Quân Khu Nam Đồng - Chương 19

Chuyện bố con

1

Sáng chủ nhật, Đỗ nhắn Khanh và Hòa ra nhà nó để bàn về việc phấn đấu vào Đoàn. Nó đã nhận trách nhiệm với Chi đoàn là người giới thiệu thứ nhất, giúp hai bạn trở thành đoàn viên. Khanh cười hì hì: “Chắc nó sợ vào khu mình sẽ bị ông dỗ nó bỏ tà theo chính như Giang Cận”. Hòa bảo: “Ông nói vậy hóa ra mình phấn đấu vào Đoàn là bỏ chính theo tà à? Cẩn thận cái mồm đấy!”. Khanh lấy tay tự đập đập vào mồm: “Phỉ thui, phỉ thui!”, dù chẳng hiểu “phỉ thui” là cái gì.

Buổi nói chuyện diễn ra khá chân tình và thẳng thắn. Ngoài việc chỉ ra những gì mà hai đứa phải làm, Đỗ còn muốn Hòa và Khanh trao đổi với các bạn trong khu để các bạn ấy hiểu việc gì nên, việc gì không nên làm vào thời điểm này. “Khi đi học, các bạn là thủ lĩnh một vùng. Mọi người nể và sợ các bạn. Nhưng nếu các bạn không chịu phấn đấu, không vào được đại học, trong tương lai, các bạn sẽ bị chính những người mà hôm nay các bạn đánh, các bạn coi thường, thậm chí là em út các bạn, chỉ huy. Vì người ta nhờ có học nên có địa vị cao hơn, còn các bạn không chịu học tập, phấn đấu, chỉ có thể làm công nhân hoặc nhân viên quèn”.

Hòa ngẫm nghĩ, thấy Đỗ nói cũng có lý. Nó bảo:

– Với tôi và Khanh, thi đỗ đại học không phải là chuyện khó. Cái chính là động viên và giúp đỡ tụi kia học tập. Nhưng có lẽ nhiều đứa sẽ không kịp thi đại học. Lứa anh em mình cũng nhiều người sinh năm 1957, thậm chí 1956. Cuối năm nay hoặc đầu năm 1975 là đến tuổi nghĩa vụ quân sự rồi.

Đỗ nói:

– Nghĩa vụ quân sự là quyền lợi nhưng cũng là trách nhiệm của thanh niên, mình muốn lùi, muốn trốn cũng chẳng được. Nhân tiện các bạn là con nhà binh, tôi hỏi gia đình các bạn có quen ai phụ trách tuyển quân không?

Hòa chỉ Khanh: “Bố Khanh làm ở Cục Cán bộ - Bộ Quốc phòng. Chỗ nào ông ấy chả quen”. Khanh nói: “Ông già tôi Bôn sệt lắm. Xin đi nghĩa vụ sớm may ra ông ấy còn giúp, chứ xin hoãn thì đừng hòng. Ông ấy vẫn bảo tôi phải học cho tốt, nắm thật vững kiến thức cơ bản, để khi hoàn thành nghĩa vụ về, củng cố lại và thi vào đại học.

Xin hoãn nghĩa vụ cho tôi vài tháng ông ấy làm thừa sức, nhưng ông ấy chắc chắn không làm”.

Đỗ giải thích: “Tôi có đứa em con ông chú có nguyện vọng đi bộ đội sớm. Hôm nào Khanh cho tôi gặp bác để tôi trình bày”.

Khanh nhanh nhảu: “Chú của Đính phụ trách tuyển quân khu Đống Đa, anh nên nhờ nó”.

Đỗ vẫn từ tốn: “Tôi cũng đang định gặp Đính để bàn chuyện giúp bạn ấy thành cảm tình Đoàn. Tôi sẽ hỏi Đính. Nhưng hôm nào Khanh cho tôi gặp cả bố Khanh nữa. Nếu đi bộ đội, được quen biết lãnh đạo Cục Cán bộ như bố của Khanh cũng là vinh hạnh. Mình muốn tìm hiểu thêm về hướng phấn đấu của đoàn viên, thanh niên trong môi trường quân ngũ”.

Khanh gật đầu: “Bố tôi gặp anh, ông ấy còn mừng là khác. Ông ấy vẫn bảo tôi: “Sao bạn con, đứa nào cũng học kém và hay đánh nhau thế?”. Giờ thấy tôi có bạn là Bí thư Chi đoàn, chắc ông phấn khởi lắm. Cái chuyện anh nói về hướng phấn đấu của thanh niên trong quân ngũ đúng là gãi vào chỗ ngứa của bố tôi. Để tôi thu xếp, tối mai mời anh tới chơi, nói chuyện với ông”.

Sau buổi nói chuyện với Đỗ, bố Khanh rất vui vẻ. Từ ngày sơ tán về đến nay, lần đầu ông thấy con trai mình có được một người bạn thực sự đáng tin cậy. Đối với ông, Đỗ là một thanh niên trung thực, mạnh mẽ và đầy tình cảm. Khanh và đám bạn Quân khu của nó có một người bạn như thế thật đáng mừng. Có những chuyện trong thâm tâm ông rất trăn trở, nửa muốn tâm sự với ai đó, nửa không, là chuyện đi bộ đội của Khanh. Ông biết cuối năm nay, Khanh bước sang tuổi 18, như vậy đầu năm tới nó sẽ phải đi bộ đội, chưa kịp tốt nghiệp phổ thông. Là một cán bộ làm công tác tổ chức, ông hiểu đó là luật, mọi người đều phải tuân thủ. Nhưng ông vẫn muốn giá như Khanh tốt nghiệp phổ thông rồi mới đi bộ đội thì tốt hơn. Hoặc như nó thi đỗ đại học rồi nhập ngũ là tốt nhất, vì có thể bảo lưu kết quả để khi trở về vào thẳng đại học. Còn một điều nữa làm ông băn khoăn, là nó cứ lông bông, chẳng chịu phấn đấu vào Đoàn. Qua buổi nói chuyện với Đỗ, ông như cất đi được cả gánh nặng. Gần đây, sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội ngày càng tốt hơn, đã làm cho lớp thanh niên mới lớn dần thay đổi nhận thức. Việc Khanh được Chi đoàn bồi dưỡng thành cảm tình Đoàn, có thể coi là một bước ngoặt trong cuộc sống. Xác định được hướng đi đúng, đó là điều quan trọng nhất đối với tuổi trẻ!

Một thông tin nữa Đỗ trao đổi, dù chưa chính thức, cũng làm ông thấy mọi việc có chiều hướng tốt lên, đó là Bộ Đại học và Trung học dự định năm tới, những học sinh đi bộ đội trước kỳ thi lớp 10 sẽ được công nhận tốt nghiệp đặc cách. Như vậy sau khi đi bộ đội về, Khanh có thể tập trung ngay vào việc ôn thi đại học, không phải học lại để lấy bằng tốt nghiệp phổ thông. Ông muốn nó thi vào Đại học Quân sự hoặc Trường Sỹ quan Lục quân, thậm chí nếu học được cả hai trường càng tốt, để sau này nối nghiệp ông. Đỗ đưa ra một gợi ý rất hay mà ông thấy có thể xem xét: Có thể cho Khanh nhập ngũ sớm, sau đó gửi đi học Trường Văn hóa quân đội ở Lạng Sơn. Từ đó, Khanh sẽ thi vào Trường Sỹ quan Lục quân hay Đại học Kỹ thuật Quân sự, với tư cách một quân nhân đi học. Sâu thẳm trong lòng của người cha, ông biết nếu chọn con đường này, trong bốn, năm năm tới, Khanh sẽ chưa phải ra chiến trường. Mấy chục năm tham gia chiến đấu, ông hiểu những gì người chiến sỹ phải trải qua dưới mưa bom bão đạn. Tất nhiên, học xong, Khanh cũng sẽ tham gia chiến đấu. Cuộc chiến còn dài, vũ khí ngày càng được cải tiến và hiện đại. Nếu được đào tạo cơ bản, quân nhân sẽ cống hiến cho đất nước được nhiều hơn. Ông ngạc nhiên, sao một việc đơn giản thế mà mình không hề nghĩ đến. Có thể thế hệ của ông chỉ quen suy nghĩ một chiều, luôn nhận những khó khăn, gian khổ về phần mình, không hề đòi hỏi bất cứ đặc quyền, đặc lợi nào cho bản thân và gia đình. Việc Đỗ đặt vấn đề cho hướng đi của Khanh làm ông thấy thanh thản. Suy cho cùng, đó cũng là cách để thanh niên cống hiến cho đất nước, thậm chí còn cống hiến được nhiều hơn.

Trong thâm tâm, bố Khanh luôn mong muốn sau này Khanh sẽ nối nghiệp ông. Cách suy nghĩ về định hướng nghề nghiệp của Đỗ làm ông vô cùng tâm đắc. Đỗ ví von: “Napoleon nói: Trong bao đạn của mỗi người lính đều có một cây gậy thống chế! Cháu nghĩ, các bạn ở khu Nam Đồng, với truyền thống gia đình, nếu tham gia quân đội và được đào tạo bài bản, sau này chắc chắn sẽ trở nên những quân nhân ưu tú, thậm chí trở thành những tướng lĩnh xuất sắc của quân đội”. Ông tự nhủ, sẽ cố gắng tạo điều kiện để Khanh được gần Đỗ. Có một người bạn đàng hoàng, chín chắn và sâu sắc như thế, Khanh sẽ sớm trưởng thành. Ông hỏi tuổi Đỗ, biết nó sinh cùng năm, cùng tháng với Khanh và cũng có nguyện vọng thi vào Đại học Quân sự để phục vụ quân đội lâu dài. Nếu hai đứa chúng nó vừa là bạn bè, vừa là đồng chí thì tốt quá. Ông tự nhủ, sẽ thu xếp cho cả hai sau khi nhập ngũ được cử đi ôn văn hóa để thi vào Đại học Quân sự. Nhưng vốn tính thận trọng, ông không vội đặt vấn đề.

Một tuần sau khi nói chuyện với Đỗ, bố Khanh dành một buổi tối tâm sự với con, vạch cho nó một hướng đi rõ ràng, tỉ mỉ. Khanh chưa bao giờ thấy bố nói chuyện nghiêm túc với nó như lần này, cứ như bằng vai phải lứa với nhau, nên nó cũng gật gù và bảo: “Bố cho con suy nghĩ thêm rồi báo cáo lại với bố”. Cuộc trao đổi vừa dứt, nó đã chạy xuống chỗ tập xà ở sân Nhà 5 kể cho cả bọn nghe: “Hôm nay bố tao lại vạch cho tao một cái kế hoạch rất buồn cười…”. Từ lâu, Khanh đã xác định cho bản thân một hướng đi rõ ràng: Đến tuổi nhập ngũ là lên đường đánh giặc. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự về, sẽ thi vào trường Đại học Kinh tế Kế hoạch. Nó lý luận: “Mọi mâu thuẫn đều xuất phát từ kinh tế. Mình học kinh tế là nắm được cái gốc của xã hội, điều hòa được mọi mâu thuẫn, góp phần xây dựng đất nước sau chiến tranh. Bố tao rất lạc hậu. Ông cứ nghĩ ai cũng phải làm bộ đội như ông. Đánh xong giặc rồi thì cần gì nhiều bộ đội. Lúc đấy cần các nhà kinh tế giỏi. Tao phải đi trước đón đầu”. Hòa phụ họa: “Trong lúc cả dân tộc ra chiến trường, mình lại chui vào cái trường quân sự nào đó học 4 năm thì chán chết. Giặc đến là đánh, chứ chả nhẽ lại bảo: Chờ tao đi học võ 5 năm đã”. Khanh nói: “Sớm muộn, tao cũng phải đập tan cái định hướng viển vông của ông già tao. Nhưng trước khi làm cho ước vọng của đời ông tan vỡ, tao cứ để ông mơ tưởng thêm ít ngày. Không bao giờ tao thi vào Đại học Quân sự. Trong khi ông ấy còn muốn tao học thêm cả trường Sĩ quan Lục quân nữa”. Đính vỗ vai Khanh: “Sau này tao mà đẻ được thằng con cãi bố nhem nhẻm như mày, tao thà thả trôi sông!”

2

Các ông bố sống trong khu tập thể Nam Đồng có một điểm chung: họ hầu như không có thời gian chăm sóc con cái. Những khi chúng cần đến sự bảo ban, hướng dẫn của bố, họ lại không có mặt. Không có mặt theo ba mức độ: Thứ nhất, họ không bao giờ còn có thể có mặt khi con họ cần, đó là bố của Ngọc, Quang Anh…; thứ hai, họ ở các chiến trường xa, vài năm mới tạt qua nhà ít ngày, nên chẳng gần con được bao nhiêu; thứ ba, họ ở gần, nhưng chẳng mấy khi có thời gian ngó đến con. Thậm chí, kể cả ở bên con, những quân nhân, mà chủ yếu xuất thân từ nông dân, trưởng thành trong chiến đấu, cũng chẳng giúp được con mình giải các bài Toán, Lý, Hóa phức tạp. Có những người đi chiến trường từ ngày con chưa ra đời, khi về, cho dù đã dỗ nó bằng đủ các loại bánh kẹo, còn nó thì thèm chảy nước dãi, nhưng vẫn nhất định không chịu gọi một tiếng “bố”. Ngược lại, có những nhà bố con khá thân nhau, như nhà Khanh chẳng hạn, rất hay tâm sự. Nhưng chỉ là về những chuyện lặt vặt, còn những vấn đề như phương hướng phấn đấu, kế hoạch tương lai, thì hai bố con luôn có suy nghĩ trái ngược. Ở đơn vị, các ông chỉ nói một câu là hàng trăm, hàng nghìn người nghe răm rắp, thế mà về nhà nói mỏi mồm vẫn không thuyết phục nổi đứa con. Đúng là dao sắc không gọt được chuôi.

Một trong những điểm khác biệt giữa Quân đội Nhân dân Việt Nam và quân đội các nước khác trên thế giới là họ có riêng một đội quân nghệ thuật của mình. Họa sỹ có Quang Thọ, Nguyễn Nghiêm. Nhạc sỹ có Thuận Yến, Văn An, Nguyễn Đức Toàn. Nhà văn có Hữu Mai, Đỗ Chu, Hồ Phương, Hải Hồ… Tiếc thay, con cái họ, chẳng mấy đứa chịu theo nghiệp bố.

Khi bố Hòa, một nhà văn cầm súng, khuyên con cố gắng học giỏi môn Văn để sau này theo văn nghiệp thì cậu quý tử của ông tuyên bố nó không muốn theo con đường văn chương khi chưa biết năng khiếu bố di truyền cho tới đâu. Tuy không bằng lòng, song ông cũng thấy phân vân. Đúng là làm nghệ thuật phải có năng khiếu. Nếu không có mà theo đuổi nghề thì chỉ hại nó.

Cuối năm 1974, hai bố con trao đổi về chuyện chọn ngành nghề. Ông muốn nó thi vào khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp. Văn chương là thứ duy nhất ông có thể giúp đỡ nó. Trong thâm tâm, ông vẫn muốn sự nghiệp của mình có người tiếp bước. Ông mê viết lách từ thuở nhỏ. Và ông có cơ may được trải qua, được làm nhân chứng trong hai cuộc kháng chiến, được tiếp xúc với một khối lượng tư liệu vô cùng đồ sộ và phong phú. Ông mê mải viết. Hơn sáu chục đầu sách về quân đội, về cải cách ruộng đất, về chiến tranh, về đại tướng Võ Nguyên Giáp lần lượt ra đời và được đánh giá cao… Nhưng ông vẫn cho rằng mình chỉ là người chép sử. Ông muốn lưu lại thật nhanh và chính xác những nhân vật và sự kiện mình chứng kiến trong hai cuộc kháng chiến, làm tư liệu cho các thế hệ sau này. Trong thâm tâm, ông vẫn ấp ủ có ngày sẽ viết những cuốn tiểu thuyết “cho mình”, được thả hồn lên con chữ, gạt sang một bên những thúc ép của tòa soạn, của nhà xuất bản, của chiến trường và nhiệm vụ chính trị. Nhưng ông không đủ thời gian. Ông không được phép viết chậm. Đó là trách nhiệm và sự thỏa hiệp của ông với sự nghiệp. Đòi hỏi hoàn thành nhiệm vụ của người lính và sự khiêm nhường bản năng, luôn giấu mình đi đã khiến ông trở thành người chép sử bằng văn mà không kịp hoàn thành những giấc mơ dang dở về những cuốn tiểu thuyết mang dấu ấn cá nhân. Thỉnh thoảng, đọc những bài văn của con trai, ông thấy văn phong của nó viết khá rõ ràng, mạch lạc. Nếu được đào tạo bài bản, biết đâu nó sẽ tiếp bước ông. Cuộc chiến này chưa biết đến khi nào kết thúc. Quân đội vẫn cần những chiến sỹ vừa biết cầm súng, vừa biết cầm bút.

Ông thực sự bất ngờ và thất vọng khi nghe con cho biết nó đã quyết định thi vào đại học Kinh tế Kế hoạch. Nó nói không muốn sau này sống nghèo khổ như những nhà văn quân đội. “Con học ngành kinh tế để góp phần xây dựng lại đất nước sau chiến tranh. Đánh giặc xong, sẽ cần nhiều nhà kinh tế giỏi”. Con với chả cái! Nó không biết rằng cuộc sống nó cho là nghèo khổ hôm nay còn sướng gấp chán vạn lần ngày ông chưa đẻ ra nó. Ông phân vân…? Suốt cuộc đời, ông không hề quan tâm đến vật chất, tiền bạc. Có đồng nào, ông đều nộp cho vợ hết. Vợ cho ăn gì, ông ăn nấy. Quân đội phát quần áo gì, ông mặc nấy, mà mặc còn chẳng hết. Thế mà con ông và đám bạn nó, dù mới cách ông một thế hệ, đã có những suy nghĩ khác hẳn. Nhìn về tương lai, chúng không chấp nhận sự nghèo khó, lại còn vỗ ngực nói thế hệ chúng con sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn để sánh vai với các cường quốc năm châu như lời Bác Hồ đã dạy.

Hình như bọn trẻ đã lớn khôn… Chiến tranh kéo dài thêm một, hai năm nữa, chắc chắn chúng sẽ phải ra trận hết. Và, như hầu hết các ông bố - bộ đội khác trong khu tập thể, ông quyết định tôn trọng sự lựa chọn của con cái. Có thể thời cuộc, tuổi trẻ và sự hiểu biết khiến cho sự lựa chọn của chúng hợp lý hơn những ý định của các ông bố vốn chỉ biết quân lệnh và nhằm thẳng quân thù mà bắn.

Hòa còn bất đồng với bố về chuyện khác. Tiếng là kém bọn Việt, Khanh, Đính, Minh… một tuổi, nhưng thực ra nó chỉ kém mấy tháng, do đứa sinh cuối năm trước, đứa sinh đầu năm sau. Nó đề nghị bố thời gian tới cho nhập ngũ sớm, để được cùng đi bộ đội một đợt với bạn bè cho vui. Bố nó không đồng ý, cho rằng nó không biết rõ bổn phận của mình trong từng giai đoạn. Giai đoạn này, nhiệm vụ của nó là học tập, hãy học cho tốt. Khi nào Khu đội gọi, lúc đấy sẽ đi khám tuyển và lên đường. Ông còn mắng nó là thiếu nghiêm túc, coi chuyện ra chiến trường như chuyện bạn bè rủ nhau đi chơi. Ông giải thích cho nó, đi bộ đội là nghĩa vụ của thanh niên đối với đất nước, là một công việc vô cùng gian khổ, đòi hỏi sự hy sinh về vật chất, tinh thần và cả tính mạng. Vì vậy, hăng hái, nhiệt tình thôi chưa đủ, mà phải chuẩn bị thật tốt tinh thần và ý chí để sau này vượt qua được mọi thử thách. Hòa hậm hực, nhưng không dám cãi. Khi nó tâm sự với Khanh, Khanh tán đồng: “Tao thấy hình như các ông bố bà mẹ đều không muốn cho con mình ra chiến trường sớm. Cái sai lầm nhất của các ông bà ấy là nghĩ con mình ra trận có thể chết, không chịu nghĩ con mình sẽ đánh tan giặc, chiến thắng trở về”. Hòa nói: “Đành rằng tâm lý là thế. Nhưng ở đời sống chết có số, sợ gì. Mà nếu thằng nào cũng sợ chết không đi đánh giặc thì làm gì có cái đất nước này, khu tập thể này?… Nhưng nói vậy thôi, các ông bà già ở khu Nam Đồng nhà mình Bôn sệt lắm, truyền thống cách mạng tràn đầy. Đố thằng nào đến tuổi nghĩa vụ quân sự, trốn đi bộ đội mà sống được ở đây”.

3

Tất nhiên không phải nhà nào con cũng “cãi bố nhem nhẻm” và làm cho định hướng về tương lai con cái của bố mình tan vỡ. Khác với Khanh và Hòa, khi ba Việt bàn với nó chuyện vào bộ đội để rèn luyện một thời gian, sau này có điều kiện, sẽ thi vào trường Đại học Quân sự và phục vụ lâu dài trong quân đội, nó đồng ý ngay. Việt là con út trong nhà, nhưng nó hợp với ba má nhất.

Nhà Việt có ba chị em. Tháng Mười năm 1954, ba má nó ra miền Bắc tập kết theo Hiệp định Geneve. Lúc đó, chị nó mới hai tuổi, “Tổ chức” động viên má nó gửi lại cho gia đình nuôi. Tưởng đi hai năm sẽ trở về Tổng tuyển cử, ai ngờ chớp mắt, hai mươi năm đã trôi qua. Hai anh em nó lần lượt ra đời ở Hà Nội, còn chị Hai thì bặt tin tức. Anh trai Việt thuộc lứa học sinh trường Trỗi, cũng hay đánh nhau, nhưng khác Việt ở chỗ học giỏi, cộng thêm điểm ưu tiên học sinh miền Nam vào kết quả thi đại học, vừa đủ điểm đi nước ngoài. Ba Việt thường xuyên đi công tác. Má nó là thư ký của bà Nguyễn Thị Thập, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nên cũng xa nhà liên miên. Họ hàng ở Hà Nội chẳng có ai, thành thử ngay từ nhỏ Việt đã quen ở nhà một mình, tự quyết định các việc. Việt luôn được má dặn dò: “Con là người miền Nam. Sau này khôn lớn, con sẽ phải cầm súng, trở về giải phóng quê hương, để gia đình mình cùng chị Hai sum họp”. Với dòng máu Nam Bộ tự do, hào sảng, Việt lớn lên trong sự háo hức được nhanh chóng trở về miền Nam chiến đấu, giải phóng cho chị Hai, người mà trong tiềm thức của nó vô cùng dịu dàng, xinh đẹp… Việt hồn nhiên nghĩ những việc nó đánh nhau bây giờ, cũng là một cách rèn luyện kỹ năng, giúp nó sau này vào chiến trường thành một người lính thực thụ.

Có một đêm khuya, Việt vô tình nghe được câu chuyện ba má nó tâm sự. Ba nó định sau này về già, hai người sẽ sống với Việt, dù nó là út, vì nó tuy nghịch ngợm, hay đánh nhau, nhưng là đứa chu đáo, tình cảm và hiếu thảo. Ba Việt rất day dứt vì bao nhiêu năm qua bận rộn công việc, chẳng có nhiều thời gian tâm sự, chuyện trò, giúp đỡ Việt về việc học hành, định hướng, nên nó hơi tự do. Vì vậy, những gì có thể làm để bù đắp cho con, ông đều cố gắng hết sức. Việt lắng nghe, phát hiện ra nhiều điều trước đây nó không hề để ý. Như chuyện mỗi lần đi chiến dịch, ông chỉ mang theo một lượng nhỏ lương khô, còn để lại nhà. Lương khô quân đội phát để phòng những lúc đột xuất trên đường hành quân, chẳng hạn tắc đường hay lạc đường, không tới được Binh trạm đúng thời gian quy định. Chỉ là mấy phong lương khô, nhưng trên đường hành quân, nó cũng quan trọng như súng đạn, bớt lại cho gia đình là vi phạm kỷ luật chiến trường. Nhưng nhìn ánh mắt thèm thuồng của anh em Việt, ông không đành lòng. Ngoài chuyện ăn rất ngon, lương khô là loại thực phẩm có khả năng bổ sung nhiều dưỡng chất cho các bữa ăn thiếu hụt của mấy má con ở nhà. Trên đường hành quân, ông tranh thủ kiếm củ sắn, củ mài hay những trái chuối, trái trám rừng cho vào ba lô, thay cho số lương khô bị thiếu… Nằm nghe ba má nói chuyện, Việt gai hết người. Nó nhận thấy mình là đứa con bất hiếu, đã phụ sự kỳ vọng của ba má.

Trong tất cả các cán bộ quân đội ở khu tập thể Nam Đồng, ba Việt là khách quen nhất của công an, từ đồn Nam Đồng, đồn Khâm Thiên đến đồn Ngã Tư Sở; là người đứng đầu danh sách các phụ huynh phải lên gặp thầy cô giáo để xin xỏ và cam kết con mình sẽ không lặp lại các khuyết điểm mà chưa hứa, ông đã biết nó sẽ tái phạm. Sau mỗi lần như thế, tưởng ông phải vác gậy mà đánh hay mang dây mà trói nó lại, thì ông chỉ ôn tồn khuyên giải Việt, thuyết phục nó sửa chữa. Mà số Việt cũng lạ, đứa khác đánh đông đánh tây không sao, còn Việt rất hay bị bắt. Nó tham gia đánh nhau bị bắt đã đành, đứa khác đánh nhau công an cũng vào tận khu bắt nó. Ngay cả đi chơi với Hương, nó cũng bị công an bắt.

Hôm đó, sau một đợt giận dỗi, Việt xuống nước làm lành. Hai đứa lững thững đi dạo dọc theo các hàng cây để giải thích, thanh minh, không để ý đến thời gian. Đang nói chuyện thì một tổ dân phòng tới đuổi về vì đã muộn. Không khí chiến sự nơi tiền tuyến càng khẩn trương, an ninh hậu phương, đặc biệt là ở Thủ đô, càng được thắt chặt. Việt, Hương ra về nhưng đến cầu thang nhà B6, khu Kim Liên, lại nấn ná nói thêm chuyện nọ chuyện kia. Khi yêu nhau, nhiều lúc tưởng mới chỉ đứng bên nhau vài phút, thời gian đã trôi qua cả tiếng đồng hồ. Vì muộn, Việt quyết định đi theo đường đê La Thành cho nhanh, dù đường hơi tối, hẹp và gập ghềnh. Tới chỗ có bóng đèn đường ở ngã ba rẽ ra Ngõ chợ Khâm Thiên, Việt bị một tổ tuần tra kiểm tra giấy tờ. Nó không mang theo bất cứ thứ gì chứng minh mình là ai, thế là bị giữ trong đồn công an cạnh đê La Thành, bị hỏi lên hỏi xuống, bị lăn tay… Khi Việt được tha thì cũng ba giờ sáng, báo hại ba má nó một đêm mất ngủ, đi tìm con khắp các đồn công an và bệnh viện.

Sau bao nhiêu năm sống trong gia đình, chưa bao giờ Việt thấy ba mình cáu. Nó là người gây ra tội, nhưng ông lại cảm thấy mình có lỗi. Một thời gian dài, Việt cứ thắc mắc không hiểu sao ba không bao giờ đánh mắng mình như những nhà khác, dù nó mắc cơ man là tội?

Một đêm, má Việt khe khẽ rầy ba nó không quan tâm đến con, để cho Việt theo bạn bè chơi bời lêu lổng, vác dao vác búa đánh nhau. Ba Việt thở dài, nói rất khẽ, nhưng nó vẫn nghe rõ mồn một: “Chưa đầy một năm nữa, con nó sẽ nhập ngũ, rồi ra chiến trường. Chiến tranh phía trước còn ác liệt lắm, chẳng biết thế nào. Cũng phiên phiến thôi bà ạ… Nếu con nó không làm điều gì quá đáng, hãy bỏ qua cho con nó vui…”

Tuy vậy, hôm sau, lúc chỉ có hai bố con, ba Việt cũng nói với nó: “Ba chuẩn bị đi chiến dịch, lần này chắc khá lâu. Ba cảm thấy không an lòng nếu ở nhà con cứ tiếp tục đánh nhau, bị công an bắt. Con hãy cố gắng phấn đấu để trở thành một người con ngoan trò giỏi, một công dân có ích cho xã hội, và là chỗ dựa cho ba má lúc tuổi già”. Việt ngồi lặng lẽ lắng nghe. Nó xúc động, mắt rơm rớm vì sắp phải xa ba một thời gian dài. Ở khu Nam Đồng, những chuyến công tác vào chiến trường luôn có thể là chuyến đi cuối cùng của các ông bố. Nhưng đến khi ba nó nói: “Con chẳng cần trông vào đâu xa, ba muốn con phấn đấu được như bạn Hòa. Nó chẳng bao giờ đánh nhau” thì tí nữa Việt phá lên cười. Chẳng hiểu sao, lần nào nó cùng Hòa tham gia đánh nhau, chỉ toàn nó bị bắt. Số nó đúng là quá đen.

Bích thì luôn tỏ ra hãnh diện là năm năm nay không bị bố mắng vì ngần ấy thời gian, nó có nhìn thấy mặt bố đâu. Bố nó đang chiến đấu tận bên Lào. Suốt cuộc đời quân ngũ, hầu như lúc nào bố nó cũng ở những điểm nóng của chiến trường, một vài năm mới kết hợp công tác, tạt qua nhà mấy hôm. Nghe giọng Bích hỉ hả, Ngọc trề môi: “Thế mà cũng hãnh diện. Tao đây mới là người không bao giờ bị bố mắng!”. Mặc dù Ngọc đùa, nhưng nhìn mắt nó thấy buồn rười rượi.

Thực ra, trong khu cũng có nhiều đứa mang những nỗi buồn thẳm sâu chẳng kém gì Ngọc. Đó là Phúc. Phúc sống suốt tuổi thơ không biết tin ba. Mười năm đằng đẵng, mỗi khi thấy bác đưa thư là nó lao ra ngóng. Má nó hỏi, các chú nói ba được xếp vào diện “mất tích”. Có thể ba bị bắt làm tù binh. Nếu thế phải chờ chiến tranh kết thúc, hoặc chí ít cũng phải tới khi đình chiến và trao đổi tù binh mới biết. Cũng có thể ba lạc đơn vị, được biên chế vào đơn vị mới và nhận nhiệm vụ đặc biệt gì đó trong lòng địch, nên không báo tin về gia đình. Một thời gian dài, rất dài, nó và cả nhà sống trong lo âu phấp phỏng. Mỗi khi đột nhiên nghe vang lên tiếng khóc, tiếng la từ một tầng nhà nào đó vọng lại, nó biết lại có một ông bố không trở về. Hy vọng mong manh cũng là hạnh phúc. Như thế, hàng đêm nó vẫn có ba trong những giấc mơ để tâm sự, để đợi chờ.

Nhưng ba Phúc không bao giờ trở về.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3