Nỗi Nhớ Mùa Hè - Chương 03 - Học thể dục

Trường tổ chức cho học sinh học thể dục buổi chiều tại nhà thể chất hoặc sân vận động. Khối 8 bốc thăm chọn lớp học ghép cùng và chọn một trong hai môn: bóng đá hoặc bơi lội. Học kỳ II lớp 8V học bóng đá, ghép cùng 8T vào chiều thứ Hai.

Đúng 14 giờ sân vận động xôn xao ầm ĩ với đông học sinh mặc đồng phục thể dục màu trắng - xanh turquoise. Thời tiết tháng cuối năm giá rét, trời còn mưa nhỏ. Ngoài đồng phục thể dục ai cũng quấn cho mình một chiếc áo khoác dày sụ, đứng rụt cổ và túm tụm từng nhóm dưới mái hiên tránh gió như lũ chim cánh cụt đứng thành đàn chống chọi với bão tuyết Nam cực.

Thầy tuýt còi triệu tập, học sinh mới chịu cởi áo khoác chất lên khán đài, lục tục kéo vào sân. Ngoài 8V và 8T, còn hai lớp khác là 8F và 8A học cùng buổi. Sân vận động vì thế chia làm hai.

Thầy nở nụ cười hiền từ: “Thời tiết thế nào cũng phải ra sân. Mưa to coi như mưa nhỏ, mưa nhỏ coi như không có. Bây giờ các trò khởi động rồi chống đẩy. Nam 100 cái, nữ 50 cái.”

Lời vừa dứt cả lũ nhao nhao phản đối nhưng thầy mặc mọi lời phàn nàn. Thầy cho khởi động 5 phút rồi phất tay ra hiệu học trò nằm xuống.

50 lần gì chứ, Tường Văn chống đẩy nghiêm túc được ba cái. Có bạn không nổi một cái. Đến tiếng hô 10, cô sập xuống đất. Liếc sang các bạn bên cạnh không khá hơn. Hoa Huyền không biết chống. Yến Nhi chỉ nhấc được mông lên rồi xuống, vai và đầu cứ nghển lên làm cô nằm bẹp dưới đất mà phì cười. Phương Hà làm động tác rất đẹp, không hiểu sao cậu ấy có thể dễ dàng chống đẩy mà không tỏ ra mệt mỏi gì. Tú Quân như con nhền nhện. Di Li quá cứng. Thanh Thu quá yếu. Hoàng Yến chỉ chống chứ không đẩy, thần tượng của cô đúng là thông minh.

Sau màn hít đất, đợi học trò phủi quần áo tập trung đội hình, thầy tiếp: “Các trò đều yếu kém. Luyện tập thể lực nhiều vào. Bây giờ các trò chia người tới phòng dụng cụ mang bóng, cầu gôn nhỏ vào sân. Về luyện tập, hai lớp chia 6 nhóm, mỗi nhóm khoảng 10 người. Bắt đầu tập dẫn bóng qua chướng ngại vật, sút bóng vào cầu gôn lớn, sút bóng vào cầu gôn nhỏ và thi đấu đối kháng ba cặp.”

Tường Văn nghe mà oải. Ngoài tụi con trai còn ai muốn học bóng đá. Sao không tách riêng môn cho con trai và con gái và cho bọn cô học cái gì nhẹ nhàng hơn, đơn giản hơn, đẹp hơn? Như thế có khi chứng đau bụng khi sợ hãi của cô đỡ trở nặng mỗi lúc tới giờ thể dục.

Nói thêm một chút 8T là lớp của thầy dạy thêm toán chủ nhiệm. Thế nên nhóm học sinh trong lớp học thêm đó đang học cùng và khi chia nhóm ‘tên đáng ghét’ ngồi cạnh ở lớp toán vô tình cùng nhóm với cô. Cô chẳng biết hắn tên gì. Hoàng Yến vào nhóm khác.

Hết thứ Hai, chiều thứ Ba cô lại đem mình tới lớp học toán, lần này học cùng nhóm II. Vừa vào lớp nhìn quanh thấy toàn con trai, không nhí nhố như nhóm I nhưng vẻ lười biếng. Chưa lớp nào cô tham gia khiến cô thấy mình chán nản toàn tập như thế.

Sắp vào học ‘tên đáng ghét’ đến, ngồi bàn đầu còn cô đã trốn tọt xuống bàn ba cuối lớp. Cô chẳng gật đầu chào hắn hay gì hết, cả hai không tính là quen biết. Cô và hắn mới chỉ nói với nhau vài câu khi đá bóng chiều qua, đại loại: ‘tránh ra’, ‘truyền bóng đi đâu vậy’, ‘chạy không được về làm thủ môn đi’.

Giờ ra chơi cô sang nhà Đăng Nguyên, cậu học lớp 8F. Em gái cậu ra mở cửa. Đây không phải lần đầu cô đến nhà cậu. Trước cô đã tới đây cùng bạn. Em gái cậu không đáp lại lời chào mà quay vào nhà gọi to: “Bạn anh tới tìm này. Là con gái đấy.” Nguyên chưa thấy đâu, mẹ cậu đã ló khuôn mặt tươi cười ra gọi cô vào.

Bố Nguyên là thủy thủ đi biển suốt tháng không về. Mẹ cậu có một cửa hàng tạp hóa. Lần đầu đến nhà cậu, cô đặc biệt ấn tượng với mẹ cậu. Bà không thật đẹp nhưng khuôn mặt tươi tắn, niềm nở và còn mang cho cô nhiều đồ ăn. Bà bảo cậu nhiều lần kể về cô nên gặp là nhận ra luôn. Bà khen cô xinh xắn, thông minh, ngoan ngoãn. Không biết cậu nói gì với mẹ nhưng nghe vậy cô được dịp phổng mũi, thích mẹ cậu lắm.

“Thầy ấy chỉ dạy đội tuyển thôi, cậu không hiểu bài đừng buồn.” Nguyên an ủi sau một hồi nghe ca thán. Cậu búng nhẹ tay lên trán cô làm cô giật mình, sau thì má đỏ tận tai. Nguyên hé môi định nói nhưng chợt nhìn ra ngoài, cô quay ra theo phản xạ thì thấy tên đáng ghét đứng sững ở cửa, giơ tay định gõ nhưng dừng lại giữa chừng.

“Hoàng Yên đến tìm tớ à. Có chuyện gì thế?” Ra tên hắn là Hoàng Yên, giờ cô đã biết. Dường như Nguyên không thân với hắn.

“Tớ học bên nhà thầy Chính, tiện nên qua chơi.”

“Cậu ôn đội tuyển sao lại vào nhóm II?”

Yên bảo lịch học của đội tuyển trùng với môn khác nên đổi qua lớp này vài hôm trước khi xếp lại. Hai cậu nói chuyện về việc học ôn và bóng đá, làm cô thấy mình là người thừa, cô ngồi ăn và ăn.

“À, Tường Văn bảo cần hỏi bài mà. Chỗ nào không hiểu tớ giảng cho.”

Cô hơi ngại khi hỏi bài Nguyên trước mặt Yên. Cậu ta thì giỏi rồi. Bài thầy bảo dễ mà nghe giảng xong cô khó hiểu. Nguyên trả lời thắc mắc của cô rồi cũng bảo dễ. Cô ậm ừ trong miệng, ngẩng lên thấy tên đáng ghét kia nhăn mặt một cái. Đâu có việc gì cô làm ảnh hưởng tới hắn, vậy mà hắn làm hành động cà khịa cô.

“Tan học cậu có qua đây không?”

Dù muốn nhưng cô từ chối.

Yên cầm sách vở của cậu từ bàn một xuống bàn ba ngồi cạnh cô. Bàn ghế nhà thầy cô đâu cản được. Cô dịch vào giữa bàn. Bàn cuối thêm Yên là ba người.

“Nguyên giảng cậu chưa hiểu đúng không?”

Cô hơi nhíu mày, “phải.”

Yên lấy bút, vở nháp để ra giữa bàn giảng cho cô. Bài ngắn nhưng cậu giảng thêm kiến thức liên quan, trình bày nhanh nhưng cách giải thích rõ ràng, chữ viết đẹp (cái này cô rất ấn tượng). Chữ Nguyên tuy không xấu đau đớn như chữ Minh nhưng không tính là dễ nhìn. Hai bài toán cậu nói trong năm phút, viết hết hai trang giấy rồi chuyển cho cô. “Giờ cậu hiểu rồi chứ? Trả lời thật.”

Cô gật đầu, “Ừ, tớ hiểu rồi.”

“Vậy trình bày lại bài giải theo cách hiểu của cậu đi.”

Cô cũng mất năm phút loay hoay viết, không hiểu sao vừa viết tay vừa run. Có thể là phấn khích vì lần đầu hiểu bài, cũng có thể vì hành động bất ngờ của cậu. Cô viết xong cậu liếc qua không nói gì. Bài mới hôm đó thầy giao xong cậu cũng giảng cho cô. Kết thúc buổi học vì về cùng đường nên cậu đi xe song song cạnh cô.

“Cảm ơn cậu giảng bài cho tớ nhé.”

“Không có gì. Cậu định học ở đây tới khi nào?”

“Tớ…cái đó tớ chưa biết.”

“Cách giảng của thầy và bài tập không hợp với cậu. Thầy chỉ dạy thêm cho đội tuyển của trường. Nhóm hai là con cháu người quen nhờ thầy, vì mối quan hệ không tiện từ chối.” Liếc qua vở của cô, cậu biết ở lớp kia giấy nháp cô để trắng, ở lớp này cô nháp lung tung, có khi ngồi vẽ, không giải được bài nào. “Cậu chỉ lãng phí thời gian nếu học tiếp.”

Cô thoáng buồn, chưa ai nói với cô như thế, cô nói chung quen nhận lời khen. Nhưng dẫu sao cậu nói đúng. “Bác tớ xin cho tớ học ở đây. Nếu chưa hết tháng đầu mà nghỉ tớ thấy áy náy.”

“Không sao, cậu xin nghỉ thầy sẽ hiểu. Thầy không để tâm mấy chuyện này. Mà cậu cần học toán theo chương trình nâng cao sao?”

Cô chỉ cần theo được chương trình giáo khoa. Tuy trường không còn phân ban nhưng các môn đều học nặng hơn những trường cấp II khác. Cô không muốn quá dốt Toán nên mới đi học thêm. Nếu thi đầu vào lớp 10 của trường, đề Toán rất khó. Cô chỉ cần không bị điểm liệt Toán và cố điểm Văn và điểm tiếng Pháp cao kéo lại. Dù sao môn chuyên cũng được nhân hệ số 2.

Cậu gật đầu tỏ ý hiểu tình huống. “Tớ biết một thầy chuyên dạy toán cho khối C và D. Hiện thầy đang dạy cấp 3 trường mình nhưng tớ nghĩ thầy có lớp học thêm cho cấp II. Nếu cậu cần tớ sẽ hỏi giúp. Thầy ấy là học trò của ông ngoại tớ. Tớ từng học với thầy nên biết thầy giảng rất dễ hiểu.”

Cô nghĩ đi nghĩ lại sau đó quyết định chuyển lớp, tìm một cơ hội khác xem có khá hơn không. Cô chợt nghĩ nếu lớp học tiếp theo không hợp hay cô đề nghị Yên làm gia sư cho mình. Chẳng biết cậu có thời gian và có đồng ý không.