Những Tù Nhân Của Địa Lý - Chương 09
Chương Chín CHÂU MỸ LATIN
“Chúng tôi thích được gọi là ‘lục địa của hy vọng’… Hy vọng này giống như một lời hứa hẹn về thiên đường, một tờ giấy nợ mà việc thanh toán luôn luôn bị trì hoãn.”
Pablo Neruda,
nhà thơ Chile đoạt giải Nobel văn học
Mỹ Latin, đặc biệt là phần phía nam của nó, là bằng chứng cho thấy bạn có thể đưa kiến thức và công nghệ của Cựu Thế giới đến Tân Thế giới, nhưng nếu địa lý chống lại bạn, bạn sẽ chỉ đạt được sự thành công hạn chế, nhất là nếu bạn hiểu sai về chính trị. Cũng như địa lý của Hoa Kỳ giúp nó trở thành một thế lực vĩ đại, địa lý của hai mươi quốc gia miền Nam châu Mỹ lại giữ cho không một nước nào trong số đó có thể nổi dậy thách thức người khổng lồ Bắc Mỹ trong thế kỷ này, hay có thể liên kết với nhau để chung sức thực hiện điều đó.
Những hạn chế của địa lý châu Mỹ Latin đã bị làm cho tồi tệ thêm ngay từ ngày đầu hình thành các quốc gia dân tộc nơi đây. Tại Hoa Kỳ, ngay sau khi tước đoạt được đất đai từ cư dân bản xứ, phần lớn chúng được bán hoặc trao cho các chủ đất nhỏ. Ngược lại, nền văn hóa Cựu Thế giới với những chủ đất quyền uy cùng đám nông nô được áp đặt lên châu Mỹ Latin, dẫn đến sự bất bình đẳng. Ngoài ra, dân định cư châu Âu đưa đến một vấn đề địa lý khác mà cho đến nay vẫn kìm hãm các nước Mỹ Latin, khiến họ không thể phát triển được đầy đủ tiềm năng của mình: dân định cư chỉ sống gần vùng duyên hải, đặc biệt là (như chúng ta đã thấy ở châu Phi) ở những vùng nội địa bị muỗi và bệnh tật hoành hành. Do đó, hầu hết những thành phố lớn nhất của các quốc gia đó, thường là thủ đô, chỉ nằm bên bờ biển, và các tuyến đường được xây dựng nối các vùng nội địa với thủ đô, nhưng không nối các vùng nội địa với nhau.
Trong một số trường hợp, ví dụ ở Peru và Argentina, khu vực đô thị của thủ đô chiếm hơn 30% dân số của đất nước. Các nước thực dân tập trung vào việc mang của cải ra khỏi mỗi vùng, đưa đến bờ biển và đưa vào thị trường quốc tế. Thậm chí sau khi giành độc lập, giới tinh hoa ở vùng duyên hải chủ yếu là dân châu Âu vẫn không đầu tư vào sâu trong nội địa, và các trung tâm dân cư trong nội địa vẫn kết nối với nhau rất kém.
Vào đầu những năm 2010, một điều đã thành cái mốt trong số nhiều nhà lãnh đạo kinh doanh, các giáo sư và chuyên gia phân tích trên báo chí là say sưa tranh luận rằng thế giới đã bước vào buổi bình minh của “thập niên Mỹ Latin”. Buổi bình minh ấy đã không đến, và mặc dù khu vực này có một tiềm năng còn chưa đạt tới, nó vẫn phải liên tục chiến đấu chống lại cuộc hôn phối mà thiên nhiên và lịch sử đã an bài cho nó.
Mexico đang phát triển thành một cường quốc khu vực, nhưng nước này vẫn còn đó những vùng hoang địa khô cằn ở phía bắc, vùng núi non ở phía đông và phía tây, rừng rậm ở phía nam, tất cả đều hạn chế sự tăng trưởng kinh tế của nó. Brazil đã xuất hiện trên sân khấu thế giới, nhưng các vùng nội địa của nước này vẫn cứ bị cô lập với nhau; còn Argentina và Chile, mặc dù giàu có tài nguyên thiên nhiên, vẫn cứ ở xa New York và Washington DC còn hơn cả Paris hay London.
Hai trăm năm sau sự khởi đầu của cuộc đấu tranh giành độc lập, các nước Mỹ Latin tụt hậu xa sau Bắc Mỹ và châu Âu. Tổng dân số Mỹ Latin (bao gồm cả Caribbean) khoảng 600 triệu, nhưng tổng sản lượng nội địa (GDP) của họ chỉ tương đương với Pháp và Anh, hai nước mà dân số cộng lại chỉ khoảng 125 triệu người. Họ đã đi qua một chặng đường dài kể từ chủ nghĩa thực dân và chế độ nô lệ. Nhưng vẫn còn một chặng đường dài nữa phía trước.
Mỹ Latin bắt đầu tại biên giới Mexico với Hoa Kỳ và trải dài bảy ngàn dặm về phía nam qua Trung Mỹ, và sau đó là Nam Mỹ, trước khi kết thúc tại Tierra del Fuego trên mũi đất cực nam Cape Horn, nơi Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, hai đại dương của thế giới gặp nhau. Tại quãng rộng nhất của nó, từ tây sang đông, từ Brazil sang Peru, là ba mươi hai ngàn dặm. Ở phía tây là Thái Bình Dương, phía bên kia là vịnh Mexico, biển Caribbean và Đại Tây Dương. Cả hai dải bờ biển đều không có nhiều cảng nước sâu tự nhiên, do đó hạn chế sự giao thương.
Trung Mỹ là một vùng đồi núi với những thung lũng sâu, và tại nơi hẹp nhất chỉ rộng 120 dặm. Sau đó, chạy song song với Thái Bình Dương suốt 4.500 dặm, là dãy núi liên tục dài nhất thế giới - dãy Andes. Dãy núi này phủ đầy tuyết suốt dọc chiều dài của nó và gần như không thể vượt qua, do vậy chia cắt nhiều vùng ở phía tây với phía đông lục địa. Điểm cao nhất ở Tây bán cầu là đỉnh Aconcagua, cao 6.962 mét, và nước đổ xuống từ dãy núi này chính là nguồn thủy điện cho các quốc gia vùng Andes như Chile, Peru, Ecuador, Colombia và Venezuela. Sau cùng, độ cao của dải đất hạ thấp, rừng và sông băng xuất hiện, chúng ta tiến vào quần đảo Chile và rồi - dải đất liền kết thúc. Brazil và sông Amazon ngự trị nửa phía đông của châu Mỹ Latin, đây là con sông dài thứ hai trên thế giới sau sông Nile.
Một trong số ít những điểm chung mà các quốc gia này chia sẻ là ngôn ngữ đặt căn bản trên tiếng Latin. Tiếng Tây Ban Nha là ngôn ngữ của hầu như tất cả các quốc gia ở đây, nhưng tại Brazil nó lại là tiếng Bồ Đào Nha, và trong vùng Guiana thuộc Pháp thì nói tiếng Pháp. Mối kết nối ngôn ngữ này che giấu những khác biệt ở một lục địa có năm vùng khí hậu khác nhau. Vùng tương đối bằng phẳng phía đông của dãy núi Andes và khí hậu ôn đới của một phần ba dưới cùng của Nam Mỹ, được gọi là Southern Cone (Chóp cực Nam), tương phản rõ rệt với núi non và rừng rậm phía bắc, giúp giảm thiểu chi phí xây dựng và nông nghiệp, do đó khiến chúng trở thành một trong những vùng sinh lợi nhất trên toàn lục địa. Trong khi đó Brazil, như chúng ta sẽ thấy, thậm chí còn gặp khó khăn với việc vận chuyển hàng hóa ngay trong thị trường nội địa của mình.
Các nhà hàn lâm và cánh nhà báo thích viết rằng lục địa này đang “đứng ở một giao lộ” - vì rốt cuộc nó sắp sửa dấn bước vào tương lai vĩ đại của mình. Tôi thì muốn cãi rằng, xét về mặt địa lý mà nói, bảo rằng lục địa này nằm ở đáy thế giới thì đúng hơn là ở một giao lộ; có rất nhiều chuyện đang xảy ra trong không gian mênh mông này, nhưng vấn đề là phần lớn chúng diễn ra cách quá xa tất cả mọi thứ khác. Điều đó có thể bị coi là cách nhìn kiểu Bắc bán cầu, nhưng nó cũng là cách nhìn về sự bố trí của những thế lực kinh tế, quân sự và ngoại giao chính yếu.
Bất chấp vị trí xa xôi của lục địa này với các trung tâm dân cư lớn trong lịch sử, từ khoảng mười lăm ngàn năm trước đã có những tộc người sống ở phía nam vùng đất mà nay là biên giới Mexico/Hoa Kỳ. Họ được cho là có nguồn gốc từ Nga và đã vượt qua eo biển Bering bằng đường bộ vào thời điểm nó vẫn còn là một dải đất liền. Những cư dân ngày nay chính là một dòng giống hợp chủng của người châu Âu, châu Phi, các thổ dân bản địa và dân Mestizo, hậu duệ của người gốc Âu và người châu Mỹ bản địa.
Sự pha trộn này có thể truy nguồn về Hiệp ước Tordesillas giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha năm 1494, một trong những tiền lệ đầu tiên của việc thực dân châu Âu tùy tiện vẽ những đường biên trên bản đồ của những vùng đất xa xôi mà họ hầu như không hiểu biết gì. Khi lên đường đi về phía tây khám phá đại dương, hai cường quốc hàng hải lớn của châu Âu đã thỏa thuận rằng bất kỳ vùng đất nào được tìm thấy bên ngoài châu Âu sẽ được chia sẻ giữa họ với nhau. Đức Giáo hoàng đồng ý. Phần còn lại là một lịch sử rất bất hạnh, trong giai đoạn đó đại đa số dân cư bản địa Nam Mỹ bị quét sạch.
Các phong trào độc lập bắt đầu vào đầu thập niên 1800, do Simón Bolivar của Venezuela và José de San Martin của Argentina lãnh đạo. Riêng Bolivar đã in sâu trong ý thức tập thể của Nam Mỹ: Bolivia được đặt theo tên ông để tôn vinh ông, và các quốc gia thiên tả của lục địa được liên kết lỏng lẻo trong một hệ tư tưởng “Bolivarian” chống lại Hoa Kỳ. Đây là một tập hợp biến động thất thường của những ý tưởng chống thực dân/ủng hộ chủ nghĩa xã hội, thường lạc lối sang chủ nghĩa quốc gia nếu và khi nó phù hợp với các chính trị gia tán thành chúng.
Trong thế kỷ 19, nhiều quốc gia vừa mới giành được độc lập đã bị tan vỡ, hoặc do các xung đột nội bộ hoặc do chiến tranh xuyên biên giới, nhưng vào cuối thế kỷ này, biên giới của các nhà nước khác nhau đa phần đã được vạch định. Từ đó, ba quốc gia giàu có nhất - Brazil, Argentina và Chile - bắt đầu cuộc chạy đua vũ trang với lực lượng hải quân đắt đỏ đến mức phá sản, cuộc chạy đua đã kìm hãm sự phát triển của cả ba nước, vẫn còn những tranh chấp biên giới xảy ra trên khắp lục địa, nhưng sự phát triển của nền dân chủ đồng nghĩa với việc đóng băng hoặc có những nỗ lực giải quyết chúng bằng ngoại giao.
Đặc biệt gay gắt là mối quan hệ giữa Bolivia và Chile, bắt đầu từ cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương năm 1879, qua đó Bolivia mất một phần lãnh thổ khá lớn, bao gồm hai trăm năm mươi ngàn dặm đường bờ biển, và bị khóa chặt trong lục địa kể từ ngày đó. Bolivia chưa bao giờ hồi phục từ cú trời giáng này, một điều giải thích tại sao nó lại là nước nghèo nhất ở Mỹ Latin. Điều này đến lượt nó làm trầm trọng thêm sự chia rẽ trầm trọng giữa dân cư vùng đồng bằng chủ yếu là người châu Âu và dân cư vùng cao nguyên chủ yếu là người bản địa.
Thời gian đã không chữa lành vết thương giữa người dân hai nước, cũng như những vết thương giữa hai quốc gia. Bất chấp thực tế là Bolivia có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn thứ ba ở Nam Mỹ, nhưng họ không thể bán nó cho Chile vì nước này cần một nhà cung cấp đáng tin cậy. Hai vị tổng thống Bolivia đùa giỡn với ý tưởng đó đã bị gạt khỏi chức vụ và tổng thống hiện tại, Evo Morales, với chính sách “khí đốt đến Chile”, bao gồm một thỏa thuận “đổi khí đốt lấy bờ biển”, đã bị Chile bác bỏ mặc dù họ có nhu cầu năng lượng. Lòng tự hào dân tộc và nhu cầu địa lý của cả đôi bên đã đánh bại sự thỏa hiệp ngoại giao.
Một cuộc tranh chấp biên giới khác nữa có nguồn gốc từ thế kỷ 19 được biểu thị bởi biên giới của vùng lãnh thổ Belize thuộc Anh và xứ Guatemala lân cận. Chúng là những đường thẳng, như chúng ta đã thấy ở châu Phi và Trung Đông, và được vẽ ra bởi người Anh.
Guatemala tuyên bố Belize là một bộ phận trong lãnh thổ có chủ quyền của nước này nhưng, không giống như Bolivia, họ không muốn theo đuổi vấn đề này. Chile và Argentina tranh cãi về tuyến đường thủy của kênh Beagle, Venezuela đòi một nửa Guyana, và Ecuador có những tuyên bố chủ quyền lịch sử về Peru. Ví dụ cuối cùng về Peru là một trong những tranh chấp đất đai nghiêm trọng hơn trên lục địa và đã dẫn tới ba cuộc chiến tranh biên giới trong bảy mươi lăm năm qua, lần gần đây nhất là vào năm 1995. Nhưng một lần nữa, sự phát triển của nền dân chủ đã làm dịu đi những căng thẳng.
Nửa sau của thế kỷ 20 chứng kiến Trung Mỹ và Nam Mỹ trở thành chiến trường ủy nhiệm của Chiến tranh Lạnh, đi kèm với các cuộc đảo chính, các chế độ độc tài quân sự và những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, ví dụ như ở Nicaragua. Chiến tranh Lạnh chấm dứt, cho phép nhiều quốc gia tiến triển theo hướng dân chủ và, so với thế kỷ 20, mối quan hệ giữa các quốc gia này hiện nay đã tương đối ổn định.
Dân cư Mỹ Latin, hoặc ít nhất là dân cư ở phía nam Panama, chủ yếu cư trú tại hoặc gần các vùng duyên hải phía tây và phía đông, trong khi những vùng nội địa và miền Nam giá lạnh thì thưa thớt dân cư. Trên thực tế, Nam Mỹ là một lục địa rỗng xét về nhân khẩu học và bờ biển của lục địa này thường được gọi là “vành đai dân cư”. Điều này ít đúng hơn đối với Trung Mỹ và đặc biệt là Mexico, nơi các quần thể dân cư được phân bố đều hơn; nhưng Mexico đặc biệt có địa hình khó khăn, làm hạn chế tham vọng và chính sách đối ngoại của nước này.
Ở xa về phía bắc, Mexico có một biên giới dài hai ngàn dặm với Hoa Kỳ, hầu như tất cả đều là sa mạc. Vùng đất nơi đây khắc nghiệt đến nỗi hầu như không có người ở. Biên giới này giữ vai trò như một vùng đệm giữa Mexico và người láng giềng khổng lồ phía bắc -nhưng là một vùng đệm có lợi cho Hoa Kỳ nhiều hơn là cho Mexico, do sự khác biệt về trình độ công nghệ. Xét về quân sự, chỉ các lực lượng Hoa Kỳ mới có thể phát động một cuộc xâm lược lớn qua Mexico; bất kỳ lực lượng nào khác tiến theo chiều ngược lại sẽ bị tiêu diệt. Là một rào cản đối với việc nhập cư bất hợp pháp vào Hoa Kỳ, đây là một vùng rất hữu ích, nhưng có những lỗ hổng - một vấn đề mà các chính quyền Hoa Kỳ kế tiếp sẽ phải đối phó. Tổng thống Trump lên nắm quyền một phần là nhờ thao túng nỗi lo ngại về nạn nhập cư, với lời hứa xây dựng một bức tường dọc theo biên giới Hoa Kỳ-Mexico. Kế hoạch xây bức tường của ông có những sơ hở; luôn có những cách đi vòng, hoặc thậm chí xuyên qua một bức tường, và còn có lựa chọn khác là hối lộ để xâm nhập vào nước này, hoặc chỉ đơn giản là đi qua nghỉ dưỡng nhưng rồi không trở lại. Nhưng một bức tường không chỉ để giúp giảm dòng chảy nhập cư, nó sẽ sừng sững như một biểu tượng đầy gây hấn tỏ rõ ý định, với một thông điệp rõ ràng: “Đừng có đến.”
Tất cả người dân Mexico đều biết rằng trước cuộc chiến tranh 1846-1848 với Hoa Kỳ, dải đất hiện nay là Texas, California, New Mexico và Arizona là một phần của Mexico. Cuộc xung đột đã dẫn đến một nửa lãnh thổ của Mexico bị nhượng lại cho Hoa Kỳ. Tuy nhiên, không có một phong trào chính trị nghiêm túc nào đòi giành lại khu vực đó và cũng không có tranh chấp biên giới giữa hai nước. Trong suốt thế kỷ 20, họ đã tranh cãi ầm ĩ vì một mẩu đất nhỏ sau khi sông Rio Grande thay đổi dòng chảy vào những năm 1850, nhưng vào năm 1967, cả hai bên nhất trí khu vực này là một phần hợp pháp của Mexico.
Đến giữa thế kỷ 21, dân gốc Mỹ Latin có lẽ sẽ là nhóm sắc dân lớn nhất trong bốn tiểu bang Hoa Kỳ kể trên, và nhiều người trong số đó là dân gốc Mexico. Rốt cuộc có thể sẽ xuất hiện các phong trào chính trị nói tiếng Tây Ban Nha ở cả hai phía biên giới Hoa Kỳ-Mexico kêu gọi tái hợp, nhưng sự thực là nhiều người gốc Mỹ Latin không mang di sản Mexico, và Mexico không có gì để sánh được với mức sống của Hoa Kỳ sẽ kiềm chế các phong trào này. Chính phủ Mexico còn đang phải vật lộn để kiểm soát ngay chính lãnh thổ của mình - nên trong tương lai có thể nhìn thấy được họ sẽ không ở vị thế có thể ham hố thêm trách nhiệm. Số phận của Mexico đã được định sẵn là sống trong cái bóng của Hoa Kỳ, và như vậy nước này luôn đóng vai trò phụ thuộc trong các quan hệ song phương. Mexico thiếu một hải quân có khả năng bảo vệ an ninh vịnh Mexico hoặc tiến vào Đại Tây Dương, và vì vậy phải dựa dẫm vào Hoa Kỳ để đảm bảo cho các tuyến đường biển được mở rộng và an toàn.
Các công ty tư nhân của cả hai quốc gia đã xây dựng những nhà máy ở phía nam đường biên giới để giảm chi phí nhân công và vận tải, nhưng khu vực này không thân thiện với sự tồn tại của con người và sẽ vẫn là vùng đệm mà những người dân nghèo của Mỹ Latin vẫn tiếp tục vượt qua để tìm cách nhập cảnh, hợp pháp hoặc bất hợp pháp, đến vùng Đất Hứa phương Bắc.
Các dãy núi chính của Mexico, Sierra Madres, thống trị phía tây và đông của đất nước, và giữa chúng là một bình nguyên. Ở phía nam, trong Thung lũng Mexico, là thủ đô Mexico City, một trong những đại đô thị lớn nhất thế giới với dân số khoảng 20 triệu người.
Trên sườn phía tây của vùng cao nguyên và trong các thung lũng, đất đai cằn cỗi, còn các con sông không mấy thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa ra thị trường. Trên sườn phía đông, đất đai màu mỡ hơn, nhưng địa hình gồ ghề vẫn ngăn không cho Mexico phát triển được như mong muốn. Phía nam là biên giới giáp với Belize và Guatemala. Mexico ít quan tâm đến việc mở rộng về phía nam vì mặt đất nơi đây nhanh chóng dâng cao trở thành loại địa hình đồi núi, rất khó để chinh phục hoặc kiểm soát. Việc mở rộng vào cả hai khu vực đó sẽ không làm gia tăng diện tích đất sinh lợi vốn dĩ hạn chế mà Mexico đang có. Nước này cũng không có tham vọng về lãnh thổ mang tính ý thức hệ mà thay vào đó lại tập trung phát triển ngành công nghiệp sản xuất dầu còn nhỏ bé và thu hút thêm đầu tư vào các nhà máy của mình. Ngoài ra, Mexico đã có đủ các vấn đề nội bộ phải đối phó, không hơi sức đâu dấn thân vào bất kỳ cuộc phiêu lưu bên ngoài nào - có lẽ nước này không có vai trò gì lớn hơn là thỏa mãn cơn thèm khát ma túy của người Mỹ.
Biên giới Mexico vẫn luôn là nơi ẩn náu cho những kẻ buôn lậu, nhưng tình hình chưa bao giờ tệ như hai mươi năm qua. Đây là một kết quả trực tiếp từ chính sách của chính phủ Hoa Kỳ tại Colombia, cách đó một ngàn năm trăm dặm về phía nam.
Chính Tổng thống Nixon trong thập niên 1970 là người đầu tiên tuyên bố “Cuộc chiến chống ma túy”, giống như “Cuộc chiến chống khủng bố”, đây là một khái niệm hơi mơ hồ, một cuộc chiến không thể giành được chiến thắng. Tuy nhiên, mãi cho đến đầu thập niên 1990, Washington DC mới trực tiếp chiến đấu với các tập đoàn ma túy Colombia, với sự hỗ trợ công khai của chính phủ Colombia. Nước này cũng đã thành công trong việc phong tỏa nhiều tuyến đường hàng không và hàng hải từ Colombia vào Hoa Kỳ.
Các tập đoàn ma túy đáp trả bằng cách tạo ra một tuyến đường bộ xuyên qua Trung Mỹ và Mexico, vào vùng tây nam Hoa Kỳ. Tuyến đường này một phần đi theo Xa lộ Liên Mỹ, chạy từ nam chí bắc ngược lên phía trên lục địa. Ban đầu xa lộ này được thiết kế để vận chuyển hàng hóa tới những nước khác nhau, hiện nay nó cũng được sử dụng để vận chuyển ma túy lên phía bắc đến Hoa Kỳ. Điều này đến lượt nó dẫn đến việc các băng đảng ma túy Mexico cũng vào cuộc bằng cách làm bảo kê cho các tuyến đường và sản xuất sản phẩm của riêng mình. Ngành kinh doanh hàng tỉ đô la này đã châm ngòi cho những cuộc chiến tranh giữa các băng đảng địa phương, những kẻ chiến thắng sử dụng sức mạnh và tiền bạc mới kiếm được để thâm nhập, hối lộ cảnh sát và quân đội Mexico, rồi len lỏi vào tầng lớp tinh hoa của chính trị và kinh doanh.
Tình hình này cũng có những nét tương đồng với việc buôn bán ma túy tại Afghanistan. Nhiều nông dân Afghanistan trồng cây thuốc phiện đã đáp trả những nỗ lực của NATO nhằm phá hủy phương kế sinh nhai truyền thống của họ bằng cách cầm súng hoặc hỗ trợ cho Taliban. Phát động “Cuộc chiến chống ma túy” có thể là chính sách của chính phủ, nhưng điều đó không có nghĩa là các mệnh lệnh sẽ được thi hành ở các chính quyền địa phương, nơi các lãnh chúa ma túy Afghanistan đã xâm nhập. Ở Mexico cũng vậy.
Trong suốt chiều dài lịch sử, các chính phủ nối tiếp nhau tại Mexico City chưa bao giờ nắm vững quyền kiểm soát đất nước. Hiện nay đối thủ của nó, các tập đoàn ma túy, có các nhánh bán quân sự được vũ trang chẳng kém gì các lực lượng quân sự của nhà nước, thường được trả lương tốt hơn, có động lực hơn, và ở trong một số vùng nó được một số thành phần trong công chúng xem là một nguồn công ăn việc làm. Số tiền khổng lồ của các băng đảng đó đang lan tràn khắp đất nước, phần lớn nó được rửa bằng những dịch vụ mà trông bề ngoài là những doanh nghiệp hợp pháp.
Mexico hiện đang bị kìm kẹp trong một tình huống gần như một cuộc nội chiến. Các băng đảng cố kiểm soát các lãnh thổ bằng cách đe dọa, chính phủ cố giả vờ chịu trách nhiệm cai quản bằng luật pháp, và hàng trăm thường dân bị kẹt ở giữa, đang bị giết hại. Một trong số những biểu hiện kinh hoàng nhất là vụ giết hại bốn mươi ba giáo viên bởi một tập đoàn ma túy vào năm 2014, một hành động làm chấn thương đất nước và kích động các nhà chức trách, nhưng rốt cuộc nó có vẻ như “chỉ” là một dấu mốc khủng khiếp trong một cuộc đấu tranh lâu dài.
Tuyến cung cấp đường bộ được thiết lập vững chắc, và nhu cầu [ma túy] của Hoa Kỳ hầu như không cho thấy dấu hiệu giảm sút. Tất cả các chính phủ Mexico đều cố gắng để tiếp tục đứng bên cạnh người láng giềng hùng mạnh của họ và đáp ứng áp lực của Hoa Kỳ bằng cách tiến hành “Cuộc chiến chống ma túy” của chính họ. Đây là một câu hỏi hóc búa. Mexico kiếm sống bằng cách cung cấp hàng tiêu dùng cho Hoa Kỳ, và chừng nào Hoa Kỳ còn tiêu thụ ma túy, Mexico sẽ cung cấp nó - sau rốt, ý tưởng ở đây là làm ra những thứ có thể sản xuất với chi phí thấp và bán chúng với giá cao hơn. Nếu không có ma túy, đất nước có thể còn nghèo hơn hiện tại, vì một lượng lớn tiền từ nước ngoài sẽ bị cắt mất. Nhưng có ma túy, tình hình thậm chí còn loạn hơn. Điều này cũng đúng với một số quốc gia ở phía nam Mexico.
Trung Mỹ hầu như không có gì thuận lợi về mặt địa lý, ngoại trừ một điều. Nó rất hẹp. Cho đến nay, quốc gia duy nhất có được lợi thế từ điều này là Panama, nhưng với sự xuất hiện của khoản tiền mới từ Trung Quốc, có thể sắp có sự thay đổi.
Trung Mỹ có thể thấy nhiều thay đổi ở các khu vực đang nhận đầu tư của Trung Quốc, ví dụ như sự phát triển của kênh Grand của Nicaragua.
Công nghệ hiện đại đồng nghĩa với việc người Trung Quốc chỉ thoáng nhìn qua một bức ảnh vệ tinh cũng có thể thấy các cơ hội thương mại mà dải đất này có thể mang lại. Năm 1513, nhà thám hiểm người Tây Ban Nha Vasco Nunez de Balboa phải dong buồm vượt qua Đại Tây Dương, cập bến vùng đất hiện nay là Panama, sau đó lội bộ xuyên qua rừng rậm và vượt núi non trước khi nhìn thấy trước mặt một đại dương rộng lớn khác - Thái Bình Dương. Những lợi thế của việc nối kết hai đại dương này là hiển nhiên, nhưng mất 401 năm, công nghệ mới bắt kịp địa lý. Năm 1914, kênh đào Panama dài năm mươi dặm vừa mới hoàn tất, do Hoa Kỳ kiểm soát, được mở cửa, nhờ đó tiết kiệm được đoạn hành trình tám ngàn dặm từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương và dẫn đến sự tăng trưởng kinh tế trong khu vực kênh đào.
Kể từ năm 1999, con kênh này do Panama kiểm soát, nhưng được coi là tuyến đường thủy quốc tế trung lập được bảo vệ bởi hải quân Hoa Kỳ và Panama. Và ở đó, đối với Trung Quốc, ẩn chứa vấn đề.
Panama và Hoa Kỳ là bạn - trên thực tế, là bạn bè thân thiết đến mức Venezuela đã cắt đứt quan hệ với Panama năm 2014, gọi nước này là “tay sai của Hoa Kỳ”. Ảnh hưởng của thứ ngôn từ khoa trương có từ thời cách mạng Bolivarian của một đất nước ngày càng hung hăng đã được xoa dịu bởi nhận thức rằng Hoa Kỳ là đối tác thương mại quan trọng nhất của Venezuela, và Venezuela cung cấp khoảng 10% lượng dầu mà Hoa Kỳ nhập khẩu. Tuy nhiên, sự đàn áp tàn bạo của Venezuela đối với các cuộc biểu tình chống chính phủ vào năm 2017 đã khiến Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt lên khối tài sản tư nhân đáng kể của Tổng thống Maduro và một số quan chức cấp cao mà phiên bản chủ nghĩa xã hội của Bolivia đã dẫn dắt họ phân phối lại một lượng tiền lớn cho chính mình.
Trung Quốc, như chúng ta đã thấy trong chương Hai, có mưu đồ trở thành một cường quốc toàn cầu, và để đạt được mục tiêu đó, nước này cần giữ các tuyến đường biển mở rộng cho các hoạt động thương mại và hải quân của mình. Kênh đào Panama cũng có thể là một lối đi trung lập, nhưng xét cho cùng thì nó phụ thuộc vào thiện chí của Hoa Kỳ. Vì vậy, tại sao không xây dựng con kênh của riêng mình trên tuyến đường dẫn vào Nicaragua? Xét cho cùng, 50 tỉ đô la đối với một siêu cường đang lớn mạnh có ý nghĩa gì đâu?
Dự án Nicaragua Grand Canal được tài trợ bởi một doanh nhân Hồng Kông tên là Wang Jing, người đã kiếm được rất nhiều tiền từ ngành viễn thông nhưng không có chút kinh nghiệm nào về xây dựng, chưa nói đến việc làm chủ một trong những dự án xây dựng tham vọng nhất trong lịch sử thế giới. Wang khăng khăng nói rằng chính phủ Trung Quốc không tham gia vào dự án. Với bản chất của văn hóa kinh doanh Trung Quốc và sự tham gia của chính phủ trong mọi khía cạnh của cuộc sống, điều này là không bình thường.
Ước tính chi phí 50 tỉ đô la cho dự án, do được dự kiến hoàn thành vào đầu những năm 2020, lớn gấp bốn lần quy mô toàn bộ nền kinh tế Nicaragua, và cấu thành một phần của những đầu tư khổng lồ của Trung Quốc vào Mỹ Latin. Trung Quốc đang dần dần thay thế Hoa Kỳ ở vị trí đối tác thương mại chính của khu vực. Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega đã sốt sắng ký vào dự án mà không mảy may bận tâm đến hơn ba mươi ngàn người dân có thể phải giải tỏa khỏi vùng đất của mình vì dự án.
Cựu phần tử bạo động cách mạng xã hội chủ nghĩa phe Sandino ông Daniel Ortega, hiện đang bị cáo buộc đứng về phía các doanh nghiệp lớn. Nếu được hoàn thành, con kênh sẽ cắt đất nước làm hai, và sáu khu vực hành chính sẽ bị chia cắt làm đôi. Sẽ chỉ có một cây cầu duy nhất bắc qua con kênh suốt toàn bộ chiều dài của nó - mặc dù cây cầu chưa được xây dựng bởi vì cho đến nay chưa có gì để nó bắc qua.
Dự án đang diễn ra không suôn sẻ. Wang đã mất khoảng 85% tài sản của mình trong vụ sụp đổ thị trường chứng khoán Trung Quốc vào tháng Chín năm 2015. Tất cả các bên đều khẳng định dự án sẽ thành công, nhưng hầu hết các công trình xây dựng đều đã bị trì hoãn vào cuối năm 2017, nên tuyên bố trên có vẻ sáo mòn hơn bao giờ hết. Một con đường đất đã được mở rộng thêm một chút, nhưng vẫn không được trải nhựa, và chẳng thấy bóng dáng những công nhân làm đường nào cả.
Xét trong trường hợp kênh Nicaragua sẽ được mở, cho dù vẫn không lấy gì làm chắc chắn, nó sẽ dài hơn kênh Panama và, quan trọng hơn, nó rộng và sâu hơn đáng kể, do đó cho phép các tàu chở dầu và tàu container lớn hơn vượt qua, chưa kể đến các tàu chiến lớn của Trung Quốc. Tuy nhiên, Tổng thống Ortega không còn phô trương rùm beng về “kế hoạch thay đổi thế giới” này và điện thoại của doanh nhân Wang dường như đang ở chế độ im lặng.
Với việc vài trăm dặm về phía nam của kênh đào Panama đang được mở rộng, những người hoài nghi đặt câu hỏi tại sao lại phải cần đến kênh đào Nicaragua và liệu nó có thể sinh lời hay không, nhưng ít nhất mục đích của toàn bộ dự án dường như là nhắm vào lợi ích quốc gia của Trung Quốc hơn là lợi nhuận thương mại.
Gọi cho một quốc gia dân tộc ý niệm về một tuyến đường thủy liên kết giữa hai đại dương chỉ là dấu hiệu rõ ràng nhất về sự quan tâm và đầu tư ngày càng tăng của Trung Quốc vào Mỹ Latin. Chúng ta đã quen với việc chứng kiến Trung Quốc là tay chơi chính ở châu Phi, nhưng trong hai mươi năm nay, họ đã lặng lẽ di chuyển tới vùng phía nam sông Rio Grande.
Cũng như việc đầu tư vào các dự án xây dựng, Trung Quốc đang cho các chính phủ Mỹ Latin vay những khoản tiền lớn, đặc biệt là Argentina, Venezuela và Ecuador. Đổi lại, Trung Quốc sẽ trông đợi sự ủng hộ của các nước này trong Liên Hiệp Quốc về các tuyên bố chủ quyền khu vực của mình, bao gồm cả vấn đề Đài Loan.
Bắc Kinh cũng đang mua hàng tại đây. Các nước Mỹ Latin lần lượt được Hoa Kỳ chọn, Hoa Kỳ ưu tiên các giao dịch thương mại song phương khi làm ăn với khu vực này, xét như một tổng thể, như điều họ đã làm với EU. Trung Quốc cũng đang làm điều tương tự, nhưng ít nhất cũng đưa thêm một giải pháp thay thế, do đó làm giảm sự phụ thuộc của khu vực này vào thị trường Hoa Kỳ. Ví dụ, hiện nay Trung Quốc đã thay thế Hoa Kỳ trong vai trò đối tác thương mại chính của Brazil, và họ có thể làm điều tương tự với một số quốc gia Mỹ Latin khác.
Các nước Mỹ Latin không có sự gần gũi tự nhiên với Hoa Kỳ. Các mối quan hệ bị chi phối bởi lập trường khởi đầu của Hoa Kỳ, được trình bày trong Học thuyết Monroe năm 1823 (như chúng ta đã thấy ở chương Ba) trong thông điệp liên bang của Tổng thống Monroe. Học thuyết này cảnh cáo các thực dân châu Âu và nói, bằng rất nhiều lời lẽ, rằng Mỹ Latin là sân sau và không gian ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ vẫn luôn sắp đặt mọi sự ở đó từ trước đến giờ và nhiều người dân Mỹ Latin tin rằng kết quả không phải lúc nào cũng tốt đẹp.
Tám thập niên sau Học thuyết Monroe, xuất hiện một vị tổng thống khác với “Monroe tái nạp” (Monroe reloaded). Trong một bài phát biểu vào năm 1904, Theodore “Teddy” Roosevelt nói: “Ở Tây bán cầu, trong những trường hợp sai trái hay bất lực rõ ràng [như vậy], sự tuân thủ của Hoa Kỳ đối với Học thuyết Monroe có thể buộc Hoa Kỳ, cho dù miễn cưõng, thực thi quyền lực của một cảnh sát quốc tế.” Nói cách khác, Hoa Kỳ có thể can thiệp bằng quân sự ở Tây bán cầu bất cứ khi nào nước này muốn. Không tính những lần tài trợ cho các cuộc cách mạng, vũ trang cho các phe nhóm và cung cấp những chuyên gia huấn luyện quân sự cho họ, Hoa Kỳ đã sử dụng vũ lực ở Mỹ Latin gần năm mươi lần trong khoảng thời gian từ năm 1890 đến khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Sau đó, sự can thiệp công khai đã đột ngột giảm đi và năm 2001, Hoa Kỳ đã ký một Hiến chương Dân chủ Liên Mỹ với ba mươi tư quốc gia do Tổ chức các nước châu Mỹ soạn thảo, tuyên bố rằng: “Người dân châu Mỹ có quyền dân chủ và các chính phủ của họ có nghĩa vụ thúc đẩy và bảo vệ quyền đó.” Kể từ đấy, Hoa Kỳ đã tập trung vào việc trói buộc các nước Mỹ Latin với mình về kinh tế bằng cách phát triển các hiệp định thương mại đã có sẵn như Liên hiệp Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA), và đề xuất những hiệp định khác như Thỏa thuận Tự do Thương mại Trung Mỹ (CAFTA).
Do đó, sự thiếu ấm áp phát sinh trong các mối quan hệ lịch sử và kinh tế giữa Nam Mỹ và Bắc Mỹ dẫn tới tình cảnh khi Trung Quốc đến gõ, cánh cửa đã mở ra nhanh chóng. Bắc Kinh hiện đang bán hoặc tặng vũ khí cho Uruguay, Colombia, Chile, Mexico và Peru, mời chào các trao đổi quân sự. Trung Quốc đang cố gắng xây dựng một mối quan hệ quân sự với Venezuela mà họ hy vọng mối quan hệ đó sẽ tồn tại lâu hơn cuộc cách mạng Bolivia nếu và khi cuộc cách mạng này sụp đổ. Lượng vũ khí cung cấp cho Mỹ Latin tương đối nhỏ nhưng có tác dụng bổ trợ cho những nỗ lực sử dụng quyền lực mềm của Trung Quốc. Tàu bệnh viện duy nhất của họ, Peace Ark, đã đến thăm khu vực này vào năm 2011. Nó chỉ là một chiếc tàu ba trăm giường, thấp lùn nếu đem so với các phiên bản một ngàn giường của Hoa Kỳ vốn cũng đã ghé thăm, nhưng đó là một tín hiệu về ý định và một lời nhắc nhở rằng Trung Quốc đang ngày càng “thạo” món quyền lực mềm.
Tuy nhiên, dù có thương mại của Trung Quốc hay không thì các nước Mỹ Latin cũng vẫn bị khóa chặt không thể thoát khỏi vào một khu vực địa lý - có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ luôn là một tay chơi chính tại đây.
Brazil, chiếm một phần ba diện tích đất đai Nam Mỹ, là ví dụ tốt nhất về điều đó. Nước này rộng gần như bằng Hoa Kỳ, và liên bang gồm hai mươi bảy tiểu bang của họ tương đương một khu vực lớn hơn hai mươi tám quốc gia EU kết hợp lại; nhưng không giống như EU, Brazil thiếu cơ sở hạ tầng để trở nên giàu có như họ. Một phần ba diện tích của Brazil là rừng rậm, nơi việc khai phá đất đai để phù hợp cho con người hiện đại sinh sống sẽ tốn kém đến mức đau đớn, và trong một số vùng còn là bất hợp pháp. Sự tàn phá rừng nhiệt đới Amazon là vấn đề sinh thái dài hạn cho toàn thế giới, nhưng nó cũng là một vấn đề trung hạn đối với Brazil: chính phủ để cho nông dân được phép “chặt và đốt” rừng và sau đó sử dụng làm đất nông nghiệp. Nhưng đất đai bạc màu đến mức chỉ sau một vài năm là không thể trồng trọt được nữa. Nông dân tiếp tục chặt phá thêm rừng nhiệt đới, và một khi rừng nhiệt đới bị chặt phá, nó sẽ không mọc lại được nữa. Khí hậu và đất đai vô cùng bất lợi cho sự phát triển nông nghiệp.
Sông Amazon có thể giao thông đường thủy ở nhiều nơi, nhưng hai bờ sông là bùn lầy và vùng đất xung quanh gây khó khăn cho việc xây dựng. Vấn đề này cũng giới hạn nghiêm trọng diện tích đất đai có thể mang lại lợi nhuận. Trên vùng cao nguyên ở ngay dưới khu vực Amazon là thảo nguyên xa van, và trái lại, đó là một câu chuyện thành công. Hai mươi lăm năm trước khu vực này được coi là không thích hợp cho nông nghiệp, nhưng công nghệ của Brazil đã biến nó trở thành một trong những khu vực sản xuất đậu tương lớn nhất thế giới, cùng với sự tăng trưởng trong sản xuất ngũ cốc - có nghĩa là Brazil đang trở thành một nhà sản xuất nông nghiệp quan trọng.
Về phía nam thảo nguyên là vùng đất nông nghiệp truyền thống của Brazil. Giờ đây chúng ta đang nói về Chóp cực Nam (Southern Cone) của Nam Mỹ, dải đất mà Brazil chia sẻ với Argentina, Uruguay và Chile. Phần thuộc về Brazil tương đối nhỏ, là nơi thực dân Bồ Đào Nha đến sinh sống trước tiên, và mất ba trăm năm trôi qua trước khi cư dân có thể tiến ra khỏi khu trung tâm này và thực sự phát triển dân số khắp phần còn lại của đất nước. Cho đến ngày nay, hầu hết dân cư vẫn sống gần các vùng duyên hải, bất chấp quyết định kịch tính vào cuối những năm 1950 di dời thủ đô (trước đây là Rio de Janeiro) vài trăm dặm vào sâu trong nội địa, đến thành phố Brasilia, được xây dựng với mục đích nỗ lực phát triển khu trung tâm của Brazil.
Vùng trung tâm nông nghiệp phía nam có kích thước bằng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý kết hợp lại và bằng phẳng hơn nhiều so với phần còn lại của đất nước. Nơi đây được tưới tiêu tương đối tốt, nhưng phần lớn vùng này nằm sâu trong nội địa và thiếu các tuyến đường giao thông được phát triển thích đáng.
Điều này cũng đúng với hầu hết đất nước Brazil. Nếu từ biển nhìn vào nhiều thành phố ven biển của Brazil, thường có một vách đá khổng lồ cao vọt lên từ mặt nước không ở bên này thì ở bên kia của vùng đô thị, hoặc ở ngay phía sau nó. Được gọi là Grand Escarpment, vách đá này ngự trị nhiều phần của dải bờ biển Brazil; nó là đầu mút của cao nguyên có tên Tấm khiên Brazil (Brazilian Shield) tạo nên phần lớn vùng nội địa của Brazil.
Bởi vì đất nước thiếu một đồng bằng duyên hải, nên để kết nối các thành phố duyên hải lớn, phải xây dựng các tuyến đường leo lên và vượt qua vách đá này, chạy dọc theo nó tới khu đô thị tiếp theo và sau đó leo trở xuống. Việc thiếu các tuyến đường bộ hiện đại tươm tất lại đi đôi với hiện trạng thiếu hụt tương tự các tuyến đường sắt. Đây không phải là điều kiện để có thể giao thương sinh lợi hoặc để thống nhất một không gian rộng lớn về mặt chính trị.
Mọi thứ còn trở nên tồi tệ hơn. Brazil không có đường giao thông thẳng tới các con sông của vùng Rio de la Plata. Con sông Plate đổ ra Đại Tây Dương ở địa phận Argentina, có nghĩa là trong hàng thế kỷ, các thương nhân vận chuyển hàng hóa của họ theo sông Plate đến Buenos Aires thay vì mang vác chúng trèo lên leo xuống Grand Escarpment để đến được các bến cảng kém phát triển của Brazil. Công ty tình báo địa chính trị Stratfor.com đóng trụ sở tại Texas ước tính rằng bảy bến cảng lớn nhất của Brazil cộng lại cũng chỉ có thể xử lý số hàng hóa mỗi năm ít hơn so với chỉ một cảng tại New Orleans của Hoa Kỳ.
Do đó, Brazil thiếu khối lượng thương mại mà nước này mong muốn và, quan trọng không kém, hầu hết hàng hóa được di chuyển dọc theo tuyến đường bộ không đầy đủ của nó chứ không phải bằng đường sông, do đó làm tăng thêm chi phí. Về mặt tích cực, Brazil đang xây dựng hạ tầng giao thông của mình và mỏ khí đốt ngoài khơi mới được phát hiện sẽ giúp chi trả cho công việc này, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Bolivia và Venezuela. Tuy nhiên, Brazil sẽ cần có một nỗ lực cỡ Hercules để vượt qua những bất lợi về mặt địa lý.
Khoảng 25% người Brazil được cho là sống trong những khu ổ chuột favela nổi tiếng. Khi một phần tư dân số của đất nước rơi vào cảnh nghèo đói, đất nước đó rất khó trở nên giàu có. Điều này không có nghĩa là Brazil không phải là một thế lực đang vươn lên, chỉ là sự vươn lên của nước này sẽ bị hạn chế.
Một lối tắt dẫn đến tăng trưởng có thể là quyền lực mềm, do đó Brazil nỗ lực để có được vị trí thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và thói quen xây dựng các liên minh kinh tế khu vực chẳng hạn như Mercosur, vốn kết nối lỏng lẻo các quốc gia như Brazil, Argentina, Paraguay, Uruguay và Venezuela với nhau. Vài năm một lần, thường do Brazil lãnh đạo, Nam Mỹ cố gắng khởi tạo phiên bản EU của họ - hóa thân mới nhất là UNASUR, trong đó gồm có mười hai quốc gia Nam Mỹ là thành viên. Trụ sở chính của tổ chức này ở Ecuador, nhưng Brazil là nước có tiếng nói to nhất. Ở điểm này, UNASUR giống như EU, có một trụ sở tại Bỉ và một thế lực hàng đầu tại Đức. Nhưng đến đây sự so sánh dừng lại. UNASUR có sự hiện diện ấn tượng trên Internet nhưng nó giống một website bình thường hơn là một liên minh kinh tế. Các nước EU có các hệ thống chính trị và kinh tế tương tự nhau và hầu hết các thành viên đều dùng chung một loại tiền tệ, trong khi các nước Mỹ Latin khác nhau về chính trị, kinh tế, tiền tệ, trình độ giáo dục và luật lao động. Họ cũng phải vượt qua những ngăn trở về khoảng cách, cũng như chiều cao của những ngọn núi và độ rậm rạp của những khu rừng nhiệt đới chia cắt họ.
Nhưng Brazil sẽ tiếp tục làm việc để tạo dựng một cường quốc Nam Mỹ bằng việc sử dụng sức mạnh ngoại giao và sức mạnh kinh tế đang gia tăng của mình, về bản chất là không đối đầu, chính sách đối ngoại của Brazil chống lại sự can thiệp vào các quốc gia khác, và chiến tranh với bất kỳ nước láng giềng nào dường như là điều rất khó xảy ra. Nước này đã xoay xở để duy trì mối quan hệ tốt với tất cả mười một quốc gia Nam Mỹ khác, mặc dù có chung đường biên giới với chín nước trong số đó.
Có một tranh chấp biên giới với Uruguay, nhưng sự việc có vẻ sẽ không phát hỏa; và sự cạnh tranh giữa Brazil và Argentina dường như sẽ không được thể hiện ở bất kỳ nơi nào có ý nghĩa chính trị hơn là một sân bóng đá. Trong những năm gần đây, Brazil đã di chuyển các đơn vị quân đội ra khỏi biên giới với Argentina và đã thấy người láng giềng nói tiếng Tây Ban Nha của mình cũng đáp lại tương tự. Một tàu hải quân Argentina được chào đón vào một cảng Brazil, trong khi vài năm trước, một tàu hải quân Hoàng gia Anh lại bị từ chối cập cảng, vì vậy khiến Argentina rất hài lòng giữa lúc nước này vẫn đang trong cuộc chiến ngoại giao với Vương quốc Anh về vấn đề quần đảo Falkland.
Brazil cũng thuộc khối BRICS - một nhóm các quốc gia lớn được coi là đang vươn lên cả về mặt kinh tế và chính trị, nhưng trong khi từng nước thành viên có thể đang vươn lên, thì khái niệm này là thứ theo mốt thời thượng chứ chẳng có ý nghĩa thực tế. Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi không phải là một tập hợp về chính trị hay địa lý theo một cách thức có ý nghĩa, và các nước này có rất ít điểm chung với nhau. Nếu những chữ cái này ghép lại mà không phát âm thành một cái gì đó giống như một từ, thì có lẽ lý thuyết BRICS đã chẳng được ai chú ý. BRICS tổ chức một hội nghị thường niên và Brazil đôi khi bắt liên lạc với Ấn Độ và Nam Phi về các vấn đề quốc tế như một thứ tiếng vọng mơ hồ của Phong trào Không liên kết thời Chiến tranh Lạnh, nhưng Brazil không tham gia với Nga và Trung Quốc trong lập trường đôi khi thù địch hướng đến Hoa Kỳ.
Hai người khổng lồ Bắc Mỹ và Nam Mỹ đã chia tay nhau vào năm 2013 vì một vấn đề vẫn còn nhức nhối ở Brazil. Tin tức mà Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ do thám được về Tổng thống Brazil đương nhiệm, Dilma Rousseff, đã khiến bà hủy bỏ một chuyến viếng thăm chính thức đến Washington DC. Việc không có một lời xin lỗi nào từ chính quyền Obama là minh chứng cho sự thực rằng Hoa Kỳ khó chịu với việc Trung Quốc thay thế họ trong vị trí đối tác thương mại chính của Brazil. Quyết định tiếp theo của Brazil về việc mua máy bay chiến đấu của Thụy Điển chứ không phải máy bay Boeing cho lực lượng không quân của mình được cho là xuất phát từ mối bất hòa kể trên. Tuy nhiên, hiện nay mối quan hệ giữa hai nhà nước phần nào đã hồi phục. Đối đầu không phải là phong cách của Brazil, không giống như Venezuela dưới thời Tổng thống Chavez. Người Brazil biết thế giới nghĩ rằng họ là một cường quốc sắp nổi, nhưng họ cũng biết rằng thế lực của họ sẽ không bao giờ sánh kịp với Hoa Kỳ.
Thế lực của Argentina cũng vậy; tuy nhiên, theo cách nào đó, Argentina có vị trí địa lý để có thể trở thành một quốc gia của Thế giới thứ nhất tốt hơn so với Brazil. Argentina thiếu kích thước và dân số để trở thành thế lực khu vực đứng đầu của châu Mỹ Latin, một số phận dường như được an bài cho Brazil, nhưng nước này có đất đai màu mỡ để tạo ra một tiêu chuẩn sống có thể so sánh với các nước châu Âu. Điều đó không có nghĩa là Argentina sẽ đạt được tiềm năng này - đơn giản là nếu Argentina điều hành kinh tế đúng cách, địa lý sẽ cho phép nước này cố được thế lực xưa nay nó chưa từng có.
Nền tảng cho tiềm năng này được hình thành vào thế kỷ 19 với những chiến thắng quân sự trên đất Brazil và Paraguay, dẫn đến việc kiểm soát các vùng đồng bằng nông nghiệp của Rio de la Plata, hệ thống sông có thể giao thông, và do đó kiểm soát cả dòng chảy thương mại dọc dòng sông xuôi xuống cảng Buenos Aires. Đây thuộc số những bất động sản có giá trị bậc nhất trên toàn lục địa. Nó ngay lập tức mang lại cho Argentina một lợi thế kinh tế và chiến lược vượt trội so với Brazil, Paraguay và Uruguay - một lợi thế vẫn duy trì cho đến nay.
Tuy nhiên, Argentina không phải lúc nào cũng tận dụng được hết những lợi thế của mình. Một trăm năm trước, nước này nằm trong số mười nước giàu nhất thế giới - vượt trên cả Pháp và Ý. Nhưng thất bại trong việc đa dạng hóa, một xã hội phân biệt tầng lớp và bất công, một hệ thống giáo dục nghèo nàn, một loạt các cuộc đảo chính và các chính sách kinh tế khác biệt nhau quá mức trong thời kỳ dân chủ kéo dài ba mươi năm qua vừa đã dẫn đến sự suy giảm mạnh mẽ của Argentina.
Người Brazil có một câu nói đùa về những người hàng xóm hợm hĩnh, theo cách nhìn nhận của họ: “Chỉ những người tinh tế như vậy mới có thể tạo ra một mớ hỗn độn lớn đến như thế.” Argentina cần phải hiểu đúng tình thế, và một con bò chết có thể giúp cho nước này.
Con Bò Chết, hay Vaca Muerta, là một thạch địa tầng dầu đá phiến, cùng với các khu vực dầu đá phiến khác của đất nước, có thể cung cấp nhu cầu năng lượng của Argentina trong một trăm năm mươi năm tới và vẫn dư thừa để xuất khẩu. Nó tọa lạc ở lưng chừng Argentina, trong vùng Patagonia, và phía tây tiếp giáp với Chile. Nó có kích thước sánh bằng nước Bỉ - có thể tương đối nhỏ so với một quốc gia, nhưng rất lớn so với một địa tầng đá phiến. Mọi chuyện có vẻ rất thuận lợi, trừ phi bạn phản đối nguồn năng lượng sản xuất từ đá phiến - nhưng có một điểm bất lợi. Khai thác dầu từ đá phiến đòi hỏi đầu tư nước ngoài rất lớn, và Argentina không được coi là một quốc gia thân thiện cho đầu tư nước ngoài.
Có nhiều dầu và khí hơn nữa về phía nam - thực tế, xa về phía nam đến mức nó nằm ngoài khơi, quanh các hòn đảo thuộc về người Anh từ năm 1833. Và đó là vấn đề, và là một câu chuyện thời sự chưa bao giờ biến mất khỏi các bản tin.
Cái mà người Anh gọi là Quần đảo Falkland thì người Argentina gọi là Las Malvinas, và khốn khổ cho bất kỳ người Argentina nào sử dụng từ “F”. Sẽ là một hành vi phạm tội ở Argentina nếu in ra một bản đồ mô tả quần đảo này bằng một tên gọi nào khác ngoài “Islas Malvinas - Quần đảo Malvinas”. Tất cả trẻ em tiểu học đều được dạy vẽ phác thảo hai hòn đảo chính, phía tây và phía đông. Việc giành lại “các cô em gái thất lạc” này là một sự nghiệp quốc gia cho các thế hệ kế tiếp của người Argentina, và là một sự nghiệp mà hầu hết các nước láng giềng Latin của họ đều ủng hộ.
Tháng Tư năm 1982, người Anh buông lỏng sự canh gác và chế độ độc tài quân sự Argentina đặt dưới quyền tướng Galtieri ra lệnh xâm chiếm quần đảo - đây được coi là một thành công lớn cho đến khi lực lượng đặc nhiệm Anh tiến vào tám tuần sau đó, nhanh chóng chấm dứt công cuộc của quân đội Argentina và tái chiếm lãnh thổ. Điều này dẫn đến sự sụp đổ của chế độ độc tài.
Nếu cuộc xâm chiếm của Argentina xảy ra vào lúc này, nước Anh sẽ không có vị thế để chiếm lại quần đảo, vì nước này hiện không có tàu sân bay có thể hoạt động - một tình huống sẽ được khắc phục vào năm 2020, lúc đó cơ hội của Argentina sẽ không còn nữa. Tuy nhiên, bất chấp sự hấp dẫn của dầu mỏ và khí đốt, cuộc xâm chiếm Falkland của Argentina là không khả thi vì hai lý do sau:
Thứ nhất, Argentina hiện nay là một nền dân chủ và biết rằng đại đa số người dân đảo Falkland muốn ở lại dưới quyền kiểm soát của Anh; thứ hai, người Anh, chim sợ cành cong, sẽ cảnh giác gấp đôi. Họ có thể tạm thời thiếu một tàu sân bay để bơi tám ngàn dặm xuống Nam Đại Tây Dương, nhưng hiện tại họ có vài trăm lính bộ binh trên đảo, cùng với các hệ thống radar tiên tiến, tên lửa đất đối không, bốn máy bay phản lực Eurofighter và cả một tàu ngầm tấn công hạt nhân rình rập gần đó suốt ngày. Anh có ý định ngăn chặn ngay thậm chí không để Argentina nghĩ rằng họ có thể đến được bờ biển, đừng nói đến việc chiếm quần đảo.
Lực lượng không quân Argentina sử dụng những chiếc máy bay lạc hậu vài thập kỷ so với Eurofighter, và chính sách ngoại giao của Anh đã đảm bảo rằng mọi nỗ lực của Argentina nhằm mua các máy bay mới hơn từ Tây Ban Nha đã bị dập tắt. Việc mua hàng từ Hoa Kỳ không có cơ may thành công do mối quan hệ đặc biệt giữa Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, đôi khi quả thực là rất đặc biệt; do đó, khả năng Argentina tổ chức một cuộc tấn công khác trước năm 2020 là rất ít ỏi.
Tuy nhiên, điều đó sẽ không xoa dịu cuộc chiến ngoại giao, và Argentina đã mài sắc vũ khí của mình trên mặt trận đó. Buenos Aires đã cảnh báo rằng bất kỳ công ty dầu khí nào khoan dầu ở Falkland/Malvinas đều không thể đấu thầu khai thác dầu đá phiến trong khu mỏ Vaca Muerta tại Patagonia. Nước này thậm chí đã thông qua một đạo luật đe dọa phạt tiền hoặc phạt tù đối với những người thăm dò thềm lục địa của Falkland mà không có sự cho phép của nhà nước. Điều này đã khiến nhiều công ty dầu khí lớn ra đi, nhưng tất nhiên, người Anh thì không. Tuy nhiên, bất cứ ai thăm dò nguồn của cải giàu tiềm năng ẩn dưới biển Nam Đại Tây Dương đều đang hoạt động tại một trong những môi trường kinh doanh khắc nghiệt nhất. Khu vực đó khá lạnh và gió lớn, biển thì động.
Chúng ta đã đi xa hết mức có thể về phía nam trước khi đến những hoang địa đóng băng của Nam cực. Trong khi nhiều quốc gia muốn kiểm soát vùng này, sự kết hợp của môi trường cực kỳ khắc nghiệt với Hiệp ước Nam cực và việc thiếu tài nguyên có thể khai thác được và có giá trị, đã cùng nhau ngăn cản sự cạnh tranh công khai, ít nhất cho tới hiện tại. Không thể nói điều tương tự về vùng đối diện phía bắc của nó. Từ Nam cực đi thẳng lên đến vùng cực Bắc của địa cầu, bạn đến một nơi được định sẵn để trở thành chiến trường ngoại giao trong thế kỷ 20, vì các quốc gia lớn và nhỏ đều cố gắng đạt tới điểm cực ở đó: Bắc cực.