Quân Khu Nam Đồng - Chương 15
Giang Cận
1
Giang không cận thị, nhưng vẫn bị gọi là Giang “Cận” vì trong khu, mấy thằng tên Giang đều cận thị hết. Một buổi tối, Giang Cận sang nhà Hòa. Nó bảo:
– Mày rảnh không, tao với mày đi nói chuyện?
Hòa chẳng hiểu có chuyện gì, nhưng nghe giọng Giang Cận có vẻ quan trọng, nó lẳng lặng mặc quần dài, ra khỏi nhà. Giang Cận là Bí thư Chi đoàn, học giỏi và có óc quan sát tuyệt vời, cái gì chỉ nhìn qua một lần là nhớ. Có lẽ do chức vụ, lại hay họp hành cùng cô giáo và lãnh đạo Đoàn trường nên nó ăn nói như ông cụ, trịnh trọng và sặc mùi lý thuyết. Câu cửa miệng của nó là “chúng ta phải tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng” và ai cũng thấy nó nói bằng tất cả niềm tin. Nhưng tính nó rất sòng phẳng, chuyện nào đi chuyện ấy. Nó không tham gia vào các cuộc đánh nhau, không tán thành nhưng cũng không mách lẻo. Với nó, mọi người chẳng ai phải đề phòng. Nó vẫn tham dự mọi trò của bọn lớp 9D khu Nam Đồng, từ “bắn bùm”, “đổ dế” đến bàn luận tình yêu.
Hòa cùng Giang Cận lững thững đi bộ ra hồ Nam Đồng. Hồ này mới đào xong, chưa có tên, nhưng cạnh khu Nam Đồng nên gọi là hồ Nam Đồng, mãi về sau mới đổi thành hồ Xã Đàn. Hồi đang đào, từ trên nhìn xuống, lòng hồ sâu thăm thẳm. Bọn trẻ con quanh đấy hay xuống hồ chơi, chạy theo các máy ủi. Một đứa bị máy vùi, mấy ngày sau mới tìm thấy. Từ đấy, khi máy chạy, không đứa nào dám xuống hồ nghịch nữa.
Giang Cận kể với Hòa chuyện của nó với Ngọc Bích. Nó nói ngày xưa thì say mê, giờ chẳng hiểu sao tự nhiên lại không thích nữa và hỏi Hòa thấy có bạn nào hay, gợi ý cho nó: “Tao thích kiểu lẳng lơ và mỡ màng như cái Trung Phương”. Giang Cận hỏi Hòa thích ai? Từ ngày viết thư tình hộ Việt, Hòa mang tiếng là chuyên gia thư tình. Thằng nào cũng nhờ nó viết thư để giãi bày tình cảm. Mọi người đều nghĩ, nó viết thư hay thế, làm gì chẳng có người yêu. Đúng là có tiếng mà không có miếng. Ngày sơ tán, Hòa rất thích bạn Hạnh cùng trại, một tiểu thư Hà Nội gốc, khuôn mặt đài các, giọng nói nhẹ nhàng, có cái lúm đồng tiền rất duyên, khi ẩn khi hiện. Mỗi khi thấy Hạnh từ xa là tim nó đã đập loạn lên.
Tuy chỉ là một mối tình câm nhưng vô cùng mãnh liệt. Trở về Hà Nội, một hôm nó đến Phố Lý Nam Đế chơi với mấy người bạn cùng sơ tán, vô tình gặp Hạnh. Hạnh gật đầu, nhoẻn miệng cười. Nó tưởng chừng mình sẽ tan chảy ra vì hạnh phúc. Nhưng thật kỳ lạ, sau hôm đó, tình cảm của nó với Hạnh bỗng tan biến. Nó phát hiện ra đó chỉ là thứ tình yêu “bọ xít” của trẻ con. Nó chẳng biết lý giải ra sao. Bỗng dưng Hạnh hoàn toàn không còn là mẫu người nó thích. Bây giờ nó chuyển sang thích dạng con gái chân quê, đằm thắm, trắng hồng và đầy đặn như Yến của Hưng Sứt. Tiếc rằng Yến cắt tóc ngắn và hơi lùn, trong khi nó thích những người phụ nữ tóc dài. Các cụ dạy cái răng cái tóc là góc con người. Đàn ông nhiều người chỉ vì mê một cái lúm đồng tiền mà cưới nguyên cả người phụ nữ. Bộ tóc dài óng mượt còn giá trị gấp trăm cái lúm đồng tiền. Với nó, nếu Yến có mái tóc như tóc bạn Phương và chân thẳng, dài như chân bạn Diệp thì thật hoàn hảo. À, còn nữa, nó mơ người con gái mình yêu phải hát hay như Mai Hương. Còn nụ cười, công bằng mà nói, nó vẫn không thấy ai có nụ cười quyến rũ hơn Hạnh… Trong khi chưa tìm được người chân quê, đầy đặn như Yến, có tóc như Phương, chân như Diệp, cười như Hạnh, hát như Hương… nó quyết định việc yêu cứ để từ từ đã. Yêu chứ có phải ăn đâu mà không có món này xơi món khác. Thể nào rồi cũng có ngày số mệnh sẽ cho nó gặp người nó tìm.
Sau khi đi một vòng quanh hồ Nam Đồng, Hòa và Giang Cận ra bãi đất giữa khu Nam Đồng và khu Kim Liên tán chuyện. Giang Cận trao đổi với Hòa về chuyện học tập. Nó lo hai điều: Thứ nhất, học tập của lớp dạo này đi xuống, đặc biệt việc học của bọn con trai trong khu Nam Đồng. Cứ cái đà này, thể nào năm nay cũng có một số thằng đúp. Thứ hai, là chuyện vào Đoàn. Bọn khu Nam Đồng toàn con của các cán bộ trung, cao cấp trong quân đội, không được kết nạp vào Đoàn thì thật khó coi. Giang Cận đã nhận trước Ban chấp hành Chi đoàn bước đầu sẽ giúp Hòa và Khanh trở thành đoàn viên. Nó đề nghị Hòa cố gắng học tập, bớt nghịch ngợm và không tham gia đánh nhau. Không những thế, nó còn muốn Hòa và Khanh tác động lên những đứa khác.
Theo nó, bọn con trai nghịch ngợm một chút cũng chẳng sao, nhưng đánh nhau thì dứt khoát không được. Nó nói giản dị và chân thành, dù bằng cái giọng cán bộ “Bôn sệt” (xuất phát từ tiếng Nga, Bôn-sê-vích, hiểu nôm na là Cộng sản chính hiệu).
Hòa thấy Giang Cận nói cũng đúng. Nó đồng ý với Giang tất cả, trừ chuyện không đánh nhau. Anh em quân khu, dù không nói, nhưng đều tuân thủ nguyên tắc: “Tất cả vì một người, một người vì tất cả”. Dù anh em có sai đi nữa, nhưng nếu bị ai đánh, mình phải coi như chính mình bị đánh. Làm gì có chuyện anh em bị đánh mà đứng nhìn…? Hòa phân tích: “Bố bọn mình chiến đấu là để cho đất nước độc lập, thống nhất, cho nhân dân bình yên và hạnh phúc, chứ có phải để cho bọn trấn lột, du côn bắt nạt con cái ở hậu phương đâu. Mình trừng trị bọn xấu cũng là một việc nên làm”. Giang Cận cười, cho rằng đó là cái cớ để bao biện cho việc đánh nhau thôi. Bây giờ ở Hà Nội làm gì có hội nào dám trấn lột hay bắt nạt bọn Quân khu Nam Đồng? Hòa lại giải thích: “Khu Nam Đồng đánh nhau luôn xuất phát từ chính nghĩa, trừng trị kẻ xấu, bảo vệ người vô tội, trong một mức độ nào đó còn giúp xã hội trật tự hơn, giảm đi các băng nhóm và thanh thiếu niên hư hỏng”. Giang Cận phảy tay, bảo đấy là suy nghĩ bao biện, mơ hồ, không phải tư duy chân chính của một người thanh niên cộng sản.
Hòa phân vân, không biết nói thế nào để Giang Cận hiểu. Có dễ gì một chốc một lát quay ngoắt trăm tám mươi độ, biến thành thằng “Bôn sệt” trong khi bạn bè mình không như thế? Chỉ vì vào Đoàn mà mất hết anh em, bạn bè, Hòa thà không vào. Nó lý luận: “Chức năng của Đoàn là giúp thanh niên rèn luyện, phát triển. Đoàn là người đại diện, chăm lo cho quyền lợi của tuổi trẻ. Vì vậy, mình phải hòa hợp với quần chúng thanh niên, giúp đỡ mọi người cùng tiến bộ, chứ không phải tách ra khỏi tập thể để phấn đấu cho lợi ích riêng. Tóm lại, học hành tử tế, làm nhiều việc tốt và ngoan dần lên thì được, nhưng thỉnh thoảng vẫn phải tham gia đánh nhau để… hòa mình vào tập thể”. Hai thằng mải tranh luận mà không để ý đã vô tình lạc vào giữa vòng vây của đám đông mấy chục người.
2
Hồ Nam Đồng trước đây là một vùng đất lầy, xen lẫn những ruộng rau muống. Khi nhà nước tiến hành đào hồ để lấy đất tôn nền xây dựng khu Trung Tự và khu B của khu Nam Đồng, hồ này trở thành ranh giới ngăn cách giữa khu Nam Đồng với “giặc làng” - tên bọn khu Nam Đồng gọi những đứa trẻ con sống bên kia hồ. Hai bên thường xảy ra xung đột, phần nhiều là lấy đất đá ném nhau. Thường thì “giặc làng” thắng vì chúng đông hơn, ném cũng khỏe và xa hơn.
Khi Hòa và Giang Cận phát hiện xung quanh có đông người thì đã bị vây vào giữa. Hòa cũng hơi hoảng vì bọn kia quá đông. Nó gạt mấy đứa đứng gần, nói: “Bọn tao ở trong khu tập thể Nam Đồng, tránh cho bọn tao đi”. Nhưng bọn kia không tránh. Một thằng đứng phía sau dùng một thanh tre vụt vào chân Hòa, cũng khá đau. Hòa nổi khùng, cao giọng: “Nếu chúng mày đánh bọn tao thêm một cái nữa, ngày mai tao sẽ tìm và xử từng thằng một”. Bọn “giặc làng” nhìn nhau, rồi một thằng lại lấy gậy vụt vào chân Giang Cận. Giang Cận quay ngoắt lại, nhảy bổ vào giật cây gậy, nhưng hai thằng đứng cạnh vụt hai phát vào tay nó. Hòa nhảy vào đỡ, bị vụt luôn mấy gậy. Nó bảo nhỏ Giang Cận: “Bọn này đông lắm, tao với mày chạy đi, về gọi bọn thằng Việt. Tao chạy trước, về khu, để thu hút chúng nó. Khi chúng đuổi tao, mày chạy ngược sang khu Kim Liên chờ. Bọn tao xử bọn này xong qua đón”. Giang Cận gật đầu. Hòa cắm đầu chạy. Đất ném theo ào ào, có mấy viên trúng đầu và người.
Về tới nơi, Hòa thông báo ngay cho Việt, Hoàng, Ngọc và Quốc Tẩm. Vì sợ Giang Cận bị kẹt bên khu Kim Liên, cả bọn vội vàng lấy vũ khí, phóng ra bãi đất sau Nhà 7 thì gặp Giang Cận. Nó không chạy sang khu Kim Liên như thỏa thuận với Hòa mà cứ lẳng lặng đi về khu Nam Đồng. Xưa nay nó chưa bao giờ vì sợ bị đánh mà bỏ chạy. Tính Giang Cận khi đã tức lên là rất lỳ. Nó chấp nhận bị đánh chứ không chạy. Tất nhiên nó bị bọn “giặc làng” đánh khá đau, bị cướp đôi dép đúc, và tệ hơn cả là bị cướp mất chiếc bút máy Ngọc Bích tặng hồi sơ tán. Hòa bảo: “Tao đã nói chạy đi, sao mày ở lại để bọn nó đánh thế này?”. Giang Cận lầm lỳ không nói. Việt bảo: “Đi, tìm đập bỏ mẹ mấy thằng này đi”. Quốc Tẩm hỏi: “Có cần về gọi thêm người không? Có mấy thằng bọn mình mà đánh cả làng nó à?”. Việt rút lưỡi lê CKC ba cạnh ra: “Về gọi thêm được người thì chúng nó chạy mất. Tao nghĩ năm thằng mình là đủ”. Cả bọn lùng sục khắp nơi mà không thấy một ai. Hòa hỏi Giang Cận: “Mày có nhớ mặt thằng nào không?
Ngày mai đi học, để ý đoạn đường từ Bệnh viện Đống Đa tới Đình Nam Đồng, thể nào cũng gặp một vài thằng trong bọn này.”. Giang Cận nhìn Hòa, gật đầu.
Sáng hôm sau, trên đường đi học, ngang qua ngã ba, chỗ rẽ vào Bệnh viện Đống Đa, Giang Cận túm ngay ngực một thằng đang tập thể dục: “Có nhớ tao tối hôm qua không?”. Mồm nói, chân nó lên gối đánh “hự” một cái vào bụng, thằng kia ngã quay lơ ra. Giang co chân đá hai phát cực mạnh bằng đôi giày bộ đội “Cô-sơ-ghin” làm bằng da trâu to sụ, nghe rắc rắc, chả biết cái gì gãy hay vỡ. Đi một đoạn nữa, Giang Cận lại túm ngực một đứa nữa: “Ê, giặc làng, có nhớ tao không?”. Hòa còn nguyên cơn giận tối qua, thả chiếc búa đinh nhỏ giấu trong tay áo trượt ra, vụt luôn. Hòa lần đầu dùng búa đánh người nên không lường được nặng nhẹ. Nó thấy thằng kia ôm đầu, cũng không thèm nhìn lại. Giang Cận có trí nhớ cực tốt. Trong khi Hòa chưa nhận ra ai thì Giang Cận phát hiện thêm bốn đứa nữa. Giang Cận nhận mặt được thằng nào, Hòa xông vào đánh thằng đấy. Nó vẫn chưa nguôi cơn tức tối qua. Nhưng cái chính là nó áy náy chuyện vì nó mà Giang Cận bị đòn và mất chiếc bút máy Ngọc Bích tặng.
Tan học về, tới Đình Nam Đồng, một ông lão khoảng sáu mươi chặn cả bọn lại: “Các anh cho bác hỏi, con bác làm gì sai mà sáng nay các anh đánh nó vỡ cả đầu, phải khâu sáu mũi”. Việt trả lời: “Con ông hôm qua ra sau khu tập thể Nam Đồng đánh người, cướp dép và bút của bạn tôi. Ông về dạy nó đi. Nếu ông không dạy được thì để bọn tôi dạy. Bao giờ nó cắt chỉ xong bọn tôi lại đánh tiếp, đánh cho nó chừa thói ăn cướp”. Ông già chạy theo nài nỉ: “Thôi, các anh cho bác xin, để bác bảo ban em”. Giang Cận bảo: “Ông bảo nó muốn sống thì nói đồng bọn sáng mai mang bút và dép ra trả tôi. Chúng tôi biết nhà ông rồi. Chúng tôi sẽ đánh nó cho đến khi lòi dép và bút ra”.
Việt bảo: “Nhân tiện, báo cho ông và tất cả cái đám giặc làng nhà các ông biết, từ tối nay, nếu con cháu các ông còn tụ tập ra sau khu Nam Đồng, chúng tôi sẽ đánh cho mất xác”.
Cả bọn hỷ hả và tin rằng đã cho bọn giặc làng một bài học đích đáng, không để ý có hai người mặc thường phục đứng gần lặng lẽ quan sát và sau đó theo cả bọn về tận nhà. Chiều hôm đó, Công an khu Đống Đa đi cùng anh Thắng và Công an đồn Nam Đồng vào nhà Việt, nhà Giang Cận, triệu tập hai đứa lên đồn vì tội đánh người gây thương tích.
3
Việt khá nhiều kinh nghiệm vào đồn công an nên rất bình tĩnh. Nó một mực khai không biết gì hết ngoài chuyện nghe mọi người kể đêm qua các thanh niên hư hỏng trong làng trấn lột tài sản của các bạn khu tập thể Nam Đồng. Nó viết trong bản tường trình, mình là người vô tội, không đánh bất kỳ ai, chỉ khuyên bảo ông già về dạy con cháu, trả lại đồ ăn cướp. Khi được hỏi ai đánh hai người đến mức phải đi bệnh viện cấp cứu, một người khâu sáu mũi ở đầu, một người đến giờ vẫn phải nằm viện để theo dõi vì nôn ra máu, Việt một mực không biết, không nghe và không nhìn thấy ai đánh. Nó cam kết khi về, nếu có được tin tức gì sẽ báo cho công an ngay. Chắc chắn mấy anh công an không ai tin nó, nhưng vì không có chứng cứ nên phải chấp nhận ghi lời khai như vậy.
Trong khi hai thằng bị bắt, Hòa rủ gần hai chục đứa, chiều hôm đó mặc quần áo bộ đội xanh rì nhưng không mang theo vũ khí, đi đi lại lại dọc phố Nam Đồng. Nó bảo: “Mình đi thế này để thị uy, dằn mặt những thằng muốn đến đồn công an làm chứng”. Đi chán, mỏi chân, cả bọn kéo đến nhà thằng bị khâu sáu mũi, tụt dép kê vào đít, ngồi la liệt trước cửa. Hòa nói: “Bây giờ công an đang theo dõi, chưa đánh được, nhưng về sau kiểu gì cũng phải xử bố con thằng này. Nó lừa cho bọn mình lộ mặt để công an thu thập chứng cứ bắt giữ”. Sở dĩ Hòa tự tin ngồi đây vì hai điểm. Thứ nhất, nó đánh nhanh và gọn, ngoài Giang không ai biết nó đánh. Hơn nữa, sẽ chẳng ai ngờ cái thằng đang bị công an truy lùng lại dám đến ngồi lù lù trước cửa nhà nạn nhân. Nó bảo: “Mình không mang vũ khí, không gây rối, chỉ ngồi nghỉ do mỏi chân thì công an cũng chẳng làm gì được mình”. Cả bọn ngồi thị uy chán, đến khi chuẩn bị về thì ông già ban sáng ra, đưa một đôi dép đúc với cái bút máy và nói: “Chúng tôi đã tra hỏi các cháu, đúng là đêm qua chúng nó cướp của các anh thật, nên đã động viên các cháu trả lại đồ cho các anh. Nhưng chỉ tìm thấy đôi dép, còn cái bút không biết đứa nào lấy. Thôi thì nhà tôi có chiếc bút máy còn mới, xin đền cho các anh”. Hòa cầm cây bút, lễ phép nói với ông già: “Thưa bác, chuyện đã qua rồi. Anh em chúng tôi vì bức xúc nên cũng có điều không nên không phải. Nay xin bác làm cho một bản cam kết, trong đó nói bác trả lại đồ cho bọn tôi và đề nghị từ nay hai bên không đánh nhau để chúng tôi lấy làm căn cứ hòa giải lâu dài”.
Nhìn hai chục thằng mặt mũi hầm hầm đang ngồi trước cửa nhà, muốn tìm cách đuổi đi không được, nay lại có thằng nói năng lễ phép, xin giảng hòa lâu dài, ông chủ nhà đồng ý ngay. Hòa đưa luôn bút cho ông và đọc cho ông ta viết: “Tôi, Nguyễn Văn Ân, xin trả lại cho các anh ở khu tập thể Nam Đồng một đôi dép đúc và chiếc bút máy tối qua các cháu trong làng có cầm của các anh. Tôi cam kết sẽ nhắc nhở con và các bạn của cháu rút kinh nghiệm, không sang khu Nam Đồng làm những việc như vừa rồi nữa. Các anh ở khu tập thể Nam Đồng bằng lòng bỏ qua sự việc. Từ nay hai bên đoàn kết”.
Khi ông già ký xong, Hòa đút luôn tờ giấy vào túi. Nó không ký tên, cũng chẳng làm hai bản để mỗi bên giữ một theo đúng kiểu hiệp định đàm phán hòa bình. Quốc Tẩm hỏi: “Làm thế để làm gì?”. Hòa giảng giải: “Đây là bằng chứng bọn giặc làng đánh người, ăn cướp. Mình đem đến đồn công an cùng tang vật để đòi người”. Khanh nói: “Mình đừng lên đồn. Công an họ chả coi mình ra gì đâu, có khi còn bắt vào tra hỏi. Bảo bố thằng Giang Cận và bố thằng Việt mang những tang vật này lên đòi con. Công an không thể giữ người chỉ vì họ bị ăn cướp”. Hòa đồng ý nhưng bảo: “Đừng nói với bố thằng Giang Cận. Cứ để bố Việt xin cho cả hai thằng về. Bác ấy có nhiều kinh nghiệm trong việc xin con ra khỏi đồn công an”.
Cả bọn làm đúng theo kế hoạch. Hòa phân công Quốc Tẩm lên báo cho bác Trường. Nó giải thích: “Bác Trường luôn nghĩ tao không bao giờ đánh nhau, nên tao phải tránh xa các loại việc như thế này để giữ hình ảnh đẹp, phòng khi có việc còn đến xin cho thằng Việt đi chơi. Bác Trường nói gia đình chỉ yên tâm khi thằng Việt đi với tao”. Đính châm chọc: “Đúng là giao trứng cho ác!”
Khi bác Trường lên đồn cũng là lúc Việt chuẩn bị được công an cho về, nhưng Giang Cận thì bị giữ lại. Giang Cận khai rõ ràng chuyện xảy ra tối qua, và nhận sáng nay đã xử lý thằng hôm qua đánh nó chín cái (trong đó vụt năm gậy, đấm ba cái và ném một hòn đất). Vì thằng này đang hôn mê, nên công an quyết định giữ nó lại. Giả dụ nó cứ khai như Việt thì đã được về từ lâu. Nhưng tính Giang Cận rất đàng hoàng. Nó không thích nói dối. Chẳng biết có phải làm Bí thư Chi đoàn lâu, nói thật mãi thành quen không? Về chuyện này, bọn con trai Nam Đồng chẳng ai đồng tình với Giang Cận. Chúng bàn bạc với nhau thành bài thành bản phải trả lời ra sao khi bị công an bắt, mà nguyên tắc tối thượng là nếu công an không có bằng chứng thì phải chối ngay, còn công an có bằng chứng cũng vẫn phải chối đến cùng chứ không nhận tội. Việt theo nguyên tắc đấy nên được ra, còn Giang Cận khai thật nên bị nhốt trong đồn. Ông đồn trưởng cao giọng: “Nếu nạn nhân có vấn đề gì, cậu này còn phải đem truy tố”. Nhưng không phải Giang Cận trung thực trăm phần trăm. Nó không khai Hòa. Nó chỉ nói tối qua có một người bạn cũ tên Hoa, quen hồi sơ tán, chẳng biết nhà ở đâu, đến chơi với nó, và sau đó là nó kể hết sự thật… trừ cái đoạn Hòa bổ búa vào đầu con nhà người ta.
4
Cô Uy dạy môn Lịch sử. Cô có khuôn mặt đẹp nhưng người thì to béo, bệ vệ. Nhìn cô, Giang Cận nghĩ tới một con lật đật. Nó cặm cụi ngồi vẽ. Cả lớp có hai đứa vẽ đẹp là Minh và Giang Cận. Từ hồi học lớp bảy tới giờ, chúng nó luôn tham gia vẽ báo tường cho lớp. Con lật đật Giang Cận vẽ, có cái mặt rất xinh, trông giống cô Uy. Giang Cận chuyển cho Minh xem, Minh bổ sung thêm cái nốt ruồi đặc trưng bên mép cô giáo. Đúng là một nét chấm thiên tài. Chỉ với cái nốt ruồi đó, những người không gặp cô Uy sau nửa thế kỷ cũng nhận ra cô. Thằng Đỗ, Phó Bí thư Chi đoàn ngồi cạnh Minh, ngó sang và gật đầu lia lịa.
Phải thừa nhận, cô Uy dạy môn Lịch sử rất hay, nhưng tính cực kỳ nghiêm khắc. Những lớp sóng kỷ cương cuồn cuộn trào dâng mỗi khi cô bước tới. Cô rất khó chịu khi học sinh lơ là môn Lịch sử, đặc biệt vào những năm kỳ thi tốt nghiệp phổ thông không có môn này. “Là con người, nếu không biết gốc gác tổ tiên, truyền thống cha ông, có khác gì kẻ vong quốc”. “Tiên học lễ, hậu học văn. Đất nước này cần những người con hiểu biết cội nguồn dân tộc để bảo vệ và gìn giữ, chứ không cần những anh chàng cơ hội học tủ, học lệch và những quý cô xinh đẹp, có một mớ chữ trong đầu nhưng hư hỏng”. Chẳng hiểu sao cô đặc biệt ghét các “quý cô” xinh đẹp, ăn mặc chải chuốt (bọn nó đồn ngày xưa có một “quý cô” ở phố Hàng Đào dỗ mất người yêu của cô). Cô xét nét các bạn này hơn cả Hoạn Thư xét nét Kiều. Xinh đến mấy mà không thuộc bài, cô cũng mắng cho thành xấu. Không xấu sao được khi mặt xám ngoét, nước mắt nước mũi nhòe nhoẹt trước lớp. Bạn Xuân Sơn chỉ vào lớp muộn ba phút, cô đã mát mẻ: “Ngày xưa tôi đang cho con bú, lại chửa ba tháng, cơm chẳng đủ ăn mà lên lớp không bao giờ chậm một giây. Các quý cô ngày nay sức dài vai rộng, xinh đẹp thông minh, quần là áo lượt, thế mà lại cứ đi học muộn. Tên cô là gì… Xuân Sơn hả? Nào, mời cô cho tôi kiểm tra bài. Hy vọng cô chỉ thiếu ý thức với giờ học tôi dạy chứ không thiếu ý thức với lịch sử của đất nước. Cô đứng luôn ở đây kiểm tra bài xong rồi về”.
Mọi người đều biết, cô mà đã nói như thế thì cô sẽ hỏi cho không biết đường nào mà lần. Xuân Sơn lấy hết can đảm trả lời câu thứ nhất. Khi nó trả lời xong, cô cười nhạt: “Bây giờ mà cho cô điểm 1 cô sẽ không phục. Tôi hỏi cô thêm câu nữa cho cô gỡ”. Giang Cận vốn học giỏi môn Sử mà nghe câu hỏi của cô Uy cũng toát mồ hôi, vì khi học tới chỗ này nó cũng thắc mắc: “Tại sao Đảng ta là Đảng Cộng sản mà lại tiến hành cuộc Cách mạng Dân chủ tư sản do giai cấp công nhân lãnh đạo, không tiến hành luôn cuộc Cách mạng Xã hội chủ nghĩa?”. Nó mày mò cả tuần mới tìm ra câu trả lời. Trong lớp ngoài nó ra, câu hỏi này rơi vào đứa nào chắc cũng chết. Xuân Sơn đứng như trời trồng. Các môn xã hội, nhà trường chủ yếu dạy theo kiểu bắt học thuộc lòng, nay cô lại hỏi theo kiểu phải tìm tòi, suy luận, làm gì chả chết. Xuân Sơn cúi gằm mặt xuống đất, còn cô thì nhìn ra cửa sổ. Sau một phút im lặng tuyệt đối, cô buông một câu: “1 điểm. Về chỗ! Lần sau tôi kiểm tra tiếp. Nhớ đi học đúng giờ!”.
Sau khi Xuân Sơn về chỗ, cô nhìn khắp lớp, cao giọng hỏi: “Có anh chị nào trả lời được câu hỏi này không?”. Cả lớp lặng ngắt. Giang Cận cũng không giơ tay. Nó giữ thể diện cho Xuân Sơn. Xuân Sơn bị điểm kém vì gặp một câu hỏi khó sẽ đỡ ngượng hơn là không trả lời được câu hỏi mà bạn khác có thể trả lời.
Công bằng mà nói, cô Uy không ghét bọn con trai trong lớp 9D, thậm chí cô còn thích những đứa thông minh, đẹp trai, nghịch ngợm một chút cũng được… Chả gì cô cũng có hai con gái, bạn lớn cũng học khối chín, nhưng ở lớp G. Con gái cô không trắng trẻo, mũm mĩm như mẹ, tính hơi ngang bướng, nhưng cũng ưa nhìn. Và cô rất quan tâm đến việc chọn một chàng rể tương lai. Cô cho rằng một đứa con gái mạnh mẽ như con cô, kết bạn với các cậu học sinh con nhà lính của khu Nam Đồng là tốt nhất. Nếu cô chỉ cần có vậy, bất cứ thằng nào trong bọn cũng tràn đầy khả năng làm con rể của cô, nhưng tiêu chuẩn kén rể của cô lại thêm một điều kiện nữa, là phải học giỏi. Xét về mặt này, Giang Cận là đứa hợp nhất. Trong bọn, chả có thằng nào học giỏi bằng nó, lại còn là cán bộ lớp. Sống giữa đám học sinh cá biệt mà vẫn vươn lên được chức Bí thư Chi đoàn. Đúng là gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Ai cũng thấy cô quý Giang Cận ra mặt. Cả lớp chỉ có nó được hai điểm 10 môn Sử, mà lấy được điểm 10 của cô khó như hái sao trên trời.
Giời xui đất khiến thế nào buổi đi học đầu tiên của Giang Cận sau khi được công an tha, đã rơi vào tiết Lịch sử, lại đúng ngày cuối tháng. Bọn nó đồn cứ đến ngày cuối tháng là cô Uy trở thành hung thần. Điểm 1, điểm 0 của cô những ngày đó cao hơn hẳn những ngày thường. Hôm nay cô vừa được biết học trò cưng mà cô gửi biết bao hy vọng như Giang Cận, bỗng dưng dở thói du côn, đánh con người ta dập lá lách, nôn ra máu, bị công an nhốt cả tuần trong đồn, thì còn dung thứ thế nào được? Cô lôi ngay Giang Cận lên bảng kiểm tra miệng. Giang Cận được công an thả chiều thứ Bảy. Cả ngày Chủ nhật nó tụ tập với bạn bè, kể chuyện về những ngày bị giam, làm gì có lúc nào học bài. Nó nói thẳng với cô là em mới được công an tha, chưa kịp xem lại bài vở. Cô hỏi: “Cậu được tha lúc nào?”. Giang Cận nói chiều thứ Bảy. Cô hỏi: “Thế cả ngày Chủ nhật cậu làm gì mà không học bài?”. Giang Cận trả lời nó dành thời gian để ăn bù, vì trong tù bị đói quá. Cô mắng cho Giang Cận một trận. Con em bộ đội, có sức khỏe thì hãy để dành mà sau này ra trận đánh giặc. Đường đường là Bí thư Chi đoàn mà đi đánh nhau để công an bắt thì còn ra thể thống gì? Tuy cô to tiếng, nhưng mọi người vẫn cảm thấy cô vừa mắng vừa thương thằng học trò cưng mặt mũi hốc hác sau một tuần bị giam. Mắng chán, cô dịu giọng hỏi nó có hối hận không? Giang Cận trả lời không hối hận, vì tối hôm trước mấy chục thằng vô cớ đánh nó, nên hôm sau nó phải trả thù. Hình như Giang Cận biết cô quý nó hơn mọi người, nên nó trả lời cũng hơi nhấm nhẳng, lại vừa nói vừa cười. Ngày khác chắc chẳng sao, nhưng không may hôm nay là ngày cuối tháng. Cô nổi xung lên, mắng thêm cho nó một trận nữa, rồi đuổi về chỗ và bảo: “Vì cậu mới đi tù ra nên hôm nay tôi cho cậu nợ”.
Thật ra đấy là sự ưu ái của cô. Nếu là đứa khác, chắc hôm nay đã được một quả trứng. Nhưng Giang Cận là đứa gàn. Cái gì nó nghĩ là đúng, nó bảo vệ tới cùng. Cái gì nó sai, không cần phê bình nó cũng tự nhận. Giang Cận thản nhiên đề nghị cô cho nó điểm 1, vì không có lý do gì một học sinh đi học không thuộc bài lại được tha. Nó còn buột mồm nói: “Nếu cô có tha thì xin cô tha cho bạn Xuân Sơn, vì bạn ấy được cả rổ điểm 1, chắc năm nay sẽ đúp về môn Sử”. Đúng là giọt nước tràn ly. Nó đã không thấy lòng tốt của cô, không nhận thức được khuyết điểm của mình, đầu óc chỉ để ý tới mỗi quý cô Xuân Sơn xinh đẹp. Cô cho Giang Cận luôn hai điểm 1. Một điểm vì không chép bài đầy đủ. Một điểm vì không thuộc bài. Chắc là hy vọng chọn được một chàng rể tài đức vẹn toàn ở lớp 9D của cô từ đây tan vỡ. Nếu cô mà biết tiêu chuẩn chọn người yêu của Giang Cận là mỡ màng và lẳng lơ như cái Trung Phương, chắc cô lăn ra ngất. Về điểm này, chính bọn khu Nam Đồng cũng ngạc nhiên. Không ai hiểu tại sao một người gầy, khô khan, đầu óc toàn chuyện chính trị và thích làm lãnh đạo như Giang Cận mà lại hướng về mẫu người trái ngược thế?
Tác phẩm của Giang Cận vẽ trong tiết Sử, nhưng đến tiết Văn mới được lưu truyền tới các bàn. Thằng Ngọc bổ sung thêm vào tay con lật đật một cuốn sách, đề chữ LỊCH SỬ. Đúng là động tác thừa. Chẳng cần có chữ “Lịch sử”, mọi người cũng biết là vẽ cô Uy. Nhưng Ngọc gân cổ cãi phải bổ sung thế tác phẩm mới hoàn chỉnh. Khi tranh luận, nó nói hơi to nên cô Lãng (dạy thay thầy Toàn nghỉ ốm) ngừng giảng, đi xuống và tóm được bức tranh. Tang vật đang trong tay thằng nào thì thằng đó phải giải trình. Ngọc chối là nó không vẽ. Nó nói đang ngồi thì thấy tờ giấy từ dưới ném lên nên nó mở ra xem. Nếu không có đoạn vẽ bổ sung quyển sách, cùng lắm cũng chỉ mắc tội vẽ bậy trong giờ học. Nhưng vì con lật đật cầm quyển sách “Lịch sử”, nên thành ra tội bêu xấu giáo viên, “coi cô giáo như con lật đật”. Cô Lãng nói sẽ chuyển bức tranh cho cô chủ nhiệm để truy tìm thủ phạm. Nhưng tai hại là trước khi đưa cho cô Vân, cô Lãng lại mang lên phòng Ban giám hiệu cho tất cả các thầy cô ở đó xem, làm câu chuyện trở nên trầm trọng.
Biết thể nào nhà trường cũng làm to vụ này, Giang Cận có nói để nó nhận, nó làm thì nó chịu, nhưng tất cả không đồng ý. Thứ nhất, Giang Cận vừa bị bắt, nay lại thêm vụ này nữa thì tội chồng tội. Thứ hai, nó chỉ vẽ mỗi con lật đật, còn hoàn chỉnh tác phẩm để mọi người bảo là cô Uy thì không phải nó. Minh cũng đề nghị để nó nhận tội, vì từ đầu năm tới giờ nó ít tội hơn mọi người, trong khi Giang Cận vừa dính “phốt”, không nên để Giang Cận dây vào vụ này. Ngọc cũng xung phong nhận tội cho cả bọn, vì đằng nào nó cũng lắm tội rồi, thêm một tội nữa cũng đến thế thôi. Nhưng cả bọn bàn bạc và thấy nhà trường không biết thằng nào vẽ, tốt nhất là cãi tới cùng, giống như cãi công an. “Nghị quyết” đã thông qua, tất cả phải chấp hành, dù muốn hay không. Vì vậy, trong giờ sinh hoạt lớp, khi cô Vân kêu gọi sự thành khẩn, cả bọn ngồi như câm như điếc. Tưởng thoát, không ngờ đến cuối buổi, cô Vân nói toạc ra là cô đã biết Giang Cận, Minh, Ngọc vẽ bức tranh đó. Cô thông báo đình chỉ học ba thằng để viết kiểm điểm, bao giờ nhận thức rõ khuyết điểm thì mới xem xét cho đến lớp. Cô tuyên bố sẽ kiến nghị Ban chấp hành Đoàn trường cách chức Giang Cận. Bí thư Chi đoàn gì mà hết đánh nhau lại đến chế giễu thầy cô? Đã thế, còn thiếu trung thực, dám làm mà không dám nhận.
Có vẻ như trong lớp có nội gián?
Buổi tối, Minh không nói với Giang Cận, lẳng lặng tới nhà cô Vân. Nó nhận với cô bức tranh do nó vẽ, không liên quan đến hai đứa kia. Nó xin lỗi cô về hành vi không đúng của mình, hứa sẽ không tái phạm và chấp nhận nhận kỷ luật. Cô Vân nói hai vấn đề: Thứ nhất, việc này toàn bộ Ban giám hiệu và các thầy cô đã biết, nên không còn là việc riêng của lớp 9D. Nếu không xử lý nghiêm thì học sinh các lớp khác sẽ học theo, gây nên phong trào đả kích, chống đối các thầy cô giáo. Đây là ý kiến chỉ đạo của thầy hiệu trưởng, không thay đổi được. Cô đã phải nhận lỗi trước Ban giám hiệu về việc ngày trước không làm nghiêm vụ học sinh chống đối thầy Toàn dạy văn, nên mới tiếp tục xảy ra các việc như hôm nay. Thứ hai, cô nghiêm mặt phê phán Minh đến giờ này vẫn còn không trung thực. Cô đã biết bức tranh đó là sáng tác của cả tập thể, trong đó Giang Cận vẽ con lật đật giống hình dáng cô Uy, Minh vẽ nốt ruồi đặc trưng của cô trên mặt, còn Ngọc vẽ thêm quyển Lịch sử. Khi nói đến bức tranh, mặt cô đang nghiêm bỗng phì cười. Cô bảo: “Sao các cậu vẽ giống thế. Tôi cứ nghĩ không hiểu khi vẽ tôi, các cậu sẽ vẽ thế nào?”. Minh phải cố kiềm chế để không nói: “Nếu cô muốn, hôm nào chúng em sẽ vẽ cho vài cái”.
Ngày hôm sau ba đứa làm xong bản kiểm điểm, thống nhất khai hết, nhưng trình bày rõ không có ý bôi xấu cô giáo, mà chỉ là nghịch ngợm trong giờ học. Bản kiểm điểm nộp hôm trước thì chiều hôm sau, Đỗ vào thông báo: cô Vân yêu cầu ba đứa làm lại, vì cô cho rằng chúng chưa thành khẩn khi phân tích khuyết điểm của mình, chưa có phương hướng sửa chữa cụ thể. Cô cũng cử Đỗ đến thông báo với bố mẹ ba bạn toàn bộ sự việc với tư cách Bí thư Chi đoàn.
Đỗ tỏ vẻ rất chia sẻ, đặc biệt với Giang Cận và nói: “Nếu các bạn không thích, mình sẽ không gặp bố mẹ các bạn, mà nói dối cô mình đã gặp rồi”. Minh bảo: “Ông là Bí thư, không nên vì chúng tôi mà thành người thiếu trung thực với cô chủ nhiệm. Tội bọn tôi làm, bọn tôi chịu. Ông cứ làm như cô yêu cầu. Đây là nhiệm vụ cô giáo giao cho ông nên chúng tôi không trách”. Quốc Tẩm đứng bên cạnh chêm vào: “Nếu do ông tự ý đến mách thì dù có bị đuổi học tôi cũng cho ông một búa vào đầu”. Minh đề nghị: “Riêng má thằng Ngọc đang ốm, ông có thể báo cáo cô có đến nhà nhưng bác ấy ốm, chưa nói được”. Ngọc không đồng ý: “Các ông bị gia đình biết thì tôi cũng phải bị. Mình cùng nhau làm thì cùng nhau chịu. Bà già tôi lúc nào chẳng ốm. Thôi, cứ cho bà chửi mấy câu”. Minh lẩm bẩm: “Bà già nhà ông mà lại chịu chửi có mấy câu. Phải chửi hàng tháng!”
Ngọc với Minh vốn không xa lạ với chuyện nghỉ ở nhà viết bản kiểm điểm, nên coi chuyện này cũng bình thường. Riêng Giang Cận có vẻ hơi sốc. Nó thông minh, ngoan và học giỏi nhất bọn, lại nhiều năm làm cán bộ lớp, vẫn đấu tranh nhắc nhở bọn trong khu phải cố gắng học tập, không đánh nhau, cố gắng phấn đấu vào Đoàn, nay bỗng dưng đùng một cái đằng sau quay, mất trắng tất cả. Ở đời làm gì có ai mất chức mà không buồn. Trông nó uể oải thấy rõ. Nhưng chỉ ba hôm, nó đã lấy lại phong độ. Giang Cận ngoan thật, nhưng trong người nó vẫn mang dòng máu con nhà lính. Nó lớn lên, cùng ăn, cùng chơi, cùng đi sơ tán với bọn khu Nam Đồng. Bố nó cũng là bộ đội, là bạn bè thân quen với bố bọn cùng lớp, làm sao nó khác biệt hoàn toàn bọn này. Tính Giang Cận cương cường và khẳng khái. Cách chức thì cách chức, nó bất cần. Đã chết đuối thì phải chết chỗ sâu. Những ngày sau, khi cả bọn đi đánh nhau ở đâu, nó đều có mặt. Nó dùng một cây búa, cán bằng gỗ lim, dài và nặng so với đầu búa nhỏ xíu, giấu trong ống tay áo bộ đội rộng lùng thùng. Khi đánh nhau, nếu không gay cấn thì nó cầm đầu búa và vụt bằng cán búa như dùng một cây gậy sắt. Nó giải thích lúc nào gay cấn mới phải cầm ngược lại.
Khi nhà trường thông báo quyết định kỷ luật Ngọc, Minh và cách chức Bí thư Chi đoàn của Giang Cận, cho Đỗ lên thay, có một người phản đối kịch liệt, đó là cô Uy. Cô nói, đây là chuyện nhỏ, chỉ cần nhắc nhở các em thôi, không nên nâng quan điểm, quy kết cho các em tội “coi thường thầy cô”. Theo cô, bức tranh rất đẹp, người vẽ thực sự có tài. Cô hoàn toàn không thấy mình bị xúc phạm trong chuyện này và xin bức tranh để mang về treo. Vì chuyện này, cô bị phê bình trong cuộc họp chi bộ.