Những Tù Nhân Của Địa Lý - Chương 10
Chương Mười BẮC CỰC
“Có hai loại vấn đề về Bắc cực: tưởng tượng và thực tế. Trong hai loại đó, loại tưởng tượng là thực tế nhất.”
Vilhjalmur Stefansson,
Bắc cực trong đời thực và trong truyện kể.
Khi người tuyết đến, họ sẽ đến với toàn bộ sức mạnh. Ai có sức mạnh? Người Nga. Không kẻ nào khác có sự hiện diện nhiều và mạnh như vậy trong khu vực này, hoặc được chuẩn bị tốt như vậy để đối phó với sự khắc nghiệt của hoàn cảnh. Tất cả các quốc gia khác đều đang tụt lại phía sau và, còn trong trường hợp của Hoa Kỳ, họ dường như không cố gắng bắt kịp: Hoa Kỳ là một quốc gia vùng Bắc cực mà không có chiến lược Bắc cực nào trong một khu vực đang nóng lên.
Những ảnh hưởng của hiệu ứng ấm lên toàn cầu hiện nay đang diễn ra ở Bắc cực nhiều hơn bao giờ hết: băng tan chảy, cho phép con người dễ dàng tiếp cận khu vực này hơn, cùng với việc phát hiện những vỉa năng lượng và sự phát triển công nghệ để khai thác chúng - tất cả đều khiến các quốc gia vùng Bắc cực tập trung chú ý đến những được và mất tiềm năng có thể có từ môi trường khó khăn nhất thế giới này. Nhiều quốc gia trong khu vực có những tuyên bố lãnh thổ cạnh tranh nhau nhưng vẫn không bận tâm đến việc theo đuổi chúng - cho đến giờ. Nhưng có rất nhiều thứ để tuyên bố, và rất nhiều thứ để tranh cãi.
Cái tên “bắc cực” (arctic) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp artikos, có nghĩa là “gần loài gấu”, ám chỉ đến chòm Gấu Lớn (Đại Hùng Tinh) có hai ngôi sao cuối cùng chỉ về phía sao Bắc Đẩu.
Bắc Băng Dương có diện tích 5,4 triệu dặm vuông; điều này có thể làm cho nó trở thành đại dương nhỏ nhất thế giới, nhưng nó vẫn lớn gần bằng nước Nga, và gấp rưỡi kích thước của Hoa Kỳ. Các thềm lục địa dưới đáy đại dương, về tỉ lệ, chiếm nhiều diện tích hơn so với bất kỳ đại dương nào khác, đó là một trong những lý do tại sao thật khó có thể đồng ý về các khu vực chủ quyền.
Bắc cực bao gồm các phần đất thuộc về Canada, Phần Lan, Greenland, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Hoa Kỳ (Alaska). Đó là một vùng đất của các thái cực: trong một thời gian ngắn vào mùa hè, nhiệt độ có thể lên tới 26 độ C ở một số nơi, nhưng trong một thời gian dài vào mùa đông, nó giảm xuống dưới âm 45 độ C. Có những vách đá bị chà xát bởi gió lạnh, những vịnh hẹp ngoạn mục, những hoang mạc vùng cực và thậm chí cả sông ngòi. Đó là nơi mà sự thù nghịch cao độ và vẻ đẹp hùng vĩ đã hớp hồn con người trong hàng ngàn năm qua.
Chuyến thám hiểm đầu tiên được ghi nhận vào năm 330 trước Công nguyên bởi một nhà hàng hải người Hy Lạp tên là Pytheas của thành Massilia, người đã tìm thấy một vùng đất lạ gọi là “Thule”. Trở về quê nhà ở Địa Trung Hải, rất ít người tin vào những câu chuyện đáng kinh ngạc của ông về phong cảnh độc một màu trắng, vùng biển đóng băng và những sinh vật lạ bao gồm những con gấu trắng lớn; nhưng Pytheas chỉ là người đầu tiên trong vô số những người qua nhiều thế kỷ đã ghi lại sự kì diệu của Bắc cực và bị khuất phục bởi những cảm xúc mà nó gợi lên.
Nhiều người cũng không chịu nổi cái hoàn cảnh thiếu thốn của nó, đặc biệt là những người thám hiểm đi tới rìa tận cùng của thế giới mà loài người đã biết rõ để tìm kiếm những gì mà những kẻ hay ngờ vực gọi là Hành lang Tây Bắc “huyền thoại” xuyên qua Bắc Băng Dương, nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương. Một ví dụ là Henry Hudson. Có lẽ vịnh biển lớn thứ hai trên thế giới đã được đặt tên theo tên ông, nhưng trở lại năm 1607, có lẽ ông sẽ thích sống an hưởng tuổi già hơn là bị thả trôi lênh đênh và suýt bị giết bởi một thủy thủ đoàn nổi loạn vì chán ngấy những chuyến đi thám hiểm của ông.
Còn về việc ai là người đầu tiên đến “Cực Bắc”, hừm, đó là một câu hỏi khó, mặc dù có một điểm cố định trên địa cầu biểu thị vị trí của nó, nhưng việc mặt băng bên dưới chân bạn liên tục di chuyển, và không có thiết bị định vị toàn cầu GPS, thật khó để nói chính xác bạn đang ở đâu. Sir Edward Parry, không có GPS, đã cố gắng làm điều đó vào năm 1827, nhưng băng di chuyển về phía nam nhanh hơn ông có thể di chuyển về phía bắc và thành ra cuối cùng ông đi giật lùi; nhưng ít ra ông đã sống sót.
Thuyền trưởng Sir John Franklin ít may mắn hơn khi cố vượt qua đoạn đường không thể đi lại cuối cùng của Hành lang Tây Bắc vào năm 1845. Hai chiếc tàu của ông bị kẹt trong băng gần đảo King William thuộc quần đảo Canada. Tất cả một trăm hai mươi chín thành viên của đoàn thám hiểm đã thiệt mạng, một số thiệt mạng trên tàu, những người khác thiệt mạng sau khi rời tàu và bắt đầu đi về phía nam. Một số đoàn thám hiểm khác được phái đi để tìm kiếm những người sống sót nhưng họ chỉ tìm thấy một vài bộ xương, và nghe những câu chuyện từ những người thợ săn Inuit về hàng chục người da trắng đã chết trong khi đi bộ trong cảnh băng giá. Các con tàu biến mất hoàn toàn, nhưng năm 2014, công nghệ bắt kịp với địa lý và một nhóm tìm kiếm của Canada đã sử dụng sóng âm xác định được vị trí của một chiếc tàu, tàu HMS Erebus, dưới đáy biển của Hành lang Tây Bắc, và họ vớt lên được quả chuông của con tàu.
Số phận của đoàn thám hiểm Franklin đã không ngăn cản được vô số kẻ mạo hiểm khác cố gắng tìm đường vượt xuyên qua quần đảo Bắc cực, nhưng mãi đến năm 1905, nhà thám hiểm vĩ đại người Na Uy Roald Amundsen đã vẽ con đường ông đã vượt qua quần đảo Bắc cực trên một con tàu nhỏ hơn chỉ với năm thủy thủ. Ông đi ngang qua đảo King William, xuyên qua eo biển Bering và vào Thái Bình Dương. Ông biết rằng mình đã đến đích khi phát hiện một tàu săn cá voi từ San Francisco đến từ hướng khác. Trong cuốn nhật ký, ông thú nhận những cảm xúc vui mừng đã làm cho ông khỏe hơn, một sự kiện có lẽ cũng hiếm hoi gần như thành tích vĩ đại của ông: “Hành lang Tây Bắc đã được thực hiện. Giấc mơ thời thơ ấu của tôi - vào lúc đó đã được hoàn thành. Một cảm giác kỳ lạ trào dâng trong cổ họng; tôi hơi căng thẳng và kiệt sức - đó là điểm yếu trong tôi - nhưng tôi cảm thấy nước mắt mình trào dâng nơi khóe mắt.”
Hai mươi năm sau, ông quyết định rằng mình muốn trở thành người đầu tiên bay qua Bắc cực, mặc dù dễ dàng hơn là đi bộ qua nó, nhưng đó vẫn là một kỳ tích đáng kể. Cùng với hoa tiêu người Ý Umberto Nobile và mười bốn người trong phi hành đoàn, ông đã đưa một quả khí cầu có kiểu kết cấu vỏ nửa cứng bay qua vùng băng giá và thả xuống những lá cờ Na Uy, Ý và Hoa Kỳ từ độ cao khoảng chín mươi mét. Điều này có thể là một nỗ lực anh hùng, nhưng trong thế kỷ 21, nó không được coi như là cơ sở pháp lý cho bất kỳ tuyên bố sở hữu nào của ba quốc gia trên đối với khu vực này.
Điều đó cũng áp dụng cho nỗ lực ấn tượng của Shinji Kazama từ Nhật Bản, vào năm 1987 đã trở thành người đầu tiên tiếp cận Bắc cực trên một chiếc xe máy. Kazama đã vô cùng can đảm, vì đã không nương theo một chóp băng đang co rút. Ông là loại người đi trong bão tuyết để ghi dấu vào sử sách, nhưng không nghi ngờ gì rằng ngày nay có ít băng tuyết hơn để vượt qua.
Việc băng đang lùi xa dần không còn là một câu hỏi nữa - hình ảnh vệ tinh trong thập niên qua cho thấy rõ ràng diện tích băng đang thu hẹp - chỉ có nguyên nhân là còn chưa sáng tỏ. Hầu hết các nhà khoa học đều tin rằng không chỉ các chu kỳ khí hậu tự nhiên, mà con người cũng phải chịu trách nhiệm, và việc khai thác sắp tới những gì mới được phát hiện sẽ làm cho nó tăng tốc. Các làng mạc dọc theo vùng duyên hải Bering và Chukchi đã phải di dời vì bờ biển bị xói lở và đất săn bắn bị mất. Hiện tượng tái bố trí sinh học đang diễn ra. Gấu và cáo Bắc cực đang di cư, hải mã cạnh tranh đất sống với nhau, và những bầy cá không biết đến ranh giới lãnh thổ, đang di chuyển về phía bắc, làm cạn kiệt nguồn dự trữ của một số quốc gia nhưng gia tăng nguồn lợi cho một số quốc gia khác. Cá thu và cá tuyết Đại Tây Dương hiện đang xuất hiện trong những lưới đánh cá Bắc cực.
Ảnh hưởng của băng tan sẽ không chỉ được cảm nhận ở Bắc cực: các nước ở xa như Maldives, Bangladesh và Hà Lan có nguy cơ lũ lụt cao hơn khi băng tan và mực nước biển dâng cao. Những hiệu ứng nối tiếp này là lý do tại sao Bắc cực là một vấn đề toàn cầu, không chỉ là một vấn đề khu vực.
Có thể thấy rõ ràng từ những hình ảnh vệ tinh là băng ở Bắc cực đang lùi xa dần, khiến cho các tuyến đường biển qua khu vực này dễ dàng hơn trong khoảng thời gian dài hơn của mỗi năm.
Khi băng tan chảy và lãnh nguyên lộ ra, hai điều có khả năng xảy đến sẽ đẩy nhanh quá trình ngả màu xám của chóp băng. Chất thải từ các hoạt động công nghiệp xảy ra không tránh khỏi sẽ tồn đọng lại trên tuyết và băng, tiếp tục làm suy giảm diện tích vùng phản xạ nhiệt của Hành lang Tây Bắc. Mặt đất màu sậm hơn và mặt nước không đóng băng sẽ hấp thụ nhiệt nhiều hơn băng tuyết mà chúng thay thế, do đó làm tăng kích thước của vùng tối màu. Điều này được gọi là hiệu ứng Albedo, và mặc dù có những ảnh hưởng tiêu cực, nó cũng có những điểm tích cực: vùng lãnh nguyên ấm dần sẽ cho phép thực vật tăng trưởng tự nhiên và cây trồng nông nghiệp phát triển mạnh hơn, giúp người dân địa phương tìm được những nguồn thực phẩm mới.
Mặc dù vậy, không có cách nào thoát khỏi viễn cảnh rằng một trong những vùng hoang sơ vĩ đại cuối cùng của thế giới sắp sửa thay đổi. Một số mô hình dự đoán khí hậu cho biết rằng đến cuối thế kỷ này, Bắc cực sẽ không đóng băng vào mùa hè; có một vài dự đoán rằng việc đó có thể xảy ra sớm hơn nhiều. Điều chắc chắn là, bất kể diễn tiến nhanh chóng và sự thu giảm kịch tính ở mức độ nào, nó đã bắt đầu xảy ra.
Sự tan chảy của chóp băng đã cho phép tàu chở hàng thực hiện hành trình xuyên qua Hành lang Tây Bắc của quần đảo thuộc phần Canada trong vài tuần mùa hè mỗi năm, do đó rút ngắn thời gian ít nhất một tuần cho việc vận chuyển từ châu Âu sang Trung Quốc. Chuyến tàu hàng đầu tiên không cần tàu phá băng hộ tống đã đi qua trong năm 2014. Nunavik chở hai mươi ba ngàn tấn quặng nickel từ Canada đến Trung Quốc. Tuyến đường Bắc cực ngắn hơn 40% và đi qua vùng nước sâu hơn tuyến kênh đào Panama. Điều này cho phép tàu bè chở hàng hóa nhiều hơn, tiết kiệm được hàng chục ngàn đô la chi phí nhiên liệu và giảm một ngàn ba trăm tấn lượng khí thải nhà kính của tàu bè. Đến năm 2040, tuyến đường này dự kiến sẽ mở hai tháng mỗi năm, làm biến đổi các tuyến liên kết thương mại trên khắp “Vùng cận Cực Bắc” và gây ra các hiệu ứng dây chuyền với các tuyến đường ở xa như Ai Cập và Panama, cụ thể là ảnh hưởng đến doanh thu mà các nước này được hưởng từ kênh đào Suez và Panama.
Tuyến đường Bắc-Đông, hoặc tuyến biển Bắc như người Nga gọi nó, bao bọc bờ biển Siberia, hiện cũng mở cửa vài tháng mỗi năm và đang trở thành một tuyến đường biển ngày càng sôi động.
Băng tan chảy làm lộ ra những nguồn của cải tiềm tàng khác. Người ta cho rằng số lượng lớn khí đốt tự nhiên và trữ lượng dầu mỏ chưa được khai thác hẳn là nằm tại Bắc cực trong các khu vực hiện nay có thể tiếp cận được. Trong năm 2008, Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ ước tính trữ lượng bốn mươi hai nghìn tỉ mét khối khí tự nhiên, bốn mươi tư tỉ thùng khí đốt hóa lỏng tự nhiên và chín mươi tỉ thùng dầu thô có tại Bắc cực, phần lớn nằm ngoài khơi. Khi nhiều vùng Bắc cực trở nên dễ tiếp cận hơn, các trữ lượng vàng, kẽm, nickel và sắt cũng được phát hiện thêm tại từng vùng của Bắc cực.
ExxonMobil, Shell và Rosneft thuộc nhóm những gã khổng lồ trong ngành năng lượng đang xin cấp giấy phép và bắt đầu khoan thăm dò. Các quốc gia và công ty chuẩn bị nỗ lực để khai thác được những của cải đó sẽ phải đối phó với một bầu khí hậu mà phần lớn thời gian trong năm là những đêm dài vô tận, biển đóng băng ở độ sâu hơn hai mét và nơi đây, khi mặt nước lộ ra, sóng có thể cao tới mười hai mét.
Đó sẽ là công việc bẩn thỉu, khó khăn và nguy hiểm, đặc biệt đối với bất cứ ai hy vọng hoạt động quanh năm. Công việc đó cũng đòi hỏi sự đầu tư lớn. Ở nhiều nơi sẽ không thể đặt các đường ống dẫn khí, và việc xây dựng cơ sở hạ tầng hóa lỏng khí đốt phức hợp trên mặt biển, đặc biệt trong điều kiện khó khăn, là rất tốn kém. Tuy nhiên, lợi ích tài chính và chiến lược đạt được đồng nghĩa với việc những tay chơi lớn sẽ cố gắng tuyên bố chủ quyền trên vùng lãnh thổ Bắc cực và bắt đầu khoan thăm dò, và những hậu quả tiềm ẩn về môi trường không thể ngăn trở họ.
Những tuyên bố chủ quyền không dựa trên lá cờ của những nhà thám hiểm đầu tiên mà dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Công ước khẳng định rằng một quốc gia đã ký kết Công ước có chủ quyền kinh tế từ bờ biển nước sở tại cho tới giới hạn hai trăm hải lý (trừ phi giới hạn này xung đột với giới hạn của một quốc gia khác), và có thể tuyên bố đó là Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Do vậy, dầu và khí đốt trong khu vực này được coi là thuộc về quốc gia đó. Trong một số trường hợp nhất định và tùy thuộc các bằng chứng khoa học liên quan đến thềm lục địa của một quốc gia, quốc gia đó có thể áp dụng việc mở rộng EEZ đến 350 hải lý tính từ bờ biển của mình.
Sự tan chảy của băng Bắc cực đang mang đến một thái độ cứng rắn hơn từ tám thành viên của Hội đồng Bắc cực, diễn đàn nơi mà địa chính trị trở thành địa chính trị vùng cực.
“Ngũ quốc Bắc cực” (Arctic Five), năm quốc gia có biên giới trên Bắc Băng Dương, là Canada, Nga, Hoa Kỳ, Na Uy và Đan Mạch (do trách nhiệm của nước này đối với Greenland). Iceland, Phần Lan và Thụy Điển cũng tham gia với tư cách thành viên đầy đủ. Mười hai quốc gia khác có tư cách quan sát viên thường trực đã công nhận “chủ quyền và quyền tài phán của các nước Bắc cực” trong khu vực, cùng với các tiêu chí khác. Ví dụ, tại Hội đồng Bắc cực 2013, Nhật Bản và Ấn Độ là hai nước đã tài trợ cho các cuộc thám hiểm khoa học Bắc cực, còn Trung Quốc, có cơ sở nghiên cứu khoa học trên các hòn đảo Na Uy cũng như một tàu phá băng hiện đại, đã được cấp tư cách Quan sát viên.
Tuy nhiên, có những quốc gia không có mặt trong Hội đồng nói rằng họ có mối quan tâm hợp pháp trong khu vực, và vẫn còn nhiều tranh luận rằng theo lý thuyết về “di sản chung của nhân loại”, vấn đề Bắc cực nên được mở rộng cho tất cả mọi quốc gia.
Hiện tại có ít nhất chín tranh chấp pháp lý và tuyên bố chủ quyền ở Bắc Băng Dương, tất cả đều phức tạp về mặt pháp lý và một số có khả năng gây ra những căng thẳng nghiêm trọng giữa các quốc gia. Một trong những tuyên bố ngang ngược nhất đến từ người Nga: Moscow đã cắm xuống tận đáy biển một cột mốc. Trong năm 2007, nước này đã phái hai tàu ngầm có người lái lặn 4.260 mét dưới mặt biển tới đáy của Bắc cực và cắm một ngọn cờ Nga bằng titan chống gỉ như một tuyên bố về tham vọng. Theo như nguồn tin được biết, lá cờ Nga vẫn còn “tung bay” dưới đó cho tới giờ. Một nhóm chuyên gia cố vấn của Nga đẩy vấn đề đi xa hơn bằng cách gợi ý rằng Bắc cực nên được đổi tên. Không cần suy nghĩ nhiều, họ đã đưa ra một cái tên thay thế: “Đại dương Nga” (Russian Ocean).
Ở một chỗ khác, Nga lập luận rằng dải Lomonosov ngoài khơi bờ biển Siberia của nước này là một phần mở rộng của thềm lục địa Siberia, và do đó thuộc chủ quyền của Nga. Đây là một vấn đề đối với các quốc gia khác, vì sự thực là dải Lomonosov kéo dài một mạch cho đến tận Cực Bắc.
Nga và Na Uy đặc biệt vướng mắc ở biển Barents. Na Uy tuyên bố dải Gakkel trên biển Barents là một phần mở rộng của đặc khu kinh tế của nước này, nhưng Nga không chấp nhận điều đó, và họ có tranh chấp cụ thể về quần đảo Svalbard, điểm cực bắc trên Trái đất nơi có một quần thể dân cư sinh sống. Hầu hết các quốc gia và các tổ chức quốc tế đều công nhận các hòn đảo đó thuộc chủ quyền của Na Uy, nhưng đảo lớn nhất, Spitsbergen, có dân di cư Nga ngày càng tăng, sống tụ tập quanh ngành khai thác than ở đó. Các mỏ này không sinh lợi, nhưng cộng đồng Nga tại đó được sử dụng như một công cụ hữu ích trong việc tiếp tục tuyên bố chủ quyền của Moscow trên tất cả quần đảo Svalbard. Đến một thời điểm Nga lựa chọn, họ có thể gây căng thẳng và biện minh cho hành động của mình bằng cách sử dụng các tuyên bố địa chất và “tình hình thực tế” của cụm dân cư Nga.
Na Uy, một quốc gia NATO, biết điều gì đang đến và đã đưa vùng Cận cực Bắc vào chính sách đối ngoại ưu tiên. Lực lượng không quân Na Uy thường xuyên chặn các máy bay chiến đấu Nga tiếp cận biên giới nước này; những căng thẳng gia tăng đã khiến Na Uy di chuyển trung tâm của hoạt động quân sự từ phía nam đất nước lên phía bắc, và đang xây dựng một Tiểu đoàn Bắc cực. Canada đang tăng cường khả năng chiến đấu trong thời tiết lạnh, và Đan Mạch cũng đã phản ứng với màn phô trương cơ bắp của Moscow bằng cách thiết lập một Lực lượng Phản ứng Bắc cực.
Trong khi đó, Nga đang xây dựng một Quân đội Bắc cực. Sáu căn cứ quân sự mới đang được xây dựng đồng thời mở cửa lại một số cơ sở được bảo tồn từ Chiến tranh Lạnh, như trên quần đảo Novosibirsk, và các đường băng đang được cải tạo. Một lực lượng ít nhất sáu ngàn binh sĩ chiến đấu được chuẩn bị sẵn sàng cho khu vực Murmansk và sẽ bao gồm hai lữ đoàn bộ binh cơ giới được trang bị xe trượt tuyết và tàu đệm hơi.
Không phải ngẫu nhiên mà Murmansk hiện nay được gọi là “cửa ngõ năng lượng phía bắc của Nga” và Tổng thống Putin đã có phát biểu liên quan đến nguồn năng lượng rằng, “Các mỏ ngoài khơi, đặc biệt là ở Bắc cực, sẽ chẳng quá lời khi nói rằng đây là nguồn dự trữ chiến lược của chúng ta cho thế kỷ 21.”
Lữ đoàn Murmansk sẽ là lực lượng Bắc cực thường trực tối thiểu của Moscow, nhưng Nga đã chứng minh khả năng chiến đấu trong thời tiết lạnh vào năm 2014 với một trận diễn tập bao gồm 155.000 binh sĩ và hàng ngàn xe tăng, máy bay phản lực và tàu chiến. Bộ Quốc phòng Nga cho biết nó lớn hơn các cuộc diễn tập từng thực hiện trong Chiến tranh Lạnh.
Trong trò chơi chiến tranh này, quân đội Nga được giao nhiệm vụ đẩy lùi cuộc xâm lược của một cường quốc nước ngoài có tên là “Missouri”, đích thị là chỉ Hoa Kỳ. Kịch bản nói rằng quân đội Missouri đổ bộ vào Chukotka, Kamchatka, quần đảo Kuril và Sakhalin để hỗ trợ cho một lực lượng châu Á không được nêu tên đã đụng độ với Nga. Lực lượng vô danh đó là Nhật Bản, và theo kịch bản, cuộc xung đột bị kích động bởi một tranh chấp lãnh thổ được các nhà phân tích cho rằng liên quan đến quần đảo Nam Kuril. Việc phô trương ý định bằng quân sự sau đó đã được nhấn mạnh bằng chính trị khi Tổng thống Putin lần đầu tiên đưa khu vực Bắc cực vào không gian ảnh hưởng của Nga trong học thuyết chính sách đối ngoại chính thức của nước này.
Bất chấp sức mạnh kinh tế của Nga đang giảm sút, dẫn đến cắt giảm ngân sách ở nhiều cơ quan chính phủ, ngân sách quốc phòng của nước này vẫn tăng và một phần là để chi trả cho việc tăng cường sức mạnh quân sự Bắc cực diễn ra từ nay đến năm 2020. Moscow đã có kế hoạch cho tương lai, có sẵn cơ sở hạ tầng từ quá khứ và lợi thế về vị trí. Như Melissa Bert, một chỉ huy lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ (US Coast Guard), nói với Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington DC: “Họ có các thành phố ở Bắc cực, chúng ta chỉ có làng mạc.”
Tất cả điều này, theo nhiều cách, là sự tiếp tục hoặc ít nhất là sự phục hồi của các chính sách Bắc cực trong Chiến tranh Lạnh của Nga. Nga biết rằng NATO có thể bóp nghẹt Hạm đội Baltic của họ bằng cách phong tỏa eo biển Skagerrak. Khả năng phong tỏa tiềm tàng này càng phức tạp bởi thực tế là Hạm đội biển Bắc của Nga tại Bắc cực chỉ có được một trăm tám mươi dặm nước không đóng băng tính từ đường bờ biển Kola cho đến chóp băng Bắc cực. Từ hành lang hẹp này, Nga phải vượt biển Na Uy và sau đó ngang qua bàn tay sắt tiềm tàng nơi khoảng trống GIUK (Greenland, Iceland và Anh) để đến Đại Tây Dương.
Trong Chiến tranh Lạnh, khu vực này được NATO biết đến như một “Sát Khu” (Kill Zone), vì đây là nơi các máy bay, tàu chiến và tàu ngầm của NATO dự tính sẽ tóm được hạm đội Liên Xô.
Ta tua nhanh thời gian để tiến tới cuộc Chiến tranh Lạnh mới với các chiến lược vẫn được giữ nguyên như cũ, ngay cả nếu hiện nay Hoa Kỳ đã rút quân khỏi Iceland, đồng minh NATO của họ. Iceland không có lực lượng vũ trang của riêng mình và việc Hoa Kỳ rút quân được chính phủ Iceland mô tả là “tầm nhìn thiển cận”. Trong một bài phát biểu tại Hội đồng Đại Tây Dương Thụy Điển, bộ trưởng Tư pháp Iceland Bjorn Bjamason cho biết: “Một sự hiện diện quân sự nhất định cần được duy trì trong khu vực, nhằm gửi đi tín hiệu về lợi ích và tham vọng của một quốc gia trong một khu vực nhất định, vì một khoảng trống quân sự có thể bị hiểu lầm là sự thiếu vắng lợi ích quốc gia và quyền ưu tiên quốc gia.”
Tuy nhiên, chí ít là hơn một thập niên nay, Bắc cực rõ ràng là một ưu tiên đối với Nga không cùng một cách như đối với Hoa Kỳ. Điều này được phản ánh ở mức độ quan tâm của cả hai nước đối với khu vực này, hoặc trong trường hợp của Hoa Kỳ, sự tương đối thiếu quan tâm của nước này kể từ khi Liên bang Xô viết sụp đổ.
Phải mất tới một tỉ đô la và mười năm để đóng một chiếc tàu phá băng. Nga rõ ràng là lực lượng Bắc cực hàng đầu với đội tàu phá băng lớn nhất thế giới, tổng cộng ba mươi hai chiếc, theo tạp chí Tuần duyên Hoa Kỳ năm 2013. Sáu chiếc trong số đó chạy bằng năng lượng hạt nhân, là phiên bản duy nhất trên toàn cầu, và Nga cũng có kế hoạch tung ra chiếc tàu phá băng mạnh nhất thế giới vào năm 2018. Nó sẽ có khả năng phá tan mặt băng dày hơn ba mét và kéo tàu chở dầu với trọng lượng lên đến bảy mươi ngàn tấn qua các cánh đồng băng.
Ở chiều ngược lại, Hoa Kỳ chỉ có một hạm đội gồm một tàu phá băng hạng nặng còn đang hoạt động được, tàu USS Polar Star, giảm từ tám chiếc mà nước này sở hữu trong thập niên 1960, và không có kế hoạch đóng thêm một con tàu nào khác. Năm 2012, Hoa Kỳ phải nhờ cậy một tàu phá băng Nga để tiếp tế cho cơ sở nghiên cứu của họ ở Nam cực, đó là một thắng lợi của sự hợp tác hai siêu cường, nhưng đồng thời là một biểu hiện về sự tụt hậu của Hoa Kỳ. Không có quốc gia nào khác lại không thể hiện một thách thức: Canada có sáu tàu phá băng và đang đóng một chiếc mới, Phần Lan có tám, Thụy Điển bảy và Đan Mạch bốn. Trung Quốc, Đức và Na Uy mỗi nước một chiếc.
Mùa thu năm 2015, Tổng thống Obama đã thực hiện chuyến đi đầu tiên của một tổng thống đương nhiệm tới Alaska và đã kêu gọi đóng thêm nhiều tàu phá băng của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đây gần như là một nhận xét thoảng qua trong một chuyến đi được hoạch định xung quanh vấn đề biến đổi khí hậu. Các khía cạnh an ninh và năng lượng của Bắc cực hầu như không được đề cập. Washington DC vẫn còn tụt hậu so với tình hình chung, một điều mà cuộc bầu cử chọn ra Tổng thống Trump cũng không làm thay đổi.
Hoa Kỳ có một vấn đề khác. Nước này đã không phê chuẩn hiệp ước UNCLOS, do đó trên thực tế họ đang nhường lại hai trăm ngàn dặm vuông lãnh thổ dưới đáy biển thuộc Bắc cực, vì họ đã không tuyên bố chủ quyền cho một EEZ (Vùng đặc quyền kinh tế).
Tuy nhiên, Hoa Kỳ đang tranh chấp với Canada về quyền khai thác tiềm năng dầu mỏ ngoài khơi và quyền tiếp cận với các vùng biển trong quần đảo Canada. Canada nói rằng chúng là “tuyến đường thủy nội địa”, trong khi Hoa Kỳ nói rằng chúng là một eo biển thuộc tuyến giao thông quốc tế không chịu chi phối bởi luật pháp Canada. Năm 1985, Hoa Kỳ đã phái một chiếc tàu phá băng đi qua vùng biển mà không báo trước cho Canada, gây ra một cuộc cãi cọ dữ dội giữa hai nước láng giềng, khiến mối quan hệ của họ vừa thân thiện đồng thời vừa hờn dỗi.
Hoa Kỳ cũng đang tranh chấp với Nga về biển Bering, Bắc Băng Dương và Bắc Thái Bình Dương. Hiệp định Hải giới năm 1990 đã được ký kết với Liên Xô, trong đó Moscow nhượng lại một khu vực đánh cá. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã, Quốc hội Nga từ chối phê chuẩn thỏa thuận. Khu vực này được cả hai bên coi như chủ quyền của Hoa Kỳ, nhưng người Nga vẫn bảo lưu quyền được bàn lại vấn đề này.
Các tranh chấp khác bao gồm cả tranh chấp giữa Canada và Đan Mạch trên đảo Hans, nằm tại eo biển Nares, phân chia Greenland với đảo Ellesmere.
Greenland, với dân số năm mươi sáu ngàn người, có chính phủ tự trị nhưng vẫn thuộc chủ quyền Đan Mạch. Một thỏa thuận năm 1953 giữa Đan Mạch và Canada bỏ lại hòn đảo trong tình trạng tranh chấp, và kể từ đó, cả hai nước đã bỏ công sức dong buồm tới hòn đảo để cắm quốc kỳ của mình lên đó.
Tất cả các vấn đề chủ quyền đều bắt nguồn từ những ham muốn và sợ hãi tương tự nhau - mong muốn đảm bảo các tuyến vận chuyển quân sự và thương mại, mong muốn sở hữu của cải thiên nhiên của khu vực, và lo sợ rằng những người khác có thể đoạt được thứ mà mình để mất. Cho đến gần đây, những của cải đó vẫn chỉ là trên lý thuyết, nhưng hiện tượng băng tan đã biến lý thuyết thành điều có thể, và trong một số trường hợp thành điều chắc chắn.
Sự tan chảy của băng làm thay đổi địa lý và các khoản đặt cược. Các nước Bắc cực và các công ty năng lượng khổng lồ giờ đây phải quyết định về việc phải đối phó như thế nào với những thay đổi này và phải chú ý đến môi trường và người dân Bắc cực đến mức nào. Sự đói khát năng lượng cho thấy không thể tránh khỏi một cuộc chạy đua trong những diễn tiến mà một số chuyên gia Bắc cực gọi là “Ván bài Vĩ đại Mới”. Sẽ có nhiều con tàu hơn xuất hiện trong vùng cận Bắc cực, nhiều giàn khoan dầu và giàn khoan khí đốt hơn - thực tế, tất cả mọi thứ sẽ nhiều hơn. Người Nga không chỉ có các tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân, mà còn xem xét xây dựng một nhà máy điện hạt nhân nổi có khả năng chịu được sức chèn ép của ba mét băng.
Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa tình huống này với “Cuộc chạy đua giành châu Phi” ở thế kỷ 19, hoặc những mưu đồ của các cường quốc lớn ở Trung Đông, Ấn Độ và Afghanistan trong Ván bài Vĩ đại xưa kia. Cuộc đua lần này có các quy tắc, một công thức và một diễn đàn để ra quyết định. Hội đồng Bắc cực bao gồm các quốc gia trưởng thành, hầu hết trong số đó đều có nền dân chủ ở một mức độ nào đó, dù cao hay thấp. Luật pháp quốc tế quy định các tranh chấp lãnh thổ, nạn ô nhiễm môi trường, luật hàng hải và chính sách đối xử với các dân tộc thiểu số được thực hiện như thế nào. Hầu hết lãnh thổ đang bị tranh chấp này chưa từng bị chinh phục bởi chủ nghĩa đế quốc thế kỷ 19 hoặc bởi các quốc gia trong cuộc chiến tranh đoạt lẫn nhau.
Các nước Bắc cực biết rằng đó là một khu vực khó nhằn, không chỉ vì các phe phái giành giật, mà vì những thách thức mà địa lý của nó mang lại. Có năm triệu rưỡi dặm vuông đại dương tại Bắc cực; chúng có thể tăm tối, nguy hiểm chết người. Đó không phải là một nơi dễ chịu để có thể không cần đến bạn bè. Họ biết rằng bất cứ nước nào để thành công trong khu vực cũng sẽ cần đến sự hợp tác, đặc biệt là trong các vấn đề như trữ lượng đánh bắt cá, buôn lậu, khủng bố, tìm kiếm - cứu nạn và thảm họa môi trường.
Điều rất có thể xảy ra là một cuộc tranh cãi về quyền khai thác có thể leo thang thành một sự kiện nghiêm trọng hơn, chiếu theo việc Vương quốc Anh và Iceland gần như đã đụng độ nhau trong “Cuộc chiến Cá tuyết” vào các năm 1950 và 1970. Việc buôn lậu xảy ra ở bất cứ nơi nào có các tuyến đường vận chuyển, và không có lý do gì để tin rằng Bắc cực sẽ khác; nhưng việc kiểm soát khu vực này sẽ rất khó khăn do các điều kiện môi trường ở đó. Khi càng nhiều tàu thương mại và tàu du lịch tiến vào khu vực, khả năng tìm kiếm, cứu nạn và chống khủng bố của các quốc gia Bắc cực sẽ cần được phát triển phù hợp, cũng như khả năng phản ứng với thảm họa môi trường trong vùng nước đang ngày càng chật chội đông đúc. Năm 1965, tàu phá băng Lenin đã gặp nạn với lò phản ứng hạt nhân của nó trong khi đang vượt biển. Sau khi trở về bờ, các bộ phận của lò phản ứng đã được cắt ra và, cùng với nhiên liệu bị hư hỏng, được đặt trong một bể chứa bê tông với một lớp lót bằng thép mà sau đó được ném xuống biển. Những sự cố như vậy có thể xảy ra thường xuyên hơn khi Bắc cực mở rộng cửa, và chúng vẫn sẽ tiếp tục khó quản lý.
Có lẽ Bắc cực hóa ra chỉ là một chiến trường khác cho các quốc gia - rốt cuộc thì các cuộc chiến tranh được bắt đầu bởi nỗi sợ hãi đối với kẻ khác cũng như bởi sự tham lam; nhưng Bắc cực thì khác, và vì vậy có lẽ cách nó được xử lý cũng sẽ khác. Lịch sử của chúng ta đã cho thấy cách cư xử tham tàn của trò chơi Tổng bằng Không (zero-sum game). Có thể lập luận rằng, niềm tin phần nào vào quyết định luận địa lý, cùng với bản tính con người, đã khiến cho bất kỳ cách ứng xử nào khác càng trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, có những ví dụ về việc công nghệ đã giúp chúng ta thoát khỏi nhà tù địa lý như thế nào. Ví dụ, chúng ta có thể vượt qua sa mạc và biển cả với tốc độ mà các thế hệ trước không thể tưởng tượng được. Chúng ta thậm chí đã phá vỡ gông cùm của trọng lực Trái đất. Trong thế giới toàn cầu hóa mới, chúng ta có thể sử dụng công nghệ đó để đem lại cho chúng ta một cơ hội ở Bắc cực. Chúng ta có thể vượt qua khía cạnh tham lam của bản tính con người, và chơi Ván bài Vĩ đại một cách đúng đắn vì lợi ích của tất cả mọi người.
Kết Luận
Chúng ta đã kết thúc tại chóp đỉnh của thế giới và vì vậy cách duy nhất là đi lên.
Biên giới cuối cùng luôn luôn kêu gọi trí tưởng tượng của chúng ta, nhưng hiện giờ là thời đại mà nhân loại đã hiện thực hóa giấc mơ và vươn vào không gian, một bước tiến vỏn vẹn một milimét vào cái vô hạn, trên con đường đến tương lai. Tinh thần không ngơi nghỉ của nhân loại đảm bảo rằng ranh giới của chúng ta không bị hạn chế trong phạm vi của vật thể mà Carl Sagan gọi là “Đốm Xanh Mờ”.
Nhưng chúng ta phải trở lộn lại Trái đất, đôi khi bằng một cú va mạnh, bởi vì chúng ta chưa chinh phục được địa lý, cũng chưa hề có ý hướng đua tranh với nó.
Địa lý vẫn luôn luôn là một loại nhà tù - một nhà tù quy định một quốc gia là hoặc có thể là gì, và một nhà tù mà các nhà lãnh đạo thế giới thường phải vật lộn để thoát ra.
Nước Nga có lẽ là ví dụ rõ ràng nhất, với lãnh thổ tự nhiên trải rộng từ vùng bình nguyên nhỏ hẹp mà nước này kiểm soát cho đến dải đất trung tâm bao phủ một không gian rộng lớn được bao quanh chủ yếu bởi núi non và biển cả - chỉ với một điểm dễ bị xâm nhập từ bên kia Đồng bằng Bắc Âu. Nếu các nhà lãnh đạo nước Nga muốn xây dựng một quốc gia vĩ đại, vốn là điều họ từng mong muốn, thì họ có rất ít sự lựa chọn về việc phải làm gì với vị trí yếu kém đó. Cũng vậy, tại châu Âu không có quyết định tỉnh táo nào được đưa ra để hòng trở thành một khu vực mậu dịch khổng lồ; các mạng lưới sông ngòi dài, phẳng lặng đã khiến điều đó trở nên khả thi, và trở nên tất yếu ở một mức nào đó, trải suốt hàng thiên niên kỷ.
Tiến vào thế kỷ 21, các nhân tố địa lý vốn đã góp phần quy định lịch sử hầu hết sẽ tiếp tục quy định tương lai của chúng ta: một thế kỷ nữa kể từ bây giờ, nước Nga vẫn sẽ lo âu dõi mắt về phía tây, nhìn sang một dải đất vẫn là bình nguyên. Ấn Độ và Trung Quốc vẫn sẽ bị cách ngăn bởi dãy Himalaya. Rốt cuộc thì họ cũng có thể xung đột với nhau, nhưng nếu điều đó xảy ra, thì địa lý sẽ quy định bản chất của cuộc chiến đó: họ sẽ cần phải phát triển công nghệ để có thể đưa một lực lượng quân sự khổng lồ băng qua vùng núi non, hoặc nếu điều đó vẫn chưa khả thi và không bên nào muốn lâm vào chiến tranh hạt nhân, họ sẽ đối đầu với nhau trên biển. Florida sẽ tiếp tục canh giữ lối ra vào vịnh Mexico. Chính vị trí địa lý của vịnh này mới giữ vai trò then chốt, chứ không phải vấn đề ai là người kiểm soát nó. Thử đặt ra một kịch bản cực đoan và khó xảy ra: hãy tưởng tượng đa số người dân Florida gốc Tây Ban Nha ly khai khỏi Hoa Kỳ và kết thân với Cuba và Mexico. Hẳn nhiên điều này sẽ chỉ làm thay đổi động thái của vấn đề thế lực nào sẽ kiểm soát vịnh, chứ không phải tầm quan trọng của địa điểm đó.
Tất nhiên, địa lý không quyết định tiến trình của tất cả các sự kiện. Những ý tưởng vĩ đại và các nhà lãnh đạo vĩ đại là một phần trong lực xô đẩy của lịch sử. Nhưng họ tất thảy phải hoạt động trong phạm vi của địa lý. Các nhà lãnh đạo Bangladesh có thể mơ mộng về việc ngăn chặn nước lũ dâng lên ở vịnh Bengal, nhưng họ biết rằng 80% xứ sở đó nằm trên một đồng bằng ngập nước và không thể chuyển dời. Đó là luận điểm mà vị thủ lĩnh của xứ Scandinavia và Anh, King Canute, đã đưa ra để nhắc nhở các triều thần nịnh bợ của ông vào thế kỷ 11, khi ra lệnh cho những con sóng rút lui: thiên nhiên, hay Thượng đế, mạnh hơn bất kỳ con người nào. Tại Bangladesh, tất cả những gì con người có thể làm là thích ứng với những thực trạng của thiên nhiên: xây dựng nhiều phòng tuyến chống lũ lụt hơn, và hy vọng rằng sự mô phỏng trên máy tính về các đợt nước dâng do hiện tượng nóng lên toàn cầu chỉ là thứ phóng đại.
Những thực trạng địa lý mới chẳng hạn như biến đổi khí hậu phô bày những cơ hội và thách thức mới. Hiện tượng nóng lên toàn cầu rất có thể dẫn đến sự di cư ồ ạt của con người. Nếu quả thực định mệnh đã an bài cho Maldives và nhiều hòn đảo khác phải chìm khuất trong sóng nước, tác động đó sẽ không chỉ ảnh hưởng lên những người kịp ra đi trước khi quá muộn, mà còn ảnh hưởng đến cả các quốc gia mà họ đến tị nạn. Nếu vấn đề lũ lụt ở Bangladesh trở nên trầm trọng hơn, tương lai của xứ sở đó và 160 triệu con người sẽ vô cùng thê thảm; nếu mực nước dâng cao hơn nhiều, đất nước nghèo khó này có thể sẽ biến mất. Và nếu hiện tượng sa mạc hóa các dải đất phía nam Sahel tiếp diễn, khi đó các cuộc chiến như ở Darfur và Sudan (một phần gây ra bởi sa mạc xâm lấn nơi sinh sống của các bộ tộc du mục ở phía bắc, do đó đẩy họ di chuyển xuống vùng của người Fur ở phía nam) sẽ dữ dội và lan rộng hơn.
Chiến tranh nguồn nước là một vấn đề tiềm tàng. Ngay cho dù các nền dân chủ ổn định xuất hiện ở Trung Đông trong những thập niên tới, nếu nguồn nước của sông Murat, khởi nguồn ở Thổ Nhĩ Kỳ trước khi đổ vào sông Euphrates, giảm đi đáng kể, thì những con đập mà Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải xây dựng để bảo vệ nguồn sinh sống của nó có thể sẽ dễ dàng trở thành nguyên nhân cho cuộc chiến với Syria và Iraq ở vùng hạ lưu.
Nhìn xa hơn về phía trước, khi chúng ta tiếp tục bứt phá khỏi nhà tù địa lý của mình để vươn vào vũ trụ, các cuộc đấu đá chính trị vẫn sẽ tồn tại trong không gian, ít nhất là trong tương lai gần.
Nhân loại lần đầu tiên tiến vào lớp trên cùng của tầng bình lưu vào năm 1961 khi phi hành gia Liên Xô hai mươi bảy tuổi Yuri Gagarin bay vào vũ trụ trên con tàu Vostok 1. Nhưng sự việc một người Nga khác là Kalashnikov, người chế tạo khẩu AK-47, thậm chí còn nổi danh hơn gợi nên một nỗi buồn về nhân sinh.
Gagarin, Buzz Aldrin và nhiều người khác là hậu duệ của Marco Polo và Christopher Columbus, những con người tiên phong đã mở đường vượt qua những ranh giới và thay đổi thế giới theo những cách thức mà sinh thời họ không thể tưởng tượng nổi. Cho dù thay đổi tốt hơn hay tệ hơn, thì đó không phải là vấn đề; họ đã khám phá ra những cơ hội mới và những không gian mới trong đó con người sẽ đua tranh để tận dụng tối đa những gì thiên nhiên đã đặt để ở đó. Trong không gian vũ trụ cũng vậy, sẽ phải trải qua nhiều thế hệ chúng ta mới cắm được những lá cờ của mình, “chinh phục” lãnh thổ, tuyên bố chủ quyền và vượt qua những rào cản mà vũ trụ đặt trên con đường chúng ta đi.
Hiện tại có khoảng 1.100 vệ tinh đang hoạt động trong không gian và ít nhất 2.000 vệ tinh không hoạt động. Nga và Hoa Kỳ phóng lên khoảng 2.400 vệ tinh trong tổng số đó, khoảng 100 vệ tinh là của Nhật Bản và một số lượng tương tự đến từ Trung Quốc, tiếp theo là một loạt các quốc gia khác với số lượng ít hơn rất nhiều. Bên dưới chúng là các trạm không gian, nơi lần đầu tiên con người sống và làm việc lâu dài bên ngoài phạm vi tác động của trọng lực trái đất. Xa hơn nữa, ít nhất năm lá cờ Hoa Kỳ được cho là vẫn đứng yên trên bề mặt của Mặt trăng, và còn xa hơn nữa, nhiều máy móc của chúng ta đã vượt qua sao Hỏa và sao Mộc, một số tiến xa hơn, vượt qua phạm vi của tất cả những gì chúng ta có thể thấy được và đang cố tìm hiểu.
Thật cám dỗ để nghĩ về những nỗ lực của chúng ta trong không gian như đang kết nối nhân loại với một tương lai chung và hợp tác. Nhưng trước tiên vẫn sẽ tiếp tục diễn ra sự cạnh tranh để giành quyền bá chủ trong không gian vũ trụ. Các vệ tinh không chỉ có mặt ở đó để truyền tín hiệu hình ảnh tới chiếc TV của chúng ta, hoặc để dự đoán thời tiết: chúng cũng do thám các nước khác, để xem ai đang có động thái nào ở đâu và về chuyện gì. Ngoài ra, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã bước vào phát triển công nghệ laser, có thể được sử dụng làm vũ khí, và cả hai nước đều tìm cách đảm bảo rằng họ có một hệ thống tên lửa có thể hoạt động trong không gian và vô hiệu hóa tên lửa của đối thủ cạnh tranh. Nhiều quốc gia có nền công nghệ tiên tiến hiện đang chuẩn bị mọi thứ để phòng khi cần phải chiến đấu trong không gian.
Khi chúng ta đang vươn tới những vì sao, những thách thức đặt ra phía trước là những thách thức mà chúng ta có lẽ sẽ phải chung tay để ứng phó: du hành vào vũ trụ không phải với tư cách người Nga, người Trung Quốc hay người Mỹ, mà là những đại diện của nhân loại. Nhưng cho đến nay, mặc dù đã thoát khỏi sự kìm hãm của trọng lực, chúng ta vẫn đang bị giam cầm trong tâm trí của chính mình, bị giới hạn bởi sự nghi ngờ của mình về “kẻ khác”, và do đó bởi cuộc cạnh tranh nguyên thủy về tài nguyên. Phía trước chúng ta còn cả một chặng đường dài.