Nỗi lòng (Kokoro) - Phần 1 - Chương 23

23

Để cho thầy tôi đỡ buồn chán tôi thường đánh cờ với ông. Từ bản tính cả hai cha con tôi đều lừ đừ lười biếng nên chúng tôi thường ngồi trên nền nhà kéo một tấm nệm lớn phủ lên lò sưởi chân, lấy một tấm chăn cùng đắp chung lên chân và che kín thân mình cả hai cha con từ ngang lưng trở xuống. Sau đó, chúng tôi đem bàn cờ tướng đặt giữa hai người trên khung lò sưởi. Sau mỗi lần đi một quân cờ, cha con tôi đều lại luồn tay xuống dưới tấm chăn nhất định không chịu vì chơi cờ mà để mất thoải mái. Đôi khi đánh rơi mất một quân tốt mà cả hai cha con chẳng ai hay, cứ tiếp tục ván cờ cho đến lúc phân rõ được thua. Buồn cười hơn nữa là hai cha con cứ mải mê ván cờ đến nỗi có lần mẹ tôi tìm thấy cả quân cờ rơi trên đám tro than lò sưởi và phải lấy cái que gời than mà gắp ra.

"Chơi cờ tướng có cái thú là mình cứ ngồi thoải mái như thế này mà chơi!" Có lần tôi bảo vậy. "Đây là trò chơi lý tưởng cho những người lừ đừ như thầy con mình, chỉ có điều khó chịu là bàn cờ quá cao, cả chân bàn cũng cao nữa, khiến mình khó có thể kê cho vừa khít lên lò sưởi chân đặt giữa hai người. Thế nào, ta làm một ván nữa chứ!"

Dù được hay thua, bao giờ thầy tôi cũng muốn đánh thêm ván cờ nữa. Hình như chẳng bao giờ ông thấy chán cả. Mới đầu, tôi cũng thích đánh cờ với ông, đấy là một kinh nghiệm mới mẻ đối với tôi trong việc tìm cách qua ngày đoạn tháng - làm như thể tôi là một ông già về ở ẩn vậy. Nhưng dần dần tôi không còn cảm thấy vui thích như trước nữa và tôi đâm ra chán ngắt chán ngơ cái cảnh ngồi ì một chỗ, gác chân lên lò sưởi mà đánh cờ. Cái trò này không đủ sức kích thích một người trai trẻ tràn trề sức sống như tôi. Đã lắm phen, ngay giữa ván cờ tôi thấy mỏi mệt chán chường đến độ cứ ngáp ngắn ngáp dài tưởng sái cả quai hàm.

Tôi nghĩ đến những sự việc ở Tokyo. Và tôi tưởng chừng cứ mỗi nhịp tim đập lại là một hồi trống giục cổ động, thôi thúc tôi hoạt động. Tôi cảm thấy một trạng thái ý thức thật là lạ lùng; cứ mỗi lần nghe nhịp tim đập rộn như thế là tôi lại tưởng chừng như có Tiên Sinh đứng ngay bên cạnh, khuyến khích tôi đứng dậy, ra đi.

Tôi so sánh thầy tôi với Tiên Sinh. Cả hai người đều muốn ẩn mình tránh né con mắt của thế gian. Thực thế, cả hai người đều lặng lẽ âm thầm, thích ẩn náu đến độ so với những người khác trên đời cả hai đều như đã chết nhưng tự bao giờ. Đối với người ngoài, cả hai ông đều là những con số không thực là trọn vẹn. Tuy nhiên trong khi ông bố thích chơi cờ của tôi chẳng thể nào làm cho tôi vui thú thì ngược lại, Tiên Sinh người mà tôi tìm đến để làm quen không phải chỉ vì thú vui - lại là người đem đến cho đầu óc tôi những niềm hoan lạc to tát hơn nhiều. Có lẽ là tôi chẳng nên dùng mấy tiếng "đầu óc", nghe có vẻ lạnh lùng quá đi. Thay vì thế, lẽ ra dùng tiếng "lòng dạ" thì hơn. Quả thực, có lẽ đối với tôi lúc ấy, chẳng phải là nói quá lời khi bảo rằng sức mạnh của Tiên Sinh đã ăn sâu vào da thịt tôi và chính sức sống của ông đang trào tuôn trong các mạch máu của tôi vậy. Nhìn thấy sự thực rành rành trước mắt này, tôi mới bắt đầu kinh ngạc sững sờ: Há tôi chẳng phải là máu mủ của chính cha tôi hay sao mà lại quyến luyến Tiên Sinh hơn là quyến luyến cha tôi thế nhỉ?

Đúng vào lúc tôi bắt đầu cảm thấy bồn chồn, bực bội thì cha mẹ tôi cũng bắt đầu thấy tôi ở nhà mãi cũng chán. Niềm vui mừng nôn nao lúc tôi mới về nhà bây giờ đang phai nhạt dần dần. Tất cả những ai trở về nghỉ hè tại nhà sau một thời gian vắng mặt lâu dài, có lẽ đều trải qua cái kinh nghiệm như tôi vậy. Trong tuần lễ đầu và có lẽ hơnuần lễ nữa, thì náo nức xôn xao bằng thích nhưng khi cơn háo hức đầu tiên đã qua rồi, mọi người dần dần bắt đầu lạnh nhạt với mình đi. Việc tôi về nghỉ nhà đã qua giai đoạn náo nức cực kì mất rồi. Hơn nữa cứ mỗi lần về nhà, tôi lại mang theo thêm một chút hơi hướng của Tokyo - cái mà cả cha lẫn mẹ tôi đều không sao hiểu và không sao ưa nổi. Thật chẳng khác gì lời người ta có thể nói trước đây, y như thể tôi đã đem cái hơi hướng một người theo đạo Ki-tô vào trong nhà một người theo Nho giáo vậy. Dĩ nhiên là tôi cố gắng che giấu tất cả những sự đổi thay mà Tokyo đã gây nên cho con người mình nhưng tôi vẫn không sao mà hòa hợp nổi với cả cha lẫn mẹ. Tokyo đã ở trên một thành phần trong con người tôi và cha mẹ tôi nhận thấy rành rành là tôi thay đổi nhiều. Tôi thấy ở nhà mãi thực chẳng còn thú vị gì, tôi muốn trở lại Tokyo càng sớm càng tốt.

May sao bệnh trạng của thầy tôi hình như vẫn duy trì ở mức độ cũ chứ không trầm trọng hơn chút nào. Để được yên lòng, chúng tôi mời hẳn một người bác sĩ nổi tiếng ở không xa nhà tôi bao nhiêu đến khám bệnh cho thầy tôi thực là thận trọng. Không nhận thấy một triệu chứng gì khác lạ, đáng lo, vị bác sĩ cũng có vẻ an lòng như chúng tôi vậy. Tôi quyết định rời nhà trở lại Tokyo khoảng vài ngày trước khi dịp nghỉ mùa đông chấm dứt. Nghe nói là tôi sắp sửa ra đi, cả cha lẫn mẹ tôi đều tỏ ý phản đối; ấy tình người vẫn cứ có những cái vớ vẩn như thế đấy. Mẹ tôi nói:

"Sao ra đi sớm vậy? Con vừa mới về hôm nào mà!"

"Thầy tưởng thế nào con cũng nán lại thêm bốn, năm hôm nữa." Thầy tôi nói.

Nhưng tôi đã nhất định rồi, khăng khăng không hề đổi ý, chẳng để ai lay chuyển nổi mình.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3