Nỗi Nhớ Mùa Hè - Chương 39 - Tạm biệt nhé, mùa hè!
Tường Văn đến ngồi cạnh bên cửa sổ, thời gian này cả cô cũng nhận ra mình chẳng bình thường chút nào, chuyện của tụi bạn không khiến cô tíu tít như trước.
Cả tập đề dày cộp đã làm xong, hai bức tranh cũng vẽ xong, chờ khô là có thể quét véc-ni. Người ta bảo ‘lâu như chờ sơn dầu khô’ tranh ở nhà không sao còn tranh ở chỗ Yên có chờ được đến lúc đó? Bố mẹ cậu có đồng ý cho cậu học lớp 9 ở đây?
Một chiều muộn cô đến nhà cậu. Có bác giúp việc nên mọi thứ thoáng đãng sạch sẽ, cô không bao giờ gặp mẹ cậu. Từ hồi cô chăm Fưu thì hóa ra Fưu rất đúng giờ, chiều nào cũng chờ cô đến cho ăn.
Cô di chuyển bức tranh hoàn thành vào phòng cậu vì tranh sơn dầu mới vẽ xong chưa khô, nếu dính bụi hay bị tay ai đó chạm vào sẽ dễ hỏng mặt tranh. Cô tuy ngại vào phòng cậu nhưng tự nhủ tất cả vì tranh của mình thôi. Cách quãng thời gian nhìn ngắm lại cô mới chắc chắn tranh không cần chỉnh sửa thêm. Cô quét một lớp véc-ni tạm thời để bảo vệ tranh.
Căn phòng rộng, gọn ghẽ và đơn giản. Có một phong thư kẹp dưới cuốn truyện cổ tích dày sụ cũ kỹ trên bàn mà đến giờ cô mới chú ý. “Gửi Tường Văn” đề khá to bằng bút màu đỏ! ‘Yên gửi cho mình?’ cô cầm lên, ‘cậu biết cô sẽ vào phòng cậu sao?!’ Phong thư dày làm cô tưởng văn thơ lai láng, hóa ra không phải.
(1) “Cậu vẽ xong tranh rồi? (Nếu không thấy tờ giấy này cậu đúng là đồ ngốc)”
(2) “Cho cậu băng nhạc thu âm mấy bản vi-ô-lông tớ chơi, vài bản nhạc soạn lại thành vi-ô-lông sonata có thể khó nghe nhưng cũng thú vị.”
(3) “Giữ sức khỏe nhé!”
(4) “Chờ tớ về rồi đi tắm biển đêm. Đừng đi với nhóm Minh và Hà như lần trước.”
(5) “P/S: Cho cậu mượn cuốn truyện cổ tích trên bàn. Sách của ông ngoại tớ.”
Cô cầm quyển truyện lên.
Lần đầu đụng cuốn sách này ở nhà Minh, chạm tay đã có cảm giác kỳ lạ. Buổi tối đó ngồi đọc mà người cứ run lên, muốn nhớ lại điều gì mà không thể, những tháng năm tuổi thơ đã bị sương mù che phủ. Và lần thứ hai này cảm giác cũng không hề thay đổi.
Cầm sách trong tay, lật từng trang giấy thấy thân thuộc như thể đã biết trước đây, nhất là khi đọc truyện Bốn cô gái muốn lấy chồng hoàng tử…Cô tưởng như mình từng cuộn tròn trong vòng tay ai đó, để người đó đọc truyện cho nghe. Đến đoạn bốn cô gái bị dụ vào nhà yêu tinh trong rừng sâu lúc chạng vạng, bỏ trốn lạc giữa rừng khuya, cô mơ hồ thấy lại cảm giác sợ hãi níu tay người đó, rơm rớm nước mắt nhưng tò mò muốn nghe tiếp truyện. Người đó có mùi gỗ, mùi bạch đàn…
Bỗng một cái gì mềm mềm ủi ủi vào chân, là Fưu, cô bế lên ngắm nghía. Con mèo hình như ú thêm. “Mày có nhớ chủ tí nào không?” Fưu chẳng hiểu gì chỉ kêu ngao ngao, suýt chút liếm vào mặt cô.
Cô năm nào cũng về quê với ông bà ngoại cả hè nhưng năm nay bận học thêm nên về cuối hè.
Cô ôm Fưu theo về, con mèo ham chơi chiều tối nào cô cũng phải đi tìm. Fưu thích đến ngôi nhà gỗ trong vườn bạch đàn, xem ra trí nhớ của Fưu tốt hơn Yên.
Nơi thứ hai Fưu hay chạy đến là nơi cô hay chơi hồi nhỏ: sân sau trường tiểu học. Mái trường ngói ngả màu rêu, xây hai tầng từ xưa nhưng nhiều năm không sửa sang lại, giờ đã tróc hết vôi ve. Sân sau trường cỏ lau mọc cao không ai dọn.
Trước kia, bọn nhỏ hay nô đùa ngã xuống những đám cỏ mất hút. Những trò chơi con trẻ lâu lắm không thấy lại, những bài đồng dao giữa mùa hè không còn vẳng lại trong gió. Tất cả đã trôi xa lắm một tuổi thơ thần tiên. Thực ra, cô không nhớ được nhiều, không còn mấy cái tên hay gương mặt đọng lại. Bạn cũ cô đã quên gần hết, chỉ còn lại cảm giác bình yên, ngập trong nắng và gió.
“Tường Văn ơi!” tiếng gọi bất chợt vang lên, Yên đứng cách không xa, giơ tay vẫy lia lịa. Cô bàng hoàng rồi ôm Fưu chạy về phía ấy.
“Sao cậu ở đây?”
“Nếu biết tớ về đây với tâm trạng thế nào, cậu sẽ không hỏi một câu ngốc thế,” cậu vừa nói vừa thở.
“Ý tớ là…tớ ngạc nhiên quá!” cô cũng vừa nói vừa thở dù chỉ chạy mấy bước chân.
“Tớ về tối qua. Sang nhà cậu chị Vi nói cậu về nhà ông bà ngoại. Vậy là tớ về đây luôn.”
Fưu mừng rỡ lắm, kêu meo meo ý chừng muốn cô chuyển nó sang cho cậu. “Xin lỗi mày,” cậu đón lấy Fưu, hơi thở lẫn nét cười còn hổn hển. “Ôi! Mày nặng ghê. Mới ở với Tường Văn không lâu mà thành ra thế này.” Con mèo vui quá đỗi chồm lên ngoạm cổ áo cậu giật rồi cào tóc cậu rối lên. Đúng là cậu ấy đã về, Yên đang ở trước mặt cô.
“Cậu gặp ba và em như thế nào, có vui không?”
“Cũng bình thường,” cậu làm bộ tỉnh khô nhưng ánh mắt lấp lánh niềm vui. “Bố hiện dành nhiều thời gian giảng dạy và chỉ huy dàn nhạc. Hoàng Phương vẫn chơi đàn và soạn nhạc. Bố muốn nó tham gia một cuộc thi piano nhưng nó không thích. Trí nhớ đúng là tấm gương nghèo nàn.”
“Nhìn cái mặt hớn hở của cậu kìa. Cậu có chơi đàn cho bố và em nghe không?”
“Có,” cậu cười lớn. “Bố không tin nổi tớ đến mức như thế, bảo tớ tiến bộ không ngờ nhưng nói thêm rằng bố không thích. Phương lại thấy hứng thú. Để tớ qua chào ông bà cậu rồi về.”
“Tí nữa Hà, Minh và Trâm Anh cũng về đây ở chơi một hôm. Muộn rồi…cậu ở lại cũng được. Ông bà không phản đối đâu. Hơn nữa, đi xa vậy cậu mệt rồi.”
“Ở lại không sao chứ?”
Cô gật đầu.
Đi qua vườn bạch đàn, cậu vòng xe đến trước nhà cũ. Dạo quanh Yên chợt bảo “tớ nhớ một lần tới đón Phương tan học trời mưa. Lúc ấy, cậu chưa có ai tới đón. Tớ muốn gọi cậu đi cùng, nhưng lại không dám…” Chưa dứt câu cô giật mình vì cậu bất chợt cúi xuống, kéo đầu cô lại cụi cụi vào trán. “Ngốc thật! Sau này tớ sẽ không bỏ cậu lại như thế.”
‘Vừa rồi là gì?’ cô xoa trán, váng vất.
“Đây, còn Fưu này. Cho cậu bế,” cậu dúi con mèo vào lòng cô. Cô ôm Fưu khó hiểu, đâu cần cậu cho phép cô vẫn bế Fưu mà!
Về nhà ngoại, gặp các bạn vui mừng quá, buôn chuyện ríu rít từ chiều tới lúc ăn tối. Cảm giác ở quê tối nhanh, mới sáu giờ đã cơm nước rửa dọn xong xuôi hết cả. Không gian thật rộng và tịch mịch, ngoài vườn thấp thoáng đom đóm bay, tiếng côn trùng rả rích.
“Bình yên quá! Nhưng chỉ là đi nghỉ thôi, còn tớ vẫn thích ở chỗ nào đông người, ồn ào, náo nhiệt.” Minh nói rồi bảo cả bọn lấy đèn pin đi dạo, ở làng chỉ ngã ba ngã tư mới có cột đèn sáng mờ mờ, còn bao quanh là đồng không mông quạnh, nhóm nhanh chân lên triền đê cao lộng gió ngắm sông đêm.
Thấy đình hoang bên sông, Hà và Minh nằng nặc đòi vào. Cả hai nhăm nhe khám phá nơi này từ hè năm ngoái, giờ cậy lớn thêm một tuổi bỏ ngoài tai hết mọi lời cô nói. Mà thực ra cô cũng muốn vào, hồi nhỏ tò mò lắm, nghe chỗ nào bí hiểm thì muốn xem một tý nhưng lý trí bảo không nên, dù sao đây cũng là đình miếu từng làm nơi thờ cúng từ xa xưa, bỏ hoang đã lâu, phải tới 40 năm rồi.
Trước cửa đình đổ nát, gió lạnh rít qua, tay ai đó sượt qua tay cô, nhận ra là Yên đầu óc cô bấn loạn không nghĩ được gì, lầm lũi theo các bạn vào trong sân rộng.
Đình chia làm hai khu.
Trong khu nhỏ, gian chính ngẩng đầu thấy cả sao trời, Minh quét đèn pin qua chẳng có gì ngoài mạng nhện và chuột. Cầu thang bên ngoài dẫn lên vườn thượng khá cao, từ đây có thể nhìn bao quát sông rộng. Cây cối cỏ dại mọc um tùm, bốn phía đều có cây cao rợp bóng tạo ra cảnh tượng âm u.
Khu thờ chính trống trơn, ngoài gạch ngói đá vỡ và gỗ mục chất đống thì không còn cái gì. Hậu cung phía sau tối đen, lạnh lẽo. Bỗng có tiếng thú vật ré lên trong bóng tối làm cả lũ điếng người.
Minh chỉ mạnh miệng, bản thân khởi sướng nhưng tính thỏ đế. Bao năm học thêm tối về cùng nhau, cậu luôn bảo gặp cướp sẽ đánh nhau chứ gặp ma là bỏ cô chạy trước.
Minh đánh rơi đèn pin vào chân, Trâm Anh vì đèn tắt đột ngột nên loàng quàng xoay người mất thăng bằng bổ nhào vào Yên. Cái cô không ngờ là Yên một tay kéo cô vào mình còn một tay ẩy mạnh Minh ra làm bị thịt cho Trâm Anh.
Hà cúi xuống tìm được đèn pin nhưng vặn mãi đèn không sáng lại.
Trước khi đèn pin tắt, cô kịp nhìn về phía tiếng động thì thấy mấy con vật lạ hoắc mắt bị ánh đèn chiếu vào gầm gừ. Ban đầu cô tưởng là mèo nhưng nghĩ lại không phải, nó đứng bằng hai chân, tai nhọn như dơi, đuôi bông xù xinh đẹp.
“Đó là chồn hoang…” Yên bảo.
Ra cổng nhóm cô đụng hai bóng người gầy gò rách rưới. Dù đã tránh sang một bên không ngờ một trong hai người kia bất ngờ giơ gậy la hét lùa cả lũ chạy xuống chân đê.
Chạy thục mạng về đến nhà muốn bở hơi tai, đi chơi đêm chỉ được phen hết hồn. Ông cô cười hà hà bảo trước kia trong đình có cả rắn độc, hồi xưa nữa thì có cả hổ về. Đình ấy ở ngã ba sông, tối đến có thể có hành khất trú ở trong.
Bà cô và ba bạn chơi bài, cô vẽ mọi người, Yên gọt bút chì giúp cô. Khi vẽ bằng bút chì Conté để không phải ngừng giữa chừng, cô dùng nhiều bút gọt sẵn cùng lúc, khoảng chục cái. Ruột bút to mà đầu bút mòn rất nhanh nên cần gọt sẵn một loạt trước khi vẽ.
Trâm Anh kêu đói, muốn đồ ăn vặt nên bảo cô và Yên không chơi bài đi mua đồ. Cô nhớ ra bếp còn ít khoai lang nên vùi khoai nướng trong bếp củi rồi lấy xe ra chợ cùng Yên, giờ này không chắc còn cửa hàng tạp hóa nào mở.
“Tớ sẽ nói chuyện lại với mẹ. Tớ không hiểu mẹ tính toán thế nào, có gì đó gượng ép. Không hiểu sao mẹ lại vội vàng muốn tớ chuyển sang với bố. Mẹ bảo nếu tớ sống cùng bố các khoản sinh hoạt và học phí sẽ do mẹ chi trả.”
“Có thể mẹ muốn cậu có cơ hội học tập tốt hơn.”
“Không cần thiết đến mức ấy! Trước đó mẹ không gấp như vậy,” Yên nói khô khốc. Cậu cau mày, cô chẳng biết nói gì cho khuây khỏa, kể cả nói đùa.
“Sau năm lớp 9, tớ sẽ sang Pháp, ở Paris cùng chú thím và bà nội.”
“Sao cậu không cho tớ biết?” giọng cậu âm trầm.
“Tớ đang nói với cậu đây, từ giờ đến lúc ấy hãy còn xa.”
“Cậu đi đâu cũng thế, điều tớ muốn nói cậu cũng biết rồi.” Cậu chợt nắm lấy tay cô siết nhẹ, “có nhớ tớ không?”
Tay cậu ấm, cô hồi tưởng lại lúc ở trong đền, khi cậu kéo cô áp vào ngực mình. Cô muốn để yên tay mình trong hơi ấm của cậu nhưng lúc này chỉ có hai người nên luống cuống xấu hổ rút vội ra, “không nhớ.”
“Chiều hôm trước khi người ta đi khóc thút thít khiến cả đêm người ta không ngủ được. Đi hai tuần người ta toàn mất ngủ, muốn mau chóng về. Ai dè ở nhà ham chơi. Cả người cả mèo đều ú lên.”
Ông bà bảo đi đường mệt nên ngủ sớm, hơn mười một giờ đêm các cụ tắt hết điện đóm. Yên nằm ở phòng khách phía ngoài cùng Minh, cô nằm giường trong buồng với Hà và Trâm Anh, cách nhau một bức tường và khung cửa gỗ có rèm che.
Nằm mãi mà cô chưa ngủ được. Các bạn đi đường xa lại chơi suốt từ chiều tới tối nên mệt thật, nói chuyện tí là lăn ra ngủ. Nghe tiếng thở đều đều của hai bạn, cô mới trở mình quay qua xoay lại. Ông ngoại ngủ ngáy ro ro, ông đặt lưng là ngủ luôn. Dù từ chiều tới tối líu ríu đủ chuyện với Yên nhưng cô vẫn hồi hộp vì cậu đã về và lúc này chỉ nằm cách cô một quãng ngắn.
“Tường Văn ơi!” tiếng cậu từ ngoài phòng khẽ gọi.
“Cậu chưa ngủ à?”
“Tớ không ngủ được.”
Ngoài hiên nhà, cành lựu đầu tường lập lòe hoa trong đêm chỉ thấy hình thù kì quặc, đen xám.
“Bức tranh cậu nhờ tớ làm mẫu vẽ hoàn chỉnh chưa?”
“Xong rồi! Khi cậu đi vắng vì muốn vẽ căn phòng chi tiết nên tớ mang đến xưởng làm đàn để vẽ.”
“Lúc làm đàn là lúc cậu thấy tớ đẹp nhất à?”
“Cậu nói bé thôi.” Lại phổng mũi rồi.
Cô im lặng quay sang, cậu gần đến nỗi cô có thể thấy hàng mi dài khép lại trên khuôn mặt dường như gầy hơn. Gió đêm thổi lạnh, hơi thở nhẹ không giấu nổi mệt mỏi, mái tóc rối mềm ẩm hơi sương, cô muốn chìm trong mùi sương dịu dàng của cậu, lúc này không thấy ngượng ngùng khi ở gần một đứa con trai, tất cả lại là…lo lắng…Cô và Yên chỉ ngồi ngoài hè một chút rồi vào vì đêm lạnh, Minh cựa mình xoay người quay vào trong tường, cô còn thấy khóe môi cậu bạn hơi cong lên.
Sáng hôm sau chỉ có cô dậy sớm, còn lại đều nướng đến hơn 8 giờ sáng bảnh mắt mới lần lượt chui ra khỏi giường. Các bạn ăn sáng xong chơi một lúc rồi cùng nhau trở về thành phố. Fưu trở về cùng Yên.