Nỗi lòng (Kokoro) - Phần 1 - Chương 25

25

Năm ấy tôi sẽ tốt nghiệp vào tháng sáu và theo khuôn phép thông thường của trường học, tôi sẽ phải viết xong tập luận án vào cuối tháng tư. Đếm số ngày còn lại, tôi bắt đầu thấy nao núng. trong khi các sinh viên khác đang cắm đầu cắm c thu góp tài liệu, soạn thảo, đúc kết thì chỉ có riêng tôi cứ nhởn nhơ nhàn nhã, chưa làm nên việc gì ngoài việc tự hẹn với lòng mình là sẽ quyết tâm bắt đầu luận án vào dịp đầu năm mới. Quả thực tôi có bắt tay vào việc dạo đầu năm đấy nhưng chỉ ít lâu đã thấy đầu óc mình bí đặc chẳng làm ăn được gì. Tôi đã ngớ ngẩn tưởng tượng rằng chỉ cần suy nghĩ lơ mơ về một vấn đề nào đó là đã có thể dựng ngay một cái dàn bài vững chắc và gần như đầy đủ cho bản luận án rồi. Đến khi bắt tay vào việc một cách cẩn thận, tôi mới thấy sự ngây ngô rồ dại của mình và đâm ra thất vọng. Tôi bắt đầu thu hẹp đề tài luận án lại. Và muốn tránh nỗi phiền phức phải trình bày tư tưởng ra sao cho có hệ thống, tôi liền góp nhặt tài liệu từ nhiều cuốn sách khác nhau rồi thêm thắt chút ít cho có phần kết luận thích ứng.

Vấn đề tôi lựa chọn có liên hệ mật thiết đến ngành chuyên môn của Tiên Sinh. Khi tôi hỏi ý kiến Tiên Sinh xem chọn đề tài như thế có được không thì Tiên Sinh bảo cũng được lắm. Tôi đang cuống quýt tít mù lên nên bố nháo bổ nhào đến Tiên Sinh hỏi xem phải tham khảo những cuốn sách nào. Tiên Sinh vui vẻ chỉ dẫn cho tôi tất cả những điều ông hay biết rồi còn cho mượn hai ba cuốn sách cần thiết. Tuy nhiên, Tiên Sinh một mực từ chối nhất quyết không chỉ dẫn gì thêm cho tôi nữa. "Dạo này tôi ít đọc sách, không theo dõi những hiểu biết mới mẻ. Chú nên hỏi các vị giáo sư tại trường cho chắc chắn hơn."

Nghe Tiên Sinh nói vậy, tôi sực nhớ lại lời bà vợ ông có lần bảo tôi rằng trước đây Tiên Sinh là người ham đọc sách lạ thường, nhưng sau khi xảy ra việc ấy thì ông không còn thấy hứng thú trong việc đọc sách nữa. Tạm gác câu chuyện về đề tài luận án sang một bên, tôi chợt hỏi:

"Thưa, vì cơn cớ gì mà Tiên Sinh lại không thích đọc sách như xưa nữa?"

"Chẳng có lý do nào đặc biệt cả... Ừ, mà phải có lẽ vì tôi đã đi đến chỗ quyết định là dù cho có đọc sách nhiều đến đâu đi nữa thì cũng chẳng ích lợi gì, chẳng bao giờ tôi có thể khá hơn con người của mình trong lúc này cả. Vả lại còn..."

"Còn cái gì nữa ạ?"

"Điều này không quan trọng lắm, nhưng nói thực chú hay, trước kia nếu bị người khác bảo là mình chẳng biết gì thì tôi lấy làm xấu hổ lắm. Nhưng dạo này thì khác, tôi thấy chẳng việc gì mà phải xấu hổ khi mình hiểu biết chẳng bằng người ta và chẳng hơi đâu mà cứ ép buộc mình phải đọc sách mãi, thấy thực vô lý làm sao ấy. Tóm tôi đã trở thành già nua, mỏi mệt."

Khi nói những lời này, Tiên Sinh có dáng vẻ rất thản nhiên. Những điều ông nói không làm cho tôi bận tâm mấy có lẽ vì lời nói của ông không có cái giọng điệu cay đắng của một người đã quay lưng lại nhân quần xã hội. Tôi cáo biệt ra về, chẳng nghĩ là Tiên Sinh có vẻ gì già nua, mệt mỏi mà cũng chẳng thấy có điều gì khác lạ đáng cho mình ngạc nhiên hết.

Từ đó trở đi cái luận án cứ ám ảnh tôi mãi, khiến tôi như người bị ma làm, ngày đêm mất hết hồn vía. Tôi cắm đầu chúi mũi vào việc làm, đôi mắt đỏ ngầu như mắt một người điên. Tôi đâm nháo đâm nhào đến nhà những người bạn cùng trường đã tốt nghiệp năm ngoái để hỏi han về đủ mọi vấn đề. Một người cho biết là may mà vớ được chiếc xe kéo phới thẳng đến văn phòng nhà trường, anh ta mới nộp kịp tập luận án trước giờ khóa sổ. Một người khác cho hay là anh ta nộp luận án chậm mất mười lăm phút, đáng lẽ đã không được chấp nhận nếu không nhờ vị giáo sư bảo trợ có hảo ý can thiệp giùm. Những câu chuyện như thế làm cho tôi bồn chồn lo lắng nhưng đồng thời, cũng lại làm cho tôi tin tưởng đôi phần. Mỗi ngày tôi đều cắm đầu cắm cổ làm việc như trâu kéo cày, hết sức dẻo dai và cực nhọc. Lúc nào không ngồi ở bàn viết là tôi lại vùi mình trong thư việc tối om, hối hả lục lọi, mò mẫm nhan đề những cuốn sách bìa cứng, chữ vàng trên những giá sách cao ngất, y như là một tay chuyên môn đi tìm các của lạ vậy.

Những khóm mai bắt đầu trổ hoa rồi, gió lạnh bắt đầu thổi về hướng nam chẳng lúc nào ngừng. Ít lâu sau tôi nghe nói những cây anh đào cũng bắt đầu trổ nụ đâm bông.

Nhưng tôi chẳng có thì giờ đâu mà nghĩ đến hoa, cứ mải miết vùi đầu vào tập luận án. Cho đến hạ tuần tháng tư, tôi chẳng đến thăm Tiên Sinh lấy một bận nào; đến lúc này, tôi đã viết xong tập án luận rồi, theo đúng với dự định.