Nỗi lòng (Kokoro) - Phần 1 - Chương 27

27

Tôi nhặt ngay cái mũ vừa rơi, búng cho hết những hạt đất đỏ rồi nói với Tiên Sinh:

"Thưa, chiếc mũ vừa rơi."

"Cảm ơn chú."

Tiên Sinh nhỏm mình đón lấy cái mũ rồi vẫn giữ nguyên tư thế ấy - nửa nằm nửa ngồi, ông chợt hỏi tôi một câu thực là kỳ cục:

"Hỏi thế này có vẻ khí đường đột ngột, nhưng chú cho tôi hay chẳng biết tài sản nhà chú có nhiều lắm không?

"Dạ, con nghĩ là gia đình con chẳng có gì là giàu có."

"Xin thất lễ với chú chứ tôi hỏi: thế tiền của nhà chú có được bao nhiêu?"

"Thực tình con cũng không rõ nữa. Gia đình con có ít rừng cây và ít ruộng đất nhưng tiền bạc thì con nghĩ là chẳng có gì."

Đây là lần đầu tiên, Tiên Sinh trực tiếp hỏi tôi về tình trạng kinh tế của gia đình tôi. Còn về phía Tiên Sinh thì chưa bao giờ tôi hỏi Tiên Sinh làm cách nào mà sinh sống cả. Dĩ nhiên là tôi cũng đã có phen tự hỏi chẳng biết Tiên Sinh xoay xở thế nào để có thể sống nổi trong khi cứ rong chơi ngày tháng, chẳng làm lụng gì; tuy nhiên tôi vẫn cố nén chưa bao giờ hỏi ra miệng vấn đề mưu sinh của ông cả, vì nghĩ rằng làm vậy có vẻ trơ tráo quá. Nhưng lúc này, câu hỏi của Tiên Sinh làm tôi quên hết cây lá xanh non mà tôi từng mê mải nhìn ngắm từ nãy đến giờ. Và tôi chợt thấy mình buột mồm hỏi lại:

"Thế còn Tiên Sinh thì sao? Tiền của Tiên Sinh có được bao nhiêu cả thảy?"

"Chú thấy tôi có vẻ là con người giàu có hay không?"

Bình sinh, chẳng bao giờ Tiên Sinh mặc quần áo bảnh bao sang trọng. Ông chỉ có một chị người làm giúp việc trong nhà: nhà cửa Tiên Sinh cũng chẳng rộng lớn gì.

Nhưng ngay chính tôi, không phải là người trong nhà, cũng có thể thấy rằng ông sinh sống một cách phong lưu. Đã đành rằng mình khó có thể bảo là ông sống xa hoa nhưng mặt khác, mình cũng phải thấy rõ là ông chẳng bao giờ phải sống tằn tiện cho lắm. Tôi hỏi tiếp:

"Tiên Sinh giàu có lắm, có phải vậy không ạ?"

"Dĩ nhiên là tôi có chút tiền của, nhưng quyết là không sao có thể nói là giàu có.

Nếu như tôi giàu có thực thì thế nào tôi cũng xây một ngôi nhà rộng rãi cao lớn hơn rồi."

Vào lúc này Tiên Sinh đã nhỏm người dậy ngồi chồm hổm trên chiếc ghế dài và khi ngừng nói, ông cầm cây gậy tre vạch một cái vòng tròn trên mặt đất. Sau khi vẽ ông đâm thẳng cây gậy xuống mặt đất.

"Trước kia mình vốn là người giàu có."

Lời nói của ông nghe có vẻ như ông đang nói chuyện một mình hơn là nói cho tôi nghe. Tôi chẳng biết đối đáp thế nào, cứ ngồi lặng yên.

"Trước kia, tôi quả là người giàu có, chú ạ." Ông nhắc lại câu nói vừa nãy. Lần này Tiên Sinh vừa nói vừa nhìn thẳng mặt tôi mà hơi hé miệng cười. Tôi cảm thấy lúng túng cứ ngậm miệng chẳng biết trả lời sao. Tiên Sinh bèn nói sang chuyện khác.

"Bệnh tình ông nhà dạo này ra sao?"

Từ tháng giêng đến giờ, tôi không nhận được tin tức gì về bệnh tình thầy tôi cả.

Hàng tháng thầy tôi vẫn đều đặn gửi cho tôi một lá thư ngắn kèm theo chi phí tiền học cho tôi, tuy nhiên chẳng nói gì nhiều đến bệnh tình của chính mình cả. Vả lại nét chữ thầy tôi trông vẫn cứng cáp, dắn giỏi, không có vẻ gì run rẩy ngập ngừng giống nét chữ một người bệnh hết.

"Thầy con chẳng hề cho biết bệnh tình của ông ra sao, nhưng con nghĩ chắc là dạo này thầy con đã khá lắm rồi."

"Tôi mong là chú đoán đúng, tuy nhiên với chứng bệnh của ông nhà, thực chẳng biết thế nào mà nói được đâu."

"Hẳn là thầy con không có nhiều hy vọng khỏi bệnh phải không ạ? Tuy nhiên con vẫn tin tưởng là không có gì đáng lo ngại lắm. Dù sao đi nữa cho đến lúc này, con vẫn không nhận được một tin tức nào đáng lo cả."

"Thế hả?"

Lúc ấy, tôi cho rằng những câu Tiên Sinh hỏi về tài sản gia đình cùng bệnh trạng thầy tôi chẳng qua chỉ là những câu chuyện trò thăm hỏi thông thường mà thôi. Và vì không hiểu mấy về những kinh nghiệm trường đời của Tiên Sinh nên tôi không hề đoán được là những câu hỏi ấy còn chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu xa hơn là tôi thấy bên ngoài.