasaki.
Hoa Kỳ đã chiến đấu mở đường băng qua Thái Bình Dương, từ đảo này tới đảo kia, với cái giá rất lớn. Vào thời điểm họ chiếm Okinawa, nằm trong chuỗi đảo Ryukyu giữa Đài Loan và Nhật Bản, họ phải đối mặt với một kẻ địch vẫn còn đầy cuồng tín, luôn chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ những ngả đường tiếp cận và bảo vệ bốn hòn đảo chính khỏi cuộc xâm lược đổ bộ. Những tổn thất nặng nề của Hoa Kỳ đã được dự đoán trước. Nếu địa hình dễ dàng hơn, sự lựa chọn của người Mỹ có thể đã khác - họ có thể tiến quân đến tận Tokyo - nhưng họ đã lựa chọn giải pháp hạt nhân, giáng xuống Nhật Bản và lương tâm tập thể toàn thế giới, nỗi kinh hoàng của một thời đại mới.
Sau khi bụi phóng xạ đã lắng xuống trên một nước Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện, Hoa Kỳ đã giúp họ xây dựng lại, một phần là để làm hàng rào ngăn cản Trung Quốc cộng sản. Nước Nhật Bản mới cho thấy sức sáng tạo khi xưa của mình và trong vòng ba thập niên đã trở thành một cường quốc kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, tính hung hăng và chủ nghĩa quân phiệt trước đây của nước này không biến mất hoàn toàn: chúng chỉ bị chôn vùi dưới đống đổ nát của Hiroshima và Nagasaki và một tâm lý dân tộc tan nát. Hiến pháp thời hậu chiến của Nhật Bản không cho phép nước này xây dựng quân đội, không quân hay hải quân, chỉ có “Lực lượng Phòng vệ” mà trong nhiều thập niên là một cái bóng nhạt nhòa của quân đội trước chiến tranh. Thỏa thuận hậu chiến do Hoa Kỳ áp đặt đã giới hạn chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản xuống mức 1% tổng sản lượng quốc nội và để lại hàng chục ngàn binh lính Hoa Kỳ trên lãnh thổ Nhật Bản, ba mươi hai ngàn người trong số này vẫn còn đang ở đó.
Nhưng vào đầu thập niên 1980, những sự khuấy động yếu ớt của chủ nghĩa dân tộc lại được phát hiện. Có những bộ phận thuộc thế hệ cũ chưa bao giờ thừa nhận những tội ác chiến tranh quá lớn của Nhật Bản, và những thành phần của giới trẻ, những người không sẵn sàng chấp nhận sự chuộc lỗi cho những tội ác mà cha anh họ gây ra. Nhiều trẻ em trong Xứ sở Mặt trời mọc muốn có chỗ đứng “tự nhiên” của mình dưới ánh mặt trời của thế giới hậu chiến.
Một quan điểm linh hoạt về hiến pháp đã trở thành quan điểm chuẩn mực, và dần dần Lực lượng Phòng vệ của Nhật Bản đã trở thành một đơn vị chiến đấu hiện đại. Điều này xảy ra khi sự trỗi dậy của Trung Quốc ngày càng trở nên rõ ràng, và vì vậy người Mỹ, nhận ra rằng họ sẽ cần các đồng minh quân sự trong khu vực Thái Bình Dương, đã sẵn sàng chấp nhận một Nhật Bản được quân sự hóa trở lại.
Trong thế kỷ hiện tại, Nhật Bản đã thay đổi chính sách quốc phòng để cho phép các lực lượng của mình chiến đấu cùng với các đồng minh nước ngoài, và những thay đổi về hiến pháp được kỳ vọng sẽ theo sau để đặt chính sách quốc phòng mới trên một cơ sở pháp lý vững chắc hơn. Tài liệu Chiến lược An ninh năm 2013 là văn bản đầu tiên trong đó Nhật nêu tên kẻ thù tiềm năng của họ, nói rằng: “Trung Quốc đã thực hiện các hành động có thể được coi là nỗ lực hòng thay đổi hiện trạng bằng cách cưỡng ép.”
Ngân sách quốc phòng năm 2015 đạt mức kỷ lục 42 tỉ đô la, và năm sau nó tăng lên 44 tỉ đô la. Hầu hết khoản này dành cho trang thiết bị hải quân và không quân, bao gồm sáu tàu ngầm mới và sáu máy bay chiến đấu tàng hình F-35A do Hoa Kỳ sản xuất. Mùa xuân năm 2015, Tokyo cũng tiết lộ về một “tàu khu trục mang trực thăng”. Không cần phải là một chuyên gia quân sự cũng có thể nhận thấy rằng con tàu đó lớn không kém các tàu sân bay Nhật Bản trong Thế chiến II, đã bị cấm bởi các điều khoản đầu hàng năm 1945. Con tàu này có thể được chuyển đổi để tiếp nhận máy bay cánh cứng, nhưng bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đã tuyên bố rằng ông “không nghĩ đến việc sử dụng nó làm tàu sân bay”. Điều này cũng khá giống việc mua một chiếc xe máy, sau đó nói rằng bởi vì bạn sẽ không sử dụng nó như một chiếc xe máy, nên nó là một chiếc xe đạp. Nhật Bản hiện đã có một tàu sân bay.
Khoản tiền chi tiêu cho những khí cụ đó và các trang thiết bị mới tinh khác, cũng như nơi chúng được biên chế, là một tuyên bố rõ ràng về ý định. Hạ tầng quân sự tại Okinawa, nơi canh gác những con đường tiếp cận các đảo chính, sẽ được nâng cấp. Điều này cũng sẽ cho phép Nhật Bản linh hoạt hơn trong việc tuần tra Vùng nhận dạng phòng không, một phần vùng này chồng lấn lên Vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc sau khi Bắc Kinh công bố mở rộng không phận của mình vào năm 2013.
Cả hai khu vực đó đều bao gồm các đảo được gọi là Senkaku (tên Nhật Bản) hoặc Điếu Ngư (tên Trung Quốc), mà Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền. Chúng cũng là một phần của chuỗi đảo Ryukyu, đặc biệt nhạy cảm vì bất kỳ lực lượng thù địch nào cũng phải vượt qua các đảo này trên đường đến khu vực trung tâm của Nhật Bản; chúng đem lại cho Nhật Bản nhiều không gian lãnh hải mà họ có thể khai thác các mỏ dầu và khí đốt dưới đáy biển. Vì vậy, Tokyo có ý định giữ chúng bằng mọi cách.
“Vùng nhận dạng phòng không” mở rộng của Trung Quốc trên biển Hoa Đông bao phủ vùng lãnh thổ mà Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc đều đòi chủ quyền. Khi Bắc Kinh nói rằng bất kỳ máy bay nào bay qua khu vực này đều phải thông báo nhận dạng hoặc sẽ phải “đối mặt với các biện pháp phòng thủ”, thì Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ phản ứng bằng cách bay qua nó mà không thông báo. Không có phản ứng thù địch nào từ phía Trung Quốc, nhưng đây là một vấn đề có thể biến thành một tối hậu thư tại bất cứ thời điểm nào mà Bắc Kinh lựa chọn.
Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Kuril ở cực bắc của nó, ngoài khơi Hokkaido, vốn đã để mất vào tay Liên Xô trong Thế chiến II và hiện nay vẫn dưới quyền kiểm soát của Nga. Nga không muốn thảo luận về vấn đề này, nhưng cuộc tranh luận không nằm trong cùng cấp độ với các tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Chỉ có mười chín nghìn cư dân tại quần đảo Kuril, và mặc dù các hòn đảo nằm trong khu vực đánh cá có trữ lượng hải sản phong phú, vùng lãnh thổ đó không có tầm quan trọng chiến lược đặc biệt. Vấn đề này giữ Nga và Nhật Bản duy trì một mối quan hệ lãnh đạm, nhưng trong hiện trạng lãnh đạm đó, họ còn đóng băng cả vấn đề về những hòn đảo.
Chính Trung Quốc mới là vấn đề khiến các nhà lãnh đạo Nhật Bản mất ăn mất ngủ và khiến họ gần gũi với Hoa Kỳ cả về ngoại giao và quân sự. Nhiều người Nhật Bản, đặc biệt là ở Okinawa, đã phẫn nộ trước sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ, nhưng sức mạnh của Trung Quốc, cộng thêm sự suy giảm của dân số Nhật Bản, có thể là những nhân tố đảm bảo cho mối quan hệ Hoa Kỳ-Nhật Bản thời hậu chiến được tiếp tục, nhưng trên cơ sở bình đẳng hơn. Các nhà thống kê Nhật Bản lo ngại rằng dân số của họ sẽ giảm xuống còn 100 triệu vào giữa thế kỷ 21. Nếu tỉ lệ sinh đẻ tiếp tục như hiện tại, có thể đến 2110 dân số Nhật Bản sẽ giảm xuống dưới mức 50 triệu, mức mà nước này đã vượt qua từ năm 1910. Chính phủ Nhật đang cố vận dụng mọi biện pháp để đảo ngược sự suy giảm đó. Một ví dụ gần đây là việc sử dụng hàng triệu đô la tiền thuế để tài trợ cho dịch vụ mai mối các cặp nam nữ trẻ. Các bữa tiệc được trợ cấp có tên là konkatsu (săn kết hôn) được sắp xếp cho những người độc thân gặp gỡ, ăn uống và - sau cùng - sinh con. Nhập cư là một giải pháp khả thi khác, nhưng Nhật Bản vẫn là một xã hội tương đối khép kín và nhập cư không được dân chúng ưa chuộng. Trước tình hình một Trung Quốc ngày càng quyết đoán với dân số 1,4 tỉ người, Nhật Bản vốn là một cường quốc tái quân sự hóa với quan điểm diều hâu ẩn mình, sẽ cần có nhiều bạn bè trong khu vực.
Vì vậy, Hoa Kỳ đang có mặt tại cả Hàn Quốc và Nhật Bản. Hiện tại có một mối quan hệ tay ba giữa họ, như được nhấn mạnh bởi thỏa thuận tình báo kể trên. Nhật Bản và Hàn Quốc có nhiều chuyện để tranh cãi, nhưng họ sẽ đồng ý rằng sự lo lắng chung của họ về Trung Quốc và Bắc Triều Tiên sẽ khắc phục điều này.
Thậm chí nếu họ muốn tiến đến chỗ giải quyết một vấn đề như Triều Tiên, thì vấn đề Trung Quốc vẫn sẽ còn đó, và Hạm đội 7 Hoa Kỳ vẫn sẽ trú đóng tại vịnh Tokyo, còn thủy quân lục chiến Hoa Kỳ vẫn sẽ lưu lại Okinawa, canh giữ các tuyến đường trong và ngoài các vùng biển của Thái Bình Dương và các vùng biển quanh Trung Quốc. Các vùng biển được dự đoán có thể sẽ có bão tố.