Phobia (Hội chứng sợ)

“Ai cho nó nộp đơn ly hôn tao???” Bị đơn Phi hét lên và chụp lấy chai nhựa La Vie ném về phía Dũng.

Dũng cúi vội người xuống theo phản xạ, chai nhựa còn gần đầy nước bay vun vút phía trên đầu cậu rồi đập vào bức tường rào gạch xỉ phía sau kêu bốp một tiếng.

Cũng may, lúc ấy Dũng đang đứng ở cổng, còn Phi đứng trước cửa nhà, khoảng cách hai bên gần bảy mét nên cậu có đủ thời gian phản ứng.

“Anh bình tĩnh lại đi.” Dũng nói sau khi đứng lên. “Anh mà có hành vi chống người thi hành công vụ là phạm tội hình sự đấy. Không chỉ vợ anh mà bất kỳ ai cũng có quyền nộp đơn ly hôn lên tòa, anh không đồng ý ly hôn thì có thể đến trình bày tại tòa để chúng tôi xem xét. Còn hôm nay tôi đến là để giao cho anh giấy triệu tập của tòa, anh nhận giấy tờ là đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho chính mình đấy!”

“Tao không lên liếc gì cả!?” Phi hét lên như một người điên. “Tao mà gặp vợ tao ở đâu là sẽ đánh nó ở đấy!”

Nói rồi hắn quay vào trong và đóng sầm cánh cửa nhà lại.

Dũng chỉ còn biết thở dài ngao ngán, sau đó cậu đành phải lập biên bản về việc đương sự từ chối nhận văn bản của tòa.

 

“Sao?? Đến mức ấy cơ à?” Phó Chánh án Quân giật mình khi nghe Dũng báo cáo lại sự việc. “Em có bị thương ở đâu không?”

“Không anh ạ.” Dũng cười méo xệch. “Em hay đá bóng nên cũng quen phản xạ với tình huống bóng nhanh rồi.”

“Còn đùa nữa!? Em làm tường trình đi, anh sẽ gọi cho công an phường ngay.”

“Thôi anh ạ. Chai nhựa thì cũng không sao.” Dũng nói. “Hơn nữa… em né được nên không vấn đề gì.”

“Dở thật!” Anh Quân chép miệng và nói. “Anh em đi giao giấy tờ bị chửi bới xúc phạm cũng nhiều, nhưng không ngờ bây giờ lại đến mức ấy. Đợt rồi trong Bình Chánh cũng có vụ tuyên án xong đương sự xông lên đuổi đánh kiểm sát viên ngay tại phiên tòa đấy, nghe nói công an cũng vừa khởi tố và bắt tạm giam rồi.”

“Vâng, nhưng vụ này không sao đâu anh ạ. Có vụ khác mới đang làm em đau đầu cơ…”

“Sao? Còn vụ gì nữa?”

“Báo cáo anh là ba hôm nay em toàn nhận được tin nhắn đe dọa từ sim rác thôi.” Dũng nói và mở máy ra cho anh Quân xem dòng chữ từ một số lạ:“Đi đường cẩn thận đấy, thư ký tòa!!”.

“Em có đoán được là ai không?” Anh Quân đăm chiêu nhìn dòng chữ.

“Tháng này em ngồi nhiều phiên tòa, đi tống đạt cũng nhiều nên chưa rõ là ai. Để em xem tình hình thế nào, nếu có vấn đề gì em sẽ báo cáo anh ngay.”

 “Ừ.” Anh Quân gật đầu. “Thấy không ổn phải báo cáo anh ngay nhé!”

“Vâng. Thôi em ra đây ạ!”

“À… Từ từ đã, có quyết định cử em đi học lớp thư ký ở Học viện tòa án đây này.” Anh Quân nói và rút tờ giấy trong ngăn kéo ra.

Dũng đứng dậy và đi đến nhận tờ quyết định từ tay phó thủ trưởng.

“Cám ơn anh.” Dũng nói khi đọc xong tờ giấy. “Từ ngày luật dân sự, luật hình sự sửa đổi em cũng chưa có thời gian hệ thống lại kiến thức.”

Nhìn gương mặt mệt mỏi của cậu em, anh Quân lựa lời động viên: “Ừ… đi một ngày đàng học một sàng khôn, cố lên em nhé!”

“Vâng anh.”

“À, mà năm nay Dũng cũng 26 tuổi rồi đấy nhỉ, cũng đến lúc cho anh em cơ quan ăn cỗ được rồi đấy!”

“Vâng, bố em cũng giục suốt anh ạ!” Dũng cười toet toét với sếp. “Để lần này em đi học xem có gặp cơ duyên nào không anh nhé!”

* * *

Nhà Dũng có ô tô nhưng sợ tắc đường nên cậu chọn đi học bằng xe buýt cho tiện. Một chiều chủ nhật, vừa bước lên xe buýt 52A thì Dũng nhận được tin nhắn đe dọa từ một số lạ, số tháng trước cậu đã chặn nhưng lần này họ lại dùng số mới để nhắn.

Đang bực mình nên Dũng bấm gọi lại ngay, người ở đầu dây bên kia bắt máy nhưng không nói gì cả, họ cố tình im lặng để tạo không khí đe dọa.

“Tôi không biết anh chị là ai!?” Dũng cứng giọng. “Nhưng anh chị hãy nhớ là xã hội này có pháp luật, không phải muốn làm gì thì làm đâu!”

Nói xong Dũng tắt máy và ôm đầu thở dài mệt mỏi, có lẽ họ cũng chẳng dám làm gì cậu đâu, nhưng kiểu quấy rầy này thật phiền hà.

“Anh có sao không ạ?!”

Dũng ngẩng mặt lên thì thấy cô gái ngồi cạnh đang quay sang nhìn mình, chắc là cô đã nghe được cuộc điện thoại căng thẳng vừa rồi.

Dũng và cô gái ấy làm quen với nhau, cô tự giới thiệu mình tên là Lan, cô kém Dũng một tuổi, nhà cô ở Gia Lâm, đi quá Học viện Tòa án một đoạn, hàng ngày cô vẫn ra vào nội thành làm bằng xe buýt 52A.

Dũng kể sơ qua cho cô nghe về cuộc điện thoại ban nãy.

“Mỗi nghề có một cái khó riêng em ạ…” Dũng chép miệng. “Nghề tòa án của bọn anh là thế đấy, dễ làm mất lòng người…”

Lan nói từ trước đến nay cô chưa đến tòa án bao giờ, nhưng mẹ cô thì đã mấy lần tìm đến đấy. Trước đây bà có một cuộc hôn nhân bất hạnh với bố cô, ông là người nghiện rượu nặng, thỉnh thoảng rượu say vào là ông lại về đánh đập vợ một cách tàn nhẫn.

Trong tuổi thơ của mình, đã không ít lần Lan phải chứng kiến cảnh con người ấy đi nhậu say về là chốt cửa nhà lại rồi cầm chiếc gạt tàn bằng gỗ đặc đập vào đầu mẹ cô.

“Ba năm trước khi bố em mất…” Lan buồn rầu kể. “Năm nào Tết ra mẹ em cũng tìm đến tòa án các anh, mục đích của bà là đến nộp đơn ly hôn, nhưng kết quả là… lần nào bà cũng đứng do dự trước cổng tòa án một lúc rồi quay xe ra về.”

“Sao lại vậy?!”

“Anh biết phụ nữ thế hệ ấy rất cam chịu mà, rồi mẹ em sợ nữa, sợ tiếng bỏ chồng, sợ con cái thiệt thòi.” Lan nói. “Giống như nhiều phụ nữ khác ở quê, bà cứ mơ hồ tin rằng chỉ cần chịu đựng được qua những ngày tháng bão giông thời trẻ thì về già sẽ được yên ổn…”

“Mẹ em thật đáng thương!” Dũng thốt lên.

“Vâng. Đến năm thứ ba thì bố em đi khám bệnh và phát hiện ra bị ung thư dạ dày, bác sĩ bảo do ông uống nhiều rượu quá, từ lúc phát hiện đến lúc bố em mất chỉ gần ba tháng…”

“Vậy… cuối cùng là ông trời đã giải thoát cho bà.” Dũng trầm tư nói. “Thật đáng tiếc, nếu mẹ em dũng cảm hơn, tòa án đã có thể giải thoát cho bà sớm hơn…”

 

Sau chuyến xe buýt ngày hôm ấy Dũng và Lan kết bạn với nhau, và chỉ hai tháng sau họ trở nên thân thiết như hình với bóng, họ hợp tính nhau một cách kỳ lạ, hai người có thể ngồi rỉ rả với nhau cả ngày vẫn không thấy chán.

Điều Dũng thích nhất ở Lan đó là cô có một khả năng lắng nghe rất tuyệt vời, cô có thể ngồi hàng giờ đồng hồ để nghe cậu kể về những áp lực trong công việc và cuộc sống.

Một lần tiện đường Dũng bèn mời Lan ghé qua nhà mình chơi, mẹ cậu có thiện cảm với Lan ngay từ lần đầu gặp mặt, bà nói cô là một người ưa nhìn, nhẹ nhàng và có học thức.

Một ngày đầu thu tháng 10, Dũng chở Lan lên hồ Tây đi dạo và ngắm hoàng hôn, rồi cậu tặng cho Lan một sợi dây chuyền xinh xắn và chân thành ngỏ lời mong cô đồng ý làm người yêu mình.

Không hiểu sao sau khi nghe Dũng nói xong Lan đứng do dự một lúc rất lâu, rồi cuối cùng, khi cậu gặng hỏi, cô mới bật khóc và thú nhận với Dũng một sự thật khiến cậu bàng hoàng, đó là cô đã từng có gia đình.

* * *

Hồi sinh viên Lan có một tình yêu rất chân thành với cậu bạn cùng lớp đại học, vừa ra trường là hai người họ kết hôn, sau đó cô sang Úc du học, nhưng cô vừa đi được hai tháng thì ở nhà cậu ta bị tai nạn giao thông qua đời.

Mẹ Dũng phản ứng cực kỳ gay gắt khi biết thông tin ấy, tối nào bà cũng vào phòng cậu và khuyên bảo với giọng khổ sở: “Con hãy quên cô bé ấy đi, và đừng bao giờ để bố và ông bà nội biết được chuyện này…”

Gia cảnh nhà Dũng cũng chỉ thường thường bậc trung, nhưng bố mẹ cậu dạy con rất nghiêm khắc, mẹ cậu bán quần áo ở nhà còn bố cậu là hiệu trưởng trường cấp hai, thời gian này ông rất hy vọng sẽ tổ chức một đám cưới đàng hoàng cho con trước khi nghỉ hưu.

Bạn thân của Dũng cũng khuyên cậu nên nghĩ lại: “Mặc dù Lan chưa có con, chưa ràng buộc gì, nhưng sao cứ phải là cô ấy, Hà Nội này có hàng triệu người, thiếu gì người để mày yêu...”

Ai chẳng biết thủ đô này có cả triệu người chứ, Dũng thầm nghĩ, thật ra trước đây cậu cũng từng trải qua vài mối tình, nhưng chẳng mối tình nào tới bến tới bờ cả, bởi vì Dũng không tìm được sự thấu hiểu lẫn nhau giữa cậu với những người ấy, không ai trong những người ấy có thể hiểu rõ được suy nghĩ của cậu như Lan bây giờ cả, chỉ tiếc là…

Sao ông trời lại trớ trêu như vậy chứ, Dũng thường tự hỏi như thế trong những đêm trằn trọc không ngủ được, ngoài quá khứ ra không ai chê Lan được một điều gì, thậm chí trước khi biết được quá khứ ấy ai cũng khen hai người họ đẹp đôi.

Một bầu không khí ảm đạm bắt đầu bao trùm lên những buổi đi chơi của đôi bạn trẻ kể từ lúc ấy, họ thường đi dạo phố bên cạnh nhau trong sự im lặng, trong đầu cả hai người đều bị ám ảnh về chuyện ấy, nhưng không ai dám mở miệng ra nói, quá khứ của Lan như một bức tường thành sừng sững mà đứng trước nó cả hai đều thấy vô cùng bế tắc.

Trước Tết âm lịch Lan rủ Dũng đi uống café, cũng như những lần trước, phần lớn thời gian ở quán café họ ngồi nhìn nhau trong sự im lặng, đến 8 giờ tối thì cả hai mệt mỏi đứng dậy ra về.

Dũng lái xe đưa Lan về nhà, khi hai người chào tạm biệt nhau ở đầu ngõ, Lan mới ấp úng kể cho Dũng nghe chuyện mẹ con cô sẽ bán nhà ở đây để vào Sài Gòn sinh sống.

“Nhà em có người quen trong đấy à?” Dũng ngạc nhiên.

“Vâng, anh trai em hiện ở trong ấy, bọn em rất thương mẹ nên từ bé hai đứa đều chăm chỉ học hành, anh trai em học rất giỏi, ra trường anh ấy vào Nam làm kiến trúc sư, công việc rất ổn định, gần đây anh ấy muốn hai mẹ con em bán nhà ở đây đi để vào ấy.” Lan nói chậm rãi. “Mẹ em cũng nhất trí rồi. Mảnh đất Gia Lâm này đối với ba mẹ con em là một quá khứ buồn, đến một miền đất mới có lẽ sẽ giúp cả ba người quên được quá khứ ấy đi.”

“Đấy là quyết định cuối cùng của em rồi sao?!” Dũng thở dài.

“Vâng.” Lan nói. “Sang tuần mẹ em sẽ vào trước, em ở lại thu dọn đồ đạc rồi vào sau…”

Lan đang nói dở thì có một chiếc xe máy Exciter từ trong ngõ đi ra, thấy hai người ở đầu ngõ tay lái xe vội bấm còi và bật đèn pha, ánh sáng vàng của đèn pha chiếu thẳng vào mặt Lan khiến cô run bắn lên, cô lùi vội về phía sau và bám chặt lấy tay Dũng.

“Em sao vậy?” Dũng hỏi khi chiếc xe đã vụt qua, biểu hiện lúc này của Lan rất lạ, cô run lẩy bẩy như kiểu vừa rồi suýt bị tai nạn vậy, mặc dù chiếc xe kia chạy rất từ tốn.

“Anh… anh biết tại sao em nói Gia Lâm là mảnh đất buồn với mẹ con em không?” Lan nói khi đã lấy lại bình tĩnh. “Hồi em còn bé, có những tối bố em nhậu say về, mẹ em sợ quá giữa đêm hôm dẫn em đi bộ về ông bà ngoại ở cách đây mấy cây số, bố em lấy xe máy đuổi theo, ông đi đường tắt để chặn đường, ông đứng chờ ở một đoạn nào đấy và khi thấy hai mẹ con em đi đến, ông sẽ bật đèn pha xe máy chiếu thẳng vào mặt, và kết quả sau đó thế nào anh biết rồi đấy, một trận đòn tơi tả sẽ trút xuống đầu mẹ em ngay giữa đường…”

Dũng vừa nghe vừa xiết chặt nắm đấm vì tức giận, trời ơi, sao trên đời lại có kẻ dã man đến vậy chứ.

“Khi em bắt đầu biết nghĩ…” Lan chảy nước mắt kể tiếp. “Một trong những câu đầu tiên em hỏi mẹ là sao mẹ không dám ly hôn bố. Em không hiểu nỗi sợ của bà, em thấy quá vô lý, nếu là em thì em đã vào tòa ly hôn lâu rồi. Nhưng… khi lớn hơn nữa em mới hiểu ra là, mỗi người chúng ta đều có nỗi sợ của riêng mình, như em, em rất sợ ánh đèn pha xe máy hoặc ánh đèn pin bất ngờ chiếu thẳng vào mặt, như anh vừa chứng kiến đấy. Có lần em kể chuyện ấy với bác sĩ, chị ấy bảo nó là hội chứng sợ, tiếng Anh là Phobia, do chấn động tâm lý em gặp phải lúc nhỏ, có những người mắc hội chứng sợ bóng tối, tên khoa học là Nyctophobia, có người sợ độ cao, gọi là Acrophobia, có người sợ sấm sét, gọi là Astraphobia…”

Dũng vội giơ tay ôm lấy Lan vào lòng. “Em bình tĩnh, bình tĩnh lại đã…” Cậu vừa nói vừa vỗ về cô.

“Một phần lý do khiến em quyết định vào Nam…” Lan khóc trong vòng tay Dũng và nói tiếp. “Vì em biết chuyện chúng ta sẽ không đến đâu cả… Anh và gia đình cũng có nỗi sợ riêng của mình, sợ mất thể diện, sợ áp lực dư luận… Em không biết tên khoa học của nó là gì, nhưng nỗi sợ ấy rất thật và rất lớn, sức nặng của nó hoàn toàn đủ để đè nát tình yêu của chúng ta…”

* * *

Dũng vào tòa án mới được bốn năm, nhưng cậu có cảm giác thời gian mình ở trong ngành này dài hơn thế rất nhiều, như là đến mười năm vậy. Có lẽ vì công việc này đã mang đến cho cậu nhiều trải nghiệm sâu sắc và ám ảnh, có những vụ án ly hôn mà khi hồ sơ vụ án đó được khép lại, Dũng cảm thấy như mình vừa sống thêm một cuộc đời nữa vậy.

Gần đây, có một vụ án ly hôn đem lại cho Dũng nhiều suy ngẫm và nhiều góc nhìn mới về cuộc sống, nguyên đơn trong vụ án là một phụ nữ mới ngoài 30, chị tên là Huyền, một người phụ nữ có phong thái rất sang trọng, suy nghĩ của chị rất sâu sắc và cách nói chuyện thì rất duyên dáng.

Lần đầu tiên làm việc với chị, Dũng rất ngạc nhiên khi chị nói rằng lý do đầu tiên khiến chị ly hôn là vì chồng chị thường xuyên gảy tàn thuốc lá vào những chậu cây chị trồng.

Dũng biết đấy là một câu nói nửa thật nửa đùa thôi, nhưng càng nghiên cứu hồ sơ cậu càng hiểu rõ hơn sự tinh tế và sâu sắc trong câu nói ấy.

Chồng Huyền hơn chị năm tuổi, anh ta bước vào đời chị với vẻ ngoài của một người đàn ông chín chắn và thành đạt, nhưng ngay khi về chung một nhà, tính cách gia trưởng của anh ta mới ngày càng bộc lộ, anh ta đối xử với vợ như với một người giúp việc trong nhà, dù Huyền tham gia ý kiến với công việc gì trong nhà, chị cũng chỉ nhận được một câu phản hồi duy nhất: “Đàn bà biết gì mà nói!?”

Khi Huyền sinh con đầu lòng, người nhà chị đến giúp, chứng kiến sự vô tâm của chồng chị, trước khi về họ chỉ khuyên chị một câu, đó là đừng bao giờ sinh con thêm nữa, sẽ chỉ khổ thêm.

Mâu thuẫn hai bên trở nên trầm trọng vào năm ngoái, khi Huyền quyết tâm đi tìm việc làm, người chồng thì chỉ muốn chị ở nhà chăm con, nhưng ngửa tay xin tiền một người khó chịu như thế, chị thật sự không chịu đựng nổi.

Phiên tòa hôm ấy kéo dài gần hai tiếng, kết quả là Huyền được giải thoát khỏi cuộc hôn nhân chỉ toàn những tổn thương của mình, ngoài ra, chị cũng được quyền nuôi con, anh chồng phải cấp dưỡng nuôi con hai triệu đồng một tháng.

Sau khi phiên tòa kết thúc, Dũng đang thu dọn đồ đạc thì nghe thấy tiếng khóc của cô con gái Huyền ở ngoài hành lang, thấy vậy cậu bèn đi ra hỏi thăm, hóa ra là trước khi ra về anh chồng đã chửi mắng hai mẹ con rất thậm tệ, đứa bé bị kích động mạnh nên khóc, Huyền lau nước mắt cho con mà cũng rơm rớm theo.

“Thôi. Hai mẹ con đừng khóc nữa…” Dũng nói. “Mọi việc cũng kết thúc rồi, chiều thẩm phán ra bản án em sẽ gửi cho chị ngay.”

“Ừ, chị cám ơn em nhé.” Huyền nói và lấy khăn giấy chấm nước mắt.

“Có điều là…”

“Điều gì?” Huyền ngẩng lên nhìn cậu. “Em định nói gì à?”

“Chị cũng biết là trong cuộc sống này… rất khó để chúng ta tìm được những thứ tuyệt đối. Hạnh phúc gia đình cũng vậy, rất khó để tìm được sự hoàn hảo...”

“Chị hiểu ý em. Em thấy anh ấy rơi nước mắt tại phiên tòa nên cũng động lòng đúng không?!”

“Vâng. Em thấy anh ấy nói vì con vì cái cũng tha thiết.”

“Trong 7 năm hôn nhân của bọn chị, anh ấy đã khóc tổng cộng là hai lần, đây là lần thứ hai.” Huyền thở dài và nói. “Lần đầu tiên là khi bọn chị mới yêu nhau, bố mẹ chị sớm nhìn ra được tính cách gia trưởng trong con người anh ấy nên đã khuyên chị dừng lại. Một lần, chị đề nghị chia tay, anh ấy nghe xong thì khóc lóc van xin và hứa nhất định sẽ thay đổi, nhưng rồi đâu lại vào đấy, sống với anh ấy nhiều năm chị hiểu rất rõ, tính cách gia trưởng đã ăn sâu vào con người anh ấy rồi, không thể nào thay đổi được. Những giọt nước mắt ấy không phải là của một người đã hiểu rõ vấn đề đâu, mà là của một người đang tiếc của, họ thấy tiếc khi mất đi thứ tài sản gì đó vốn thuộc sở hữu của mình thôi.”

“Vậy sao!?” Dũng thở dài.

“Còn chị, trong 7 năm ấy chị đã ôm gối khóc thầm không biết bao nhiêu lần, đến giờ nước mắt có khi cũng sắp cạn rồi.” Huyền cười chua chát. “Chị biết bây giờ bắt đầu lại sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng chị quyết tâm rồi, mình chỉ sống có một lần, phải sống làm sao cho vui vẻ chứ, đúng không em?!”

“Chị nói đúng.”

“Mà hơn nữa…” Huyền nói. “Chẳng phải tòa án này chính là nơi cho người ta thêm can đảm để đi tìm kiếm hạnh phúc thật sự hay sao, phải vậy không em?!”

“Sao?” Dũng sửng sốt. “Chị nói sao cơ?”

“Đấy là điều chị đã hiểu ra khi đến tòa ly hôn đấy.” Huyền cười và nói. “Ngày xưa chị cũng thích học luật lắm, nhưng những năm 2000 cơ hội việc làm cho dân luật ít nên chị mới không thi luật.”

“Cám… Cám ơn chị.” Dũng ấp úng nói, lâu lắm rồi mới có người nhắc cho cậu nhớ về những ý nghĩa cao cả trong nghề nghiệp của mình.

Đúng lúc ấy chị văn thư cơ quan gọi Dũng ra nhận bưu phẩm bưu điện vừa gửi tới, cậu đành tạm dừng câu chuyện với Huyền ở đây, trước khi chia tay cậu gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới hai mẹ con chị, mong sao bọn họ sẽ gặp được nhiều may mắn trên con đường tương lai phía trước.

 

Cầm theo gói bưu phẩm Dũng quay trở lại phòng xử án ban nãy, đồ đạc cá nhân của cậu vẫn ở đấy cả, vừa ngồi xuống ghế cậu bóc ngay gói đồ Đăng gửi ra cho mình, trong đó là một cuốn sách cũ - cuốn tiểu thuyết “Giết con chim nhại” của Harper Lee - cuốn sách đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ sinh viên luật trên thế giới.

Đăng là người bạn thân nhất thời sinh viên của Dũng, hai người học cùng khóa ở đại học luật Hà Nội, sau khi tốt nghiệp Đăng vào miền Nam theo nghề luật sư, còn Dũng thi vào tòa án và trở thành công chức.

Cuốn sách này vốn là của Dũng, có lần Đăng mượn về đọc rồi quên mất, gần đây dọn đồ phát hiện ra nên cậu ta muốn gửi lại, tuần trước qua điện thoại Dũng đã bảo cậu ta cứ giữ nó làm kỷ niệm, nhưng Đăng trả lời là ban đầu cậu ta cũng không định gửi lại, tuy nhiên khi giở sách ra, thấy những dòng chữ Dũng bôi bằng bút dạ quang trong đó thì cậu ta quyết định phải trả lại.

“Tớ nghĩ những dòng chữ đó có ý nghĩa quan trọng đối với cậu, để sang đầu tuần sau tớ gửi lại cho, chắc khoảng ba ngày là cậu nhận được thôi.” Đăng nói.

Để xem hồi ấy mình đã đánh dấu những gì nào, Dũng mỉm cười và giở cuốn sách ra xem, đúng là cậu đã đánh dấu rất nhiều ở trong đó, có khi phải đến gần ba mươi chỗ, đó đều là những câu nói và đoạn văn mà cậu tâm đắc nhất.

“Có một thứ không theo nguyên tắc đa số, đó là lương tâm con người” - Dũng tủm tỉm cười khi lật thấy dòng chữ ấy, cũng vì thích câu nói này nên sau khi ra trường Đăng đã theo nghề luật sư giống nhân vật chính trong truyện đây.

Tiếp theo, đây là những dòng chữ đã khiến Dũng chọn đi theo con đường tòa án:

“Chúng ta biết mọi người sinh ra không ngang bằng nhau theo nghĩa một số người muốn chúng ta tin – một số thông minh hơn kẻ khác, một số có nhiều cơ hội hơn vì họ sinh ra với sẵn cơ hội, một số ông kiếm ra tiền nhiều hơn một số ông khác, một số bà có thể làm bánh ngon hơn một số bà khác – một số người sinh ra có năng khiếu vượt xa mức bình thường so với hầu hết mọi người khác.

…Nhưng có một chỗ trên đất nước này cho tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng – có một thể chế của con người khiến cho một kẻ cùng đinh bình đẳng với một Rockefeller[1], một người đần độn bình đẳng với một Einstein[2], một người dốt nát bình đẳng với bất kỳ vị viện trưởng đại học nào. Thưa quý vị, thể chế đó là toà án!”

Dũng giật mình đứng bật dậy khi đọc hết những dòng chữ đó, cậu nhớ ra rồi, đoạn văn này cậu đã đánh dấu trong chuyến đi chơi Hà Giang với Đăng ngay trước khi hai đứa tốt nghiệp đại học, ở trên đèo Mã Pí Lèng lộng gió cậu đã tâm sự với Đăng rằng mình muốn theo nghề tòa án, rồi cậu đã đọc thật to và dõng dạc đoạn văn này lên cho người bạn tri kỷ của mình nghe.

Ôi, thời gian, thời gian giống như một tay bác sĩ kỳ tài vô hình vậy, ngày qua ngày, tháng qua tháng, tay bác sĩ ấy đã lặng lẽ thay cho chúng ta một đôi mắt nhìn đời khác đi từ lúc nào mà chúng ta không hề hay biết.

Những nguyên tắc, những quy ước, những trói buộc gò bó của người đời đã làm cho đôi mắt của Dũng trở nên méo mó, với đôi mắt ấy, cậu đã không còn nhìn Lan một cách bình đẳng như cái lý tưởng mà hồi hai mươi tuổi cậu từng theo đuổi, cậu cũng đã đánh giá Lan - một cách vô thức - theo những tiêu chí như gia cảnh giàu nghèo, địa vị xã hội, xuất thân quá khứ… Cậu đã quên rằng giá trị cốt lõi của một con người là nằm ở nhân phẩm của họ, và điều quan trọng nhất của một mối quan hệ là hai bên có thật sự yêu thương nhau hay không mà thôi.

“Chẳng phải tòa án này là nơi cho người ta thêm can đảm để đi tìm kiếm một cuộc sống hạnh phúc thật sự hay sao?!” Lời Huyền nói trước khi ra về bỗng vang  lên trong đầu Dũng, cậu vơ vội chùm chìa khóa và chạy ra nhà xe để lấy ô tô, sau đó, cậu phóng nhanh sang đất Gia Lâm tìm Lan.

Trên đường đi, nhìn cảnh vật xinh đẹp hiện ra hai bên đường, Dũng chợt nghĩ rằng mình không thể để Gia Lâm đối với Lan chỉ là một ký ức buồn, cậu sẽ cùng cô khám phá, cùng cô tìm hiểu và yêu thêm mảnh đất xinh đẹp này, họ sẽ chụp ảnh cưới ở đây, nhất định là như vậy.

Lúc Dũng đến thì thấy Lan đang thu dọn đồ đạc để chuẩn bị cho chuyến bay ngày mai.

“Ơ… Anh…” Lan ngạc nhiên khi thấy Dũng đứng trước cửa. “Sao anh lại ăn mặc thế này? Anh từ đâu đến vậy?”

“Ừ… anh vừa có phiên tòa xong.” Dũng nói, cậu chạy đi vội nên chưa kịp thay quần áo, nhưng như thế cũng tốt, bộ đồng phục này giúp cậu thấy tự tin hơn.

“Em nói đúng. Chúng ta sống trong một thế giới tràn ngập những nỗi sợ…” Dũng nói và nắm chặt lấy tay Lan. “Em sợ, anh cũng sợ… Nhưng chỉ cần có nhau thì anh tin chúng ta sẽ không còn sợ hãi nữa. Em đừng đi, hãy ở lại với anh, chúng ta sẽ cùng đối diện với những nỗi sợ…”

---------------
[1] John Davison Rockefeller (1839-1937): Tỉ phú dầu mỏ người Mỹ.
[2] Albert Einstein (1879-1955): Nhà bác học nổi tiếng người Đức.