Quân Khu Nam Đồng - Chương 07
Mùa hè năm 1973
1
Vèo một cái đã hết năm lớp 8. Kết quả học tập của bọn con trai lớp 8D khu Nam Đồng cực kỳ tồi tệ. Cũng may các thầy cô xóa cho hàng loạt điểm kém. Các điểm 1, điểm 0 do quên mang vở, không soạn bài, nói chuyện riêng, thậm chí cả kiểm tra miệng… đều được ân xá. Thế nhưng ngoài Giang Cận vẫn giữ được phong độ, cho dù giảm từ loại A1 (xuất sắc) xuống A2 (giỏi), nhóm học sinh giỏi ngày trước như Khanh, Hòa cũng chỉ ở mức trung bình, không đạt nổi loại khá là A3. Bọn Việt, Hoàng, Ngọc mỗi đứa thi lại ba môn. Số còn lại, đứa nào cũng có môn phải thi lại. Một nửa bọn chúng bị hạnh kiểm loại “thường”. Dù nhiều hay ít, đứa nào cũng có một thoáng buồn.
Hòa an ủi mọi người:
– Tao thấy người ta nói những đứa thời học phổ thông hiền lành, chăm chỉ, thầy cô bảo gì nghe nấy, sau này vào đời thường chẳng ra gì. Các bậc vĩ nhân ngày bé thường học kém do hiếu động và mải chơi.
Việt tán đồng:
– Sau này nhớ lại, sẽ không ai đánh đổi những năm tháng sôi động của tuổi học trò lấy một bảng điểm tốt. Người ta chỉ nhớ thời đó mình bẻ được bao nhiêu chân gà, đổ dế nhà cô Quý mấy lần, thắng được bao trận đánh, đâu có ai nhớ mình phải thi lại mấy môn.
Chỉ bằng vài câu lý sự, cả bọn lại vui như tết. Với tuổi trẻ, nỗi buồn thường qua đi rất nhanh. Lúc nào chúng cũng tìm ra phép thắng lợi tinh thần theo kiểu AQ.
Đi học ai cũng thích nghỉ hè, nhưng nghỉ được một tuần là cả bọn bắt đầu thấy chán, vì chẳng có trò gì chơi. Chả nhẽ tối nào cũng “bắn bùm”. Việt đề xuất trò “duyệt binh”. Một là đi bộ để rèn luyện sức khỏe. Hai là nâng cao hình ảnh “Quân khu Nam Đồng”. Đi duyệt binh có nghĩa là kéo một lô một lốc đi bộ từ khu tập thể, ngược lên Ô Chợ Dừa hoặc xuôi xuống Ngã Tư Sở, theo nhịp “mốt hai mốt”. Chỉ khác bộ đội duyệt binh gõ đế giày xuống đường nghe cộp cộp rất oai phong, còn bọn khu Nam Đồng “duyệt binh” thì kéo lê dép và guốc mộc quèn quẹt trên mặt đường để khuấy động vi trùng và bụi. Mỗi lần bọn này đi qua, các bà bán hàng quán dọc phố nhăn nhó như khỉ phải mắm tôm, tay bịt mũi, mồm lẩm ba lẩm bẩm, chẳng hiểu nói cái gì…? Và hầu như lần duyệt binh nào, trên đường đi, bọn chúng cũng phát hiện ra những điều cần uốn nắn của thanh niên Hà Nội. Những đứa ăn mặc càn quấy, thái độ nghênh ngang đều nhanh chóng biến mất khi thấy chúng. Cả bọn thống nhất với nhau không bắt nạt người lương thiện. Mọi hành động liên quan đến vũ lực đều phải xuất phát từ chính nghĩa. Nói thì nghe to tát, nhưng đại khái có thể hình dung qua các câu chuyện kiểu dưới đây.
Hôm đó, duyệt binh hai vòng nên hơi mỏi chân. Lúc về, cả bọn ngồi nghỉ trên mấy tấm bê tông trước cổng khu. Có ba anh thanh niên đi tới, vừa đi vừa nói chuyện. Cả ba đều ăn mặc lịch sự. Việt gật gù:
—Tao đố chúng mày tìm được cớ để đánh ít nhất một trong ba thằng kia.
Cả bọn ngồi soi không ra cớ gì. Riêng Khanh bảo:
– Vấn đề là mình mạnh hơn để có thể chơi chúng nó mà không bị đánh lại, chứ kiếm cớ thì khó mẹ gì.
Nói đoạn nó trườn khỏi tấm bê tông, ra chặn đường ba thanh niên, hất hàm hỏi:
– Các anh có biết bây giờ là mấy giờ rồi không?
Hoặc do ba anh đang mải nói chuyện, hoặc do ghét một thằng bé con ăn nói xấc xược, nên không trả lời. Khanh tiếp tục bằng một giọng ôn tồn:
– Trông các anh lịch sự thế mà vô giáo dục nhỉ? Câu hỏi của tôi bằng tiếng Việt, có đủ chủ ngữ, vị ngữ, tân ngữ, âm lượng vừa đủ. Các anh thì không câm, sao không trả lời?
– Ơ, cái thằng mất dạy này! Ăn nói láo lếu, tao tát cho mày một cái bây giờ!
– “Tát như thế này á?” - Khanh làm động tác vả thẳng vào mặt một người, nhưng nó chỉ đánh tới nửa chừng thì dừng lại, để không mắc lỗi “tự dưng đánh người lương thiện”. Theo phản xạ, anh kia vung tay trái ra gạt, tay phải đánh vào vai Khanh. Thế là nó sừng sộ: “Ơ, tao đang nói chuyện tử tế, sao mày vô cớ đánh tao. Anh em ơi, đánh bỏ mẹ thằng này đi!”.
Mấy đứa đổ xô ra, nhưng Việt cản lại. Nó nói với Khanh:
– Tao chỉ đố mày tìm ra cớ “chính nghĩa” để đánh thôi, chứ có bảo mày đánh người đâu? Mày tìm ra cớ thật, nhưng cái cớ của mày hơi phi nghĩa. Thôi, xí xóa chuyện này.
Khanh lầu bầu:
– Đã kiếm cớ đánh người mà lại còn đòi cớ chính nghĩa. Nghe vô lý bỏ mẹ!
Ba anh thanh niên đứng giữa hơn chục thằng Quân khu, nghe chúng nó nói với nhau, coi như không có mình, cứ ngẩn người ra. Một anh lên tiếng:
– Xin lỗi nhé. Hơn chín giờ đêm rồi!
– Thấy lỗi, biết sửa, chứng tỏ các anh là người tốt. Thôi, các anh đi đi! - Việt lên giọng kẻ cả.
Khanh bị đánh một cái, tuy không đau nhưng hậm hực. Vừa lúc đó, có một anh gầy, một anh béo đi tới. Khanh đẩy Việt: “Giờ đến lượt mày. Mày có giỏi thì kiếm một cớ thật chính nghĩa đánh hai thằng kia cho tao coi”. Việt quan sát rồi hỏi: “Đánh một thằng được không?”. Khanh đồng ý. Việt chạy ra, chỉ mặt người béo: “Này, thằng kia, mày có biết mặt đường đầy đất bẩn không? Ai cho phép mày đi dép lê theo kiểu kéo loẹt quẹt, bụi mù đường phố, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân lương thiện. Mày phải đi cao chân như thằng bạn mày, nhớ chưa? Sao lại giương mắt lên nhìn thế? Không tiếp thu hả? Có lỗi, được chỉ dạy mà không biết sửa, thế thì sao nên người được? Đánh cho nhớ nhé”. Nói đoạn nó túm đầu anh béo, tát đánh đét vào mặt. Đang yên đang lành, bỗng bị dạy dỗ một thôi một hồi, rồi bị tát vào mặt, đố ai nhịn được. Cả hai túm lấy Việt, nhưng chưa kịp đánh đã thấy hơn chục thằng quần áo bộ đội ùa ra quây tròn. Quốc Tẩm với Hoàng nhảy vào đánh, nhưng Khanh cản lại. Nó nói với anh béo, giọng lễ phép: “Thưa anh, anh đi dép lê không có ý tứ, để bụi mù đường, mắc lỗi làm ảnh hưởng tới sức khỏe người dân lương thiện, bị đánh là đúng rồi. Các anh có tâm phục khẩu phục không…? Các anh im lặng như thế, chứng tỏ là phục nhỉ?”. Và nó chỉ Việt: “Nhưng anh bạn chúng tôi lúc nãy cũng đi giống như anh và làm mặt đường bụi hơn nhiều. Vậy xin các anh đánh anh ấy mấy cái giúp chúng tôi, cũng là một cách giúp bạn tôi nên người”. Hòa đế vào: “Đánh anh ấy xong, xin các anh đánh luôn chúng tôi nữa.
Tối nay chúng tôi cũng kéo lê dép suốt phố, làm bụi mù, tội thật đáng đánh”. Anh béo xua tay lia lịa: “Thôi, các anh cứ đi, bụi một tí cũng chẳng sao. Còn em từ nay khi đi đường xin nhấc chân thật cao. Cụ nội nhà em sống lại cũng chả dám đánh các anh”. Hòa vỗ vai anh béo: “Cụ nội nhát nhỉ? Thôi, về đi, nhớ thắp hương cho cụ nhé!” Khi cả bọn giải tán, Việt ngần ngừ rồi nói:
– Ngày mai đi duyệt binh không kéo dép lê loẹt quẹt nữa nhé.
Hòa nhại lại giọng Việt lúc trước:
– Đúng đấy. Có lỗi mà không biết sửa thì sao nên người được?
Việt ngượng nghịu:
– Cái chính là đi như thế làm bụi vào hết hàng quán nhà người ta, mất vệ sinh. Với lại, như bọn mình đã thống nhất, phải giữ hình ảnh đẹp cho Quân khu Nam Đồng. Không nên để mọi người nhìn anh em mình như một lũ thanh niên hư hỏng, càn quấy.
Khanh nhìn Việt:
– Mày giác ngộ thật đấy, để mai tao bảo Giang Cận đưa mày vào danh sách “Cảm tình Đoàn”.
2
Ở khu tập thể Nam Đồng, trò chơi được ưa thích nhất là đá bóng. Trước mỗi khu nhà đều có sân đá bóng, dù to hay nhỏ. Cái môn này chẳng riêng trẻ con, người lớn cũng thích. Vì vậy, các trận bóng luôn gồm đủ loại cầu thủ, không phân biệt tuổi tác, giới tính. Mấy đứa con gái thỉnh thoảng cũng xông vào đá chung với con trai. Cầu thủ lớn tuổi nhất là tướng Vũ Yên. Ông mê đá bóng một cách đặc biệt. Ở đơn vị thì bận rộn, phần vì quân kỷ quân phong, ông không được chơi môn này. Tính tình ông vốn thân thiện, hòa đồng và quý trẻ con. Mỗi lần về nhà, ông hay gạ bọn trẻ con cho đá bóng cùng. Hôm nào ra muộn, không còn chỗ đá với đội lớn, ông nằn nì bọn con nít cho đá “gôn tôm”. Bọn con nít khi đá bóng hay có trò cá cược, nên lắm lúc nếu ở phe thua ông cũng bị chúng nó búng tai. Nếu không chịu, lần sau chúng sẽ không cho chơi. Có hôm đang đá, ông mới biết chúng đổi hình thức phạt từ búng tai sang búng chim. Nghĩ cảnh Tư lệnh Quân khu phải đứng cho bọn con nít búng chim, ông ngần ngại, không chơi nữa. Chúng dè bỉu: “Có mỗi cái búng chim mà bác cũng sợ đau thì sao bác đánh giặc được?”. Hóa ra chúng đang rèn luyện tính gan dạ để sau này lớn lên đi bộ đội. Ông tức khí, lại xỏ giầy đá tiếp. Chơi bóng với bọn con nít mà ông phải đá một mất một còn, như đang đá trận tranh cúp thế giới!
Chắc Ban quản lý khu tập thể Nam Đồng cũng cảm thấy áy náy khi hè đến chẳng có cái gì cho bọn trẻ con chơi, nên quyết định tổ chức “Giải bóng đá hè năm 1973”. Trong khu, đội bóng Nhà 1 và Nhà 7 mạnh nhất. Tiếp theo là Nhà 6. Còn lại, đều vào loại tầm tầm. Ông Thử, Trưởng Ban quản lý khu tập thể, lùn và béo, người vẫn bị bọn trẻ con trong khu trêu khi gặp: “Ồ đã chín năm rồi đấy nhỉ, phấn đấu ba ngàn ngày bền bỉ, mà quân hàm trung úy vẫn… y nguyên”, tuyên bố tổng giải thưởng là 15 đồng. Anh Khanh - gọi là “anh” vì phụ trách công tác thanh thiếu niên của khu, chứ anh còn hơn tuổi bố của nhiều cầu thủ - làm Trưởng Ban Tổ chức giải. Điều lệ giải là đấu loại trực tiếp. Hết 2 hiệp chính không phân thắng bại, mỗi bên sẽ sút 5 quả phạt đền (một cầu thủ có thể đá cả 5 quả).
Khi đó, tinh thần dân chủ cao ngất trời, “tất cả các nhà đều bình đẳng trong bốc thăm”, Nhà 1 bốc thăm trúng Nhà 7, đá trận khai mạc. Thế là trận khai mạc biến thành trận “chung kết sớm”. Đội Nhà 6 bốc được đội Nhà 5. Nhà 4 mãi mới chịu đến, dù bốc được đội thuộc hạng xoàng là Nhà 2, vẫn tuyên bố đầu hàng. Nếu tổ chức giải bóng đá nữ, may ra Nhà 4 còn có hy vọng. Đội Nhà 3 bốc được đội Nhà 8 - “đội bóng một người”, mà cầu thủ quan trọng nhất - Dũng “Bủn” (gọi thế vì trông nó giống người NHẬT BỦN, chứ không phải là “bủn xỉn” như một số đứa suy luận) - đang ốm nằm viện. Giải chưa bắt đầu nhưng
Nhà 2 và Nhà 3 đã dán thông báo khắp khu: “ĐỘI NHÀ 2 VÀ ĐỘI NHÀ 3 VÀO BÁN KẾT GIẢI BÓNG ĐÁ HÈ KHU TẬP THỂ QUÂN ĐỘI NAM ĐỒNG!”. Bét ra mỗi đội cũng được đồng giải 3. Giữa Nhà 1 và Nhà 7, đội nào thắng trận khai mạc, có thể coi như vô địch.
Điều lệ quy định tuổi cầu thủ tham dự giải dưới 18. Vì mầu cờ sắc áo của mỗi nhà, bọn đi bộ đội trước tuổi, đóng quân gần Hà Nội cũng được gọi về. Đội Nhà 1, với nhiều tuyển thủ khu Nam Đồng như thủ môn Anh Sơn (đội trưởng), hậu vệ Ngọc Sơn, tiền đạo Dũng “Đổng Trác” (không biết ai đặt cho nó cái tên này, vì nó gầy và cao lêu nghêu, đâu có béo như Đổng Trác trong truyện Tam Quốc), và cây đá rừng số 1, tiền vệ Thái Đen (gọi thế để phân biệt với Thái Trắng), rêu rao khắp khu sẽ ăn gỏi đội Nhà 7. Chúng tự tin tới mức chưa đá đã bàn nhau kế hoạch liên hoan số tiền thưởng dành cho đội vô địch. Đội Nhà 7 rất đáng gờm về mặt đá bóng, nhưng lù rù về công tác thông tin tuyên truyền, cứ im như thóc.
Trận khai mạc - trận chung kết trong mơ, người xem đông như kiến. Có giải bóng đá mới biết khu Nam Đồng nhiều trẻ con đến thế! Bọn con gái, mà sau này kỷ niệm 50 năm thành lập khu tập thể Nam Đồng, trông như các mệnh phụ đáng kính, khi đó còn bé xíu, cũng le te chạy ra xem. Bốn bề sân kín đặc người. Tiếng còi vừa cất, đội Nhà 1 với vị thế vô địch, dồn toàn bộ lực lượng tấn công, liên tục vây hãm khung thành Nhà 7. Thế nhưng chỉ bằng một đường lên bóng và hai cú đảo người, danh thủ nhỏ con Tùng “Bi” đã sút tung lưới đội Nhà 1. Lối đá này, về sau được các chuyên gia bóng đá nâng tầm lên, gọi là đá kiểu “phòng ngự - phản công”.
Bàn thua như một cái tát vào mặt, đội Nhà 1 tràn lên tấn công dồn dập bằng lối đá chém đinh chặt sắt. Trọng tài Tân “Thời” tỏ ra thiên vị rõ rệt, bất chấp khán giả la ó dữ dội. Đội Nhà 7 bị đốn ngã, nằm sân la liệt, nhưng không được hưởng quả phạt nào. Chỉ có khán giả là công bằng, liên tục phản đối đội Nhà 1 và hò reo cổ vũ đội Nhà 7. Nhưng bóng đá là bóng đá, khán giả cũng chẳng bằng trọng tài. Khi trận đấu còn khoảng 1 phút sẽ kết thúc, khán giả đang đồng thanh hét “Nhà 7 chiến thắng! Nhà 7 chiến thắng!”, Tân Thời quyết định thổi phạt đền. Đúng là một quyết định làm ô nhục giới trọng tài sân cỏ. Thay vì rút thẻ đỏ đuổi Thái Đen do mắc lỗi đạp ngã Sâm “Ho”, danh thủ có tiền sử ho gà, để cướp bóng, Tân Thời thổi phạt đền đội Nhà 7. Khán giả tràn vào sân như ong vỡ tổ. Đủ các tiếng la hét, phản đối, kể cả đội Nhà 7 dọa bỏ giải, chuyên gia đá phạt Ngọc Sơn vẫn trịnh trọng đặt bóng vào chấm phạt đền, chân trái đè lên quả bóng, hai tay chống nạnh. Anh Khanh phải mời cả đội Nhà 7 ra thương lượng. Anh dỗ bọn Nhà 7 cứ bắt quả phạt đền này đi, chắc gì nó đã đá vào. Nếu nó đá ra ngoài coi như mình vô địch, vì hết đối thủ ngang tầm. Nếu bỏ cuộc là vi phạm điều lệ giải, sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Bọn Nhà 7 nghĩ đi nghĩ lại, thấy bỏ cuộc thì mất nhiều hơn được nên chấp nhận và cho thủ môn “Sờ Tờ Mờ” vào bắt (bọn con gái Nhà 7 rỉ tai nhau thủ môn này khi lớn vẫn sờ tí mẹ).
Trận đấu trở lại, toàn sân lặng như tờ. Vô cùng căng thẳng. Nói không ngoa chứ lúc đấy nếu có con muỗi bay qua cũng nghe thấy tiếng vo ve. Ngọc Sơn đứng trước bóng. Trán và mũi nó lấm tấm những hạt mồ hôi. Trọng tài Tân Thời thổi còi, chém tay rất điệu nghệ. Ngọc Sơn chạy lấy đà và… sút! Bóng bay ra ngoài, đập vào hàng rào người đứng xem phía bên phải (lúc này khán giả đã tràn kín sân, chỉ chừa khoảng trống giữa hai cột gôn). Tiếng reo vang dội. Nhưng đội Nhà 1 đòi đá lại, với lý do “Ngọc Sơn đá bằng má ngoài chân trái, vì vướng khán giả chứ nếu không bóng đã xoáy từ ngoài vào gôn”. Chắc ý tưởng sút phạt kỹ thuật của đội Nhà 1 đã gợi ý cho cầu thủ đàn em sau này là Roberto Carlos của Brasil sút quả phạt kinh điển nhất mọi thời đại, vẽ một quỹ đạo ma thuật, lượn từ phía ngoài hàng rào cầu thủ làm tường vào khung thành đội tuyển Pháp ở Cúp Tứ Hùng 24 năm sau. Tất cả khán giả, kể cả anh Khanh, phản đối đòi hỏi vô lý của đội Nhà 1. Nhưng khi đang nắm quyền trên sân, trọng tài là cha là mẹ. Tân Thời tuyên bố: “Không có trận đấu bóng nào trên thế giới khán giả được phép tràn vào sân như thế này. Yêu cầu tất cả ra ngoài để sút phạt lại theo đúng luật!”.
Ngọc Sơn lần thứ hai đặt bóng trên chấm phạt đền. Mồ hôi trên trán, mũi, má, cằm của nó chảy ròng ròng. Việt nhận xét: “Đây là sai lầm chiến lược của đội Nhà 1. Một thằng “Bôn sệt”, thấy đánh nhau là tránh xa, thiếu hẳn sự lỳ lợm, thế mà lại giao cho nó trọng trách ở thời điểm ngàn cân treo sợi tóc”. Hòa hưởng ứng: “Hình như nó tè ra quần thì phải. Mày nhìn xem, quần đùi nó ướt sũng kìa”. Mặc dù Việt và Hòa thân với bọn Nhà 1 hơn bọn Nhà 7 nhiều, nhưng lúc này, chúng bị cuốn theo tinh thần thể thao, vô tình nói năng theo kiểu bôi bác đội Nhà 1 vì tội chơi ăn gian. Mặt Ngọc Sơn tái xanh. Nó sút. Lần này thì không ra ngoài. Dù gì nó cũng là chân sút cự phách, thành viên đội tuyển khu Nam Đồng. Nhưng do tâm lý căng cứng nên cú sút không hiểm. Thủ môn đội Nhà 7 ngồi thụp xuống, kẹp quả bóng vào giữa háng. Nhà 1 không tìm ra cớ gì nữa để cãi nên đành chấp nhận thua cuộc. Đội trưởng Anh Sơn lầm lì tuyên bố sẽ “khoác áo thần chết” cho những ai dám trêu chọc.
Chiều hôm sau, Nhà 5 và Nhà 6 thi tài. Nhà 6 với danh thủ Tuấn “Mím” (môi trên nó cực mỏng) quá mạnh so với Nhà 5. Nhà 5 biết kiểu gì cũng thua nên vào cuộc không hào hứng. Gần tới giờ đá mà vẫn không thấy hai hậu vệ Đính và Khanh đâu, đội trưởng Hiền phải cho người về gọi. Minh về tới sân Nhà 5, thấy Đính vẫn đang lúi húi xếp hàng lấy nước bên vỏ quả tên lửa. Sau trận Điện Biên Phủ trên không, khu Nam Đồng được Bộ Quốc phòng cấp rất nhiều vỏ đựng tên lửa (vì tên lửa đã đem bắn máy bay B52) để làm cổng chào và bể chứa nước cho các nhà. Đính bảo: “Tao phải lấy nước xong mới ra đá được. Bà tao giao nhiệm vụ chiều nay phải lấy được nửa phi nước. Nhà hết nước nấu cơm và cám lợn rồi. Người còn nhịn được chứ lợn làm sao nhịn được”. Minh nhìn hàng xô chậu xếp dài dằng dặc, nó kiếm hòn gạch gần đấy, mắt trước mắt sau đẩy vào giữa đám xô chậu để chen ngang. Đính cười: “Mày không thấy mọi người đều xếp hàng bằng xô, chậu à? Trước kia nhiều đứa chẳng cần lấy nước cũng mang gạch ra giữ chỗ. Có thằng thấy đông người xếp hàng còn đập đôi hòn gạch ra để thành hai chỗ. Quy định mới là xếp hàng bằng cái gì thì hứng nước bằng cái đấy. Xếp bằng gạch thì phải hứng bằng gạch. Không chen ngang được đâu. Tư lệnh Sư đoàn 308 Nguyễn Hữu An xếp hàng từ hai giờ chiều mà vẫn chưa đến lượt đây này”. Minh nói: “Ai chứ chú Nguyễn Hữu An thì nên ưu tiên. Chú ấy là tư lệnh trẻ nhất khu mình. Cả tháng chú ấy mới được về nhà một lần”. Đính cười: “Đã ra đây hứng nước thì có là Tổng tư lệnh cũng phải xếp hàng!”. Không biết Minh hâm mộ Tư lệnh Nguyễn Hữu An thực sự, hay hâm mộ cái Thu Hương con gái chú, nó nói: “Bố thằng Khanh bảo Nguyễn Hữu An khu mình là một trong bốn tướng tài nhất bây giờ, mình nên ưu tiên cho chú ấy”. Đính vẫn khăng khăng: “Tướng giỏi thì xếp hàng cũng phải giỏi!”.
Sắp đến giờ thi đấu giữa Nhà 5 và Nhà 6, nhưng Minh rủ thế nào, Đính vẫn lắc đầu: “Mày ra đá trước đi, tao phải hứng xong mấy xô nước này đã”. Thế là chỉ vì mấy giọt nước, đội Nhà 5 mất một cầu thủ hậu vệ trụ cột. Minh lên nhà Khanh, thấy cửa đóng im ỉm. Cái Lê Dung ở cạnh nhà Khanh, mách là Khanh vừa dẫn anh Hoàng, tay quấn băng, máu me be bét, đi ra Trạm Y tế khu. Minh lập tức bổ đi tìm. Đội Nhà 5 mất nguyên hàng hậu vệ, thua đội Nhà 6 với tỷ số 2 – 5.
Giải bóng đá hè khu Nam Đồng thành công như dự kiến. Nhất Nhà 7, nhì Nhà 6. Nhà 2 và Nhà 3 đồng giải ba. Đội Nhà 1 vẫn cay cú, rủ bốn đội đoạt giải đá giao hữu. Nhưng ai dại gì đá với kẻ chiến bại. Thắng chẳng được gì, thua thì mất danh tiếng.
3
Nói thêm về cái lý do vắng mặt hậu vệ Khanh. Buổi sáng hôm đó trời mưa. Khanh ngồi buồn, rủ Hoàng sang chơi. Bố Khanh đi công tác hai tuần, mẹ đi làm, hai đứa em gái lên bà ngoại nên nhà chẳng có ai. Ngồi mãi cũng chán, Hoàng đòi về. Khanh bưng ra một hũ rượu: “Mày ở lại đi. Uống cái này hay lắm. Uống xong người bay bổng lên tận chín tầng mây. Bố tao được người ta biếu. Thỉnh thoảng tao vẫn lấy ra uống trộm”. Nói đoạn, nó rót rượu vào cái bát sắt Trung Quốc, ngày ấy mọi người đều gọi là bát B52, vì so với bát ăn cơm thông thường, loại bát này to hơn hẳn. Khanh ngửa cổ uống một hơi, xong rồi “khà” một cái, mắt lim dim, vẻ rất thú vị. Nó hỏi Hoàng: “Mày đã bao giờ uống cái này chưa?”. Hoàng lắc đầu. Khanh tỏ ra đầy kinh nghiệm, nó rót tiếp rượu ra bát: “Để tao dạy. Mày đừng ngửi. Cứ nín thở, uống ào một hơi, xong rồi khà một cái. Đã lắm!”. Hoàng làm theo. Sau khi “khà” hẳn năm cái, nó gật gù: “Hay thật đấy, đầu tao quay quay như đi tầu vũ trụ”. Một lúc sau, nó loạng choạng, đập đầu vào tường, ngã lăn ra sàn nhà và nôn. Hoàng không ăn sáng nên chủ yếu là nôn ra nước. Khanh dọn dẹp và đỡ Hoàng lên giường. Hoàng nằm và ngủ thiếp đi.
Khi Hoàng tỉnh, định về thì Khanh lôi ra một khẩu súng lục K59. Nó tỏ vẻ khoái chí: “Bố tao mới được phát, thay loại K54. Ông ấy giấu tận đáy hòm, nhưng tao vẫn phát hiện ra”. Hai thằng cẩn thận đóng tất cả các loại cửa cho khỏi ồn. Khanh lấy bút chì vạch xung quanh cái khung “Huân chương kháng chiến” rồi tháo khung xuống, chỉ tay vào tường, bảo Hoàng: “Tao với mày thi bắn vào trong cái hình chữ nhật tao vừa vạch nhé. Tao vẽ một vòng tròn làm tâm, xem thằng nào bắn trúng. Bắn xong mình treo cái khung này lên như cũ, thế là không ai phát hiện được”. Nói xong nó nheo mắt, giương súng rất điệu nghệ, bắn gần trúng tâm vòng tròn. Hoàng khoái chí, giằng lấy súng, làm giống như Khanh, bắn đòm một phát. Bắn xong nó đến xem, thấy có ba lỗ trên tường, chứng tỏ trước đây Khanh đã bắn rồi. Hoàng đòi bắn thêm phát nữa rồi trả súng. Khanh rất thành thạo, tháo băng đạn cái “rộp”, vứt ra giường, chĩa súng vào Hoàng, hét: “Giơ tay lên”, động tác hệt như trong phim, và siết cò. Khanh không biết, ngay sau khi bắn một viên đạn đã tự động lẩy lên buồng đạn, nên dù đã tháo băng đạn ra, súng vẫn có đạn.
Hoàng cũng nghĩ Khanh tháo hết đạn ra rồi, nhưng theo phản xạ, nó lấy tay gạt mũi súng đi. Một tiếng nổ khô khốc. Bàn tay Hoàng nảy tung lên. Ban đầu không có cảm giác gì, nhưng chỉ một lát sau cả lòng bàn tay nó nóng rực, bỏng rát và buốt nhói. Máu văng tứ tung. Hoàng khóc tu tu. Khanh cuống lên. Nó lấy một cuộn băng to ra quấn hết vòng nọ vòng kia vào bàn tay Hoàng. Máu vẫn nhỏ tong tỏng. Khanh lấy luôn cái vỏ gối quấn ra ngoài và chở Hoàng đến Trạm y tế khu tập thể. Nó thì thào: “Không được khai là do súng bắn nhé. Nếu chuyện bị phát hiện, nhẹ thì bố tao bị kỷ luật, không được lên quân hàm đợt này, nặng thì phải ra tòa án binh vì tội thiếu trách nhiệm trong bảo quản vũ khí”. Tới Trạm y tế, cô y tá hỏi Hoàng bị làm sao, nó nói do nghịch pháo. Cô y tá tháo băng ra. Trong lòng bàn tay Hoàng đọng một vũng máu. Đáng lẽ khi băng, Khanh phải lấy bông nhét vào lỗ thủng trước. Đằng này nó chỉ quấn tròn các ngón tay và lòng bàn tay nên máu tiếp tục ứa ra. Sau khi lau chùi, sát trùng bàn tay nát toe toét của Hoàng, cô y tá băng lại và làm giấy chuyển lên Quân y viện 354 để khâu. Bác sỹ băng bó xong, hỏi Hoàng: “Đây là vết thương do đạn bắn xuyên, sao Trạm Y tế khu Nam Đồng lại bảo do nghịch pháo?”. Hoàng làm bộ đau đớn quá, không trả lời được. Nó nhắm tịt mắt, rên hừ hừ, giả bộ như thằng sắp chết. Khanh bảo: “Xin bác sỹ cho bạn ấy nghỉ một lát, bạn ấy đang đau. Bạn ấy sẽ trả lời bác sỹ sau”. Bác sỹ vừa quay đi, hai thằng nhanh chóng lủi mất.
Khi Minh gặp Khanh và Hoàng, chúng nó vẫn nói nghịch pháo, bị nổ rách tay. Chuyện tày trời như vậy nhưng chúng nó giấu biệt cả bọn. Phải mấy tháng sau Hoàng mới khai ra. Khi đó bố Khanh vừa được phong quân hàm thượng tá.
4
Một trong những nỗi khổ của mùa hè là thiếu nước. Nhiều khi xếp hàng cả tiếng đồng hồ cũng chỉ hứng được một xô. Vì vậy, nhiều đứa chọn cách tắm hồ. Lý tưởng nhất là lên hồ bơi Quảng Bá. Nhưng vì đường xa, lại phải mua vé, nên cũng có một số chọn tắm ở hồ Nam Đồng. Hồ này cực sâu, đa phần chúng chỉ dám lội ở ven bờ. Chẳng hiểu sao ai tắm ở đây cũng bị hắc lào. Chúng mách nhau mua cồn i-ốt bôi. Bẹn đứa nào đứa nấy thâm xì thâm xịt. Mỗi Việt không sao. Việt vẫn ra hồ chơi với đám bạn nhưng không bao giờ xuống tắm. Tính nó vốn kỵ nước. Bơi cũng là môn được Việt xếp trong danh mục “chổng mông vào”.
Có lẽ cũng vì thiếu nước nên mới xảy ra cái vụ Lìn Đôi.
Do trời nóng, buổi tối cả bọn thường tụ tập ở nóc bể nước Nhà 2 tán phét. Một hôm Việt ra nhưng chờ mãi chẳng thấy đứa nào. Lúc định quay về, bỗng nó nghe tiếng té nước. Kiểm tra, Việt phát hiện trong cái bể dùng chứa nước mồi của máy bơm, có một đứa bé đang tắm. Việt bực mình, định đánh thì đứa bé nói: “Anh đừng đánh, em sẽ nói cho anh biết một chuyện cực kỳ bí mật”. Việt chẳng hiểu chuyện gì, nên ngừng tay. Nó thì thầm: “Có một anh ở Nhà 4, tối nào cũng ra đây bơi”. Việt hỏi: “Cái chỗ bé xíu này sao mà bơi được? Mà ai cho phép tắm ở đây, vì đây là nước mồi để bơm lên bể tầng thượng các nhà. Thế này hóa ra cả khu tập thể uống nước tắm của chúng mày à?”. Đứa bé chỉ cái bể nước chính: “Anh ấy bơi trong này cơ”. Việt càng tức. Nó tưởng tưởng tượng ngay ra cảnh một thằng ghẻ lở hắc lào kỳ cọ đủ các thứ bẩn thỉu vào bể nước ăn của cả khu, và quyết định: “Tối nay tao sẽ rình bắt và đánh cho thằng này một trận nhớ đời”. Đứa bé bảo: “Anh mà ở đây, người ta chẳng dám xuống bơi đâu. Anh muốn bắt thì chui vào bể nước mà rình”. Việt phân vân, vì chui xuống như thế thì mình cũng như thằng kia, nhưng rồi lại nghĩ: “Cả khu vẫn ăn uống nước tắm của nó, nay ăn thêm tí nước bẩn của mình cũng chẳng sao. Chui vào bể nước ăn để bảo vệ nguồn nước sạch lâu dài cho mọi người cũng có thể coi là việc làm chính nghĩa”. Nó rủ đứa bé: “Mày chui xuống đây rình cùng tao”. Đứa bé vẫn ngồi thu lu trong bể nước mồi, nói vọng ra: “Anh xuống trước đi, em xuống sau”. Việt cởi hết quần áo, luồn người xuống bể nước. Lòng bể rộng chừng 100 mét vuông. Khi đứng, với hết một sải tay chưa tới trần, nhưng lúc đó nước chỉ ngang thắt lưng. Tối đen như mực. Một lát, đứa bé tụt xuống, mò đến bên cạnh Việt, thì thào: “Mát quá! Tắm ở đây thích hơn trên kia nhiều anh ạ”. Chẳng phải chờ lâu, vài phút sau có một thằng to cao nhảy ùm xuống. Nó rất thông thạo, vừa xuống là bơi luôn. Việt hét: “Này, thằng kia, đứng im!” và lao đến bắt, nhưng do Việt không biết bơi nên di chuyển rất chậm. Thằng bơi trộm nhanh chóng trèo khỏi bể chạy trốn. Khi Việt leo tới miệng bể, thấy nó tồng ngồng ôm mớ quần áo chạy. Việt đang cởi truồng, không dám đuổi theo nên nó chạy mất, nhưng Việt cũng kịp phát hiện ra thằng đó là ai… Một lát sau mới thấy đứa bé con nhô ra khỏi nắp bể. Nhìn nó, Việt giật mình: “Ơ, thằng kia, sao mày không có chim?”. Hóa ra Việt chui vào bể với một đứa con gái. Trời tối, tóc nó cắt ngắn nên Việt nhầm. Cô bé lườm Việt: “Anh quá đáng vừa chứ!” và chạy đi lấy quần áo mặc, vừa mặc vừa bảo Việt: “Em tên là Huyền Thu!”. Nó chẳng biết xấu hổ là gì, trong khi Việt lại thấy ngượng. Nhưng điều tệ hại nhất là trong lúc hốt hoảng, thằng tắm trộm ôm luôn cả đống quần áo của Việt. Chẳng còn cách nào, Việt đành phải chui xuống bể nước mồi, sai Huyền Thu về báo Hoàng mang một bộ quần áo ra cho mượn. Hôm sau, kể lại chuyện cho mọi người, Việt lờ tịt chi tiết cởi truồng chui vào bể, với một cô bé cũng cởi truồng nốt.
Cũng vì chuyện này mà Lâm Hải có tên “Lìn Đôi”. Mọi người khi nghe Việt kể chuyện nó thường xuyên tắm trong bể nước ăn của khu đều bực, nhưng là anh em cùng lứa, chả nhẽ lại đánh nó. Thôi thì cái gì không phát tiết ra chân ra tay thì phát tiết ra mồm. Khanh bảo: “Nhìn mặt thằng này thấy ghét. Từ nay mình gọi nó là Hải Lìn nhé”. Quốc hỏi: “Sao lại gọi như thế?”. Khanh giải thích: “Hồi đi sơ tán, tao thấy dân ở đấy ghét ai thì gọi thế”. Quốc Tẩm phán: “Tội này to gấp đôi các tội khác, phải gọi nó là thằng Hai Lìn”. Việt bảo: “Gọi là Lìn Đôi cho nó văn hóa”. Ở khu Nam Đồng, hầu như đứa nào cũng bị gắn với một biệt danh, đa phần xuất phát từ những nguyên nhân lãng xẹt. Biệt danh “Lìn Đôi” gắn với Lâm Hải từ hồi đó, nó rũ kiểu gì cũng không mất đi nổi.
Sau này, Lâm Hải trở thành phi công, lái máy bay trực thăng UH1. Thỉnh thoảng bay ngang bầu trời Hà Nội, nó đều cố tình lướt qua khu tập thể Nam Đồng, nghiêng cánh chào bể nước, sân bóng và các dãy nhà tập thể cao bốn tầng đầy kỷ niệm. Nhưng với bọn trẻ khu Nam Đồng thuở ấy, dù Lâm Hải có oai hùng đến mấy, thì nó vẫn bị gọi là Hải Lìn Đôi.