Pachinko - Chương 59

Tokyo, năm 1989

“Em chưa bao giờ ưa ông ta”, Phoebe nói. “Ngọt xớt”.

“Anh rõ là một thằng ngốc, bởi vì anh đã quý ông ta”, Solomon nói. “Mà này, làm thế quái nào mà em có được ấn tượng đó về Kazu trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó hả? Em mới chỉ gặp Kazu khoảng hai phút khi chúng ta tình cờ gặp ông ta ở Mitsukoshi. Và trước đây em chưa bao giờ đề cập đến điều này”.

Ngồi lún sâu trong chiếc ghế bọc da đi thuê, Solomon gần như không thể đối diện với Phoebe. Cậu không rõ kiểu phản ứng nào cậu mong thấy từ cô, nhưng cậu ngạc nhiên khi thấy cô điềm tĩnh đến mức nào trước tin đó. Cô gần như có vẻ mừng. Phoebe ngồi bó gối trên chiếc ghế dài bên cửa sổ.

“Anh đã thực sự quý ông ta”, cậu nói.

“Solomon, hắn đã sa thải anh”.

Solomon liếc nhanh khuôn mặt nhìn nghiêng bình thản của cô, rồi lại ngả đầu ra lưng ghế.

“Hắn là đồ đểu”.

“Bây giờ anh cảm thấy khá hơn nhiều rồi”.

“Em thuộc phe của anh mà”.

Phoebe không biết liệu cô có nên đứng dậy và đến ngồi bên cậu hay không. Cô không muốn cậu nghĩ cô thương hại cậu. Chị gái của cô thường nói rằng đàn ông ghét sự thương hại; họ muốn sự cảm thông và ngưỡng mộ hơn - chứ không phải là sự kết hợp dễ dãi.

“Hắn là kẻ gian manh. Hắn nói chuyện với anh như thể anh là một thằng nhóc. Như thể hắn là đàn anh ở trường đại học còn anh là một trong những ‘cậu bé’ của hắn. Cái hệ thống đó thậm chí vẫn tồn tại ư? Em ghét cái hệ thống kiểu hội nam sinh viên đại học đó”. Phoebe đảo mắt.

Solomon điếng người. Cô đã cố tóm lược toàn bộ mối quan hệ của cậu với Kazu qua cuộc gặp tình cờ, chớp nhoáng gần như không đáng kể ấy tại khu ẩm thực của bách hóa Mitsukoshi. Bằng cách nào cô làm được điều này? Phoebe ôm đầu gối, đan các ngón tay vào nhau.

“Em không ưa ông ta bởi vì ông ta là người Nhật”.

“Đừng có cáu với em. Không phải em không tin người Nhật, nhưng em không biết liệu mình có tin tưởng họ hoàn toàn không. Anh sẽ nói rằng em đã đọc quá nhiều về chiến tranh Thái Bình Dương. Em biết, em biết, em nói nghe có vẻ hơi thành kiến”.

“Hơi ư? Người Nhật cũng phải chịu đựng nhiều mà. Nagasaki? Hiroshima? Và ở Mỹ, người Mỹ gốc Nhật bị tống vào các trại tập trung, nhưng người Mỹ gốc Đức thì không. Em giải thích điều đó như thế nào?”.

“Solomon, em đã ở đây đủ lâu. Chúng ta có thể về Mỹ được không? Anh có thể kiếm được cả tá chỗ làm tuyệt vời ở New York. Anh giỏi mọi thứ mà. Không ứng viên nào giỏi hơn anh đâu”.

“Anh không có thị thực để làm việc ở Mỹ”.

“Có những cách khác để nhập tịch mà”. Cô mỉm cười.

Vô số lần gia đình Solomon đã gợi ý rằng cậu muốn cưới cô và rằng cậu nên cưới cô; người duy nhất không nói một cách rõ ràng chính là cậu.

Đầu Solomon để yên trên lưng ghế. Phoebe có thể thấy rằng cậu đang nhìn đăm đăm lên trần nhà. Cô đứng dậy khỏi ghế dài và bước tới tủ tường. Cô mở cánh cửa tủ và lôi cả hai chiếc va li của mình ra. Bánh xe của va li lăn trên sàn gỗ nghe rất rõ và Solomon nhìn lên.

“Này, em đang làm gì thế?”.

“Em về nhà”, cô nói.

“Đừng như vậy”.

“Em chợt nghĩ rằng em đã để mất cuộc sống của mình khi em đến đây với anh và anh không xứng đáng với điều đó”.

“Tại sao em lại như vậy?”.

Solomon đứng dậy và giờ đây cậu đang đứng ở chỗ mà chỉ một phút trước cô đang đứng. Phoebe kéo những chiếc va li theo sau cô vào phòng ngủ và khẽ đóng cửa lại.

Cậu có thể nói gì đây? Cậu sẽ không cưới cô. Cậu biết điều đó gần như ngay khi họ đáp xuống Narita. Ở trường đại học, sự tự tin và điềm tĩnh của cô đã mê hoặc cậu. Sự bình thản của cô, dường như thật quan trọng ở Mỹ, lại giống sự thờ ơ và ngạo mạn ở Tokyo. Cô đã để mất cuộc sống của mình ở đây, đó là sự thật, nhưng cưới cô dường như không phải là một giải pháp. Rồi thì toàn bộ Nhật Bản là xấu hết. Chắc chắn, ở Nhật có những kẻ khốn nạn, nhưng ở đâu mà chẳng có những kẻ khốn nạn, đúng không? Từ khi họ tới đây, cô đã thay đổi hoặc tình cảm của cậu dành cho cô đã thay đổi. Chẳng phải cậu không có ý định cầu hôn cô còn gì? Tuy nhiên giờ đây, khi cô đưa ra ý kiến kết hôn để nhập tịch, cậu hiểu ra rằng cậu không muốn trở thành người Mỹ. Thật hợp lý để cậu kết hôn và nhập tịch; điều đó sẽ khiến cha cậu vui. Trở thành người Mỹ sẽ tốt hơn là làm người Nhật ư? Cậu biết những người Hàn đã trở thành người Nhật theo cách tự nhiên hóa và thật hợp lý để làm vậy, nhưng bây giờ cậu cũng chẳng muốn làm điều đó. Có thể một ngày nào đó cậu sẽ muốn. Cô nói đúng; thật kỳ cục là cậu sinh ra ở Nhật mà lại có hộ chiếu Nam Hàn. Cậu không thể bác bỏ việc được nhập tịch. Có lẽ một người Hàn khác sẽ không hiểu điều đó, nhưng cậu không quan tâm nữa.

Kazu là đồ khốn, nhưng như vậy thì sao nào? Ông ta là đồ tồi và ông ta là người Nhật. Có lẽ đó là những điều mà việc đi du học ở Mỹ đã dạy cậu.

Dù có hàng trăm người Nhật tồi, nếu có một người tốt, cậu vẫn không muốn vơ đũa cả nắm. Etsuko đối với cậu như mẹ đẻ; mối tình đầu của cậu là Hana; và Totoyama như một người cha của cậu. Họ đều là người Nhật và họ rất tốt. Phoebe không biết họ như cậu đã biết; làm sao cậu có thể mong cô hiểu cơ chứ?

Về một mặt nào đó, Solomon cũng là người Nhật, dù người Nhật không nghĩ vậy. Phoebe không thể hiểu điều này. Đâu chỉ dòng máu quyết định bạn là gì. Khoảng cách giữa Phoebe và cậu không thể được rút ngắn và nếu cậu là người tử tế, thì cậu phải để cô về nước.

•••

Solomon đi vào bếp pha cà phê. Cậu rót hai tách cà phê và đi tới cửa phòng ngủ.

“Phoebe, anh có thể vào chứ?”.

“Cửa mở mà”.

Những chiếc va li ở trên sàn chứa đầy quần áo đã được gấp và cuộn lại như những chiếc hộp nhỏ. Những ngăn tủ gần như trống rỗng. Năm bộ com-lê tối màu của Solomon và nửa tá sơ mi trắng được treo trên cái thanh dài với khoảng trống bị bỏ lại dài cả thước. Những chiếc giày được xếp thành hàng ngay ngắn của cô vẫn chiếm hầu hết tủ để giày. Giày của Phoebe đều là giày da màu nâu hoặc đen; một đôi giày vải bố màu hồng, từng có lần khiến cô bị rộp da giờ đứng tách riêng khỏi những đôi khác như một sai lầm của thời con gái. Trong năm đầu tiên của họ ở trường đại học, họ đi dự một buổi tiệc và cô đã phải đi chân trần về ký túc xá từ góc đường 111 và Broodway bởi vì đôi giày vải màu hồng đó quá chật.

“Tại sao em vẫn giữ đôi giày đó?”.

“Im đi, Solomon”. Phoebe bắt đầu khóc.

“Anh đã nói gì nào?”.

“Trong đời mình em chưa bao giờ cảm thấy ngớ ngẩn như thế này. Tại sao em lại ở đây?” Cô thở sâu.

Solomon nhìn cô đăm đăm, không biết phải an ủi cô như thế nào. Cậu sợ cô; có lẽ cậu luôn sợ cô - niềm vui của cô, sự tức giận của cô, nỗi buồn của cô, sự phấn khích của cô - cô có rất nhiều cảm xúc cực đoan. Căn phòng gần như trống không với chiếc giường đi thuê trơ trọi và chiếc đèn chụp dường như làm nổi bật sự mạnh mẽ của cô. Ở New York, cô đầy khí thế và thật tuyệt vời. Ở đây, Phoebe gần như quá cứng nhắc, lúng túng.

“Anh xin lỗi”, cậu nói.

“Không. Anh không có lỗi”.

Solomon ngồi khoanh chân trên sàn nhà trải thảm, dựa tấm lưng dài của mình vào bức tường hẹp. Những bức tường mới được sơn vẫn còn được để trắng. Họ chưa treo bất cứ thứ gì lên đó bởi vì chủ nhà sẽ phạt tiền họ theo từng lỗ đinh.

“Anh xin lỗi”, cậu nhắc lại.

Phoebe nhặt đôi giày vải và ném chúng vào thùng rác đã đầy ặc.

“Anh nghĩ anh sẽ làm cho cha anh”, cậu nói.

“Pachinko ư?”.

“Ừ”. Solomon gật đầu với chính mình. Cậu cảm thấy kỳ quặc khi nói ra điều này.

“Ông ấy bảo anh thế à?”.

“Không. Anh không nghĩ cha anh muốn vậy”.

Cô lắc đầu.

“Có lẽ anh có thể tiếp quản việc kinh doanh đó”.

“Anh đang đùa, đúng không?”.

“Không”.

Không nói một lời nào, Phoebe tiếp tục thu xếp hành lý. Cô cố tình phớt lờ cậu, còn cậu vẫn tiếp tục nhìn cô. Cô duyên dáng hơn là xinh và xinh hơn là đẹp. Cậu thích thân mình dài, cái cổ thanh mảnh, mái tóc cắt ngang vai và đôi mắt thông minh của cô. Khi cô cười trước một câu nói đùa, tiếng cười của cô trọn vẹn. Dường như không gì làm cô sợ - cô nghĩ bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Liệu cậu có thể khiến cô thay đổi ý định không? Liệu cậu có thể thay đổi chính bản thân mình không? Có lẽ việc gói ghém này chỉ là một động thái bốc đồng thôi. Cậu thì biết gì về phụ nữ chứ? Thực ra cậu chỉ biết hai cô gái.

Cô cuộn một chiếc áo len nữa và thả nó xuống đống đồ đang cao dần.

“Pachinko. Như vậy sẽ dễ dàng hơn”, cuối cùng cô nói. “Em không thể sống ở đây, Solomon ạ. Dù anh muốn cưới em, em cũng không thể sống ở đây. Ở đây em không thở nổi”.

“Ngay đêm đầu tiên chúng ta đến đây, khi em không thể đọc nổi hướng dẫn trên lọ aspirin và em bắt đầu khóc. Đáng lẽ lúc đó anh đã phải biết điều này rồi”.

Phoebe nhặt một chiếc áo len nữa và cứ nhìn chằm chằm vào nó như thể cô không biết phải làm gì với nó.

“Em buộc phải rời bỏ anh”, cậu nói.

“Đúng vậy”.

•••

Vào buổi sáng, cô rời khỏi đó. Chuyện giống như thể Phoebe thực hiện một cuộc ra đi không ràng buộc, không vương vấn gì. Solomon tiễn cô ra sân bay bằng tàu hỏa và dù họ thân mật, cô đã thực sự thay đổi chỉ sau một đêm. Dường như cô không buồn bã, chẳng tức giận; cô thân ái. Có thể nói dường như cô mạnh mẽ hơn trước. Cô để cậu ôm tạm biệt mình, nhưng họ thống nhất với nhau không nói chuyện lâu.

“Như vậy sẽ tốt hơn”, cô nói, và Solomon cảm thấy bất lực trước quyết định của cô.

Solomon bắt tàu hỏa đi Yokohama.

•••

Văn phòng đơn sơ của cha cậu treo những giá gác bằng kim loại màu xám xung quanh và những chồng hồ sơ đặt trên những chiếc tủ búp-phê kê dọc tường. Ba chiếc két sắt để giấy tờ và giấy biên nhận trong ngày đặt bên dưới những ô cửa sổ cao. Mozasu ngồi bên chiếc bàn gỗ sồi mòn vẹt mà anh đã dùng làm bàn giấy trong hơn ba mươi năm qua. Noa đã ôn thi vào trường Waseda tại chiếc bàn này và khi Noa chuyển đến Tokyo, anh để lại nó cho Mozasu.

“Cha”.

“Solomon”, Mozasu thốt lên. “Mọi chuyện ổn cả chứ?”.

“Phoebe về Mỹ rồi”.

Nói điều đó với cha cậu khiến sự việc trở nên rất thật. Solomon ngồi xuống chiếc ghế trống.

“Gì cơ? Tại sao? Vì con mất việc à?”.

“Không. Con không thể cưới cô ấy. Và con đã nói với cô ấy rằng con thích sống ở Nhật hơn. Làm pachinko”.

“Gì cơ? Pachinko ư? Không, không”. Mozasu lắc đầu. “Con sẽ tìm một việc làm khác ở nhà băng. Đó là lý do tại sao con sang trường Columbia học, đúng không nào?”.

Mozasu đưa tay lên trán, bối rối thực sự trước thông báo này.

“Nó là một cô gái tốt. Cha cứ nghĩ các con sẽ cưới nhau”.

Mozasu đi vòng qua bàn và đưa cho con trai một gói khăn giấy.

“Pachinko ư? Thật ư?”.

“Đúng vậy, tại sao không?”. Solomon hỉ mũi.

“Con không muốn làm nghề này kia mà. Con không biết người ta nói gì đâu”.

“Những gì họ nói không đúng. Cha là một doanh nhân lương thiện. Con biết cha đóng thuế đầy đủ, lấy giấy phép đàng hoàng, và…”.

“Đúng, đúng, đúng vậy. Nhưng người ta luôn nói thế này, thế nọ. Họ luôn nói những điều tồi tệ, bất kể. Chuyện đó bình thường đối với cha. Cha vô danh tiểu tốt mà. Không cần con phải làm việc này. Cha học hành không thông minh như bác của con. Cha giỏi chạy đây chạy đó và sữa chữa các thứ. Cha giỏi kiếm tiền. Cha luôn giữ cho việc kinh doanh của mình sạch sẽ và luôn tránh xa những kẻ xấu. Ông Goro đã dạy cha rằng không đáng để dính dáng với những kẻ tồi tệ. Nhưng Solomon ạ, cái nghề này không dễ đâu, con hiểu không? Nó không chỉ là việc chỉnh sửa những cái máy và đặt mua những chiếc mới, thuê người làm tại sàn đâu. Có nhiều điều có thể dẫn đến sai lầm lắm. Chúng ta biết vô số người đã phá sản, đúng không?”.

“Tại sao cha không muốn con làm nghề này?”.

“Cha cho con học ở các trường của Mỹ để không ai…”. Mozasu ngừng lại. “Không ai coi thường con trai của cha”.

“Cha, điều đó không quan trọng. Không quan trọng chút nào, đúng không?”. Solomon chưa bao giờ thấy cha cậu như thế này.

“Cha làm việc và kiếm tiền bởi vì cha nghĩ điều đó sẽ khiến cha trở thành một người đàn ông. Cha nghĩ nếu cha giàu, mọi người sẽ tôn trọng cha”.

Solomon nhìn ông, gật đầu. Cha cậu hiếm khi chi tiêu cho bản thân, nhưng ông chi trả cho các đám cưới và đám tang của nhân viên, gửi tiền học phí cho trẻ em.

Khuôn mặt Mozasu bỗng nhiên trở nên rạng rỡ.

“Con có thể thay đổi ý định, Solomon ạ. Con có thể gọi điện cho Phoebe khi nó về tới nơi và nói con xin lỗi. Mẹ của con rất giống Phoebe - có ý chí mạnh mẽ và thông minh”.

“Con muốn sống ở đây”, Solomon nói. “Cô ấy sẽ không sống ở đây đâu”.

“Ừ”.

Solomon cầm cuốn sổ cái trên bàn của cha cậu lên.

“Cha, hãy giảng giải cái này cho con”.

Mozasu ngừng một lát, rồi ông mở cuốn sổ ra.

•••

Đó là ngày mùng Một và Sunja thức dậy trong cảm giác bất an. Bà lại mơ thấy Hansu. Gần đây, ông ta thường xuất hiện trong giấc mơ của bà trông y như hồi trước, khi bà còn con gái, mặc bộ com-lê bằng vải lanh trắng, đi giày da màu trắng. Lần nào cũng như lần nào ông ta luôn nói: “Em là cô gái của anh; em là cô gái đáng yêu của anh”. Sunja thường tỉnh giấc và cảm thấy xấu hổ. Đáng lẽ bà nên quên ông ta.

Sau bữa sáng, bà tới nghĩa trang để dọn mộ Isak. Như thường lệ Kyunghee đề nghị đi cùng bà, nhưng Sunja nói bà đi một mình không sao. Cả hai người đều không làm lễ jesa. Là người Cơ Đốc giáo, họ mặc định không tin vào việc thờ tổ tiên. Tuy nhiên, cả hai bà góa vẫn muốn nói chuyện với chồng quá cố của mình và những người già đã khuất, cầu khấn họ, tìm kiếm sự chỉ bảo của họ. Họ nhớ những nghi lễ truyền thống, vậy nên Sunja thường xuyên đi viếng mộ chồng. Thật lạ lùng, nhưng Sunja cảm thấy gần gũi với Isak theo cái cách mà bà không cảm thấy khi ông còn sống. Khi đó bà kính sợ ông và sự thánh thiện của ông. Qua đời rồi, ông dường như dễ gần hơn đối với bà.

Khi tàu hỏa từ Yokohama đến ga Osaka, Sunja mua một bó hoa cúc màu trắng ngà từ cửa hàng của một bà già người Hàn. Bà ấy đã ở đó nhiều năm. Isak giải thích chuyện đến lúc về với Chúa, thân thể thực của ta sẽ ở trên thiên đường, vì vậy điều gì xảy ra với di hài của ta đều không quan trọng. Không hợp lý khi mang cho thể xác đã được chôn cất những thức ăn ưa thích, hương nhang, hay hoa. Ông nói, không cần cúi gập người bởi vì tất cả chúng ta đều bình đẳng trước Chúa. Tuy nhiên Sunja vẫn muốn mang một thứ gì đó đẹp đẽ tới mộ chồng. Sinh thời, hầu như ông chẳng đòi hỏi gì ở bà và bây giờ khi nghĩ về ông, bà nhớ chồng mình là một người ngợi ca cái đẹp mà Chúa đã tạo ra. Bà mừng rằng Isak đã không được hỏa táng. Bà muốn có một nơi để các con trai bà viếng thăm cha chúng. Mozasu thường xuyên viếng mộ cha và trước khi Noa biến mất, Noa cũng thường cùng bà đến viếng mộ. Các con có nói chuyện với ông ngoài mộ như bà không nhỉ? Bà tự hỏi. Bà chưa bao giờ chợt nảy ra ý hỏi chúng điều này và bây giờ thì đã quá muộn. Gần đây, mỗi lần tới nghĩa trang, bà đều tự hỏi Isak nghĩ gì về cái chết của Noa. Isak chắc hẳn hiểu nỗi đau của Noa. Ông biết phải nói gì với nó. Noa đã được vợ hỏa táng, vậy nên không có mộ để viếng thăm. Khi chỉ có một mình, Sunja nói chuyện với Noa. Đôi khi điều gì đó rất đơn giản, chẳng hạn như một chiếc kẹo bơ cứng thơm ngon cũng khiến bà tiếc rằng bây giờ mình có tiền mà không thể mua cho Noa thứ gì đó hồi nhỏ Noa thích. Xin lỗi, Noa, xin lỗi con. Noa qua đời đã nhiều năm; nỗi đau không biến mất, nhưng độ sắc của nó đã cùn bớt và phẳng lặng như bãi biển thủy tinh.

Sunja không tới đám tang của Noa. Cậu không muốn vợ con mình biết về bà và bà cũng đã làm đủ những việc mà cậu không muốn rồi. Nếu ngày ấy, bà không đến thăm cậu theo cách ấy, thì có lẽ cậu vẫn còn sống. Hansu cũng không tới đám tang. Nếu còn sống thì bây giờ Noa đã năm mươi sáu tuổi.

Trong giấc mơ của bà đêm qua, Sunja hạnh phúc vì Hansu lại đến gặp bà. Họ gặp nhau tại bãi biển gần ngôi nhà cũ của bà ở Yeongdo để nói chuyện và việc nhớ lại giấc mơ đó giống như thể đang quan sát cuộc sống của người khác. Sao có thể có chuyện Isak và Noa đã khuất mà Hansu thì vẫn còn sống? Như vậy có công bằng không? Hansu đang sống tại một chỗ nào đó ở Tokyo trên giường bệnh viện trong sự theo dõi của các y tá và các con gái của ông ta. Bà không bao giờ gặp lại ông ta nữa và cũng không muốn gặp. Trong giấc mơ của bà, ông ta đầy sức sống như hồi bà còn con gái. Không phải bà nhớ Hansu, thậm chí không phải bà nhớ Isak. Điều mà bà gặp lại trong những giấc mơ của mình là tuổi trẻ của bà, sự khởi đầu và những ước nguyện của bà - hành trình Sunja trở thành một người đàn bà là như vậy đó. Không có Hansu, Isak, Noa, thì đã không có cuộc hành hương tới xứ sở này. Ngoài cuộc sống thường ngày, cũng có những khoảnh khắc của cái đẹp lung linh và chút huy hoàng, thậm chí trong cuộc đời của người đàn bà này. Dẫu không ai biết, điều đó là sự thật.

Có sự an ủi đấy: Bà học được một điều rằng những người ta yêu thương, họ luôn bên ta. Đôi khi bà có thể đứng trước các ki-ốt của đường sắt hoặc trước một hiệu sách, và bà có thể cảm nhận được bàn tay nhỏ của Noa khi cậu còn bé và bà nhắm mắt lại, nghĩ về cái mùi ngai ngái, ngọt ngào của cậu và nhớ rằng cậu luôn nỗ lực hết sức. Vào những khoảnh khắc đó, thật tốt khi ở một mình để níu giữ cậu.

Bà bắt taxi từ ga tàu hỏa tới nghĩa trang, sau đó đi bộ qua nhiều hàng mộ tới ngôi mộ được chăm nom cẩn thận của Isak. Không cần phải dọn gì cả, nhưng bà thích lau tấm bia đá cẩm thạch trước khi bà nói chuyện với ông. Sunja quỳ xuống và lau tấm bia hình vuông, phẳng lì bằng những chiếc khăn mà bà mang theo cho việc này. Tên của Isak được khắc bằng tiếng Nhật và tiếng Hàn. 1907 - 1944. Phiến đá cẩm thạch trắng giờ đây sạch và ấm dưới ánh mặt trời.

Ông là một người đàn ông thật đẹp đẽ và thanh tao. Sunja có thể nhớ lại các cô gái giúp việc ở nhà bà đã ngưỡng mộ ông như thế nào; Bokhee và Dokhee chưa bao giờ gặp người đàn ông nào đẹp trai như vậy. Mozasu giống bà hơn, có khuôn mặt cục mịch, nhưng Mozasu có dáng người thẳng và kiểu bước đi vững chãi của cha. “Anh à”, bà nói, “Mozasu khỏe. Tuần trước, con nó gọi điện cho em, bởi vì Solomon bị mất việc ở cái nhà băng ngoại quốc đó rồi, và bây giờ nó muốn làm việc cùng cha nó. Anh có tưởng tượng nổi điều đó không? Em không biết anh nghĩ sao về việc ấy”.

Sự yên lặng khích lệ bà.

“Em không biết anh thế nào…”. Bà ngừng nói khi bà nhìn thấy Uchida, người quản trang. Sunja, trong bộ vest bằng vải len màu đen, đang ngồi trên mặt đất. Bà liếc nhìn chiếc túi xách tay của mình trên mặt đất. Đó là một chiếc túi thiết kế đắt tiền mà Etsuko đã mua cho bà vào dịp sinh nhật lần thứ bảy mươi của bà. Người quản trang dừng lại trước mặt bà, cúi chào và bà cúi người đáp lại.

Sunja mỉm cười với người đàn ông trẻ lịch sự chắc chừng bốn mươi, bốn lăm tuổi. Uchida trông trẻ hơn Mozasu. Trong mắt anh, bà trông như thế nào nhỉ? Da bà hằn sâu những nếp nhăn vì nhiều năm dãi nắng, mái tóc cắt ngắn của bà bạc phơ. Không sao - bảy mươi ba tuổi đối với bà dường như chưa già lắm. Liệu người quản trang có nghe thấy những gì bà lẩm bẩm bằng tiếng Hàn không nhỉ? Từ khi bà thôi không làm việc ở tiệm bánh kẹo nữa, tiếng Nhật của bà vốn đã hạn chế lại càng giảm sút. Điều đó không tệ, nhưng gần đây bà cảm thấy ngại ở giữa những người nói tiếng bản địa. Uchida nhặt cái cào của mình lên và bước đi.

Sunja đặt cả hai bàn tay lên phiến đá cẩm thạch trắng, như thể từ chỗ mình bà có thể chạm vào Isak.

“Em ước gì anh có thể nói cho em biết điều gì sẽ xảy ra với chúng em. Em ước gì anh biết rằng Noa đã ở đó với anh”.

Cách đó vài hàng mộ, người quản trang đang dọn những chiếc lá ướt khỏi những tấm bia. Thỉnh thoảng anh liếc nhìn bà và Sunja cảm thấy bối rối khi bị bắt gặp đang nói chuyện với một nấm mồ. Bà muốn nán lại lâu hơn một chút. Muốn làm như thể mình đang bận, bà mở chiếc túi vải bạt ra để cất những chiếc khăn lau bẩn đi. Trong đáy túi, bà tìm thấy chùm chìa khóa nhà trên cái vòng đeo chìa khóa với ảnh Noa và Mozasu cỡ nhỏ lồng trong khung nhựa acrylic được gắn kín. Sunja bắt đầu khóc, bà không thể kìm được.

“Bà Boku”.

“Vâng?”. Sunja ngước lên nhìn người quản trang.

“Cháu lấy cho bà thứ gì đó để uống nhé? Cháu có phích trà ở trong lều. Trà không được ngon lắm, nhưng ấm bà ạ”.

“Không, không. Cảm ơn cậu. Lúc nào cậu chẳng nhìn thấy người khóc”, bà nói bằng tiếng Nhật đứt quãng.

“Không hẳn như vậy, rất ít người đến đây, nhưng gia đình bà viếng mộ thường xuyên. Bà có hai người con trai và một đứa cháu nội, Solomon. Anh Mozasu cứ một hoặc hai tháng lại viếng mộ một lần. Mười một năm rồi cháu không thấy anh Noa, nhưng trước kia cứ vào ngày thứ Năm cuối cùng của tháng là anh ấy lại tới. Chính xác như đồng hồ ấy. Anh Noa thế nào ạ? Anh ấy là người rất tốt bụng”.

“Noa đến đây ư? Đến trước năm 1978 hả?”.

“Vâng”.

“Từ năm 1963 đến năm 1978 đúng không?”. Bà nhắc đến những năm Noa ở Nagano. Bà nhắc lại mốc thời gian đó, hy vọng tiếng Nhật của mình chính xác. Sunja chỉ bức ảnh Noa trên móc treo chìa khóa. “Nó tới đây ư?”. Người quản trang nhìn tấm ảnh gật đầu một cách chắc chắn, rồi ngước lên nhìn bầu trời như thể anh đang cố xem một loại lịch nào đó trong đầu.

“Đúng, đúng vậy. Anh ấy đến trong những năm ấy và cả trước đó nữa. Anh Noa bảo cháu hãy đến trường, thậm chí còn ngỏ ý giúp lo chi phí cho cháu đi học nếu cháu muốn”.

“Thật sao?”.

“Vâng, nhưng cháu nói với anh ấy rằng cháu dốt đặc, có cho cháu đi học cũng chẳng ích gì. Vả lại, cháu thích nơi này. Nó thật yên tĩnh. Mọi người đến đây viếng mộ đều rất tốt. Anh ấy bảo cháu đừng bao giờ nói cho ai biết những chuyến viếng mộ của anh ấy, nhưng cháu không gặp Noa đã hơn chục năm rồi và cháu không biết liệu có phải anh ấy đã chuyển sang Anh quốc rồi không. Anh ấy bảo cháu đọc những cuốn sách hay và mua cho cháu các bản dịch của đại văn hào người Anh Charles Dickens”.

“Noa, con trai tôi, mất rồi”.

Người quản trang hơi há miệng ra.

“Con trai tôi, con trai tôi”, Sunja nói khẽ.

“Cháu rất buồn khi nghe tin đó, bà Boku. Thật sự, cháu rất buồn”, người quản trang nói, trông thật buồn. “Bấy lâu nay cháu cứ hy vọng sẽ nói với anh ấy rằng sau khi cháu đọc xong tất cả những cuốn sách mà anh ấy mang đến cho cháu, cháu đã tự mua thêm các cuốn khác. Cháu đã đọc hết tất cả những cuốn sách của ông Dickens được dịch ra, nhưng cuốn cháu thích nhất là cuốn đầu tiên anh ấy mang đến cho cháu, cuốn David Copperfield. Cháu khâm phục David”.

“Noa thích đọc sách. Thích nhất. Nó thích đọc sách”.

“Bà đã đọc sách của ông Dickens rồi chứ ạ?”.

“Tôi không biết”, bà nói. “Không biết đọc”.

“Thật ư? Nếu bà là mẹ của Noa, thì bà cũng rất thông minh. Có lẽ bà có thể đi học lớp buổi tối dành cho người lớn. Đó là điều Noa đã bảo cháu làm”.

Sunja mỉm cười với người quản trang dường như đang hy vọng về việc vận động một bà già đến trường. Bà nhớ Noa đã dỗ dành Mozasu duy trì việc học hành.

Người quản trang nhìn cái cào của mình. Anh cúi thật thấp, xin phép quay trở lại với công việc.

Khi anh đi khuất, Sunja dùng tay đào một cái hố sâu khoảng bằng bàn chân ở chân bia mộ và thả tấm ảnh trên móc treo chìa khóa xuống đó. Bà phủ đất và cỏ lên cái hố ấy, rồi dùng khăn lau tay, nhưng đất vẫn bám dưới móng tay bà. Bà nhặt những cái túi của mình lên. Giờ này Kyunghee đang đợi bà ở nhà.

HẾT

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3