Nỗi lòng (Kokoro)


Trung bình: 8.3 (3 votes)
Tác giả: 
Tình trạng: 
Hoàn (full)

Natsume Soseki viết Kokoro (Nỗi Lòng) năm 1914, hai năm sau khi vua Minh Trị băng hà và hai năm trước khi chính ông qua đời. Tiểu thuyết này, sáng tác lúc sự nghiệp tác giả đang lừng lẫy, đã đưa tên tuổi ông lên hàng đầu các tiểu thuyết gia Nhật Bản. Cũng như trong những chuyện chính yếu khác của ông. Ở đây, Soseki quan tâm nhiều đến nỗi cô đơn và con người trong thế giới mới, cái thế giới đó chính con người đơn độc của Soseki không tìm thấy chỗ đứng thích hợp, cái thế giới - sau này ở bên Tây phương - thi sĩ T.S Eliot chỉ bắt gặp, chỉ nhìn thấy một lũ người toàn rỗng tuếch, có khối óc mà không có tâm hồn. Trong một tiểu thuyết khác của ông, một nhân vật đã thốt lên: "Làm sao ta có thể tìm ra một lối thoát ngoại trừ đi tu, phát điên hoặc chết?" Đối với Tiên Sinh, nhân vật chính trong Nỗi Lòng, con đường duy nhất để trốn thoát khỏi cảnh cô đơn ấy là sự chết.

Việc Đại tướng Maresuke Nogi (1849-1912) - người đã đánh bại quân Nga năm 1905 ở Port d' Arthur và Moukden - tự vẫn được nhắc đến trong phần II và III của Nỗi Lòng, hiển nhiên mang vài ý nghĩa đối với độc giả; và ý nghĩa ấy sẽ giúp độc giả hiểu cuốn chuyện cùng người viết ra nó. Việc này đã gây xúc động trong tâm hồn của nhân dân Nhật thời đó, Đại tướng Nogi và Đề đốc Togo là những anh hùng lẫm liệt trong cuộc chiến tranh Nga Nhật. Khi còn là một sĩ quan trẻ tuổi, có lần ông đã thất bại trước quân thù ở Satsuma. Ba mươi lăm năm sau, sau khi vua Minh Trị băng hà, ông đã tự vẫn. Ông đã chờ đợi cho đến khi không còn được "phụng thờ" Hoàng Đế nữa, để chuộc lại danh dự của mình. Thái độ trung quân này là nếp sống đặc biệt của dân Nhật. Trong quan niệm riêng, văn sĩ Soseki đã tỏ ra cảm tình đậm nồng với viên tướng này và nhân vật Tiên Sinh của ông cũng có quan niệm tương tự. Cho dẫu thái độ của Soseki về ự là thế nào đi nữa ông vẫn không sao tránh khỏi dù sao mình cũng chỉ là một phần của hoàn cảnh, xã hội, dòng giống, đất nước đã sản xuất ra tướng Nogi. Đó là lý do tại sao trong Nỗi Lòng, khi thời đại Minh Trị cáo chung, Tiên Sinh đã than: "Vào đêm màn tang bao phủ Hoàng cung, tôi ngồi trong phòng văn lắng nghe tiếng súng rền nổ. Đối với tôi, tiếng súng ấy chẳng khác gì lời than khóc cuối cùng một triều đại đang trôi qua."

Kokoro, trong tiếng Việt trí thức nghĩa là Tâm sự và trong tiếng Việt bình dân nghĩa là Nỗi Lòng, được kể theo ngôi thứ nhất. Do vậy, lời văn thật đơn giản. Tuy nhiên - nỗi lòng người kể - một người xuất thân đại học - lại u uẩn não nề hơn nỗi lòng hoang mang của Tú Xương khi

Một mình đứng giữa cõi bơ vơ

Có gặp ai không để đợi chờ...

Hoặc tâm sự bi đát của Nguyễn Du lúc tự hỏi:

Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

Ba trăm năm nữa về sau

Tố Như ai nhỏ lệ sầu khóc thương?

Tháng tám năm 1971

Người dịch

Các bạn vui lòng bình luận bằng tiếng Việt có dấu và không dùng ngôn ngữ @.
Mọi bình luận vi phạm sẽ bị xóa khỏi hệ thống.