Quân Khu Nam Đồng - Chương 06
Những trò quậy phá
1
Sau vụ bị phê bình trước toàn trường vào giờ chào cờ, trong mắt các thầy cô, lớp 8D, cầm đầu là hội khu Nam Đồng, đã trở thành lớp cá biệt, cần được dạy dỗ tới nơi tới chốn. Một nhóm cô giáo trường Đống Đa ở trong khu tập thể Nam Đồng, đứng đầu là cô Quý dạy môn Sinh vật, càng thấy mình phải có trách nhiệm hơn. Lũ trẻ này là con cháu của bạn bè và đồng đội của chồng các cô, những người đồng sinh cộng tử suốt hai cuộc kháng chiến, nay mình là người dạy dỗ mà để chúng nó hư hỏng, cô nào cũng thấy mình có trách nhiệm. Thời gian gần đây, theo như thông báo của công an đồn Ô Chợ Dừa, bọn trẻ này bắt đầu lập thành bè đảng, mang dao búa đánh người gây thương tích, trấn lột mũ, dép, bút của thanh niên địa phương.
Cô Quý cho rằng tình hình đã trở nên nghiêm trọng và quyết định ra tay hành động. Đầu tiên, cô gặp riêng cô Vân, giáo viên chủ nhiệm 8D, bàn chuyện phối hợp giáo dục. Trước hết phải đập tan tư tưởng băng đảng. Bố chúng nó là bộ đội chứ chúng nó có phải bộ đội đâu mà lúc nào cũng mặc quân phục, vỗ ngực xưng là “Quân khu Nam Đồng”. Tiếp theo, cô đến từng nhà vận động các gia đình không cho con cái mặc quần áo bộ đội đi học. (Việc này cũng gây khó khăn cho nhiều gia đình. Số vải tiêu chuẩn mua theo phiếu mỗi năm quá ít, nay không cho mấy thằng con trai lớn lộc ngộc mặc quần áo bộ đội thì vải đâu may quần áo mới cho chúng?). Sau đó, các cô tới trường, đề nghị cô Vân cấm những đứa mặc quần áo bộ đội vào lớp. Bọn con trai khu Nam Đồng nhao nhao phản đối. Dân “Quân khu” mà không mặc quần áo bộ đội thì còn gì là Quân khu?
Tối thứ Bảy, cả bọn hẹn nhau ra chỗ tập xà ở sân Nhà 5 bàn cách đối phó. Việt đề nghị thứ Hai này cả bọn mặc áo may ô đi học, tất nhiên là không mặc may ô ba lỗ. Khổ nỗi nhiều đứa không kiếm đâu ra áo may ô cộc tay. Hòa đề xuất: “Đã vậy, bọn mình kiếm một loạt quần áo rách rưới mặc đến trường, làm sao trông càng giống người ăn xin càng tốt”. Khanh bổ sung: “Nếu quần hay áo không rách thì phải xé cho rách ra, rồi vá chằng vá đụp lại. Nếu chưa đủ xấu, thì những chỗ hay rách như mông, khuỷu tay, đầu gối… phải lấy vải cũ vá phủ lên, như quần áo dân ta trong nạn đói năm 1945”. Việt kết luận: “Rồi, thế nhé. Mai cấm thằng nào mặc áo lành đi học. Thứ Hai có giờ chào cờ, phải để toàn trường thấy tác hại của việc cấm mặc quần áo bộ đội. Chúng mày nhớ lúc hát Quốc ca phải hát thật to cho mọi người nhìn về phía lớp mình”.
Bàn nhau thế, nhưng đến lúc đi kiếm quần áo mới thấy việc tìm quần áo cũ, theo tiêu chí giống ăn mày, hóa ra cực khó. Dễ gì mà kiếm được loại trang phục giống quần áo nông dân những năm đói vạ đói vật ấy. Chỉ còn mỗi cách lựa bộ cũ kỹ nhất, xé ra vá lại, hoặc đắp những mảnh vải cũ khác lên. Nhà Khanh bố mẹ đi công tác nên cả bọn tụ tập ở đấy để gia công. Cái Châu và cái Cúc cũng lên vá giúp. Sợ bọn này nhân cơ hội biểu diễn tài nữ công gia chánh, Việt yêu cầu chúng nó phải làm sao cho đường kim mũi chỉ càng ngoằn ngoèo càng tốt. Nhưng màn trình diễn thời trang chỉ thực sự ấn tượng khi Hòa đề xuất cả bọn đổi quần áo cho nhau, thằng cao mặc quần áo ngắn, đứa thấp mặc quần áo dài. Mặc lên, đứa nhìn cũn cỡn, đứa trông lụng thụng, như bù nhìn rơm. Cả bọn cười lăn cười lộn với loại trang phục độc nhất vô nhị này.
Kết quả, sáng thứ Hai, bọn con trai lớp 8D khu Nam Đồng trông như một lũ ăn mày. Tất cả đứng nghiêm, hùng dũng hát Quốc ca vang dội sân trường. Vì đã hợp luyện tối hôm trước nên chúng hát rất to, đều và nét mặt vô cùng nghiêm túc. Không có lý gì để bắt bẻ chúng trong việc hát vang bài Tiến quân ca, nhưng nhìn vào lũ rách rưới ấy, không ai nhịn được cười. Một số thầy cô giáo trẻ ngó chúng, hát không nổi bài Quốc ca. Hòa nói nhỏ: “Cấm chúng mày cười nhé. Cười là chết đấy!”. Mặt thầy hiệu trưởng đỏ như gà chọi, mặt cô Vân chủ nhiệm tái xanh, còn mặt cô Quý thì tím ngắt. Sau giờ chào cờ, mười mấy thằng được bốc lên phòng họp Ban giám hiệu ngay lập tức.
Câu đầu tiên của thầy hiệu trưởng là: “Các cậu có muốn học ở cái trường này nữa hay thôi?”.
Hòa lễ phép:
– Thưa thầy, xin thầy cho biết chúng em làm gì sai ạ?
– Cậu không biết sai gì hả? Nhìn lại bộ dạng các cậu xem? Ai cho phép các cậu ăn mặc như thế này đến trường?
– Thưa thầy, nội quy của trường mình không cấm học sinh mặc quần áo vá đi học.
– Quần áo vá? Cái các cậu đang mặc mà gọi là quần áo à? Gọi là đống giẻ rách thì đúng hơn!
– Thưa thầy, chúng em là con bộ đội, nhà nghèo, không có tiền mua quần áo đẹp. Thưa thầy, tuy nó hơi cũ, nhưng đều được vá cẩn thận, không có chỗ nào hở da hở thịt.
– “Vá cẩn thận…!” - thầy đay lại và tiến lên tóm lấy áo Khanh - Cậu thử nhìn xem, cái thứ vá chằng vá đụp thế này mà gọi là áo à? Các cậu cố ý diễn trò phải không?
Khanh giữ tay thầy:
– Ấy chết, em xin thầy nhẹ tay! Thầy mà giữ chặt là nó toạc ra đấy. Áo của em mục lắm, em cố gắng hết sức mới vá được như thế này. Thưa thầy, mẹ em đang đi công tác dài ngày. Em nhờ bố em vá nhưng bố em đầu hàng. Mẹ em bảo ngoài bắn súng, bố em chẳng làm cái gì nên hồn. Nếu bố em vá thì còn xấu hơn thế này nhiều…
Cô Vân chủ nhiệm bỏ giờ dạy, theo cả bọn lên phòng họp Ban giám hiệu, nghe Hòa và Khanh nói, tức quá hét lên:
– Cậu Hòa, cậu Khanh, không được hỗn. Im ngay!
– Thưa cô, tại thầy hỏi nên chúng em mới trả lời ạ.
– Dạ, cô bảo im thì em im ạ.
– Lếu láo. Sao tôi nói một câu, các cậu cãi hai câu là thế nào? Còn cậu Ngọc, ai cho phép cậu mặc áo may ô đến trường.
Ngọc vốn phản ứng chậm chạp. Lúc này cô chủ nhiệm lại đang cáu nên nó chẳng biết nói sao. Hòa đỡ lời:
– Thưa cô, em thấy nhiều bạn đi học cũng mặc áo dệt kim Đông Xuân ngắn tay. Thầy Nghĩa giáo viên Thể dục cũng mặc áo kiểu này đi dạy. Áo bạn Ngọc chỉ hơi cũ một chút thôi.
– Tôi không hỏi cậu. Cậu Ngọc, ngẩng mặt lên! Cậu có nghe rõ tôi hỏi không?
– Dạ, có - Ngọc lí nhí - thưa cô, nhà em nghèo, chỉ có áo bộ đội mặc đi học. Tại nhà trường cấm mặc áo bộ đội nên em không biết mặc cái gì. Em đi mượn, chỉ mượn được cái này thôi ạ.
– Thưa cô, nhà bạn Ngọc là gia đình liệt sĩ, có ba anh em còn đi học, má bạn ấy đã về hưu, suốt ngày đau ốm, nên nghèo lắm. Bạn ấy chỉ có hai cái áo bố để lại mặc. Vì nhà trường cấm mặc áo bộ đội nên phải đi mượn cái áo này – Hòa lại xen vào.
– Cái gì? - thầy hiệu trưởng trợn mắt - nhà trường nào cấm các cậu mặc áo bộ đội đi học?
– Báo cáo anh - cô Vân đỏ mặt - là em thống nhất với mấy chị không cho các cậu này kết thành hội “Quân khu”, mặc quần áo bộ đội đi đánh nhau.
– Thế để các cậu ấy mặc đống giẻ rách này thì các cậu ấy không kết thành hội, không đánh nhau à? Khu Nam Đồng toàn tướng tá cả, các ông ấy thừa quần áo cho con thì để chúng nó mặc. Nội quy nhà trường, luật pháp Nhà nước đâu có cấm các cậu ấy mặc áo bộ đội đi học. Nước mình ở đâu chẳng đầy áo bộ đội. Trường mình cũng có mấy thầy mặc áo bộ đội đấy thôi. Cái chính là lành cho sạch, rách cho thơm… chứ không được ăn mặc nhếch nhác như thế này. Người ngoài nhìn vào, họ coi trường chúng ta ra cái thể thống gì. Các cậu đến trường thì cũng phải giữ thể diện cho nhà trường chứ. Thôi, hôm nay nghỉ, về nhà thay cái đống gớm ghiếc này đi.
Cả bọn nhìn nhau, khoái chí vì đấu tranh thắng lợi, lại còn được nghỉ học. Hòa nghĩ nhân dịp này phải cho thầy hiệu trưởng thấy bọn Quân khu Nam Đồng là những đứa hiếu học. Nó nói:
– Thưa thầy, xin thầy cho chúng em được học ngày hôm nay. Nếu nghỉ học sẽ bị…“lỗ hổng kiến thức”. Chúng em hứa từ mai sẽ không mặc… cái đống này nữa.
– Thôi, được rồi. Các cậu về lớp. Cô Vân ở lại tôi trao đổi một chút.
Ra khỏi phòng, Việt bảo:
– Thầy vẫn còn nhớ lần trước cãi nhau với tao về vụ hát to nên lờ đi không bắt bẻ bọn mình vụ hát Quốc ca ban nãy. Từ nay về sau, giờ chào cờ chúng mày nhớ hát Quốc ca to nhé, coi như ủng hộ thầy.
Về tới lớp, cả bọn đang hớn hở vì thắng lợi ngoài sức tưởng tượng thì cô Vân hầm hầm bước vào, yêu cầu tất cả học sinh nam mở cặp cho cô và lớp trưởng kiểm tra. Hoàng bị phát hiện trong cặp có một chiếc búa. Nó cãi đấy là búa nó làm trong giờ học Kỹ thuật công nghiệp ở xưởng, nhưng bị lỏng cán nên mang đi, định giờ ra chơi xuống xưởng sửa lại. Dù mọi người xác nhận giờ học dưới xưởng cả lớp đều phải làm búa, cô Vân vẫn tịch thu và bắt Hoàng làm kiểm điểm về tội mang vũ khí đi học. Ngọc cũng bị phát hiện trong cặp có một chiếc kìm nhỏ. Đấy là cái kìm chuyên dụng, dùng để bóp vỡ thân cây cảnh, nó tranh thủ làm trong giờ học Kỹ thuật công nghiệp, định bụng khi nào về thăm nơi sơ tán sẽ tặng cho bác chủ nhà. Cái kìm quá bé, không thể coi là “hung khí”, nhưng cô Vân vẫn tịch thu và Ngọc phải kiểm điểm vì tội “làm việc riêng trong giờ Kỹ thuật công nghiệp”. Trong lúc Hoàng đang thanh minh với cô giáo, mấy thằng nhanh tay mở cặp, lấy búa giấu vào cặp bọn con gái. Lớp trưởng Mai Phương trong lúc đang cùng cô giáo đi khám cặp người khác thì cặp nó bị Khanh giấu búa vào. Từ đấy trở đi, bọn con gái trong lớp hay được nhờ giữ hộ vũ khí cho bọn con trai khu Nam Đồng. Trừ Mai Phương với cái Diệp, không đứa nào từ chối. Hình như ít nhiều chúng nó cũng có một tí hãnh diện vì học chung với một lũ “Quân khu” nổi tiếng. Chúng phát hiện bọn này ngoài đường đánh nhau ghê gớm thế nhưng với các bạn gái trong lớp lại rất nhút nhát và tử tế. Và từ ngày bị bọn này đánh lại, chẳng đứa nào dám đến lớp trấn lột như trước nữa.
2
Khu tập thể Nam Đồng có tổng cộng trên 500 hộ gia đình bộ đội, mỗi gia đình trung bình có ba đứa con, nhưng chỗ để chơi thì quá ít. Ngoài đá bóng, đá cầu, câu cá trộm ở Ao Ông Thử…, có một trò nữa mà bọn con trai say mê là chơi “bắn bùm”. Có bao nhiêu đứa cũng chơi, chia đều hai phe. Bên này hô “chiến tranh!”, bên kia hô “bùng nổ!”, và cuộc chơi bắt đầu. Dãy chuồng gà bẩn thỉu, đầy con mạt, con dĩn bỗng chốc biến thành những chiến lũy tin cậy. Ngày đó, hầu như nhà nào cũng nuôi gà. Có những nhà nuôi tới hơn chục con và làm chuồng khá vững chãi. Những thằng không chịu luồn lách vào các chuồng gà để ẩn nấp đều dễ dàng bị bắn chết. Có thằng chui vào nóc chuồng gà nằm cuộn tròn cả tối, chấp nhận cho mạt với dĩn đốt để tiêu diệt đối phương. Có thằng nằm phục trong gầm chuồng gà để chiến đấu và phát hiện ra một quy luật thú vị là gà buổi tối không ỉa. Cứ tối đến chúng lại làm bạn với gà nên hai bên thành thân. Nằm buồn, thò tay vào sờ gà, thấy âm ấm, thinh thích. Lũ gà cũng để yên, không kêu toáng lên như lúc đầu.
Sau hôm cấm bọn trẻ mặc quần áo bộ đội đến trường thất bại, các cô giáo ở khu Nam Đồng bắt đầu kiểm soát chúng nó kỹ hơn. Các cô muốn thay mặt bố mẹ giúp đỡ bọn trẻ, mong chúng nó trở thành con ngoan trò giỏi. Thời buổi chiến tranh, các ông bố bà mẹ bận trăm công nghìn việc, mấy khi có thời gian ngó ngàng tới con cái. Đấy là chưa kể nhiều gia đình có bố, và đôi khi cả mẹ, đi chiến trường biền biệt, vài năm mới về, hay thậm chí không bao giờ trở về, dù muốn cũng chẳng có cơ hội dạy con. Thành thử bọn trẻ lớn lên theo bản năng, học tất cả cái tốt từ nhà trường, bè bạn và không ít những thứ xấu từ đủ các nơi. Rồi những năm sơ tán, theo trường, theo trại, việc giám sát của gia đình, nhà trường lỏng lẻo nên nhiều đứa quen thói tự do, tự mình đưa ra các quyết định cho mình. Một sớm một chiều gò chúng nó vào kỷ luật là việc vô cùng khó. Do đó, mỗi sự kiểm tra, giám sát của các cô giáo đều vấp phải sự phản ứng, từ ngấm ngầm đến công khai. Sự kiên nhẫn và lòng tốt nào cũng có giới hạn. Nói mãi chúng không nghe, các cô tức lên, xử lý bằng điểm. Về nguyên tắc đâu có gì sai. Không học bài thì điểm phải kém. Điểm kém, thầy cô ghét, chán chẳng muốn học. Chán học lại càng nhiều điểm kém hơn. Dù chúng nó ức cô giáo đến mấy cũng không làm gì được cô. Nhưng với gà của nhà cô lại là chuyện khác…
Trong lúc chơi bắn bùm, Khanh và Ngọc bò vào chuồng gà nhà cô Quý, được coi là người vạch ra chiến dịch cải tạo lũ học sinh nghịch ngợm. Khanh đề xuất bẻ chân gà trả thù. Nó tính mỗi điểm 1 của cô là một cái chân gà. Ba điểm 1 là ba chân gà. Ngọc không bị điểm 1 nào nhưng lại có hai điểm 0, nó tính bằng bốn chân gà. Khanh không đồng ý, bảo điểm 0 với 1 cũng như nhau. Hai thằng dùng dao nạy nan chuồng, lặng lẽ bế từng con gà ra, vuốt ve cho nó im lặng rồi bóp miệng, quấn chun vào mỏ để nó không kêu, khóa hai cánh vào nhau để nó hết đường giãy, sau đó bẻ gẫy chân. Bẻ đủ năm chân của ba con gà to nhất, tương ứng với năm điểm kém, hai thằng nhét gà trả lại chuồng. Bọn gà không đứng được, nằm ngửa tênh hênh, bắt đầu giãy giụa loạn xạ. Khanh và Ngọc lộ chỗ, bị “bắn bùm” chết ngay. Mặc dù sớm bị loại khỏi cuộc chơi, nhưng hai thằng rất hỉ hả. Cả đám không ai hiểu vì sao hôm nay bị bắn chết mà hai thằng tỏ ra khoái chí thế?
Nhưng cùng lũ trẻ con với nhau, những trò nghịch kiểu đó chả bao giờ bí mật được lâu. Một lát sau, cả bọn đã biết nguyên do. Thế là chúng nhao nhao đếm số điểm kém thời gian qua để tính sổ với các cô giáo trong khu bằng chân gà. Vịt với ngan cũng được coi như gà. Hôm đó chơi bắn bùm ở Nhà 3 nên chỉ xử lý chuồng gà của cô Quý và cô Phượng. Riêng cô Hoa, chúng nó vẫn xếp cùng phe, gà nhà cô được an toàn. Hòa bảo: “Mỗi điểm kém tính một cái chân. Mình bẻ cả hai chân thì người ta chỉ còn nước làm thịt. Mỗi con bẻ một chân thôi, để nó còn nhảy lò cò đi kiếm ăn”. Hoàng đề nghị: “Bắt thêm con sống thiến của ông Hồi “Tai gỗ” tầng bốn. Lão này cậy làm tổ trưởng, suốt ngày nói cạnh khóe tao, phải bẻ chân gà nhà lão ấy cho bõ ghét”.
Sáng hôm sau, khi xuống mở cửa chuồng và cho gà ăn, cô Quý, cô Phượng và ông Hồi Tai gỗ kêu ầm lên. Ban đầu nghĩ gà bị chuột cắn, nhưng sau xem kỹ chỗ chân gẫy, mọi người bắt đầu nghi ngờ có đứa phá hoại. Cô Quý đoán ngay chỉ có bọn lớp 8D làm chuyện này. Cô báo cho cô Vân, đề nghị tìm cho ra thủ phạm.
Giờ sinh hoạt lớp hôm đó, cô Vân mắng bọn con trai khu Nam Đồng một trận, bắt thành khẩn nhận khuyết điểm, nhưng mặc cô nói mỏi mồm, bọn chúng vẫn giả câm giả điếc. Khanh lẩm bẩm, tự an ủi theo kiểu dân làng Vũ Đại trong truyện Chí Phèo: “Cô mắng cả bọn khu Nam Đồng, nhưng chắc cô chừa mình ra”. Ngọc gật gù: “Chắc cô cũng trừ cả tao nữa”. Việt hôm qua không chơi bắn bùm nên không tham gia bẻ chân gà, lầu bầu: “Nghe cái giọng của cô giáo là thừa biết bà ấy nhằm vào tao.
Không nhẽ tao đứng dậy đề nghị: Khi nói, xin cô hướng cái nhìn sang bạn Khanh và bạn Ngọc”.
Tối hôm sau, khu chuồng gà Nhà 3 được ông Hồi “Tai gỗ” lắp một bóng điện sáng choang. Cả bọn mất cả chỗ chơi bắn bùm. Đêm rằm, trăng sáng dãi dề trên các tán cây. Gió mát. Không có gì chơi cũng buồn. Cả bọn rủ nhau ra sân Nhà 5 tập xà. Tới nơi, thấy Đính và Minh đang lúi húi ở gốc cây, Minh gọi: “Ngọc, mày có đái được không?”. Ngọc đáp: “Chim tao chỉ làm mỗi nhiệm vụ đái, chả nhẽ lại không đái được”. Minh bảo: “Nhanh lên, ra đái vào đây. Bọn tao đang đổ dế. Con dế này to lắm”. Cả bọn thi nhau đái, cuối cùng con dế đen trũi cũng phải chui ra. Con này đúng là một dũng tướng, cỡ Quan Vân Trường, chỉ tội ướt nhoẹt và khai mù. Khanh đề xuất: “Tao biết một tổ dế to lắm, có năm con, trong đó có một con thuộc loại tướng soái”. Minh bảo: “Mỗi tổ dế chỉ có một con thôi, lấy đâu ra năm con”. Khanh nói: “Tao đảm bảo sau khi đổ dế, có ít nhất ba con chui ra. Đi theo tao. Nếu không đúng, tao đãi bọn mày mỗi thằng một que kem Tràng Tiền”. Tất cả bán tín bán nghi, theo Khanh sang đầu Nhà 3, phía cầu thang hướng Hà Đông. Ngọc bảo: “Chim hết nước rồi, làm sao đái được nữa”. Khanh giải thích: “Loại dế này không dùng chim, mà dùng tay”. Nó nhặt mấy hòn gạch, đưa mỗi thằng một hòn: “Tao hô một – hai – ba thì chúng mày cùng ném vào cửa nhà cô Quý nhé, coi đấy là tổ dế, để trả thù cho thằng Việt bị nghi oan sáng nay. Bao giờ dế ra khỏi hang thì bọn mình chạy”.
Nó nói xong hô luôn “một, hai, ba!”. Cả bọn ném rầm rầm vào cửa nhà cô Quý. Một phút sau, đèn bật sáng. Cô Quý cùng chồng, một trong hai người ở khu tập thể Nam Đồng sau này được phong quân hàm thượng tướng, cùng con trai lò dò ra. Cả bọn cắm đầu chạy. Vừa chạy Khanh vừa nói: “Có ba con dế chui ra, tao không phải chiêu đãi nhé”. Mặc dù chạy nhưng cả bọn vẫn thấy mình thật oai hùng. Tướng lĩnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, hét ra lửa trước binh hùng tướng mạnh mà chúng nó chẳng coi vào đâu.
“Đổ dế” nhà cô Quý xong cả bọn lại về Nhà 5 tập xà. Tập chán, Hoàng rủ mọi người sang Nhà 6 bẻ chân gà nhà cô Thục dạy môn Hóa học. Nó đã điều tra ra vị trí chuồng gà nhà cô. Nhưng kiểm lại thấy có mỗi Ngọc và Hoàng bị cô cho điểm 1. Sau khi phân tích, thấy đây là điểm kiểm tra một tiết, do hai thằng học dốt chứ không phải điểm kém do các tội như quên mang vở, không chép bài, bị hỏi trong giờ học không trả lời được vì nói chuyện riêng… nên cả bọn hơi phân vân. Ở nông thôn, con trâu là đầu cơ nghiệp, còn với các gia đình khu Nam Đồng thời đó, con gà con lợn là nguồn thu nhập vô cùng quan trọng. Nhiều gia đình, một nửa thu nhập trông vào đấy. Nhà nào cũng nuôi gà, nuôi lợn nhưng đâu có được thưởng thức thịt của chúng. Gà nuôi chủ yếu để lấy trứng. Nhưng trứng nhiều khi cũng bị đem bán. Còn lợn thì đương nhiên để bán rồi. Ngay cả trường hợp nó bị chết do điện giật, bị xổng chuồng rơi từ trên gác xuống tầng một, cũng phải gọi người ngoài chợ vào, bán rẻ cho họ, chứ không gia đình nào dám mổ ăn. Cùng lắm chỉ giữ lại một cái chân giò hay ít thịt thủ. Vì cùng cảnh ngộ, nên đứa nào cũng có tình cảm với bọn gà, lợn. Phải tiêu diệt chúng mà không có lý do chính đáng, làm sao không day dứt lương tâm?
Hòa nói:
– Tao nghĩ rồi, đòn trừng phạt đau nhất là trừng phạt kinh tế. Vì thế khi trừng phạt cũng nên đúng người đúng tội. Nhà tao có con gà mái đẻ bị chết mà mẹ tao bỏ cả ăn. Nay bọn mình bẻ chân một lúc nửa đàn gà nhà người ta, nghĩ cũng hơi quá đáng.
– Mình trả thù kiểu khác đi, đừng làm hại gia súc nữa… – Việt lên tiếng.
– Tao đâu có hại gia súc, đây là gia cầm – Khanh cãi.
– Ừ, thì cả gia cầm lẫn gia súc. Trong khu mình, ngoài sân nhà nào chả nuôi gia cầm, còn trong nhà thì gia súc. Hôm nay chúng mày bẻ chân gà, mai chúng mày sẽ bẻ chân lợn… Ở đây có mấy nhà không nuôi lợn đâu? Tiền bán một con lợn bằng mấy tháng lương cả bố lẫn mẹ mình cộng lại. Nhiều nhà lợn còn sướng hơn người. Bố thằng Quốc Tẩm gọi lợn nhà nó là “thủ trưởng lợn”. Cô Chung cạnh nhà tao còn nhường cả phòng tắm cho lợn. Lợn có khăn mặt riêng, buổi sáng được lau mặt như người. Cả nhà có mỗi cái quạt tai voi cũng dành cho lợn. Hôm nào mất điện là mấy đứa con gái phải dùng quạt nan, thay nhau quạt cho nó. Vì lợn ở trong phòng tắm, nên khi tắm, mấy đứa con gái phải tắm chung với lợn và tiện thể tắm luôn cho nó. Tao đảm bảo lợn nhà cô Chung sạch nhất khu.
Khanh gật gù:
– Nghe mày tả, tao cũng muốn làm lợn nhà đó.
– Chắc gì đã sạch bằng lợn nhà tao – Ngọc cãi – Nhà tao gọi lợn là “cụ”. Cụ ăn xong còn được súc miệng bằng nước sạch, lau mồm bằng khăn. Cụ mà ở bẩn, bị dịch lăn quay ra là má tao ốm theo luôn. Nhà tao chỉ có mấy đồng lương hưu của bà già với ít tiền tuất của ông già, nếu không trông vào gà và cụ, lấy gì mà ăn. Năm ngoái, cụ đói quá, dũi lở cả vữa trát tường rồi gặm dây điện, bị giật quay lơ ra. Tao hô hấp nhân tạo mười lăm phút mà cụ vẫn chết.
—Vậy là cái hôn đầu đời của mày đã dành cho lợn - Khanh nhận xét.
Việt nói:
– Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh. Bọn mình bị trù dập, trả thù là chính đáng. Nhưng trả thù thì thiếu gì cách… như “đổ dế” chẳng hạn. Mình làm hại súc vật là đánh vào cuộc sống khốn khó của gia đình các quân nhân đang hy sinh thân mình cho đất nước. Tao đề nghị từ nay không tấn công gia súc, gia cầm nữa… Trừ của lão Hồi “Tai gỗ”. Hôm nay lão cứ nói bóng nói gió là cái trò đêm qua chỉ có tao làm. Cái gì tao không làm mà đổ oan cho tao thì tao phải làm cho biết. Mình bẻ thêm chân con gà béo nhất của lão để cảnh cáo.
Hòa phẩy tay:
– Mình đã quyết định làm việc nhân đạo thì không để thù hận xen vào, dù thù hận có cao như núi. Thôi, tha cho lão. Lão ấy cũng đáng thương, là thương binh chống Pháp, bị bắn cụt tai, phải sống nhờ con rể, cả ngày chỉ có mỗi nhiệm vụ chăm gà. Lão ấy thà cho mày bẻ chân chứ không muốn chân gà của lão bị bẻ.
Việt vẫn hậm hực:
– Không bẻ chân thì cũng phải vật đổ chuồng gà nhà lão cho đỡ tức.
Cả bọn kéo nhau ra vật đổ chuồng gà ông Hồi, rồi khí thế bốc lên, vật đổ gần hết các chuồng gà khác. Mấy đứa em lau nhau vẫn ra xem các anh chơi bắn bùm cũng xông vào, giúp một tay. Nhìn đống chuồng gà ngổn ngang, Việt nghĩ, sáng mai thấy chuồng gà nhà nó không đổ, thể nào mọi người cũng nghi nó làm chuyện này… Cuối cùng, tất cả các chuồng gà đều bị vật đổ, trừ chuồng gà nhà cô Hoa.
Đi thăm thầy Toàn
Sáng thứ Hai đầu tuần, thi hết học kỳ môn Địa lý.
Hòa đã thỏa thuận với Việt là nó sẽ học về phân bố khoáng sản của Anh, Pháp, còn Việt học của Hoa Kỳ, vì hai nội dung đó, thể nào cũng thi một. Việt đồng ý. Trước khi đọc đề thi, Hòa hỏi Việt đã thuộc chưa? Việt bảo: “Cũng tương đối, không có cái gì tuyệt đối cả!”.
Đúng như dự đoán, phần lý thuyết hỏi về khoáng sản Hoa Kỳ, còn phần vẽ bản đồ là phân bố khoáng sản nước Pháp. Bản đồ thì Hòa, Việt đã bàn nhau vẽ trước hơn chục cái, đủ tất cả các nước, để rơi vào cái nào thì rút cái đấy ra. Không ngờ thầy lại đi ký vào từng tờ giấy thi một. Chắc là các khóa trước gian lận bị lộ, báo hại các khóa sau. Thầy canh khá nghiêm ngặt nên chẳng làm thế nào lấy tài liệu ra được. Quay cóp phần lý thuyết thường dễ hơn, vì chỉ liếc mắt đọc mấy dòng rồi cất đi, chứ vẽ bản đồ thì phải dùng thước kẻ dọc, kẻ ngang, chia tọa độ, rồi lại phải điền các ký hiệu mỏ sắt, mỏ đồng nhỏ li ti. Hòa cố dựa vào trí nhớ, liếc dọc liếc ngang xem bài bạn bên cạnh, vẽ ra một cái hình lục lăng, trông giống con rùa rụt cổ. Việt cắm cúi vẽ theo. Sang lý thuyết, đến phần Việt tuyên bố đã “thuộc tương đối” thì nó lại tắc tị và chống chế: “Tao đã học thuộc rồi nhưng giờ cuống nên quên hết cả”. Hòa lầu bầu: “Như vậy chỉ còn trông chờ vào việc tao có nhớ được chữ nào không”. Việt biết thân, ngồi yên chờ Hòa viết được chữ nào thì chép. Nó còn thì thầm: “Chỗ nào mày “chấm” thì tao “phẩy”, để bài hai đứa không sai giống nhau đến cả dấu chấm, phẩy”. Hòa ngao ngán: “Bài thi này không đến nỗi zê-rô, nhưng điểm kém là chắc”. Đối với Việt, nhận điểm kém là bình thường. Còn Hòa trước đây vốn là học sinh giỏi, năm nay sa sút thảm hại nên cũng cảm thấy buồn. Lại còn môn Văn nữa. Hòa đã bị ba điểm 0 về những tội không đâu, như không soạn bài trước ở nhà, hoặc không chú ý nghe giảng, thầy gọi lên không trả lời được. Nói chung, Hòa xác định học kỳ này, môn Văn của nó sẽ bị điểm dưới trung bình. Nhưng nó vẫn tự tin với trình độ và sự cẩn thận đề phòng của mình, học kỳ hai nó sẽ không để thầy có cớ đè nó được. Còn Việt thì chết về môn Văn là cái chắc, nhất là sau vụ nghe Khanh xui đi kiện thầy.
Cuối buổi học, cái Cúc bảo Hòa và Việt:
– Bọn mày ở lại nói chuyện một tý.
Hòa bảo Khanh, Ngọc, Hoàng cùng ở lại. Cái Cúc nói:
– Mẹ tao nói vợ thầy Toàn ốm nặng lắm. Hay là bọn mình đến thăm thầy.
Hoàng phản ứng:
– Bọn mình đang tìm cách xin đổi thầy. Nay đến thăm, mọi người lại tưởng mình sợ, mình đến nịnh.
Việt cũng ngần ngại:
– Mình đến, có khi thầy lại nghĩ mình nhân lúc nhà thầy có việc, đến xin điểm.
– Mẹ tao nói nhà thầy nghèo lắm, hai vợ chồng và sáu đứa con nhỏ, chỉ trông vào đồng lương giáo viên của thầy. Nay vợ thầy ốm, tiền phải dành chạy chữa, nên bọn trẻ con cũng chẳng có gì mà ăn. Tao chỉ nói lại ý mẹ tao là nên đến thăm thầy thôi, còn tùy chúng mày.
Hòa nói:
– Tao nghĩ chuyện nào đi chuyện đấy. Mình đến thăm, đừng nói đến chuyện khác là được.
Khanh bảo:
– Nhất tự vi sư, bán tự vi sư, vợ thầy ốm, mình đến thăm có gì mà ngại.
– Mình có phải mua quà gì không? Thăm người ốm mà? Hay là mình mua mấy quả trứng gà – Hoàng hỏi.
Khanh hăng hái:
– Gà nhà tao đang đẻ, tao góp ba quả. Nhà thằng nào có gà đẻ thì về lấy một, hai quả góp vào. Rủ hết cả bọn lớp mình ở trong khu đi thăm thầy.
Hòa nói:
– Thầy ghét mấy thằng mình nhất. Bọn mình thăm thầy trước rồi về bảo chúng nó thăm sau.
Việt bảo:
– Để tao xúc mấy bơ gạo, đổi ít bánh cuốn cho bọn trẻ con ăn.
Chiều hôm đó trời mưa, đường lầy lội, cứ một lát là đất lại kẹt đầy chắn bùn xe đạp, phải xuống kiếm que chọc nên đứa nào cũng lấm lem. Ngọc đi xe “cởi truồng” (không có chắn bùn) nên không phải chọc, nhưng thay vào đó, nó bị bùn bắn đầy từ lưng đến cổ. Việt lẩm bẩm: “Đúng là chuyến đi bão táp”.
Nhà thầy ở cuối làng Nhân Chính. Hỏi một hồi cũng ra. Nhưng tới nơi, cả bọn đều lặng người, không ngờ nhà thầy lại nghèo đến thế. Đành rằng ở khu tập thể Nam Đồng, các gia đình trung bình có từ năm đến sáu người cũng chỉ ở phòng từ mười ba đến mười tám mét vuông, nhưng dù sao cũng tử tế, khang trang, là niềm mơ ước của biết bao gia đình ngày đó. Nhà thầy Toàn chỉ là một căn lều nhỏ, lợp mái tôn, mưa dột tí tách, phải hứng bằng mấy chiếc chậu và ca uống nước đặt trên sàn. Vách nhà là dăm tấm liếp tre, buộc vào mấy cái cột. Giường vợ thầy nằm bề bộn đủ thứ, phía trên căng hai tấm ni lông. Chăn chiếu, đồ đạc được dồn lên giường cho đỡ ướt. Bọn trẻ lốc nhốc sáu đứa trứng gà trứng vịt, hai đứa ngồi ở góc giường, bốn đứa ngồi trên tấm phản. Nhà có độc một chiếc ghế thầy đang ngồi, cạnh cái bàn nhỏ để chấm bài. Thấy cả bọn đến thăm, thầy cũng bất ngờ, luống cuống nhìn quanh, không biết mời mọi người ngồi vào đâu. “Trời nắng, khách đến thì bảo bọn trẻ đi chơi. Trời mưa, chúng nó ở nhà, các em thông cảm”… Cuối cùng, thầy dồn cả sáu đứa lên giường với mẹ, mời mọi người ngồi lên phản. Thầy cho biết hồi sơ tán, nhà bị trúng bom, chưa có điều kiện dựng lại. Thầy cười buồn: “Nhà thầy toàn con trai, ông bà cứ bảo đẻ cố lấy đứa con gái. Vẫn biết sáu đứa là nhiều, nhưng quê thầy có những nhà bốn, năm đứa con trai đi bộ đội mà có đứa nào về đâu… Thôi thì trời sinh voi, trời sinh cỏ”. Việt ngồi ghé vào thành giường, lấy phong lương khô quân dụng ra chia cho mấy đứa trẻ con. Thời buổi này kiếm đâu ra bánh kẹo, lương khô B702 được xếp vào loại ngon nhất rồi, chỉ những đứa con nhà bộ đội mới có. Bọn trẻ ăn một loáng đã hết phong lương khô, Việt định lấy gói bánh cuốn phát cho chúng ăn tiếp nhưng Hòa đưa mắt, ra hiệu “để lát nữa”. Hòa thay mặt cả bọn, xin lỗi thầy về thái độ học tập thời gian vừa qua, và hứa sẽ cố gắng học tốt môn Văn. Thầy cũng cảm động. Thầy nói: “Các em là những học sinh duy nhất đến thăm thầy. Thầy không cho ai biết nhà cả, sao các em tìm được?”. Việt ra hiệu cho Hòa giải thích, nhưng Hòa lờ đi.
Ban đầu, cả bọn chỉ định tới thăm thầy một lát, nhưng rồi cứ ngồi nói từ chuyện nọ tới chuyện kia, hết cả chiều. Có nói chuyện thân mật với thầy, mới thấy tính tình thầy cũng dễ chịu, cách nói chuyện của thầy mộc mạc, chân chất. Về tới nhà, Hoàng nói với Hòa:
– Tao thấy vợ thầy ốm nặng lắm. Tối nay mày sang nhà tao, nói mẹ tao tới khám cho vợ thầy. Mẹ tao là bác sỹ quân y, mẹ tao có thể cho vợ thầy thuốc tốt.
– Sao mày không tự nói?
– Mẹ tao tin tưởng mày hơn tao, vì nghĩ mày ngoan. Mày nói thể nào mẹ tao cũng nghe.
Hòa cười:
– Tao ngoan quá đi chứ, đâu đầu bò đầu bướu như mày.
– Xì… mày chỉ được cái nhìn hiền, học giỏi nên dễ đánh lừa người ta, chứ ngoan cái mẹ gì!
Việt gợi ý:
– Tao thấy hình như nhà thầy không có gạo. Bọn trẻ con nói hai hôm nay phải ăn khoai. Chúng mình về mỗi thằng xúc mấy bơ gạo cho thầy… Tháng này, mình sẽ không xúc trộm gạo của nhà đi đổi bánh cuốn nữa.
Ngọc nói:
– Vậy thằng nào có gì biếu thầy được, đưa hết cho thằng Hoàng, để khi nào mẹ Hoàng đến khám bệnh cho vợ thầy thì đưa luôn.
Hòa lắc đầu:
– Mình đưa như thế thầy sẽ ngại. Trước tiên cứ nhờ mẹ thằng Hoàng tới khám cho vợ thầy đã. Cái gì mình biếu thầy thì chờ hôm thầy đi dạy, sẽ cử một đứa đưa đến, không cần cho thầy biết là chúng mình biếu.
Từ hôm đấy trở đi, thái độ học tập môn Văn của cả bọn tốt hẳn lên. Nhiều đứa ở lớp ngạc nhiên, không hiểu sao đám con trai khu Nam Đồng hầu như tiết học nào cũng nghịch, nhưng cứ đến giờ học Văn lại rất ngoan ngoãn. Đặc biệt hơn nữa, chúng nó không thể nào hiểu nổi tại sao dạo này đối với thầy, bọn “đầu gấu” ấy tỏ ra rất thân thiện.
Việt không bao giờ kể với ai lần nó trốn học, đi đưa thuốc cho vợ thầy, bị cô Vân tình cờ trông thấy. Cô phê bình nó trước lớp và bắt làm kiểm điểm, cam kết không tái phạm, yêu cầu lấy cả chữ ký của phụ huynh. Việt làm tất cả, lặng lẽ nghe bố mẹ mắng khi đọc và ký vào bản kiểm điểm. Thầy cũng không biết Việt đến nhà. Nó nghĩ: “Mình nói ra sự thật, có khi còn bị mọi người hiểu sai, và làm thầy khó xử”. Năm đó, nó bị hạnh kiểm loại “thường”. Có thể cái tội trốn học hôm đó cũng là một trong những giọt nước làm tràn ly.