Quạ Khôn Không Bao Giờ Khát - Chương 01

LỜI GIỚI THIỆU

Có thể nói, sáng tạo và đổi mới là linh hồn, là sức mạnh của bất cứ cá nhân và tổ chức nào. Để một tổ chức, một doanh nghiệp phát triển mạnh và bền vững thì vai trò của những nhà lãnh đạo, những nhà quản lý là vô cùng quan trọng.

Sáng tạo là đầu vào và đổi mới là đầu ra. Phải có sáng tạo thì mới có đổi mới. Sự sáng tạo nằm trong não bộ của con người, nó xuất phát từ bên trong chúng ta. Sự đổi mới là một phần kết quả: đổi mới sản phẩm, đổi mới quy trình, đổi mới dịch vụ, đổi mới hệ thống, đổi mới tập quán... Cuốn sách Quạ khôn không bao giờ khát của tác giả Moid Siddqui lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ: một con quạ thông minh biết gắp đá bỏ vào bình nước để nước trong bình dâng lên cao dễ uống. Nhưng đó là câu chuyện từ xa xưa, còn ngày nay, cũng giải quyết một công việc như vậy, thì một con quạ thông minh của thời hiện đại sẽ làm gì để tiết kiệm thời gian và sức lực mà lại đạt hiệu quả một cách cao nhất?

Trong cuốn sách này, độc giả cũng sẽ được làm quen với các khái niệm sáng tạo như: Kaizen, Tư duy Cứng, Tư duy Mềm, Tư duy Đứng, Tư duy Hội tụ, Tư duy Phân kỳ, Tư duy Trực giác, Tư duy Định Hướng, phương pháp não công, tĩnh tâm... và quan trọng hơn là làm thế nào để biến sự sáng tạo thành đổi mới.

Chúng tôi hi vọng rằng, qua cuốn sách này, bạn đ sẽ đúc rút được những phương pháp sáng tạo hữu ích để đổi mới, cải tiến tổ chức, doanh nghiệp của mình hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững nhất.

Trân trọng!

Công ty CP Sách Thái Hà

LỜI NÓI ĐẦU

Các nhà quản lý có thể sử dụng cuốn sách Quạ khôn không bao giờ khát để mài giũa những kỹ năng làm giàu thêm sự sáng tạo của bản thân đồng thời kích thích sự sáng tạo của các nhân viên dưới quyền.

Sáng tạo là đầu vào, đổi mới là đầu ra. Chúng ta hít vào sự sáng tạo và thở ra sự đổi mới. Sáng tạo không liên quan đến lô-gic. Nó càng chẳng dính dáng gì đến bán cầu não trái của bạn cả. Sự sáng tạo không thẳng tắp, vô hạn và không tuân theo bất kỳ mô hình cố định nào. Mô hình mẫu của sự sáng tạo là đường zic zắc.

Trong cuốn sách này, bạn cũng sẽ thấy mô hình zic zắc ấy.

Nếu chúng ta không trao cho người khác “hộp công cụ” mà lại mong họ sáng tạo thì chẳng khác gì một bi kịch thảm thương. Tôi đã khởi xướng rất nhiều hội thảo xung quanh chủ đề này và phát hiện ra rằng, ngay cả những lãnh đạo cấp cao cũng không hề biết đến các cách thức cơ bản để kích thích sự sáng tạo. Tôi không trách móc họ. Nhưng tôi cho rằng hệ thống giáo dục và các trường dạy nghề phải chịu trách nhiệm khi chỉ nhấn mạnh vào “lô-gic”, “lý luận” và thứ gọi là “cách tiếp cận khoa học”. Chính việc khuyến khích sinh viên và những nhà lãnh đạo “không nên mơ hồ” đã làm tổn hại đến sự sáng tạo của họ. Nhưng điều mà hệ thống giáo dục cũng như những trường dạy nghề này không bao giờ hiểu được chính là “thực tế”, suy cho cùng luôn luôn “mơ hồ”. Chúng ta luôn khuyến khích mọi người rằng thà sai một cách rõ ràng còn hơn đúng một cách mơ hồ. Quả là một điều đáng tiếc!

Cuộc sống không phải là những con số, cuộc sống là những đường xoắn ố

Tôi nhất định phải tìm ra vị giám khảo đã đặt câu hỏi: “Câu trả lời đúng là gì?” Chúng ta cứ bắt trẻ em và cả người lớn phải tin rằng luôn luôn chỉ có một câu trả lời đúng duy nhất - quả là một tội lỗi đáng lên án. Giáo viên giết chết sự sáng tạo của học sinh và những ông chủ cũng vô thức đào mồ chôn sự sáng tạo của nhân viên.

Tất cả chúng ta đều giết chết sự sáng tạo khi nó còn trong trứng nước!

Những trang cuối của cuốn sách này tôi sẽ kể câu chuyện - “Tiếng khóc của sự sáng tạo”! Tôi còn dự định sẽ dựng một bộ phim nữa. Những điều bạn đọc trong những trang cuối cùng là kịch bản một bộ phim với nhân vật chính là “sự sáng tạo”, kịch bản đó đã được bảo hộ bản quyền.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3