Quân Khu Nam Đồng - Chương 16
Trận đánh cổng trường
1
Năm học 1973-1974 là thời điểm danh tiếng Quân khu Nam Đồng nổi như cồn. Nhưng không phải tất cả bọn con trai khu này đều tham gia đánh nhau. Có thể phân bọn chúng làm ba loại. Loại đông nhất, tất nhiên là những đứa “học sinh cá biệt”. Khối 9 tiêu biểu là 9D, với Việt, Hoàng, Hòa, Ngọc, Giang Cận, Minh, Đính, Khanh, Quốc Tẩm…, những lớp khác, từ 9A đến 9K, mỗi lớp góp vài thằng, nhưng về độ gai góc không hề kém cạnh, điển hình là Bích Bọp, Hà Tư, Thái Đen, Đôn Sẹo, Tuấn Mím…, khối 10 thì có Anh Sơn làm thủ lĩnh, với Tiến Thọt, Dũng “Bủn”, Dũng “Chột”, Minh Dũng, Khả Trung, Tân Thời… Bọn này hay đánh nhau, được coi là “đầu gấu”. Loại thứ hai, ngược lại, ngoan, học giỏi, gọi là bọn “Bôn sệt”, như Ngọc Sơn, Cao Sơn, Hồng Sơn, Hưng Sứt, Văn Hùng, Trọng Hiền… Bọn này phần do gia đình quản lý chặt, phần thì nhát, lại là cán bộ lớp, không bao giờ tham gia đánh nhau. Loại thứ ba, do còn quá lành như Quang Anh, Mặt Dày (gọi mãi quen mồm, ít người nhớ tên thật nó là gì nữa), hoặc đang phân vân chưa biết nên ngả về bọn Bôn sệt hay bọn “đầu gấu” vì vừa thích đánh nhau vừa tu chí vào đại học theo nguyện vọng của bản thân và dòng họ như Tùng Tán… Bọn này thường đi theo trong các cuộc đánh nhau và làm nhiệm vụ cầm hộ vũ khí, dần dà đa phần chúng nhập vào loại thứ nhất. Tóm lại, bọn Nam Đồng nghịch nhiều hơn ngoan, “đầu gấu” nhiều hơn Bôn sệt.
Việc Giang Cận gia nhập vào bọn “đầu gấu” kể ra cũng không có gì đáng nói. Với lực lượng dồi dào, chưa bao giờ bọn Nam Đồng kéo quân đi đánh nhau phải quan tâm đến chuyện thêm bớt một người. Nhưng Giang Cận xuất hiện làm tinh thần cả bọn phấn chấn. Thứ nhất, chúng thấy việc đánh nhau không phải là xấu nên cả nguyên Bí thư Chi đoàn cũng tham gia, (Khanh gọi là bỏ tà theo chính). Thứ hai, dù mới nhập bọn, nhưng khi đánh nhau Giang Cận luôn xông lên trước, và những cú ra tay nhanh gọn, quyết đoán của nó giúp cho các trận đánh kết thúc chóng vánh. Cuộc đời là vậy, những thằng hay đánh nhau chưa chắc đã học giỏi, nhưng những thằng đã học giỏi mà tham gia đánh nhau thì luôn mạnh mẽ và thông minh.
Nói theo kiểu Khanh: “Đến khó như học nó còn giỏi được, huống hồ dễ như đánh nhau!”.
Ngày đó Hà Nội có khá nhiều băng nhóm, nhưng đều nể mặt “Quân khu Nam Đồng”. Chúng quá đông, quá mạnh và đoàn kết. Không ai nghĩ thời gian này có bọn nào dám đến cổng trường Đống Đa hay cổng khu tập thể Nam Đồng gây chuyện.
Nhưng đúng lúc này lại xảy ra việc đánh nhau với bọn Hảo Bẹt. Nhiều năm về sau, mọi người vẫn gọi đây là “Trận đánh cổng trường”. Xét về các trận đánh lớn, nếu “Trận đánh trường Xã Đàn” được coi là trận đánh cuối cùng của thế hệ học sinh khóa 1972-1975 khu Nam Đồng, thì “Trận đánh cổng trường” có thể coi là trận đánh lớn đầu tiên.
Về lực lượng mà nói, Hảo Bẹt và hơn chục thằng đệ tử của nó ở khu Kim Liên không là gì so với bọn Quân khu Nam Đồng. Khi cần đánh nhau, lúc nào bọn khu Nam Đồng cũng có thể huy động vài chục thằng. Nhưng bọn Hảo Bẹt có lực lượng đáng ngại khác. Đầu tiên là một số học sinh miền Nam, con em cán bộ tập kết được gửi ra Bắc. Những học sinh này ở tập trung, được ưu ái vì là con em của những người đang chiến đấu nơi tuyến đầu, sống xa bố mẹ và gia đình. Bọn này khá ngang tàng, khi cần sẵn sàng chơi liều. Tiếp đến là các anh đồng hương. Các anh này hoặc ở trong các trại điều dưỡng, hoặc làm việc tại các cơ quan ở Hà Nội, tuổi còn trẻ, khi nghe tin em út của quê hương bị bắt nạt là sẵn sàng can thiệp. Một lý do khiến các băng nhóm miền Bắc ngại đánh nhau với các học sinh hoặc thương binh miền Nam là do họ xa nhà, xa quê nên tính cộng đồng rất cao, khi thấy có bạn bè hoặc đàn em cầu cứu, họ sẵn sàng nhảy vào bảo vệ, rất liều lĩnh. Mười thằng tham gia đánh nhau mà không quyết chiến, chẳng bằng một thằng liều lĩnh ra đòn.
Việt đã điều tra và biết rõ gốc gác của Hảo Bẹt nên nó rất thận trọng với bọn này. Một lý do nữa làm Việt không muốn đánh nhau với Hảo Bẹt, đó là Việt cũng như Hoàng, Minh, Ngọc… và rất nhiều đứa trong khu Nam Đồng, cũng là con cán bộ tập kết. Thâm tâm nó không muốn đánh nhau với con em cán bộ miền Nam.
2
Nhưng rồi trận đánh vẫn nổ ra vì một lý do lãng xẹt.
Hôm đó cả bọn mặc áo nâu đi học. Ban đầu do Việt có một cái sơ mi trắng đã ngả màu cháo lòng, mặc không được, bỏ thì tiếc vì chưa rách nên nó quyết định nhuộm nâu, giống màu áo Mai Hương. Không ngờ Việt mặc áo nâu với quần bộ đội nhuộm đen trông khá hợp mắt. Thế là cả bọn đua nhau lên cửa hàng nhuộm “Tô Châu” trên Ô Chợ Dừa nhuộm áo nâu quần đen, gọi là “thời trang anh Pha - chị Dậu”, hai nhân vật nông dân nghèo khổ trong văn học trước Cách mạng tháng Tám. Khanh đưa ra sáng kiến mỗi thằng kiếm thêm một đôi guốc mộc. Ngọc khéo tay, xuống xưởng cơ khí của trường, cắt một loạt tôn và sắt một ly, đóng vào gót các đôi guốc. Sáng hôm đó, gần hai chục thằng mặc áo nâu, quần đen, đi guốc mộc quèn quẹt vang đường theo nhịp hành quân một - hai - một - hai…, ai nhìn cũng thấy tức cười. Quang Anh thích chí, chạy theo nhập bọn. Thực ra Quang Anh cũng tầm tuổi bọn Việt, nhưng học lớp dưới.. Quang Anh nhút nhát, hiền lành, giọng nói ấm áp dễ thương, ai bảo gì cũng làm. Để cho nó cảm thấy mình cũng trong đội ngũ khi hành quân cùng chúng bạn, Việt lấy lê đang giắt trong người giao cho nó giữ. Thấy thế, Hòa, Hoàng, Minh… cũng tiện tay, dúi thêm vào cặp nó mấy cái búa. Vì cặp nặng nên Quang Anh khệ nệ đi sau. Đến gần cổng trường, chả biết trời xui đất khiến thế nào, nó đâm sầm vào xe đạp của Tu Sìn. Tu Sìn đang phóng nhanh nên ngã lộn xuống đường, khá đau. Quang Anh loạng choạng, cái cặp văng ra, dao búa loảng xoảng rơi xuống. Với bọn Việt và Hoàng thì Tu Sìn còn nể mặt, chứ Quang Anh nó đâu coi ra gì. Tu Sìn lồm cồm bò dậy, không thèm dựng xe, nhảy bổ vào Quang Anh, tay đấm chân đá. Quang Anh không dám chống lại, chỉ cố chịu đau, gom đủ số dao búa văng ra, chạy lên lớp báo Việt.
Nghe chuyện, Việt chẳng nói chẳng rằng, cùng Hoàng sang ngay lớp 9G tìm Tu Sìn. Hảo Bẹt chắn cửa không cho vào. Việt trừng mắt, rút ngay lưỡi lê kè vào bụng nó, hất hàm bảo Hoàng: “Mày vào đánh thằng kia, để thằng này cho tao”. Trong lúc Hảo Bẹt đang trừng trừng nhìn lưỡi lê trong tay Việt, Hoàng nhảy qua hai cái bàn, cầm mũ cối vụt Tu Sìn mấy phát rồi nhảy ra bảo Việt: “Về thôi!”. Mọi việc diễn ra trong vòng một phút, nhiều bạn trong lớp 9G còn chưa hiểu chuyện gì diễn ra trong lớp mình thì Việt và Hoàng đã rút êm. Hảo Bẹt văng “đù mẹ”, vằn mắt nhìn theo.
Mặc dù biết rằng thời gian này đánh nhau trong trường là tối kỵ, nhưng việc để một thằng lâu la của Hảo Bẹt đấm đá người Quân khu Nam Đồng trước mặt bàn dân thiên hạ là điều không thể chấp nhận được, nên Việt quyết định phải đánh dằn mặt cái đã, muốn ra sao thì ra. Tuy nhiên hết tiết một, mọi chuyện vẫn yên ắng. Không đứa nào dám lên mách nhà trường.
Giờ ra chơi tiết sau, Nam Diễm thông báo Hảo Bẹt đã bỏ về ngay khi Việt, Hoàng rời khỏi lớp 9G, và dặn bọn trong hội của nó chuẩn bị đánh lớn trưa nay. Nó tuyên bố: “Phải dạy cho bọn khu Nam Ðồng một bài học!”. Hảo Bẹt không chịu được nỗi nhục bị hai thằng “Quân khu” nhảy vào đánh đàn em ngay giữa lớp mà không bảo vệ được, bản thân cũng phải im thin thít khi bị kề dao vào bụng. Hòa bảo Việt: “Thông báo cho anh em Quân khu tất cả các lớp, tan trường chờ nhau cùng về, vũ khí sẵn sàng”. Sau đó nó quay sang bảo Quốc Tẩm: “Mày bỏ học hai tiết cuối, về báo cho bọn Giang Cận, Ngọc, Minh giờ tan trường có mặt ngoài cổng”. Ba thằng vẫn đang bị đình chỉ học tập để viết bản kiểm điểm. Quốc Tẩm hỏi: “Có cần gọi thêm mấy ông trường Trỗi không?”. Hòa ngần ngừ: “Báo Phan Bắc, Việt Thanh thôi”. Việt nói: “Quốc về khu thì báo thêm anh Đoàn Điếu nữa”. Đoàn Điếu thuộc lứa trường Trỗi, đầu năm 1972 đang học thì có giấy gọi nhập ngũ. Chân ướt chân ráo vào chiến trường, Đoàn Điếu tham gia ngay trận đánh Thành cổ Quảng Trị. Sau chiến dịch, với hai mươi mấy vết sẹo khắp người, anh được đưa ra Hà Nội, và trở thành người thương binh đầu tiên của thế hệ F1 Quân khu Nam Đồng. Đoàn Điếu trông chất phác, hiền lành, nhưng khi các em út nhờ vả, bao giờ cũng nhiệt tình, nên rất được các em quý mến. Hòa điểm lại lực lượng, thấy cũng tạm ổn. Nó quay sang bảo Hoàng: “Mày trực tiếp gặp bọn Bích, Hà Tư, Anh Sơn, Tiến Thọt, nói rõ tình hình cho bọn nó biết. Nhắc chúng nó mang đủ vũ khí, lúc tan học ra cổng trường sớm một chút. Tao có cảm giác trưa nay sẽ đánh nhau to”.
Tan học, vừa ra khỏi cổng trường, Hảo Bẹt đã từ một góc khuất nhảy bổ ra, tay cầm mũ cối vụt thẳng vào mặt Việt, miệng hét: “Đù mẹ, đánh chết thằng này cho tao!”. Ba thằng đội mũ tai bèo, đeo huy hiệu thương binh, đồng loạt nhảy vào đánh Việt… Việt bị bất ngờ, dính đòn khá đau, may có Anh Sơn, Tiến Thọt, Đoàn Điếu kịp xông vào đỡ. Ban đầu, bọn Hảo Bẹt chỉ đánh bằng tay không. Khi thấy bọn Nam Đồng giở búa và khẳng sắt, chúng giật đòn gánh của các bà bán hàng và vơ tất cả các dụng cụ như xẻng, cuốc của công nhân đang sửa đường làm vũ khí. Thằng đội mũ tai bèo, cao to lực lưỡng, vớ cái bơm xe đạp của ông bơm xe, tả xung hữu đột. Nó đánh tới đâu bọn Nam Đồng dãn ra tới đấy. Tiến Thọt bị phang một cái đòn gánh vào đầu, máu hồng lấm chấm khắp chiếc áo màu xanh lơ. Mặt Anh Sơn, Đoàn Điếu sưng vều. Việt bị cái bơm quật vào mặt, gục xuống, máu chảy ướt cả áo. Bọn Hảo Bẹt được lợi thế vì chủ động đánh trước.
Bọn Nam Đồng lúc đầu đang trong tư thế đề phòng, chưa biết phải đánh ai, lại gặp buổi tan trường đông người, đứa nọ vướng đứa kia nên bị động. Hơn nữa, từ trước tới giờ chúng chủ động đánh người ta là chính, chưa khi nào bị một bọn dữ dằn nhảy vào đánh phủ đầu tới tấp như hôm nay nên lúng túng, thậm chí có thằng còn run không rút nổi cái búa ra khỏi cặp. Nhưng khi bị đánh đau, chúng bắt đầu bình tĩnh. Đánh nhau là vậy, chưa đánh còn sợ, chứ đã đánh rồi thì dao hay gậy, xẻng hay đòn gánh cũng không coi là gì nữa. Dù sao bọn Nam Đồng cũng đông hơn hẳn bọn kia, và khi chúng nó đã rút vũ khí, đánh cảm tử, thì một chứ đến mười thằng dữ chúng cũng không sợ. Đây là trận đánh nhau thực sự và lớn nhất từ trước tới nay của “Quân khu Nam Đồng”. Khi thấy Việt gục xuống, Giang nhảy xổ vào, rút búa, quật ngay một nhát vào mặt thằng cầm bơm. Lần đầu tiên Giang cầm búa bằng cán. Nhát búa của Giang cực nhanh và chính xác. Thằng đội mũ tai bèo to và nặng gần gấp đôi Giang sụp xuống. May mà đầu chiếc búa nhỏ xíu, chứ không thì thằng này nát mặt. Hoàng chạy đến, đá văng cái bơm trong tay nó. Hòa đạp thêm một đạp làm nó gục hẳn, tiện tay nhặt ném cái bơm qua hàng rào rồi chạy đến xốc Việt đứng dậy. Quốc Tẩm, Minh, Ngọc, Đính lao vào đánh bọn Hảo Bẹt. Mũ cối và gậy tới tấp vung lên. Thậm chí, hôm nay bọn lớp 9D còn sử dụng cả guốc mộc đóng đế sắt làm vũ khí, không hề quan tâm đến việc đường đường đấng nam nhi lại dùng võ kiểu đàn bà.
Có thể nói Giang Cận hòa nhập rất nhanh vào các cuộc đánh nhau. Lúc mới vào trận, bọn Hảo Bẹt đang nắm quyền chủ động và đánh ngã Việt, có vài đứa nao núng, nhát búa chính xác của Giang Cận đã thay đổi tình thế. Chưa từng tham gia những trận đánh lớn, nhưng có lẽ do bản năng, nó vô tình làm theo chiến thuật của bọn Quân khu Nam Đồng: “Nhanh chóng hạ gục thằng cầm đầu”.
Chiến thuật này Hòa đưa ra khi học môn Lịch sử.
Nó lý luận ở bể nước Nhà 2: “Tại sao quân đội nhân dân Việt Nam thắng Pháp trong các chiến dịch những năm đầu kháng chiến, khi mà yếu hơn về vũ khí, ít hơn về lực lượng?”. Qua phân tích các trận đánh của Chiến dịch Việt Bắc năm 1947, Chiến dịch Biên giới năm 1950, Chiến dịch Trung du năm 1951… Hòa rút ra kết luận: “Không phải quân ta lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều như cô giáo dạy. Trong một trận đánh cụ thể, làm gì có chuyện yếu mà thắng được mạnh. Chỉ có mạnh thắng yếu, nhiều thắng ít. Quân ta về tổng thể yếu hơn địch nhiều lần, nhưng tại từng thời điểm cụ thể, tướng Giáp luôn dồn số đông bộ đội đánh vào một đơn vị của địch, đương nhiên tại chỗ đó mình sẽ đông và mạnh hơn địch. Vì vậy, khi đánh nhau, dù đối phương đông hơn, mạnh hơn, cần nhanh chóng dồn toàn bộ anh em đánh gục thằng cầm đầu, hoặc thằng hung hăng nhất. Vừa tiêu diệt chủ lực đối phương, vừa làm cho bọn còn lại sợ mà chạy”. Khanh tán thêm: “Giống kiểu trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, đánh giặc phải bắt tướng trước”. Từ đó, khi đánh nhau, bao giờ bọn Quân khu Nam Đồng cũng dồn sức hạ gục thằng cầm đầu. Kết quả nhiều khi chỉ cần hạ một thằng là giải quyết xong trận đánh. Việc xông vào đánh gục hẳn thằng cầm bơm vừa rồi cũng vậy. Không phải chúng nó lấy đông đánh ít hay xúm vào đánh kẻ không còn sức phản kháng. Đơn thuần chúng nó theo nguyên tắc tập trung toàn lực loại thật nhanh khỏi vòng chiến thằng cầm đầu.
Thế nhưng bọn Hảo Bẹt không giống như những bọn khác. Chúng không bỏ chạy, mà vừa đánh vừa lùi. Bọn Nam Đồng từ từ tiến lên chứ không đuổi theo. Ra đến đường tàu điện, gặp ngay hơn chục thằng đội mũ tai bèo, trong đó có một vài đeo huy hiệu thương binh, nhảy từ tàu điện xuống. Chẳng biết là phục binh hay được Hảo Bẹt cầu cứu nhưng đến muộn. Lực lượng bên Hảo Bẹt lại mạnh lên. Lúc này thì bất kể cái gì có trong tay, hai bên đều đem sử dụng để đánh nhau. Đôn Sẹo đã ngã xuống đường tầu điện còn bị một thằng trán bê bết máu cầm một cục gạch ném vào đầu. May mà lúc đó Dũng Chột vừa tới. Dũng Chột đi đánh nhau bao giờ cũng chỉ mang một cái bu-lông to và dài, một đầu buộc chặt với một sợi dây dù quấn quanh cây bu-lông. Khi nhà trường khám cặp, cái bu-lông của Dũng Chột không bị quy là vũ khí. Bình thường, nó dùng bu-lông như một cái búa hoặc một thanh sắt. Lúc này thấy bọn bên kia đông quá, nó gỡ dây dù ra, cầm một đầu dây quay vù vù. Cái bu-lông sắt văng thành một vòng tròn. Mấy thằng bị đập vào mặt kêu rú lên, dạt ra. Hòa nhảy vào đỡ Đôn Sẹo, dính luôn một hòn gạch vào vai. Nó vẫn bất chấp, dìu Đôn Sẹo vào vỉa hè. Cái Châu ở đâu chạy lại, lấy một cái khăn tay dịt vào chỗ đầu Đôn Sẹo đang chảy máu. Mấy đứa con gái lớp 9D, nhà ở khu Nam Đồng như cái Thư, cái Hà, cái Cúc… chẳng ai bảo, tự động đi nhặt các loại cặp, sách vở rơi vãi lung tung trên đường trong lúc đánh nhau mang về khu Nam Đồng. Cái Trinh, nhà ở tận Phố Phan Phù Tiên cũng le te đi nhặt mấy cái guốc mộc đế sắt đưa cho Hoàng, quên bẵng mối thù hôm trước không cho Hoàng quay bài Nga Văn, bị gõ một thước kẻ vào đầu, ngồi khóc thút thít. Vừa lúc bọn Anh Sơn, Tiến Thọt, Hà Tư, Bích Bọp, Thái Đen… từ sau ùa đến. Lực lượng khu Nam Đồng mạnh hơn hẳn.
Đánh nhau thêm một lúc nữa, bọn Hảo Bẹt yếu thế, bỏ chạy. Anh Sơn, Tiến Thọt dẫn cả bọn thừa thắng đuổi theo. Công an đồn Ô Chợ Dừa thấy có đánh nhau đổ ra, bắt luôn Đôn Sẹo và Tiến Thọt, vì thấy quần áo hai đứa đầy máu. Anh Sơn cũng bị giữ, nhưng nó nhân lúc anh công an sơ ý, giật tay ra và chạy. Công an đuổi theo rất gấp nhưng nó ngoặt vào ngõ Nam Đồng, đi tắt về khu. Tức nhất là công an không đụng vào phía bên kia khi nhìn thấy cái mũ tai bèo và huy hiệu. Việt bảo: “Bọn này giả bộ thế chứ chắc mẹ gì chúng nó là thương binh!”.
Cuối giờ chiều, cô của Giang Cận làm ở bệnh viện Đống Đa về kể: “Hôm nay ở Ô Chợ Dừa xảy ra vụ đánh nhau to lắm. Có năm người mặc quần áo bộ đội, nói giọng Nam bộ phải nhập viện. Tới giờ một người vẫn còn nằm trong đó. Không biết con cái nhà ai mà đánh nhau dã man thế, phải cho công an bắt hết, nhốt vào đồn”. Cô nó không hề biết cái thằng cầm búa đập người ta nhập viện là thằng cháu ngoan hiền đang ngồi lù lù trước mặt mình.
Đúng là cô cầu được ước thấy. Tối hôm đó, anh Thắng, công an khối 57, khu tập thể Nam Đồng, dẫn công an khu Đống Đa vào tận nhà, bắt Việt, Giang Cận.
Trận đánh trường Trưng Vương
Mặc dù trận đánh nhau với bọn Hảo Bẹt, khu Nam Đồng có ba người bị bắt, nhưng không vì thế mà giảm đi sự phấn khích. Mấy buổi chiều liền, cứ bốn, năm giờ là cả bọn lại tụ tập ở đầu Nhà 1, bàn về trận chiến này. Vẫn như mọi khi, Hưng Sứt, người không hề tham gia, là đứa tổng hợp đầy đủ nhất diễn biến trận đánh với những tình tiết gay cấn và ngày càng li kỳ, làm người nghe có cảm giác mọi tình huống đều có mặt nó. Bọn trực tiếp đánh nhau như Hà Tư, Bích, Quốc Tẩm, Ngọc, Minh… cũng phải há hốc mồm, không hiểu có thực mình oai hùng như thế không. Hoàng nghe Hưng Sứt kể đi kể lại, mỗi hôm bốc phét thêm một tí, ngứa mồm nói: “Ông có tham gia đánh cái nào đâu mà nói như thật!”. Hưng Sứt đỏ mặt. Hòa giật áo Hoàng, nói nhỏ: “Ông có biết tại sao gọi nó là Hưng Sứt không? Không phải vì sứt răng, sứt môi, mà là sứt mồm. Kệ nó! Ở đời mỗi người một nghề, con phượng thì múa, con nghê thì chầu. Hưng Sứt là phóng viên mặt trận, cứ để nó nói”. Thấy Hoàng vẫn còn cau có, Hòa nói nhỏ vào tai nó: “Mình là gà chọi, nó là gà trống thiến, để nó gáy cho vui”. Hoàng không tán thành. Nó bảo gà trống thiến chỉ kêu khẹc-khẹc chứ đâu có gáy, phải gọi Hưng Sứt là gà trống choai. Hòa tiên đoán, với tài hùng biện của mình, Hưng Sứt sau này thể nào cũng trở thành diễn viên điện ảnh, hoặc chí ít là một phóng viên chiến trường, chuyên đi mô tả các trận đánh nhau.
Những đứa bị bắt kiên quyết không khai ai, chỉ một mực nói chẳng hiểu sao vừa ra đến cổng trường bị một bọn nhảy vào đánh nên đánh lại. Công an không có nhân chứng, cũng chẳng có người bị hại (bọn bị thương vào bệnh viện Đống Đa băng bó xong lần lượt bỏ đi hết), nên sau khi nhốt hai ngày, đành phải thả chúng ra. Riêng Đôn Sẹo do bị thương được đưa vào Quân y viện 354, khâu năm mũi ở đầu. Thấy công an gửi giấy triệu tập, bố nó vào bệnh viện xin giấy chứng nhận nó đang phải tĩnh dưỡng để điều trị, vì bị chấn thương sọ não. Do đó, nó không phải ra đồn công an. Dù vừa khâu xong, đầu còn quấn băng, Đôn Sẹo đã đá bóng ầm ầm.
Tuy trận đánh đó bất phân thắng bại, nhưng bọn Hảo Bẹt đi đâu cũng tuyên bố thắng trận. Mà tự hào cũng đúng.
Xưa nay làm gì có băng nhóm nào dám đến cổng trường Đống Đa để đánh bọn Quân khu Nam Đồng. Nam Diễm kể với Bích: Hảo Bẹt bảo tiếc rằng hôm đó còn thiếu anh Hai, biệt động Thành. Nếu anh Hai có mặt, chắc phải một chục thằng khu Nam Đồng đo ván tại chỗ. Hà Tư và Bích hậm hực, bàn với Việt sang tìm Hảo Bẹt đánh tiếp, không cho nói tung tung, làm tổn hại danh tiếng Quân khu. Hòa không tán thành: “Giai đoạn này phải lặn thật sâu, vì cả nhà trường và công an đều đang theo dõi chặt. Trả thù thiếu gì lúc”. Bích có vẻ không thoải mái, nhưng thấy Hòa nói thế, nó không ý kiến nữa.
Mấy ngày sau, Nam Diễm báo cho Bích, có một thằng tham gia “Trận đánh cổng trường” là học sinh Trường cấp ba Trưng Vương, cùng quê với Hảo Bẹt, học buổi chiều, ngồi đúng ở lớp Bích học buổi sáng, trên tầng ba dãy nhà bên trái nhìn từ ngoài vào. Nam Diễm hay la cà với tụi Hảo Bẹt nên khá thạo tin. Khi đó, Bích đang đá bóng cùng Hà Tư, Thái Đen, Anh Sơn, Tiến Thọt, Quốc Tẩm, Minh và Ngọc. Bích rủ cả bọn bỏ đá bóng, lên trường Trưng Vương xem mặt. Trong giờ học, trường Trưng Vương khóa cổng. Bích và Nam Diễm nhảy qua tường sân bóng phía sau để vào. Cái thằng mà Nam Diễm chỉ cho Bích cao lớn, tóc bóng mượt, chải ngược về phía sau. Xung quanh nó có bốn năm thằng tóc cũng mượt như thế, chắc bôi bằng kem nẻ va-dơ-lin loại năm hào một hộp ngoài chợ. Nam Diễm gọi bọn này là hội “Cụ Mượt”. Bọn chúng đều là con em cán bộ miền Nam tập kết, nhưng chỉ có một thằng theo hội Hảo Bẹt đến đánh nhau trưa hôm trước. Bích cười nhạt, nghĩ bụng sớm muộn gì cũng phải cho thằng này no đòn. Một thằng ranh con trường Trưng Vương mà dám tham gia đánh bọn Quân khu Nam Đồng ngay tại cổng trường Đống Đa thì đúng là không biết trời cao đất dày là gì. Nó vòng đi vòng lại hai ba lượt để nhớ kỹ mặt, rồi vượt tường ra. Nghe Bích kể, Hà Tư bảo: “Có một thằng nhóc con, tiện thể đã đến đây, đánh bỏ mẹ nó đi chứ còn đợi đến lúc nào nữa. Không hiểu thằng cu này lên mấy mà dám đến tận trường Đống Đa đánh Quân khu Nam Đồng?”. Vừa lúc đó, trống ra chơi nổi lên. Bích đồng ý đánh luôn. Nó bảo Anh Sơn cho mượn lưỡi lê. Anh Sơn nói: “Có một thằng bé con, việc gì phải dùng lê”. Quốc Tẩm nói: “Nhưng trong lớp nó có bao nhiêu người”. Anh Sơn cười nhạt: “Nếu mày sợ thì đứng ngoài này, để tao với Tiến tay không vào đánh cả lớp chúng nó cho mày xem. Nam Diễm đi theo chỉ mặt!”. Bích nổi máu sĩ diện: “Thôi, không cần đến Anh Sơn với Tiến Thọt. Chuyện nhỏ này để tao!”. Nó còn ra vẻ anh hùng, đưa lại chiếc mũ cối cho Anh Sơn để chứng tỏ chỉ đi hai tay không. Bọn Hà Tư, Quốc Tẩm, Ngọc, Minh đi cùng Bích. Thái Đen ở lại. Tính Thái Đen vốn kẻ cả, cho rằng đánh có mấy thằng vớ vẩn, đi đông là mất thể diện.
Tới tầng 3, Bích chỉ thằng “Cụ Mượt” cao to nhất đang đứng giữa lớp. Năm thằng nhảy vào đánh. Nhưng cả bọn không tới được chỗ “Cụ Mượt”, vì một loạt ghế băng từ các dãy bàn được lao ra chặn chúng lại. “Cụ Mượt” và bốn thằng nữa nhảy lên bàn, vác những thanh giằng ghế bằng gỗ đánh trả. Lạc giữa vòng vây, lại bị cả lớp chúng nó chủ động quây lại đánh, bọn Bích thất thế ngay từ đầu. Số là khi Bích và Nam Diễm vòng đi vòng lại, bọn 10C trường Trưng Vương đã bảo nhau: Tụi này đi lòng vòng nhận mặt thế này, kiểu gì cũng đánh nhau. Riêng “Cụ Mượt” nhận ra Bích là dân Quân khu Nam Đồng qua bộ quần áo bộ đội và đôi dép đúc. Nó đoán ngay bọn này đến trả thù chuyện hôm trước nó tham gia với Hảo Bẹt. Thế là bọn chúng rủ nhau tháo sẵn thanh giằng và chân ghế làm vũ khí. Chúng nó đông, lại đánh giáp lá cà nên bọn Bích không xoay trở được. Dép, cặp, lọ mực ném ào ào vào năm đứa. Các loại gậy và thước vụt vào đầu, vào mặt chúng tới tấp. Bích, Hà Tư bị năm sáu thằng quây lấy, đấm đá túi bụi. Minh cũng không mang theo vũ khí, nhưng nó đi đôi dày da trâu, loại vứt xuống ao ngâm ba tháng không mềm, nên nghiến răng chịu đau, nhảy vào đá loạn xạ để giúp Bích và Hà Tư, nhưng nó cũng nhanh chóng bị đánh ngã. Bọn lớp 10C trường Trưng Vương cậy đông, có nhóm cầm đầu là bọn “Cụ Mượt”, lại sĩ diện trước đám con gái trong lớp, nên đánh rất dữ. Quốc Tẩm bị một thằng ôm chặt từ phía sau cho bọn còn lại đánh không tiếc tay. Ngọc cầm chiếc xanh-tuya-lông to bản, bất kể sống chết, lăn xả vào quật loạn xạ, nhờ đó Quốc Tẩm rảnh tay rút được chiếc búa trong bụng. Nó vùng vẫy, quật ngược chiếc búa ra phía sau, trúng đầu “Cụ Mượt”. Tuy lực đánh không mạnh, nhưng cũng đủ làm thằng này buông ngay Quốc Tẩm ra, đổ ụp xuống. Quốc Tẩm vụt trái, vụt phải như thằng điên vào bọn đang quây đánh Hà Tư, Minh và Bích. Khi đánh ở cự li gần, chiếc búa trong tay một thằng cùng đường phát huy tác dụng rất lớn. Nhân lúc bọn Trưng Vương dãn ra, Bích vồ lấy thanh gỗ trên sàn vung loạn xạ, mở một lối thoát. Năm thằng tháo chạy. Đây là lần đầu bọn khu Nam Đồng bỏ chạy khi đánh nhau. Ra đến sân bóng, gặp bọn Anh Sơn, Tiến Thọt, Thái Đen vừa vượt tường nhảy vào. Tiếng kẻng báo động và còi của bảo vệ trường Trưng Vương vang lên liên tục. Bích mắt trái tím bầm, mồm đầy máu, người run lẩy bẩy, không đủ sức bám vào tường để nhảy ra. Anh Sơn ở trong ủn đít, Tiến Thọt ở ngoài kéo tay, đưa Bích qua. Thái Đen và Nam Diễm hỗ trợ bọn còn lại vượt tường, chạy bán sống bán chết.
“Cụ Mượt” cùng thằng lớp trưởng được đưa đi cấp cứu ngay lập tức. Chúng phải điều trị gần chục ngày ở bệnh viện Đống Đa, đầu khâu nhiều mũi. Nhát búa Quốc Tẩm quật ngược ra đằng sau lúc bị ôm, mà Quốc Tẩm mô tả là rất nhẹ, đối với cái đầu bóng lộn của “Cụ Mượt” lại quá nặng.
Giảng hòa
Hai tuần sau, khi tan học về đến Đình Nam Đồng, Bích bị “Cụ Mượt”, đầu vẫn quấn băng và một anh mặc quần áo màu cỏ úa, đội mũ tai bèo, chặn lại. “Cụ Mượt” hất hàm bảo Bích: “Ê, thằng kia, đứng lại. Tao muốn nói chuyện!”. Nghe cái giọng trịch thượng, Bích nóng mắt, hạ mũ cối trên đầu xuống vụt luôn. “Cụ Mượt” né được, đấm một quả vào mặt Bích. Bích buông mũ, thò ngay tay vào bụng rút lưỡi lê. Nhưng chỉ trong một tích tắc, nó đã bị quật ngã lộn, lê tuột khỏi tay. Bích chưa kịp định thần đã thấy một vật nhọn và lạnh gí vào cổ mình. Nó ngơ ngác nhìn anh đội mũ tai bèo đang đè đầu gối lên ngực nó. Từ ngày đánh nhau, chưa bao giờ chỉ bằng một đòn mà nó thua trắng như vậy. Mắt Bích vằn đỏ, hằn học. Nhưng anh mũ tai bèo đã đỡ nó đứng dậy, đặt cán chiếc lê AK vào tay nó, giọng nhỏ nhẹ: “Tôi chỉ muốn nói chuyện với bạn, không muốn đánh nhau. Bạn có thể vào trong này nói chuyện được không?”. Nói xong, anh ta quay lưng, thản nhiên đẩy cánh cổng sắt Đình Nam Đồng, đi vào, cái kiểu cho thấy nếu các bạn muốn đánh nhau thì vào cả đây cũng chẳng sao. “Cụ Mượt” lách cửa vào theo.
Bích vuốt lại quần áo, dắt lưỡi lê AK vào lưng, hất hàm bảo bọn Việt ở phía sau vừa tới và cũng kịp chứng kiến tất cả: “Bọn mình vào nói chuyện tử tế với hai thằng này”. Hòa nói: “Nó đã chủ động vào một nơi không có lối thoát, không ngại tất cả bọn mình kéo vào là nó đã có chuẩn bị. Hãy cẩn thận”. Quốc Tẩm thì thào: “Trong lúc nó cúi xuống đỡ Bích, áo bị vén lên, tao thấy một khẩu súng giắt ở cạp quần”. Việt ngần ngừ: “Hay là không vào? Bọn mình chơi sao được với súng?”. Bích bảo: “Không vào thì hèn quá. Quang Anh đưa cái lê CKC cho Việt. Việt vào với tao. Nếu nó rút súng ra là phải xử ngay, không để nó kịp bắn”. Việt cầm lưỡi lê từ Quang Anh, giấu trong ống tay áo, toan lách cửa bước vào thì Hòa cản lại: “Để tao!”. Việt nhìn Hòa, thoáng ngạc nhiên. Nếu đánh nhau là một trận bóng đá thì Hòa giống như thủ môn, thế mà lúc căng thẳng này nó lại đòi lên đá tiền đạo. Nhưng thái độ của Hòa có gì đó khiến Việt không thể phản đối. Nó lặng lẽ lùi lại, xoay lưng về phía sân đình, để lưỡi lê nhô ra khỏi ống tay áo, ra hiệu cho Hòa đỡ lấy. Hòa lắc đầu: “Khỏi cần!”. Mọi người thấy Hòa đi vào hai tay không đều lo. Việt cũng hơi lạ. Tính Hòa xưa nay cẩn thận. Chính nó vẫn nói: “Khi đánh những trận quan trọng, nên mang theo vũ khí, không phải dùng đến là tốt, nhưng khi cần dùng là có ngay!”. Thế mà lúc này, nó từ chối mang lưỡi lê khi vào nói chuyện với một thằng có súng? Rõ ràng Hòa đi tay không, nhưng chẳng hiểu sao Việt cứ lởn vởn trong đầu ý nghĩ nó có dắt đâu đó trong người một con dao nhỏ nhưng sắc, nhọn. Hòa bước qua cánh cửa, còn lấy xích quấn lại mấy vòng, ngụ ý bảo bọn ở ngoài đừng vào, để nó với Bích giải quyết. Bích nhìn Hòa, chẳng nói gì, lặng lẽ đi vào sân.
Anh đội mũ tai bèo thấy hai thằng đi tới, bằng giọng nhỏ nhẹ, hiền lành, nói ngay:
– Tôi rất mừng vì các bạn không kéo cả vào đây đòi đánh nhau. Hôm nay, tôi đưa chú em tôi đến để giảng hòa với các bạn. Tôi muốn từ nay hai bên cam kết không đánh nhau nữa.
Bích đỏ mặt:
– Ông đến giảng hòa, sao còn để nó đánh tôi thế này. Nhìn mặt tôi xem. Tôi thấy ông đến để đánh nhau thì đúng hơn.
– Tôi xin lỗi bạn, có lẽ tại bạn đánh trước. Nhưng dù sao chú em tôi cũng sai. Tôi xin hứa từ nay chú em tôi sẽ không gây ra bất cứ chuyện gì với các bạn nữa. Hưng, em có đồng ý vậy không?
Thằng “Cụ Mượt” nhìn Bích, lặng lẽ gật đầu, nhưng đôi mắt vẫn vô cùng cảnh giác. Nó biết trong người Bích còn một lưỡi lê. Anh đội mũ tai bèo hiểu ngay. Anh nói với Bích, vẫn bằng cái giọng rất hiền:
– Nếu tôi đến để đánh nhau, thử hỏi bây giờ bạn có đứng đây được không? Nếu tôi định đánh nhau, tôi có chọn cách đi vào một nơi không có lối thoát để cho mấy chục bạn vây ngoài kia không? Tôi chỉ muốn, hay có thể nói là xin các bạn: Từ nay trở đi, các bạn và chú em tôi giảng hòa, không đánh nhau nữa.
Bích ngẩn ra, không biết nói thế nào. Hòa ôn tồn:
– Mong anh hiểu, chúng tôi với em anh không thù oán, nhưng nó vô cớ theo bọn Hảo Bẹt đến tận cổng trường đánh chúng tôi, xúc phạm danh dự của Quân khu Nam Đồng. Nếu anh đã nói vậy, chúng tôi cũng bằng lòng, với điều kiện thằng em của anh phải xin lỗi chúng tôi, và cam kết từ nay trở đi không theo đuôi Hảo Bẹt đánh nhau với chúng tôi nữa. Nếu không, chuyện này sẽ không bao giờ chấm dứt. Dù anh có rút khẩu súng sau lưng ra, chúng tôi cũng không sợ.
Anh đội mũ tai bèo nhìn Hòa, một thoáng ngạc nhiên trong mắt:
– Xin cám ơn bạn đã vào đây mà không mang theo vũ khí. Tôi đánh giá cao thiện chí của bạn. Tôi xin lỗi, tôi hoàn toàn không có ý định mang theo súng để bắn hay dọa các bạn… Khá thật đấy, sao các bạn phát hiện ra nhỉ? Chẳng qua sau đây tôi phải đi ngay cùng đơn vị nên buộc phải mang theo. Hưng, anh thấy bạn này nói cũng có lý. Em có thể xin lỗi các bạn và hứa sẽ không tham gia với Hải trong các chuyện về sau không?
Cái giọng nhẹ nhàng của anh ta có một ma lực không thể cãi được. Hưng “Cụ Mượt” cúi đầu nói lời xin lỗi và hứa sẽ nghe lời anh Hai, cam kết trong mọi hoàn cảnh không tham gia đánh nhau cùng với Hảo Bẹt. Anh đội mũ tai bèo vẫn ôn tồn:
– Tôi rất mừng vì các bạn đã thỏa thuận được. Tôi không còn thời gian để can thiệp vào chuyện của các bạn với Hảo. Đành để hai bên tự giải quyết thôi. Nhưng tôi mong đôi bên có thể giải quyết ổn thỏa như các bạn giải quyết với chú em tôi. Nếu các bạn cứ tiếp tục đánh nhau như vậy, các bạn sẽ làm hỏng tương lai của mình, tương lai của những người trẻ tuổi, quả cảm, đầy khí phách nhưng… hơi chệch hướng. Đất nước cần chúng ta đánh giặc, chứ đâu cần các bạn đánh nhau kiểu này. Tôi tên là Nam. Hy vọng có ngày mình gặp nhau ở chiến trường. Ngoài đấy, những người như các bạn quý lắm. Thôi, tôi phải đi cho kịp. À, bạn này… tên là gì nhỉ? Tôi muốn nói riêng với bạn đôi điều.
Anh nhẹ nhàng khoác vai Bích như khoác vai một chú em, dẫn ra góc sân nói nhỏ mấy câu. Hòa thấy Bích nghe xong, lặng lẽ nhìn anh ta, không biểu hiện thái độ gì cả.
Anh bắt tay Hòa và Bích rồi nhẹ nhàng gỡ những sợi xích quấn quanh cổng. Khi gỡ, anh nhìn Hòa, gật đầu nhè nhẹ. Anh đi, để Hưng “Cụ Mượt” giữa đám đông mấy chục thằng đang hầm hè, không hề nhìn lại. Hưng vừa ra khỏi cổng sắt, Quốc Tẩm nhớ chuyện cũ, cầm búa lao tới. Hòa đã tính tới tình huống này, nó lách người chắn trước mặt Quốc Tẩm, lắc đầu: “Để nó đi. Tao vừa đồng ý giảng hòa”. Quốc Tẩm thu búa lại nhưng vẫn lầu bầu: “Mày giảng hòa chứ tao đâu có giảng hòa. Hôm nọ nó đánh tao chứ đâu đánh mày”. Hòa vẫn nhẹ nhàng, nhưng giọng lành lạnh: “Nếu mày nghĩ kiểu như vậy thì mày phải đánh nhau với tao đấy!”. Việt bảo Quốc Tẩm: “Mày không được nói vậy. Hòa và Bích đại diện anh em mình giải quyết vụ này. Quyết định của nó là quyết định của Quân khu”.
Buổi chiều, cả bọn nghe Hòa kể lại câu chuyện lúc trưa với anh Nam và Hưng “Cụ Mượt”, không hiểu sao đứa nào cũng cảm thấy gợn lên, dù ít dù nhiều, một cái gì đó ở trong sâu thẳm, tuy nhất thời chúng nó chưa nghĩ ra đó là cái gì.
Mãi về sau, Hòa hỏi Bích, lúc anh Nam kéo nó ra góc sân, anh nói gì? Bích bảo: “Ông ấy nói: Tôi thấy bạn vô cùng nhanh nhẹn, gan dạ, có tố chất. Sau này bạn làm lính biệt động hay trinh sát sẽ rất tuyệt vời. Nhưng nếu có thể, từ nay bạn đừng mang dao theo người. Bạn thuộc loại không rút dao ra thì thôi, đã rút dao là có máu chảy. Oan nghiệt đấy… hãy tin lời tôi!”