Nỗi Nhớ Mùa Hè - Chương 02 - Gặp mặt
Việt Nam ba năm trước
Đó là mùa xuân Tường Văn mới bước sang kỳ hai lớp 8. Gọi mùa xuân vì vào tháng 1 dương, thực chất chính là tháng Chạp âm lịch và trời giá rét vô cùng. Lần đầu cô và Yên gặp nhau ở phòng tự học trong tòa nhà Thư viện. Trước đó cô ngày ngày đi học nhưng không để ý trong trường có những gương mặt nào và không biết cậu.
Một hôm đến phòng tự học yêu thích, cô bắt gặp một nhóm học sinh trong phòng nhưng không rõ là lớp học hay nhóm tự học. Nếu là lớp học thì hơi ít vì chỉ có độ mươi bạn mà các bạn ngồi lộn xộn. Bảng trong phòng viết nguệch ngoạc một bài tập ngoại ngữ, lại có cả hình vẽ hình học. Tuy nhiên có điều gì đó làm cô e dè không dám thoải mái đi vào như mọi hôm.
Cùng tầng hai này còn ba phòng tự học khác nhưng lực hấp dẫn của những cái bàn gỗ nâu rất lớn, cô muốn vẽ ở đây. Chỉ riêng phòng này có bàn gỗ vuông, mặt bàn thiết kế vát để vẽ. Cô bèn đi xuống bàn trống ở dãy hai, hỏi bạn nam ngồi gần đó.
“Tớ ngồi đây được không?”
Tên đó ngẩng lên nhìn chăm chăm, nét mặt không hiện lên một tia cảm xúc nhưng hắn nhìn hơi lâu rồi mới mở miệng đáp “được thôi.”
Cô liền vui vẻ ngồi xuống bày bút chì, màu vẽ, bảng pha màu và sổ ký họa ra bắt đầu hí hoáy vẽ. Phòng tĩnh lặng, thỉnh thoảng có bạn đi từ bàn này tới bàn kia trao đổi bài với nhau rất khẽ khàng. 30 phút trôi qua, một người trung niên cao gầy bước vào phòng nhanh thoăn thoắt.
“Tôi bận họp một lúc. Các bạn làm xong bài chưa?” Rõ ràng là một thầy giáo, rõ ràng đây là một lớp học.
“Tú Anh lên xóa bảng,” thầy nhìn quanh chỉ một bạn sai bảo cũng vừa lúc nhìn thấy cô. Thầy nheo nheo mắt quan sát từ khuôn mặt cô đang dần nóng lên đến đống đồ ‘tự học’ trên bàn. Song thầy không nói gì, chỉ đi xuống xem bài làm của học trò. Cô mất cả phút mới bình tĩnh, vừa thu đồ vẽ vừa hạ giọng kìm nén hỏi tên con trai ban nãy:
“Đây là một lớp học sao?”
Hắn ngẩng lên, lại nhìn chăm chú rồi mới thốt ra bằng giọng tỉnh queo: “giờ cậu mới biết à?”
‘Biết làm sao được, cậu có trả lời tử tế đâu.’ Cô cúi chào thầy, ôm túi sách chuồn khỏi phòng. Suốt buổi đó về phòng Câu lạc bộ Báo chí – truyền thông, cô vẽ nhanh hơn bình thường đến nỗi Phương Hà bật cười, “đừng làm cái gì mà hăng máu, vẽ cẩn thận vào. Đây là số báo Tết của Câu lạc bộ đấy.”
Số báo Tết CLB muốn tăng lượng bài, đã thế số thành viên ít ỏi 15 người đã có 6 người tham gia vào đội tuyển các môn chuẩn bị thi học sinh giỏi quốc gia trong hai tuần tới. Số còn lại là anh chị học sinh lớp 9 xin giảm hoạt động để chuẩn bị thi Tốt nghiệp và Thi lớp 10. Cuối cùng còn ba thành viên làm việc tích cực là ba đứa lớp 8V, gồm Phương Hà, Lê Minh và cô. Cả ba đặt mục tiêu ngay cuối tuần hoàn thành để in báo, vì tuần đầu học kỳ II chưa có bài vở nên còn thời gian rảnh.
Mấy ngày căng mắt vẽ cuối cùng cũng xong, thành quả khiến cô và mọi người ưng ý. Phương Hà bới bèo tìm bọ luyến tiếc chỗ nọ chỗ kia chưa thật hoàn hảo nhưng nét mặt nàng bí thư coi như thỏa mãn.
Giờ lại nói chuyện học hành. Hết kỳ I lớp 8 cô lộ tẩy ‘giả học sinh giỏi’, môn Toán thấp thảm hại so với hai năm trước. Nguyên nhân vì cô giáo chuyển hai bạn ngồi cạnh cô sang dãy khác. Lớp cô có một nhóm học sinh giỏi tập trung với nhau, trao đổi bài, cho nhau nhìn bài trong giờ kiểm tra. Nhìn bài thì không ai thắc mắc tuy nhiên, các bạn phản ánh rằng mỗi lần có chuyện vui cô chủ nhiệm quay sang nhóm Tường Văn để thông báo, mỗi lần có chuyện không vui cô quay sang dãy còn lại mắng. Không biết sao điều này đến tai cô, vậy là cô bảo nhóm Hà, Minh, cô và Thanh Thu tách ra.
Thanh Thu không chịu, ôm cô nhõng nhẽo, làm nũng với cô chủ nhiệm nên cuối cùng cả hai vẫn ngồi với nhau. Thu bảo sẽ cố gắng thi đạt giải học sinh giỏi quốc gia năm nay để năm sau được cộng điểm tốt nghiệp và được tuyển thẳng vào cấp III của trường. Còn cô không vào được đội tuyển nên không thể chọn cách như Thu. Cô thấy việc Hà và Minh chuyển đi ‘cũng được’, để cô đỡ có cơ hội nhìn bài.
Mỗi lần cô tỏ ý ngại ngùng bảo để mình tự làm bài kiểm tra, Hà sẽ cười ngọt ngào mà bảo: “Không sao đâu, chép đi.” Khi cậu ấy cười, không chỉ khóe môi mà cả đôi mắt cũng cười theo, đã thế lại có một bên má lúm đồng tiền. Cô không thể chống lại cái đẹp, tự động gật đầu. Bao năm từ cấp I đến cấp II, Hà và cô luôn học cùng, ngồi cùng. Điểm toán của cô cứ thế mà cao chót vót. Có lúc 9,8. Cô xem học bạ còn thấy ngại ngùng.
Hai môn Lý - Hóa cô lại được lớp trưởng đại nhân là Minh cho nhìn bài.
Một buổi tối bác họ tới khi cô đang chép dessin. Bác là giáo viên Lịch sử ở trường, từ khi cô vào lớp 6 đã dạy lớp cô nên tình hình học của cô bác biết một phần. Bác bảo xin cho cô vào một lớp học thêm toán, thầy giáo này dạy giỏi toán nhất trường. Cô không biết là ai.
Lâu nay cô luôn sợ học toán, đúng ra là mất căn bản từ cấp I. Bài tập về nhà trong sách giáo khoa cô làm cũng mất thời gian, đương nhiên kiểm tra trên lớp càng không dễ dàng. Điểm tổng kết toán cuối kỳ I tụt dốc. Đưa bảng điểm cho bố mẹ, cô xấu hổ lắm. Bố mẹ không nói gì, chỉ hỏi cô có cần giúp gì không. Cô nói muốn đi học thêm toán.
Giờ cô thấp thỏm lo âu chờ đến buổi học thêm đầu tiên. Trước tới nay cô chỉ học thêm hai môn là Tiếng Pháp ở một trung tâm Pháp ngữ và học vẽ ở trung tâm Mỹ thuật.
Buổi học đầu tệ hơn nhiều so với tưởng tượng. Chép xong đề bài thầy giao cô không cần đụng bút tí nào nữa. Môn văn và môn toán khác nhau thế nào? Nếu là muốn giỏi một trong hai môn đều khó, nhưng với một học sinh kém ít ra môn văn đỡ khổ, có thể viết linh tinh chém gió, còn môn toán, không hiểu không thể giả vờ hiểu, không thể làm bất kỳ cái gì.
Tệ nữa là cô biết một bạn nữ trong lớp này. Là cô bạn nhỏ nhắn, mà trong mắt cô là đáng yêu nhất trường, tên là Hoàng Yến, học siêu siêu giỏi. Thấy cậu ấy cô vui nhưng biết mình đã vào nhầm lớp và thấy tổn thương khi mình kém cỏi trước mặt thần tượng.
Cái tệ thứ ba là thầy giáo bác cô giới thiệu chính là ông thầy gặp ở phòng tự học. Hôm nay thầy đến lớp muộn, mặt đỏ gay vì men rượu, tuy vậy thầy vẫn tỉnh táo giảng bài, cô đoán thế. Thầy giao bài khó nhăn, mấy đứa không làm được bị đuổi ra khỏi lớp. Học sinh trong lớp, nhất là con trai cứ nhao nhao lên làm thầy vừa cười vừa mắng.
Một bạn nam ngồi bàn trên ngay trước mặt cô ăn nguyên một cú đạp và bị xách tai. Thầy kéo mạnh đến nỗi hắn ngã lăn từ trên ghế xuống đất. Cô sợ đứng tim. Lớp cô được chiều thành quen nên chưa bao giờ cô chứng kiến một cảnh đặc sắc thế. Mấy bạn khác chẳng tỏ vẻ bất ngờ hay thương tiếc thằng bạn, cười ha hả. Đứa bị ngã cũng tỉnh bơ, phủi quần áo cười rồi thầy nói một câu, hắn nói một câu.
Và điều tệ cuối cùng, thầy xếp cô ngồi ngoài cùng bàn hai, chỗ trống duy nhất trong lớp cạnh một bạn nam cao khều. Cô cứ cắm cúi chép đề, chép bài giải, có bài thầy viết rất tóm tắt, cô còn không biết đáp số là gì. Cô không định để ý người ngồi bên cho đến giờ ra chơi hắn quay sang nhìn chăm chăm khiến cô nhận ra ‘tên đáng ghét’, cái tên cho cô ăn quả lừa ở phòng tự học. Tại sao hai hôm cô đều ngồi cạnh hắn?
Cô không nhớ mình lết về nhà như thế nào. Chị Tường Vi hỏi về buổi học cô ậm ừ cho qua chuyện.
Buổi học thứ hai không khác nhiều, thầy vẫn giảng, vẫn mắng. Một bạn ăn dép phi vào đầu vì nói chuyện lúc thầy giảng. Tên ngồi cạnh không bắt chuyện nhưng thỉnh thoảng vẫn liếc nhìn sang, chắc nhìn trang giấy nháp trắng tinh của cô.
Cuối buổi thầy gọi cô lại bảo: “Bạn chuyển sang nhóm hai nhé. Chương trình ở nhóm này hơi khó với bạn, bạn sẽ không theo được. Nhóm hai học ở nhà tôi.” Thầy nói địa chỉ, cô biết ngay nhà thầy nằm trong một khu tập thể và là hàng xóm của bạn cô, người mà cô thầm mến.